Thuyết ngã không và pháp không của học phái Thanh văn

Thuyết ngã không và pháp không của học phái Thanh văn

(Trích dịch từ Chương II của tác phẩm Nghiên cứu về thuyết Tánh Không)

Tác giả: Pháp sư Ấn Thuận

Người dịch: Thích Nhuận Thịnh

Trong các bộ phái Thanh văn, có thuyết tất cả pháp là không. Do vì văn hiến không đầy đủ, không biết rõ rốt cục là có bao nhiêu bộ phái, nhưng bộ phái mà có thuyết ‘pháp là không’, chính xác là có tồn tại. Như trong luận Đại trí độ của Long thọ (Nāgārjuna) có nói đến 3 loại pháp môn: “1. Côn-lặc môn (piṭaka hoặc peṭaka); 2. A-tỳ-đàm môn; 3. Không môn.”1 Không môn trong ba loại pháp môn này, có môn thuộc vào Thanh văn, dẫn 3 kinh Thanh văn để thuyết minh. Lại khi nói đến ‘tất cả pháp là không’ thì dẫn 6 (hoặc 7) kinh để chứng minh rằng trong Tam tạng nhiều nơi có nói pháp là không.”2 Luận Trí độ lại nói: “Nếu không đạt được pháp bát-nhã-ba-la-mật, mà nhập vào A-tỳ-đàm môn thời bị rơi vào trong hữu, nếu nhập vào Không môn thời đọa vào trong vô, nếu nhập vào Côn-lặc môn thì đọa vào trong hữu-vô.”3 Điều này có thể thấy, việc dẫn chứng rộng rãi các kinh Thanh văn để nói tất cả pháp là không, không phải tự chính Long thọ, mà là các bộ phái Thanh văn. Sau đây, căn cứ và lời kinh mà luận Trí độ dẫn, có thể hiểu rõ không môn là giải thích pháp không như thế nào.

1. Đại không kinh: Văn ở trên đã nói đến kiến giải của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin). Bản Hán dịch Tạp A-hàm nói: “Nếu có ai [tự] hỏi rằng: Đó là ai già chết? Già chết thuộc về ai? Anh ta [tự] trả lời rằng: ngã tức là già chết; nay già chết thuộc về ngã, già chết chính là ngã sở”, và cùng với “mạng tức là thân”, “mạng khác, thân khác” phối hợp với nhau.4 Căn cứ vào kiến giải của không môn, ở đây là nói pháp là không, như luận Đại trí độ5 nói:

“Trong pháp Thanh văn, pháp không là đại không… là con người có già chết, (con người cũng không thể có được), thì chúng sanh là không. Là già chết, (già chết cũng không thể có được), là pháp không”. “Nếu nói ai già chết, phải biết đó là hư vọng, đó gọi là sanh không. Nếu nói là (có) già chết, phải biết là hư vọng, đó gọi là pháp không.”

Sanh không - chúng sanh không (sattva-śūnyatā), pháp không (dharma-śūnyatā), không môn là thành lập nên hai loại không. Kinh nói ‘nay già chết thuộc về ngã, già chết là ngã sở’ là tà kiến hư vọng, nhân đó nói rằng ‘đó là già chết, đó là pháp không’. Ở đây là lấy vô ngã làm ngã không, vô ngã sở làm pháp không. Điều này cùng với ý kiến được nói trong luận Thành thật: “Nếu bác bỏ ai già chết, thời là phá giả danh; bác bỏ sự già chết này là phá năm ấm” (phá năm ấm tức là pháp không) phù hợp với nhau.6

2. Kinh Phạm võng: như luận Đại trí độ nói:

“Sáu mươi hai tà kiến trong kinh Phạm võng. Nếu có ai nói: thần là thường, thế gian cũng thường, thì đó là tà kiến. Nếu nói thần là vô thường, thế gian là vô thường, đó cũng là tà kiến. Thần và thế gian vừa thường vừa vô thường, thần và thế gian vừa chẳng phải thường vừa chẳng phải chẳng phải thường, đó đều là tà kiến. Bởi vậy cho nên biết các pháp đều là không, đó là thật.”*

Kinh Phạm võng là một kinh của Trường A-hàm.7 Kinh nói đến 62 kiến là nêu tổng quát hết các dị kiến của các ngoại đạo đương thời tại Ấn độ, nội dung là quá khứ có 18 kiến, vị lai có 44 kiến. Thần và thế gian là thường, vô thường, v.v., mà luận đã dẫn, là 4 kiến đầu của 62 kiến. Bốn kiến là thường, vô thường, v.v., trong Tạp A-hàm là 4 kiến đầu của 14 vấn đề không thể quyết định (bất khả ký).8 Nguyên vốn chỉ là thế gian thường, vô thường, v.v, mà kinh Phạm võng gọi là thần và thế gian là thường, vô thường, v.v. Thần, là cách dịch xưa của ngã (ātman). Thế gian (loka), kinh Tạp A-hàm ước lược nói gồm 6 căn, 6 cảnh, 6 thức, 6 thọ,9 là hoạt động thân-tâm của chúng sanh. Trường A-hàm chia ra làm thần ngã và thế gian, đó là nêu bật sự tương phản của ngã và pháp, cũng có thể nói là dùng tự thể của chúng sanh và núi sông đất đai để luận về sự tương đối, cũng chính là chúng sanh (thế gian) và khí (thế gian) được nói thông thường vậy.

Luận Trí độ y cứ vào không môn, dùng các tà kiến như thần ngã và thế gian là thường, vô thường, v.v., để giải thích là ‘mọi pháp đều không, đó là (như) thật’. Y theo kinh văn thì đều không có văn rõ ràng nói rằng pháp là không, điều này trải qua lý luận như thế nào để luận định là không? Thần ngã là không thể có được, cho nên nói ngã thường, là vô thường, v.v, đều là tà kiến. Nhưng “nhiều nơi, Phật nói pháp hữu vi là vô thường, khổ, không, vô ngã, làm cho mọi người đắc đạo, thì vì sao (kinh Phạm võng) nói (thế gian) là vô thường thì rơi vào tà kiến? Trong những giáo thuyết khác nhau của Phật, dường như có sự mâu thuẫn ư! Luận Đại trí độ dẫn kinh và giải thích thêm, như quyển 18 nói:

“‘Phật bảo Ma-ha-nam… Nếu khi thân (người) hoại tử, tâm phải khéo ý thức, ngày đêm dùng tín, giới, văn, thí, huệ huân tập vào tâm thì ắt được lợi ích, sanh lên cõi trời (kinh dẫn ở trên, về sau sẽ giải thích). Nếu tất cả pháp sanh diệt vô thường trong mỗi niệm, vì sao Phật nói vì công đức được huân tập vào tâm ắt được sanh lên trên! Vì thế nên biết chẳng phải là có tánh vô thường.’

‘Phật tùy tùy theo chúng sanh tương ứng mà thuyết pháp: phá cái chấp điên đảo về thường nên nói vô thường. Bởi người đời sau không biết, không tin nên nói rằng tâm đi đến đời sau, sanh lên trên trời; tội phước, nghiệp, nhân duyên dù trải qua trăm nghìn kiếp cũng không mất. Đó là đối trị tất-đàn, chẳng phải là đệ nhất nghĩa tất-đàn, thật tướng của các pháp là chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Nhiều nơi Phật nói các pháp là không, trong cái không của các pháp cũng không có vô thường. Bởi thế nên nói rằng thế gian vô thường là tà kiến, vì vậy gọi pháp là không.’”*

Phật nói vô thường, làm cho mọi người đắc đạo, đây là sự thật của nguyên thỉ Phật giáo. Vô thường của ‘các hành là vô thường’, nguyên ngữ là anitya; tánh vô thường là anityatā. Phật không chỉ nói vô thường, mà cũng nói không hằng còn, biến dị, không an ổn, v.v. Luận Du-già căn cứ vào kinh nên nói: “ở trong các hành, tu vô thường tưởng về hành có 5 loại, đó là do tánh vô thường, tánh không hằng còn, tánh chẳng phải trụ dài lâu, tánh không thể giữ gìn, tánh của pháp biến hoại.”10 Phật nói vô thường, v.v., không phải là bàn luận nghiên cứu về nghĩa lý, mà là chỉ rõ sự thật. Như Tứ phi thường kệ nói: “Tích chứa (tài sản) đều mất hết, tối cao (danh vị, quyền thế) ắt rơi xuống, (bạn bè) hội hợp sẽ chia ly, có sanh, không có bất tử.” Ở đây là muốn con người đối với thế gian hiện thực này (nước trời cũng ở trong đó), không thể mê luyến đối với triệt để mọi thứ, phước lạc rốt cục rồi cũng sẽ tiêu mất, phải khởi tâm từ bỏ để hướng đến giải thoát. Nhưng mà, hết thảy phàm phu đều là kỳ vọng vào sự vĩnh hằng nền lưu luyến say đắm trong thế gian này, cho nên kinh Tạp A-hàm* nói:

“Hạng phàm phu ngu si vô văn, đối với thân bốn đại, mà chán bỏ sự tại hại (của nó), ly dục, quăng bỏ, nhưng chẳng phải là đối với thức.”

“Hạng phàm phu ngu si vô văn, chẳng thà đối với sự trói buộc của thân bốn đại này xem là ngã và ngã sở, không nên đối với sự trói buộc của thức mà xem là ngã và ngã sở. Vì sao như vậy? Sắc thân bốn đại này, ta xem chừng là trụ (sống) khoảng 10 năm, 20, 30 cho đến 100 năm; nếu khéo an dưỡng, thì hoặc có thể lại (sống) quá hơn một chút. Cái tâm ý thức kia biến chuyển liên tục trong từng ngày, từng đêm, từng giờ, từng khắc, từng thoáng chốc, sanh khác, chếc khác.”11

Người thông thường ngu si không nghe (học hỏi), đối với sắc thân bốn đại này – nhục thể, có khi lại sanh tâm rời bỏ, mà đối với tâm thức, lại không thể rời bỏ, cố chấp vào cái chấp ngã và ngã sở. Căn cứ theo ý của Phật, đối với sắc thân bốn đại này, chấp là ngã và ngã sở mà không thể rời bỏ, nhiều ít còn có thể tha thứ được. Bởi vì sắc thân của chúng ta, có khi sống 10 năm, 20 năm, có khi có thể sống đến 100 năm. Nếu như bảo vệ điều dưỡng được tốt thì có khi còn sống quá 100 năm một ít. Vì có thời kỳ dài ổn định như thế này cho nên không khỏi quyến luyến mà chấp trước. tâm ý thức của chúng ta là thực tại biến đổi không dừng trong từng thời khắc, cái diệt trước không đồng với cái sanh ra sau, cho nên nói là sanh khác, diệt khác. Sanh diệt biến đổi trong từng sát-na như thế, nhưng chúng sanh lại cố chấp vào cái chấp ngã và ngã sở, như là linh hồn nói theo thông thường, nhà Huyền học và Thần học, gọi nó là chân tâm, chân ngã. Điều này đều là vì trong sự biến đổi vô thường có một chủ thể của sanh mạng là không biến đổi, từ đời trước đến đời này, từ đời này đến đời sau. Phật nhằm vào cái chấp của thế tục, đối với mọi thứ trong sanh tử lưu chuyển, tuyên bố ‘các hành là vô thường’. Vô thường, là muốn con người không mê luyến đối với phước lạc ngắn ngủi này, mà hướng đến giải thoát rốt ráo; điều này được gọi là biết như thật và chánh kiến. Nói đến thế gian (thường và) vô thường là tà kiến, nguyên ngữ của vô thường là aśāśvata, tuy dịch giống nhau là vô thường, nhưng cùng với các hành là vô thường bất đồng. Tà kiến cho thế gian là vô thường, đó là vì: hữu tình thế gian một khi chết là hết, không có sanh tử lưu chuyển, là những người chủ trương đoạn diệt luận, là kiến giải của các nhà Duy vật Thuận thế. Tại Ấn độ vào thời đại đức Phật, phái Thuận thế (Lokāyata) là thiểu số. Các hành vô thường là chánh kiến, thế gian vô thường là tà kiến, trong Phật giáo nguyên thỉ, hẳn là không có mâu thuẫn.

Chánh kiến - các hành vô thường, tà kiến - thế gian vô thường, là không có mâu thuẫn. Nhưng trong sự nghiên cứu ý nghĩa của pháp trong Phật pháp, hai loại vô thường này có điểm tương đồng, đó là một chánh một tà gì vậy? Thế gian vô thường, là diệt ở trước mà về sau thì không còn gì nữa, đã phạm vào cái lỗi đoạn (uccheda). Các hành vô thường, là sự sanh sanh diệt của hữu vi. Như lời mà kinh ở trên đã nói, tâm là sanh diết không dừng trong từng thời khắc, lúc trước và lúc sau đã bất đồng. Nghiên cứu ra thì, dù là thời gian cực ngắn –sát-na (kṣaṇa), cũng là có sanh diệt, đây chính là ‘sanh diệt vô thường trong mỗi niệm’. Sắc thân bốn đại này, không phải là 10 năm, 20 năm… 100 năm không có thay đổi, cũng là năm đổi khác, tháng đổi khác, ngày đổi khác, ngay cả trong sát-na cũng là sanh diệt vô thường. Sát-na sanh diệt như vậy, sát-na trước không có diệt thì sát-na sau là không thể sanh khởi. Nếu như sát-na trước đã diệt, đã trải qua sự diệt rồi, thì cũng sẽ không thể sanh khởi sát-na sau. Như nghiệp báo thiện hoặc ác đã được tạo ra, cũng là sát-na sanh diệt, nghiệp diệt thì trở thành là quá khứ, lại vì sao có thể chiêu cảm trong vị lai, có lẽ quá báo thiện hoặc ác đến trong trăm ngàn vạn ức kiếp về sau vậy? nhân quả tương tục chính là các hành vô thường, do đối với ‘sanh diệt trong từng sát-na ’, sự trước diệt sau sanh khó mà thành lập, thì cùng với sự rơi vào trong cái lỗi đoạn vì cho thế gian vô thường giống nhau, đó là một chánh một tà gì ư! Vì làm rõ sanh diệt trong từng sát-na nên lại cần phải thành lập nên sự trước và sau nối tiếp nhau, Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) căn cứ vào thuyết ba đời là có, pháp tánh là hằng hữu, đã diệt vào quá khứ nhưng vẫn còn tồn tại (hữu), cho nên trước và sau có thể nối tiếp nhau được để khởi lên. Kinh bộ (Sautrāntika) căn cứ vào thuyết ‘có trong hiện tại’ (hiện tại hữu), đã diệt vào quá khứ là trở thành huân tập để bảo tồn trong hiện tại, cho nên có thể trước và sau nối tiếp sanh ra. Nhưng ý kiến của các bộ phái là bất nhất, không phải là mọi người đều có thể đồng ý hoàn toàn. Bộ phái nói pháp là không thì cho rằng ‘nhiều nơi Phật nói vô thường, nhiều nơi nói là bất diệt’ (bất diệt chính là thường còn), ‘Phật tùy theo chúng sanh tương ứng mà thuyết pháp’. Nói các hành là vô thường, vì để đả phá cái chấp điên đảo về thường, hết thảy pháp là ‘chẳng phải thật tánh vô thường’, không thể nói là diệt rồi thì không còn gì cả. Nói ‘tâm đi vào đời sau, sanh lên cõi trời’, v.v., là nhằm đả phá cái quan niệm đoạn diệt, quyết chẳng phái nói rằng tâm là trước và sau hoàn toàn giống nhau. Điều này đều là tùy thuận phương tiện của thế tục, nếu như suy xét đến thật tướng của các pháp (thật tướng là cách dịch khác của thật tánh), là chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Tánh không cũng là chẳng phải thường chẳng phải vô thường, là siêu việt hết thảy mọi hý luận chấp kiến như thường, vô thường, v.v., cho nên Phật nói 14 vấn đề không thể quyết định (không thể khẳng định để nói nó là gì, cho nên Phật không muốn trả lời), 62 kiến là tà kiến, chính là đã cho thấy chánh kiến tất cả pháp là không.

3. Phẩm Nghĩa, như luận Đại trí độ nói:

“Phật thuyết kệ trong phẩm Nghĩa: ‘mỗi mỗi sư ngoại đạo gọi đạo của mình là cứu cánh, nhưng mỗi sư ngoại đạo tự yêu đắm đạo của mình, mỗi sư ngoại đạo đều cho đạo) mình đúng đạo của kẻ khác sai, các đạo đó đều chẳng phải cứu cánh. Các người đó vào nơi tranh luận, khi biện minh nghĩa lý, mỗi mỗi nói thị phi với nhau, thắng – thua ôm lòng vui –sầu. Kẻ thắng thì rơi vào tự cao, kẻ thua rơi vào vòng đau khổ, vì thế bậc có trí, không theo hai pháp thắng thua này. Này Luận lực (Vivādabala)! Ngươi phải biết rằng, pháp Ta dạy cho đệ tử, là không hư cũng không thật, ngươi muốn tìm cầu cái gì? Ngươi muốn phá hủy lập luận của Ta, thì trọn không có chỗ nào để phá hoại; không thể thắng được bậc có nhất thiết trí, ngược lại, lập luận của ngươi vừa đủ để hại chính ngươi.* Nhiều nơi như thế trong kinh Thanh văn nói các pháp là không.”**

Phẩm Nghĩa gồm có 16 kinh, tạng Pāli biên tập Kinh tập vào Tiểu bộ, cùng với phẩm Nghĩa tương đương, có kinh Phật nói nghĩa túc, 2 quyển, 16 phẩm do Ngô chi khiêm dịch. Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) gọi đây là 16 cú nghĩa, hoặc kinh Cú nghĩa.12 Cú là dịch nghĩa của pada, ý nghĩa là dấu chân, được dịch là kinh Cú nghĩa, có thể đây là tụng bản của Pháp tạng bộ. Luận Đại trí độ nhiều lần dùng phẩm Nghĩa làm dẫn chứng, như ngoài 5 bài kệ đã dẫn ở trên nhằm chứng minh pháp là không, lại để giải thích đệ nhất nghĩa tất-đàn thì dẫn 3 bài kệ của kinh Chúng nghĩa; để giải thích pháp vô tránh thì dẫn 3 bài kệ của kinh A-tha-bà-kì (A-tha-bà-kì là dịch âm của phẩm Nghĩa [Artha-varga]); dẫn kinh Lợi chúng (lợi chúng tức là chúng lợi, lợi là chữ lợi trong nghĩa lợi) để giải thích sự không thủ trước tất cả pháp – pháp không; dẫn 2 bài kệ của Phật nói kinh Lợi chúng để giải thích sự biết như thật về danh-sắc.13 Luận Du-già sư địa cũng dẫn phẩm Nghĩa để giải thích pháp tánh của hết thảy pháp là lìa ngôn ngữ.14 Phẩm Nghĩa được thành lập rất sớm, kinh Tạp A-hàm (Đệ tử ký thuyết) đã từng giải thích đến rồi.15 Từ sự sử dụng làm dẫn chứng của luận Đại trí độ và luận Du-già, có thể thấy rằng phẩm Nghĩa đối với tư tưởng pháp tánh là không, vắng lặng, lìa ngôn ngữ của Đại thừa, là có ảnh hưởng quan trọng. Năm bài kệ mà đoạn trên đã dẫn, là Phạm-chí Luận lực (kinh Nghĩa túc chép là Dũng từ, Dũng từ là cách dịch khác của Luận lực. Phẩm Nghĩa của Kinh tập thì chép là Bà-tu-la [Pasūra])16 nêu lên các loại quan điểm (kiến) của ngoại đạo, muốn cùng Phật tranh luận đạo của ai là rốt ráo. Phật bảo ông ta rằng: mọi người đều thích bám chặt vào hiểu biết của mình, cho hiểu biết của mình là chân lý, tự cho mình là đúng, còn kẻ khác là sai nên tranh luận lẫn nhau, kết quả là, kẻ thắng lợi thì làm lớn thêm tâm kiêu ngạo, kẻ thất bại thì tâm sanh đau khổ. Điều này có nghĩa rằng: chân lý thì không thể đạt được trong các cuộc tranh luận tư biện để dẫn đến sự tự chứng được pháp tánh lìa ngôn ngữ, là không và vắng lặng được.

Học phái Thanh văn nói rằng pháp là không, thì đã dẫn 3 kinh là Đại không kinh, kinh Phạm võng, phẩm Nghĩa, và cả thuyết ‘nhiều nơi trong kinh Thanh văn nói các pháp là không’. Luận Đại trí độ, sau phần nói về thuyết ‘hết thảy pháp là không’, còn đã trích dẫn và thuật lại giản lược 6 (hoặc 7) kinh của Thanh văn tạng, như quyển 31 của luận này nói:

“‘Có người Phạm-chí lợi căn, muốn tìm thật tướng của các pháp, nhưng không chán già bệnh chết, cố chấp vào tướng của các pháp, vì vậy Phật nói pháp là không, là vì Phạm-chí Tiên-ni, Phật không nói năm chúng tức là thật, cũng không nói là lìa năm chúng là thật.’

‘Lại có Phạm-chí Cường luận, Phật đáp: trong pháp của Ta không chấp nhận hữu và vô; thì ngươi muốn tranh luận điều gì? Hữu và vô đều là pháp hí luận, làm trói buộc phải tái sanh.’

‘Và trong Đại không kinh của Tạp A-hàm, nói đến 2 loại không gồm chúng sanh là không và pháp là không.’

‘Trong kinh La-đà nói: vì sắc chúng bị tan rã nên làm cho không còn có gì cả (vô sở hữu).’

‘Trong kinh Thí dụ về chiếc bè nói: pháp còn phải bỏ, huống gì là phi pháp!’

‘Trong kinh Ba-la-diên và kinh Lợi chúng nói: bậc trí giả thì không thọ nhận, không chấp trước đối với hết thảy pháp, nếu thọ nhận và chấp trước vào pháp thì sanh hí luận, nếu không bám víu vào đâu cả thì không có gì để hí luận. Các bậc thánh nhân đắc đạo thì không chấp thủ, cũng không xả bỏ đối với các pháp, nếu không chấp thủ và xả bỏ thì có thể lìa mọi kiến chấp. Cũng như thế, nhiều nơi trong Tam tạng nói rằng pháp là không.’”*

Đầu tiên trong 6 kinh là kinh nói về sự việc của Phạm-chí Tiên-ni (Śreṇika), xem trong Tạp A-hàm (trong tạng Pāli thiếu kinh này). Cuộc vấn đáp giữa Phật và Tiên-ni, là: sắc (v.v, tức là năm ấm) là như lai? Khác sắc (lìa sắc) là như lai? Trong sắc có như lai? Trong như lai có sắc? Như lai (tathāgata) là cách dịch khác của ngã, như lai tức là như như bất động mà đi đến sanh tử, không phải chính là sắc, không phải lìa sắc, như lai không ở trong sắc, sắc không ở trong như lai17 – điều này nói theo thông thường chính là: ‘chẳng phải là ngã, khác với ngã, không ở trong nhau’. Đây là 24 cú của kiến chấp ngã và ngã sở, nên những người nói pháp là không, căn cứ vào 4 cú không thể nói là như lai, để giải thích rằng pháp là không. Kinh Phạm-chí Tiên-ni, có thể là tụng bản của phái Pháp không, văn cú đã có thêm bớt ít nhiều. Bộ phận nguyên thỉ của kinh Bát-nhã, từng dẫn việc Phạm-chí Tiên-ni nhờ lòng tin mà nhập vào được nhất thiết trí, là giải thích kế thừa của phái Pháp không thuộc Thanh văn, biên tập vào kinh Bát-nhã làm ví dụ dẫn chứng.18

Thứ hai, Phạm-chí Cường luận, như được nói đến trong Nghĩa phẩm ở trên. Cường luận chính là Luận lực, kinh Nghĩa túc thì dịch là Dũng từ.

Thứ ba, Đại không kinh, đã nói qua ở đoạn trên.

Thứ tư, kinh La-đà, xem trong Tạp A-hàm, như nói: “Đối với cảnh giới sắc, thì nó sẽ bị tan hoại tiêu diệt; đối với cảnh giới thọ, tưởng, hành, thức cũng sẽ bị tan hoại tiêu diệt. Hãy đoạn trừ ái dục, khi hết ái dục thì khổ cũng hết.”19 Sự tan hoại tiêu diệt của năm ấm, có lẽ dựa vào đây mà lập nên từ ‘phân tán thành không’ (avakāra-śūnyatā).

Thứ năm, kinh Thí dụ về chiếc bè, xem kinh A-lê-trá (ariṣṭaka, hoặc ariṭṭhaka) trong Trung A-hàm.20 ‘Pháp còn phải bỏ, huống gì là phi pháp’, ý của kinh là: tất cả pháp mà Phật nói (9 phần hoặc 12 phần giáo), phải khéo hiểu rõ, mục đích là vì giải thoát. Cho nên nghe rồi tư duy ý nghĩa của pháp, đối với sự giải thoát là hữu dụng, là điều tất yếu; nhưng vì giải thoát thì không nên ôm giữ chấp trước (tranh luận) vào văn và ý nghĩa của nó, bởi vì nếu có một sự ôm giữ chấp trước nào thì không thể được giải thoát. Như thông thường nói: ‘qua sông cần phải dùng chiếc bè, khi đã đến bờ bên kia thì không cần dùng bè nữa’. Từ đây có thể thấy, đức Như lai thuyết pháp chỉ là thích ứng với chúng sanh mà thuyết pháp, dẫn dắt chúng sanh xuất ly, nên không phải nói những hiểu biết của mình ra rồi yêu cầu người khác ôm giữ chấp trước cứng nhắc lấy nó. Vô biên pháp môn, đều chẳng qua là phương tiện thích ứng với chúng sanh. Pháp (thiện, đúng) còn phải xả bỏ, huống gì phi pháp (ác, tà), đã cho thấy hết thảy pháp là không.

Thứ sáu, kinh Ba-la-diên là thuộc phẩm Con đường đến bờ kia của Kinh tập. Kinh Chúng lợi là thuộc phẩm Nghĩa của Kinh tập. Văn trường hàng (phần văn xuôi của luận Trí độ) lược dẫn ý của 2 kinh, giải thích về bậc trí giả không thọ nhận, không chấp trước, không ôm giữ, không xả bỏ. Ý này cùng với 18 bài kệ của phẩm Nghĩa tương đương.21

Học phái Pháp không của Thanh văn dẫn các kinh Thanh văn để nói pháp là không, lý do chủ yếu là: 1. Không có ngã sở; 2. Năm ấm là pháp bị phân tán hoại diệt; 3. Không rơi vào nhị biên – kiến giải về tứ cú; 4. Phật pháp là nơi không có tranh luận; 5. Bậc trí giả không ôm giữ, không chấp trước tất cả pháp. Học phái về Pháp không, cùng với những người thuộc A-tỳ-đàm môn mà biện luận phân tích về sự tướng, là bất đồng. Ở đây là chú trọng đối với lý tưởng của Phật pháp, lập trường về phương tiện dẫn đi vào đạo và tu chứng.



1 Đại trí độ luận 18, T.25, tr.192a-b.

2 Đại trí độ luận 31, T.25, tr.295c.

3 Đại trí độ luận 18, T.25, tr.194a-b.

4 Tạp A-hàm 12, T.2, tr.84c.

5 Đại trí độ luận 31, T.25, tr.288a. Và quyển 18, T.25, tr.193a.

6 Thành thật luận 12, T.32, tr.333a.

* Đại trí độ luận 18, T.25, tr.193a.

7 Trường A-hàm, Phạm động kinh (21), T.1, tr.89c và tiếp theo. Trường bộ, Phạm võng kinh (1), Nam truyền 6, tr.15 và tiếp theo.

8 Tạp A-hàm 34, T.2, tr.245b-249a. Tương ưng bộ, Bà-tha chủng tương ưng (33) gọi là ‘10 kiến [chấp]’, Nam truyền 14, tr.418-427.

9 Tạp A-hàm 9, T.2, tr.56a-c. Tương ưng bộ, Lục xứ tương ưng (35), Nam truyền 15, tr.64, 86-87.

* Đại trí độ luận 18, T.25, tr.193a-b.

10 Du-già sư địa luận 86, T.30, tr.778b.

* Tạp A-hàm 12, T.2, tr.81c.

11 Tham chiếu: Tương ưng bộ, Nhân duyên tương ưng (12), Nam truyền 13, tr.136-138.

* Xin xem thêm ý nghĩa những bài kệ này trong kinh Tiểu bộ, phần Kinh tập, phẩm 8, Pasūrasutta, kệ thứ 824 trở đi. ND.

** Đại trí độ luận 18, T.25, tr.193b-c.

12 Tứ phần luật 39, T.22, tr.845c. Và quyển 54, T.22, tr.968b.

13 Đại trí độ luận 1, T.25, tr.60c-61a. Và quyển 1,T.25, tr.63c-64a. Và quyển 31,T.25, tr.295c. Và quyển 27,T.25, tr.259b.

14 Du-già sư địa luận 36, T.30, tr.489a.

15 Tạp A-hàm 20, T.2, tr.144b-c. Tương ưng bộ, Uẩn tương ưng (22), Nam truyền 14, tr.13-14.

16 Phật thuyết Nghĩa túc kinh, quyển thượng, T.4, tr.179c-180a. Kinh tập, Nghĩa phẩm, Nam truyền 24, tr.320-323.

* Đại trí độ luận 31, T.25, tr.295b-c.

17 Tạp A-hàm 5, T.2, tr.32a-b.

18 Tiểu phẩm Bát-nhã-ba-la-mật kinh 1, T.8, tr.537c.

19 Tạp A-hàm 6, T.2, tr.40a. Tương ưng bộ, La-đà tương ưng (23), Nam truyền 14, tr.300.

20 Trung A-hàm, A-lê-trá kinh (200), T.1, tr.764b-c. Trung bộ, Xà dụ kinh (22), Nam truyền 9, tr.247-248.

21 Kinh tập, Nghĩa phẩm, Nam truyền 24, tr.310-312. Phật thuyết Nghĩa túc kinh, T.4, tr.178a-c.