NGÔ THÌ NHẬM VỚI TƯ TƯỞNG TAM GIÁO

 

NGÔ THÌ NHẬM VỚI TƯ TƯỞNG TAM GIÁO

        Thích Nhuận Thịnh

A.  DẪN NHẬP

Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là gương mặt trí thức lớn của Việt Nam vào thời Lê – Tây Sơn. Ngay từ ấu niên, ông đã hấp thụ một nền gia giáo căn bản Nho học, Đạo học và Phật học. Mặc dù hoạn lộ và cuộc đời ông đầy cam go, thăng trầm nhưng di sản văn học và tri thức ông để lại cho hậu thế thật lớn lao. Trong đó, về tư tưởng đạo học, đáng kể nhất là bộ Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh – một kết tinh của cả Nho học và Phật học. Song song đó, ông soạn bộ Xuân Thu quản kiến vĩ đại bàn về đạo đức Nho học dành để giáo dục những người theo đuổi khoa bảng và hoạn lộ.

Ông được cha mình là Ngô Thì Sĩ dạy dỗ từ thở nhỏ về tư tưởng Tam giáo đồng nguyên. Tuy nhiên, bản thân Ngô Thì Nhậm có phải theo đuổi hệ tư tưởng này hay không? Đó là lý do người viết chọn đề tài ‘Ngô Thì Nhậm với tư tưởng Tam giáo’ để tìm hướng trả lời cho câu hỏi ấy.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài, chủ yếu căn cứ vào bộ Ngô Thì Nhậm toàn tập, gồm 5 tập

B.  NỘI DUNG

1.     Sơ lược về Tam giáo đồng nguyên

Phật giáo ngay thời kỳ mới du nhập vào Trung Quốc, mà truyền thuyết nói bắt đầu từ thời Hán Minh đế mộng thấy người vàng (năm 61 TL) và Ma Đằng cùng Trúc Pháp Lan dịch kinh Tứ thập nhị chương (năm 68 TL), không lâu sau đã xảy ra những cuộc tranh luận giữa Nho giáo, Đạo giáo với Phật giáo. Những cuộc tranh luận này có ghi rõ trong Hoằng minh tập của Tăng Hựu (僧祐),[1] cũng như nhiều tác phẩm khác.[2] Trải qua một thời gian dài, một số Nho sĩ có nghiên cứu Phật giáo đã cố gắng dung hòa, cũng như nhằm làm dịu đi không khí căng thẳng giữa Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo nên đã đưa ra thuyết ‘Tam giáo đồng nguyên’, tức cả Phật giáo và Nho giáo, Đạo giáo đều có cùng một nguồn gốc, đó là từ ‘nguyên lý tự nhiên’. Như trong Phá tà luận đã thuật lại sự kiện Ngô Tôn Quyền hỏi Khám Trạch (闞澤) như sau:

“Ngô chúa hỏi Thượng thư Lịnh đô khanh hầu Khám Trạch rằng: ‘Từ thời Hán Minh đế đến nay là bao nhiêu năm?’ Khám Trạch đáp: ‘Từ năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Bình đến nay, năm thứ 4 niên hiệu Xích Ô là 175 năm.’ Ngô chúa hỏi: ‘Phật giáo vào đất Hán đã lâu, duyên cớ gì mà nay mới đến được Giang Đông? Khám Trạch đáp: ‘…Khổng và Lão thiết lập nên giáo pháp là vận dụng theo pháp do Trời chế ra nên không dám trái với Trời. Còn chư Phật thiết lập nên giáo pháp thì pháp Trời phải phụng hành theo mà không dám trái với Phật.’”[3]

Ban đầu, các nhà Phật học Trung Quốc đã cố dùng lý luận để thuyết phục tính hữu ích của Phật giáo cho những bậc vua chúa cho phép được truyền bá Phật giáo tại Trung Quốc cổ đại. Từ đó trải qua thời gian dài, cả Nho – Lão và Phật cùng tồn tại, dung hòa vì cả ba đều hướng con người đến cái thiện và áp dụng được vào đời sống thực tiễn con người, đó cũng chính là tiến trình đi đến tư tưởng ‘Tam giáo đồng nguyên’ vậy.

Ở Việt Nam, tinh thần Tam giáo đồng nguyên cũng đã xuất hiện rất sớm như trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang viết:

“Từ thế kỷ thứ ba trở đi tại Việt Nam tinh thần Tam giáo đồng nguyên được duy trì, mãi cho đến cuối đời Lý mới có nho thần Ðàm Di Mông đả kích Phật Giáo. Sau đó tinh thần tam giáo hòa hợp lại được sốngdậy mạnh mẽ với Trần Thái Tông. Tuy vậy đến cuối đời Trần lại có những nho gia đả kích Phật như Trương Hán Siêu và Lê Bá Quát.”[4]

Trong Sự lý viên dung, thiền sư Hương Hải viết: “Trong nơi danh giáo có ba. Nho hay giúp nước, sửa nhà, trị dân. Ðạo thời dưỡng khí an thần. Thuốc trừ tà bệnh, chuyên cần luyện đơn. Thích độ nhân khỏi tam đồ khổ. Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương.” Đồng thời, về phương pháp tu của mỗi đạo, ngài viết: “Nho dùng tam cương ngũ thường. Ðạo diềng ngũ khí, giữ dàng ba nguyên. Thích giáo nhân tam quy ngũ giới. Thể một đường, xe phải dùng ba.”[5] Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện, đức Phật đã dạy rằng Ngài sử dụng Tam thừa để hóa độ chúng sanh, đó là tùy theo căn cơ của mỗi người để áp dụng. Theo tinh thần đó, thiền sư Hương Hải cho rằng Nho và Đạo cùng hướng đến mục tiêu, còn Phật đạo thiết lập cả ba xe chứ chẳng phải một, vì thế giữa ba đạo đều có thể áp dụng giáo hóa, không cần phải loại trừ lẫn nhau. Có thể, một số nhà Nho chỉ trích Phật giáo về phương diện đời sống tu sĩ Phật giáo hơn là triết lý Phật đạo. Bên cạnh tu sĩ Phật giáo chủ trương như thế, một số Nho sĩ có học Phật nên cũng chủ trương tư tưởng Tam giáo đồng nguyên.[6]

2.     Cơ sở tư tưởng Tam giáo của Ngô Thì Nhậm

2.1.          Bẩm thụ giáo dục gia đình

Từ năm 11 tuổi, Ngô Thì Nhậm đã được cụ nội là Ngô Trân dạy dỗ, đến năm 14 tuổi được cha mình là Ngô Thì Sĩ trực tiếp dạy dỗ. Vì thế, ngay từ thuở thiếu thời, ông đã được bẩm thụ một nền giáo dục khuôn phép Nho học của truyền thống gia đình.[7] Một điểm đặc biệt là Ngô Thì Sĩ không chỉ là người tinh thông Nho học, làm quan cho chúa Trịnh, mà ông còn để tâm nghiên cứu Đạo học và trầm tư, tu tập Phật giáo, như vào năm 1760, trong văn bia trùng tu chùa Tam giáo, ông viết:

“Lời khuyên về tịnh độ của nhà Phật, lời bàn về cảnh tiên của nhà Đạo, thuyết tích chứa điều lành có thừa điềm tốt của nhà Nho, thảy đều đúng cả. Đạo Phật chủ trương từ bi, Đạo gia thanh tịnh, Nho gia lấy thuyết nhân nghĩa, trung chính mở đường cương thường của Trời để dựng nên một trật tự cho người. Điều thiết yếu là hợp thế giới hữu hình vào một hư không siêu hình, thu tất cả thiên hình vạn tượng khác nhau vào một chỗ nhất quán. Nhập thế và xuất thế, tác dụng khác nhau mà thể tính thì cũng một. Tôi cho rằng đạo lý chỉ có một mà thôi. Tự do, sáng suốt, không có phân chia đạo nọ đạo kia vậy. Liễu ngộ chỉ có bản tính yên lặng, giữ lấy chỉ là tâm. Chỗ tịch diệt của Như lai, chỗ hư vô của Lão quân, chỗ không muốn nói của Phu tử đều là gom cái tâm mình về chỗ chánh mà thôi.”[8]

Trong Hào mân ai lục, Ngô Thì Nhậm viết nhiều câu đối thờ cha mình, trong đó cũng thể hiện chí bình sinh của Ngô Thì Sĩ, chẳng hạn những câu:

覺岸招提檀樾茂; 儒林譽望斗山高” “Nơi bờ giác, chiêu-đề, đàn-việt xanh tốt; Chốn rừng Nho, cao tựa Bắc Đẩu, Thái Sơn.”

Ý câu đối này, ông muốn tán dương công đức tu hành của Ngô Thì Sĩ là nơi ông tu hành luôn có nhiều vị tăng đến thăm viếng, cũng như thí chủ đến cúng dường rất đông đúc, còn đối với những nhà Nho thì ông là bậc đáng được tán dương và kính ngưỡng như ngôi sao Bắc Đẩu hay núi Thái Sơn.

雄文馳聘歐蘇上; 妙道周旋佛老中” “Áng văn hùng hồn vượt trên họ Âu, họ Tô; Cõi đạo mầu nhiệm xoay trong nhà Phật, nhà Lão.”

Ngô Thì Nhậm khen tài năng văn chương của cha là có văn khí hùng hồn hơn cả Âu Dương Tu và Tô Đông Pha. Đó là biểu hiện ra ngoài, còn trong tâm chí của Ngô Thì Sĩ thì luôn luôn hướng về đạo của Phật và Lão.

鳳麟降世留餘彩;象歸天証上乘” “Phượng, lân giáng xuống cõi đời, lưu lại vẻ phong tao; Rồng, voi trở về cõi trời, chứng được bậc Thượng thừa.”[9]

Trong ‘Đề tựa tập Tân đàm tâm kính lục’ của cha, Ngô Thì Nhậm đã có dịp bộc lộ tri kiến của mình về Nho giáo và Phật giáo:

“Thầy Nhan Hồi một giỏ cơm, một bầu nước, thầy Đạt Ma một cái lọ, một chiếc bát, thầy Tăng Điểm tắm ở sông Nghi, hóng gió ở đài Vũ Vu, thầy Mục Kiền Liên vân du bốn phương, những việc làm đó là để làm cho tấm lòng được trong sáng, thể hiện bản tính, không bị vật dục che lấp, không bị sự việc lôi kéo, cũng đều cùng một đạo đó mà ra vậy. Phu tử cho Nhan Hồi, Tăng Điểm là người hiền; họ Thích tôn Mục Kiền Liên làm tổ sư, Đạt Ma làm tông sư, những ý nghĩ ấy thật sâu sắc thay!”[10]

Nhan Hồi, Tăng Điểm là những học trò của Khổng tử, Mục Kiền Liên là học trò của Phật Thích-ca, Đạt-ma là người truyền Thiền tông đến Trung Quốc. Bốn vị này đều là những người xuất sắc, khi gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn kiên trung giữ ý chí của mình, không bị danh lợi lôi kéo, khi bần cùng cũng không thoái chí, tận lực đem đạo của thầy mình truyền bá khắp nơi, không những muốn cho đạo của thầy được lan tỏa mà xem những gian nan ấy là phương tiện mài giữa ý chí và tâm lực của mình. Ngô Thì Nhậm nói họ cùng một đạo mà ra, tức là đạo xây dựng trên căn bản con người, hay nói khác hơn là lấy ngay tâm con người để hành đạo.

Đồng thời, ông đã nói rõ sự chịu ảnh hưởng tư tưởng Tam giáo đồng nguyên từ chính cha mình:

“Ngọ Phong tướng công là Tiên quân ta, đạo học thuần túy, nghiên cứu sâu cả đạo trời, đạo người, xem rộng cả học thuyết của trăm nhà, đem sáu kinh ra làm khuôn mẫu, viết ra bài văn bia chùa Tam Giáo ở Tuyết Sơn, nói rõ cái tông chỉ nhất quán của Nho, Đạo, Thích. Tôi khi còn nhỏ, được trực tiếp nghe,… Đó là những điều ‘vô tư, vô vi, vô tướng, vô linh,’…”[11]

Đoạn này Ngô Thì Nhậm miêu tả về tri thức của cha mình về cả thế học và đạo học. Ngô Thì Sĩ để tâm nghiên cứu cả Nho, Đạo, và Thích, ông không những nghiên cứu mà còn dành nhiều thì giờ để trầm tư, tu tập. Tuy nhiên, theo Ngô Thì Nhậm, đạo của thân phụ ông là từ Nho và Thích:

“Đạo của Tiên quân bắt nguồn sâu xa ở Nho và Thích, phát ra tràn trề khắp vũ trụ, lưu truyền mãi cho con cháu muôn đời. Nay về sau, trung tín, từ hiếu, nghĩa hạnh, thì thường được giữ mãi, để cho, làm Nho thì không đi ngược lại ý tưởng ‘cách, trí, thành, chính’, làm Thích thì không mơ hồ về phép ‘trị, giác, định, tuệ’, cái toàn thể của đạo là ở cả đó.”[12]

Ngay từ nhỏ, Ngô Thì Nhậm đã tiếp thu phong cách, tri thức và nhất là tư tưởng học đạo ấy của cha. Đây là nền tảng căn bản để tư tưởng của ông phát tiết sau này, tức ông cũng làm quan, nghiên cứu cả Tam giáo nhưng chí bình nhật của ông vẫn để tâm nghiên cứu chủ yếu Nho và Phật, nhất là tu tập thiền.

2.2.          Tri thức và thực nghiệm tu tập Phật giáo

Ngô Thì Nhậm làm quan cho triều Lê, sau khi Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Trung Quốc (năm 1788) thì ông lui về ẩn tại huyện Thạch Thất (Hà Tây). Sau năm năm phiêu bạt, giờ đây ông mới có dịp để thảnh thơi ngồi thiền định, như trong bài thơ ‘Tham thiền vào buổi cuối thu’ trong tập Ngọc đường xuân khiếu, ông viết:








Bấm đốt ngón tay, đã năm năm phiêu dạt.

Mùa thu này mới được tham thiền ở chùa quê.

Hoa cúc vừa nở như treo lên mảnh giáp vàng

Kinh lá bối lại lầm rầm theo dùi mõ ngọc trắng.

Việc cũ mấy phen, chỉ là giấc mơ nước hòe

Ta vẫn như xưa, vấn vương duyên lầu trúc.

Am thiêng còn đó, ánh màu nhiệm lắng trong,

Sáng rọi ao Ngân Câu, gợn nước lăn tăn.[13]

Ông đã tìm được pháp lạc trong khi học đạo và nhất là khi tham thiền nên đã dành nhiều thời gian để tập thiền. Tuy nhiên, khi vai mang trọng trách bề tôi nên ông phải phiêu bạt đó đây để thực thi nhiệm vụ quan lại triều đình, thời gian rảnh rỗi để học đạo tham thiền cũng ít dần. Nay đây, dù trong trong buổi loạn lạc, ông mới lại có cơ hội để tham thiền. Mùa thu hoa cúc nở, nơi am tranh, ông vừa tụng kinh, vừa tham thiền. Ông mừng vì trải bao phen trôi dạt mà chí niệm tu hành vẫn thường trực, vẫn vấn vương am tranh, trang kinh, mới thấy danh lợi như giấc mộng, dù đẹp bao nhiêu cũng vẫn hoàn không.

Có rất ít bài thơ nói riêng về sự tu tập của ông, tuy nhiên qua bài thơ trên cũng cho thấy ngoài việc làm quan lại, phò vua giúp nước, ông còn thường dành thời gian tu tập thiền mỗi khi có cơ hội. Chính nhờ tu tập thiền nên ông đã có những trải nghiệm tâm linh làm chất liệu để khai phóng tinh thần của ông qua tác phẩm Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh vậy.

Tuy nhiên, sự hiểu về hành thiền của ông lại rất kỳ đặc, như trong ‘Bi ký chùa Phổ Tế xã Bạch Sam’ thuộc tập Kim mã hành dư, ông viết:

“Tôi thích uống rượu, tôi thích ngâm thơ, tôi lại cũng thích giảng bàn về huyền lý. Muôn cơ sự trong lòng đã cắt đứt, chống chiếc gậy song đỡ mệt, thân chơi trong cảnh thiền, mà tâm chơi ngoài cõi trần, đó mới là thu lượm được tinh túy của đạo thiền, có thể ẩn ở cảnh thiền vậy!... Nghĩ rằng: Bậc Tam-miệu-tam-bồ-đề cũng nên cùng chí hướng với tôi, ban cho Thông Huyền tâm ấn của Phật bằng thơ bằng rượu, để làm thú tiêu dao trong rừng thiền.”[14]

Ông cho rằng việc ẩn ở cảnh thiền là ở ngay trong ‘động’ mà tâm ‘bất động’ chứ không hẳn là phải lánh trong chùa chiền am thất hay núi thẳm hang sâu, vẫn thi ân giúp đời, vẫn tiếp xúc với xã hội nhưng ‘trong lòng đã cắt đứt’, vẫn luôn luôn không chấp trước gì về thanh hay tâm thì đó mới là tinh túy của đạo thiền. Tất nhiên người vẫn còn ‘ham thích’ hay tiêu dao bằng thơ, bằng rượu thì ‘thiền’ chỉ là một ‘danh hiệu’ nơi đầu lưỡi mà thôi! Phong cách thiền này giống ‘tiên đạo’ hơn là Phật đạo vậy!

Ngoài hành thiền, ông còn tích cực xây dựng chùa chiền làm chốn tu thiền cho mình và khuyến khích mọi người cùng tu, như trong ‘Bài ký quả chuông lớn ở chùa Thanh Nhàn’ thuộc tập Kim mã hành dư, ông kể lại:

“Tôi sinh trưởng ở nhà Nho, khi luống tuổi để tâm tới kinh sách nhà Thiền, tôn sùng ba vị tổ sư rừng Trúc, mua được mảnh đất Phật. Khám thuộc thôn Đỗ Hà xã Hà Liễu, xây ngôi chùa để làm chốn thiền du, thường cùng người trong thôn lúc rỗi tới tham thiền.”[15]

Ngô Thì Nhậm tập thiền theo phái Trúc Lâm, một lòng hướng Phật. Dầu ông có hiểu biết nhất định về Đạo giáo nhưng nhờ tu thiền nên ông vẫn trực nhận sự thiết thực cho nhân sinh của Phật giáo, vì thế ông đã đề nghị sửa Đạo quán thành chùa, bản thân ông cũng góp phần tịnh tài, như trong ‘Bài phổ khuyến sửa lại chùa Tam Thai’ thuộc tập Kim mã hành dư, ông viết:

“Từ khi binh đao xảy ra tới nay, quán này bỏ điêu tàn, tượng thánh cũng đổ nát… Truyện thần tiên thật mênh mang, tôi không thể nào biết được. Phật dẫu là hư vô, mà chủ yếu ở trang nghiêm và bác ái, đạo đó rất gần với người, nên người ta yêu mến mà phụng thờ, không kể đến sự thi ơn báo đức, song vẫn có đạo lí bên trong… Ngày nay mưu tính sửa sang lại cái cảnh đã bị phế hoại, theo y nền cũ, đối ‘quán’ thành ‘tự - chùa’, có thể gọi là ‘Tam Thai tự’ (chùa Tam Thai). Đem tượng Tam Thanh cũ do người phương Bắc đắp, sửa lại thành tượng Tam Thế rước thờ ở gian giữa, để tiện khêu đèn thắp hương.”[16]

3.     Tinh thần Tam giáo đồng nguyên của Ngô Thì Nhậm

Mặc dù Ngô Thì Nhậm hiểu rõ tư tưởng Tam giáo đồng nguyên nhưng trong những tác phẩm của ông, chỉ một vài bài phú có lưu dấu ấn ấy. Trong bài ‘Phú lòng luôn thanh thản’ thuộc tập Kim mã hành dư, ông bày tỏ:

“Khi đóng khi mở, lo gì nghĩ gì? Bởi hun đúc là do mệnh, há trí, sức làm được chi? Lòng dọ thảnh thơi, tuân theo đạo không nghiêng, không ngả; cao xanh soi dọi, thuận lẽ trời không biết, không hay. Trời là như thế nào? Mênh mông cao thẳm. Mây bay, mưa dội, hình thảy trôi đi; tháng lại ngày qua, chút không ngừng lặng. Máy huyền vi xoay vần hun đúc, khi thảm ắt muôn loài đều thảm, lúc thư thì vạn vật đều thư; đạo phát sinh từ chỗ tự nhiên, sắc đen thì muôn thuở vẫn đen, mầu trắng ắt muôn đời vẫn trắng… Không tư lợi, chấp nê, vị kỉ, biết cứng mềm, hiểu lẽ biến thông. Đời dùng thì làm, đời bỏ thì về ẩn, ra hay ẩn, nói hay im, đều bởi hiểu thông thời vận; lời nói thì giữ tin, việc làm thì quyết xong, sống với chết, lo với sợ, chút không vướng bận trong lòng…”[17]

Những lời ở trên nếu không phải của người đã thông cả Tam giáo thì không thể được! Đó là tri thức ‘thuận lẽ trời’ của Nho gia, cụ thể hơn là của Mạnh tử,[18] mà cũng là nhìn thấy đạo ngay từ trong sự vận hành của thiên nhiên mang hơi hướng của Lão Trang, đồng thời biết ‘tùy duyên’ theo Phật đạo. Khi hoàn cảnh thuận hay nghịch, ta đều biết ẩn nhẫn, không xu theo cái ác mà luôn sáng suốt nhận ra cái thiện để theo. Người không câu nệ thì không phiền não, xem tất cả đều là sự vận hành của ‘tự nhiên’, biết thuận thời để xử trí; lời nói ra phải giữ chữ tín, việc cần làm mà trong khuôn khổ của cái thiện thì phải quyết làm đến nơi, không sợ sệt trước cái ác, không luồn cúi, không nịnh bợ.

Trong ‘Phụng nghĩ bài ký đình Thủy Nhất’, một lần nữa ông cho thấy tinh thần này nơi khí tiết của mình:

“Số của trời đất, bắt đầu từ một hội nguyên, lý của âm dương trước hết ở một khuyên thái cực. Số ‘một’ là nơi hóa công chứa cái ‘vô tận’ và thánh nhân chứa đựng cái không bao giờ cạn kiệt. Cái vô tận và cái không bao giờ cạn kiệt, chỉ có núi sông trăng gió mới đương nổi mà thôi… Phu tử ta lên núi Thái Sơn mà thấy thiên hạ nhỏ, việc đó quả như người vịn vách đá leo lên đỉnh núi, cúi nhìn tám cõi, như thấy một đám mịt mờ vô hạn kia không chứa nổi một hạt cải, không định tâm lại được để vạch ra thước tấc vậy… Đến như lên trên núi, trèo lên đỉnh cao, nhìn những chỗ khơi đào khéo léo của tạo hóa, tìm những vết qua lại của cổ kim, xét đến công ‘Vạn thế, bất thế’ của nhà Nho, hiểu được thuyết ‘Vạn tướng vô tướng của nhà Phật’,… Gộp muôn số thành một, hợp những cái khác nhau thành xâu, lý số âm dương của trời đất đều ở đó. Cho nên có câu: ‘Trời được »một« thì trong, đất được »một« thì yên, thánh nhân được »một« thì thiên hạ thái bình.”

 Đoạn này kết tinh vận dụng cả tri thức của Nho – Đạo – Phật. Trong Kinh dịch cho rằng ban đầu có thái cực, từ thái cực sanh lưỡng nghi,… Sum la vạn tượng thảy đều từ nguyên lý ấy mà ra, cũng như Phật giáo nói tất cả pháp đều vô tướng, tức nguyên lý duyên khởi, tuy vô tướng nhưng khởi sanh vạn pháp, vạn pháp chỉ là sự biểu hiện do duyên khởi cho nên tự trong tự thân nó đã là không có tướng gì ‘cố định’ cả. Điểm này, Đạo đức kinh gọi là ‘một’ – nguyên lý của ‘đạo’.

Tuy chỉ qua hai bài phú nhưng đã cho thấy Ngô Thì Nhậm hiểu biết sâu sắc những tinh hoa của cả Tam giáo. Ngoài ra, mạch tư tưởng này cũng được ông vận dụng để viết các câu đối ở nhà thờ cha mình như “朝元昨在蓬萊殿; 了性今登舍衛城” “Chầu về cõi tiên, trước kia ở Bồng Lai điện; Liễu ngộ bản tính, ngày nay lên Xá Vệ thành”, và nhiều câu đối mang chất liệu tương tợ trong tập Hào mân ai lục.

4.     Tư tưởng Nho – Phật qua Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh

4.1.          Tôn chỉ và mục đích của tác phẩm

Sau khi hoàn thành tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Ngô Thì Nhậm gửi tác phẩm ấy cho em rể mình là Phan Huy Ích đề tựa, đồng thời kèm lời dẫn và bài thơ, trong ấy ông đã nêu mục đích và tôn chỉ của tác phẩm này:

“Tôi làm cuốn Tân thanh là cốt đem cái chỗ sâu sắc, huyền diệu của họ Thích tìm kiếm nêu ra, tóm lại, không ra ngoài khuôn khổ của Khổng phu tử ta. Xưa, những người bàn về đạo lý, thường chê bai đạo Phật là dị đoan, vì chỉ thấy chỗ khác của nó chứ chưa biết là chỗ giống của nó. Bởi vậy, khiến phái mặc áo thâm tự lập nên môn hộ riêng đối lập với đạo Nho ta bằng gươm giáo. Khổng tử nói: ‘Đạo ta xâu lại làm một.’ Xâu như xâu tiền tản mác lại thành một chuỗi. Nghĩ rằng, ông cũng đã hiểu rõ ý tôi…

梵教玄深隔奧堂

非聲非法瑩冰塘

道無二致空如色

言有同心闇自章

三祖投禪禪入世

九淵主靜靜生陽

極深底意誰知得

費隱中人會此方

Phật giáo mầu nhiệm đầy nhà thăm thẳm,

Không tiếng tăm, chẳng phép tắc, trong suốt tựa hồ băng.

Đạo không có hai đường, ‘không’ mà ‘sắc’,

Lời nói đồng lòng, bóng tối tự sáng dần.

Tam tổ tu thiền, thiền nhập thế

Cửu Uyên chủ tĩnh, tĩnh sinh dương.

Ý đó rất sâu, ai biết được,

Người trong hàng quân tử mới hiểu điều này.”[19]

Qua lá thư này, chúng ta thấy Ngô Thì Nhậm muốn dùng Phật để giải Nho, đem sự sâu sắc huyền nhiệm của Phật giáo làm sáng tỏ cho Nho học, mục đích đưa đến sự thống nhất uyên nguyên tư tưởng của cả hai. Nhất là, ông lấy tư tưởng tu thiền của Tam tổ Trúc Lâm làm biểu lệ, tức đề cao tính chất nhập thế của Thiền tông đời Trần. Cương lĩnh biên tập hình thành tác phẩm này đã được Phan Huy Ích đúc kết trong lời tựa cho tác phẩm này, rằng:

“Bộ sách Hai mươi bốn thanh âm của ông soạn ra, đã đem hết những chỗ mà lời lẽ của nhà Phật còn lờ mờ huyền bí, chia cắt thành từng đoạn, thâu tóm, tập hợp thành đầu mối theo thứ tự từng tiết, cho nên những gì là tinh túy, uẩn khúc đã được mở rộng ra, rồi đem công hành trên bản in, để tỏ rõ cho rừng thiền được biết.”[20]

4.2.          Sơ lược nội dung liên hệ tư tưởng Nho – Phật hợp nhất

Nội dung của Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh gồm nhiều vị đóng góp. Kết cấu mỗi thanh được bắt đầu với ‘dẫn thanh’, nêu ý nghĩa của tên gọi thanh ấy, thứ đến là lời của thiền sư Hải Lượng (Ngô Thì Nhậm) đối đáp với người hỏi, kết thúc là phần ‘thanh chú’, tức chú giải lời của thiền sư Hải Lượng. Điểm nổi bật dễ nhận thấy đây là tác phẩm “dùng Phật để giải Nho.” Ở đây chỉ nêu vài thanh làm điển hình và chỉ ở những đoạn do thiền sư Hải Lượng nói:

Mở đầu 24 thanh âm là ‘Không thanh’. Nội dung là thiền sư giải thích về danh từ ‘lý’ và ‘dục’ của Nho gia. Lý và dục đều là nguyên tắc tự nhiên. Thiền sư giải thích: ‘理如木節理之理 – lý giống như nguyên lý của cái thớ của cái cây có đốt,’ nghĩa là cái cây mà có đốt thì mỗi đốt nó gắn chặt với nhau một cách tự nhiên theo nguyên lý của nó để hình thành nên toàn thể cái cây. Như vậy, ‘lý’ ở đây được hiểu là ‘nguyên tắc vận hành một cách tự nhiên’ của vạn tượng sum la. Dục cũng vậy, thiền sư đưa ra ví dụ “欲如水走下火炎上之欲[21] “dục giống nước thì chảy xuống, ngọn lửa thì muốn hướng lên,” đó cũng chỉ là nguyên lý tự nhiên sẵn có của vạn vật. ‘Lý’ là nguyên tắc chung, ‘dục’ là từ nguyên tắc chung đó được biểu hiện cụ thể khác nhau nơi mỗi một sự vật. Cũng như thế, ‘không’ là nguyên tắc hay bản chất chung của vạn pháp, còn ‘sắc’ tức là biểu hiện khác nhau của mỗi mỗi pháp, nhưng mỗi một pháp, chẳng có cái nào chẳng phải là ‘không’. Hiểu được nguyên tắc cơ bản này thì hiểu thanh thứ hai.

Ở thanh thứ 2: Ngộ thanh, tức tiếng ‘thức’, học trò hỏi nước/ lửa có phải là nước/ lửa không? Thiền sư vận dụng ý trong kinh Kim cang trả lời rằng “看水是水, 不是眞水[22] “thấy nước là nước thì không phải là nước thật”, bởi danh từ ‘nước’ là danh từ giả được thiết đặt để gọi cho ‘cái được gọi là nước’ chứ không phải chính danh từ ‘nước’ là bản chất thực tại của cái được gọi là ‘nước’ nhưng thế tục phải gán cho nó danh từ ‘nước’ nhằm phân biệt nó với những thứ khác. Do đó, nước, lửa, hay dục, v.v…, tất cả chúng chỉ là danh tự, không phải là bản chất của cái đương thể mà được gọi bằng những danh từ ấy.

Ở thanh thứ 3: Ẩn thanh, tức tiếng ‘ầm’. Như đức Phật đã dạy lý Duyên khởi. Tất cả pháp đều sinh khởi do các duyên tụ hợp, lúc ấy tạm gọi là ‘sinh’, khi các duyên ly tán thì các pháp ấy cũng tan, hay tạm gọi là ‘diệt’. Vậy, sinh hay diệt đều là duyên, không phải có cái ‘sinh’ vĩnh viễn, chân thật hay cố định nào cả, cũng thế, chẳng có cái ‘diệt’ thật. Hiểu được nguyên tắc này thì cả ba thanh đầu tiên sẽ sáng tỏ.

Ở thanh thứ 4: Phát tưởng thanh, thiền sư vận dụng lời Phật dạy trong kinh Kim cang rằng: “Nếu lấy sắc để thấy Ta, lấy âm thanh để cầu Ta, thì người này đang hành đạo tà, không thấy được Ta”[23] và bốn thứ tưởng (ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng) để giải thích về cái ‘phi phi tưởng – chẳng phải chẳng phải tưởng’, hay  cũng giải thích cho “mỗi ngày lớn lên một chút thì người không nhìn thấy”, v.v… của nhà Nho. Vận dụng lý này thì hiểu thanh thứ năm: Kiến thanh.

Ở thanh thứ 6: Hoán thanh – tiếng gọi, là dùng nguyên lý nhân quả của Phật giáo giải thích cho câu “見豕負塗載鬼一車[24] “thấy con heo lấm bùn kéo một xe toàn là quỷ” của Nho gia.

Ở thanh thứ 7: Thuyết thanh – tiếng nói, thiền sư có giải thích rất hay về vấn đề ‘địa ngục’ có trong thuyết của dân gian lẫn Phật giáo. Ông nói: “Ấy là chúng sanh từ bi, Hữu Ngu thị không từ bi, Phật Thích-ca cũng không từ bi, cho nên phá được địa ngục. Nếu chúng sinh không từ bi thì tức là không bị đầy đọa xuống địa ngục. Vì vậy cho nên, giết cha mẹ, giết sư sãi, đó là cái nghĩa bình đẳng thứ nhất của Phật gia.”[25] Ý ông nói rằng, chúng sanh từ bi, không dám giết ái dục (mẹ), sân hận (cha) – những nguyên nhân đưa đến tái sanh và đọa ác đạo như địa ngục, v.v…, nên mới đọa địa ngục khổ đau, ngược lại, đức Phật không từ bi, tức Ngài đã đoạn hết những thứ ấy nên không còn tái sanh và đọa ác đạo nữa.

Ở thanh thứ 8: Thâu thanh – tiếng thâu lại, thiền sư dẫn câu kinh Pháp hoa[26] để giải thích cho nghĩa ‘đại đồng của nhà Nho: “Nho gia nói: ‘Không xuất gia (ra khỏi nhà) mà giáo hóa trong nước được tạo thành, cho nên Thánh nhân coi thiên hạ là một nhà.’ Còn chúng sinh thì nghiệp nặng, bị tật tham lam cố kết, nên tự mình xuất gia. Như là ta nghe Khổng tử nói thế này: ‘Chim muông không thể cùng bầy, nếu ta không bạn bè với người thì còn bạn bè với ai đây?’ Kinh Liên hoa nói rằng: ‘Ta xem hết thảy đều là bình đẳng, không có lòng yêu này ghét nọ. Ta không tham lam, cũng không ngáng trở.’ Không ngáng trở, đó là cái nghĩa đại đồng của nhà Nho vậy.”[27] Ở thanh này, ông cho rằng Bồ-tát có đại thần lực, tức do tu hành đoạn trừ phiền não và thực hiện đầy đủ các công đức rồi nên các ngài không còn bị trói buộc trong sanh tử - ngôi nhà nữa nên không cần phải xuất gia, mà các Ngài ở tại trần gian là để làm bạn nhằm giáo hóa chúng sanh; ngược lại, chúng sanh vẫn còn bị chi phối bởi phiền não, còn đang quanh quẩn trong ngôi nhà sanh tử nên chính chúng sanh mới cần phải xuất gia – ra khỏi nhà sanh tử. Cũng vậy, đức Không tử không còn bị chi phối bởi thế gian nhưng ngài vẫn ở trong thế gian làm bạn với nhân dân, với vua quan, v.v…, để giáo hóa họ. Các ngài đều nhìn chúng sanh với con mắt bình đẳng, không phân thân sơ, bỉ thử, các Bồ-tát đều vậy, đức Phật cũng vậy và đức Không tử cũng vậy. Đó là ông dùng kinh Pháp hoa để giảng cho Luận ngữ của Nho gia…

Ở thanh 11: Trác thanh – thanh đẽo, ông nói: “Nhà Nho nói ‘định mệnh’, nhà Thích nói ‘tiền kiếp’, ‘tiền kiếp cũng chẳng qua là cái ‘định mệnh’ không đổi dời được. Kẻ nào phú quí mà không bo bo với danh lợi thì kẻ đó là người đã khống chế được định mệnh. Cao sĩ chế tác ‘định mệnh’, Đại sĩ biến hóa được ‘tiền kiếp’. Biến hóa được ‘tiền kiếp’ cho nên thành Phật.”[28] Mỗi một chúng sanh được sanh ra trong kiếp sống hiện tại đều là kết quả của những nghiệp đã tạo trong các đời sống trước. Phật giáo gọi đó là năng lực của nghiệp tích lũy quá khứ, còn nhà Nho gọi là định mệnh. Kẻ phàm phu thì phó mặc cho định mệnh, xem đó là ‘trời định’, Phật giáo thì nói có thể thay đổi được nghiệp bằng cách cải tạo hành vi, làm phước thiện ngay trong kiếp sống này, chứ nghiệp không phải là cái cố định vĩnh viễn. Do đó, ông nói rằng kẻ có trí thì tự mình làm chủ hành vi, tức tự mình chế tác ‘định mệnh’, vì nó nằm trong ý niệm và hành vi của chính mình chứ không phải do ‘trời’, bậc đại sĩ tức Bồ-tát thì hiểu rõ nhân – quả nên không tạo ác nghiệp nữa, vì thế thay đổi nghiệp và chấm dứt các quả báo xấu, đó là đã biến hóa được ‘tiền kiếp’.

Ở thanh 14: Biểu lý thanh, thiền sư đưa ra nhận định rằng chỗ sâu xa của kinh Lăng-già mà Phật đã giảng cũng chính là chỗ sâu xa của Kinh Dịch. Kinh Lăng-già nói về ‘tính’ rất rõ ràng. Nhà Phật dùng hình ảnh ẩn dụ qua ngôn ngữ nên mọi người khó hiểu nhưng người nào đã hiểu thì càng thêm thấu đáo. Ông cũng cho rằng lối học từ chương của nhà Nho và hình thức cúng bái của nhà Phật là giống nhau, đó đều là dùng phương tiện cái ‘thô’ bên ngoài thuộc về sự để đạt đến cái ‘tinh’ của đạo lý. Nếu bỏ đi sự tướng bên ngoài thì khó thấu đạt được cái sâu kín vi diệu của đạo lý. Do đó, chạy theo cái ‘thô’ bên ngoài mà quên đi cái ‘tinh’ ẩn bên trong đó thì gây hại vô cùng.

Ở thanh 24: Dư thanh, thiền sư dùng nguyên lý nhân quả của nhà Phật để giải thích cho ‘thạc quả’ – quả lớn của nhà Nho, cụ thể là trong Kinh dịch.

Như vậy, trong tác phẩm này, Ngô Thì Nhậm đã vận dụng kinh Viên giác, kinh Kim cang, kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa, nguyên lý duyên khởi, nhân quả và đạo đức học, v.v… của Phật giáo để giải thích cho những điều khó hiểu của Nho học. Tất nhiên đó cũng là ‘gượng ép’ nhưng là đặc sắc của tác phẩm này. Đồng thời, những lời chú giải của các vị khác ở mỗi thanh càng làm nổi bật cách thức ‘dĩ Phật giải Nho’ của tác phẩm này.

C.  KẾT LUẬN

Qua những phân tích trên, chúng ta thấy rằng Ngô Thì Nhậm chịu ảnh hưởng tư tưởng Tam giáo từ cha mình là Ngô Thì Sĩ nhưng qua các tác phẩm của ông, dấu ấn ‘Tam giáo đồng nguyên’ rất mờ nhạt, ông chỉ vận dụng tư tưởng ấy chủ yếu là nhằm viết những đối liễn ở từ đường thờ cha mình và một số văn tôn vinh sở học và đức độ của cha. Ngược lại, tinh thần Nho – Phật hợp nhất của ông là rõ nét và nổi bật. Nhờ được giáo dục gia giáo từ nhỏ về Tam giáo, cộng thêm quá trình tự mình nghiên cứu nên Ngô Thì Nhậm đã có những hiểu biết rất tinh tế về giáo lý Phật đạo, cũng như đã chính mình thực tập thiền. Mặc dầu cách hiểu về thiền ‘nhập thế’ của ông không hẳn là cách ‘nhập thế’ của các thiền sư đời Trần nhưng qua đó cũng đã làm nổi bật lên tinh thần rằng Phật giáo không phải ‘yếm thế’ mà là tích cực vì đời và cứu đời.

Có thể nói, ông đã thành tựu về văn học và tư tưởng cả Nho học và Phật học. Những kiến giải sâu sắc của ông trong Xuân thu quản kiến đủ để làm phương châm cho người đời, không những nhà Nho học dõi theo hoạn lộ đời xưa, mà ngay cả trong nền giáo dục của xã hội hiện tại và tương lai nữa, tinh thần đạo đức nhân nghĩa luôn luôn phải được đề cao để làm giềng mối ổn định và phát triển xã hội. Đặc biệt, ông là một người con rất có hiếu, mặc dù hoạn lộ gập ghềnh nhưng tinh thần báo hiếu và thờ cúng, ngưỡng vọng về cha mẹ, tổ tiên lúc nào cũng thường trực.

Còn về Phật học, nhờ đọc rộng nhiều kinh điển Đại thừa mà ông đã nhìn ra điểm tinh túy của nó, đồng thời ông cũng đã tích cực đem thiền ‘nhập thế’, tùy duyên xử sự. Từ điểm tinh túy ấy ông đã vận dụng nhuần nhuyễn giáo lý Phật đạo để giải thích cho những chỗ thâm thúy của Nho gia, mở ra một chân trời mới kết hợp cả Phật và Nho. Đó là điểm đặc sắc nổi bật nhất của cuộc đời ông đã để lại cho hậu thế.  


THƯ MỤC THAM KHẢO

  

 

¾   Huệ Khải (2013), Tam Giáo Việt Nam - tiền đề tư tưởng mở đạo Cao Đài, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo.

¾   Lâm Giang (chủ biên, 2003), Ngô Thì Nhậm toàn tập, Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 5 tập.

¾   Nguyễn Lang (tb. 2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: Nxb Văn Học.

¾   《金剛般若波羅蜜經》T08, no. 235.

¾   《弘明集》 T52, no. 2102.

¾   《破邪論》 T52, no. 2109.

¾   《妙法蓮華經》T09, no. 262.



[1] 「梁,楊都建初寺釋僧祐撰」《弘明集》 T52, no. 2102.

[2] Tập 52 của tạng Đại Chánh đã sao lục rất nhiều, như Phá tà luận, Biện chánh luận, Hộ pháp luận, Biện ngụy lục, v.v…

[3] 《破邪論》卷1:「吳主問尚書令都卿侯闞澤曰。漢明帝已來凡有幾年。闞澤對曰。從永平十年至今赤烏四年。合一百七十五年。吳主曰。佛教入漢既久。何緣始至江東。闞澤對曰。。。 孔老設教。法天制用不敢違天。諸佛設教。天法奉行不敢違佛。」(T52, no. 2109, pp. 480c10-481a6)

[4] Nguyễn Lang (tb. 2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: Nxb Văn Học, tr. 636-637.

[5] Dẫn theo: Nguyễn Lang, sđd, tr. 644-645.

[6] Xem: Nguyễn Lang, sđd, tr. 645ff.

[7] Tham khảo: Lâm Giang (chủ biên, 2003), Ngô Thì Nhậm toàn tập, Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, tập 1, tr. 9ff.

[8] Dẫn theo: Huệ Khải (2013), Tam Giáo Việt Nam - tiền đề tư tưởng mở đạo Cao Đài, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, tr. 72-73.

[9] Ngô Thì Nhậm toàn tập, sđd, tập II, tr. 420, 421, 424.

[10] Ngô Thì Nhậm toàn tập, sđd, tập 1, tr. 759.

[11] op. cit. tr. 759.

[12] ibid., tr. 760.

[13] Ngô Thì Nhậm toàn tập, sđd, tập 2, tr. 12.

[14] Ngô Thì Nhậm toàn tập, sđd, tập 1, tr. 490.

[15] op.cit., tập 1, tr. 450.

[16] op. cit., tr. 672.

[17] op.cit., tr. 342-343.

[18] 順天者存,逆天者亡。Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong.

[19] Ngô Thì Nhậm toàn tập, sđd, tập 2, tr. 157-158.

[20] Ngô Thì Nhậm toàn tập, sđd, tập 5, tr. 37-38.

[21] ibid., tr. 112.

[22] ibid., tr. 134.

[23] 《金剛般若波羅蜜經》:「若以色見我,以音聲求我,是人行邪道,不能見如來」(T08, no. 235, p. 752a17-18)

[24] Ngô Thì Nhậm toàn tập, sđd, tập 5, tr. 186.

[25] ibid., tr. 211. Nội dung Phật dạy này trong kinh Pháp cú: 《法句經》卷1:「學先斷母,率君二臣,

廢諸營從,是上道人。」(T04, no. 210, p. 559c3-4), tương đương kệ 295 của Dhammapada (Pali).

[26] 《妙法蓮華經》卷3:「我觀一切,普皆平等,無有彼此,愛憎之心。我無貪著,亦無限礙,恒為一切,  平等說法。 」(T09, no. 262, p. 20a13-15)

[27] Ngô Thì Nhậm toàn tập, sđd, tập 5, tr. 224.

[28] ibid., tr. 261.