LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ẤN-ĐỘ - CHƯƠNG VIII

 


Pháp sư Ấn Thuận
(印順 法師)
LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG
PHẬT GIÁO ẤN-ĐỘ
(印度佛教思想史)
Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh
                       dịch và phụ chú

 

CHƯƠNG VIII. NHƯ LAI TẠNG VÀ CHÂN THƯỜNG DUY TÂM LUẬN


1. Thuyết Phật tánh của học giả Bát-nhã

Bắt đầu vào hậu bán thế kỷ IV A.D., phái Du-già (Yogā-cāra) của Vô Trước (Asaṅga), Thế Thân (Vasubandhu) hưng khởi, không những tinh nghiêm về Luận nghĩa, mà môn hạ thì nhân tài đông đúc, chúng xuất gia cũng tương đối nghiêm tịnh. Thời kỳ này, trọng về thuyết Như lai tạng (Tathāgata-garbha) vốn có Như lai (Tathāgata), trong trường phái trọng tín ngưỡng và tu trì (niệm Phật), nó lưu hành không suy. Thuyết Như lai tạng và Du-già học đã có ảnh hưởng lẫn nhau, mở ra những phương pháp mới khác nhau: về lý luận thì khuynh hướng về Duy tâm (Cittamātratā) thuộc chân thường, về thực hành thì khuynh hướng về niệm Phật (Buddhānusmṛti). Đương nhiên, Kinh của Đại thừa sơ kỳ và thuyết ‘tất cả đều là không’ của Long Thọ (Nāgārjuna) cũng đang lưu hành; sự hưng khởi của Phật Hộ (Buddhapālita) và Thanh Biện (Bhāvaviveka, Bhavya) làm cho Long Thọ học hậu kỳ hưng thịnh to lớn. ‘Tánh không duy danh’, ‘hư vọng duy thức’, ‘chân thường duy tâm’ – muôn hình muôn vẻ Luận nghĩa vô cùng hưng thịnh, nhưng dưới sự thích ứng với thời đại văn hóa của Ấn-độ, khuynh hướng trọng tín ngưỡng và trọng tu trì, do thuyết Như lai tạng tâm thuộc chân thường đã thúc đẩy Phật Pháp tiến tời một giai đoạn khác – Phật Pháp Đại thừa Bí mật. Điều này cần phải trình bày để phân biệt.
Như lai tạng và ngã (ātman), học giả Du-già là sử dụng chân như (tathatā), pháp giới (dharma-dhātu) để giải thích; đây là quan điểm của Vô Trước và Thế Thân, ít nhiều đã dung hội thuyết Như lai tạng. Nhưng đệ tử của Thế Thân là Trần-na (Diṅnāga), dịch thành Đại Vực Long, theo (Hạ bổn) kinh Bát-nhã, ngài đã sáng tác Phật mẫu Bát-nhã ba-la-mật-đa viên tập yếu nghĩa luận, nhưng lại nói (T. 25, tr. 913a) thế này:
“Nếu có nói Bồ-tát là có thật, thì đó là do Sư [đức Thế tôn] muốn dập tắt sự tán loạn về phân biệt vô tướng; nói Bồ-tát có thật, đó là căn cứ theo cái uẩn của thế tục.ˮ(i)
Phần đầu của kinh Đại Bát-nhã (Thượng bổn 100.000 bài tụng), có một đoạn Kinh văn nói ‘thật có Bồ-tát’, bộ Luận của Vô Trước giải thích rằng “nhằm trừ bỏ 10 thứ phân biệt.ˮ(ii)1 Câu ‘thật có Bồ-tát’ là nhằm đối trị ‘phân biệt tán động về vô tướng’,(iii) Thế Thân giải thích thành “làm hiển thị có thật cái thể ‘không’ của Bồ-tát,ˮ(iv)2 cho rằng Bồ-tát lấy cái tánh không (śūnyatā) có thật để làm thể. Giải thích của Trần-na thì khác, như Thích luận nói: “Đó là nhằm khiến biết rõ có uẩn này, trừ bỏ sự tán loạn do phân biệt vô tướng. Như vậy, được nói là ‘ý’, là đức Thế tôn thương xót hàng Bồ-tát mới phát ý, v.v., vì vậy thuyết cho họ về các uẩn thuộc thế tục (là có Bồ-tát), khiến họ biết rõ, vì đoạn trừ kiến chấp, chấm dứt sự phân biệt về vô tướng cho họ chứ không phải nói theo thật tánh.ˮ(v)3 Đây là nói, nói có Bồ-tát thuộc 5 uẩn được giả thiết lập theo thế tục là nhằm trừ bỏ đoạn kiến của người mới học. Hệ này của Trần-na trọng về luận lý, tiếp cận nghĩa của luận Du-già sư địa, cho nên không lấy ý kiến điều hòa chân thường đại ngã của Vô Trước, Thế Thân.
Như lai tạng ngã là điều mà kinh Đại bát-niết-bàn nói. Từ Như lai thường trụ, nói đến Như lai tạng ngã, ngã là một trong bốn đức gồm thường, lạc, ngã, tịnh, là quả đức thuộc đại bát-niết-bàn (mahā-parinirvāṇa) của Như lai. Như lai thường trụ, cho nên nói chúng sanh vốn có Như lai tạng ngã, “ngã ấy tức là nghĩa của Như lai tạng; tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã.ˮ(vi)4 Ngã, Như lai tạng, Phật tánh (Buddha-dhātu), phỏng theo những nghĩa khác nhau nhưng thể tánh là một. Kinh Lăng-già (được biên tập ra đồng thời hoặc trễ hơn một ít so với Thế Thân) gần với Du-già học nhưng có khuynh hướng về thuyết Duy tâm, cũng biết được rằng ‘Như lai tạng ngã’ quá gần với ‘ngã’ trong thần học của Ấn-độ, cho nên đặc biệt giải thích thêm, như quyển 2 của Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh (T. 16, tr. 489a-b) nói:
Trong Tu-đa-la, đức Thế tôn nói: tự tánh của Như lai tạng là thanh tịnh, chuyển thành 32 tướng, nhập vào trong thân tất cả chúng sanh… Vì sao cũng giống như ngoại đạo nói có ngã, đức Thế tôn nói có Như lai tạng vậy?ˮ
Này Đại Huệ! Ta nói Như lai tạng, không giống với cái ngã do ngoại đạo nói. Này Đại Huệ! Có lúc nói là không, vô tướng, vô nguyện, như, thật tế, pháp tánh, pháp thân, niết-bàn…, các cú [từ] như vậy là nói về Như lai tạng mà thôi. Đó là Như lai Ứng cúng Chánh đẳng giác vì nhằm trừ bỏ nỗi sợ hãi của kẻ phàm phu ngu si về cú [từ] vô ngã nên nói đến môn Như lai tạng – cảnh giới lìa vọng tưởng, vô sở hữuNhằm khai mở và dẫn dắt các ngoại đạo chấp về ngã nên nói về Như lai tạng, khiến họ lìa vọng tưởng về cái ngã kiến không thậtNhằm lìa (ngã) kiến (vọng tưởng) của ngoại đạo thì phải dựa vào tạng vô ngã của Như lai vậy!ˮ(vii)
Kinh Lăng-già cho rằng: Như lai tạng là phỏng theo chân như, không tánh, v.v., để nói, tương đồng với Luận của Vô Trước, Thế Thân. Kinh Đại bát-niết-bàn nói rằng thuyết vô ngã (nirātman) cho Thanh Văn, khiến họ lìa ngã kiến, sau đó khai thị cái đại ngã của đại bát-niết-bàn; Như lai tạng ngã là cái sâu hơn một tầng so với vô ngã. Ý của kinh Lăng-già thì khác: kẻ ngu, ngoại đạo đều là chấp có tự ngã, ‘sợ hãi cú vô ngã’, nếu như thuyết về vô ngã thì chúng sang không dễ gì tin tưởng và chấp nhận. Nhằm dẫn dắt ngoại đạo, cho nên nói Như lai tạng (ngã). Nếu như bọn ngoại đạo nhân đó mà tin tưởng và chấp nhận Phật Pháp, dần dần hiểu rõ chân như, không tánh, v.v., ‘cảnh giới lìa vọng tưởng, vô sở hữu’, thì có thể xa ‘lìa vọng tưởng về cái ngã kiến không thật’. Nói Như lai tạng thì giống với Phật Pháp nói vô ngã, nhưng không phải là nói trực tiếp về vô ngã, mà là nhằm thích ứng với thần học nên mới phương tiện dẫn dụ ‘ngoại đạo chấp ngã’, gọi chân như là Như lai tạng, cố ý nói giống như thần ngã. Ý nghĩa và mục đích thuyết Như lai tạng là như vậy, cho nên kết luận nói rằng ‘phải dựa vào tạng vô ngã của Như lai’. Nếu thật sự có thể hiểu rõ được ý nghĩa và mục đích của Như lai tạng giáo thì Phật giáo cũng sẽ không bước vào ‘Phật - Phạm nhất như’ vậy!
Kinh Đại bát-niết-bàn được Đàm-mô-sấm (Dharma-rakṣa), người Trung Thiên Trúc, dịch lần đầu vào năm thứ 10 niên hiệu Huyền Thỉ đời Bắc Lương (421 A.D.). Ban đầu chỉ là “12 quyển của phần đầu,ˮ về sau, Ngài trở lại Tây Vực để tìm kiếm, tìm được bản kinh này tại Vu Điền, dịch thành tổng cộng 40 quyển.5 Mười hai quyển của phần đầu là cùng bản với kinh Nê-hoàn mà Pháp Hiển, Trí Mãnh đã có được; Pháp Hiển và Trí Mãnh đều tìm được Kinh này trong nhà của một người bà-la-môn già ở thành Hoa Thị (Pāṭaliputra) (thuộc Trung Thiên Trúc).6 ‘Mười hai quyển của phần đầu’ là 5 phẩm của 10 quyển trước đang lưu hành. Bộ phận này, từ Như lai thường trụ trong đại bát-niết-bàn nói đến chúng sanh vốn có Như lai tạng ngã; “ngã ấy tức là nghĩa của Như lai tạng; tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã.ˮ Về chủ đề là hoàn toàn tương đồng với kinh Bất tăng bất giảm, kinh Ương-quật-ma-la, v.v., đã nói. Như lai tạng ngã có giàu sắc thái thần ngã, không phù hợp với Phật Pháp truyền thống, cho nên giới Phật giáo, như học giả Du-già, v.v., đều bắt đầu cho nó sự giải thích, cũng chính là làm nhạt đi sắc thái chúng sanh có ngã. Về tư tưởng, 30 quyển sau của kinh Đại bát-niết-bàn khác với phần trước. Thuyết Như lai tạng được sanh khởi ở Nam Ấn-độ, kinh Đại bát-niết-bàn truyền vào Trung Ấn-độ, cũng vẫn chỉ là 10 quyển của phần đầu. Khi lưu truyền đến phương Bắc, sau đó được biên tập tiếp tục thêm 30 quyển, là bản tìm được ở Vu Điền, có khả năng đây là do đệ tử Phật ở Bắc Ấn, Tây Vực, nhằm giải thích nó, tu chính nó nên biên tập ra. Trong bộ phận được biên tập tiếp tục về sau đó, nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh,ˮ “Phật tánh tức là ngã,ˮ không đề cập Như lai tạng trở lại nữa, đây là điều cần được chú ý! Nguyên ngữ của Phật tánh là Buddha-dhātu, cũng có thể là cách dịch khác của Buddha-garbha (Phật tạng), Tathāgata-dhātu (Như lai giới), ý nghĩa đều là tương thông với nhau. Đối với Như lai tạng ngã – Phật tánh ở trong thân chúng sanh, có đủ 32 tướng, cho nó sự giải thích để tu chính, như quyển 27 của kinh Đại bát-niết-bàn (T. 12, tr. 524b) nói:
“Vì tất cả chúng sanh nhất định đắc được a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề nên Ta nói tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh thật tế chưa có 32 tướng, 80 vẻ đẹp.”
Đây là thuyết ‘sẽ có Phật tánh’. Tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ thành Phật, cho nên nói vào tương lai, chúng sanh đều có thể tánh của Phật, không phải nói ở địa vị chúng sanh đã có rồi. Cho nên nói ‘Phật tánh là ngã’, là nhằm thu phục và giáo hóa ngoại đạo, như bọn Phạm chí “nghe nói Phật tánh tức là ngã, nên liền phát tâm a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.” Sau đó Phật bảo họ rằng: “Phật tánh ấy thật sự chẳng phải là ngã; vì chúng sanh nên Ta gọi nó là ngã.”7 Lại có ngoại đạo nghe nói vô thường, vô ngã thì hoàn toàn không thể tin tưởng và chấp nhận giáo thuyết của Phật, nhưng Phật vì các đại chúng nên nói có pháp mang tánh thường, lạc, ngã, tịnh,” mọi người liền bỏ ngoại đạo mà tin Phật.8 Tóm lại, theo bộ phận được biên tập tiếp tục về sau đó của kinh Đại bát-niết-bàn, nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh (Như lai tạng ngã) chỉ là phương tiện dẫn dụ và giáo hóa ngoại đạo mà thôi, ý kiến tương đồng với kinh Lăng-già. Thuyết Như lai tạng ngã, Phật tánh, nếu căn cứ vào chánh nghãi của Phật Pháp, thì đó chỉ là thuyết theo phương tiện thông tục, nhưng dường như những nhà Phật học Trung Quốc rất ít người hiểu thấu được điều này!
Ba mươi quyển được biên tập tiếp tục về sau đó, có thể chia thành 4 bộ phận. (1) Năm phẩm từ phẩm Bệnh hành đến phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ-tát, trình bày về 5 hành, 10 đức, dùng 11 loại không hoặc 18 loại không để giải thích cho tất cả, có thể nói đó là căn cứ vào nghĩa của kinh Bát-nhã để giải thích cho Phật tánh, niết-bàn. Về Phật tánh, như Kinh trên nói:9
“Nếu thấy được Phật tánh thì sẽ không thấy trở lại rằng tất cả pháp (có) tánh. Bởi do tu loại ‘không tam-muội’ như vậy nên không thấy pháp (có) tánh, bởi không thấy nên thấy được Phật tánh.ˮ
“Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, do nhiều duyên giả hợp thời liền có thể thấy. Do nhiều duyên giả hợp nên thành được a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Nếu cái mà đợi nhiều duyên hòa hợp rồi sau mới thành thì tức là cái không có tánh; bởi không có tánh nên có thể đắc a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.”
Không thấy pháp tánh, nên thấy được Phật tánh’, Phật tánh là không tánh dứt tuyệt không còn hí luận. Tất cả đều là nhờ đợi nhiều duyên hòa hợp rồi sau mới thành, cho nên là không có tánh (asvabhāva), không. Bát-nhã (prajñā), Như lai, đại bát-niết-bàn, a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề (anuttara-samyak-saṃbodhi) đều là không có tự tánh, cho nên nhờ đợi nhiều duyên – tu hành mới đắc được, mới thành được, mới thấy được; tùy thuận thế tục nên nói là có. Phật tánh là thứ thường trụ, vô vi; “Phật cũng không nói Phật (Như lai) và Phật tánh, niết-bàn không có tướng sai biệt, chỉ nói là thường hằng, bất biến, không có sai biệt mà thôi.”10 Kinh căn cứ vào duyên khởi, vô tánh, không để nói về Phật tánh, đương nhiên tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nhưng việc chúng sanh có Phật tánh, không phải là giống như trong mầm có cây, mà là nói: dùng phương tiện thiện xảo tu tập (không tam-muội), lìa tất cả hí luận, không thấy tất cả pháp thì có thể thấy Phật tánh.
(2) Phẩm Sư Tử Hống Bồ-tát: Phẩm này căn cứ vào nhân duyên (duyên khởi) gồm 12 chi (dvādaśāṅga-pratītya-samutpāda), đệ nhất nghĩa không (paramārtha-śūnyatā), trung đạo (madhyamā-pratipad) để triển khai nghiên cứu rộng rãi về Phật tánh. Như quyển 27 của kinh Đại bát-niết-bàn (T. 12, tr. 524b) nói:
“Trí có được do quán 12 nhân duyên ấy gồm 4 loại… Người quán có trí bậc hạ thì không thấy Phật tánh, bởi không thấy nên đắc được đạo Thanh Văn. Người quán có trí bậc trung thì không thấy Phật tánh, bởi không thấy nên đắc được đạo Duyên Giác. Người quán có trí bậc thượng thấy nhưng không rõ ràng [bất liễu liễu], vì không rõ ràng nên trụ vào Thập trụ (Thập địa). Vì người quán có trí thượng thượng thì thấy rõ ràng [liễu liễu] nên đắc được đạo a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Bởi do nghĩa này nên 12 nhân duyên được gọi là Phật tánh, Phật tánh ấy tức là đệ nhất nghĩa không, đệ nhất nghĩa không được gọi là trung đạo, trung đạo ấy được gọi là Phật, Phật ấy được gọi là niết-bàn.”
Trung đạo của duyên khởi chính là không, là điều mà Trung luận của Long Thọ đã nói. Luận Hồi tránh cũng nói: “Các thuyết không, duyên khởi, trung đạo là có cùng một nghĩa.”(viii)11 Quán duyên khởi mà đắc đạo, đó là điểm chung của tất cả bậc Thánh giả, chỉ là Thánh giả thuộc nhị thừa Thanh Văn (Śrāvaka) và Duyên Giác (Pratyaka-buddha) không thấy triệt để được đệ nhất nghĩa không, cho nên không thấy Phật tánh, cũng chính là không thấy trung đạo. Thấy được rốt ráo triệt để rằng duyên khởi tức là không, tức là trung, chính là Phật. Chân tướng của duyên khởi gồm 12 chi ấy là: “Duyên khởi gồm 12 chi ấy không ra (sanh) không diệt, không phải là thường không phải đoạn, chẳng phải một chẳng phải hai (khác), không đến không đi, chẳng nhân chẳng phải quả…Chẳng phải nhân chẳng phải quả nên được gọi là Phật tánh.ˮ12 Đây là đã tham khảo thuyết duyen khởi gồm 8 phủ định của Long Thọ. Duyên khởi là Phật có xuất hiện nơi đời nó cũng như thế, hay Phật không xuất hiện nơi đời thì nó cũng như thế, thường trụ nên siêu việt nhân quả, cho nên thêm mệnh đề ‘chẳng phải nhân chẳ phải quả’. Duyên khởi của trung đạo gồm 8 phủ định ấy chính là Phật tánh; Nhị thừa không thấy được trung đạo nên không thấy Phật tánh, như quyển 27 của kinh Đại bát-niết-bàn (T. 12, tr. 523b) nói:
Phật tánh ấy được gọi là đệ nhất nghĩa không, đệ nhất nghĩa không được gọi là trí huệ. Cái được gọi là không ấy chẳng thấy không và bất không. Người trí thấy được không và bất không, thường và vô thường, khổ và lạc, ngã và vô ngã. Không (vô thường, khổ, vô ngã) ấy là tất cả sanh tử; bất không (thường, lạc, ngã) ấy là đại niết-bàn Trung đạo ấy được gọi là Phật tánh.ˮ
Đoạn Kinh văn này cần phải được giải thích sơ lược thêm. Đệ nhất nghĩa không là thắng nghĩa không của duyên khởi. Tạo sao ‘không’ được gọi là trí huệ? Như luận Đại trí độ nói: “Bát-nhã ba-la-mật được chia thành 2 phần: người thành tựu được nó thì gọi nó là bồ-đề, người chưa thành tựu được nó thì gọi nó là không;ˮ “18 loại không ấy chính là trí huệ.ˮ13 Không là không quán (không tam-muội), quán bổn tánh của nhân duyên là không; nếu thấy được ngay hiện tiền không tánh thì không quán ấy liền chuyển thành bồ-đề (bodhi). Quán huệ và bồ-đề đều là bát-nhã – trí huệ, cho nên “đệ nhất nghĩa không ấy được gọi là trí huệ.ˮ Không, tại sao chẳng thấy không và bất không? Không là tất cánh không (atyanta-śūnyatā),(ix) bát-nhã là thứ dứt tuyệt không còn hí luận, đều vô sở đắc đối với tất cả pháp, cho nên không cũng chẳng thể nắm bắt. Nhưng bát-nhã không thấy gì cả mà không có gì là không thấy, cho nên thấy không, vô thường, khổ, vô ngã, cũng không thấy bất không, thường, lạc, ngã. Không, vô thường, v.v., là toàn bộ sanh tử; bất không, thường, lạc, ngã là đại bát-niết-bàn. Nhị thừa chỉ thấy không, vô thường, khổ, vô ngã cho nên không thấy trung đạo và Phật tánh. Phật thấy không, v.v., lại thấy bất không, v.v., cho nên nói là thấy trung đạo, thấy Phật tánh. Trung đạo duyên khởi mà chính là không này, đã từng tham khảo Luận của Long Thọ, là điều rất rõ ràng. Nhưng duyên khởi trung đạo mà Long Thọ đã nói, là điểm chung của cả 3 thừa; trung đạo là không rơi vào hai bên, nếu rơi vào một bên thì làm sao thành Thánh? Nhưng phẩm Sư Tử Hống Bồ-tát là pháp Đại thừa bất cộng: Nhị thừa chỉ thấy một bên, không thấy được trung đạo; trung đạo của Phật và Bồ-tát là thấy được cả hai bên. Không và bất không được nói ấy, dụng ý ở tại chỗ làm thông suốt với Phần trước của kinh Niết-bàn - “Không, đó là 25 hữu (sanh tử)…; bất không, đó là sắc thiện chân thật, thường lạc ngã tịnh (đại bát-niết-bàn).ˮ(x)
Phật tánh, thông thường giải thích là cái tánh khả năng để thành Phật. Theo phẩm Sư Tử Hống nói: từ ‘Phật tánh’ có nhiều ý nghĩa khác nhau. Như nói: “Phật tánh chính là chủng tử trung đạo của a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề của tất cả chư Phật… Không có thường hằng, không có đoạn diệt, chính là trí có được do quán chiếu 12 nhân duyên, trí có do quán ấy được gọi là Phật tánh;ˮ14 “Trí huệ có do quán 12 nhân duyên chính là chủng tử của a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, bởi nghĩa này nên 12 nhân duyên được gọi là Phật tánh;ˮ “Trí có được do quán 12 nhân duyên… do thấy rõ ràng nên đắc đạo a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, bởi nghĩa này nên 12 nhân duyên được gọi là Phật tánh.ˮ15 Trí có được do quán 12 nhân duyên (đệ nhất nghĩa không) có khả năng thành tựu bồ-đề vô thượng, là chủng tử (cái nhân) của bồ-đề vô thượng, cho nên trí có được do quán ấy được gọi là Phật tánh. Trí có được do quán là trí do quán 12 nhân duyên của trung đạo, cho nên 12 nhân duyên cũng được gọi là Phật tánh. Trí có được do quán và 12 nhân duyên đều được gọi là Phật tánh, kỳ thật 12 nhân duyên (thuộc 8 phủ định) là cái chẳng phải là nhân chẳng phải là quả, nhưng vì nó làm cái duyên sở y cho trí có được do quán ấy nên cũng tùy thuận theo thế tục, nói 12 nhân duyên là Phật tánh. Việc hai loại này – trí có được do quán và 12 nhân duyên được gọi là Phật tánh, đó là phỏng theo cái làm nhân để nói. Lại nữa, như Kinh nói: “Phật, tức là Phật tánh. Tại sao vậy? Vì tất cả chư Phật đều lấy nó làm tánh.ˮ16 Phật tánh được nói ở đây là phỏng theo ‘bổn tánh’ để nói. Kỳ thật, bồ-đề vô thượng và đại bát-niết-bàn đều là tánh chất ‘quả’ của Phật. Căn cứ theo điểm này để xét, thì chúng sanh có hay không có Phật tánh? “Tất cả chúng sanh nhất định có 12 nhân duyên (tức không, trung đạo) như vậy, do đó nói rằng: tất cả chúng sanh nhất định có Phật tánh.ˮ17 Phỏng theo 12 nhân duyên để nói, thì tất cả chúng sanh là ‘nhất định có’ Phật tánh. Phật tánh – quả đức của Phật, “do tất cả chúng sanh nhất định sẽ đắc được, vì vậy nói rằng: tất cả chúng sanh thảy đều có Phật tánh.ˮ18 Ở vị trí chúng sanh, đây là cái tương lai nhất định sẽ đắc được, cho nên là ‘sẽ có’ Phật tánh. Dùng trung đạo duyên khởi (hoặc gọi là ‘chánh nhân Phật tánh’) để nói, duyên khởi trung đạo chính là không ấy là cái siêu việt, bình đẳng vô ngại giống như hư không, có thể giải thích khác nhau: “Tại sao là có? Vì tất cả chúng sanh thảy đều có. Tại sao là không có? Vì từ phương tiện thiện xảo mà thấy được. Tại sao là chẳng phải có chẳng phải không có? Vì tánh chất giống như không.ˮ19 Cho nên, tất cả chúng sanh ‘nhất định có’ Phật tánh, giống như hư không, phải quán rằng duyên khởi trung đạo chính là không, thì mới thể hội thấy được, chắc chắn không thể suy tưởng giống như việc trong nhân có quả được.
(3) Phẩm Ca-diếp Bồ-tát: Kế thừa tư tưởng của phẩm trên nhưng chú trọng vào nhân duyên để nói. Liên quan việc chúng sanh có Phật tánh, các thí dụ như nhà nghèo có kho báu, trên trán lực sĩ có viên châu, v.v., mà Phần đầu đã nói, dường như đều có sự giải thích mới. Phẩm này chia Phật tánh thành 2 loại: ‘Phật tánh (của) Phật’, ‘Phật tánh (của) chúng sanh’. Phật tánh của Phật là: viên mãn tất cả công đức, viên mãn rốt ráo Phật tánh, không còn có bất kỳ sự biến đổi nào nữa, cũng sẽ không rơi vào thời gian, cho nên nói: “Phật tánh của Như lai chẳng phải thuộc quá khứ, chẳng phải thuộc hiện tại, chẳng phải thuộc vị lai.ˮ20 Phật tánh của chúng sanh là: trong vị trí chúng sanh, “tất cả thiện, bất thiện, vô ký, hết thảy đều được gọi là Phật tánh.ˮ21 Quan điểm này là vô cùng vượt trội! Như quyển 35 của kinh Đại bát-niết-bàn (T. 12, tr. 571b-c) nói:
“Tất cả các thứ kết gồm vô minh, phiền não, v.v., thảy đều là Phật tánh, tại sao vậy? Ví chúng là cái nhân của Phật tánh. Từ vô minh, hành và các phiền não, đắc được 5 ấm thiện, đó gọi là Phật tánh. Từ 5 ấm thiện này, cho đến đạt được a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.ˮ
Đây là thuyết Duyên khởi chẳng phải thường hằng chẳng phải đoạn diệt. Trong dòng sông 12 nhân duyên, chúng sanh sanh tử trôi lăn, tất cả sự tương tợ tương tục ấy bất sanh bất diệt, giống như lửa của ngọn đèn (dòng nước chảy), trước sau có quan hệ không phải chính nó cũng không rời nó. Nếu không có vô minh, phiền não thì sẽ không có chúng sanh sanh tử, cũng sẽ không có 5 ấm thiện, không thể lần lượt tăng thắng đến viên mãn bồ-đề vô thượng. Cho nên, không chỉ pháp thiện là tánh (nhân) của Phật, mà pháp bất thiện cũng là Phật tánh, tất cả đều là cái nhân làm chỗ y cứ của Phật. Dòng sông sanh tử được nói phổ biến ấy, thực ra cũng chính là ‘nước Phật tánh’.22 Như vậy, chúng sanh ở trong dòng 12 nhân duyên, “chúng sanh chính là Phật tánh, Phật tánh chính là chúng sanh, chỉ bởi khác thời nên có tịnh, bất tịnh.ˮ23 Phẩm này chuyên căn cứ vào nhân duyên để nói về Phật tánh, trình bày được ngắn gọn, tinh tế xác đáng vậy! Như vậy, giải thích chúng sanh có hay không có Phật tánh cũng đều có thể thông suốt được, như quyển 35 của kinh Đại bát-niết-bàn (T. 12, tr. 572b) nói:
“Phật tánh chẳng phải có, chẳng phải không có, cũng có cũng không có. Vì sao gọi là có? Tất cả (chúng sanh) đều có, các chúng sanh này chẳng đoạn, chẳng diệt, giống như ngọn lửa của đèn, cho đến đắc a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, vì vậy gọi là có. Vì sao gọi là không có? Hiện tại, tất cả chúng sanh đều chưa có tất cả Phật Pháp, chưa có thường, lạc, ngã, tịnh, vì vậy gọi là không có. Vì hữu và vô kết hợp với nhau tức là trung đạo, nên Phật nói rằng Phật tánh của chúng sanh chẳng phải có, chẳng phải không có.ˮ
Nói chúng sanh có Phật tánh, không có Phật tánh, cũng có cũng không có Phật tánh, chẳng phải có chẳng phải không có Phật tánh, nếu như hiểu rõ một cách hợp lý thì đều có thể nói như vậy. Ngược lại, sẽ không tránh khỏi đại sai lầm. “Nếu có người nói: Tất cả chúng sanh nhất định có Phật tánh, thường lạc ngã tịnh, không phải tác nhân, không sanh, do nhân duyên phiền não nên không thấy được, phải biết rằng người này phỉ báng Phật Pháp Tăng vậy!ˮ24 Văn cú tuy căn cứ vào Phật tánh để nói nhưng rõ ràng là chỉ cho những người Bổn hữu luận chủ trương tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng, có đầy đủ công đức của Như lai, là thuyết phổ biến nhưng thần hóa theo thế tục. Trong lập trường Duyên khởi luận của Phật Pháp, thì thuyết [chúng sanh] vốn có Như lai tạng ngã là không tránh khỏi sự hủy báng Tam bảo vậy!25
(4) Phẩm Kiều-trần-như: Bác bỏ và đả phá các quan điểm khác của ngoại đạo, nói Như lai là thường, lạc, ngã (trong bộ phân được dịch tiếp tục ấy, ngã là phỏng theo sự đắc được 8 thứ tự tại để nói), tịnh, khiến ngoại đạo cải tông tin Phật. Toàn phẩm không có nói đến hàm nghĩa của Phật tánh. Tóm lại, bộ phận được dịch tiếp tục ấy là lấy nghĩa ‘không’ của kinh Bát-nhã, thuyết Duyên khởi trung đạo của Long Thọ, thuyết Duyên khởi để làm trong sạch hóa sắc thái chân ngã của Như lai tạng – Phật tánh của Phần đầu. Đây là trong quá trình lưu hành tư tưởng Như lai tạng, nó đã nhận được sự phân biệt, thẩm tra, tu chính của những học giả Đại thừa sơ kỳ ở phương Bắc.

2. Chân thường duy tâm luận do kết hợp với Duy thức mà thành

Thuyết hưng khởi ở Nam Ấn-độ là lấy Như lai tạng (Tathāgata-garbha) thuộc chân thật thường trụ làm căn cứ; thuyết khởi ở phương Bắc là lấy thức a-lại-da (ālaya-vijñāna) thuộc hư vọng vô thường làm căn cứ: hai thuyết này đối lập hoàn toàn nhau. Cả hai thuyết được truyền vào Trung Ấn-độ (người phương Bắc gọi nó là phương Đông), nhân tiếp xúc với nhau nên đã có sự chiết trung và làm cho thông suốt với nhau. Như lai tạng vốn không nhất định nói là cái thuộc ‘tâm’, về sau cũng gọi là Như lai tạng tâm. Trong Phạn văn, tâm có 2 từ: (1) citta, dịch âm thành chất-đa, là tâm của tâm – ý – thức. Theo thói quen sử dụng của Khế Kinh, đó từ chung chỉ cho tác dụng tâm lý thông thường. Ý nghĩa đặc biệt là: “Tâm là nghĩa chủng tộc,… Làm tăng trưởng là nghiệp của tâm;ˮ “tập hợp rồi khởi lên nên gọi là tâm,ˮ(i)1 biểu thị tác dụng tâm lý tập hợp và tích lũy nhiều loại (tri thức, kinh nghiệm, nghiệp lực) rồi làm tăng trưởng. Đây là cái phổ biến, cũng là điều mà những người thuộc Hư vọng Duy thức luận đã nói. (2) Hãn-lật-đà (hṛd) hoặc can-lật-đà-da (hṛdaya), là tâm (quả tim) của tâm tạng,(ii) cái lõi của cây cối. Thông thường ở phần trung tâm của cây cối luôn luôn tương đối dày dặn cứng chắc hơn nhiều, cho nên giải thích là cứng chắc, mở rộng nghĩa thành ‘tâm tủy’, ‘tâm yếu’, v.v. Quả tim, trong cách hiểu của người xưa, là một bộ phận tối quan trọng trong cá thể sanh mạng; tất cả tác dụng tâm lý đều dựa vào đây mà có, cho nên gọi là hãn-lật-đà (tâm). Có bài kệ nói: “Hoặc đi xa, đi một mình, không có thân, nằm trong hang.ˮ(iii)2 Chất-đa tâm là thứ không có hình chất nhưng lại tiềm tàng trong hang động; cái hang chính là tâm tạng [quả tim]. Như vậy, trong cách lý giải của người xưa, hãn-lật-đà tâm và chất-đa tâm là khác nhau nhưng không phải là không liên quan nhau. Về tâm (chất-đa), Tăng chi bộ nói như vầy: “Tâm này vô cùng sáng suốt nhưng bị khách tùy phiền não làm cho tạp nhiễm.ˮ(iv)3 Tâm là thứ vô cùng sáng suốt (pabhassara), cái khiến tậm trở thành tạp nhiễm là tùy phiền não (upakkilesa). Tùy phiền não là khách, có nghĩa là tác dụng bên ngoài chứ không phải là tự tánh của tâm, về sau đã hình thành nên thành ngữ “tánh chất của tâm vốn thanh tịnh (cittaprakṛti-viśuddhi) nhưng bị khách trần làm nhiễm ô.ˮ Tánh chất của tâm không phải là vốn thanh tịnh, đã trở thành hạng mục bàn luận quan trọng trong thời kỳ Phật giáo Bộ phái. Kinh Bát-nhã, v.v., của Đại thừa sơ kỳ cũng nói tánh chất của tâm vốn thanh tịnh, nhưng là phỏng theo tánh không (śūnyatā) của tâm để nói. Không chỉ tâm vốn thanh tịnh mà tất cả pháp cũng là vốn thanh tịnh. Luận Đại trí độ nói: “Cái không rốt ráo tức là cái thanh tịnh rốt ráo, bởi con người sợ không, vì thế nói là thanh tịnh.ˮ4 Bổn tánh là thanh tịnh và bổn tánh không (prakṛti-śūnyatā) có cùng một ý nghĩa, cho nên không thể hiểu ngầm rằng bổn tánh của tâm làm sao thanh tịnh trang nghiêm được.5
Khi thuyết ‘tánh chất của tâm vốn thanh tịnh’ được lưu hành trong giới Phật giáo, thì phái Du-già () giải thích nó như thế nào? Quyển 54 của luận Du-già sư địa (phần Nhiếp quyết trạch) (T. 30, tr. 595c) nói:
“Lại nữa, tự tánh của các thức chẳng phải là nhiễm ô, vì đức Thế tôn nói rằng tánh của tất cả tâm vốn thanh tịnh. Vì sao vậy? Chẳng phải tự tánh của tâm là rốt ráo bất tịnh, sanh các lỗi lầm, giống như tất cả phiền não gồm tham, v.v. Nó cũng không một mình làm nhân duyên cho phiền não, giống như sắc, thọ, v.v. Vì sao vậy? Vì chắc chắn rằng không có việc riêng một mình thức tánh mà khởi lên ái nhiễm, giống như sắc, v.v.”(v)
Bổn tánh của tâm thức không phải là chẳng thanh tịnh giống như phiền não. Nếu như ở trong thức mà khởi lên nhiễm ái thì đó là quan hệ cùng khởi với phiền não. Luận về tự tánh của tâm thức, có thể nói nó là vốn thanh tịnh. Làm thông suốt lời Kinh nói như vậy, học phái bất đồng với thuyết ‘tánh chất của tâm vốn thanh tịnh’, là học phái chủ trương thuyết bổn tánh của tâm thức là vô ký (avyākṛta), kế thừa tư tưởng của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), v.v. Nhưng trong luận Biện trung biên cũng căn cứ vào tánh không của tâm để giải thích. Khi luận về không tánh, ở cuối phẩm Tướng của luận Biện trung biên, nói: “Chẳng phải nhiễm, chẳng phải bất nhiễm, chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, vì tánh của tâm vốn tịnh, do khách trần làm nhiễm ô.” Thế Thân giải thích rằng: “Tại sao chẳng phải nhiễm, chẳng phải bất nhiễm? Vì tánh chất của tâm vốn thanh tịnh. Tại sao chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh? Do bị khách trần làm nhiễm ô.ˮ(vi)6 Vốn thanh tịnh nhưng bị khách trần làm nhiễm ô, thật là điều khó hiểu được! Đại thừa trang nghiêm kinh luận của Vô Trước (Asaṅga) nói: “Chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, Phật gọi nó là ‘như’.ˮ(vii)7 Tên khác của như (tathatā) là không tánh, tâm tánh, trên thật tế nó lìa ngôn ngữ nên không thể diễn tả được. Nói chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, chẳng phải nhiễm, chẳng phải bất nhiễm, bổn tánh thanh tịnh nhưng bị khách trần làm nhiễm ô đều chỉ là thiết lập theo phương tiện. Về thuyết tâm tánh vốn thanh tịnh này, như quyển 6 của Đại thừa trang nghiêm kinh luận (T. 31, tr. 622c-623a) nói:
“Ví như nước sạch mà bị đục, sau khi trừ bỏ chất dơ thì nước trong sạch trở lại; sự thanh tịnh của tự tâm cũng vậy, chỉ do lìa khách trần [thì thanh tịnh trở lại].”(viii)
“Đã trình bày về tâm tánh thanh tịnh nhưng bị khách trần làm nhiễm ô, chẳng phải do lìa tâm chân như mà có riêng tâm tánh thanh tịnh.”(ix)
Tự tâm tịnh [svacittaśuddha] mà trong Kinh nói, là phỏng theo chân như của tâm (citta-tathatā) để nói, hoàn toàn chẳng phải nói cái tâm thức thuộc phân biệt hư vọng (vitatha-vikalpa) là vốn thanh tịnh. Luận trên giải thích rằng: “Cần phải biết rằng, trong đây nói tâm chân như, mà gọi nó là tâm,(x) tức nói tâm này là tự tánh thanh tịnh.ˮ8 ‘Tánh chất của tâm là thanh tịnh’, trong kinh Đại thừa luôn được dịch thành “tự tánh thanh tịnh tâmˮ - cái tâm mà thanh tịnh bởi tự tánh.(xi) Tâm chân như, bản Phạn nói là pháp tánh tâm (dharmatā-citta). Cho nên thẩm định nghĩa của Luận, thì đó là thuyết ‘tâm có tự tánh thanh tịnh’ của kinh Đại thừa. Học giả Du-già phỏng theo chân như để nói về tâm có tự tánh thanh tịnh, nói Như lai tạng, tâm vẫn là chất-đa tâm, tâm phân biệt hư vọng và tâm chân như có mối quan hệ không tách rời, cũng chính là không tách rời với Như lai tạng. Có thể gọi chân như là tâm, vì vậy đối với vọng tâm nên nói là chân tâm, đương nhiên có thể được. Luận Duy thức do Cù-đàm-bát-nhã-lưu-chi (Prajñāruci) dịch vào đời Hậu Ngụy, nói: “Một, tâm tương ưng; hai, tâm bất tương ưng. Tâm tương ưng là sự tương ưng của các tâm với tất cả phiền não kết sử, thọ, tưởng, hành, v.v… Tâm bất tương ưng là tâm có tự tánh thanh tịnh thuộc đệ nhất nghĩa đế thường trụ bất biến,ˮ9 cũng không thể nói là không đúng. Nhưng những học giả Du-già đời sau, phần lớn đều tránh mà không bàn đến tâm thanh tịnh thuộc chân thường ấy, để tránh hiềm nghi có ‘tợ ngã chân như’.
Như lai tạng ngã là ở trong tất cả chúng sanh đều có đủ sự trang nghiêm tướng hảo bằng công đức của Như lai. Trong quá trình truyền bá, nó đã kết hợp với tâm có tự tánh thanh tịnh, vì Như lai tạng thuộc thanh tịnh, ở trong thân chúng sanh, bị phiền não che lấp, có ý nghĩa tương đồng với tâm tánh thanh tịnh nhưng bị khách trần làm nhiễm ô. Nghĩa gốc của Như lai tạng là ‘cái ngã chân thật’, trong truyền thống Phật Pháp về ‘vô ngã’, hoàn toàn không tránh khỏi hiềm nghi về thần hóa của thuyết ấy. Nói Như lai tạng là tâm có tự tánh thanh tịnh – chân tâm, thì Như lai tạng ấy lại có thể lưu hành được. Cho nên kinh Ương-quật-ma-la giải thích về ‘ý’ của bài kệ nói cho Thanh Văn rằng: “Cái ý mà bài kệ này nói, đó là nghĩa của Như lai tạng. Nếu cái ý có tự tánh thanh tịnh ấy là Như lai tạng thì nó thù thắng hơn tất cả pháp, vì tất cả pháp đều do Như lai tạng làm ra.ˮ(xii)10 Kinh Bất tăng bất giảm nói: “Vì chúng sanh nên Ta căn cứ vào chân như thanh tịnh, pháp giới này thuyết là pháp không thể suy lường, tâm có tự tánh thanh tịnh.ˮ11 Đây là nói: căn cứ vào chân như thanh tịnh, pháp giới (dharma-dhātu) để thuyết Như lai tạng; căn cứ vào Phật Pháp không thể suy lường – công đức thanh tịnh, tương ưng với Như lai tạng để nói thành tâm có tự tánh thanh tịnh. Căn cứ vào chân như, pháp giới để nói, có thể thông với Du-già học. Sự kết hợp với nhau giữa Như lai tạng và tâm có tự tánh thanh tịnh lại nói đến cái thức sanh diệt trong sát-na (kṣaṇa), như kinh Thắng Man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng (T. 12, tr. 222b) nói:
“Bạch Thế tôn! Nếu không có Như lai tạng ấy thì không thể nhàm chán sự khổ, mong cầu niết-bàn. Vì sao vậy? Vì 6 thức này và tâm pháp trí, 7 pháp này không dừng trú trong khoảng sát-na, không gieo trồng các thứ khổ, không nhàm chán khổ, thì không mong cầu niết-bàn được.”(xiii)
Như lai tạng ấy là… tạng có tự tánh thanh tịnh. Như lai tạng có tự tánh thanh tịnh này nhưng bị khách trần phiền não, phiền não bậc thượng làm nhiễm ô,… tâm có tự tánh thanh tịnh nhưng có nhiễm ô ấy, là điều khó có thể hiểu rõ được.ˮ(xiv)12
Kinh Thắng Man xem Như lai tạng là tạng có tự tánh thanh tịnh (prakṛti-pariśuddha-garbha), tạng có tự tánh thanh tịnh chính là tâm có tự tánh thanh tịnh. Như lai tạng có nghĩa ‘là không’ (śūnya), có nghĩa ‘chẳng phải là không’ (aśūnya), nhưng Kinh nói “Trí biết về Như lai tạng là trí biết về ‘không’ của như laiˮ - “Như lai tạng ấy tức là trí biết về không tánh của Như lai.ˮ(xv)13 Xem Như lai tạng là trí biết về không tánh (śūnyatā-jñāna), đối với lời mà kinh Hoa nghiêm nói “trí huệ của Như lai, trí tuệ vô tướng, trí tuệ vô ngại đều có đầy đủ trong thân của chúng sanh, nhưng vì chúng sanh ngu si bị cái tưởng điên đảo che lấp nên không biết, không thấy,ˮ(xvi)14 trên mặt giải thích là càng thích đáng hơn. Như lai tạng là y cứ theo chân như, không tánh để nói, là tương đồng với Du-già học; nhưng vẫn là bất đồng với cái tương ưng với trí huệ và công đức, v.v., của Như lai vốn có sẵn. ‘Bảy pháp này không dừng trú trong khoảng sát-na’, Kinh nói đó là 6 thức và tâm pháp trí (hoặc gọi là sở tri pháp). Pháp sanh diệt không dừng trú trong từng sát-na, sát-na nên không thể thành lập nên cái thọ lấy sự khổ sanh tử, cầu đắc niết-bàn được; sanh tử và niết-bàn mà không có Như lai tạng thường trụ làm chỗ y chỉ thì không thể được. Như lai tạng thông qua tâm có tự tánh thanh tịnh, giải thích sự bắt đầu có quan hệ với cái thức hư vọng thuộc sanh diệt.
Tâm chân thường thanh tịnh (Như lai tạng) và tâm hư vọng sanh diệt (a-lại-da) là đối lập nhau nhưng đã dần dần liên hợp, như ‘Như lai tạng tạng thức tâm’(xvii) mà kinh Lăng-già đã nói. Tôi cho rằng: kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa có địa vị trung gian quan trọng, luận Nhiếp Đại thừa của Vô Trước là dựa vào phẩm Nhiếp Đại thừa để tạo nên.15 Bộ Kinh này lại không có dịch ra, đương nhiên không thể hiểu nó đầy đủ và rõ ràng được. Như 10 tướng thù thắng, tổ chức theo thứ tự của luận Nhiếp Đại thừa là căn cứ vào bộ Kinh này. Sự thành lập nên Duy thức Đại thừa của Nhiếp luận, về đại thể là căn cứ vào bộ Kinh này. Ý nghĩa của một số đoạn Kinh văn mà trong Luận này đã trích dẫn là vô cùng vượt trội! Chẳng hạn phần Sở tri y của Nhiếp Đại thừa luận đã trích dẫn hai bài kệ của kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa, như Nhiếp Đại thừa luận bổn (T. 31, tr. 133b) nói:
“Cái giới đã có từ vô thỉ đến nay ấy là chỗ nương tựa bình đẳng của tất cả pháp, do đây nên có các thú [xu hướng], cho đến chứng đắc được niết-bàn.ˮ(xviii)
“Do là cái thức nắm bắt và lưu giữ tất cả chủng tử của các pháp nên được gọi là a-lại-da. Bặc Thắng giả đã khai thị [thức ấy] cho tôi.ˮ(xix)
Bài kệ thứ 2 nói rõ về thức a-lại-da có tất cả chủng tử, trong Luận đã giải thích ý nghĩa ‘nắm bắt và lưu giữ’. Giới (dhātu) của bài kệ thứ nhất đương nhiên có thể giải thích thành chủng tử, nhưng văn của Luận lại không giải thích gì thêm! Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh đã trích dẫn bài kệ này, dùng thuyết Như lai tạng của kinh Thắng Man để giải thích. Đương thời, trong giới Phật giáo có nhiều giải thích bất đồng về bài kệ ‘Cái giới đã có từ vô thỉ đến nay’ ấy.16 Nhiếp Đại thừa luận thích do Chân Đế (Paramārtha) dịch cũng dẫn thuyết Như lai tạng của kinh Thắng Man làm căn cứ để nói, giải thích bài kệ thứ nhất.17 Có lẽ đó là do Chân Đế bổ sung thêm, nhưng việc ấy phải có căn cứ, chắc chắn đó không phải là giải thích chủ quan của chính Chân Đế.
‘Giới’, từ Kinh được trích dẫn trong Nhiếp luận, có thể phát hiện thấy được ý nghĩa của nó, như quyển trung của Nhiếp Đại thừa luận bổn (T. 31, tr. 140c) nói:
“Trong kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa, đức Bạc-già-phạm nói: Pháp có 3 loại: một, thuộc phần tạp nhiễm; hai, thuộc phần thanh tịnh; ba, thuộc cả 2 phần ấy. Dựa vào mật ý nào mà nói như thế?... Ở trong nghĩa này, lấy thí dụ nào để làm rõ hơn? Lấy cái mỏ vàng ở dưới đất để làm thí dụ cho rõ ràng. Thí như trong mỏ vàng ở dưới đất, có 3 pháp có thể biết được [đó là mỏ vàng]: một là địa giới, hai là đất, ba là vàng. Ở trong địa giới, đất chẳng phải có thật nhưng hiện ra như là có thể đắc được, vàng là có thật nhưng không thể đắc được; khi luyện bằng cách nấu thiêu lửa thì tướng đất không hiện ra mà tướng vàng hiện ra. Lại nữa, khi đất hiện rõ ra trong địa giới này, thì đó là sự hiện rõ bằng hư vọng; khi vàng hiện rõ ra thì đó là sự hiện rõ bằng chân thật, vì vậy địa giới là gồm cả 2 phần ấy… Vì vậy thức phân biệt mang tánh hư vọng này dựa vào tự tánh y tha khởi, có cả 2 phần ấy, giống như trong địa giới có vàng, đất, mỏ khoáng.”(xx)
Kinh nói rằng có phần tạp nhiễm, có phần thanh tịnh, có cả hai phần kia. ‘Cả hai phần kia’, học giả Du-già khó mà đồng ý với cái là hữu lậu sanh hữu lậu, vô lậu sanh vô lậu, cho nên nói đó là lời không liễu nghĩa (có mật ý). Trong sự giải thích theo liễu nghĩa, dùng kho vàng ở dưới đất – mỏ vàng (dưới đất) để tỉ dụ. Giống như trong quặng vàng có thể có 3 pháp: địa giới, đất, vàng. Đại giới (pṛthivī-dhātu) là nơi y chỉ của vàng và đất, cấu thành vật chất mang tánh cứng của đất và vàng. Lúc bình thường chỉ thấy bùn đất, không thấy chất vàng, giống như chúng sanh “ở trong thức ấy có hư vọng, tự tánh biến kế sở chấp mang đang hiện rõ.ˮ Nếu như khai thác rồi tinh luyện, bỏ đi bùn đất thì hiện ra chất vàng, nếu qua sự trui rèn của lửa bát-nhã thì “ở trong thức ấy có chân thật, tự tánh viên thành thật hiện rõ.ˮ Tự tánh biến kế sở chấp (parikalpita-svabhāva) tạp nhiễm hư vọng, tự tánh viên thành thật (pariniṣpanna-svabhāva) thanh tịnh chân thật, giống như đất và vàng. Nhưng mà, thức phân biệt có tánh hư vọng, tự tánh y tha khởi (paratantra-svabhāva), ‘có cả 2 phần ấy’, giống như địa giới làm nơi y chỉ cho cả vàng, đất. Luận Nhiếp Đại thừa xem y tha khởi là ‘cả 2 phần ấy’, cũng chính là thức phân biệt có tánh hư vọng chung cả 2 phần; thí dụ như địa giới, giới cũng là chung cả 2 phần. Nhiếp luận xem y tha khởi, vọng thức là ‘giới’, chung với cả 2 phần, trở thành then chốt của tùy theo tạp nhiễm hay chuyển thành thanh tịnh, là cái không có tánh cố định. Khi Nhiếp luận giải thích 3 tánh, nói: “Y tha khởi, tóm lược, có 2 loại: một là nhờ vào chủng tử do huân tập từ cái khác để sanh khởi; hai là dựa vào tánh tạp nhiễm hay thanh tịnh của cái khác ‘bất thành’.ˮ(xxi)18 Trong y tha khởi, nhờ chủng tử nên sanh, là giải thích thông thường rằng nhờ nhân duyên nên sanh. Nhưng mà, không thành tựu tánh tạp nhiễm hay thanh tịnh, là nói có thể nhiễm, có thể tịnh, không nhất định nhiễm, không nhất định tịnh, chính là ý nghĩa đặc thù của y tha khởi thông cả 2 phần. ‘Thức phân biệt có tánh hư vọng của y tha khởi’, đương nhiên là thuộc hữu lậu. Xem thức này là ‘giới’, thành “chỗ nương tựa bình đẳng cho tất cả pháp,ˮ là phù hợp với tư tưởng Duy thức (Vijñaptimātratā) của Du-già. Nhưng dùng thí dụ kho vàng dưới đất để nói, giới – thức phân biệt có tánh hư vọng ‘có cả 2 phần’, nếu như phàm phu thấy đất mà không thấy vàng, thì vàng không có chăng? Vàng là thứ tồn tại chân thật. Như vậy, ‘cả 2 phần kia’ hoặc ‘có cả 2 phần kia’, không phải là có thể giải thích thành có đủ 2 phần chăng? Sự thật bên trong của y tha khởi, thức phân biệt có tánh hư vọng (thức căn bản là thức a-lại-da) chính là tánh viên thành thật, không phải chính là cái Như lai tạng mà có thể gọi là ‘giới’ chăng? Duy thức học không cho rằng tánh chất của y tha khởi, thức phân biệt có tánh hư vọng ấy là thanh tịnh, nhưng qua sự nối liền của ‘cả 2 phần kia’, kết hợp của Như lai tạng và thức a-lại-da đã xuất hiện rõ ràng mạch lạc trong Kinh Đại thừa.
Trong những Luận thư của Vô Trước và Thế Thân đều không có trích dẫn kinh Lăng-già và kinh Mật nghiêm. Luận Thành Duy thức do Đường Huyền Trang pha trộn mà thành, đã trích dẫn cả hai bộ Kinh này, cho nên chúng được xem là Kinh điển làm căn cứ của tông Duy thức, kỳ thật nghĩa của Kinh là không chỉ thuộc về một hệ này. Bản dịch Hán của kinh Lăng-già thì có 3 bộ; bản đầu tiên do Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra) dịch vào năm thứ 20 niên hiệu Nguyên Gia đời Tống (443 A.D.), tên là Lăng-già-a-bạt-đa-la bảo kinh, 4 quyển. Thời đại biên tập ra Kinh này phải trễ hơn một ít so với những bộ Luận của Vô Trước. Bản dịch Hán của kinh Mật nghiêm thì có 2 bộ; bản đầu tiên do Địa-bà-ha-la (Divākara) dịch vào đời Đường (trước sau năm 680 A.D.), đây là bộ được biên tập ra càng trễ hơn một ít. Hai bộ Kinh này là tổng hợp của Như lai tạng làm căn cứ để thuyết và thức a-lại-da của hệ Du-già học làm căn cứ để thuyết. Trên mặt tư tưởng Phật Pháp Đại thừa, Luận sư Vô Trước (và Thế Thân) là vô cùng trác việt! Dựa vào thuyết ý thức vi tế, thuyết chủng tử huân tập do Phật giáo Bộ phái mà có để thành lập nên thức a-lại-da lấy phân biệt hư vọng làm y chỉ, thẩm định và làm thấu suốt lời Kinh Đại thừa nói, rồi hình thành nên Duy thức luận thuộc Đại thừa bất cộng. Trong hệ Kinh Luận này, như 5 pháp (pañca-dharma), 3 tự tánh (trividha-svabhāva), 8 thức (aṣṭau-vijñānāni), 2 vô ngã (dvidhānairātmya), v.v., (Luận của Vô Trước chú trọng về sự thành lập 8 thức), trở thành luận nghĩa có hệ thống chặt chẽ. Luận của Vô Trước (được truyền thừa từ Di-lặc) là trình bày có phân biệt, trình bày bằng cách tổng hợp lại những luận nghĩa được hàm chứa trong Lăng-giàMật nghiêm. Như kinh Đại thừa nhập Lăng-già nói “5 pháp, 3 tự tánh, và 8 loại thức, 2 thứ vô ngã là bao quát hết Đại thừa.ˮ(xxii)19 Kinh Đại thừa Mật nghiêm nói: “Khi Bồ-tát đi vào trong các địa này thì biết rõ 5 pháp, 8 thức, 3 tự tánh và hai vô ngã;ˮ(xxiii) “nghĩa chân thật của Đại thừa là thanh tịnh không có gì sánh bằng, xa lìa các thứ phân biệt, là đạo vi diệu chuyển y. Khai thị sự sai biệt về cảnh giới của 8 loại thức, sự bất đồng giữa các tự tánh, 5 pháp và vô ngã.ˮ(xxiv)20 Tổng hợp những nghĩa trọng yếu của các Kinh Đại thừa là điều thấy được rõ ràng. Ba thân (trayāḥ kāyāḥ) và 4 trí (catvāri-jñānāni) thành tựu do chuyển thức mà những Luận của Vô Trước đã thành lập,21 kinh Lăng-già đã nhiều lần đề cập đến 3 thân,22 nhưng cả hai Kinh này đều không đề cập đến 4 trí. Vì hai bộ Kinh này đã trích dẫn thành ngữ ‘5 pháp, 3 tự tánh, 8 thức, 2 vô ngã’ nên có sai lầm phổ biến cho rằng 2 Kinh này là thuộc Du-già học. Phái Du-già vốn có nguồn gốc từ người du-già (yogaka) tu trì định huệ, đã truyền ra luận Du-già sư (hoặc gọi là ‘hành’) địa, học phong dần trọng về tư duy và thẩm định nghĩa lý. Nhưng Lăng-giàMật nghiêm tuy cũng phân biệt, tư duy và thẩm định mà trọng về tu tập, trong Kinh có nhiều nơi đề cập đến tự chứng Thánh trí, du-già, cảnh chính mình chứng được hiện pháp lạc trú. Đây là hành giả du-già thuộc hệ Như lai tạng, đã dung hòa pháp nghĩa của hệ thức a-lại-da, thành lập nên tông của mình – Duy tâm (Cittamātratā) luận lấy chân thường làm y chỉ.
Như lai tạng phỏng theo chân như (tathatā) để nói; tâm tánh vốn thanh tịnh là phỏng theo không tánh (śūnyatā) của tâm để nói, thức phân biệt một cách hư vọng ấy không phải là cái có tánh vốn thanh tịnh: đây là Du-già học. Kinh A-tỳ-đạt-ma Đại thừa nói rằng tánh y tha khởi ‘gồm cả 2 phần ấy’, dùng ‘kho vàng dưới đất’ làm thí dụ, vì thế gợi mở sự liên hợp của Như lai tạng và thức a-lại-da. Kinh Lăng-già cũng nói 8 thức, 8 thức là “[1] Như lai tạng được gọi là thức tạng tâm, [2] ý, [3] ý thức, và 5 thức thân.ˮ(xxv)23 Quan hệ của Như lai tạng và tạng thức – thức a-lại-da, rốt cục là như thế nào? Quyển 5 của kinh Đại thừa Nhập Lăng-già (T. 16, tr. 619b-620a) nói:
“Bạch Thế tôn! Xin Thế tôn giải thích thêm cho con! Tướng của uẩn – xứ – giới là sanh diệt, chúng không có ngã, vậy thì ai sanh, ai diệt? Những kẻ phàm phu ngu muội dựa vào sanh diệt nên không cầu chấm dứt khổ, không chứng niết-bàn.”(xxvi)
“Như lai tạng là nhân của thiện và bất thiện, có khả năng tạo ra tất cả sanh thú; ví như người diễn viên thay đổi thành các thú, nên [các thú ấy] lìa ngã và ngã sở… Do từ vô thỉ đã bị tập khí xấu hư ngụy huân tập nên gọi là tạng thức, sanh ra với 7 thức và vô minh trụ địa. Ví như biển lớn nên có sóng, cái thể của nó là nối tiếp nhau, luôn luôn sanh ra không ngừng. Bổn tánh thanh tịnh, lìa lỗi về vô thường, lìa lý luận chấp ngã. Bảy thức còn lại – ý, ý thức, v.v., sanh diệt trong từng niệm, từng niệm.ˮ(xxvii)
“Ta vì phu nhân Thắng Man và những Bồ-tát có trí sâu sắc, vi diệu, thanh tịnh mà thuyết rằng Như lai tạng được gọi là thức tạng, cùng khởi với 7 thức.ˮ(xxviii)
“Như lai tạng sâu xa ấy cùng đi với 7 thức.ˮ(xxix)24
Có thể nói đoạn Kinh văn này là mở rộng ý nghĩa của kinh Thắng Man. Kinh Thắng Man cho rằng “7 pháp này không dừng trụ trong khoảng sát-na, không gieo trồng các thứ khổ, không nhàm chán khổ thì không mong cầu niết-bàn được,ˮ(xxx) chỉ có “Như lai tạng thường trụ bất biếnˮ(xxxi) có khả năng làm chỗ y chỉ nên mới thành lập sanh tử và niết-bàn được.25 Theo kinh Lăng-già nói, hết thảy hàng phàm phu, ngoại đạo bị trôi lăn trong sanh tử, không có ngã (ātman) thì không được. Nếu sanh tử không có cái tự thể làm chỗ nương tựa thì tất cả đều là sanh diệt, cũng sẽ không thể mong cầu niết-bàn được. Căn cứ vào đây để nói Như lai tạng giáo, cũng sẽ nói pháp sanh diệt là không thể làm chỗ nương tựa để thành lập sanh tử. Như Kinh trên nói: “Ví như cái bình đã bị đập bể thì không còn tác dụng của cái bình, cũng như đốt cháy cái hạt rồi thì nó không còn tác dụng nảy mầm nữa. Như vậy, này Đại Huệ! Nếu tánh của ấm-giới-nhập đã diệt, đang diệt, sẽ diệt, do vọng tưởng của tự tâm thấy, vì không có nhân nên nó không có sự lần lượt sanh ra.”(xxxii)26 Đây là lý do phải nhờ vào Như lai tạng làm y chỉ, loại tư tưởng này hoàn toàn đối lập với Du-già. Đoạn Kinh văn này có thể dùng một tiết Kinh văn khác để tham khảo, như quyển 1, 2 của kinh Đại thừa Nhập Lăng-già (T. 16, tr. 593b-c, 594c) nói:
“Thức, nói chi tiết thì có 8, nói tóm lược thì chỉ có 2, đó là hiện thực và thức phân biệt sự. Này Đại Huệ! Giống như trong chiếc gương sáng hiện các sắc tượng, hiện thức cũng vậy. Này Đại Huệ! Hai thức gồm hiện thức và thức phân biệt sự này (vừa khác vừa) không khác, làm nhân cho nhau. Này Đại Huệ! Hiện thức lấy sự huân tập và chuyển biến không thể suy lường làm nhân; thức phân biệt sự lấy sự phân biệt cảnh giới và tập khí hí luận có từ vô thỉ làm nhân… Nếu chuyển thức và tạng thức là khác nhau thì tạng thức chẳng phải là nhân của thức kia; nếu không khác nhau thì khi chuyển thức diệt thì tạng thức cũng phải diệt, nhưng tướng chân thật của nó là bất diệt. Này Đại Huệ! Tướng chân thật của thức là bất diệt nhưng tướng của nghiệp thì diệt. Nếu tướng chân thật của thức bị diệt thì tạng thức phải diệt.ˮ(xxxiii)
“Cần phải biết rằng 7 loại thức gồm ý, v.v., cũng như vậy, giống như biển cùng chung với sóng, cùng hòa hợp với tâm để sanh. Ví như nước biển động thì lớp lớp sóng sẽ chuyển vận, tạng thức cũng như vậy, sanh ra các thứ thức.ˮ(xxxiv)
Bộ phận tương đương với bản dịch Lăng-già đời Tống thì nói ‘8 thức’, nhiều nơi nói ‘tạng thức’, nhưng (một tiết) Kinh văn dẫn trên đã nói rõ ràng và chính xác rằng: Như lai tạng là cái nhân làm chỗ y cứ cho thiện và bất thiện. Trong 5 cõi thú, 4 cách sanh thuộc thiên hoặc ác ấy, Như lai tạng giống như người diễn viên, hiện khởi các thứ biến hóa, nhưng diễn viên vẫn là diễn viên. Dựa vào Như lai tạng nên có sanh tử, nhưng Như lai tạng không phải là người làm, không phải là người nhận, cho nên lìa được cái ngã chấp của hàng phàm tục ngoại đạo. Các thú lưu chuyển trong sanh tử có ý nghĩa tương đương với điều kinh Bất tăng bất giảm đã nói: “Như lai tạng tức là pháp thân…(xxxv) từ vô thỉ đến đời vị lai, tùy thuận thế gian, nổi trôi phiêu bạt, qua lại trong sanh tử nên gọi là chúng sanh.ˮ(xxxvi)27 Nhưng kinh Lăng-già đã dung hòa thức a-lại-da của Du-già, dùng thức a-lại-da để giải thích, thiện xảo hơn nhiều! Như lai tạng là tập khí xấu hư ngụy có từ vô thỉ đến nay – bị các thức hí luận hư vọng huân tập, nên gọi là tạng thức. Huân tập, học giả Du-già cũng gọi nó là ‘chủng tử của biến kế sở chấp’, ‘khối tai họa lầm lỗi’. Cho nên, tạng thức không ngoài tâm có tự tánh thanh tịnh nhưng bị phiền não che lấp và làm nhiễm ô, hình thành nên tạng thức – hiện thức (khyāti-vijñāna) nắm giữ và chứa đứng tất cả huân tập, hiện khởi lên tất cả thứ. Hiện thức, giống như báu phả-chi-ca (sphaṭika) trong sáng, chịu sự phản ánh của sắc bên ngoài nên hiện thành sắc tạp nhiễm. Loại chịu huân tập rồi chuyển biến này được gọi là sự huân tập chuyển biến không thể suy lường (acinty-avāsanāpariṇāma). Hiện thức và thức phân biệt sự (vastu-prativikalpa-vijñāna) – 7 loại chuyển thức (pravṛtti-vijñāna) trước, chuyển vận cùng thời, giống như nước biển với sóng. Kinh đã dẫn một tiết ở trên còn nói đến: “Cần phải làm trong sạch tên gọi Như lai tạng tạng thức. Này Đại Huệ! Nếu không có việc Như lai tạng được gọi là tạng thức thì không có sanh diệt;ˮ(xxxvii) “nếu không có tạng thức thì 7 thức liền diệt.ˮ(xxxviii)28 Như lai tạng mà được gọi thành tạng thức, đó là do bị huân tập và chuyển biến bởi những tập khí xấu từ thời vô thỉ nên khởi sự bất tịnh, 7 thức cũng sanh diệt không dừng trụ trong từng sát-na. Cho nên cần phải tịnh trừ - bỏ tên gọi tạng thức. Tạng thức là dựa vào Như lai tạng để biểu hiện không có thật; cái cần phải diệt trừ đi là tên gọi tạng thức chứ không phải là tự thể của tạng thức. Trong một tiết Kinh sau đã dẫn, có thể thấy rằng thức a-lại-da có 2 phần (chung cả 2 phần) gồm nghiệp tướng (karmalakṣaṇa) và chân tướng (jāti-lakṣaṇa). Kinh Lăng-già dùng nghiệp (karman) để gọi chung cho tất cả huân tập – cái động năng. Nghiệp tướng do tạng thức nắm bắt và lưu giữ ấy cũng chính là lý do mà tạng thức được gọi là tạng thức, là cái cần phải được trừ sạch. Nhưng chân tướng thì không thể diệt, nếu như diệt trừ đi chân tướng thì tự thể của tạng thức cũng bị diệt, đây là chấm dứt tà kiến rằng không có gì cả. Chân tướng ở đây là tên gọi khác của Như lai tạng. Như đoạn Kinh văn đã dẫn, tiết thứ 2 nói tạng thức và 7 thức cùng chuyển biến, giống như biển và sóng; tiết thứ nhất nói ‘Như lai tạng sâu xa ấy cùng đi với 7 thức’, cũng là giống như biển lớn và sóng. Có thể nhận thấy nhiều nơi trong kinh Lăng-già nói về 8 thức, nói tạng thức mà tạng thức có chân tướng (Như lai tạng), là bất đồng với Du-già học. Người Du-già nói về duy thức nhưng nhiều nơi kinh Lăng-già nói duy tâm, biểu hiện bởi duy tâm, duy tự tâm biểu hiện, chỉ là tâm lượng, cũng là không tương đồng. Lăng-già tuy đã dung hòa Du-già học nhưng ý là ở Như lai tạng tự tánh thanh tịnh tâm chăng!29
Kinh Lăng-già do Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch vào đời Ngụy và Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda) dịch vào đời Đường, ở sau đã tăng thêm phẩm Đà-la-ni và phẩm Kệ tụng; phẩm Kệ tụng có phong cách gần với kinh Đại thừa Mật nghiêm dùng kệ tụng để thuyết Pháp. Kinh Mật nghiêm cũng nói 5 pháp, 3 tự tánh, 8 thức, 2 vô ngã, cũng tương tự với Kinh điển phái Du-già. Vì truyền ra hơi trễ nên kinh Lăng-già nói được hàm súc hơn ít nhiều – quan hệ giữa Như lai tạng và tạng thức, kinh Mật nghiêm nói được càng cụ thể hơn, như nói “Tạng thức cũng như vậy, cùng khởi với tập khí của các thức, nhưng tánh luôn luôn thanh tịnh, không bị chúng làm ô nhiễm;ˮ(xxxix) “thể của lại-da là thường trụ, các thức cùng khởi với nó;ˮ(xl)30 “thức a-lại-da xưa nay vốn có sẵn, thanh tịnh viên mãn, ra khỏi thời gian, đồng với niết-bàn.ˮ(xli)31 Nói được rõ ràng nhất, như quyển hạ của kinh Đại thừa Mật nghiêm (T. 16, tr. 747a) nói:
“Tạng thanh tịnh của Như lai cũng được gọi là trí không có cáu bẩn, thường trụ không có mở đầu và kết thúc, lìa ngôn thuyết thuộc 4 phạm trù. Phật gọi nó là Như lai tạng, bởi vì kẻ có ác huệ thì không thể biết được a-lại-da, tạng tức là thức lại-da. Tạng thanh tịnh của Như lai và a-lại-da của thế gian giống như vàng và chiếc nhẫn, chuyển vận lần lượt không có sai biệt.ˮ(xlii)
Kinh Mật nghiêm càng nỗ lực biểu thị ra chân tướng của thức a-lại-da. Phẩm Kệ tụng của kinh Lăng-già đã quay về ý nghĩa vốn có của Như lai tạng, cho nên nói “Nội chứng trí được thực hành ấy, tướng chân ngã thanh tịnh, đây chính là Như lai tạng, chẳng phải là cái mà ngoại đạo biết được.ˮ(xliii)32 Phá bỏ cái ngã mà ngoại đạo nói, tiến tới phá thuyết vô ngã của Phật Pháp, như quyển 7 của kinh Đại thừa Nhập Lăng-già (T. 16, tr. 638a) nói:
“Nói chân ngã đốt cháy, giống như khi kiếp hỏa khởi lên thì thiêu cháy khu rừng rậm vô ngã, lìa cái lỗi của ngoại đạo… Ở trong thân gồm các uẩn này, truy tìm cái ngã ở trong 5 uẩn ấy thì kẻ ngu không thể làm được, bậc trí thấy được thì liền giải thoát.ˮ(xliv)
Dùng Như lai tạng chân ngã để đả phá cái ngã của ngoại đạo, cũng phá vô ngã mà Phật Pháp đã nói. Bởi vì trong 5 uẩn, thực hiện 5 sự truy tìm nhưng không thể nắm bắt được đã, đó là điều mà phẩm Quán Như lai của Trung luận đã nói.33 Kinh trên nói “ở trong uẩn có cái ngã chân thật, kẻ vô trí thì không biết được,ˮ(xlv) như vậy người trí thấy được cái ngã chân thật nên đắc giải thoát. Lý do có cái ngã chân thật là như các thí dụ vàng bạc ở trong quặng, trong cây đàn có âm hay, dưới đất có nước, mang thai, trong cây có lửa, v.v.;34 nhưng cái có sức mạnh nhất, đương nhiên là kinh nghiệm tu trì về ‘nội chứng trí được thực hành ấy.’ Kinh Mật nghiêm cũng nói: “Cái được gọi là a-lại-da ấy là thức trượng phu thứ 8, vận động trong tất cả, như những cái bình xoay tròn. Nhưng dầu ở khắp trong hạt mè, trong muối có vị mặn,… có hương trầm, hương xạ, trời trăng (có) ánh sáng cũng vậy… chẳng thể tìm cầu bằng trí, không thể phân biệt được, người có định tâm vô ngại thì chứng được bằng trí bên trong.ˮ(xlvi)35 Thức a-lại-da là vốn thanh tịnh, gọi là thức trượng phu, trượng phu là tên khác của ngã. Ngã ở đâu? Giống như dầu ở trong hạt mè, vị mặn ở trong muối, ánh sáng không tách rời mặt trời, mặt trăng. Anh muốn phân biệt tìm cầu nó thì không tìm được. Trừ những thí dụ ấy ra, chính là nói sự nhận biết của người tu chứng, là không tương đồng với lập trường của Luận sư. Lý do có Như lai tạng (thức a-lại-da) ngã, nếu hiểu nhiều về những lời mà thần học của Ấn-độ - phái Áo nghĩa thư (Upaniṣad), Phệ-đàn-đa (Vedānta) đã nói, có lẽ sẽ biết được có nhiều tánh chất chung.
Ở trên đã đề cập đến: tâm có chất-đa và hãn-lật-đà khác nhau. Thức a-lại-da là chất-đa tâm; Như lai tạng tự tánh thanh tịnh tâm cũng vẫn là chất-đa. Đều có thể được gọi là thức, cho nên có lời rằng “Có 8, 9 hoặc nhiều thức.ˮ(xlvii)36 Kinh Lăng-già nói: “Tánh tự tánh đệ nhất nghĩa tâm của Như lai – bậc Ứng cúng, Đẳng chánh giác,ˮ(xlviii) phụ chú có “Tâm này, Phạn âm là can-lật-đại [hṛdaya]… là cái lõi của cây cối, chẳng phải là cái tâm suy nghĩ.ˮ37 Điều này cho thấy rằng: một phương diện, từ chất-đa tâm phân biệt tư duy nói đến tâm của tâm tạng, thông thường xem tâm tạng [quả tim] là nơi y cứ cho cái tâm phân biệt suy nghĩ; một phương diện, từ cái tâm thông thường đạt đến chỗ sâu sắc của tâm. Tâm tạng thuộc thông tục và cái tâm chân thật thuộc sâu sắc triệt để là có thể thống nhất. Kinh Lăng-già nói đến: “cõi Phật của Phổ Hiền Như lai.ˮ(xlix)38 Tịnh độ Mật nghiêm của kinh Mật nghiêm được Mật tông suy đoán thành Tịnh độ của Đại Nhật (Mahāvairocana) Như lai. Kinh Mật nghiêm nói: “Đi vào trong điện Vô cấu nguyệt tạng, lên tòa sư tử ở Mật nghiêm tràng.ˮ(l)39 Đây là nói: từ cái tâm tròn như mặt trăng viên mãn thanh tịnh rồi tiến vào Tịnh độ Mật nghiêm (Ghanavyūha). Kinh
Lăng-già cũng nói: tổ phụ của người tuyên thuyết kinh Lăng-già là “Sanh từ Nguyệt chủng nên hiệu là Nguyệt Tạng,ˮ(li)40 Nguyệt Tạng (Soma-gupta) hoặc dịch thành Nguyệt Hộ. Phật sanh từ Nguyệt Tạng, phù hợp với ý kinh Mật nghiêm. Tóm lại, kinh Lăng-già và kinh Mật nghiêm là ở trên nền tảng Như lai tạng ngã, đã dung hòa Du-già học – Duy thức học lấy thức a-lại-da làm y chỉ, đã phong phú nội dung, trở thành ‘Duy tâm luận (lấy) chân thường (làm y chỉ). Dưới sự giáo hóa bằng thí dụ thông tục, dẫn dắt hướng đến sự tu chứng, làm nhân tố mạnh mẽ cho sự xuất hiện Phật Pháp Đại thừa Bí mật.

3. Như lai tạng và Như lai luận

Sự lưu hành của thuyết Như lai tạng (Tathāgata-garbha) đã phát sanh ra tiếng vang rộng rãi trong giới Phật giáo. Dùng Đại thừa sơ kỳ và học thuyết của Long Thọ (Nāgārjuna) để giải thích Phật tánh (Buddha-dhātu) là bộ phận sau của kinh Đại bát-niết-bàn. Phái Du-già dùng chân như (tathatā) để giải thích Như lai tạng và ngã (ātman), bao hàm thuyết Như lai tạng nhưng trong sự chuyển đổi ô nhiễm trở lại thanh tịnh, lấy cái thức phân biệt có tánh hư vọng làm y chỉ, là nói chi tiết về duy thức (vijñapti-mātratā). Duy thức học được dung hòa bởi những người thuộc thuyết Như lai tạng, trở thành ‘Chân thường duy tâm luận’. Nhưng đại biểu cho dòng chính của thuyết Như lai tạng là luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, v.v. Trong Nghiên cứu học thuyết Như lai tạng (如來藏之研究), tôi đã có trình bày rồi.1 Ở đây xin trình bày thêm một cách sơ lược và thêm ý nghĩa quan trọng mới, được lý giải gần đây.
Đại biểu cho dòng chính của thuyết Như lai tạng, trong bản dịch Hán thì có 1 bộ Kinh và 2 bộ Luận. (1) Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, do Kiên Ý (Sthitamati) sáng tác, được Lặc-na-ma-đề (Ratnamati, đến Trung Hoa vào năm 508 A.D.) dịch vào đời Ngụy, 4 quyển. Có thuyết nói đó là bộ Luận do Thế Thân (Vasubandhu) sáng tác, truyền thuyết của Tây Tạng nói là của Di-lặc (Maitreya). (2) Luận Pháp giới vô sai biệt, do Đề-vân-bát-nhã dịch, cũng do Kiên Ý sáng tác. (3) Kinh Vô thượng y, 2 quyển, do Chân Đế (Paramārtha) dịch vào đời Lương (khoảng 555 A.D.). Kinh Vô thượng y được biên tập vào kinh Thắng thiên vương bát-nhã (truyền đến Trung Quốc vào năm thứ 2 niên hiệu Thái Thanh đời Lương, tức năm 548 A.D.), tức Hội thứ 6 của kinh Đại bát-nhã-ba-la-mật. Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh có bổn luận và thích luận. Những Kinh điển mà nội dung phần kệ của bổn luận y cứ, có thể thấy được rõ ràng là: phần đầu của kinh Đại bát-niết-bàn, kinh Như lai tạng, kinh Bất tăng bất giảm, kinh Thắng Man, kinh Bảo nữ của kinh Đại tập, kinh Như lai trang nghiêm trí huệ quang minh nhập nhất thiết Phật cảnh giới (dịch lần đầu vào năm 501 A.D.). Bổn luận dùng 6 sự, gồm thể, nhân, quả, nghiệp, tương ưng, hành(i) để giải thích Như lai tạng và bồ-đề (bodhi), rõ ràng đã trích dẫn Đại thừa trang nghiêm kinh luận của Vô Trước (Asaṅga);(ii) có quan hệ rất sâu sắc với phẩm Bồ-đề của Đại thừa trang nghiêm kinh luận vậy! Luận Bảo tánh lập nên chân như có cáu bẩn (samala-tathatā), chân như không có cáu bẩn (nir-malatathatā); chuyển y (āśraya-parāvṛtti); 3 thân – thân thật thể (svābhāvika-kāya), thân thọ lạc (sāṃ-bhogika-kāya), thân biến hóa (nairmāṇika-kāya); 2 chướng – phiền não, trí (sở tri) chướng (kleśa-jñeya-āvaraṇa); 2 loại trí vô phân biệt (xuất thế gian) (dvividha-jñāna-lokottara-avikalpa); giới vô lậu (anāsrava-dhātu), v.v., đều phù hợp với Du-già học. Nhưng 5 pháp, 3 tự tánh, 8 thức, 4 trí lại không được trích dẫn; không sử dụng thuyết chủng tử của Du-già học, không nói là được biểu hiện bởi duy thức. Điều này có thể là do tách khỏi hệ Du-già về mặt học thuật để tự thành lập một phái mới; còn có thể là người thuộc thuyết Như lai tạng đã trích dẫn pháp nghĩa của du-già học để trang nghiêm cho tông của mình. Luận Pháp giới vô sai biệt dùng tâm bồ-đề (bodhi-citta) làm chủ, dùng 12 nghĩa để giải thích. Trong địa vị Bồ-tát, tâm bồ-đề là y vào Như lai tạng để tu chứng viên mãn, nội dung liên hệ lẫn nhau với luận Bảo tánh. Tổ chức và nội dung của kinh Vô thượng y là gần với luận Bảo tánh, hẳn phải là đã tham khảo qua luận Bảo tánh, niềm tin (phát tâm bồ-đề) là chủng tử, bát-nhã là mẹ ruột, định là bào thai, đại bi là sữa mẹ(iii) - trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận là cái nhân của Bồ-tát thiện sanh(iv) (dùng 2 tụ phước và trí làm bào thai, khác chút ít).2 Kinh Vô thượng y là “vì bồ-đề vô thượng làm nhân,ˮ3 so với luận Bảo tánh là làm nhân của Như lai tạng,4 dường như phải thích đáng hơn nhiều. Kinh Vô thượng y không sử dụng 9 thí dụ về Như lai tạng, 9 thí dụ về sự nghiệp của đức Như lai, phải là tiếp cận Du-già học nhiều hơn, nhưng đích xác là thuyết Như lai tạng. Ngoài ra còn có luận Phật tánh do Chân Đế dịch, tương truyền là của Thế Thân (Vasubandhu) sáng tác, đã trích dẫn 3 tánh, 3 vô tánh, v.v., của Du-già học để giải thích Như lai tạng, nhưng giữ lại lập trường của thuyết Như lai tạng. Nhiếp Đại thừa luận thích, do Chân Đế dịch, đã dẫn thuyết Như lai tạng để giải thích Nhiếp luận. Đây đều là thuyết chiết trung, nhưng do đó có thể hiểu được rằng trong quá trình phát triển, thuyết Như lai tạng đã có quan hệ rất sâu sắc với Du-già học.
Chủ thể của luận Bảo tánh là 4 pháp: “Phật tánh, bồ-đề của Phật, Phật Pháp và sự nghiệp của Phật, những người thanh tịnh xuất thế cũng không thể suy lường được.ˮ(v)5 Bốn pháp là: cái nhân – giới (dhātu) mà Phật y chỉ; bồ-đề (bodhi) được chứng đắc viên mãn; tất cả pháp (dharma) mà Phật đã [thành tựu] viên mãn, cũng chính là công đức (guṇa); sự nghiệp (karman) làm lợi ích cho chúng sanh. Kinh Vô thượng y cũng nói như vầy: “Như lai là bậc hi hữu, bậc không thể suy lường. Vì sao vậy? Vì giới, vì tánh [của đức Như lai] là không thể suy lường được; vì bồ-đề, vì sự chứng đắc [của đức Như lai] là không thể suy lường được; vì công đức, vì pháp [của đức Như lai] là không thể suy lường được; vì lợi ích [cho chúng san], vì việc làm [của đức Như lai] là không thể suy lường được.ˮ6 Mở đầu luận Bảo tánh là quy y Tam bảo, nhưng xem Phật là nơi quy y cứu cánh. Đây là phần Tựa của Luận, phần giải thích của Luận dùng Tam bảo gồm Phật tánh, bồ-đề của Phật, Phật Pháp, sự nghiệp của Phật, gọi chung là ‘7 cú kim cang’.(vi) Trong 4 pháp,(vii) Phật tánh – Phật giới (Buddha-dhātu) là tên gọi khác của Như lai tạng, là cái nhân làm sở y của Phật; tất cả chúng sanh đều có Như lai giới (Tathāgata-dhātu) này, cho nên chúng sanh đều thành Phật được. Đó là cái mà tất cả chúng sanh đều có, chỉ sai biệt giữa phàm và Thánh, có bất tịnh hay có tịnh (trong bất tịnh), có thanh tịnh rốt ráo, nhưng bổn tánh thì không có sai biệt. Phật giới, có thể nói là phỏng theo địa vị nhân của chúng sanh để nói; nếu nhờ vào đó để thành Phật, thế thì bồ-đề là cái thể của Phật, Phật Pháp là công đức của Phật, nghiệp của Phật là nghiệp dụng làm lợi ích cho chúng sanh, liệt kê như biểu đồ dưới đây:
Chương Phật tánh trình bày “tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng,ˮ “bị phiền não trói buộc và che lấp.ˮ Căn cứ vào đâu để nói Như lai tạng? Quyển 3 của luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh (T. 31, tr. 828a-b) nói:
“Pháp thân có mặt khắp nơi, không có sai biệt, đều có thật Phật tánh, vì vậy nói chúng sanh luôn luôn có Như lai tạng.ˮ(viii)
Tất cả chúng sanh giới đều không lìa khỏi trí của chư Phật; bởi vì nó trong sạch không có cáu bẩn, tánh thể không có hai; y vào thân pháp tánh bình đẳng của tất cả chư Phật: biết tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng.ˮ(ix)
Bài kệ tụng đã dẫn ở trên, theo bản Phạn, bài kệ ‘tất cả chúng sanh giới’ ở trước, là bổn luận; ‘pháp thân có mặt khắp nơi, không có sai biệt’ là bài kệ ở sau, là phần thích luận giải thích bổn luận. Tất cả chúng sanh có Như lai tạng, Luận căn cứ vào 3 nghĩa để giải thích: (1) Pháp thân (dharma-kāya) của Phật có mặt khắp trong thân tất cả chúng sanh, cho nên chúng sanh không rời khỏi trí huệ của Như lai. (2) Chân như (tathatā) là thanh tịnh không có sai biệt, Phật và chúng sanh không phải là hai, không phải là khác. (3) Thân pháp tánh bình đẳng, bản Phạn là chủng tánh Phật (Buddha-gotra), chúng sanh quả thật có. Căn cứ theo 3 nghĩa này, cho nên Kinh trên nói: “Tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng.ˮ Ba nghĩa, chỉ là trình bày theo 3 mặt của một việc: từ pháp thân Phật nói đến có mặt khắp trong thân chúng sanh, là nghĩa pháp thân; từ chúng sanh nói đến Phật tánh, là nghĩa chúng tánh; chúng sanh và Phật bình đẳng không có sai biệt, là nghĩa chân như. Nghĩa chân như không có sai biệt là đồng với Du-già học đã nói. Căn cứ theo pháp thân có mặt khắp mọi nơi, nói chúng sanh có đầy đủ trí huệ Như lai; nhân vì chúng sanh có Như lai tạng cho nên chán khổ mà vui cầu niết-bàn được. Hai nghĩa pháp thân và chủng tánh Phật, rõ ràng bất đồng với Du-già học. Chín thí dụ nói về Như lai tạng ở trong sự trói buộc, giải thích thành: “chúng sanh ở trong tham sân si, vọng tưởng phiền não, v.v., các thứ cáu bẩn của trần lao, v.v., đều có Như lai tạng;”(x)7 cái che lấp và gây chướng ngại cho Như lai tạng ấy là phỏng theo phiền não để nói. Nói Như lai tạng có 3 loại gồm bất tịnh, có tịnh (trong bất tịnh), thiện tịnh, chính là chúng sanh, Bồ-tát, Phật.(xi) Bất tịnh là chúng sanh sanh tử; sanh tử dựa vào Như lai tạng mà có, như quyển 3 của luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh (T. 31, tr. 832c) nói:
Đất nương vào nước để trụ, nước lại nương vào gió, gió nương vào hư không, hư không thì không nương vào đất, v.v. Như vậy ấm, giới, căn (xứ) trụ trong phiền não, nghiệp; các phiền não, nghiệp, v.v., trụ tư duy bất thiện; hành tư duy bất thiện, trụ trong tâm thanh tịnh, tâm tự tánh thanh tịnh, bất trụ các pháp kia… tâm tịnh như hư không, vô nhân lại vô duyên.ˮ(xii)
Ấm, giới, căn là tự thể thân và tâm có được do quả báo, y vào nghiệp và phiền não mà có; phiền não từ tư duy bất thiện (ayoniśo-manaskāra) mà khởi. Đây đều là y vào tâm thanh tịnh – Như lai tạng, giống như đất, nước, gió dựa vào hư không. Sanh tử tạp nhiễm – hoặc, nghiệp, khổ, y vào Như lai tạng, Như lai tạng lại không y vào sanh tử, cho nên tâm có tự tánh thanh tịnh (prakṛti-prabhāsvara-citta) là không bị nhiễm ô. ‘Tâm tịnh như hư không, vô nhân lại vô duyên’, Như lai tạng thì không trụ vào nơi nào cả. Điểm này có ý nghĩa phù hợp với ‘lấy vô trụ làm gốc’, ‘vô trụ thì không có gốc’, ‘từ gốc vô trụ lập nên tất cả pháp’(xiii) của kinh Duy-ma-cật sở thuyết.8 Theo nghĩa của Luận, sanh tử, phiền não, v.v., đều y vào tâm có tự tánh thanh tịnh nhưng lại không phải do tâm thanh tịnh ấy sanh ra, quyển thượng của kinh Phật thuyết Vô thượng y (T. 16, tr. 469b) cũng nói:
Tất cả chúng sanh đều có ấm, giới, nhập, có chủng loại tướng thù thắng, được biểu hiện ở trong và ngoài, nối tiếp trôi chảy từ thời vô thỉ đến đời nay, do pháp nhĩ nên đắc được cùng tột sự thiện sáng chói, vi diệu… Pháp này không khởi lên vô minh; nếu không khởi lên vô minh thì pháp này chẳng phải là duyên khởi gồm 12 hữu phần (chi).ˮ(xiv)
Kinh nói Như lai giới là cái cùng tột sự thiện sáng chói, vi diệu mà chúng sanh do pháp nhĩ mà đắc được, không phải là nhân duyên của 12 hữu chi gồm vô minh, v.v., sanh khởi. cho nên Như lai tạng là chỗ nương tựa, là nơi trụ nên có sanh tử, nhưng không thể nói Như lai tạng – chân như sanh vô minh’, v.v.
‘Phật giới’ là Như lai tạng mà tất cả chúng sanh đều có đầy đủ, là cái nhân làm nơi y cứ của Phật. ‘Bồ-đề của Phật’ là trình bày rõ cái thể của Phật, dùng 8 nghĩa gồm thật thể, nhân, quả, nghiệp, tương ưng, hành, thường, không thể suy lường để diễn tả.(xv) ‘Đức của Phật’ là 10 lực, 4 vô sở úy, 18 pháp bất cộng của Phật, 32 tướng, là dựa vào điều mà kinh Bảo nữ đã nói. ‘Nghiệp của Phật’ là sự nghiệp lợi ích cho chúng sanh, nêu ra 9 thí dụ: đất báu bằng tỳ lưu ly, cái trống trời, đám mây lớn, vua Phạm thiên Đại tự tại, mặt trời, bảo châu như ý, tiếng vang, đại địa, hư không. Trong các thí dụ ấy, có tỉ dụ Đế Thích (Śakradevā-nāma-indra ), vua Đại tự tại (Mah-eśvara), có thể khiến mọi người cảm thấy rằng sự không thể suy lường của thần và Phật là giống nhau. Chín dụ này là trích dẫn từ kinh Như lai trang nghiêm trí huệ quang minh nhập nhất thiết Phật cảnh giới.
Trong Kinh Đại thừa sơ kỳ đều nói rằng tất cả pháp đều không tịch,(xvi) tại sao không nói là không mà nói tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng? Bổn luận đã đề xuất 5 điểm giải thích. (1) ‘Tâm có sợ hãi yếu đuối’ thuộc tâm tánh hạ liệt, cảm thấy Phật đạo khó thực hành, tâm sanh thoái lui, sợ hãi, nếu biết tâm mình vốn đầy đủ Như lai tạng thì tinh tấn không còn thoái lui. (2) Người tu học pháp Đại thừa thì dễ ‘khinh mạn các chúng sanh’, luôn cho rằng mình thù thắng hơn những người khác. Nếu họ biết Như lai tạng mà thứ tất cả chúng sanh đều có đầy đủ thì phải noi theo giống như Bồ-tát Thường Bất Khinh (Sadāparibhūta), gặp người khác thì nói: “Tôi không dám khinh quý Ngài, vì quý Ngài đều sẽ làm Phật.ˮ(xvii)9 Hai nghĩa này là nhắm đến hành giả Đại thừa để nói. (3) ‘Chấp trước vào pháp hư vọng’: học giả Tiểu thừa phân tích tự tánh của uẩn, xứ, giới, v.v., chấp pháp hư vọng là có nên không thể nói chúng không có. Nếu họ biết Như lai tạng là nơi y cứ nên có sanh tử và niết-bàn thì sẽ không chấp trước vào sự tướng của pháp hư vọng nữa. (4) Hành giả Tiểu thừa cho rằng: thành Phật là việc vô cùng hi hữu, đa số người (hoặc thiểu số người) là không thể thành Phật được, đây là nói không có Phật tánh – tánh làm khả năng thành Phật, là ‘phỉ báng chân như Phật tánh’. Nếu họ biết rằng căn cứ vào chân như để nói Phật tánh, thì Phật tánh là cái mà tất cả chúng sanh đều có một cách bình đẳng, họ sẽ không phỉ báng pháp chân thật nữa. Hai nghĩa này là nhắm vào người Tiểu thừa (một phần chung với cả Du-già học) để nói. (5) ‘Chấp trước có thần ngã’: đây là những người, đặc biệt là ngoại đạo. Như kinh Lăng-già nói: “nhằm đoạn trừ nỗi sợ hãi của kẻ phàm phu đối với mệnh đề vô ngã’,ˮ “khai mở dẫn dắt những ngoại đạo chấp ngã,” “nhằm lìa quan điểm của ngoại đạo thì phải dựa vào cái tạng Như lai vô ngã.”(xviii)10 Lý do không nói tất cả pháp đều là không mà nói Như lai tạng, 5 nghĩa mà bổn luận đã nói, là tương đối chính xác! Thích luận lại chuyên vào Như lai tạng học như đã nói trên, đã đánh mất phương tiện thiện xảo nhằm đối trị, cổ vũ khích lệ, dụ dẫn giáo hóa thích ứng với chúng sanh vậy!11
Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh và kinh Vô thượng y đều không có được sự trọng thị của giới Phật giáo Trung Quốc, nhưng trong lịch sử diễn biến và phát triển của Phật giáo Ấn-độ, chúng đáng được trọng thị. “Nhìn một chiếc là rơi mà biết mùa thu tới,ˮ sự xuất hiện của luận Bảo tánh và kinh Vô thượng y đã ám chỉ mùa Đông của Phật giáo Ấn-độ sẽ đến nhanh chóng.
(1) Phật Pháp chú trọng vào sự lý giải về hiện thực, chỉ có hiểu rõ vấn đề mới giải quyết được vấn đề. Lấy pháp duyên khởi (pratītya-samutpāda) làm y chỉ, thành lập nên sự tập khởi và diệt của sanh tử. Dưới tiền đề của sự tu hành, nói nhiều về hoặc, nghiệp, khổ và giới, định, huệ; đối với niết-bàn (nirvāṇa) thuộc lý tưởng cứu cánh, đến điểm này thì dừng, vì đây là chứng tri mà không thể dùng ngôn ngữ, biểu trưng, nói nhiều sẽ dẫn người ta đến chỗ suy nghĩ vẩn vơ. Đây là Phật Pháp lấy chúng sanh – nhân loại làm gốc. Phật Pháp Đại thừa xuất hiện, lấy sự ngộ nhập vô sanh pháp nhẫn (anutpattikadharma-kṣānti), đắc a-tỳ-bạt-trí – không còn thoái chuyển (avaivartika) làm trọng điểm, cho nên nói tất cả pháp vốn bất sanh, bổn tánh của tất cả pháp đều là không, tất cả pháp vốn thanh tịnh, v.v., mà nói chi tiết về môn thực hành gồm tâm bồ-đề, 6 độ, 4 nhiếp, v.v. Đây là lấy Bồ-tát làm chủ. Mặc dầu kinh Hoa nghiêm lấy Phật Tỳ-lô-giá-na làm chủ, nói về pháp giới Hoa nghiêm, nhưng toàn bộ Kinh vẫn là lấy sự thực hành của Bồ-tát làm chủ, phẩm Nhập pháp giới trình bày rõ những sự thực hành to lớn của thiện tri thức. Kinh Pháp hoa khai tích hiển bổn, nhưng những lời mà phẩm An lạc hành đã nói, cũng là những sự thực hành phổ biến của Bồ-tát. Phật Pháp là sâu sắc, Bồ-tát đạo thì không dễ! Thuyết Như lai tạng của hậu kỳ Đại thừa đã chỉ ra trong thân chúng sanh vốn có Như lai tạng, khiến chúng sanh có tâm khiếp nhược và chấp thần ngã được kiên định tín tâm học Phật. Chúng sanh vốn có trí huệ Như lai, chúng sanh giới (sattva-dhātu) và pháp thân không phải là hai, đã rút ngắn khoảng cách giữa con người với đức Phật. Kinh Vô thượng y và luận Bảo tánh chính là dùng thuyết Như lai tạng để tổng hợp và nối kết những Kinh điển có liên quan, hình thành nên chuỗi “Phật giới, bồ-đề của Phật, Phật Pháp (công đức), sự nghiệp của Phật (làm lợi ích cho chúng sanh),ˮ là Phật – ‘Như lai’ làm chủ. Phật Pháp Đại thừa Bí mật về sau, chính là dùng Phật Pháp của Như lai (không phải đức Phật thuộc nhân gian) làm chủ, cho nên có thể nói rằng 1 Kinh và 1 Luận của thuyết Như lai tạng là tiếng chuông báo trước của Phật giáo Bí mật.
(2) Kinh Vô thượng y và luận Bảo tánh xem giới, bồ-đề, pháp, nghiệp (làm lợi ích) là 4 chủ đề lớn. Trong Đại thừa Bí mật lập nên 4 loại mạn-đà-la (maṇḍala): đại mạn-đà-la, tam-muội-da mạn-đà-la, pháp mạn-đà-la, nghiệp mạn-đà-la.(xix) Có 4 ấn (mudrā): đại ấn, tam-muội ấn, pháp ấn, nghiệp ấn.(xx) Thứ 3 và thứ 4 đều gọi là pháp và nghiệp, phù hợp với luận Bảo tánh, v.v., Kim cang giới có 4 đại phẩm: kim cang giới, hàng 3 cõi, điều phục khắp cả, thành tựu tất cả nghĩa.(xxi) Thứ nhất là giới, thứ 4 là thành tựu nghĩa (lợi ích), cũng là phù hợp. Đây không phải là khéo trùng hợp, là tổ hợp gồm 4 nghĩa lấy ‘Như lai’ làm chủ, có mức độ khế hợp nhất định với nội dung và thứ tự của giới, bồ-đề, pháp, nghiệp. Nhưng nội dung của 1 Kinh và 1 Luận ấy, đối với Đại thừa Bí mật mà nói, vẫn còn non nớt trong giai đoạn phát triển bào thai.
(3) Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, theo Đại Đường nội điển lục nói: “Nó còn một (tên gọi là) Bảo tánh phân biệt thất (Đại) thừa tăng thượng luận12 Tên bản Phạn của Luận là Mahāyāna-uttaratantra-śāstra. Mahāyāna là Đại thừa. Uttara có nghĩa là thượng, thù thắng, siêu xuất, v.v. Tantra, dịch âm thành đát-đặc-la, đại bộ phận Giáo điển Bí mật không gọi là Kinh (Sūtra) mà gọi là Đát-đặc-la, hoặc dịch thành ‘Tục-), đát-đặc-la là danh từ có sẵn của Ấn-độ, trong Phật giáo, là danh từ chuyên dụng của Giáo điển Bí mật. Không ngờ ‘Như lai luận’ dùng giới, bồ-đề, pháp, nghiệp làm chủ đề, là đã sử dụng đầu tiên loạt danh từ này! Cho nên Kinh Luận thuộc dòng chính tư tưởng của thuyết Như lai tạng này đã kế thừa những tư tưởng đi trước và mở đường cho những tư tưởng về sau, chiếm hữu địa vị trọng yếu của thời kỳ chuyển đổi mô hình của tư tưởng Phật giáo vậy!




(i) Cf.: “།སྟོན་པས་ཕུང་པོ་ཀུན་བརྗོད་པ། །གཟིགས་ཕྱིར་བྱང་སེམས་དཔའ་ཡོད་ཅེས། །གང་གསུངས་པ་ཡིས་དངོས་མེད་ཀྱི། རྟོག་པའི་གཡེང་བ་འགོག་པ་ཡིན། ˮ Prsk, p. 1379. “Bởi Kinh nói rằng vì nói theo cái uẩn thế tục thì có Bồ-tát. Bằng cách nói ấy nhằm diệt trừ sự tán động phân biệt về vô thể [vô tướng, abhāva].ˮabhāva-vikalpo yasya pratipakṣeṇāha | prajñāpāramitāyāmiha bodhisattvo bodhisattva eva sanniti |ˮ Msa, p. 74.
(ii) Cf.: “daśavidhavikalpo bodhisattvena parivarjanīyaḥ |ˮ Msa, p. 74.
1 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 5, T. 31, tr. 618b. Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T. 31, tr. 140a. Đại thừa a-tỳ-đạt-ma tập luận 7, T. 31, tr. 692c.
(iii) Cf.: “།དེ་ལ་དངོས་པོ་མེད་པར་རྣམ་པར་རྟོག་པའི་གཉེན་པོའི་དོན་དུ་བཀའ་སྩལ་པ། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཉིད་དུ་ཡོད་བཞིན་དུ་ཞེས་བྱ་བ་ལ་སོགས་པའོ། །ད་ངོས་པོར་རྣམ་པར་རྟོག་པའི་གཉེན་པོའི་དོན་དུ་བཀའ་སྩལ་པ། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཡང་དག་པར་རྗེས་སུ་མི་མཐོང་ངོ་ཞེས་བྱ་བའོ། །སྒྲོ་འདོགས་པའི་རྣམ་པར་རྟོག་པའི་གཉེན་པོའི་དོན་དུ་བཀའ་སྩལ་པ། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་མིང་ཡང་དག་པར་རྗེས་སུ་མི་མཐོང་། ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཡང་དག་པར་རྗེས་སུ་མི་མཐོང་། སྤྱོད་ཅེས་བྱ་བར་ཡང་དག་པར་རྗེས་སུ་མི་མཐོང་། གཟུགས་ཡང་དག་པར་རྗེས་སུ་མི་མཐོང་། ཚོར་བ་དང་འདུ་ཤེས་ད་ང་འདུ་བྱེད་དང་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་བར་དུ་ཡང་དག་པར་རྗེས་སུ་མི་མཐོང་ངོ་།ˮ Mys, p. 42.
(iv) Cf.: “།རྣམ་པར་གཡེང་བའི་རྣམ་པར་རྟོག་པ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམས་ཀྱི་རྣམ་པར་རྟོག་པ་བཅུ་གང་ཡིན་པའོ། །དེ་ལ་དངོས་པོ་མེད་པའི་མཚན་མའི་རྣམ་པར་གཡེང་བ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་དངོས་པོ་མེད་པ་ཉིད་མཚན་མ་སྟེ། རྣམ་པར་གཡེང་བའོ་ཞེས་བྱས་ནས་སོ། །ཡང་ནམ་པར་གཡེང་བ་དེའི་གཉེན་པོ་ནི་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་གཞུང་ལས། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཉིད་ཡོད་བཞིན་དུ་ཞེས་བྱ་བ་སྟེ། ཡོད་ཅེས་སྨོས་པས་ནི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་བདག་ཉིད་དུ་ཡོད་པའོ། འདི་ལྟར་བསྟན་ཏེ། གང་ལས་བསྟན་པ་ཉིད་བདག་ཉིད་ཡོད་པ་དེ་ནི་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་བདག་ཉིད་དོ་ཞེས་བྱ་བའོ།” Msbh, p. 385. “Được gọi sự phân biệt có tán động [trạo cử] là 10 thứ phân biệt của Bồ-tát. Được gọi là sự tán động có tướng chẳng có thật thể ấy là tướng chẳng có thật thể, do đó được gọi sự tán động. Lại nữa, sự đối trị của tán động ấy là từ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa, như kinh nói có thật thể của Bồ-tát, lý do nói có thật là vì có tự thể tánh không của Bồ-tát. Tại sao nói như vậy? Vì cái thể có thật được nói ấy là tự thể của tánh không nên gọi là tự thể tánh không.”
2 Nhiếp Đại thừa luận thích 4, T. 31, tr. 342c.
(v) Cf.: །འདི་ལ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཡོད་པས་ན་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའོ། །བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཡོད་ཅེས་བྱ་བ་ནི་བདོག་པ་ཞེས་བྱ་བ་བསྟན་པ་འདིས་སོ། །དངོས་མེད་ཀྱི་རྟོག་པའི་གཡེང་བ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་དངོས་པོ་མེད་པའི་རང་བཞིན་དུ་རྟོག་པས་ན་དངོས་པོ་མེད་པའི་རྟོག་པའོ། །དེ་ཉིད་ནི་གཡེང་བ་ཡིན་ཏེ། ཀུན་དུ་རྨོངས་པའི་རྒྱུ་ཡིན་པའི་ཕྱིར་རོ། །ཅི་ཞིག་མཛད་ཅེ་ན། འགོག་པ་ཡིན་ཏེ། སེལ་བ་ཡིན་ནོ། །དེ་སུ་ཞིག་གིས་ཤེ་ན། སྟོན་པས་ཏེ་ཉོན་མོངས་པའི་དགྲ་ལས་འཆོས་པའི་ཕྱིར་དང་། ངན་འགྲོའི་འཇིགས་པ་ལས་སྐྱོབ་པར་བྱེད་པས་སྟོན་པ་སྟེ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པས་སོ། །ཇི་ལྟར་ཞེ་ན། ཕུང་པོ་ཀུན་རྫོབ་གཟིགས་ཕྱིར་རོ། །ཀུན་རྫོབ་པར་ཡོད་པ་ནི་ཀུན་རྫོབ་པའོ། །ཕུང་པོ་ནི་གཟུགས་དང་ཚོར་བ་ལ་སོགས་པ་སྟེ། དེ་དག་གཟིགས་པའི་ཕྱིར་ཏེ། རྟོག་པའི་རྒྱུའི་ཕྱིར་དངོས་པོ་མེད་པའི་རྣམ་པར་རྟོག་པའི་རྣམ་པར་གཡེང་བ་སེལ་བར་མཛད་པ་ཡིན་ནོ། །འདི་སྐད་དུ་ལས་དང་པོ་པའི་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་བསམ་ངོར་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་ཀུན་རྫོབ་པའི་ཕུང་པོར་གཟིགས་ཤིང་མཁྱེན་ནས་ཆད་པར་ལྟ་བ་སྤངས་པའི་དོན་དུ་དངོས་པོ་མེད་པར་རྟོག་པའི་རྣམ་པར་གཡེང་བ་སེལ་བར་མཛད་པ་ཡིན་ནོ་ཞེས་བྱ་བ་འདི་བརྗོད་པ་ཡིན་ནོ། །ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་མ་ཡུམ་གྱི་དོན་བརྒྱད་སྟོང་པར་སྦྱར་བར་བྱེད་པས་བརྗོད་པ་ནི། འདིས་ནི་བརྒྱད་སྟོང་ལ་སོགས་སུ་ཞེས་བྱ་བ་ལ་སོགས་པའོ། །འདིས་ནི་ཞེས་བྱ་བས་ནི་ཡུམ་གྱི་དོན་བཤད་པས་སོ།། ˮ Prskv, pp. 1403-1404.
3 Phật mẫu Bát-nhã-ba-la-mật-đa viên tập yếu nghĩa thích luận 2, T. 25, tr. 905b.
(vi) Cf.: “བདག་ཅེས་བྱ་བ་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོའི་དོན་ཏོ། །སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཁམས་ནི་སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་ལ་ ཡོད་མོད་ཀྱི།” Mp, p. 232. “Cái được gọi là ngã ấy là nghĩa của Như lai tạng, tuy Phật giới [dhātu] ở nơi tất cả chúng sanh…”
4 Đại bát-niết-bàn kinh 7, T. 12, tr. 407b.
(vii) Cf.: “atha khalu mahāmatirbodhisattvo mahāsattvo bhagavant-ametadavocat tathāgatagarbhaḥ punarbhagavatā sūtrāntapāṭhe 'nuvarṇitaḥ / sa ca kila tvayā prakṛtiprabhāsvaraviśuddhyādiviśu-ddha eva varṇyate dvātriṃśallakṣaṇadharaḥ sarvasattvadehāntar-gataḥ / mahārghamūlyaratnaṃ malinavastupariveṣṭitamiva skandha-dhātvāyatanavastuveṣṭito rāgadveṣamohābhūtaparikalpamalamalino nityo dhruvaḥ śivaḥ śāśvataśca bhagavatā varṇitaḥ / tatkathamayaṃ bhagavaṃstīrthakarātmavādatulyastathāgatagarbhavādo na bhavati? tīrthakarā api bhagavan nityaḥ kartā nirguṇo vibhuravyaya ityātmavādopadeśaṃ kurvanti // bhagavānāha na hi mahāmate tīrthakarātmavādatulyo mama tathāgatagarbhopadeśaḥ / kiṃ tu mahāmate tathāgatāḥ śūnyatābhūtakoṭinirvāṇānutpādānimittāpraṇi-hitādyānāṃ mahāmate padārthānāṃ tathāgatagarbhopadeśaṃ kṛtvā tathāgatā arhantaḥ samyaksaṃbuddhā bālānāṃ nairātmyasaṃtrāsa-padavivarjanārthaṃ nirvikalpanirābhāsagocaraṃ tathāgatagarbha-mukhopadeśena deśayanti /… evaṃ hi mahāmate tathāgatagarbh-opadeśamātmavādābhiniviṣṭānāṃ tīrthakarāṇāmākarṣaṇārthaṃ ta-thāgatagarbhopadeśena nirdiśanti kathaṃ bata abhūtātmavikalpa-dṛṣṭipatitāśayā vimokṣatrayagocarapatitāśayopetāḥ kṣipramanutt-arāṃ samyaksaṃbodhimabhisaṃbudhyeranniti / etadarthaṃ mahā-mate tathāgatā arhantaḥ samyaksaṃbuddhāstathāgatagarbhopa-deśaṃ kurvanti / ata etanna bhavati tīrthakarātmavādatulyam / tasmāttarhi mahāmate tīrthakaradṛṣṭivinivṛttyarthaṃ tathāgatanair-ātmyagarbhānusāriṇā ca te bhavitavyam //” Sla, p. 33. “Bấy giờ Bồ-tát Đại Huệ bạch đức Thế tôn rằng: Lại nữa, bạch đức Thế tôn! Như lai tạng đã được diễn tả trong kinh, và thật sự được Ngài thuyết rằng nó có tự tánh sáng chói, thanh tịnh, thanh tịnh thù thắng, chuyển vận thành đủ ba mươi hai đặc tướng đi vào trong thân tất cả chúng sanh. Ví như viên ngọc quý có giá trị lớn bị bao bọc bởi vật dơ bẩn, Như lai tạng bị bao quanh bởi vật uẩn, giới, xứ, bị nhiễm ô bởi sự dơ bẩn của sự phân biệt không thật gồm tham, sân, si nhưng nó là thường, kiên cố, thiện và bất hoại. Bạch đức Thế tôn! Thuyết Như lai tạng như thế không phải là giống với thuyết tự ngã của ngoại đạo ư? Bạch đức Thế tôn! Những người ngoại đạo cũng giảng về thuyết tự ngã rằng nó là thường, là kẻ tạo tác, phẩm tính siêu việt, tự tại, bất diệt. Đức Thế tôn nói: Thật sự không phải vậy, này Đại Huệ, thuyết Như lai tạng của Ta không giống như thuyết tự ngã của ngoại đạo. Nhưng này Đại Huệ! Chư Như lai thuyết về Như lai tạng là có cùng ý nghĩa của các từ tánh không, thật tế, niết-bàn, vô sanh, vô tướng, vô nguyện, v.v. Này Đại huệ! Chư Như lai, bậc A-la-hán Chánh đẳng Chánh giác thuyết bằng cách diễn đạt pháp môn Như lai tạng lìa phân biệt, lìa ảo ảnh cho những kẻ phàm phu có nỗi sợ hãi từ 'vô ngã' để chúng từ bỏ nó… Này Đại Huệ! Như vậy, chư Như lai nhằm dẫn dắt những kẻ ngoại đạo chấp trước thuyết tự ngã nên diễn thuyết Như lai tạng, bằng việc thuyết về Như lai tạng, muốn những kẻ rơi vào tà kiến không còn tư duy về cái ngã không có thật nữa, muốn đi vào lãnh vực của ba giải thoát, nhanh chóng thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Đại Huệ! Với mục đích này, các đức Như lai, bậc A-la-hán Chánh đẳng Chánh giác tuyên thuyết về Như lai tạng… Vì vậy, này Đại Huệ! Nhằm mục đích trừ bỏ kiến chấp sai lầm của ngoại đạo và khiến chúng đi theo cái tạng vô ngã của Như lai.”
5 Xuất Tam tạng ký tập 8, T. 55, tr. 59c-60a; và q. 14, tr. 102c-103b.
6 Xuất Tam tạng ký tập 9, T. 55, tr. 60b.
7 Đại bát-niết-bàn kinh 27, T. 12, tr. 525a-b.
8 Đại bát-niết-bàn kinh 39, T. 12, tr. 591b.
9 Đại bát-niết-bàn kinh 26, T. 12, tr. 521b, 519b-c.
10 Đại bát-niết-bàn kinh 25, T. 12, tr. 513c.
(viii) Skt: “yaḥ śūnyatāṃ pratītyasamutpādaṃ madhyamāṃ prati-padamanekārthām / nijagāda praṇamāmi tamapratimasaṃbuddham // Vv_72 //” “Con xin đảnh lễ đức Đẳng Giác – bậc không ai sánh bằng, chính Ngài đã thuyết rằng tánh không này rõ ràng là duyên khởi, là trung đạo, chúng có cùng một ý nghĩa.”
11 Bồ-đề đạo thứ đệ quảng luận 17, Hán Tạng giáo lý viện san bổn 32 thượng, đã dẫn.
12 Đại bát-niết-bàn kinh 27, T. 12, tr. 524a.
13 Đại trí độ luận 35, T. 25, tr. 319a; và q. 57, tr. 465c.
(ix) Cf.: “tatra katamā atyantaśūnyatā? yasyānto nopalabhyate tad atyantam atyantena śūnyam akūṭasthāvināśitām upādāya. tat kasya hetoḥ? prakṛtir asyaiṣā, iyam ucyate atyantaśūnyatā.” Psp, I-2, p. 62. “Ở đây, tất cánh không [sao gọi cái vô hạn là không] là gì? Cái mà có giới hạn không thể nắm bắt được thì cái đó là vô hạn, cái vô hạn đó là không, bởi vì cái vô hạn đó không thường hằng, không hoại diệt. Vì sao vậy? Bởi vì đây là bản chất của nó. Đây được gọi là tất cánh không.”
(x) Cf.: “སྟོང་པ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་ཉོན་མོངས་པའི་རྣམ་པ་དང་། སྲིད་པའི་ཐ་སྙད་ཉི་ཤུ་རྩ་ལྔ་དང་། སྡུག་བསྔལ་དང་འཇིག་རྟེན་གྱི་ཆོས་ལུགས་དང་། ཆོ་ག་དང་། སྤྱོད་ཡུལ་འབྱུང་བ་རྣམས་མེད་པའི་ཕྱིར་ཞོའི་བུམ་པ་ཞོ་མེད་པ་བཞིན་དུ་ཐར་པ་ལ་སྟོང་པ་ཞེས་བྱ་བ་སྟེ། དེ་ལ་ནི་བུམ་པའི་གཟུགས་མི་གཡོ་བ་བཞིན་དུ་ཤས་ཆེར་བདེ་བ་དང་། དགའ་བ་དང་། རྟག་པ་དང་། བརྟན་པ་དང་། ཐེར་ཟུག་དང་། འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པའི་ཆོས་དང་། ཆོ་ག་དང་སྤྱོད་ཡུལ་རྣམས་ཡོད་དོ། ཐར་པ་ནི་བུམ་པའི་གཟུགས་བཞིན་དུ་རྟག་པ་དང་། བརྟན་པ་དང་། ཐེར་ཟུག་པ་མ་ཡིན་གྱི། བུམ་པ་ནི་ཆག་པར་འགྱུར་ཏེ་རྒྱུའི་སྒོ་ནས་བཞག་པ་ཙམ་དུ་ཟད་དོ། །ཐར་པ་ནི་བྱས་པ་མ་ཡིན་པའི་ཕྱིར་ཆག་པར་མི་འགྱུར་ལ། ཐར་པ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་བཅོས་མ་མ་ཡིན་པའི་ཁམས་ཡིན་ཏེ་དེ་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའོ།” Mp, p. 171. “Cái được gọi là tánh không ấy là vì không có các thứ phiền não, hai mươi lăm sự hữu theo thế tục, khổ và pháp thức thuộc thế gian, quy định, phạm vi hoạt động, giống như cái bình lạc không có lạc, nên được gọi là không ở trong sự giải thoát. Ở đây, sắc của cái bình thì không biến động, giống như vậy, sự giải thoát có đầy đủ các lĩnh vực an lạc, hoan hỉ, thường, kiên cố, hằng, là pháp xuất thế gian, quy phạm. Sự giải thoát, giống như sắc của cái bình, là thường, kiên cố. Cái bình thì không phải là vĩnh hằng, nó sẽ bị bể nát, vì nó chỉ là cái được tạo thành từ duyên. Vì sự giải thoát không phải là cái được tạo ra nên nó sẽ không bị bể nát. Sự giải thoát ấy không phải là phạm trù hư giả, nó là Như lai.”
14 Đại bát-niết-bàn kinh 27, T. 12, tr. 523c.
15 Đại bát-niết-bàn kinh 27, T. 12, tr. 524a, b.
16 Đại bát-niết-bàn kinh 27, T. 12, tr. 524a-b.
17 Đại bát-niết-bàn kinh 32, T. 12, tr. 557a.
18 Đại bát-niết-bàn kinh 32, T. 12, tr. 557a.
19 Đại bát-niết-bàn kinh 27, T. 12, tr. 526a.
20 Đại bát-niết-bàn kinh 35, T. 12, tr. 571b.
21 Đại bát-niết-bàn kinh 36, T. 12, tr. 580c.
22 Đại bát-niết-bàn kinh 36, T. 12, tr. 579b.
23 Đại bát-niết-bàn kinh 35, T. 12, tr. 572b-c.
24 Đại bát-niết-bàn kinh 36, T. 12, tr. 580c.
25 ‘Phật tánh’ mà bộ phận được biên tập tiếp tục của kinh Đại bát-niết-bàn đã nói, xin xem: Ấn thuận, Như lai tạng chi nghiên cứu, Chương 8, tr. 251-270.
(i) Cf.: “cinotīti cittam…” Akbh, p. 164. “Cái tích lũy được gọi là tâm.”
1 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 72, T. 27, tr. 371b. A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 4, T. 29, tr. 21c.
(ii) Quả tim (nhục đoàn tâm - 肉團心) là tâm tạng (心臟) – một trong 5 tạng của cơ thể.
(iii) Cf.: “གང་ཞིག་ལུས་མེད་ཕུག་གནས་ཤིང་། །རིང་དུ་འགྲོ་ལ་གཅིག་པུ་རྒྱུ། །གདུལ་བར་དཀའ་བའི་སེམས་འདུལ་བྱེད༑ །དེ་ནི་བྲམ་ཟེར་ངས་བཤད་དོ།ˮ Mys, p. 36. “།དེ་ཡང་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔས་ཚིགས་སུ་
བཅད་པས་བསྒྲུབ་པའི་ཕྱིར་གསུངས་པ་ལ། རིང་དུ་འགྲོ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་ཡུལ་ཐམས་ཅད་ལ་དམིགས་པ་ཅན་ཉིད་ཀྱིས་སོ། །གཅིག་པུ་རྒྱུ་བ་ནི་གཉིས་པ་མེད་པའི་ཕྱིར་རོ། །གང་ཞིག་ལུས་མེད་ཅེས་བྱ་བ་ནི་ལུས་དང་བྲལ་བ་ཉིད་དོ། །ཕུག་གནས་ཞེས་བྱ་བ་ནི་ལུས་ཀྱི་ཕུག་གི་ནང་ན་གནས་པ་ཉིད་དོ། །སེམས་འདུལ་བྱེད་ཅེས་བྱ་བ་ནི་དབང་དུ་བྱེད་པའོ། །གདུལ་ བར་དཀའ་བ་ཞེས་བྱ་བ་ནི་བཅོས་དཀའ་བའོ།ˮ pp. 377-378.
2 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T. 31, tr. 139a dẫn bài kệ tụng.
(iv) “Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ. Tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhaṃ.ˮ A.1.11.
3 Tăng chi bộ, Phẩm 1 pháp, Nam truyền 17, tr. 14.
4 Đại trí độ luận 63, T. 25, tr. 508c.
5 Xin xem: Ấn Thuận, Như lai tạng chi nghiên cứu, Chương 3, tr. 67-87.
(v) Cf.: “།རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནི་ངོ་བོ་ཉིད་ཀྱིས་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པར་གྱུར་པ་མ་ཡིན་ནོ། །འདི་ལྟར་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་རང་བཞིན་གྱིས་འོད་གསལ་བ་ཡིན་ནོ་ཞེས་གསུངས་པའི་ཕྱིར་རོ། །དེ་ཅིའི་ཕྱིར་ཞེ་ན། སྐྱོན་ལས་གཏན་དུ་རྣམ་པར་མ་དག་ན་ནི་ འདོད་ཆགས་ལ་སོགས་པ་ཉོན་མོངས་པ་དང་འདྲ་བའི་ཕྱིར་རོ། །གཟུགས་དང་ཚོར་བ་ལ་སོགས་པ་བཞིན་དུ་འབའ་ཞིག་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པའི་རྒྱུ་ཡང་མ་ཡིན་ཏེ། འདི་ལྟ་སྟེ་གཟུགས་ལ་སོགས་པ་ལ་ཇི་ལྟ་བ་བཞིན་དུ་རྣམ་པར་ཤེས་པ་འབའ་ཞིག་ཁོ་ན་ལ་ནི་སུ་ཡང་སྲེད་པར་མི་འགྱུར་བས། Ycbh-T, vol. 74, p. 103. “Thức không phải bị phiền não làm nhiễm ô bởi tự tánh của nó [vốn không bị nhiễm ô]. Bởi vì như đức Thế tôn đã thuyết rằng tự tánh sáng chói. Tại sao? Bởi do cấu uế nên không thanh tịnh hoàn toàn, là đồng loại với phiền não như tham, v.v., cũng không làm nhân của phiền não đơn thuần giống như sắc, thọ, v.v. Vì vậy, đơn thuần chỉ có thức thì không khởi lên bất cứ tham… giống như sắc, v.v.”
(vi) Cf.: “na kliṣṭā nāpi va 'ākliṣṭā śuddhāśuddhā na caiva sā / prabh-āsvaratvāccittasya kleśasyāgantukatvataḥ //I.22// kathaṃ na kliṣṭā nāpi cāśuddhā / prakṛtyaiva / kathaṃ nākliṣṭā na śuddhā / evaṃ śūnyatāyā uddiṣṭaḥ prabhedaḥ sādhito bhavati /” Mvbh, p. 27. “Cũng không có nhiễm ô hay không nhiễm ô, cũng không có thanh tịnh hay không thanh tịnh, bởi khách trần làm nhiễm ô sự chói sáng của tâm.”
6 Biện trung biên luận, q. thượng, T. 31, tr. 466b.
(vii) Cf.: “naśuddhā nāpi cāśuddhā tathatā buddhatā matā ||9.22||ˮ Msa, p. 40.
7 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 3, T. 31, tr. 603c.
(viii) Cf.: “yathaiva toye luti[ṭi]te prasādite na jāyate sā punaracchat-ānyataḥ | malāpakarṣastu sa tatra kevalaḥ svacittaśuddhau vidhireṣa eva hi ||13.18||” Msa, p. 86. “Giống như từ nước bẩn có nước sạch, nhưng sự sạch của nó không phải do sanh ra mà là do trừ hết cáu bẩn ở trong nước bẩn ấy. Ở đây, cần biết rằng sự trừ bỏ cáu bẩn ở trong sự trong sạch của tự tánh tâm này cũng như thế.”
(ix) Cf.: “mataṃ ca cittaṃ prakṛtiprabhāsvaraṃ sadā tadāgantuka-doṣadūṣitaṃ | na dharmatācittamṛte 'nyacetasaḥ prabhāsvaratvaṃ prakṛtau vidhīyate ||13.19||” Msa, p. 86. “Đã trình bày về tâm luôn luôn có bổn tánh chói sáng nhưng bị nhiễm ô bởi khách trần nhiễm ô. Phải biết rằng không thể tách rời tâm pháp tánh mà có cái tâm sáng chói khác trong bổn tánh.”
(x) Cf.: “tasmāc cittatathataivātra cittaṃ veditavyaṃ |ˮ Msa, p. 86.
8 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 6, T. 31, tr. 623a.
(xi) Cf.: “འདི་ལྟ་སྟེ་སེམས་རང་བཞིན་གྱིས་ཡོངས་སུ་དག་པ་རྟོགས་པར་དཀའ་བ་དང་། སེམས་དེའི་ཉེ་བའི་ཉོན་མོངས་པ་རྟོགས་པར་དཀའ་བའོ། Srm, p. 760. “Như vậy, khó biết được sự thanh tịnh do tự tánh của tâm, sự nhiễm ô của tâm ấy cũng khó biết được.” Luận Bảo tánh dẫn: “prakṛtipariśuddhicittaṃ duṣprativedhyam / tasyaiva cittasyopakliṣṭatā duṣprativedhyā /” Rgv, p. 22. “Khó biết được cái tâm mà có sự thanh tịnh hoàn toàn do tự tánh. Cũng khó biết được trạng thái bị ô nhiễm của tâm ấy.”
9 Duy thức luận, T. 31, tr. 64b.
(xii) Cf.: “།ཉན་ཐོས་ཀྱི་ཐེག་པ་ལས་ཡིད་ཅེས་བྱ་བ་བསྟན་པ་ཡང་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ཞེས་བྱ་བའི་དོན་ཏེ། ཡིད་རང་བཞིན་གྱིས་དག་པ་ཞེས་བྱ་བ་དེ་གང་ཡིན་པ་དེ་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོའོ། །དེ་ནི་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཀྱི་གཙོ་བོ་སྟེ། ཆོས་ཐམས་ཅད་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོའི་རང་བཞིན་ནོ།ˮ Am, p. 500.
10 Ương-quật-ma-la kinh 4, T. 2, tr. 540a.
11 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467b.
(xiii) Cf.: “།བཅོམ་ལྡན་འདས་གལ་ཏེ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་མ་མཆིས་ན་ནི་སྡུག་བསྔལ་ལ་སྐྱོ་བ་དང་། མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ལ་འདོད་ཅིང་དོན་དུ་གཉེར་བ་དང་སྨོན་པ་ཡང་མ་མཆིས་པར་འགྱུར་རོ། །དེ་ཅིའི་སླད་དུ་ཞེ་ན། བཅོམ་ལྡན་འདས་རྣམ་པར་ཤེས་པ་དྲུག་པོ་གང་ལགས་པ་འདི་དག་དང་། རྣམ་པར་ཤེས་པ་གང་ལགས་པ་འདི་དང་། བཅོམ་ལྡན་འདས་འདི་ལྟར་ཆོས་བདུན་པོ་འདི་དག་ནི་མི་གནས་པ་དང་། སྐད་ཅིག་པ་དང་། སྡུག་བསྔལ་རྣམས་མྱོང་བ་མ་ལགས་པས་ཆོས་དེ་དག་ནི་སྡུག་བསྔལ་ལ་སྐྱོ་བ་དང་། མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ལ་འདོད་ཅིང་དོན་དུ་གཉེར་བ་སྨོན་པར་མི་རིགས་སོ། ” Srm, pp. 758-759. “Bạch đức Thế tôn! Nếu không có Như lai tạng thì không có tâm xuất ly khổ, và sẽ không có ham muốn, truy tìm, nguyện cầu niết-bàn được. Tại sao như vậy? Bạch đức Thế tôn! Là do sáu thức và thức này. Bạch đức Thế tôn! Như vậy, vì bảy pháp này không dừng trụ, có tánh sát-na, không phải là trải nghiệm các thứ khổ nên các pháp ấy chán ghét khổ, không thể ham muốn, truy tìm, nguyện cầu niết-bàn.” “tathāgatagarbhaś ced bhagavan na syān na syād duḥkhe ’pi nirvinna nirvāṇecchā prārthanā praṇidhir veti vistaraḥ |” Rgv, p. 73. “Bạch đức Thế tôn! Nếu không có Như lai tạng thì hầu như không có niết-bàn cho đau khổ, không có ước muốn niết-bàn, không có mong cầu, lập nguyện.” Luận này không dẫn câu giải thích.
(xiv) Cf.: “།བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་འདི་ནི་དམ་པའི་ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་ཀྱི་སྙིང་པོ་ལགས་སོ། །ཆོས་ཀྱི་སྐྲུའི་སྙིང་པོ་ལགས་སོ༑ །འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པའི་ཆོས་ཀྱི་སྙིང་པོ་ལགས་སོ། །རང་བཞིན་གྱིས་ཡོངས་སུ་དག་པའི་ཆོས་ཀྱི་སྙིང་པོ་ལགས་སོ། །བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་རང་བཞིན་གྱིས་ཡོངས་སུ་དག་པ་གློ་བུར་གྱི་ཉེ་བའི་ཉོན་མོངས་པས་ཉེ་བར་ཉོན་མོངས་པ་འདི་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་ཡུལ་ཏེ། བསམ་གྱིས་མི་ཁྱབ་པོ་སྙམ་པ་དག་བགྱིད་དོ། །དེ་ཅིའི་སླད་དུ་ཞེ་ན། བཅོམ་ལྡན་འདས་དགེ་བའི་སེམས་ནི་སྐད་ཅིག་པ་སྟེ། ཉོན་མོངས་པ་རྣམས་ཀྱིས་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་མ་ལགས། བཅོམ་ལྡན་འདས་མི་དགེ་བའི་སེམས་ཀྱང་སྐད་ཅིག་པ་སྟེ། སེམས་དེ་ཡང་ཉོན་མོངས་པ་རྣམས་ཀྱིས་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་མ་ལགས་པའི་སླད་དུའོ། །བཅོམ་ལྡན་འདས་ཉོན་མོངས་པ་རྣམས་ནི་སེམས་ལ་མི་རེག །སེམས་ཀྱང་ཉོན་མོངས་པ་རྣམས་ལ་མི་རེག་པ་ལགས་ན། བཅོམ་ལྡན་འདས་འདི་ལ་ཇི་ལྟར་སེམས་མི་རེག་པའི་ཆོས་ཅན་ཉེ་བར་ཉོན་མོངས་པར་འགྱུར། བཅོམ་ལྡན་འདས་ཉེ་བའི་ཉོན་མོངས་པ་ཡང་མཆིས་ལ། སེམས་ཉེ་བར་ཉོན་མོངས་པ་ཡང་མཆིས་པས་བཅོམ་ལྡན་འདས་སེམས་རང་བཞིན་གྱིས་ཡོངས་སུ་དག་པའི་ཉེ་བའི་ཉོན་མོངས་པའི་དོན་ནི་ཁོང་དུ་ཆུད་པར་དཀའ་བ་ལགས་ཏེ།ˮ Srm, pp. 759-760. “Bạch đức Thế tôn! Như lai tạng này là giới tạng [dhātu-garbha] của chánh Pháp, là tạng thân [kāya-garbha] của Pháp, là tạng của pháp xuất thế gian, là tạng của pháp mà hoàn toàn thanh tịnh bởi bổn tánh. Bạch đức Thế tôn! Như lai tạng thanh tịnh hoàn toàn bởi tự tánh của nó nhưng đột nhiên bị nhiễm ô bởi phiền não, đó là cảnh giới của Như lai, không thể suy lường được. Tại sao vậy? Bạch đức Thế tôn! Tâm thiện là [có tánh chất] sát-na, không bị nhiễm ô bởi các phiền não. Bạch đức Thế tôn! Tâm bất thiện cũng [có tánh chất] sát-na, tâm ấy cũng không bị nhiễm ô bởi các phiền não. Vì vậy, bạch đức Thế tôn! Nếu các phiền não không tiếp xúc được với tâm thì tâm cũng không tiếp xúc với các phiền não. Bạch đức Thế tôn! Ở đây, vì vậy, các pháp nhiễm ô sẽ không tiếp xúc được với tâm. Bạch đức Thế tôn! Vì cũng có phiền não nhiễm ô nên cũng có tâm phiền não nhiễm ô, do vậy, bạch đức Thế tôn! Ý nghĩa phiền não nhiễm ô thuộc tâm mà tâm lại hoàn toàn thanh tịnh thì điều đó khó hiểu được.” Luận Bảo tánh dẫn, Cf.: “/ kṣaṇikaṃ bhagavan kuśalaṃ cittam / na kleśaiḥ saṃkliśyate / kṣaṇikamakuśalaṃ cittam / na saṃ-kliṣṭameva taccittaṃ kleśaiḥ / na bhagavan kleśāstaccittaṃ spṛśanti / kathamatra bhagavannasparśanadharmi cittaṃ tamaḥkliṣṭaṃ bhavati / asti ca bhagavannupakleśaḥ / astyupakliṣṭaṃ cittam / atha ca punarbhagavan prakṛtipariśuddhasya cittasyopakleśārtho duṣprat-ivedhyaḥ /” Rgv, p. 15. “Bạch đức Thế tôn! Tâm thiện là [có tánh chất] sát-na, không bị nhiễm ô bởi phiền não. Tâm bất thiện là [có tánh chất] sát-na, chính tâm ấy không bị nhiễm ô bởi phiền não. Bạch đức Thế tôn! Các phiền não không tiếp xúc được với tâm, thì ở đây, bạch đức Thế tôn, vì sao pháp không tiếp xúc được với tâm mà làm tâm nhiễm ô mê mờ được! Bạch đức Thế tôn! Có tùy phiền não, có tâm tùy phiền não. Lại nữa, vì vậy, bạch đức Thế tôn! Ý nghĩa tùy phiền não thuộc cái tâm mà có sự thanh tịnh hoàn toàn bởi tự tánh là điều khó hiểu rõ được.”
12 Đại Bảo tích kinh, (48) Thắng Man phu nhân hội, T. 11, tr. 677c-678a.
(xv) Cf.: “དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ཤེས་པ་ཉིད་ནི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཀྱི་སྟོང་པ་ཉིད་ཀྱི་ཡེ་ཤེས་ལགས་ཏེˮ Srm, p. 753. “Tánh nhận biết của Như lai tạng là trí tuệ của tánh không của các đức Như lai.ˮ
13 Thắng Man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 221c. Đại Bảo tích kinh, (48) Thắng Man phu nhân hội, T. 11, tr. 677a.
(xvi) Luận Bảo tánh dẫn: Cf.: Evameva bho jinaputra tathāgata-jñānamapramāṇajñānaṃ sarvasattvopajīvyajñānaṃ sarvasattvacitta-saṃtāneṣu sakalamanupraviṣṭam / sarvāṇi ca tāni sattvacitta-saṃtānānyapi tathāgatajñānapramāṇāni / atha ca punaḥ saṃjñā-grāhavinibaddhā bālā na jānanti na prajānanti nānubhavanti na sākṣātkurvanti tathāgatajñānam / Rgv, pp. 23-24. “Cũng như vậy, này Phật tử, trí Như lai, trí vô lượng, trí làm lợi ích cho tất cả chúng sanh đều đi vào đầy đủ trong tâm và thân của tất cả chúng sanh. Và thân tâm của tất cả các chúng sanh ấy cũng có dung lượng [chứa] trí Như lai. Thế mà những kẻ phàm phu vì bị trói buộc bởi sự chấp lấy cái tưởng nên không biết, không hiểu, không lãnh thọ, không chứng đắc được trí Như lai.ˮ
14 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 35, T. 9, tr. 624a.
(xvii) Như lai tạng tạng thức tâm (如來藏藏識心), Skt. “Tathāgata-garbha-ālayavijñāna.” Sla, p. 90.
15 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. hạ, T. 31, tr. 152a.
(xviii) Cf.: “ཐོག་མ་མེད་པའི་དུས་ཀྱི་དབྱིངས༑ །ཆོས་རྣམས་ཀུན་གྱི་གནས་ཡིན་ཏེ། །དེ་ཡོད་པས་ན་འགྲོ་ཀུན་དང་། །མྱ་ངན་འདས་པའང་འཐོབ་པར་འགྱུར།ˮ Mys, p. 7.
(xix) Cf.: “ཆོས་ཀུན་ས་བོན་ཐམས་ཅད་པའི། །རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཀུན་གཞི་སྟེ། །དེ་བས་ཀུན་གཞི་རྣམ་ཤེས་ཏེ། །དམ་པ་དག་ལ་ངས་བཤད་དོ།ˮ Mys, p. 7.
16 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 839a-b.
17 Nhiếp Đại thừa luận thích 1, T. 31, tr. 156c-157a.
(xx) Cf.: “།ཆོས་མངོན་པའི་མདོ་ལས་ཆོས་ནི་གསུམ་སྟེ། ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་དང་། རྣམ་པར་བྱང་བ་དང་། དེ་གཉི་གའི་ཆར་གཏོགས་པའོ་ཞེས་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་གང་གསུངས་པ་ཅི་ལས་དགོངས་ཏེ་གསུངས་ཤེ་ན།  གཞན་གྱི་དབང་གི་ངོ་བོ་ཉིད་ལ་ཀུན་ཏུ་བརྟགས་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་ཡོད་པ་ནི་ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པའི་ཆར་གཏོགས་པའོ། །ཡོངས་སུ་གྲུབ་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་ཡོད་པ་ནི་རྣམ་པར་བྱང་བའི་ཆར་གཏོགས་པའོ། །གཞན་གྱི་དབང་དེ་ཉིད་ནི་དེ་གཉི་གའི་ཆར་གཏོགས་པ་སྟེ། འདི་ལ་དགོངས་ནས་བཀའ་སྩལ་ཏོ། །དོན་འདི་ལ་དཔེ་ཅི་ཡོད་ཅེ་ན། དཔེ་ནི་ས་ཁོང་ན་གསེར་ཡོད་པ་སྟེ། དཔེར་ན་ས་ཁོང་ན་གསེར་ཡོད་པ་ལ་ནི་སའི་ཁམས་དང་ས་དང་གསེར་དང་གསུམ་དམིགས་སོ། །དེ་ལ་སའི་ཁམས་ལ་ནི་མེད་པའི་ས་དམིགས་ལ། ཡོད་པའི་གསེར་ནི་མི་དམིགས་ཏེ། འདི་ལྟར་མེས་རེག་ནས་ནི་མི་སྣང་ལ་གསེར་ནི་སྣང་ངོ་། །སའི་ཁམས་ནི་སར་སྣང་བ་ལ་ལོག་པར་སྣང་ངོ་། །གསེར་དུ་སྣང་བ་ན་དེ་བཞིན་དུ་སྣང་ངོ་། །དེ་བས་ན་སའི་ཁམས་ནི་གཉི་གའི་ཆར་གཏོགས་པའོ། །དེ་བཞིན་དུ་རྣམ་པར་རིག་པ་ལ་རྣམ་པར་མི་རྟོག་པའི་ཡེ་ཤེས་ཀྱི་མེས་མ་རེག་པ་ན། རྣམ་པར་རིག་པ་དེ་ཡང་དག་པ་མ་ཡིན་པ་ཀུན་བརྟགས་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་དུ་སྣང་གི། ཡང་དག་པ་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་དུ་ནི་མི་སྣང་ལ། རྣམ་པར་ཤེས་པ་ལ་རྣམ་པར་མི་རྟོག་པའི་ཡེ་ཤེས་ཀྱི་མེས་རེག་པ་ན། རྣམ་པར་ རིག་པ་དེ་ཡང་དག་པ་ཡོངས་སུ་གྲུབ་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་དུ་སྣང་གི། ལོག་པར་ཀུན་ཏུ་བརྟགས་པའི་ངོ་བོ་ཉིད་དུ་ནི་མི་སྣང་ངོ་། །དེ་ལྟ་བས་ན་ཡང་དག་པ་མ་ཡིན་པ་ཀུན་ཏུ་རྟོག་པའི་རྣམ་པར་རིག་པ་གཞན་གྱི་དབང་གི་ངོ་བོ་ཉིད་དེ་ནི་གཉི་གའི་ཆར་གཏོགས་པ་ཡིན་ཏེ། ས་ཁོང་ན་གསེར་ཡོད་པ་ལ་སའི་ཁམས་བཞིན་ནོ།” Mys, pp. 47-48. Theo kinh A-tỳ-đạt-ma, thì đức Thế tôn đã từ ý nghĩa nào mà thuyết rằng pháp có ba loại: loại ô nhiễm, loại thanh tịnh, loại gồm cả hai phần ấy. Điều mà đức Thế tôn đã nói là do Ngài đã từ ý nghĩa nào để nói? Trong tự tánh y tha khởi có tự tánh biết kế sở chấp là thành phần tạp nhiễm, có tự tánh viên thành thật là phần thanh tịnh, tánh y tha khởi ấy có cả hai phần. Ở đây, từ ý nghĩa đó mà Ngài đã thuyết như vậy. Trong nghĩa này, có thí dụ gì? Thí dụ là ở bên trong đất có vàng. Ở trong thí dụ trong đất có vàng có ba yếu tố gồm địa giới, đất và vàng. Ở đây, trong địa giới không có yếu tố đất nhưng vàng có ở trong nó không phải là yếu tố. Vì vậy, vì tiếp xúc với lửa nên vàng không hiện ra được hiện ra, địa giới thì đất hiện ra lại hiện ra, khi hiện ra vàng thì hiện ra như thế, do đó địa giới gồm cả hai thành phần. Cũng giống như vậy, khi lửa của trí không có phân biệt [nir-vikalpa-jñāna] không tiếp xúc với thức thì cái thức ấy có tự tánh biến kế sở chấp không phải là chân thật ấy hiện ra, tự tánh viên thành thật là chân thật ấy không hiện ra. Khi lửa của trí không có phân biệt tiếp xúc với thức, thức ấy hiện ra tánh viên thành thật chân thật. Ngược lại, tự tánh biến kế sở chấp không hiện ra. Vì vậy, thức của biến kế sở chấp là không chân thật ấy và tự tánh y tha khởi là bao gồm cả hai thành phần. Giống như địa giới ở trong vàng bên trong đất.”
(xxi) Cf.: “མདོར་བསྡུ་ན་རྣམ་པ་གཉིས་ཏེ། བག་ཆགས་ཀྱི་ས་བོན་གྱི་ གཞན་གྱི་དབང་དང་། ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་པ་དང་། རྣམ་པར་བྱང་བའི་ངོ་བོ་ཉིད་ཡོངས་སུ་མ་གྲུབ་པ་གཞན་གྱི་དབང་སྟེ། Mys, p. 40. “Nếu như vậy thì trong tự tánh y tha khởi có những phẩm loại nào? Nói tổng quát thì có hai loại: loại nhờ vào cái khác mà có chủng tử của tập khí, loại nhờ vào cái khác mà không thành tựu hoàn toàn cái tự tánh nhiễm ô và thanh tịnh.”
18 Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. trung, T. 31, tr. 139c.
(xxii) Cf.: “pañca dharmāḥ svabhāvaśca vijñānānyaṣṭa eva ca /
dve nairātmye bhavetkṛtsno mahāyānaparigrahaḥ //ˮ Sla, p. 93.
19 Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 5, T. 16, tr. 620.
(xxiii) Cf.: “།རྟག་པའི་སངས་རྒྱས་ས་ཡང་ངོ་། །ཆོས་རྣམས་ལྔ་ཡི་རང་བཞིན་དང་། །རྣམ་པར་ཤེས་པ་བརྒྱད་རྣམས་དང་༑ །བདག་མེད་གཉིས་པོ་རབ་རྟོགས་ནས།ˮ Gh, p. 43.
(xxiv) Cf.: “།ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་ཚུལ་དགེ་ནི། །མཆོག་ཏུ་ཕྲ་ཞིང་དཀོན་པ་སྟེ། །གཞན་དུ་གྱུར་པའི་ཚུལ་གྱི་མཆོག །རྟོག་པ་ཅན་གྱི་ཡུལ་མ་ཡིན་། །རྣམ་པར་ཤེས་པ་བརྒྱད་ཀྱི་ཡུལ༑ །རང་བཞིན་རྣམས་ལ་ཁྱད་པར་བྱེད་། །བདག་མེད་ཉིད་ནི་ལྔ་པོ་ཡི། །དེ་བཞིན་ཁྱད་པར་བྱེད་པས་ན།ˮ Gh, p. 123.
20 Đại thừa Mật nghiêm kinh, q. thượng, T. 16, tr. 730b; và q. hạ, tr. 746a-b.
21 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 3, T. 31, tr. 606a-607b. Nhiếp Đại thừa luận bổn, q. hạ, T. 16, 149a-c. Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận 7, T. 31, tr. 690c.
22 Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 1, T. 16, tr. 591c; và q. 1, tr. 596b.
(xxv) Cf.: “kuśalākuśalāḥ punarmahāmate yaduta aṣṭau vijñānāni / katamānyaṣṭau? yaduta tathāgatagarbha ālayavijñānasaṃśabdito mano manovijñānaṃ ca pañca ca vijñānakāyāstīrthyānuvarṇitāḥ /” Sla, p. 95. “Lại nữa, này Đại Huệ! Thiện và bất thiện chính là tám thức. Tám thức ấy là những gì? Đó là Như lai tạng được gọi là thức a-lại-da, ý, ý thức và năm thức thân, chúng chẳng phải do ngoại đạo thuyết.”
23 Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 4, T. 16, tr. 512b. Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 5, T. 16, tr. 621c. Nhập Lăng-già kinh 8, T. 16, tr. 559b, chỉ nói ‘a-lê-da thức’.
(xxvi) Cf.: “atha khalu mahāmatirbodhisattvo mahāsattvaḥ punar api bhagavantamadhyeṣate sma deśayatu me bhagavān, deśayatu me sugataḥ skandhadhātvāyatanānāṃ pravṛttinivṛttim / asatyātmani kasya pravṛttirvā nirvṛttirvā? bālāśca pravṛttinivṛttyāśritā duḥkha-kṣayānavabodhānnirvāṇaṃ na prajānanti /” Sla, p. 90. “Bấy giờ Bồ-tát Đại Huệ lại thỉnh cầu đức Thế tôn: Xin đức Thế tôn chỉ dạy cho con, xin đấng Thiện Thệ chỉ dạy cho con về sự khởi và diệt của các uẩn, xứ, giới. Nếu không có ngã, thì cái gì khởi hay diệt? Và những kẻ phàm phu, vốn y cứ nơi sanh diệt, vì chưa tỏ ngộ sự chấm dứt đau khổ, họ sẽ không hiểu được niết-bàn.”
(xxvii) Cf.: “tathāgatagarbho mahāmate kuśalākuśalahetukaḥ sarva-janmagatikartā pravartate naṭavadgatisaṃkaṭa ātmātmīyavarjitaḥ / tadanavabodhātrisaṃgatipratyayakriyāyogaḥ pravartate / na ca tīrthyā avabudhyante kāraṇābhiniveśābhiniviṣṭāḥ / anādikālvividha-prapañcadauṣṭhulyavāsanāvāsitaḥ ālayavijñānasaṃśabdito 'vidy-āvāsanabhūmijaiḥ saptabhirvijñānaiḥ saha mahodadhitaraṃgavan-nityamavyucchinnaśarīraḥ pravartate anityatādoṣarahita ātmavāda-vinivṛtto 'tyantaprakṛtipariśuddhaḥ / tadanyāni vijñānānyutpannāpa-vargāni manomanovijñānaprabhṛtīni kṣaṇikāni” Sla, p. 90. “Này Đại Huệ! Như lai tạng là động lực thúc đẩy thiện và bất thiện, là tác giả tạo nên các nẻo đời cho mọi loài, y như một vũ công, nó nhảy múa trên ngõ đời nhỏ hẹp mà vẫn tách rời ngã và ngã sở. Vì không hiểu rõ điều ấy nên mối liên kết nhân quả để hiệp sanh ba cõi mới hiện hành. Các ngoại đạo chấp trước vào một tác nhân, họ không hiểu rằng cái có thân hình không đứt đoạn, được mệnh danh là a-lại-da thức bị huân tập đủ thứ tật xấu hý luận từ vô thỉ bởi các loại cấp độ huân tập của vô minh, nó luôn luôn chuyển động cùng với bảy thức, y như sóng dậy giữa đại dương mà vẫn tách rời khuyết điểm vô thường, viễn ly ngã luận và tuyệt đối thanh tịnh với bản tánh của nó.”
(xxviii) Cf.: “etadeva mahāmate mayā śrīmālāṃ devīmadhikṛtya deśanāpāṭhe anyāṃśca sūkṣmanipuṇaviśuddhabuddhīn bodhisattv-ānadhiṣṭhāya tathāgatagarbha ālayavijñānasaṃśabditaḥ saptabhir-vijñānaiḥ saha pravṛttyabhiniviṣṭānāṃ śrāvakāṇāṃ dharmanair-ātmyapradarśanārthaṃˮ Sla, p. 91.
(xxix) Cf.: “garbhastathāgatānāṃ hi vijñānaiḥ saptabhiryutaḥ /ˮ Sla, p. 91.
24 Nhập Lăng-già kinh 7, T. 16, tr. 556b-c. Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 4, T. 16, tr. 510a-b.
(xxx) Cf.: “བཅོམ་ལྡན་འདས་འདི་ལྟར་ཆོས་བདུན་པོ་འདི་དག་ནི་མི་གནས་པ་དང་། སྐད་ཅིག་པ་དང་། སྡུག་བསྔལ་རྣམས་མྱོང་བ་མ་ལགས་པས་ཆོས་དེ་དག་ནི་སྡུག་ བསྔལ་ལ་སྐྱོ་བ་དང་། མྱ་ངན་ལས་འདས་པ་ལ་འདོད་ཅིང་དོན་དུ་གཉེར་བ་སྨོན་པར་མི་རིགས་སོ། ” Srm, p. 759. “Bạch đức Thế tôn! Như vậy, vì bảy pháp này không dừng trụ, có tánh sát-na, không phải là trải nghiệm các thứ khổ nên các pháp ấy chán ghét khổ, không thể ham muốn, truy tìm, nguyện cầu niết-bàn.”
(xxxi) Cf.: “།བཅོམ་ལྡན་འདས་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་ནི་རྟག་པ་དང་། བརྟན་པ་དང་། ཐེར་ཟུག་པ་ལགས་སོ།” Srm, p. 758. Bạch đức Thế tôn! Như lai tạng là thường, kiên cố, hằng.ˮ
25 Thắng Man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, T. 12, tr. 222b. Đại Bảo tích kinh, (48) Thắng Man phu nhân hội, T. 11, tr. 677c.
(xxxii) Cf.: “tadyathā mahāmate ghaṭakapālābhāvo ghaṭakṛtyaṃ na karoti, nāpi dagdhabījamaṅkurakṛtyaṃ karoti, evameva mahāmate ye skandhadhātvāyatanabhāvā niruddhā nirudhyante nirotsyante, svacittadṛśyavikalpadarśanāhetutvānnāsti nairantaryapravṛttiḥ //” Sla, p. 19. “Này Đại Huệ! Giống như mảnh vỡ của chiếc bình không làm được việc của chiếc bình; hạt giống bị đốt cháy không thể nảy mầm được, cũng như vậy, này Đại Huệ! Những thứ uẩn, xứ, giới mà đã diệt, đang diệt, sẽ biệt, chúng không sanh khởi liên tục vì chúng chỉ là ảo giác của vọng tưởng hiện ra trong tự tâm chứ không có nguyên nhân.”
26 Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 1, T. 16, tr. 483c.
(xxxiii) Cf.: “dvividhaṃ mahāmate vijñānaṃ saṃkṣepeṇa aṣṭalakṣaṇ-oktaṃ khyātivijñānaṃ vastuprativikalpavijñānaṃ ca / yathā mahā-mate darpaṇasya rūpagrahaṇam, evaṃ khyātivijñānasyākhyāsyati / khyātivijñānaṃ ca mahāmate vastuprativikalpavijñānaṃ ca / dve 'pyete 'bhinnalakṣaṇe 'nyonyahetuke / tatra khyātivijñānaṃ mahā-mate acintyavāsanāpariṇāmahetukam / vastuprativikalpavijñānaṃ ca mahāmate viṣayavikalpahetukamanādikālaprapañcavāsanāhetukaṃ ca //… evameva mahāmate pravṛttivijñānānyālayavijñānajāti-lakṣaṇādanyāni syuḥ, anālayavijñānahetukāni syuḥ / athānanyāni pravṛttivijñānanirodhe ālayavijñānavirodhaḥ syāt, sa ca na bhavati svajātilakṣaṇanirodhaḥ / tasmānmahāmate na svajātilakṣaṇanirodho vijñānānāṃ kiṃ tu karmalakṣaṇanirodhaḥ / svajātilakṣaṇe punar-nirudhyamāne ālayavijñānanirodhaḥ syāt /ˮ Sla, p. 18.
(xxxiv) Cf.: “na cānyena ca nānanyena taraṃgā hyudadhermatāḥ / vijñānāni tathā sapta cittena saha saṃyutāḥ // 2.102 // udadheḥ pariṇāmo 'sau taraṃgāṇāṃ vicitratā / ālayaṃ hi tathā citraṃ vijñān-ākhyaṃ pravartate // 2.103 //ˮ Sla, p. 21.
(xxxv) Luận Bảo tánh dẫn: “tathāgatagarbha iti śāriputra dharma-kāyasyaitad adhivacanam |ˮ Rgv, p. 2. Này Xá-lợi-phất! Như lai tạng này là từ đồng nghĩa của pháp thân
(xxxvi) Luận Bảo tánh dẫn: “ayameva śāriputra dharmakāyo 'paryanta-kleśakośakoṭigūḍhaḥ / saṃsārastrotasā uhmamāno 'navarāgrasaṃ-sāragaticyutyupapattiṣu saṃcaran sattvadhāturityucyate / Rgv, p. 40. Này Xá-lợi-phất! Chính pháp thân này bị vô lượng vạn ức tạng phiền não che lấp, do sự lưu chuyển trong luân hồi, từ vô thỉ đến nay đang trôi lăn trong sự sống chết của dòng luân hồi nên được gọi là chúng sanh giới.ˮ
27 Bất tăng bất giảm kinh, T. 16, tr. 467a-b.
(xxxvii) Cf.: “tasmāttarhi mahāmate tathāgatagarbhaḥ ālayavijñāna-saṃśabdito viśodhayitavyo viśeṣārthibhirbodhisattvairmahāsattvaiḥ // yadi hi mahāmate ālayavijñānasaṃśabditastathāgatagarbho 'tra na syāditi asati mahāmate tathāgatagarbhe ālayavijñānasaṃśabdite na pravṛttirna nivṛttiḥ syāt /ˮ Sla, p. 90.
(xxxviii) Cf.: “ālayavijñāne nāsti saptānāṃ pravṛttivijñānānāṃ nirodhaḥ /ˮ Sla, p. 90.
28 Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 5, T. 16, tr. 619c.
29 Xin xem: Ấn Thuận, Như lai tạng chi nghiên cứu, Chương 8, tr. 239-248.
(xxxix) Cf.: “དེ་ལྟར་ཀུན་གཞི་རྣམ་ཤེས་ཀྱང་། །རྟག་ཏུ་བག་ཆགས་ལྡན་འགྱུར་བ། །རྣམ་པར་ཤེས་པ་བདུན་པོ་དང་། །འགྲོགས་ཀྱང་འདྲེ་བ་མེད་པ་སྟེ། །ཀུན་ནས་ཉོན་མོངས་རྣམ་བྱང་དང་། །རྣམ་པར་དག་པའི་རྒྱུ་ཡང་དེ།ˮ Gh, p. 83.
(xl) Cf.: “རྐྱེན་རྣམས་ཀུན་གཞི་མ་བྱས་ཏེ། །རྐྱེན་གྱིས་ཀུན་གཞི་བྱས་པ་མིན། །འདི་དག་ལ་ནི་གསུམ་འདུས་མེད། །རྣམ་ཤེས་འོན་ཀྱང་འཁོར་བ་སྟེ།ˮ Gh, p. 96.
30 Đại thừa Mật nghiêm kinh, q. trung, T. 16, tr. 765a; và, q. hạ, tr. 768b.
(xli) Cf.: “།མྱ་ང་ན་འདས་དང་ནམ་མཁའ་བཞིན། །སོ་སོར་མ་བརྟགས་འགོག་པ་ལྟར། །དུས་གསུམ་རྣམ་པར་སྤངས་པ་སྟེ། །འོད་ཅན་རྟག་ཏུ་དག་པ་ནི༑ །ལུས་ཅན་ཀུན་གྱི་ཀུན་གཞིའོ།ˮ Gh, p. 82.
31 Đại thừa Mật nghiêm kinh, q. trung, T. 16, tr. 737c.
(xlii) Cf.: “།མཐའ་བཞི་རྣམ་པར་སྤངས་པ་ཡིན། །དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་སྙིང་པོ་དག །སྤྲུལ་པ་ཡེ་ཤེས་སྒྲར་ཡང་གྲག །ཕན་ཚུན་སྙིང་པོ་ཐ་མི་དད། །དེ་ནི་སོར་གདུབ་བཞིན་དུ་གནས། །ས་རྣམས་སྣ་ཚོགས་ཀུན་གཞི་སྟེ། །བདེ་གཤེགས་སྙིང་པོ་དགེ་བའང་དེ། །སྙིང་པོ་དེ་ལ་ཀུན་གཞི་སྒྲས། །དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་སྟོན་པ་མཛད། །སྙིང་པོ་ཀུན་གཞིར་བསྒྲགས་པར་ཡང་། །བློ་ཞན་རྣམས་ཀྱིས་མི་ཤེས་སོ།ˮ Gh, p. 126.
(xliii) Cf.: “pratyātmagatigamyaśca ātmā vai śuddhilakṣaṇam / garbhastathāgatasyāsau tārkikāṇāmagocaraḥ // 10.746 //ˮ Sla, p. 156.
32 Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 7, T. 16, tr. 637b. Nhập Lăng-già kinh 10, T. 16, tr. 583a.
(xliv) Cf.: “tīrthadoṣairvinirmuktaṃ nairātmyavanadāhakam / jājva-latyātmavādo 'yaṃ yugāntāgnirivotthitaḥ // 10.766 //… pañcadhā gṛhyamāṇaśca ātmā skandhasamucchraye / na ca paśyantyavid-vāṃso vidvān dṛṣṭvā vimucyate // 10.768 //ˮ Sla, p. 157.
33 Trung luận 4, T. 30, tr. 29c.
(xlv) Cf.: “ātmā hi tadvatskandheṣu ayuktijño na paśyati // 10.760 //ˮ Sla, p. 157.
34 Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 7, T. 16, tr. 637c.
(xlvi) Cf.: “།རྣམ་ཤེས་བརྒྱད་པོའི་སྐྱེས་པུ་ནི། །ཀུན་གཞི་ཞེས་ཀྱང་བྱ་བ་སྟེ། །དེས་ནི་སྣ་ཚོགས་འདི་དག་ཀུན། རྫ་མའི་འཁྲུལ་འཁོར་བཞིན་དུ་བསྐོར། །ཏིལ་བཀྲུམ་ཏིལ་མར་ཇི་པཞིན་དུ། ལན་ཚྭའི་ཚ་བྲོ་ཇི་ལྟ་པུར། །གཟུགས་ལ་མི་རྟག་ཉིད་ཇི་བཞིན། །སྐྱེས་པུ་འདི་ཡང་དེ་པཞིན་གནས། །ཇི་ལྟར་པསུང་ལ་སོགས་ལས་དྲི། །ཡོན་ཏན་རྣམས་ལ་ཡོན་ཏན་མཚན་ །ཉི་ཟླ་གཉིས་ཀྱི་འོད་ཟེར་བཞིན། །དེ་ལྟར་སྐྱེས་པུ་གནས་པ་ཡིན། །དགོས་དང་བྱེད་པ་མེད་པ་སྟེ། །ཡོད་དང་མེད་ཀྱི་ཕྱོགས་ཀྱིས་སྤངས། གཅིག་དང་ཐ་དད་མེད་པ་སྟེ། མུར་འདུག་ཕྱོགས་ཀྱིས་རྣམ་པར་སྤངས། །རྗེས་སུ་འགྲོ་བའི་ཤེས་པ་མེད། །ནམ་ཡང་རྣམ་པར་མི་བརྟག་སྟེ། །གྲོལ་པའི་སོ་སོ་རང་རིག་པ། །སངས་རྒྱས་སར་སྐྱེས་ཐུབ་ཅན་གྱི། །གཟུང་དང་འཛིན་པ་མེད་པ་སྟེ། །སྔ་མེད་སེམས་དང་སེམས་བྱུང་གིས།ˮ Gh, p. 47.
35 Đại thừa Mật nghiêm kinh, q. trung, T. 16, tr. 731a-b.
(xlvii) Cf.: “aṣṭaghā navadhā citraṃ taraṃgāṇi mahodadhau // 10.13 //ˮ Sla, p. 107.
36 Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 6, T. 16, tr. 625a. Nhập Lăng-già kinh 9, T. 16, tr. 565a. Đại thừa Mật nghiêm kinh, q. trung, T. 16, tr. 759c.
(xlviii) Cf.: “tathāgatānāmarhatāṃ samyaksaṃbuddhānāṃ bhāvasva-bhāvaparamārthahṛdayaṃˮ Sla, p. 19.
37 Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 1, T. 16, tr. 483b.
(xlix) Cf.: “samantabhadrasya tathāgatasyārhataḥ samyaksaṃbuddh-asya buddhakṣetreˮ Sla, p. 44.
38 Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 3, T. 16, tr. 603a.
(l) Cf.: “ཟླ་བ་དྲི་མ་མེད་པའི་སྙིང་པོ་ཞེས་བྱ་བའི་ཁང་སྟེངས་སུ་གཤེགས་སོ༑ །གཤེགས་ནས་ཀྱང་སྟུག་པོའི་རིས་ཀྱི་རྒྱན་སེང་གེའི་གདན་དམ་པ་ལ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་དང་ཐབས་ཅིག་ཏུ་བཞུགས་སོ།ˮ Gh, p. 5.
39 Đại thừa Mật nghiêm kinh, q. thượng, T. 16, tr. 723c.
(li) Cf.: “somagupteti nāmnāsau somavaṃśasamudbhavaḥ // 10.799 //ˮ Sla, p. 159.
40 Đại thừa Nhập Lăng-già kinh 7, T. 16, tr. 638c.
1 Xin xem: Ấn Thuận, Như lai tạng chi nghiên cứu, Chương 6, tr. 150-182.
(i) Cf.: “svabhāvārtho hetvarthaḥ phalārthaḥ karmārtho yogārtho vṛt[ti]y-artho” Rgv, p. 26. “Nghĩa tự tánh, nghĩa nhân, nghĩa quả, nghĩa nghiệp, nghĩa tương ứng, nghĩa thực hành.”
(ii) Cf.: “atra ṣaḍbhiḥ svabhāvahetuphalakarmayogavṛttyarthair buddhalakṣaṇaṃ paridīpitaṃ |” Msa, p. 180. “Ở đây, đặc tướng của đức Phật được trình bày bằng sáu nghĩa gồm: tự tánh, nhân, quả, nghiệp, tương ứng, thực hành.”
(iii) Cf.: “bījaṃ yeṣām agrayānādhimuktir mātā prajñā buddha-dharmaprasūtyai | garbhasthānaṃ dhyānasaukhyaṃ kṛpoktā dhātrī putrās te ’nujātā munīnām || 34 ||” Rgv, pp. 29-30. “Những ai có sự tin hiểu tối thượng thừa làm hạt giống, tuệ giác làm mẹ để sanh ra Phật Pháp, có sự ưa thích thiền định làm bào thai, từ bi làm dưỡng mẫu, thì họ đều là những đứa con tùy sanh của các đức Mâu-ni.”
(iv) Bản Skt. và Tib. không giải thích chi tiết, Cf.: “tatra janma bījamātṛgarbhadhātrīviśeṣādveditavyam.” Msa, p. 17. “Ở đây, cần phải biết rằng vì sự sanh, chủng tử, người mẹ, bào thai, nhũ mẫu đều thù thắng.”
2 Đại thừa trang nghiêm kinh luận 1, T. 31, tr. 593b.
3 Vô thượng y kinh, q. thượng, T. 16, tr. 471a.
4 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 3, T. 31, tr. 829b.
(v) Cf.: “buddhadhātur buddhabodhir buddhadharmā buddhakṛtyam | gocaro ’yaṃ nāyakānāṃ śuddhasattvair apy acintyaḥ.” Rgv, p. 115. “Thế giới của Phật, tuệ giác của Phật, chánh Pháp của Phật, việc làm của Phật. Ngay cả những chúng sanh thanh tịnh của các bậc Đạo sư cũng không thể nghĩ thấu được cảnh giới này.” 
5 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 846c.
6 Vô thượng y kinh, q. thượng, T. 16, tr. 469b.
(vi) Cf.: “buddhaśca dharmaśca gaṇaśca dhāturbodhirguṇāḥ karma ca bauddhamantyam / kṛtsnasya śāstrasya śarīrametat samāsato vajra-padāni sapta // 1 //” Rgv, p. 1. “Phật, Pháp, Tăng, giới, bồ-đề, các phẩm chất, nghiệp [việc làm] là tối hậu của Phật. Bảy phạm trù tổng quát này là thân thể [chủ đề] của toàn bộ luận.”
(vii) Cf.: “āśraye tatparāvṛttau tadguṇeṣv arthasādhane | caturvidhe jina-jñānaviṣaye ’smin yathodite.” Rgv, p. 116. “Đề tài về tuệ giác của Như lai này được thuyết giảng qua 4 loại là sở y, thay đổi sở y, các phẩm chất của sở y và sự thành tựu mục đích.”
(viii) Cf.: “saṃbuddhakāyaspharaṇāt tathatāvyatibhedataḥ / gotrataśca sadā sarve buddhagarbhāḥ śarīriṇaḥ // 28 //” Rgv, p. 26. “Vì sự rộng khắp của pháp thân bậc Chánh giác nên chân như không có sự khác biệt. Và chủng tánh luôn luôn [hiện hữu] nên các chúng sanh đều có Phật tạng.”
(ix) Cf.: “buddhajñānāntargamāt sattvarāśestannairmalyasyādvayatvāt pra-kṛtyā / bauddhe gotre tatphalasyopacārāduktāḥ sarve dehino buddhagarbhāḥ // 27 //” Rgv, p. 26. “Vì Phật trí đi vào trong hết tụ chúng sanh, vì tự tánh không có sự nhiễm ô nên không phải là hai. Vì phạm trù của quả ấy ở trong chủng tánh Phật nên được nói là trong tất cả chúng sanh đều có Phật tạng.”
(x) Cf.: “āgantukakleśamalāvṛteṣu sattveṣu tadvat sthita eṣa dhātuḥ // 97 //ˮ Rgv, p. 60.
7 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 837a.
(xi) Cf.: “aśuddho 'śuddhaśuddho 'tha suviśuddho yathākramam / sattvadhāturiti prokto bodhisattvastathāgataḥ // 47 //ˮ Rgv, p. 40.
(xii) Cf.: “pṛthivyambau jalaṃ vāyau vāyurvyomni pratiṣṭhitaḥ /
apratiṣṭhitamākāśaṃ vāyvambukṣitidhātuṣu // 55 // skandhadhātv-indriyaṃ tadvatkarmakleśapratiṣṭhitam / karmakleśāḥ sadāyoni-manaskārapratiṣṭhitāḥ // 56 // ayoniśomanaskāraścittaśuddhiprati-ṣṭhitaḥ / sarvadharmeṣu cittasya prakṛtistvapratiṣṭhitā // 57 //… na hetuḥ pratyayo nāpi na sāmagrī na codayaḥ / na vyayo na sthitiścittaprakṛtervyomadhātuvat // 62 //ˮ Rgv, pp. 42-43. “Đất trụ vào nước, nước trụ vào gió, gió trụ vào hư không. Hư không không trụ vào các giới gió, nước, đất./55/ Không có nhân, không có duyên, không có hòa hợp, không có ly gián. Bổn tánh của tâm không có đi, không có dừng, giống như hư không giới./62/ ˮ
(xiii) Cf.: “viparyastāyāḥ saṃjñāyā apratiṣṭhā mūlam /… yan mañju-śrīḥ apratiṣṭhānaṃ tasya kiṃ mūlaṃ bhaviṣyati | iti hy apratiṣṭhānamūlapratiṣṭhitāḥ sarvadharmāḥ |” Vkn, p. 268. “Thưa ngài Văn-thù-sư lợi! Sự vô trụ ấy sẽ có cơ sở gì? Sự trụ của tất cả pháp đều lấy vô trụ làm cơ sở.”
8 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. trung, T. 14, tr. 547c.
(xiv) Cf.: “yac cāvidyāsamutthānaṃ tad dvādaśānāṃ bhavāṅgānām asamutthānam |ˮ Rgv, p. 12.
(xv) Cf.: “tadyathā svabhāvārtho hetvarthaḥ phalārthaḥ karmārtho yogārtho vṛttyartho nityārtho 'cintyārthaḥ / Rgv, p. 79. “Đó là, nghĩa tự tánh, nghĩa nhân, nghĩa quả, nghĩa nghiệp, nghĩa tương ứng, nghĩa thực hành, nghĩa thường hằng, nghĩa không suy lường.ˮ
(xvi) Không tịch空寂, Skt. śūnyatā-śānta.
(xvii) Cf.: “nāhaṃ bhaginyo yuṣmākaṃ paribhavāmi | aparibhūtā yūyam | tatkasya hetoḥ? sarvā yūyaṃ bodhisattvacaryāṃ caradhvam | bhaviṣyatha yūyaṃ tathāgatā arhantaḥ samyak-saṃbuddhāḥ |ˮ Sp, p. 225.
9 Diệu pháp liên hoa kinh 6, T. 9, tr. 50c.
(xviii) Cf.: “evaṃ hi mahāmate tathāgatagarbhopadeśamātmavād-ābhiniviṣṭānāṃ tīrthakarāṇāmākarṣaṇārthaṃ tathāgatagarbhopadeś-ena nirdiśanti.” Sla, p. 33. “Giảng giải về Như lai tạng là nhằm dẫn dắt các ngoại đạo chấp trước về thuyết ngã, họ được giải thích bằng sự giảng giải về Như lai tạng.”
10 Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh 2, T. 16, tr. 489b.
11 Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh luận 4, T. 31, tr. 840b-c.
(xix) དཀྱིལ་འཁོར་ཆེན་པོ, དམ་ཚིག་གི་དཀྱིལ་འཁོར་, ཆོས་ཀྱི་དཀྱིལ་འཁོར་, ལས་ཀྱི་དཀྱིལ་འཁོར་ Khyab, p.153
(xx) ཕྱག་ཆེན་སྐུ་དམ་རྒྱ་ཐུགས་ཆོས་རྒྱ་གསུང་ལས་རྒྱ་འཕྲིན་ལས་ཡིན་​… Khyab, p. 152.
(xxi) Cf.: “རྡོར་དབྱིངས་དང། ཁམས་གསུམ་རྣམ་རྒྱལ་དང༏ འགྲོ་འདུལ་དང། དོན་གྲུབ་ཀྱི་དུམ་བུའོ།ˮ Khyab, p. 150.
12 Đại Đường nội điển lục 4, T. 55, tr. 269b.