Pháp sư Ấn Thuận
(印順 法師)
LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG
PHẬT GIÁO ẤN-ĐỘ
(印度佛教思想史)
Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh
dịch và phụ chú
LỜI TỰA
(của tác giả)
Vào năm Dân quốc
thứ 56 (1967), trong Lời tựa của quyển Nghiên
cứu về Luận thư và Luận sư - lấy Thuyết nhất thiết hữu bộ làm chủ (說一切有部為主的論書與論師之研究), tôi nói: Quyển Phật giáo Ấn-độ (印度之佛教) được viết trong thời kỳ chiến loạn, “dùng
Văn ngôn để viết, phần lớn là tường thuật mà thiếu phần dẫn chứng, đối với
phương diện lịch sử Phật giáo mà nói, thì thể tài ấy rất không thích hợp, vả lại
cũng có không ít sai lầm và thiếu chứng cớ… Tôi phải sử dụng ngữ thể, dẫn chứng
để viết lại một bộ.” Nhưng đến nay, thời gian qua nhanh đã 20 năm trường, ngoài
quyển Nghiên cứu về Thuyết nhất thiết hữu
bộ - lấy Luận thư và Luận sư làm chủ ra, tôi chỉ viết được quyển Sự biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thỉ,
Sự khởi nguyên và phát triển của Phật
giáo Đại thừa sơ kỳ, Nghiên cứu về
triết học Như lai tạng, Tìm hiểm và
nghiên cứu về triết học Tánh không, tuổi già bệnh suy, ý nguyện “viết lại một
bộ” – chia thành một số tập đã không thể đạt thành, cho nên 3 năm trước, tôi
đem quyển Phật giáo Ấn-độ ra in lại. Sự
sai lầm và thiếu chứng cớ của quyển Phật
giáo Ấn-độ, ở trong những bộ đã viết kể trên, tuy đã cải chính và bổ sung một
phần, nhưng nhiều vấn đề cốt yếu của diễn biến Phật giáo Ấn-độ không thể trình
bày tổng hợp nhất quán với nhau nên tâm nguyện của tôi vẫn chưa hoàn thành. Nay
căn cứ vào những điều đã lý giải được, tôi xin trình bày ngắn gọn lại.
Trong quá
trình lưu truyền, Phật Pháp đã xuất hiện Phật Pháp Đại thừa, lại diễn tiến
thành Phật Pháp Đại thừa Bí mật, động lực thúc đẩy chủ yếu là “sau khi đức Phật
nhập niết-bàn, hàng đệ tử Phật có mang hoài niệm về sự vĩnh hằng đối với đức Phật”.
Hoài niệm là thứ thông qua tình cảm, cũng có thể có thành phần của sự tưởng tượng;
thời đại cách đức Thích tôn càng xa thì thành phần tưởng tượng càng nhiều, đây
là sự thật trên mặt lịch sử của Phật giáo Ấn-độ.
Sự hoài niệm của
hàng đệ tử Phật đối với đức Phật, ban đầu là: xây tháp cúng dường di thể - xá-lợi
của đức Thích tôn, thăm viếng các di tích của đức Thích tôn, thể hiện niềm tín
kính và luyến nhớ đối với đức Thích tôn. Các việc làm to lớn của đức Thích tôn
trong đời sống quá khứ - là vị Bồ-tát, cũng từ Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên lưu
truyền ra. Sự vĩ đại của đức Phật và các việc làm của Bồ-tát trong đời sống quá
khứ là do sự hoài niệm đức Thích tôn của hàng đệ tử Phật mà phát sanh ra, trở
thành niềm tin chung của giới Phật giáo. Niết-bàn, đức Thích tôn đã niết-bàn rồi
thì không giống như sự tồn tại của ‘vị thần’ theo tưởng tượng của Thần giáo;
nhưng đối với sự không còn thấy lại được sau khi Phật nhập niết-bàn thì tín
chúng thông thường không tránh khỏi khởi lên nỗi u buồn trong tâm. Hệ Đại chúng
có thái độ tự do nhưng trọng về lý tưởng, nói rằng: đức Phật là bậc tồn tại không thể suy lường;
tuổi thọ của đức Phật là vô lượng; ở các thế giới ở mười phương trong thì gian
hiện tại đều có chư Phật ra đời: điều này phần nào làm thỏa mãn tâm của người
thông thường – Phật Pháp Đại thừa đã xuất hiện trong hoàn cảnh như vậy.
Chánh Pháp mà
đức Thích tôn khai thị, là “trước hết phải biết pháp trụ, sau đó biết niết-bàn.”
Người tu học trước hết phải thấu triệt tánh tất nhiên của nhân quả - biết đúng
như sự thật về duyên khởi; y vào duyên khởi nên biết vô thường, vô ngã, vô ngã
sở, thực hiện giải thoát rốt ráo – niết-bàn tịch diệt. Niết-bàn không rơi vào hữu-vô,
không phải là thứ mà ý thức và ngữ ngôn có thể diễn đạt được, mà là do tu hành
rồi tự mình nhận biết, tự mình chứng tri. Kinh Đại thừa sơ kỳ lấy những việc
làm to lớn của Bồ-tát làm chủ, kế thừa trung tâm chánh Pháp của Phật Pháp,
nhưng Phật Pháp là “trước hết phải biết pháp trụ, sau đó biết niết-bàn,” mà
kinh Đại thừa sơ kỳ lại là trình bày trực tiếp nghĩa sâu xa – niết-bàn, và các
từ tánh không, chân như, pháp giới, v.v., đều là những tên gọi khác của niết-bàn.
Cho nên, Phật Pháp là từ duyên khởi để nhập môn, còn Đại thừa sơ kỳ là trình
bày trực tiếp về bổn tánh tịch diệt của các pháp. Bổn tánh của các pháp không
phải là hai, không phải khác biệt, không có dính mắc, không có chướng ngại,
trong sự hoài niệm về đức Phật, đã truyền ra kinh Đại thừa hậu kỳ nói rằng tất
cả chúng sanh đều có Như lai (thai) tạng, ngã, tự tánh thanh tịnh tâm. Như vậy,
chánh Pháp là do từ Duyên khởi luận rồi phát triển thành Pháp (bổn) tánh luận –
các pháp đều bình đẳng, không chướng ngại nhau; lại do từ Pháp (bổn) tánh luận
rồi chuyển biến thành Phật tánh (Như lai tạng) bổn cụ luận; lại tiến triển
thành bổn lai là Phật. Đây là trong sự phát triển tư tưởng Phật giáo, lịch
trình từ đầu đến cuối là từ Pháp rồi đến Phật.
Sự sâu xa của
Phật Pháp – sự sâu xa của duyên khởi, sự càng sâu xa hơn của niết-bàn, người
thường thì khó thọ học được. Nhằm tạo phương tiện để giáo hóa nên thiết lập nên
pháp môn gồm sáu đối tượng để suy niệm – niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm
bố thí, niệm giới, niệm thiên, khiến cho người bất hạnh, trong cơn sợ hãi, đau
khổ hoặc bệnh nặng có thể an định nội tâm, không đánh mất niệm thiện, điều này đã
có điểm giống với tôn giáo thông thường. Pháp môn ‘niệm (ức niệm, hệ niệm, quán
niệm) Phật’ là đặc biệt phát đạt! Sau khi Đại thừa hưng khởi không lâu, quanh
vùng Kiền-đà-la, Ma-thâu-la đã lưu hành tượng Phật nắn và vẽ. Pháp môn niệm Phật
theo phương tiện ấy trước kia là niệm công đức của Phật, giờ đây cũng dùng tướng
(tượng Phật) để niệm sắc thân của Phật. Nhất tâm hệ niệm thì Phật hiện khởi
trong tâm mình; y cứ vào loại kinh nghiệm tu tập này nên có được lý luận ‘chính
tâm mình làm Phật’, ‘ba cõi chỉ là tâm’. Kinh Đại thừa hậu kỳ nói: Như lai tạng,
ngã là thứ có tướng hảo trang nghiêm, tự tánh thanh tịnh tâm là thứ có ánh sáng
thanh tịnh, chúng sanh vốn đã có đầy đủ, cho nên niệm Phật không chỉ là niệm chư
Phật ở mười phương trong ba đời, mà còn phải niệm (quán) chính mình là Phật. Pháp
môn niệm Phật là con đường chung từ Đại thừa sơ kỳ, Đại thừa hậu kỳ, rồi tiến
vào Phật Pháp Đại thừa Bí mật.
Bồ-tát phát
tâm bồ-đề, ở lâu dài trong sanh tử để tu các việc khó làm, các việc làm to lớn,
đó là tinh thần rất vĩ đại! Nhưng với người thông thường, có thể nói là có tâm ngóng
trông nhưng không khỏi không sức gánh vác, vì vậy kế thừa phương tiện của Phật
Pháp, nói đối trước đức Phật sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỉ, hồi hướng về bồ-đề.
Đây là niệm Phật theo nghĩa rộng, dễ dàng tu hành, làm phương tiện để nuôi dưỡng
trở thành pháp khí Đại thừa. Phương tiện niệm Phật phổ biến là chú trọng về
xưng danh hiệu, có nhiều lợi ích trong đời hiện tại như tiêu nghiệp chướng,
sanh Tịnh độ, không lui sụt bồ-đề, v.v. Trước sau Công nguyên, việc biên chép
lưu hành các kinh điển nhằm lưu thông phổ biến, trong kinh cực lực đề cao việc
đọc, tụng, sao chép, cúng dường kinh điển, có nhiều lợi ích ngay trong đời sống
hiện tại. Bát-nhã là “vua của tất cả thần chú,” siêu vượt hơn tất cả thần chú,
cũng có thừa nhận thần chú của thế gian. Dùng sự xướng niệm mẫu tự làm phương
tiện để ngộ nhập vô sanh. Những Phật sự thuộc âm thanh của kinh Đại thừa gồm:
xướng mẫu tự, xưng danh hiệu Phật, tụng kinh, trì chú, là phương tiện để Phật
Pháp Đại thừa có thể phổ cập trong dân gian.
Phật Pháp đã đề
cập đến ‘niệm thiên’, trong truyện Bổn sanh của Bồ-tát có nói dùng thân trời,
quỷ, súc sanh để tu hành, Phật Pháp Đại thừa cũng đã xuất hiện “Bồ-tát mang
thân trời (quỷ vương có sức mạnh lớn, súc sanh bậc cao). Đế Thích, v.v., thường
nói đà-ra-ni – minh chú hộ pháp, thì chú ngữ dần dần mang tính quan trọng. Kinh
Lăng-nghiêm, v.v., thuộc Đại thừa hậu
kỳ, tiến thêm một bước, nói rằng: trời, quỷ thần, cổ tiên thuộc tín ngưỡng dân
gian Ấn-độ đều là tên gọi khác của Phật, do Phật thị hiện, đã thiết lập lý luận
‘Phật-thiên nhất như’. Bắt đầu thế kỷ 3 A.D., văn học Phạn ngữ Ấn-độ phục hưng,
Ấn-độ giáo cũng dần dần hưng thịnh. Trong phương tiện đạo của Phật Pháp Đại thừa
và khuynh hướng quả đức của Như lai, nhằm thích ứng với tình thế ngoại tại đã
phát triển thành Phật Pháp Đại thừa Bí mật, phần lớn liên quan với Thần (Thiên)
giáo. Chẳng hạn như Giáo điển thì không gọi là ‘Kinh’ mà gọi là Đát-đặc-la [怛特羅-Tantra] ([dịch là] Tục-續). Áp dụng sự truyền thọ bí mật của
hình thức Áo nghĩa thư nên địa vị của vị thầy trở nên quan trọng hơn. Chú –
chân ngôn của Phật, Bồ-tát, v.v., là ‘ngữ mật’. Thủ ấn của Thần giáo, Phật Pháp
cũng đã có, là ‘thân mật’. Hộ-ma [homa] – cúng lửa (nghi lễ này bị Phật Pháp
ngăn cấm) trở thành sự nghiệp trọng yếu để tự lợi và lợi tha. Quỷ thần theo tín
ngưỡng dân gian đi vào chỗ thâm thúy của Đại thừa Bí mật: có tay cầm vũ khí, Bồ-tát
trong hình dạng vị thiên mang tướng giận dữ (có lẽ do Phật thị hiện). Phái Thấp-bà
thiên [Śaiva] có sùng bái ‘tánh lực’ [śakti], Đại thừa Bí mật cũng có (tục
xưng) Hoan hỉ Phật [Nandikeśvara-Hoan hỉ tự tại chủ] ôm nhau, hòa hợp nhau. Thích ứng và hòa
lẫnThần giáo, cụ thể hóa ‘Phật-trời nhất như’ là đặc sắc của Đại thừa Bí mật!
Các việc làm
to lớn của Phật Pháp Đại thừa thì quá khó nên khuynh hướng chung đều nghiêng về
‘con đường dễ thực hành’ là ‘niềm tin’. Thích hợp với Như lai tạng là thứ vốn
có đầy đủ trí và sắc tướng trang nghiêm của Phật, và tâm này làm Phật của pháp
môn niệm Phật, tâm mình tương thông với Phật, Đại thừa Bí mật lúc này mới quán
chính thân mình là Phật –‘thiên mạn’, rồi phát triển thành ‘thừa dễ hành’ là
chính thân này thành Phật. Chính thân này thành Phật, không cần tu các việc to
lớn của Bồ-tát nhằm làm lợi lạc chúng sanh, đợi đến khi thành Phật thì trở lại làm
lợi lạc chúng sanh. Những việc khó thì chẳng cần tu, quả Phật có thể mau thành,
đối với người thông thường mà nói, thì có thể nói điều đó là quá tốt!
Trong kinh Đại
thừa nói chư Phật, Bồ-tát trong mười phương thế giới rất nhiều, lại tiếp nhận
thêm các vị thần của Ấn-độ nên không khỏi tạp loạn. Đại thừa Bí mật đã thực hiện
sự sắp xếp theo tổ chức, như Du-già tục lấy đức Tỳ-lô-giá-na và bốn vị Phật ở bốn
phương, chia thành năm bộ (tộc) để thống nhiếp tất cả. Năm vị Phật ở năm phương
là phỏng theo phương thức tổ chức của trời Đao-lợi gồm thiên chủ Đế Thích ở
trung ương, bốn vị thiên vương ở bốn mặt quay vào. Đế Thích là Dạ-xoa cầm
(chày) kim cang; Dạ xoa luôn chia thành năm tộc. Vua Dạ-xoa – Chấp Kim Cang,
Kim Cang Thủ, Kim Cang Tạng, Phổ Hiền (cưỡi voi trắng sáu ngà, tương đồng với Đế
Thích) là những vị đương cơ của Đại thừa Bí mật. Đao-lợi và bốn vị đại vương,
thiên chúng trú xứ là Địa cư thiên thuộc Dục giới, là trú xứ của tám bộ gồm trời,
rồng (quỷ, súc sanh). Dục giới là nơi có dâm dục, còn Địa cư thiên thì giao cảm
với nhau bằng hình ảnh mà không xuất tinh, chính là ‘Vô thượng du-già tục’, tu
sắc thân của trời, tham dục là cảnh giới lý tưởng của đạo. Đại sư Thái Hư nói Đại
thừa Bí mật là “y vào sự tu hành và quả báo của thiên thừa để hướng đến Phật quả,”
đây không phải lấy việc của con người làm gốc, mà nhằm thích ứng với Thần giáo
của Ấn-độ nên lấy pháp trời (quỷ thần) là căn bản của Đại thừa.
Ở trên là tình
hình của Kinh Pháp Đại thừa. Sự phân tích, phán xét Kinh văn đã trở thành việc
giải thích ý nghĩa một cách hệ thống, chặt chẽ (giải thích ý nghĩa cũng ảnh hưởng
đến những kinh điển xuất hiện về sau) là Luận. Luận Đại thừa có:
1) Hệ Trung Quán:
trình bày trực tiếp nghĩa sâu xa của kinh Đại thừa sơ kỳ, học giả rất dễ đi vào
những ngã rẽ khác nhau, Long Thọ bắt đầu viết luận, nói rằng vì duyên khởi
không có tự tánh nên nó là không; dùng ‘trung đạo, duyên khởi’ của Phật Pháp để
thông suốt ‘tánh không, duy (giả) danh’ của Phật Pháp Đại thừa. Long Thọ nói:
“nếu không căn cứ vào tục đế thì không đạt được đệ nhất nghĩa,” đó là quay trở
lại lập trường của Phật Pháp – “trước hết phải biết pháp trụ, sau đó biết niết-bàn.”
Cho nên Trung Quán là chánh quán của ‘tam thừa bất nhị’, có sự thông suốt sở
trường của Phật Pháp và Đại thừa sơ kỳ.
2) Hệ Du-già
hành: Vô Trước căn cứ vào kinh Giải thâm
mật (thể văn gần với luận), v.v., để tạo luận: ‘tất cả pháp đều là không’ của
Đại thừa không phải là thuyết liễu nghĩa, duyên khởi –tướng y tha khởi là tự tướng
hữu; Như lai tạng, ngã của Đại thừa hậu kỳ là tên gọi khác của chân như. Đặc sắc
của hệ Du-già hành là y cứ vào (phân biệt tự tánh duyên khởi của) sự phân biệt
theo hư vọng để lập nên thuyết ‘chỉ do thức biểu hiện’. Nhằm chứng minh thuyết
‘chỉ do thức biểu hiện’, Trần-na và Pháp Xứng đã phát triển Lượng luận và Nhân
minh. Nói đến chuyển sự ô nhiễm thành thanh tịnh, lập nên ba loại thân, bốn thứ
trí của Phật; quả vị Phật là luận đề trọng yếu của giới Phật giáo đương thời. Hai
hệ Trung quán và Du-già hành đều phân biệt theo sự chân thật và phương tiện, phần
nào đã sửa chữa những lệch lạc của giới Phật giáo. Điều bất hạnh là, những người
hậu học cho rằng Long Thọ nói duyên khởi không có tự tánh, Vô Trước nói duyên
khởi có tự tướng, phát sanh tranh luận lẫn nhau không hồi kết, họ đã quên đi
tinh thần ‘vô tranh’ của Phật Pháp vậy!
3) Hệ Như lai
tạng: Như lai tạng – ngã, tự tánh thanh tịnh tâm, gần với chân ngã, chân tâm của
Thần giáo, thích ứng với thế tục để lưu hành. Nghiên cứu về luận Nhất thừa Bảo tánh của Kiên Huệ đã chịu ảnh hưởng
từ các bộ luận của Vô Trước nhưng không nói về chủng tử và duy thức. Luận này
nói đến bốn pháp: ‘Phật giới’ là Như lai tạng vốn có sẵn; quả bồ-đề của Phật,
Pháp của Phật, sự nghiệp của Phật đều là thể của Phật, đức của Phật và nghiệp dụng
của Phật nhờ lìa ô nhiễm mà biểu hiện ra. Có học giả đã hòa lẫn 5 pháp, 3 tự
tánh, 8 thức, 2 vô ngã của phái Du-già hành, đem a-lại-da hư vọng – tạng thức kết
hợp với Như lai, hình thành nên thuyết ‘Như lai tạng tạng thức tâm’. Dùng chân
thường làm căn cứ để nói duy tâm là thể văn gần với cách luận của Lăng-già và Mật nghiêm. Luận Bảo tánh
trình bày nhân quả, thể dụng của Phật, kinh Mật
nghiêm nói Như lai tạng là cảnh giới của người niệm Phật tam-muội, cũng
chính là quán chính thân mình vốn là Phật. Đại thừa Bí mật xuất hiện sau đã tuyển
dụng Trung Quán và Du-già, kế thừa thuyết Như lai tạng, từ trong tín ngưỡng, tu
hành rồi phát triển hoàn thành.
Lịch sử tư tưởng
Phật giáo (học) Ấn-độ thông thường đều chú trọng luận về ý nghĩa. Luận là phân
tích, phán xét, lý luận ở bậc cao nên không thể phổ cập đến tất cả mọi người. Vào
hậu kỳ của Phật Pháp Đại thừa, Luận chùa Na-lan-đà trở thành quyền uy của Phật
giáo, nhưng Phật Pháp trọng về tín ngưỡng, trọng về tha lực, trọng về sự tướng,
trọng về tu hành, trọng về lợi ích ngay trong đời hiện tại thì chỉ thuần dùng
‘niệm (Phật-thiên nhất như) Phật’ làm trung tâm để phổ biến lưu hành. Khi tuổi
đã cao, tôi đọc nhiều kinh điển, cảm thấy các phương tiện nhằm thích ứng với
thành phần có niềm tin vượt bậc như xây tháp, niệm Phật, tụng kinh…, các phương
tiện khác nhau tồn tại trong Phật giáo, đối với sự chuyển biến tư tưởng Phật
Pháp mà nói, đã có ảnh hưởng rất sâu sắc. Vì vậy, tôi đã viết quyển Phật Pháp phương tiện chi đạo (佛法方便之道) hơn mười
vạn chữ. Lại nhận thấy rằng: như thật và phương tiện là ảnh hưởng lẫn nhau để
chuyển biến, cho nên tôi muốn viết quyển Lịch
sử tư tưởng Phật giáo Ấn-độ. Như thật và phương tiện có sự phát triển trong
chính Phật Pháp, cũng chịu ảnh hưởng từ bên ngoài – tư tưởng Thần giáo, địa
phương khác nhau, tình hình chính trị… Đem đặc chất của Phật Pháp lý giải điểm
then chốt trong sự phát triển của nó thì thấy chịu nhiều ảnh hưởng theo nhiều
phương diện, mới có thể biểu đạt hoàn chỉnh ra tướng mạo chân thật của lịch sử
tư tưởng Phật giáo Ấn-độ. Đây là điều mà sở học của tôi không thể hoàn thành được,
còn thêm tuổi già suy sụp nhiều năm, trí nhớ giảm sút, cũng không dám mong viết
rộng hơn. Cho nên quyển này chỉ có thể chú trọng về chính bản thân Phật Pháp,
trình bày khái lược, còn những gì mà trong quyển Phật giáo Ấn-độ đã trình bày thì không nói lại nữa.
Việc nghiên cứu
của tôi về Phật giáo Ấn-độ là muốn hiểu rõ ý nghĩa chân thật và phương tiện của
Phật Pháp, rồi rút ngắn khoảng cách giữa Phật Pháp và Phật giáo hiện thực.
Phương tiện thì không thể không có; phương tiện phù hợp mới có thể có lợi cho sự
truyền bá Phật Pháp. Nhưng phương tiện khi trải qua thời gian thì không còn
thích hợp nữa nên cần phải có tinh thần ‘thẳng thắn từ bỏ phương tiện’, xiển
dương ý nghĩa chân thật của Phật Pháp, chỉ ứng dụng những phương tiện có lợi
cho nhân gian, tịnh hóa nhân gian mà thôi. Tôi hi vọng những độc giả có niềm
tin chân thành Phật Pháp, từ trong quá trình chuyển biến của tư tưởng Phật giáo
Ấn-độ, có thể luôn luôn nhìn lại để không quên chánh Pháp, vì chánh Pháp mà
hoài niệm đức Phật-đà ở nhân gian vậy!
Ngày 3 tháng 2 năm Dân Quốc thứ 77 (1988),
Ấn Thuận viết Lời tựa tại
Nam Đầu Ký Lư.
PHÀM LỆ
1) Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新修大藏經) của
Nhật Bản mà sách này dẫn chứng, nay gọi tắt là ‘Đại Chánh’ (大正).
2) Nam truyền Đại tạng kinh (南傳大藏經) do Nhật
Bản dịch, gọi tắt là ‘Nam truyền’ (南傳). Văn tự được
dẫn, chuyển dịch hoàn toàn thành Hoa văn.
3) Tāranāta - Ấn-độ Phật giáo sử (ターラナータ、印度佛教史) do Nhật
Bản dịch, tên tác giả đánh vần là Tāranātha, hoặc dịch âm là Đa-ra-na-tha (多羅那他). Sách
này khi trích dẫn thì gọi tắt là Lịch sử
Phật giáo Ấn-độ của Đa thị (多氏『印度佛教史』).
4) Những sách
do ngài Pháp Tôn dịch, như Nhập Trung luận (入中論), v.v., nguyên bản là do Tứ Xuyên Hán
Tạng Giáo Lý viện san hành (四川漢藏教理院刊行), gọi tắt là ‘Hán viện san bổn’ (漢院刊本).
5) Thời đại
vương triều Ba-la (Pāla) của Ấn-độ thì căn cứ lời của Lữ Trừng (呂澂) trong Tây Tạng Phật học nguyên luận (西藏佛學原論) (Thương
Vụ bổn) đã nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét