CHƯƠNG 3. SỰ LƯU TRUYỀN VỀ BỔN SANH, THÍ DỤ, NHÂN DUYÊN

CHƯƠNG 3. SỰ LƯU TRUYỀN VỀ BỔN SANH, THÍ DỤ, NHÂN DUYÊN

Tiết 1. Những Thánh điển liên quan với Phật, Bồ-tát

Mục 1. Thứ tự thành lập của 9 (12) phần giáo

Phát tâm Bồ-tát, tu hành, thành Phật là nội dung chủ yếu của pháp Đại thừa. Bổn sanh (Jātaka), Bổn sự (Avadāna), Nhân duyên (Nidāna), 3 bộ Thánh điển này chính là nguồn gốc chủ yếu của tư tưởng Đại thừa.
Thánh điển thuộc thời kỳ sớm nhất của Phật Pháp không ngoài Pháp (Dharma) và Tỳ-ni (Vinaya). Pháp là thứ thuộc về nghĩa lý, thuộc về sự tu chứng định và huệ; Tỳ-ni là thứ thuộc về giới luật, chế độ của Tăng-già. Nội dung của Pháp được kết tập thời nguyên thỉ, Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) cho là 4 bộ A-hàm (Āgama); ngoài 4 bộ A-hàm ra, có riêng Tạp tạng. Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) chia làm 5 bộ, ngoài Tương ưng bộ, Trung bộ, Trường bộ, Tăng chi bộ tương đương với 4 bộ A-hàm ra, còn có Tiểu bộ. Khuddaka có nghĩa là nhỏ, lẫn lộn, tương đương với Tạp tạng của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Bộ phận này, hoặc thuộc về Pháp – tạng Kinh, hoặc được biên tập ở ngoài tạng Kinh, cố nhiên là do Bộ phái khác nhau, cũng có ý nghĩa quan trọng bên trong. Nếu như căn cứ vào 4 A-hàm kinh và tạng Luật, đối với nguồn gốc của tư tưởng Đại thừa, không thể đủ rõ ràng được. Nếu như căn cứ vào một cách phân loại khác của Phật Pháp, 9 phần giáo hoặc 12 phần giáo (hoặc dịch 12 bộ kinh), từ các bộ Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên, v.v., trong 12 phần giáo, lý giải ý nghĩa và quá trình thành lập của chúng, đối với nguồn gốc của tư tưởng Đại thừa, tôi tin rằng sẽ được minh bạch dễ dàng hơn nhiều!
Chín phần giáo là: Tu-đa-la (Sūtra), Kỳ-dạ (Geya), Ký thuyết (Vyākaraṇa), Già-đà (Gāthā), Ưu-đà-na (Udāna), Bổn sự (Itivṛttaka, P. Itivuttaka, hoặc dịch là Như thị ngữ), Bổn sanh, Phương quảng (Vaipulya, P. Vedalla, hoặc dịch là Hữu minh), Vị tằng hữu pháp (Adbhuta-dharma). Lại thêm vào Thí dụ, Nhân duyên, Luận nghị (Upadeśa) thì thành 12 phần giáo. Chín phần giáo và 12 phần giáo, danh mục và thứ tự trước sau, quan hệ giữa 9 phần và 12 phần, xưa nay đã có rất nhiều thuyết khác nhau. Ở đây không bàn thêm nữa, chỉ theo kết luận từ sự nghiên cứu của tôi, trình bày sơ lược.1
Sau khi đức Thích tôn nhập niết-bàn, hàng đệ tử nhằm giữ gìn Phật Pháp không để mất đi, phát khởi kết tập, tức là cuộc kết tập ở thành Vương Xá (Rājagṛha). Bấy giờ là kết tập Pháp và Luật riêng biệt, mà nội dung đều chia làm 2 bộ: Tu-đa-la và Kỳ-dạ. Về phương diện ý nghĩa của Pháp, có liên quan đến các pháp như uẩn, xứ, duyên khởi, v.v., thì tùy theo loại mà biên tập, gọi là ‘Tương ưng’. Nhằm tiện lợi cho việc ghi nhớ, thể văn vô cùng ngắn gọn, căn cứ vào thể văn – ‘trường hàng tản thuyết’(a) nên gọi là ‘Tu-đa-la’ (Kinh). Những kinh được biên tập thành này, 10 sự biên thành 1 kệ(b) để tiện đọc tụng, ghi nhớ. Những kệ được kết tập này cũng dựa vào thể văn nên gọi là ‘Kỳ-dạ’. Sau đó, lại biên tập phần kệ tụng thông tục hóa (những bài tụng của 8 chúng),(c) phụ thêm vào bài kệ kết tập, gọi chung là ‘Kỳ-dạ’. Đây là 2 bộ lớn của Pháp được kết tập thời nguyên thỉ. Về phương diện Luật chế, cũng chia thành 2 bộ phận: Pháp được biên tập thành văn do Phật chế - Học xứ (Śikṣāpada), tùy loại mà biên tập, gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa (Prātimokṣa), là Tu-đa-la. Các hạng mục liên quan đến qui chế của Tăng-già như thọ giới, bố-tát, v.v., thì biên tập thành ‘tùy thuận pháp kệ’, là Kỳ-dạ của Luật bộ, trở thành nguồn gốc của Ma-đắc-lặc-già (Māṭrkā) và Kiền-độ (Khandha) đời sau. Đây là nội dung của cuộc kết tập thời nguyên thỉ, có phải được các nhà kết tập đời sau luận định là chuẩn mực của Phật Pháp hay không?
Phật Pháp, trong quá trình khai triển. Về phương diện kệ tụng thì được truyền ra không ngừng, có nhiều kệ được truyền đến từ Phật giáo ở nơi biên địa. Theo tính chất, hoặc gọi là ‘Ưu-đà-na’ – ‘Tự thuyết’, hoặc gọi là ‘Già-đà’. Khởi đầu, những bộ này đều từng được gọi tổng quát là Kỳ-dạ, về sau truyền ra nhiều hơn, mới phân biệt thành 2 bộ khác nhau. Về phương diện trường hàng, hoặc là truyền ra mới; hoặc là hàng đệ tử phân biệt, vấn đáp đối với giáo nghĩa có sẵn; hoặc là được làm nhằm giáo hóa phù hợp với hàng tại gia thông thường. Những ‘lời do hàng đệ tử thuyết,’ ‘lời do đức Như lai thuyết’ gọi là ‘Ký thuyết’. Ký thuyết, hình thức là phân biệt và vấn đáp; nội dung xem trọng về sự tướng và nghĩa lý sâu sắc, tiềm ẩn, những lời xác định được rõ ràng, chính xác. Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Ký thuyết – 3 phần, ở trên, tổng hợp lại, thì nội dung tương đương với Tạp A-hàm kinhTương ưng bộ. Năm loại phần giáo ở trên là dựa vào thể văn để phân biệt, được thành lập sớm nhất. Không lâu sau, lại có phần giáo khác nhau truyền ra. Về phương diện ý nghĩa của Pháp, hoặc căn cứ vào sự tăng thêm 1 pháp nên biên tập thành Phật thuyết, không có nói rõ đây là nói cho ai, nói ở đâu, mà chỉ nói là Phật thuyết cho hàng tỳ-kheo, gọi đó là ‘Bổn sự’ (hoặc ‘Như thị ngữ’). Hoặc kế thừa phong cách của Ký thuyết, phân biệt càng rộng hơn, vấn đáp càng rộng hơn, cũng trọng về việc xiển dương ý nghĩa sâu sắc, gọi là ‘Phương quảng’ (hoặc ‘Hữu minh’). Ngoài ra, còn có những chuyện có liên quan đến đời sống trong quá khứ. Hoặc ‘từ xưa lần lượt truyền đến nay, không nói rõ người thuyết, nơi bàn, lý do nói việc đó,”2 cũng gọi là ‘Bổn sự’. Bổn sự, hoặc dịch là Vô bổn khởi, chính là không biết nói tại nơi nào, nói cho ai, mà chỉ là truyền thuyết từ xưa như vậy. Lại nữa, có khi nhằm trình bày việc hiện tại, nêu ra đời sống trong quá khứ, từng trải qua những sự tình tương tợ như vậy. Sau cùng kết luận rằng: vị nào đó trong quá khứ chính là chính đức Thích tôn hoặc hàng đệ tử. Tuyên thuyết những chuyện trong đời quá khứ như thế này, gọi là ‘Bổn sanh’. Bổn sự và Bổn sanh đều là những chuyện có liên quan đến đời sống quá khứ. Lại nữa, có chuyện nói về những công đức đặc thù, hi hữu mà Phật và hàng đệ tử có được, gọi là ‘Thậm hi hữu sự’. Bốn phần sau là căn cứ vào nội dung để phân biệt. Bổn sự, Bổn sanh, Thậm hi hữu sự đều là truyền thuyết về những sự thật này.
Phật nhập diệt được 1 thế kỷ, Thánh điển đã được tổng hợp thành ‘9 phần giáo’. Chín phần giáo không chỉ là phân biệt theo thể văn và tính chất, vào lúc ấy, quả thật có bộ loại khác nhau. Hẳn phải là sự kiện của cuộc kết tập lần thứ 2! Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Ký thuyết – 3 phần, của thời nguyên thỉ, đã được biên tập thành Tương ưng bộ. Bộ phận phát sanh về sau của 3 phần đó và Bổn sự, Phương quảng, v.v., biên tập riêng biệt thành Trung bộ, Trường bộ, Tăng chi bộ. Kỳ-dạ được giải thích là tụng lại [trùng tụng]; phần kệ tụng gồm Ưu-đà-na và Già-đà, v.v., đa số rất lớn không được biên tập them. Về phương diện Luật chế, Ba-la-đề-mộc-xoa đã có phân biệt, giải thích, có địa vị tương đương với Ký thuyết. Ma-đắc-lặc-già đã thành lập, nhưng vẫn không biên tập phân loại thêm một bước nữa, trở thành các bộ riêng gồm Kiền-độ, v.v. Sự biên tập thành của Luật điển, so với Kinh điển phải trễ hơn nhiều. Vào lúc bấy giờ, bộ loại gồm có 9 phần giáo nhưng vẫn không có ‘Thí dụ’, ‘Nhân duyên’, ‘Luận nghị’. Ở đây không phải là nói không có các kinh điển có tính chất như thế, mà là vẫn không có biên tập thành bộ loại khác nhau. Như Mahāpadānasuttanta – kinh Đại Thí dụ của Trường bộ, chính là ‘Thí dụ’. Kinh Trường A-hàm được dịch sang Hán, gọi bài kinh đó là kinh Đại bổn, mà kinh trên nói: “Đây là nhân duyên ngọn nguồn của chư Phật… Phật thuyết kinh Đại Nhân duyên này,”3 đó là ‘Thí dụ’ (ngọn nguồn) mà lại là ‘Nhân duyên’. Đồng diệp bộ là bộ phái chỉ lập 9 phần giáo, nhưng trong Tiểu bộ có tập Thí dụ; trước Bổn sanh có Nhân duyên; ‘Nghĩa thích’ [giải thích ý nghĩa] chính là ‘Luận nghị’. Kỳ thật Luận nghị của thời kỳ sớm nhất, như Mahāpadesana, đã được biên tập vào Tăng chi bộ.4 Cho nên ở 9 phần giáo trở lên, thêm vào 3 phần gồm Thí dụ, v.v., trở thành 12 phần giáo, đều chẳng phải là cái mới có, mà chỉ là giữa các bộ phái phân loại khác nhau. Trong 3 phần sau, Thí dụ và Nhân duyên đều là sự thật của truyền thuyết.

Mục 2. Bổn sự, Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên

Bộ phận tự sự - Bổn sự (Itivṛttaka), Bổn sanh (Jātaka), Thí dụ (Avadāna), Nhân duyên (Nidāna) trong 12 phần giáo, đều có liên quan đến Phật và Bồ-tát đạo, Bổn sanh và Thí dụ thì có quan hệ càng lớn.
‘Bổn sự’: tự sự nên gọi là Bổn sự, là chuyện quá khứ mà ‘từ xưa lần lượt truyền lại’. Như quyển 126 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 660a) nói:
“Bổn sự là gì? Nghĩa là, trong các kinh tuyên thuyết những điều được thấy, được nghe về giai đoạn trước. Như nói: thời quá khứ có kinh thành lớn tên là Hữu Hương Mao, vua tên Thiện Kiến. Thời quá khứ có Phật tên là Tỳ-bát-thi, thuyết pháp như vậy cho hàng đệ tử. Thời quá khứ có Phật tên… Ca-diệp-ba, thuyết pháp như vậy cho hàng đệ tử. Những chuyện như vậy đó.”
Chuyện quá khứ mà luận Đại tỳ-bà-sa đã nói, có 2 loại: 1) Truyền thuyết cổ đại của dân tộc nước Ấn-độ: lấy chuyện vua Thiện Kiến (Sudarśana) ở thành Hương Mao (Kuśāvati) làm ví dụ, thế thì Lê-nỗ (Reṇu) và Đại Điển-tôn (Mahāgovinda),1 vua Kiên Cố Niệm (Dṛḍhanemi),2 vua Ma-ha Tỳ-kỳ-đa (Mahāvijita),3 dòng tộc Thích-ca (Śākya) và dòng họ Hắc (Kaṇhāyana),4 Đại Thiên vương (Mahādeva) và vua Di (Nimi),5 v.v., hẳn đều là thuộc về Bổn sự. 2) Chuyện của Phật quá khứ: luận đã nêu ra việc 7 vị Phật gồm Phật Tỳ-bà-thi (Vipaśyin), v.v., thuyết pháp cho hàng đệ tử, so với điều mà kinh Đại Bát-niết-bàn đã nói, 7 vị Phật thuyết Giới kinh cho hàng đệ tử, gọi là Y-đế-mục-đa-ca (tức Bổn sự) phù hợp với nhau.6 Lấy chuyện này làm ví dụ, vậy thì chuyện đệ tử của Phật Thi-khí (Śikhi),7 chuyện đệ tử của Phật Yết-câu-thổn-na (Krakucchanda),8 hẳn đều là thuộc về Bổn sự. Bổn sự, vốn là Phật giáo hóa các truyền thuyết của dân tộc Ấn-độ, khuếch trương thành chuyện của Phật quá khứ rất xa.
‘Bổn sanh’: dịch âm là Xà-đa-già, Xà-đà, v.v. Luận Thành thật nói: “Xà-đà-già, đó là nhân chuyện hiện tại mà nói về chuyện quá khứ.”9
Quyển 126 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 660a) nói:
“Sao gọi là Bổn sanh? Nghĩa là, trong các kinh, Phật tuyên thuyết những chuyện mà Ngài đã trải qua trong đời sống quá khứ, như các kinh Bổn sanh kể Ngài từng làm gấu, nai, v.v.; như Phật nhân việc của Đề-bà-đạt-đa, nói chuyện Bổn sanh 500 kiếp về trước.”
Sự khác biệt giữa Bổn sanh và Bổn sự là ở chỗ “căn cứ vào chuyện hiện tại để khởi lên các sự luận bàn, phải do căn cứ vào chuyện quá khứ để luận bàn rốt ráo.”10  Từ chuyện hiện tại nói đến chuyện quá khứ, lại quy kết đến các những vị nào đó ở quá khứ chính là chính đức Thích tôn hoặc hàng đệ tử trong đời hiện tại. Chuyện Bổn sanh mà Luật bộ truyền, liên quan đến Phật và hàng đệ tử, hoặc tốt hoặc xấu. Chuyện quá khứ mà Kinh bộ truyền – các câu chuyện thuộc truyền thuyết về các bậc Tiên Hiền hoặc dân gian của Ấn-độ, một phần được chỉ cho đời trước của đức Thích tôn. Như Đại Điển-tôn, “khi ấy, Ta là bà-la-môn Đại Điển-tôn.”11 Vua Đại Thiện Kiến (Mahāsudarśana), “Ta nhớ 6 lần chôn xá-lợi ở đây. Mà vua (Thiện Kiến) sống bằng pháp của bậc Chuyển luân vương,… lần thứ 7 chôn xá-lợi ở đây. Như lai (đời hiện tại) lần thứ 8 chôn xá-lợi ở đây.”12 Kinh Đào sư trong Trung bộ nói: “Bấy giờ, thanh niên Joṭipāla chính là Ta vậy.”13 Tương ưng bộ nói: “Ở đời trước, Ta là vua quán đảnh Sát-đế-lợi.”14 Đây đều là chỉ cho những chuyện quá khứ thuộc truyền thuyết, làm Bổn sanh của đức Thích tôn. Bổn sự mà có khuynh hướng biến thành Bổn sanh, trong Trung A-hàm kinh thuộc Hán dịch, rất là phổ biến. Như vua Đại Thiên,15 vua Đảnh Sanh (Māndhātṛ),16 trưởng giả Tùy-lam (Velāma),17 trưởng giả A-lan-na (Araka),18 đại sư Thiện Nhãn (Sunetra),19 v.v., đều nói ‘chính là Ta vậy,’ trở thành Bổn sanh của đức Thích tôn. Bổn sự mà chuyển hóa thành Bổn sanh, khởi đầu là nhằm thuyết minh: tuy công đức của các bậc Tiên Hiền là thù thắng, vi diệu, nhưng đã chấm dứt ở quá khứ (không rốt ráo); hiện tại thành Phật, mới là được giải thoát rốt ráo. Tóm thâu các công đức đẹp đẽ của bậc Tiên Hiền thuộc Ấn-độ, dẫn quy về sự giải thoát rốt ráo xuất thế. Cũng chính vì thế, công đức đẹp đẽ của các bậc Tiên Hiền – các nghiệp thiện của thế gian, trở thành sự thực hành thuộc về ‘nhân’ ở trong đời sống quá khứ của Phật, do đó dẫn đến phát sanh ra đạo Bồ-tát. Ngoài ra, chuyện Bổn sanh của Phật (đức Thích tôn) mà các Luật sư đã truyền, tuy cũng có vua, bề tôi, trưởng giả, bà-la-môn, nhưng dân thường, quỷ thần, bàng sanh – nai, voi, chim, v.v., cũng trở thành đời sống trước của đức Thích tôn: đây là Phật hóa các truyền thuyết dân gian Ấn-độ. Bổn sanh của đức Thích tôn, càng truyền càng nhiều, được truyền ở Tích-lan thuộc phương nam, Tiểu bộ có tập Bổn sanh, tổng cộng 547 truyện. Bổn sanh được truyền ở nước ta [Trung Quốc], như kinh Lục độ tập do Khương Tăng Hội dịch; kinh Bồ-tát bổn duyên do Chi Khiêm dịch; kinh Sanh do Trúc Pháp Hộ dịch. Nhưng rốt cục có bao nhiêu truyền thuyết về Bổn sanh, thì không thể xác định được.
‘Thí dụ’: là dịch nghĩa của A-ba-đà-na trong Phạn ngữ. Theo luận Đại tỳ-bà-sa đã dẫn – Trường thí dụ, Đại thí dụ, Đại bát-niết-bàn thí dụ,20 hoặc giải thích ý nghĩa nguyên thỉ của Thí dụ là những sự tích rực rỡ, đại để điều này có thể tin được. Nhưng mà, Thí dụ, tại phương Bắc, liên quan đến Phật và hàng đệ tử, cũng liên quan đến thiện và ác. Những Thí dụ này, lại kết hợp lẫn nhau với nhân duyên nghiệp báo; bộ loại của Thí dụ và Nhân duyên, có một số là không dễ phân biệt được. Như kinh Đại thí dụ, hoặc gọi là kinh Đại nhân duyên, chính là một trường hợp. Những Thí dụ mà kết hợp với Nhân duyên ấy, trong việc hoằng pháp theo thông tục lúc bấy giờ, đã sử dụng để làm chứng minh cho sự và lý, nên hoặc dịch là Thí dụ, Chứng dụ. Luận Đại trí độ đề cập đến ‘Bồ-tát thí dụ,’21 đây là những thí dụ có liên quan đến tư tưởng Phật và Bồ-tát. Xét Thí dụ được Đồng diệp bộ truyền, thì Tiểu bộ có tập Thí dụ, đều là kệ tụng, chia thành Phật thí dụ, Bích-chi Phật thí dụ, Trưởng lão thí dụ, Trưởng lão Ni thí dụ. Phật thí dụ là do chính Phật thuyết, tán thán khen ngợi sự trang nghiêm của quốc độ chư Phật; cuối cùng nêu ra 10 ba-la-mật-đa, cũng chính là những sự thực hành to lớn của Bồ-tát.22 Bích-chi Phật thí dụ23 là do ngài A-nan (Ānanda) thuyết. Trưởng lão thí dụ là 547 vị thuyết;24 Trưởng lão Ni thí dụ do 40 vị thuyết.25 Đây là chính những vị Thánh giả Thanh văn kể lại trong đời quá khứ xa xưa mình đã từng gặp Phật và Bích-chi Phật, v.v., bố thí, tu hành như thế nào. Từ đó, trong nhiều kiếp sống đã thọ nhận phước báo thuộc người và trời, sau cùng được xuất gia trong Phật pháp của đức Thích tôn, đắc được giải thoát rốt ráo. Căn cứ vào đây để xem xét truyền thuyết của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), trong Căn Hữu luật dược sự, tuy thứ tự có hơi xáo trộn, nhưng quả thật có bộ phận nội dung tương đồng. Phần Dược sự này có thể chia thành 2 chương lớn: 1) Phật thuyết những sự thực hành rộng lớn làm nhân để cầu chánh giác vô thượng trong những kiếp sống xa xưa. Chương này lại chia thành 2 đoạn: đoạn đầu là phần văn xuôi, từ chuyện vua Đảnh Sanh đến Đào luân sư thì chấm dứt.26 Tiếp theo là phần kệ tụng, tương đương với Phật thí dụ của Tiểu bộ.27 Tiếp theo, có đoạn  nữ ngoại đạo tên Chiên-già (Ciñcā) mang cái chậu để vu khống đức Phật,28 là văn xuôi, so với văn ở trên và dưới thì không được liên tiếp với nhau. Theo văn nghĩa để suy luận, thì đây là do sắp xếp nhầm lẫn, đúng ra nó phải thuộc về đoạn cuối cùng. 2) Phật và 500 đệ tử đến ao Vô nhiệt (Anavatapta), Ngài tự thuyết về nhân duyên nguồn gốc. Trước  hết Ngài thuyết về sự hơn kém về thần thông giữa Xá-lợi-phất (Śāriputra) và Mục-kiền-liên (Mahāmaudgalyāyana).29 Thứ đến do Đại Ca-diếp (Mahākāśyapa), v.v., tự nói về sự tu hành của bản thân mình, tổng cộng 35 người, đều nói bằng kệ tụng,30 so với Trưởng lão thí dụ của tập Thí dụ trong Tiểu bộ, là sự truyền thừa khác nhau về cùng một nguyên hình. Cuối cùng, Phật tự thuyết về những tội nghiệp đời quá khứ, nên đời nay phải chịu các quả báo như bị cây giáo bằng vàng đâm trúng, phải ăn lúa ngựa, v.v.31 Bồ-tát a-ba-đà-na chính là phần Phật thuyết về sự thực hành làm nhân của Bồ-tát trong đời quá khứ, đây là nguồn gốc quan trọng của tư tưởng Bồ-tát.
‘Nhân duyên’: nói theo thông thường, sự thuyết pháp và chế giới của đức Phật đều là có nhân duyên – vì ai mà Ngài thuyết pháp, vì ai mà Ngài chế giới. Nhưng trong cuộc kết tập nguyên thỉ, chỉ tường thuật trực tiếp pháp nghĩa và các giới điều, nhân duyên của sự thuyết pháp và chế giới là khi truyền thọ, giải thích rồi lưu truyền về sau. Nhân duyên như vậy, là không có bộ loại đặc thù. Có nhiều kệ tụng (thuyết pháp), không biết là thuyết như thế nào, vì vậy phải có nhân duyên. Như Nghĩa phẩm nhân duyên, tức là phần văn xuôi của kinh Nghĩa túc trong Hán dịch. Như phẩm Ba-la-diễn-na (phẩm Con đường đến bờ kia) của Tiểu bộ, trước khi nói 16 chương chính thức, có phần kệ mở đầu [Tự kệ];32 kinh Na-la-ca của Tiểu bộ cũng có kệ mở đầu.33 Đây là nhân duyên của việc thuyết pháp – kệ tụng. Trong Luật bộ, trong hệ Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavādin), Ca-diếp-duy sư (Kāśyapīya) tôn xưng truyện của Phật là ‘nhân duyên mà Phật đã trải qua’; Ni-sa-tắc sư (Mahīśāsaka) tôn xưng là ‘căn bản của tạng Tỳ-ni’.34 Truyện Phật của hệ Phân biệt thuyết bộ là khởi nguồn từ tạng Luật nhưng tổ chức riêng. Luật Đồng diệp bắt đầu nói từ việc đức Thích tôn thành Phật, độ 5 vị tỳ-kheo, nhiếp hóa chúng xuất gia, ‘thiện lai thọ cụ’, ‘tam quy thọ cụ’.(a) Phật độ 3 vị Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, tại thành Vương Xá chế lập ‘10 chúng cụ túc’ qua yết-ma bạch tứ.35 Luật Ngũ phần bắt đầu nói từ việc dòng tộc Thích-ca di chuyển đến vùng dưới chân núi Tuyết;36 luật Tứ phần bắt đầu nói từ việc vị vua được mọi người suy cử lên ở thời gian xa xưa, đều nói đến ‘10 chúng cụ túc’ thì dừng.37 Đây là ‘nhân duyên’ thiết lập nên Tăng-già. Luật Thuyết nhất thiết hữu bộ chú trọng về ‘nhân duyên’ dẫn đến phá Tăng. Bắt đầu nói từ (rất nhiều vua hoặc) việc Phật đản sanh, đến lúc trở về Ca-tỳ-la (Kapilavastu) độ dòng họ Thích-ca và Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) thì dừng, làm ‘nhân duyên’ mà về sau dẫn đến việc phá Tăng.38 cho nên 9 quyển đầu của Căn Hữu luật phá Tăng sự chính là truyện của Phật. Truyện Phật của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) gọi là Đại sự, cũng rút ra riêng từ trong tạng Luật. Như vậy, truyện ký của Phật là rút ra từ ‘nhân duyên’ (xây dựng Tăng hoặc phá Tăng) trong Luật, rồi được phát triển, biên tập thành. Bổn sanh của Tiểu bộ thuộc Nam truyền, phần đầu có ‘nhân duyên’ (nidāna), chia thành ‘nhân duyên xa’, ‘nhân duyên xa hơn’, ‘nhân duyên gần’. Bắt đầu nói từ lúc nhận lời thọ ký của Phật Nhiên Đăng (Dīpaṃkara), đến khi thành Phật, chuyển Pháp luân, trở về quê hương để hóa độ, thành lập tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) thì dừng.39 Phật ở Kỳ Viên thuyết Bổn sanh, cho nên đây là nhân duyên của Bổn sanh. ‘Nhân duyên’ ở trong Luật, với ‘nhân duyên của Bổn sanh’ đều là truyện ký của Phật. Ở trong truyện Phật, biểu hiện ra sự vĩ đại siêu việt thế gian của đức Phật-đà.

Mục 3. Truyền thuyết – tinh hoa đức hạnh của dân tộc Ấn-độ

Trong 12 phần giáo, bộ phận có liên quan đến Phật và Bồ-tát, các Thánh điển mà hiện tại có thể khảo xét thấy được, ở trên đã nói tóm lược đến rồi. Nhưng bộ phái thời cổ đại rất nhiều, Thánh điển của các bộ phái khác nhau  mà chưa từng được bảo tồn lại đương nhiên cũng rất nhiều. Cho nên dựa vào tư liệu chỉ có được này, không thể lý giải đầy đủ quá trình hình thành tư tưởng Đại thừa, chỉ có thể nói đến nguồn gốc sâu xa của nó mà tôi đã phát hiện được mà thôi.
Bổn sự (Itivṛttaka), Bổn sanh (Jātaka), Thí dụ (Avadāna), Nhân duyên (Nidāna) có liên quan đến những sự tích trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn, có thể liên hệ với nhau ít nhiều. Những chuyện trong đời sống quá khứ - Bổn sự, nếu giải thích là chuyện quá khứ của đức Thích tôn, thì Bổn sự ấy sẽ trở thành Bổn sanh. Thí dụ là những sự tích rực rỡ của các bậc Hiền Thánh; những Thí dụ thuộc về đức Thích tôn, từ quá khứ đến hiện tại, đều là Thí dụ. Những Thí dụ trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn thì thông nhau với Bổn sanh, Bổn sự. Hàm nghĩa của Nhân duyên rất nhiều, căn cứ theo người nào đó, chuyện nào đó để nói, thì không có sai biệt quá lớn với Thí dụ. Nếu như Nhân duyên mà nói đến chuyện trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn thì nội dung cũng sẽ thông nhau với Bổn sự, Bổn sanh. Ở đời sau, những chuyện này đều được dùng làm tư liệu để giáo hóa theo thông tục, hoặc gọi là Thí dụ, hoặc gọi là Nhân duyên, đều là giống nhau. Cho nên tạng Đại Chánh do Nhật Bản biên tập, đã gọi chung những chuyện này là ‘Bổn duyên bộ’, ngược lại là một danh từ thích đáng!
Vào cuộc kết tập lần thứ 2, Kinh bộ đã được biên tập thành 4 A-hàm (Āgama); bấy giờ, Bổn sự, Bổn sanh, Thí dụ đã được biên tập vào bên trong đó. Luật bộ đã được biên tập thành Kinh phân biệt (Suttavibhaṅga); thể mẫu – ma-đắc-lặc-già (māṭrkā) của Kiền-độ (Khandha), một phần cũng đã được tập hợp lại, bên trong ấy cũng có số ít Thí dụ và Bổn sanh. Sau đó, những Bổn sự (lại đã được Bổn sanh hóa), Bổn sanh, Thí dụ có liên quan đến đức Thích tôn, lưu truyền ra càng nhiều thêm. Những thứ do người đời sau truyền ra, Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da từng biên tập rất nhiều vào trong nó. Quyển 100 của luận Đại trí độ (T. 25, tr. 756c) nói:
“Tỳ-ni… có 2 phần: 1) Tỳ-ni của nước Ma-thâu-la, bao hàm A-ba-đà-na, Bổn sanh, có 80 bộ. 2) Tỳ-ni của nước Kế-tân, bỏ đi Bổn sanh và A-bà-đà-na, chỉ lấy phần quan trọng, thành 10 bộ.”
Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) có 2 bộ luật, chính là luật Thập tụngCăn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da [gọi tắt là luật Căn Hữu]. Luật Căn Hữu đã bao hàm A-ba-đà-na (Thí dụ) và Bổn sanh rất nhiều, luật Thập tụng lại ít hơn rất nhiều. Như Bồ-tát thí dụ của luật Căn Hữu, luật Thập tụng thì không có. Luật Thập tụng gần với luật của Thuyết nhất thiết hữu bộ thời kỳ đầu; có sớm hơn luật Căn Hữu nên không phải là do rút ra từ luật Căn Hữu mà có. Bổn sanh, Thí dụ, Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) biên tập vào trong Tiểu bộ. Nhưng Sumaṅgalavilāsinī (Trường bộ chú ‘cát tường duyệt ý’) của Giác Âm (Buddhaghoṣa) nói: Tiểu bộ của Trường bộ sư (Dīghabhāṇaka) thì không có Thí dụ, Phật chủng tánh, Hành tạng.1 Phật chủng tánh (Buddhavaṃśa) là lịch sử của chư Phật quá khứ. Hành tạng (Cariyāpiṭaka) là thuật lại những việc làm to lớn của Bồ-tát, đây đều là chuyện của Phật và Bồ-tát. Luật Thập tụng không có, Trường bộ sư không biên tập vào trong Tiểu bộ, có thể thấy sự thành lập của chúng phải trễ hơn nhiều. Những thứ thuộc thời kỳ đầu thì biên tập vào bên trong Kinh, Luật, những thứ có sau này thì hoặc biên tập vào trong Luật, hoặc biên tập vào trong Kinh – Tiểu bộ, hoặc tản mác ở ngoài Kinh, Luật. Những thứ tản mác ở ngoài Kinh, Luật không phải không có những Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên này, mà là không được chấp nhận có địa vị ngang hàng với Kinh, Luật, bởi vì đây chỉ là truyền thuyết như thế. Quyển 1 của Tát-bà-đa Tỳ-ni tỳ-bà-sa (T. 23, tr. 509b) nói:
“Hễ là Bổn sanh, Nhân duyên thì không thể y cứ. Trong số ấy, có người cho rằng chúng chẳng phải Tu-đa-la, chẳng phải Tỳ-ni, không thể định nghĩa được.”
Quyển 183 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 916b) cũng nói:
“Bổn sự của Phật Nhiên Đăng, nên nói như thế nào cho hợp lý? Đáp: Ở đây không cần phải hợp lý. Vì sao vậy? Vì nó chẳng phải là do Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma thuyết, mà chỉ là truyền thuyết; những thuyết được truyền lại, hoặc đúng, hoặc chẳng đúng.”
Đời trước của đức Thích tôn, gặp Như lai Nhiên Đăng (Dīpaṃkara), được thọ ký thành Phật trong đời vị lai, hiệu là Thích-ca-mâu-ni (Śākyamuni), đây là chuyện Bổn sanh được công nhận trong Bộ phái. Nhưng đây là truyền thuyết, truyền thuyết thì có thể truyền nhầm, cho nên nói là ‘hoặc đúng, hoặc chẳng đúng’. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng: loại Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên này là truyền thuyết, nên không ở bên trong Tam tạng (chuyện Bổn sanh nói về Phật Nhiên đăng, luật Tứ phần thâu vào trong Luật). Truyền thuyết thì có thể truyền nhầm, nên không thể trích dẫn để làm định lượng (chuẩn mực) của Phật pháp. Từ tính chất truyền thuyết của Bổn sanh, Thí dụ, v.v., để nói, thì quan điểm của Thuyết nhất thiết hữu bộ là có đầy đủ sự suy xét chứ không phải là tin tưởng truyền thuyết một cách khinh suất.
Trong Thánh điển đang có, những truyền thuyết này – Bổn sự, Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên đều trình bày rất rõ ràng: thuyết ở nơi nào, do người nào thuyết. Kỳ thật, đây là thuộc giả thuyết, chẳng phải thật tế hoàn toàn như vậy. Như quyển 25 của Căn bổn Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự (T. 24, tr. 328c) nói:
“Vào đời tương lai, mọi người phần lớn đều dễ quên, sức ghi nhớ rất ít, nên không biết đức Thế tôn ở tại địa phương, thành ấp, tụ lạc nào, thuyết kinh điển gì?... Nếu kể chuyện nhân duyên ngày xưa, nên nói nơi nào? Nên nói là ở nước Bà-la-nị-tư, có vua tên Phạm Thọ, trưởng giả tên Tương Tục, ưu-ba-tư-ca [Upāsikā – cư sĩ nữ] tên Trưởng Tịnh: tùy theo lúc mà nói.”
Chuyện nhân duyên ngày xưa’ chính là những chuyện trong đời sống quá khứ. Những truyền thuyết này, tuy trong truyền thuyết khả năng là có sai lầm, nhưng vào lúc bấy giờ đều tôn là do Phật thuyết. Phật ở tại Bà-la-nị-tư (Vārāṇasī) thuyết, thuyết cho vua Phạm Thọ (Brahma-datta), v.v., đều là thuộc giả thiết. Bà-la-nị-tư, trước thời đức Thíc tôn, sớm đã là Thánh địa tôn giáo của Ấn-độ; vua Phạm Thọ là một vị vua nổi tiếng của Ấn-độ trong truyền thuyết. Cho nên thuyết chuyện nhân duyên thời quá khứ, có thể thuyết tại Ba-la-nị-tư, cho vua Phạm Thọ, v.v. Điều này giống như không biết nhân duyên của việc chế giới thì nói là do nhóm 6 vị tỳ-kheo, hoặc do 1 người trong số đó, luôn không đúng, không hợp. Nên tên của những người, những địa danh này đều là nhân vật đại biểu cho sự giả thiết, không thể cho đây là chân thật. Những truyền thuyết liên quan đến đời sống trong quá khứ, Thuyết nhất thiết hữu bộ giữ lại ý kiến này, so với các bộ phái khác, quả là cao hơn một bậc vậy! Những truyền thuyết có liên quan đến đời sống trong quá khứ của đức Thích tôn, từ sau khi Phật niết-bàn, đặc biệt là sau cuộc kết tập lần thứ 2 (sau Phật nhập diệt 1 thế kỷ), truyền thuyết xuất hiện càng nhiều thêm. Đây là những chuyện quá khứ, trong suy nghĩ của hàng tín đồ Phật giáo, trừ đức Thích tôn ra, còn có ai có thể biết được? Tuy nhiên, vì lai lịch không rõ ràng, truyền thuyết cũng không chắc chắn là chính xác, không nhất định, không nhất trí, nhưng không thể không thừa nhận là do Phật thuyết: đây là ý kiến chung của Phật giáo Bộ phái. Lúc đức Thích tôn còn tại thế, hàng đệ tử chỉ là nhận lãnh lời dạy dỗ của đức Phật rồi nỗ lực tu học. Những chuyện trong cuộc sống hiện tại của đức Thích tôn – đản sanh, xuất gia, tu hành, thành Phật, chuyển Pháp luân, nhập niết bàn, đương nhiên sẽ có truyền thuyết ở nhân gian. Những chuyện trong cuộc sống quá khứ, đại khái là không cần phải đi suy nghĩ nhiều. Nhưng từ khi Phật niết bàn về sau, do vì sự hoài niệm và luyến mộ chân thành, trong sự sùng kính và cúng dường di thể, di vật, di tích của đức Phật-đà, sự cao tột và vĩ đại của đức Thích tôn, siêu việt hàng đệ tử Thanh văn thông thường, cảm thấy sâu sắc dần dần. Truyền thuyết nói vào thời vua A-dục (Aśoka), 5 việc được Đại Thiên (Mahādeva) đề xướng, một phần chính là phê phán về thuyết Phật bình đẳng với hàng Thanh văn.2 Phật là bậc không có thầy mà tự mình giác ngộ, trí huệ và năng lực của Ngài, tất cả đều không phải là thứ mà hàng đệ tử có thể sánh kịp. Tại sao? Trong niềm tin về dòng sanh tử chuyển biến tiếp nối, nguyên lý nhân quả, duy chỉ có đức Thích tôn ở trong đời quá khứ, tích lũy công đức, vượt quá hàng đệ tử, cho nên khi thành Phật để giải thoát rốt ráo, mới ngẫu nhiên xuất hiện giống như gặp hoa ưu-bát-đàm [uḍumbara], vượt quá những công đức mà hàng đệ tử có được. Công đức của Phật vượt quá hàng đệ tử Thanh văn, sự tu hành vào đời trước của Phật cũng vượt quá hàng đệ tử Thanh văn, đây cũng là điều được các bộ phái đều công nhận. Trong giới Phật giáo có tồn tại tâm lý chung như vậy, vì thế đã truyền ra những sự tích tu hành trong đời sống quá khứ, những việc làm vĩ đại đáng tôn kính, đáng xưng tụng, đáng ca ngợi, đáng cảm động của đức Thích tôn mà mình không tự biết. Về phương diện này, hoặc là những vị vua nổi tiếng, những vị quan, bà-la-môn nổi tiếng, những tiên nhân xuất gia, v.v., có ‘phẩm đức cao tột và sự nghiệp vẻ vang’ của Ấn-độ cổ đại; hoặc là những câu chuyện bình dân, quỉ thần, chim chóc, thú vật của truyền thuyết dân gian Ấ-độ, đã biểu thị ra đức hạnh đáng quý (có thể từ thần thoại mà ra; khả năng còn có thành phần của Ba-tư, Hi-lạp, v.v.). Những chuyện này mà truyền thuyết thành những việc làm to lớn trong đời quá khứ của đức Thích tôn, giống như đã tổng tập đức hạnh của dân tộc, tinh túy của tinh thần dân tộc Ấn-độ, thông qua khái niệm bằng lý tính của Phật pháp, nên biểu hiện thành đức hạnh tối cao và hoàn mỹ. Duy chỉ có người hoàn bị như vậy mới trở thành Phật viên mãn rốt ráo. Cho nên những truyền thuyết này là biểu hiện về ý thức chung của giới Phật giáo, biểu đạt ra những sự thực hành vĩ đại làm nhân mà vị Phật phải có. Những sự thực hành vĩ đại làm nhân như vậy không chỉ là sự giải thoát cá nhân, là phổ biến khắp thế gian, mà tất cả việc thiện của thế gian cũng đều là Phật pháp.



1 Xin xem chi tiết nơi tác phẩm của tôi: Sự biên tập thành của Thánh điển Phật giáo nguyên thỉ, Chương 8 đến Chương 12.
(a) Thể văn xuôi trình bày trực tiếp vấn đề; có khi gọi là trường hàng trực thuyết.
(b) 10 sự hay 10 kinh, cứ 10 kinh thì thành 1 kệ.
(c) 8 chúng gồm: Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Cư sĩ, Sa-môn, Tứ thiên vương, Tam thâp tam thiên, Dạ-ma thiên, Phạm thiên.
2 A-tỳ-đạt-ma Thuận chánh lý luận 44, T. 29, tr. 595a.
3 Trường A-hàm kinh 1, Đại bổn kinh, T. 1, tr. 10c.
4 Tăng chi bộ, phẩm 4 pháp, Nam truyền 18, tr. 293-297.
1 Trường bộ, (19) Đại Điển-tôn kinh, Nam truyền 7, tr. 244-268.
2 Trường bộ, (26) Chuyển luân Thánh vương sư tử hống kinh, Nam truyền 8, tr. 74-80.
3 Trường bộ, (5) Cứu-la-đàn-đầu kinh, Nam truyền 6, tr. 197-209.
4 Trường bộ, (3) A-ma-trú kinh, Nam truyền 6, tr. 137-139, 142-144.
5 Trung bộ, (83) Đại thiên nại lâm kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 100-108.
6 Đại Bát-niết-bàn kinh 15, T. 12, tr. 451c-452a.
7 Tương ưng bộ, Phạm thiên tương ưng, Nam truyền 12, tr. 263-266.
8 Trung bộ, (50) Ma ha trách kinh, Nam truyền 10, tr. 74-81.
9 Thành thật luận 1, T. 32, tr. 245a.
10 A-tỳ-đạt-ma Thuận Chánh lý luận 44, T. 29, tr. 595a.
11 Trường bộ, (19) Đại Điển-tôn kinh, Nam truyền 7, tr. 268.
12 Trường bộ, (7) Đại Thiện kiến vương kinh, Nam truyền 7, tr. 201.
13 Trung bộ, (81) Đào sư kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 72.
14 Tương ưng bộ, Uẩn tương ưng, Nam truyền 14, tr. 226.
15 Trung A-hàm kinh 14, T. 1, tr. 515a.
16 Trung A-hàm kinh 11, T. 1, tr. 495c.
17 Trung A-hàm kinh 39, T. 1, tr. 678a.
18 Trung A-hàm kinh 40, T. 1, tr. 684a.
19 Trung A-hàm kinh 2, T. 1, tr. 429b.
20 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 126, T. 27, tr. 660a.
21 Đại trí độ luận 33, T. 25, tr. 307b.
22 Thí dụ, Phật thí dụ, Nam truyền 26, tr. 1-10.
23 Thí dụ, Bích-chi Phật thí dụ, Nam truyền 26, tr. 12-27.
24 Thí dụ, Trưởng lão thí dụ, Nam truyền 26, tr. 28 – Nam truyền 27, tr. 354.
25 Thí dụ, Trưởng lão Ni thí dụ, Nam truyền 27, tr. 357-514.
26 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 12-15, T. 24, tr. 56b-73c.
27 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 15, T. 24, tr. 73c-75c.
28 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 16, T. 24, tr. 76a-b.
29 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 16, T. 24, tr. 76c-78a.
30 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 16-18, T. 24, tr. 78a-94a.
31 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 18, T. 24, tr. 94a-97a.
32 Tiểu bộ, Kinh tập, Bỉ ngạn đạo phẩm, Nam truyền 24, tr. 370-386.
33 Tiểu bộ, Kinh tập, Đại phẩm, Nam truyền 24, tr. 258-263.
34 Phận bổn hành tập kinh 60, T. 3, tr. 932a.
(a) Thiện lai thọ cụ và tam quy thọ cụ là 2 trong 10 nhân duyên mà một người trở thành tỳ-kheo, đắc giới cụ túc. Thiện lai thọ cụ là chỉ cho 5 vị tỳ-kheo đầu tiên; tam qui thọ cụ là những người qui y Tam bảo và phát nguyện xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thọ giới cụ túc.
35 Đồng diệp luật, Đại phẩm, Nam truyền 3, tr. 1-99.
36 Di-sa-tắc bộ hòa hê Ngũ phần luật 15-16, T. 22, tr. 101a-111b.
37 Tứ phần luật 31-33, T. 22, tr. 779a-799c.
38 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da phá Tăng sự 1-10, T. 24, tr. 99a-147b.
39 Bổn sanh, Nhân duyên, Nam truyền 28, tr. 1-203.
1 Samaṅgalavilāsinī (I.P.15) 
2 Vô tri và do dự, trong 5 sự, trình bày sự không chấm dứt hoàn toàn phiền não của hàng Thánh giả Thanh văn, tức biểu thị sự siêu việt và hơn hết của đức Phật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét