Pháp sư Ấn Thuận
(印順 法師)
LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG
PHẬT GIÁO ẤN-ĐỘ
(印度佛教思想史)
Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh
dịch và phụ chú
CHƯƠNG V. PHẬT PHÁP ĐẠI THỪA HẬU KỲ
1. Kinh Đại thừa hậu kỳ
Phật Pháp Đại thừa hậu kỳ đã có sự khác biệt rõ ràng với Phật Pháp Đại thừa
sơ kỳ. Kinh Đại thừa hậu kỳ tuy cũng có chủng loại và số lượng rất nhiều nhưng
dùng Như lai tạng (Tathāgata-garbha), Phật tánh (Buddha-dhātu, Tathāgata-gotra) và xiển dương
công đức của Phật bồ-đề (Buddha-bodhi), niết-bàn (nirvāṇa) để tiếp cận tư tưởng Như lai tạng, là khuynh hướng
chung của kinh Đại thừa hậu kỳ. Về phương diện luận Đại thừa, Vô Trước (Asaṅga), Thế Thân (Vasubandhu) viết luận để giải
thích thông suốt kinh, thành lập phái Du-già hành (Yogācāra) lấy tư tưởng thức a-lại-da (ālayavijñāna) làm căn cứ. Sự phát triển mạnh mẽ của phái
Du-già cũng báo hiệu phái Trung quán bước vào giai đoạn hưng thịnh thứ nhì; sự
‘đả phá lẫn nhau và thành tựu cho nhau’ của hai phái và sự tranh luận trong nội
bộ của cả hai phái khiến cho sự biện luận đi vào thời kỳ tư biện chặt chẽ. Nói
đại khái, Kinh điển là đi từ Nam đến Bắc, Luận thư thì đi từ Bắc đến Nam, giao
lưu lẫn nhau, mà Phật Pháp ở Trung Ấn-độ, bắt đầu từ vương triều Cấp-đa (Gupta) (320 A.D. trở đi) thành dòng chính của Phật Pháp trở lại.
Kinh Đại thừa hậu kỳ, bắt đầu từ thế kỷ 3 A.D. đến cuối thế kỷ 5, phần lớn
đã được truyền bá ra. Từ thế kỷ 6 về sau, một mặt phong cách biện luận phát triển
cao trào, một mặt hình thành một thời đại mới (Phật Pháp Đại thừa Bí mật), bào
thai chính đã gần thành thục, đem truyền bá rộng rãi trước mặt một thứ Giáo điển
mới: vì thế kinh điển Phật Pháp Đại thừa được truyền bá ra cũng ít dần. Thời đại
này (trước sau khoảng 300 năm), ban đầu, vương triều An-đạt-la (Andhra) ở phương Nam bị diệt vong vào năm 225 A.D. Vương triều
Quí-sương (Kuṣāṇa) ở phương Bắc, vào thế kỷ thứ 3 cũng ngày dần
suy vong, Ấn-độ lại trở về cục diện phân
chia cát cứ các nơi. Chiên-đà-la-cấp-đa đệ nhất (Chandra-gupta I) hưng khởi từ
Ma-kiệt-đà (Magadha), vào năm 320 A.D, kiến lập vương triều Cấp-đa.
Trải qua Tát-mẫu-đà-la-cấp-đa (Samudra-gupta) đến
Chiên-đà-la-cấp-đa đời thứ 2 (Chandra-gupta II), thế lực quốc
gia tương đối cường thịnh, đã thống trị Đông, Tây và Bắc Ấn-độ, Nam Ấn-độ cũng
bày tỏ sự thần phục. Bấy giờ, văn học Phạn ngữ hưng thịnh lên mạnh mẽ (dẫn đến sự
hưng thịnh cho Ấn-độ giáo về sau). Đến cuối thời Cưu-ma-la-cấp-đa (Kumāra-gupta) (trước năm 455 A.D), phương Bắc bị sự xâm nhập
của Bạch Hung Nô, tức là Áp-đát (Hephtalites) ghi trong sách sử
của nước ta [Trung Quốc]; do không ngừng bị xâm lăng nên thế lực quốc gia bị tổn
hao nặng nề, cuối cùng vào cuối thế kỷ 5, Bắc Ấn-độ bị rơi vào ách thống trị của
Áp-đát. Phật giáo bị sự tàn phá của Áp-đát, Phật giáo ở Bắc Ấn-độ bắt đầu theo
hướng suy vong. Từ Cưu-ma-la-cấp-đa trở đi, vương triều Cấ-đa đã bị phân hóa;
hai trung tâm lớn của Phật Pháp Đại thừa ở Trung Ấn-độ - Ma-kiệt-đà ở phương
Đông, Ma-lạp-bà (Mālava) ở phương Tây,
cũng do đó dần dần hình thành.
Kinh điển thuộc Đại thừa hậu kỳ có nhiều bộ được biên tập chung vào thành một
bộ lớn. Những kinh được biên tập chung thành kinh Đại Bát-nhã, như kinh Văn-thù-sư-lợi
sở thuyết (ma-ha) bát-nhã-ba-la-mật do Man-đà-la tiên (Mandra) và Tăng-già-bà-la (Saṃgha-varman) dịch ra trước
sau vào đời Lương, tương đương với phần thứ 7. Kinh Thắng thiên vương bát-nhã-ba-la-mật
do Nguyệt-bà-thủ-na (Upaśūnya) dịch vào đời Trần,
tương đương với phần thứ 6. Những kinh được biên tập chung thành kinh Hoa nghiêm, như từ (28) phẩm Phật bất tư
nghị pháp đến (33) phẩm Ly thế gian trong kinh Hoa nghiêm dịch vào đời Tấn, đều lấy công đức của Phật (Phổ Hiền
hành) địa làm chủ. Những kinh được biên tập chung thành kinh Đại Bảo tích, như (2) Vô biên trang
nghiêm hội, (11) Xuất hiện quang minh hội do Bồ-đề-lưu-chí (Bodhiruci) dịch vào đời Đường; (39) Hiền Hộ trưởng giả hội do
Xà-na-quật-đa (Jñānagupta) dịch vào đời Tùy, v.v. Kinh Đại Bồ-tát tạng do Huyền Trang dịch vào
đời Đường được biên tập thành (12) Bồ-tát tạng hội của Bảo tích bộ. Kinh là được
biên tập vào hậu kỳ nhưng tư tưởng phần lớn thuộc sơ kỳ. Bởi vì trừ ngoài quyển
thứ nhất (trình bày pháp Thanh văn) ra, 19 quyển còn lại chỉ là được biên tập từ
kinh Đà-la-ni tự tại vương, kinh Mật Tích kim cang lực sĩ, kinh Vô tận ý. Kinh Đại Bát-niết-bàn, kinh Phương
đẳng Đại tập, kinh Đại vân do
Đàm-mô-sấm (Dharmarakṣa) dịch vào đời Bắc Lương, đều là những bộ kinh
lớn. Kinh Đại Bát-niết-bàn, ban đầu
Đàm-mô-sấm dịch chỉ có 10 quyển, là cùng bản với kinh Phương đẳng Đại Bát-nê-hoàn do Pháp Hiển – người đời Tấn, tìm được
tại thành Hoa Thị (Pāṭaliputra). Ba mươi quyển
sau là Đàm-mô-sấm trở lại Tây Vực, tìm được tại Vu-điền rồi dịch tiếp tục. Mười
quyển đầu lấy việc Phật nhập niết-bàn làm duyên khởi, nói về thường-lạc-ngã-tịnh
của đại bát-niết-bàn (mahā-parinirvāṇa). Kinh trên nói:
cái ngã do thế gian nói ấy không tránh khỏi gây hiểu sai lầm, cho nên Phật nói
vô ngã; thật ra ngã là có, bởi vì ngã nên đã nêu ra Như lai tạng.1 Ba mươi quyển sau là đi qua việc làm
thông suốt và đính chính của Học hệ Bát-nhã (ở sau sẽ giải thích thêm). Kinh Đại phương đẳng Đại tập, theo Hiệu chính
hậu tự, nói Đan bản có tổng cộng 11
phẩm: 1) phẩm Đà-la-ni Tự tại vương Bồ-tát, 2) phẩm Bảo nữ, 3) phẩm Bất thuấn,
4) phẩm Hải huệ, 5) phẩm Hư không tạng, 6) phẩm Vô ngôn, 7) phẩm Bất khả thuyết,
8) phần Bảo tràng, 9) phần Hư không mục,
10) phẩm Bảo kế, 11) phần Nhật mật [tạng].2
Bảy phẩm đầu đặt tên là ‘phẩm’, từ phần
Bảo tràng trở đi thì gọi là ‘phần’, nhưng lại có phẩm Bảo kế xen vào giữa
nơi được gọi là ‘phần’. Hễ được gọi là ‘phẩm’ thì đều trình bày về các việc làm
của Bồ-tát và công đức của Phật, có ý nghĩa liên hệ với Như lai tạng. Nhưng từ
phần Bảo tràng, phần Hư không mục, phần Nhật tạng trở đi, về sau còn có phần
Nguyệt tạng, v.v., được dịch ra. Từ phần Bảo tràng trở đi, pháp nghĩa phải cạn
hơn nhiều, có khuynh hướng thông tục, thần bí. Ngoài ra, như kinh Phật thuyết trưởng giả nữ Am-đề-già sư tử hống
liễu nghĩa mất tên người dịch; kinh Như
lai trang nghiêm trí huệ quang minh nhập nhất thiết Phật cảnh giới do
Đàm-ma-lưu-chi (Dharmaruci) dịch lần đầu vào
đời Nguyên Ngụy; kinh Độ chư Phật cảnh giới
quang nghiêm mất tên người dịch (đời Tần), v.v.: đều tuyên thuyết về ‘bất
không’, hoặc tuyên thuyết công đức và việc làm không thể nghĩ bàn của đức Như
lai.
Trong kinh Đại thừa hậu kỳ, xiển dương rõ ràng và chính xác pháp môn Như
lai tạng, ngoài 10 quyển ở phần đầu của kinh Đại Bát-niết-bàn ra, là: 1) kinh Đại phương đẳng Như lai tạng, hiện còn hai bản do Phật-đà-bạt-đà-la
(Buddha-bhadra) dịch vào đời Tấn và Bất Không (Amogha-vajra) dịch vào đời Đường. Bộ kinh này đã nhận sự gợi
mở của tư tưởng kinh Hoa nghiêm. Kinh
Hoa nghiêm mở đầu nói về hoa tạng (kusuma-tala-garbha) trang nghiêm thế giới hải của Phật Tỳ-lô-giá-na
(Vairocana); thế giới và Phật đều trụ ở trên hoa sen.
Hoa tạng là thai tạng hoa sen: hoa sen từ khi là nụ đến khi nở ra, hạt sen đã ở
sẵn bên trong hoa, giống như bào thai; đến khi cánh hoa rụng hết, đức Như lai ở
trên đài hoa (hạt sen trên đài sen) sẽ hiện ra hoàn toàn. Kinh Như lai tạng chính là lấy việc khi hoa
sen tàn lụi, trên có vị Phật để làm duyên khởi, dùng nhiều thí dụ nhằm giải
thích Như lai tạng.3 2) Kinh Đại Pháp cổ, do Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra) dịch vào đời Tống. Kinh Đại Pháp cổ và kinh Pháp hoa
có liên quan với nhau: phần đầu kinh Pháp
hoa nói ‘hội tam quy nhất’, hai thừa cùng đắc Phật trí – nhất thừa (ekayāna); nói về thật tướng thì gần với kinh Bát-nhã. Nhưng “khai tích hiển bổn,” tháp
Phật Đa Bảo (Prabhūtaratna) đã niết-bàn vọt lên xuất hiện trong không
trung; đức Thích tôn tự nói “từ khi Ta thành Phật đến nay thời gian rất lâu xa,
thọ mạng vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, thường trụ bất diệt;”(i)4 ba lần biến ta Tịnh độ; 10 phương Bồ-tát
được giáo hóa đã đến tập hội, có nghĩa Như lai (Tathāgata) thường trụ. Kinh
Pháp cổ đã đề cập đến thí dụ hóa
thành, thí dụ đứa cùng tử của kinh Pháp
hoa;5 kinh Đại Bát-niết-bàn tỉ dụ 5 thứ vị - thí dụ sữa,… đề hồ, với Phật
tánh;6 nói về Như lai tạng và Nhất thừa. 3) Kinh Ương-quật-ma-la, cũng do Cầu-na-bạt-đà-la
dịch. Trong kinh Tạp A-hàm, Ương-quật-ma-la
– Ương-cù-lợi-ma-la (Aṅgulimāla) cầm kiếm
truy sát đức Thích tôn, nhưng thế nào cũng không đuổi kịp, vì vậy hô to “dừng lại,
dừng lại!” Đức Thích tôn bảo anh ta: “Ta luôn dừng lại, chính ngươi chưa dừng.”(ii)7
Trong tư tưởng Như lai thường trụ của Đại thừa cũng lấy đây làm duyên khởi,
tuyên thuyết pháp môn Như lai tạng rằng Như lai thường trụ. Kinh Đại Bát-niết-bàn, kinh Đại Pháp cổ, kinh Ương-quật-ma-la, kinh Đại vân
đều nói khi chánh Pháp sắp diệt thì Pháp còn lại ở phương Nam. 4) Kinh Thắng Man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện
phương quảng cũng do Cầu-na-bạt-đà-la đầu tiên. Thắng Man (Śrīmālā) xuất giá đến A-du-đà (Ayodhyā), thuyết về Nhất thừa, pháp môn Như lai tạng.
A-du-đà là khu vực văn hóa phát đạt của vương triều Cấp-đa, ngài Vô Trước truyền
bá luận Du-già sư địa tại khu vực
này. Kinh Thắng man chia thành 14 chương, nói về mối quan hệ giữa Như lai tạng
và cái thức sanh diệt.8 5) Kinh
Bất tăng bất giảm, do Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch vào đời Nguyên Ngụy. Đây là những bộ
kinh điển tuyên thuyết về Như lai tạng, chỉ rõ chúng sanh vốn có đầy đủ Như
lai. Điều này tuy không có trong các kinh thuộc Phật Pháp và Phật Pháp Đại thừa
sơ kỳ nhưng thuyết Như lai tạng đã có ảnh hưởng rất sâu xa đối với Phật giáo thời
vị lai vậy! Còn có kinh Giải thâm mật,
kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa, kinh Nhập Lăng-già, kinh Đại thừa Mật nghiêm, kinh Phật
địa, v.v., sẽ trình bày riêng ở sau.
Thuyết Như lai tạng là lý luận về Phật đạo của Phật Pháp
Đại thừa, thích ứng với thế tục nên hưng thịnh theo thuyết của thông tục. Các
kinh Đại thừa như Bát-nhã, v.v., lấy
sự tu Bồ-tát hành làm chủ, lấy sự giải ngộ bát-nhã (prajñā) làm thứ dẫn đường. Điều mà bát-nhã thể ngộ
là niết-bàn (nirvāṇa), có các
tên gọi khác như pháp tánh (dharmatā), chân
như (tathatā), pháp giới (dharma-dhātu), v.v., của Phật Pháp. Chân như, v.v., không
rời tất cả mà lại siêu việt tất cả; vì siêu việt tất cả nên tánh không (śūnyatā) được các kinh điển khác ứng dụng, được gọi
là “những kinh tương ưng với ‘không’.” Nhưng nghĩa ban đầu của kinh Bát-nhã là tự tánh không (svabhāva-śūnyatā). ‘Tự tánh không’ diễn tả cái chân thật của sự
thể ngộ - không rơi vào danh, tướng, phân biệt, của tự tánh (svabhāva), không phải là không có tự tánh theo thắng
nghĩa (paramārtha). Do trừ bỏ sự chấp
trước hư vọng, đối trị thuyết ‘thật hữu’ của Bộ phái, nên tư tưởng không có tự
tánh (niḥ-svabhāva) được phát triển
mạnh mẽ lên;9 đây là tầng bậc cao
nhưng cũng dễ bị hiểu nhầm nhất. Kinh Bát-nhã,
v.v., nói “tất cả pháp đều là tánh không,” “tất cả pháp đều vô sanh,” “tất cả
pháp đều thanh tịnh,” đó là trọng sự thể ngộ bát-nhã, phương tiện để trình bày,
có khuynh hướng về lý tánh được chứng ngộ, nhưng cũng có khuynh hướng trình bày
trí huệ năng chứng. Như đức Thích tôn chứng đắc vô thượng chánh đẳng bồ-đề (anuttara-samyak-saṃbodhi), do chúng sanh
khó hiểu được nên Ngài đã từng im lặng không muốn thuyết pháp. Cái sâu xa mà
khó hiểu ấy, kinh A-hàm nói đó là
duyên khởi (pratītya-samutpāda) và niết-bàn.(iii) Nhưng kinh Tiểu phẩm Bát-nhã nói: “Bát-nhã-ba-la-mật sâu xa, khó hiểu, khó biết,
vì lý do này nên Ta muốn im lặng, không thuyết pháp.”(iv)10
Lại nữa, như nói: “Chư Phật y cứ vào pháp,… Pháp ấy chính là bát-nhã-ba-la-mật.”(v)11
Bát-nhã mà kinh Bát-nhã đã nói ấy là
huệ của Bồ-tát, khi thành Phật thì thay đổi gọi là huệ của Phật. Kinh Pháp hoa chính là dùng Phật huệ làm chủ,
cho nên nói: “Trí huệ mà Ta đạt được ấy vi diệu tối đệ nhất! Căn cơ của chúng
sanh chậm lụt, bị che mờ bởi sự dính mắc vào dục lạc và ngu si, những loại như
thế thì làm sao để độ?... Ta định không thuyết pháp, nhanh chóng nhập niết-bàn.”(vi)12
Cái mà chúng sanh khó tin và lãnh hội được chính là trí huệ của Phật, cũng
chính là Diệu pháp – Chánh pháp. Kinh trên nói: “Nhằm tuyên thuyết về trí huệ của
Phật nên Phật xuất hiện nơi thế gian;”(vii)
“lý do Như lai xuất hiện nơi thế gian là nhằm tuyên thuyết về trí huệ của Phật:”(viii)13
đây chính là nhằm chỉ bày để giác ngộ và đi vào tri kiến của Phật.(ix) Kinh Hoa nghiêm nói rộng về các việc làm to lớn của Bồ-tát, nhưng cũng
xem trọng trí huệ của Phật. Niết-bàn không phải là hai, không có tướng trạng,
không thể suy lường, kinh Đại thừa có khuynh hướng về trí huệ của (Bồ-tát và)
Phật, kỳ thật, trong kinh Bát-nhã
cũng đã nói đến rồi, như quyển 25 của kinh Ma-ha
Bát-nhã-ba-la-mật (T. 8, tr. 403a) nói:
“Đệ nhất nghĩa [thắng nghĩa] cũng được gọi là (bổn) tánh
không, cũng được gọi là đạo của chư Phật.”(x)
Đạo của chư Phật là cách dịch khác của “vô thượng chánh đẳng
bồ-đề mà chư Phật đã chứng,”14 có
cùng một nội dung với thắng nghĩa, tánh không. Cho nên luận Trí độ nói: “Thật tướng của các pháp có
nhiều tên gọi: hoặc nói đó là không, hoặc nói là tất cánh không, hoặc nói là
bát-nhã-ba-la-mật, hoặc gọi là a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.”15 Pháp Đại thừa từ niết-bàn chung với
Thanh Văn, rồi có khuynh hướng về bồ-đề của (Bồ-tát và) Phật không cùng chung với
Thanh Văn. Pháp Đại thừa vốn từ “hoài niệm của hàng đệ tử Phật đối với sự vĩnh
hằng của Phật” mà có, tu Bồ-tát hành, cầu thành tựu Đẳng chánh giác của Phật,
cho nên xem trọng trí huệ của Phật trong lý tưởng, cũng có thể nói đó là sự cần
thiết phải có.
Bồ-đề của Phật là sự thành tựu viên mãn cứu cánh về
bát-nhã-ba-la-mật. Phẩm Thập địa của kinh
Hoa nghiêm nói: ở Sơ địa chứng nhập địa trí, lần lượt mạnh mẽ thêm. Có dụ
luyện kim, dụ mài ngọc ma-ni để thí dụ cho việc phát tâm bồ-đề (bodhi-citta) to lớn, từ Sơ địa đến Thập địa, tiến tới
thành Phật.16 Đây tuy là từ phát khởi
cho đến viên mãn bồ-đề nhưng đã ám chỉ bồ-đề (giống như vàng, châu ngọc) xưa
nay vốn như thế, chính như kinh Duy-ma-cật
đã nói: “chẳng phải nói bồ-đề có trong quá khứ, vị lai hay hiện tại.”(xi)17
Phẩm Đà-la-ni tự tại vương của kinh Đại tập
có dụ mài viên ngọc lưu ly màu xanh, phẩm Hải Huệ Bồ-tát có dụ làm sáng viên ngọc
quý:18 đều biểu thị viên ngọc bồ-đề, trải qua
sự mài giũa đánh bóng để thanh tịnh rốt ráo. Kinh Đại thừa nói tất cả pháp đều
không phải là hai, không phải dị biệt, kinh Hoa
nghiêm nói tất cả pháp đều bao hàm lẫn nhau. Như vậy, trong vị trí chúng
sanh vốn đã có bồ-đề của Phật, chỉ vì không hiển lộ mà thôi. Như phẩm Bảo Vương
Như lai tánh khởi thuộc quyển 32 của kinh Đại
phương quảng Phật hoa nghiêm (T. 9, tr. 623c-624a) nói:
“Ví như có một quyển kinh lớn bằng ba ngàn đại thiên thế
giới, tất cả những sự việc trong đại thiên thế giới đều ghi chép đầy đủ trong
đó… Quyển kinh lớn bằng ba ngàn đại thiên thế giới ấy ở trong một vi trần; tất
cả vi trần cũng đều như thế.”
“Này Phật tử! Trí huệ, trí huệ vô tướng, trí huệ vô ngại
của Như lai đều có đầy đủ trong thân chúng sanh, nhưng chúng sanh ngu si bị cái
tưởng điên đảo che lấp nên không biết, không thấy, không sanh tín tâm… vĩnh viễn
lìa khỏi sự trói buộc của sự dơ bẩn cái vọng tưởng điên đảo, thấy trọn vẹn trí
huệ của Như lai ở bên trong thân của chúng, không khác gì với Phật.”(xii)
Tỉ dụ trong vi trần có quyển kinh lớn bằng đại thiên thế
giới ấy đã biểu thị chúng sanh vốn có trí huệ của Phật – bồ-đề vô thượng, chỉ
vì vọng tưởng điên đảo nên không thể tự biết được. Nếu lìa bỏ vọng tưởng điên đảo
ấy thì biết được trí huệ viên mãn của Như lai, chính mình vốn có đầy đủ. Đoạn
kinh văn này, thông thường trích dẫn để giải thích cho Như lai tạng. Nhưng kinh
văn chỉ nói vốn có đầy đủ trí huệ của Phật, liên hệ với ý nghĩa của các kinh Đại
thừa như Bát-nhã, Pháp hoa, v.v., vẫn không phải là nói rõ
sự đặc sắc của thuyết Như lai tạng.
Kinh Đại thừa nói về ‘pháp giới’, như nhiều dòng chảy vào
biển nhưng không có sự sai biệt, tương đồng với chân như, tánh không, v.v. Quyển
4 của kinh Tu-chân thiên tử (T. 15,
tr. 111a) nói:
“Này Thiên tử! Ở cõi vô sắc thì sẽ thấy hết thảy các sắc,
các sắc ấy cũng không có, đồng đẳng như hư không. Này Thiên tử! Như vậy, pháp
giới thanh tịnh vô cùng, không có vết nhơ nào. Giống như soi gương thì thấy
khuôn mặt, Bồ-tát thấy hết tất cả các pháp. Như vậy, các pháp và pháp giới đều
trong sạch như hư không.”(xiii)
Trong thí dụ này, pháp giới giống như hư không, như gương
sáng; tất cả pháp đều như các sắc trong hư không, như hình ảnh trong gương
sáng. Sắc và hư không không có sai biệt, hình ảnh thì không tách rời gương sáng
mà có. Pháp giới và tất cả sắc đều trong sáng giống nhau như hư không nhưng đã
biểu thị ý nghĩa y cứ vào pháp giới nên có tất cả pháp; giới (dhātu) thì có thể giải thích là cái nhân, là nơi
nương tựa, là bổn tánh. Những kinh điển liên quan đến Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī) đều xem trọng về pháp giới, còn nói đến nhiều
loại giới, như kinh Văn-thù-sư-lợi hiện bảo
tạng do Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn (270 A.D.) nói: “nhân chủng
[chúng sanh giới], pháp giới, hư không giới không có hai.”19 Bài tụng Pháp giới bất hoại ở cuối
kinh này nói: ngã chủng, pháp giới, nhân sĩ [chúng sanh] (giới), huệ cương,
pháp giới, trần lao (giới), (hư) không chủng, v.v., tất cả đều bình đẳng.20 Chủng và cương, theo bản dịch khác là
kinh Đại phương quảng Bảo khiếp, đều là
cách dịch khác của ‘giới’. Ngã giới (ātma-dhātu), chúng
sanh giới (sattva-dhātu) và pháp
giới, huệ - còn nêu ra cả bát-nhã giới, đều bình đẳng không phải là hai. Ngã là
tên khác của chúng sanh, trong Thần giáo, là chủ thể sanh mạng; trong Phật Pháp
giải thích rằng vì do thân và tâm hòa hợp mà thành một hợp thể nên không có thật
thể, chúng chỉ là tên gọi giả. Bây giờ gọi là gọi là ngã giới, chúng sanh giới
và pháp giới không phải là hai, đây rõ ràng không phải là tên gọi giả theo thế
tục nữa mà có ý nghĩa thâm sâu. Kinh Văn-thù
Bát-nhã đã nói: chúng sanh giới, Như lai giới, Phật giới, niết-bàn giới;
pháp giới, vô tướng (giới), bát-nhã-ba-la-mật giới, vô sanh vô diệt giới, bất
tư nghị giới, Như lai giới, ngã giới đều bình đẳng không phải là hai.21 Như lai giới (tathāgata-dhātu), Phật giới (buddha-dhātu) và chúng sanh giới, ngã giới đều bình đẳng,
phần lớn giống với ý nghĩa của kinh Văn-thù-sư-lợi
hiện bảo tạng. Nhưng giới có ý nghĩa là giới tạng – mỏ khoáng vật, chúng
sanh giới và Như lai giới đều bình đẳng, có thể dẫn đến sanh ý nghĩa chúng sanh
vốn có công đức của Như lai. Hơn nữa, Như lai (Tathāgata) là đức hiệu của Phật, cũng là tên khác của
‘thần ngã’ theo thế tục, như luận Đại trí
độ nói: “Hoặc dùng tên Phật để gọi cho Như lai, hoặc dùng tên chúng sanh để
gọi cho Như lai.”22 Cái
ngã giới và Như lai giới không phải là hai với pháp giới ấy có thể được giải
thích là cái ngã chân thật, như kinh Thanh tịnh tỳ-ni phương quảng (T.
24, tr. 1080c) nói:
“Khí tuy có nhiều loại nhưng không khác với (hư) không
kia. Như vậy, tất cả pháp tánh [giới] đều nhất như, nhất thật tế, nhưng các
chúng sanh có nhiều hình tướng và trú xứ của riêng từng loại, tự thể của chúng
biến đổi thành trăm ngàn ức hình sắc khác nhau.”(xiv)
‘Tự thể của chúng biến đổi thành trăm ngàn ức hình sắc
khác nhau,’ bản dịch khác là kinh Tịch Điều
Âm sở vấn nói: “cái ngã phân hóa thành bao trăm ngàn sắc thái.”23 Tự thể - ngã và pháp giới không phải
là hai nhưng biến hiện thành sắc thái địa ngục,… sắc thái Phật, điều này rõ
ràng là truyền theo thế tục, tự ngã trong lưu chuyển và hoàn diệt (10 pháp giới)
vậy! Chân như, pháp giới, v.v., trong pháp Đại thừa, vốn là tên khác của niết-bàn.
Trong không phải là hai, không có dị biệt dần dần xem trọng Phật quả, lại sử dụng
thành cái chân ngã mà Phật Pháp đã phủ định, sớm đã đi vào phần đầu của kinh Bát-nhã – kinh Bát-nhã 100.000 bài tụng. Phần đầu của kinh Bát-nhã đã trích dẫn năm thứ pháp tạng của Độc tử bộ (Vātsīputrīya); cái thứ năm là không thể diễn tả, trong hệ
Độc tử bộ, là cái ngã – bổ-đặc-già-la (pudgala) căn cứ
theo uẩn, giới, xứ được thiết đặt nên, không thể diễn tả nó là thường hay vô
thường, là đồng nhất hay dị biệt. Lại có một thường lệ ngược hẳn kinh Bát-nhã là lập nên thuyết “thật có Bồ-tát”.
Tại sao thật có Bồ-tát? Ngài Thế Thân (Vasubandhu), v.v.,
giải thích rằng: “cái (tánh) không có thật ấy là thể của Bồ-tát;”(xv) đây chính là ý nghĩa xem chân như là
đại ngã.24 Khuynh hướng phát triển
của Đại thừa sơ kỳ, cuối cùng đã xuất hiện thuyết Như lai tạng của Đại thừa hậu
kỳ.
Sự hưng khởi của thuyết Như lai tạng là thông tục hóa Phật
Pháp Đại thừa. Như lai cũng là tên khác của cái thần ngã trong thế tục; nhưng tạng
(garbha) là bào thai, có nguồn gốc xa từ thần thoại
cái thai vàng (hiraṇya-garbha) của
Lê-câu Vệ-đà.(xvi) Như lai tạng là
trong thân chúng sanh có Như lai, cũng có thể nói vốn là Như lai, chỉ là giống
như còn trong bào thai, chưa sanh ra mà thôi. Đại thừa xem thành Phật – Như lai
làm mục tiêu, nói vốn có đầy đủ Như lai, theo Phật Pháp nói, thì sẽ không tránh
khỏi cảm thấy kỳ lạ. Nhưng với mọi người mà nói, không chỉ hợp với thường tình
của thế tục, trong thân chúng sanh có Như lai, điều này có thể thấy việc thành
Phật không khó, có diệu dụng khích lệ lớn lao nhân tâm, tinh tấn để thực hiện
tu tập. Gọi nó là ‘tạng’, lại kẻ hô người ứng với Thần học truyền thống của Ấn-độ,
đây là thuyết thông tục nên dễ dàng được mọi người tin tưởng tiếp nhận. Truyền
thuyết nói ở địa phương Tỳ-thổ-da-na-kiệt-la (Vidyānagara) thuộc Nam Ấn-độ, những bài kệ tụng về Như
lai tạng đã được các cô gái trẻ ngâm nga ca hát nơi đô hội.25
Tư tưởng Như lai tạng, ngã thích hợp với thường tình thế
tục, mọi người ưa thích tiếp thu, nhưng đối với Phật Pháp mà nói, thì sự va chạm
càng lớn! Phật giáo Bộ phái cũng có lập ‘cái ngã không thể diễn tả,’ ‘cái ngã
theo thắng nghĩa,’ nhưng chỉ là nhằm trình bày về ký ức và sự tác nghiệp thọ
báo trong sự lưu chuyển, không phải cái tánh như thật bị mê hay được chứng. Vả lại,
(thai) tạng và ngã đều từ trong giáo điển của Bà-la-môn giáo (Brahmanism) mà có, điều này không phải thừa nhận đi theo
Thần giáo của Ấn-độ ư? Theo kinh Phật nói, đương nhiên là không phải. Cái ngã ấy
là do Phật quá khứ đã thuyết rồi truyền lại mà có, thế gian tuy nghe nói có ngã
mà không biết ý nghĩa chân thật của ngã. Bây giờ nói cái ngã của Như lai tạng
ngã (trên địa vị chúng sanh), thường-lạc-ngã-tịnh (trên địa vị Phật quả) mới là
cái ngã thật.26 Kinh Lăng-già cũng nói rõ: “vì khai mở, dẫn dắt
những kẻ ngoại đạo chấp ngã nên thuyết về Như lai tạng.”(xvii)27
Nhằm thu phục, giáo hóa ngoại đạo nên thuyết Như lai tạng ngã; Như lai tạng ngã
và tôn giáo sẵn có của Ấn-độ, là có liên hệ. Theo Phật Pháp nói, đây là phương
tiện khéo léo thích hợp với thế gian, nhưng với mọi người, e rằng có điểm khó
phân biệt giữa thần và Phật vậy! Kỳ thật, Phật Pháp Đại thừa trong quá trình
truyền bá, trình độ đồng hóa và tiếp nhận Thần giáo của Ấn-độ, chính thức ngày
càng sâu dần thêm. Đại thừa hậu kỳ trọng về Như lai nên từ Bồ-tát thuộc cõi trời
của Đại thừa sơ kỳ, tiến triển đến Như lai thuộc cõi trời, như quyển 6 của kinh
Nhập Lăng-già (T. 16, tr. 551a-b)
nói:
“Này Đại Huệ! Ngã cũng như vậy, trong thế giới Sa-bà, có
ba a-tăng-kỳ trăm ngàn danh hiệu, kẻ phàm phu tuy nói nhưng không biết đó là
tên khác của Như lai. Này Đại Huệ! Hoặc có chúng sanh biết Như lai, có biết Tự Tại,… có biết Tiên nhân, có biết Phạm, có biết
Na-la-diên, có biết Thắng giả, có biết Ca-tỳ-la, có biết bậc Cứu cánh, có biết
A-lợi-thát-ni-di, có biết mặt trăng, có biết mặt trời, có biết Bà-la-na, có biết
Tỳ-da-sa, có biết Đế Thích,… có biết ý sanh thân. Này Đại Huệ! Có các danh hiệu
như vậy, Như lai Ứng chánh biến tri ở trong thế giới Sa-bà và các thế giới khác
có ba a-tăng-kỳ trăm ngàn danh hiệu,… nhưng các phàm phu không hay không biết,
dù rơi vào trong pháp tương tục về cái chấp hai bên vẫn thảy đều cung kính cúng
dường Ta.”(xviii)28
Theo kinh Lăng-già
nói: danh hiệu của Như lai (Phật, không nhất định là đức Thích tôn) nhiều vô
cùng. Ngoài Phạm thiên, Đế Thích ra, như Tự Tại (Īśvara) là Thấp-bà thiên; Na-la-diên (Nārāyaṇa) cũng chính là Vi-nữu – Tỳ-thấp-nô thiên (Viṣṇu); nhật là mặt trời; nguyệt là mặt trăng;
Bà-la-na (Varuṇa) hoặc dịch
là vì sao sáng: đây đều là những vị thần mà Thần giáo Ấn-độ sùng bái. Ca-tỳ-la
(Kapila), truyền thuyết nói là người sáng lập nên
phái Số luận (Sāṃkhya); Tỳ-da-bà
(Vyāsa) – tiên nhân Quảng Bác, truyền thuyết nói đó
là vị biên tập nên sử thi Ma-ha-bà-la-đa
(Mahābhārata): đây đều là những
vị tiên nhân của truyền thuyết Thần giáo Ấn-độ. Các vị thần và cổ tiên của Ấn-độ
đều là tên khác của Như lai. Mọi người cung kính cúng dường Phạm thiên, v.v.,
nhưng lại không biết đó chính là Như lai. Tư tưởng thiên thần (với tiên nhân) và
Như lai không phải là hai rất rõ ràng. Lại nữa, như Bảo tràng phần của kinh Đại tập đã nói rằng khi đức Như lai đi
vào thành “nếu người thờ (phụng) voi thì liền thấy hình tượng voi… người có thờ
cá, rồng, rùa, ba-ba, Phạm thiên, Tự Tại (thiên), Kiến-đà (thiên), vị trời có 8
tay, Đế Thích, A-tu-la,… bốn vị vua trời, Dạ-xoa, Bồ-tát, Như lai, mỗi người
tùy theo vị mình cung kính mà thấy tương ứng.”29
Như lai trong tín ngưỡng tôn giáo khác nhau chính là những vị thần mà bình thường
họ tin tưởng thờ phụng. Đây là những tôn giáo phiếm thần, cũng chính là tất cả
vị thần là một vị thần, tương đồng với kinh Lăng-già.
‘Thiên và Phật không phải là hai,’ không chỉ là thuộc lý luận, mà còn thuộc tín
ngưỡng. Với sự phát triển này, Phật giáo Ấn-độ sắp đạt đến cảnh giới càng thần
bí hơn.
2. Đặc sắc của tư tưởng Như lai tạng ngã
Từ chúng sanh và Như lai không phải là hai, bao hàm lẫn
nhau, rồi nói tất cả chúng sanh có đủ trí huệ của Như lai, đó là kinh Hoa nghiêm. Nhưng biểu thị rõ ràng đặc sắc
của Như lai tạng (Tathāgata-garbha) là kinh Như lai tạng, phần đầu của kinh Đại Bát-niết-bàn, kinh Đại Pháp cổ, kinh Ương-quật-ma-la, kinh Thắng
man, kinh Bất tăng bất giảm, v.v.
Những bộ giáo điển Như lai tạng này được truyền ra phải trước sau khác nhau.
Kinh Như lai tạng, v.v., đa phần nói
thí dụ, nhưng kinh Thắng man và kinh Bất tăng bất giảm lại là nghĩa lý rõ
ràng, có đặc sắc của ‘Kinh mang phong cách của Luận’. Thuyết Như lai tạng chú
trọng đại bát-niết-bàn (mahāparinirvāṇa), thường-lạc-ngã-tịnh
của Như lai, từ Như lai thường trụ nói đến tất cả chúng sanh có Như lai tạng,
10 quyển thuộc phần đầu của kinh Đại
Bát-niết-bàn chính là như thế. Kinh Thắng
man và kinh Bất tăng bất giảm tiến
thêm nói đến Như lai tạng (hoặc ‘giới’) làm căn cứ, thành lập tất cả pháp –
sanh tử và niết-bàn, chúng sanh và pháp thân (dharma-kāya) (của Phật). Lấy Như lai (giới) tạng chân thật
thường trụ làm căn cứ và lấy thức a-lại-da (ālaya-vijñāna) hư vọng sanh diệt làm căn cứ, đối lập tương ứng
với nhau. Thức a-lại-da làm căn cứ là từ ý thức tìm hiểu và nghiên cứu đến chỗ
sâu xa và vi tế để thành lập nên, như Ý địa của luận Du-già sư địa nói: “tâm là thứ có tính chất làm nơi nương tựa cho tất
cả chủng tử, .”(i) Sau đó nói đến tử và
sanh; nói đến “thức chứa tất cả chủng tử này, nếu là người có pháp bát-niết-bàn
thì có đầy đủ tất cả chủng tử; nếu không có pháp bát-niết-bàn thì khuyết thiếu
ba thứ chủng tử bồ-đề. Tự thể tùy theo nơi sanh ra, các chủng tử của thể khác
cũng đều đi theo.”(ii)1 Sự tạp nhiễm của sanh tử và sự thanh tịnh
của niết-bàn, Phật Pháp vốn y cứ vào duyên khởi (pratītyasamutpāda) để thành lập nên tất cả, luận Du-già
cũng vẫn là y cứ vào duyên khởi. Thuyết Như lai tạng nói rõ ràng chúng sanh vốn
có công đức của Như lai, kinh Thắng man, v.v., được truyền ra trễ hơn
nhiều, cũng nói về nơi y trú, có thể chịu ảnh hưởng của Du-già học thời kỳ sớm.
Vốn là, chuyên trọng về sự khế chứng sâu sắc hay chuyên trọng về tín ngưỡng quả
chứng, trong hệ thống Phật Pháp, là không thể hoàn mãn!
Kinh Như lai tạng dùng 9 thí dụ để nói về Như lai
tạng: 1) hoa tàn có Phật, 2) đàn ong hút mật, 3) hạt gạo trong vỏ trấu, 4) vàng
thật trong nơi dơ bẩn, 5) kho báu trong nhà nghèo, 6) hạt trong quả, 7) tượng
vàng trong vật che giấu, 8) cô gái nghèo mang thai vị Luân vương, 9) tượng vàng
trong khuôn đúc.2 Hoa tàn có Phật, là nói
khi hoa sen tàn tạ sẽ có Phật xuất hiện, bên trong thai tạng bằng hoa có vô lượng
Như lai, đây là thí dụ căn bản của Như lai tạng. Như lai tạng ở trong thân
chúng sanh, như kinh Đại phương đẳng Như lai tạng (T. 16, tr. 457b-c,
458b, 458c, 459a) nói:
“Tất cả chúng sanh ở trong các phiền não như tham dục,
nhuế, si, có trí của Như lai, mặt của Như lai, thân của Như lai đang ngồi kiết
già, nghiễm nhiên bất động… Có Như lai tạng luôn luôn không bị nhiễm ô, đầy đủ
đức tướng, như Ta không khác.”(iii)
“Có tri kiến, lực, vô sở úy của Như lai, có kho báu đại
pháp ở bên trong thân của chúng.”(iv)
“Như lai tạng ấy mát mẻ không nóng bức, có khối đại trí
huệ, có nê-hoàn [niết-bàn] vi diệu tịch tĩnh, gọi là Như lai, Ứng cúng, Chánh đẳng
giác.”(v)
“Phật tạng ở trong thân, đầy đủ các tướng hảo.”(vi)
Như lai tạng là khối đại trí huệ có tri kiến, lực, vô sở
úy, v.v., của Như lai ở trong thân chúng sanh, cũng là thân Như lai có đầy đủ
các tướng (32 tướng), ngồi kiết già, không khác gì Phật. Như lai tạng giống như
vậy nên trong kinh Lăng-già đã thấy khó hiểu và quái lạ vì thế đã nêu
nghi vấn của mọi người: đây không phải chính là thần ngã (ātman) của ngoại đạo ư?
Kinh Đại Bát-niết-bàn (10 quyển đầu) là từ Như lai
thường trụ trong đại bát-niết-bàn rồi nói đến Như lai tạng ngã. Bát-niết-bàn của
Như lai là niết-bàn có thường-lạc-ngã-tịnh, là pháp thân thường trụ, thọ mạng
vô lượng. Thường trụ là siêu việt thời gian, cũng sẽ không rời thời gian, lúc
nào cũng vẫn như thế. Từ Như lai thường trụ đã dẫn đến chúng sanh vốn có Như
lai, chính là Như lai tạng ngã. Như lai tạng là ngã, như kinh Đại Bát-niết-bàn,
v.v.,3 nói:
1) “Phật Pháp nói có ngã, tức là Phật tánh;”(vii) “ngã tức là nghĩa của Như lai tạng.
Tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã.”(viii)
2) “Ngã tức là nghĩa của Phật;”(ix) “ngã được gọi là Như lai.”
3) “Nếu dùng phương tiện siêng năng, trừ bỏ dơ bẩn phiền
não, thì sẽ đắc được ngã;”(x) “thường
trụ an lạc nên ắt phải có ngã.”(xi)
4) “Tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng ngã,… đoạn trừ
tất cả phiền não nên thấy được ngã giới.”(xii)
Theo kinh Đại Bát-niết-bàn, v.v., có thể thấy Phật
tánh [giới] (Buddha-dhātu), Phật tạng
(Buddha-garbha), Như lai tánh –
Như lai giới (Tathāgata-dhātu), đều là
tên khác của Như lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng (Phật tánh),
lìa khỏi tất cả phiền não, hiển bày pháp thân Như lai cũng chính là ‘thấy ngã,’
‘đắc ngã’; ngã là tên khác của Như lai. Từ quả vị niết-bàn của Như lai nói đến
Như lai tạng (hoặc Như lai giới) ngã ở địa vị chúng sanh, ngã là cái ngã trong
sự lưu chuyển sanh tử và cái ngã trong niết-bàn hoàn diệt, “chúng sanh và Phật
không phải là hai.” Như kinh Bất tăng bất giảm (T. 16, tr. 467a-b) nói:
“Chúng sanh giới chính là Như lai tạng: Như lai tạng
chính là pháp thân… Pháp thân này trải qua sự bị hằng sa vô biên phiền não trói
buộc, từ vô thỉ đến nay thuận theo thế gian, trôi nổi phiêu bạt, qua lại trong
sanh tử nên gọi là chúng sanh.”(xiii)
“Pháp thân này chán bỏ khổ não sanh tử ở thế gian,… tu bồ-đề
hành nên gọi là Bồ-tát.”(xiv)
“Pháp thân này lìa tất cả phiền não, sai sử, trói buộc của
thế gian, vượt qua tất cả khổ,… lìa hết mọi chướng, lìa hết mọi trở ngại, đắc lực
tự tại đối với tất cả pháp nên gọi là Như lai.”(xv)
Chúng sanh (sattva), Bồ-tát
(Bodhi-sattva), Như lai (Tathāgata), tuy có ba tên gọi nhưng thật sự chỉ là một
pháp thân, cũng chính là Như lai tạng ngã. Như lai tạng chính là Như lai giới,
cho nên trong kinh nói “một giới.”(xvi)4 Phật Pháp nói vô ngã nhưng bây giờ lại
cực lực nói về Như lai tạng ngã, rốt cục, ngã là gì? Kinh Đại Bát-niết-bàn
nói: “Cái gì là ngã? Nếu pháp nào là thật, là chân, là thường, là chủ, là nơi
nương tựa, có tánh chất không thay đổi thì pháp đó chính là ngã.”(xvii)5
Điều này dường như chẳng khác nhiều so với cái ngã là thường, là lạc, là biết
mà Áo nghĩa thư (Upaniṣad) đã nói.(xviii) Nhưng kinh Đại Bát-niết-bàn
cho rằng: ngã là điều mà Phật quá khứ đã thuyết, do truyền thuyết lâu dài nên
Thần giáo nói dường như đúng mà lại sai. Nhằm ngăn chặn sự truyền bá sai lầm của
ngoại đạo nên nói vô ngã; bây giờ mới nêu rõ cái tướng thật của ngã.6 Sự thành lập nên Như lai tạng và ngã,
trong kinh đã sử dụng nhiều thí dụ để trình bày, đây là điều đáng được chú ý!
Như lai tạng chính là Phật tánh, đó là phỏng theo địa vị
chúng sanh để nói. Như lai tạng trong thân và tâm chúng sanh có tướng hảo trang
nghiêm giống như đức Như lai, như kinh trên7
nói:
1) “Tất cả chúng sanh ở trong các phiền não như tham dục,
nhuế, si, có trí của Như lai, mặt của Như lai, thân của Như lai đang ngồi kiết
già, nghiễm nhiên bất động.”(xix)
2) “Như lai tánh [giới] là vô tác, ở trong tất cả chúng
sanh, có vô lượng tướng hảo, thanh tịnh trang nghiêm;”(xx) “Phật tánh ở nơi tất cả chúng sanh,
có vô lượng tướng hảo, thanh tịnh trang nghiêm.”(xxi)
3) “Tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, có vô lượng
tướng hảo, trang nghiêm chiếu sáng.”(xxii)
Như lai tạng là thứ có sắc tướng, đợi đến khi lìa tất cả
phiền não, Như lai an trụ trong đại bát-niết-bàn, đương nhiên không phải như
‘thân tro trí bùn’ của Nhị thừa, mà là có sắc tướng trang nghiêm. Như kinh trên8 nói:
1) “Niết-bàn được gọi là giải thoát… nói chẳng phải sắc,
tức là sự giải thoát của Thanh văn, Duyên giác; nói là sắc, tức là sự giải
thoát của chư Phật Như lai.”(xxiii)
2) “Sự giải thoát không có tên, trụ nơi sắc vi diệu và
trong sáng, chẳng phải cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát.”(xxiv)
3) “Hư không là sắc của Phật, Nhị thừa không có sắc. Sự
giải thoát là sắc của Phật, Nhị thừa không có sắc.”(xxv)
4) “Tất cả chư Như lai đều có sắc vi diệu giải thoát.”(xxvi)
5) “Sắc thân vi diệu của Như lai, ở thế gian không ai
sánh bằng… Sắc của Như lai vô tận, trí huệ của Ngài cũng thế.”(xxvii)
Kinh Đại thừa sơ kỳ chú trọng về sự trí chứng sâu sắc,
như kinh Bát-nhã và những thánh điển có liên quan đến ngài Văn-thù (Mañjuśrī) đều quán Phật như quán hư không; Phật thì
không thể thấy được trong sắc, thanh, tướng hảo, được gọi là “thuyết pháp thân
vô sắc.” Những kinh Đại thừa hậu kỳ mà lấy Như lai tạng, Phật tánh, v.v., làm
dòng chính thì đều có thể nói đó là kế thừa niềm tin “sắc thân của Như lai
không có giới hạn” của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) mà ra;
chịu sự gợi mở của niệm Phật tam-muội (Buddhānusmṛti-samādhi) trọng về
niềm tin nên đã hình thành “thuyết pháp thân có sắc.” Pháp thân có tướng hảo
trang nghiêm, Như lai tạng và Phật tánh vốn đã có sẵn trong địa vị ‘nhân’ nên
đương nhiên cũng phải có sắc.
Ngoài Như lai tạng là ngã, có sắc ra, chẳng phải ‘không’
(aśūnya) cũng là một ý nghĩa quan trọng. Đại thừa sơ
kỳ, đặc biệt là sự phát triển của kinh Bát-nhã, nói tất cả pháp đều như
huyễn hóa, cũng chính là tất cả pháp đều là ‘không’, ‘không’ cũng không thể nắm
bắt được. Trong tất cả pháp đều có bổn tánh là ‘không’ (prakṛti-śūnyatā), Như lai, bồ-đề, niết-bàn đều là ‘không’,
như huyễn hóa. Nghĩa ‘không’ sâu xa này khó được mọi người tin tưởng và hiểu được;
người tin tưởng và tiếp nhận được cũng không tránh khỏi hiểu nhầm nên bị lầm đường
lạc lối. Phần cuối của Bát-nhã bản trung (tục xưng là Đại phẩm) đã chú ý
đến điểm này, vì vậy quyển 26 của kinh Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật (T. 8,
tr. 416a) nói:
“Nếu Bồ-tát mới phát ý, nghe rằng tất cả pháp rốt ráo đều
là tánh không, cho đến niết-bàn cũng đều như hóa, trong tâm ắt kinh sợ. Vì vị Bồ-tát mới phát
ý này nên phân biệt (nói) cái có sanh diệt thì đều như hóa, cái không có sanh
không có diệt thì không phải như là hóa.”(xxviii)
Nhằm thích ứng với người mới học nên nói: “nếu pháp nào
có tướng sanh diệt thì đều bị biến đổi… niết-bàn không có tướng hư đối là pháp
không biến đổi,”(xxix)9 điều này tương đương với thuyết Như lai
tạng không phải là ‘không’. Nhưng thuyết Như lai thường trụ chẳng phải là
‘không’ ấy ngược lại nói: “các kinh tương ưng với nghĩa ‘không’ là chẳng liễu
nghĩa;”(xxx) “tất cả kinh nói về ‘không’ là nói
chưa hết [nghĩa].”(xxxi)10 Xem Văn-thù là đại biểu cho những người
nói ‘tất cả đều là không’, thêm sự quở trách, chỉ trích, hoàn toàn cùng một tác
phong với quá khứ Văn-thù đã từng quở trách các đại đệ tử của đức Thích tôn.11 Theo những người chủ trương ‘bất không
luận’ thì: có thứ là ‘không’ (śūnya), có thứ
chẳng phải ‘không’, không thể luôn một bề nói ‘không’ hoặc ‘bất không’ được.
Như quyển 5 của kinh Đại Bát-niết-bàn (T. 12, tr. 395b-c) nói:
“Không thể (luôn một bề) nói là ‘không’ hay chẳng phải
‘không’. ‘Không’ là không có 25 hữu và các phiền não, tất cả khổ, tất cả tướng,
tất cả hành hữu vi; như cái bình không có sữa đông thì gọi là ‘không’. Chẳng phải
‘không’ là sắc chân thật và tốt đẹp, thường-lạc-ngã-tịnh, bất động bất biến; giống
như màu sắc, hương, vị, xúc của cái bình ấy nên gọi là chẳng phải ‘không’. Vì vậy,
sự giải thoát được ví như cái bình kia… người có sự giải thoát chân thật ấy
chính là Như lai.”(xxxii)12
Hai mươi lăm hữu là sự phân loại của sanh tử trong ba
cõi, phiền não, (nghiệp), khổ, tất cả hữu vi đều là ‘không’; niết-bàn giải
thoát của Như lai thì chẳng phải ‘không’. Điều này giống như kinh Ương-quật-ma-la
đã nói: “có pháp khác là ‘không’, có pháp khác chẳng phải là ‘không.’”(xxxiii)13
Như cái bình không có sữa đông thì gọi là ‘không’; cái bình có sắc, hương, vị,
xúc, thì chẳng phải là ‘không’. Cái ‘không’ như vậy so với điều mà kinh Tiểu
không của kinh Trung A-hàm đã nói, về phương pháp là nhất trí. Cái
‘không’ và chẳng phải ‘không’ thuộc sự giải thoát của Như lai cũng chính là cái
‘không’ và chẳng phải ‘không’ của Như lai tạng ở địa vị ‘nhân’, như kinh Thắng
Man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng (T. 12, tr. 221c)
nói:
“Bạch đức Thế tôn! Có hai loại trí về cái ‘không’ của Như
lai tạng. Bạch đức Thế tôn! Không Như lai tạng là cái tạng hoặc lìa, hoặc
thoát, hoặc tách biệt tất cả phiền não.
Bạch đức Thế tôn! Bất không Như lai tạng là cái tạng trải qua Hằng sa [kiếp]
không lìa, không thoát, không tách biệt, là Phật Pháp không thể nghĩ bàn.”(xxxiv)
Không Như lai tạng (śūnya-tathāgata-garbha) chỉ cho tất cả
phiền não che lấp Như lai, phiền não và Như lai tạng là khác biệt, nên có thể
lìa bỏ, không còn tương ưng, như bụi dơ bám trên viên ngọc quý. Phiền não che lấp
Như lai ấy là ‘không’, hoàn toàn chẳng phải nói Như lai tạng là ‘không’. Bất
không Như lai tạng (aśūnya-tathāgata-garbha) là chỉ
cho Phật Pháp không thể nghĩ bàn mà không lìa, không tách biệt, cũng chính là
công đức (phù hợp với tánh) tương ưng với Như lai tạng; đây là cái ‘không’
không thể diễn tả được. Theo ý của kinh Thắng Man nói: Như lai tạng bị
phiền não che lấp (phiền não là căn bản của sanh tử) nên trở thành sanh tử,
tương ưng với công đức thanh tịnh rồi hiển lộ ra pháp thân, Như lai tạng đã trở
thành nơi y cứ của mê ngộ, nhiễm tịnh. Nếu như tổng hợp lại thì có ba pháp, như
kinh Phật thuyết bất tăng bất giảm (T. 16, tr. 467a-b) nói:
“Chúng sanh giới tức là Như lai tạng; Như lai tạng ấy tức
là pháp thân.”(xxxv)
“Trong chúng sanh giới hiển lộ ra ba pháp đều chân thật,
không dị biệt, không sai khác. Ba pháp ấy là gì? Một là, Như lai tạng từ quá khứ
đến nay có cái thể tương ưng với pháp thanh tịnh; hai là, Như lai tạng từ quá
khứ đến nay có cái thể không tương ưng với sự trói buộc của phiền não và các
pháp không thanh tịnh; ba là, Như lai tạng ở thời vị lai luôn bình đẳng với
pháp hữu(xxxvi)… Như lai tạng ở thời
vị lai luôn bình đẳng với pháp hữu, tức là nó làm căn bản của tất cả pháp: hoàn
bị tất cả pháp, đầy đủ tất cả pháp, ở trong pháp thế gian nhưng không rời chúng,
không thoát khỏi tất cả pháp chân thật, trú ở nơi tất cả pháp, nắm giữ tất cả
pháp.”
Kinh Bất tăng bất giảm kế thừa kinh Thắng Man
nhưng giải thích tiến thêm một bước. Cái từ quá khứ đến nay đã tương ưng ấy là
‘bất không Như lai tạng’. Cái từ quá khứ đến nay đã không tương ưng ấy là
‘không Như lai tạng’. Cái ở thời vị lai luôn bình đẳng với pháp hữu ấy chủ yếu
nói rõ cái thể của Như lai tạng, nó làm căn bản (nơi y cứ) của tất cả pháp.
‘Hoàn bị tất cả pháp, đầy đủ tất cả pháp;’ ‘trú ở nơi tất cả pháp, nắm giữ tất
cả pháp’ biểu thị Như lai tạng là chỗ y cứ căn bản của tất cả, tất cả pháp đều
y cứ vào Như lai tạng để có thể thành lập, như kinh Thắng Man sư tử hống Nhất
thừa đại phương tiện phương quảng (T. 12, tr. 222b) nói:
“Sự sanh tử y cứ vào Như lai tạng;… do có Như lai tạng
nên nói là sanh tử, đó gọi là nói khéo léo… chẳng phải Như lai tạng có sanh có tử,
Như lai tạng lìa khỏi tướng hữu vi, Như lai tạng thường trụ bất biến, vì vậy
Như lai tạng là chỗ nương tựa, là cái nắm giữ, là cái xây dựng. Bạch đức Thế
tôn! Không lìa khỏi, không dứt đoạn, không thoát đi, không dị biệt với Phật
Pháp chẳng thể nghĩ bàn. Bạch đức Thế tôn! Dứt đoạn, thoát đi, dị biệt, đó là
pháp hữu vi bên ngoài, còn cái là chỗ nương tựa, là cái nắm giữ, là cái xây dựng
ấy là Như lai tạng. Bạch đức Thế tôn! Nếu không có Như lai tạng thì không thể
chán cái khổ để muốn cầu niết-bàn được.”(xxxvii)
“Là chỗ nương tựa, là cái nắm giữ, là cái xây dựng” là y
(niśraya), trì (upastambha), lập (sthāna) – 3 nhân trong 5 năm thuộc năng tác nhân,
cũng chính là ‘nắm giữ - trụ trì’ mà kinh Bất tăng bất giảm đã nói. Tất
cả pháp đều y cứ vào Như lai tạng: có pháp hữu vi như phiền não, v.v., không
tương ưng với Như lai tạng cho nên có sanh tử lưu chuyển. Có pháp thanh tịnh
tương ưng với Như lai tạng cho nên có thể đắc niết-bàn. Sanh tử và niết-bàn đều
y cứ vào cái Như lai tạng chân thường bất biến để thành lập. Đặc biệt là Như
lai tạng có Phật Pháp không thể nghĩ bàn tương ưng với nó, vì vậy dù chúng sanh
tuy không hay không biết nhưng do bên trong đã có đầy đủ công đức chân thật nên
có thể sanh khởi động cơ nhàm chán khổ báo của sanh tử, cầu đạt niết-bàn rốt
ráo. Y cứ vào pháp thật hữu mà chân thường bất biến ấy làm chỗ nương tựa để
thành lập nên hết thảy pháp, vì vậy tôi gọi đó là ‘Duy tâm luận lấy chân thường
(làm y cứ)’. Nhưng thuyết Như lai tạng sơ kỳ vẫn chỉ lấy chân thường làm chỗ y
cứ, rồi hướng thẳng đến duy tâm (cittamātratā) hoặc duy
thức (vijñaptimātratā) rồi phát triển.
Thuyết Như lai tạng hậu kỳ (chịu ảnh hưởng từ các Luận sư) – ‘chân thường duy
tâm luận’, ở phần sẽ trình bày thêm.
Đặc điểm của thuyết Như lai tạng sơ kỳ là ngã, có sắc, chẳng
phải không, làm nơi y cứ. 1) Ngã là thứ rốt cục đã bị thần hóa ít nhiều nên
kinh Bất tăng bất giảm (gọi là chúng sanh, Bồ-tát, Như lai) đã không đề
cập lại nữa. 2) Thứ không và bất không Như lai tạng là hành hữu vi và công đức
vô vi, vì đối lập nên không thể nói “không tức là bất không, bất không tức là
không” và khác với cách nói “tịnh-nhiễm nhất như.” Y, trì, kiến lập là năng tác
nhân (kāraṇa-hetu) cho nên không thể
nói rằng Như lai tạng sanh ra tất cả pháp. 4) Thuyết Như lai tạng chú trọng về
Như lai có sắc tướng trang nghiêm, ở trong thân chúng sanh vốn có Như lai tạng.
Như lai thì chân thật, thường trụ bất biến, là pháp vô vi, xem đây là lý tưởng
của những người tin Phật, cho nên đối với Phật Pháp đã được nói trước đó, đều dẫn
từng thứ quy về Như lai. Nói quy y Tam bảo mà chỉ là ‘một nơi nương tựa’ – chỉ
nương tựa Phật; nói Tứ đế nhưng chỉ là ‘một Đế’ – Diệt đế (vô vi); nói phàm
Thánh nhưng chỉ là ‘một giới’ – Như lai giới (trong địa vị ‘nhân’ thì gọi là
chúng sanh giới); nói năm thừa Phật Pháp nhưng chỉ là ‘một thừa’ – Phật thừa;
nói niết-bàn của ba thừa nhưng chỉ là ‘một niết-bàn’ – niết-bàn của Như lai.
Ngưỡng mộ và tin tưởng về quả đức, ‘chúng sanh và Phật là đồng nhất’, thuyết
Như lai tạng sơ kỳ đã chịu ảnh hưởng rất sâu từ Pháp hoa và Hoa
nghiêm vậy!
Trong quá trình lưu hành, thuyết Như lai tạng đã kết hợp
với thuyết tự tánh (hoặc dịch là bổn tánh) thanh tịnh tâm (prakṛti-pariśuddha-citta, prakṛtiprabhāsvara-citta), cũng
chính là thuyết bổn tánh của tâm vốn thanh tịnh. Kinh Thắng Man gọi Như
lai tạng là tự tánh thanh tịnh tạng (prakṛti-pari-śuddhhi-garbha). Kinh lại
nói: “(tự) tánh thanh tịnh tâm ấy khó biết rõ được; việc tâm ấy bị phiền não
làm ô nhiễm cũng khó biết rõ được.”(xxxviii)14 Kinh Bất tăng bất giảm nói: “Ta y vào
cái thanh tịnh chân như, pháp giới này, vì chúng sanh nên nói là tự tánh thanh
tịnh tâm là pháp không thể suy lường được.”15
“Tâm vốn thanh tịnh nhưng bị khách trần phiền não làm ô nhiễm” có xuất xứ từ
kinh Tăng nhất A-hàm – tụng bản của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), hệ Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavādin) (bản của Thuyết nhất thiết hữu bộ thiếu kinh
này). Trong các bộ phái, như những Luận giả chủ trương ‘trước sau đều cùng một
tánh giác’, những Luận giả chủ trương ‘chỉ có duy nhất một tâm nối tiếp nhau’,
những người theo Phân biệt luận chủ trương tâm tánh vốn thanh tịnh, sớm đã chủ
trương tâm trước và sau nối tiếp nhau, là duy nhất, là thanh tịnh.16 Tâm tánh vốn thanh tịnh nhưng bị phiền
não làm ô nhiễm, so với Như lai tạng vốn có sự thanh tịnh nhưng bị phiền não
che lấp, ý tứ rất gần nhau, cho nên Như lai tạng cũng được gọi là tự tánh thanh
tịnh tâm. Như lai tạng mà được gọi là tự tánh thanh tịnh tâm ấy đã nhập thành một
dòng với tư tưởng chân ngã và tâm chân thường.17
Các Luận sư đã dắt dẫn thuyết tâm tánh vốn thanh tịnh nói Như lai tạng là tên
khác của chân như nhưng Như lai tạng ngã có sắc tướng trang nghiêm ấy vẫn còn
lưu hành trong tín ngưỡng thần bí, thông tục.
Ý nghĩa gốc của Như lai tạng là trong thân chúng sanh có
trí huệ và sắc tướng trang nghiêm giống như đức Như lai, “chúng sanh và Phật
không phải là hai,” chúng sanh chỉ là bị pháp sanh tử che lấp mà thôi. Như lai
tạng là cái được nhân cách hóa; nó gần với tư tưởng “pháp thế gian đều hư vọng,
pháp xuất thế mới chân thật,” mà khác với thuyết “sanh tức tức niết-bàn.” Nhưng
trong quá trình phát triển tư tưởng, Như lai tạng đã dung hợp thuyết tâm tánh vốn
thanh tịnh, cũng kết hợp với chân như, v.v., như kinh Thắng Man nói: “có
hai loại Như lai tạng không trí.”18
Không trí là ‘trí nhận biết về tánh không’ (śūnyatā-jñāna – không tánh trí), kinh Thắng
Man là y cứ vào không tánh trí này để nói về không và bất không. Không tánh
trí là: thật thể “không có cái ‘như’ ở bên ngoài trí, không có trí bên ngoài
cái ‘như’,” “như và trí không phải là hai;” y vào đây để nói ‘không’ – không
tương ưng với hữu lậu tạp nhiễm, ‘bất không’ – tương ưng với pháp vô lậu thanh
tịnh. Đây chính là “Như lai tạng ở thời vị lai luôn bình đẳng với pháp hữu, tức
là nó làm căn bản của tất cả pháp” trong ba loại pháp của kinh Bất tăng bất
giảm. Phái Du-già hành (Yogācāra) lấy chân
như – cái ‘không’ có được sau khi hiển tánh để giải thích Như lai tạng, lấy
công đức hữu vi mà chân như có được để giải thích cho bất không, dường như đã
làm thông suốt được nhưng kỳ thật là ngoài mặt tuy giống mà trong lòng khác
nhau. Kinh Thắng Man nói Như lai tạng là không tánh trí, cho nên những
người theo Trung quán (Mādhyamika) mới nổi
lên sau, có người cũng hòa theo mà không tự biết. Nói Như lai tạng là tự tánh
thanh tịnh tâm, 7 pháp gồm 6 thức, v.v., mang tính sát-na (kṣaṇa)(xxxix)
đã mở đầu cho mối quan hệ giữa Như lai tạng và thức sanh diệt, phát triển thành
“chân thường duy tâm luận” mới nổi lên sau. Tóm lại, những người theo thuyết
Như lai tạng đã dùng không tánh trí để dung hòa nghĩa ‘không’, dùng Như lai tạng
tâm để dung hòa nghĩa ‘duy thức’. Luận nghĩa Đại thừa, Trung quán và Duy thức
đã được dung hòa trong thuyết Như lai tạng, thành một hệ thống lớn của Đại thừa
học tại Ấn-độ. Thuyết Như lai tạng miễn cưỡng phụ thuộc vào Trung quán, Du-già
để phát triển, thông thường vẫn xem Đại thừa chỉ có hai nhà Trung quán và
Du-già, đó là do chịu ảnh hưởng của sự chuyên trọng về biện luận mà ra vậy!
1 Đại
Bát-niết-bàn kinh 2, T. 12, tr. 378a-379a.
2 Đại
phương đẳng Đại tập kinh 1, T. 13, tr. 8b.
3 Đại
phương đẳng Như lai tạng kinh, T. 16, tr. 457a-b.
(i) Cf.: “tāvaccirābhisaṃbuddho
'parimitāyuṣpramāṇastathāgataḥ sadā sthitaḥ | aparinirvṛtastathāgataḥ parinirvāṇamādarśayati
vaineyavaśena | na ca tāvanme kulaputrā adyāpi paurvikī bodhisattvacaryāṃ
pariniṣpāditā | āyuṣpramāṇamapyaparipūrṇam | api tu khalu punaḥ kulaputrā
adyāpi taddviguṇena me kalpakoṭīna-yutaśatasahasrāṇi bhaviṣyanti āyuṣpramāṇasyāparipūrṇatvāt
|” Sp, p. 190.
4 Diệu
pháp liên hoa kinh 5, T. 9, tr. 42c.
5 Đại
Pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 296a-b, 297b-c.
6 Đại
Pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 295c-296a.
(ii) Cf. “Ṭhitova bhagavantaṃ etadavoca –
‘‘tiṭṭha, tiṭṭha, samaṇā’’ti. ‘‘Ṭhito ahaṃ, aṅgulimāla, tvañca tiṭṭhā’’ti.” MN.
PTS: 2.99
7 Tạp
A-hàm kinh 38, T. 2, tr. 280c. Trung
bộ, (86) Ương-quật-ma kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 133.
8 Thắng
Man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr.
222b.
9 Xin xem tác phẩm của tôi: Không chi tham cứu, chương 3, tr.
180-186.
(iii)《雜阿含經》卷12:「此甚深處,所謂緣起,倍復甚深難見,所謂一切取離、愛盡、無欲、寂滅、涅槃;如此二法,謂有為、無為,…
比丘!彼何所滅?謂有餘苦,彼若滅、止、清涼、息、沒,所謂一切取滅、愛盡、無欲、寂滅、涅槃。」」(CBETA,
T02, no. 99, p. 83, c13-21)
(iv) Cf.: “evamukte bhagavān śakraṃ
devānāmindraṃ kāmāvacarāṃś ca devaputrān brahmāṇaṃ ca sahāpatiṃ rūpāvacarāṃś ca
devaputrānāmantrayate sma - evametaddevaputrāḥ, evam etat / gambhīrā bateyaṃ
devaputrāḥ prajñāpāramitā / duravagohayaṃ devaputrāḥ prajñāpāramitā / durdṛśeyaṃ
devaputrāḥ prajñāpāramitā / duranubodheyaṃ devaputrāḥ prajñāpāramitā /
idamapyarthavaśaṃ saṃpaśyatastathāgatasyārhataḥ samyaksaṃbuddhasya anuttarāṃ
samyaksaṃbodhimabhisaṃbuddhamātrasya bodhimaṇḍe niṣaṇṇasya alpotsukatāyāṃ
cittamavanataṃ na dharmadeśanāyām - gambhīro batāyaṃ mayā dharmo 'bhisaṃbuddha
iti, yatra na kaścid-abhisaṃbuddho na kaścidabhisaṃbhotsyate na kaścid-abhisaṃbudhyate
/ iyaṃ sā dharmasya gambhīratā / ākāśa-gambhīratayā gambhīro 'yaṃ dharmaḥ /
ātmagambhīratayā gambhīro 'yaṃ dharmaḥ / sarvadharmānāgamanatayā gambhīro 'yaṃ
dharmaḥ / sarvadharmāgamanatayā gambhīro 'yaṃ dharmo mayābhisaṃbuddha iti //
Asp, pp. 151-152.
10 Tiểu
phẩm Bát-nhã-ba-la-mật kinh 6, T. 8, tr. 562b. Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh 16, T. 8, tr. 335a, phỏng theo nhất
thiết chủng trí “nhất như, không hai, không khác” của Phật để nói.
(v) Cf.: “yathā subhūte tathāgatā arhantaḥ
samyaksaṃbuddhā imāṃ dharmaṃ prajñāpāramitāmupaniśritya viharanti, tathaivaite
dharmāḥ sadā sthitāḥ, asthānatastathāgatairabhisaṃbuddhāḥ / ataste
dharmamevopaniśritya viharanti, dharmaṃ satkurvanti gurukurvanti mānayanti
pūjayantyarcayantyapacāyanti / prajñāpāramitaivaiṣā subhūte dharmāṇāṃ
dharmateti tathāgatā arhantaḥ samyaksaṃ-buddhāḥ prajñāpāramitāṃ satkurvanti
gurukurvanti mānayanti pūjayantyarcayantyapacāyanti /” Asp, p. 136. “atha khalu
bhagavān āyuṣmantaṃ subhūtim āmantrayāmāsa: prajñāpāramitā subhūte
tathāgatasyārhataḥ samyaksaṃbuddhasya yenaiva janayitrī asya ca lokasya
darśayitrī tena kāraṇena tathāgata imaṃ prajñāpāramit-ādharmam upaniśritya
viharati. evaṃ dharmaṃ satkaroti gurukaroti mānayati pūjayati arcayaty
apacāyate. iyaṃ sā subhūte prajñā-pāramitādharmatā tasmād imāṃ tathāgataḥ
prajñāpāramitāṃ satkaroti gurukaroti mānayati pūjayaty arcayaty apacāyate. tat
kasya hetoḥ? ato hi subhūte prajñāpāramitāyāḥ buddhānāṃ bhagavatāṃ prādurbhāvo
bhavati, kṛtajñaś ca subhūte tathāgataḥ kṛtavedī, ye khalu punaḥ subhūte
samyagvadamānā vadeyuḥ kṛtajñaḥ kṛtavedīti tathāgataṃ, te samyagvadamānāḥ
samyag vadeyuḥ kṛtajñaḥ kṛtavedīti.” PSP_4:70
11 Tiểu
phẩm Bát-nhã-ba-la-mật kinh 5, T. 8, tr. 558c. Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh 14, T. 8, tr. 326a.
(vi) Cf.: “prekṣāmi taṃ cānimiṣaṃ
drumendraṃ tasyaiva heṣṭhe anucaṃkramāmi / āścaryajñānaṃ ca idaṃ
viśiṣṭaṃ sattvāśca moh-āndha avidvasū ime //2.114 // brahmā ca māṃ yācati tasmi kāle śakraśca catvāri ca
lokapālāḥ / maheśvaro īśvara eva cāpi
maru-dgaṇānāṃ ca sahasrakoṭayaḥ //2.115 // kṛtāñjalī
sarvi sthitāḥ sagauravā arthaṃ ca cintemi kathaṃ karomi / ahaṃ ca bodhīya vadāmi varṇān ime ca duḥkhairabhibhūta
sattvāḥ //2.116 // te mahya dharmaṃ kṣipi
bālabhāṣitaṃ kṣipitva gaccheyurapāyabhūmim / śreyo mamā naiva kadāci bhāṣituṃ adyaiva me nirvṛtirastu śāntā //2.117” Sp, p. 39.
12 Diệu pháp liên hoa kinh 1, T. 9, tr. 9c.
(vii) Cf.: “bauddhasya jñānasya
prakāśanārthaṃ loke samutpadyati lokanāthaḥ / ekaṃ hi kāryaṃ dvitiyaṃ
na vidyate na hīnayānena nayanti buddhāḥ //2.55 //” Sp, p. 31.
(viii) Cf.: “tato mamā etadabhūṣi tatkṣaṇaṃ
samayo mamā bhāṣitumagradharmam / yasyāhamarthaṃ iha loki jātaḥ prakāśayāmī
tamihāgrabodhim //2.130 //” Sp, p. 41.
13 Diệu
pháp liên hoa kinh 1, T. 9, tr. 8a, 10a.
(ix) Cf.: “idaṃ tacchāriputra tathāgatasya ekakṛtyamekakaraṇīyaṃ mahākṛtyaṃ
mahākaraṇīyamekaprayojanaṃ loke prādurbhāvāya | iti hi śāriputra
yattathāgatasya ekakṛtyamekakaraṇīyaṃ mahākṛtyaṃ mahākaraṇīyam, tattathāgataḥ
karoti | tatkasya hetoḥ? Tathāgata-jñānadarśanasamādāpaka evāhaṃ śāriputra,
tathāgatajñānadarśana-saṃdarśaka evāhaṃ śāriputra, tathāgatajñānadarśanāvatāraka
evāhaṃ śāriputra, tathāgatajñānadarśanapratibodhaka evāhaṃ śāriputra,
tathāgatajñānadarśanamārgāvatāraka evāhaṃ śāriputra | ekamevāhaṃ śāriputra
yānamārabhya sattvānāṃ dharma deśayāmi yadidaṃ buddhayānam | na kiṃcicchāriputra
dvitīyaṃ vā tṛtīyaṃ vā yānaṃ saṃvidyate |” Sp, p. 27.
(x) Cf.: “āryāṣṭāṅgo mārgaḥ so 'pi na tasya yathā na paramārtho yad
utāsaṃskṛtam anutpādo 'prādurbhāvo 'bhāvaḥ, eṣā sā prakṛtiśūnyatā, eṣā sā
sarvabuddhānāṃ bhagavatāṃ bodhir.” Psp_VI-VIII, p. 98
14 Đại
Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh 474 (phần 2), T. 7, tr. 399c.
15 Đại
trí độ luận 79, T. 25, tr. 618b.
16 Xin xem tác phẩm của tôi: Như lai tạng chi nghiên cứu, chương 4,
tr. 100-101.
(xi) Cf.: “devatāha: akṣaragaṇanāsaṃketādhivacanam
etad bhadanta-śāriputra atītānāgatapratyutpannā buddhā iti / na punar buddhā
atītā vānāgatā vā vartamānā vā / tryadhvasamatikrāntā hi bodhiḥ /” Vkn 6.16
17 Duy-ma-cật
sở thuyết kinh, q. trung, T. 14, tr. 548c.
18 Đại
phương đẳng Đại tập kinh, (2) Đà-la-ni tự tại vương phẩm, T. 13, tr. 21c;
(5) Hải Huệ Bồ-tát phẩm, tr. 47c-50c.
(xii) Luận Bảo tánh dẫn: “yathāpi nāma bho
jinaputra trisāhasramahāsāhasralokadhātupramāṇaṃ
mahāpustaṃ
bhavet | tasmin khalu punar mahāpuste trisāhasramahāsāhasralokadhātuḥ
sakalasamāpta
ālikhito
bhavet | mahāpṛthivīpramāṇena
mahāpṛthivī |…
tac ca mahāpustaṃ
trisāhasramahāsāhasralokadhātvāyām-avistarapramāṇaṃ
bhavet | tat khalu punar mahāpustam ekasmin paramāṇurajasi
prakṣiptaṃ bhavet | yathā caikaparamāṇurajasi
tan mahāpustaṃ
prakṣiptaṃ bhavet tathānyeṣu
sarvaparamāṇurajaḥsu
tatpramāṇāny eva
mahāpustāny
abhyantarapraviṣṭāni
bhaveyuḥ |… |evam eva bho jinaputra tathāgatajñānam
apramāṇajñānaṃ
sarvasattvopajīvyajñānaṃ
sarvasattvacittasaṃtāneṣu
sakalam anupraviṣṭam | sarvāṇi ca tāni
sattvacittasaṃtānāny api
tathāgata-jñānapramāṇāni |
atha ca punaḥ saṃjñāgrāhavini
baddhā
bālā na jānanti
na prajānanti
nānubhavanti
na sākṣāt
kurvanti tathāgata-jñānam
| … sarvasaṃjñākṛtabandha
nāpanayanaṃ
kuryā
yathā
svayam evāryamārgabalādhānena
mahatīṃ
saṃjñāgranthiṃ
vinivartya tathāgatajñānaṃ pratyabhijānīran |
tathāgatasamatāṃ cānuprāpnuyuḥ
| te tathāgatamārgopadeśena
sarvasaṃjñā-kṛtabandhanāni
vyapanayanti | ” Rgv, pp. 22-24.
(xiii) Cf.: །ལྷའི་བུ་འདི་ལྟ་སྟེ་དཔེར་ན་ནམ་མཁའ་གཟུགས་མེད་པའི་སྣང་བ་ལ་གཟུགས་ཐམས་ཅད་སྣང་ཡང་ གཟུགས་དེ་དག་ནི་ན་མ་མཁའི་ངོ་བོ་ཉིད་ཡིན་པ་དེ་བཞིན་དུ། ལྷའི་བུ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔས་རང་གིས་སྨྲས་པའི་ཆོས་ ཀྱི་དབྱིངས་ཀྱི་སྒོ་ནས་ཆོས་ཐམས་ཅད་མཐོང་ཡང་ཆོས་དེ་དག་ནི་ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་ཀྱི་ངོ་བོ་ཉིད་ཁོ་ན་ཡིན་ནོ། Sc, p. 353.
19 Văn-thù-sư-lợi
hiện bảo tạng kinh, q. hạ, T. 14, tr. 460c.
20 Văn-thù-sư-lợi
hiện bảo tạng kinh, q. hạ, T. 14, tr. 465c-466a.
21 Văn-thù-sư-lợi
sở thuyết bát-nhã-ba-la-mật kinh, T. 8, tr. 733c-734a, 737a.
22 Đại
trí độ luận 55, T. 25, tr. 454b.
(xiv) Cf.: “མུ་ཏིག་དམར་པོའི་སྣོད་ལ་སོགས་པའི་ནང་དུ་ཞུགས་པར་གྱུར་པ་རིགས་ཀྱི་བུ་དག་ཀུན་རྫོབ་ཏུ་སྣོད་ལ་ ཐ་དད་པ་ཡོད་མོད་ཀྱི་ནམ་མཁའ་ལ༐ཐ་དད་ཡོད་པ་མ་ཡིན་ནོ། །དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན། དོན་དམ་པར་ན་ནམ་མཁའ་ཤིན་ ཏུ་དངོས་པོ་མེད་པའི་ཕྱིར་ཏེ། དེ་བཞིན་དུ་རིགས་ཀྱི་བུ་དག་དོན་དམ་པར་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཤིན་ཏུ་མ་སྐྱེས། Sps, p. 701.
23 Tịch
Điều Âm sở vấn kinh, T. 24, tr. 1086b-c.
(xv) Cf. “།རྣམ་པར་གཡེང་བའི་རྣམ་པར་རྟོག་པ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམས་ཀྱི་རྣམ་པར་ རྟོག་པ་བཅུ་གང་ཡིན་པའོ། །དེ་ལ་དངོས་པོ་མེད་པའི་མཚན་མའི་རྣམ་པར་གཡེང་བ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་དངོས་པོ་མེད་པ་ཉིད་མཚན་མ་སྟེ། རྣམ་པར་ག།།ཡེང་བའོ་ཞེས་བྱས་ནས་སོ། །ཡང་ནམ་པར་གཡེང་བ་དེའི་གཉེན་པོ་ནི་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་གཞུང་ལས། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཉིད་ཡོད་བཞིན་དུ་ཞེས་བྱ་བ་སྟེ། ཡོད་ཅེས་སྨོས་པས་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་བདག་ཉིད་དུ་ཡོད་པའོ། །” Msbh, p. 385. “” “བྱང་ཆུབ་་སེམས་དཔའ་ལ་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་རང་བཞིན་ཡོད་པའི་ཕྱིར་ར་རོ།” Msu, p. 598. “”
24 Xin xem tác phẩm của tôi: Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, chương 10, tr. 692-699.
25 Đa Thị, Ấn-độ Phật giáo sử, Teramoto Enga Nhật dịch bản, tr. 139.
26 Đại
Bát-niết-bàn kinh 8, T. 12, tr. 412b-c.
(xvii) etasmātkāraṇānmahāmate
tīrthakarātmavādopadeśatulyas-tathāgatagarbhopadeśo na bhavati / evaṃ hi
mahāmate tathāgata-garbhopadeśamātmavādābhiniviṣṭānāṃ tīrthakarāṇāmākarṣaṇ-ārthaṃ
tathāgatagarbhopadeśena nirdiśanti - kathaṃ bata abhūtātm-avikalpadṛṣṭipatitāśayā
vimokṣatrayagocarapatitāśayopetāḥ kṣipramanuttarāṃ samyaksaṃbodhimabhisaṃbudhyeranniti
/ etadarthaṃ mahāmate tathāgatā arhantaḥ samyaksaṃbuddhās-tathāgatagarbhopadeśaṃ
kurvanti / ata etanna bhavati tīrthakarātm-avādatulyam / tasmāttarhi mahāmate
tīrthakaradṛṣṭivinivṛttyarthaṃ tathāgatanairātmyagarbhānusāriṇā ca te
bhavitavyam // Sla, p. 33.
27 Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 2, T. 16,
tr. 489b.
(xviii) Cf.: “evaṃ
mahāmate ahamapi sahāyāṃ lokadhātau tribhirnāmāsaṃkhyeyaśatasahasrairbālānāṃ
śravaṇāvabhāsam-āgacchāmi / taiścābhilapanti mām, na ca prajānanti
tathāgatasyaite nāmaparyāyā iti / tatra kecinmahāmate tathāgatamiti māṃ saṃprajānanti
/ kecitsvayaṃbhuvamiti / nāyakaṃ vināyakaṃ pariṇāyakaṃ buddhamṛṣiṃ vṛṣabhaṃ
brahmāṇaṃ viṣṇumīśvaraṃ pradhānaṃ kapilaṃ bhūtāntamariṣṭaneminaṃ somaṃ bhāskaraṃ
rāmaṃ vyāsaṃ śukamindraṃ baliṃ varuṇamiti caike saṃjānanti / apare anirodhānutpādaṃ
śūnyatāṃ tathatāṃ satyatāṃ bhūtatāṃ bhūtakoṭiṃ dharmadhātuṃ nirvāṇaṃ nityaṃ
samatāmadvayam-anirodhamanimittaṃ pratyayaṃ buddhahetūpadeśaṃ vimokṣaṃ
mārgasatyāni sarvajñaṃ jinaṃ manomayamiti caike saṃjānanti /
evamādibhirmahāmate paripūrṇaṃ tribhirnāmāsaṃkhyeyaśata-sahasrairanūnairanadhikairihānyeṣu
ca lokadhātuṣu māṃ janāḥ saṃjānante udakacandra ivāpraviṣṭanirgatam / na ca
bālā avabudhyante dvayāntapatitayā saṃtatyā / atha ca satkurvanti gurukurvanti
mānayanti pūjayanti ca māṃ padārthaniruktyakuśalā abhinnasaṃjñāḥ, na svanayaṃ
prajānantiṃ deśanārutapāṭh-ābhiniviṣṭāḥ /” Sla, p. 78.
28 Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 4, T. 16,
tr. 506b. Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 5,
T. 16, tr. 615b-c.
29 Đại phương đẳng Đại tập kinh, (9) Bảo
tràng phần, T. 13, tr. 138b. Bảo Tinh
đà-la-ni kinh 4, T. 13, tr. 555a-b.
(i) Cf.:
“cittaṃ katamat? Yatsarvabījopagatamāśrayabhāvopagatam-āśrayabhāvaniṣṭhamupādātṛvipākasaṃgṛhītamālayavijñānaṃ.”
Ycbh, p. 11. “Tâm là gì? Nó là thứ mang
tính chất chứa tất cả chủng tử, mang tính chất là cái nương tựa, là nơi nương tựa,là
dị thục chấp thọ được tóm thâu nơi thức a-lại-da.” “།སེམས་གང་ཞེ་ན། ས་བོན་ཐམས་ཅད་ དང་ལྡན་པ་དང་། གནས་ཀྱི་དངོས་པོར་གྱུར་པ་དང་། གནས་ ཀྱི་ དངོས་པོར་གནས་པ་དང་། ལེན་པར་བྱེད་པ་རྣམ་པར་སྨིན་པར་བསྡུས་པ་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་གང་ཡིན་པའོ།” Ycbh-T,
vol. 72, pp. 680-681.
(ii) Cf.:
“Tatpunaḥ sarvabījakaṃ vijñānaṃ parinirvāṇadharmakāṇāṃ paripūrṇabījamaparinirvāṇadharmakāṇāṃ punastrividhabodhibīja-vikalaṃ. Yaśca kaścidātmabhāvo’
bhinirvartate sarvo’ sau sarv-ātmabhāvabījopagato veditavyaḥ.” Ycbh, p. 25. “”
“།རྣམ་པར་ཤེས་པ་ས་བོན་ཐམས་ཅད་པ་དེ་ཡང་ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདའ་བའི་ཆོས་ ཅན་དག་གི་ནི་ས་བོན་ ཡོངས་སུ་ཚང་བ་ཡིན་ནོ། །ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདའ་བའི་ཆོས་ཅན་མ་ཡིན་པ་ད་ག་གི་ནི། བྱང་ཆུབ་རྣམ་པ་ གསུམ་གྱི་ས་བོན་མེད་པ་ཡིན་ནོ།། །། བམ་པོ་གཉིས་པ། ལུས་མངོན་པར་འགྲུབ་པ་གང་ཅི་ཡང་རུང་སྟེ། དེ་ཐམས་ཅད་ནི་ས་བོན་ཐམས་ ཅད་དང་ལྡན་པ་ཡིན་པར་རིག་པར་བྱ་སྟེ།” Ycbh-T,
vol. 72, p. 698.
1 Du-già
sư địa luận 1 và 2, T. 30, tr. 280b, 282a, 284a-b.
2 Đại
phương đẳng Như lai tạng kinh, T. 16, tr. 457b-459b. Đại phương quảng
Như lai tạng kinh, T. 16, tr. 461b-464b.
(iii) Cf.: “དེ་བཞིན་དུ་རིགས་ཀྱི་བུ་ད་ག་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་དགྲ་བཅོམ་པ་ཡང་དག་པར་རྫོགས་པའི་སངས་རྒྱས་ཀྱིས་ཀྱང་རང་གི་ཤེས་རབ་དང་། ཡེ་ཤེས་དང་། དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་མིག་གིས་སེམས་ཅན་སྲོག་ཆགས་སུ་ གྱུར་པ། འདོད་ཆགས་དང་། ཞེ་སྡང་དང་། གཏི་མུག་དང་། སྲེད་པ་ད་ང་། མ་རིག་པའི་ཉོན་མོངས་པ་བྱེ་བ་ཕྲག་འབུམ་གྱི་སྦུ་བས་སུ་གྱུར་པ་ཐམས་ཅད་དང་། རིགས་ཀྱི་བུ་དག་སེམས་ཅན་ཉོན་མོངས་པའི་སྦུབས་སུ་གྱུར་པ་དེ་དག་གི་ནང་ ན་ང་འདྲ་བར་ཡེ་ཤེས་དང་ལྡན་པ། མིག་དང་ལྡན་པའི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་མང་པོ་འཁོད་ཅིང་སྐྱིལ་མོ་ཀྲུང་བཅས་ནས་མི་གཡོ༐བར་འཁོད་པ་མཐོང་སྟེ། ཉོན་མོངས་པ་ཐམས་ཅད་ཀྱིས་ཉོན་མོངས་པ་ཅན་དུ་གྱུར་པ་དེ་དག་ གི་ནང་ན་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་ཆོས་ཉིད་མི་གཡོ་ཞིང་སྲིད་པའི་འགྲོ་བ་ཐམས་ཅད་ཀྱིས་མ་གོས་པ་དག་མཐོང་ནས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་དེ་དག་ནི་ང་དང་འདྲའོ་ཞེས་སྨྲའོ།” Tg, pp. 684-685.
(iv) Cf.: “དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་སྟོབས་དང་། མི་འཇིགས་པ་དང་༑ མ་འདྲེས་པ་དང་། སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཀྱི་མཛོད་ཀྱི་གཏེར་ཆེན་པོ་ཡོད་” Tg, p. 691.
(v) Cf.: “དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་ཆོས་ཉིད་དེ་་ནི་སེམས་ཅན་ཞེས་བྱ་བའི་མིང་དུ་ཆགས་སོ། །དེ་ལ་གང་བསལ་བར་གྱུར་པ་དེ་ནི་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་སྟེ། མ་རིག་པའི་ཉོན་མོངས་པའི་སྦུབས་ཡོངས་སུ་༐སྦྱངས་པའི་ཕྱིར་སེམས་ཅན་གྱི་ཁམས་ཀྱི་ཡེ་ཤེས་ཆེན་པོའི་ཚོགས་སུ་གྱུར་པ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་རྙེད་པའོ།” Tg, p.
693.
(vi) Cf.: “།རིགས་ཀྱི་བུ་དག་དེ་ལ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པས་སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་དེ་ལྟར་མཐོང་ནས་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་ནང་དུ་སོང་སྟེ། འདི་ལྟ་བུའི་ཆོས་ཀྱི་རྣམ་གྲངས༐འདི་དག་ཡང་ད་ག་པར་རབ་ཏུ་སྟོན་ཏོ།” Tg, p.
698.
3 1) Đại
Bát-niết-bàn kinh 7, T. 12, tr. 407a, b. 2) Đại Bát-niết-bàn kinh 2,
T. 12, tr. 377b, c. 3) Đại Pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 297a, 296c. 4)
Ương-quật-ma-la kinh 4, T. 2, tr. 539c-540a.
(vii) Cf.: “།དེ་ལ་འཇིག་རྟེན་པ་རྣམས་ལ་བདག་ཡོད་ཅེས་ཏེ་འཇིག་རྟེན་པ་བཞིན་དུ་སངས་རྒྱས་ཀྱི་གསུང་ལ་ཡང་བདག་ཡོད་པ་མ་ཡིན་ཏེ༑ དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོའི་མིང་ཡང་མེད་དོ་ཞེས་བདག་མེད་པ་སྒོམ་པ་འདི་ནི་ཕྱིན་ཅི་ལོག་གསུམ་པའོ།” Mp, p.
231.
(viii) Ibid.: “བདག་ཅེས་བྱ་བ་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོའི་དོན་ཏོ། །སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཁམས་ནི་སེམས་ཅན་
ཐམས་ཅད་ལ་ཡོད་མོད་ཀྱི།” Mp, p. 232.
ཐམས་ཅད་ལ་ཡོད་མོད་ཀྱི།” Mp, p. 232.
(xii) Cf.: “སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ལ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ཡོད་… ཉོན་མོངས་པ་བྱེ་བ་ཐམས་ཅད་བཅད་དེ་བདག་གི་དབྱིངས་བསྟན་” Am, pp.
498-500.
(xiii) Luận Bảo
tánh dẫn: Cf.: “paramārtha iti śāriputra sattvadhātor etad adhivacanam | sattvadhātur iti śāriputra tathāgatagarbhasyaitad adhivacanam | tathāgatagarbha iti śāriputra dharmakāyasyaitad adhivacanam |… ayam eva śāriputra dharma kāyo ’paryanta-kleśakośakoṭigūḍhaḥ | saṃsārasrotasā uhyamāno ’navarāgrasaṃsāra
gaticyutyupapattiṣu saṃcaran sattvadhātur ity ucyate
|” Rgv, pp. 2-40.
(xiv) Ibid.: “sa eva śāriputra dharmakāyaḥ saṃsāra srotoduḥkha-nirviṇṇo
viraktaḥ sarvakāmaviṣayebhyo daśapāramitāntargataiś caturaśītyā
dharmaskandhasahasrair bodhāya caryāṃ caran bodhisattva ity ucyate |” Rgv, pp. 40-41.
(xv) Ibid.: “punaḥ śāriputra dharmakāyaḥ sarvakleśakośaparimuktaḥ sarvaduḥkhātikrāntaḥ sarvopakleśamalāpagataḥ śuddho viśuddhaḥ
paramapariśuddhadharmatāyāṃ sthitaḥ
sarvasattvālokanīyāṃ bhūmim ārūḍhaḥ sarvasyāṃ jñeyabhūmāv advitīyaṃ pauruṣaṃ sthāma prāpto ’nāvaraṇadharmāpratihatasarvadharmāiśvarya balatām adhigatas tathāgato ’rhan samyaksaṃbuddha ity ucyate |” Rgv, p. 41.
(xvi) Cf.: “དེའི་ཕྱིར་སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ཀྱི་དབྱིངས་ནི་དབྱིངས་གཅིག་གོ། Am, p. 503. །གཞན་
ཡང་འཇམ་དཔལ་སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ཀྱི་དབྱིངས་ནི་ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་ཏེ། དབྱིངས་གཅིག་ཏུ་གྱུར་པའི་ཤ་ཟ་བར་འགྱུར་བས། སངས་རྒྱས་རྣམས་ཤ་མི་གསོལ་ལ་ལོ།” Ibid., Am, p. 506.
ཡང་འཇམ་དཔལ་སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ཀྱི་དབྱིངས་ནི་ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་ཏེ། དབྱིངས་གཅིག་ཏུ་གྱུར་པའི་ཤ་ཟ་བར་འགྱུར་བས། སངས་རྒྱས་རྣམས་ཤ་མི་གསོལ་ལ་ལོ།” Ibid., Am, p. 506.
4 Ương-quật-ma-la
kinh 3, T. 2, tr. 532b; q. 4, tr. 540c.
(xvii) Cf.: “།བདག་ནི་དེ་ཁོ་ན་ཉིད་དོ། །བདག་ནི་རྟག་པ་ཉིད་ད་དོ། །བདག་ནི་ཡོན་ཏན་ཉིད་དོ། །བདག་ནི་ཐེར་ཟུག་པ་ཉིད་དོ། །བད་ག་ནི་བརྟན་པ་ཉིད་དོ། །བད་ག་ནི་ཞི་བ་ཉིད་དོ་ཞེས་སྨན་པ་བཟང་པོའི་འོ་མ་བཞིན་དུ། Mp, p. 78.
5 Đại Bát-niết-bàn kinh 2,
T. 12, tr. 379a.
(xviii) Cf.: “satyaṃ jñānam anantaṃ brahma” TU, 2.1.1, p.
51. “Phạm là thường hằng, trí huệ và vô hạn.”
6 Đại Bát-niết-bàn kinh 7, T. 12,
tr. 407b-408b.
7 1) Đại phương đẳng Như lai tạng
kinh, T. 16, tr. 457b-c. 2) Ương-quật-ma-la kinh 2, T. 2, tr.
525b, 526b. 3) Đại Pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9, tr. 297b.
(xix) Cf. “རིགས་ཀྱི་བུ་དག་སེམས་ཅན་ཉོན་མོངས་པའི་སྦུབས་སུ་གྱུར་པ་དེ་དག་གི་ནང་ ན་ང་འདྲ་བར་ཡེ་ཤེས་དང་ལྡན་པ། མིག་དང་ལྡན་པའི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་མང་པོ་འཁོད་ཅིང་སྐྱིལ་མོ་ཀྲུང་བཅས་ནས་མི་གཡོ༐བར་འཁོད་པ་མཐོང་སྟེ།” Tg, pp. 684-685.
(xx) Cf.: “མ་བྱས་པའི་སངས་རྒྱས་ཁམས་མཚན་དང་དཔེ་བྱད་བཟང་པོ་མཐའ་ཡས་པས་བརྒྱན་པ་སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ལ་ཡོད་དོ།” Am, p. 404.
(xxi) Cf.: “སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ལ་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ད་བྱིངས་མ་སྐྱེས་པ་མཚན་དང་དཔེ་བྱད་བཟང་པོས་བརྒྱན་པ་ཡོད་དོ།” Am, p. 416.
(xxii) Cf.: “སྲོག་ཆགས་ཐམས་ཅད་ལ་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཁམས་ཡོད་དེ་མཚན་དང་དཔེ་བྱད་བཟང་པོ་མཐའ་ཡས་པས་བརྒྱན་པ་ན་སྣང་བར་འགྱུར་” Mbh, p.
288.
8 1) Đại
Bát-niết-bàn kinh 5, T. 12, tr. 391c-392a. 2) Đại Pháp cổ kinh, q.
thượng, T. 9, tr. 292c. 3) Ương-quật-ma-la kinh 2, T. 2, tr. 527c. 4) Ương-quật-ma-la
kinh 3, T. 2, tr. 531c. 5) Đại Bảo tích kinh, (48) Thắng Man phu nhân hội, T. 11,
tr. 673a.
(xxiii) Cf.: “གང་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་དེ་དག་གསོས་པ་ཡིན་ནོ། །གསོལ་པ། ཐར་པ་ཇི་ལྟ་བུ་ལགས། གཟུགས་ཅན་ལགས་སས་མ། གཟུགས་མ་མཆིས་པ་ལགས། བཀའ་སྩལ་པ། ཁ་ཅིག་ནི་གཟུགས་ཅན་ན་ནོ། །ཁ་ཅིག་ནི་གཟུགས་ཅན་མ་ཡིན་པ་སྟེ། གཟུགས་ཅན་མ་ཡིན་པ་ནི་ཉན་ཐོས་དང་རང་སངས་རྒྱས་རྣམས་ཀྱིའོ། །སངས་རྒྱས་བཅོམ་ལྡན་འདས་རྣམས་ཀྱི་ནི་གཟུགས་ཅན་ཡིན་ན་ནོ།” Mp,
pp. 151-152.
(xxiv) Cf.: “ཐར་པ་བརྟན་པ་མིང་ཙམ་མིན། །ཡོད་དང་མེད་དང་ཐེར་ཟུག་ག་གཞི། །དེ་ལྟ་བས་ན་འདི་ནི་ཉན་ ཐོས་དང་།
རང་སངས་རྒྱས་ཐམས་ཅད་ཀྱི་ཡུལ་མ་ཡིན་ཞིང་སྤྱོད་ཡུལ་མ་ཡིན་ནོ།” Mbh, p. 249.
(xxv) Cf. “།ནམ་མཁའ་ཡང་སངས་རྒྱས་རྣམས་ཀྱི་གཟུགས་ཡིན་ཏེ། ཉན་ཐོས་དང་། རང་སངས་རྒྱས་ཐམས་ཅད་ཀྱི་གཟུགས་མེད་པ་ཡིན་ནོ། །སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཐར་པ་ཡང་གཟུགས་ཡིན་ཏེ། ཉན་ཐོས་དང་༑ རང་སངས་རྒྱས་རྣམས་ཀྱིཐར་པ་གཟུགས་མེད་པ་ཡིན་ན།” Am, p. 423.
(xxvi) Cf.: “།སངས་རྒྱས་བཅོམ་ལྡན་འདས་རྣམས་ཀྱི་ཐར་པ་ནི་ལག་མཐིལ་ན་སྐྱུ་རུ་རའི་གཟུགས་བཞིན་ནོ།” Am,
p. 440.
(xxvii) Cf.: “།མགོན་པོ་ཁྱོད་ཀྱི་སྐུ་གཟུགས་དང་། །དཔལ་དཔེ་གང་ནའང་ཡོད་མ་མཆིས༑ །བསམ་ཡས་དཔེ་ཟླ་མ་མཆིས་པའི། །འཇིག་རྟེན་མགོན་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །མགོན་པོ་ཁྱོད་ཀྱི་སྐུ་གཟུགས་དང་། །ཡེ་ཤེས་ལ་ཡང་བས་མ་
མཆིས༑” Srm, p. 714.
མཆིས༑” Srm, p. 714.
(xxviii) Tham khảo: “bhagavān āha: evam etat subhūte evam etat, sarva-dharmāḥ
subhūte svabhāvena śūnyās te na śrāvakaiḥ kṛtā na pratyeka-buddhaiḥ kṛtā na
bodhisattvair mahāsattvaiḥ kṛtā na tathāgataiḥ kṛtā, yā ca svabhāva-śūnyatā tan nirvāṇam. evam ukte āyuṣmān
subhūtir bhagav-antam etad avocat: ādikarmiko bhagavan pudgalaḥ katham
avavaditavyaḥ? katham anuśāsitavyo yat svabhāvaśūnyatāṃ parijānīyāt? atha khalu
bhagavān āyuṣmantaṃ subhūtim etad avocat: kiṃ punaḥ subhūte pūrvaṃ bhāvo 'bhaviṣyat
paścād abhāvo bhaviṣyati? nātra subhūte bhāvo nābhāvo na svabhāvo na parabhāvaḥ,
kuta eva svabhāva-śūnyatā bhaviṣyati?” Psp_6-8, p. 179 “Đức Thế tôn bảo: Đúng như vậy, này Tu-bồ-đề, đúng như vậy! Này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp đều không có, là do tự
tánh, tự tánh ấy không do các Thanh văn tạo ra, không do các Bích-chi
Phật tạo ra, không do các Bồ-tát đại sĩ tạo ra, không do các đức Như lai tạo
ra, và tự tánh không ấy chính là niết-bàn. Khi được nghe như vậy, tôn giả Tu-bồ-đề bạch đức Thế tôn rằng: Bạch
đức Thế tôn! Phải thuyết cho người mới học như thế nào? Phải dạy như thế nào để
họ hiểu rõ về tự tánh không? Bấy giờ đức Thế tôn bảo tôn giả Tu-bồ-đề rằng:
Nhưng này Tu-bồ-đề! Cái mà tồn tại ở thời gian trước có phải sẽ không tồn tại ở
thời gian sau không? Ở đây, này Tu-bồ-đề! Không có sự tồn tại, không có sự
không tồn tại, không có sự tồn tại bằng chính nó, không có sự tồn tại nhờ cái
khác, thì cái tự tánh không ấy sẽ tồn tại ở đâu?”
(xxix) Cf.: “bhagavān āha: ye
kecit subhūte dharmā utpāditā vā nirodhitā vā sarva ete nirmitāḥ. subhūtir āha:
katamo bhagavan dharmo yo na nirmitakaḥ? bhagavān āha: yasya notpādo na nirodhaḥ
sa dharmo na nimitaḥ. subhūtir āha: sa punaḥ katamo bhagavan? bhagavān āha: asaṃmoṣadharmo
na nirmitaḥ. subhūtir āha: yat punar bhagavatoktaṃ śūnyatāyāś ca na calati, na
ca dvaye nopa-labhyate, na ca kaścid dharmo yo na śūnyas tasmād bhagavan saṃmoṣadharmo
nirmitako bhavet.” PSP_6-8, pp. 178-179
9 Ma-ha
Bát-nhã-ba-la-mật kinh 26, T. 8, tr. 416a.
(xxx) Cf.: “དེར་ནི་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་ལེའུ་དང་ལྡན་པའི་དྲང་བའི་མདོ་སྡེ་གཞན་ད་ག་འབྱུང་ཞིང་གལ་ཏེ་དེ་ན་སྟོན་པ་ཡོད་ན་དེ་ཉིད་དུ་གནས་པར་འགྱུར་རོ།” Mbh, p. 272.
10 Đại Pháp cổ kinh, q. hạ, T. 9,
tr. 295a, 296b.
(xxxii) Cf.: “ཐར་པ་ལ་ནི་གཟུགས་དང་ཁ་དོག་ཕུན་སུམ་ཚོགས་པ་ཡང་ཡོད་ན་ཇི་ལྟར་ཞོའི་བུམ་པ་སྟོང་པ་མ་ཡིན་དུ་ཟིན་ཀྱང་ཞོ་མེད་པའི་ཕྱིར་སྟོང་པ་ཞེས་བྱ་བ་བཞིན་དུ་ཐར་པ་ཡང་སྟོང་པ་མ་ཡིན་བཞིན་དུ་སྟོང་པ་ཞེས་བྱ་བ་སྟེ། གཟུགས་ཡོད་བཞིན་དུ་ཇི་ལྟར་སྟོང་པ་ཞེས་བྱ་ཞེ་ན། སྟོང་པ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་ཉོན་མོངས་པའི་རྣམ་པ་དང་། སྲིད་པའི་ཐ་སྙད་ཉི་ཤུ་རྩ་ལྔ་དང་། སྡུག་བསྔལ་དང་འཇིག་རྟེན་གྱི་ཆོས་ལུགས་དང་། ཆོ་ག་དང་། སྤྱོད་ཡུལ་འབྱུང་བ་རྣམས་མེད་པའི་ཕྱིར་ཞོའི་བུམ་པ་ཞོ་མེད་པ་བཞིན་དུ་ཐར་པ་ལ་སྟོང་པ་ཞེས་བྱ་བ་སྟེ། དེ་ལ་ནི་བུམ་པའི་གཟུགས་མི་གཡོ་བ་བཞིན་དུ་ཤས་ཆེར་བདེ་བ་དང་༑ དགའ་བ་དང་། རྟག་པ་དང་། བརྟན་པ་དང་། ཐེར་ཟུག་ད་ང་། འཇིག་རྟེན་ལས་འད་ས་པའི་ཆོས་དང་། ཆོ་ག་དང་སྤྱོད་ཡུལ་རྣམས་ཡོད་དོ། ། ཐར་པ་ནི་བུམ་པའི་གཟུགས་བཞིན་དུ་རྟག་པ་དང་། བརྟན་པ་དང་། ཐེར་ཟུག་པ་མ་ཡིན་གྱི། བུམ་པ་ནི་ཆག་པར་འགྱུར་ཏེ་རྒྱུའི་སྒོ་ནས་བཞག་པ་ཙམ་དུ་ཟད་དོ། །ཐར་པ་ནི་བྱས་པ་མ་ཡིན་པའི་ཕྱིར་ཆག་པར་མི་འགྱུར་ལ། ཐར་པ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་བཅོས་མ་མ་ཡིན་པའི་ཁམས་ཡིན་ཏེ་དེ་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའོ༑” Mp, p.
171.
12 Đại Bát-nê-hoàn kinh 3, T. 12,
tr. 875a.
13 Ương-quật-ma-la
kinh 2, T. 2, tr. 527b.
(xxxiv) Luận Bảo
tánh dẫn: Cf.: “śūnyastathāgatagarbho vinirbhāgair-muktajñaiḥ
sarvakleśakośaiḥ / aśūnyo gaṅgānadī-vālik-āvyativṛttair-avinirbhāgairamuktajñairacintyairbuddhadharmairiti
/” Rgv, p. 76. “།བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་སྟོང་པ་ཉིད་ཤེས་པ་ནི་འདི་གཉིས་ལགས་ཏེ། གཉིས་གང་ཞེ་ན། །བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་སྟོང་པ་ཉིད་ཤེས་པ་ནི་འདི་གཉིས་ལགས་ཏེ། གཉིས་གང་ཞེ་ན། འདི་ལྟ་སྟེ། བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ཉོན་མོངས་པ་ཐམས་ཅད་ཀྱི་སྦུབས་དང་ཐ་དད་དུ་གནས་པ་མ་གྲོལ་བས་ཤེས་པ་རྣམས་ཀྱིས་སྟོང་པ་དང་༑ བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོའི་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཆོས་ཐ་དད་དུ་མི་གནས་ཤིང་གྲོལ་བས་ཤེས་པ་བསམ་གྱིས་མི་ཁྱབ་པ་གང་གཱའི་ཀླུང་གི་བྱེ་མ་ལས་འདས་པ་སྙེད་དག་གིས་མི་སྟོང་པ་ལགས་སོ།” Srm, p. 753.
(xxxv) Luận Bảo
tánh dẫn: Cf.: “sattvadhāturiti śāriputra tathāgata-garbhasyaitadadhivacanam
/ tathāgatagarbha iti śāriputra dharma-kāyasyaitadadhivacanam /” Rgv, p. 2.
(xxxvi) Từ quá khứ
đến nay, nguyên Hán là bổn tế (本際), luận Bảo tánh sử dụng từ atyantādi – quá khứ
trở đi, quá khứ đến nay (Rvg, p. 14).
(xxxvii) Cf.: “དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ནི་འཁོར་བ་ན་རྟོན་པ་ལགས་ཏེ།… དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་མཆིས་ན་འཁོར་བ་ཞེས་མཆི་ན་ནི་ཚིག་དེ་རིགས་པ་ལགས་སོ།… བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ལ་ནི་སྐྱེ་བ་འམ། འགུམ་པ་འམ། འཕོ་བ་འམ། བྱུང་བ་ཡང་མ་མཆིས་སོ། །བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ནི་འདུས་བྱས་ཀྱི་མཚན་ཉིད་ཀྱི་ཡུལ་ལས་འདས་པ་ལགས་སོ། །བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ནི་རྟག་པ་དང་། བརྟན་པ་དང་། ཐེར་ཟུག་པ་ལགས་སོ། །བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་ལྟ་ལགས་པས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ནི་ཐ་དད་དུ་མི་གནས་ཤིང་འབྲེལ་ལ་སྦུབས་ནས་གྲོལ་བའི་ཤེས་པ་ཅན་དག་གི་གཞི་དང་། རྟེན་དང་། གནས་ལགས་སོ། །བཅོམ་ལྡན་འདས་འདི་ལྟར་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ནི་འབྲེལ་པ་མ་མཆིས་ཤིང་ཐ་དད་དུ་གནས་ལ་ཤེས་པ་གྲོལ་བ་མ་ལགས་པ་ཕྱི་རོལ་གྱི་འདུས་བྱས་ཀྱི། ཆོས་རྣམས་ཀྱི་གཞི་དང་། རྟེན་དང་། གནས་ཀྱང་ལགས་ས་སོ། །བཅོམ་ལྡན་འདས་གལ་ཏེ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་མ་མཆིས་ན་ནི་སྡུག་བསྔལ་ལ་སྐྱོ་བ་དང་། མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ལ་འདོད་ཅིང་དོན་དུ་གཉེར་བ་དང་སྨོན་པ་ཡང་མ་མཆིས་པར་འགྱུར་རོ། Srm, p. 757-758.
(xxxviii) Luận Bảo
tánh dẫn: Cf.: “prakṛtipariśuddhicittaṃ duṣprati-vedhyam / tasyaiva
cittasyopakliṣṭatā duṣprativedhyā /” Rgv, p. 22.
14 Đại Bảo
tích kinh, (48) Thắng Man phu nhân hội, T. 11, p. 678a. Thắng Man sư tử
hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 222c.
15 Bất
tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467b.
16 A-tỳ-đạt-ma
Đại tỳ-bà-sa luận 11, T. 27, tr. 55b; q. 22, tr. 110a; q. 27, tr. 140b.
17 Tiết này
có thể xem nơi tác phẩm của tôi: Như lai tạng chi nghiên cứu, chương 5,
tr. 132-145.
18 Thắng
Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr.
221c.
(xxxix) Cf.: “བཅོམ་ལྡན་འདས་རྣམ་པར་ཤེས་པ་དྲུག་པོ་གང་ལགས་པ་འདི་དག་དང་། རྣམ་པར་ཤེས་པ་གང་ལགས་པ་འདི་དང་། བཅོམ་ལྡན་འདས་འདི་ལྟར་ཆོས་བདུན་པོ་འདི་དག་ནི་མི་གནས་པ་དང་། སྐད་ཅིག་པ་དང་། སྡུག་བསྔལ་རྣམས་རྨྱོང་བ་མ་ལགས་པས་ཆོས་དེ་དག་ནི་སྡུག་བསྔལ་ལ་སྐྱོ་བ་དང་། མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ལ་འདོད་ཅིང་དོན་དུ་གཉེར་བ་སྨོན་པར་མི་རིགས་ས་སོ།” Srm, pp.
758-759.