PHẠM TRÙ BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG TRONG TRIẾT HỌC CỦA KARL MARX

PHẠM TRÙ BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG TRONG TRIẾT HỌC CỦA KARL MARX

A. DẪN NHẬP

Lịch sử triết học phương Tây từ thời cổ đại cho đến hiện đại đã xuất hiện rất nhiều trường phái, từ duy vật đến duy tâm, từ mức độ chất phát đến siêu hình rồi biện chứng… Trong đó, nổi bật nhất là triết gia Karl Marx với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ông đã đề ra phép biện chứng với nhiều khái niệm cơ bản tương đối hoàn hảo hơn so với những triết gia trước đó. Vấn đề nhận thức đã được đề lên hàng đầu, và tất nhiên, những cặp phạm trù nằm trong sự nhận thức cũng được xây dựng chặt chẽ theo.

Để trả lời cho câu hỏi được nêu lên ở trên, chúng ta có thể tìm ra hướng tri thức qua cặp phạm trù bản chất và hiện tượng. Vì vậy, nó là lí do thúc đẩy chúng ta đi tìm hiểu.

B. NỘI DUNG

1. Phạm trù bản chất và hiện tượng là gì?

“Bản chất là tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên tương đối ổn định ở bên tron sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật đó. Còn hiện tượng là biểu hiện của những mặt, những mối liên hệ ấy ra bên ngoài”.[1]

Qua định nghĩa trên, bản chất là cái bên trong, là cái bản chất tạo nên và của sự vật, có tính cách tương đối ổn định; còn hiện tượng là những biểu hiện bên ngoài của sự vật, nó dễ dàng biến đổi theo không gian và thời gian.

Cặp phạm trù này xuyên suốt từ vật chất, con người cho đến các hiện tượng kinh tế - xã hội. Vì vậy, sự nhận thức đúng đắn sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với xã hội ngày nay.

Bản chất diễn tả những đặc tính cơ bản của sự vật và những quá trình hoạt động sâu xa bên trong của sự vật. Vì bản chất nằm bên trong của sự vật nên mắt thường không tài nào nhìn thấy được. Hiện tượng là cái biểu hiện bên ngoài nên thì trong khả năng nào đó những giác quan có thể nhận thức được. Tuy nhiên, có thể những nhận thức đó là sai lầm.

Thí dụ, khi ta nhìn ánh sáng mặt trời chiếu xuống, ta nói rằng ánh sáng này không có màu. Nhưng khi dùng một kính lúp đưa lên trước ánh sáng đó thì ta sẽ thấy có đến bảy màu khác nhau như xanh, vàng, đỏ, trắng… Liệu rằng, đó là màu xanh, vàng, đỏ, trắng…? Hay đó là cái tên mà chúng ta áp đặt lên nó bằng cái tên mà chúng ta đã từng áp đặt lên những sự vật có tính chất tương tự? Như vậy, cái nhìn của chúng ta với hiện tượng không hẳn là đúng sự vật nên đừng vội vàng luận đều gì chỉ sau cái nhìn ban đầu mà không xét đến bản chất thực sự của nó là gì.

Về một con người, những biểu hiện bên ngoài của họ như sự lịch lãm, oai nghiêm, đĩnh đạc, thật thà… nhưng hãy dè chừng, đừng nhìn những biểu hiện bên ngoài ấy mà kết luận bản chất thật sự của họ.

Thales (625? – 546? B.C), đã cho rằng “nguyên chất của vạn vật là nước, mà từ đó vạn vật xuất phát và trong nó vạn vật đều tiêu tán”.[2] Có lẽ ông nhìn thấy hiện tượng vạn vật sống được đều là nhờ nước và ba phần của quả địa cầu này là biển nên đã kết luận bản chất của vạn vật như vậy.

Heraclitus (570? – 475? B.C), thì cho rằng “lửa là bản thể hoặc nguyên lý, thông qua sự phân tán và cô tụ, tạo nên những hiện tượng của thế giới của thế giới cảm giác”.[3]

Như vậy, hai dẫn chứng này cho chúng ta thấy sự khác biệt và sự chất phát của những triết gia cổ đại so với hiện đại.

2. Quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng

2.1. Quan điểm của chủ nghĩa duy tâm

Chủ nghĩa duy tâm là trào lưu triết học phản khoa học và đi ngược với chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa duy tâm xem thế giới như là sự biểu hiện của ý thức, của quan niệm tuyệt đối, của tinh thần vũ trụ. Chỉ có ý thức là tồn tại, còn thế giới chỉ là sản phẩm của ý thức, của cảm giác, biểu tượng và khái niệm. Thí dụ, ta nhìn thấy đoá hoa, thì nó chỉ do ý thức ta nhận biết, cơ quan cảm giác phản ánh như thế nào thì ta cảm giác như thế ấy. Ta đánh giá bông hoa này như thế nào thì tức là ta nhận thức cái đoá hoa biểu hiện trong ý thức ta chứ không phải hoa thật.

Chủ nghĩa duy tâm có thể phân ra hai phái chính là duy tâm chủ quan và khách quan. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan cho rằng cơ sở của hết thảy sự vật tồn

tại là cảm giác, biểu tượng và ý thức của cá nhân, của chủ thể nhận thức. Thuyết duy tâm này không chấp có nhận sự vật tồn tại độc lập bên ngoài ý thức.

Chủ nghĩa khách quan cho rằng cơ sở của hết thảy mọi sự vật tồn tại không phải là ý thức cá nhân, chủ quan mà là một ý thức khách quan và thần bí nào đó, ý thức nói chung như tinh thần vũ trụ, ý chí phổ biến… Theo các nhà duy tâm khách quan thì những thứ ấy tồn tại độc lập với con người.

Người đại diện cho chủ nghĩa duy tâm thời cổ đại là Plato (~428 - ~347 B.C). Theo ông, “phải có một thế giới vô hình điều khiển cái hữu hình, cái vĩnh cửu điều khiển cái tạm thời thoáng qua. Cái thế giới mà con người nhìn thấy chỉ là sự phản ánh lờ mờ của cái vô hình ấy.[4] Do vậy, chân lý không nằm trong bản thân các sự vật mà là nằm trong chính ý niệm và chính ý niệm là chân lí. Nhận xét về thế giới ý niệm của Plato nói riêng và chủ nghĩa duy tâm nói chung, Lenin viết: “Chủ nghĩa duy tâm nguyên thỉ: cái chung (khái niệm, ý niệm) là một tồn tại cá biệt. Điều đó hình như kì lạ, vô lí một cách quái dị (nói đúng hơn: một cách ấu trĩ”.[5]

Vào thế kỉ 18, nhà triết học Đức Immanual Kant đã đề ra một cuộc Cách mạng tư duy mới. Ông thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới hiện tượng hiện hữu bên ngoài nhận thức con người. Nhưng con người chỉ nhận thức được hiện tượng của sự vật chứ không nhận được bản tính của nó. Đó là thế giới của “vật tự nó” (ding un sick hoặc the thing in itself). Và “vật tự nó” vượt khỏi khả năng nhận thức của con người, thuộc siêu nghiệm.[6]

Trong tác phẩm “Phê phán lý tính thuần tuý”, một tác phẩm được xem là “cuộc Cách Mạng Copernic[7] về lề lối tư duy”, Kant đã đề ra phạm trù tiên nghiệm (apriori intuition). Ông cho rằng không gian, thời gian, quan hệ nhân quả và các qui luật tự nhiên “không phải là một khái niệm thường nghiệm, không phải là khái niệm suy lý, mà là một biểu tượng tất yếu, tiên nghiệm làm cơ sở cho mọi trực quan bên ngoài, nó nằm bên trong ta, không phụ thuộc vào kinh nghiệm (thường nghiệm)…”.[8]

Schopenhauer đã rất đồng tình với quan điểm phân chia thế giới sự vật thành hiện tượng và “vật tự thân” của Kant. Ông cho rằng sự tìm kiếm “vật tự thân” là vô ích nếu chúng ta hướng tư duy chúng ta vào tự nhiên. Nhưng chúng ta cũng là “vật tự thân” và chính vì bản chất lưỡng tính này cho chúng ta chìa khoá mở vào bản chất của toàn thể thực tại.[9]

Còn theo Hegel (1770 – 1831) thì có một ý niệm thần bí tựa hồ như tồn tại độc lập đối với con người, đối với ý thức con người và đẻ ra thế giới vật chất trong quá trình tiến hoá của nó, đó chính là ý niệm tuyệt đối. Ý niệm tuyệt đối này có trước tự nhiên, có trước loài người, luôn luôn vận động, biến đổi và hiện hữu với tư cách là người sáng tạo. Ông viết:

“Nếu gọi tri thức là khái niệm, còn bản chất hay chân lí tồn tại (tức sự vật cảm tính) thì vấn đề là xác định liệu khái niệm có phù hợp với sự vật hay không? Nếu chúng ta gọi bản chất (hay tồn tại tự nó) của sự vật là khái niệm và ngược lại, thì hiểu khái niệm như một sự vật… thì vấn đề xác định liệu sự vật có phù hợp với khái niệm của mình không? Mặc nhiên hai khái niệm này là như nhau”.[10]

Lenin đã nhận xét: “mọi người đều biết thế nào là ý niệm của con người, nhưng ý niệm không có người và có trước người, ý niệm trừu tượng, ý niệm tuyệt đối là một điều bịa đặt có tính chất thần học của nhà duy tâm Hegel”.[11]

2.2. Quan điểm của chủ nghĩa duy tâm “vật lý”

Chủ nghĩa duy tâm “vật lý” là con đẻ của cuộc khủng hoảng vật lý học bắt đầu từ cuối thế kỉ 19, sau khi có những phát hiện mới về khoa học. Trước những sự tiến bộ vĩ đại đạt được của vật lý học, như sự phát hiện ra hiện tượng phóng xạ và sự sáng tạo ra thuyết điện tử, một số nhà tự nhiên học siêu hình bị ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm nên đã rút ra một kết luận sai lầm là “vật chất đã biến mất”. Tức là đi sâu vào phân tích sự vật thì hiện tượng sự vật không tồn tại mà nó là sự gán ghép của những điện tử vô cùng nhỏ và bản chất của sự vật cũng chỉ do thứ này và chỉ có thứ này tồn tại mà thôi, đó là sự tồn tại của sự không tồn tại khi phân tích những điển tử này đến mức độ vô cùng nhỏ. Từ cái vô cùng nhỏ này khi nghiên cứu người ta thấy nó có tính phóng xạ. Từ phóng xạ nó tái tạo những hợp chất mới, nhưng bản thân phóng xạ tồn tại trong thời gian rất ngắn trước khi biến thành chất khác. Do đó, họ đã kết luận như trên.

2.3. Quan điểm của duy vật biện chứng

2.3.1. Bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan[12]

Trái với chủ nghĩa duy tâm, không thừa nhận sự tồn tại khách quan của vật chất ngoài ý thức, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng “cả bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan”.[13]

Chúng ta thấy rằng, vật chất được cấu thành từ những đơn vị tạm gọi là nhỏ nhất như là nguyên tử nhất định. Chúng liên kết với nhau bằng chính lực hút của nó. Mối liên kết này tương đối bền chặt lâu dài nếu như không có một lực tác động nào bên ngoài lớn hơn lực hút của nó tác động vào. Do đó, con người dù không có ý niệm gì về chúng thì chúng vẫn tồn tại theo cách liên kết ấy. Nên chăng, con người ý niệm là ý niệm những sự vật hiện tượng mà giác quan đã kinh qua, thì nó tồn tại trong nhận thức của giác quan. Những sự vật nằm ngoài sự nhận thức của giác quan hoặc giác quan chưa nhận thức đến thì ta chỉ có thể kết luận rằng nó không nằm trong vòng kiểm soát của ý niệm mà thôi, không thể hàm hồ kết luận là sự vật không tồn tại khi ta không hoặc chưa nhận thức về chúng. Khoa học vũ trụ đã khám phá ra hàng tỉ ngôi sao cách trái đất hàng tỉ năm ánh sáng thì nó tồn tại hay không tồn tại? Cũng vậy, tự nó tồn tại theo cách của nó dù con người có khám phá ra hay không.

Vì vậy, sự bản thân sự vật tồn tại hiện thực khách quan ngoài ý thức thì mặt bản chất và hiện tượng của nó cũng như thế. Bởi lẽ, bản chất là cái bên trong, giác quan thông thường không thể nhận thức thì nó vẫn tồn tại mà đâu cần biết chúng ta có nhận thức hay không. Về mặt hiện tượng, nó vẫn tồn tại khách quan trước khi giác quan nhận thức, nhưng khi hiện tượng được giác quan nhận thức thế nào thì ta chủ quan đánh giá như thế ấy. Cái hiện tượng nguyên thỉ của sự vật đã bị méo mó và biến đổi khi kinh qua giác quan. Mà chúng ta nhận thức là nhận thức cái hình ảnh được phản chiếu này chứ không phải là hiện tượng thật của sự vật, nên nhận thức này có tính chủ quan chứ không hẳn là thực tế như vậy. Chính đặc tính phản ánh của sự vật làm cho chúng ta có ý thức về chúng nhưng không hẳn là chúng ta ý thức đúng. Thí dụ, muốn nhìn thấy một sự vật thì chúng ta phải cần có mắt. Bộ phận chính của mắt như là một thấu kính hội tụ gọi là thuỷ tinh thể, thành trong của mắt, phần đối diện với thuỷ tinh thể gọi là võng mạc. Võng mạc là nơi ảnh ảo của vật bên ngoài qua thuỷ tinh thể đọng lại. Chúng ta có nhìn thấy vật chính là nhìn thấy cái ảnh mà nó đã đọng trên võng mạc này. Mà ảnh này luôn ngược chiều và nhỏ hơn vật thật, đồng thời hình dạng và màu sắc của vật đi qua thuỷ tinh thể nó cũng đều đã khác. Đối với những người bị các tật về mắt khác nhau thì sẽ nhìn sự vật khác nhau theo cái ảnh của chúng. Do đó, mắt thường chúng ta không thể nào thấy được thật chất của vật là gì thì không thể mạo muội kết luận gì về chúng.

Cho nên, mỗi khi kết luận một sự vật hay hiện tượng chúng ta phải luôn nhớ rằng, đó chỉ là kết luận xuất phát từ ý chủ quan của mình chứ người khác không hẳn đã thấy giống mình, mình không nên đem ý chủ quan mà áp đặt lên người khác rồi buộc họ phải có quan điểm giống mình. Không khéo, ta cũng như một kẻ mù trong những kẻ mù đang rờ voi, rồi khăng khăng cho con voi theo cảm nhận của mình là đúng mà phản bác quan điểm của kẻ khác thì bảo đảm rằng sẽ có ẩu đả xảy ra.

2.3.2. Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng

“Mỗi sự vật đều là sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng. Sự thống nhất đó thể hiện trước hết ở chỗ bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự biểu hiện của bản chất”[14]

Khi chúng ta nói rằng “tôi ý thức”, thì mệnh đề này là chưa hoàn chỉnh vì đã thiếu tân ngữ. “Ý thức” trong mệnh đề trên là một tha động từ nên nó phải cần có tân ngữ, nghĩa là phải thông tri rõ rằng tôi ý thức là ý thức về một đối tượng cụ thể nào chứ không thể có trường hợp ý thức rỗng tuếch, ngoan không. Như vậy, luôn luôn phải có một đối tượng để ta ý thức. Việc này đồng nghĩa rằng mỗi sự vật phải có biểu hiện trên mặt hiện tượng thì chúng ta mới ý thức được. Mà chúng ta gọi “đây là một vật” thì đó là nhìn trên mặt hiện tượng (formal), đã là hiện tượng thì tất yếu nó phải có bản chất (quality). Không có trường hợp có hiện tượng mà không có bản chất, và ngược lại, không có bản chất nào mà không biểu hiện ra được hiện tượng, thiếu một trong hai thì sự vật đó không phải là cá thể tồn tại hiện thực, từ chất phát đến siêu hình. Cũng như ta nói “tôi thấy quyển sách”, tức là ta nói đến cái hiện tượng của một vật biểu hiện dưới hình thức mà nó đã được qui ước rằng với hình dạng như thế thì gọi là quyển sách. Đồng thời, từ hiện tượng quyển sách sẽ dắt dẫn ta đến sự nhận định về bản chất của nó là bằng giấy… và tác dụng của chúng là cung cấp cho ta tri thức.[15]

Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng còn thể hiện ở chỗ:

“Bất kỳ bản chất nào cũng được bộc lộ qua những hiện tượng tương ứng, bất kì hiện tượng nào cũng là sự bộc lộ của bản chất ở mức độ nào đó hoặc nhiều hoặc ít”.[16]

Một chiếc lá màu xanh, đó là hiện tượng, để có được hiện tượng này nó phải có chất diệp lục màu xanh ở trong nó rồi. Khi chiếc lá chuyển sang màu vàng, tức là lúc chất diệp lục không còn nữa. Một người tham lam thì cặp mắt của anh ta lúc nào cũng liếc dọc liếc ngang để xem có ai bên cạnh không rồi sau đó trộm đồ chạy trốn… Một nhà nước xã hội chủ nghĩa thì luôn lấy dân chủ, phúc lợi xã hội và quyền lợi nhân dân đặt lên hàng đầu. Như vậy, ta thấy rằng bản chất và hiện tượng về căn bản là phù hợp với nhau.

“Bản chất bao giờ cũng tự bộc lộ ra thông qua những hiện tượng nhất định. Bản chất khác nhau sẽ bộc lộ ra thành những loại hiện tượng khác nhau. Khi bản chất thay đổi thì hiện tượng biểu hiện nó cũng thay đổi theo. Khi bản chất biến mất thì hiện tượng biểu hiện nó cũng biến mất.[17]

Mỗi bản chất sẽ biểu hiện ra thành hiện tượng nhất định tương ứng. Người thật thà thì làm việc gì cũng thật thà. Bản chất khác nhau thì biểu hiện ra thành những hiện tượng khác nhau. Chẳng hạn, cùng là con người với nhau, nhưng với bản chất là tham lam hay chánh trực thì hai người này sẽ có những hành động và cung cách khác nhau. Khi gặp một điều kiện nào đó, người thật thà trở thành gian xảo thì hành động của anh ta cũng gian xảo theo. Khi anh ta thức tỉnh, biết hành động của mình như thế là sai, ý nghĩ của mình như vậy là xấu, bèn bỏ những ý nghĩ xấu xa ấy thì hành động xấu xa trước đây cũng mất. Cho nên chúng ta phải có thái độ tha thứ cho người khác khi họ làm sai vì ta biết con người là một hữu thể có lý tính thì không sớm thì chầy họ cũng sẽ thức tỉnh. Đừng quá cay cú, gắt gỏng, chấp chặt như Friedrich Nietzsche đã kinh tởm thốt lên: “Các ngươi đã vượt qua con đường dẫn từ loài sâu bọ đến loài người, nhưng về nhiều phương diện, các ngươi vẫn còn là sâu bọ. Xưa kia, các ngươi đã là loài khỉ và cả bây giờ nữa, con người còn khỉ hơn bất luận con khỉ nào".[18]

Vạn vật luôn vận động theo quy luật dựa trên nền tảng của sự tác động của những ngoại lực bên ngoài cũng như bên trong. Nếu lực bên ngoài mạnh hơn bên trong thì sự vật hiện tượng luôn có xu hướng biến thiên theo phương của lực ấy. Khi lượng thay đổi đến lúc cực đại thì chất cũng thay đổi theo, tích cực cũng có tiêu cực cũng có nên vạn vật luôn thay đổi muôn hình vạn trạng.

2.3.3. Tính mâu thuẫn của sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng

“Tuy bản chất và hiện tượng thống nhất với nhau, về căn bản phù hợp với nhau, nhưng chúng không bao giờ phù hợp với nhau hoàn toàn”.[19]

Điều tuyệt đối trong hoàn vũ chính là tất cả đều tương đối, nên sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng chỉ có tính cách biện chứng, tức luôn là sự tương đối hay nói khác hơn trong cái thống nhất ấy đã bao gồm sự khác biệt. Do đó, thống nhất không có nghĩa là không khác biệt. Vì sự biểu hiện qua hiện tượng của sự vật luôn phải được đặt trong một phạm trù không gian và thời gian cụ thể. Có nghĩa là nó luôn phải chịu tác động bằng những cung cách khác nhau của các hiện tượng khác nhau bên ngoài trong phạm vi khả năng tương tác. Như vậy, sự phản ánh của bản chất qua hiện tượng không còn là nguyên chất mà đã bị pha trộn tổng hợp của nhiều yếu tố ngoại lai.

Khi chúng ta tiếp xúc đối tượng thì sẽ có cảm nhận về nó, đồng thời, giác tính sẽ xen vào khuyên bảo ta hãy giành lấy. Đôi khi, với cảm năng, chúng ta thấy một sự thích thú nào đó, nhưng với giác tính thì nó hiểu khác đi và sai sử ý chí buộc ta hành động theo hướng khác. Chẳng hạn, ta cho một kẻ ăn xin năm nghìn đồng, cảm giác cụ thể nhất là nó làm ta hân hoan và hạnh phúc trong lòng. Nhưng chiều nay có người bán món ăn mà ta thích, nếu để năm nghìn đó cộng với số tiền có sẵn đem mua món ăn ấy, nó cũng mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc. Bấy giờ, giác tính sẽ xui sử chúng ta mua món ăn đó, vì nó viện cớ rằng nếu mình không cho thì cũng có người khác cho. Do đó, cảm giác hạnh phúc không thể định nghĩa cụ thể bằng cảm giác trong những tình huống cụ thể nào. Bởi vì, mỗi khi cảm giác đó xuất hiện ta đều rất thích thú và muốn lưu giữ nó lâu hơn. Cả việc cho tiền và mua món ăn đều là đối tượng ham muốn của chúng ta, nó thuộc về cùng một loại. Như vậy, chúng ta không thể phân biệt ham muốn hạ hay cao cấp theo mô thức bên ngoài mà chỉ có thể dựa vào mức độ của hạnh phúc ta đạt được sau khi hành động theo khả năng của giác tính biểu đạt đến. Tức là ta hiểu rằng nếu ta cho người ăn xin thì có thể họ được hạnh phúc, họ có thể mua thức ăn về nhà cho những thành viên khác trong gia đình đang chờ đợi và cả gia đình của họ đều hạnh phúc, họ sẽ rất biết ơn người đã mở rộng vòng tay giúp đỡ gia đình mình. Dù biết rằng họ sẽ biết ơn mình nhưng mình làm thế không phải vì mục đích này, mình chỉ một lòng chân thành muốn giúp đỡ họ qua khỏi cơn đói kém mà thôi, và mình làm như thế không phải vì muốn được thiên hạ tán thưởng. Ngược lại, nếu ta dùng số tiền ấy mua món mà ta thích, khi ăn xong rồi, một chốc thì cảm giác hạnh phúc ấy cũng qua mau và về phương diện đạo đức thì ta là kẻ không có lương tâm. Thì như vậy, ta muốn cho người ăn xin năm đồng, hơn là muốn mua món ăn. Thế nên, nếu không có cách hiểu như vậy để ý chí quy định phải quyết tâm hành động vì lợi ích tha nhân hơn là tự kỉ thì chẳng thể nào đạt được đạo đức nào. Chúng ta phải đấu tranh với bản chất của chính mình để biểu hiện bằng hình thức. Sự lâu dài của hình thức sẽ đảm bảo cho tính tồn tại cho những bản chất tốt đẹp.

Qua thí dụ này ta thấy rằng bản chất và hiện tượng luôn bị tác động bởi yếu tố khác. Với con người, bản chất và hiện tượng phải luôn được sự kiểm soát của lý tính, của các phạm trù đạo đức mới đảm bảo là một người tốt của xã hội.

Tính mâu thuẫn của sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng được thể hiện ở chỗ:

“Bản chất phản ánh cái chung tất yếu, cái chung quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, còn hiện tượng phản ảnh cái cá biệt”.[20]

Bản chất cấu tạo của mọi sự vật đều cùng chung ở những hạt cơ bản, nó là cơ sở phát sinh và duy trì sự tồn tại của mọi sự vật. Giống như từ gạo, chúng ta có thể tạo thành cơm, bánh… với đủ chủng loại khác nhau nhưng cơ bản nó vẫn là từ gạo mà có. Đó là chỉ xét ở mặt tương đối, còn phân tích kĩ hơn ta vẫn chưa thể kết luận bản chất thật sự của vạn vật là gì. Sự tồn tại và biểu hiện của vạn sự chỉ là sự tổng hợp kết tinh của nhiều thứ khác nữa. Vì vậy, ta thấy sự vật có sinh có diệt, có thành có hoại. Chính những sự tổng hợp này quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, một lúc nào đó sự kết tinh này tan rã thì sự vật không còn tồn tại với hiện tượng này mà nó biểu hiện dưới hiện tượng khác dù chúng có cùng bản chất. Thí dụ như cái tách uống trà được làm bằng đất sét. Khi tổng hợp tất cả các yếu tố cần thiết bắt buộc như nước, nhân công, nhiệt lượng… nó sẽ thành chén trà. Lúc này ta gọi nó là chén trà, một lúc nào đó, ta đánh rơi nó. Chén trà lúc này không còn biểu hiện ở hiện tượng chén trà mà dưới hình thức là những mảnh vụn. Chén trà và những mảnh vụn vốn bản chất là đất, nhưng ở vào những điều kiện khác nhau nó là những hiện tượng khác nhau. Hiện tượng chén trà là cái cá biệt khác với hiện tượng mảnh vụn. Do đó, hiện tượng bao giờ cũng phong phú đa dạng hơn bản chất.[21]

“Bản chất là mặt bên trong ẩn giấu sâu xa của hiện thực khách quan, còn hiện tượng là mặt bên ngoài của hiện thực khách quan ấy”.[22]

Hiện tượng là sự biểu hiện của bản chất nhưng không phải là sự biểu hiện trung thành y nguyên với bản chất mà đã có sự cải biến. Vì vậy, chúng ta không nên nhìn vào hiện tượng rồi yên tâm bản chất của nó là như thế mà cần phải nghiên cứu cặn kẽ từ hiện tượng đến bản chất. Một người cha thương con không có nghĩa là nó muốn thứ gì cũng đáp ứng mà không suy nghĩ mà phải cân nhắc đắn đo. Người cha ngăn cấm đứa con không được làm cái này cái kia không phải vì không thương con, không phải vì không muốn cho con thể hiện mà đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến.

Sự nghiên cứu bản chất và hiện tượng của sự vật là không có điểm dừng, vì khi nghiên cứu một sự vật hiện tượng thì đã kèm theo mối quan hệ tương hỗ và tương phản của nó với những gì tồn tại quan nó.

“Bản chất tương đối ổn định, biến đổi chậm, còn hiện tượng không ổn định, nó luôn luôn trôi qua, biến đổi nhanh so với so với bản chất”.[23]

Điều này là hiển nhiên, vì sự vận động liên tục là đặc tính chung của vạn vật. Hiện tượng là cái bên ngoài nên nó luôn quan hệ và chịu tác động trực tiếp sâu sắc của các ngoại lực khác. Mà các ngoại lực này luôn biến đổi liên tục từ hình thức đến tầm ảnh hưởng nên hiện tượng buộc phải thay đổi theo nếu nó không muốn bị loại ra khỏi qui luật tồn tại. Còn bản chất là cái bên trong nên nó không bị ảnh hưởng trực tiếp, chỉ khi nào hiện tượng chịu tác động và thay đổi đến một mức nào đó thì nó mới thay đổi. Một người nông dân chất phát, thì dù có sống ở thành phố với cuộc sống thay đổi về tiện nghi vật chất nhưng bản chất nông dân của nó thì cần có thêm nhiều thời gian nữa mới thay đổi được.

Như vậy, bản chất và hiện tượng luôn tồn tại với hai mặt là thống nhất và mâu thuẫn nên chúng ta cần phải nghiên cứu cả hai mặt thì sự nhận thức mới đúng đắn và ứng dụng vào đời sống hiệu quả.

2.4. Ý nghĩa phương pháp luận

Qua những nhận xét về mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng, chúng ta rút ra phương pháp luận sau đây:

Về mặt nguyên tắc, phải thừa nhận tính khách quan, tất yếu, tính phổ biến của mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng ở trong sự vật.

Muốn nhận thức được bản chất của sự vật, phải đi từ hiện tượng đến bãn chất. Nhưng không dừng lại ở một vài hiện tượng mà phải nghiên cứu tất cả các hiện tượng vốn có của sự vật.

3. Vai trò của nhận thức phạm trù bản chất và hiện tượng với xã hội

Nhiều người cảm thấy rằng, thế kỷ 21 này, nhân loại sẽ được may mắn sống trong hòa bình hơn. Thế nhưng, sự việc đã nhanh chóng cho thấy rõ rằng không phải như thế. Trong khi hình như chúng ta đã tránh được một sự tiêu hủy toàn diện với cuộc chiến tranh nguyên tử, thì nhiều cuộc chiến tranh với tầm cỡ nhỏ hơn đã nổ ra nhiều nơi trên thế giới. Những cuộc chiến tranh này còn khó kiểm soát hơn cả cuộc chiến tranh lạnh, vì, mặc dù có sự đe dọa hiển nhiên, cuộc chiến tranh lạnh vẫn khó có thể phát triển tới mức độ tấn công toàn diện. Do vậy, sự đe dọa của cuộc chiến tranh nguyên tử vẫn còn.

Thực tế là, với vũ khí nguyên tử rải rác ra nhiều quốc gia, sự đe dọa còn lớn lao hơn. Mặc dù những cuộc chiến tranh ý thức hệ hình như đã qua đi, giờ đây, nhiều cuộc chiến tranh đã bùng nổ dữ dội và tàn bạo hơn vì những xung đột tôn giáo và chủng tộc. Những cuộc đấu tranh dân quyền và xung đột chủng tộc đã trở thành phổ biến trên khắp thế giới. Thêm vào đó, sự khủng bố đã càng lúc càng phổ biến và hung bạo hơn. Sự kiện là, thế giới đã trở thành nhỏ hơn qua sự phát triển của kỹ thuật thông tin không những chỉ trong lãnh vực du lịch và truyền thông mà còn cả việc bành trướng chủ nghĩa khủng bố nữa. Bọn khủng bố đã lợi dụng phương tiện kỹ thuật truyền thông để tạo sự bất an cho con người trong khi di chuyển, du lịch, đồng thời cũng gia tăng sự nguy hiểm trong mọi quốc gia. Lòng thù hận và sự bất tín lẫn nhau đã gia tăng mạnh mẽ bởi sự tranh chấp tài nguyên thiên nhiên. Cuộc chạy đua của lòng tham nhằm chiếm giữ tài nguyên thiên nhiên đã làm cho vấn đề trở nên khó khăn gấp bội vì không những chỉ gây ra xung đột trong xã hội loài người mà còn ngay cả trong môi trường thiên nhiên. Một mặt, có nhiều vấn đề về môi sinh, và mặt khác, có sự gia tăng phá hoại giữa con người với nhau.

Sự khủng hoảng môi sinh và sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên bắt đầu trở nên rõ ràng và ngày càng nghiêm trọng hơn, và chúng sẽ tạo một ảnh hưởng lớn lao cho nhân loại. Con người sẽ nhận lấy hậu quả của sự phá hoại do chính con người gây ra. Số lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của quả địa cầu đã tích lũy qua hàng trăm triệu năm hầu như đã bị con người tiêu phí đi chỉ trong vòng một, hai trăm năm. Kỹ thuật đã trở thành một tên tay sai của lòng tham và sân hận, và sự tiến bộ kỹ thuật, trong dạng thức phát triển kỹ nghệ đã hầu như chỉ phục vụ cho mục đích của chúng. Khoa học, kỹ thuật, và sự phát triển của kỹ thuật thông tin và truyền thông đã được dùng đến nhằm mê dẫn con người đến việc tiêu xài hoang phí cẩu thả, sự ngu dốt và say sưa, hơn là hướng về sự phát triển cá nhân hay là nâng cao phẩm chất của đời sống. Người ta đã sử dụng khoa học, kỹ thuật để tìm kiếm những điều mà họ thèm khát, và như thế đã tạo ra những sự bất hòa, tranh chấp. Lòng thù hận đã tràn đầy trong những cuộc xung đột tôn giáo và chủng tộc. Điều này lại càng được đẩy mạnh hơn bởi ảnh hưởng của lòng tham và sự giành giật tài nguyên thiên nhiên.

Qua những hiện thực đáng báo động trên đây, một lần nữa chúng ta phải bình tĩnh và sáng suốt đánh giá và phân loại của những phạm trù bản chất và hiện tượng. Chúng ta không nên hàm hồ chạy theo những hiện tượng hào nhoáng của đời sống vật chất mà quên đi bản chất hai mặt của chúng. Việc này càng cấp thiết hơn bao giờ hết khi đạo đức truyền thống đã bị phong hoá, con người hiện đại hãy dè chừng là không khéo chúng ta đang đi giật lùi lại với con đường phát triển mà đang nhắm mắt bước càng trên lộ trình phá huỷ “nhân tính” của chính con người.

C. KẾT LUẬN

Đời sống chúng ta đầy những tranh chấp và xung đột. Nếu chúng ta nhìn sâu vào tình trạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, lý do mà những giá trị như đạo đức và quan niệm đúng đắn về bản chất và hiện tượng đã trở thành rất quan trọng trong thời đại nầy là vì chúng ta đang sống trong một thời đại của sự tranh chấp, và nếp suy tư của chúng ta thì quá chia rẽ và bè phái, cục bộ. Trong khi sự quan trọng của những quan niệm đúng đắn về bản chất và hiện tượng phải được đề cao, chúng ta cũng phải nhận rằng, sự quan trọng nầy dựa trên một thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng của nề nếp suy tư chia rẽ. Phần lớn tư tưởng của nhân loại vẫn bắt nguồn từ nhị nguyên luận. Đạo đức là sự bảo đảm của chúng ta để không tàn phá lẫn nhau, trong khi chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của nề nếp suy tư chia rẽ như thế. Sự quan niệm đúng đắn bản chất và hiện tượng trong khuôn khổ nào đó chỉ nhằm giải hòa những mối bất đồng, chúng không phải là điều lý tưởng. Chúng chỉ là sự đồng thuận. Đồng thuận không có khả năng hướng dẫn nhân loại tới sự hòa hợp và thống nhất chân chính. Đồng thuận chỉ là tình trạng mà mỗi bên đồng ý tự giới hạn mình và cho phép người khác làm một số việc gì đó để cùng đạt tới ích lợi chung. Nó đòi hỏi phải có một phẩm chất cao của năng lực hành động và sự chịu đựng đầy trí tuệ.

Chúng ta hãy tìm lại và hãy đặt vai trò của phạm trù bản chất và hiện tượng này vào đúng vị thế mà nó vốn phải được. Làm như thế chúng ta không những tự cứu mình thoát khỏi tiến trình “động vật hoá” mà cũng là tự tìm hạnh phúc cho chính mình. Và tất nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng mình hạnh phúc chỉ khi nào toàn xã hội đã được hạnh phúc.

Cặp phạm trù này giúp chúng ta xem xét một cách toàn diện tất cả vấn đề, qua đó, nó đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của xã hội.


[1] GS. VS. Nguyễn Duy Quý và tgk, Giáo trình Triết học Mác – Lênin, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, 2008, trang 275 – 276.

[2] Mai Sơn biên soạn, 101 Triết gia, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tri Thức, 2007, trang 14.

[3] Sđd 2, trang 24.

[4] Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử triết học Phương tây, Tp Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006, trang 110.

[5] Trích theo Sđd 4, trang 112.

[6] Vấn đề “vật tự thân” này, trong Madhyamakaśātram cũng có nhắc đến, đó là “svabhāva”, trong bài kệ thứ 3 như sau: “Na hi svabhāvo bhāvānām pratyayādiṣu vidyate/ avidyamāne svabhāve parabhāvo na vidyate// “Vật tự thân” hay “tự thể” của các pháp không được tìm thấy trong các duyên hay điều kiện tạo nên nó, vì nó là “không” nên “tự thể” không tồn tại (niḥsvabhāva) thì “tha thể” cũng không có được. Nếu là người đạt được cái nhìn như vậy thì đó là thấy “trung đạo”, là giác ngộ nên không cần thiết bàn cãi về khái niệm này và cũng không cần đi tìm “vật tự thân”, vì đó là một việc vô ích.

[7] Copernic Nicolas (1473 – 1543), nhà Thiên văn học người Ba-lan, người đã sáng tạo ra thuyết mặt trời là trung tâm. Nó đánh đổ quan niệm của Thần học cho rằng quả đất đã được Thượng đế chọn làm trung tâm của vũ trụ, và giải phóng khoa học tự nhiên ra khỏi ảnh hưởng của Thần học.

[8] Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành, Bùi Văn Nam Sơn dịch, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tri Thức, 2007, trang 144, 145, 156, 160.

[9] Bryan Magee, Câu chuyện triết học, Huỳnh Phan Anh và Mai Sơn dịch, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Thống Kê, 2003, trang 173.

[10] Trích theo sđd 4, trang 463.

[11] Trích theo sđd 4, trang 462.

[12] Cách chia mục này là dựa vào sđd 1.

[13] Sđd 1, trang 278.

[14] Sđd 1, trang 279.

[15] Định nghĩa “pháp” trong Phật giáo cũng tương tự, nghĩa là khi một sự vật có thể là hữu hình hay vô hình đều phải đầy đủ hai mặt là bản chất và hiện tượng thì mới gọi là pháp. Pháp là “nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải” (任持自性,軌生物解), một sự vật được gọi là “pháp” khi nó giữ được tự tánh (svabhāva – bản chất) của nó, đồng thời nó phải biểu hiện ra bên ngoài bằng hình thức nào đó (samsthānarūpa - hiện tượng) để khi nhìn đến ta có khái niệm được về chúng. Đảm bảo được hai yếu tính này, nó mới được gọi là pháp.

[16] Sđd 1, trang 279.

[17] Sđd 1, trang 280.

[18] Friedrich Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm dịch, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2008, trang 30.

[19] Sđd 1, trang 280.

[20] Sđd 1, trang 281.

[21] Bản chất mâu thuẫn này cũng có xuất hiện trong kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīkasūtra) là: “thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” (是法住法位,世間相常住) nghĩa là mỗi sự vật hiện tượng đều có tồn tại bằng kết cấu của nó, khi đã tồn tại thì tức nó cũng có một hình thái khác hơn cái khác nhờ nhân duyên hội tụ. Dù rằng, vạn vật luôn thay đổi trong bản thân nó từng tích tắc nhưng nhờ hai nguyên tắc tồn tại và biểu hiện khác biệt mà ta thấy vạn vật này có tồn tại trong một thời gian hạn định. Khi nó bị ngoại lực tác động nó sẽ biến thành vật khác với sự tồn tại và hình thái khác. Đó là nguyên tắc duy trì, biến đổi và phong phú của vạn vật.

[22] Sđd 1, trang 281.

[23] Sđd 1, trang 283.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét