Pháp sư Ấn Thuận
(印順 法師)
LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG
PHẬT GIÁO ẤN-ĐỘ
(印度佛教思想史)
Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh
dịch và phụ chú
CHƯƠNG VII. DU-GIÀ ĐẠI THỪA – HƯ VỌNG DUY THỨC LUẬN
1. Hành giả Du-già và Luận thư
Vào khoảng thế kỷ 4 và 5 A.D., Luận sư Vô Trước (Asaṅga) và Thế Thân (Vasubandhu) đã sáng tác rất nhiều Luận thư, trở thành phái
Du-già hành (Yogācāra-bhūmi), cùng với
phái Trung Quán (Mādhyamika) của Long
Thọ (Nāgārjuna) được tôn xưng là
hai đại chánh quy của Đại thừa. Về niên đại của Vô Trước và Thế Thân, các học
giả cận đại đều có ý kiến bất nhất, nên bây giờ thử căn cứ vào lịch sử phiên dịch
kinh điển ở nước ta [Trung Quốc] để suy đoán thêm. Vô Trước và Thế Thân học được
gọi là phái Du-già, đó là y cứ vào luận Du-già sư địa (Huyền Trang dịch
thành 100 quyển) để đặt tên. Du-già hành địa (Yogācārabhūmi) vốn là tên chung để tổng quát mọi sự thiền
quán. Như kinh Tu hành đạo địa do Tăng-già-la-sát (Saṃgha-rakṣa) dịch, kinh Tu hành phương tiện thiền do
Phật-đà-bạt-đà (Buddha-bhadra) dịch,
nguyên văn đều là Du-già hành địa. Bộ luận này cũng là Du-già hành địa
(Tây Tạng dịch như vậy), địa mà Du-già hành y cứ cũng là địa mà hành giả Du-già
y cứ, ngữ âm có thay đổi chút ít, trở thành Du-già sư địa (Yoga-cārya-bhūmi). Luận Du-già sư địa chia thành 5 phần:
phần Bổn địa [Bhūmi], phần Nhiếp quyết
trạch [Viniścaya-saṃgraha], phần Nhiếp thích [Vivaraṇasaṃ-graha], phần Nhiếp dị
môn [Paryāyasaṃgraha], phần Nhiếp sự [Vastusaṃgraha] (Tạng dịch phần này thành
8 sự). Phần Bổn địa là căn bản, chia thành 17 địa, cho nên ở nước ta [Trung Quốc]
truyền thuyết ban đầu gọi đó là luận Thập thất địa. Phần Nhiếp quyết trạch
là giảng giải chi tiết về phần Bổn địa. Phần Nhiếp thích và Nhiếp dị môn là giải
thích cách dạy dỗ, v.v., của kinh A-hàm, và giải thích việc trong kinh
dùng nhiều danh tự khác nhau để diễn đạt một nội dung. Phần Nhiếp sự là Kinh (bộ
phận Tu-đa-la của kinh Tạp A-hàm) và Ma-đát-lý-ca – bổn mẫu (māṭṛkā) của Luật.Trong 17 địa của phần Bổn địa, địa
thứ 15 tên Bồ-tát địa có một bản lưu hành riêng, hiện nay vẫn còn bản Phạn. Tất
cả truyền thuyết của Hán, Tạng về luận Du-già đều có liên quan đến Vô
Trước. Vào năm thứ 3 niên hiệu Huyền Thỉ đời Bắc Lương (414 A.D.), Đàm-mô-sấm (Dharmarakṣa) – người Trung Ấn-độ, đến Cô-tang, đã dịch ra
kinh Bồ-tát địa trì. Vào năm thứ 8 niên hiệu Nguyên Gia đời Tống (431
A.D.), Cầu-na-bạt-đà (Guṇa-varman) đi đường
biển từ phương Nam đến được Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh), dịch ra kinh Bồ-tát
giới. Hai bộ này đều là những bản dịch thời kỳ sớm nhất của Bồ-tát địa
trong Bổn địa phần. Cầu-na-bạt-ma lại dịch ra Ưu-bà-tắt ngũ giới lược luận,
Tam quy và Ưu-bà-tắt nhị thập nhị giới, Đàm-mô đức (Pháp Tạng bộ) yết-ma.
Cầu-na-bạt-ma là người trọng giới luật nên trong kinh Bồ-tát giới do
ngài dịch đã tăng thêm phẩm Tự, từ bố thí nói đến Bồ-tát giới pháp. Vào năm thứ
12 niên hiệu Nguyên Gia đời Tống (435 A.D.), Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇa-bhadra) – người Trung Ấn-độ, cũng theo đường biển đến
Quảng Châu. Ngài dịch ra kinh Tương tục giải thoát, là hai phẩm sau của
kinh Giải thâm mật; Đệ nhất nghĩa ngũ tướng lược, theo trích dẫn
của ngài Gia Tường Cát Tạng, nói ba lần chuyển Pháp luân, có thể nhận thấy đây
là phẩm Thắng nghĩa đế tướng của kinh Giải thâm mật, đến lược dịch phẩm
Vô tự tánh tướng. Kinh Tương tục giải thoát do Cầu-na-bạt-đà-la dịch, đầu
kinh đều có câu “như trong kinh Tương tục giải thoát nói,” có thể thấy
đây không phải là y theo kinh để dịch ra, mà là từ kinh Giải thâm mật được
trích dẫn trong phần Nhiếp quyết trạch của luận Du-già để dịch ra. Như vậy, phần
Bổn địa và phần Nhiếp quyết trạch, vào khoảng từ năm 414-435 A.D., đã có bộ phận
trước sau truyền đến nước ta [Trung Quốc]. Truyền thuyết về việc Vô Trước có
liên đến sự truyền bá của luận Du-già sư địa thì không thể trễ hơn thế kỷ
4 A.D. Còn nữa, vào trước sau năm 505 A.D., Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) đến Trung Hoa, đã dịch ra luận Kim Cang
Tiên. Trong luận này đã đề cập đến ngài Di-lặc (Maitreya), Vô Chướng Ngại (Vô Trước), Thiên Thân (Thế
Thân), Kim Cang Tiên (Vajrasena), đó là
thứ tự thầy trò truyền nhau theo Bồ-đề-lưu-chi. Tuy điều đó thuộc truyền thuyết
nhưng Bồ-đề-lưu-chi và Thế Thân đã cách nhau một quãng thời gian. Cho nên, giả
định niên đại Vô Trước là khoảng 336-405 A.D., Thế Thân là khoảng 361-440 A.D.,
mới có thể khớp với sự thật lịch sử trên mặt lịch sử dịch kinh ở nước ta [Trung
Quốc].1
Vô Trước và Thế Thân là anh em, người Phú-lâu-sa-phú-la (Puruṣapura) của Kiền-đà-la (Gandhāra). Theo ngài Huyền Trang truyền lại, Vô Trước
xuất gia theo Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), Thế
Thân xuất gia theo Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin). Vô Trước tu học Đại thừa, tại nước A-du-đà
(Ayodhyā), nửa đêm thăng lên trời Đâu-suất (Tuṣita) theo Bồ-tát Di-lặc thọ học luận Du-già
– cần phải gọi là phần Bổn địa của luận Thập thất địa.2 Bà-tẩu-bàn-đậu Pháp sư truyện
nói: mỗi nửa đêm, Di-lặc từ trời xuống nhân gian, “tụng ra luận Thập thất địa”
cho đại chúng nghe, chỉ có Vô Trước mới có thể đích thân thấy thánh dung của
Di-lặc.3 Vô Trước theo Di-lặc học được luận Du-già,
theo cách nhìn nhận của mọi người, đương nhiên đó là thần thoại, kỳ thật việc ấy
phải có lý do của nó. 1) Di-lặc là Phật vị lai, hiện nay ở tại cung trời Đâu-suất,
là điều mà giới Phật giáo đều công nhận. Nếu như có điều nghi vấn về Phật Pháp
mà không cách nào giải quyết được thì có thể “lên Đâu-suất hỏi Di-lặc.” Vào thế
kỷ 4, 5 A.D., tại khu vực Kế-tân (Bắc Ấn-độ), đây là một tín ngưỡng mang tính
tôn giáo, rất được phổ biến. Sớm hơn đó, kinh Duy-nhật tạp nạn do Ngô
Chi Khiêm (khoảng 222-250 A.D.) dịch, đã nói đến việc có một vị La-hán lên trời
Đâu-suất hỏi Di-lặc.4 Vào thế
kỷ 4 A.D., “Thích Đạo An mỗi khi cùng đệ tử trao đổi pháp, v.v., thường đối trước
Di-lặc lập thệ, nguyện (sau khi chết) sanh Đâu-suất,”5
đều là nhằm để “giải quyết những nghi vấn của mình.” Kinh Ban-chu tam-muội
do Chi-lâu-ca-sấm (Lokarakṣa) dịch đầu
tiên vào đời Hán (179 A.D.), đã nói đến sự chuyên tâm vào Phật, thì có thể thấy
Phật, thưa hỏi với Phật.6 Đây là
do chính tâm mình thấy, trong sự tu trì của Phật giáo, đích xác là có hiện tượng
này. Khi tu thành tựu tất-địa của Đại thừa Bí mật, đức Bổn tôn hiện tiền, nếu
như có nghi vấn gì thì cũng có thể thỉnh Bổn tôn giải đáp. Trong định cảnh của
người tu Du-già thì những hiện tượng này thuộc về kinh nghiệm tu tập, đây là điều
không có gì phải nghi ngờ. 2) Hỏi đáp để giải quyết nghi vấn, thông thường là những
pháp môn có liên hệ đến sự thấy được Thánh tôn. Vô Trước thấy được Di-lặc, pháp
môn của vị Di-lặc ấy như thế nào? Trong những kinh Đại thừa thuộc thời kỳ sớm nhất,
việc Phật thuyết cho ngài Di-lặc hay Di-lặc thuyết cho đại chúng thì không có
nhiều. Trong kinh Huệ ấn tam-muội do Chi Khiêm dịch, Phật bảo ngài Di-lặc
hộ pháp, thuyết bảy sự nhân duyên phát ý Bồ-tát [tâm bồ-đề], nó gần với có bốn
nhân và bốn duyên phát tâm của phẩm Phát tâm trong luận Du-già.7 Phật thuyết cho Di-lặc rằng: đời sau có
nhiều người tự cho mình là Bồ-tát, “trụ ở trong hữu, nói tất cả đều là ‘không’,
nhưng không hiểu ‘không’ là thế nào, cái gì là ‘không’… miệng tuy nói ‘không’
nhưng hành động lại ở trong hữu.”8 Kinh Tế
chư phương đẳng, do Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, là cải chính những lệch
lạc của học giả Đại thừa. Phật bảo Di-lặc rằng: “Không thể biết rõ các pháp giới,
chỉ chuyên dùng pháp ‘không’ đế giáo hóa họ, nói tất cả pháp đều là ‘không’, thảy
đều vô sở hữu. Có tuyên giảng điều gì thì chỉ luận về pháp ‘không’, nói không
có tội phước, khinh miệt các sự thực hành khác;”(i)
“hoặc có kẻ ngu si mở miệng tuyên bố rằng: Bồ-tát chỉ nên học bát-nhã-ba-la-mật;
còn các kinh khác (nói pháp Thanh văn, Bích-chi Phật) đều chẳng phải là ba-la-mật,
kẻ nói như vậy là quá thiển cận.”(ii)9 Hai bộ kinh nói về pháp môn Di-lặc này,
so với luận Du-già sư địa do Vô Trước truyền, xem hết thảy các kinh nói
về ‘không’ đều chẳng phải liễu nghĩa, được áp dụng cho cả ba thừa, có thể nói là
hoàn toàn khế hợp vậy! Lại nữa, kinh Phật thuyết Đạo cán, gồm năm người
dịch, như Chi Khiêm, v.v., Di-lặc giải thích ý của Phật trong câu “thấy duyên
khởi tức thấy pháp, thấy pháp tức thấy Phật.”(iii)
Trong kinh nói đến thuyết nhân quả đồng thời “như sự lên cao hay xuống thấp của
cái cân,”10 cũng phù hợp với luận Du-già.
Tư tưởng của số ít những kinh điển có liên quan đến Di-lặc ấy đều tương đồng với
phái Du-già hành xuất hiện sau này, đây là điều cần được chú ý! 3) Luận Du-già
sư địa lấy sự thực hành Du-già làm trung tâm, nắm giữ cảnh tướng và quả đức
của nó. Sự thực hành Du-già đều có truyền thừa, lần lượt truyền thụ rồi về sau
được biên tập hoàn thành. Quyển 26 của luận Du-già sư địa (T. 30, tr.
427c-428a) nói:
“Từng nghe trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa hỏi đức Thế tôn rằng:
Thưa Đại đức! Nếu có các bí-sô siêng năng thực hành tu quán, thì vị du-già sư
này có thể đối với sở duyên mà an trụ tâm mình: làm sao đối với duyên mà an trụ
tâm mình? Thế nào là đối với duyên mà an trụ tâm mình? Đến mức nào thì gọi là
khéo an trụ tâm? Phật bảo trưởng lão Hiệt-lệ-phạt-đa rằng:… Nếu có các bí-sô
siêng năng thực hành tu quán, thì vị du-già sư này có thể đối với sở duyên mà
an trụ tâm mình, hoặc ưa thích tịnh hành, hoặc ưa thích thiện xảo, hoặc ưa
thích khiến tâm giải thoát các lậu; đối với duyên tương xứng mà an trụ tâm
mình, đối với duyên tương tự mà an trụ tâm mình, đối với duyên mà vô đảo thì an
trụ tâm mình, có thể ở trong ấy mà không bỏ tĩnh lự.”(iv)
‘Từng nghe’ tức không có kinh điển cụ thể, mà là những lời
được truyền thừa lại như vậy. Vị Du-già sư siêng năng thực hành tu quán thì
không ngoài tu chỉ - xa-ma-tha (śamatha) và quán
– tỳ-bát-xá-na (vipaśya-nā), chỉ
quán đối với sở duyên để an trú tâm. Sở duyên có 3 thứ: ‘tịnh hành’, là những
phương tiện khác nhau chuyên trọng về đối trị phiền não, chính là 5 pháp dừng
tâm – bất tịnh, từ mẫn, duyên sanh duyên khởi, giới sai biệt, an-na-bát-na niệm.
‘Thiện xảo’, là biết rõ không bị đảo ngược về pháp, gồm thiện xảo về uẩn, thiện
xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về duyên khởi, thiện xảo về xứ phi xứ.
‘Tịnh hoặc’, là đoạn trừ phiền não: đoạn hoặc thuộc thế gian đạo, là một loại định
pháp thô, tĩnh – chán dưới mà thích trên; đoạn hoặc thuộc xuất thế đạo, là quán
Tứ đế (16 hành tướng). Sự thực hành du-già này là thực hành của Thanh văn. Luận
Du-già lập tổng quát thành “4 loại sở duyên cảnh sự:” “1) cảnh sự là sở
duyên có mặt khắp nơi; 2) cảnh sự là sở duyên tịnh hành; 3) cảnh sự là sở duyên
thiện xảo; 4) cảnh sự là sở duyên tịnh hoặc.”(v)
Ba cái sau chính là do ngài Hiệt-lệ-phạt-đa (Revata) truyền. Luận Du-già liệt kê thêm về ‘cảnh
sự là sở duyên có mặt khắp nơi’, nội dung là: 1) “có phân biệt ảnh tượng” –
quán; 2) “không phân biệt ảnh tượng” – chỉ; 3) “tánh biên tế của sự,” là tánh tận
sở hữu, tánh như sở hữu;(vi) 4)
“thành tựu sở tác,” là tu hành thành tựu chỉ và quán.(vii)11 Trong
phẩm Phân biệt du-già của kinh Giải thâm mật, Phật thuyết sự thực hành du-già
cho Di-lặc, chỉ chuyên theo 4 sự, gồm “có phân biệt ảnh tượng cảnh sự,” v.v., (tức
‘cảnh sự là sở duyên có mặt khắp nơi’) để nói; đây là sự thực hành du-già của Đại
thừa, có liên quan đến Di-lặc. Cho nên cảnh sự gồm 4 sở duyên của luận Du-già
nói là của ngài Hiệt-lệ-phạt-đa, trên cơ sở sự thực hành du-già của Thanh văn rồi
kết hợp với sự thực hành du-già của Đại thừa – “cảnh sự là sở duyên có mặt khắp
nơi” của Di-lặc mà hình thành. Ngài Hiệt-lệ-phạt-đa, hoặc dịch là Ly-việt,
Ly-bà-đa, là vị đại đệ tử của đệ tử đức Phật, chuyên tâm thiền quán. Nhưng tại
khu vực Kế-tân (xung quanh Ô-trượng na) có chùa Ly-việt, như nói: “dưới núi
(Ly-việt) này có chùa Ly-việt;”12 chùa
Ly-việt là ngôi chùa lớn danh tiếng sánh ngang với Đại lâm, Trú ám lâm. Ở đây
cũng có vị A-la-hán Ly-việt, như Kinh Tạp bảo tạng nói: “xưa kia, ở nước
Kế-tân có vị A-la-hán Ly-việt, tọa thiền trong núi.”13 Kế-tân có chùa Ly-việt nổi tiếng, có vị
A-la-hán Ly-việt nên việc ‘từng nghe’ Phật thuyết sự thực hành du-già cho Hiệt-lệ-phạt-đa
(Ly-việt) có khả năng là xuất xứ sự truyền thừa của ngôi đại tự Ly-việt ở Kế-tân!
Về Di-lặc, Di-lặc là họ, dịch nghĩa là từ bi, Bắc Ấn-độ quả thực cũng có họ
Di-lặc nên vị ấy được tôn là Đại đức Bồ-tát. Luận Đại tỳ-bà-sa nói: tôn
Giả Từ Thọ Tử (Maitreya-datta-putra) khi mới
sanh ra liền nói: “Ba cõi đều có các loại kết thuộc hai bộ kiến sở đoạn và tu sở
đoạn riêng;” vị ấy bị đọa vào địa ngục nhưng vẫn có thể thuyết pháp cứu độ
chúng sanh.14 Tại nước ta [Trung Quốc],
vị Di-lặc này được tôn xưng là Bồ-tát. Còn nữa, ở nước Kế-tân có vị Bồ-tát Di-đế-lệ
[Di-lặc]-lực [thi]-lợi, bàn tay có cái màng lưới mềm như lụa.”15 Di-đế-lệ-thi-lợi (Maitreya-śrī), phải dịch là Từ cát tường. Tát-bà-đa bộ ký
trong Xuất tam tạng ký tập cũng có vị Bồ-tát này (danh tự chép tay nên
nhiều sai lầm). Theo thông tin mà Đạo An có được từ vị dịch sư người Tây Vực
thì đây là vị đại Bồ-tát, là vị Phật Quang Viêm thứ 7 trong Hiền kiếp, thành Phật
khoảng giữa hai vị cùng là Bồ-tát gồm ngài Bà-tu-mật (Vasumitra) – tác giả của Tôn-bà-tu-mật Bồ-tát sở tập
luận và đại du-già sư Tăng-già-la-sát.16
Vào đầu thế kỷ 2 A.D., hai vị này là những Bồ-tát của dòng họ Di-lặc ở Bắc Ấn-độ.
Căn cứ theo 3 điểm trên, có thể suy đoán rằng: trong tín ngưỡng về ngài Di-lặc
đời vị lai, phương Bắc đã có sự bất mãn với việc nói tất cả đều là ‘không’, không
đồng ý với Di-lặc học chuyên tán thán Đại thừa; cũng có bao hàm du-già của
Thanh văn do chùa Ly-việt truyền bá, sự thực hành du-già Đại thừa của Di-lặc; phương
Bắc quả thật có dòng họ Di-lặc nên được tôn xưng là vị Đại đức Bồ-tát. Vô Trước
xuất thân từ Bắc Ấn-độ như vậy, nắm vững sự thực hành của Thanh văn theo truyền
thống, nhưng khi đối diện với pháp môn Đại thừa đương thời, có chỗ không thể
làm cho thông suốt được, trong sự tu thực hành pháp quán của Di-lặc, thấy được
Bồ-tát Di-lặc, nên giải quyết được sự nghi ngờ khúc mắc; cũng y theo đó rồi
biên tập lại, làm thành Bổn địa phần của luận Du-già sư địa – luận Thập
thất địa. Đây là nguồn gốc sự học và thực hành của phái Du-già hành.
Vô Trước truyền bá ra sự thực hành du-già của Di-lặc, tạo
luận để hoằng dương Đại thừa. Sau khi Thế Thân sáng tác luận Câu-xá cũng
gia nhập Đại thừa. Theo Bà-tẩu-bàn-đậu pháp sư truyện, ngài đã được sự
giáo hóa của Vô Trước. Ngài chịu sự ảnh hưởng của Vô Trước, là điều không thể
hoài nghi. Nhưng truyện ấy nói: Thế Thân ban đầu kiến tạo 3 ngôi chùa, có một
ngôi là ‘Đại thừa tự’. Sau khi được sự cảm hóa của Vô Trước, bởi vì ngài từng hủy
bang Đại thừa nên muốn cắt lưỡi để tạ tội, điều đó không tránh khỏi trước sau
mâu thuẫn lẫn nhau! Thế Thân sáng tác luận Câu-xá, có phong cách học thuật
tự do chấp nhận hay bác bỏ, không câu nệ vào một phái nào. Thứ đến, ngài sáng
tác luận Thành nghiệp, y cứ vào tâm vi tế “của một số ngườilấy kinh làm
lượng”(viii) – thuyết thức a-đà-na (ādāna) nắm giữ chủng tử của kinh Giải thâm mật,(ix) thay đổi và gia nhập Đại thừa. Vô
Trước và Thế Thân đều từng sống tại A-du-đà để hoằng pháp, ước chừng khoảng từ
370-440 A.D., đây là thời đại của vương triều Chiên-đà-la-cấp-đa đời thứ 2 (Candra-gupta II) - vua Cưu-ma-la-cấp-đa (Kumāra-gupta); vua Chiên-đà-la-cấp-đa đời thứ 2 được gọi là Siêu Nhật
– Chánh Cần Nhật (Vikramāditya). Truyền
thuyết nói Vô Trước và Thế Thân đều nhận được sự tôn kính của vương thất.17 Trong Hán dịch và Tạng dịch đều có Luận
thư của Di-lặc và Vô Trước. Di-lặc học là do Vô Trước truyền bá ra, không có gì
trở ngại khi nói đây đều là những luận của Vô Trước (cũng có thể nói đều từ
Di-lặc truyền lại mà có). Nhưng có thể phân biệt như thế này: những Luận thư thời
kỳ sớm nhất do Vô Trước có tiếp nhận rồi truyền bá ra, có thể quy cho Di-lặc;
những luận Đại thừa mà sau đó Vô Trước có giải thích chi tiết, có phát triển để
sáng tác thì phải nói là do Vô Trước sáng tác.
Y cứ vào nguyên tắc này, những luận của Di-lặc là: 1) Luận
Du-già sư địa – luận Thập thất địa. 2) Phần kệ tụng của luận Biện
[phân biệt] trung biên, Chân Đế (Param-ārtha), Huyền
Trang dịch. 3) Luận Phân biệt du-già, không có dịch ra Hán văn, đại khái
có liên quan đến phẩm Phân biệt du-già của kinh Giải thâm mật. 4) Luận
Biện pháp pháp tánh, thời cận đại, ngài Pháp Tôn đã dịch từ bản Tạng ngữ. Theo
sự truyền lại ở Tây Tạng, có luận Hiện quán trang nghiêm của Di-lặc, giải
thích kinh Bát-nhã. Vào thế kỷ 7 A.D., Huyền Trang và Nghĩa Tịnh đã du học
tại Ấn-độ, đều vẫn chưa nhắc đến bộ luận này.
Những bộ luận của Vô Trước, gồm: 1) Luận Đại thừa
trang nghiêm kinh, do Ba-la-phả-mật-đa-la (Prabhā-karamitra) dịch vào đời Đường (dịch xong năm 733 A.D.).
Phẩm mục là dựa vào phần Bổn địa và Bồ-tát địa của luận Du-già, nhưng
trong phẩm Bồ-đề thì bàn rộng về “sự sâu xa của pháp giới,” 3 thân (trayaḥ-kāya), 4 trí (catvāri-jñānāni); trong phẩm Thuật cầu bàn rộng về duy thức (vijñapti-mātratā). Theo Huyền Trang truyền lại, phần kệ tụng
là do Di-lặc sáng tác. 2) Luận Nhiếp Đại thừa, ở nước ta [Trung Quốc] có
4 bản dịch. Theo phẩm Nhiếp Đại thừa (do Bồ-tát thuyết trước sự hiện diện của
Phật) của kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa, lấy “10 thứ thù thắng” làm điều mục
để giải thích tường tận, thành lập Duy thức của Đại thừa không chung với Nhị thừa.
3) Luận A-tỳ-đạt-ma Đại thừa tập, do Đường Huyền Trang dịch. “Tổng hợp tất
cả những chỗ tư trạch trong kinh Đại thừa A-tỳ-đạt-ma,”(x)18
là có liên quan đến kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa. Luận này là luận A-tỳ-đạt-ma
(Abhidharma): 4 phẩm của phần
Bổn sự: phẩm Tam pháp trình bày tự tướng và cộng tướng; phẩm Nhiếp trình bày sự
tập hợp,(xi) phẩm Tương ưng trình
bày sự tương ưng; (nhân duyên được nói trong phẩm Tam pháp); phẩm Thành tựu
trình bày sự thành tựu – đây là những chủ đề của A-tỳ-đạt-ma. Luận này dùng lập
trường Đại thừa gồm thâu cả Nhị thừa. Trang nghiêm Đại thừa, Nhiếp Đại
thừa, Tập Đại thừa phải là những bộ luận chủ yếu của Vô Trước. 4) Phần
Nhiếp quyết trạch của luận Du-già sư địa, bàn rộng về 5 pháp: dẫn toàn bộ
kinh Giải thâm mật (trừ phẩm Tự) và phần Bổn mẫu của kinh Bảo tích.
Đối với thức A-lại-da (ālaya) của Du-già,
dùng 8 tướng để luận chứng rằng nó nhất định phải có thật; y vào a-lại-da để kiến
lập sự lưu chuyển và hoàn diệt. Thuyết cái vô lậu là mới được huân tập là tương
đồng với luận Nhiếp Đại thừa. Đây làsự giải thích chi tiết của Vô Trước
đối với phần Bổn địa đã có sẵn. Về ba phần sau của luận Du-già, bổn mẫu
của ‘sự Khế kinh’(xii) trong
Nhiếp sự phần được xác định là phù hợp với kinh Tạp A-hàm. Điều này có
thể là từ xưa đã có truyền lại, rồi tổng hợp thành 5 phần của luận Du-già sư
địa. Đó là nhằm chứng tỏ rằng Đại thừa vượt trội hơn Thanh văn, nhưng Phật
Pháp vẫn có nguồn gốc từ A-hàm. 5) Luận Hiển dương Thánh giáo,
Huyền Trang dịch. Ba phẩm đầu là chọn lọc văn nghĩa của luận Du-già; tám
phẩm sau – phẩm Thành vô thường, phẩm Thành khổ, phẩm Thành không, phẩm Thành
vô tánh, phẩm Thành hiện quán, phẩm Thành du-già, phẩm Thành bất tư nghì, phẩm
Nhiếp thắng nghĩa quyết trạch, chú trọng về sự thực hành pháp quán, chứng minh
nghĩa lý sâu xa của Đại thừa vượt trội hơn Thanh văn. 6) Kệ tụng của luận Lục
môn giáo thọ tập định, do Nghĩa Tịnh dịch vào đời Đường, đây là có liên
quan đến sự tu hành chỉ quán. 7) Luận Kim cang bát-nhã (kinh), do Đạt-ma-cấp-đa
(Dharma-gupta) dịch vào đời
Tùy, dùng 7 thứ cú nghĩa để giải thích kinh văn. Theo truyền thuyết của luận Kim
cang tiên nói, thì luận này giải thích ý nghĩa của kinh bằng văn trường
hàng do Di-lặc sáng tác, Vô Trước truyền lại để phổ biến.19 Còn có Thuận Trung luận, do
Cù-đàm Bát-nhã-lưu-chi (Prajñāruci) dịch vào
đời Nguyên Ngụy, là bộ tùy thuận Trung luận, ghi là do Vô Trước sáng
tác. Trong các bản dịch Tây Tạng thì thiếu bộ này, đây là điều khả nghi.
Nói về luận thư của Thế Thân thì có: 1) Luận Biện
trung biên, giải thích phần kệ tụng của Di-lặc. 2) Văn trường hàng của luận
Đại thừa trang nghiêm kinh; 3) Giải thích luận Nhiếp Đại thừa (có
3 bản dịch); 4) Văn trường hàng của luận Lục môn giáo thọ tập định: 3 bộ
này là giải thích các bộ luận của Vô Trước. Sáng tác chủ yếu của Thế Thân là 5)
Luận Duy thức nhị thập; 6) Luận Duy thức tam thập tụng. Luận Duy
thức nhị thập gồm phần bài tụng và trường hàng, có 3 bản dịch Hán. Bộ luận
này đã thành lập thuyết Duy thức “Duy, là bác bỏ ngoại cảnh, không phải phủ nhận
sự tương ưng khi thức bên trong phát sanh sự biểu hiện giống như cảnh bên ngoài;”(xiii)20
bác bỏ và đả phá những nghi ngờ và nạn vấn của người ngoài, là trọng về bác bỏ
ngoại cảnh. Luận Duy thức tam thập trọng về thành lập sự lý, hành quả của
Duy thức. Truyền thuyết nói luận này được sáng tác lúc ngài đã cao tuổi nên
chưa kịp giải thích bằng văn trường hàng thì ngài đã viên tịch. Luận Duy thức
tam thập trở thành một bộ luận trọng yếu được các học giả Duy thức về sau
nghiên cứu và giải thích. Trong các bản Hán dịch, Thế thân có không ít những bộ
luận giải thích kinh, như 1) luận Thập địa kinh, 2) luận Văn-thù-sư-lợi
Bồ-tát vấn bồ-đề kinh; 3) luận Thắngtư duy Phạm thiên sở vấn kinh;
4) luận Di-lặc Bồ-tát sở vấn kinh; 5) luận Đại Bảo tích kinh
(theo sự truyền bá tại Tây Tạng thì luận này do An Huệ sáng tác); 6) luận Niết-bàn
(kinh); 7) Diệu pháp liên hoa kinh ưu-ba-đề-xá (có bản dịch của Lặc-na-ma-đề);
8) Vô lượng thọ kinh ưu-ba-đề-xá: 8 bộ này đều do Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch vào đời Nguyên Ngụy. 9) Bảo kế kinh
tứ pháp ưu-ba-đề-xá; 10) Chuyển Pháp luân kinh ưu-ba-đề-xá; 11) Tam
cụ túc kinh ưu-ba-đề-xá: 3 bộ này do Tỳ-mục Trí Tiên dịch vào đời Đông Ngụy.
12) luận Niết-bàn kinh bổn hữu kim vô kệ; 13) luận Di-giáo kinh:
2 bộ này do Chân Đế dịch vào đời Trần. Những bộ luận của Thế Thân được dịch vào
thời kỳ đầu đời Bắc Ngụy (508-540 A.D.) chủ yếu là những bộ luận giải thích
kinh; dịch giả đều là người Bắc Ấn-độ, có thể có liên quan đến phong cách học
thuật của thời kỳ ấy ở nơi đó. Trong những bản luận giải thích kinh này, luận Thập
địa kinh và Vô lượng thọ kinh ưu-ba-đề-xá có ảnh hưởng rất sâu đậm đối
với Phật giáo Trung Quốc!
2. Kiến giải của hành giả Du-già về pháp chung của Đại thừa
Phật Pháp Đại thừa khởi nguồn và phát triển ở phương
(Đông) Nam; hoặc phát nguồn từ phương Nam rồi thành tựu rực rỡ ở phương Bắc,
như các bộ kinh lớn gồm Hoa nghiêm, Bát-nhã, Niết-bàn,
v.v. Mãi cho đến Vô Trước (Asaṅga), Thế
Thân (Vasubandhu) mới có người học
ở phương Bắc, phái Du-già hành (Yogācāra) được
hoàn thiện ở Trung Ấn-độ. Đây là phái được thai nghén trong phong cách học thuật
của hệ Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) – những
người theo A-tỳ-đạt-ma, những người theo Thí dụ, Kinh bộ sư, có sở trường tư
duy tinh tường, khảo sát chặt chẽ. Vào thời đại của Vô Trước và Thế Thân, giáo
điển Đại thừa đã lưu truyền tương đối nhiều, tư tưởng không tránh khỏi bị tạp
loạn. Nghĩa ‘không’ của Đại thừa thuộc hệ Long Thọ (Nāgārjuna) cũng đang lưu hành nhưng rõ ràng đã suy vi. Giới
Phật giáo Đại thừa đương thời gặp rất nhiều vấn đề: có người hiểu sai lầm về
nghĩa ‘không’ của Đại thừa; có người căn cứ vào Đại thừa hậu kỳ (Như lai tạng
ngã) nên trọng về quả đức của Như lai, chỉ chuyên nói về Nhất thừa; có khuynh
hướng nghiêng sự dễ thực hành, bí mật. Vô Trước và Thế Thân kế thừa Di-lặc (Maitreya) học, bắt đầu sáng tác luận để giải thích
thông suốt kinh, dẫn dắt Phật Pháp đi vào chánh đạo của nó. Lại nữa, dựa trên
cơ sở Luật nghi của Phật Pháp, thành lập ‘3 tụ tịnh giới’ của Bồ-tát, khiến người
xuất gia theo Đại thừa trải qua đời sống Tăng đoàn đúng như pháp. Đây là một hệ
thống học thuật, trên cơ sở “vì hết thảy người có xu hướng theo mọi thừa”(i) (tôn trọng sự cứu cánh của niết-bàn
Thanh văn), xiển dương thuyết Duy thức (Vijñapti-mātratā) của Đại
thừa không cùng chung với các thừa khác, được giới Phật giáo tôn trọng, trở
thành học thuyết nổi tiếng của Đại thừa.
Các hành giả Du-già nhận định như thế nào về Phật Pháp Đại
thừa lưu hành đương thời? Những kinh tương ưng với ‘không’ như Bát-nhã,
v.v., nói tất cả pháp đều là ‘không’, những người theo Du-già thì nói đó là ‘những
kinh chưa liễu nghĩa’; nếu căn cứ vào văn để giải nghĩa, thì nói tất cả pháp đều
không có cái tự tánh ‘không’,(ii) đó
chính là ác thủ không (durgṛhītā-śūnyatā).(iii) Trong luận Du-già sư địa sơ
kỳ, phẩm Chân thật nghĩa của Bồ-tát địa đã lập nên cái tự tánh theo cách gọi giả
(prajñapti-vāda-svabhāva),(iv) cái tự tánh lìa ngôn ngữ (nirabhi-lāpya-svabhāva),(v) gần với thuyết nhị đế. Cái tự tánh
theo cách gọi giả là gì? Tất cả các pháp gồm sắc, thanh, hương,… niết-bàn mà
“thế gian cùng biết”, đó là tự tánh có theo cách gọi giả; y theo thế tục nên
nói là có, nhưng không có ngôn ngữ nào có thể biểu đạt tự tánh ấy như thế nào. Tất
cả pháp thuộc tự tánh theo cách gọi giả ấy lìa có hoặc không có nên (tất cả đều
không thể) chỉ ra được, cái tự tánh lìa ngôn ngữ của các pháp chính là cái tự
tánh theo thắng nghĩa, đây là cái có chân thật. Nếu cho rằng cái tự tánh theo
cách gọi giả ấy là có tự tánh thì đó là cái chấp sai lầm; nếu nói không có cái
tự tánh lìa ngôn ngữ mà chân thật ấy thì đó chính là ác thủ không. Cái tự tánh
theo cách gọi giả ấy là không, cái tự tánh lìa ngôn ngữ ấy là có, thì gần với
điều mà kinh Bát-nhã đã nói: “Vì vị Bồ-tát mới phát ý này nên phân biệt
(nói) rằng cái có sanh diệt thì như hóa, cái không sanh không diệt thì không phải
như hóa.”(vi)1 Nhưng Trung luận của Long Thọ
không lập nên tự tánh theo thắng nghĩa, cho nên luận Du-già đả phá những
người có ác thủ không, nói rằng “tất cả chỉ là giả,”(vii)2
có thể đó là những học giả thuộc hệ Long Thọ. Định nghĩa ‘không’ và ‘có’, như
quyển 36 của luận Du-già sư địa (T. 30, tr. 488c-489a) nói:
“Lại nữa, sao gọi là người thiện thủ không? Nghĩa là, do
đối với sự vô sở hữu của cái này, cái kia, tức do cái kia nên quán đúng đắn rằng
nó là ‘không’. Lại do cái này, cái khác là có thật, tức do cái khác nên biết
đúng như thật là có. Như vậy gọi là ngộ nhập tánh không, đúng như sự thật không
điên đảo.”(viii)
Luận trên nói: “do cái kia cho nên là không, cái kia thật
sự không có; đối với cái này cho nên là không nên cái này thật sự có.”(ix) Đây là một quan điểm cơ bản của thiện
thủ không, chính là tha tánh không “có pháp khác là không, có pháp khác chẳng
phải là không,” tương đồng với thuyết Như lai tạng. Kinh Bát-nhã nói “tất
cả pháp đều là không,” cần phải giải thích rằng: đối với tất cả pháp gồm sắc,
v.v., vì đó là cách gọi giả nên tự tánh của nó không tồn tại, cho nên nói là
không. Nhưng tất cả pháp được gọi giả ấy nhờ “chỉ có thật trên mặt sự”(x) nên có, giả là y trên thật mà thành lập,
cho nên cái này là có (‘không’ là tánh được hiển thị). Đây là định nghĩa cơ bản
của không và có, được học giả Du-già tin tưởng và chấp nhận.
Kinh Giải thâm mật là bộ kinh điển chủ yếu được học
giả Du-già y cứ. Đối với ý nghĩa của không (śūnya) và có (bhāva), tiến thêm một bước lập 3 tướng, 3 vô tự
tánh tánh để trình bày. Trừ ngoài phẩm Tự ra, toàn bộ kinh văn đều được biên tập
vào phần Nhiếp quyết trạch của luận Du-già; phần Nhiếp quyết trạch lại y
cứ và 3 tướng để lập nên 5 pháp, tạo sự phân biệt và giải thích chi tiết sâu sắc
và rộng rãi. Ba tướng hoặc gọi là 3 (loại) tự tánh (trividha-svabhāva): 1) biến kế sở chấp tự tánh (pari-kalpita-svabhāva), 2) y tha khởi tự
tánh (paratantra-svabhāva), 3) viên thành
thật tự tánh (pariniṣpanna-svabhāva).(xi) Theo kinh Giải thâm mật nói,
y tha khởi tướng(xi) là: “tất cả pháp có tự
tánh là duyên sanh,” chính là 12 hữu chi gồm vô minh, v.v., đó là dựa theo
‘pháp tạp nhiễm’ do nhân duyên sanh ra để nói. Biến kế sở chấp tướng(xii) là: đối với tướng của tất cả pháp
do nhân duyên sanh ra ấy, tùy theo ‘sự tương ưng của tướng và danh’ có tình vọng
chấp, là ‘pháp vô tướng’ được an lập theo giả danh. Viên thành thật tướng(xiii) là: đối với tất cả pháp nhờ vào
nhân duyên khác mà sanh trên, do sự viễn ly biến kế sở chấp nên đạt đạt được thắng
nghĩa của ‘pháp thanh tịnh’ – chân như (tathatā) bình đẳng,
do tu hành chứng được. Có thể nói ba tướng này là điều mà phần Bổn địa đã nói,
giải thích về tự tánh theo cách nói giả và tự tánh lìa ngôn ngữ, chủ yếu là nhằm
cho sự giải thích chính xác, rõ ràng lời mà 'những kinh Đại thừa tương ưng với
không' đã nói: “Tất cả pháp đều không có tự tánh, vô sanh, vô diệt, xưa nay vốn
tịch tĩnh, tự tánh niết-bàn.”(xiv)
Kinh Giải thâm mật cho rằng: lời do những kinh tương ưng với 'không' đã
nói là nói không liễu nghĩa - ý nghĩa nói ra không đủ rõ ràng. Tuy nhiên, chúng
sanh có đầy đủ 5 sự(xv) thì
nghe rồi có khả năng thông hiểu đúng như thật, nhưng người không có đầy đủ 5 sự
thì nghe xong sẽ không tránh khỏi rơi vào ác thủ không kiến, bác bỏ hết tất cả,
hoặc giả phỉ báng và phá hủy Đại thừa, nói 'đây chẳng phải do Phật thuyết'. Cho
nên lập nên 3 tướng, giải thích rõ ràng ý nghĩa 'không có tự tánh'. Ba tánh chất
không có tự tánh (trividha-niḥsvabhāvatā) là dựa
vào 3 tướng để lập nên. (1) Tánh chất không có tự tánh bởi tướng (lakṣaṇa-niḥsva-bhāvatā),(xvi) dựa vào tướng biến kế sở chấp để
nói: bởi vì biến kế sở chấp là 'tên gọi giả được thiết lập nên' mà không phải
là 'thiết lập bằng tự tướng'. (2) Tánh chất không có tự tánh bởi sự sanh (utpatti-svabhāvatā),(xvii)
dựa vào tướng y tha khởi để nói: tướng y tha khởi là y vào nhân duyên để sanh,
không phải là sanh một cách tự nhiên. (3) Tánh chất không có tự tánh theo thắng
nghĩa (paramārtha-niḥsva-bhāvatā),(xviii) thông với tướng y tha khởi và tướng
viên thành thật.Thắng nghĩa là cảnh giới thanh tịnh làm sở duyên - pháp không
có ngã tánh; trong cảnh thanh tịnh làm sở duyên ấy không có tướng y tha khởi,
cho nên tướng y tha khởi là tánh chất không có tự tánh theo thắng nghĩa, như
nói: “vì tất cả pháp này đều là thắng nghĩa đế, vì được biểu hiện bởi tánh chất
không có tự tánh.”(xix) Đây
chính là tánh không (śūnyatā), học giả
Du-già giải thích rằng “tánh được biểu hiện bởi không.” Như vậy, 'tất cả pháp đều
không có tự tánh' mà kinh Đại thừa đã nói, không phải nói rằng tất cả đều không
có tự tánh. Tướng viên thành thật là cái có theo thắng nghĩa; tướng y tha khởi
là pháp tạp nhiễm theo nhân quả thế gian, cũng không thể nói rằng nó không có tự
tánh. Cái không có tự tánh một cách đúng đắn (cũng chính là không) là tướng biến
kế sở chấp được khởi lên đối với tất cả pháp. Ở trên, căn cứ vào phẩm Nhất thiết
pháp tướng, phẩm Vô tự tánh tướng của kinh Giải thâm mật đã nói.3 Căn cứ vào đây để giải thích nghĩa
'không', như quyển 3 của kinh Giải thâm mật (T. 16, tr. 701b) nói:
“Này thiện nam tử! Nếu ở trong tướng y tha khởi và tướng
viên thành thật mà có tánh viễn ly rốt ráo tướng biến kế sở chấp về tất cả phẩm
loại tạp nhiễm, thanh tịnh, cho đến hoàn toàn vô sở đắc về chúng thì như vậy được
gọi là tướng tổng quát tánh không ở trong Đại thừa.”(xx)
Tướng y tha khởi là pháp tạp nhiễm, tướng viên thành thật
là pháp thanh tịnh. Viễn ly các thứ vọng chấp (tướng biến kế sở chấp) khởi lên về
pháp tạp nhiễm hoặc thanh tịnh, đều vô sở đắc, đây chính là ý nghĩa tổng quát của
tánh không. Trong Kinh hoặc nói có 14 loại không, 16 loại không, 18 loại không,
v.v., Kinh này nói có 10 loại không, nhưng ý nghĩa của tánh không đều chẳng ra
ngoài nguyên tắc chung này. Phần Nhiếp quyết trạch của luận Du-già đã
phân biệt sâu sắc và chi tiết về 5 tướng: danh (nāma), tướng (lakṣaṇa), phân biệt (vikalpa), chân như (tathatā), chánh trí (samyag-jñāna).(xxi)
Ba tướng đầu là pháp tạp nhiễm, hai tướng sau là pháp thanh tịnh. Chánh trí
cũng là tướng y tha khởi, không phù hợp với pháp tạp nhiễm của y tha khởi trong
kinh Giải thâm mật. Luận Du-già giải thích rằng: “Ý của Kinh ấy
(kinh Giải thâm mật) chỉ nói về thành phần nhiễm ô của tự tánh y tha khởi
chứ không phải là nói về thành phần thanh tịnh; nếu nói về phần thanh tịnh thì
cần phải biết rằng duyên vào sự vô chấp ấy thì có thể hiểu rõ được.”(xxii)4
Trong Du-già học, sự thiết lập y tha khởi thuộc thanh tịnh ấy có nhiều nghĩa
khác nhau; chánh trí là tướng y tha khởi, làm cơ sở cho luận Thành Duy thức.
Trong Du-già học, Duy thức (Vijñapti-mātratā) học không chung với Đại thừa ấy, khi luận đến
không và hữu, đương nhiên cũng phù hợp với nguyên tắc đã nói trên, như Biện
trung biên luận tụng do Di-lặc sáng tác (T. 21, tr. 477c) nói:
“Có sự phân biệt một cách hư vọng; trong đây cả hai thứ đều
không có; trong đây chỉ có 'không'; ở đó cũng có cái này”(xxiii)
Hư vọng phân biệt (vitatha-vikalpa) là phân
biệt một cách hư vọng - thức (vijñāna) mê loạn,
đây là cái có. Khi phân biệt hư vọng, nhất định phải có năng thủ (grāhaka) và tướng sở thủ (grāhya) - đối lập giữa tâm và cảnh, những loại cảnh
bị nắm bắt do năng thủ nắm bắt sở thủ, cả hai cái này đều không có cái thể chân
thật. 'Cái này' là phân biệt hư vọng, ở trong sự phân biệt hư vọng ấy có cái
tánh không xa lìa cả hai cái thủ này, đó là cái có; ở trong tánh không ấy cũng
có phân biên hư vọng. Sự phân biệt này, biện luận qua lại với ba tự tánh thì đó
chính là “Chỉ có sở chấp, y tha, và tánh viên thành thật; bởi cảnh, bởi phân biệt,
và hai thứ ‘không’ nên nói.”(xxiv)5 Đây là nói: ‘cảnh’ bị nắm bắt bởi phân
biệt hư vọng ấy là tánh biến kế sở chấp; thức mà ‘phân biệt’ hư vọng ấy là tánh
y tha khởi; tánh không của hai thứ thủ ấy là tánh viên thành thật. Y vào 3 tự
tánh để nói về duy thức, đó chính là cảnh không có (vô), thức có, tánh không
cũng là có. “Những tâm và tâm sở trong ba cõi là sự phân biệt hư vọng,ˮ(xxv) không thể không nói nó là có, lý do là “tánh
phân biệt hư vọng ấy do nghĩa này nên được thành, chẳng phải thật có, hay hoàn toàn
không có, vì nói theo sự diệt tận, giải thoát.ˮ(xxvi)6 Thức mà
phân biệt hư vọng ấy, trong thắng nghĩa, là chẳng phải có thật, nhưng không thể
nói nó hoàn toàn không có (đều vô). Nhân vì sanh tử khổ báo là do nghiệp lực cảm
lấy; nghiệp là thứ dựa vào phiền não mà phát khởi. Phiền não dựa vào phân biệt
hư vọng – thức tạp nhiễm thuộc hữu lậu nên nó có, diệt đi sự phân biệt hư vọng ấy
mới có thể giải thoát (vimukta) sanh tử được, đây là điều được giới Phật
giáo công nhận – cùng quan điểm. Sự phân biệt hư vọng phải bị diệt trừ mới giải
thoát được, điều này không thể nói là ‘không có’. Sự phân biệt hư vọng là có,
là cái có như huyễn, như hóa. Phân biệt giữa không (vô) và có, chính như luận Biện trung biên do Thế Thân giải thích, nói: “Nếu vì cái này chẳng có thì do đó quan nó là không; vì cái
khác chẳng phải không có nên biết như thật là nó có.ˮ(xxvii)7 Giải
thích như vậy, học giả Du-già cho rằng đọc kinh Đại thừa nói “tất cả đều là
khôngˮ thì không bị hiểu nhầm.
Đặc sắc của Phật Pháp Đại thừa là không lìa tất cả mà
siêu việt lên tất cả. Không lìa tất cả nên thái độ của Phật Pháp Đại thừa không
bằng sự nghiêm túc của Phật Pháp; nhưng vì tánh thích ứng cao, thích ứng với địa
vị của (hành giả) tại gia thuộc thông tục nên không ngừng mạnh mẽ thêm. Vào thời
kỳ cuối (hậu bán thế kỷ IV A.D.) của Đại thừa hậu kỳ, tình hình càng rõ thêm.
Truyền thống của học giả Du-già là ‘tính hàm chứa lớn’ nên thông cả ba thừa ;
bởi vì thích ứng với thời đại, có khuynh hướng xiển dương pháp nghĩa ‘thù thắng
lớn’ không chung Nhị thừa. Vô Trước, Thế Thân và môn hạ của họ, đa số là Bồ-tát
xuất gia, có nguồn gốc sâu xa của Phật Pháp, cho nên đối với những vấn đề thời
đại Phật giáo, có giải thích độc đáo bất đồng với dòng thế tục, nhưng cũng
không tránh khỏi việc phải chịu ảnh hưởng ít nhiều của những vấn đề thời đại
này. Thuyết Như lai tạng (Tathāgata-garbha) của Đại thừa hậu
kỳ là một vấn đề lớn, đây là thuyết không thể phủ nhận nên phải dựa vào nghĩa để
cho nó sự giải thích, như quyển 3 của Đại
thừa trang nghiêm kinh luận (T. 31, tr. 604c) nói:
“Vì tất cả đều không có sự sai biệt, vì đắc được sự thanh
tịnh của như, cho nên nói rằng các chúng sanh được gọi là Như lai tạng.ˮ(xxviii)
Vô Trước căn cứ vào tánh không có sai biệt, xưa nay vốn
thanh tịnh của chân như để giải thích tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng. Chân như của chúng sanh, chân như của tất cả
chư Phật là không có sai biệt; chúng sanh không rời chân như, cũng sẽ không rời
– có tánh thanh tịnh của Như lai, nhưng vẫn chưa lộ ra, giống như thai tạng,
cho nên nói chúng sanh có Như lai tạng. Nhiếp
Đại thừa luận thích của Thế Thân cũng nói: “Tự tánh vốn thanh tịnh, tức là chân như, tự tánh thật hữu, tất cả hữu tình
đều có tướng chung bình đẳng; vì có điều này nên nói tất cả pháp có Như lai tạng.ˮ(xxix)8 Tóm lại, học giả Du-già là căn cứ vào tánh
bình đẳng phổ biến của chân như (tức tánh viên thành thật) để giải thích về Như
lai tạng. Nhưng trong kinh Đại bát-niết-bàn,
“ngã ấy, tức là nghĩa của Như lai tạng;ˮ(xxx) Kinh nói Như lai là thường, lạc, ngã, tịnh,
ngã là quả đức của Như lai, người của Du-già lại giải thích ‘ngã’ như thế nào?
Quyển 3 của Đại thừa trang nghiêm kinh luận
(T. 31, tr. 603c)
“Vì vô ngã là thanh tịnh, không, nên Phật nói đó là cái ngã đệ nhất;
vì cái ngã của chư Phật thanh tịnh nên Phật gọi đó là đại ngã.ˮ(xxxi)
Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo
tánh, luận Phật tánh đều đã trích
dẫn bài kệ này.9 Trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận, bài kệ
này là nói về tướng đại ngã (mahātman) thuộc pháp giới vô lậu. Tánh không là
thanh tịnh (viśuddha), là vô ngã (nairātmya); không có thần ngã mà chúng sanh đã
chấp sai lầm, vô ngã tánh không chính là cái ngã tối thắng mà Phật đã đắc. Luận
giải thích rằng: “Cái vô ngã đệ nhất ấy, đó là (chân) như thanh tịnh, (chân)
như thanh tịnh ấy tức là tự tánh ngã của chư Phật… Do Phật đạt được sự vô cùng thanh
tịnh của cái ngã này nên Phật đặt tên là đại ngã.ˮ(xxxii)10 Chân như,
pháp giới, tánh không, học giả Du-già giải thích thành (Như lai tạng) ngã. Nhiếp Đại thừa luận thích giải thích vấn đề ‘thật có Bồ-tát’ của kinh Đại Bát-nhã, nói “Nói thật có ấy nhằm cho thấy Bồ-tát có thật
cái thể không,ˮ(xxxiii) “Nghĩa là lấy ‘cái không’ có thật làm thể của
Bồ-tát.”(xxxiv)11 Ở đây có thể nhận thấy rằng Như lai, Bồ-tát,
chúng sanh đều là lấy chân như – Như lai tạng ngã làm tự thể. Trang nghiêm kinh luận còn nói: “Thể của Phật là bình đẳng, vì pháp giới và ngã không khác
nhau nên quyết định có thể thông đạt.ˮ(xxxv)12 Dùng sự
không có sai biệt giữa pháp giới và ngã để giải thích tự thể bình đẳng của (Phật
và) Phật; Phật dùng pháp giới tối thanh tịnh làm tự thể, đây chính xác là ‘tướng
đại ngã’ của pháp giới.13 Luận đến
thân tự tánh của Phật (svabhāva-kāya), Nhiếp
Đại thừa luận bổn nói: “Thân tự tánh,
đó là pháp thân của chư Như lai, chuyển vận tự tại đối với tất cả pháp vì thân ấy
làm chỗ nương tựa [cho tất cả pháp].ˮ(xxxvi)14 Luận Thành Duy thức nói: “Thân tự tánh, đó là
pháp giới thanh tịnh chân thật của chư Như lai, làm sở y một cách bình đẳng cho
thân thọ dụng, thân biến hóa, lìa hết mọi tướng, tịch nhiên, dứt hết các hí luận,
đầy đủ vô biên công đức chân thật và thường hằng, là thật tánh bình đẳng của tất
cả pháp.ˮ15 Tự thể của mỗi một vị Phật chính là pháp giới.
‘Đầy đủ vô biên công đức chân thật và thường hằng’ là thông suốt với công đức
thanh tịnh tương ưng với Như lai tạng. Tóm lại, học giả Du-già dùng pháp giới,
chân như để giải thích cho Như lai tạng ngã. Điều này không nên hướng về phía
lý tánh để nói, đây là tự thể ngã của chúng sanh, Bồ-tát Như lai; Như lai có
cái đại ngã không thể suy lường được. Nhưng, trong suy nghĩ của người không
quên Phật Pháp thì Như lai tạng ngã luôn luôn không tránh khỏi có cảm giác hữu
thần hóa. Cho nên từ Thế Thân về sau, một hệ thống gồm những vị Trần-na (Diṅnāga), Hộ Pháp (Dharmapāla), Giới Hiền
(Śīlabhadra), Huyền Trang đều đặc biệt chú trọng luận Du-già và kinh Giải thâm mật,
tìm hiểu và nghiên cứu quy tắc luận lý để phát dương Nhân minh (Hetu-vidyā), đối với
Như lai tạng ngã, dường như cũng không bàn đến nữa!
Phật Pháp Đại thừa hoằng dương Bồ-tát đạo rộng lớn, sâu sắc,
nội dung thì có nhiều phương diện, ngoài thực hành sâu sắc ra, còn có phương tiện
để thích ứng với ‘thực hành theo niềm tin’. Trong sự thực hành sâu sắc, có cùng
một nguồn mà khác dòng với Bát-nhã, có pháp môn có liên hệ đến Văn-thù (Mañjuśrī). Pháp
môn Văn-thù có đặc tính xem nhẹ về Luật chế của Tăng-già, “chỉ y cứ vào thắng
nghĩaˮ để thuyết Pháp. Pháp môn ấy truyền ra nhiều hành động vượt
trội, như Văn-thù (biểu hiện bằng hình tướng xuất gia) an cư 3 tháng tại vương
cung, chỗ dâm nữ; cầm kiếm hại Phật. Có nhiều ngữ cú vượt trội, chú trọng về
phiền não là bồ-đề, dâm dục là bồ-đề, tội ngũ nghịch là bồ-đề.16 Trên mặt phiền não, về lợi ích của nó,
như nói: “Có bốn ma, tám vạn bốn ngàn các phiền não môn, nhưng các chúng sanh bị
bì lao bởi chúng, chư Phật liền dùng pháp này để làm Phật sự, đó gọi là đi vào
môn tất cả chư Phật Pháp.ˮ(xxxvii)17 Những ngữ cú vượt trội này, đa số trong Kinh
đều thực hiện sự giải thích hợp lý; những lời không có giải thích nhưng được lưu
truyền trong giới Phật giáo, đương nhiên cũng không phải ít. Nhìn từ phương diện
của học giả Du-già, phương tiện này có thể dẫn đến phát sanh những tác dụng ngược,
trở thành chướng ngại cho sự trụ thế lâu dài của chánh Pháp. Cho nên từ Vô Trước,
Thế Thân về sau, đa số đã thay đổi linh hoạt để duy trì hình tượng thanh tịnh của
Tăng-già. Đối với Phật Pháp Đại thừa (và Phật Pháp) đang lưu hành đương thời,
tuyên thuyết rằng: “Lại có 4 loại ý thú,(xxxviii)
4 loại bí mật, tất cả lời Phật dạy cần phải tùy theo đó mà quyết định được.ˮ(xxxix)18 Bốn loại ý thú (catvaro abhiprāyāḥ) là: bình
đẳng ý, biệt thời ý, biệt nghĩa ý, chúng sanh lạc dục ý.(xl) Bốn loại bí mật (catvāro
abhisaṃdhayāḥ) là: khiến nhập bí mật, tướng bí mật, đối trị bí mật,
chuyển biến bí mật.(xli) Như
trong Kinh nói: trì tụng danh hiệu Phật thì chắc chắn không bị thoái lui đối với
bồ-đề vô thượng; chỉ do phát nguyện, vãng sanh quốc độ Cực lạc. Đây là biệt thời
ý thú, nhằm đối trị sự chướng ngại do giải đãi của chúng sanh cho nên nói như vậy.19 Điều này với việc vì kẻ có tâm tánh khiếp
nhược hạ liệt nên thuyết đạo dễ thực hành mà Long Thọ (Nāgārjuna) đã nói,
ý kiến phù hợp khớp với nhau. Ở đây cần phải nói sơ lược về chuyển biến bí mật
(pariṇāmanābhisaṃdhi): ngữ cú kín đáo sâu sắc thì không thể dựa
vào văn nghĩa thông thường để giải thích, mà phải chuyển thành sự giải thích
khác ngược lại mới không đến nỗi bị hiểu sai. Như quyển trung của Nhiếp Đại thừa luận bổn (T. 31, tr.
141b) nói:
“Biết cái không kiên cố là kiên cố, khéo trụ nơi điên đảo,
bị não loạn bởi loại cực phiền não, đắc được bồ-đề tối thượngˮ(xlii)
Bài tụng này, nếu căn cứ theo văn để giải thích, thì điều
đó còn tà hơn so với tà giáo vậy! Khi nói về bí mật quyết trạch, Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận đã dẫn 3
bài tụng gồm: “Nghịch hại cha lẫn mẹ, vua và hai hạng đa văn, phản quốc hoặc đi
theo [kẻ phản quốc], người đó được nói là thanh tịnh;ˮ(xliii) “Không tin, không nhớ ơn, đoạn mật [ăn cắp]
không chừa chỗ nào, luôn ăn thứ người ta mửa ra, đó là trượng phu tối thượng;ˮ(xliv) và “Biết cái không kiên cố là kiên cố,ˮ v.v.20 Bài tụng thứ nhất, đó là tội ác cực lớn
mà thế gian ai cũng công nhận, thì tại sao có thể nói đó là thanh tịnh? Hai bài
tụng sau là hạng người cực hạ liệt ở thế gian, phiề não sâu nặng, thì tại sao
có thể nói đó là hạng đại trượng phu tối thượng? Nói kẻ ấy có thể đắc được bồ-đề
vô thượng? Điều này đều cần phải ‘chuyển biến cái bí mật để biểu lộ ra nghĩa
khác’ mới hợp lý được. Cuối luận này đã dẫn một đoạn Kinh văn, như quyển 7 của Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận (T. 31,
tr. 694b) nói:
“Lại nữa, Khế Kinh nói: Vị Bồ-tát ma-ha-tát nào thành tựu
5 pháp thì được gọi là bậc Phạm hành, thành tựu Phạm hành thanh tịnh đệ nhất.
Năm pháp đó là những gì? (1) thường muốn dùng dục để ly dục; (2) xả bỏ và cắt đứt
dục pháp; (3) dục tham nào đã sanh thì liền nắm chặt lấy nó; (4) sợ hãi việc trừ
bỏ dục pháp; (5) hai với hai luôn luôn gặp nhau.ˮ(xlv)21
Từ trên mặt văn tự để nói, đây là sự hòa hợp nam nữ trong
Phật Pháp Đại thừa Bí mật. Kinh văn cho rằng: Phạm (thanh tịnh) hành tối thượng
là ‘dùng dục để ly dục’, hi vọng từ trong sự dâm dục mà xa lìa được hết thảy mọi
thứ dục. Nếu như tham dục (dục niệm hoặc dục sự) sanh khởi thì cần phải ‘nắm chặt
lấy nó’ để kéo dài tiếp tục mãi. Cho nên, không cần phải đoạn trừ dục pháp; đối
với sự ‘trừ bỏ (dâm) dục pháp’ cũng sợ nghe đến. ‘Hai với hai luôn luôn gặp
nhau’, chính là sự luôn luôn giao hợp của nam nữ. Vô Trước cho rằng những ngữ
cú bí mật nầy không thể căn cứ theo văn để giải thích mà cần phải chuyển đổi
thành cách giải thích khác. A-tỳ-đạt-ma Tạp
tập luận do An Huệ (Sthira-mati) sáng tác đã dùng
pháp nghĩa Đại thừa để cho nó sự giải thích hợp lý. Luận giải thích ‘hai với
hai luôn luôn gặp nhau’ rằng “Vì dùng hai đạo gồm thế và xuất thế, cho đến
hai đạo gồm xa-ma-tha và tỳ-bát-xá-na, luôn luôn gặp nhau.ˮ(xlvi)22 Đây là
nói: Bồ-tát y vào thế gian đạo để tu xuất thế đạo, đắc xuất thế đạo rồi tu thế
gian đạo (hậu đắc trí không có sự phân biệt); cho đến tu chứng bằng chỉ, quán
song vận. Mật tông truyền vào Nhật Bản, đối với sự kết hợp với nhua, ôm lấy
nhua, v.v., cũng là giải thích thành chỉ quán song vận hoặc bi trí song vận. Ở
đây có thể biết rằng: một số bộ phận của Đại thừa Bí mật đã được lưu hành; mật
pháp nam nữ hòa hợp, dùng dục để ly dục cũng đã bắt đầu được truyền dạy. Đối với
khuynh hướng này của giới Phật giáo, học giả Du-già thì không cho là đúng, dùng
‘chuyển biến bí mật’ để giải thích. Nhưng tâm chúng sanh giống như nước luôn chảy
xuống chỗ thấp, học Du-già hoàn toàn không thể hoàn thành nhiệm vụ ngăn cản tình
hình giới Phật giáo sắp ngày càng tệ hại này, nhưng học giả Du-già đã từng nỗ lực
hết mức để duy trì và bảo vệ Pháp rồi!
3. Những quan điểm cốt lõi của Du-già hành phái
Ở trên đã luận sơ lược về người Du-già hành (Yogā-cāra) đối với
Phật Pháp đang lưu hành vào thời đại ấy, lập trường và bình luận mà họ đã sử dụng,
ở đây cần phải trình bày tổng quát về tông của chính Du-già học. Luận điển của
Du-già học có nhiều nên pháp nghĩa cũng phức tạp và rộng rãi, trên cơ sở tư tưởng
căn bản, tránh được sự không hiểu rõ thì cũng có những nghĩa khác nhau bất đồng.
Nhưng nói vấn đề quan trọng nhất, thì phần Nhiếp quyết trạch của luận Du-già sư địa tuy dẫn rộng rãi kinh Giải thâm mật và kinh Bảo tích nguyên thỉ (Kinh ấy hiện được
biên tập thành hội Phổ Minh Bồ-tát của kinh Đại
bảo tích), trình bày chi tiết về Đại thừa, nhưng phần Bổn địa của luận Du-già sư địa là trình bày rõ hết cả ba
thừa; 3 phần sau gồm phần Nhiếp thích, phần Nhiếp dị môn, phần Nhiếp sự lại đều
nhằm giải thích kinh A-hàm và Luật. Luận
Du-già sư địa là nơi tông bổn của
Du-già học, không hề xa rời Phật Pháp. Những Luận thư của Vô Trước (Asaṅga) và Thế
Thân (Vasubandhu) thành lập nên Duy thức (Vijñapti-mātratā), đã trích dẫn
kinh Thập địa của Hoa nghiêm, kinh Giải thâm mật, kinh A-tỳ-đạt-ma
Đại thừa. Căn cứ vào 6 bộ Kinh, 11 bộ Luận mà được nói một cách phổ biến ấy,
đó là dựa vào luận Thành Duy thức để
nói. Bây giờ, bắt đầu trình bày từ quyển trung trong Nhiếp Đại thừa luận bổn (T. 31, tr. 141b) của Vô Trước:
“Muốn sáng tác bản
giải thích về pháp Đại thừa, nói tóm lược thì do 3 tướng nên cần phải sáng tác
bản giải thích về nó. (1) Do thuyết về Duyên khởi; (2) do thuyết về những pháp
tướng từ duyên sanh ra; (3) do thuyết về ngữ nghĩa… Thuyết về ngữ nghĩa ấy,… hoặc
do nơi đức, hoặc do nơi nghĩa.ˮ(i)
Văn của Luận đã nêu ra 3 nội dung lớn của việc sáng tác
Luận. ‘Nói về ngữ nghĩa’ là căn cứ trực tiếp vào Kinh văn để giải thích. Trong ấy,
‘nơi đức’ là công đức viên mãn của Phật và cõi Phật, Kinh văn là những vấn đề
mà kinh Hoa nghiêm, kinh Giải thâm mật, kinh Phật địa, v.v., cùng thuyết. “Nơi nghĩaˮ những việc
làm to lớn của Bồ-tát nhằm từ bi lợi ích (nghĩa) cho chúng sanh, có thể nói đó
là Bồ-tát chân thật mà cái danh phù hợp với cái thật ấy, Kinh văn được rút ra từ
kinh Bảo tích nguyên thỉ. Sở trường
luận nghĩa của học giả Du-già là ‘thuyết về duyên khởi’ và ‘thuyết về pháp tướng
do duyên sanh ra’.
Duyên khởi (pratītya-samutpāda) là thuật
ngữ trọng yếu của Phật Pháp. Trong kinh Duyên
khởi, nói duyên khởi là pháp trụ (dharma-sthititā), pháp giới (dharma-dhātu).(ii) Giới (dhātu) là nghĩa cái
nhân [因], nghĩa bổn
tánh [本性];(iii) ý nghĩa của Tương ưng bộ, tương
đương với giới này, thì gọi là idappaccayatā, là duyên tánh – tánh
nương tựa lẫn nhau.1 Phật
thuyết duyên khởi là: “cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanhˮ nên
có sự tụ tập của khối lớn thuần khổ; “cái này không có nên cái kia không có,
cái này diệt nên cái kia diệtˮ nên khối lớn thuần khổ diệt.(iv) Sự lưu chuyển sanh tử và niết-bàn
hoàn diệt đều là căn cứ vào duyên khởi để thành lập. Luận Nhiếp Đại thừa của Vô Trước, trước hết nói về duyên khởi, trên
nguyên tắc là kế thừa Phật Pháp (khác với kinh Đại thừa chú trọng về thắng
nghĩa). Nhiếp luận giải thích như thế
nào về duyên khởi? Luận đã dẫn bài tụng của kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa nói: “Nói rằng các pháp là do huân tập sanh
ra, vì cái này [huân tập] từ việc dị thục và chuyển thức làm duyên cho nhau
sanh ra.ˮ(v)2 Danh ngôn tập khí (vāsanā)(vi) chính là sanh khởi chủng tử (bīja) của
tất cả pháp thuộc chuyển thức (pravṛtti-vijñāna);(vii) chủng tử là thứ do huân tập mà
thành, cho nên gọi là huân tập. Từ danh ngôn tập khí, sanh khởi 7 chuyển thức
trước – tất cả pháp; chuyển thức – các pháp lại huân tập vào bên trong thức dị
thục (vipāka-vijñāna) thứ 8. Như vậy, thức dị thục và 7 chuyển thức trước, sự
làm duyên cho nhau của chủng tử (và) hiện hành nên sanh khởi, chính là duyên khởi.
Đây là giải thích về duyên khởi mà trọng yếu là ở tại thức nhiếp tạng chủng tử
thứ 8. Trong Phật giáo Bộ phái, thuyết chủng tử là giáo nghĩa trong yếu của
Kinh bộ (Sutrāntika); bắt đầu từ giữa thế kỷ II-III A.D., Kinh bộ được thành lập
và phát triển, vào thời đại của Vô Trước, Thế Thân, nó hưng thịnh vô cùng. Chủng
tử hoặc huân tập là cái tiềm năng sanh khởi tất cả pháp – mỗi mỗi pháp đều sai
biệt nhau (giống như tánh chất có khả năng sanh ra quả của hạt giống cây cỏ). Tất
cả pháp đều nhờ vào chủng tử để hiện rõ ra; tất cả pháp sanh khởi, lại huân ngược
trở lại để thành chủng tử (gần với năng lượng chuyển hóa thành chất, chất lại
chuyển hóa thành năng lượng). Phật Pháp là xem chúng sanh làm trung tâm, thân
thể của chúng sanh sẽ bị diệt mất, sáu thức thông thường đó sẽ bị cắt đứt, Phật
Pháp nói vô ngã thì chủng tử ấy tiềm tàng ở đâu trong thân tâm? Một phương diện
khác, trong Kinh nói có 6 thức, đây là những thức mà chúng ta có thể khảo sát
biết được. Nhưng trong quá trình Phật Pháp lưu hành, Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika)
đã lập riêng cái thức căn bản (mūla-vijñāna), Xích đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) lập
riêng cái thức hữu phần (bhavaṅga-viññaṇa), đều là từ 6 thức phổ biến ấy rồi
tìm hiểu và nghiên cứu đến cái thức vi tế tiềm ẩn bên trong. Trong Kinh bộ, có
người đem sự tồn tại của chủng tử (cái tiềm năng) và cái thức vi tế ấy thống nhất
lại, chủng tử ở bên trong cái thức tâm vi tế; học giả Du-già cũng dựa vào đó để
thành lập nên thức a-lại-da (ālayavijñāna) nắm giữ tất cả chủng tử. Như luận Đại thừa Thành nghiệp (T. 31, tr.
784b-c) do Thế Thân sáng tác, nói:
“Có những người chỉ lấy loại Kinh làm tiêu chuẩn… Tâm có 2 loại:
(1) tâm tập khởi, vì làm nơi cho vô lượng chủng tử tập hợp rồi khởi lên; (2)
tâm chủng chủng, vì chuyển vận do duyên vào những hành tướng sai biệt… Thức dị
thục quả, nắm giữ những chủng tử của các pháp… Có thuyết bài tụng rằng: tâm và
vô biên chủng tử, luôn luôn cùng nhau nối tiếp trôi chảy. Khi gặp những duyên
huân khác nhau, chủng tử trong tâm liền tăng trưởng mạnh mã, lực của chủng tử dần
dần chín muồi, khi duyên hòa hợp thì cho ra quả.ˮ(viii)
“Trong kinh Giải thâm mật Đại
thừa, đức Thế tôn y vào đây nên nói bài tụng như vầy: Thức a-đà-na rất sâu
sắc và vi tế, nó có tất cả chủng tử và nó giống như dòng chảy mạnh,(ix) Ta không diễn thuyết nó cho kẻ phàm
phu, vì e rằng kẻ kia phân biệt và chấp nó là ngã. Nó có khả năng làm cho tiếp
tục hậu hữu [tái sanh], có khả năng nắm giữ và duy trì thân thể, cho nên nói nó
là thức a-đà-na; nó nắm giữ và chứa chủng tử của tất cả pháp nên lại nói nó là
thức a-lại-da; nó được dắt dẫn bởi nghiệp đời trước để sanh ra quả dị thục, vì
vậy chính nó cũng được gọi là thức dị thục quảˮ(x)
‘Có những người chỉ lấy loại Kinh làm tiêu chuẩn’ là một phái trong
sư Kinh bộ. Họ lập nên thuyết tâm có 2 loại, tâm tập khởi và tâm chủng chủng.
Tâm (citta) tập khởi là thức dị thục quả nắm giữ và chứa chủng tử của tất cả
pháp; là nơi mà chủng tử được huân tập, lại nhờ chủng tử để khởi tất cả pháp,
cho nên gọi là tâm tập khởi. Tập khởi ‘tâm và vô biên chủng (tử), luôn luôn
cùng (thời) nối tiếp trôi chảy’ không phải chính là ‘thức a-đà-na rất sâu sắc
và vi tế, nó có tất cả chủng tử và nó giống như dòng chảy mạnh’ ư? Theo văn của
Luận, thức a-đà-na (ādāna-vijñāna) của kinh Giải
thâm mật là căn cứ vào ‘có những người chỉ lấy loại Kinh làm tiêu chuẩn’ để
nói. Tâm tập khởi, thức a-lại-da, thức a-đà-na, thức dị thục quả đều là tên gọi
khác nhau của cùng một thức. Ngoài tác dụng nắm giữ và chứa chủng tử, sanh khởi
tất cả pháp ra, còn có tác dụng nắm bắt và duy trì (căn) thân, cũng chính là
cùng chịu an nguy với thân.(xi) Sự
lưu chuyển sanh tử và hoàn diệt đều nhờ vào chủng tử tâm thức để thành lập, như
Nhiếp luận dẫn kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa nói: “Cái giới đã
có từ vô thỉ đến nay ấy là chỗ nương tựa bình đẳng của tất cả pháp, do đây nên
có các thú [xu hướng], cho đến chứng đắc được niết-bàn.ˮ(xii)3 Giới (dhātu) được giải thích là chủng
tử. Sự lưu chuyển, hoàn diệt y vào đây để thành lập, là phù hợp với nguyên tắc
duyên khởi, nhưng có một số bất đồng với điều mà kinh A-hàm đã nói, cho nên quyển thượng của Nhiếp Đại thừa luận bổn (T. 31, tr. 134c-135a) nói:
“Nói tóm lược thì có hai thứ duyên khởi: một, duyên khởi do phân biệt
tự tánh; hai, duyên khởi do phân biệt ái và phi ái. Trong đây, y chỉ vào thức
a-lại-da nên các pháp sanh khởi, đó gọi là duyên khởi phân biệt theo tự tánh,
vì phân biệt tự tánh của các thứ làm tánh chất duyên. Lại có duyên khởi gồm 12
chi, đó gọi là duyên khởi do phân biệt ái và phi ái, bởi dùng sự phân biệt tự
tánh của các thứ thuộc ái và phi ái đối với thiện thú, ác thú làm tánh chất
duyên.ˮ(xiii)
Nhiếp
luận chia duyên khởi thành hai loại: duyên khởi do phân biệt ái và phi
ái là duyên khởi gồm 12 chi mà Phật Pháp thường nói. Ở trong sanh tử, hoặc sanh
nơi cõi lành làm người, làm thiên, thọ tự thể thân tâm khả ái; hoặc sanh vào ác
thú như địa ngục, v.v., chịu tự thể thân tâm không khả ái. Cho nên có sự phân
biệt giữa thiện báo và ác báo, đó là lấy duyên khởi gồm 12 chi để làm tánh chất
duyên, đây chính là ‘duyên khởi theo nghiệp cảm’ mà (chung cả 3 Thừa) đã nói phổ
biến. Nhưng ở trong 5 cõi thú thuộc sanh tử, khởi nhiều thứ tâm sở pháp hoặc
thiện hoặc ác, nhiều thứ sắc pháp, tất cả pháp đều có sự sai biệt của mỗi thứ
nên có tánh chất riêng. Tại sao tất cả pháp có khả năng sanh khởi tự tánh riêng
biệt của mỗi pháp? Đây là do tất cả chủng tử được nắm giữ và chứa đựng ở trong
thức a-lại-da, cũng là thứ có vô lượng sai biệt, cho nên có khả năng làm tánh
chất duyên cho pháp sanh khởi có tự tánh riêng biệt, cũng được gọi là duyên khởi
do phân biệt tự tánh.(xiv) Duyên
khởi do phân biệt tự tánh là pháp duyên khởi bất cộng của Đại thừa, do người
Du-già Đại thừa cần phải thành lập (trọng về chủng tử sanh khởi ra tất cả). Phẩm
Sở tri y của luận Nhiếp Đại thừa chủ
yếu là thành lập nên loại duyên khởi này. Luận Thành Duy thức dùng 5 Giáo, 10 Lý (10 Lý là dẫn kinh A-hàm để suy lý) thành lập nên thức a-lại-da,4 điều đó càng sâu sắc rộng lớn hơn nên
khiến mọi người không thể không thừa nhận có thức a-lại-da được.
Thức a-lại-da dùng “thức dị thục (quả), tất cả chủng tử (nhân) làm
tự tánh của nó,ˮ là ‘duyên khởi do phân biệt tự
tánh’. Theo luận Du-già sư địa nói: “Tâm,
đó là cái có tất cả chủng tử, có tánh làm chỗ y chỉ cho thứ đi theo, có tánh
làm y chỉ cho thứ đi theo nhưng chỉ nương phụ vào, thể của nó là chấp thọ, là
thức a-lại-da nắm giữ dị thục.ˮ(xv)5 Hai loại gồm ‘có tánh làm chỗ y chỉ
cho thứ đi theo’ và ‘có tánh làm y chỉ cho thứ đi theo nhưng chỉ nương phụ vào’
chính là chủng tử hữu lậu (sāsrava) và vô lậu (anāsrava); mặc dầu chủng tử vô lậu
‘nương phụ vào’ a-lại-da nhưng tánh chất thì bất đồng, cho nên nói là ‘nương phụ
vào’. Giữa các Luận sư cũng có quan điểm khác nhau về việc chủng tử y vào thức
a-lại-da: Nan-đà (Nanda) chủ trương rằng chủng tử là thứ mới được huân; Hộ Nguyệt
(Candra-gupta) chủ trương rằng chủng tử là thứ vốn có sẵn; Hộ Pháp (Dharmapāla)
chủng trương rằng chủng tử có cả hai loại là vốn có sẵn và mới được huân.6 Lấy chủng tử vô lậu để nói, thì phần Bổn
địa của luận Du-già sư địa lập nên
hai chủng tánh: (1) chủng tánh trụ nơi bổn tánh (prakṛti-stha-gotra); (2) chủng
tánh do huân tập mà thành (samudānīta-gotra);(xvi)
chủng tánh là tên gọi khác của chủng tử.(xvii)7 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận là dựa vào Bồ-tát địa để sáng tác, cũng lập nên
hai chủng tánh này – tự tánh do tánh chủng, tự tánh do huân chủng,(xviii)8
tương đồng với Bồ-tát địa, là luận điểm kết hợp cả vốn có và mới huân. Nhưng luận
Nhiếp Đại thừa của Vô Trước cho rằng
“Cần biết rằng (vật) bên ngoài hoặc không có huân tập, chẳng phải là chủng [tử]
bên trong.ˮ(xix)9 Đây là nói: chủng tử bên trong – chủng
tử được nắm giữ bởi thức a-lại-da, nhất định là nó do từ huân tập mà có, cho
nên là thuyết mới huân. Như vậy, “từ xưa tâm xuất thế (vô lậu) chưa từng được
huân, vì vậy sự huân tập ấy nhất định là không thể có được!ˮ(xx)10 Đây là cật vấn của người phản đối: nếu
như chủng tử phải từ sự huân tập mà có, thì chúng sanh luôn luôn là thuộc hữu lậu,
từ xưa đến nay không sanh khởi tâm vô lậu xuất thế, đương nhiên cũng sẽ không
có chủng tử vô lậu, chúng làm sao lại có thể tu hành để sanh khởi tâm vô lậu! Thuyết
chủng tử vô lậu mới huân ấy không phù hợp với phần Bổn địa của luận Du-già sư địa, nhưng lại hợp với phần
Nhiếp quyết trạch, như quyển 52 của luận Du-già
sư địa (T. 30, tr. 589a) nói:
“Các pháp xuất thế gian là từ chủng tử lấy chân
như làm sở duyên duyên sanh ra, chẳng phải là được sanh ra do chủng tử được
tích tập tập khí kia.ˮ(xxi)
Thuyết chủng tử vô lậu mới huân ấy là do phần Nhiếp quyết trạch sử
dụng kiến giải của Kinh bộ. Thức a-lại-da của duyên khởi do phân biệt tự tánh ấy
là thức phân biệt hư vọng thuộc hữu lậu, bên trong thức a-lại-da có loại tâm
thanh tịnh để đối trị thứ tạp nhiễm hữu lậu, là điều rất khó hiểu được. Nhiếp luận đã nêu ra việc nước và sữa
dung hợp nhưng tánh chất của nước và sữa thì khác nhau để tỉ dụ. Bên trong thức
a-lại-da vốn không có chủng tử vô lậu, tâm vô lậu là từ nghe được chánh Pháp mà
có - “từ pháp giới tối thanh tịnh lưu xuất ra, do chủng tử huân
tập từ sự nghe chân chánh sanh ra.ˮ(xxii) Cái
mà Phật chứng được ấy là ‘pháp giới tối thanh tịnh’ (cũng gọi là chân như lìa
cáu bẩn). Phật y vào pháp giới do mình chứng được để thuyết Pháp cho mọi người,
cho nên Phật Pháp (mà nghe được ấy) được gọi là ‘lưu xuất ra từ pháp giới’; tâm
thanh tịnh chính là từ ‘huân tập bằng sự nghe’ như vậy mà sanh. Huân tập bằng sự
nghe, trên hình thức là nương gá vào trong thức a-lại-da nhưng trên thực chất
là “được nắm bắt bởi pháp thân, giải thoát thân,ˮ(xxiii) cũng
chính là thuộc về pháp giới.11 Nói
như vậy, là có khả năng làm thông suốt với thuyết Như lai tạng
(Tathāgata-garbha).
Định nghĩa của chủng tử thì gồm 6 điều,(xxxiv) có nguồn gốc từ luận Du-già sư địa.12 Điều thứ nhất là ‘diệt trong từng
sát-na’, biểu thị rằng nhất định chủng tử là thứ sanh diệt vô thường. Thức a-lại-da
là nơi mà chủng tử nương tựa cũng là sanh diệt vô thường. Chủng tử được nắm bắt
và tích trữ trong thức a-lại-da, ‘hòa hợp cùng chuyển vận’, ‘chẳng phải đồng nhất,
chẳng phải dị biệt’, luôn ở trong sự trôi chảy và biến đổi không ngừng, cho nên
nói “thức a-đà-na rất sâu sắc và vi tế, nó có tất cả chủng tử và nó giống như
dòng chảy mạnh.ˮ Dựa vào thức a-lại-da (nắm bắt và
lưu giữ chủng tử) sanh diệt hư vọng là dựa vào tánh chất duyên, tất cả sự tạp
nhiễm, thanh tịnh thuộc thế gian, sự thanh tịnh xuất thế gian đều dựa vào đây để
thành lập, đây là nghĩa duyên khởi.
Lại nói về pháp tướng do duyên sanh ra: pháp do duyên sanh ra –
pháp đã được sanh ra bởi duyên (pratītya-samutpanna), trong kinh A-hàm là nói đối lại với pháp duyên khởi.(xxxv) Pháp duyên khởi là tánh chất nhân,
tánh chất nhờ vào duyên, pháp duyên sanh là pháp thuộc quả của sự nhờ vào nhân
duyên để khởi. Trong Du-già học, duyên khởi trọng về thức a-lại-da (chủng tử),
pháp được sanh ra bởi duyên là trọng về chuyển thức, như quyển trung của Nhiếp Đại thừa luận bổn (T. 31, tr.
141b) nói:
“Thứ nữa, pháp tướng của chuyển thức ấy có tướng, có kiến, thức làm
tự tánh. Lại nữa, nó lấy chỗ nương tựa làm tướng, biến kế sở chấp làm tướng,
pháp tánh làm tướng, do đó hiển thị ra tướng của 3 tự tánh. Như nói: Từ sự có
tướng, có thấy được, cần biết rằng nó có 3 tướng.ˮ(xxxvi)
‘Tướng của pháp được sanh bởi duyên’ không phải là trình bày chi tiết
về sự tướng, mà là trình bày về 3 tướng – 3 tự tánh. Như điều mà phẩm Nhất thiết
pháp tướng của kinh Giải thâm mật nói
ấy chính là 3 tướng. Từ sự có tướng, có thấy được nên cần phải biết rằng nó có
3 tướng, đó là thuyết Duy thức của Du-già học. Ba tướng – 3 tự tánh là: tự tánh
biến kế sở chấp (pari-kalpita-svabhāva), tự tánh y tha khởi (paratantra-sva-bhāva),
tự tánh viên thành thật (pariniṣpanna-sva-bhāva). Y tha khởi là (nơi) y cứ để
khởi tướng biến kế sở chấp, nếu ở nơi y tha khởi mà lìa được sự chấp vào biến kế
thì đó chính là tướng viên thành thật. Ba tướng này chính là duy thức: như khi
tướng phân biệt hư vọng khởi lên, cái tướng (phần) phân biệt được hiện khởi ấy và
cái kiến (phần) có khả năng phân biệt ấy đều lấy (tướng y tha khởi) của thức
làm tánh, cho nên nói là ‘duy thức’. Do không hiểu rõ được sự chỉ do thức biểu
hiện nên cho rằng bên ngoài tâm (thấy) có cảnh (tướng), cũng chính là cái tướng
ở bên ngoài sự nhận thấy, đây chính là tướng biến kế sở chấp. Nếu biết chính
xác rằng cái thấy và tướng đều lấy thức làm tự tánh, không chấp rằng cảnh ở bên
ngoài là có, đó chính là tướng không của biến kế sở chấp. Cảnh không lìa khỏi
tâm, cũng sẽ không có tâm lìa khỏi cảnh nên không khởi lê tướng y tha khởi; cảnh,
thức đều mất, chính là chứng nhập tướng viên thành thật. Cho nên Du già học nói
rằng ‘tướng của pháp’, 3 tướng là thuộc duy thức, duy thức là 3 tướng. Biện trung biên luận tụng của Di-lặc
cũng nói: “Chỉ có sở chấp, y tha, và tánh viên thành thật; bởi cảnh,
bởi phân biệt, và hai thứ ‘không’ nên nói.”(xxxvii)13 Điều này không chỉ là Duy thức học, mà
là có liên quan đến quán duy thức để tu hành, như Biện trung biên luận tụng (T. 31, tr. 477c) nói:
“Y vào thức thì có sở đắc, còn cảnh thì
không sanh ra sở đắc; y vào cảnh thì không có sở đắc, thức cũng không sanh ra sở
đắc. Do thức có tánh sở đắc cũng trở thành không có sở đắc, cho nên biết rằng cả
hai tánh sở đắc và không có sở đắc đều bình đẳng.ˮ(xxxviii)
Tất cả chỉ là biểu hiện bởi cái thức
hư vọng, thức là cái có (theo thế tục), nên không thể nói nó là không có. Quán
tất cả chỉ là biểu hiện bởi thức cho nên tướng biến kế sở chấp – cảnh bên ngoài
tâm là không. Trước tiên y vào thức (y tha khởi) có nên quán cảnh (biến kế sở
chấp) là không, tiến thêm một bước, tâm là do cảnh làm duyên để khởi, không có
cảnh thì cũng không có tâm thức có thể nắm bắt được (y tha khởi cũng được gọi
là ‘thắng nghĩa vô tự tánh’), thức cũng mất và lặng yên không khởi lên. Như vậy,
cái thức có sở đắc, cái cảnh vô sở đắc (tức là 2 tướng đầu của 3 tướng) đều
không thể nắm bắt được, chúng không phải là hai, không phải là khác nên biểu hiện
ra pháp tánh bình đẳng – tướng viên thành thật. Ba tướng là thuộc duy thức, vả
lại, là nhờ vào 3 tướng để xiển minh thực hành quán của duy thức. Như phẩm Biện
tướng thứ nhất của luận Biện trung biên,
phần Sở tri tướng thứ ba của luận Nhiếp Đại
thừa, phẩm Thuật cầu thứ 12 của Đại thừa trang nghiêm kinh luận đều là nói
về 3 tướng, cũng chính là nói về duy thức. Cho nên Đại thừa bất cộng của Du-già
học, pháp tướng là thuộc duy thức, duy thức là của pháp tướng, chắc chắn không
phải là đối lập nhau.14 Luận Duy thức tam thập, gồm 16 bài kệ nói về
thức có chuyển biến, 9 bài kệ nói về duy thức và 3 tướng, chỉ có 5 bài kệ nói về
thực hành và chứng đắc. Luận Thành Duy thức
do căn cứ vào đây để biên tập thành bộ hoàn chỉnh, trình bày chi tiết về thức
mà có chuyển biến ấy, đã chiếm 6 quyển rưỡi trong 10 quyển của toàn bộ luận,
đây là lý do mà học giả Duy thức đời sau không khỏi sự dần dần mơ hồ đối với
nguyên tắc 3 tướng chính là duy thức, duy thức chính là 3 tướng này.
Trong Kinh hoàn toàn không có sự sai
biệt rõ ràng giữa duy thức (vijñaptimātratā), duy tâm (cittamātratā), nhưng
trên thói quen, Du-già học được gọi là thuộc Duy thức. Phật Pháp lấy việc lìa
ác hành thiện, chuyển mê khải ngộ làm tông chỉ, cho nên nếu nói rằng tất cả đều
lấy tâm thức làm chủ đạo, thì đó là điều được giới Phật giáo công nhận. Nhưng nếu
nói ‘ba cõi chỉ là tâm’, ‘vạn pháp chỉ là thức; thì đó là điều bất cộng của Đại
thừa hậu kỳ, với ‘tất cả đều là không’ của Đại thừa sơ kỳ, có thể nói đó là hai
lối tuyệt diệu của Đại thừa! Tư tưởng duy tâm (thức) là từ người du-già – kinh
nghiệm tu trì định và huệ mà có. Kinh Ban-chu
tam-muội do Chi-lâu-ca-sấm (Lokarakṣa) dịch vào đời Hán, nói: tu ban-chu
tam-muội (pratyutpanna-buddha-saṃmukhā-vasthita-samādhi), trong tam-muội ấy thấy
được Phật, vấn đáp với Phật. “Tự nghĩ rằng: Phật không từ đâu đến, ta cũng
không có đến. Tự nghĩ rằng: Dục xứ, Sắc xứ, Vô sắc xứ (ở trên tức 3 cõi), do
tâm (ý) làm ra vậy. Suy nghĩ như vậy, ta liền thấy rằng tâm làm Phật, tâm tự thấy,
tâm là Phật, tâm Phật (tâm là Như lai), tâm là thân ta, tâm thấy Phật.ˮ(xxxix)15 Quyển 3 của kinh Giải thâm mật (T. 16, tr. 698a-b) nói:
“Những ảnh tượng thuộc sở hành của tỳ-bát-xá-na
(quán) tam-ma-địa ấy với tâm này… Phải nói là không khác nhau. Vì sao? Do ảnh
tượng ấy chỉ là thức. Này thiện nam tử! Ta nói rằng sở duyên của thức là do duy
thức biểu hiện… Trong đây không có chút ít pháp nào thấy được chút ít pháp nào,
nhưng chính do tâm này khi sanh khởi thì liền có ảnh tưởng như vậy hiện rõ ra.ˮ
“Nếu các hữu tình mà trụ nơi tự tánh,
ảnh tượng do tâm duyên vào sắc, v.v.,… Cũng không có khác. Nhưng những kẻ ngu
phu do sự hiểu biết điên đảo nên không thể biết đúng như sự thật rằng những ảnh
tượng ấy chỉ là thức [biểu hiện]ˮ(xl)
‘Biểu hiện do duy thức’ mà kinh Giải thâm mật đã nói, cũng là giải thích
cảnh giới của tam-ma-địa (samādhi), sau đó nói đến những ảnh tượng thuộc sở
hành của tâm mọi người, cũng là thuộc duy thức. Điều này với kinh Ban-chu tam-muội đã nói, từ sự biết Phật
là do chính tâm tạo ra, lại nói 3 cõi duy tâm, là tương đồng nhau. Tư tưởng ‘được
biểu hiện bởi duy thức’ là do đây mà có. Lại nữa, như Nhiếp Đại thừa luận bổn nói: “Đối với cùng một vật nhưng các sư
Du-già có những cách hiểu biết khác nhau; tất cả những quan điểm đó đều được
thành tựu, cho nên biết rằng [kết luận] ‘chỉ có thức’ ấy được chấp nhận.ˮ(xli)16 Lý do mà kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa nói duy thức, chủ yếu cũng vẫn là ở kinh nghiệm
của thiền quán.17 Nhưng
kinh nghiệm thiền quán không phải là thứ mà mọi người đều biết thì làm sao khiến
mọi người tin tưởng chấp nhận? Kinh Ban-chu
tam-muội đã nói nhiều thứ cảnh trong mộng, cho đến thí dụ sử dụng dầu vừng,
thủy tinh, nước sạch, gương soi để thấy được ảnh tượng của chính mình.18 Kinh Giải thâm mật cũng giải thích về thí dụ sử dụng gương soi.19 Kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa nói: “Bồ-tát thành tựu được 4 pháp thì có khả
năng tùy thuận sự ngộ nhập rằng tất cả duy thức đều không có nghĩa.ˮ(xlii) Ngoài
kinh nghiệm về định tuệ ra, Luận còn nêu ra nhiều chuỗi sự kiện: như người nhìn
thấy là nước, cá thấy là chỗ ở của nó, quỷ thấy là lửa, trời thấy là 7 báu
trang nghiêm.20 Hữu tình mà không cùng
một loại thì cách nhìn của chúng ‘trái nhau’, có thể nhận thấy đó chỉ là sự biến
hiện của chính tâm. ‘Ba cõi duy tâm’, ‘vạn pháp duy thức’ do căn cứ vào thực
hành du-già mà đưa ra, đối với người du-già thì những điều đó được chứng minh bằng
kinh nghiệp tu tập, nhưng thế giới hiện tượng muôn màu muôn vẻ mà nói rằng tất
cả đều là do thức biến hiện ra, rốt cục đó là điều mà mọi người không dễ gì tin
và hiểu được. Cho nên luận Duy thức nhị
thập do Thế Thân sáng tác, luận Quán
sở duyên (duyên) của Trần-na (Diṅnāga) sáng tác đã đả phá và bác bỏ cách
nhìn ngoại cảnh có thật theo thế tục, là đạo lý không thể nào thành lập được. Tin
tưởng rằng ngoại cảnh có thật là điều không thể thành lập được, phản chứng bằng
‘biểu hiện do duy thức’, đã gần với triết học Duy tâm thông thường vậy!
Nhiếp Đại thừa luận thích, v.v., do Chân Đế (Param-ārtha) dịch
vào đời Lương, thuyết Duy thực được truyền ấy được gọi là thuyết ‘Một (thức)
năng biến’. Hệ Luận điển này được Huyền Trang dịch vào đời Đường, lấy luận Thành Duy thức làm chủ, gọi là thuyết
‘Ba (loại thức) năng biến’. Tại nước ta [Trung Quốc]
, hai hệ này có rất nhiều tranh luận,
kỳ thực là do những Kinh Luận mà y cứ là khác nhau, sự chú trọng tư tưởng là khác
nhau. Như luận Nhiếp Đại thừa của Vô
Trước nói: dựa vào chủng tử của thức a-lại-da để sanh khởi nên tất cả đều là thức.(xliii) Phân loại tất cả pháp thành 11 loại
thức: “Đó là: thân, có thân, thức có thọ dụng, thức được thọ dụng bởi nó [y tha
khởi tướng], thức thọ dụng bởi nó; thức thời gian, thức số lượng, thức nơi chốn,
thức ngôn thuyết, thức sai biệt giữa tự-tha, thức sanh tử thuộc thiện thú và ác
thú.ˮ(xliv) Thức
của ‘thân’ thức là 5 căn (thân) gồm con mắt, v.v.; thức ‘có thân’ là ý thuộc
nhiễm ô; ‘thức có thọ dụng’ là ý vô gián diệt: 3 thức này là 6 nội giới. ‘Thức
được thọ dụng bởi nó’ là 6 ngoại xứ gồm sắc, v.v. ‘Thức thọ dụng bởi nó’ là 6
thức giới. Từ trong thức, chủng tử của 18 giới được sanh khởi, chính là pháp
thuộc 18 giới; từ loại thức biến hiện ra tất cả, tất cả đều là thức. Năm loại
thức ở trên là tất cả hữu tình; 6 loại thức còn lại ‘thế thức’ (thời gian),
v.v., chỉ là sự thiết lập sai biệt của 5 loại thức 5 trên.(xlv)21
Theo luận Nhiếp Đại thừa, ‘duyên khởi’
là thức a-lại-da nắm giữ và duy trì chủng tử; ‘pháp được sanh ra bởi duyên’ là
có thấy, có tướng của chuyển thức. Căn cứ vào đây để thành lập duy thức. Như
quyển trung của luận Nhiếp Đại thừa
(T. 31, tr. 139a) nói:
“Nếu thiết lập theo nơi chốn, thì thức
của thức a-lại-da là thức của nghĩa, cần biết rằng trong đây, tất cả thức còn lại
là thức tướng của nó, còn thức của ý thức và chỗ y chỉ là thức thấy của nó. Bởi
thức tướng ấy là cái tướng duyên để sanh thức thấy, khi tợ nghĩa biểu hiện thì
làm nơi y chỉ cho thức thấy: như vậy được gọi là thiết lập các thức thành tựu
duy thức tánh.ˮ(xlvi)
Tất cả đều là duy thức, có hai tầng lớp:
(1) Y vào thức a-lại-da chứa chủng tử ấy để khởi lên tất cả pháp, tất cả đều lấy
thức làm tánh nên đều được gọi là thức. Nhiếp luận phân loại thành 11 thức, đây
là dựa vào mối quan hệ nhân quả của duyên khởi để nói. (2) Trong khi tất cả
pháp (thức) hiện khởi, lại chia thành hai, thức thấy và thức tướng, hoặc được gọi
là ‘tợ nghĩa ảnh tưởng, ‘phân biệt ảnh tượng’.22
Bảy thức, v.v., là thấy, là phân biệt ảnh tượng; tất cả pháp thuộc 6 trần, v.v,
là tướng, là tợ nghĩa ảnh tượng. Mặc dầu đều là y vào thức a-lại-da chứa chủng
tử ấy để hiện khởi, thấy [kiến] và tướng cũng có ý nghĩa duyên sanh qua lại với
nhau nhưng lại cấu thành mối quan hệ năng và sở. Khiến mọi người tin tưởng và
hiểu được duy thức, chủ yếu vẫn ở chỗ chánh lý của năng và sở - tướng không rời
cái thấy, tướng dựa vào cái thấy để khởi (nhận thức luận). Đại thừa trang nghiêm kinh luận của Vô Trước cũng là như vậy, như
nói: “chính giới ấy và 2 loại quang.ˮ(xlvii)
‘Chính giới ấy’ là chính chủng tử ở trong thức a-lại-da, ‘2 loại quang’ là
quang năng thủ và quang sở thủ, quang (ābhāsa) có nghĩa là biểu hiện ra rõ
ràng. Luận lại nói: “năng thủ và sở thủ; 2 tướng, mỗi tướng có 3 quang; do phân
biệt không đúng nên nói là tướng y tha.ˮ(xlviii) Cái
biểu hiện ra rõ ràng thành tướng sở thủ là ‘cú quang’, ‘nghĩa quang’, ‘thân
quang’; cái biểu hiện ra rõ ràng thành tướng năng thủ là ‘ý quang’, ‘thọ
quang’, ‘phân biệt quang’.23 Được
biểu hiện ra rõ ràng từ chủng tử của thức, năng thủ (grāhaka) và sở thủ (grāhya),
mỗi thứ có 3 loại, là tướng y tha khởi. Trong phẩm Bồ-đề đã nói rằng đến khi
chuyển y, có 5 căn – ‘thân’; ý căn – ‘ý’ thuộc nhiễm ô; ‘nghĩa’ 5 trần; ‘thọ’ –
5 thức; ‘phân biệt’ – ý thức thứ sáu; an lập – khí thế gian, tương đương với
‘cú’ (hình dáng).(xlix)24 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận và luận Nhiếp
Đại thừa đều cho rằng từ thức chứa chủng tử ấy rồi biểu hiện thành năng thủ
và sở thủ - kiến và tướng; tất cả đều dựa vào thức chứa chủng tử ấy để biểu hiện
rõ ra, trở thành duy thức gồm một thức chuyển biến, đây là thuyết Duy thức của
Luận điển Vô Trước. Nhưng mà thức a-lại-da nắm giữ và duy trì chủng tử ấy cũng
có liễu biệt và sở thủ của thức, như quyển 51 của luận Du-già sư địa (T. 30, tr. 579c) nói:
“Nói tóm lược, có 4 loại nghiệp: (1)
nghiệp biết rõ về khí; (2) nghiệp biết rõ chỗ nương tựa; (3) nghiệp biết rõ
chính mình; (4) nghiệp biết rõ cảnh. Những sự biết rõ này cùng có thể chuyển vận
trong từng sát-na, sát-na.ˮ(l)25
Nhằm thành lập nên thức a-lại-da nên
đề xuất ra 4 loại tác dụng biết rõ này; đây không phải là chỉ một thức mà có thể
biết rõ được, mà là đồng thời có nhiều thức cùng khởi mới biết rõ được. Biết rõ
khí và biết rõ chỗ nương tựa là thuộc về tác dụng biết rõ của thức a-lại-da.
Tác dụng biết rõ do nhiều thức cùng khởi đồng thời ấy là tương đồng với luận Biện trung biên của Di-lặc, như nói: “Khi
thức phát sanh thì biến ra tợ nghĩa, hữu tình, ngã và sự biết rõ.ˮ(li)26 Tợ ‘nghĩa’ là biến tợ các tánh chất
của cảnh như sắc, v.v. – khí thế gian; tợ ‘hữu tình’ là ‘dựa vào’ các căn như
con mắt, v.v., để biểu hiện ra tợ hữu tình; tợ ‘ngã’ là cái tự ngã bị chấp bởi
ý nhiễm ô; tợ ‘biết rõ’ là ‘cảnh’ thô được biết rõ bởi 6 thức trước. Cái do thức
a-lại-da biết rõ, nói được chi tiết hơn nhiều, như quyển 51 của luận Du-già sư địa (T. 30, tr. 580a) nói:
“Nói tóm lược, thức a-lại-da chuyển vận
bởi hai sở duyên: (1) do biết rõ sự chấp thọ bên trong; (2) do biết rõ sự phân
biệt tướng của khí (thế gian) bên ngoài. Biết rõ sự chấp thọ bên trong, đó là
có khả năng biết rõ tập khí vọng chấp của tự tánh biến kế sở chấp, và các sắc
căn và chỗ sở y của căn.ˮ(lii)
“Vì cảnh làm sở duyên của thức a-lại-da
ấy là vi tế nên người thông minh ở thế gian cũng khó hiểu rõ.ˮ(liii)27
Thức a-lại-da đã được gọi là thức thì
đương nhiên nó có tác dụng biết rõ sở duyên khác, chỉ là do nó tồn tại tiềm ẩn,
vi tế nên không phải là cái mà mọi người có thể biết rõ được. Thứ được thức a-lại-da
biết rõ, ngoài cái thể của chính nó ra, là khí thế gian; bên trong tự thể của
nó có tập khí – chủng tử của biến kế sở chấp, và thân căn có sắc và chỗ sở y của
căn. Đây là điều gần với kinh Giải thâm mật
đã nói, như Kinh nói: “Tâm thức mà có tất cả chủng tử ấy,… y vào 2 thứ chấp thọ:
(1) chấp thọ vào các căn có sắc và sở y; (2) chấp thọ vào tập khí của ngôn thuyết
hí luận đối với tướng, danh, phân biệt.ˮ(liv)28 Kinh Giải thâm mật trình bày thân phần của hữu tình khi mới sanh khởi,
cho nên không có đề cập đến khí thế gian, nhưng đã nói đến sự chấp thọ tập khí
của danh ngôn hí luận. Trong việc chấp thọ vào sự biết rõ ấy của thức a-lại-da,
có chủng tử, có thể nhận thấy đây là chú trọng vào cái hiện hành của a-lại-da. A-lại-da
và 7 thức trước cùng giống nhau là thức hiện hành, vì vậy a-lại-da và 7 chuyển
thức là như nhau, phải có tự tánh, sở y, sở duyên, bạn giúp đỡ (tâm sở tương
ưng), tác nghiệp, v.v.(lv)29 Những bài tụng trong luận Duy thức tam thập do Thế Thân sáng tác chính
là y cứ vào kinh Giải thâm mật, phần
Nhiếp quyết trạch, những bài tụng của luận Biện
trung biên, có thể nói đó là kế thừa thuyết Duy thức của Di-lặc. Trọng về
thức a-lại-da chủng tử, trọng về thức a-lại-da hiện hành, nghĩa lý tương thông
với nhau nhưng giải thích thì không tránh khỏi sự sai biệt vậy!
Thuyết Duy thức thuộc bất cộng của Đại
thừa, tuy có những phái riêng khác nhau nhưng căn cứ vào thức phân biệt hư vọng
làm y chỉ, là nhất trí với nhau. Căn bản của phân biệt hư vọng – thức a-lại-da,
là thức hư vọng, sanh diệt như dòng chảy trong từng sát-na, sát-na; chủng tử được
nắm giữ và duy trì ấy cũng có sự sanh diệt trong từng sát-na, luôn luôn chuyển
vận như dòng chảy xiết. Xem phân biệt hư vọng nắm giữ và duy trì chủng tử làm
nơi nương tựa, nhờ đó mà hiện khởi lên tất cả, ‘tất cả đều do duy thức biểu hiện’,
là từ nhân sanh ra quả của duyên khởi. Tất cả thứ được hiện khởi ấy, cảnh không
rời thức, cảnh nhờ vào thức để khởi, ‘tất cả đều do duy thức biểu hiện’, là nhờ
vào tâm mà có cảnh của ‘được sanh bởi duyên khởi’. Tuy có hai hệ, đều là thuyết
Duy thức cho rằng thức phân biệt hư vọng ấy làm nơi nương tựa, cho nên tôi gọi
nó là ‘Hư vọng Duy thức luận’. Tổng quan, phái Du-già hành, lấy sự sanh tử của
chúng sanh làm xuất phát điểm, tôn trọng ‘duyên khởi’ và ‘do duyên khởi sanh’
giống như thời kỳ Phật Pháp. Căn cứ vào đây nói rằng mê vọng thì sanh tử, chuyển
mê vọng và nhiễm ô để thanh tịnh và giải thoát. Dựa vào duyên khởi để thành lập
nên tất cả, ít nhiều đã giữ lại đặc sắc của Phật Pháp. Cũng nhân đó, trọng về “đa
văn huân tập,(lvi) như lý tư duyˮ(lvii) của đạo
bình thường. Tuy phát triển lưu hành vào thời đại Đại thừa hậu kỳ, có khuynh hướng
Duy tâm luận nhưng không rơi vào Phật giáo nghiêng nặng về tín ngưỡng và thần
bí vậy!
Phật Pháp, chủ yếu là nhằm chuyển mê
khải ngộ, chuyển tạp nhiễm thành thanh tịnh; nhân đó, phái Du-già hành đã đề xuất
một từ ‘chuyển y’ (āśraya-parāvṛtti). Chuyển y là chuyển snah tử thành niết-bàn
(nirvāṇa), chuyển mê vọng thành bồ-đề (bodhi); chuyển bỏ đi sở y thuộc sanh tử
tạp nhiễm, v.v., cái do chuyển mà được thành tựu biểu hiện ra rõ ràng ấy được gọi
là chuyển y. Phật Pháp nói ‘y vào duyên khởi’. Phật Pháp Đại thừa nói: ‘y vào
thắng nghĩa’, ‘y vào cái gốc vô trụ để thành lập nên tất cả pháp’; hoặc nói ‘y
vào Như lai tạng nên có sanh tử, y vào Như lai tạng nên có niết-bàn’;(lviii) hàm nghĩa tuy có thể bất đồng
nhưng lấy cái ‘chân thường’ làm y cứ thì lại là nhất trí với nhau. Phái Du-già
hành giải thích như thế nào về chuyển y? Phần Bổn địa của luận Du-già sư địa nói: “không tương ưng với
tất cả chỗ nương tựa, trái ngược với tất cả phiền não khiến sanh khởi các thứ
khổ và lưu chuyển [sanh tử], vô lậu giới chân thật được biểu hiện rõ nhờ chuyển
y;ˮ(lix)30 chuyển y là giới vô lậu (an-āsrava-dhātu)
tịch diệt tất cả chỗ nương tựa. Phần Nhiếp
quyết trạch sử dụng thức a-lại-da để thành lập nên thuyết hoàn diệt: “thức a-lại-da
là giới của các hành tóm thâu tất cả hý luận… do duyên vào cảnh trí của chân như để tu tập, tu tập nhiều nên đắc được
chuyển y; chuyển y không gián đoạn nên nói là đã đoạn được thức
a-lại-da.”(lx) Sự tạp nhiễm của sanh tử là lấy thức a-lại-da làm chỗ nương tựa, thức
a-lại-da bị diệt thì đắc chuyển y. ‘Chuyển y là thường’, ‘giới chân thật vô tướng’,
‘pháp giới chân thật thanh tịnh vô vi lìa dơ bẩn’, ‘là có’, ‘không có tướng hí
luận, và lấy pháp giới thiện và thanh tịnh làm tướng’, ‘không phải là do các
duyên sanh ra, vô sanh, vô diệt’. Tóm lại, chuyển y là chuyển tạp nhiễm của
sanh tử để đắc pháp giới thanh tịnh, cũng chính là giới bát-niết-bàn không thể
suy lường.31 Đại thừa trang nghiêm kinh luận là pháp bất cộng của Đại thừa,
trong phẩm Bồ-đề, xem “trí nhất thiết chủng là cái thể (của) thân Phật,ˮ(lxi) là cái được thành tựu do chuyển y,
như nói: “Chủng tử của hai loại chướng luôn luôn đi theo, vì khi đoạn diệt chúng triệt
để, toàn bộ, thì pháp trắng được viên mãn, nên chuyển (chuyển y) thành tựu hai đạo.”(lxii) Từ vô thỉ đến nay, chúng sanh có
chúng tử của hai loại chướng đi theo (thức a-lại-da). Bây giờ đã đoạn diệt triệt
để, toàn bộ, cũng chính là sự lưu chuyển của sanh tử bị diệt, vì vậy “thể của
Phật tương ưng với pháp trắng viên mãn tối thượng;ˮ(lxiii) “(1) đắc được đạo trí xuất thế
gian thanh tịnh, (2) đắc được đạo [trí] biết cảnh được nhận thức vô biên, đó được
gọi là chuyển y.ˮ(lxiv)32 Đây dường như chỉ là chuyển bỏ pháp tạp
nhiễm, chuyển được pháp thanh tịnh, nhưng chuyển y thật sự là phải “duyên vào
trí có cảnh là chân như thanh tịnh (tánh viên thành thật)ˮ tu tập mới đắc được.
Cho nên chuyển y là dùng giới vô lậu để biểu hiện ra thân Phật thanh tịnh viên
mãn rốt ráo. Như vậy, phẩm Bồ-đề nói chi tiết về sự sâu xa của (pháp) giới vô lậu,
cũng chính là biểu hiện rõ sự sâu xa của thân Phật. Trong Luận phỏng theo nhiều
thứ chuyển biến để trình bày nhiều thứ công đức. Phẩm Thuật yếu nói: “chính
giới ấy và 2 loại quang.ˮ33
Chính giới ấy là thức chủng tử a-lại-da, 2 loại quang là sự biểu hiện rõ ràng của
năng thủ và sở thủ; sự biểu hiện rõ ràng của năng thủ và sở thủ đều có 3 loại.
Như vậy, chuyển y chính là: “Như vậy, chuyển chủng tử thì chuyển cả cú, nghĩa,
thân, quang, đó được gọi là giới vô lậu, ba thừa cùng sở y. Chuyển ý, thọ, phân
biệt thì được bốn thứ tự tại, vì đắc được theo thứ tự sự vô phân biệt, sát độ,
trí, nghiệp.ˮ(lxv)34 Bài tụng trên là: thức chủng tử a-lại-da
đã diệt, 3 loại biểu hiện rõ ràng của cú, v.v., thuộc sở thủ cũng bị diệt, đây
chính là giới vô lậu của chuyển y, chung cho cả bát-niết-bàn của ba thừa. Bài tụng
kế nói: ý, thọ (5 thức), phân biệt (ý thức) được biểu hiện rõ của năng thủ cũng
bị chuyển diệt, năng chuyển được bình đẳng, tự tại đối với sát độ, trí, nghiệp,
v.v. Phỏng theo những loại làm nơi nương tựa để nói về chuyển y, luận Nhiếp Đại thừa cũng vẫn là như thế, phỏng
theo 5 uẩn để nói chi tiết về công đức của chuyển y. Sự tối thanh tịnh của pháp
giới vô lậu cũng chính là sự tối viên mãn của nhất thiết chủng trí (sarvākārajñatā) làm
thân Phật. Thân Phật, Phật Pháp chỉ nói đức Thích tôn thuộc nhân gian. Phật
Pháp Đại thừa xem đức Thích tôn là thuộc thị hiện, tôn xưng đức Phật viên mãn cứu
cánh là pháp thân hoặc thân xác thịt của pháp tánh. Luận Trang nghiêm lập nên 3 thân: thân tự tánh (svabhāva-kāya), cũng
chính là pháp thân (dharma-kāya); thân thọ dụng (ăn uống) (saṃbhoga-kāya); thân
biến hóa (nirmāṇa-kāya).(lxvi)
Bồ-tát tu hành rộng lớn nên công đức viên mãn, thọ dụng pháp lạc ở trong Tịnh độ,
cho nên lập riêng loại thân thọ dụng. Ba thân này đều là do sự thanh tịnh của pháp
giới (dharma-dhātu) mà thành. Thân tự tánh dùng chuyển y
làm tướng, là nơi y chỉ của hai thân gồm thân thọ dụng và thân biến hóa.35 Nếu như phỏng theo trí Phật để nói, thì
lập nên 4 trí:(lxvii)
đại viên kính trí (ādarśa-jñāna),(lxviii)
bình đẳng tánh trí (samatā-jñāna),(lxix) diệu quan sát trí (pratyavekṣaṇa-jñāna),(lxx)
thành sở tác trí (kṛtyānuṣṭhāna-jñāna).(lxxi) Bản dịch hán nói: “Vì lần lượt thức
thứ 8, 7, 6, 5 chuyển rồi đắc được,ˮ chính là “chuyển 8 thức thành 4 tríˮ được
nói thông thường ấy, nhưng bản Phạn không có văn nghĩa nói chuyển thức thứ 8,
7, 6, 5. Trong 4 trí, như như ‘bất động’ của trí viên kính là sở y của 3 trí
còn lại.36 Hệ thống tư tưởng của Đại thừa trang nghiêm kinh luận là như vầy:
pháp tạp nhiễm hữu lậu y vào ‘chính giới ấy’ – chủng tử của thức a-lại-da để biểu
hiện rõ ra; pháp thanh tịnh vô lậu do chuyển y đắc được thì y vào (pháp) giới
vô lậu. Y vào giới vô lậu nên nói có 3 thân, tự tánh thân làm sở y; nói có 4
trí, trí đại viên kính làm sở y. Thân tự tánh và trí đại viên kính có thể chỉ
là giải thích khác nhau do phỏng theo thân hay phỏng theo trí mà thôi.
Trên mặt tư tưởng, luận Nhiếp Đại thừa đã có phát triến thêm một
bước. Căn cứ theo kinh Đại thừa A-tỳ-đạt-ma,
lập nên phẩm Sở tri y, “(sở) y (của tất cả pháp) sở tri chính là thức a-lại-da.ˮ(lxxii) Ba loại tạp nhiễm gồm phiền não,
nghiệp, sanh và hai loại thanh tịnh gồm thế gian, xuất thế gian đều dựa vào thức
a-lại-da có tất cả chủng tử ấy để thành lập, cho nên thức a-lại-da là ‘chổ
nương tựa cho cả nhiễm và tịnh’. Nhưng có vấn đề rằng, thức a-lại-da là thuộc
hư vọng, thuộc tạp nhiễm hữu lậu, thì sao pháp vô lậu thanh tịnh có thể lấy a-lại-da
làm chỗ nương tựa, từ chỗ nương tựa nhiễm ô chuyển thành chỗ nương tựa thanh tịnh
được? Nhiếp luận là bộ luận chủ trương thuyết [chủng tử] vô lậu là mới huân,
nên giải thích thành: tâm vô lậu thuộc xuất thế “từ pháp giới tối thanh tịnh lưu xuất ra, do chủng tử huân tập từ sự nghe
chân chánh sanh ra.ˮ(lxxiii) Huân tập bằng sự nghe “gá vào trong
thức dị thục… nhưng nó chẳng phải là thức a-lại-da, (ngược lại) có tánh đối trị
chủng tử kia… Sự huân tập này chẳng phải là thức a-lại-da, mà là được nắm bắt bởi
pháp thân, giải thoát thân.ˮ(lxxiv)
Trong sự tiến tu, chủng tử do huân tập bằng sự nghe chân chánh dần tăng lên, chủng
tử của tạp nhiễm hữu lậu cũng dần giảm đi, “khi sở y của tất cả chủng loại đã bị
chuyển rồi, thức quả dị thục và tất cả chủng tử, và không phải chủng tử cũng liền
chuyển theo, tất cả chủng loại đều bị cắt đứt vĩnh viễn.ˮ(lxxv)37
Tất cả chủng tử không còn nữa, thức của quả dị thục a-lại-da cũng sẽ bị chuyển
và diệt đi. Theo Nhiếp luận nói, từ
huân tập bằng sự nghe chân chánh đến chủng tử của tâm xuất thế đều ‘gá vào
trong thức dị thục (a-lại-da)’ nhưng ‘chẳng phải do thức a-lại-da nắm giữ’, là
thứ được nắm giữ bởi pháp thân, giải thoát thân. Ở đây có thể nói: sự huân tập
vô lậu thanh tịnh, trên bề mặt, là y vào thức a-lại-da, nhưng thật tế là y vào
pháp thân. ‘Y vào pháp thân’, vì vậy thông với sự lấy pháp giới làm nơi nương tựa,
lấy Như lai tạng (Tathāgata-garbha) làm nơi nương tựa. Nhiếp luận đã nói đến sự chuyển y đắc được
niết-bàn, đó là phỏng theo 3 tự tánh để nói. Có tánh chất làm chỗ y chỉ, là “thông
với cả hai phần của tánh y tha khởi; chuyển y, đó chính là khi khởi lên sự đối
trị tánh y tha khởi, chuyển và bỏ phần tạp nhiễm, chuyển đắc được phần thanh tịnh,ˮ(lxxvi)38
phần thanh tịnh của y tha khởi mà chuyển đắc ấy chính là tánh viên thành thật
lìa nhiễm ô, chính là niết-bàn. Nói đến chuyển y đắc được bồ-đề, Phật trí cũng
lập nên ba thân. “Thân tự tánh, đó là pháp thân của chư Như lai, chuyển vận tự tại đối
với tất cả pháp vì thân ấy làm chỗ nương tựa [cho tất cả pháp].ˮ(lxxvii) Trong 5 tướng của pháp thân, thứ
nhất “chuyển y là tướng, vì đó là chuyển diệt y tha khởi thuộc phần tạp nhiễm
có tất cả thứ chướng; chuyển đắc được sự giải thoát tất cả thứ chướng, vì chuyển
được hiện tiền tánh y tha khởi thuộc phần thanh tịnh nên tự tại đối với pháp,ˮ(lxxviii) là pháp thân thường trụ được
trang nghiêm bằng vô biên công đức (pháp trắng). Nói đến sự tự tại của pháp
thân, phỏng theo chuyển 5 uẩn làm chỗ nương tựa ấy để nói; thứ “5, do sự tự tại
của trí viên kính, bình đẳng, quán sát, thành sở tác, do chuyển cái thức uẩn
làm chỗ nương tựa ấy.ˮ(lxxix) Chuyển
thức uẩn đắc được 4 trí, cũng không có phân biệt việc chuyển thức nào để đắc được
trí nào. Pháp thân y vào sự tự tại của 4 trí để đắc được sự tự tại, dường như 4
trí đều thuộc về pháp thân, nhưng Luận trên lại nói: “(1) Do thanh tịnh, đó là vì
chuyển thức a-lại-da nên đắc được pháp thân.ˮ(lxxx)39 Chỗ nương tựa của chuyển y đều phỏng
theo tánh y tha khởi để nói, vả lại còn là phỏng theo y tha khởi chung cả hai
tánh để nói. Như vậy, tư tưởng của luận Nhiếp
Đại thừa có tánh nhất quán trước sau, đương nhiên vẫn có một kết luận khó
hiểu. Phần đầu của Luận lập nên phẩm Sở tri y, sở tri là tất cả pháp gồm tạp
nhiễm và thanh tịnh, chính là 3 tự tánh: tánh biến kế sở chấp là phần tạp nhiễm,
tánh viên thành thật là phần thanh tịnh, y tha khởi là tánh có thể chung cả hai
phần – tạp nhiễm và thanh tịnh. Cái nhân của pháp tạp nhiễm và thanh tịnh, căn
cứ vào đây nên có tạp nhiễm và thanh tịnh, gọi đó là sở tri y. Đây là căn cứ
vào kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa để thành
lập; “giới từ thời vô thỉ, tất cả pháp đều dựa vào đó một cách bình đẳngˮ của
bài tụng trong Kinh ấy phải là như thế. Thuyết 3 tự tánh của phái Du-già hành
là bắt đầu từ tánh y tha khởi thuộc phân biệt hư vọng để nói; phân biệt hư vọng
– căn bản của tâm và tâm sở pháp, là thức a-lại-da. Tánh y tha khởi, thông thường
cũng là phỏng theo sự tạp nhiễm để nói, luận Nhiếp Đại thừa đã căn cứ vào kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa nên nói rằng y tha khởi chung cho cả hai phần.
“Vì tánh tạp nhiễm và thanh tịnh không thể thành tựu [cùng tồn tại chung]ˮ(lxxxi) nên tùy theo nhiễm thì thành tánh
biến kế sở chấp, tùy theo tịnh thì thành tánh viên thành thật. Căn cứ vào đây để
nói về chuyển y, chính là chuyển y tha khởi thuộc phần tạp nhiễm trở thành y
tha khởi thuộc phần thanh tịnh – tánh viên thành thật. Thế thì, dựa vào thức
a-lại-da của tánh y tha khởi, tại sao không nói là chung cả 2 phần? Vấn đề là tại
chỗ này: a-lại-da là cái tạp nhiễm, là định luận nhất trí từ thời kinh A-hàm trở đi; luận Du-già sư địa thông cả 3 thừa, cũng nói như thế, cho nên Nhiếp luận cũng vẫn nói là thuộc tạp nhiễm
(phải đợi đến kinh Lăng-già và kinh Mật nghiêm, a-lại-da mới có đủ tánh
thanh tịnh). Đồng thời, kinh A-tỳ-đạt-ma Đại
thừa là pháp Đại thừa bất cộng, xa cách một tầng với Phật Pháp Thanh Văn. Vào
thời đại của Vô Trước, cái ý thức vi tế nắm giữ chủng tử, giải thích tạp nhiễm
và thanh tịnh là điều tin tưởng chung của ‘Một thành phần người lấy Kinh làm
tiêu chuẩn’. Cái ý thức vi tế nắm giữ chủng tử thuộc hư vọng ấy cũng là phương
tiện dẫn Thanh Văn trở lại đi vào Đại thừa, cho nên Nhiếp luận là do căn cứ vào kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa để sáng tác nên vẫn còn lấy thức a-lại-da thuộc
tạp nhiễm làm sở tri y. A-lại-da là thuộc tạp nhiễm, tại sao có thể nói nó là sở
y cho sự huân tập thanh tịnh? Do đây mới có giải thích là [chủng tử thanh tịnh]
lấy thức a-lại-da làm chỗ nương tựa phụ, nhưng thật sự là được nắm giữ bởi pháp
thân. Thuyết tánh y tha khởi chung cho cả 2 phần, có thể nói là ‘căn cứ vào
duyên khởi’ của Phật Pháp, ‘căn cứ vào pháp tánh’ của Phật Pháp Đại thừa – chiết
trung điều hòa cả hai; với thuyết ‘duyên khởi tức tánh không’ của Long Thọ là
khác điệu mà đều hay vậy! Nhưng nguồn gốc xâu xa của phái Du-già hành là từ A-tỳ-đạt-ma
và sư Kinh bộ ở phương Bắc, lấy luận Du-già
sư địa làm bộ luận điển căn bản, không thể bỏ đi nguyên tắc ‘thức chủng tử
a-lại-da thuộc hư vọng’ được, đã quyết định tương lai của phái Du-già hành.
1 Xin xem: Ấn
Thuận, Thế Thân đích niên đại, Diệu Vân tập, hạ thiên, (9) Phật giáo sử
địa khảo luận, tr. 319-341.
2 Đại Đường Tây Vực
ký 5, T. 51, tr. 896b. Đa Thị, Ấn-độ Phật giáo sử, tr. 176-177.
3 Bà-tẩu-bàn-đậu
pháp sư truyện, T. 50, tr. 188c.
4 Duy-nhật tạp nạn
kinh, T. 17, tr. 608c.
5 Cao
Tăng truyện 5, T. 50, tr. 353b.
6 Phật
thuyết Ban-chu-tam-muội kinh, T. 13, tr. 899a-b.
7 Phật
thuyết Huệ ấn tam-muội kinh, T. 15, tr. 463b.
8 Phật
thuyết Huệ ấn tam-muội kinh, T. 15, tr. 464b.
(i)
Cf. “དེ་སྐྱེ་བོ་དེ་དག་ལ་ཆོས་ཐམས་ཅད་ནི་སྟོང་པའོ་ཞེས་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱིས་འདོམས་ཤིང་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱིས་རྗེས་སུ་སྟོན་ཏེ།
གང་ངས་ཆོས་ཐམས་ཅད་སྟོང་པའོ་ཞེས་བསྟན་པ་འདི་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་བཀའ་ཁོ་ན་ཡིན་ནོ། Sv,
pp. 493.
(ii)
Cf.: “དེ་ལ་ཡང་མི་བླུན་པོ་དེ་དག་འདི་སྐད་དུ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཁོ་ན་ལ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔས་བསླབ་པར་བྱའོ་ཞེས་ཟེར་ཞིང་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ལྷག་མ་རྣམས་ལ་སུན་འབྱིན་ཏོ།” Sv, p. 498.
9 Tế
chư phương đẳng học kinh, T. 9, tr. 376a, 377a.
(iii)
Cf.: “།དགེ་སློང་དག་སུས་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་མཐོང་བ་དེས་ཆོས་མཐོང་ངོ་།
།སུས་ཆོས་མཐོང་བ་དེས་སངས་རྒྱས་མཐོང་ངོ་ཞེས་དེ་སྐད་བཀའ་སྩལ་ནས།” Sst, p. 315.
10 Phật
thuyết Đạo can kinh, T. 16, tr. 816c-818c.
(iv)
Cf.: “evamanuśrūyate | āyuṣmān revato bhagavantaṃ praśnama-prākṣīt | kiyatā,
bhadanta, bhikṣuryogā, [(gī) yogā]cāra ālambane cittamupanibaddhaḥ,
katamasminnālambane cittamupanibaghnātīti | kathaṃ punarālambanai(ne)
cittamupanibaddhaṃ sūpanibaddhaṃ bhavati |… revata bhikṣuryogī yogācāraḥ
caritamvā viśodhayitu-kāmaḥ, kauśalyam-vā kartukāmaḥ | āsravebhyo vā cittaṃ
vimocayi-tukāmaḥ | anurūpe cālambane cittamupanibadhnāti | pratirūpe ca
samyageva copanibaghnāti | tatra cānirākṛtadhyāyī bhavati |” Śbh_Sh, pp.
198-199. “བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཚེ་དང་ལྡན་པ་ནམ་གྲུ་ལས་བརྩམས་ཏེ་དེ་སྐད་གསུངས་སོ་ཞེས་འདི་སྐད་ཀྱང་གྲག་སྟེ།
བཅོམ་ལྡན་འདས་ལ་ཚེ་དང་ལྡན་པ་ནམ་གྲུས་ཞུ་བ་ཞུས་པ།བཙུན་པ་དགེ་སློང་རྣལ་འབྱོར་སྤྱོད་པ་དམིགས་པ་ཇི་སྙེད་ཅིག་ལ་ནི་སེམས་ཉེ་བར་གཏོད་པར་བགྱིད་ལགས་དམིགས་པ་གང་ལ་ནི་སེམས་ཉེ་བར་གཏོད་པར་བགྱིད་པ་ལགས།
ཇི་ལྟར་དམིགས་པ་ལ་སེམས་ཉེ་བར་གཏོད་པར་བགྱིད་ན་ལེགས་པར་ཉེ་བར་གཏད་པ་ལགས།…།ནམ་གྲུ་འདི་ལ་དགེ་སློང༐རྣལ་འབྱོར་པ་རྣལ་འབྱོར་སྤྱོད་པ་སྤྱད་པ་རྣམ་པར་བྱང་བར་འདོད་པའམ།
མཁས་པར་བྱ་བར་འདོད་པའམ། ཟག་པ་རྣམས་ལས་སེམས་རྣམ་པར་གྲོལ་བ་འདོད་པ་ནི་རྗེས་སུ་མཐུན་པའི་ད་མིགས་པ་དང་།
གཟུགས་བརྙ་ན་གྱི་དམིགས་པ་ལ་སེམས་ཉེ་བར་གཏོད་པར་བྱེད་ཅིང་ཡང་དག་པ་ཉིད་དུ་ཡང་ཉེ་བར་གཏོད་པར་བྱེད་ན། དེ་ལ་རྟག་འགྲུས་པའི་བསམ་གཏན་པ་ཡིན་ན་ནོ།” Ycbh-T, vol. 73, pp. 187-188.
(v)
Cf.: “tatrālambanaṃ katamat | āha [|] catvāryāryālambana-vastūni | katamāni
catvāri | vyāpyālambanaṃ, caritaviśodham-ālambanaṃ kauśalyālambanaṃ,
kleśaviśodhanaṃ cālambanaṃ |” Śbh_Sh, pp. 192-193. “དམིགས་པའི་དངོས་པོ་ནི་བཞི་སྟེ༑བཞི་གང་ཞེ་ན།
འདི་ལྟ་སྟེ།ཁྱབ་པའི་དམིགས་པ་ད་ང་། སྤྱད་པ་རྣམ་པར་སྦྱོང་བའི་དམིགས་པ་དང་།མཁས་པའི་དམིགས་པ་ད་ང་།
ཉོན་མོང་ས་པ་རྣམ་པར་སྦྱོང་བའི་དམིགས་པའོ།” Ycbh-T, vol. 73, p. 183.
(vi)
Cf.: “།བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམ་པ་བཅུས་དོན་སོ་ས་ཡང་དག་པར་རིག་པ་ཡིན་ཏེ། ཇི་སྙེད་ཡོད་པ་
ཉིད་དང་། ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་དུ་ཡོད་པ་ཉིད་དང་།… རྣམ་པར་བྱང་བའི་དོན་གྱིས་ས་སོ། །བྱམས་པ་དེ་ལ་ཀུན་
ནས་ཉོན་མོངས་པ་དང་། རྣམ་པར་བྱང་བའི་ཆོས་རྣམས་ལ་རྣམ་པ་རབ་ཏུ་དབྱེ་བ་ཐམས་ཅད་ཀྱི་མཐར་ཐུག་པ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་ཇི་སྙེད་ཡོད་པ་ཉིད་ཡིན་ཏེ།འདི་ལྟ་སྟེ།ཕུང་པོ་རྣམས་ཀྱིནི་གྲངས་ལྔས་སོ། །ནང་གི་སྐྱེ་མཆེད་རྣམས་ཀྱི་ནི་གྲངས་དྲུག་གིས་སོ། །ཕྱི་རོལ་གྱི་སྐྱེ་མཆེད་རྣམས་ཀྱི་ཡང་གྲངས་དྲུག་ཁོ་ནས་ས་ཞེས་བྱ་བ་ལ་སོགས་པའོ། །བྱམས་པ་དེ་ལ་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་དང་། རྣམ་པར་བྱང་བ་བའི་ཆོས་དེ་དག་ཉིད་ཀྱི་དེ་བཞིན་ཉིད་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་དུ་ཡོད་པ་ཉིད་ཡིན་ཏེ།” Snm, p. 70.
ཉིད་དང་། ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་དུ་ཡོད་པ་ཉིད་དང་།… རྣམ་པར་བྱང་བའི་དོན་གྱིས་ས་སོ། །བྱམས་པ་དེ་ལ་ཀུན་
ནས་ཉོན་མོངས་པ་དང་། རྣམ་པར་བྱང་བའི་ཆོས་རྣམས་ལ་རྣམ་པ་རབ་ཏུ་དབྱེ་བ་ཐམས་ཅད་ཀྱི་མཐར་ཐུག་པ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་ཇི་སྙེད་ཡོད་པ་ཉིད་ཡིན་ཏེ།འདི་ལྟ་སྟེ།ཕུང་པོ་རྣམས་ཀྱིནི་གྲངས་ལྔས་སོ། །ནང་གི་སྐྱེ་མཆེད་རྣམས་ཀྱི་ནི་གྲངས་དྲུག་གིས་སོ། །ཕྱི་རོལ་གྱི་སྐྱེ་མཆེད་རྣམས་ཀྱི་ཡང་གྲངས་དྲུག་ཁོ་ནས་ས་ཞེས་བྱ་བ་ལ་སོགས་པའོ། །བྱམས་པ་དེ་ལ་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་དང་། རྣམ་པར་བྱང་བ་བའི་ཆོས་དེ་དག་ཉིད་ཀྱི་དེ་བཞིན་ཉིད་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་དུ་ཡོད་པ་ཉིད་ཡིན་ཏེ།” Snm, p. 70.
(vii)
Cf.: “tatra vyāpyālambanaṃ katamat | āha | tadapi caturvidhaṃ | tadyathā
savikalpaṃ pratibimbaṃ, nirvikalpaṃ pratibimbaṃ, vastuparīttatā | kāryapariniṣpattiśca
|” Śbh_Sh, pp. 193. “།དེ་ལ་ཁྱབ་པའི་དམིགས་པ་གང་ཞེ་ན།སྨྲས་པ།དེ་ཡང་རྣམ་པ་བཞི་སྟེ།བཞི་གང་ཞེ་ན།འདི་ལྟ་སྟེ།རྣམ་པར་རྟོག་པ་དང་བཅས་པའི་གཟུགས་བརྙན་དང་།རྣམ་པར་རྟོག་པ་མེད་པའི་གཟུགས་བརྙན་དང་།དངོས་པོའི་མཐའ་དང་།དགོས་པ་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པའོ།” Ycbh-T, vol. 73, p. 183
11
Sự thực hành du-già về cảnh sự gồm 4 thứ sở duyên ấy, xin xem Du-già sư địa
luận, q. 26, q. 27.
12 Đại
trí độ luận 9, T. 25, tr. 126c.
13 Tạp
bảo tạng kinh 2, T. 4, tr. 457b.
14 A-tỳ-đạt-ma
Đại tỳ-bà-sa luận 63, T. 27, tr. 327b; q. 29, tr. 152c.
15 Đại
trí độ luận 88, T. 25, tr. 684a.
16 Xin xem
tác phẩm của tôi: Thuyết nhất thiết hữu bộ vi chủ đích Luận thư và Luận sư
chi nghiên cứu, Chương 8, tr. 395-397.
(viii) Cf.: “འོ་ན་སེམས་དང་བཅས་པར་ཇི་ལྟར་འདོད་པར་བྱ་ཞེ་ན།ཇི་ལྟར་མདོ་སྡེ་པ་ཁ་ཅིག་འདོད་པ་ལྟ་བུར་རོ།།མདོ་སྡེ་པ་ཁ་ཅིག་ཇི་ལྟར་འདོད་ཅེ་ན།རྣམ་པར་སྨིན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ས་བོན་ཐམས་ཅད་པ་ཉིང་མཚམས་སྦྱོར་བ་ནས་བཟུང་སྟེ་སྐྱེ་བ་དེ་དང་དེར་བར་ཆད་མེད་པར་རྣམ་པར་སྨིན་པའི་རྒྱུ་ཐ་དད་པས་ཐ་དད་པར་གྱུར་པ་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ལ་ཐུག་གི་བར་དུ་རྒྱུན་གྱིས་འཇུག་པ་དེ་དེའི་ཚེ་མི་འཆད་དེ” Ks, p.
2371.
(ix)
Cf: “ādānavijñāna gabhīrasūkṣmo ogho yathā vartati sarvabījo |” Tvbh, p. 104. “།བློ་གྲོས་ཡངས་པ་རྣམ་པར་ཤེས་པ་དེ་ནི་ལེན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་ཀྱང་བྱ་སྟེ།འདི་ལྟར་དེས་ལུས་འདི་བཟུང་ཞིང་བླངས་པའི་ཕྱིར་ར་རོ།
།ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་ཀྱང་བྱ་སྟེ། འདི་ལྟར་དེ་ལུས་འདི་ལ་གྲུབ་པ་དང་བདེ་བ་གཅིག་པའི་དོན་གྱིས་ཀུན་ཏུ་སྦྱོར་བ་དང་རབ་ཏུ་སྦྱོར་བར་བྱེད་པའི་ཕྱིར་རོ༑
། སེམས་ཞེས་ཀྱང་བྱ་སྟེ།
འདི་ལྟར་དེ་ནི་གཟུགས་དང་སྒྲ་དང་དྲི་དང་རོ་དང་རེག་བྱ་དང་ཆོས་ཀུན་ཏུ་བསྩགས་པ་དང་ཉེ་བར་བསྩགས་པ་ཡིན་པའི་ཕྱིར་རོ།…།བློ་གྲོས་ཡངས་པ་ལེན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་དེ་ལ་རྟེན་ཅིང་གནས་ན་ས་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་ཚོགས་དྲུག་པོ་འདི་ལྟ་སྟེ།…།བློ་གྲོས་ཡངས་པ་དེ་བཞིན་དུ་ཆུ་ཀླུང་ལྟ་བུ་དང་།
མེ་ལོང་ལྟ་བུའི་ལེན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་དེ་ལ་རྟེན་ཅིང་གནས་ནས།… །ལེན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཟབ་ཅིང་ཕྲ།
།ས་བོན་ཐམས་ཅད་ཆུ་བོའི་ཀླུང་ལྟར་འབབ། །བདག་ཏུ་རྟོག་པར་གྱུར་ན་མི་རུང་ཞེས།།བྱིས་པ་རྣམས་ལ་ངས་ནི་དེ་མ་བསྟན།” Snm, pp. 28-31.
17
Xin xem tác phẩm của tôi: Phật giáo sử địa khảo luận, Diệu Vân tập, hạ
thiên 9, tr. 323-342.
(x)
Cf.: “samantāduccayatāmupādāyābhidharmasūtrataḥ sarvacint-āsthānasaṃgrahādityarthaḥ”
Asbh, 156. “།ཀུན་ལས་བཏུས་པའི་ཕྱིར་ཞེས་བྱ་བ་ནི་ཆོས་མངོན་པའི་མདོ་རྣམས་ལས་ཏེ༑
བསམ་པའི་གནས་ཐམས་ཅད་བསྡུས་པའི་ཕྱིར་ཞེས་བྱ་བའི་ཐ་ཚིག་གོ།།” Asbh-T, p. 1242. “།ཀུན་ནས་བཏུས་པའི་ཕྱིར་ཞེས་བྱ་བ་ནི་ཆོས་མངོན་པའི་མདོ་ལས་ཏེ་བསམ་པའི་གནས་ཐམས་ཅད་བསྡུས་པའི་ཕྱིར་ཞེས་བྱ་བའི་ཐ་ཚིག་གོ།” Asv, p. 1714.
18 A-tỳ-đạt-ma
tạp tập luận 16, T. 31, tr. 774a.
(xi) Nhiếp: saṃgraha,
sự tập hợp, giữ lại với nhau.
(xii) 事契經 – sự Khế kinh, Tib. མདོ་སྡེ,Cf.: “།གཞིའི་མདོ་སྡེ་ནི་ལུང་རྣམ་པ་བཞི་སྟེ།འདི་ལྟ་སྟེ།ཡང་དག་པར་ལྡན་པ་དང་།བར་མ་དང་།རིང་པོ་དང་།གཅིག་ལས་འཕྲོས་པའོ།” Ycbh-T,
vol. 74, p. 1067. “Về sự phân loại [số bộ] Kinh gồm 4 bộ Āgama, đó là: có Samyak,
và Madhyama, và Dīrgha, và Ekottarika.”
19 Kim
Cang Tiên luận 10, T. 25, tr. 874c.
(xiii)
Cf.: “matram ity arthapratiṣedhārthaṃ | vijñaptimātram evedam
asadarthāvabhāsanāt |” “Từ ‘duy’ có nghĩa là phủ nhận đối tượng [bên
ngoài]. Duy thức này chính là không có đối tượng [vật] vì [đối tượng ấy] chỉ là
sự biểu hiện.” Vvs, p. 3. “།ཙམ་ཞེས་བྱ་བ་སྨོས་པ་ནི་དོན་དགག་པའི་ཕྱིར་རོ།།རྣམ་པར་ཤེས་པ་འདི་ཉིད་དོན་དུ་སྣང་བ་འབྱུང་སྟེ།” Vsv, p. 12. “Gọi là ‘duy’, nghĩa
là bác bỏ đối tượng, bởi vì chính thức này xuất hiện hình ảnh của đối tượng.”
20 Duy
thức nhị thập luận, T. 31, tr. 74b.
(i)
Cf.: “ཐེག་པ་ཐམས་ཅད་ལ་ཡང་དག་པར་ཞུགས་པ་རྣམས་ལ་ལེགས་པར་རྣམ་པར་ཕྱེ་བ་དང་ལྡན་པ།ཤིན་ཏུ་ངོ་མཚར་རྨད་དུ་བྱུང་བའི་ཆོས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་གསུམ་པ་བསྐོར་ཏེ།
བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱི་ཆོས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་བསྐོར་བ་འདི་ནི་བླ་ན་མ་མཆིས་པ།” Snm, p. 58.
(ii)
Cf.: “tadabhāvasya ca sadbhāvaḥ [/] tasmin yathokte bhoktrād-au sānyā śūnyateti
[/] śūnyatālakṣaṇakhyāpanārthaṃ dvividhām ante śūnyatāṃ vyavasthāpayati /
abhāvaśūnyatām abhāvasva-bhāvaśūnyatāṃ ca /” Mvbh, p. 26. “།གང་ཟག་དང་ཆོས་ཀྱི་དངོས་པོ་མེད་པ་ནི་སྟོང་པ་ཉིད་ད་དོ།
།དངོས་པོ་མེད་པ་དེའི་དངོས་པོ་ཡོད་པ་ཡང༐ཡིན་ནོ།” Mvt, p. 13.
(iii)
Cf.: “kathaṃ punardurgṛhītā bhavati śūnyatā / yaḥ kaści- cchramaṇo vā brāhmaṇo
vā tacca necchati yena śūnyam / tadapi necchati yat śūnyam / iyamevaṃrūpā durgṛhītā
śūnyatetyucyate / taktasya hetoḥ / yena hi śūnyaṃ tadasadbhāvāt / yacca śūnyaṃ
tatsadbhāvācchūnyatā yujyeta / sarvābhāvācca kutra kiṃ kena śūnyaṃ bhaviṣyati /
na ca tena tasyaiva śūnyatā yujyate / tasmād-evaṃ durgṛhītā śūnyatā bhavati /”
Bbh, p. 32.
(iv)
Cf.: “tatra bhāvo yaḥ prajñaptivādasvabhāvo vyavasthāpitaḥ / tathaiva ca
dīrghakālamabhiniviṣṭo lokena / sarvavikalpaprapañca-mūlaṃ lokasya / tadyathā
rūpamiti vā vedanā saṃjñā saṃskārā vijñānamiti vā / cakṣuriti vā srotraṃ ghrāṇaṃ
jihvā kāyo mana iti vā / pṛthivīti vā āpastejo vāyuriti vā / rūpamiti vā śabdo
gandho rasaḥ spraṣṭavyamiti vā / kuśalamiti vā akuśalamiti vā avyākṛtamiti vā /
utpāda iti vā vyaya iti vā pratītyasamutpanna iti vā / atītamiti vā anātagamiti
vā pratyutpannamiti vā / saṃskṛtamiti vā [asaṃskṛtamiti vā /] ayaṃ lokaḥ paro
lokaḥ / ubhau sūryācandramasau / yadapi dṛṣṭaśrutamatavijñātaṃ prāptaṃ paryeṣitaṃ
manasā 'nuvitarkitam-anuvicāritamiti vā / antato yāvannirvāṇamiti vā / ityevaṃbhāgīyaḥ
prajñaptivādanirūḍhaḥ svabhāvo dharmāṇāṃ lokasya bhāva ityucyate /…” Bbh, p.
26.
(v)
Cf.: “tatra kayā yuktyā nirabhilāpyasvabhāvatā sarvadharm-āṇāṃ pratyavagantavyā
/ yeyaṃ svalakṣaṇaprajñaptirdharmāṇāṃ yaduta rūpamiti vā vedaneti vā
pūrvavadantato yāvannirvāṇamiti vā prajñaptimātrameva tadveditavyam / na
svabhāvo nāpi ca tad-vinirmuktastadanyo vāggocaro vāgaviṣayaḥ / evaṃ sati na
sva-bhāvo dharmāṇāṃ tathā vidyate yathābhilapyate / na ca punaḥ sarveṃṇa sarvaṃ
na vidyate / sa punarevamavidyamāno na ca sarveṇa sarvamavidyamānaḥ / kathaṃ
vidyate / asadbhū tasamār-opāsaṃgrāhavivarjitaśca bhūtāpavādāsaṃgrāhavivarjitaśca
vidya-te / sa punaḥ pāramārthikaḥ svabhāvaḥ sarvadharmāṇāṃ nirvikalpasyaiva
jñānasya gocaro veditavyaḥ / Bbh, p. 30.
(vi)
Cf.: “Bhagavān āha: yasya notpādo na nirodhaḥ sa dharmo na nimitaḥ.”
PSP_VI-VIII, p. 178
1 Ma-ha
Bát-nhã ba-la-mật kinh 26, T. 8, tr. 416a.
(vii)
一切唯假 - nhất
thiết duy giả, Skt. prajñaptimātram,
xem phụ chú (v) ở trên.
2 Du-già sư địa luận 36, T. 30, tr. 488c.
(viii)
Cf.: “kathañca punaḥ sugṛhītā śūnyatā bhavati / yataśca yad yatra na bhavati
tat tena śūnyamiti samanupaśyati / yatpunaratr-āvaśiṣṭaṃ bhavati tatsadihāstīti
yathābhūtaṃ prajānāti / iyamucyate śūnyatāvakrāntiryathābhūtā aviparītā /” Bbh,
p. 32. “གང་གི་ཕྱིར་གང་ལ་གང་མེད་པ་དེ་ནི་དེས་སྟོང་པར་ཡང་དག་པར་མཐོང་ལ།་
འདི་ལ་ལྷག་མ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་འདི་ནི་ཡང་དག་པར་ཡོད་དོ་ཞེས་ཡང་དག་པ་ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་དུ་རབ་ཏུ་ཤེས་པ་དེ་ནི་སྟོང་པ་ཉིད་ལ་ཡང་དག་པ་ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་དུ་ཕྱིན་ཅི་མ་ལོག་པར་ཞུགས་པ་ཞེས་བྱ་སྟེ།” Ycbh-T, vol. 73, pp. 586-587.
(ix)
Cf.: “/ yena hi śūnyaṃ tadasadbhāvāt / yacca śūnyaṃ tatsad-bhāvācchūnyatā
yujyeta /” Bbh, p. 32. “གང་གིས་སྟོང་པ་དེ་མེད་པ་དང་།གང་སྟོང་་
པ་དེ་ཡོད་པའི་སྟོང་པ་ཉིད་ནི་རིགས་པའི་ཕྱིར་ར་རོ།” Ycbh-T, vol. 73, p. 586.
པ་དེ་ཡོད་པའི་སྟོང་པ་ཉིད་ནི་རིགས་པའི་ཕྱིར་ར་རོ།” Ycbh-T, vol. 73, p. 586.
(x)
實有唯事 - thật
hữu duy sự, Skt. vastumātra bhāva, Tib. དངོས་པོ་ཙམ་ཡོད་པ་ (Ycbh-T, vol. 73, p. 586): chỉ có trên
mặt sự thể, sự chất, chỉ là vật.
(xi)
Cf.: “trividhaṃ svabhāvamadhikṛtya pudgalanairātmyanayena veditavyaḥ / tatra
parikalpitaḥ svabhāvaḥ skandhādīnyadhiṣṭhāy-āvidyamāna ātmādisvabhāvo yaḥ
parikalpitaḥ / paratantraḥ svabhāvastānyeva skandhādīni
yatrāsāvātmadyabhūtavikalpaḥ pravṛttaḥ / pariniṣpannaḥ svabhāvo
bhāvābhāvaviyuktalakṣaṇā hi tathatā, skandhādiṣvātmādyabhāvanairātmyāstitālakṣaṇatvāt
//” Asbh, p. 45. “tatrāyaṃ parikalpitaḥ svabhāvo yadrūpamiti vā
yāvannirvāṇāmiti vābhilāpaprajñaptimātrabhabhūto niḥśarīrārtho yadbālā
rūpādilakṣaṇaṃ samāropattaḥ parikalpayanti / tatrāyaṃ paratantraḥ svabhāvā
yattadevābhūtaparikalpamātram / tatrāyaṃ pariniṣpannaḥ svabhāvo yatsarvadharmāṇāṃ
tattvaṃ tathatā /” Asbh,
pp. 112-113.
(xi)
Cf.: “།ཡོན་ཏན་འབྱུང་གནས་དེ་ལ་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་ཀུན་བརྟགས་པའི་མཚན་ཉིད་གང་ཞེ་ན།ཇི་ཙམ་དུ་རྗེས་སུ་ཐ་སྙད་གདགས་པའི་ཕྱིར་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་ངོ་བོ་ཉིད་དམ་བྱེ་བྲག་ཏུ་མིང་དང་བརྡར་རྣམ་པར་གཞག་པ་གང་ཡིན་པའོ།”
Snm, p. 32.
(xii) Cf.: “།ཡོན་ཏན་འབྱུང་གན་ས་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་གཞན་གྱི་དབང་གི་མཚན་ཉིད་གང་ཞེ་ན།ཆོས་རྣམས་ཀྱི་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་ཉིད་ད་དེ།འདི་ལྟ་སྟེ་འདི་ཡོད་པས་འདི་འབྱུང་ལ།འདི་སྐྱེས་པའི་ཕྱིར་འདི་སྐྱེ་བ་འདི་ལྟ་སྟེ།མ་རིག་པའི་རྐྱེན་གྱིས་འདུ་བྱེད་རྣམས་ཞེས་བྱ་བ་ནས།དེ་ལྟར་ན་སྡུག་བསྔལ་གྱི་ཕུང་པོ་ཆེན་པོ་འདི་འབའ་ཞིག་པོ་འདི་འབྱུང་བར་འགྱུར་རོ་ཞེས་བྱ་བའི་བར་གང་ཡིན་པའོ།།” Snm, pp. 32-33.
(xiii)
Cf.: “།ཡོན་ཏན་འབྱུང་གནས་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པའི་མཚན་ཉིད་གང་ཞེ་ན།ཆོས་རྣམས་ཀྱི་དེ་བཞིན་ཉིད་གང་ཡིན་པ་སྟེ།བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམས་ཀྱིས༐རྟུན་པའི་རྒྱུ་དང་།ལེགས་པར་ཚུལ་བཞིན་ཡིད་ལ་བྱས་པའི་རྒྱུས་དེ་རྟོགས་ཤིང་དེ་རྟོགས་པ་གོམས་པར་བྱས་པ་ཡང་དག་པར་གྲུབ་པས་ཀྱང་བླ་ན་མེད་པ་ཡང་དག་པར་རྫོགས་པའི་བྱང་ཆུབ་ཀྱི་བར་དུ་ཡང་དག་པར་འགྲུབ་པ་གང་ཡིན་པའོ༑།ཡོན་ཏན་འབྱུང་གནས་འདི་ལྟ་སྟེ་དཔེར་ན།”
Snm, p. 33.
(xiv) Cf.: “།བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཐམས་ཅད་ངོ་བོ་ཉིད་མ་མཆིས་པ།ཆོས་ཐམས་ཅད་མ་སྐྱེས་པ།མ་འགགས་པ།གཟོད་མ་ནས་ཞི་བ།རང་བཞིན་གྱིས་ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ཞེས་ཀྱང་བཀའ་སྩལ་ལགས་ན།”
Snm, p. 38. “anutpannā aniruddhā ādiśāntā(ḥ) prakṛtiparinirvṛtā
iti ko 'bhisandhiḥ” As, p. 84.
(xv) Cf.: “།དེ་ལ་སེམས་ཅན་གང་དག་དགེ་བའི་རྩ་བ་ཆེན་པོ་བསྐྱེད་པ་དང་།སྒྲིབ་པ་ཡོངས་སུ་དག་པ།རྒྱུད་ཡོངས་སུ་སྨིན་པ།མོས་པ་མང་བ།བསོད་ནམས་དང་ཡེ་ཤེས་ཀྱི་ཚོགས་ཆེན་པོ་ཡང་དག་པར་གྲུབ་པ་དེ་དག་གིས་ནི་ཆོས་དེ་ཐོས་ན་…” Snm, p. 46.
(xvi)
Cf.: “།དོན་དམ་ཡང་དག་འཕགས་དེ་ལ་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་མཚན་ཉིད་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་གང་ཞེ་ན།
ཀུན་བརྟགས་པའི་མཚན་ཉིད་གང་ཡིན་པའོ།
།དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན།འདི་ལྟར་དེ་ནི་མིང་དང་བརྡར་རྣམ་པར་གཞག་པའི་མཚན་ཉིད་ཡིན་གྱི།
རང་གི་མཚན་ཉིད་ཀྱིས་རྣམ་པར་གནས་པ་ནི་མ་ཡིན་པས་དེའི་ཕྱིར་དེ་ནི་མཚན་ཉིད་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཅེས་བྱའོ།ˮ Snm, p. 39.
(xvii)
Cf.: “།དོན་དམ་ཡང་དག་འཕགས་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་སྐྱེ་བ་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་གང་ཞེ་ན།
ཆོས་རྣམས་ཀྱི་གཞན་གྱི་དབང་གི་མཚན་ཉིད་གང་ཡིན་པའོ།
།དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན།འདི་ལྟར་དེ་ནི་རྐྱེན་གཞན་གྱི་སྟོབས་ཀྱིས་བྱུང་བ་ཡིན་གྱི།བདག་ཉིད་ཀྱིས་ནི་མ་ཡིན་པས་དེའི་ཕྱིར་སྐྱེ་བ་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཅེས་བྱའོ།ˮ Snm, p. 39.
(xviii)
Cf.: “།དོན་དམ་ཡང་དག་འཕགས་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་དོན་དམ་པ་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་གང་ཞེ་ན།རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བའི་ཆོས་གང་དག་སྐྱེ་བ་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཀྱིས་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་དེ་དག་ནི་དོན་དམ་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཀྱིས་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཡང་ཡིན་ནོ༑ །དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན།དོན་དམ་ཡང་དག་འཕགས་ཆོས་རྣམས་ལ་རྣམ་པར་དག་པའི་དམིགས་པ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་ངས་དོན་དམ་པ་ཡིན་པར་ཡོངས་སུ་བསྟན་ལ༑ གཞན་གྱི་དབང་གི་མཚན་ཉིད་དེ་ནི་རྣམ་པར་དག་པའི་དམིགས་པ་མ་ཡིན་པས་དེའི་ཕྱིར་དོན་དམ་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཅེས་བྱའོ། །དོན་དམ་ཡང་དག་འཕགས་གཞན་ཡང་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པའི་མཚན་ཉིད་གང་ཡིན་པ་དེ་ཡང་དོན་དམ་པ་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཅེས་བྱའོ། །དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན།དོན་དམ་ཡང་དག་འཕགས་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་ཆོས་བདག་མེད་པ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི།དེ་དག་གི་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཅེས་བྱ་སྟེ། དེ་ནི་དོན་དམ་པ་ཡིན་ལ།དོན་དམ་པ་ནི་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཀྱི་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཀྱིས་རབ་ཏུ་ཕྱེ་བ་ཡིན་པས་དེའི་ཕྱིར་དོན་དམ་པ་ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པ་ཉིད་ཅེས་བྱའོ།” Snm, pp. 39-40.
(xix) Giải
thâm mật kinh 2, T. 16, tr. 694a28-29.
3 Giải thâm mật kinh 2, T. 16, tr.
693a-696b.
(xx) Cf.: “བྱམས་པ་གཞན་གྱི་དབང་གི་མཚན་ཉིད་དང་།
ཡོངས་སུ་གྲུབ་པའི་མཚན་ཉིད་རྣམ་པ་ཐམས་ཅད་དུ་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་དང་།
རྣམ་པར་བྱང་བའི་ཀུན་བརྟགས་པའི་མཚན་ཉིད་ད་དང་༑
ཤིན་ཏུ་རྣམ་པར་བྲལ་བའི་མཚན་ཉིད་ད་དང་།
དེ་ལ་དེ་དམིགས་པ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་ཐེག་པ་ཆེན་པོ་ལ་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་མཚན་ཉིད་བསྟན་པ་ཞེས་བྱའོ།།” Snm, p. 80.
(xxi) Cf.: “།དངོས་པོ་ལྔ་གང་ཞེ་ན།རྒྱུ་མཚན་དང་།
མིང་དང་།རྣམ་པར་རྟོག་པ་དང་། དེ་བཞིན་ཉིད་དང་། ཡང་དག་པའི་ཤེས་པའོ།
།རྒྱུ་མཚན་གང་ཞེ་ན། མདོར་བསྡུ་ན།
མངོན་པར་བརྗོད་པའི་ཚིག་གི་གཞིའི་གནས་སུ་གྱུར་པའི་དངོས་པོ་གང་ཡིན་པའོ།
།མིང་གང་ཞེ་ན།རྒྱུ་མཚན་དེ་ཉིད་ལ་ཚིག་བླ་དྭགས་གང་ཡིན་པའོ། །རྣམ་པར་རྟོག་པ་གང་ཞེ་ན།
ཁམས་གསུམ་ན་སྤྱོད་པའི་སེམས་དང་སེམས་ལས་བྱུང་བའི་ཆོས་རྣམས་སོ།
།དེ་བཞིན་ཉིད་གང་ཞེ་ན། ཆོས་བདག་མེད་པ་ས་རབ་ཏུ་ཕྱེ་བ།
འཕགས་པའི་ཡེ་ཤེས་ཀྱི་སྤྱོད་ཡུལ།མངོན་པར་བརྗོད་པ་ཚིག་ཐམས་ཅད་ཀྱི་གཞིའི་གནས་སུ་མ་གྱུར་པའི་དངོས་པོ་གང་ཡིན་པའོ།
།ཡང་ད་ག་པའི་ཤེས་པ་གང་ཞེ་ན། དེ་ནི་མདོར་བསྡུ་ན་རྒྱུ་གཉིས་སུ་བལྟ་བར་བྱ་སྟེ།
གཅིག་ཏུ་འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པ་དང་། འཇིག་རྟེན་པ་དང་འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པའོ།།” Ycbh-T, vol. 74, p. 695.
(xxii) Cf.: “དེར་ནི་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པར་འགྱུར་བའི་གཞན་གྱི་དབང་གི་ངོ་བོ་ཉིད་ལ་བསམས་པ་ཡིན་གྱི།རྣམ་པར་བྱང་བར་འགྱུར་བ་ལས་ནི་མ་ཡིན་ཏེ།
རྣམ་པར་བྱང་བར་འགྱུར་བ་ནི།དེ་ལ་མངོན་པར་མ་ཞེན་པ་ལ་བརྟེན་ནས་ཤེས་པར་འགྱུར་བ་ཡིན་པར་རིག་པར་བྱའོ།” Ycbh-T, vol. 74, p. 797.
4 Du-già sư địa luận 74, T. 30, tr. 704c.
(xxiii) Cf.: “abhūtaparikalpo 'sti dvayan
tatra na vidyate / śūnyatā vidyate tv atra tasyām api sa vidyate // 1.1
tatrābhūtaparikalpo grāhyagrāhakavikalpaḥ / dvayaṃ grāhyaṃ grāhakañ ca /
śūnyatā tasyābhūtaparikalpasya grāhyagrāhaka-bhāvena virahitatā / tasyām api sa
vidyata ity abhūtaparikalpaḥ / evaṃ yad yatra nāsti tat tena śūnyam iti
yathābhūtaṃ sam-anupaśyati yat punar atrāvaśiṣṭaṃ bhavati tat sad ihāstīti
yathā-bhūtaṃ prajānātīty aviparītaṃ śūnyatālakṣaṇam udbhāvitaṃ bhavati /” Mvbh,
pp. 17-18.
(xxiv) Cf.: “kalpitaḥ paratantraś ca
pariniṣpanna eva ca / arthād abhūtakalpāc ca dvayābhāvāc ca deśitaḥ // I.5
arthaḥ parikalpitaḥ svabhāvaḥ / abhūtaparikalpaḥ paratantraḥ svabhāvaḥ /
grāhyagrāhakābhāvaḥ pariniṣpannaḥ svabhāvaḥ /” Mvbh, p. 19.
5 Biện trung biên luận tụng, T. 31, tr.
477c.
(xxv) Cf.: “abhūtaparikalpaś
ca cittacaittās tridhātukāḥ /ˮ Mvbh, p. 20.
(xxvi) Cf.: “abhūtaparikalpatvaṃ siddham
asya bhavaty ataḥ / na tathā sarvathābhāvāt / yasmān na tathāsya bhāvo
yathā pratibhāsa utpadyate / na ca sarvathābhāvo bhrāntimātrasyotpādāt/
kimarthaṃ punas tasyābhāva eva neṣyate / yasmāt / tatkṣayān muktir iṣyate //
I.4 anyathā na bandho na mokṣaḥ prasidhyed iti saṃkleśavyavadānāpavādadoṣaḥ
syāt /ˮ Mvbh, p. 19.
6 Như trên.
(xxvii) Cf.:
“evaṃ yad yatra nāsti tat
tena śūnyam iti yathābhūtaṃ samanupaśyati yat punar atrāvaśiṣṭaṃ bhavati tat
sad ihāstīti yathābhūtaṃ prajānātīty aviparītaṃ śūnyatālakṣaṇam udbhāvitaṃ
bhavati /” Mvbh, p. 18.
7 Biện trung biên luận, q. thượng, T. 31,
tr. 464b.
(xxviii)
Cf.: “sarveṣāmaviśiṣṭāpi tathatā śuddhimāgatā | tathāgata-tvaṃ tasmācca tadgarbhāḥ sarvadehinaḥ ||ˮ Msa, p. 43. “Tất cả đều không sai biệt nên đắc được sự thanh tịnh của chân như. Vì
vậy Như lai tánh ấy là các tạng của tất cả chúng sanh.”
(xxix) Cf.:
“རང་བཞིན་གྱིས་རྣམ་པར་བྱང་བ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་ངོ་བོ་ཉིད་ཀྱིས་རྣམ་པར་བྱང་བའི་ངོ་བོ་ཉིད་དེ། དེ་ཡང་དེ་བཞིན་ཉིད་དུ་ཡོད་པ་ཡིན་ནོ་སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ལ་སྤྱིའི་མཚན་ཉིད་ཀྱིས་དེ་ནི་ཡོད་པ་ཉིད་ཀྱི་ཕྱིར་ཆོས་ཐམས་ཅད་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ཅན་ཞེས་གསུངས་སོ།” Msbh, p. 389. “Cái được gọi là bổn tánh thanh tịnh là tự tánh mà sự thanh tịnh ấy do
tự tánh. Hơn nữa, chân như vốn có sẵn, bởi đặc tướng phổ quát là ở trong tất cả
chúng sanh đều có sẵn nó, vì thế nói rằng tất cả các pháp đều vốn có Như lai tạng.”
8 Nhiếp Đại thừa luận thích 5, T. 31, tr.
344a. Vô Tánh (無性),
Nhiếp Đại thừa luận thích 5, T. 31,
tr. 406b, nói: ‘Tất cả hữu tình đều có Như lai tạng’.
(xxx) Cf.: “བདག་ཅེས་བྱ་བ་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོའི་དོན་ཏོ།ˮ Mp, p. 232.
(xxxi) Cf.: “śūnyatāyāṃ viśuddhāyāṃ
nairātmyānmārgalābhataḥ |
buddhāḥ śuddhātmalābhitvāt gatā ātmamahātmatām ||ˮ Msa, p. 41. “Nhờ đạt đạo từ sự vô ngã trong tánh không thanh tịnh, chư Phật đã thành tựu đại ngã của ngã và đạt được cái ngã thanh tịnh.ˮ
buddhāḥ śuddhātmalābhitvāt gatā ātmamahātmatām ||ˮ Msa, p. 41. “Nhờ đạt đạo từ sự vô ngã trong tánh không thanh tịnh, chư Phật đã thành tựu đại ngã của ngã và đạt được cái ngã thanh tịnh.ˮ
9 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T.
31, tr. 829c. Phật tánh luận 2, T.
31, tr. 798c.
(xxxii) Cf.: “tatra cānāsrave dhātau
buddhānāṃ paramātmā nirdiśyate | kiṃ kāraṇam | agranairātmyātmakatvāt | agraṃ
nair-ātmyaṃ viśuddhā tathatā sā ca buddhānāmātmā svabhāvārthena tasyāṃ
viśuddhāyāmagraṃ nairātmyamātmānaṃ buddhā labh-ante śuddham | ataḥ
śuddhātmalābhitvāt buddhā ātmamāhātmyaṃ prāptā ityanenābhisaṃdhinā buddhānāmanāsrave
dhātau param-ātmā vyavasthāpyate |” Msa, p. 41. “Và ở đây, ở trong giới vô lậu nên được gọi là cái ngã đệ nhất của chư
Phật. Vì sao vậy? Vì sự vô ngã tối cao là không có thể tánh. Sự vô ngã tối cao ấy
là thanh tịnh, như, và là ngã của chư Phật, bởi vì nghĩa của tự tánh nên ở
trong sự thanh tịnh ấy, chư Phật đạt được cái ngã thanh tịnh chính là sự vô ngã
tối cao. Vì vậy, từ sự đạt được cái ngã thanh tịnh nên chư Phật đã đạt được cái
đại ngã, bởi lý do ấy nên ở trong giới vô lậu, chư Phật đã mật ý thiết lập cái
ngã tối thắng.”
10 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 3, T.
31, tr. 603c.
(xxxiii)
Cf.: “ཡོད་ཅེས་སྨོས་པས་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་བདག་ཉིད་དུ་ཡོད་པའོ།ˮ Msbh,
p. 385. “Lý do nói có
thật là vì có tự thể tánh không của Bồ-tát. ˮ
(xxxiv) Cf.: “བྱང་ཆུབ་་སེམས་དཔའ་ལ་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་རང་བཞིན་ཡོད་པའི་ཕྱིར་རོ།” Msu, p. 598. “Bởi vì có
tự tánh của tánh không ở trong Bồ-tát.”
11 Nhiếp Đại thừa luận thích 4, T. 31, tr.
342c. Vô Tánh, Nhiếp Đại thừa luận thích
4, T. 31, tr. 405b.
(xxxv) Cf.:
“buddhatve samacittatā
taddharmadhātorātmanyabheda-pratibodhāt |” Msa, p. 17. “Ở trong tự thể của Phật: có tâm bình đẳng, vì Phật đã giác ngộ được sự
không có sai biệt ở trong cái ngã của pháp giới ấy.”
12 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 2, T.
31, tr. 596a.
13 Ở trên, xin
xem: Ấn Thuận, Như lai tạng chi nghiên cứu,
tr. 190-194.
(xxxvi) Cf.:
“དེ་ལ་ངོ་བོ་ཉིད་ཀྱི་སྐུ་ནི་གང་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཀྱི་ཆོས་ཀྱི་སྐུ་སྟེ། ཐམས་ཅད་ལ་དབང་སྒྱུར་བའི་གནས་ཡིན་པའི་ཕྱིར་རོ།ˮ Mys, p. 91.
14 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. hạ, T. 31,
tr. 149a.
15 Thành Duy thức luận 10, T. 31, tr. 57c.
16 Xin xem: Ấn
Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi
nguyên dữ khai triển, Chương 12, tr. 928-940.
(xxxvii)
Cf.: “ye cema ānanda catvāro mārāś caturāśītiś ca kleśa-mukhaśatasahasrāṇi
yaiḥ satvāḥ saṃkliśyante, sarvais tair buddhā bhagavanto buddhakṛtyaṃ kurvanti
/ idam ānanda sarvabuddha-dharmapraveśaṃ
nāma dharmamukhaṃˮ Vkn, pp. 402-404.
17 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. hạ, T. 14,
tr. 553c-554a.
(xxxviii) Ý
thú (意趣),
Skt. abhi-prāya: mục đích,
chí hướng, nguyện vọng, ý kiến, ý nghĩa, khái niệm, ý muốn, mong cầu…
(xxxix) Cf.: “ཡང་དགོངས་པ་བཞི་དང་ལྡེམ་པོར་དགོངས་པ་བཞིས་སངས་རྒྱས་ཀྱི་གསུང་ཐམས་ཅད་ཁོང་དུ་ཆུད་པར་བྱའོ།ˮ Mys, p. 49. “api khalu catvāro 'bhiprāyāḥ
/ yairvaipulye tathāgatānāmabhiprāyo 'nugantavyaḥ / samatābhiprāyaḥ
kālāntar-ābhiprāyaḥ arthāntarābhiprāyaḥ pugdalāśayābhiprāyaśca //catvāro
'bhisandhayo yaivapulye tathāgatānāmabhisandhiranugantavyaḥ / avatāraṇābhisaṃdhiḥ
lakṣaṇābhisandhiḥ pratipakṣābhisandhiḥ pariṇāmanābhisandhiśca //ˮ Asa, pp. 84-85.
18 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T.
31, tr. 141a. Thêm nữa, Đại thừa trang
nghiêm kinh luận 6, T. 31, tr. 620b-c. Đại
thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận 6, T. 31, tr. 688a.
(xl) Cf.: “།མཉམ་པ་ཉིད་ལ་དགོངས་པ་ནི་འདི་ལྟ་སྟེ། ང་ཉིད་དེའི་ཚེ་དེའི་དུས་ན་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་དགྲ་བཅོམ་པ་ཡང་དག་པར་རྫོགས་པའི་སངས་རྒྱས་རྣམ་པར་གཟིགས་སུ་གྱུར་ཏོ་ཞེས་བྱ་བ་ལྟ་བུའོ། །དུས་གཞན་ལ་དགོངས་པ་ནི་འདི་ལྟ་སྟེ། དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རིན་ཆེན་མང་གི་མཚན་བཟུང་བས་བླ་ན་མེད་པ་ཡང་དག་པར་རྫོགས་པའི་བྱང་ཆུབ་ཏུ་ངེས་པར་འགྱུར་རོ་ཞེས་བྱ་བ་ལྟ་བུ་དང་སྨོན་ལམ་བཏབ་པ་ཙམ་གྱིས་འཇིག་རྟེན་གྱི་ཁམས་བདེ་བ་ཅན་དུ་སྐྱེ་བར་འགྱུར་རོ་ཞེས་ཇི་སྐད་གསུངས་པ་ལྟ་བུའོ། །དོན་གཞན་ལ་དགོངས་པ་ནི་སངས་རྒྱས་གང་གཱའི་ཀླུང་གི་བྱེ་མ་སྙེད་ཅིག་ལ་བསྙེན་བཀུར་བྱས་ན་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་ཆོས་ཀྱི་དོན་ཁོང་དུ་ཆུད་པར་འགྱུར་རོ་ཞེས་ཇི་སྐད་གསུངས་པ་ལྟ་བུའོ། །གང་ཟག་གི་བསམ་པ་ལ་དགོངས་པ་ནི་འདི་ལྟ་སྟེ།གང་ཟག་ཁ་ཅིག་ལ་སྦྱིན་པ་བསྔགས་ལ། དེ་ཉིད་ལ་བསྔགས་པ་མ་ཡིན་པའང་གསུང་ས་པ་དང་། སྦྱིན་པ་ཇི་ལྟ་བར་ཚུལ་ཁྲིམས་ད་ང་བསྒོམ་པ་ཁ་ཅིག་ཀྱང་དེ་བཞིན་དུ། འདི་ནི་དགོངས་པ་རྣམ་པ་བཞིའོ།ˮ Mys, pp. 49-50. “api
khalu mahāyāne tathāgatasya sarve 'bhiprāyāḥ saṃkṣepeṇa catvāro bhavanti /
tadyathā samatābhiprāyo yadāha - ahameva tasmin samaye vipaśyī samyaksaṃbuddho
'bhūvamiti, avaśiṣṭadharmakāyatvāt / kālāntarābhiprāyoyadāha - ye sukhā-vatyāṃ
lokadhātau praṇidhānaṃ kariṣyanti te tatropa patsyanta iti,
vimalacandraprabhavasya ca nāmadheyagrahaṇamātreṇa niyato bhavatyanuttarāyāṃ
samyaksaṃbodhāviti, kālāntareṇetyabhi-prāyaḥ / arthāntarābhiprāyo yadāha - niḥsvabhāvāḥ
sarvadharmā anutpannā ityevamādi, ayathārutārthatvāt / pudgalāśayābhiprāyo
yattadeva kuśalamūlaṃ kasyacitpraśaṃsanti kasyacidvigarha te 'lpamātrasaṃtuṣṭasya
/ tathā rāgacaritasya buddhakṣetravibhūti darśayati, mānacaritasya keṣāṃcideva
buddhānāmadhikāṃ saṃpattiṃ varṇayanti / kaukṛtyenāvṛtasya ye buddhabodhisattv-eṣvapakāramapi
kariṣyanti te sarve svargopagā bhaviṣyantītyāha / aniyatagotrasya
mahāśrāvakā[n] buddhatve vyākaroti, ekaṃ ca yānaṃ na dvitīyamastīti deśayati
śrāvakatvāśayatyājanārtham //ˮ Asbh, pp. 114-115.
(xli)
Cf.: “།ཡང་ལྡིམ་པོར་དགོངས་པ་བཞི་སྟེ། གཞུག་པ་ལ་ལྡེམ་པོར་དགོངས་པ་ནི་འདི་ལྟ་སྟེ། ཉན་ཐོས་ཀྱི་ཐེག་པའམ༑ ཐེག་པ་ཆེན་པོར་གང་ཟག་དང་ཆོས་ཀྱི་ངོ་བོ་ཉིད་དང་ཁྱད་པར་ཀུན་རྫོབ་ཀྱི་བདེན་པའི་ཚུལ་དུ་བསྟན་པའོ། །མཚན་ཉིད་ལ་ལྡེམ་པོར་དགོངས་པ་ནི་གང་དུ་ཆོས་ཀྱི་མཚན་ཉིད་བསྟན་པས་ངོ་བོ་ཉིད་གསུམ་པོ་དག་སྟོན་པའོ། །གཉེན་པོ་ལ་ལྡེམ་པོར་དགོངས་པ་ནི། གང་དུ་སྤྱོད་པ་བརྒྱད་ཁྲི་བཞི་སྟོང་གི་གཉེན་པོ་བསྟན་པའོ། །བསྒྱུར་བ་ལ་ལྡེམ་པོར་དགོངས་པ་ནི་གང་དུ་སྒྲས་དོན་གཞན་དུ་བརྗོད་ལ། དོན་ཉིད་གཞན་དུ་སྟོན་པ་སྟེ། འདིར་ཚིགས་སུ་བཅད་པ༑ སྙིང་པོ་མེད་ལ་སྙིང་པོར་ཤེས། །ཕྱིན་ཅི་ལོག་ལ་ཤིན་ཏུ་གནས། །ཉོན་མོངས་ཀུན་ནས་རབ་ཉོན་མོངས། །བྱང་ཆུབ་དམ་པ་ཐོབ་པར་འགྱུར།ˮ Mys, p. 50. “punaḥ sarve 'bhisaṃghayo 'bhisamasya catvāro
bhavantya vatāraṇābhisaṃdhyādayaḥ / tatra avatāraṇābhisaṃdhiḥ śrāvakeṣu draṣṭavyaḥ,
śāsanā vatāraṇārthamanutrāsāya rūpādy-astitvadeśanāt / lakṣaṇ-ābhisaṃdhistriṣu
parikalpitādisvabhāveṣu draṣṭavyaḥ, niḥsvabhāvānutpannādisarvadharmadeśanāt /
prati-pakṣābhisaṃdhiḥ doṣāṇāṃ vinaye draṣṭavyo yathāṣṭāvaraṇa-pratipakṣatāgrayānasaṃbhāṣā
/ aṣṭāvaraṇāni buddhadharmāvajñeti vistaraḥ / tadudāharaṇāni ca yathāyogaṃ
caturabhiprāryānirdeśāni draṣṭavyāni / pariṇāmanābhisaṃdhirabhidhānagāmbhīrye
draṣṭ-avyaḥ, yadāha - asāre sārama[ta]yo viparyāse ca susthitāḥ /
kleśena ca susaṃkliṣṭā labhante bodhimuttamām // iti / atrāyamabhisaṃdhiḥ - avikṣepe yeṣāṃ sārabuddhiḥ pra-dhānabuddhiḥ, vikṣepo hi visāraścetasaḥ viparyāse ca susthitāḥ iti nityasukhaśucyātmaviparyayeṇānityādike viparyāse ca susthitā aparihāṇitaḥ kleśena ca susaṃkliṣṭāḥ iti dīrghaduṣkara vyāyām-aśrameṇātyartha parikliṣṭāḥ //ˮ Asbh, pp. 115-116.
kleśena ca susaṃkliṣṭā labhante bodhimuttamām // iti / atrāyamabhisaṃdhiḥ - avikṣepe yeṣāṃ sārabuddhiḥ pra-dhānabuddhiḥ, vikṣepo hi visāraścetasaḥ viparyāse ca susthitāḥ iti nityasukhaśucyātmaviparyayeṇānityādike viparyāse ca susthitā aparihāṇitaḥ kleśena ca susaṃkliṣṭāḥ iti dīrghaduṣkara vyāyām-aśrameṇātyartha parikliṣṭāḥ //ˮ Asbh, pp. 115-116.
19 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 6, T.
31, tr. 620c-621a.
(xlii)
Cf.: “སྙིང་པོ་མེད་ལ་སྙིང་པོར་ཤེས། །ཕྱིན་ཅི་ལོག་ལ་ཤིན་ཏུ་གནས། །ཉོན་མོངས་ཀུན་ནས་རབ་ཉོན་མོངས། །བྱང་ཆུབ་དམ་པ་ཐོབ་པར་འགྱུར།ˮ Mys, p. 50. “asāre
sāramatayo viparyāse ca susthitāḥ / kleśena ca susaṃkliṣṭā labhante bodhimuttamām //ˮ As, p. 107.
(xliii) Cf.: “mātaraṃ
pitaraṃ hatvā rājānaṃ dvau bahuśrutau /
rāṣṭraṃ sānucaraṃ hatvā naro viśuddha ucyate //ˮ As, p. 107.
rāṣṭraṃ sānucaraṃ hatvā naro viśuddha ucyate //ˮ As, p. 107.
(xliv)
Cf.: “aśraddho 'kṛtajñaśca
sandhicchedī ca yo naraḥ /
hatāvakāśo vāntāśaḥ sa vai uttamapuruṣaḥ //ˮ As, p. 107.
hatāvakāśo vāntāśaḥ sa vai uttamapuruṣaḥ //ˮ As, p. 107.
20 Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận 6, T. 31,
tr. 694a.
(xlv) Cf.: “punaścoktaṃ
sūtre / bodhisattvo mahāsattvaḥ pañca-dharmasamanvāgato brahmacārī bhavati
parameṇa viśuddhena brahmacaryeṇa samanvāgataḥ // katame pañca // nānyatra
maithu-nyānmaithunasya niḥsaraṇaṃ paryeṣate / maithunprahāṇen-opekṣako bhavati
/ utpannaṃ ca maithunarogamadhivāsayati / maithunapratipakṣeṇa ca dharmeṇottrasyati
/ abhīkṣṇaṃ ca dvayadvayaṃ samāpadyate //ˮ As, p. 107.
21 ‘Hai
với hai luôn luôn gặp nhau’- 二二數會 (nhị nhị sổ hội), bản Đại Chánh tạng chép là三二數貪 (tam
nhị sổ tham), nay căn cứ vào Đại thừa A-tỳ-đạt-ma
Tạp tập luận để cải chính.
(xlvi) Cf.: “tatra
parameṇa brahmacaryeṇa samanvāgata iti lokottareṇa mārgeṇetyarthaḥ / nānyatra
maithunānmaithunasya niḥsaraṇaṃ paryeṣata iti tasyaiva yathābhūta parijñānena
tat-prahāṇāt / yathbhūtaparijñānaṃ punarasya tathatāpratibedhād-veditavyam /
maithunaprahāṇenopekṣako bhavati, abrahmacarya-prahāṇopekṣaṇāt / utpannaṃ ca
maithunarāgamadhivāsayati, kāmarāgasyādhyātmamutpannasya bahiḥpravāsanāt /
maithuna-pratipakṣeṇa ca dharmeṇottrasyati tatpratipakṣeṇa mārgeṇa
sarva-sattvottaraṇāya vyavasyatīti kṛtvā / abhīkṣṇaṃ ca dvayadvayaṃ samāpadyate
saṃkleśavyavada nadvayena phalahetubhedena catuḥsatyātmak-ena
[śamathavipaśyanādvayena] punaḥpunar-laukikalokottaramārgadvayaṃ samāpadyata
iti kṛtvā // Asbh, p. 156.
22 Đại thừa A-tỳ-đạt-ma Tạp tập luận 16, T.
31, tr. 773c.
(i) Cf.: “།ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་ཆོས་འཆད་པར་འདོད་པས་མདོར་བསྡུ་ན་རྣམ་པ་གསུམ་གྱིས་བཤད་པར་བྱ་སྟེ། རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་བསྟན་པ་དང་། རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བའི་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་མཚན་ཉིད་བསྟན་པ་དང་། བཤད་ཟིན་པའི་དོན་བསྟན་པས་བཤད་པར་བྱའོ།…
།བཤད་ཟིན་པ་དོན་བཤད་པ་གང་ཞེ་ན། འདི་ལྟ་སྟེ།
ཚིག་སྔར་བཤད་ཟིན་པའི་ཚིག་ལྷག་མ་རྣམས་ཀྱིས་དེ་ཡོན་ཏན་གྱི་དབང་དུ་བྱ་བའམ།
དོན་གྱི་དབང་དུ་་བྱ་བས་རྣམ་པར་ཕྱེ་སྟེ་བསྟན་པའོ།
།ˮ Mys, pp. 50-51.
(ii) Cf.:
“utpādād vā tathāgatānām anutpādād vā sthitā eveyaṃ dharmatā dharmasthitaye
dhātuḥ |… iti yātra dharmatā dharma-sthititā dharmaniyāmatā dharmayathātathā
avitathatā ananyathā bhūtaṃ satyatā tattvatā yāthātathā aviparītatā
aviparyastatā idaṃ-pratyayatā pratītyasamutpādānulomatā ayam ucyate
pratītyasam-utpādaḥ |” NidSa 14.5-6 “Vì sự xuất hiện hay không xuất hiện của
Như lai thì sự trụ này chính là pháp tánh, là sự trụ của pháp, là giới ấy… Ở
đây, nó là pháp tánh, là sự trụ của pháp, là tánh xác định của pháp, là tánh
như thật của pháp, là tánh chẳng hư vọng, là tánh chẳng biến đổi, là tánh chân
thật, là tánh chân đế, là tánh như như, là tánh như thật, là tánh chẳng sai lầm,
là tánh chẳng điên đảo, là tánh y vào duyên này, là tánh tùy thuận duyên khởi.
Đây được gọi là duyên khởi.” Luận Câu-xá dẫn, Cf.: “utpādādvā
tathāgatānāmanutpādādvā tathāgatānāṃ sthitaiveyaṃ dharmateti vacanāt /” Yasomitra giải thích: “utpādād vā
tathāgatānām-anutpādād vā tathāgatānāṃ sthitaiveyaṃ dharmatā dharmasthititā
dharmaniyāmatā tathatā avitathatā ananyatathatā bhūtatā satyatā tattvam
aviparītatāviparyastatety evamādi bhagavanmaitreya-vacanaṃ.” Akbh, p. 357. “Bởi
kinh đã nói rằng: ‘Vì sự xuất hiện của chư Như lai hay vì sự không xuất hiện của
chư Như lai, pháp tánh này vẫn [thường] trụ.’” Yasomitra giải thích: “Đức
Thế tôn bảo Di-lặc rằng: ‘Vì sự xuất hiện của chư Như lai hay vì sự
không xuất hiện của chư Như lai, pháp tánh này vẫn [thường] trụ, tánh trụ,
tánh quyết định, tánh như, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng thay đổi, tánh chân
thật, tánh chân lý, tánh như như, tánh chẳng sai lầm, tánh chẳng điên đảo,
v.v.’” “utpādādvā tathāgatānām-anutpādādvā sthitaiveṣā dharmāṇāṃ dharmatā
yāvadyaiṣā dharmatā dharmasthititā dharmaniyāmatā pratītyasamutpāda-samatā
tathatā aviparītatathatā ananyatathatā bhūtatā satyatā aviparītatā aviparyayatā
iti ||” Sst, p. 101. “Vì sự xuất hiện hay không xuất hiện của chư Như
lai thì sự trụ này là pháp tánh của các pháp, theo đó, pháp tánh này là tánh trụ
của pháp, là tánh quyết định của pháp, là tánh bình đẳng của duyên khởi, là
chân như, là chân như chẳng sai lầm, là chân như chẳng thay đổi, là tánh chân
thật, là tánh chân lý, tánh chẳng sai lầm, tánh chẳng điên đảo.”
(iii) Cf.:
“ཁམས་ཀྱི་དོན་གང་ཞེ་ན། སྨྲས་པ། ཁམས་ཀྱི་དོན་ནི་རྒྱུའི་དོན་དང་ས་བོན་གྱི་དོན་དང་རང་བཞིན་གྱི་དོན་དང་རིགས་ཀྱི་དོན་དང་ཆ་ཕྲ་བའི་དོན་དང་གཞིའི་དོན་ཏོ།” Ycbh-T, vol. 74, p. 188. “Nghĩa
của giới là gì? Đáp: Nghĩa của giới là nghĩa của [cái làm] nhân, và nghĩa của
chủng tử, và nghĩa của bổn tánh, và nghĩa của chủng tộc, và nghĩa của cái vi tế,
và nghĩa của trú xứ.” “dhātvarthaḥ katamaḥ /
sarvadharmabījārthaḥ / svalakṣaṇa-dhāra-ṇārthaḥ / kāryakāraṇabhāvadhāraṇārthaḥ
/ sarvaprakāradharma-saṃgrahadhāraṇārthañca /” As, p. 15. “Nghĩa của giới là
gì? Là nghĩa chủng tử của tất cả pháp, là nghĩa duy trì đặc tính của chính nó,
là nghĩa duy trì sự tồn tại của tác nhân và kết quả, và nghĩa duy trì và nắm giữ
phẩm loại của tất cả pháp.” “jāti-vācako ’yaṃ dhātuśabda ity apare.” Akbh,
p. 48. “Có thuyết khác cho rằng: từ ‘dhātu’ này có nghĩa là jāti [huyết thống,
gia tộc, chủng tộc].”
1 Tương ưng bộ, (12) Nhân duyên tương ưng,
Nam truyền 12, tr. 36.
(iv) Cf.:
‘‘Tatra kho, bhikkhave, sutavā ariyasāvako paṭiccasam-uppādaññeva sādhukaṃ
yoniso manasi karoti – ‘iti imasmiṃ sati idaṃ hoti, imassuppādā idaṃ uppajjati;
imasmiṃ asati idaṃ na hoti, imassa nirodhā idaṃ nirujjhati, yadidaṃ –
avijjāpaccayā saṅkhārā; saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ…pe… evametassa kevala-ssa
dukkhakkhandhassa samudayo hoti. Avijjāya tveva asesavi-rāganirodhā saṅkhāranirodho;
saṅkhāranirodhā viññāṇanirodho …pe… evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa
nirodho hotī ’’’ ti. S.2.1.4, p. 66. “Ở
đây, thật vậy, này các tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử đa văn thực hiện sự suy nghĩ
khéo léo và đúng như lý đối với duyên khởi như
thế này: ‘rằng, trong khi cái này [idaṃ] có mặt [sati] thì cái này hình thành
[hoti], từ sự đã sanh khởi [uppādā] của cái này mà cái này phát sanh
[uppajjati]; trong khi cái này không có mặt [asati] thì cái này không hình
thành [na hoti], từ sự đã diệt [nirodhā] của cái này mà cái này diệt
[nir-ujjhati], nghĩa là – từ sự vô minh làm
duyên nên hình thành các hành; từ sự hành làm duyên nên hình thành nên thức…
cho đến… như vậy, có sự sanh khởi của toàn bộ khối khổ này. Nhưng, chính vì sự
diệt của vô minh, ly tham hoàn toàn nên hành diệt; từ sự diệt của hành nên thức
diệt… cho đến… như vậy, có sự diệt của toàn bộ khối khổ này.”
(v) Cf.: “ཆོས་རྣམས་བརྗོད་པའི་བག་ཆགས་ལས་བྱུང་སྟེ་དེ་དག་ཉིད་ལས་དེ་ཞེས་ཇི་སྐད་གསུངས་པ་ལྟ་བུ་སྟེ། རྣམ་པར་སྨིན་པ་དང་འཇུག་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་དག་ཕན་ཚུན་དུ་རྐྱེན་དུ་གྱུར་པས་འབྱུང་བའི་ཕྱིར་རོ།ˮ Mys, p. 51.
2 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T.
31, tr. 141b.
(vi) Danh ngôn
tập khí, abhilāpanavāsanā. Cf.: “མངོན་པར་བརྗོད་པའི་བག་ཆགས་ཀྱི་བྱེ་བྲག་ˮ Mys, p. 27.
(vii) Cf.: “མདོར་བསྡུ་ན་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནི་རྣམ་པ་གཉིས་ཏེ། ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་དང་། འཇུག་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པའོ།། དེ་ལ་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནི་གནས་ཡིན་ན་ནོ། །འཇུག་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནི་གནས་པ་ཡིན་ཏེ། དེ་ཡང་རྣམ་པ་བདུན་ཏེ། མིག་གི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནས༑ ཡིད་དང་ཡིད་ཀྱི་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་བར་ཏེ། ཆུའི་ཆུ་བོ་དང་རླབས་ལྟ་བུའམ། མེ་ལོང་དང་གཟུགས་བརྙན་ལྟ་བུ་ཡིན་ནོ།ˮ Ycbh-T, vol. 74, p. 440.
(viii) Cf.: “།མདོ་སྡེ་པ་ཁ་ཅིག་ཇི་ལྟར་འདོད་ཅེ་ན།...སེམས་ནི་རྣམ་པ་གཉིས་ཏེ། དེ་ལ་ག་ཅིག་ནི་དེའི་ས་བོན་རྣམས་བསགས་པ་ཡིན་ནོ༑ །གཉིས་པ་ནི་དེའི་དམིགས་པ་དང་། རྣམ་པ་དང་། བྱེ་བྲག་ཐ་དད་པ་དག་གིས་སྣ་ཚོགས་པ་ཡིན་ནོ།… །རྣམ་པར་སྨིན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ས་བོན་རྣམ་པ་སྣ་ཚོགས་ཁོང་ན་ཡོད་པ་དེ་ཉིད་ལ།…༐གནས་བརྟན་རྟ་སྐད་ཀྱིས། སེམས་འདི་ས་བོན་མཐའ་ཡས་པ་དང་ལྡན་པ་རྒྱུན་གྱིས་འཇུག་འགྱུར་ཞིང་། །སེམས་ལ་རང་རྐྱེན་བྱུང་ན་དེ་དང་དེ་ཡི་ས་བོན་བརྟས་པར་འགྱུར། །དེ་ལྟས་རིམ་གྱིས་འཇུག་པ་རྙེད་ན་དུས་སུ་འབྲས་བུ་འབྱིན་པ་འགྲུབ༑ˮ Ks, pp. 371-372.
(ix) Cf.: “།བློ་གྲོས་ཡངས་པ་དེ་བཞིན་དུ་ཆུ་ཀླུང་ལྟ་བུ་དང་། མེ་ལོང་ལྟ་བུའི་ལེན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་…ˮ
Snm, p. 30. “Này Viśālamati! Thức ādāna giống như
giòng sông (nadī) và giống như cái gương soi (ādarśa)…ˮ
(x) Cf.: “།དེ་ཉིད་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་དགོངས་པ་ངེས་པར་འགྲེལ་བ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ་ལས། ལེན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཟབ་ཅིང་ཕྲ། །ས་བོན་ཐམས་ཅད་ཆུ་བོ་བཞིན་དུ་འབབ། །བདག་ཏུ་རྟོག་པར་གྱུར་ན་མི་རུང་ཞེས༑ །བྱིས་པ་རྣམས་ལ་ངས་ནི་དེ་མ་བསྟན། །ཞེས་གསུངས་སོ། །དེ་ཡང་ཡང་སྲིད་པར་ཉིང་མཚམས་སྦྱོར་བར་བྱེད་པ་དག་ན་ལུས་ཉེ་བར་ལེན་པའི་ཕྱིར་ལེན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་བྱའོ། །ཆོས་ཐམས་ཅད་ཀྱི་ས་བོན་གྱི་གཞིར་གྱུར་པའི་ཕྱིར་ཀུན་གཞིའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་བྱའོ། །ཚེ་རབས་སྔ་མའི་ལས་ཀྱི་རྣམ་པར་སྨིན་པ་ཡིན་པའི་ཕྱིར་རྣམ་པར་སྨིན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་བྱའོ།ˮ Ks, p. 373.
(xi) Cf.: “ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་ཀྱང་བྱ་སྟེ། འདི་ལྟར་དེ་ལུས་འདི་ལ་གྲུབ་པ་དང་བདེ་བ་གཅིག་པའི་དོན་གྱིས་ཀུན་ ཏུ་སྦྱོར་བ་དང་རབ་ཏུ་སྦྱོར་བར་བྱེད་པའི་ཕྱིར་རོ།” Snm, p. 28. “Cũng được gọi là thức a-lại-da. Như vậy, vì
nó tồn tại trong thân này và kết hợp hoàn toàn bằng nghĩa của sự an lạc đồng nhất,
sự an lạc được kết hợp
thù thắng.”
(xii) Cf.: “བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཆོས་མངོན་པའི་མདོ་ལས་ཚིགས་སུ་བཅད་དེ། ཐོག་མ་མེད་པའི་དུས་ཀྱི་དབྱིངས༑ །ཆོས་རྣམས་ཀུན་གྱི་གནས་ཡིན་ཏེ། །དེ་ཡོད་པས་ན་འགྲོ་ཀུན་དང་། །མྱ་ངན་འདས་པའང་འཐོབ་པར་འགྱུར།ˮ Mys, p. 6-7. “anādikāliko dhātuḥ
sarvadharmasamāśrayaḥ / tasmin sati
gatiḥ sarvā nirvāṇādhigamo 'pi ca //ˮ Rgv, p. 72.
3 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. thượng, T.
31, tr. 133b.
(xiii) Cf.:
“།མདོར་བསྡུ་ན་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་ནི་འདི་གཉིས་ཏེ། ངོ་བོ་ཉིད་རྣམ་པར་འབྱེད་པ་ཅན་དང་། སྡུག་པ་དང་མི་སྡུག་པ་རྣམ་པར་འབྱེད་པ་ཅན་ན་ནོ། །དེ་ལ་གང་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ལ་བརྟེན་ནས་ཆོས་རྣམས་འབྱུང་བ་དེ་ནི་ངོ་བོ་ཉིད་རྣམ་པར་འབྱེད་པ་ཅན་ཏེ། ངོ་བོ་ཉིད་སྣ་ཚོགས་རྣམ་པར་འབྱེད་པའི་རྐྱེན་གྱི་དངོས་པོར་འགྱུར་བའི་ཕྱིར་ར་རོ། །རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བའི་ཡན་ལག་བཅུ་གཉིས་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་སྡུག་པ་དང་མི་སྡུག་པ་རྣམ་པར་འབྱེད་པ་ཅན་ཏེ། བདེ་འགྲོ་དང་ངན་འགྲོ་ད་ག་ཏུ་སྡུག་པ་དང་མི་སྡུག་པའི་ལུས་རྣམ་པར་དབྱེ་བ་སྣ་ཚོགས་ཀྱི་རྐྱེན་གྱི་དངོས་པོར་འགྱུར་བའི་ཕྱིར་རོ།ˮ Mys, p. 15.
(xiv)
Cf.: “རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་རྒྱུ་ལས་རྒྱུ་དང་ལྡན་པ་འབྱུང་ཞེས་བྱ་བའི་ཐ་ཚིག་གོ། །ངོ་བོ་ཉིད་རྣམ་པར་འབྱེད་པ་ཅན་ཞེས་བྱ་བ་ལ་རང་གི་ངོ་བོ་ཉིད་ནི་ངོ་བོ་ཉིད་དོ། །རྣམ་པར་འབྱེད་པར་བྱེད་པ་ནི་རྣམ་པར་འབྱེད་པའོ།
།རྣམ་པར་འབྱེད་པར་ནུས་པ་འམ། རྣམ་པར་འབྱེད་པར་དགོས་པ་ནི་རྣམ་པར་འབྱེད་པ་ཅན་ཏེ། ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པས་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པའི་ཆོས་ཀྱི་རང་བཞིན་སྐྱེ་བ་ཅན་ཐམས་ཅད་རྣམ་པར་འབྱེད་པར་བྱེད་པའི་ཕྱིར་རོ། །སྡུག་པ་དང་མི་སྡུག་པ་རྣམ་པར་འབྱེད་པ་ཅན་ཞེས་བྱ་བ་ནི་བདེ་འགྲོ་དང་ངན་འགྲོ་དང་། འདོད་པ་དང་། མི་འདོད་པའི་ལུས་སྣ་ཚོགས་འགྲུབ་པ་ལ་གཙོ་བོའི་རྐྱེན་གྱིས་རབ་ཏུ་ཕྱེ་བའི་མ་རིག་པ་ལ་སོགས་པའི་ཡན་ལག་བཅུ་གཉིས་དང་།
ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ལས་འདུ་བྱེད་ལ་སོགས་པ་འབྱུང་བ་ན་མ་རིག་པ་ལ་སོགས་པའི་དབང་གིས་བསོད་ནམས་དང་། བསོད་ནམས་མ་ཡིན་པ་དང་།
མི་གཡོ་བ་ཐ་དད་པའི་ཕྱིར་རོ།ˮ
Msu, pp. 537-538.
4 Thành Duy thức luận 3, 4, T. 31, tr.
14a-19a.
(xv) Cf.: “cittaṃ katamat? Yatsarvabījopagatamāśrayabhāvopa-gatamāśrayabhāvaniṣṭhamupādātṛvipākasaṃgṛhītamālayavijñān-aṃ.”
Ycbh, p. 11. “Tâm là gì: nó là tạng thức cung cấp
tất cả hạt giống, cung cấp sở y, tùy thuộc sở y, và bao hàm dị thục của kẻ chấp
thủ.” “།སེམས་གང་ཞེ་ན། ས་བོན་ཐམས་ཅད་དང་ལྡན་པ་དང་། གནས་ཀྱི་དངོས་པོར་གྱུར་པ་དང་། གནས་ཀྱི་དངོས་པོར་གནས་པ་དང་། ལེན་པར་བྱེད་པ་རྣམ་པར་སྨིན་པར་བསྡུས་པ་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་གང་ཡིན་པའོ།” Ycbh-T, vol. 72, pp. 680-681. “Tâm là gì? Tâm là thứ có đầy đủ tất cả chủng tử, hình thành [གྱུར་པ -sanh, khởi, hình thành, Skt. bhūta] sự thể của cái y
chỉ, là chỗ y chỉ đối với sự thể của cái y chỉ, là thứ nắm lấy tập hợp dị thục,
là thức a-lại-da.” Cf.: “tatra cittaṃ katamat / skandhadhātvāyatanavāsanāparibhāvitaṃ sarva-bījakam
ālayavijñānaṃ vipākavijñānam ādānavijñānam api tat / tatvāsanācitatām
upādāya. //” As, pp. 11-12. “Ở đây, tâm là gì? Nó là tạng thức, là dị thục thức, cũng là chấp trì
thức, được huân tập bởi tập khí của uẩn, giới, xứ, và có tất cả hạt giống, vì nó tích lũy các tập
khí.”
5 Du-già sư địa luận 1, T. 30, tr. 280b.
6 Thành Duy thức luận thuật ký, q. 2 mạt,
T. 43, tr. 304b-305c.
(xvi) Cf.:
“tatra gotraṃ katamat / samāsato gotraṃ dvividham / pra-kṛtisthaṃ samudānītañca
/ tatra prakṛtisthaṃ gotraṃ yadbodhi-sattvānāṃ ṣaḍāyatanaviśeṣaḥ / sa tādṛśaḥ
paraṃparāgato 'nādikā-liko dharmatāpratilabdhaḥ / tatra samudānītaṃ gotraṃ
yatpūrva-kuśalamūlābhyāsātpratilabdham /” Bbh, p. 2. “Ở đây, chủng tánh là gì? Nói tổng quát thì có hai loại: có sẵn nơi bổn
tánh và do tích tập. Ở đây, chủng tánh có sẵn nơi bổn tánh là sáu nơi sai biệt
của các Bồ-tát ấy. Nó là như vậy, chuyển vận lần lượt từ vô thỉ đến nay, nó đạt
được do pháp tánh. Ở đây, chủng tánh do tích tập là đạt được do đã tích tập các
thiện căn trước đây.”
(xvii) Cf.:
“tatpunargotraṃ bījamityapyucyate / dhātuḥ prakṛtirity-api /” Bbh, p. 2. “Lại nữa, chủng tánh ấy cũng được gọi là chủng
tử, cũng được gọi là giới, bổn tánh.”
7 Du-già sư địa luận 35, T. 30, tr. 478c.
(xviii) Cf.: “etena
caturvidhaṃ gotraṃ darśayati | prakṛtisthaṃ samudānītamāśrayasvabhāvamāśritasvabhāvaṃ
ca tadeva yathā-kramam |ˮ Msa, p. 12.
8 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận 1, T. 31, tr. 594b-c.
(xix) Cf.: “ཕྱི་རོལ་ས་བོན་མ་བཏབ་བམ། །ནང་གི་འདོད་པ་མ་ཡིན་ཏེ།ˮ Mys, p. 17. “Chủng tử bên
ngoài hoặc không được trồng [thiết lập], không phải là thừa nhận bên trong.ˮ
9 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. thượng, T.
31, tr. 135b.
(xx) Cf.: “འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པའི་སེམས་ནི་མ་འདྲེས་པ་སྟེ། དེ་བས་ན་དེའི་བག་ཆགས་ནི་མེད་པ་ཉིད་དོ།ˮ Mys, p. 24. “Tâm
xuất thế thì không bị tạp loạn, vì vậy sự huân tập ấy không thể có [tồn tại] được.ˮ
10 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. thượng, T.
31, tr. 136c.
(xxi) Cf.:
“འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པའི་ཆོས་རྣམས་ནི་དེ་བཞིན་ཉིད་ལ་དམིགས་པའི་རྐྱེན་གྱི་ས་བོན་དང་ལྡན་པར་སྐྱེ་བའི་བག་ཆགས་བསགས་པའི་ས་བོན་དང་ལྡན་པ་ནི་མ་ཡིན་ནོ།” Ycbh-T, vol. 74, p. 63. “Những pháp xuất thế gian đều có chủng tử của
sở duyên duyên ở trong chân như, không phải là có chủng tử của sự hoàn thành
huân tập sanh ra.”
(xxii) Cf.: “ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་ཤིན་ཏུ་རྣམ་པར་དག་པའི་རྒྱུ་མཐུན་པ་ཐོས་པའི་བག་ཆགས་ས་བོན་ལས་དེ་འབྱུང་ངོ་།ˮ Mys, p. 24. “Nó
được sanh ra từ chủng tử huân tập của sự nghe đồng nhất với pháp giới tối thanh
tịnh.ˮ
(xxiii) Cf.: “།དེ་ནི་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་མ་ཡིན་གྱི། ཆོས་ཀྱི་སྐུ་དང་རྣམ་པར་གྲོལ་བའི་ལུས་སུ་བསྡུས་པ་སྟེ།ˮ Mys, p. 25. “Nó không phải là của thức a-lại-da, mà là được bao hàm trong pháp thân
và giải thoát thân.ˮ
11 Như
trên.
(xxxiv) Cf.: “།ས་བོན་རྣམ་པ་དྲུག་ཏུ་འདོད། །སྐད་ཅིག་པ་དང་ལྷན་ཅིག་བྱུང་། །དེ་ནི་རྒྱུན་ཆགས་འབྱུང་བར་འདོད། །ངེས་དང་རྐྱེན་ལ་ལྟོས་པ་དང་། །རང་གི་འབྲས་བུས་བསྒྲུབས་པ་འོ།ˮ Mys, p. 16.
12 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. thượng, T.
31, tr. 135a. Du-già sư địa luận 5,
T. 30, tr. 302b.
(xxxv) Cf.: “pratītyasamutpādaḥ
katamaḥ | yadutāsmin satīdaṃ bhavaty asyotpādād idam utpadyate |
yadutāvidyāpratyayāḥ saṃskārā yāvat samudayo bhavati |
avidyāpratyayāḥ saṃskārā ity utpādād vā
tathāgatānām anutpādād vā sthitā eveyaṃ dharmatā dharmasthitaye dhātuḥ | taṃ tathāgataḥ svayam abhijñāyābhi-saṃbuddhyākhyāti
prajñapayati prasthāpayati vibhajati vivaraty uttānīkaroti deśayati saṃprakāśayati
yadutāvidyāpratyayāḥ saṃskārāḥ |… pratītyasamutpannā dharmāḥ katame | avidyā saṃskārā
vijñānaṃ nāmarūpaṃ ṣaḍāyatanaṃ sparśo vedanā tṛṣṇā upādānaṃ bhavo jātir
jarāmaraṇaṃ | ima ucyante pratītyasam-utpannā dharmāḥ | yataś ca śrutavatāryaśrāvakeṇa pratītyasam-utpādaś ca
pratītyasamutpannāś ca dharmā yathābhūtaṃ samyakprajñayā sudṛṣṭā bhavanti |ˮ NidSa 14.2-8. “‘avijjāpaccayā,
bhikkhave, saṅkhārā’. Iti kho, bhikkhave, yā tatra tathatā avitathatā
anaññathatā idappaccayatā – ayaṃ vuccati, bhikkhave, paṭicca-samuppādo.
‘‘Katame ca, bhikkhave, paṭiccasamuppannā dhammā? Jarā-maraṇaṃ, bhikkhave,
aniccaṃ saṅkhataṃ paṭicca-samuppannaṃ khaya-dhammaṃ vayadhammaṃ virāga-dhammaṃ
nirodhadhammaṃ.” S.2.27. “'Do có duyên là vô minh, này
các tỳ-kheo, nên có các hành.' Vì vậy, này các tỳ-kheo, ở đây, nó là tánh như,
tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng khác với như, tánh nương tựa lẫn nhau - điều
này, này các tỳ-kheo, được gọi là duyên khởi [sự sanh khởi do tập hợp các
duyên]. Và, này các tỳ-kheo, thế nào là pháp duyên sanh? Già chết, này các tỳ-kheo,
là vô thường, hữu vi, được sanh do tập hợp các duyên, là pháp hữu hạn, là pháp
bại hoại, là pháp ly tham [không thể tham cầu được], là pháp tịch diệt.ˮ
(xxxvi) Cf.: “།འཇུག་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་མཚན་ཉིད་ཀྱི་ཆོས་དེ་དག་ནི་རྒྱུ་མཚན་དང་ལྟ་བ་དང་བཅས་པའི་རྣམ་པར་རིག་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་དོ། །དེ་དག་ཀྱང་གནས་ཀྱི་མཚན་ཉིད་དང་། ཀུན་བརྟགས་པའི་མཚན་ཉིད་ད་དང་། ཆོས་ཉིད་ཀྱི་མཚན་ཉིད་དོ། །འདིས་ནི་ངོ་བོ་ཉིད་གསུམ་གྱི་མཚན་ཉིད་བསྟན་པ་ཡིན་ཏེ། རྒྱུ་མཚན་ལྟ་དང་བཅས་པ་ལས། །དེ་དག་མཚན་ཉིད་གསུམ་ཤེས་བྱ། Mys, p. 51. “Những pháp tướng của chuyển thức ấy là tự
tánh của cái thức mà có tướng [nimitta – dấu hiệu], có nhìn thấy được. Chúng
cũng có cái đặc tướng [lakṣaṇa] của chỗ nương tựa, có cái đặc tướng của biến kế sở chấp, có cái
đặc tướng của pháp tánh [dharmatā]. Bởi vậy nên là thuyết về đặc tướng của 3 tự
tánh rằng: Cần phải biết rằng vì có tướng và thấy được, nên chúng có 3 đặc tướng.ˮ
(xxxvii)
Cf.: “kalpitaḥ paratantraś ca pariniṣpanna eva ca /
arthād abhūtakalpāc ca dvayābhāvāc ca deśitaḥ //ˮ Mvbh, p. 19.
13 Biện trung biên luận tụng, T. 31, tr.
477c.
(xxxviii) Cf.: “upalabdhiṃ samāśritya
nopalabdhiḥ prajāyate / nopalabdhiṃ samāśritya nopalabdhiḥ prajāyate // I.6 /
upalabdhes tataḥ siddhā nopalabdhisvabhāvatā / tasmāc ca samatā jñeyā
nopalambhopalambhayoḥ // I.7” Mvbh, p. 20. “Sau
khi y vào cảnh [sở đắc] thì cảnh không sanh khởi. Sau khi y vào không phải cảnh
thì cảnh không sanh khởi. Vì vậy, cảnh không thiết lập được tự tánh của cảnh,
do đó cần biết rằng cảnh và không phải cảnh đều như nhau.”
14 Đại sư
Thái Hư nói: “Pháp tướng phải
quy tông chỉ của mình về Duy thức’, tức là căn cứ vào văn nghĩa của luận này mà
nói.
(xxxix) Cf.: “དེས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་དེ་གང་ནས་ཀྱང་མ་བྱོན་པར་རབ་ཏུ་ཤེས་སོ། །བདག་གི་ལུས་ཀྱང་གང་དུ་ཡང་མ་སོང་བར་རབ་ཏུ་འདུ་ཤེས་ནས། དེ་འདི་སྙམ་དུ་ཁམས་གསུམ་པ་འདི་དག་ནི་སེམས་ཙམ་མོ། །དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན། འདི་ལྟར་བདག་ཇི་ལྟ་ཇི་ལྟར་རྣམ་པར་རྟོག་པ་དེ་ལྟ་དེ་ལྟར་སྣང་ངོ་། །སེམས་དེ་ནང་ན་ཡང་མེད་། ཕྱི་རོལ་ན་ཡང་མེད་། གཉི་ག་མེད་པར་ཡང་མི་དམིགས་ ཏེ། །གཞན་དུ་ན་དམིགས་པ་ལ་བརྟེན་ནས་སྐྱེའོ། །གང་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་བྱུང་བ་དེ་ནི་དངོས་པོ་མེད་པའོ། །གང་དངོས་པོ་མེད་པ་དེ་ནི་མ་སྐྱེས་པའོ། །གང་མ་སྐྱེས་པ་དེ་ནི་དམིགས་སུ་མེད་པའོ། །གང་དམིགས་སུ་མེད་པ་དེ་ནི་རང་བཞིན་སྟོང་པའོ། །གང་རང་བཞིན་སྟོང་པ་དེ་ནི་གདགས་སུ་མེད་པའོ། །གང་གདགས་སུ་མེད་པ་དེ་ནི་བལྟ་བའམ། རྣམ་པར་ཤེས་པའམ། ཆགས་པར་བྱ་ བའམ། བསྟན་པའམ། ཆུད་གཟན་པར་བྱ་བའམ། རབ་ཏུ་གཞག་པར་བྱ་བ་མི་ནུས་སོ། །དེ་ནས་དེའི་ཚེ་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཚིགས་སུ་བཅད་པ་འདི་དག་གསུངས་སོ། །སེམས་ཀྱིས་སངས་རྒྱས་བྱེད་པ་སྟེ། །སེམས་ཉིད་ཀྱིས་ཀྱང་མཐོང་བའོ༑ །སེམས་ཉིད་ང་ཡི་སངས་རྒྱས་ཏེ། །སེམས་ཉིད་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའོ༑ །སེམས་ཉིད་ང་ཡི་ལུས་ཡིན་ཏེ། །སངས་རྒྱས་སེམས་ཀྱིས་མཐོང་བའོ། །སེམས་ཉིད་ང་ཡི་བྱང་ཆུབ་སྟེ། །སེམས་ཉིད་རང་བཞིན་མེད་པའོ། །སེམས་ཀྱིས་སེམས་ནི་མི་ཤེས་ཤིང་། །སེམས་ཀྱིས་སེམས་ནི་མི་མཐོང་ངོ་། །སེམས་སུ་འདུ་ཤེས་མི་ཤེས་ཡིན། །སེམས་སུ་མི་ཤེས་མྱ་ངན་འདའ། །ཆོས་འདི་དག་ནི་སྙིང་པོ་མེད། །རློམ་སེམས་ལས་ནི་ཀུན་འབྱུང་སྟེ། །སྟོང་པ་ཉིད་ལས་གང་རློམ་པའི། །རློམ་སེམས་དེ་འདིར་སྟོང་པ་ཡིན་།” Pbs, pp. 34-35. “[Bhadra-pala] tự suy nghĩ như vầy:
Ba cõi này chỉ là tâm [chúng tồn tại chỉ trong nhận thức của chúng ta]. Vì sao
vậy? Vì ta tư duy như thế nào thì nó biểu hiện ra như thế ấy. Trong tâm ấy hoàn
toàn không có cảnh, bên ngoài cũng hoàn toàn không có cảnh, cũng không có cảnh ở
cả hai [trong ngoài]. Nói cách khác, tâm khởi nhờ duyên vào cảnh, mà cái gì
sanh ra nhờ duyên thì cái đó không có thật, cái gì không có thật thì cái đó
không sanh, cái gì không sanh thì cái đó không có trong cảnh, cái gì không có
trong cảnh thì cái đó có tự tánh là không, cái gì có tự tánh là không thì cái
đó không có trong giả danh, cái nào không có trong giả danh thì cái đó hoặc là
kiến, hoặc là các thức, hoặc là sự tham ái, hoặc là ngôn thuyết, hoặc là sự vô
dụng, không phải là nơi y cứ.”
15 Ban-chu tam-muội kinh, T. 13, tr. 899b. Ban-chu tam-muội kinh, q. thượng, T. 13,
tr. 905c-906a. Đại phương đẳng Đại tập
kinh Hiền Hộ phần 2, T. 13, tr. 877b.
(xl) Cf.: “།བཅོམ་ལྡན་འདས་རྣམ་པར་ལྟ་བར་བགྱིད་པའི་ཏིང་ངེ་འཛིན་གྱི་སྤྱོད་ཡུལ་[གྱི་]གཟུགས་བརྙན་གང་ལགས་པ་དེ་ཅི་ལགས།
སེམས་དེ་དང་ཐ་དད་པ་ཞེས་བགྱིའམ༑ ཐ་དད་པ་མ་ལགས་ཞེས་བགྱི།
བྱམས་པ་ཐ་དད་པ་མ་ཡིན་ཞེས་བྱའོ༑ །ཅིའི་ཕྱིར་ཐ་དད་པ་ཡིན་ཞེ་ན།
གཟུགས་བརྙན་དེ་རྣམ་པར་རིག་པ་ཙམ་དུ་ཟད་པའི་ཕྱིར་ཏེ། བྱམས་པ་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནི་དམིགས་པ་རྣམ་པར་རིག་པ་ཙམ་གྱིས་རབ་ཏུ་ཕྱེ་བ་ཡིན་ནོ།
།ཞེས་ངས་བཤད་དོ།
།བཅོམ་ལྡན་འདས་ཏིང་ངེ་འཛིན་གྱི་སྤྱོད་ཡུལ་གཟུགས་བརྙན་དེ་གལ་ཏེ་གཟུགས་སེམས་དེ་ལས་ཐ་དད་པ་མ་ལགས་ན།
སེམས་དེ་ཉིད་ཀྱིས་སེམས་དེ་ཉིད་ལ་ཇི་ལྟར་རྟོག་པར་བགྱིད་ལགས། བཀའ་སྩལ་པ།
བྱམས་པ་དེ་ལ་ཆོས་གང་ཡང་ཆོས་གང་ལ་ཡང་རྟོག་པར་མི་བྱེད་མོད་ཀྱི།
འོན་ཀྱང་དེ་ལྟར་སྐྱེས་པའི་སེམས་གང་ཡིན་པ་དེ་དེ་ལྟར་སྣང་ངོ་།
།བྱམས་པ་འདི་ལྟ་སྟེ་དཔེར་ན།
གཟུགས་ལ་བརྟེན་ནས་མེ་ལོང་གི་དཀྱིལ་འཁོར་ཤིན་ཏུ་ཡོངས་སུ་དག་པ་ལ་གཟུགས་ཉིད་མཐོང་ཡང་གཟུགས་བརྙན་མཐོང་ངོ་སྙམ་དུ་སེམས་ཏེ།
དེ་ལ་གཟུགས་དེ་དང་། གཟུགས་བརྙན་སྣང་བ་དེ་དོན་ཐ་དད་པར་སྣང་ངོ་།
།དེ་བཞིན་དུ་དེ་ལྟར་སྐྱེས་པའི་སེམས་དེ་དང་། ཏིང་ངེ་འཛིན་གྱི་སྤྱོད་ཡུལ་གཟུགས་བརྙན་ཞེས་བྱ་བ་གང་ཡིན་པ་དེ་ཡང་དེ་ལས་དོན་གཞན་ཡིན་པ་ལྟ་བུར་སྣང་ངོ་།
།བཅོམ་ལྡན་འདས་སེམས་ཅན་རྣམས་ཀྱི་གཟུགས་ལ་སོགས་པར་སྣང་བ་སེམས་ཀྱི་གཟུགས་བརྙན་རང་བཞིན་དུ་གནས་པ་གང་ལགས་པ་དེ་ཡང་སེམས་དེ་དང་ཐ་དད་པ་མ་ལགས་ཞེས་བགྱིའམ༑
བཀའ་སྩལ་པ། བྱམས་པ་ཐ་དད་པ་མ་ཡིན་ཞེས་བྱ་སྟེ།
བྱིས་པ་ཕྱིན་ཅི་ལོག་གི་བློ་ཅན་རྣམས་ནི་གཟུགས་བརྙན་དེ་དག་ལ་རྣམ་པར་རིག་པ་ཙམ་དེ་ཉིད་ཡང་དག་པ་ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་མི་ཤེས་པས་ཕྱིན་ཅི་ལོག་ཏུ་སེམས་སོ།
།ˮ Snm, pp. 62-63. “Bạch đức Thế tôn! Cái ảnh tượng [pratibimba – hình tượng, ảnh tượng,
hình ảnh phản chiếu] thuộc phạm vi hoạt động [gocara] của định khi thực hiện
pháp quán ấy là khác với tâm hay không khác với tâm? Này Di-lặc! Phải khẳng định
rằng nó không khác. Tại sao khẳng định là không khác? Vì những ảnh tượng ấy hết
thảy đều ở trong phạm trù của thức [vijñaptimātra]. Này Di-lặc!
Ta đã nói rằng thức là cái phân biệt hoàn toàn sở duyên bằng phạm trù của thức.
Bạch đức Thế tôn! Nếu cái ảnh tượng thuộc phạm vi hoạt động của định ấy mà
không khác với cái tâm có sắc ấy thì làm sao chính tâm ấy nhận biết chính tâm ấy
được? Đức Thế tôn đáp: Này Di-lặc! Ở đây, mặc dầu cũng không pháp nào nhận biết
được chính pháp đó nhưng vào lúc tâm nào đó khởi thì pháp ấy hiện rõ ra. Này
Di-lặc! Ví như thấy được cái sắc hoàn toàn trong sáng ở trong cái kính tròn so
với cái sắc [bên ngoài], tâm cũng nhận biết được ảnh tượng ấy. Ở đây, sắc ấy và
cái ảnh tượng được biểu hiện ấy là khác nhau về đối tượng. Cũng giống như vậy,
cái tâm sanh khởi và cái được gọi là ảnh tượng thuộc phạm vi hoạt động của định
cũng biểu hiện khác nhau về đối tượng. Bạch đức Thế tôn! Các chúng sanh y vào bản
chất của ảnh tượng do sắc, v.v., biểu hiện nơi tâm, thì ảnh tượng đó cũng không
khác với tâm chăng? Đức Thế tôn đáp: Này Di-lặc! Phải khẳng định rằng nó không
khác. Những kẻ phàm phu điên đảo vì không biết đúng như sự thật về những ảnh tượng
ấy, bản chất cũng chỉ do thức, nên tâm điên đảo.ˮ
(xli) Bài kệ
này không tìm thấy trong bản Tib.
16 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. thượng, T.
31, tr. 137b.
17 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T.
31, tr. 139a.
18 Ban-chu tam-muội kinh, q. thượng, T. 13,
tr. 905a-b.
19 Giải
thâm mật kinh 3, T. 16, tr. 698b.
(xlii) Cf.: “བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཇི་སྐད་དུ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཆོས་བཞི་དང་ལྡན་ན་རྣམ་པར་རིག་པ་ཐམས་ཅད་ཀྱི་དོན་མེད་པ་ཁོང་དུ་ཆུད་པར་འགྱུར་ཏེ།ˮ Mys, pp. 35-37. “Đức Thế tôn đã thuyết rằng nếu vị Bồ-tát có được 4 pháp thì sẽ biết rõ
sự vô nghĩa của các thức.ˮ
20 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T.
31, tr. 139a. Nhiếp Đại thừa luận thích 4,
T. 31, tr. 402c.
(xliii)
Cf.: “དེ་ལ་གཞན་གྱི་དབང་གི་མཚན་ཉིད་གང་ཞེ་ན། གང་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་ས་བོན་ཅན་ཡང་དག་པ་མ་ཡིན་པ་ཀུན་རྟོག་པས་བསྡུས་པའི་རྣམ་པར་རིག་པའོ༑ˮ Mys, p. 30. “Ở đây, tướng y
tha khởi là gì? Cái có chủng tử của thức a-lại-da, được nắm giữ bởi cái thức
phân biệt không chân thật.ˮ
(xliv) Cf.:
“།དེ་ཡང་གང་ཞེ་ན།
ལུས་དང་ལུས་ཅན་དང་། ཟ་བ་པོའི་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། དེས་ཉེ་བར་སྤྱད་པར་བྱ་བའི་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། དེ་ལ་ཉེ་བར་སྤྱོད་པའི་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། དུས་ཀྱི་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། གྲངས་ཀྱི་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། ཡུལ་གྱི་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། ཐ་སྙད་ཀྱི་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། བདག་དང་གཞན་གྱི་བྱེ་བྲག་གི་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། བདེ་འགྲོ་དང་ངན་འགྲོ་དང་འཆི་འཕོ་དང་སྐྱེ་བའི་རྣམ་པར་རིག་པའོ།ˮ
Mys, pp. 30-31. “Đó là những gì? Thân
[kāya] và có thân [dehin], thức của kẻ ăn [bhoktṛ - ngã chấp bổ-đặc-già-la],
thức được thọ dụng [upabhoga] bởi nó [y tha khởi tướng], trong nó có thức của
kẻ thọ dụng [upacāra], thức thuộc thời gian [kāla], thức của toán số [saṃkhyā],
thức của xứ sở [deśa, viṣaya],
thức của ngôn ngữ [vyavahāra], thức phân biệt [bheda, viśeṣa] giữa mình [ātma] và kẻ khác [para], thức
của thiện thú [sugati] và ác thú [durgati] , tử [cyuti] và sanh [jāti].ˮ
(xlv) Cf.: “།ལུས་དང་། ལུས་ཅན་དང་། ཟ་བ་པོའི་རྣམ་པར་རིག་པ་ཞེས་བྱ་བ་དེ་ལ། ལུས་ནི་མིག་ལ་སོགས་པའི་ཁམས་ལྔའོ༑ །ལུས་ཅན་ནི་ཉོན་མོངས་པ་ཅན་གྱི་ཡིད་དོ། །ཟ་བ་པོ་ནི་ཡིད་ཀྱི་ཁམས་སོ། །དེས་ཉེ་བར་སྤྱད་པར་བྱ་བའི་རྣམ་པར་རིག་པ་ནི་ཕྱི་རོལ་གྱི་གཟུགས་ལ་སོགས་པའི་ཁམས་དྲུག་གོ། །དེ་ལ་ཉེ་བར་སྤྱོད་པའི་རྣམ་པར་རིག་པ་ནི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་དྲུག་གི་ཁམས་སོ། །དུས་ཀྱི་རྣམ་པར་རིག་པ་ནི་འཁོར་བའི་རྒྱུན་འཇུག་པ་རྣམ་པར་ཆད་པ་མེད་པ་ཉིད་དོ། །གྲངས་ཀྱི་རྣམ་པར་རིག་པ་ནི་བགྲང་བའོ། །ཡུལ་གྱི་རྣམ་པར་རིག་པ་ནི་སྣོད་ཀྱི་འཇིག་རྟེན་ནོ། །ཐ་སྙད་ཀྱི་རྣམ་པར་རིག་པ་ནི་མཐོང་བ་དང་། ཐོས་པ་དང་། ཤེས་པ་དང་། རྣམ་པར་ཤེས་པ་སྟེ། ཐ་སྙད་རྣམ་པ་བཞིའོ། །རེ་ཞིག་དེ་ལྟ་བུའི་རྣམ་པར་རིག་པ་དག་ནི་ཤེས་བྱའི་གནས་སུ་བསྟན་པ་ནི་མངོན་པར་བརྗོད་པའི་བག་ཆགས་ཀྱི་རྒྱུ་ཅན་ཡིན་ནོ། །བདག་དང་གཞན་གྱི་བྱེ་བྲག་གི་རྣམ་པར་རིག་པ་གང་ཡིན་པའི་བྱེ་བྲག་གི་རྟེན་ནི་བདག་ཏུ་ལྟ་བའི་བག་ཆགས་ཀྱི་རྒྱུ་ཅན་ནོ། །གང་བདེ་འགྲོ་དང་ངན་འགྲོ་དང་། འཆི་འཕོ་བ་དང་། སྐྱེ་བའི་རྣམ་པར་རིག་པ་སྟེ། འཁོར་བའི་འགྲོ་བ་སྣ་ཚོགས་དེ་ནི་སྲིད་པའི་ཡན་ལག་གི་བག་ཆགས་ཀྱི་ས་བོན་ཉེ་བར་ལེན་པ་ལས་བྱུང་ངོ་།ˮ Msbh, pp.
370-371.
21 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T.
31, tr. 138a, c.
(xlvi) Cf.: “གང་དུ་ཡང་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་རྣམ་པར་རིག་པ་ནི་དོན་གྱི་རྣམ་པར་རིག་པར་རྣམ་པར་འཇོག་པ་དེར་ཡང་དེ་ལས་གཞན་པའི་རྣམ་པར་རིག་པ་ཐམས་ཅད་ནི་དེའི་རྒྱུ་མཚན་གྱི་རྣམ་པར་རིག་པའོ། །ཡིད་ཀྱི་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་རྣམ་པར་རིག་པ་རྟེན་དང་བཅས་པ་ནི་དེའི་ལྟ་བ་ཡིན་པར་རིག་པར་བྱའོ། །རྣམ་པར་རིག་པ་རྒྱུ་མཚན་དུ་གྱུར་པ་དེ་དག་ཉིད་དེའི་ལྟ་བ་འབྱུང་བའི་རྒྱུ་མཚན་ཡིན་པའི་ཕྱིར་དོན་བཞིན་དུ་སྣང་བ་ན་དེ་འབྱུང་བའི་རྟེན་གྱི་བྱ་བ་བྱེད་དོ། །དེ་ལྟར་ན་རྣམ་པར་རིག་པ་འདི་དག་ནི་རྣམ་པར་རིག་པ་ཙམ་ཉིད་དུ་གནས་པ་ཡིན་ནོ།ˮ Mys, p. 36.
“Nếu thức của thức a-lại-da theo nơi chốn
là thiết đặt thức theo ý nghĩa thì tất cả những thức khác với nó là thức thuộc
tướng nhân [hetu, hoặc nimitta – đặc trưng]. Cần phải biết rằng thức của ý
(manas) thức và sở y là sự nhận thấy của
nó. Bởi là tướng nhân của sự phát sanh nhận thấy của những sanh khởi tướng nhân
của thức nên khi nghĩa như thế biểu hiện thì làm nên sự nương tựa cho sự phát
sanh ấy. Vào lúc như thế, các thức này là trụ vào chính duy thức.ˮ ‘Tợ nghĩa - དོན་གྱི་མཚན་ཉིད་དེ་གཏན་མེད་པ་ཉིད་དོ’ có tướng của đối tượng mà không thật sự
tồn tại; là những hình ảnh ấy không có thật chất, chỉ do thức biểu hiện.
22 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T.
31, tr. 138c.
(xlvii) Cf.: “svadhātuto
dvayābhāsāḥ sāvidyākleśavṛttayaḥ |… svadhātuta iti bhāvāṅgā [svabījā?]dālayavijñānataḥ | dvayābhāsā iti
grāhyagrāhakābhāsāḥ |ˮ Msa, p. 63.
(xlviii) Cf.: “trividhatrividhābhāso
grāhyagrāhakalakṣaṇaḥ | abhūta-parikalpo
hi paratantrasya lakṣaṇam || 11.40 || trividhas-trividhaścābhāso
'syeti trividhatrividhābhāsaḥ | tatra trividhābhā-saḥ padābhāso 'rthābhāso
dehābhāsaśca | punastrividhābhāso manaudgrahavikalpābhāsaḥ | mano yat kliṣṭaṃ
sarvadā | udgrahaḥ pañca vijñānakāyāḥ | vikalpo manovijñānam | tatra
prathamatri-[mastri-?] vidhābhāso grāhyalakṣaṇaḥ | dvitīyo grāhakalakṣaṇaḥ |
ityayamabhūtaparikalpaḥ paratantrasya lakṣaṇam |ˮ Msa, p. 65.
23 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận 3,
T. 31, tr. 613a; q. 5, tr. 613c-614a.
(xlix) Cf.: “pañcendriyaparāvṛttau
vibhutvaṃ labhyate param | sarv-ārthavṛttau sarveṣāṃ guṇadvādaśaśatodaye ||
9.41 || pañcendriya-parāvṛttau dvividhaṃ vibhutvaṃ paramaṃ labhyate | sarveṣāṃ
pañcānāmindriyāṇāṃ sarvapañcārthavṛttau | tatra pratyekaṃ dvā-daśaguṇaśatotpattau
| manaso 'pi parāvṛttau vibhutvaṃ labhyate param | vibhutvānucare jñāne
nirvikalpe sunirmale || 9.42 || mana-saḥ parāvṛttau vibhutvānucare nirvikalpe
suviśuddhe jñāne paramaṃ vibhutvaṃ labhyate | yena sahitaṃ sarvaṃ vibhutva-jñānaṃ
pravartate | sārthodgrahaparāvṛttau vibhutvaṃ labhyate param | kṣetraśuddhau
yathākāmaṃ bhogasaṃdarśanāya hi || 9.43 || arthaparāvṛttau udgrahaparāvṛttau ca
kṣetraviśuddhivibhutvaṃ paramaṃ labhyate yena yathākāmaṃ bhogasaṃdarśanaṃ
karoti | vikalpasya parāvṛttau vibhutvaṃ labhyate param | avyāghāte sadākālaṃ
sarveṣāṃ jñānakarmaṇām || 9.44 || vikalpaparāvṛttau sarveṣāṃ jñānānāṃ karmaṇāṃ
ca sarvakālamavyāghāte paramaṃ vibhutvaṃ labhyate | pratiṣṭhāyāḥ parāvṛttau
vibhutvaṃ labhyate param | apratiṣṭhitanirvāṇaṃ buddhānāmacale[male] pade ||
9.45 || pratiṣṭhāparāvṛttāvapratiṣṭhitanirvāṇaṃ paramaṃ vibhutvaṃ labhyate |
buddhānāmanāsravedhātau |ˮ Msa, pp. 43-44.
24 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận 3,
T. 31, tr. 605a.
(l) Cf.: “འདི་ལྟར་ལས་ནི་མདོར་བསྡུ་ན་རྣམ་པ་བཞི་སྟེ། སྣོད་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། གནས་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། བདག་གོ་སྙམ་དུ་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། ཡུལ་རྣམ་པར་རིག་པའོ། །དེ་ལྟར་རྣམ་པར་རིག་པ་དེ་དག་ཐམས་ཅད་ནི་སྐད་ཅིག་ལ་ཅིག་ཅར་འབྱུང་བར་སྣང་ལ།ˮ Ycbh-T,
vol. 74, p. 6. “Như vậy, nói tóm lược,
nghiệp có 4 loại: thức biết khí [bhājana – vật dụng, môi trường sống], thức biết
nơi an trú, thức biết tư duy về vị trí chính mình, thức biết nơi chốn. Cũng như
vậy, các thức ấy vận hành biểu hiện tất cả trong từng sát-na, sát-na.ˮ
25 Quyết định tạng luận, q. thượng, T. 30,
tr. 1019a.
(li) Cf.: “arthasatvātmavijñaptipratibhāsaṃ prajāyate
/ tatr-ārthapratibhāsaṃ yad rūpādibhāvena pratibhāsate / satvaprati-bhāsaṃ
yat pañcendriyatvena svaparasantānayor [/] ātmaprati-bhāsaṃ kliṣṭaṃ manaḥ /
ātmamohādisaṃprayogāt / vijñaptiprati-bhāsaṃ ṣaḍ vijñānāni /ˮ Mvbh 18-19.
26 Biện trung biên luận, q. thượng, T. 31,
tr. 464c. Bản dịch khác của nó là luận Trung
biên phân biệt luận, q. thượng, T. 31, tr. 451b, nói: “Trần, căn, ngã và thức; thức này sanh
tợ ra những thức ấy,ˮ
giải thích là từ thức chứa chủng tử sanh ra.
(lii) Cf.: “མདོར་བསྡུ་ན་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནི་དམིགས་པ་རྣམ་པ་གཉིས་ཀྱིས་འཇུག་སྟེ། ནང་གི་ལེན་པ་རྣམ་པར་རིག་པ་དང་། ཕྱི་རོལ་གྱི་སྣོད་རྣམ་པ་ཡོངས་སུ་མ་ཆད་པ་རྣམ་པར་རིག་པས་སོ། །དེ་ལ་ནང་གི་ལེན་པ་ནི་ཀུན་བརྟགས་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་ལ་མངོན་པར་ཞེན་པའི་བག་ཆགས་དང་རྟེན་དང་དབང་པོའི་གཟུགས་སོ།ˮ Ycbh-T,
vol. 74, p. 8.
(liii) Cf.:
“།དམིགས་པ་དེ་ནི་འཇིག་རྟེན་གྱི་མཁས་པ་རྣམས་ཀྱིས་ཀྱང་ཡོངས་སུ་གཅད་པར་དཀའ་བའི་ཕྱིར་ཕྲ་བ་ཡིན་ནོ།ˮ Ycbh-T, vol. 74, p. 9.
27 Quyết định tạng luận, q. thượng, T. 30,
tr. 1019a-b.
(liv) Cf.: “དེར་དང་པོར་འདི་ལྟར་ལེན་པ་རྣམ་པ་གཉིས་པོ་རྟེན་དང་བཅས་པའི་དབང་པོ་གཟུགས་ཅན་ལེན་པ་དང་། མཚན་མ་དང་མིང་དང་རྣམ་པར་རྟོག་པ་ལ་ཐ་སྙད་འདོགས་པའི་སྤྲོས་པའི་བག་ཆགས་ལེན་པ་ལ་རྟེན་ནས། ས་བོན་ཐམས་ཅད་པའི་སེམས་རྣམ་པར་སྨིན་ཅིང་འཇུག་ལ་རྒྱས་ཤིང་འཕེལ་བ་དང་ཡངས་པར་འགྱུར་རོ། །དེ་ལ་གཟུགས་ཅན་གྱི་ཁམས་ན་ནི་ལེན་པ་གཉི་ག་ཡོད་ལ། གཟུགས་ཅན་མ་ཡིན་པའི་ཁམས་ན་ནི་ལེན་པ་གཉིས་སུ་མེད་དོ།ˮ Snm, p. 28.
28 Giải thâm mật kinh 1, t. 16, tr. 692b.
(lv) Cf.: “svabhāvataścāśrayata
ālambanasahāyataḥ / karmataśca
pravṛttiḥ syāccerasaḥ
pañcabhirmukhaiḥ //ˮ Ycbh, p. 71. 助伴 -
trợ bạn, Skt. sahāyata,
sānucara
– thứ cùng đi theo.
29 Năm
nghĩa gồm tự tánh, v.v., như Du-già sư địa
luận 1, T. 31, tr. 279a, 280b đã nói.
(lvi) Đa văn
huân tập多聞熏習, Tib.
མང་དུ་ཐོས་པས་བསྒོས་པ་། (Mys, p. 56), Skt. bahu-śruta-vāsita/ vāsanā.
(lvii) Như lý tư duy如理思惟 / 如理作意, ཚུལ་བཞིན་ཡིད་ལ་བྱེད་པ་། (Mys, p. 23), Skt. yoniśo-manaskāra.
(lviii) Cf.: “sati
bhagavaṃstathāgarbhe saṃsāra iti parikalpamasya vacanāyeti / nirvāṇādhigamo 'pi
ceti.ˮ Rgv, p. 73.
(lix) Cf.:
“འདི་ནི་ཉེ་བར་ཞི་བའི་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ཞེས་བྱའོ། །གནོད་པ་མེད་པའི་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་གང་ཞེ་ན། ཕུང་ པོ་ཐམས་ཅད་དང་མི་ལྡན་པ་དང་། ཉོན་མོངས་པ་དང་། སྡུག་བསྔལ་འཇུག་པ་ཐམས་ཅད་དང་མི་མཐུན་པ་དང་། གནས་ཡོངས་ སུ་གྱུར་པས་ཕྱེ་བ་དང་། ཟག་པ་མེད་པའི་དབྱིངས་གང་ཡིན་པ་སྟེ།…” Ycbh-T, vol. 72, p. 1341. “Tại sao đây được gọi là niết-bàn tịch tĩnh,
niết-bàn không có tổn hại? Niết-bàn không tương ưng với các uẩn, phiền não,
không thuận theo sự chuyển vận của tất cả khổ, ly khai sự chuyển vận của tất cả
khổ bằng chuyển y, đó là giới vô lậu [anāsrava-dhātu]…”
30 Du-già sư địa luận 50, T. 30, tr. 577b.
(lx) Cf.: “།ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནི་འདུ་བྱེད་ཀྱི་རྣམ་པར་སྤྲོས་པར་བསྡུས་པ་དེ་དག་ཐམས་ཅད་ཀྱི་ཁམས་པ་ཡིན་པའི་
ཕྱིར། ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ལ་གཅིག་ཏུ་སྡུད་པ་དང་། གཅིག་ཏུ་སྤུངས་པ་དང་། གཅིག་ཏུ་སོགས་པར་བྱེད་དེ། གཅིག་ཏུ་བསགས་ནས་དེ་བཞིན་ཉིད་ལ་དམིགས་པའི་ཤེས་པས་ཀུན་ཏུ་བརྟེན་ཅིང་གོམས་པར་བྱས་པའི་རྒྱུས་གནས་འགྱུར་བར་བྱེད་དོ། །གནས་འགྱུར་མ་ཐག་ཏུ་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་སྤངས་པར་བརྗོད་པར་བྱ་སྟེ།” Ycbh-T, vol. 74, p. 18. “Vì thức a-lại-da tóm thâu hý luận của các
hành, nó là giới [dhātu] của tất cả chúng. Thức a-lại-da tóm thâu thành một khối,
thành một đống, một tụ. Sau khi tích lũy thành một, bằng trí có duyên vào chân
như, nhờ vào sự tu tập hoàn toàn thành thục, thực hiện chuyển y. Cần khẳng định
rằng sự chuyển y này không tách rời việc xả ly thức a-lại-da.”
31 Du-già sư địa luận 51, T. 30, tr. 581c;
và q. 80, tr. 748a-b.
(lxi) Cf.: “sarvakārajñatāvāptiḥ
sarvāvaraṇanirmalā | vivṛtā
ratna-peṭeva buddhatvaṃ samudāhṛtam || 9.2 ||ˮ Msa, p. 37.
(lxii) Cf.: “kleśajñeyavṛttīnāṃ
satatamanugataṃ bījamutkṛṣṭakālaṃ yasminnastaṃ prayātaṃ bhavati suvipulaiḥ
sarvahāniprakāraiḥ | buddhatvaṃ śukladharmapravaraguṇayutā ā[cā]śrayasyānyathāp-tis
tat prāptirnirvikalpādviṣayasumahato jñānamārgātsuśuddhāt || 9.12 ||” Msa, p.
39. “Khi chủng tử của phiền não chướng và
sở tri chướng đi theo lâu dài ấy bị phá hủy hoàn toàn bằng tất cả chủng loại tổn
giảm vô cùng rộng lớn, thì lúc ấy Phật tánh sẽ đạt được sở y khác nhờ đầy đủ phẩm
tính thù thắng của bạch pháp, đạt đến cảnh giới thù thắng của sự vô phân biệt bằng
đạo trí thanh tịnh hoàn toàn.”
(lxiii) Cf.:
“buddhatvaṃ śukladharmapravaraguṇayutāˮ Msa, p. 39. “Phật tánh [sẽ đạt được sở y khác nhờ] đầy đủ
phẩm tính thù thắng của bạch pháp
ˮ
(lxiv) Cf.: “anena
vipakṣabījaviyogataḥ pratipakṣasaṃpattiyogataśc-āśrayaparivṛttiḥ paridīpitā |
yathā ca tatprāptirdvividhamārga-lābhāt | suviśuddhalokottarajñānamārgalābhāt |
tatpṛṣṭhalabdh-ānantajñeyaviṣayajñānamārgalābhācca | utkṛṣṭakālamityanādi-kālaṃ
|ˮ Msa, p. 39.
32 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận 3,
T. 31, tr. 602c-603a.
33 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận 3,
T. 31, tr. 613a.
(lxv) Cf.: “padārthadehanirbhāsaparāvṛttiranāsravaḥ
| dhāturbīja-parāvṛtteḥ sa ca
sarvatragāśrayaḥ || 11.44 || caturdhā
vaśitāvṛter-manasaścodgrahasya ca | vikalpasyāvikalpe
hi kṣetre jñāne 'tha karmaṇi || 11.45 ||ˮ Msa, p. 66.
34 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận 5,
T. 31, tr. 614b.
(lxvi) Cf.:
“trividhaḥ kāyo buddhānām
| svābhāviko dharmakāya āśrayaparāvṛttilakṣaṇaḥ | sāṃbhogiko yena parṣanmaṇḍaleṣu
dharmasaṃbhogaṃ karoti | nairmāṇiko yena nirmāṇena sattv-ārthaṃ karoti |ˮ Msa, p. 47.
35 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận 3, T. 31, tr. 606a-b.
(lxvii) Cf.: “caturvidhaṃ buddhānāṃ
jñānamādarśajñānaṃ samatā-jñānaṃ pratyavekṣājñānaṃ kṛtyānuṣṭhānajñānaṃ ca |
ādarśa-jñānamacalaṃ trīṇī jñānāni tadāśritāni calāni |ˮ Msa, p. 48.
(lxviii)
Cf.: “།ཤིན་ཏུ་འདུས་མེ་ལོང་ལྟ་བུའི་ཡེ་ཤེས་ནི་འདི་ལྟ་སྟེ་དཔེར་ན༑ མེ་ལོང་གི་དཀྱིལ་འཁོར་ལ་རྟེན་ནས་གཟུགས་བརྙ་ན་དག་སྣང་ངོ་། །དེ་བཞིན་དུ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཀྱི་མེ་ལོང་ལྟ་བུའི་ཡེ་ཤེས་ཀྱི་དཀྱིལ་འཁོར་ལ་རྟེན་ནས་སྐྱེ་མཆེད་དང་དེའི་ཡུལ་ལ་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་གཟུགས་བརྙ་ན་དག་སྣང་ངོ་། །དེ་བས་ན་མེ་ལོང་གི་དཀྱིལ་འཁོར་དང་། མེ་ལོང་ལྟ་བུའི་ཡེ་ཤེས་ཀྱི་དཀྱིལ་འཁོར་མཉམ་པས་མཉམ་པ་སྟེ། དེས་ན་མེ་ལོང་ལྟ་བུའི་ཡེ་ཤེས་དེ་མེ་ལོང་ལྟ་བུའི་ཡེ་ཤེས་ཞེས་བྱའོ། །དེ་ལྟ་བས་ན་མེ་ལོང་གི་དཀྱིལ་འཁོར་ནི་དེའི་དཔེར་རིག་པར་བྱའོ།ˮ Bubh, p. 108.
(lxix) Cf.: “།ཤིན་ཏུ་འདུས་མཉམ་པ་ཉིད་ཀྱི་ཡེ་ཤེས་ནི་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་རྣམ་པ་བཅུ་ལས་རིག་པར་བྱ་སྟེ། མཚན་དང་། བདག་པོ་དང་། དགའ་བ་མཉམ་པ་ཉིད་ཁོང་དུ་ཆུད་པ་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་། རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་ཉམས་སུ་རྨྱོང་བ་མཉམ་པ་ཉིད་ཁོང་དུ་ཆུད་པ་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་༑ མཚན་ཉིད་དབེན་པ་མཚན་ཉིད་མེད་པར་མཉམ་པ་ཉིད་ཁོང་དུ་ཆུད་པའི་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་། ཡོངས་སུ་སྐྱོབ་པའི་རྣམ་པའི་བྱམས་པ་ཆེན་པོ་མཉམ་པ་ཉིད་ཁོང་དུ་ཆུད་པའི་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་། ཡལ་བར་མི་འདོར་བའི་རྣམ་པའི་སྙིང་རྗེ་ཆེན་པོ་མཉམ་པ་ཉིད་ཁོང་དུ་ཆུད་པའི་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་། སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ལ་མོས་པ་ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་དུ་གཟུགས་ཀྱི་ལུས་ཀུན་དུ་སྟོན་པ་མཉམ་པ་ཉིད་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་། སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ཀྱིས་གཟུང་བར་འོས་པའི་ཚིག་མཉམ་པ་ཉིད་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་། འཇིག་རྟེན་ཉེ་བར་ཞི་བ་དང་རོ་གཅིག་པ་མཉམ་པ་ཉིད་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་༑ འཇིག་རྟེན་གྱི་ཆོས་བདེ་བ་དང་སྡུག་བསྔལ་རོ་གཅིག་པ་མཉམ་པ་ཉིད་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་དང་། ཡོན་ཏན་ཤིན་ཏུ་བསྐྱེད་པ་མཉམ་པ་ཉིད་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པ་ལས་སོ།ˮ Bubh, pp. 112-113.
(lxx) “།ཤིན་ཏུ་འདུ་ས་སོ་སོར་རྟོག་པའི་ཡེ་ཤེས་ནི་འདི་ལྟ་སྟེ་དཔེར་ན། འཇིག་རྟེན་གྱི་ཁམས་ནི་སེམས་ཅན་གྱི་ཁམས་ཀྱི་གནས་ཡིན་ནོ། །དེ་བཞིན་དུ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཀྱི་སོ་སོར་རྟོག་པའི་ཡེ་ཤེས་ཀྱང་རྟིང་ངེ་འཛིན་དང་།གཟུངས་ཀྱི་སྒོ་དང་། སོ་སོ་ཡང་དག་པར་རིག་པ་དང་། སྤོབས་པ་དང་། བསྟན་པ་དང་། སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཀྱི་གནས་ཡིན་ནོ།ˮ Bubh, p. 113.
(lxxi) Cf.:
“།ཤིན་ཏུ་འདུས་བྱ་བ་སྒྲུབ་པའི་ཡེ་ཤེས་ནི་འདི་ལྟ་སྟེ་དཔེར་ན། སེམས་ཅན་རྣམས་ཀྱི་ལུས་ཀྱི་ལས་རྩོལ་བ་ལས་བྱུང་བ་དེས་སེམས་ཅན་རྣམས་ཞིང་ལས་དང་། ཚོང་བྱེད་པ་དང་། རྒྱལ་པོའི་ཞབས་འབྲིང་བྱེད་པ་ལ་སོགས་པས་ཡོངས་སུ་ཚོལ་བར་བྱེད་དོ། །དེ་བཞིན་དུ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཀྱི་བྱ་བ་སྒྲུབ་པའི་ཡེ་ཤེས་རྩོལ་བ་ལས་བྱུང་བ་ལུས་སྤྲུལ་པའི་ལས་དེས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་སེམས་ཅན་ལས་དང་བཟོའི་གནས་ཐམས་ཅད་ཀྱིས་རྒྱགས་ཤིང་དྲེགས་པ་རྣམས་ལ་ལས་དང་བཟོའི་གནས་ཐམས་ཅད་ཉེ་བར་བསྟན་ཏེ། ཟིལ་གྱིས་མནན་ནས་ཐབས་ལ་མཁས་པ་དེས་ཀྱང་སེམས་ཅན་རྣམས་བསྟན་པ་ལ་འདུན་པར་བྱེད་། ཡོངས་སུ་སྨིན་པར་བྱེད། རྣམ་པར་གྲོལ་བར་བྱེད་དོ།ˮ Bubh, p. 115.
36 Đại
thừa trang nghiêm kinh luận 3,
T. 31, tr. 606b-607b.
(lxxii) Cf.: “དེ་ལ་རེ་ཞིག་ཐོག་མ་ཁོ་ནར་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནི་ཤེས་བྱའི་གནས་སོ་ཞེས་བརྗོད་པ་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་བསྟན་པས༑ˮ Mys, p. 6. “Ở đây, trước hết
nói về thức a-lại-da – là cái thức mà đức Thế tôn đã nói rằng thức a-lại-da là
nơi nương tựa của đối tượng được biết [sở tri].ˮ
(lxxiii) Cf.:
ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་ཤིན་ཏུ་རྣམ་པར་དག་པའི་རྒྱུ་མཐུན་པ་ཐོས་པའི་བག་ཆགས་ས་བོན་ལས་དེ་འབྱུང་ངོ་།ˮ Mys, p. 24. “Nó được sanh ra từ chủng
tử huân tập của sự nghe đồng nhất với pháp giới tối thanh tịnh.ˮ
(lxxiv) Cf.: “དེ་ལྷན་ཅིག་འདུག་པའི་ཚུལ་གྱིས་ནམ་པར་སྨིན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ལ་འཇུག་སྟེ། འོ་མ་དང་ཆུ་བཞིན་ནོ། །དེ་ནི་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་མ་ཡིན་ཏེ། དེའི་གཉེན་པོའི་ས་བོན་ཉིད་ཡིན་པའི་ཕྱིར་རོ... །དེ་ནི་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་མ་ཡིན་གྱི། ཆོས་ཀྱི་སྐུ་དང་རྣམ་་པར་གྲོལ་བའི་ལུས་སུ་བསྡུས་པ་སྟེ།ˮ Mys, p.
24-25. “Đi
vào trong thức dị thục bằng cách cùng trụ với nó, giống như nước với sữa. Nó
không phải là thức a-lại-da, vì nó là chủng tử thuộc sự đối trị của thức a-lại-da…
Nó không phải là thuộc thức a-lại-da, mà được nắm giữ trong thân pháp thân và
thân giải thoát.ˮ
(lxxv) Cf.: “ཆུང་ངུ་དང་འབྲིང་པོ་དང་ཆེན་པོ་ཇི་ལྟ་ཇི་ལྟ་བུར་རིམ་གྱིས་འཕེལ་བ་དེ་ལྟ་དེ་ལྟ་བུར་རྣམ་པར་སྨིན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཡང་འབྲི་ཞིང་གནས་ཀྱང་འགྱུར་རོ། །གནས་རྣམ་པ་ཐམས་ཅད་དུ་གྱུར་ན་རྣམ་པར་སྨིན་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ས་བོན་ཐམས་ཅད་པ་ཡང་ས་བོན་མེད་པར་གྱུར་པ་དང་རྣམ་པ་ཐམས་ཅད་དུ་སྤངས་པ་ཡང་ཡིན་ནོ།ˮ Mys, p. 25.
37 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. thượng, T.
31, tr. 136c.
(lxxvi) Cf.: “།གནས་ནི་དེ་ཉིད་གཉི་གའི་ཆར་གཏོགས་པ་སྟེ། གཞན་གྱི་དབང་གི་ངོ་བོ་ཉིད་དོ། །གཞན་གྱུར་པ་ནི་གང་གཞན་གྱི་དབང་གི་ངོ་བོ་ཉིད་དེ་ཉིད་ཀྱི་གཉེན་པོ་སྐྱེས་ན་གང་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པའི་ཆ་ལྡོག་ཅིང་རྣམ་པར་བྱང་བའི་ཆར་གྱུར་པའོ།ˮ Mys, p. 89.
38 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. hạ, T. 31,
tr. 148c.
(lxxvii) Cf.:
“དེ་ལ་ངོ་བོ་ཉིད་ཀྱི་སྐུ་ནི་གང་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཀྱི་ཆོས་ཀྱི་སྐུ་སྟེ། ཐམས་ཅད་ལ་དབང་སྒྱུར་བའི་གནས་ཡིན་པའི་ཕྱིར་རོ།ˮ Mys, p. 91.
(lxxviii) Cf.: “གནས་གྱུར་པའི་མཚན་ཉིད་ནི་སྒྲིབ་པ་ཐམས་ཅད་པ་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པའི་ཆར་གཏོགས་པའི་གཞན་གྱི་དབང་གི་ངོ་བོ་ཉིད་རྣམ་པར་ལོག་ན་སྒྲིབ་པ་ཐམས་ཅད་ལས་རྣམ་པར་གྲོལ་ཞིང་ཆོས་ཐམས་ཅད་ལ་དབང་སྒྱུར་བ་ཉེ་བར་གནས་པ་རྣམ་པར་བྱང་བའི་ཆར་གཏོགས་པ་གཞན་གྱི་དབང་གི་ངོ་བོ་ཉིད་དུ་གྱུར་པའི་ཕྱིར་རོ།ˮ Mys, p. 92.
(lxxix) Cf.: “རྣམ་པར་ཤེས་པའི་ཕུང་པོ་གནས་གྱུར་པའི་ཕྱིར། མེ་ལོང་ལྟ་བུ་དང་། མཉམ་པ་ཉིད་དང་། སོ་སོར་རྟོག་པ་དང་། བྱ་བ་སྒྲུབ་པའི་ཡེ་ཤེས་ལ་དབང་འབྱོར་པས་དབང་འབྱོར་པ་འཐོབ་བོ།ˮ Mys, p. 94. “Vì chuyển y được thức uẩn nên đắc được sự tự
tại ở trong trí đại viên kính, trí bình đẳng, trí diệu quán sát, trí thành sở
tác.ˮ
(lxxx) Cf.: “སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཆོས་རྣམ་པར་དག་པས་ནི་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པར་གྱུར་ནས་ཆོས་ཀྱི་སྐུ་ཐོབ་པའི་ཕྱིར་རོ།ˮ Mys, p. 95. “Bởi sự thanh tịnh hoàn toàn của pháp Phật nên đắc được pháp thân do
chuyển thức a-lại-da.ˮ
39 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. hạ, T. 31,
tr. 149a-c.
(lxxxi) Cf.:
“ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་དང་། རྣམ་པར་བྱང་བའི་ངོ་བོ་ཉིད་ཡོངས་སུ་མ་གྲུབ་པ་གཞན་གྱི་དབང་སྟེ།ˮ Mys, p. 40.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét