Quan điểm của Pháp sư Ấn Thuận về sự hình thành Đại thừa


Quan điểm của Pháp sư Ấn Thuận về sự hình thành Đại thừa

(Nhuận Thịnh trích dịch từ Sự khởi nguyên và khai triển của Phật giáo Đại thừa sơ kỳ)

Mục 1. Thuyết cho rằng Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết

Vào khoảng trước và sau Công nguyên, những hành giả Bồ-tát có “phát tâm bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát, cầu thành bồ-đề vô thượng” đã xuất hiện trong giới Phật giáo Ấn-độ; những kinh điển tuyên thuyết về “sự trang nghiêm của quả vị Phật, hạnh to lớn của Bồ-tát” cũng bắt đầu lưu hành. Sự thật này, giới Phật giáo truyền thống có “phát cái tâm cầu thoát khỏi, làm những việc ích lợi cho sự tu của riêng mình, mong cầu thành tựu quả vị A-la-hán,” thì sẽ dẫn đến khởi lên không ít phản ứng, có người không tránh khỏi biểu hiện thái độ phản đối. Các kinh Đạo hành bát-nhã, kinh Ban-chu tam-muội, v.v., lưu hành vào sơ kỳ, đều đã phơi bày tình hình đương thời, như nói:
“Đây đều chẳng phải lời do Phật nói, mà là của ngoại đạo vậy.”1(a)
“Sau khi nghe tam-muội này, không vui, không tin… Rồi bảo với nhau rằng: những lời này là nói cái gì? Là từ đâu được mà nói những lời này? Đó là tự hội họp với nhau rồi nói như vậy, là kinh chẳng phải do Phật thuyết.”2
Bộ phận những người theo Phật giáo truyền thống chỉ trích những kinh điển thuộc Bồ-tát hành này là ‘chẳng phải do Phật thuyết’. Những kinh điển này được gọi là Phương đẳng (Vaipulya) hoặc Đại phương quảng (hoặc dịch là ‘Đại phương đẳng’ - Mahāvaipulya), những hành giả Bồ-tát cũng tự xưng là ‘Đại thừa’ (Mahāyāna). Có lẽ do chỉ trích ‘Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết’ của những người theo Phật giáo truyền thống, nên hành giả Bồ-tát cũng phản kháng, chỉ trích những người theo Phật giáo truyền thống là Tiểu thừa (Hīnayāna). Tình hình chỉ trích lẫn nhau này kéo dài mãi về sau. Bộ phái Phật giáo theo truyền thống thì có ưu thế về truyền thống và tổ chức tự viện, nhưng trên mặt lý luận, trên mặt tu trì thì dường như thiếu đi lực lượng chân chánh để phản đối Phật pháp Đại thừa, nên cuối cùng Đại thừa vẫn lưu hành tại Ấn độ.
Sự truyền vào Trung Quốc của Phật giáo, mở đầu là việc dịch kinh, đã vào giữa thế kỷ thứ 2 A.D., đó chính là thời đại ‘Đại-Tiểu cùng phát triển’ của Phật giáo Ấn độ. Đại thừa và Tiểu thừa cùng thời truyền vào Trung Quốc; tại Ấn độ, nhân vì Phật pháp Đại thừa lưu hành nên dẫn đến việc tranh luận phát sanh, cũng đã truyền đến Trung Quốc. Như Tiểu thừa mê học Trúc Pháp độ tạo dị nghi ký trong quyển 5 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 40c-41a) nói:
“Vào niên hiệu Nguyên Gia [424-453 A.D., đời Lưu Tống], thương nhân người nước ngoài tên là Trúc Bà-lặc, đã dừng chân tại Quảng Châu lâu dài, thường qua lại để cầu lợi [buôn bán]. Người ấy sanh con ở quận Nam Khang, [khi đứa con còn nhỏ] vẫn gọi tên là Nam Khang, đến lúc trưởng thành thì đổi thành Kim Già. Sau đó [người con] nhập đạo, trở thành đệ tử của Đàm-ma-da-xá, đổi tên thành Pháp Độ. Người [con] ấy tuy có dung mạo người nước ngoài, nhưng thật tế là sanh tại đất Hán. [Do đó] lễ nghi của Thiên Trúc, người này không có am tường chút gì. Nhưng vì tánh vẫn giữ thói kiêu ngạo, muốn thâu tóm vật [cúng dường?] nên chấp chặt cái học Tiểu thừa, nói rằng không có 10 phương Phật, duy chỉ lễ Phật Thích-ca mà thôi. Những kinh điển Đại thừa, vị này không cho phép đọc tụng.”
Trúc Pháp Độ không cho phép đọc tụng kinh Đại thừa, nói không có 10 phương Phật, Tăng Hựu cho rằng vị ấy ‘tánh vẫn giữ thói kiêu ngạo, ‘thể hiện những thuật dối trá’, là sai lầm. Chủ trương và thực hành các lễ nghi của Trúc Pháp Độ, kỳ thật là do chịu ảnh hưởng của Phật giáo Tích-lan (Siṃhala). Vào trước lúc La-thập (Kumārajīva) đến Trung Hoa, Tăng-già-đề-bà (Saṃghadeva) đã truyền bá ‘Tỳ-đàm’ ở Giang Đông, cũng từng phản đối Đại thừa, như Thư của Phạm Bá Luân gửi hai Pháp sư Sanh và Quán trong quyển 12 của Hoằng minh tập (T. 52, tr. 78b) nói:
“Khi Đề-bà mới đến, đồ đệ của (Huệ) Nghĩa, (Huệ) Quán… Cho rằng những kinh thuộc Phương đẳng [nói về lý] vô sanh, đều là những sách do ma nói. Đề-bà rốt cục khi thuyết kinh vẫn không lên tòa cao.”(b)
Sự truyền vào Trung Quốc của Phật giáo là Đại-Tiểu đồng thời, cho nên bộ phái Phật giáo thuộc truyền thống không thể tạo thành truyền thống kiên cố và mạnh mẽ tại Trung Quốc. Thêm nữa, Tiểu thừa với dân tình Trung Quốc có lẽ không quá thích hợp, nên Đại thừa luôn luôn ở trong tình thế có lợi để phát triển. Vào thời Nam Bắc triều, tuy có sự chuyên truyền bá Tỳ-đàm và Thành thật, nhưng trong giới Phật giáo, chưa từng nghe lời tiếng nào phản đối Đại thừa. Phật giáo từ Trung Quốc lại truyền đến Việt Nam [?], Triều Tiên, Nhật Bản, lại là thời đại  chuyên truyền bá Phật pháp Đại thừa, cũng không có sự tranh luận về vấn đề ‘Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết’. Học giả Tominaga Nakamoto (富永仲基, 1715-1746) thuộc thời đại Tokugawa (德川) ở Nhật Bản, viết Xuất định hậu ngữ, đề xướng rằng ‘Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết’. Đó là sự nghiên cứu của học vấn, so với vấn đề ‘Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết’ của Phật giáo truyền thống cổ đại, ý nghĩa đều chẳng tương đồng.

Mục 2. Quan điểm của hành giả Đại thừa

Tranh luận về ‘Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết’, vấn đề chủ yếu là kinh điển Đại thừa từ đâu mà có? Nếu như lai lịch của kinh Đại thừa không rõ ràng, thì không thể chứng minh là do Phật thuyết, nên nó bị xem như là chẳng phải Phật pháp. Những Thánh điển của Phật giáo truyền thống là Tam tạng. Tạng Kinh là ‘5 bộ’ – 4 bộ A-hàmTạp tạng; tạng Luật là Kinh phân biệt và Kiền-độ, v.v… Như vậy, tuy những kinh do các phái truyền bá, về tổ chức và nội dung đều có thêm bớt, nhưng cùng cho rằng: đây là những kinh do Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết; trải qua cuộc kết tập gồm 500 vị tại thành Vương xá (Rājagṛha), cuộc kết tập gồm 700 vị tại thành Tỳ-xá-li (Vaiśālī) mà có. Kết tập (saṃgīti) là mỗi người tụng [đẳng tụng], cùng nhau tụng [hợp tụng), là do đa số các vị Thánh giả tụng, trải qua sự cùng thẩm định, biên tập thành thứ tự, rồi lần lượt truyền tụng về sau. Trong truyền thuyết về cuộc kết tập tảo kỳ không có nghe nói qua ‘kinh Đại thừa’, bây giờ bỗng nhiên nó được lưu truyền rộng rãi ra, đây là điều không thể không nghi ngờ. Những kinh điển này rốt cục là được kết tập ở đâu? Do ai truyền thừa mà ra? Vấn đề này, có thể nói là xuất phát từ sự tìm hiểu sự thật lịch sử. Phật pháp là thứ vĩnh hằng, ‘đạo của Phật với Phật là giống nhau’, nhưng Phật pháp mà được lưu truyền ở thế gian là do sự thành Phật, thuyết pháp, lãnh đạo Tăng của đức Thích tôn rồi lưu truyền ra, đây là một sự thật lịch sử. Sự truyền tụng của Đại thừa tại nhân gian cũng không thể không đắn đo đến một sự thật lịch sử này! Nếu không chỉ ra được người kết tập, người truyền thừa, thì sẽ không tránh khỏi phải chịu sự hiềm nghi ‘Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết’.
Hành giả Đại thừa đương nhiên không thể đồng ý ‘Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết’. Đại khái, người xưa từ trên mặt lý luận, luận chứng rằng chẳng có Đại thừa – pháp môn thành Phật thì không thể được. Hoặc từ lập trường tín ngưỡng về sự siêu việt khỏi thường tình – ‘Phật là bậc không thể suy lường được’, nói rằng pháp Đại thừa có ô lượng vô số, phần lớn khó thể hình dung được, cho nên không nằm bên trong của ‘Tam tạng’ được kết tập ấy. Nhưng có người cũng chú ý đến tánh lịch sử truyền tụng ở nhân gian, đã nói đến sự kết tập và truyền thừa, như quyển 100 trong luận Đại trí độ (T. 25, tr. 756b) của Long thọ (Nāgārjuna) nói:
“Có người nói: … Sau khi Phật diệt độ, các vị đại Bồ-tát như Văn-thù thi-lợi, Di-lặc, v.v., cũng cùng với ngài A-nan kết tập thành Ma-ha-diễn.”
‘Ma-ha-diễn’ – Đại thừa, chủ yếu là Khế kinh. Trong truyền thống Phật giáo, ‘Kinh’ là do A-nan (Ānanda) kết tập thành, cho nên những người thuộc Đại thừa cho rằng: cái do Đại Ca-diếp (Mahākāśyapa) và A-nan kết tập ra, đó là Kinh trong ‘Tam tạng’; kinh Đại thừa cũng là do A-nan kết tập thành, nhưng là cùng với Văn-thù (Mañjuśrī), v.v., đồng kết tập thành. Như vậy, kinh Đại thừa không nằm bên trong ‘Tam tạng’, mà sự biên tập thành của ‘Đại thừa tạng’ và ‘Tam tạng’, có thể nói là tồn tại đồng thời. Đại thừa trang nghiêm kinh luận đã đề xuất ra 8 lý do để thành lập Đại thừa, lý do thứ 2 là: “Đồng hành, ấy là Thanh văn thừa và Đại thừa đều chẳng phải có trước, chẳng phải có sau, đồng hành cùng một lúc, thì ông làm sao biết được chỉ riêng Đại thừa này chẳng phải do Phật thuyết?”1(a) Đây là chủ trương pháp Thanh văn thừa và pháp Đại thừa là đồng thời được biên tập ra và lư hành. Nhưng ở trên góc độ lịch sử, thì điều này không thể được mọi người chấp nhận. Nói cụ thể hơn, như quyển 1 của luận Kim cang tiên do Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch ra vào đời Nguyên Ngụy (T. 25, tr. 800c-801a) nói:
“Có 3 vị A-nan, thuộc Đại thừa, Tiểu thừa và Trung thừa, truyền bá và duy trì tạng Pháp của 3 thừa.”
“Đức Như lai ở bên ngoài núi Thiết vi, không đến thế giới khác, giữa 2 thế giới có vô lượng chư Phật cùng tập hợp ở đó, sau khi thuyết những lời về Phật xong, muốn kết tập thành tạng Pháp của Đại thừa nên lại triệu tập đồ chúng, La-hán có 80 ức na-do-tha vị, chúng Bồ-tát có vô lượng vô biên nhiều như số cát sông Hằng không thể suy lường được, đều tập trung ở đó.”
Thuyết kết tập do luận Kim cang tiên truyền, là gần với thuyết do Long thọ truyền, nhưng lại có chỉ ra địa điểm kết tập. Có 3 vị A-nan, mỗi vị đã truyền bá và duy trì tạng Pháp của 3 thừa khác nhau – Đại thừa, Trung thừa (Duyên giác thừa), Tiểu thừa (Thanh văn thừa). Từ góc độ Đại thừa để nói, thì A-nan là do Bồ-tát thị hiện; thuyết nói có 3 vị A-nan, đương nhiên là nói rất có lý. Nhưng từ những người theo Phật giáo truyền thống để nhìn nhận, thì truyền bá và duy trì tạng Pháp của 3 thừa khác nhau, mà người truyền bá và duy trì ấy thật trùng hợp đều tên là A-nan, nên không tránh khỏi quá khéo trùng hợp! Vả lại, địa điểm kết tập không phải ở nhân gian, mà ở giữa 2 thế giới, cũng cảm thấy khó tin được.
Thuyết 3 vị A-nan biên tập ra, truyền bá và duy trì khác nhau ấy, giới Phật giáo Trung Quốc đã tiến hành trích dẫn rất phổ biến, như Pháp hoa kinh văn cú của Trí Khải, nói: “Kinh Chánh pháp niệm nói rõ ràng có 3 vị A-nan, gồm: A-nan-đà, ở đây [Trung Quốc] gọi là Hoan Hỉ, trì Tiểu thừa tạng. A-nan-bạt-đà, ở đây gọi là Hoan Hỉ Hiền, thọ trì Tạp tạng. A-nan-bà-già, ở đây gọi là Hoan Hỉ Hải, trì Phật tạng. Kinh A-hàm có vị Điển tạng A-nan, trì Bồ-tát tạng.”2 Hoa nghiêm kinh thám huyền ký của ngài Hiền Thủ, Hoa nghiêm huyền đàm của ngài Trừng Quán, đều có dẫn chứng đại khái gần giống như vậy.3 Điều mà Pháp hoa kinh văn cú đã dẫn chứng, là kinh Chánh pháp niệm; điều được Thám huyền ký trích dẫn, là kinh A-xà-thế vương sám hối; và, Hoa nghiêm huyền đàm thì trích dẫn kinh Pháp tập. Những bộ kinh này, trong những kinh điển dịch sang tiếng Hán, đều không có văn làm chứng cứ rõ ràng nói có 3 vị A-nan. Có thể là căn cứ vào truyền thuyết của người dịch luận Kim cang tiên và kinh Chánh pháp niệm xứ (nhưng không có dịch ra toàn bộ) – Bát-nhã-lưu-chi (Prajñāruci). Nhưng tóm lại, từ trên góc độ lịch sử, thì vấn đề kinh Đại thừa được kết tập ở đâu, do ai truyền và duy trì được nêu lên, người xưa tuy đã có trình bày, nhưng lại không thể có lời phúc đáp làm thỏa ý.
Kinh Đại thừa từ trong Phật giáo bộ phái lưu truyền ra, đây là một truyền thuyết khác của người xưa. Truyền thuyết này đã nhận được sự xem trọng của các học giả Đại thừa. Tam luận huyền nghĩa của Các Tạng viết vào đời Tùy (T. 45, tr. 8c-9c) nói:
“Đến khoảng trong 200 năm [sau Phật nhập niết-bàn], từ Đại chúng bộ lại tách ra 3 bộ. Bấy giờ Đại chúng bộ nhân vì Ma-ha-đề-bà [Mahādeva] chuyển sang sống ở nước Ương-quật-đa-la [Avguttarāpa], nước này ở phía bắc thành Vương-xá. Bộ này đem các kinh Đại thừa như Hoa nghiêm, Bát-nhã, v.v., Tạp tạng trong Tam tạng giảng thuyết có những người ở nước ấy. Người bấy giờ có kẻ tin, có kẻ chẳng tin nên chia thành 2 bộ.”
“Đến trong khoảng 200 năm [sau Phật nhập niết-bàn], từ Đại chúng bộ lại chia ra 1 bộ nữa, gọi là Đa văn bộ… Người ấy tụng đầy đủ nghĩa cạn và sâu, trong nghĩa sâu có nghĩa của Đại thừa.”
“Trong khoảng 300 năm [sau Phật nhập niết-bàn], từ Chánh địa bộ lại chia ra 1 bộ nữa, gọi là Pháp hộ bộ… Tự soạn thành 5 tạng: 3 tạng, như thường biết; 4, Chú tạng; 5, Bồ-tát tạng. Có những kẻ tin điều mà họ nói, nên chia riêng thành một bộ.”
Căn cứ theo Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập, chúng ta biết được điều mà Tam luận huyền nghĩa nói, là dựa vào thuyết do Tam tạng Chân Đế (Paramārtha) truyền.4 Chân Đế dịch ra Bộ chấp dị luận, và có truyền Bộ chấp dị luận sớ, nói đến sự phân liệt của bộ phái và tông nghĩa của bộ phái. Điều mà Tam luận huyền nghĩa nói, chính là dựa vào Bộ chấp dị luận sớ. Căn cứ vào thuyết này, thì bộ phái mà tách ra từ Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) và Pháp hộ bộ - Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) tách ra từ Thượng tọa bộ (Sthavira), đều có truyền bộ phận kinh Đại thừa, đây là truyền thuyết do Chân Đế (đến Trung Hoa năm 546 A.D.) mang đến.
Đại Đường Tây vực ký của Huyền Trang cũng có truyền thuyết tương tự, như quyển 9 (T. 51, tr. 923a) nói:
“Từ chỗ ngài A-nan chứng quả, đi về hướng Tây hơn 20 dặm, có tốt-đổ-ba [stūpa – cái tháp] do vua Vô Ưu [Aśoka] xây dựng, là nơi Đại chúng bộ kết tập. Những người thuộc học và vô học có số lượng trăm nghìn người, không tham dự vào chúng kết tập của Đại Ca-diếp mà đến nơi này… Lại kết tập Tố-đát-lãm tạng, Tỳ-nại-da tạng, A-tỳ-đạt-ma tạng, Tạp tập tạng, Cấm chú tạng: riêng biệt thành 5 tạng. Bởi cuộc kết tập này có phàm và Thành đồng tụ hội, nhân đó gọi là Đại chúng bộ.”
Theo cuộc kết tập bên ngoài do Huyền Trang truyền, thì đương thời có kết tập 5 tạng. Truyền thuyết này rõ ràng có liên quan với kinh Tăng nhất A-hàm. Vào khoảng năm 384-385 A.D., Đàm-ma-nan-đề (Dharmanandi) dịch ra phẩm Tự của kinh Tăng nhất A-hàm (T. 2, tr. 550a-c), nói:
“Bồ-tát phát ý hướng đến Đại thừa; Như lai thuyết cho họ những pháp riêng; bậc tôn quý của loài người thuyết sáu độ vô cực. … Chư pháp sâu xa, luận về lý ‘không’; khó hiểu, khó rõ, không thể quán; kẻ hậu tấn tương lai ôm hồ nghi; đức của Bồ-tát này không nên bỏ. … Nghĩa của Phương đẳng, Đại thừa rất thâm thúy; và các Khế kinh thành Tạp tạng.”
Theo phần Tự của kinh, sự kết tập của A-nan là kết tập thành 4 tạng; kinh Phương đẳng, kinh Đại thừa là thuộc về Tạp tạng thứ tư. Sau đó, luận giải thích [thích luận] của kinh Tăng nhất A-hàm – luận Phân biệt công đức, mới tách riêng ra để thành lập nên Bồ-tát tạng thứ 5. Đây là đem nguồn gốc của tư tưởng Bồ-tát Đại thừa suy luận đến ‘cuộc kết tập bên ngoài’ sớm nhất. Nhưng đây quyết chẳng phải là nghĩa chính của Đại chúng bộ, luật Ma-ha tăng-kỳ của Đại chúng bộ mà hiện nay còn, không có nói đến cuộc kết tập kinh Đại thừa. Nhưng từ ‘kẻ hậu tấn tương lai ôm hồ nghi’ của phần Tự trong kinh để luận, thì sự thành lập của phẩm Tự, chính là vì trong khi kết tập nói đến pháp Đại thừa, sợ mọi người hoài nghi nên soạn riêng phần Tự của kinh. Cho nên, tư tưởng Đại thừa (6 độ, v.v.) của Đại chúng bộ, khởi đầu được hàm chứa trong Tạp tạng,5 sau đó phát triển rồi lập riêng thành Bồ-tát tạng, đã cho thấy lịch trình khởi nguồn ở trong Đại chúng bộ rồi tiến triển đến Đại thừa. Có người cho rằng: văn hiến mà đáng tin của Đại chúng bộ thì chỉ có luật Ma-ha tăng-kỳĐại sự, như truyền thuyết của phần Tự trong kinh Tăng nhất A-hàm, truyền thuyết trong Bộ chấp dị luận sớ của Chân đế, truyền thuyết trong Tây vực ký của Huyền Trang, thì không thể dùng làm tư liệu có thẩm quyền về lịch sử được.6 Nhưng những truyền thuyết này là truyền thuyết chung của cổ đại đến từ Ấn độ, cố nhiên không thể căn cứ trên mặt văn tự để lý giải, thật sự cũng không có tồn tại nhân tố sự thật nào ở sau truyền thuyết đó để đáng được chúng ta phải khảo sát xem xét chăng?
Vấn đề Phật pháp Đại thừa là chẳng phải do Phật thuyết, trong giáo khu Đại thừa ở Trung Quốc và Nhật Bản, v.v., từ sớm đã không thành vấn đề. Đến thời cận đại, do vì tiếp xúc với Phật giáo Nam truyền, vấn đề ‘Đại thừa chẳng phải do Phật thuyết’ lại nổi lên một lần nữa, học giả Đại thừa đương nhiên là không thể đồng ý. Ban đầu, kế thừa truyền thuyết của cổ đại, xem trọng tánh chung của Phật pháp Đại thừa và tư tưởng Bộ phái để thực hiện việc nghiên cứu về sử, như Phật giáo thống nhất luận của Murakami Senshō (村上專精), Đại thừa Phật giáo sử luận của Maeda Eun (前田慧雲). Hai vị này đều suy đoán rằng kinh Đại thừa là do Phật thuyết. Nhưng, kinh Đại thừa ở trong Bộ phái, hoặc đã sớm tồn tại trước Bộ phái, giống như truyền thuyết của cổ nhân, thì rốt cục vẫn không được những viết sử Phật giáo thời cận đại đồng ý. Đại thừa và Bộ phái, đặc biệt là tánh chung với tư tưởng của Đại chúng bộ, đã nhận được sự xem trọng của phổ biến những học giả, giải thích rằng Đại thừa từ tư tưởng Bộ phái, đặc biệt là từ trong tư tưởng Đại chúng bộ phát triển ra. Như vậy, Đại thừa có thể nói là ‘chẳng phải Phật thuyết’ mà lại ‘là Phật pháp’. Mối quan hệ với tư tưởng Bộ phái, trải qua sự nghiên cứu của các học giả, càng rộng càng tỉ mỉ dần dần. Như Bác sĩ Miyamoto Shōson (宮本正尊), chú ý đến Thí dụ sư (Dārṣṭāntika) của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin); Bác sĩ Mizuno Kōgen (水野弘元) luận chứng mối quan hệ, v.v., giữa kinh Đại thừa với Pháp tạng bộ, Hóa địa bộ (Mahīśāsaka).7 Ngoài nguồn gốc từ tư tưởng Phật giáo bộ phái ra, còn chú ý đến mối qua hệ của Đại thừa với Áo nghĩa thư (Upaniṣad) ở Ấn độ, Cơ-đốc giáo ở Tây phương.8 Dù là ảnh hưởng từ bên trong Phật giáo hay bên ngoài, cũng đều chú trọng về ngồn gốc sâu xa của tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Nghiên cứu về Phật giáo sơ kỳ của Bác sĩ Hirakawa Akira (平川彰) đã khơi mở ra một phương hướng mới – ‘khởi nguyên của Giáo đoàn Đại thừa’, đây là một kiến giải trác việt! Vị ấy nêu ra lý do rằng Phật và Tăng có cái thể riêng, tháp Phật chẳng phải là vật sở hữu của Tăng-già; và giữa các bộ phái chẳng thể cùng sống chung và giao thiệp với nhau, thì Đại thừa đương nhiên cũng không thể cùng sống chung với những người thuộc Phật giáo Bộ phái; kinh Đại thừa lấy 10 điều thiện làm thi-la (giới) ba-la-mật, 10 điều thiện là giới của tại gia, v.v., suy luận rằng Đại thừa với Phật giáo Bộ phái thuộc hàng xuất gia không có liên quan với nhau. Đại thừa không phát xuất từ Phật giáo Bộ phái thuộc hàng xuất gia, nên suy luận rằng có tập đoàn của chùa và tháp thuộc hạng chẳng phải Tăng chẳng phải tục, để giải thích khởi nguyên của Giáo đoàn Đại thừa. Nếu quả đúng như thế, thì Giáo đoàn Đại thừa ban đầu, ngược lại rất gần giống với hình thức của Phật giáo của Nhật Bản hiện đại. Thuyết này, đại khái nhận được sự hoan nghênh của giới Phật giáo Nhật Bản, có lẽ đây chính là nguồn cơn ý thức của người có quan điểm đó! Nhưng, tháp Phật và Tăng-già xuất gia có cái thể riêng, tháp Phật chẳng phải sở hữu của Tăng-già, phải chăng có nghĩa là tháp Phật với người tại gia, hoặc những người chẳng phải Tăng chẳng phải tục, là cùng một cái thể? Tháp Phật thuộc về vật sở hữu của những người chẳng phải Tăng chẳng phải tục? Giữa các bộ phái thật sự không thể giao thiệp với nhau chăng? Giới thập thiện chỉ thuộc về người tại gia chăng? Những vấn đề này cần phải nghiên cứu nhiều hơn!

Mục 3. Con đường để giải quyết vấn đề

‘Từ Phật pháp đến Phật pháp Đại thừa’, hoặc từ nguồn gốc sâu xa của Giáo nghĩa, hoặc từ khởi nguyên của Giáo đoàn, các học giả cận đại đã cống hiến những ý kiến quý giá theo nhiều phương diện. Nhưng nghiên cứu vấn đề này, thật sự không hề dễ dàng! 1) Văn hiến không đủ: do vì đặc tánh của văn hóa Ấn độ không chú trọng lịch sử, mà Thánh điển của hệ Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) lại phần lớn đều mất mát; trên phương diện sử liệu, không đủ hoàn chỉnh, không đủ rõ ràng chánh xác, đây là việc không có cách gì khắc phục được. 2) Vấn đề quá rộng: nghiên cứu vấn đề này, mà đối với ‘Phật pháp’ – ‘Phật giáo nguyên thỉ’ và ‘Phật giáo Bộ phái’, ‘Phật pháp Đại thừa’ thuộc sơ kỳ, chẳng có hiểu rõ thì không được. Nhưng hai phương diện này, tuy nói sử liệu không đủ hoàn chỉnh, mà nội dung lại phong phú, rộng rãi và phức tạp vô cùng, người nghiên cứu không dễ gì có cái nhìn đủ bao quát hết được. 3) Ý kiến của người nghiên cứu: chẳng phải là đệ tử Phật, mà vốn mang quan niệm của Thần học, Triết học để nghiên cứu, thì không dễ gì có ra được kết luận chính xác. Trong hàng đệ tử Phật, có người hoặc là xem trọng luật chế, hoặc là xem trong pháp nghĩa, hoặc là xem trọng tín ngưỡng, hoặc là xem trọng tại gia, luôn luôn là có tín ngưỡng và kiến giải cô hữu của cá nhân ở bên cạnh, thì không thể xử lý vấn đề này cho hoàn chỉnh, chính xác được. Đối với vấn đề lớn không dễ nghiên cứu này, tác giả cũng chưa hẳn có thể có thành tích tốt hơn! Chỉ có dùng hết khả năng mà mình có, cố gắng tiến hành nghiên cứu một cách trung thực nhất. Sự nghiên cứu của sách này, đem chia thành 3 phần: 1) từ Phật giáo truyền thống, lý giải khuynh hướng chung về sự hưng khởi của Phật giáo Đại thừa. 2) Phật pháp Đại thừa sơ kỳ, truyền ra và phát triển theo nhiều phương diện. 3) Luận về sự hoằng truyền của kinh Đại thừa sơ kỳ, cũng sẽ giải đáp vấn đề kinh Đại thừa là phải hay không phải do Phật thuyết.
Trong quá trình từ ‘Phật pháp’ rồi diễn tiến đến ‘Phật pháp Đại thừa’, có một điều có thể xem là nguyên nhân căn bản, đó chính là ‘điều được phát sanh do Phật bát-niết-bàn, hàng đệ tử của Phật đối với hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật’. Sự nhập bát-niết-bàn (parinirvāṇa) của đức Thích tôn, theo Phật pháp để nói, thì chỉ là cứu cánh, chỉ là viên mãn, quyết không có tơ hào thành phần bi ai và thương xót. Nhưng  mà Phật đã niết-bàn, đối với sự chấn động và sầu khổ được khởi lên bởi nhân gian Phật giáo, lại là điều khiến người ta khó thể tưởng tượng. A-nan (Ānanda), khi Phật niết-bàn, chính là một người đau buồn cực độ, như kinh Du hành trong quyển 4 của kinh Trường A-hàm (T. 1, tr. 25b-c) nói:
“A-nan đứng ở sau Phật, vỗ giường mà khóc, không thể ngăn được, nức nở nói rằng: Như lai diệt độ, sao mà chóng quá! Thế tôn diệt độ, sao mà vội quá! Đại pháp chìm mất, sao mà nhanh quá! Quần sanh đau khổ triền miên, con mắt của thế gian đã diệt. Vì sao vậy? Con nhờ ơn của Phật nên đắc được học địa, sự nghiệp chưa thành, mà Phật diệt độ!”
Sự bi cảm xót thương này, trong hàng đệ tử Phật, đều không phải nhân thời gian qua đi mà nhạt mất, ngược lại, vẫn nhân thời gian qua đi nên lớn dần thêm, như Cao Tăng Pháp Hiển truyện (T. 51, tr. 860c, 863a) nói:
“Nhớ xưa kia, đức Thế tôn trụ ở đây (Kỳ viên) 25 năm. Tự đau xót mình sanh nơi biên địa,… Ngày nay vẫn thấy Phật nơi hư không, lòng bất chợt thương cảm.”
“Pháp Hiển đi đến núi Kỳ-xà-quật, cúng dường hoa, hương, đốt đèn sáng liên tục. Bùi ngùi xót xa, gạt lệ than rằng: Ngày xưa Phật ở tại nơi này thuyết kinh Thủ-lăng-nghiêm, Pháp Hiển sanh ra không được gặp Phật, chỉ thấy được di tích, xứ sở.”
Phật thuyết pháp cho con người, ít nhiều người do từ Phật mà đạt đến sự an ổn, giải thoát, tự tại, nên Phật trở thành đối tượng sùng ngưỡng và noi theo. Mặc dầu niết-bàn hoàn toàn không phải là tiêu diệt, nhưng theo những người thông thường để nói, thì đây là không thể gặp lại được. Bởi vậy, tâm tình do cảm ân đức, hoặc là có suy nghĩ về Phật pháp, hoặc là suy nghĩ về chúng sanh, hoặc là sự bi cảm suy nghĩ chính mình không có giải thoát nên khởi lên, đan xen lẫn nhau thành sự hoài niệm đối với Phật, hoài niệm về sự vĩnh hằng. Đây là tình hình chung từ khi Phật niết-bàn về sau, là Phật giáo nhân gian.
Hoài niệm về sự vĩnh hằng của nhân loại đối với Phật, từ nhiều phương diện biểu đạt ra. 1) Sau khi Phật  nhập niết-bàn, di thể của Phật – xá-lợi (śarīra), xây tháp để cúng dường; cung phụng các di vật của Phật, như bát, v.v.; những nơi mà Phật đã đi qua, đặc biệt là nơi Phật đản sanh, đạo tràng nơi Ngài thành Phật, địa phương Ngài chuyển Pháp luân và nhập niết-bàn, hễ cái gì có quan hệ đặc thù với Phật thì đều xây tháp hoặc làm vật để kỷ niệm, làm nơi làm lễ của hàng đệ tử Phật. Đây là kỷ niệm thuộc sự tướng, cũng có thiểu số bộ phái xem là không có ý nghĩa gì to lớn,1 nhưng từ sự hoài niệm phát sanh đối với Phật, sự truyền bá rộng rãi Phật pháp để nói, thì có sức ảnh hưởng rất lớn. Đây là phương thức kỉ niệm nhằm sùng phụng phổ biến của giới Phật giáo, tuy là kỷ niệm thuộc sự tướng, cũng có thể gợi lên sự tin tưởng và thực hành của tôn giáo nhằm ‘cầu Phật’, ‘thấy Phật’, noi theo Phật-đà. 2) Trong việc trang nghiêm chùa tháp, kính và nhớ âm thanh của Phật, sự tích cuộc đời của đức Thích tôn: truyền thuyết tán dương, được gọi là ‘đại sự’, ‘nhân duyên’ thuộc xuất thế gian của Phật; lại từ cuộc đời này mà truyền thuyết đến sự tích về sự tu hành trong đời quá khứ: đây là nội dung chủ yếu của ‘bổn sanh’, ‘thí dụ’, ‘nhân duyên’ trong ‘mười hai phần giáo’. Trong những truyền thuyết rộng rãi này, sự phát tâm của Bồ-tát, tu hành tinh tấn vô hạn của Bồ-tát, lực thệ nguyện và hành vi quên mình vì người của Bồ-tát, đầy đủ mà thanh khiết, đã vẽ ra một bức tranh về lịch trình trang nghiêm của đạo Bồ-tát. Tuyên dương về hạnh to lớn của Bồ-tát, không chỉ là thứ thuộc tín ngưỡng, mà là tấm gương tốt về sự tu học hiện tiền cho hàng đệ tử Phật. Kỷ niệm về Phật, truyền thuyết về đạo Bồ-tát, là điều mà tất cả bộ phái đều có. 3) Trong truyền thuyết tán dương về sự tích cuộc đời của đức Phật, khoảng cách giữa Phật và Tỳ-kheo-tăng, đã xa dần dần! Vốn là, Phật cũng được gọi là bậc A-la-hán, nhưng ‘hàng Thánh đệ tử đa văn’ (Thanh văn) mà đắc quả A-la-hán, khôn có rốt ráo giống như Phật, dần dần được nêu bày ra, chính là ‘5 sự’ của Đại Thiên (Mahādeva) nổi tiếng. Các phái của Thượng tọa bộ (Sthavira) đắn đo đến sự thật về cuộc sống chung của đức Thích tôn và Tỳ-kheo-tăng, tuy kiến giải có ít nhiều bất đồng, nhưng ‘Phật ở trong số chư Tăng’, cuối cùng vẫn là một thành viên của Tăng-già.2 ‘Phật ở trong số chư Tăng, không ở ngoài chư Tăng’, chỉ là một trong những ‘dị luận’ giữa các bộ phái.3 Phật ‘không ở trong số chư Tăng’, chỉ là ý tưởng Phật siêu việt ra khỏi Tỳ-kheo-tăng của hệ Đại chúng bộ. Đức Phật-đà vô cùng vĩ đại, ở trong tâm hoài niệm và tín ngưỡng, đã xuất hiện Phật đà quan về sự rốt ráo, viên mãn, thường tại. ‘Thân của Phật thường tại’, đã bổ sung cho sự trống vắng trên mặt tâm lý từ khi Phật bát-niết-bàn về sau. Đến đây, khoảng cách giữa hàng A-la-hán thuộc Thanh văn và Phật, đúng là đã quá xa! Phật-đà luôn luôn tồn tại, do vậy từ trong sự thật hành về Thánh đạo, cầu Phật, thấy Phật, tiến vào nội dung chánh giác của Phật-đà, cũng đã có ít nhiều khác với sự chứng nhập của hàng A-la-hán. Những tín ngưỡng, truyền thuyết, lý tưởng, (tu hành) này, tổng hợp lại, pháp Đại thừa cũng sẽ có hiện ra rõ ràng. Đây đều là có nguồn gốc từ ‘điều phát sanh do Phật bát-niết-bàn, hoài niệm về sự vĩnh hằng đối với Phật’, có thể nói là manh mối chung của quá trình từ ‘Phật pháp’ rồi diễn tiến đến ‘Phật pháp Đại thừa’.
‘Điều phát sanh do Phật bát-niết-bàn, hoài niệm của hàng đệ tử Phật đối với sự vĩnh hằng của Phật’, là vào sau khi Phật nhập diệt, là bước tiến hành trung gian giữa ‘Phật giáo Nguyên thỉ’ và ‘Phật giáo Bộ phái’. Sự giáo hóa của thời đại đức Thích tôn là nhân vì thời gian, nhân vì địa điểm, nhân vì căn tánh của con người mà nói, phân hóa thành Pháp (Dharma) và Tỳ-ni (Vinaya). Kinh ‘Pháp’ được kết tập thành ấy, có 4 tôn chỉ lớn – ‘cát tường vui vẻ’, ‘đáp ứng đủ sự mong cầu’, ‘đối trị sư nghi ngờ’, ‘nêu cao chân nghĩa’, thành lập thành 4 bộ A-hàm. ‘Tỳ-ni’, trong quá trình phát triển, có thân thanh tịnh, lời thanh tịnh, ý thanh tịnh, mạng sống thanh tịnh – 4 loại thanh tịnh; hạ giới, trung giới, thượng giới – giới cụ túc; 3 loại lớn, gồm Ba-la-đề-mộc-xoa, v.v. Cho nên dù là sự tu chứng về Pháp, thọ trì giới (thực hành thành khuôn phép), ở trong Phật giáo Bộ phái, nếu như có sự nghiêng lệch, đều có tánh khả năng dẫn đến sanh ra sự sai khác. Từ khi Phật diệt độ về sau, Phật giáo lấy chúng tỳ-kheo xuất gia làm trung tâm. Hàng tỳ-kheo ở trong Tăng đoàn, đúng như pháp tu hành, nhiếp hóa tín chúng, tùy theo tánh cách và sở thích của cá nhân, từ sự pháp vụ khác nhau, hàng tỳ-kheo có tên gọi khác nhau, vả lại, vật tụ theo loại, vào thời của Phật đã có khuynh hướng tập đoàn bất đồng. Chủng loại của tỳ-kheo rất nhiều, những loại chủ yếu, có: ‘những người trì Pháp’ (Dharmadhara – Kinh sư), ‘những người trì Luật’ (Vinayadhara – Luật sư), ‘những người luận về Pháp’ (Dharmakathika – Luận sư), ‘những người Bối-nặc’ (Bhāṇaka – người đọc tụng, thuyết pháp), ‘những người Du-già’ (Yogādātṛ - Thiền sư). Người muốn nhằm ghi nhớ những Kinh pháp được biên tập thành, và những kinh được cùng thẩm định phải chăng là Phật pháp truyền lại, trở thành ‘Kinh sư’ (ban đầu, từ ghi nhớ nên gọi là ‘người nghe nhiều’). Người muốn nhằm ghi nhớ Giới luật, rành rẽ nhân duyên để chế luật; và các qui chế có liên quan đến Tăng đoàn; chủ trì yết-ma (hội nghị) đúng như pháp; đối với người vi phạm Luật chế, phân biệt được phạm tội nhẹ hay tội nặng, và phải phân xử như thế nào, trở thành ‘Luật sư’. Luật học mà vị Luật sư trì, là tri thức rất phong phú và kín kẽ. Giống như khi gặp vấn đề mới, vẫn cần phải đến cơ quan hành pháp, căn cứ vào ý nghĩa của Luật rồi giải thích cho nó. ‘Luận sư’ là người đem những Kinh pháp do Phật tùy theo căn cơ thuyết lập giáo pháp, cho nó sự chỉnh lý, phân biệt, lựa chọn. Suy tìm ‘tướng riêng’, ‘tướng chung’ ‘thuộc về tướng’, ‘tương ưng’, ‘nhân duyên’, v.v., đem Phật pháp đặt trên cơ sở khách quan của tánh phổ biến, mạch lạc, hệ thống, phát triển thành A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma). A-tỳ-đạt-ma vốn là quán hiện thực về chân lý, nhưng trong sự phát triển của Luận A-tỳ-đạt-ma, trở thành học vấn mang tánh tư biện chặt chẽ. Luật sư và Luận sư A-tỳ-đạt-ma, có học phong vô cùng gần gũi, chỉ là vấn đề xử lý khác nhau mà thôi. Người luận về pháp, nếu như giáo hóa theo khuynh hướng thông tục, thì cần phải làm cho thính chúng thông thường dễ tin, dễ tiếp thu, cho nên căn cứ vào Kinh pháp vắn tắt, kết hợp với ‘Thí dụ’, ‘Bổn sanh’, ‘Nhân duyên’, v.v. Thuyết pháp theo thông tục, so với những người Luận về A-tỳ-đạt-ma, là cùng nguồn mà khác dòng, ở phương Bắc thì có ‘những người Thí dụ’ (Dārṣṭāntika) trì Kinh. ‘Những người Bối-nặc’ là những người dùng âm thanh để làm Phật sự, khi đại chúng tập trung lại, làm các pháp sự như chủ trì việc tụng kinh, tán kệ, xướng để dẫn chúng, v.v., so với những người thuộc Thí dụ thì càng thông tục hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển Phật giáo rất lớn! ‘Những người thuộc Du-già’ đa số là những người thực hành hạnh đầu-đà sống nơi a-lan-nhã, sống riêng để chuyên tu thiền và tu huệ. Trong sự phân hóa Phật giáo, Thượng tọa bộ (Sthavira) là bộ trọng Luật, ‘khinh – trọng đều trì như nhau’, mỗi khi chia ra một bộ, thì có tạng Luật khác của một bộ đó. Đối với Pháp, phân biệt, chọn lựa nên trở thành ‘Tạng A-tỳ-đạt-ma’. Luật chế và Luận A-tỳ-đạt-ma đều là nghiêm cẩn, chặt chẽ, trọng về phân biệt sự tướng. Đại chúng bộ là bộ phái trọng về Pháp; trọng sự hành trì Pháp; trọng sự thông suốt mà không trọng sự phân biệt. Đối với Luật, do trọng căn bản nên sanh hoạt khá ‘tùy nghi’, ‘tùy nghi’ nhưng không phải giống như phóng dật, ngược lại có khuynh hướng hành a-lan-nhã. Hàng đệ tử Phật đối diện với Phật giáo Bộ phái đương thời, lại không ngừng nhớ nhung, trông ngóng về đức Phật-đà: sự tu hành khi còn là Bồ-tát, thành Phật, thuyết pháp những giới pháp mà Ngài đã từ bi chỉ dạy nhằm giáo hóa bốn chúng đệ tử vào thời kỳ đầu. Người có hoài niệm về sự vĩnh hằng của đức Phật-đà, sẽ trực giác được ‘Pháp Tỳ-ni’, khác với Luật chế phân biệt tinh nghiêm, A-tỳ-đạt-ma (kinh Đại thừa sơ kỳ rất ít khi nói đến A-tỳ-đạt-ma và Ba-la-đề-mộc-xoa của Tỳ-ni). Sự hưng khởi của Đại thừa sơ kỳ là trọng về Pháp, giản dị, trọng về trí huệ và giác ngộ mà không trọng về phân biệt. Trên là noi theo 4 hạnh thanh tịnh của đức Thích tôn, hoặc giới pháp ‘chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng’ của Sơ kỳ; xem trọng ‘4 Thánh chủng’ (4 chỗ nương tựa), không trọng qui chế của Tăng-già. Đại thừa trọng huệ, có học phong gần với hệ Đại chúng. Ngoài ra, trong Phật giáo có ‘tỳ-kheo a-lan-nhã’, ‘tỳ-kheo (ở gần) tụ lạc’. Tỳ-kheo a-lan-nhã, đa số là ‘những người hành Du-già’, hoặc đầu-đà khổ hạnh. Tỳ-kheo ở gần tụ lạc, gắn liền với tự tháp và tinh xá, cùng trụ với đại chúng, qua cuộc sống tập đoàn. ‘Kinh sư’, ‘Luật sư’, ‘Luận sư’, ‘Những người thuộc Thí dụ’, ‘Những người thuộc Bối-nặc’, đều sống ở trong ấy. Ở nơi đây có chùa tháp trang nghiêm, đại chúng cùng sinh sống. Những tín chúng tại gia thọ quy y, thọ 5 giới hoặc 8 giới quan trai, người lễ bái, người bố thí cúng dường, người nghe pháp, người tụng kinh, người sám hối, đều nương vào đây để làm theo các hành vi tôn giáo. Kinh sư, Luật sư, Luận sư, trọng về giáo hóa nội bộ Tăng-già; Những người Thí dụ và Những người Bối-nặc thì trọng về việc nhiếp hóa đối với chúng tại gia. Nếu người nào trọng huệ thì đọc, tụng, thuyết pháp; người nào trọng niềm tin thì niệm Phật, sám hối, chính là ở tại đây khai triển ra. ‘Điều phát sanh do Phật bát-niết-bàn, hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật’, đã hình thành nên những sự thật mới, những truyền thuyết và lý tưởng mới này, đã dẫn đến sanh ra ‘Phật pháp Đại thừa’; nhưng đây là đã thông qua sự bất đồng về khuynh hướng của nội bộ Phật giáo mà khai triển, điều này cần phải từ các bộ phái khác nhau, lại phải truy tìm về Kinh, Luật nguyên thỉ để lý giải ra.
‘Phật pháp Đại thừa’ là Phật pháp mới hưng khởi nơi biên địa. Khu vực mà được Đức Thích tôn du hóa đến thì gọi là ‘vùng giữa nước’; khu vực ở ngoài ‘vùng giữa nước’ được gọi là ‘biên địa’. Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên (Mahākātyāyana), Phú-lâu-na (Pūrṇamaitrāyaṇīputra) vào thời Phật tại thế, đã đi đến vùng biên địa như A-bàn-đề (Avanti), v.v., hoằng pháp. Vào thời đại vua A-dục (Aśoka), phương Đông là nơi giáo hóa của Đại chúng bộ, phương Tây là nơi giáo hóa của Thượng tọa bộ. Ma-thâu-la (Mathurā) ở phương Tây là vùng nằm giữa ‘vùng giữa nước’ và ‘biên địa’. Từ nơi đây rồi phát triển về hướng Tây Nam, lấy A-bạt-đề làm trung tâm, trở thành Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavādin); phát triển về hướng Tây Bắc rồi truyền vào Kế-tân (Kaśmīra), trở thành Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin). Từ thời vua A-dục trở về sau, chánh giáo của ‘vùng giữa nước’ suy vi, mà vùng ‘biên địa’ thì lại hưng thịnh lên. Từ Tỳ-xá-li (Vaiśālī), Ương-già (Aṅga), Thượng Ương-già (Aṅguttarāpa) của phương Đông, truyền về hướng phương Nam, đến Ô-trà (Oḍra), An-đạt-la (Andhra) rồi đại hưng thịnh lên, là một dòng do Đại Thiên trong Đại chúng bộ dẫn dắt. Phân biệt thuyết bộ lưu hành xung quanh A-bạt-đề, lại chia ra Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), Ẩm quang bộ (Kāśyapīya). Vùng A-bàn-đề cũng là ở phương Nam, cùng với hệ Đại chúng của An-đạt-la, tiếp giáp với sông Cù-đà-bà-lợi (Godāvarī), sông Cát-tư-na (Krishnā) nên có sự giao lưu giữa Đông và Tây, trên tư tưởng cũng có khuynh hướng tương đồng. Thuyết nhất thiết hữu bộ thịnh hành ở khu vực Kế-tân, các bộ Đại chúng, Hóa địa, Pháp tạng, Ẩm quang cũng truyền đến nơi đây. Bộ phái đã phức tạp, mà về dân tộc thì đây cũng là nơi có dân hỗn tạp của Du-na (Yavana), Ba-la-bà (Pahlava), Xa-ca (Saka), dân tộc và văn hóa đều phức tạp nên có xu hướng dung hòa. ‘Điều phát sanh do Phật bát-niết-bàn, hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật’, sự phát triển lên trong những khu vực khác nhau, dân tộc và văn hóa khác nhau, thì Đại chúng bộ chính là bộ có khởi nguyên ở phương Nam, truyền vào Kế-tân rồi đại hưng thịnh. Chịu ảnh hưởng của văn hóa dân tộc khác, tôn giáo của dân tộc khác, là ‘chuyện chẳng đặng đứng’, nhưng Đại thừa sơ kỳ, không phải là sự cấy ghép của văn hóa khác, tín ngưỡng khác, mà là sự phát triển của chính bản thân Phật giáo, hình thành được sự thích ứng mới, tín ngưỡng mới.
‘Điều phát sanh do Phật bát-niết-bàn, hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật’ là động lực gốc của ‘Phật pháp đến Phật pháp Đại thừa’. Đối với hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật, biểu hiện ở việc kỷ niệm bằng tháp, chùa, v.v., truyền thuyết và lý tưởng về Phật và Bồ-tát. Tuy mức độ của các phương diện không bằng nhau, nhưng quả thật đó là điểm chung của giới Phật giáo. Thông qua Bộ phái, sự nghiệp hoằng pháp khác nhau, sự thích ứng với dân tộc và văn hóa khác nhau, thai nghén ra cơ hội mới – ‘Phật pháp Đại thừa’. Từ Chương 2 – Chương 8 của sách này chính là lấy ‘hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật’ làm manh mối chung, thử giải đáp vấn đề nguồn gốc sâu xa của Phật pháp Đại thừa.
‘Phật pháp Đại thừa’ đã truyền ra 10 phương Phật hiện tại, 10 phương Tịnh độ, Bồ-tát vô số, Phật và Bồ-tát hiện tại, cho nên ‘điều phát sanh do Phật bát-niết-bàn, hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật’, trên hình thức đã có ít nhiều thay đổi. Nhưng học tập hạnh Bồ-tát để thành Phật, xem thành Phật là lý tưởng tối cao, xem niệm Phật, thấy Phật là hạnh quan trọng của Bồ-tát, cho nên ‘hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật’ (tuy đã nhạt dần dần đối với Phật Thích-ca), thực chất là không có bất đồng quá nhiều (niệm sắc tướng của Phật, thấy sắc tướng của Phật, lại là điều mà ‘Phật pháp Đại thừa bí mật’ xem trọng). Sự hưng khởi của Đại thừa, là một xu hướng lớn của giới Phật giáo lúc bấy giờ (mức độ không bằng nhau), phức tạp nhưng khuynh hướng thì cùng một lý tưởng to lớn – cầu thành Phật đạo. Lấy căn tánh để luận, thì có người thực hành bằng niềm tin thì trọng về niềm tin, có người thực hành bằng Pháp thì trọng về trí, lại có người lấy tâm Bồ-tát làm cốt yếu thì trọng về bi; thói quen khác nhau cho nên trong cơ hội để hưng khởi Đại thừa, kinh điển từ nhiều phương diện truyền ra, số lượng và chủng loại là tương đối nhiều. Sự truyền ra của kinh Đại thừa, ban đầu thì không quá dài. Nếu như có luận đề trung tâm độc đáo, đại biểu cho nội dung trọng yếu của tư trào Đại thừa, sẽ nhận được sự tôn trọng nên đặc biệt phát triển lên, có kinh cuối cùng trở thành một bộ lớn gồm 100.000 bài tụng (3.200.000 lời). Sự truyền ra của kinh Đại thừa sơ kỳ, số lượng và chủng loại vô cùng nhiều, lại là dài ngắn, sâu cạn bất nhất, phải trình bày về quá trình khai triển của Đại thừa sơ kỳ, không quy nạp thành loại lớn để phân biệt trình bày thì không thể được. Chương 9 – Chương 14 của sách này chính là từ ‘Phật pháp’ phát triển mà ra, trong kinh Đại thừa sơ kỳ, phân biệt giải thích về nội dung trọng yếu của chúng.
1. ‘Sự mở đầu của Phật pháp’: từ ‘Phật giáo Bộ phái’ rồi tiến vào ‘Phật pháp Đại thừa’, nhất định có một số thuộc về ‘Phật giáo Bộ phái’, lại dẫn hướng về Đại thừa, trở thành giáo điển Đại thừa, khởi lên thành Thánh điển để làm tác dụng trung gian. ‘Kinh Đại thừa đi trước [làm tiên phong]’ mà những học giả Nhật Bản đã nói, có một số thuộc về loại này. Đối với ‘Phật pháp Đại thừa’ để nói, thì đây là sự mở đầu của Đại thừa, có tính tất yếu đi đầu làm phạm vi thảo luận.
2. ‘Pháp môn Bát-nhã’: kế thừa 6 ba-la-mật – hạnh Bồ-tát, của Phật giáo Bộ phái, nhưng chú trọng về bát-nhã ba-la-mật nhằm ngộ nhập vào nghĩa lý sâu xa; đặc tính của hạnh Bồ-tát Đại thừa, trong kinh Bát-nhã ba-la-mật, đã biểu đạt ra đầy đủ, trở thành trái tim của Phật pháp Đại thừa, đã ảnh hưởng đến tất cả kinh Đại thừa. Số lượng và chủng loại của kinh Bát-nhã, mà thuộc về Đại thừa sơ kỳ, như 5 phần đầu (và các bản dịch có cùng nguyên bản mà bản dịch khác nhau) của kinh Đại Bát-nhã và phần Kim cang Bát-nhã, do Đường Huyền Trang dịch. Toàn bộ bộ kinh là được biên tập thành theo thứ tự, từ sự biên tập theo thứ tự để tìm hiểu, thì có thể chia thành ‘Nguyên thỉ Bát-nhã’, ‘Hạ phẩm Bát-nhã’, ‘Trung phẩm Bát-nhã’, ‘Thượng phẩm Bát-nhã’, 4 loại này cũng chính là lịch trình phát triển của ‘Pháp môn Bát-nhã’. Năm phần đầu của kinh Bát-nhã đã trải qua thời gian dài khoảng 250 năm (50 B.C – 200 A.D.) để hoàn thành. ‘Pháp môn Bát-nhã’, từ pháp môn sâu xa của thiểu số những người có trí huệ giác ngộ, diễn biến thành pháp môn mà đại chúng cũng có thể tu học; do khai thị nên có khuynh hướng giải thích; do giản yếu nên có khuynh hướng hoàn bị; do sự thượng cầu bồ-đề của Bồ-tát nên chú trọng việc hạ hóa chúng sanh. Đặc biệt là, dùng ‘duyên khởi không’ để biểu thị cho nghĩa sâu xa của Bát-nhã, phát triển thành ‘Pháp môn Trung quán’ ở thời đại sau.
3. ‘Pháp môn Tịnh độ’: Tịnh độ của Phật A-súc (Akṣobhya) và Tịnh độ của Phật Di-đà (Amitābha) – hai Tịnh độ lớn của phương Đông và phương Tây, là 2 Tịnh độ nổi tiếng của Đại thừa sơ kỳ, là 2 Tịnh độ được các hành giả Đại thừa bấy giờ hướng về. Cõi của Phật A-súc là cõi trọng về trí, có liên quan với kinh Bát-nhã, v.v.; Tịnh độ của Phật A-di-đà trọng về niềm tin, về sau kết hợp với kinh Hoa nghiêm. Sự biên tập thành của Thánh điển thuộc 2 Tịnh độ lớn này, khoảng vào đầu thế kỷ 1 A.D. Hai Tịnh độ lớn này, mỗi Tịnh độ đều có đặc tính khác nhau, lưu hành trong giới Phật giáo Đại thừa, hành giả Đại thừa có ý kiến khác nhau, phản ứng trong kinh Đại thừa, điều có thể từ kinh Đại thừa tìm được đáp án chính xác.
4. ‘Pháp môn Văn-thù-sư-lợi’: Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī) có đặc tính của Phạm thiên, là người khởi xướng cho pháp giới sâu xa, là người khai mở cho tín tâm (tâm bồ-đề) Đại thừa, đại biểu cho yếu nghĩa của ‘tín – trí nhất như’, cho nên được tôn xưng là ‘Đại trí Văn-thù’. Những kinh điển – toàn bộ hoặc bộ phận, được Văn-thù tuyên thuyết, trong Đại thừa sơ kỳ, số lượng và chủng loại vô cùng nhiều, thể hiện ra điểm đặc sắc chung: phần lớn là thuyết cho chư thiên (thần), thuyết cho Bồ-tát ở phương khác; đối với Thánh giả đại biểu cho Phật giáo truyền thống, luôn cho nó sự quở trách hoặc nhục mạ; là pháp môn xem trọng ‘phiền não tức bồ-đề’, ‘dục là phương tiện’. ‘Pháp môn Văn-thù’ dựa vào ý nghĩa ‘cái không bình đẳng’ của Bát-nhã, mà đã có sự phát triển độc đáo. Đối với người tại gia, người thích thần bí, người thích dục lạc, Phật giáo hậu kỳ có sự đồng hóa giữa Phạm và Phật, thì ‘Pháp môn Văn-thù’ đã cho sự khai mở rất mạnh mẽ!
5. ‘Pháp môn Hoa nghiêm’: sự biên tập thành của toàn bộ kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm, so với ‘Thượng phẩm Bát-nhã’ thì trễ hơn một ít, đã có bao hàm thành phần của Đại thừa hậu kỳ. Như tên kinh đã cho thấy, đây là Thánh điển nói về vạnh hạnh của Bồ-tát, công đức trang nghiêm của Phật; ‘Hoa tạng’ là ‘Liên hoa tạng trang nghiêm’, đã thể hiện ra sắc thái của ‘Như lai tạng’. Hạnh Bồ-tát được sơ kỳ biên tập ra, như ‘Bổn nghiệp’ của Bồ-tát – phẩm Tịnh hạnh, giai vị tu hành của Bồ-tát – phẩm Thập trụ, phỏng đoán là được biên tập ra trong thời gian gần với ‘Hạ phẩm Bát-nhã’. Phật của ‘Pháp môn Hoa nghiêm’ là kế thừa quan điểm của Đại chúng bộ, Phật có tính cách siêu việt, lý tưởng, tên là Tỳ-lô-giá-na (Vairocana). Căn cứ vào đây để nói hạnh Bồ-tát, cho nên đa phần nói về Pháp thân và hạnh Bồ-tát; phần nhiều là ở trên trời, thuyết cho các Bồ-tát thuộc loài trời (và Bồ-tát ở phương khác); ‘Thế chủ’ đa số là Dạ-xoa (Yakṣa); trong phần dịch thêm của phẩm Nhập pháp giới, cũng đều là Bồ-tát thuộc thiên (thần); địa vị của Kim cang thủ (Vajrapāṇi) là rất cao; Phổ Hiền (Samanta-bhadra) có đặc tính của Đế Thích (Indra), so với Văn-thù, còn quan trọng hơn nhiều. Pháp môn viên dung vô ngại, có khí vị phong phú về lý tưởng, thần bí và nghệ thuật. Phẩm Thập địa nổi tiếng, đã có chịu ảnh hưởng của luận nghĩa phương Bắc, cho nên trật tự nghiêm mật, đã dựng lập nên hình thức điển hình của ‘Luận Kinh’.
6. ‘Các pháp môn khác’: kinh Đại thừa sơ kỳ mà không thuộc về 4 loại ở trước, vẫn còn rất nhiều. Như thuyết pháp ở Long cung và Quỷ quốc, kinh Pháp hoa và kinh Bảo tích có địa vị đặc thù trong Phật điển, sẽ trình bày thêm cho chúng để phân biệt. Có một số tính chất tương đồng, nhưng phổ biến ở trong kinh Đại thừa, như Giới học, Định học, Huệ học của Đại thừa, tùy theo loại mà quy nạp lại, có thể hiểu rõ kinh Đại thừa sơ kỳ, có sự đặc sắc đối với những vấn đề này.
‘Điều phát sanh do Phật niết-bàn, hoài niệm về sự vĩnh hằng của Phật’, trong Phật giáo truyền thống, từ nhiều phương diện phát triển lên, thúc đẩy thành tựu sự hưng khởi của ‘Phật pháp Đại thừa’; sự hưng khởi của Đại thừa, thật sự đó là điều gì đến sẽ phải đến, là xu hướng chung của giới Phật giáo. Sơ kỳ Đại thừa, phỏng đoán phát sanh từ năm 50 B.C. đến sau năm 200 A.D. Từ diều phương diện truyền ra, phát triển, lại ảnh hưởng lẫn nhau, chủ yếu là sự truyền bá về công đức của Phật, hạnh Bồ-tát. Lúc ấy, 10 phương Phật và Bồ-tát hiện tại, đã khai phá ra cảnh giới mới, cũng đã làm thỏa mãn sự hoài niệm được phát sanh nhân vì Phật nhập niết-bàn. Kinh Đại thừa từ đâu mà có, có phải là Phật thuyết chăng, hẳn có thể đã kết luận được rồi. Sách này từ lập trường Phật giáo (tôn giáo), từ chính bản thân kinh Đại thừa sơ kỳ để tìm kiếm chứng cứ. Pháp của kinh Đại thừa sơ kỳ, rốt cục là ai truyền ra? Là truyền ra như thế nào? Sauk hi đã truyền ra, do những người nào thọ trì, truyền bá? Pháp môn Đại thừa xuất hiện ở trong giới Phật giáo, dần dần lưu hành ra, người có thói quen về chế độ, nghi thức, tín ngưỡng của Phật giáo truyền thống, thì không tránh khỏi phải kinh ngạc, hoặc dẫn đến phát sanh hành vi hủy báng, bài xích. Đối với (bộ phận) những người phản đối thuộc Phật giáo truyền thống, hành giả Đại thừa đã có thái độ gì, phương pháp ứng phó ra sao, để cuối cùng mỗi ngày có thể phát dương quảng đại thêm? Kinh Đại thừa sơ kỳ là truyền ra, thọ trì và truyến bá như vậy, nói theo Phật pháp, thì Đại thừa là của Phật thuyết; cũng đã giải đáp vấn đề lớn – kinh Đại thừa sơ kỳ là do Phật thuyết hay chẳng phải do Phật thuyết.



1 Đạo hành bát-nhã ba-la-mật kinh 6, T. 8, tr. 455a.
(a) Tham khảo: Skt. yadetattvayedānīṃ śrutam, naitadbuddha-vacanam / kavikṛtaṃ kāvyam etat / yatpunaridamahaṃ bhāṣe, etadbuddhabhāṣitam, etadbuddhavacanamiti / // Aṣṭasāhasrikā prajñāpāramitā // Nguyên Hán là: 餘外事耳, Skt. kavikṛtaṃ kāvyam; đối chiếu với: 《摩訶般若鈔經》卷48 阿惟越致品〉:「若莫復說是語非佛所說,是皆他餘外道之造作,今我所語是佛所說」(CBETA, T08, no. 226, p. 527, b5-6)
2 Ban-chu tam muội kinh, q. thượng, T. 13, tr. 907a-b.
(b) Đề-bà không lên ngồi trên tòa cao là vì theo phong tục tại Ấn độ, khi giảng kinh, v.v., thì ngồi trên tọa cụ chứ không dùng ghế, v.v., cao làm pháp tòa.
1 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 1, T. 31, tr. 591a.
(a) Skt: samapravṛtteḥ samakālaṃ ca śrāvakayānena mahāyānasya pravṛtter upalabhyate na paścād iti katham asyābuddhavacanatvaṃ vijñāyate. Mahāyānasūtrālaṃkāraḥ.
2 Diệu pháp liên hoa kinh văn cú, phần thượng của q. 1, T. 34, 4a.
3 Hoa nghiêm kinh thám huyền ký 2, T. 35, tr. 126b. Hoa nghiêm kinh sớ sao huyền đám 8, Tục 8, tr. 315a.
4 Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập 5, T. 70, tr. 459b, 460c, 465b.
5 Tạp tạng mà Luật Tứ phần nói, cũng có kinh Phương đẳng, như quyển 54 đã đề cập. T. 22, tr. 968b.
6 Bình Xuyên Chương, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi nghiên cứu, tr. 27-58.
7 Bình Xuyên Chương, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi nghiên cứu, sđd, tr. 12-16, 31-32.
8 Bình Xuyên Chương, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi nghiên cứu, sđd, tr. 17-18.
1 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 17a, nói: Hóa địa bộ chấp rằng, “thực hiện việc cúng dường túy-đỗ-ba [tháp] rất thịnh soạn, [nhưng] kết quả đạt được rất ít.”
2 Bình Xuyên Chương, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi nghiên cứu, tr. 611-615.
3 Thành thật luận 2, T. 32, tr. 253c.