CHƯƠNG III. PHẬT PHÁP ĐẠI THỪA SƠ KỲ
1. Sự lưu bố của kinh Đại thừa sơ kỳ
Trong thế kỷ 1
B.C., Phật Pháp Đại thừa bắt đầu hưng khởi, đây là Phật Pháp nhưng lại thuộc Đại
thừa (Mahā-yāna); là thứ Phật Pháp có khuynh hướng về lý tưởng,
hình nhi thượng [siêu hình], thuộc tín ngưỡng nhưng lại thông tục hóa. Sự truyền
ra của kinh điển Đại thừa, từ sự trước sau khác nhau về nội dung, có thể chia
thành Đại thừa sơ kỳ và Đại thừa hậu kỳ. Phân biệt giữa sơ kỳ và hậu kỳ là có lời
Kinh thuyết có thể căn cứ, như ba lần chuyển Pháp luân của kinh Giải thâm mật:(i)
chuyển lần đầu là Phật Pháp (Thanh Văn); lần chuyển thứ hai và thứ ba chính là sơ
kỳ và hậu kỳ của Phật Pháp Đại thừa.1
Lại nữa, như phẩm Đà-la-ni Tự tại vương của kinh Đại tập: ban đầu thuyết về vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh' thứ đến
thuyết về không, vô tướng, vô nguyện; sau cùng thuyết về Pháp luân không còn
thoái chuyển, khiến chúng sanh đi vào cảnh giới của Như lai,(ii)2
cũng đã biểu thị Đại thừa có sự sai biệt giữa trước và sau. Nói đại khái: cho rằng
tất cả pháp đều là không (sarva-dharma-śūnyatā) là thuộc liễu nghĩa, là Đại thừa sơ kỳ; cho
rằng tất cả pháp đều là không (sarva-dharma-śūnyatā) là chưa rốt ráo, mà phải là 'không của
cái không, có (cũng gọi là bất không) của cái có' là Đại thừa hậu kỳ. Sự truyền
ra của kinh Đại thừa sơ kỳ là vào khoảng từ năm 50 B.C. đến năm 200 A.D., truyền
ra cũng là có trước sau. Cũng có tư tưởng tương đồng với sơ kỳ nhưng truyền ra
lại muộn vào thời hậu kỳ, điều này giống như Phật giáo Bộ phái, là có trước Đại
thừa nhưng khi Đại thừa lưu hành, bộ phái cũng vẫn còn trong quá trình lưu hành
phát triển.
Chủng loại của
kinh Đại thừa sơ kỳ rất phong phú, dưới khuynh hướng của Phật Pháp Đại thừa, chúng
đã được truyền ra từ nhiều phương diện, không phải là do số ít địa phương, số ít
người mà truyền ra được. Những bộ được truyền ra, hoặc ban đầu là bộ nhỏ, dần dần
biên tập mở rộng thành bộ lớn, chẳng hạn như kinh Bát-nhã. Hoặc mỗi bộ được truyền ra riêng rẽ, về sau do tính chất
tương đồng nên biên tập chung lại, như kinh Hoa
nghiêm. Phải xác định rốt cục Đại thừa sơ kỳ là những kinh điển nào, thật sự
không dễ giải thích được! Những kinh do Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch, tuy muộn vào đầu thế kỷ 5 A.D., nhưng luận Đại trí độ và luận Thập trụ tỳ-bà-sa
của Long Thọ được dịch ra ấy là những Luận điển thuộc vào đầu thế kỷ 3 A.D. Trong
Luận dẫn rộng rãi các kinh Đại thừa, tánh chất đều là thuộc sơ kỳ, so với bộ phận
kinh điển do Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) dịch vào hậu bán thế kỷ 3 A.D., ngược lại
phải sớm hơn nhiều. Những kinh Đại thừa được luận của Long Thọ trích dẫn mà có
nêu ra tên kinh, gồm 26 bộ; không có nêu ra tên kinh nhưng nội dung rõ ràng có
thể tìm thấy được, gồm 8 bộ; có thể không được dịch sang Hán văn, có 3 bộ; còn có
thêm 9 bộ được nêu tên ra. Trước hết, trình bày dưới đây, xem như là những Giáo
điển đáng tin nhất thuộc Đại thừa sơ kỳ.
Thuộc về bộ Bát-nhã, có Thượng phẩm gồm 100.000 bài
tụng, tương đương với phần đầu của kinh Đại
Bát-nhã do Huyền Trang dịch; Trung phẩm gồm 22.000 bài kệ, tương đương với
phần thứ 2 của kinh Đại Bát-nhã; Hạ
phẩm - Đạo hành, tương đương với phần
thứ 4 và thứ 5 của kinh Đại Bát-nhã. Ở
Trung Quốc luôn luôn gọi Trung phẩm và Hạ phẩm là Đại phẩm và Tiểu phẩm. Thuộc
về bộ Hoa nghiêm, có phẩm Hoa tạng thế
giới, phẩm Thập địa, phẩm Nhập pháp giới. Thuộc về bộ Bảo tích, có kinh Mật tích
tương đương với Hội thứ 3, kinh A-di-đà
Phật tương đương với Hội thứ 5; kinh A-súc
Phật quốc tương đương với Hội thứ 6; kinh Úc-già trưởng giả vấn tương đương với Hội thứ 19; kinh Ly cấu thí nữ tương đương với Hội thứ
33; kinh Bảo đảnh tương đương với Hội
thứ 43, đây là kinh Bảo tích nguyên
thỉ, kinh Đại Bảo tích gồm 49 hội
chính là căn cứ vào đây để sưu tập và biên tập thành. Theo luận Thập trụ tỳ-bà-sa, kinh Vô tận ý Bồ-tát mà nay được biên tập vào
kinh Đại tập, vào thời kỳ sớm nhất,
nó cũng là thuộc về kinh Bảo tích.3
Không thuộc về bộ
lớn, như kinh Thủ-lăng-nghiêm tam-muội;
kinh Ban-chu tam-muội, đời sau cho là
thuộc bộ Đại tập, thì không hợp với ý
kinh; kinh Hiền kiếp tam-muội; kinh Hoằng đạo quảng hiển tam-muội; kinh Tỳ-ma-la-cật; kinh Pháp hoa, kinh Tam thập tam
thiên phẩm, tức là kinh Phật thăng
Đao-lợi thiên vị mẫu thuyết pháp; kinh Phóng
bát; kinh Đức nữ; kinh Tự tại vương Bồ-tát; kinh Hải long vương; kinh Đại thọ Khẩn-na-la vương sở vấn; kinh Văn-thù-sư-lợi tịnh luật; kinh Bảo Nguyệt đồng tử sở vấn; phẩm Trừ tội
nghiệp của kinh Tam chi, tương đương
với kinh Xá-lợi-phất hối quá; kinh Trí ấn; kinh Chư Phật bổn khởi; kinh Chư
pháp vô hành; kinh Bất tất định nhập
định nhập ấn; kinh Trì nhân (thế);
kinh Quyết định kinh Đại thừa; kinh Tịnh đức; kinh Phú-lâu-na-di-đế-lệ-da-ni tử.
Còn có chỉ nêu
tên kinh nhưng không rõ nội dung, như kinh Vân,
kinh Đại vân, kinh Pháp vân đều là những bộ lớn mà 'mỗi bộ
có 100.000 bài kệ'. Không biết kinh Đại
vân do Đàm-mô-sấm (Dharmarakṣa) dịch có phải là một phần của kinh Đại vân gồm 100.000 bài kệ hay không?
Kinh Lục ba-la-mật, có thể là kinh Lục độ tập. Kinh Di-lặc vấn, có thể tương đương với Hội thứ 41 và Hội thứ 42 của
kinh Đại bảo tích. Kinh Đại bi, Na-liên-đề-da-xá (Narendrayaśas) cũng có dịch kinh Đại bi, không
biết là có tương đồng hay không! Kinh Phương
tiện, kinh A-tu-la vấn, kinh Đoạn nhất thiết chúng sanh nghi đều
không biết rõ nội dung.
Những kinh Đại thừa
mà Long Thọ đã dẫn, không thể là toàn bộ của những kinh Đại thừa có lúc bấy giờ.
Từ những bản dịch hiện nay còn ở nước ta [Trung Quốc] để xét, thì có những kinh
được dịch đời Hán, Ngụy, Ngô, như kinh Văn-thù
vấn Bồ-tát thự, kinh Nội tạng bách bảo,
kinh Thành cụ quang minh định ý, kinh
Bồ-tát bổn nghiệp (bản dịch cổ của phẩm
Tịnh hành trong kinh Hoa nghiêm). Những
kinh do Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, như kinh Văn-thù-sư-lợi nghiêm tịnh, kinh Văn-thù-sư-lợi hiện bảo tạng, kinh Đẳng tập chúng đức tam-muội, kinh Đại tịnh pháp môn, kinh Huyễn
sĩ nhân hiền, kinh Tế chư phương đẳng
học, kinh Văn-thù-sư-lợi hối quá,
kinh Như huyễn tam-muội, v.v.; kinh
Kim cang bát-nhã-ba-la-mật, kinh Bồ-tát tạng (Phú-lâu-na vấn), v.v., do Cưu-ma-la-thập
dịch, cũng đều là Giáo điển thuộc Đại thừa sơ kỳ. Bộ lớn, bộ nhỏ, về chủng loại
là tương đối nhiều!4
Nhân duyên để Phật
Pháp Đại thừa hưng khởi thì có nhiều mặt. Đức Thích tôn nhập diệt rồi, ở 'trong
sự hoài niệm vĩnh hằng của hàng đệ tử Phật', 'tình cảm sâu sắc của thế gian',
không thể thỏa mãn đối với đức Phật-đà (Buddha) của nhân gian (mà đã niết-bàn), theo ý
muốn của mình nên có khuynh hướng về đức Phật-đà thuộc lý tưởng, nhưng mức độ
lý tưởng thì không nhất trí. Như nói đức Như lai là bậc không chỗ nào mà không
có tồn tại, không có gì không thể làm được, không có gì là không biết, trong hệ
Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), ban đầu cũng
không thể chính là nói như thế. Phật là bậc do tu hành mà thành, so với sự tu
hành của hàng đệ tử Thanh Văn (Śrāvaka), đương nhiên sẽ
có nhiều khác biệt. Từ việc sự tích Bổn sanh (Jātaka) về đức Thích tôn trong những đời quá khư không
ngừng truyền ra, quy nạp thành những việc làm to lớn - ba-la-mật-đa (pāramitā) của Phật, ba-la-mật-đa dịch thành 'đến bờ bên
kia', cũng có nghĩa là 'hoàn thành rốt ráo'. Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvastivādin) lập nên 4 ba-la-mật-đa. 'Sư ngoại quốc' lập nên
6 ba-la-mật-đa - thí, giới, nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát-nhã. Lại có phái khác
lập nên 6 ba-la-mật-đa, bỏ đi 'tĩnh lự' mà thêm vào 'văn' [nghe - học hỏi].(iii) Xích đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) lập nên 10 ba-la-mật-đa.(iv)
Sáu ba-la-mật do Sư ngoại quốc lập, được Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravādin), v.v., sử dụng, cũng là thông dụng trong các
kinh Đại thừa phổ biến.5 Sáu
ba-la-mật là cái nhân thực hành của sự thành Phật, người phát tâm thành Phật để
tu hành thì được gọi là Bồ-tát (Bodhisattva). Phật là bậc
có phước đức, trí huệ đều viên mãn, theo luật nhân quả, nhất định đó là thành
quả của việc Bồ-tát trường kỳ tu hành và tích lũy phước đức. Vì vậy, Thuyết nhất
thiết hữu bộ cho rằng việc tu hành của Bồ-tát phải trải qua 3 a-tăng-kỳ kiếp; “bộ khác chấp rằng có 7 a-tăng-kỳ.”6 Long Thọ phê bình Thuyết nhất thiết hữu bộ rằng: “Đức Phật nói rằng Ngài đã qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp làm
công đức, muốn độ chúng sanh, thì vì sao nói là 3 a-tăng-kỳ kiếp? 3 a-tăng-kỳ
kiếp là có số lượng, có giới hạn vậy!”7 Vì vô lượng a-tăng-kỳ kiếp
làm công đức, muốn độ chúng sanh, cho nên nói không một nơi nào không phải là
nơi mà trong đời sống quá khứ đức Thích tôn đã xả thân cứu độ chúng sanh. Vì
pháp, vì chúng sanh nên tinh tấn vô hạn, quên mình vì người, không mong cầu
nhanh chóng thành tựu - không gấp gáp mong cầu giải thoát thành Phật cho riêng
mình, mà nguyện trường kỳ ở trong sanh tử, từ trong sự lợi tha để hoàn thành
cho chính mình. Bồ-đề đạo mà Bồ-tát tu hành thành Phật, là vĩ đại không gì sánh
bằng, đã thể hiện ra đầy đủ; điều này mới nhận được sự khen ngợi và kính ngưỡng
tu học của hàng đệ tử Phật, đã hình thành nên dòng to lớn của Phật Pháp Đại thừa.
Bồ-tát đạo kế thừa Phật Pháp, tự lợi lợi tha, tất cả đều dùng bát-nhã (prajñā) làm dẫn đường. Sự thể ngộ pháp tánh của bát-nhã
được gọi là đắc vô sanh pháp nhẫn (anutpattika-dharma-kṣānti); biết thật tướng
của tất cả pháp nhưng không chứng (chứng nhập thì đã thành A-la-hán của Thanh
Văn), lên địa vị a-tì-bạt-trí (avaivartika) - không còn
thoái chuyển. Từ lúc đó trở về trước thì gọi là nhu thuận nhẫn (ānulomikī-dharma-kṣānti). Người tu Bồ-tát hành “dùng trí nhất thiết trí tương ưng với tác ý, lấy đại bi
làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện.”(v)8 Cả 3 thứ gồm bồ-đề tâm (bodhi-citta), đại bi (mahā-karuṇā), (bát-nhã) vô sở
đắc (aprāptitva) đều quan trọng. Nếu như dùng bát-nhã làm dẫn đường để nói, thì bát-nhã đều
vô sở đắc đối với tất cả pháp, trong sự nghe, tư duy, tu, chứng, là thứ tối căn
bản, tối quan trọng. Sự sâu sắc của Phật Pháp Đại thừa là y vào vô sở đắc của
bát-nhã để hiển thị ra. Bồ-tát hành quá vĩ đại! Mọi người có tâm hướng về nhưng
lại cảm thấy không dễ gì tu học thành tựu, cho nên có lời thở than rằng “trứng
cá, hoa am-la [hoa xoài], Bồ-tát sơ phát tâm - 3 sự này khi còn là cái nhân thì
có nhiều, đến khi kết quả lại ít.” Vừa đúng lúc Đại chúng bộ, v.v, chủ trương rằng
trong các thế giới ở 10 phương hiện nay đang có Phật, vì vậy người có niềm tin
mạnh mẽ dùng niệm Phật (và Bồ-tát), sám hối, v.v., để tu hành, cầu sanh về Tịnh
độ ở phương khác, gặp Phật nghe Pháp nên được không còn thoái lui đối với a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề
(anuttara-samyak-saṃbodhi). Phật Pháp Đại thừa có nhiều phương diện, truyền ra cũng từ nhiều phương
diện, nhưng dòng chính của Đại thừa sơ kỳ là bát-nhã làm chủ đạo, Bồ-tát hành
sâu sắc, rộng lớn.
Trọng về thực
hành bằng niềm tin, trọng về thực hành bằng trí, trọng về thực hành bằng bi,
kinh Đại thừa được truyền ra từ nhiều phương diện, đều lấy việc tu hành làm chủ,
không giống như Luận điển. Kinh Đại thừa được truyền ra từ nhiều địa phương,
không có ghi chép rõ ràng, chỉ một bộ phận là có thể suy luận mà biết được. Như
bộ phận nguyên thỉ của kinh Bát-nhã,
tương đương với phần đầu phẩm Đạo hành của kinh Đạo hành bát-nhã; về sau phát triển rồi biên tập thành Hạ phẩm, thông thường được gọi là Tiểu phẩm Bát-nhã. Mở rộng thêm nữa rồi
biên tập thành Trung phẩm, thông thường
gọi đó là Đại phẩm Bát-nhã. Lại biên
tập mở rộng thêm thành 100.000 bài tụng của Thượng
phẩm. Kinh điển trong quá trình được truyền bá và ghi chép, các kệ tụng có
nhiều hoặc ít, cho nên kinh kinh Đại
Bát-nhã do Huyền Trang dịch đã chọn lấy 5 bộ - 5 phần đầu. Quyển 4 của kinh
Đạo hành bát-nhã-ba-la-mật (T. 8, tr.
446a-b) nói:
“Sau khi Đát-tát-a-kiệt [Như lai] khứ (thế), Bát-nhã-ba-la-mật đang lưu hành ở Nam
Thiên Trúc; có người đã học xong nó, chuyển nó từ Nam Thiên Trúc đến Tây Thiên
Trúc; có người đã học xong nó, sẽ chuyển từ Tây Thiên Trúc đến Bắc Thiên Trúc.”(vi)
Từ Nam Ấn-độ đến Tây, rồi đến Bắc, trừ bản do Huyền Trang
dịch về sau, các bản dịch Tiểu phẩm, Đại phẩm đều nhất trí. Điểm này đã giải
thích rằng pháp môn Bát-nhã sanh khởi từ Nam Ấn-độ, là khu vực giáo hóa của hệ
Đại chúng bộ. Lưu hành đến Tây (Nam) Ấn-độ, đó là khu vực giáo hóa của Pháp tạng
bộ, v.v., trong Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavādin). Lại lưu
hành đến Bắc Ấn-độ, đó là khu vực giáo hóa (Kế-tân) lấy Ô-trượng-na (Udyāna) làm trung tâm. Trong kinh nói Bát-nhã lưu hành rất hưng thịnh tại
phương Bắc, đã ám chỉ Hạ phẩm Bát-nhã
được biên tập hoàn thành tại khu vực này. Bản do Huyền Trang dịch, nhất trí nói
từ phương Bắc chuyển đến phương Đông Bắc, đó là kinh Bát-nhã từ Vu-điền rồi truyền đến Trung Quốc, không phù hợp với tình
hình biên tập và hoàn thành của Hạ phẩm
Bát-nhã. Trung phẩm Bát-nhã đã lồng
ghép vào bộ phận 'Pháp số' của Thuyết nhất thiết hữu bộ ở phương Bắc; Thượng phẩm Bát-nhã đã chịu ảnh hưởng của
hệ Độc tử bộ (Vātsī-putrīya).9 Trong Ấn-độ Phật học tư tưởng khái luận, Lữ Trừng cho rằng trong bộ Bát-nhã, kinh Kim cang bát-nhã được thành lập sớm nhất10, là điều không thỏa đáng. Kinh Kim cang bát-nhã đã đề cập đến '5 thứ mắt',(vii) là có xuất xứ từ phần đầu của Trung phẩm Bát-nhã. 'Thân lớn',(viii) có xuất xứ từ phẩm Tự thuộc phần đầu
của Trung phẩm. Nhiều nơi nói: “tức
chẳng phải…, nên gọi là…,”(ix) cũng
phù hợp với việc y vào thắng nghĩa đế (paramārtha-satya) thì tất
cả đều không thể nắm bắt, không thể diễn tả, y vào thế tục đế (saṃvṛti-satya) thì có thể nói rằng tất cả đều có, thuộc phần
sau của Trung phẩm. Sự thành lập kinh
Kim cang bát-nhã, có sớm thì cũng chỉ
tương đồng với Trung phẩm.
Kinh Hoa nghiêm,
được Luận của Long Thọ dẫn chứng, đã có 2 phẩm đầu, phẩm Thập địa, phẩm Nhập
pháp giới được dịch vào đời Tấn. Phẩm Nhập pháp giới dùng việc Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī) đi về phía Nam, giáo hóa đồng tử Thiện Tài (Sudhana) ở Phước thành - Giác thành (Bhaddiya-nagara),(x)
phát tâm bồ-đề, sau đó Thiện Tài không ngừng đi về phía Nam, tham phỏng các vị
thiện tri thức, để diễn tả cho lịch trình tu hành của Bồ-tát tại gia. Phẩm Nhập
pháp giới được dịch vào đời Đường đã đề cập đến 'Hoa tạng trang nghiêm thế giới
hải', 'Nhất thiết thế giới hải, Nhất thiết thế giới chủng,'(xi)11
đã tiếp xúc với nội dung hai phẩm đầu của Hoa
nghiêm. Trong Thuyết nhất thiết hữu bộ, Thiện Tài là sự tích Bổn sanh của đức
Thích tôn; phẩm Nhập pháp giới lấy tinh thần theo đuổi đến cùng của Thiện Tài
làm điển hình cho vị Bồ-tát cầu pháp không chán, tinh tấn vô hạn. Phước thành,
nơi Thiện Tài sống, khảo cứu và xác định được là Ô-trà (Uḍra) cổ đại, hiện nay là địa phương Bhadraka của
Áo-lý-tát (Orissa). Nơi này
tiếp giáp với biển, có liên quan với truyền thuyết Long Thọ vào Long cung lấy
được kinh Hoa nghiêm. Vào niên hiệu
Trinh Nguyên năm thứ 11 đời vua Đường Đức Tông (795 A.D.), vua nước Ô-trà hiến
phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện cho nước ta
[Trung Quốc], chính là phẩm Nhập pháp giới. Sự truyền ra của phẩm Nhập pháp giới
có liên quan với nơi này. Thiện Tài từ đó rồi đi về phía Nam tham phỏng, đã cho
thấy hình tượng Bồ-tát ở trong tâm của hàng đệ tử Phật phương Nam vào lúc ấy.12 Bộ phận kinh Hoa nghiêm được truyền ra từ phương Nam cũng lưu truyền đến phương
Bắc. Trong bộ lớn kinh Hoa nghiêm, có
phẩm Chư Bồ-tát trụ xứ đã đề cập đến Chấn-đán [Cīna-sthāna] - Trung Quốc và Sớ-lặc
[Khāsa].(xii) Nói rằng sự biên tập
và hoàn thành bộ lớn kinh Hoa nghiêm
là tại phương Bắc Ấn-độ, hẳn là không có vấn đề.
Trong những kinh Đại thừa sơ kỳ, có nhiều kinh liên quan
với Văn-thù-sư-lợi. Văn-thù là vị biểu hiện bằng hình tướng người xuất gia,
nhưng lại không xem trọng về Luật do đức Thích tôn quy định. Trong kinh nói:
Văn-thù là vị đến từ thế giới Bảo Thị của Như lai Bảo Anh ở phương Đông (bản dịch
khác không đồng nhất về tên cõi Phật và hiệu Phật),(xiii)13
đến rồi thì không trở về, giúp đỡ đức Thích tôn hoằng Pháp, cũng có thuyết Pháp
riêng. Ấn-độ Phật giáo sử của Đa Thị
nói: Văn-thù biểu hiện bằng hình tướng tỳ-kheo, đi đến nhà Nguyệt Hộ (Candra-rakṣa) ở Âu-đề-tỳ-xá (Oḍiviśa) thuyết pháp Đại thừa, làm người mở đầu cho
việc pháp Đại thừa lưu hành ở nhân gian.14
Âu-đề-tỳ-xá là một trong 3 khu vực lớn của phương Đông Ấn-độ, chính là
Áo-lý-tát (Orissa)
hiện nay, cũng chính là quê hương của Thiện Tài; pháp môn Văn-thù có liên
quan với khu vực này. Văn-thù đến từ phương Đông (cũng có thể nói là phương
Nam, đã thuộc Nam Ấn-độ), là truyền thuyết nhất trí của kinh Đại thừa sơ kỳ. Phẩm
Bồ-tát trú xứ xuất hiện về sau của kinh Hoa
nghiêm, nói Văn-thù trú tại núi Thanh Lương ở phương Đông;15 Văn-thù cũng dần dần chuyển hóa thành
Bồ-tát ở núi Ngũ Đài của Trung Quốc.(xiv)
Trọng về niềm tin và thệ nguyện kinh A-di-đà Phật (đại bản), nguyên bản là chú trọng về Vô lượng quang (Ami-tābha), từ sự mặt trời lặn, ánh sáng tắt dần, mà lấy
(Tịnh độ) vô lượng ánh sáng của bên ấy làm lý tưởng. Sự ngưỡng vọng ánh sáng vô
hạn ấy có ý nghĩa tôn sùng kính ngưỡng mặt trời; Tỳ-lô-giá-na (Vairocana) - mặt trời, của Ấn-độ, cũng đang nhận được sự
tôn trọng của kinh Hoa nghiêm, nhưng
Phật A-di-đà lại có nhiều hương vị ngoại lai. Theo Tỏa-la-tư-đức (Zoroaster) giáo của Ba-tư (Pārasya), vị thần có vô hạn ánh sáng tên Ohrmazd là nơi ngưỡng vọng hạnh phúc vĩnh cửu của nhân loại;16 có một số điểm tương tợ với tín ngưỡng
Phật A-di-đà. Quyển thượng của Tam bảo cảm
ứng yếu lược lục (T. 51, tr. 831c) nói:
“Người nước An-tức không
biết Phật Pháp, sống nơi biên địa, chất phác ngây thơ. Bấy giờ có chim anh vũ,…
thân to nhưng sức yếu. Có người hỏi rằng: Ngươi ăn thứ gì? Đáp: Tôi lấy việc
nghe danh hiệu Phật A-di-đà làm thức ăn, thân to mạnh sức, nếu muốn cho tôi ăn
thì xin xướng danh hiệu Phật. Mọi người đua nhau xướng (danh hiệu Phật), chim dần
bay lên không trung,… đi về hướng Tây. Vua quan đều khen ngợi sự kỳ lạ đó rằng:
đây là Phật A-di-đà hóa làm thân chim, dẫn dắt người biên địa chất phác, há chẳng
phải là ngay đời này được vãng sanh ư!... Từ đó (nguyên bản 以其, nghi là chép nhầm của从是) trở đi, người
nước An-tức biết Phật Pháp thì ít mà người vãng sanh Tịnh độ thì nhiều.”
Đây là có xuất xứ từ truyền
thuyết của Ngoại quốc ký. Truyền thuyết
không ở xứ khác mà vừa đúng tại An-tức (Arsaces), cũng chính là Ba-tư, điều này
có giá trị của truyền thuyết. Người An-tức không biết Phật Pháp nhưng có tín
ngưỡng niệm Phật A-di-đà, chính là đã nói rõ quan hệ giữa Tịnh độ Di-đà và Tây
Bắc Ấn-độ.
Có thể suy đoán được những
Giáo điển chủ yếu của Đại thừa sơ kỳ là: Bát-nhã,
(bộ phận) Hoa nghiêm, và Giáo điển
liên quan với Văn-thù có tư tưởng ở khoảng giữa Bát-nhã và Hoa nghiêm, trọng
về những việc làm to lớn mà sâu sắc rộng rãi của Bồ-tát, phương tiện của Bồ-tát
đi vào thế gian, là hưng khởi ở phương Nam, truyền vào phương Bắc rồi thành tựu
vĩ đại. Trọng về niềm tin và thệ nguyện, như kinh A-di-đà Phật là xuất phát từ phương Bắc. Sự hưng khởi của Đại thừa
sơ kỳ là xu thế chung của giới Phật giáo, thích ứng với những khu vực biên giới
nên mang bộ mặt mới hẳn. Đại thừa hưng khởi ở Phương Nam - Ô-trà, An-đạt-la (Andhra)
rồi truyền đến phương Bắc. Đại thừa phương Bắc lấy (Kế-tân) Ô-trượng-na làm
trung tâm, mở rộng về hướng vùng núi phía Đông, Tây; hướng về phía Nam rồi đi
vào vùng đồng bằng, chính là Kiền-đà-la (Gandhāra) - thành Chúng Hương. Vành
đai này là khu vực mà Phật Pháp Đại thừa vô cùng hưng thịnh.17 Khu vực này bị người Du-na (Yona,
Yavana ), người Ba-tư, người Tắc-ca
(Saka) nhiều lần xâm chiếm; đầu Tây lịch, người Đại Nguyệt Thị xưng là vương
triều Quí-sương (Kuṣāṇa) lại xâm nhập Ấn-độ. Trong ấy, 4 nước gồm Ô-trượng-na,
Xá-ma (Śamī), v.v., là tộc Tắc-ca, được truyền thuyết nói là cùng thuộc tộc
Thích-ca (Śākya). Tộc Tắc-ca và người Ba-tư đã có mối quan hệ hợp tác dài lâu,
đều là những người tín ngưỡng Đại thừa. Khu vực này, do dân tộc phức tạp, cùng
chung sống dài lâu nên tư tưởng có thể tương đối dung hòa và tiếp nhận lẫn
nhau, như Giới luật của 5 bộ phái Thanh Văn đều lưu hành ở đây,18 là một điển hình. Đồng thời, chính quyền
Ấn-độ lên xuống theo các phương diện khác nhau, mà Phật Pháp lại vượt khỏi
chính trị, từ Nam rồi đến Bắc, cũng từ Bắc đến Trung rồi đến Nam (dường như truyền
ngược lại phương Nam rất ít), khắp nơi đều thông suốt. Như trong kinh A-di-đà Phật có nguồn gốc từ phương Bắc,
hai vị đại Bồ-tát - Quán Thế Âm (Avalokiteśvara ) và Đại Thế Chí (Mahā-sthāmaprāpta),
với hai vị Bồ-tát - Quán Tự Tại và Bồ-tát hiệu Chánh Thú (Ananyagāmin) từ hư
không đi đến chỗ ngài Quán Tự Tại của phẩm Nhập pháp giới, về công đức là tương
đồng.19 Sự lưu thông và ảnh hưởng lẫn nhau giữa
tư tưởng Nam, Bắc là không phải do chính trị mà bị hạn chế và trở ngại. Tóm lại,
sự hưng khởi của Đại thừa sơ kỳ có liên quan với sự phát triển của Phật giáo
khu vực biên giới phía Bắc và Nam.
2. Đại thừa thuộc trí sâu, hành lớn
Chủng loại kinh Đại
thừa sơ kỳ rất nhiều, mỗi pháp môn cũng có sự chú trọng riêng nhưng cùng lấy
'phát tâm bồ-đề, tu Bồ-tát hành, thành tựu quả Phật' làm mục đích; với việc tu
hạnh xuất ly của Phật Pháp để 'đạt được lợi [mục đích] cho chính mình',(i) đương nhiên sẽ có nhiều bất đồng. Nhưng
tìm hiểu và nghiên cứu sự khác nhau căn bản của hai quan điểm ấy thì thấy: Phật
Pháp là 'dùng Pháp để dẫn dắt, dùng Luật để tề chỉnh',(ii) xem sự thành tựu việc chánh Pháp tồn
tại lâu dài nơi thế gian, lợi lạc chúng sanh làm mục đích; nhưng Đại thừa sơ kỳ
là trọng về việc tự mình thực hành và giáo hóa kẻ khác thực hành theo Pháp mà
không trọng về Luật. Đối với Pháp, cả hai cũng bất đồng. Phật Pháp là thuyết
Duyên khởi (Pratītya-samutpāda), từ
chúng sanh - trong thân tâm hiện thực của con người biết 'pháp' tất nhiên mà phổ
biến của mê - ngộ, nhiễm - tịnh, quán tất cả đều là vô thường, khổ, không có
ngã và ngã sở nên khế nhập. Đại thừa sơ kỳ lại cho rằng những thứ này là nói
theo thế tục đế (saṃvṛti-satya), phải y
cứ vào thắng nghĩa đế (paramārtha-satya) để nói.
Cho nên nếu nói 5 uẩn là vô thường, “nếu cầu như vậy là thực hành bát-nhã,”
cũng sẽ bị bác bỏ rằng “nói tương tợ bát-nhã-ba-la-mật.”(iii)1
Sự căn cứ vào thắng nghĩa đế để nói của Đại thừa sơ kỳ, như kinh Văn-thù-sư-lợi
tịnh luật (T. 14, tr. 448c) nói:
“Chúng sanh ở cõi ấy lấy việc hiểu rõ ý nghĩa của chân đế
làm đứng đầu, không xem duyên hợp là đệ nhất.”(iv)
Bản dịch khác của kinh này là kinh Thanh tịnh tỳ-ni
phương quảng, nói: “Ở cõi Phật ấy, không biết (Khổ), đoạn (Tập), không tu
(Đạo), chứng (Diệt), là Tứ đế); các chúng sanh cõi ấy trọng về đệ nhất nghĩa đế,
chẳng trọng về thế đế.”2 Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi
đến từ thế giới phương Đông (Nam), Phật Pháp của bên ấy lấy sự hiểu rõ chân đế
- thắng nghĩa đế làm đầu, không giống như Phật Pháp ở cõi này lấy duyên khởi (Tứ
đế, thế tục đế) làm quan trọng hơn hết. Cõi này, là Phật Pháp truyền thống từ đức
Thích tôn trở đi; Phật Pháp ở cõi kia mà được Văn-thù tuyên dương ấy chính là Đại
thừa (Mahā-yāna) xuất hiện ở Đông
Nam Ấn-độ. Theo Phật Pháp nói: “Dù ngươi biết hay không biết, thì trước hết
chính ngươi phải biết pháp trụ, sau đó mới biết niết-bàn.”(v)3
Nếu đúng như sự thật pháp trụ trí (dharma-sthititā-jñāna) về duyên
khởi, là lịch trình phải đi qua của việc tu tập đạo, thì chắc chắn không thể
lìa sự biết đúng như thật về thế gian mà có thể đắc niết-bàn (nirvāṇa) được. Nhưng trong Đại thừa sơ kỳ, dù là lợi
căn, trung căn, độn căn; sơ học hay không còn thoái chuyển,4 đều trực tiếp nhập môn từ 'chỗ sâu sắc'
tương đương với niết-bàn.(vi) Kinh Bát-nhã là kinh điển trọng yếu
của Đại thừa sơ kỳ, đã biểu đạt đầy đủ ý hướng này, thử dẫn lời được kinh nói:5
1) “Tướng sâu xa đó tức là nghĩa của không, tức là nghĩa của
vô tướng, vô tác (nguyện),
vô khởi, vô sanh, vô diệt, vô sở hữu, vô nhiễm, tịch diệt, viễn ly, niết-bàn.”(vii)
2) “Chỗ sâu xa đó, ‘không’ là nghĩa của nó. Vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sanh, (vô diệt), vô nhiễm, tịch
diệt, ly, như, pháp tánh (giới),
thật tế, niết-bàn. Này Tu-bồ-đề! Các pháp như thế là nghĩa sâu xa.”(viii)
Đây đầu là những kinh do Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch vào đời
Diêu Tần. 1) là kinh Tiểu phẩm Bát-nhã-ba-la-mật; 2) là kinh Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật, quen gọi là Đại phẩm. Trong kinh liệt kê
ra các nghĩa sâu sắc, bản dịch của Đường Huyền Trang kết luận rằng: “Những từ đồng
nghĩa với chỗ sâu sắc đã được kể ra như vậy đều nhằm nói rõ rằng niết-bàn là
nghĩa sâu sắc.”6 Niết-bàn là sự tự chứng
của bậc Thánh, chẳng phải bằng ý thức phân biệt, ngữ ngôn văn tự thông thường
có thể đạt đến được. Không thể nói nó là 'có', nó cũng khác với 'không có',7 kinh A-hàm chỉ dùng sự lìa bỏ, thí
dụ, và các tính từ như vi diệu, v.v., để làm phương tiện diễu tả.8 Trong kinh Bát-nhã của Đại thừa,
các nghĩa sâu sắc được nêu ra ấy đều là tên gọi khác của niết-bàn. Như các từ
vô sanh (anutpāda), ly (niḥsaraṇa), diệt (nirodha) là những từ được kinh A-hàm thường dùng để diễn
tả cho sự giải thoát của niết-bàn. Không (śūnyatā), vô tướng (animitta), vô nguyện (apraṇihita) là sự thực hành
tu quán sâu sắc để hướng đến niết-bàn, kinh Đại thừa cũng dùng chúng để diễn tả
niết-bàn. Trong kinh Bát-nhã, (chân) như (tathatā), pháp giới (dharma-dhātu), thật tế (bhūtakoṭi) được xếp loại
thành 12 tên gọi khác nhau gồm chân như, v.v.9
Những tên gọi này, như, pháp giới, v.v., kinh A-hàm dùng để diễn tả cho
pháp Duyên khởi,(ix) nhưng trong kinh Đại
thừa, đều xem là tên gọi khác của thắng nghĩa đế, niết-bàn. Điểm chú trọng khác
nhau giữa Phật Pháp và Phật Pháp Đại thừa, nhờ đây mà có thể biết rõ được.
Kinh Bát-nhã, v.v., chú ý đến việc tu hành của hàng đệ tử Phật cho
nên nghĩa sâu sắc được nói đến ấy là chỗ mà lời nói hay tư duy đều không thể đạt
đến được. Đây là dùng sự tự chứng của Phật và A-la-hán làm tiêu chuẩn, như kinh
Đại Bát-nhã nhiều lần nói: “vì dùng pháp trụ tánh làm tiêu chuẩn [định
lượng];”(x) “pháp tánh của các
pháp để làm tiêu chuẩn;”(xi) “vì
đều dùng chân như làm tiêu chuẩn;”(xii)
“vì chỉ dùng thật tế làm tiêu chuẩn;”(xiii)10 lượng (pramāṇa - tiêu chuẩn) là nhận
thức chính xác, có thể làm tiêu chuẩn để nhận thức. Giáo điển cùng nguồn nhưng
khác dòng với kinh Bát-nhã, có liên quan đến Bồ-tát Văn-thù, cũng nhiều lần
nói: “đều y cứ vào thắng nghĩa;” “chỉ nói về pháp giới;” “y cứ vào sự giải
thoát.”(xiv)11
Đây là chỗ đặc chất của nghĩa sâu xa Đại thừa, chỉ có bát-nhã - văn huệ (âm hưởng
nhẫn), tư và tu huệ (nhu thuận nhẫn), tu và hiện quán huệ (vô sanh pháp nhẫn) mới
có thể đi vào được.(xv) Do
đây có thể nhận thấy được tánh trọng yếu của bát-nhã-ba-la-mật trong Bồ-tát đạo,
đối với những điều trong kinh nói: 'tất cả pháp đều không thể nắm bắt',(xvi) 'tất cả pháp đều là bổn tánh
không',(xvii) 'tất cả pháp đều vốn bất sanh',(xviii)
'tất cả pháp đều vốn thanh tịnh'(xix) (tịnh
là tên gọi khác của không); 'các pháp từ xưa đến nay luôn có tướng tự tịch diệt'(xx) cũng có thể hiểu được, đây đều là cảnh
giới của bát-nhã - huệ của Bồ-tát và huệ của Phật (nhận thức của Phật) có 'vô sở
đắc làm phương tiện'.
Nghĩa sâu sắc của Đại thừa là từ niết-bàn của Phật Pháp mà có. Nhưng trong
Phật Pháp, vị A-la-hán thấy được pháp niết-bàn - đắc trí niết-bàn là 'không thọ
lại hậu hữu', còn sự tu 'thắng giải về tánh không' của Bồ-tát ấy là đắc trực tiếp
đến vô sanh nhẫn, vẫn là chưa chứng nhập niết-bàn, sao có thể như thế được? Tôi
từng nghiên cứu thêm vấn đề này, như trong Không chi thám cứu (tr.
151-153), tôi nói:
“Căn tánh của chúng sanh không giống nhau, còn có một loại người không phải
là tín ngưỡng, hi vọng mong muốn, lắng nghe, suy nghiệm, cũng không phải là ‘chấp
nhận sự hiểu biết,’(xxi) nhưng có hiểu biết rằng ‘có niết-bàn tịch
diệt’, nhưng không phải A-la-hán. Giống như nhìn vào trong giếng, thấy và biết
chắc chắn rằng đó là nước, nhưng lại không thể thưởng thức được nước đó…12 Chỉ có một loại người khác (số rất
ít), có tri kiến chân chánh rằng ‘có niết-bàn tịch diệt’ mà không chứng được
A-la-hán; không nhập vào diệt tận định nhưng có nhận thức về niết-bàn sâu xa,
chính là hình thức Bồ-tát Đại thừa Sơ kỳ, quán mọi pháp đều là ‘không’ nhưng
không chứng ‘thực tế’… Chỉ có bậc có nhận thức về niết-bàn mà không chứng đắc, ở
trong khí vận tối cao của Bồ-tát đạo, thì cầu thành Phật đạo, lợi ích cho chúng
sanh, mới cần phát huy lên đầy đủ!”
Nghĩa sâu sắc của Phật Pháp Đại thừa là y cứ vào niết-bàn mà có, nhưng
trong quá trình phát triển của pháp Đại thừa, dần dần đã thể hiện ra những hàm
nghĩa khác nhau. Ban đầu, điều được Bồ-tát vô sanh pháp nhẫn thể ngộ là tương đồng
với niết-bàn của Nhị thừa, phẩm Thập địa của kinh Hoa nghiêm cũng nói: “Tất
cả pháp tánh, tất cả pháp tướng, dù có Phật hay không có Phật, thì chúng vẫn
thường trụ không đổi khác. Tất cả đức Như lai không vì sự đắc pháp này mà gọi
là Phật. Thanh Văn, Bích-chi Phật cũng đắc được pháp tịch diệt không có sự phân
biệt này.”(xxii)13 Các kinh Đại thừa như Bát-nhã, v.v., thường
trích dẫn sở chứng của Nhị thừa để chứng minh cho bát-nhã hoàn toàn vô sở trụ của
Bồ-tát. Quả chứng của Nhị thừa đều “không lìa nhẫn này,”(xxiii)14
điều này biểu thị sự hàm chứa Phật Pháp truyền thống của Đại thừa khi mới thịnh
hành. Nhưng Bồ-tát thì vượt quá Nhị thừa, tâm bồ-đề và đại bi không bỏ chúng
sanh là thù thắng. Về phương diện trí huệ, căn cứ vào bát-nhã rồi khởi lên
phương tiện thiện xảo (upāya-kauśalya), sự thiện xảo về
tự lợi và lợi tha của Bồ-tát là điều mà Nhị thừa không theo kịp; phẩm Nhập pháp
giới của kinh Hoa nghiêm và kinh Duy-ma-cật gọi đó là sự giải
thoát không thể suy lường (acintya-vimukta). Phát triển đến
chỗ xem niết-bàn của Nhị thừa giống như thành phố do biến hóa ra mà có, “cái
ngươi đắc được chẳng phải là sự diệt (chân thật).”(xxiv)15
Điều này giống như nhất thời ngủ [người bị chết giấc]; chỉ là say bởi tam-muội
rượu [người bị say rượu],(xxv)16 niết-bàn của Phật mới là niết-bàn chân
thật chăng! Niết-bàn sâu sắc của Phật Pháp Đại thừa là khác với Phật Pháp; nói
ngắn gọn, Đại thừa là 'sanh tử chính là niết-bàn'.
Thuyết Duyên khởi của Phật Pháp là: nhờ có duyên nên có sự lưu chuyển sanh
tử, nhờ không có duyên nên hoàn diệt niết-bàn, thế gian sanh tử và giải thoát
niết-bàn cùng thành lập trên nguyên tắc duyên khởi tối cao. Nhưng khi trình bày
về duyên khởi, đa số đều kể ra sự nương tực lẫn nhau của nhân quả theo thứ tự, điều
này mới làm phát sanh đối lập giữa duyên khởi và niết-bàn mà không tự biết. Sự
sâu sắc của duyên khởi, sự sâu sắc của niết-bàn là điều mà trong Kinh, Luật nói
đến nhất trí với nhau, cũng xem duyên khởi là hữu vi (saṃskṛta), xem niết-bàn là vô vi (asaṃskṛta),17 hiểu thành hai pháp bất đồng. Trong Phật
Pháp Đại thừa, niết-bàn có các tên gọi khác gồm không tánh, chân như, pháp giới,
v.v., là bất ly tất cả pháp, chính là tất cả pháp, như kinh Bát-nhã nói:
“sắc (v.v., 5 uẩn) chẳng khác với không, không chẳng khác với sắc (v.v.); sắc
(v.v.,) tức là không, không tức là sắc (v.v.),”(xxvi)18 Luận Trí độ thì giải thích rằng:
“niết-bàn chẳng khác với thế gian, thế gian chẳng khác với niết-bàn.”(xxvii)19
Niết-bàn là siêu việt phàm tình, không có tướng năng - sở, không có tướng thời
gian - không gian, không có sự sai biệt về số lượng giữa bên này bên kia (gần với
một số kinh nghiệm thần bí), là không thể dùng suy nghĩ, ngôn ngữ để diễn tả. Phật
Pháp trọng về siêu thoát, cho nên việc bậc Thánh nhập niết-bàn không phải là giống
như đối tượng mong cầu của mọi người, không rơi vào lối cũ kĩ của thần giáo, nhưng
không thể thỏa mãn tình cảm mê muội của thế tục. Niết-bàn của Phật Pháp Đại thừa,
có thể nói nó là siêu việt nhưng lại thuộc nội tại, không dính mắc vào mọi thứ,
lại không tách rời mọi thứ. Từ sự niết-bàn, chân như, pháp giới, v.v., chính là
tất cả pháp nhưng siêu việt tất cả pháp để nói, thì không có sai biệt nào để có
thể diễn tả, cho nên nói là 'pháp môn bất nhị - pháp môn không có hai',(xxviii) 'nhất chân pháp giới - đồng một
pháp giới chân thật'. Kinh Duy-ma-cật nói: “Tất cả pháp cũng chính là
(chân) như vậy.”(xxix)20 Kinh Văn-thù-chi-lợi phổ siêu
tam-muội nói: “Tất cả các pháp đều quy về pháp giới.”(xxx)21
Kinh Đại Bát-nhã nói: “Tất cả pháp như thế ấy, không có pháp nào không
đi vào pháp giới vô tướng, vô vi, tánh không.”22
Dùng thí dụ để nói: “Giống như những hạt lúa ở trong một đống lúa, thì
không thể nói chúng là khác nhau.”(xxxi)23 “Muôn sông chảy theo bốn hướng,
mỗi sông đều có tên riêng, hết thảy đều chảy vào biển, hợp thành một vị.”(xxxii)24
“Giống như các loại sắc thân, khi đến bên núi chúa Tu-di, thì đều cùng một màu.”(xxxiii)25
Đây là ở trong sự chứng đắc bằng trí bát-nhã, siêu thoát danh tướng nên không
thể diễn tả đó là gì, tất cả đều bằng với một, cho nên quyển thượng của kinh Phật
thuyết như huyễn tam muội (T. 12, tr. 124c) nói:
“Tất cả chư Phật đều là một vị Phật, tất cả cõi (quốc độ) Phật đều là một
cõi Phật, tất cả chúng sanh đều là một thần [ngã], tất cả các pháp đều là một
pháp. Bởi vì chúng là nhất định (không?) nên gọi là một; chúng cũng chẳng phải cố
định là một, cũng chẳng phải là nhiều.”(xxxiv)26
'Một' vẫn là lập theo tương đối, đối với nhiều mà nói. Trong tâm trạng chúng
sanh có vô hạn sai biệt cho nên nói không phải là hai mà nói là một, nhưng thật
ra là chẳng phải nhất định là một, cũng chẳng phải là nhiều nên không trở ngại gì
khi nói “chẳng phải đồng nhất chẳng phải dị biệt.” Sự trải nghiệm tu tập siêu
việt của hành giả Đại thừa đã kết hợp với niềm tin rằng chư Phật và Bồ-tát giáo
hóa khắp mọi phương, tất cả đều là một, lại biểu hiện thành sự bao hàm lẫn nhau
giữa một và nhiều, như quyển 77 của kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm
(T. 10, tr. 423b) nói:
“Bởi vì một kiếp đi vào tất cả kiếp, bởi tất cả kiếp đi vào một kiếp nên
nơi trú ở ấy không bị hoại cái tướng của nó. Bởi vì một sát [cõi] đi vào tất cả
sát [cõi], bởi tất cả sát [cõi] đi vào một sát [cõi] nên nơi trú ở ấy không bị
hoại cái tướng của nó. Bởi vì một pháp đi vào tất cả pháp, bởi tất cả pháp đi
vào một pháp nên nơi trú ở ấy không bị hoại cái tướng của nó. Bởi vì một chúng
sanh đi vào tất cả chúng sanh, bởi tất cả chúng sanh đi vào một chúng sanh nên nơi
trú ở ấy không bị hoại cái tướng của nó. Bởi vì một đức Phật đi vào tất cả chư
Phật, bởi tất cả chư Phật đi vào một Phật nên nơi trú ở ấy không bị hoại cái tướng
của nó.”(xxxv)
Một, là sự bình đẳng không có hai; bình đẳng thì không chướng ngại nhau, vì
vậy kiếp (thời gian), cõi (quốc độ), pháp, chúng sanh, Phật đều là tất cả ở
trong một, mội ở trong tất cả: bao hàm lẫn nhau, mỗi thứ trụ nơi tự tướng của
nó nên không bị loạn. “Phật sát [cõi] và Phật thân, chúng hội (chúng) và ngôn
thuyết (pháp), chư Phật Pháp như vậy thì chúng sanh sao thấy được:”(xxxvi)27
cảnh giới như vậy, đối với chúng sanh mà nói, chỉ có thể tồn tại trong tín ngưỡng
thuộc lý tưởng.
Trong khi Đại thừa hưng khởi, pháp môn Bát-nhã phát triển được đến mức lớn
nhất, như sự truyền ra không ngừng của giáo điển thuộc bộ Bát-nhã, Thượng
phẩm Bát-nhã mà hiện nay vẫn còn ấy gồm 100.000 bài kệ, có thể nhận thấy được
sự lưu hành phổ biến của pháp môn Bát-nhã. Kinh Bát-nhã trọng về Bồ-tát
hành, dùng bát-nhã quy nạp và dắt dẫn 6 độ muôn hành, đi vào nơi nhất thiết trí
(sarvajñā), đặc biệt là xiễn dương ý nghĩa 'không'. 'Không'
có nguồn gốc từ vô ngã và vô ngã sở là không của kinh A-hàm, là điều mà
các bộ phái cùng chủ trương. Bộ phận Bát-nhã nguyên thỉ hoàn toàn chẳng
nói đến 'không', chỉ nói xa lìa, vô sở hữu, vô sanh, vô sở đắc, v.v. Hạ phẩm - Tiểu
phẩm Bát-nhã mới nói “tất cả pháp đều là không;”(xxxvii) “vì Tu-bồ-đề là theo Phật sanh
ra, có thuyết những pháp gì thì các pháp ấy đều là không.”(xxxviii)28
'Tất cả pháp đều là không' được nói ấy vẫn là nói tổng quát chứ không phải là tên
riêng. Trung phẩm - Đại phẩm Bát-nhã, là điều mà A-hàm và Bộ phái
đã nói, căn cứ vào nghĩa Đại thừa rồi phân loại thành nhiều thứ 'không'. Như phần
đầu của Trung phẩm đề cập đến 7 loại không; phần sau nói đến 14 loại không; khi
Trung phẩm được biên tập hoàn thành, lại tổng tập thành 16 loại không, lại phát
triển rồi nói 18 loại không, như phần thứ 3 và phần thứ 2 của kinh Đại
Bát-nhã đã nói. Thượng phẩm - phần đầu của kinh Đại Bát-nhã tăng
thêm nói thành 20 loại không.29 Bởi
vì sự thành lập nên nhiều loại không của kinh Bát-nhã, lại có nhiều nơi
trong kinh nói chi tiết về không, vì vậy nghĩa của kinh Bát-nhã có
khuynh hướng xiển dương về 'không', cũng đã ảnh hưởng đến những kinh Đại thừa
còn lại, dường như 'không' là cốt tủy của kinh Bát-nhã. Thật ra, cái
'không' mà kinh Bát-nhã nói là chỗ sâu sắc, có cùng một nội dung với vô
sanh, chân như, pháp giới, niết-bàn, v.v. Cho nên gọi nó là không, cố nhiên đó
là sự thể ngộ của việc tu hành trọng về lìa vọng chấp, rời bỏ danh tướng, cũng
là miêu tả sự hoàn toàn không có dính mắc, không bị trở ngại trong tâm bậc
Thánh. Cái 'không' của Phật Pháp là như vậy nên nhận được sự xem trọng của người
tu hành; trong kinh Bát-nhã của Đại thừa, ứng dụng to lớn nên được phát
huy mạnh mẽ lên. Kinh Bát-nhã nói 'không', chú trọng về bổn tánh không (prakṛti-śūnyatā), tự tánh không (svabhāva-śūnyatā).(xxxix)
Lý do mà các loại không ấy là 'không', là “vì bổn tánh của nó là như vậy,” cho
nên có thể nói 'bổn tánh không' là nghĩa chung của tất cả loại không. Tự tánh (theo
thắng nghĩa) là tên gọi khác của chân như, pháp giới, v.v., như quyển 10 của kinh
Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật (T. 8, tr. 292b) nói:
“Sao gọi là tướng của các pháp vô vi? Đó là tự tánh không có sanh,
không có diệt, không có trụ, không có đổi khác, không có dơ bẩn, không có thanh
tịnh, không có tăng, không có giảm của các pháp. Sao gọi là tự tánh của các
pháp? Tánh vô sở hữu của các pháp là tự tánh của các pháp, đó gọi
là tướng của các pháp vô vi.”(xl)
Tự tánh không, không phải nói tự tánh là không có, mà là nói tự tánh theo
thắng nghĩa (tức 'tướng không của các pháp') là chẳng phải sanh - chẳng phải diệt,
chẳng phải dơ - chẳng phải sạch, chẳng phải tăng - chẳng phải giảm. Tự tánh là
cái vô vi (niết-bàn) siêu việt, không phải rơi vào tên gọi, tướng trạng. Nhưng
trong kinh, cũng có nói tự tánh theo thế tục là cái hư vọng không có thật -
'không', nói vì không có tự tánh (niḥsvabhāva) nên là 'không'.30 Trong Luận nghĩa của Đại thừa, 'vô tự
tánh không' có địa vị vô cùng quan trọng, nhưng dùng kinh Bát-nhã để
nói, thì 'không', chắc chắn không phải là trọng về 'vô tự tánh'. Các kinh Đại
thừa như Bát-nhã, v.v., là lấy chân như, pháp giới, v.v., làm chuẩn mực.
Những sự thực hành tương ưng với 'không' của Bồ-tát là phương tiện lớn để tự lợi
và lợi tha, thể ngộ vô sanh rồi tiến đến thành tựu Phật đạo.
Đại thừa lấy chân như, pháp giới làm chuẩn mực, tức là tất cả nhưng siêu việt
tất cả, không thể siễn tả, không thể chỉ cho thấy, không thể phân biệt, tất cả
đều là không phải hai, không phải khác. Nhưng trong sự tu hành của Bồ-tát, còn
nói 6 độ, 4 nhiếp, thành thục chúng sanh, trang nghiêm cõi Phật, trong tâm tình
của chúng sanh, không tránh khỏi sự khó tin tưởng được. Trong 'Phương tiện đạo'
của kinh Bát-nhã đã nhiều lần nêu ra nghi vấn, luôn luôn dùng nhị đế để
giải thích, cũng chính là sự ở trong thắng nghĩa đế thì không thể thiết lập,
căn cứ theo thế tục đế thì được nói như vậy. Đây là vì sự khác nhau giữa tâm lý
của chúng sanh và trí huệ của chư Phật Bồ-tát mà nói. Nhưng tất cả đều là bổn
tánh không, tất cả đều vốn thanh tịnh, chúng sanh cũng vốn như thế, tại sao lại
bị sanh tử trôi lăn, Phật và Bồ-tát phải đến để hóa độ vậy? Phật Pháp y cứ vào
duyên khởi, thành lập nên sanh tử trôi lăn và niết-bàn hoàn diệt; từ chúng sanh
hiện thực để xuất phát, cho nên không có loại nghi vấn này. Kinh Đại thừa chú
trọng về tu chứng, xuất phát từ cảnh giới chứng ngộ siêu việt nên đối với việc
giải thích sự sanh tử, không quá xem trọng. Ngẫu nhiên đề cập đến, như quyển
556 của kinh Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa (phần thứ 5) (T. 7, tr. 867c) nói:
“Đức Phật bảo ngài Xá-lợi tử: [Những pháp] vô sở hữu như thế nào thì [những
pháp đó] hữu như thế ấy, nếu không hiểu rõ được pháp vô sở hữu như thế ấy thì gọi
là vô minh. Kẻ ngu phu dị sanh do bị thế lực vượt trội của vô minh và tham ái
nên phân biệt chấp trước hai bên đoạn-thường đối với tánh vô sở hữu của tất cả
pháp, do vậy, chúng không thấy, không biết tánh vô sở hữu của các pháp. Không
thấy, không biết,… không thấy, không biết đối với đạo như thật, không thể ra khỏi
sanh tử của ba cõi; không tin pháp chân thật [đế pháp], không biết thật tế, vì
vậy rơi vào hạng những kẻ ngu phu. Do điều này nên chúng Bồ-tát ma-ha-tát đều
không có chấp trước vào tánh và tướng của pháp.”(xli)
Sự sanh tử trôi lăn của chúng sanh có có nguồn gốc từ vô minh (avidyā), đây là điều mà Phật Pháp đã nói. Theo kinh Bát-nhã
nói, vô minh nên không thể biết rõ tánh vô sở hữu của tất cả, do không biết nên
khởi chấp trước thì không thể lìa khỏi sanh tử. Vì vậy, do Bồ-tát sử dụng
bát-nhã nên không khởi lên chấp trước, không chấp trước thì được giải thoát. Điều
này không ngoài ý nghĩa mê chân như nên có sanh tử, ngộ chân như nên được giải
thoát. Kinh Đại thừa sơ kỳ nói, đại để là như thế. Như kinh Duy-ma-cật
nói: “Hỏi: Cái gì là gốc của thiện và bất thiện? Đáp: Thân là gốc. Lại hỏi: Cái
gì là gốc của thân?... Cái gì là gốc của cái tưởng điên đảo? Đáp: Vô trụ là gốc.
Lại hỏi: Cái gì là gốc của vô trụ? Đáp: Vô trụ thì không có gốc. Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi!
Từ cái gốc vô trụ ấy thành lập nên tất cả pháp.”(xlii)31 Từ thiện và bất thiện của tâm hành,
truy tìm theo từng tầng, đến được 'y vào cái gốc vô trụ ấy thành lập nên tất cả
pháp', mà 'vô trụ thì không có gốc'. Vô trụ, cổ đức hoặc giải thích là vô minh
trụ địa. Nhưng nguyên ngữ của vô trụ là aniketa, vô minh trụ địa là avidyā-vāsa-bhūmi, Phạm văn bất đồng, người xưa là nhìn
vào văn tự để chọn lấy nghĩa nên giải thích nhầm vậy! Vô trụ phải là tất cả
pháp đều không có trụ xứ, giống như hư không, tất cả sắc pháp đều dựa vào đây
mà có, nhưng hư không lại không dựa vào đâu cả. Cho nên 'y vào cái gốc vô
trụ ấy thành lập nên tất cả pháp' chính là 'chẳng động chân tế mà thành lập nên
các pháp'. Y theo thắng nghĩa siêu việt đối tượng để lập nên tất cả pháp, giải
thích tất cả pháp, đúng là sâu sắc sâu sắc, chúng sanh thì rất khó hiểu được vậy!
'Bát-nhã-ba-la-mật', trong sự tu học của Bồ-tát, là tối quan trọng. Đầu
Trung phẩm - kinh Đại phẩm Bát-nhã, khuyến khích học bát-nhã, nếu như muốn
học pháp môn nào thì cũng đều 'cần phải học bát-nhã-ba-la-mật'. Bởi vì tu học
bát-nhã thì tất cả pháp môn đều trong bát-nhã - tương ưng với 'không' đều trở
thành phương tiện (upāya) để thành Phật.
Vì vậy, khi giải thích nội dung của Đại thừa - Ma-ha-diễn (Mahāyāna), đã nêu ra các pháp môn như 6 loại ba-la-mật, 18 loại
không, 108 loại tam-muội, 4 loại niệm xứ,… Thánh đạo gồm 8 phần, 11 loại trí, 3
loại tam-muội, 10 niệm, 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, 18 pháp bất cộng,
đà-ra-ni môn (42 mẫu tự), v.v. Bốn loại niệm xứ… Thánh đạo gồm 8 phần, 10 loại
trí (trừ như thật trí trong 11 loại trí), 3 loại tam-muội, 10 niệm đều là pháp
môn của Thanh Văn tu học, nhưng Bồ-tát cần tương ưng với bát-nhã để tu học, “vì
vô sở đắc - không thể nắm bắt được,” đều trở thành phương tiện để thành Phật. Trong
kinh nói: “Vì Bồ-tát ma-ha-tát xem tất cả các pháp đều không thể nắm bắt nên
nương Ma-ha-diễn này để ra khỏi 3 cõi, trụ nơi tát-bà-nhã (nhất thiết trí).”(xliii)32
Căn cứ vào ý nghĩa này, bát-nhã xem vô sở đắc là phương tiện, bát-nhã là đại
phương tiện, lìa bát-nhã thì tất cả đều không thành tựu được phương tiện (để
thành Phật) của nó. Nhưng sự làm lợi ích chúng sanh của Bồ-tát, trong việc thế
tục, không thể nói bát-nhã đều vô sở đắc thì đã đủ được. Phương tiện có nhiều ý
nghĩa, đối với 'cái thể chân thật' của bát-nhã, mà luận về 'đi vào cõi tục' của
bi nguyện cứu giúp, thì phương tiện và bát-nhã đều quan trọng như nhau. Quyển
trung của kinh Duy-ma-cật sở thuyết (T. 14, tr. 549c) nói:
“Trí (bát-nhã) độ là mẹ của Bồ-tát, phương tiện được xem là cha, tất cả bậc
Chúng đạo sư (Phật) không có vị nào không phải do nó sanh ra.”(xliv)
Bát-nhã và phương tiện là hai nhân tố lớn để thành Phật, vả lại, là giúp đỡ
lẫn nhau, thành tựu cho nhau, cho nên nói: “huệ mà không có phương tiện thì là
trói buộc, huệ mà có phương tiện thì là giải thoát; phương tiện mà không có huệ
thì là trói buộc, phương tiện mà có huệ thì là giải thoát.”(xlv)33
Huệ - bát-nhã mà không có phương tiện thì phải chứng thật tế nên thành tựu quả
nhỏ; phương tiện từ bi mà không có bát-nhã thì chỉ là nghiệp lành của hàng trời
người, đối với Phật đạo mà nói, đó đều là trói buộc. Chỉ có sự giúp đỡ lẫn
nhau, thành tựu cho nhau của bát-nhã và phương tiện thì mới thực hiện được sự
giải thoát không thể suy lường của Đại thừa. Như vậy, như phẩm Kệ tụng của kinh
Tu-chân thiên tử, đối đáp mở rộng về cái già là 'trí huệ' (bát-nhã), cái
gì là 'thiện quyền' (phương tiện), nhằm giải thích tánh trọng yếu giữa hai cái
trong Bồ-tát hành.(xlvi)34 Trong sự thực hành lợi tha của Bồ-tát,
'phương tiện' nhận được sự xem trọng, cho nên kinh Đại Thọ khẩn-na-la vương,
ngoài việc dùng 32 pháp để làm thanh tịnh 6 ba-la-mật ra,(xlvii) còn nói “có 32 pháp để tịnh
phương tiện ba-la-mật,”(xlviii)35 trở thành thuyết 7 loại ba-la-mật. Kinh
Hoa nghiêm nhằm làm cho tròn con số 10 nên đã nói đến nhiều loại 10
ba-la-mật.36 Nhưng trong phẩm Thập địa
của Hoa nghiêm do Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, Cưu-ma-la-thập dịch
vào đời Diêu Tần, Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra) dịch vào đời
Đông Tấn đều không có nói đến việc 10 ba-la-mật là do từ phương tiện trở lên thêm
nguyện, lực, trí mà thành. Mười ba-la-mật do 6 độ thêm vào phương tiện, nguyện,
lực, trí, trở thành thuộc định luận phổ biến, là thuộc về Đại thừa hậu kỳ.
Tánh trọng yếu của 'phương tiện' trong Phật Pháp Đại thừa (lại ảnh hưởng đến
Phật Pháp Đại thừa Bí mật) là điều cần phải xem trọng đặc biệt. Kinh Duy-ma-cật
sở thuyết do La-thập dịch, ở dưới tiêu đề kinh chú rằng “còn có một tên
khác là Bất tư nghì giải thoát.” Luận Trí độ gọi phẩm Nhập pháp
giới của kinh Hoa nghiêm là kinh Bất khả tư nhượng giải thoát; tiêu
đề trong kinh Hoa nghiêm (40 quyển) cũng gọi là Nhập bất khả tư nghì giải
thoát cảnh giới. Giải thoát (vimukti) là mục tiêu tu
hành của Phật Pháp, Phật Pháp Đại thừa gọi đó là 'sự giải thoát không thể suy
lường', trên mặt hình thức và phương pháp, phải có khác biệt ở mức độ nào đó;
điểm khác nhau quan trọng đó chính là phương tiện. 1) Bồ-tát đạo là dựa vào Bổn
sanh (Jātaka) của đức Thích tôn trong đời quá khứ mà hình
thành. Trong Bổn sanh, người tu Bồ-tát hành không nhất định là người xuất gia. Như
những thiện tri thức (Bồ-tát) mà Thiện Tài (Sudhana) tham phỏng, đa số
là người. Thuộc xuất gia thì có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni. Thuộc tại gia, có quốc
vương nhân từ, quan thi hành Pháp luật, người lái thuyền trên biển, thầy thuốc,
người chế hương, học giả ngôn ngữ, nhà số học, trưởng giả, ưu-bà-di, đồng nữ,
v.v.; cũng có quốc vương dùng phương tiện thị hiện hình phạt nghiêm khắc tàn khốc,
dâm nữ ái dục, tiên nhân ngoại đạo “mặc áo bằng vỏ cây” ngu si, bà-la-môn khổ hạnh
“dùng 5 ngọn lửa chích vào thân mình.”(xlix)
Cũng có vị không phải là người, như vị đại thiên (thần) có 1 đầu 4 tay; rất nhiều
Dạ thiên là Dạ-xoa (Yakṣa) nữ. Có vị là xuất
gia, có vị là tại gia; có vị là người, có vị là quỷ thần: Bồ-tát như vậy mà tu
Bồ-tát hành, đương nhiên là bất đồng với Phật Pháp. 2) Trong Phật Pháp, người tại
gia có thể chứng quả được, nhưng việc trụ trì Phật Pháp thì thuộc về Tăng xuất
gia. Không liên hệ đến chính trị, không làm việc sanh sản, biểu hiện hình tượng
nghiêm khắc vượt thế tục. Nhằm duy trì và bảo vệ sự thanh tịnh của Tăng-già, có
nhiều nơi không được đến, có nhiều người không được tùy tiện tiếp xúc, có nhiều
việc không được làm. Tuân thủ những quy định truyền thồng, giữ khoảng cách
thích hợp với xã hội, đối với việc phổ cập hóa Phật Pháp ở nhân gian, dường như
là có chưa đầy đủ. Bồ-tát của Phật Pháp Đại thừa dùng những thân phận khác nhau
đi vào khắp các giai tầng, theo những sự nghiệp khác nhau, dùng những phương tiện
khác nhau để giáo hóa khắp nhân gian. Phật Pháp Đại thừa thuộc lý tưởng, so với
đời sống tỳ-kheo nghiêm khắc vượt thế tục, thuyết Pháp lợi sanh, trên mặt tác
phong thì rõ ràng bất đồng. Bồ-tát Văn-thù chính là vị biểu hiện bằng hình tướng
xuất gia, không an cư (vārṣika) mùa mưa ở trong
Tăng, mà “trong 3 tháng ở với các thị nữ trong vương cung và các dâm nữ, trẻ nhỏ,”(l)37
cũng bất đồng với đời sống xuất gia theo truyền thống. Phong cách phương tiện
này của Đại thừa đúng là đã chịu ảnh hưởng của hệ Đại chúng bộ trong Pháp mà
không trọng Luật được lưu hành ở khu vực này. Chủ trương của Kê-dận bộ (Kukkuṭika) là tất cả việc y phục, thức ăn, chỗ ở đều tùy nghi; Bắc
đạo bộ (Uttrā-pathaka) nói rằng có A-la-hán tại gia. Đại thừa
phương Nam - pháp môn Văn-thù, lý luận và thực hành mà phẩm Nhập pháp giới biểu
hiện chính là ở trên tư tưởng loại bộ phái này, thích ứng với địa phương hoặc
văn minh rồi phát triển lên. Bát-nhã nguyên thỉ ứng dụng ngữ cú phủ định,
phản vấn, vốn gần với pháp môn Văn-thù. Bát-nhã lưu hành vào phương Bắc
rồi thành tựu vĩ đại, tuy cùng giống nhau chú trọng về sự thể ngộ thắng nghĩa nhưng
thay đổi và chọn lấy ngữ cú bình dị chân thật, còn trích dẫn các thuật ngữ của
Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarv-āstivādin), v.v. Pháp môn
Văn-thù ở phương Nam đã phát triển lên hết mức. Trong phẩm Nhập pháp giới, các
phương tiện của những thiện tri thức ấy, không có gì trở ngại khi nói rằng đó
là tập hợp những đặc tánh của pháp môn Văn-thù đương thời, mà dùng sự tham học
của đồng tử [thanh niên] Thiện Tài để diễn tả ra những đặc sắc của phương tiện
Đại thừa. 3) Sự thị hiện việc tàn sát, thị hiện việc dâm dục, thị hiện làm quỷ,
súc sanh, ngoại đạo, ma vương, đó là phương tiện lợi ích chúng sanh của đại Bồ-tát,
tạm thời không bàn luận đến. Tác phong của việc tu học Bồ-tát đạo cũng bất đồng
với Phật Pháp, như kinh Thanh tịnh tỳ-ni phương quảng (T. 24, tr. 1080b)
nói:
“(Những gì được thuyết ở cõi này) tất cả ngôn thuyết đều là hí luận, là
thuyết có sai biệt, là thuyết để quở trách kiết sử. Bạch đức Thế tôn! (Nơi mà từ
đó Văn-thù đến) cõi Phật Bảo Tướng không thuyết như vậy, thuần là thuyết rõ cho
Bồ-tát không còn thoái chuyển, không có thuyết sai biệt.”(li)
Ở cõi này, giáo thuyết của đức Thích tôn đích xác là sai biệt thuyết. Có khổ
có vui, có tà có chánh, có tạp nhiễm cũng có thanh tịnh. Kiết sử, sử chính là
tùy miên (anuśaya). Đức Thích tôn luôn luôn quở trách về phiền
não (kleśa), xem phiền não là nguyên nhân của sanh tử,
khuyên hàng đệ tử xả bỏ và cắt đứt phiền não, dùng trí vô lậu để đắc giải
thoát. Sự thuyết không có sai biệt ở quốc độ của Văn-thù là 'đều y cứ vào thắng
nghĩa', mỗi một pháp đều đạt đến chỗ rốt ráo thì tất cả pháp đều bất sanh, tất
cả pháp đều thanh tịnh, như, pháp giới không phải là hai, không phải là khác,
là không thể có sự sai biệt để nắm bắt được. Đây mới có thể không dính mắc vào
phiền não lại không rời phiền não, không dính mắc sanh tử mà không rời sanh tử.
Sự giải thoát không thể suy lường mà Văn-thù là đại biểu, như kinh Chư pháp vô
hành nói: tỳ-kheo Thắng Ý trì giới, đắc định, thiểu dục tri túc, tu đầu-đà
hành, đây là tỳ-kheo kiểu mẫu trong Phật Pháp. Tỳ-kheo Hỉ Căn không khen ngợi sự
thiểu dục tri túc, nghiêm trì giới luật, nhưng nói về thật tướng của các pháp -
tánh chất của tham, sân, si chính là pháp tánh; nói tham dục, sân nhuế, ngu si
- tất cả pháp đều không gây chướng ngại. Như bài kệ nói: “tham dục là niết-bàn,
nhuế, si cũng như vậy; ở đây, trong ba sự; có vô lượng Phật đạo.” “Nếu người vô
phân biệt, tham dục, sân nhuế, si; vì vào tánh ba độc, thời là thấy bồ-đề; người
này gần Phật đạo, chóng đắc vô sanh nhẫn.”(lii)38 Đây chính là phiền não tức bồ-đề được
nói phổ biến ấy, pháp môn Văn-thù là chú trọng vào điều này.39 Nói được bình dị chân thật hơn nhiều,
như kinh Bát-nhã nói: “Nếu người nào đã đi vào chánh vị thì không kham
nhẫn phát tâm A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Tại sao? Vì đã làm chướng ngại ở
trong sanh tử.”(liii)40 Bồ-tát là vị phải ở dài lâu trong sanh
tử độ chúng sanh, nếu như đi vào chánh vị - đi vào chánh tánh ly sanh, đoạn phiền
não nên chứng Thánh quả, thế thì nhiều lắm cũng chỉ bảy lần sanh tử, không thể ở
dài lâu trong sanh tử tu Bồ-tát hành. Cho nên nói: “Bồ-tát không đoạn phiền
não.”(liv) Nhưng việc không đoạn
phiền não chỉ là không đoạn nhưng những phiền não mạnh mẽ, nối tiếp, có khả
năng gây ra những nghiệp tội lớn thì vẫn phải hàng phục và trừ hết. Chỉ là đã
chế phục phiền não, đã tịnh hóa phiền não (giống như đã thuần dưỡng và huấn luyện
con mãnh thú), lưu lại một ít phiền não mới có thể ở dài lâu trong sanh tử, lợi
ích chúng sanh. Như vậy, đối với việc Bồ-tát tu hành thành Phật mà nói, nếu như
có phương tiện thiện xảo thì phiền não là có ý nghĩa tương đối. Quyển trung của
kinh Duy-ma-cật sở thuyết (T. 14, tr. 549b) nói:
“Nói tóm lược, 62 thứ kiến và tất cả phiền não đều là chủng tánh của Phật… Nếu
ai thấy được vô vi rồi đi vào chánh vị thì không thể phát trở lại tâm A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
Ví như ở nơi cao nguyên đất liền không sanh hoa sen; nơi bùn lầy nước đọng mới
sanh hoa này… Cần phải biết rằng tất cả phiền não đều là chủng tánh của Phật,
ví như không vào biển lớn thì không thể lấy được ngọc quý vô giá, cũng vậy,
không vào biển lớn phiền não thì không thể có được ngọc nhất thiết trí.”(lv)
Phật Pháp của Đại thừa sơ kỳ chú trọng vào việc khế nhập pháp tánh theo thắng
nghĩa, cho nên có thể không rời phiền não, không dính mắc phiền não, ở trong biển
sanh tử để làm lợi ích cho chúng sanh, nhằm làm viên mãn nhất thiết trí - Bồ-đề
vô thượng. Dựa vào huệ giác ngộ như vậy, thu phục và giáo hóa chúng sanh, cũng
sẽ có nhiều nơi có thể thực hành phương tiện. Đối với Phật Pháp truyền thống,
là có tánh xung đột, cho nên giới Phật giáo có sự đối lập lẫn nhau “Đại thừa chẳng
phải do Phật thuyết” và Pháp Thanh Văn là Tiểu thừa (Hīnayāna).
Những việc làm to lớn mà sâu rộng của Bồ-tát ấy là bộ phận chủ yếu của Phật
Pháp Đại thừa, mà quả Phật viên mãn rốt ráo cũng biểu hiện ra từ nhiều phía. Tịnh
độ của chư Phật trong 10 phương, về mức độ thanh tịnh là không giống nhau. Có
tán dương vị Phật nào đó và tịnh độ của vị ấy; cũng có nói vị Phật nào đó so với
những vị Phật khác và quốc độ của vị Phật ấy tốt đẹp hơn. Dìm xuống hay tán
thán lên thì không có gì chẳng phải là “vì khiến mọi người sanh thiện,” làm
phát sanh tín tâm của mọi người mà thôi. Quả Phật là do Bồ-tát tu thực hành
'nhân' mà thành tựu, là vấn đề chung của Phật Pháp Đại thừa. Đức Thích tôn
thành Phật ở nhân gian, do truyền thuyết của Bổn sanh (Jātaka), v.v., tu thực hành 'nhân' quảng đại, vì sao thành Phật
rồi mà vẫn còn gặp nhiều cảnh ngộ không như ý? Dựa vào đây rồi dẫn đến phát
sanh ra thuyết hai thân gồm hóa thân (nirmāṇa-kāya) thuộc thị hiện
theo phương tiện và pháp thân (dharma-kāya) thuộc chân thật.
Nhưng kinh Đại thừa sơ kỳ, nói rằng “Tôi nghe như vầy: một thời, đức Phật ở tại”(lvi) nơi nào đó, vẫn là đức Thích tôn ở
nhân gian. Như kinh Hoa nghiêm nói: “Đức Phật ở tại nước Ma-kiệt-đề,
trong bồ-đề tràng nơi pháp a-lan-nhã, khi mới thành tựu Chánh giác.”(lvii)41
Dùng thần lực của Phật đã thấy đến Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải; đã thấy
đến “thân Phật tràn đầy khắp pháp giới, hiện khắp trước tất cả chúng sanh, tùy
duyên phó cảm không đâu không trọn, nhưng luôn luôn ở đây nơi tòa bồ-đề.”(lviii)42
Đức Phật danh hiệu Tỳ-lô-giá-na, lại nói: “hoặc danh hiệu Thích-ca-mâu-ni, hoặc
danh hiệu Vị tiên thứ bảy, hoặc danh hiệu Tỳ-lô-giá-na, hoặc danh hiệu Cù-đàm
thị.”(lix)43 Ở đây rõ ràng là đức Thích tôn và Tỳ-lô-giá-na
là không phải hai; tu hành viên mãn rồi thành Phật, Tỳ-lô-giá-na và
Thích-ca-mâu-ni (Śākyamuni) là cùng một Phật
nhưng tùy theo căn cơ nên thấy khác nhau, cho nên xưa có lý luận phổ biến “Xá-na
là Thích-ca, Thích-ca là Xá-na.” Ý hướng của kinh Thủ-lăng-nghiêm tam-muội
gần với Hoa nghiêm. Đức Như lai Chiếu Minh Trang Nghiêm Tự Tại Vương thuộc
phương Đông, nói: “Giống như thọ mạng của Phật Thích-ca-mâu-ni ấy, thọ mạng của
Ta cũng như vậy… Ta thọ 700 a-tăng-kỳ kiếp, thọ mạng của Phật Thích-ca-mâu-ni
cũng như vậy… Thân của vị Phật ấy chính là thân Ta… Ta thọ 700 a-tăng-kỳ kiếp rồi
sẽ nhập vào niết-bàn toàn diện.”(lx)44 Đức Như lai Chiếu Minh Trang Nghiêm Tự
Tại Vương và đức Thích tôn là hai mà một, một mà hai. Thọ mạng của đức Thích
tôn lâu như vậy, vẫn còn 'nhập vào niết-bàn toàn diện', nói phù hợp với điều mà
truyền thống đã nói rằng đức Phật trước niết-bàn thì đức Phật sau kế tiếp ra đời.
Phật A-di-đà thuộc phương Tây có thọ mạng vô lượng vô biên, vẫn là “sau đó
bát-nê-hoàn, vị Bồ-tát Cáp-lâu-cắng [Quán Âm] sẽ liền làm Phật.”45 Nói được đột xuất hơn nhiều, như quyển
5 của kinh Diệu pháp liên hoa (T. 9, tr. 42c) nói:
“Từ khi Ta thành Phật đến nay đã rất lâu xa! Thọ mạng của Ta là vô lượng
a-tăng-kỳ kiếp, thường trụ bất diệt.”
“Này
các thiện nam tử! Thọ mạng của Ta là do thực hành Bồ-tát đạo mà thành, đến nay
vẫn chưa hết, lại tăng số lượng gấp bội.”(lxi)
Kinh
Pháp hoa khai quyền hiển thật, hội ba thừa thành một thừa, vị thuyết
pháp là đức Thích tôn. Tiếp theo, hiển thị pháp thân của đức Thích tôn, đã
thành Phật trải qua thời gian rất lâu rất lâu vậy! Đoạn thứ nhất nói: 'thường
trụ bất diệt'; Ngài lại nói: 'thọ mạng đến nay vẫn chưa hết, lại tăng số lượng
gấp bội' - có số lượng là có giới hạn. Từ khi thành Phật đến nay là rất lâu xa,
đương nhiên không phải là Ngài đản sanh ở vương cung, thành đạo tại gà-da
(Gayā), nhập diệt tại Câu-thi-na (Kuśi-nagara); sự thọ ký của Phật Nhiên
Đăng (Dīpaṃkara) cũng chỉ là nói theo phương tiện. Như
vậy, đức Như lai Đại Thông Trí Thắng (Mahābhijñā-jñānābhibhū) giáo hóa 16 vương tử, hiện
nay thành Phật, cũng là nói theo phương tiện vậy! Nghĩa chân thật rốt ráo của
Phật, rõ ràng không thể suy lường được! Nhưng rốt cục là thường trụ bất diệt, vẫn
là có giới hạn rồi đức Phật sau kế tiếp xuất hiện chăng? Nhưng, kinh Pháp
hoa vẫn là nói vốn thực hành Bồ-tát đạo rồi thành Phật.
3. Đại thừa thuộc phương tiện dễ hành
Phật Pháp Đại thừa còn có mặt trọng về tín ngưỡng và thông tục hóa, đối với
sự phát triển và thay đổi của Phật Pháp mà nói, là có tánh vô cùng quan trọng.
Nhằm thích ứng với căn tánh có huệ (prajñā) kém mà niềm tin (śraddhā) mạnh, Phật Pháp có pháp môn 6 niệm - 6 tùy niệm
(ṣaḍanusmṛtaya). Gặp
phải sợ hãi, đặc biệt là bệnh nặng sắp đến bên bờ tử vong, có thể nhờ vào tu
hành (ghi nhớ) 6 niệm nên đạt được sự tâm không còn sợ hãi nữa. Sáu niệm là: niệm
Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, là ghi nhớ (tin tưởng và tôn kính) công đức của Tam
bảo; niệm giới là ghi nhớ sự thanh tịnh về giới hạnh của chính mình; niệm thí
là ghi nhớ công đức bố thí thanh tịnh mà mình đã thực hiện; niệm thiên là nghĩ
về trời Lục dục, người có niềm tin, có giới, có thí thì không bị đọa lạc, nhất
định có thể sanh vào cõi trời trang nghiêm.1 Trong pháp môn Đại thừa có đề cập rộng rãi đến
10 phương chư Phật và các quốc độ trang nghiêm. Trong số rất nhiều thế giới của
Phật, đức Phật A-súc (Akṣobhya) thuộc thế giới Diệu Hỉ (Abhirati) ở
phương Đông, đức Phật A-di-đà (Amitābha) thuộc thế giới Cực Lạc (Sukhā-vatī) ở
phương Tây nhận được sự tôn trọng đặc biệt của các hành Đại thừa. Phật Pháp
thuyết pháp môn 6 niệm cho những người tin tưởng thực hành (śraddhānusārin)
là vì sức trí huệ không đủ nên sanh ra sợ bị đọa lạc, không có sự tự tin ngay trong đời này tu chứng.
Sự khai triển của pháp môn niệm Phật (Buddhānusmṛti) của Đại thừa cũng là nhằm khiến hàng đệ tử Phật
có tâm hướng đến phẩm đức cao tột của Phật, sự vĩ đại của Bồ-tát hành; nhưng khi
nghĩ đến việc ở trong sanh tử dài lâu để làm lợi ích cho chúng sanh thì lại sợ ở
trong sanh tử mê mờ quên mất chính mình. Cho nên nhờ vào sức ghi nhớ tín nguyện,
cầu sanh Tịnh độ, thấy được Phật, nghe được pháp, cũng không còn lo bị thối đọa.
Sự phát triển to lớn của pháp môn niệm Phật đã giải thích Bồ-tát hành là sâu sắc,
rộng lớn; tu Bồ-tát hành đến thành Phật là điều hoàn toàn không dễ dàng. Vãng
sanh Tịnh độ nên không lo bị thối đọa, chính là có cùng tính chất với 6 niệm, đặc
biệt là ý thức niệm thiên. Pháp môn niệm Phật của Đại thừa, số nhiều mà lại rộng
lớn. Ngoại trừ kinh A-di-đà, kinh A-súc Phật quốc được biên tập
vào bộ Bảo tích ra, pháp môn niệm Phật số nhiều, trong tạng Đại chánh,
chủ yếu là biên tập vào Kinh tập bộ (1). Mục đích của việc niệm nhiều vị
Phật là nhằm: 1) Vãng sanh Phật quốc: niệm Phật mà được vãng sanh Phật quốc thì
có thể gặp Phật, nghe Pháp nên tiến tu không ngừng. 2) Bồ-tát không còn thoái
chuyển: người niệm Phật có thể đạt đến sự không còn thoái chuyển tâm a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề,
cũng sẽ không bị rơi trở lui vào nhị thừa. 3) Đắc đà-la-ni: ý nghĩa của
đà-la-ni (dhāraṇī) là 'nắm giữ', niệm Phật thì có thể đời đời kiếp kiếp không quên Phật
Pháp. 4) Sám-hối nghiệp chướng: trong Phật Pháp, sám - ý nghĩa của sám-ma (kṣama) 'dung nhẫn',
cầu đối phương hoặc Tăng chúng dung thức cho lỗi lầm của mình. Hối là dịch ý của
desana, trực dịch thành 'nói': không chút dối lừa, ở trước
đại chúng, trình bày, phát lồ lỗi lầm của mình. Người đã phạm giới thì trong
tâm có mặc cảm tội ác, trong tâm không được an ổn, vì vậy gây ra chướng ngại
cho sự tiến tu. Cho nên đức Thích tôn chế Luật, hàng đệ tử phải tùy theo lỗi lầm đã phạm mà sám, giữ gìn sự thanh tịnh
của thân và tâm (cũng chính là sự thanh tịnh của Tăng-già), có thể hướng thượng
tiến tu. Pháp sám hối của Phật Pháp là sám hối những lỗi đã phạm ngay trong đời
nay, nhưng sự sám hối của Đại thừa, như kinh Xá-lợi-phất hối quá, là ở
trước tất cả chư Phật trong 10 phương, sám hối lỗi lầm trong đời nay, lại sám hối
những ác nghiệp đã tạo từ vô thỉ đến nay, trong những đời sống quá khứ. Cho nên
trong kinh luôn có lời rằng niệm Phật có thể tiêu trừ được ác nghiệp của một số
kiếp, như kinh Quán Vô lượng thọ Phật nói: “trừ những tội nghiệp cực nặng trong vô lượng ức kiếp,
sau khi mệnh chung, chắc chắn sanh về nước ấy.”2
Pháp môn niệm Phật của Đại thừa lấy 'đạo dễ hành' của sự niệm Phật làm chủ, cũng
là thuộc rộng lớn, như kinh Xá-lợi-phất hối quá đã nói, sám hối, khuyến
thỉnh, tùy hỉ, hồi hướng ở trước chư Phật trong 10 phương;3 đây là những điều mà đa số các kinh đã đề
cập đến, '10 nguyện của Phổ Hiền' của kinh Hoa nghiêm cũng là dựa vào
đây để kết hợp lại thành con số 10. 1) Niệm Phật: đây là việc chủ yếu, chẳng hạn
như xưng danh hiệu Phật (tán Phật), lễ bái Phật, cúng dường Phật; sâu hơn một tầng
là quán niệm Phật. 2) Sám hối. 3) Tùy hỉ (anumodana): thấy, nghe công
đức - tâm lành, việc làm lành của chúng sanh mà không ganh ghét, còn sanh tâm
hoan hỉ nữa; 'tùy hỉ' là điều mà Phật Pháp đã nói. 4) Khuyến thỉnh - thỉnh chuyển
Pháp luân, thỉnh Phật trụ thế: đức Thích tôn biết rằng Phật Pháp sâu xa, chúng
sanh không dễ gì hiểu thấu và chấp nhận được nên Ngài có ý 'không muốn thuyết
Pháp'. Do sự khuyến thỉnh của Phạm thiên (Brahman), Ngài mới đại
chuyển Pháp luân. Khi Ngài đã cao tuổi, vì ngài A-nan (Ānanda) không thỉnh đức Phật trụ thế nên Phật mới niết-bàn sau
3 tháng. Hành giả Đại thừa tin tưởng sâu sắc rằng có chư Phật trong cả 10
phương nên thỉnh các Ngài thuyết Pháp khi mới thành đạo; thỉnh các Ngài trụ thế
khi sắp nhập niết-bàn. Đây là nguyện vọng muốn Phật Pháp tồn tại lâu dài ở thế
gian, làm nơi nương tựa cho chúng sanh khổ nạn, xuất phát từ tâm hộ pháp kiền
thành. 5) Hồi hướng: hồi hướng (pariñāma) quay lại theo hướng
khác, đem những công đức của niệm Phật, v.v., mà mình có chuyển hướng về một mục
tiêu nào đó. Phẩm Phổ Hiền hành nguyện nói: “hồi hướng đến chúng sanh và Phật đạo.”4 Hồi hướng tất cả công đức cho chúng
sanh, cùng thành tựu Phật đạo với chúng sanh. Những công đức mà mình đã làm có
thể chuyển lại cho người khác không? Luận Đại trí độ nói: “Phước đức này
không thể cho tất cả chúng sanh, nhưng cái quả (của phước đức ấy) thì có thể
cho được… Nếu có thể đem phước đức cho người khác thì những công đức được tích
lũy từ khi mới phát tâm của của chư Phật đều có thể cho người khác được vậy!”5 Những công đức do mình tạo thì không thể
hồi hướng cho chúng sanh. Nhưng phước báo có được do công đức của mình thì vị Bồ-tát
có thể sử dụng để làm lợi ích cho chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh cùng thành Phật
đạo. Thuyết hồi hướng như vậy mới không trái với luật Nhân quả 'chính mình làm
thì chính mình nhận lấy'. Sự tu hành lấy niệm Phật làm chủ, luận Bồ-đề tư
lương, luận Bảo hành vương chánh của Long Thọ đều dùng pháp thực
hành sám hối, v.v., ở trước Phật làm pháp tu trì cho Bồ-tát mới phát tâm và
pháp tu trì hằng ngày.6 Khóa tụng
buổi sớm tối và '5 phương pháp sám hối' của lễ sám đều là sự phổ cập và lưu
hành của đạo dễ hành này.7
Vào trước sau A.D., Phật Pháp Đại thừa bắt đầu
lưu hành, vừa đúng lúc giới Phật giáo xuất hiện tình huống mới, tạo tượng và
chép kinh. 1) Phật Pháp vốn không cho phép tạo tượng, như luật Thập tụng
nói: “Nếu không được phép làm tượng thân Phật thì xin Phật cho con làm tượng Bồ-tát
đứng hầu!”8 Cho nên, ban đầu, giới
Phật giáo ngoài việc lấy di thể - xá-lợi của Phật để xây tháp cúng dường ra, chỉ
điêu khắc cây bồ-đề, Pháp luân, dấu chân Phật, v.v, để tượng trưng sự thành đạo,
thuyết Pháp và du hành của đức Thích tôn. Niệm Phật cũng chỉ là ghi nhớ công đức
của Phật (pháp thân), bởi vì không thể tìm thấy Phật từ trong tướng hảo của sắc
thân được. Như bài kệ nói: “Nếu dùng sắc để suy lường Ta, dùng âm thanh để tìm cầu
Ta, do bị dục tham nắm giữ nên kẻ ấy không thể biết được Ta.”(i)9
Nhưng vào trước sau A.D., tượng Phật - tượng họa, tượng điêu khắc, v.v., theo
phong cách Kiền-đà-la (Gandhāra), phong cách
Ma-thâu-la (Mathu-rā) bắt đầu lưu hành dần dần. Điều này có thể do
từ “thân Phật thuộc vô lậu,” trang nghiêm bằng tướng hảo của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) ảnh hướng đến kinh Đại thừa (trở thành thuyết
“pháp thân có sắc”); cũng có thể do từ Tây Bắc Ấn-độ bị các dân tộc khác (người
Hi-lạp, người Ba-tư, người Tắc-ca, người Nguyệt thị) xâm nhập, chịu ảnh hưởng của
văn hóa ngoại lai, nhằm thích ứng với tín chúng phổ biến nên tạo tượng Phật (tượng
Bồ-tát). Sự hưng khởi của tượng Phật, cuối cùng đã thay tháp xá-lợi để biểu thị
cho hình tượng cụ thể của đức Phật. 2) Chép kinh: Thánh điển được kết tập ấy
luôn luôn ở trong sự truyền thọ bằng cách truyền miệng cho nhau. Theo truyền
thuyết của Tích-lan: vào khoảng những năm 42-29 B.C., tại tinh xá A-lư (Aluvihāra) thuộc trung bộ Ma-đa-lợi (Mātale), hàng tỳ-kheo đã tụng ra 3 tạng và chú thích, chép trên
lá bối để khỏi thất lạc, quên sót Thánh điển.(ii)10 Đây là truyền thuyết của Tích-lan,
nhưng trong thời kỳ đầu Phật Pháp Đại thừa được truyền ra, như kinh Bát-nhã,
kinh Pháp hoa, kinh A-súc Phật quốc, v.v., đều đã nói đến việc ghi
chép kinh quyển, có thể thấy 'chép kinh' trở thành học phong của thời kỳ này. Phật
Pháp vốn là trung tâm của chánh Pháp (sad-dharma), nhưng trong Tam
bảo, chánh Pháp thiếu đi hình tượng cụ thể. Từ khi việc ghi chép kinh điển lưu
hành, sự ghi chép (lekhana) về kinh điển,
cúng dường (pūjana) trang nghiêm kinh thư, chép kinh để bố thí (dāna) người khác đã trở thành ba hạng mục của 'thực hành theo
10 pháp'.(iii) Công đức của việc
chép kinh, v.v., đã được cho sự khen ngợi cao độ. Đối với kinh thư “tôn kính
xem như Phật”,(iv) “thì
chính là tháp,”(v)11 hành giả Đại thừa mà xem Pháp là trung
tâm dường như phải lấy kinh thư (cúng dường trang nghiêm) để thay thế cho tháp
xá-lợi vậy! Hàng đệ tử Phật - thiện nam tử, thiện nữ nhân mà đọc, tụng, thọ
trì, giải thích, ghi chép kinh Đại thừa thì được tôn xưng là Pháp sư (dharma-bhāṇaka) - Pháp bái-nặc, đây là sự thông tục hóa những
kinh pháp sâu sắc, 'người bái-nặc' là dùng âm thanh để làm Phật sự. Công đức của
việc đọc, tụng, ghi chép lại có nhiều thứ lợi ích trong đời sống hiện tại,12 đó là thích ứng với thế tục, tương tợ
như thần giáo cấp thấp thông thường vậy! Việc đắp nặn tượng Phật đương nhiên là
để cho người có niềm tin lễ bái, được nhiều thứ công đức, mà điểm quan trọng là
khơi mở sự tu hành niệm Phật tam-muội. Kinh Ban-chu tam-muội cũng nói: “vì
làm hình tượng Phật, sử dụng thành (ban-chu) tam-muội này.”(vi)13
Tu niệm Phật tam-muội, theo kinh Tọa thiền tam-muội, Tư duy lược yếu
pháp, Quán Phật tam-muội hải, v.v. nói, đều là trước hết lấy hình tướng
của tượng, ghi nhớ không quên, rồi sau mới chính thức tu niệm Phật tam-muội. Nếu
người nào tu thành tựu ban-chu tam-muội (pratyutpanna-buddha-saṃmukhāvasthita-samādhi) thì Phật hiện ra
trước mặt người đó, thuyết Pháp cho hành giả, giải đáp nghi vấn cho hành giả.
Người tu hành (du-già) nhân đó lý giải đến chỗ: Phật là do tâm mình tạo ra, ba
cõi cũng là do tâm mình tạo ra.14 Chính
tâm là Phật, được biểu hiện chỉ do tâm (cittamātratā), đem vào trong Đại
thừa hậu kỳ, Đại thừa Bí mật phát triển mạnh mẽ lên.
Thiên (deva) mà Phật Pháp đã nói, dù là thuộc cấp
cao, quỷ thiên và súc sanh thiên thuộc cấp thấp, dẫu cho là thân tướng trang
nghiêm, thọ mạng dài, thần lực lớn, hưởng thụ tốt thì vẫn đều là những chúng
sanh khổ não trong sanh tử trôi lăn, giống như loài người vậy. Nhưng từ sự phát
tâm tu hành, giải thoát rốt ráo để nói, thì nhân gian hơn hẳn chư thiên. Loài
người có 3 sự - ghi nhớ, Phạm hành, dũng mãnh hơn hẳn chư thiên, cho nên “Chư
Phật Thế tôn đều xuất hiện ở nhân gian, chẳng phải đắc được từ cõi trời.”15 Nhân đó, chư thiên chỉ có cung kính, khen
ngợi, quy y với đức Phật và hàng đệ tử (người) Thánh hiền thuộc tại gia, xuất
gia, biểu thị sự chân thành hộ Pháp (trừ tà thần, ác quỷ ra)! Đức Thích tôn chấp
nhận những vị thần thuộc tín ngưỡng dân gian Ấn-độ, nhưng đức Phật và những vị
đệ tử Thánh hiền ở nhân gian đều vượt trội hơn tất cả thiên thần; không quy y
thiên thần là lập trường căn bản của Phật Pháp vậy! Phật Pháp Đại thừa hưng khởi,
do từ truyền thuyết của Bổn sanh rằng Bồ-tát cũng có vị là thiên, quỉ và súc
sanh, nên có vị thiên Bồ-tát (thuộc cấp cao và cấp thấp) xuất hiện trong kinh. Như
“Bà-già độ long vương là Bồ-tát ở trụ (địa) thứ 10, A-na-bà-đạt-đa long vương
là Bồ-tát ở trụ thứ 7,”16 có
kinh Hải long vương và kinh Hoằng đạo quảng hiển tam-muội, đây là
Bồ-tát loài rồng (nāga) (thuộc súc
sanh). Kinh Đại thọ khẩn-na-la vương sở vấn là Bồ-tát khẩn-na-la (thuộc quỉ).
Kinh Duy-ma-cật nói: “Ở trong thế giới nhiều vô lượng a-tăng-kỳ thuộc 10
phương, bậc làm ma vương đa số là Bồ-tát trụ vào sự giải thoát không thể suy lường,”(vii)17
đó là Bồ-tát thuộc thiên ma (māra). Điểm trọng yếu là dạ-xoa (yakṣa) (thuộc quỷ), trong kinh có Kim cang thủ (Vajrapāṇi), hoặc gọi là Chấp kim cang (Vajradhara), hoặc dịch là Kim cang mật tích lực sĩ, từ sự tay cầm
chày kim cang (vajra) nên có tên ấy. Đế Thích (Śakradevānām Indra) cũng là dạ-xoa thiên, là đại vương của chúng
dạ-xoa. Trong Kinh Luật đã đề cập đến một vị Kim cang lực sĩ luôn luôn hộ trì đức
Thích tôn, trong kinh Mật tích kim cang lực sĩ, đó là vị đại Bồ-tát phát
nguyện hộ trì 1000 người anh - 1000 vị Phật thuộc Hiền kiếp.18 Luôn luôn theo hầu đức Thích tôn cho
nên những Phật sự, Phật Pháp nào chưa nghe qua, như thân, lời nói, ý - ba thứ
bí mật (trīṇi-guhyāni) của đức Như lai thì do vị Kim cang mật tích
lực sĩ này truyền nói ra. Kinh Hoa nghiêm lấy đức Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocana) làm chủ, theo phẩm Thập địa nói, Ngài và Đại tự tại
thiên (Maheśvara) của Ấn-độ cùng trú nơi trời Sắc cứu cánh (Akaniṣṭha) rồi thành Phật. Hai vị đại hầu cận của Phật Tỳ-lô là Bồ-tát
Văn-thù (Mañjuśrī) và Bồ-tát Phổ Hiền (Samantabhadra), thật ra là kết hợp và thay đổi hai vị đại đệ
tử của đức Thích tôn ở nhân gian và trên cõi trời: Văn-thù là Phạm thiên hóa của
Xá-lợi-phất (Śāriputra), Phổ Hiền là Đế Thích hóa của Đại Mục-kiền-liên
(Mahāmaudgalyāya-na).19 Cùng trú nơi trời Sắc cứu cánh rồi
thành Phật, tổng hợp lại, đã biểu thị sự nối liền giữa Phật Pháp và thiên thần
của Ấn-độ. Mở đầu pháp hội kinh Hoa nghiêm, ngoài Bồ-tát ở 10 phương ra,
có vô số thần cần kim cang, vô số thần chủ thành, thần chủ đất cùng nhau đi thẳng
đến trời Đại tự tại để tham dự Pháp hội. Thành phần tham dự Pháp hội của Phật Tỳ-lô-giá-na
đương nhiên là đại Bồ-tát. Những thiện tri thức mà đồng tử Thiện Tài (Sudhana) tham phỏng, có không ít là thần chủ dạ, đều là dạ-xoa nữ.
Đứng xung quanh tỳ-kheo-ni Sư tử tần thân (Siṃhavijṛmbhitā), từ Bồ-tát ở địa
thứ 10 trở lên, có thần cầm kim cang, tương đương với “Bồ-tát ngồi nơi tòa bồ-đề
(cũng chính là phạm vi thực hành của Phổ Hiền).”20
Bồ-tát có thân tướng trời Dạ-xoa, trong kinh Hoa nghiêm, địa vị rất cao,
là một mạch thông nhau với Phật Pháp Đại thừa Bí mật. Đại lực quỉ vương và Bồ-tát
hóa của thiên súc sanh bậc cao, những tín ngưỡng thế tục như chú thuật, v.v., kết
hợp với quỉ thần, v.v., cũng không tránh khỏi được hòa nhập vào Phật Pháp. Bồ-tát
thuộc hàng thiên của Phật Pháp Đại thừa hơn hẳn Thánh hiền (Thanh Văn) ở nhân
gian; thành Phật ở cõi trời là thích hợp với tình cảm mê muội của thế tục, mà
nhân gian thì hơn hẳn trên cõi trời, Phật Pháp của đức Phật xuất hiện ở nhân
gian đã bị điên đảo mất rồi. Sự hợp thành một dòng giữa Phật và trời đã được bắt
đầu. Đại thừa sơ kỳ chú trọng đặc biệt về Bồ-tát Văn-thù, tôn xưng là 'thầy của
chư Phật'. Những giáo điển có liên quan đến Văn-thù, đa số là thuyết pháp cho
các thiên tử.21 Nhưng, thuyết Bồ-tát thuộc
hàng thiên, thuyết cho Bồ-tát thuộc hàng thiên của Đại thừa sơ kỳ vẫn là trí
sâu và hành lớn của Bồ-tát đạo, sự trang nghiêm bằng công đức của quả Phật, với
pháp môn về sau lấy Phổ Hiền (Kim cang thủ, v.v.) làm chủ nhằm thích ứng với
thiên cấp thấp, về ý nghĩa vẫn không tương đồng. Trong dòng chính của trí sâu
và hành lớn, Phật Pháp Đại thừa đã thông tục và phổ cập, xem niềm tin là phương
tiện đạo đầu tiên, cũng đang phát triển. Sự thống nhất giữa cao sâu và thông tục,
dường như là nhập thế mà lại thần bí hóa, cuối cùng lìa khỏi Phật Pháp nhưng lộ
rõ ra đặc sắc của Phật Pháp Đại thừa.
(i) Cf.: “།བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་དང་པོར་ཡུལ་བཱ་རཱ་ཎ་སཱི་དྲང་སྲོང་སྨྲ་བ་རི་དགས་ཀྱི་ནགས་སུ་ཐེག་པ་ལ་ཡང་དག་པར་ཞུགས་པ་རྣམས་ལ་འཕགས་པའི་བདེན་པ་བཞིའི་རྣམ་པར་བསྟན་པས་ཆོས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་ངོ་མཚར་རྨད་དུ་བྱུང་བ།… བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་ངོ་བོ་ཉིད་མ་མཆིས་པ་ཉིད་ལས་བརྩམས། སྐྱེ་བ་མ་མཆིས་པ་དང་། འགག་པ་མ་མཆིས་པ་དང་། གཟོད་མ་ནས་ཞི་བ་དང་། རང་བཞིན་གྱིས་ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ཉིད་ལས་བརྩམས་ནས་ཐེག་པ་ཆེན་པོ་ལ་ཡང་དག་པར་ཞུགས་པ་རྣམས་ལ་སྟོང་པ་ཉིད་སྨོས་པའི་རྣམ་པས་ཆསངོ་མཚར་རྨད་དུ་བྱུང་བའི་ཆོས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་གཉིས་པ་བསྐོར་ཏེ།… བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་ངོ་བོ་ཉིད་མ་མཆིས་པ་ཉིད་ལས་བརྩམས། སྐྱེ་བ་མ་མཆིས་པ་དང་། འགག་པ་མ་མཆིས་པ་དང་། གཟད་མ་ནས་ཞི་བ་དང་། རང་བཞིན་གྱིས་ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ཉིད་ལས་བརྩམས་ནས། ཐེག་པ་ཐམས་ཅད་ལ་ཡང་དག་པར་ཞུགས་པ་རྣམས་ལ་ལེགས་པར་རྣམ་པར་ཕྱེ་བ་དང་ལྡན་པ། ཤིན་ཏུ་ངོ་མཚར་རྨད་དུ་བྱུང་བའི་ཆོས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་གསུམ་པ་བསྐོར་ཏེ། བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱི་ཆོས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་བསྐོར་བ་འདི་ནི་བླ་ན་མ་མཆིས་པ།…” Snm, pp. 57-58.
1 Giải thâm mật kinh 2, T.
16, tr. 697a-b.
(ii) Cf.:
“དེ་བཞིན་དུ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པས་ཡོངས་སུ་མ་དག་པའི་སེམས་ཅན་གྱི་ཁམས་རིག་ནས་སྡུག་བསྔལ་བ་དང། བདག་མེད་པ་དང།མི་སྡུག་པ་ཡིད་འབྱུང་བར་འགྱུར་བའི་གཏམ་གྱིས་འཁོར་བ་ལ་མངོན་པར་དགའ་བའི་སེམས་ཅན་རྣམས་ཡིད་ འབྱུང་བར་བྱེད། འཕགས་པའི་ཆོས་འདུལ་བ་ལ་འཇུག་པར་བྱེད་དོ། །དེ་ཙམ་གྱིས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་བརྩོན་འགྲུས་རྒྱུན་མི་གཅོད་ཅིང། དེའི་འོག་ཏུ་སྟོང་པ་ཉིད་དང། མཚན་མ་མེད་པ་དང། སྨོན་པ་མེད་པའི་གཏམ་གྱིས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་ཚུལ་ཁོང་དུ་ཆུད་པར་བྱེད་དོ། །དེ་ཙམ་གྱིས་ཀྱང་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་བརྩོན་འགྲུས་རྒྱུན་མི་གཅོད་ཀྱི་དེའི་འོག་ཏུ་ཕྱིར་མི་ལྡོག་པའི་འཁོར་ལོའི་གཏམ་དང། འཁོར་གསུམ་ཡོངས་སུ་དག་པའི་གཏམ་གྱིས་སེམས་ཅན་དེ་དག་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་ཡུལ་ལ་འཛུད་དོ།” Tmn, pp. 547-548. “Cũng giống như vậy, sau khi biết cõi chúng sanh không thanh tịnh,
Như lai vì các chúng sanh đang có tâm đắm say trong luân hồi nên thuyết về sự
khổ, vô ngã, bất lạc, ưu sầu, biến động; khiến chúng đi vào trong Thánh Pháp và
Luật. Sau đó, Như lai tinh tấn không gián đoạn. Rồi Như lai dùng phương tiện
khiến chúng ngộ được tánh không, vô tướng, vô nguyện. Sau đó, Như lai cũng tinh
tấn không gián đoạn, rồi Như lai thuyết ba lần chuyển [pháp] để khiến chúng
sanh đi vào lĩnh vực ấy không còn thoái chuyển.” Luận Bảo tánh dẫn: “evameva kulaputra tathāgato 'pyapariśuddhaṃ sattvadhātuṃ
viditvānityaduḥ-khānātmāśubhodvegakathayā saṃsārābhiratān sattvānudvejayati /
ārye ca dharmavinaye 'vatārayati / na ca tāvanmātreṇa vīrya pra-śrambhayati /
tataḥ paścācchūnyānimittapraṇihitakathayā tathāgata-netrīmavabodhayati / na ca
tāvanmātreṇa tathāgato vīryaṃ praśram-bhayati / tataḥ
paścādavivartyadharmacakrakathayā trimaṇḍalapari-śuddhikathayā ca tathāgataviṣaye
tān sattvān-avatārayati nānāpra-kṛtihetukān /” Rgv, p. 6.
2 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh
luận 2, T. 31, tr. 822a, dẫn Kinh. Đại
phương đẳng Đại tập, (2) Đà-la-ni Tự tại vương Bồ-tát phẩm, T. 13, tr. 21c.
3 Thập trụ tỳ-bà-sa luận 16, T.
26, tr. 109c.
4 Chủng loại của kinh Đại thừa sơ kỳ, xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật
giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, Chương 1, tr. 24-37.
(iii) 《阿毘達磨大毘婆沙論》卷178:「問如說菩薩經三劫阿僧企耶。修四波羅蜜多而得圓滿。謂施波羅蜜多。戒波羅蜜多。精進波羅蜜多。般若波羅蜜多。...
外國師說。有六波羅蜜多。謂於前四加忍靜慮。迦濕彌羅國諸論師言。後二波羅蜜多即前四所攝。謂忍攝在戒中。靜慮攝在般若。戒慧滿時即名彼滿故。復有別說。六波羅蜜多。謂於前四加聞及忍。」(A-tỳ-đạt-ma Đại
tỳ-bà-sa, T27, no. 1545, p. 892a26-b26) “Hỏi: Như nói rằng Bồ-tát trải qua 3 kiếp a-tăng-xí-da
(asaṃkhya) tu 4 ba-la-mật-đa nên được viên mãn, đó là: thí ba-la-mật-đa, giới
ba-la-mật-đa, tinh tấn ba-la-mật-đa, bát-nhã ba-la-mật-đa… Sư ngoại quốc nói:
có 6 ba-la-mật-đa, đó là 4 thứ ở trước, thêm vào nhẫn và tĩnh lự. Các Luận sư
nước Ca-thấp-di-la nói: hai ba-la-mật-đa sau ấy chính là được bao hàm trong 4
thứ ở trước, tức là nhẫn bao hàm trong giới, tĩnh lự bao hàm trong bát-nhã, vì
khi giới và huệ được viên mãn thì gọi là chúng [nhẫn và tĩnh lự] viên mãn. Lại
có thuyết khác cho rằng 6 ba-la-mật-đa, đó là 4 thứ trước cộng thêm văn và nhẫn.”
(iv) Cf.: “paṭhamaṃ dānapāramiṃ… dutiyaṃ sīlapāramiṃ… tatiy-aṃ nekkhammapāramiṃ… catutthaṃ
paññāpāramiṃ… pañcamaṃ vīriyapāramiṃ… chaṭṭhamaṃ khantipāramiṃ… sattamaṃ
sacca-pāramiṃ… aṭṭhamaṃ adhiṭṭhānapāramiṃ… navamaṃ mettāpāram-iṃ… dasamaṃ
upekkhāpāramiṃ” Buv, pp. 14-16. “1) thí ba-la-mật, 2) giới ba-la-mật, 3) xuất ly ba-la-mật,
4) trí huệ ba-la-mật, 5) tinh tấn ba-la-mật, 6) kham nhẫn ba-la-mật, 7) chân thật
ba-la-mật, 8) quyết định ba-la-mật, 9) từ ba-la-mật, 10) xả ba-la-mật.”
5 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 3, tr. 140-143.
6 Nhiếp Đại thừa luận thích 11, T. 31, tr. 231b.
7 Đại trí độ luận 4, T. 25, tr. 92b.
(v) Cf.: “punar aparaṃ śāriputra bodhisattvo mahāsattvo
'vyavakīrṇ-ena sarvākārajñatācittotpādena saptatriṃśad bodhipakṣān dharmān
bhāvayati bhāvanāvibhāvanārthena tac cānupalambhayogena. evaṃ hy āyuṣman
śāriputra bodhisattvo mahāsattvo mahāyānasamārūḍha ity ucyate.” Psp, vol. I-2, p. 44.
(vi) Cf.: “ime khalu punaḥ śāriputra ṣaṭpāramitāpratisaṃyuktāḥ
sūtr-āntāstathāgatasyātyayena dakṣiṇāpathe pracariṣyanti, dakṣiṇāpathāt-punareva
vartanyāṃ pracariṣyanti, vartanyāḥ punaruttarapathe pra-cariṣyanti /” Asp, p. 112. “iyaṃ
ca śāriputra prajñāpāramitā tathā-gatasyātyayena dakṣiṇāpathe pracariṣyati,…
seyaṃ śāriputra gam-bhīrā prajñāpāramitā dakṣiṇāpathād vartanyāṃ pracariṣyati…
sā khalu punar iyaṃ śāriputra gambhīrā prajñāpāramitā vartanyā uttar-āpathe
pracariṣyati,…” Psp, vol. IV, pp. 28-29.
9 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 10, tr. 692-701.
10 Lữ Trừng (呂澂), Ấn-độ
Phật học tư tưởng khái luận, Đài Loan: Thiên Hoa xuất bản xã bổn, tr. 99-101.
(vii) Cf.: “bhagavānāha tatkiṃ manyase subhūte saṃvidyate
tathā-gatasya māṃsacakṣuḥ?… saṃvidyate tathāgatasya divyaṃ cakṣuḥ?… saṃvidyate
tathāgatasya prajñācakṣuḥ?… saṃvidyate tathāgatasya dharmacakṣuḥ?… saṃvidyate
tathāgatasya buddha-cakṣuḥ?” Vajr, p. 85. “Đức
Thế tôn hỏi: Này Tu-bồ-đề, ngươi nghĩ thế nào, Như lai có con mắt thịt
không?... có con mắt trời không?... có con mắt huệ không?... có con mắt pháp
không?... có con mắt Phật không?” “punar aparaṃ śāriputra bodhisattvena mahāsattvena pañca cakṣūṃṣyuptpādayitukāmena
prajñāpāramitāyāṃ śikṣit-avyam. katamāni pañca? yaduta māṃsacakṣur divyacakṣuḥ
prajñā-cakṣur dharmacakṣur buddhacakṣur utpādayitukāmena prajñā-pāramitāyāṃ śikṣitavyam.” Psp, vol. I-1,
pp. 38-39.
(viii) Cf.: “tadyathāpi nāma subhūte puruṣo bhavedupetakāyo
mahā-kāyo yattasyaivaṃ rūpa ātmabhāvaḥ syāt tadyathāpi nāma sumeruḥ parvatarājaḥ
| tatkiṃ manyase subhūte api nu mahān sa ātmabhāvo bhavet?” Vajr, p. 78. “atha
khalu bhagavāṃs tasminn eva siṃhāsane niṣaṇṇaḥ, imaṃ trisāhasramahāsāhasraṃ
lokadhātum abhibhūya tiṣṭhati bhāsate tapati virocate sma, ābhayā varṇena śriyā
tejasā ca, pūrvasyāṃ diśi dakṣiṇasyāṃ paścimāyām uttarasyām adhastād ūrdhvaṃ
digvidikṣu gaṅgānadībālukopamān lokadhātūn abhibhūya tathāgatas tiṣṭhati
bhāsate tapati virocate sma, ābhayā varnena śriyā tejasā ca, tadyathāpi nāma
sumeruḥ parvatarājaḥ sarvaparvatān abhibhūya tiṣṭhati bhāsate tapati virocate
sma ābhayā varṇena śriyā tejasā ca, evam eva bhagavān sarvalokadhātūn abhibhūya
tiṣṭhati bhāsate tapati virocate sma, ābhayā varṇena śriyā tejasā ca.” Psp, vol. I-1, pp. 5-6.
(ix) Cf.:
“buddhadharmā buddhadharmā iti subhūte abuddhadharmāś-caiva te tathāgatena bhāṣitāḥ
| tenocyante buddhadharmā iti ||” Vajr, p. 77. “subhūtir āha: nanu bhagavan
dharmair eva dharmā virahitāḥ? bhagavān āha: evam etat subhūte evam etat,
dharmair eva subhūte dharmā virahitāḥ. subhūtir āha: yadi bhagavan dharmair eva
dharmā virahitāḥ, kathaṃ bhagavan virahito dharmo virahitaṃ dharmaṃ saṃjānīte
bhāvaṃ vā abhāvaṃ vā? na hi bhāvo dharmo bhāvaṃ dharmaṃ saṃjānīte, na hy abhāvo
dharmo 'bhāvaṃ dharmaṃ saṃjānīte, na hi bhāvo dharmo 'bhāvaṃ dharmaṃ saṃjānīte,
na hy abhāvo dharmo bhāvaṃ dharmaṃ saṃjānīte. evam asaṃjānāneṣu dharmeṣu kuta
evaṃ bhavati? bodhisattvasya mahāsattvasya bhāva iti vābhāva iti vā lokasaṃvṛtim
upādāya bodhisattvo mahāsattvo bhāva iti vābhāva iti vā nirdiśati, na punaḥ
paramārthena. subhūtir āha: kiṃ punar bhagavann anyā lokasaṃvṛtir anyaḥ
paramārthaḥ? bhagavān āha: na subhūte 'nyā lokasaṃvṛtir anyaḥ paramārthaḥ,
yaiva lokasaṃvṛtes tathatā saiva paramārthasya tathatā, tān te sattvā evaṃtathatān
na jānanti na paśyanti, teṣām arthāya lokasaṃvṛtyā nirdiśyate bhāva iti vābhāva
iti vā. api tu khalu punaḥ subhūte ya ete sattvāḥ pañcabhiḥ skandhair bhāvasaṃjñino
abhāva iti na jānanti, abhāvasaṃjñino bhāva iti na jānanti, teṣām arthāyaivaṃ
nirdiśyate dharmāṇāṃ prabhedatām upādāya katham api bhāvam abhāvaṃ vā
jñāsyanti. evaṃ khalu subhūte bodhisattvena mahāsattvena prajñāpāramitāyāṃ
caritavyam. iti satyadvaye vipratipattiḥ” Psp, vol. V, pp. 138-139.
(x) Cf.: “atha khalu mañjuśrīḥ kumārabhūtastān bhikṣūnanuttarāyāṃ
samyaksaṃbodhau pratiṣṭhāpya anupūrveṇa janapadacaryāṃ caran yena dakṣiṇāpathe
dhanyākaraṃ nāma mahānagaraṃ tenopajagāma /”
Gv, p. 39.
(xi) Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải華藏莊嚴世界海, Skt. ku-sumatalagarbhavyūhālaṃkārasya lokadhātusamudra;
Nhất thiết thế giới hải一切世界海, Skt. sarvalokadhātusamudra; Nhất thiết thế
giới chủng一切世界種, Skt. sarvalokadhātuvaṃśa. Gv, p. 226ff.
11 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 71,
T. 10, tr. 386c.
12 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 13, tr. 1110-1117.
(xii) Cf.: “།རྒྱ་བའི་གནས་ན། སྔོན་བྱང་ཆུབ་སེམས་ད་པའ་བཞུགས་བཞུགས་པའི། གནས་མཐུ་བོ་ཆེའི་ཕུག་པ་ཅེས་བྱ་བ་ཡོད་དོ། །ཡུལ་ཁ་ཤ་ན་སྔོན་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་བཞུགས་བཞུགས་པའི་གནས། བ་ལང་གི་མགོ་བོ་ཞེས་བྱ་བ་ཡོད་དོ།” Ba, vol. 36, p. 829.
(xiii) Cf.: “བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་དགྲ་བཅོམ་པ་ཡང་དག་པར་རྫོགས་པའི་སངས་རྒྱས་རིན་པོ་ཆེའི་ཏོག་དེའི་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཞིང་། འཇིག་རྟེན་གྱི་ཁམས་རིན་པོ་ཆེ་དང་ལྡན་པ་ཞེས་བྱ་བ་དེ་སྣང་བ་ཆེན་པོས་ཁྱབ་པར་བྱས་མོ། Sps, p. 655.
13 Phật thuyết Văn-thù-sư-lợi tịnh luật kinh,
T. 14, tr. 448b.
(xiv) Cf.: “།ཤར་ཕྱོགས་ལོགས་ན་སྔོན་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་བཞུགས་བཞུགས་པའི་རི་སྤང་རི་ཞེས་བྱ་བ་ཡོད་དེ། དེ་ལ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་འཇམ་དཔལ་ཞེས་བྱ་བ། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་འཁོར་སྟོང་ཕྲག་བཅུ་དང་ལྡན་པ་ཆོས་སྟོན་ཏོ།…” Ba, vol. 36, p.
828. “Về phương Đông có núi tên núi Cỏ,
là nơi xưa có Bồ-tát cư ngụ. Ở đó có Bồ-tát hiệu Văn-thù, Ngài thuyết Pháp cho
10.000 Bồ-tát thân cận.” Ở phụ chú (xii), kinh nhắc đến tên Chấn-đán (རྒྱ་བའི་གནས་- Cīna-sthāna), do đó phương Đông ở đây là chỉ
cho nơi thuộc Ấn-độ, không phải là ám chỉ Bồ-tát Văn-thù ở Trung Quốc.
17 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 7, tr. 449-459.
18 Đại Đường Tây Vực ký 3, T. 51, tr. 882b.
19 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 68,
T. 10, tr. 367a-b. Quán Vô lượng thọ Phật
kinh, T. 12, tr. 344a-b.
(i) Cf.: ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhikkhu arahaṃ khīṇāsavo vusitavā
katakaraṇīyo ohitabhāro anuppattasadattho parikkhīṇabhavasaṃyo-jano sammadaññā
vimutto ’ti. S.5.194.
(ii) Phỏng theo lời trong thiên Vi chính (爲政) của Luận ngữ: 道之以德。齊之以禮。Lãnh đạo bằng phương pháp chính trị, ổn định
tình hình bằng phương pháp lễ giáo.
(iii) Cf.: “kathaṃ ca kauśika prajñāpāramitāprativarṇikāmupadekṣy-anti?
rūpavināśo rūpānityatetyupadekṣyanti / evaṃ vedanāsaṃjñā-saṃskārāḥ /
vijñānavināśo vijñānānityatetyupadekṣyanti / evaṃ copadekṣyanti ya evaṃ gaveṣayiṣyati,
sa prajñāpāramitāyāṃ cariṣ-yatīti / iyaṃ sā kauśika prajñāpāramitāprativarṇikā
veditavyā /”
Asp, p. 57. “bhaviṣyanti kauśikānāgate 'dhvani kulaputrāḥ
kuladuhitar-aś ca te prajñāpāramitāprativarṇikām upadekṣyanti. Tatra
kulaputr-asya vā kuladuhitur vā anuttarāyāṃ samyaksaṃbodhau saṃpra-sthitasya
prajñāpāramitāprativarṇikāśravaṇena vināśayiṣyanti teṣām apīyaṃ prajñāpāramitā
sārthā sa vyañjanopadeṣṭavyā. Śakra āha: katamā sā bhagavan
prajñāpāramitāprativarṇikā? Bhagavān āha: iha kauśika kulaputrā vā kuladuhitaro
vā imāṃ prajñāpāramitām upa-dekṣyāma iti prajñāpāramitāprativarṇikām upadekṣyanti.
tatreyaṃ prajñāpāramitāprativarṇikā rūpam anityam ity upadekṣyanti. Ved-anāsaṃjñāsaṃskārā
vijñānam anityam ity upadekṣyanti. Evaṃ copadekṣyanti ya evaṃ ca carati sa
carati prajñāpāramitāyām iti. Yeṣām upadekṣyanti kulaputrāṇāṃ vā kuladuhitṛṇāṃ
vā te rūpam anityam iti gaveṣiṣyanti. Evaṃ vedanāsaṃjñāsaṃskārā vijñānam
anityam iti gaveṣiṣyanti. Te prajñāpāramitāprativarṇikām upadekṣy-anti. Te
prajñāpāramitāprativarṇikāyāṃ cariṣyanti.” Psp, vols. II-III, p. 110. “Này Kiều-thi-ca!
Trong thời vị lai, sẽ có những thiện nam tử và những thiện nữ nhân diễn thuyết
tương tự như bát-nhã-ba-la-mật-đa. Ở đây, một thiện nam tử hoặc một thiện nữ
nhân đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác vì nghe được tương tự như
bát-nhã-ba-la-mật nên họ sẽ bị thất bại, họ cũng sẽ diễn thuyết bằng ngôn ngữ
có ý nghĩa của bát-nhã-ba-la-mật-đa ấy. Kiều-thi-ca thưa rằng: Bạch đức Thế
tôn! Thế nào là tương tự như bát-nhã ba-la-mật-đa? Đức Thế tôn trả lời: Này Kiều-thi-ca!
Những thiện nam tử hoặc những thiện nữ nhân ấy sẽ diễn thuyết tương tự
bát-nhã-ba-la-mật-đa mà như đang diễn thuyết bát-nhã-ba-la-mật-đa. Ở đây, tương
tự như bát-nhã-ba-la-mật-đa là họ diễn thuyết rằng sắc vô thường. Họ diễn thuyết
rằng thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Và, họ diễn thuyết như thế này, người
nào thực hành như vậy thì người đó đi vào bát-nhã-ba-la-mật-đa. Những thiện nam
tử hoặc những thiện nữ nhân ấy diễn thuyết như vậy rồi suy nghiệm rằng sắc là
vô thường. Cũng như vậy, họ suy nghiệm rằng thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.
Họ sẽ diễn thuyết tương tự như bát-nhã-ba-la-mật-đa. Họ sẽ thực hành tương tự
như bát-nhã-ba-la-mật-đa.”
1 Tiểu phẩm Bát-nhã-ba-la-mật kinh 3, T. 8, tr. 546c.
(iv) Cf.: “འཇམ་དཔལ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་དེ་ཅི་ཞིག་སྤང་བའི་ཕྱིར་ཆོས་སྟོན། འཇམ་དཔལ་གྱིས་སྨྲས་པ། དོན་དམ་པར་ན་རང་བཞིན་གྱིས་མི་སྐྱེ་མི་ཟད་པའི་ཕྱིར་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་དེ་ཆོས་སྟོན་ཏོ༑ །དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་དེ་དག་ནི་དོན་དམ་པའི་བདེན་པ་ལ་ལྷུར་བྱེད་པ་ཡིན་གྱི་ཀུན་རྫོབ་ཀྱི་བདེན་པ་ལ་ཡང་ལྷུར་བྱེད་པ་མ་ཡིན་ནོ།” Sps, pp. 658-659.
(v) Cf.: ‘‘Ājāneyyāsi
vā tvaṃ, susima, na vā tvaṃ ājāneyyāsi, atha kho dhammaṭṭhitiñāṇaṃ pubbe,
pacchā nibbāne ñāṇaṃ’’. S.2.125. “Này Susima, dù ngươi có thể biết hay ngươi
không có thể biết, thì trước hết ngươi phải biết tánh trụ của pháp, sau đó mới
biết niết-bàn.”
3 Tạp A-hàm kinh 14, T. 2, tr. 97b.
4 Ma-ha bát-nhã-ba-la-mật kinh 21, T. 8, tr. 372a.
(vi) Cf.: “bhagavān āha: tīkṣṇendriyasyāpi bodhisattvasya mahā-sattvasyāyaṃ praveśo, ṛddhīndriyasyāpi
bodhisattvasya mahāsattva-syāyaṃ praveśo, madhyendriyasyāpi bodhisattvasya
mahāsattvasy-āpy ayaṃ praveśaḥ, kasyacin na praveśaḥ śikṣitukāmasya
bodhi-sattvasya mahāsattvasyāyaṃ praveśo, na khalu kuśīdasyāyaṃ pra-veśo na
hīnavīryasya muṣitasmṛter na vikṣiptacittasyāyaṃ praveśaḥ
ārabdhavīryasyākuśīdasyopasthitasmṛter ayaṃ praveśaḥ śikṣitu-kāmasya
cāvinivartanīyabhūmau sarvākārajñatām anuprāptukāma-sya cāyaṃ praveśaḥ.” Psp,
vol. V, p. 106.
5 1) Tiểu phẩm Bát-nhã-ba-la-mật kinh 7, T. 8, tr. 566a. 2) Ma-ha
Bát-nhã-ba-la-mật kinh 17, T. 8, tr. 344a.
(vii) Cf.: “gambhīramiti
subhūte śūnyatāyā etadadhivacanam / ānimittasya apraṇihitasya anabhisaṃskārasya
anutpādasya ajāter-abhāvasya virāgasya nirodhasya nirvāṇasya
vigamasyaitatsubhūte adhivacanaṃ yaduta gambhīramiti/” Asp, p. 70. “Này Tu-bồ-đề! Từ ‘sâu xa’ này là đồng nghĩa với từ ‘tánh
không’. Này Tu-bồ-đề! Từ ‘sâu xa’ này chính là từ đồng nghĩa của
vô tướng, vô nguyện, vô tác, bất khởi, bất sanh, vô tánh, ly tham, tịch
diệt, niết-bàn, viễn ly.”
(viii) Cf.: “gambhīram
iti subhūte śūnyatāyā etad adhivacanam anim-ittasyāpraṇihitasyānabhisaṃskārasyānutpādasya
nirodhasya nirvāṇ-asya śāntasya tathatāyā bhūtakoṭer dharmadhātor imāni tāni
subhūte gambhīragambhīrāṇi sthānāni yeṣām etad adhivacanaṃ yad idaṃ nirvāṇam
iti.” Psp, vol. IV, pp.164. “Này Tu-bồ-đề! Từ ‘sâu xa’ này là từ đồng nghĩa với từ ‘tánh
không’. Từ ‘sâu xa’ này là từ đồng nghĩa của vô tướng, vô nguyện, vô tác, bất khởi, tịch diệt, niết-bàn, an tĩnh, chân như, thật tế, pháp giới. Này Tu-bồ-đề! Các từ ấy là từ đồng nghĩa với trú xứ
sâu xa sâu xa này, cũng chính là niết-bàn
6 Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh 449 (phần thứ 2), T. 7, tr. 269a-c.
7 Tạp A-hàm kinh 9, T. 2, tr. 60a.
8 Tạp A-hàm kinh 31, T. 2, tr. 224b. Tương ưng bộ, (43)
Vô vi tương ưng, Nam truyền 16 thượng, tr. 77-97.
9 Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh 3 (phần đầu), T. 5, tr. 13b.
(ix) Cf.: “utpādād vā tathāgatānām anutpādād vā sthitā eveyaṃ dharmatā
dharmasthitaye dhātuḥ |… iti yātra dharmatā dharma-sthititā dharmaniyāmatā
dharmayathātathā avitathatā ananyathā bhūtaṃ satyatā tattvatā yāthātathā
aviparītatā aviparyastatā idaṃ-pratyayatā pratītyasamutpādānulomatā ayam ucyate
pratītyasam-utpādaḥ |” NidSa 14.5-6 “Vì sự xuất hiện hay không xuất hiện của
Như lai thì sự trụ này chính là pháp tánh, là sự trụ của pháp, là giới ấy… Ở
đây, nó là pháp tánh, là sự trụ của pháp, là tánh xác định của pháp, là tánh
như thật của pháp, là tánh chẳng hư vọng, là tánh chẳng biến đổi, là tánh chân
thật, là tánh chân đế, là tánh như như, là tánh như thật, là tánh chẳng sai lầm,
là tánh chẳng điên đảo, là tánh y vào duyên này, là tánh tùy thuận duyên khởi.
Đây được gọi là duyên khởi.” “Yā tatra tathatā avi-tathatā anaññathatā
idappaccayatā ayaṃ vuccati, bhikkhave, paṭicca-samuppādo.” S.2.27. “Ở đây là
tánh như, là tánh chẳng khác với như, là tánh xác định, là tánh y vào duyên này
– những thứ này, này các tỳ-kheo, được gọi là duyên khởi.”
(x) Cf.: “evam iyaṃ prajñāpāramitā na kasyacid dharmasyotpādikā na nirodhikā
dharmasthititāṃ pramāṇīkṛtya.” Psp, vol. V, p. 62.
(xi) Cf.: “tathāgatasya ca tathāgatanirmitasya ca na kiṃcit nānākara-ṇam
upalabhyate dharmāṇāṃ dharmatāṃ pramāṇīkṛtyam.” Psp, vol. V,
p. 122.
(xii) Cf.: “tasmāt tathāgatas tathāgata ity ucyate, anena subhūte pary-āyeṇa
bodhisattvo mahāsattvas tathāgata eva veditavyaḥ tathatāṃ pramāṇīkṛtya.”
Psp, vol. V, p. 132.
(xiii) Cf.: “sarvadharmā avikalpā avikalpatathatāṃ pramāṇīkṛtya bhū-takoṭiṃ
dharmadhātum” Psp, vol. V, p. 39.
10 Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh 460 (phần thứ 2), T. 7, tr.
327a; q. 462, tr. 336b; q. 463, tr. 340b; q. 473, tr. 394b.
(xiv) Cf.: “།ཉེ་བར་འཁོར་འཇམ་དཔལ་གཞོན་ནུར་གྱུར་པའི་ཆོས་སྟོན་པ་ནི་རྣམ་པར་གྲོལ་བའི་རྒྱུ་འཐུན་པ་ཡིན་ཏེ།” Vup,
p. 353.
11 Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh 576 (phần Na-già-thất-lợi), T.
7, tr. 975a. Nhu-thủ Bồ-tát vô thượng thanh tịnh phần vệ kinh, q. hạ, T.
8, tr. 746a. Phật thuyết quyết định tỳ-ni kinh, T. 12, tr. 41a.
(xv) Cf.: “།ཀྱེ་རྒྱལ་བའི་སྲས་དག་དེ་ལ་བཟོད་པ་དང་པོ་སྒྲ་ཁོང་དུ་ཆུད་པ་གང་ཞེ་ན། འདི་ལྟ་སྟེ་ཆོས་དེ་དག་ཐོས་ནས་མི་འཇིགས་མྱི་སྐྲག སྐྲག་པར་མི་འགྱུར་ཞིང་དད་པ་དང་། ཡིད་ཆེས་པ་དང་། མོས་པ་དང་། སྤྲོ་བ་དང་འཇུག་པ་དང་རྗེས་སུ་འབྲང་བ་དང་། །དེའི་རང་བཞིན་དུ་གནས་ཤིང་ཁོང་དུ་ཆུད་པར་བྱེད་པ་སྟེ། ཀྱེ་རྒྱལ་བའི་སྲས་དག །འདི་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་རྣམས་ཀྱི་སྒྲ་ཁོང་དུ་ཆུད་པའི་བཟོད་པ་ཐོབ་པ་སྟེ་དང་པོའོ། །ཀྱེ་རྒྱལ་བའི་སྲས་དག །བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་རྣམས་ཀྱི་མཐུན་པའི་བཟོད་པ་ཐོབ་པ་གཉིས་པ་གང་ཞེ་ན། ཀྱེ་རྒྱལ་བའི་སྲས་དག །འདི་ལ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་ཆོས་འདི་དག་ནི་མཐུན་པ་ཞེས་བྱ་བར་རྟོག་ག་གོ། །དཔྱོད་དོ། །མཉམ་པར་བྱེད་དོ། །མི་འགལ་བར་བྱེད་ད་དོ། །ཆོས་དེ་དག་ལ་ཇི་ལྟར་མཐུན་པར་འཇུག་པར་བྱ་བ་དེ་ལྟར་རྣམ་པར་སྒོམ་མོ། །བསམ་པ་རྣམ་པར་དག་པར་བྱེད་དོ། །མཉམ་པར་བྱེད་དོ། །བརྩོན་པར་བྱེད་དོ། །རྟོགས་པར་བྱེད་དོ། །རབ་ཏུ་སྒྲུབ་པོ། །ཀྱེ་རྒྱལ་བའི་སྲས་དག་འདི་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་རྣམས་ཀྱི་མཐུན་པའི་བཟོད་པ་ཐོབ་པ་སྟེ་གཉིས་པའོ། །ཀྱེ་རྒྱལ་བའི་སྲས་དག་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་རྣམས་ཀྱི་མི་སྐྱེ་བའི་ཆོས་ཀྱི་བཟོད་པ་ཐོབ་པ་གསུམ་པ་གང་ཞེ་ན། ཀྱེ་རྒྱལ་བའི་སྲས་དག་འདི་ལ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་རྡུལ་ཙམ་གྱི་ཆོས་ཀྱང་གང་ཡང་སྐྱེས་པར་མཐོང་བ་མེད་དོ། །ཆོས་གང་ཡང་འགག་པར་མཐོང་བ་མེད་དོ། །དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན། གང་མ་སྐྱེས་པ་དེ་ནི་མ་འགགས་པའོ། །གང་མ་འགགས་པ་དེ་ནི་མི་ཟད་པའོ། །གང་མི་ཟད་པ་དེ་ནི་རྡུལ་མེད་པའོ། །གང་རྡུལ་མེད་པ་དེ་ནི་ཐ་མི་དད་པའོ། །གང་ཐ་མི་དད་པ་དེ་ནི་གཞི་མེད་པའོ། །གང་གཞི་མེད་པ་དེ་ནི་ཞི་བའི་སའོ། །གང་ཞི་བའི་ས་ཡིན་པ་དེ་ནི་འདོད་ཆགས་དང་བྲལ་བའོ། །གང་འདོད་ཆགས་དང་བྲལ་བ་དེ་ནི་མངོན་པར་འདུ་བྱ་བ་མེད་པའོ། །གང་མངོན་པར་འདུ་བྱ་བ་མེད་པ་དེ་ནི་སྨོན་པ་མེད་པའོ། །གང་སྨོན་པ་མེད་པ་དེ་ནི་གནས་པ་མེད་ཅིང་ལེན་པ་མེད་པ་སྟེ། ཀྱེ་རྒྱལ་བའི་སྲས་དག །འདི་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་རྣམས་ཀྱི་མི་སྐྱེ་བའི་ཆོས་ཀྱི་བཟོད་པ་ཐོབ་པ་སྟེ་གསུམ་པའོ།” Ba, vol. 36, pp. 775-776《大方廣佛華嚴經》卷28〈十忍品 24〉:「「佛子!何等為菩薩摩訶薩隨順音聲忍?若聞真實法不驚、不怖、不畏,信解受持,愛樂順入,修習安住。佛子!是為菩薩摩訶薩第一隨順音聲忍。「佛子!何等為菩薩摩訶薩順忍?佛子!此菩薩隨順寂靜,觀一切法平等,正念不違諸法,隨順深入一切諸法,清淨直心分別諸法。修平等觀,深入具足。佛子!是為菩薩摩訶薩第二順忍。「佛子!何等為菩薩摩訶薩無生法忍?佛子!此菩薩不見有法生,不見有法滅。何以故?若不生則不滅;若不滅則無盡;若無盡則離垢;若離垢則無壞;若無壞則不動;若不動則寂滅地;若寂滅地則離欲;若離欲則無所行;若無所行則是大願;若是大願則住莊嚴。佛子!是為菩薩摩訶薩第三無生法忍。」(CBETA, T09, no. 278, p. 580, c12-26)
(xvii)
Cf.: “tatra katamā prakṛtiśūnyatā, yā sarvadharmāṇāṃ prakṛtiḥ saṃskṛtānāṃ
vā asaṃskṛtānāṃ vā na śrāvakaiḥ kṛtā na pratyeka-buddhaiḥ kṛtā na tathāgatair
arhadbhiḥ samyaksaṃbuddhaiḥ kṛtā nāpakṛtā, prakṛtiḥ prakṛtyā śūnyā akūṭasthāvināśitām
upādāya. tat kasya hetoḥ? prakṛtir asyā eṣā, iyam ucyate prakṛtiśūnyatā.” Psp, vol. I-2, p. 62. “Ở đây, bổn tánh [bản chất] không là gì? Bổn tánh ấy của tất cả
pháp hữu vi hoặc vô vi không do các Thanh văn tạo ra, không do Bích-chi
Phật tạo ra, không do các đức Như lai – bậc A-la-hán chánh đẳng giác tạo ra,
không làm cho bị khuyết thiếu. Bổn tánh không có, vì bổn tánh không thường hằng, không hoại diệt. Vì sao vậy? Bởi
vì đây là bản chất của nó. Đây được gọi là bổn tánh không.”
(xviii) Cf.: “akāro mukhaḥ sarvadharmāṇām ādyanutpannatvāt” Psp, vol.
I-2, p. 85. “Môn
‘a - अ’, vì tất cả pháp, v.v., đều
chẳng khởi.”
(xix) Cf.: “sarvadharmā hi subhūte prakṛtyaiva pariśuddhāḥ /” Asp, p.
211. “Thật vậy, này Tu-bồ-đề! Bản chất của tất cả các pháp là thanh tịnh.”
12 Tạp A-hàm kinh 14, T. 2, tr. 98c. Tương ưng bộ, (12)
Nhân duyên tương ưng, Nam truyền 13, tr. 170-171.
(xxii) Cf.: “།འདི་ལྟར་ཡང་རིགས་ཀྱི་བུ་འདི་ནི་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་ཆོས་ཉིད་དེ། དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་བྱུང་ཡང་རུང་མ་བྱུང་ཡང་རུང་། ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་དང་ཆོས་ཀྱི་གནས་ཉིད་འདི་ནི་དེ་བཞིན་དུ་འདུག་པ་སྟེ། འདིས་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཉི་ཙེ་བརྗོད་པར་བྱ་བ་མ་ཡིན་ཏེ། ཉན་ཐོས་དང་། རང་སངས་རྒྱས་ཐམས་ཅད་ཀྱང་རྣམ་པར་མི་རྟོག་པའི་ཆོས་ཉིད་འདི་འཐོབ་བོ།” Ba,
vol. 36, p. 513.
13 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 26, T. 9, tr. 564c.
(xxiii) Cf.: “tena hi devaputrā ye srotaāpattiphale sthātukāmāḥ, ye
srotaāpattiphalaṃ sākṣātkartukāmā nemāṃ kṣāntim anāgamya, ye sakṛdāgāmiphalam
anāgāmiphalam arhattvaṃ, ye pratyekabuddha-tve sthātukāmāḥ, ye
pratyekabuddhatvaṃ prāptukāmā nemāṃ kṣāntimanāgamya.” Psp, vols. II-III, p. 14.
“…hi devaputrāḥ yaḥ srotaāpattiphalaṃ prāptukāmaḥ srotaāpattiphale sthātukāmaḥ,
sa nemāṃ kṣāntimanāgamya....peyālam / yaḥ sakṛdāgābhiphalaṃ prāptukāmaḥ, sakṛdāgāmiphale
sthātukāmaḥ, yo 'nāgāmiphalaṃ prāptukāmo 'nāgāmiphale sthātukāmaḥ, yo 'rhattvaṃ
prāptukāmo 'rhattve sthātukāmaḥ, yaḥ pratyekabodhiṃ prāptukāmaḥ pratyeka-bodhau
sthātukāmaḥ, sa nemāṃ kṣāntimanāgamya / yo 'nuttarāṃ samyaksaṃbodhiṃ prāptukāmo
'nuttarāyāṃ samyak-saṃbodhau sthātukāmaḥ, sa nemāṃ kṣāntimanāgamya //” Asp, p.
20.
14 Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh 7, T. 8, tr.
276a.
(xxiv) Cf.: “tato vademi ahamadya bhikṣavo janetha vīryaṃ paramaṃ udāram /
sarvajñajñānena kṛtena yūyaṃ naitāvatā nirvṛti kāci bhoti //7.107 //” Sp, p. 127.
15 Diệu pháp liên hoa kinh 3, T. 9, tr. 27a-b.
(xxv) Cf.: “vāsanākleśasaṃbaddhāḥ paryutthānairvisaṃyutāḥ / sam-ādhimadamattāste
dhātau tiṣṭhantyanāsrave //2.206 //” Sla, p. 55.
16 Vô cực bảo tam-muội kinh, q. thượng, T. 15, tr. 507c. Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 2, T. 16, tr. 497c.
17 Tạp A-hàm kinh 12, T. 2, tr. 83c.
(xxvi) Cf.: “tathā hi śāriputra nānyad rūpam anyā śūnyatā, nānyā śūnyatā anyad
rūpaṃ, rūpam eva śūnyatā śūnyataiva rūpam, nānyā vedanā anyā śūnyatā, nānyā
śūnyatā anyā vedanā, vedanaiva śūnyatā śūnyataiva vedanā, nānyā saṃjñā
anyāśūnyatā, nānyā śūnyatā anyā saṃjñā, saṃjñaiva śūnyatā śūnyataivasaṃjñā,
nānye saṃskārā anyā śūnyatā, nānyā śūnyatā anye saṃskārāḥ, saṃskārā eva śūnyatā
śūnyataiva saṃskārāḥ, nānyad vijñānam anyā śūyatā, nānyā śūnyatā anyad vijñānaṃ,
vijñānam eva śūnyatā śūnyataiva vijñānam.” Psp, vol.
I-1, p. 64. “Thật vậy, này Xá-lợi-phất!
Sắc không khác với tánh không, tánh không không khác với sắc, sắc chính là
không, không chính là sắc; thọ không khác với tánh không, tánh không không khác
với thọ, thọ chính là tánh không, tánh không chính là thọ; tưởng không khác với
tánh không, tánh không không khác với tưởng, tưởng chính là tánh không, tánh
không chính là tưởng; các hành không khác với tánh không, tánh không không khác
với các hành, các hành chính là tánh không, tánh không chính là các hành; thức
không khác với tánh không, tánh không không khác với thức, thức chính là tánh
không, tánh không chính là thức.” “iha śāriputra rūpaṃ śūnyatā, śūnyataiva rūpam
| rūpān-na pṛthak śūnyatā, śūnyatāyā na pṛthag rūpam | yadrūpaṃ sā śūnyatā, yā
śūnyatā tad-rūpam || evameva vedanāsaṃjñāsaṃskāravijñānāni ||” Ph, p.
97. “Này Xá-lợi-phất! Sắc là tánh không, tánh không chính là sắc, sắc chẳng
khác tánh không, tánh không chẳng khác sắc. Sắc ấy là tánh không ấy, tánh không
ấy là sắc ấy. Thọ, tưởng, hành, thức cũng chính là như vậy.”
18 Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 223a.
(xxvii) Cf.: “na saṃsārasya nirvāṇātkiṃcidasti viśeṣaṇam / na nirvāṇ-asya saṃsārātkiṃcidasti
viśeṣaṇam // Mś_25.19 // “Không có sự sai biệt nào của luân hồi đối với niết-bàn. Không có sự
sai biệt nào của niết-bàn đối với sanh tử.” “།འདི་ལ་ཕུང་པོའི་རྒྱུན་ལ་བརྟེན་ནས་འཁོར་བ་ཞེས་གདགས་ན། ཕུང་པོ་དེ་དག་ནི་ངོ་བོ་ཉིད་ཀྱིས་སྟོང་པའི་ཕྱིར་ཇི་ལྟར་གཏན་སྐྱེ་བ་མེད་པ་དང་། འགག་པ་མེད་པའི་ཆོས་ཅན་ཡིན་པ་དེ་ལྟར་ཁོ་བོས་དང་པོ་ཁོ་ནར་བསྟན་ཟིན་པས། དེའི་ཕྱིར་ཆོས་ཐམས་ཅད་སྐྱེ་བ་མེད་པ་དང་། འགག་པ་མེད་པ་མཉམ་པ་ཉིད་ཀྱིས་འཁོར་བ་ནི་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ལས་ཁྱད་པར་ཅུང་ཟད་ཀྱང་ཡོད་པ་མ་ཡིན་ནོ། །ཇི་ལྟར་འཁོར་བ་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ལས་ཁྱད་པར་ཅུང་ཟད་ཀྱང་ཡོད་པ་མ་ཡིན་པ་དེ་བཞིན་དུ་མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ཡང་འཁོར་བ་ལས་ཁྱད་པར་ཅུང་ཟད་ཀྱང་ཡོད་པ་མ་ཡིན་ནོ། Bpm, p. 731.”
“Ở đây, bởi vì thiết đặt nên tên gọi giả luân hồi là dựa vào dòng tương tục
của uẩn, do các uẩn ấy là tánh không bởi tự tánh, cho nên nó hoàn toàn không có
sanh, không trở ngại đối với hết thảy pháp, vì vậy trước đây tôi đã nói dứt
khoát rằng bởi vì tất cả pháp đều không có sanh, và bình đẳng không trở ngại
nên luân hồi cũng không có bất cứ sai biệt nào với niết-bàn. Do đó, luân hồi
không có bất cứ sai biệt nào với niết-bàn, cũng vậy, niết-bàn cũng không có bất
cứ sai biệt nào với luân hồi.” “།དམིགས་སུ་མེད་པར་མཉམ་པ་ཉིད་ཀྱིས་གཉི་ག་ཡང་དམིགས་སུ་མེད་པའི་ཕྱིར་རོ་ཞེས་བྱ་བར་དགོངས་སོ། །ཇི་ལྟར་དེ་དག་བརྟགས་པའི་བདག་ཉིད་དུ་དམིགས་སུ་མེད་པ་དེ་ལྟར་ནི་བསྟན་ཟིན་པས་དེའི་ཕྱིར་དེ་ཐོབ་པར་བྱ་བའི་ཕྱིར་རོ་ཞེས་བྱ་བའི་གཏན་ཚིགས་དེའི་དོན་མ་གྲུབ་པ་ཉིད་དང་དོན་འགལ་བ་ཉིད་དོ། །མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་དང་། འཁོར་བ་དག་ཁྱད་པར་མེད་པའི་ཕྱིར་བཤད་པ།”
Prm, p. 1400. “Cần tư duy rằng cả hai bởi vì như nhau không phải là sở duyên
nên cũng được gọi là vì không phải sở duyên. Như vậy, chúng không phải là sở
duyên đối với cái tự ngã của sự phân biệt, cũng vậy, vì như lời đã nói, do cái
nhân đắc được nó [niết-bàn] [nên khởi lên tinh tấn], nghĩa đó không thành tựu
được, và mâu thuẫn với nghĩa. Do đó nói rằng vì niết-bàn và luân hồi không khác
nhau.” “yasmāttiṣṭhannapi bhagavān bhavatīty-evamādinā nohyate, parinirvṛto
'pi nohyate bhavatītyevamādinā, ata eva saṃsāranirvāṇayoḥ parasparato nāsti
kaścidviśeṣaḥ, vicārya-māṇayostulyarūpatvāt | yaccāpīdamuktaṃ bhagavatā
anavarāgro hi bhikṣavo jātijarāmaraṇasaṃsāra iti, tadapi ata evopapannam, saṃsāranirvāṇayorviśeṣasyābhāvāt
|| 19 ||” Pp, p. 234. “Bởi vì trong hiện tại, không thể biết được những việc
như đức Thế tôn đang có mặt, v.v., hay không; cũng không biết được Ngài có niết-bàn,
v.v., hay không, cho nên không có bất cứ sự sai biệt nào với nhau giữa luân hồi
và niết-bàn, cần phải tư duy rằng cả hai đều như nhau. Thêm nữa, đức Thế tôn đã
nói rằng 'Này các tỳ-kheo, sự luân hồi của già chết cũng không có đầu không có
cuối nên nó cũng chính là sự sanh,' vì vậy không có sự sai biệt giữa luân hồi
và niết-bàn.”
19 Đại trí độ luận 19, T. 25, tr. 198a.
20 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. thượng, T. 14, tr. 542b.
22 Đại Bát-nhã-ba-la-mật kinh 472 (phần thứ 2), T. 7, tr. 391a.
(xxxi) Cf.: “།འཇམ་དཔལ་འདི་ལྟ་སྟེ། དཔེར་ན་འབྲུའི་ཕུང་པོ་སྣ་ཚོགས་ལ་ནི་འདི་ནི་འབྲུ་ཆེ་གེ་མོ་ཞིག་གི་ཕུང་པོའོ། །འདི་ནི་ཆེ་གེ་མོ་ཞིག་གོ་ཞེས་གདགས་སུ་ཡོད་པ་…” Rak,
p. 769. “Như vậy, này Văn-thù-sư-lợi! Ví như ở trong một đống gồm nhiều loại
hạt giống thì không thể gọi đây là đống hạt giống gì đó, đống này có tên gọi gì
đó.”
23 Nhập pháp giới thể tánh, T. 12, p. 234c.
(xxxii) Cf.:
“རྒྱ་མཚོ་ཆེན་པོར་མ་ཞུགས་པའི་ཆུ་ལ་ནི་ཐ་དད་དུ་བྱ་བ་ཡོད་ཀྱི་རྒྱ་མཚོ་ཆེན་པོར་ཞུགས་པའི་ཆུ་ལ་ནི་ཐ་དད་དུ་བྱ་བ་མེད་པ་དེ་བཞིན་དུ།” Sc, p. 352. “Đối với nước mà chưa chảy
vào trong biển lớn thì có sự khác nhau, nhưng khi đã chảy vào trong biển lớn
thì không khác nhau.”
24 Tu chân thiên tử kinh 4, T. 15, tr. 111a.
(xxxiii) Cf.: “tadyathāpi
nāma subhūte nānāprakārā ātmabhāvāḥ sumeruṃ parvatarājam upasaṃkrāntā ekavarṇā bhavanti.” Psp, vol. V, p. 54. “Này Tu-bồ-đề! Cũng giống như bản thân của các vật khi đến
gần núi chúa Tu-di thì chúng trở thành cùng một sắc thái.”
25 Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh 21, T. 8, tr.
369c.
(xxxiv) Cf.: སངས་རྒྱས་ཐམས་ཅད་གཅིག་ཡིན་པ། - Tất cả chư Phật đều
là một vị Phật. སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཞིང་ཐམས་ཅད་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཞིང་གཅིག་ཡིན་པ། - Tất cả cõi Phật đều là một cõi Phật.
Rak, p. 780. “རིགས་ཀྱི་བུ་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཞིང་ཐམས་ཅད་ནི་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཞིང་ གཅིག་གོ། །དེ་བཞིན་དུ་སངས་རྒྱས་ཐམས་ཅད་ནི་སངས་རྒྱས་གཅིག་གོ། །དེ་བཞིན་དུ་ཆོས་ཐམས་ཅད་ནི་ཆོས་གཅིག་གོ། །དེ་བཞིན་དུ་སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ནི་སེམས་ཅན་གཅིག་གོ།” Sps, pp. 698-699.
26 Thanh tịnh tỳ-ni phương quảng kinh, T. 24,
tr. 1080b-c.
(xxxv) Cf.: “ye te ekakalpasarvakalpasarvakalpaikakalpānupraveśa-vihāravihāriṇaḥ / ye te
ekakṣetrasarvakṣetraikakṣetrāsaṃbheda-vihāravihāriṇaḥ / ye te
ekadharmasarvadharmasarvadharmaika-dharmāvirodhavihāravihāriṇaḥ / ye te
ekasattvasarvasattvaikasattv-ānānātvavihāravihāriṇaḥ / ye te
ekabuddhasarvabuddhasarvabuddh-aikabuddhādvayavihāravihāriṇaḥ /” Gv, p. 370.
(xxxvi) Cf.: “།ཇི་ལྟར་སངས་རྒྱས་ཆོས་ཉིད་དུ། །ཀུན་གྱིས་སངས་རྒྱས་མི་མཐོང་སྟེ། །སངས་རྒྱས་ཞིང་དང་སྐུ་དག་དང་། །འཁོར་དུ་ཆོས་བསྟན་དེ་བཞིན་ནོ།” Ba, vol. 35, p. 467.
27 Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 13,
T. 10, tr. 68c.
(xxxvii) Cf.: “bhagavānāha
tatkiṃ manyase subhūte nanu mayā sarva-dharmāḥ śūnyā ityākhyātāḥ? subhūtirāha
śūnyā eva bhagavan sarva-dharmāstathāgatenākhyātāḥ /” Asp, p. 173. “Đức Thế tôn hỏi: Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ thế nào, có phải Ta từng tuyên thuyết
tất cả pháp đều là không chăng? Tu-bồ-đề trả lời: bạch đức Thế tôn, chính đức
Như lai đã tuyên thuyết tất cả pháp đều là không.”
(xxxviii) Cf.: “atha
khalu devānāmindro brahmā sahāpatiste ca kāmā-vacarā rūpāvacarāś ca devaputrā
bhagavantametadavocan anujāto batāyaṃ bhagavan bhagavataḥ śrāvaka āryasubhūtiḥ
sthaviraḥ / tatkasya hetoḥ? tathā hi bhagavan yaṃ yameva ayamāryasubhūtiḥ
sthaviro dharmaṃ deśayati, taṃ tameva dharmaṃ śūnyatāmārabhya deśayati //” Asp, p. 115.
“Bấy giờ Đề-hoàn nhân – vị thống lãnh cõi Phạm thiên cùng với các thiên tử thuộc
cõi Dục giới và Sắc giới bạch đức Thế tôn rằng: Quả thật, bạch đức Thế tôn! Trưởng
lão Tu-bồ-đề - vị giáo thọ
Thanh văn, được sanh ra từ đức Thế tôn. Vì sao? Thật vậy, bạch đức Thế tôn! Khi
trưởng lão Tu-bồ-đề - vị giáo thọ, thuyết bất cứ pháp gì, thì đều y cứ vào tánh
không để thuyết các
pháp ấy.”
28 Tiểu phẩm Bát-nhã-ba-la-mật kinh 5, T. 8,
tr. 558c; q. 6, tr. 562b.
29 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo
chi khởi nguyên dữ khai triển, Chương 10, tr. 686-688, 715-726. Không
chi thám cứu, Chương 3, tr. 155-170.
(xxxix) Cf.: “tatra
katamā svabhāvaśūnyatā? svabhāvo hi prakṛtir aviparītatā tasyā yā tayā śūnyatā akūṭasthāvināśitām
upādāya, na sā jñānena darśanena ca kṛtā. tat kasya hetoḥ? prakṛtir asyaiṣā,
iyam ucyate svabhāvaśūnyatā.” Psp, vol.
I-2, p. 63. “Ở đây, tự tánh không là gì?
Tự tánh chính là bổn tánh, tự tánh của tánh không ấy thì không điên đảo, vì tánh không không thường hằng,
không hoại diệt, không được tạo ra bằng sự nhận biết, không được tạo ra bằng sự
nhận thấy. Vì sao vậy? Bởi vì đây là bản chất của nó. Đây được gọi là tự tánh
không.”
(xl) Cf.: “tatra
katamā asaṃskṛtadharmā ucyate? yasya dharmasya notpādo na nirodho na sthitir
nāsthiḥ, nānyathātvaṃ na saṃkleśo na vyavadānaṃ na hānir na vṛddhiḥ, yāvat
sarvadharmāṇām abhāva-svabhāvatā. katamā sarvadharmāṇām abhāvasvabhāvatā? yā
adhy-ātmaśūnyatā bahirdhāśūnyatā adhyātmabahirdhāśūnyatā śūnyatā-śūnyatā mahāśūnyatā
paramārthaśūnyatā saṃskṛtaśūnyatā asaṃ-skṛtaśūnyatā atyantaśūnyatā
anavarāgraśūnyatā anavakāraśūnyatā prakṛtiśūnyatā sarvadharmaśūnyatā svalakṣaṇaśūnyatā
anupalam-bhaśūnyatā abhāvaśūnyatā
svabhāvaśūnyatā abhāvasvabhāva-śūnyatā parabhāvaśūnyatā. yat sarvadharmāṇāṃ
prakṛtiśūnyatā-tvam anupalambho yāvad yā sarvadharmāṇāṃ nirabhilapyatā apra-vyāhāratā
iyam ucyate asaṃskṛtadharmatā.” Psp, vol.
II-III, p. 97. “Ở đây, những gì được gọi
là pháp vô vi? Pháp mà không sanh, không diệt, không trụ, không xứ
sở, không biến đổi, không dơ, không sạch, không giảm, không tăng thì những pháp
đó không có tồn tại tự tánh. Tất cả pháp nào không có tồn tại tự tánh? Đó là nội
không, ngoại không, nội-ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi
không, tất cánh không, vô tế không, vô tán không, bổn tánh không, nhất thiết pháp không, tự tướng không, bất khả
đắc không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không, tha tánh không.
Không thể nắm bắt cái tự tánh không của tất cả pháp nên đó là sự ly ngôn, không
thể diễn tả của tất cả pháp. Đây được gọi là pháp vô vi.”
30 Xin xem: Ấn Thuận, Không chi thám cứu,
Chương 3, tr. 180-186.
(xli) Cf.: “āyuṣmān śāriputra āha kathaṃ tarhi te bhagavan saṃ-vidyante? bhagavānāha
yathā śāriputra na saṃvidyante, tathā saṃ-vidyante evamavidyamānāḥ / tenocyante
avidyeti / tān bālapṛthag-janā aśrutavanto 'bhiniviṣṭāḥ / tairasaṃvidyamānāḥ
sarvadharmāḥ kalpitāḥ / te tān kalpayitvā dvayorantayoḥ saktāḥ tān dharmānna
jānanti na paśyanti / tasmātte 'saṃvidyamānān sarvadharmān kalpa-yanti /
kalpayitvā dvāvantāvabhiniviśante abhiniviśya tannidānam-upalambhaṃ niśritya
atītān dharmān kalpayanti, anāgatān dharmān kalpayanti, pratyutpannān dharmān
kalpayanti te kalpayitvā nāma-rūpe 'bhiniviṣṭāḥ / tairasaṃvidyamānāḥ sarvadharmāḥ
kalpitāḥ / te tānasaṃvidyamānān sarvadharmān kalpayanto yathābhūtaṃ mārg-aṃ na
jānanti na paśyanti / yathābhūtaṃ mārgamajānanto 'paśyanto na niryānti
traidhātukāt, na budhyante bhūtakoṭim / tena te bālā iti saṃjñāṃ gacchanti / te
satyaṃ dharmaṃ na śraddhadhati / na khalu punaḥ śāriputra bodhisattvā
mahāsattvā kaṃciddharmamabhini-viśante //” Asp, p. 8. “” Psp,
vol. I-1, pp. 188-189.
(xlii) Cf.: “āha: kuśalasyākuśalasya ca kiṃ mūlam / āha: satkāyo mūlam / āha: satkāyasya
ca punaḥ kiṃ mūlam / āha: satkāyasy-ecchālobhau mūlam / āha: icchālobhayoḥ kiṃ
mūlam / āha: icchālobhayor abhūtaparikalpo mūlam / āha: abhūtaparikalpasya kiṃ
mūlam / āha: abhūtaparikalpasya viparyastā saṃjñā mūlam / āha: viparyastāyāḥ saṃjñāyāḥ
kiṃ mūlam / āha: viparyastāyāḥ saṃjñāyā apratiṣṭhā mūlam / āha: apratiṣṭhāyāḥ
kiṃ mūlam / āha: yan mañjuśrīḥ apratiṣṭhānaṃ tasya kiṃ mūlaṃ bhaviṣyati / iti
hy apratiṣṭhānamūlapratiṣṭhitāḥ sarvadharmāḥ /” Vkn, p. 268.
31 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. trung, T.
14, tr. 547c.
(xliii) Cf.: “evaṃ hi subhūte bodhisattvo mahāsattvo 'nupalambhayo-gena sarvadharmāṇāṃ
mahāyānena sarvākārajñatāyāṃ niryāsyati.” Psp, vol. I-2, p. 114.
32 Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật kinh 6, T. 8, tr.
261a.
(xliv) Cf.: “prajñāpāramitā mātā bodhisatvāna māriṣa / pitā copāya-kauśalyaṃ yato
jāyanti nāyakāḥ //” Vkn,
p. 310.
(xlv) Cf.: “/ anupāyasaṃgṛhītā prajñā bandhaḥ, upāyasaṃgṛhītā pra-jñā mokṣaḥ /
prajñayāsaṃgṛhīta upāyo bandhanam, prajñāsaṃgṛh-īta upāyo mokṣaḥ /” Vkn, p. 204. “ཐབས་ཀྱིས་མ་ཟིན་པའི་ཤེས་རབ་ནི་བཅིངས་པའོ། །ཐབས་ཀྱིས་ཟིན་པའི་ཤེས་རབ་ནི་གྲོལ་བའོ། །ཤེས་རབ་ཀྱིས་མ་ཟིན་པའི་ཐབས་ནི་བཅིངས་པའོ། །ཤེས་རབ་ཀྱིས་ཟིན་པའི་ཐབས་ནི་གྲོལ་བའོ།” Vkn-T,
p. 522. “Huệ mà không được nắm bắt [kiểm soát] bởi phương tiện thì bị trói
buộc, huệ mà được nắm bắt bởi phương tiện thì giải thoát; Phương tiện mà không
được nắm bắt bởi huệ thì bị trói buộc, phương tiện mà được nắm bắt bởi huệ thì
giải thoát.”
33 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. trung, T.
14, tr. 545b.
(xlvi) Cf.: “།ཤེས་རབ་དང་ནི་ཐབས་ཤེས་པ། །དེ་གཉིས་ཀུན་ཏུ་འདྲེས་གྱུར་ཅིང་། །གཉིས་ཀ་ཟུང་དུ་འཇུག་འགྱུར་ན། །དེས་ནི་དམ་པ་རྟོགས་པར་འགྱུར།” Sc, p. 348.
34 Tu-chân thiên tử kinh 4, T. 15, tr.
109b-110a.
(xlvii) Cf.: “མི་འམ་ཅིའི་བདག་པོ་རྣམ་པ་སུམ་ཅུ་རྩ་གཉིས་ཀྱིས་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོའི་སྦྱིན་པའི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཡོངས་སུ་དག་པ་ཡིན་ནོ།…” Drk, p. 725ff. “Này Kiṃnara chúa! Bằng 32 loại, sự bố thí ba-la-mật của
vị đại Bồ-tát là hoàn toàn thanh tịnh.”
(xlviii) Cf.: “།མི་འམ་ཅིའི་བདག་པོ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམ་པ་སུམ་ཅུ་རྩ་གཉིས་དང་ལྡན་ན་ཐབས་ལ་མཁས་པར་རིག་པར་བྱའོ།” Drk, p. 736. “Này
Kiṃnara chúa! Cần phải biết rằng vị Bồ-tát có 32 loại phương tiện thiện xảo.”
35 Đại Thọ khẩn-na-la vương sở vấn kinh 2, T.
15, tr. 377c-378a.
36 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo
chi khởi nguyên dữ khai triển, Chương 13, tr. 1102-1103.
(xlix) pañcatapastapyata ebhyo mahāgniskandharāśibhya. Gv,
p. 92ff.
(l) Cf.: “།འཇམ་དཔལ་ཁྱོད་དབྱར་གྱི་ཟླ་བ་དེ་གསུམ་གྱི་ཚེ་གང་ན་འདུག་འདུག་དེས་སྨྲས་པ། བཙུན་པ་འོད་སྲུང་ ཆེན་པོ་མཉན་ཡོད་ཀྱི་གྲོང་ཁྱེར་ཆེན་པོ་འདི་ཉིད་ན་རྒྱལ་པོ་གསལ་རྒྱལ་གྱི་བཙུན་མོའི་ནང་ནའོ།” Rk, p. 712. “Văn-thù-sư-lợi bảo: thưa hiền giả Đại Ca-diếp, trong 3 tháng hạ tôi ở trong
cung điện hoàng hậu vua Prasenajit tại đại thành phố Śrāvastī này.”
37 Văn-thù-sư-lợi hiện bảo tạng kinh, q. hạ,
T. 14, tr. 460a. Đại phương quảng Bảo khiếp kinh, q. trung, T. 14, tr.
474a.
(li) Cf.: “།བཅོམ་ལྡན་འདས་འདི་ལྟ་སྟེ། ཉན་ཐོས་དང་། རང་སངས་རྒྱས་དམིགས་པ་ཅན་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་སྤོང་བའི་བཀའ་མཆིད་དང་། ལྟུང་བ་རྣམ་པར་གཞག་པའི་བར་གྱི་བཀའ་མཆིད་འདི་དག་ཐམས་ཅད་ནི་སྤྲོས་པའི་བཀའ་མཆིད་དོ། །རྣམ་པ་ཐ་དད་པའི་བཀའ་མཆིད་དོ། །དམིགས་པའི་བཀའ་མཆིད་དེ། བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་དགྲ་བཅོམ་པ་ཡང་དག་པར་རྫོགས་པའི་སངས་རྒྱས་རིན་པོ་ཆེའི་ཏོག་གི་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཞིང་ན་དེ་ལྟ་བུའི་དམིགས་པ་ཅན་གྱི་བཀའ་མཆིད་མ་མཆིས་སོ། །དེ་ལྟ་བུའི་དམིགས་པ་ཅན་གྱི་བཀའ་མཆིད་མི་གདའ་སྟེ། བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་རྣམས་ཀྱི་དག་པའི་བཀའ་མཆིད་མི་ཐོས་པའི་ཚུལ་གྱིས་ཐོས་ས། །ཕྱིར་མི་ལྡོག་པའི་བཀའ་མཆིད་མི་ཐོས་པའི་ཚུལ་གྱིས་ཐོས་སོ། །མི་དམིགས་པའི་བཀའ་མཆིད་མི་ཐོས་པའི་ཚུལ་གྱིས་ཐོས་སོ། །དོན་དམ་པར་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཤིན་ཏུ་མ་སྐྱེས་པའི་བཀའ་མཆིད་མི་ཐོས་པའི་ཚུལ་གྱིས་ཐོས་སོ། །དོན་དམ་པར་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཤིན་ཏུ་མ་བྱུང་བའི་བཀའ་མཆིད་མི་ཐོས་པའི་ཚུལ་གྱིས་ཐོས་སོ།” Sps, pp.
697-698. “Bạch đức Thế tôn! Ở cõi này thì như vầy: thuyết cho các đối tượng là
Thanh Văn, Độc giác để họ từ bỏ phiền não. Tất cả những lời này đều vẫn còn bị
rơi vào sự được thiết đặt nên là thuộc hí luận, là lời thuộc sự sai biệt, là lời
có sở duyên. Bạch đức Thế tôn! Ở cõi của đức Phật Ratnaketu [Bảo Đảnh] - bậc
Như lai Thế tôn A-la-hán Chánh đẳng Chánh giác thì như thế này: không phải thuyết
lời thuộc sở duyên, không có lời có sở duyên như vậy. Bạch đức Thế tôn! Ở cõi ấy,
các vị Bồ-tát ma-ha-tát ”
(lii) Cf.: “།འདོད་ཆགས་མྱ་ངན་འདས་པར་གསུངས། །ཞེ་སྡང་གཏི་མུག་དེ་བཞིན་ཏེ། །བྱང་ཆུབ་དེ་དག་གནས་ ཉིད་ཡིན། །སངས་རྒྱས་བྱང་ཆུབ་བསམ་མི་ཁྱབ།…” Sdhpn, p. 777. “Sự tham dục [rāga]
được gọi là niết-bàn; sự giận hờn [doṣa] và si mê [moha] cũng giống như vậy. Bồ-đề
ấy cũng ở chính nơi ấy. Phật và bồ-đề đều không thể nghĩ bàn.” “།གང་ཞིག་འདོད་ཆགས་ཞེ་སྡང་མི་རྟོག་ཅིང་། །གཏི་མུག་ཆུང་བས་བྱང་ཆུབ་ཡིན་ལྟ་བ། །དེ་ལ་སངས་རྒྱས་བྱང་ཆུབ་རིང་བ་མིན། །བཟོད་པ་མཆོག་ཀྱང་མྱུར་དུ་དེས་འཐོབ་འགྱུར༑” Ibid., p. 778. “Người nào không có sự phân biệt chút ít nào về tham,
sân và si, thì người ấy thấy được bồ-đề. Ở đây, người ấy không có khoảng cách
nào với bồ-đề của Phật, vì vậy, cũng sẽ nhanh chóng đạt được sự nhẫn tối thượng.”
38 Chư pháp vô hành kinh, q. hạ, T. 15, tr.
759c-760a.
39 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo
chi khởi nguyên dữ khai triển, Chương 12, tr. 928-940.
(liii) Cf.: “ye tvavakrāntāḥ samyaktvaniyāmam, na te bhavyā anuttar-āyāṃ samyaksaṃbodhau
cittamutpādayitum / tatkasya hetoḥ? baddhasīmāno hi te saṃsārasrotasaḥ /” Asp, p. 17.
40 Tiểu phẩm Bát-nhã-ba-la-mật kinh 1, T. 8,
tr. 540a.
(liv) Cf.: “།བཅོམ་ལྡན་འདས་ཡང་དག་པར་བཞུགས་པའི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ནི་ཉོན་མོངས་པ་ཡང་མི་སེལ་ཉོན་མོངས་པ་མ་མཆིས་པ་ཡང་མི་སྒྲུབ་བོ། །བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཉོན་མོངས་པའི་སྒོ་ལ་སོ་སོར་རྟོག་པ་ནི་ཏིང་ངེ་འཛིན་དང་གཟུངས་་ཀྱི་སྒོ་འཐོབ་བོ།” Dhs, p. 195. “Bạch đức Thế tôn! Vị Bồ-tát chánh trụ
cũng không trừ sạch phiền não, cũng không phải là hành theo phiền não. Vị Bồ-tát
tư duy về một cách phân biệt về phẩm loại phiền não thì đắc phẩm loại tam-muội
và đà-ra-ni.”
(lv) Cf.: “saṃkṣepeṇa kulaputra dvāṣaṣṭir dṛṣṭigatāni tathāgatānāṃ gotram /… āha: na
śakyaṃ kulaputra asaṃskṛtadarśinā niyāmāvakr-āntisthitenānuttarāyāṃ samyaksaṃbodhau
cittam utpādayitum / kleśāgārasaṃskṛtasthitenādṛṣṭisatyena śakyam anuttarāyāṃ
samyak-saṃbodhau cittam utpādayitum / tadyathā kulaputra nojjaṅgaleṣu pṛthivīpraveśeṣūtpalapadmakumudapuṇḍarīkasaugandhikāni
viroh-anti / kardamapulinaprakṣiptāny utpalapadmakumudapuṇḍarīkas-augandhikāni
virohanti /… yathā sarvakleśās tathā tathāgatānāṃ gotram / tadyathāpi nāma
kulaputra nānavatīrya mahāsamudraṃ śakyam anarghaṃ ratnam utkṣeptum / evam eva
nānavatīrṇena kleśasāgaraṃ śakyaṃ sarvajñatācittaratnam utpādayitum / Vkn, pp.
304-306.
(lvi) Thông cú: “evaṃ mayā śrutam | ekasmin samaye bhagavān
śrāvastyāṃ viharati sma…” “Điều được
nghe bởi tôi như thế này: Vào một lúc nọ, đức Thế tôn đã ở tại Xá-vệ…”
(lvii) Cf.: “བཅོམ་ལྡན་འདས་ཐོག་མ་མངོན་པར་སངས་རྒྱས་པ། སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཤིན་ཏུ་རྣམ་པར་སངས་རྒྱས་པའི་ཐུགས་མངའ་བ།… ཡུལ་མ་ག་ཏའི་ཆོས་ཀྱི་དགོན་པ་སྙིང་པོ་བྱང་ཆུབ་…།” Ba, vol. 35, pp.
3-4. “Đức Thế tôn mới giác ngộ hoàn toàn, Ngài tư duy về tất cả Phật Pháp và
hết thảy chư Phật… Nơi tòa bồ-đề hình tròn trong Pháp a-lan-nhã tại thành
Magadha…”
41 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêp kinh 1,
T. 10, tr. 1b.
(lviii) Cf.: “།སངས་རྒྱས་སྐུ་ནི་ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་ཀྱིས་གསལ། །འགྲོ་བ་ཀུན་ལ་རྒྱལ་བ་མངོན་སུམ་སྟེ། །ཇི་ལྟར་མོས་པའི་སེམས་ཅན་རྒྱས་བཀང་ནས། །སྙིང་པོ་བྱང་ཆུབ་དེ་ལ་རྒྱལ་བ་བཞུགས།” Ba, vol. 35, pp. 173-174.
42 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêp kinh 6,
T. 10, tr. 30a.
(lix) Cf.: “།ཤཱཀྱ་ཐུབ་པ་ཞེས་བྱ་བར་རབ་ཏུ་ཤེས་སོ། །དྲང་སྲོང་དམ་པའི་མཆོག་ཅེས་བྱ་བར་རབ་ཏུ་ཤེས་སོ། །རྣམ་པར་སྣང་མཛད་ཅེས་བྱ་བར་རབ་ཏུ་ཤེས་སོ། །གོའུ་ཏ་མའི་རིགས་ཞེས་བྱ་བར་རབ་ཏུ་ཤེས་སོ།” Va, vol. 35, p. 401.
43 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêp kinh 12,
T. 10, tr. 58c.
(lx) Cf.: “བློ་གྲོས་བརྟན་པ་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཤཱཀྱ་ཐུབ་པའི་སྐུ་ཚེའི་ཚད་ཇི་ཙམ་པ་བཞིན་ཏེ། བློ་གྲོས་བརྟན་པ་ཚེའི་ཚད་ནི་བསྐལ་པ་གྲངས་མེད་པ་བདུན་བརྒྱའོ། །ངའི་ཚེའི་ཚད་ཇི་ཙམ་པ་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཤཱཀྱ་ཐུབ་པའི་སྐུ་ཚེའི་ཚད་ཀྱང་དེ་ཙམ་མོ།… །ང་ཉིད་དེ་ཡིན་ཏེ།… བློ་གྲོས་བརྟན་པ་དེ་ལྟར་ན་ངའི་ཚེའི་ཚད་ནི་བསྐལ་པ་གྲངས་མེད་པ་བདུན་བརྒྱ་སྟེ། དེའི་འོག་ཏུ་ཤིན་ཏུ་ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདའ་བས་ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདས་སོ།” Srs, pp. 805 -806.
44 Thủ-lăng-nghiêm tam-muội kinh, q. hạ, T.
15, tr. 644c-645a.
45 A-di-đà-tam-da-tam-Phật-tát-lâu-Phật đàn quá độ
nhân đạo kinh, q. thượng, T. 12, tr. 309a.
(lxi) Cf.: “tāvaccirābhisaṃbuddho 'parimitāyuṣpramāṇastathāgataḥ sadā sthitaḥ |
aparinirvṛtastathāgataḥ parinirvāṇamādarśayati vain-eyavaśena | na ca tāvanme
kulaputrā adyāpi paurvikī bodhisattva-caryāṃ pariniṣpāditā | āyuṣpramāṇamapyaparipūrṇam
| api tu khalu punaḥ kulaputrā adyāpi taddviguṇena me kalpakoṭīnayutaśatasaha-srāṇi
bhaviṣyanti āyuṣpramāṇasyāparipūrṇatvāt |” Sp. 190.
1 Tạp A-hàm kinh 20, T. 2, tr. 143b-144a; q. 30, tr. 218b. Tăng
chi bộ, phẩm 6 pháp, Nam truyền 20, tr. 46-52, v.v…
2 Quán Vô lượng thọ Phật kinh, T. 12, tr. 342c.
3 Phật thuyết Xá-lợi-phất hối quá kinh, T. 24, tr.
1090a-1091b.
4 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 40, T. 10, tr. 847a.
5 Đại trí độ luận 61, T. 25, tr. 487c-488a.
6 Bồ-đề tư lương luận 4, T. 32, tr. 530c-531b. Bảo hành
vương chánh luận, T. 32, tr. 504b-c.
7 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 13, tr. 1133-1141; Chương 9, tr. 570-576.
8 Thập tụng luật 48, T. 23, tr. 352a.
(i) Cf.: “།གང་དག་གཟུགས་ཀྱིས་ངེས་པར་འཛིན། །ང་ལ་སྒྲ་ཡིས་རྗེས་སུ་འབྲང། །འདུན་པའི་འདོད་ཆགས་དབང་གྱུར་པ། །སྐྱེ་བོ་དེ་དག་ང་མི་ཤེས།” Ycbh-T, vol. 72, p. 1259. “Những người nào phân biệt [Ta] bằng
sắc, đi theo Ta bằng âm thanh, do bị dắt dẫn bởi sự ham muốn của tham dục, những
người ấy không biết được Ta.” “ye māṃ rūpeṇa cādrākṣurye māṃ ghoṣeṇa
cānvaguḥ | mithyā-prahāṇaprasṛtā na māṃ drakṣyanti te janāḥ ||” Vajr, p. 87. “Những
người nào muốn thấy Ta bằng sắc, hay tìm Ta bằng âm thanh thì những người ấy đã
khởi lên tư duy sai lầm nên sẽ không thấy Ta.”
9 Du-già sư địa luận 19, T. 30, tr. 382b. Bài kệ “Nếu dùng
sắc để thấy Ta” của kinh Kim
cang bát-nhã-ba-la-mật, đại ý thì tương đồng.
(ii) Cf.: “102. Piṭakattayapāḷiñca,
tassa aṭṭhakathampi ca; Mukha-pāṭhena ānesuṃ, pubbe bhikkhū mahāmati. 103.
Hāniṃ disvāna sattānaṃ, tadā bhikkhū samāgatā; Ciraṭṭhitatthaṃ dhammassa,
potthakesu likhāpayuṃ.” Mhv,
p. 200.
10 Đảo sử, Nam truyền 60, tr. 134. Đại sử,
Nam truyền 60, tr. 378-379, v.v…
(iii) Cf.: “lekhanā pūjanā dānaṃ śravaṇaṃ vācanodgrahaḥ / pra-kāśanātha svādhyāyaś
cintanā bhāvanā ca tat // V.9 [Giải thích] mahāyānasya lekhanaṃ pūjanaṃ
parebhyo dānaṃ pareṇa vācya-mānasya śravaṇaṃ / svayaṃ ca vācanaṃ / udgrahaṇaṃ /
parebhyo deśanaṃ granthasyārthasya vā svādhyāyanaṃ / cintanaṃ bhāvanañ ca /” Mvbh, p.
63. 《辯中邊論》卷3〈辯無上乘品 7〉:「謂書寫供養, 施他聽披讀, 受持正開演, 諷誦及思修。論曰。於此大乘有十法行。一書寫。二供養。三施他。四若他誦讀專心諦聽。五自披讀。六受持。七正為他開演文義。八諷誦九思惟。十修習行。十法行。」(CBETA, T31, no. 1600, p.
474, b22-27)
(iv) Cf.: “tasmiṃśca pustake tathāgatagauravamutpādayiṣyanti, śāstṛ-gauraveṇa
satkariṣyanti gurukariṣyanti mānayiṣyanti pūjayiṣyanti |”
Sp, p. 142.
(v) Cf.: “api tu khalu punaḥ subhūte yatra pṛthivīpradeśe idaṃ sūtraṃ
prakaśayiṣyate, pūjanīyaḥ sa pṛthivīpradeśo bhaviṣyati sadeva-mānuṣāsurasya
lokasya | vandanīyaḥ pradakṣiṇīyaśca sa pṛthivīpra-deśo bhaviṣyati, caityabhūtaḥ
sa pṛthivīpradeśo bhaviṣyati ||” Vajr, p. 82.
11 Diệu pháp liên hoa kinh 4, T. 9, tr. 30c. Kim cang
bát-nhã-ba-la-mật kinh, T. 8, tr. 750c.
12 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 10, tr. 642-643.
(vi) Cf.: “དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྐུ་གཟུགས་བྱེད་དུ་གཞུག་སྟེ། ཐ་ན་རི་མོར་ཡང་འདྲིར་འཇུག་པ་དང་། ཏིང་ངེ་འཛིན་འདི་འདོད་པས།” Pbs, p. 37.
13 Ban-chu tam-muội kinh, T. 13, tr. 899c.
14 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 11, tr. 842-848.
15 Tăng nhất A-hàm kinh, (34) Đẳng kiến phẩm, T. 2, tr. 694a.
16 Đại trí độ luận 4, T. 25, tr. 92b.
(vii) Cf.: “yāvanto bhadantamahākāśyapa daśasu dikṣv aprameyeṣu lokadhātuṣu mārā
māratvaṃ kārayanti, sarve te yadbhūyasācintya-vimokṣapratiṣṭhitā bodhisatvā” Vkn, p. 246.
17 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. trung, T. 14, tr. 547a.
18 Đại Bảo tích kinh, (3) Mật tích kim cang lực sĩ hội, T. 11,
tr. 52c-53a.
19 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 8, tr. 465-472.
20 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 67, T. 10, tr. 364a-b.
21 Xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ
khai triển, Chương 12, tr. 935-936.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét