CHƯƠNG 3. SỰ LƯU TRUYỀN VỀ BỔN SANH, THÍ DỤ, NHÂN DUYÊN

CHƯƠNG 3. SỰ LƯU TRUYỀN VỀ BỔN SANH, THÍ DỤ, NHÂN DUYÊN

Tiết 1. Những Thánh điển liên quan với Phật, Bồ-tát

Mục 1. Thứ tự thành lập của 9 (12) phần giáo

Phát tâm Bồ-tát, tu hành, thành Phật là nội dung chủ yếu của pháp Đại thừa. Bổn sanh (Jātaka), Bổn sự (Avadāna), Nhân duyên (Nidāna), 3 bộ Thánh điển này chính là nguồn gốc chủ yếu của tư tưởng Đại thừa.
Thánh điển thuộc thời kỳ sớm nhất của Phật Pháp không ngoài Pháp (Dharma) và Tỳ-ni (Vinaya). Pháp là thứ thuộc về nghĩa lý, thuộc về sự tu chứng định và huệ; Tỳ-ni là thứ thuộc về giới luật, chế độ của Tăng-già. Nội dung của Pháp được kết tập thời nguyên thỉ, Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) cho là 4 bộ A-hàm (Āgama); ngoài 4 bộ A-hàm ra, có riêng Tạp tạng. Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) chia làm 5 bộ, ngoài Tương ưng bộ, Trung bộ, Trường bộ, Tăng chi bộ tương đương với 4 bộ A-hàm ra, còn có Tiểu bộ. Khuddaka có nghĩa là nhỏ, lẫn lộn, tương đương với Tạp tạng của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Bộ phận này, hoặc thuộc về Pháp – tạng Kinh, hoặc được biên tập ở ngoài tạng Kinh, cố nhiên là do Bộ phái khác nhau, cũng có ý nghĩa quan trọng bên trong. Nếu như căn cứ vào 4 A-hàm kinh và tạng Luật, đối với nguồn gốc của tư tưởng Đại thừa, không thể đủ rõ ràng được. Nếu như căn cứ vào một cách phân loại khác của Phật Pháp, 9 phần giáo hoặc 12 phần giáo (hoặc dịch 12 bộ kinh), từ các bộ Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên, v.v., trong 12 phần giáo, lý giải ý nghĩa và quá trình thành lập của chúng, đối với nguồn gốc của tư tưởng Đại thừa, tôi tin rằng sẽ được minh bạch dễ dàng hơn nhiều!
Chín phần giáo là: Tu-đa-la (Sūtra), Kỳ-dạ (Geya), Ký thuyết (Vyākaraṇa), Già-đà (Gāthā), Ưu-đà-na (Udāna), Bổn sự (Itivṛttaka, P. Itivuttaka, hoặc dịch là Như thị ngữ), Bổn sanh, Phương quảng (Vaipulya, P. Vedalla, hoặc dịch là Hữu minh), Vị tằng hữu pháp (Adbhuta-dharma). Lại thêm vào Thí dụ, Nhân duyên, Luận nghị (Upadeśa) thì thành 12 phần giáo. Chín phần giáo và 12 phần giáo, danh mục và thứ tự trước sau, quan hệ giữa 9 phần và 12 phần, xưa nay đã có rất nhiều thuyết khác nhau. Ở đây không bàn thêm nữa, chỉ theo kết luận từ sự nghiên cứu của tôi, trình bày sơ lược.1
Sau khi đức Thích tôn nhập niết-bàn, hàng đệ tử nhằm giữ gìn Phật Pháp không để mất đi, phát khởi kết tập, tức là cuộc kết tập ở thành Vương Xá (Rājagṛha). Bấy giờ là kết tập Pháp và Luật riêng biệt, mà nội dung đều chia làm 2 bộ: Tu-đa-la và Kỳ-dạ. Về phương diện ý nghĩa của Pháp, có liên quan đến các pháp như uẩn, xứ, duyên khởi, v.v., thì tùy theo loại mà biên tập, gọi là ‘Tương ưng’. Nhằm tiện lợi cho việc ghi nhớ, thể văn vô cùng ngắn gọn, căn cứ vào thể văn – ‘trường hàng tản thuyết’(a) nên gọi là ‘Tu-đa-la’ (Kinh). Những kinh được biên tập thành này, 10 sự biên thành 1 kệ(b) để tiện đọc tụng, ghi nhớ. Những kệ được kết tập này cũng dựa vào thể văn nên gọi là ‘Kỳ-dạ’. Sau đó, lại biên tập phần kệ tụng thông tục hóa (những bài tụng của 8 chúng),(c) phụ thêm vào bài kệ kết tập, gọi chung là ‘Kỳ-dạ’. Đây là 2 bộ lớn của Pháp được kết tập thời nguyên thỉ. Về phương diện Luật chế, cũng chia thành 2 bộ phận: Pháp được biên tập thành văn do Phật chế - Học xứ (Śikṣāpada), tùy loại mà biên tập, gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa (Prātimokṣa), là Tu-đa-la. Các hạng mục liên quan đến qui chế của Tăng-già như thọ giới, bố-tát, v.v., thì biên tập thành ‘tùy thuận pháp kệ’, là Kỳ-dạ của Luật bộ, trở thành nguồn gốc của Ma-đắc-lặc-già (Māṭrkā) và Kiền-độ (Khandha) đời sau. Đây là nội dung của cuộc kết tập thời nguyên thỉ, có phải được các nhà kết tập đời sau luận định là chuẩn mực của Phật Pháp hay không?
Phật Pháp, trong quá trình khai triển. Về phương diện kệ tụng thì được truyền ra không ngừng, có nhiều kệ được truyền đến từ Phật giáo ở nơi biên địa. Theo tính chất, hoặc gọi là ‘Ưu-đà-na’ – ‘Tự thuyết’, hoặc gọi là ‘Già-đà’. Khởi đầu, những bộ này đều từng được gọi tổng quát là Kỳ-dạ, về sau truyền ra nhiều hơn, mới phân biệt thành 2 bộ khác nhau. Về phương diện trường hàng, hoặc là truyền ra mới; hoặc là hàng đệ tử phân biệt, vấn đáp đối với giáo nghĩa có sẵn; hoặc là được làm nhằm giáo hóa phù hợp với hàng tại gia thông thường. Những ‘lời do hàng đệ tử thuyết,’ ‘lời do đức Như lai thuyết’ gọi là ‘Ký thuyết’. Ký thuyết, hình thức là phân biệt và vấn đáp; nội dung xem trọng về sự tướng và nghĩa lý sâu sắc, tiềm ẩn, những lời xác định được rõ ràng, chính xác. Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Ký thuyết – 3 phần, ở trên, tổng hợp lại, thì nội dung tương đương với Tạp A-hàm kinhTương ưng bộ. Năm loại phần giáo ở trên là dựa vào thể văn để phân biệt, được thành lập sớm nhất. Không lâu sau, lại có phần giáo khác nhau truyền ra. Về phương diện ý nghĩa của Pháp, hoặc căn cứ vào sự tăng thêm 1 pháp nên biên tập thành Phật thuyết, không có nói rõ đây là nói cho ai, nói ở đâu, mà chỉ nói là Phật thuyết cho hàng tỳ-kheo, gọi đó là ‘Bổn sự’ (hoặc ‘Như thị ngữ’). Hoặc kế thừa phong cách của Ký thuyết, phân biệt càng rộng hơn, vấn đáp càng rộng hơn, cũng trọng về việc xiển dương ý nghĩa sâu sắc, gọi là ‘Phương quảng’ (hoặc ‘Hữu minh’). Ngoài ra, còn có những chuyện có liên quan đến đời sống trong quá khứ. Hoặc ‘từ xưa lần lượt truyền đến nay, không nói rõ người thuyết, nơi bàn, lý do nói việc đó,”2 cũng gọi là ‘Bổn sự’. Bổn sự, hoặc dịch là Vô bổn khởi, chính là không biết nói tại nơi nào, nói cho ai, mà chỉ là truyền thuyết từ xưa như vậy. Lại nữa, có khi nhằm trình bày việc hiện tại, nêu ra đời sống trong quá khứ, từng trải qua những sự tình tương tợ như vậy. Sau cùng kết luận rằng: vị nào đó trong quá khứ chính là chính đức Thích tôn hoặc hàng đệ tử. Tuyên thuyết những chuyện trong đời quá khứ như thế này, gọi là ‘Bổn sanh’. Bổn sự và Bổn sanh đều là những chuyện có liên quan đến đời sống quá khứ. Lại nữa, có chuyện nói về những công đức đặc thù, hi hữu mà Phật và hàng đệ tử có được, gọi là ‘Thậm hi hữu sự’. Bốn phần sau là căn cứ vào nội dung để phân biệt. Bổn sự, Bổn sanh, Thậm hi hữu sự đều là truyền thuyết về những sự thật này.
Phật nhập diệt được 1 thế kỷ, Thánh điển đã được tổng hợp thành ‘9 phần giáo’. Chín phần giáo không chỉ là phân biệt theo thể văn và tính chất, vào lúc ấy, quả thật có bộ loại khác nhau. Hẳn phải là sự kiện của cuộc kết tập lần thứ 2! Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Ký thuyết – 3 phần, của thời nguyên thỉ, đã được biên tập thành Tương ưng bộ. Bộ phận phát sanh về sau của 3 phần đó và Bổn sự, Phương quảng, v.v., biên tập riêng biệt thành Trung bộ, Trường bộ, Tăng chi bộ. Kỳ-dạ được giải thích là tụng lại [trùng tụng]; phần kệ tụng gồm Ưu-đà-na và Già-đà, v.v., đa số rất lớn không được biên tập them. Về phương diện Luật chế, Ba-la-đề-mộc-xoa đã có phân biệt, giải thích, có địa vị tương đương với Ký thuyết. Ma-đắc-lặc-già đã thành lập, nhưng vẫn không biên tập phân loại thêm một bước nữa, trở thành các bộ riêng gồm Kiền-độ, v.v. Sự biên tập thành của Luật điển, so với Kinh điển phải trễ hơn nhiều. Vào lúc bấy giờ, bộ loại gồm có 9 phần giáo nhưng vẫn không có ‘Thí dụ’, ‘Nhân duyên’, ‘Luận nghị’. Ở đây không phải là nói không có các kinh điển có tính chất như thế, mà là vẫn không có biên tập thành bộ loại khác nhau. Như Mahāpadānasuttanta – kinh Đại Thí dụ của Trường bộ, chính là ‘Thí dụ’. Kinh Trường A-hàm được dịch sang Hán, gọi bài kinh đó là kinh Đại bổn, mà kinh trên nói: “Đây là nhân duyên ngọn nguồn của chư Phật… Phật thuyết kinh Đại Nhân duyên này,”3 đó là ‘Thí dụ’ (ngọn nguồn) mà lại là ‘Nhân duyên’. Đồng diệp bộ là bộ phái chỉ lập 9 phần giáo, nhưng trong Tiểu bộ có tập Thí dụ; trước Bổn sanh có Nhân duyên; ‘Nghĩa thích’ [giải thích ý nghĩa] chính là ‘Luận nghị’. Kỳ thật Luận nghị của thời kỳ sớm nhất, như Mahāpadesana, đã được biên tập vào Tăng chi bộ.4 Cho nên ở 9 phần giáo trở lên, thêm vào 3 phần gồm Thí dụ, v.v., trở thành 12 phần giáo, đều chẳng phải là cái mới có, mà chỉ là giữa các bộ phái phân loại khác nhau. Trong 3 phần sau, Thí dụ và Nhân duyên đều là sự thật của truyền thuyết.

Mục 2. Bổn sự, Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên

Bộ phận tự sự - Bổn sự (Itivṛttaka), Bổn sanh (Jātaka), Thí dụ (Avadāna), Nhân duyên (Nidāna) trong 12 phần giáo, đều có liên quan đến Phật và Bồ-tát đạo, Bổn sanh và Thí dụ thì có quan hệ càng lớn.
‘Bổn sự’: tự sự nên gọi là Bổn sự, là chuyện quá khứ mà ‘từ xưa lần lượt truyền lại’. Như quyển 126 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 660a) nói:
“Bổn sự là gì? Nghĩa là, trong các kinh tuyên thuyết những điều được thấy, được nghe về giai đoạn trước. Như nói: thời quá khứ có kinh thành lớn tên là Hữu Hương Mao, vua tên Thiện Kiến. Thời quá khứ có Phật tên là Tỳ-bát-thi, thuyết pháp như vậy cho hàng đệ tử. Thời quá khứ có Phật tên… Ca-diệp-ba, thuyết pháp như vậy cho hàng đệ tử. Những chuyện như vậy đó.”
Chuyện quá khứ mà luận Đại tỳ-bà-sa đã nói, có 2 loại: 1) Truyền thuyết cổ đại của dân tộc nước Ấn-độ: lấy chuyện vua Thiện Kiến (Sudarśana) ở thành Hương Mao (Kuśāvati) làm ví dụ, thế thì Lê-nỗ (Reṇu) và Đại Điển-tôn (Mahāgovinda),1 vua Kiên Cố Niệm (Dṛḍhanemi),2 vua Ma-ha Tỳ-kỳ-đa (Mahāvijita),3 dòng tộc Thích-ca (Śākya) và dòng họ Hắc (Kaṇhāyana),4 Đại Thiên vương (Mahādeva) và vua Di (Nimi),5 v.v., hẳn đều là thuộc về Bổn sự. 2) Chuyện của Phật quá khứ: luận đã nêu ra việc 7 vị Phật gồm Phật Tỳ-bà-thi (Vipaśyin), v.v., thuyết pháp cho hàng đệ tử, so với điều mà kinh Đại Bát-niết-bàn đã nói, 7 vị Phật thuyết Giới kinh cho hàng đệ tử, gọi là Y-đế-mục-đa-ca (tức Bổn sự) phù hợp với nhau.6 Lấy chuyện này làm ví dụ, vậy thì chuyện đệ tử của Phật Thi-khí (Śikhi),7 chuyện đệ tử của Phật Yết-câu-thổn-na (Krakucchanda),8 hẳn đều là thuộc về Bổn sự. Bổn sự, vốn là Phật giáo hóa các truyền thuyết của dân tộc Ấn-độ, khuếch trương thành chuyện của Phật quá khứ rất xa.
‘Bổn sanh’: dịch âm là Xà-đa-già, Xà-đà, v.v. Luận Thành thật nói: “Xà-đà-già, đó là nhân chuyện hiện tại mà nói về chuyện quá khứ.”9
Quyển 126 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 660a) nói:
“Sao gọi là Bổn sanh? Nghĩa là, trong các kinh, Phật tuyên thuyết những chuyện mà Ngài đã trải qua trong đời sống quá khứ, như các kinh Bổn sanh kể Ngài từng làm gấu, nai, v.v.; như Phật nhân việc của Đề-bà-đạt-đa, nói chuyện Bổn sanh 500 kiếp về trước.”
Sự khác biệt giữa Bổn sanh và Bổn sự là ở chỗ “căn cứ vào chuyện hiện tại để khởi lên các sự luận bàn, phải do căn cứ vào chuyện quá khứ để luận bàn rốt ráo.”10  Từ chuyện hiện tại nói đến chuyện quá khứ, lại quy kết đến các những vị nào đó ở quá khứ chính là chính đức Thích tôn hoặc hàng đệ tử trong đời hiện tại. Chuyện Bổn sanh mà Luật bộ truyền, liên quan đến Phật và hàng đệ tử, hoặc tốt hoặc xấu. Chuyện quá khứ mà Kinh bộ truyền – các câu chuyện thuộc truyền thuyết về các bậc Tiên Hiền hoặc dân gian của Ấn-độ, một phần được chỉ cho đời trước của đức Thích tôn. Như Đại Điển-tôn, “khi ấy, Ta là bà-la-môn Đại Điển-tôn.”11 Vua Đại Thiện Kiến (Mahāsudarśana), “Ta nhớ 6 lần chôn xá-lợi ở đây. Mà vua (Thiện Kiến) sống bằng pháp của bậc Chuyển luân vương,… lần thứ 7 chôn xá-lợi ở đây. Như lai (đời hiện tại) lần thứ 8 chôn xá-lợi ở đây.”12 Kinh Đào sư trong Trung bộ nói: “Bấy giờ, thanh niên Joṭipāla chính là Ta vậy.”13 Tương ưng bộ nói: “Ở đời trước, Ta là vua quán đảnh Sát-đế-lợi.”14 Đây đều là chỉ cho những chuyện quá khứ thuộc truyền thuyết, làm Bổn sanh của đức Thích tôn. Bổn sự mà có khuynh hướng biến thành Bổn sanh, trong Trung A-hàm kinh thuộc Hán dịch, rất là phổ biến. Như vua Đại Thiên,15 vua Đảnh Sanh (Māndhātṛ),16 trưởng giả Tùy-lam (Velāma),17 trưởng giả A-lan-na (Araka),18 đại sư Thiện Nhãn (Sunetra),19 v.v., đều nói ‘chính là Ta vậy,’ trở thành Bổn sanh của đức Thích tôn. Bổn sự mà chuyển hóa thành Bổn sanh, khởi đầu là nhằm thuyết minh: tuy công đức của các bậc Tiên Hiền là thù thắng, vi diệu, nhưng đã chấm dứt ở quá khứ (không rốt ráo); hiện tại thành Phật, mới là được giải thoát rốt ráo. Tóm thâu các công đức đẹp đẽ của bậc Tiên Hiền thuộc Ấn-độ, dẫn quy về sự giải thoát rốt ráo xuất thế. Cũng chính vì thế, công đức đẹp đẽ của các bậc Tiên Hiền – các nghiệp thiện của thế gian, trở thành sự thực hành thuộc về ‘nhân’ ở trong đời sống quá khứ của Phật, do đó dẫn đến phát sanh ra đạo Bồ-tát. Ngoài ra, chuyện Bổn sanh của Phật (đức Thích tôn) mà các Luật sư đã truyền, tuy cũng có vua, bề tôi, trưởng giả, bà-la-môn, nhưng dân thường, quỷ thần, bàng sanh – nai, voi, chim, v.v., cũng trở thành đời sống trước của đức Thích tôn: đây là Phật hóa các truyền thuyết dân gian Ấn-độ. Bổn sanh của đức Thích tôn, càng truyền càng nhiều, được truyền ở Tích-lan thuộc phương nam, Tiểu bộ có tập Bổn sanh, tổng cộng 547 truyện. Bổn sanh được truyền ở nước ta [Trung Quốc], như kinh Lục độ tập do Khương Tăng Hội dịch; kinh Bồ-tát bổn duyên do Chi Khiêm dịch; kinh Sanh do Trúc Pháp Hộ dịch. Nhưng rốt cục có bao nhiêu truyền thuyết về Bổn sanh, thì không thể xác định được.
‘Thí dụ’: là dịch nghĩa của A-ba-đà-na trong Phạn ngữ. Theo luận Đại tỳ-bà-sa đã dẫn – Trường thí dụ, Đại thí dụ, Đại bát-niết-bàn thí dụ,20 hoặc giải thích ý nghĩa nguyên thỉ của Thí dụ là những sự tích rực rỡ, đại để điều này có thể tin được. Nhưng mà, Thí dụ, tại phương Bắc, liên quan đến Phật và hàng đệ tử, cũng liên quan đến thiện và ác. Những Thí dụ này, lại kết hợp lẫn nhau với nhân duyên nghiệp báo; bộ loại của Thí dụ và Nhân duyên, có một số là không dễ phân biệt được. Như kinh Đại thí dụ, hoặc gọi là kinh Đại nhân duyên, chính là một trường hợp. Những Thí dụ mà kết hợp với Nhân duyên ấy, trong việc hoằng pháp theo thông tục lúc bấy giờ, đã sử dụng để làm chứng minh cho sự và lý, nên hoặc dịch là Thí dụ, Chứng dụ. Luận Đại trí độ đề cập đến ‘Bồ-tát thí dụ,’21 đây là những thí dụ có liên quan đến tư tưởng Phật và Bồ-tát. Xét Thí dụ được Đồng diệp bộ truyền, thì Tiểu bộ có tập Thí dụ, đều là kệ tụng, chia thành Phật thí dụ, Bích-chi Phật thí dụ, Trưởng lão thí dụ, Trưởng lão Ni thí dụ. Phật thí dụ là do chính Phật thuyết, tán thán khen ngợi sự trang nghiêm của quốc độ chư Phật; cuối cùng nêu ra 10 ba-la-mật-đa, cũng chính là những sự thực hành to lớn của Bồ-tát.22 Bích-chi Phật thí dụ23 là do ngài A-nan (Ānanda) thuyết. Trưởng lão thí dụ là 547 vị thuyết;24 Trưởng lão Ni thí dụ do 40 vị thuyết.25 Đây là chính những vị Thánh giả Thanh văn kể lại trong đời quá khứ xa xưa mình đã từng gặp Phật và Bích-chi Phật, v.v., bố thí, tu hành như thế nào. Từ đó, trong nhiều kiếp sống đã thọ nhận phước báo thuộc người và trời, sau cùng được xuất gia trong Phật pháp của đức Thích tôn, đắc được giải thoát rốt ráo. Căn cứ vào đây để xem xét truyền thuyết của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), trong Căn Hữu luật dược sự, tuy thứ tự có hơi xáo trộn, nhưng quả thật có bộ phận nội dung tương đồng. Phần Dược sự này có thể chia thành 2 chương lớn: 1) Phật thuyết những sự thực hành rộng lớn làm nhân để cầu chánh giác vô thượng trong những kiếp sống xa xưa. Chương này lại chia thành 2 đoạn: đoạn đầu là phần văn xuôi, từ chuyện vua Đảnh Sanh đến Đào luân sư thì chấm dứt.26 Tiếp theo là phần kệ tụng, tương đương với Phật thí dụ của Tiểu bộ.27 Tiếp theo, có đoạn  nữ ngoại đạo tên Chiên-già (Ciñcā) mang cái chậu để vu khống đức Phật,28 là văn xuôi, so với văn ở trên và dưới thì không được liên tiếp với nhau. Theo văn nghĩa để suy luận, thì đây là do sắp xếp nhầm lẫn, đúng ra nó phải thuộc về đoạn cuối cùng. 2) Phật và 500 đệ tử đến ao Vô nhiệt (Anavatapta), Ngài tự thuyết về nhân duyên nguồn gốc. Trước  hết Ngài thuyết về sự hơn kém về thần thông giữa Xá-lợi-phất (Śāriputra) và Mục-kiền-liên (Mahāmaudgalyāyana).29 Thứ đến do Đại Ca-diếp (Mahākāśyapa), v.v., tự nói về sự tu hành của bản thân mình, tổng cộng 35 người, đều nói bằng kệ tụng,30 so với Trưởng lão thí dụ của tập Thí dụ trong Tiểu bộ, là sự truyền thừa khác nhau về cùng một nguyên hình. Cuối cùng, Phật tự thuyết về những tội nghiệp đời quá khứ, nên đời nay phải chịu các quả báo như bị cây giáo bằng vàng đâm trúng, phải ăn lúa ngựa, v.v.31 Bồ-tát a-ba-đà-na chính là phần Phật thuyết về sự thực hành làm nhân của Bồ-tát trong đời quá khứ, đây là nguồn gốc quan trọng của tư tưởng Bồ-tát.
‘Nhân duyên’: nói theo thông thường, sự thuyết pháp và chế giới của đức Phật đều là có nhân duyên – vì ai mà Ngài thuyết pháp, vì ai mà Ngài chế giới. Nhưng trong cuộc kết tập nguyên thỉ, chỉ tường thuật trực tiếp pháp nghĩa và các giới điều, nhân duyên của sự thuyết pháp và chế giới là khi truyền thọ, giải thích rồi lưu truyền về sau. Nhân duyên như vậy, là không có bộ loại đặc thù. Có nhiều kệ tụng (thuyết pháp), không biết là thuyết như thế nào, vì vậy phải có nhân duyên. Như Nghĩa phẩm nhân duyên, tức là phần văn xuôi của kinh Nghĩa túc trong Hán dịch. Như phẩm Ba-la-diễn-na (phẩm Con đường đến bờ kia) của Tiểu bộ, trước khi nói 16 chương chính thức, có phần kệ mở đầu [Tự kệ];32 kinh Na-la-ca của Tiểu bộ cũng có kệ mở đầu.33 Đây là nhân duyên của việc thuyết pháp – kệ tụng. Trong Luật bộ, trong hệ Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavādin), Ca-diếp-duy sư (Kāśyapīya) tôn xưng truyện của Phật là ‘nhân duyên mà Phật đã trải qua’; Ni-sa-tắc sư (Mahīśāsaka) tôn xưng là ‘căn bản của tạng Tỳ-ni’.34 Truyện Phật của hệ Phân biệt thuyết bộ là khởi nguồn từ tạng Luật nhưng tổ chức riêng. Luật Đồng diệp bắt đầu nói từ việc đức Thích tôn thành Phật, độ 5 vị tỳ-kheo, nhiếp hóa chúng xuất gia, ‘thiện lai thọ cụ’, ‘tam quy thọ cụ’.(a) Phật độ 3 vị Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, tại thành Vương Xá chế lập ‘10 chúng cụ túc’ qua yết-ma bạch tứ.35 Luật Ngũ phần bắt đầu nói từ việc dòng tộc Thích-ca di chuyển đến vùng dưới chân núi Tuyết;36 luật Tứ phần bắt đầu nói từ việc vị vua được mọi người suy cử lên ở thời gian xa xưa, đều nói đến ‘10 chúng cụ túc’ thì dừng.37 Đây là ‘nhân duyên’ thiết lập nên Tăng-già. Luật Thuyết nhất thiết hữu bộ chú trọng về ‘nhân duyên’ dẫn đến phá Tăng. Bắt đầu nói từ (rất nhiều vua hoặc) việc Phật đản sanh, đến lúc trở về Ca-tỳ-la (Kapilavastu) độ dòng họ Thích-ca và Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) thì dừng, làm ‘nhân duyên’ mà về sau dẫn đến việc phá Tăng.38 cho nên 9 quyển đầu của Căn Hữu luật phá Tăng sự chính là truyện của Phật. Truyện Phật của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) gọi là Đại sự, cũng rút ra riêng từ trong tạng Luật. Như vậy, truyện ký của Phật là rút ra từ ‘nhân duyên’ (xây dựng Tăng hoặc phá Tăng) trong Luật, rồi được phát triển, biên tập thành. Bổn sanh của Tiểu bộ thuộc Nam truyền, phần đầu có ‘nhân duyên’ (nidāna), chia thành ‘nhân duyên xa’, ‘nhân duyên xa hơn’, ‘nhân duyên gần’. Bắt đầu nói từ lúc nhận lời thọ ký của Phật Nhiên Đăng (Dīpaṃkara), đến khi thành Phật, chuyển Pháp luân, trở về quê hương để hóa độ, thành lập tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) thì dừng.39 Phật ở Kỳ Viên thuyết Bổn sanh, cho nên đây là nhân duyên của Bổn sanh. ‘Nhân duyên’ ở trong Luật, với ‘nhân duyên của Bổn sanh’ đều là truyện ký của Phật. Ở trong truyện Phật, biểu hiện ra sự vĩ đại siêu việt thế gian của đức Phật-đà.

Mục 3. Truyền thuyết – tinh hoa đức hạnh của dân tộc Ấn-độ

Trong 12 phần giáo, bộ phận có liên quan đến Phật và Bồ-tát, các Thánh điển mà hiện tại có thể khảo xét thấy được, ở trên đã nói tóm lược đến rồi. Nhưng bộ phái thời cổ đại rất nhiều, Thánh điển của các bộ phái khác nhau  mà chưa từng được bảo tồn lại đương nhiên cũng rất nhiều. Cho nên dựa vào tư liệu chỉ có được này, không thể lý giải đầy đủ quá trình hình thành tư tưởng Đại thừa, chỉ có thể nói đến nguồn gốc sâu xa của nó mà tôi đã phát hiện được mà thôi.
Bổn sự (Itivṛttaka), Bổn sanh (Jātaka), Thí dụ (Avadāna), Nhân duyên (Nidāna) có liên quan đến những sự tích trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn, có thể liên hệ với nhau ít nhiều. Những chuyện trong đời sống quá khứ - Bổn sự, nếu giải thích là chuyện quá khứ của đức Thích tôn, thì Bổn sự ấy sẽ trở thành Bổn sanh. Thí dụ là những sự tích rực rỡ của các bậc Hiền Thánh; những Thí dụ thuộc về đức Thích tôn, từ quá khứ đến hiện tại, đều là Thí dụ. Những Thí dụ trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn thì thông nhau với Bổn sanh, Bổn sự. Hàm nghĩa của Nhân duyên rất nhiều, căn cứ theo người nào đó, chuyện nào đó để nói, thì không có sai biệt quá lớn với Thí dụ. Nếu như Nhân duyên mà nói đến chuyện trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn thì nội dung cũng sẽ thông nhau với Bổn sự, Bổn sanh. Ở đời sau, những chuyện này đều được dùng làm tư liệu để giáo hóa theo thông tục, hoặc gọi là Thí dụ, hoặc gọi là Nhân duyên, đều là giống nhau. Cho nên tạng Đại Chánh do Nhật Bản biên tập, đã gọi chung những chuyện này là ‘Bổn duyên bộ’, ngược lại là một danh từ thích đáng!
Vào cuộc kết tập lần thứ 2, Kinh bộ đã được biên tập thành 4 A-hàm (Āgama); bấy giờ, Bổn sự, Bổn sanh, Thí dụ đã được biên tập vào bên trong đó. Luật bộ đã được biên tập thành Kinh phân biệt (Suttavibhaṅga); thể mẫu – ma-đắc-lặc-già (māṭrkā) của Kiền-độ (Khandha), một phần cũng đã được tập hợp lại, bên trong ấy cũng có số ít Thí dụ và Bổn sanh. Sau đó, những Bổn sự (lại đã được Bổn sanh hóa), Bổn sanh, Thí dụ có liên quan đến đức Thích tôn, lưu truyền ra càng nhiều thêm. Những thứ do người đời sau truyền ra, Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da từng biên tập rất nhiều vào trong nó. Quyển 100 của luận Đại trí độ (T. 25, tr. 756c) nói:
“Tỳ-ni… có 2 phần: 1) Tỳ-ni của nước Ma-thâu-la, bao hàm A-ba-đà-na, Bổn sanh, có 80 bộ. 2) Tỳ-ni của nước Kế-tân, bỏ đi Bổn sanh và A-bà-đà-na, chỉ lấy phần quan trọng, thành 10 bộ.”
Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) có 2 bộ luật, chính là luật Thập tụngCăn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da [gọi tắt là luật Căn Hữu]. Luật Căn Hữu đã bao hàm A-ba-đà-na (Thí dụ) và Bổn sanh rất nhiều, luật Thập tụng lại ít hơn rất nhiều. Như Bồ-tát thí dụ của luật Căn Hữu, luật Thập tụng thì không có. Luật Thập tụng gần với luật của Thuyết nhất thiết hữu bộ thời kỳ đầu; có sớm hơn luật Căn Hữu nên không phải là do rút ra từ luật Căn Hữu mà có. Bổn sanh, Thí dụ, Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) biên tập vào trong Tiểu bộ. Nhưng Sumaṅgalavilāsinī (Trường bộ chú ‘cát tường duyệt ý’) của Giác Âm (Buddhaghoṣa) nói: Tiểu bộ của Trường bộ sư (Dīghabhāṇaka) thì không có Thí dụ, Phật chủng tánh, Hành tạng.1 Phật chủng tánh (Buddhavaṃśa) là lịch sử của chư Phật quá khứ. Hành tạng (Cariyāpiṭaka) là thuật lại những việc làm to lớn của Bồ-tát, đây đều là chuyện của Phật và Bồ-tát. Luật Thập tụng không có, Trường bộ sư không biên tập vào trong Tiểu bộ, có thể thấy sự thành lập của chúng phải trễ hơn nhiều. Những thứ thuộc thời kỳ đầu thì biên tập vào bên trong Kinh, Luật, những thứ có sau này thì hoặc biên tập vào trong Luật, hoặc biên tập vào trong Kinh – Tiểu bộ, hoặc tản mác ở ngoài Kinh, Luật. Những thứ tản mác ở ngoài Kinh, Luật không phải không có những Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên này, mà là không được chấp nhận có địa vị ngang hàng với Kinh, Luật, bởi vì đây chỉ là truyền thuyết như thế. Quyển 1 của Tát-bà-đa Tỳ-ni tỳ-bà-sa (T. 23, tr. 509b) nói:
“Hễ là Bổn sanh, Nhân duyên thì không thể y cứ. Trong số ấy, có người cho rằng chúng chẳng phải Tu-đa-la, chẳng phải Tỳ-ni, không thể định nghĩa được.”
Quyển 183 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 916b) cũng nói:
“Bổn sự của Phật Nhiên Đăng, nên nói như thế nào cho hợp lý? Đáp: Ở đây không cần phải hợp lý. Vì sao vậy? Vì nó chẳng phải là do Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma thuyết, mà chỉ là truyền thuyết; những thuyết được truyền lại, hoặc đúng, hoặc chẳng đúng.”
Đời trước của đức Thích tôn, gặp Như lai Nhiên Đăng (Dīpaṃkara), được thọ ký thành Phật trong đời vị lai, hiệu là Thích-ca-mâu-ni (Śākyamuni), đây là chuyện Bổn sanh được công nhận trong Bộ phái. Nhưng đây là truyền thuyết, truyền thuyết thì có thể truyền nhầm, cho nên nói là ‘hoặc đúng, hoặc chẳng đúng’. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng: loại Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên này là truyền thuyết, nên không ở bên trong Tam tạng (chuyện Bổn sanh nói về Phật Nhiên đăng, luật Tứ phần thâu vào trong Luật). Truyền thuyết thì có thể truyền nhầm, nên không thể trích dẫn để làm định lượng (chuẩn mực) của Phật pháp. Từ tính chất truyền thuyết của Bổn sanh, Thí dụ, v.v., để nói, thì quan điểm của Thuyết nhất thiết hữu bộ là có đầy đủ sự suy xét chứ không phải là tin tưởng truyền thuyết một cách khinh suất.
Trong Thánh điển đang có, những truyền thuyết này – Bổn sự, Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên đều trình bày rất rõ ràng: thuyết ở nơi nào, do người nào thuyết. Kỳ thật, đây là thuộc giả thuyết, chẳng phải thật tế hoàn toàn như vậy. Như quyển 25 của Căn bổn Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự (T. 24, tr. 328c) nói:
“Vào đời tương lai, mọi người phần lớn đều dễ quên, sức ghi nhớ rất ít, nên không biết đức Thế tôn ở tại địa phương, thành ấp, tụ lạc nào, thuyết kinh điển gì?... Nếu kể chuyện nhân duyên ngày xưa, nên nói nơi nào? Nên nói là ở nước Bà-la-nị-tư, có vua tên Phạm Thọ, trưởng giả tên Tương Tục, ưu-ba-tư-ca [Upāsikā – cư sĩ nữ] tên Trưởng Tịnh: tùy theo lúc mà nói.”
Chuyện nhân duyên ngày xưa’ chính là những chuyện trong đời sống quá khứ. Những truyền thuyết này, tuy trong truyền thuyết khả năng là có sai lầm, nhưng vào lúc bấy giờ đều tôn là do Phật thuyết. Phật ở tại Bà-la-nị-tư (Vārāṇasī) thuyết, thuyết cho vua Phạm Thọ (Brahma-datta), v.v., đều là thuộc giả thiết. Bà-la-nị-tư, trước thời đức Thíc tôn, sớm đã là Thánh địa tôn giáo của Ấn-độ; vua Phạm Thọ là một vị vua nổi tiếng của Ấn-độ trong truyền thuyết. Cho nên thuyết chuyện nhân duyên thời quá khứ, có thể thuyết tại Ba-la-nị-tư, cho vua Phạm Thọ, v.v. Điều này giống như không biết nhân duyên của việc chế giới thì nói là do nhóm 6 vị tỳ-kheo, hoặc do 1 người trong số đó, luôn không đúng, không hợp. Nên tên của những người, những địa danh này đều là nhân vật đại biểu cho sự giả thiết, không thể cho đây là chân thật. Những truyền thuyết liên quan đến đời sống trong quá khứ, Thuyết nhất thiết hữu bộ giữ lại ý kiến này, so với các bộ phái khác, quả là cao hơn một bậc vậy! Những truyền thuyết có liên quan đến đời sống trong quá khứ của đức Thích tôn, từ sau khi Phật niết-bàn, đặc biệt là sau cuộc kết tập lần thứ 2 (sau Phật nhập diệt 1 thế kỷ), truyền thuyết xuất hiện càng nhiều thêm. Đây là những chuyện quá khứ, trong suy nghĩ của hàng tín đồ Phật giáo, trừ đức Thích tôn ra, còn có ai có thể biết được? Tuy nhiên, vì lai lịch không rõ ràng, truyền thuyết cũng không chắc chắn là chính xác, không nhất định, không nhất trí, nhưng không thể không thừa nhận là do Phật thuyết: đây là ý kiến chung của Phật giáo Bộ phái. Lúc đức Thích tôn còn tại thế, hàng đệ tử chỉ là nhận lãnh lời dạy dỗ của đức Phật rồi nỗ lực tu học. Những chuyện trong cuộc sống hiện tại của đức Thích tôn – đản sanh, xuất gia, tu hành, thành Phật, chuyển Pháp luân, nhập niết bàn, đương nhiên sẽ có truyền thuyết ở nhân gian. Những chuyện trong cuộc sống quá khứ, đại khái là không cần phải đi suy nghĩ nhiều. Nhưng từ khi Phật niết bàn về sau, do vì sự hoài niệm và luyến mộ chân thành, trong sự sùng kính và cúng dường di thể, di vật, di tích của đức Phật-đà, sự cao tột và vĩ đại của đức Thích tôn, siêu việt hàng đệ tử Thanh văn thông thường, cảm thấy sâu sắc dần dần. Truyền thuyết nói vào thời vua A-dục (Aśoka), 5 việc được Đại Thiên (Mahādeva) đề xướng, một phần chính là phê phán về thuyết Phật bình đẳng với hàng Thanh văn.2 Phật là bậc không có thầy mà tự mình giác ngộ, trí huệ và năng lực của Ngài, tất cả đều không phải là thứ mà hàng đệ tử có thể sánh kịp. Tại sao? Trong niềm tin về dòng sanh tử chuyển biến tiếp nối, nguyên lý nhân quả, duy chỉ có đức Thích tôn ở trong đời quá khứ, tích lũy công đức, vượt quá hàng đệ tử, cho nên khi thành Phật để giải thoát rốt ráo, mới ngẫu nhiên xuất hiện giống như gặp hoa ưu-bát-đàm [uḍumbara], vượt quá những công đức mà hàng đệ tử có được. Công đức của Phật vượt quá hàng đệ tử Thanh văn, sự tu hành vào đời trước của Phật cũng vượt quá hàng đệ tử Thanh văn, đây cũng là điều được các bộ phái đều công nhận. Trong giới Phật giáo có tồn tại tâm lý chung như vậy, vì thế đã truyền ra những sự tích tu hành trong đời sống quá khứ, những việc làm vĩ đại đáng tôn kính, đáng xưng tụng, đáng ca ngợi, đáng cảm động của đức Thích tôn mà mình không tự biết. Về phương diện này, hoặc là những vị vua nổi tiếng, những vị quan, bà-la-môn nổi tiếng, những tiên nhân xuất gia, v.v., có ‘phẩm đức cao tột và sự nghiệp vẻ vang’ của Ấn-độ cổ đại; hoặc là những câu chuyện bình dân, quỉ thần, chim chóc, thú vật của truyền thuyết dân gian Ấ-độ, đã biểu thị ra đức hạnh đáng quý (có thể từ thần thoại mà ra; khả năng còn có thành phần của Ba-tư, Hi-lạp, v.v.). Những chuyện này mà truyền thuyết thành những việc làm to lớn trong đời quá khứ của đức Thích tôn, giống như đã tổng tập đức hạnh của dân tộc, tinh túy của tinh thần dân tộc Ấn-độ, thông qua khái niệm bằng lý tính của Phật pháp, nên biểu hiện thành đức hạnh tối cao và hoàn mỹ. Duy chỉ có người hoàn bị như vậy mới trở thành Phật viên mãn rốt ráo. Cho nên những truyền thuyết này là biểu hiện về ý thức chung của giới Phật giáo, biểu đạt ra những sự thực hành vĩ đại làm nhân mà vị Phật phải có. Những sự thực hành vĩ đại làm nhân như vậy không chỉ là sự giải thoát cá nhân, là phổ biến khắp thế gian, mà tất cả việc thiện của thế gian cũng đều là Phật pháp.



1 Xin xem chi tiết nơi tác phẩm của tôi: Sự biên tập thành của Thánh điển Phật giáo nguyên thỉ, Chương 8 đến Chương 12.
(a) Thể văn xuôi trình bày trực tiếp vấn đề; có khi gọi là trường hàng trực thuyết.
(b) 10 sự hay 10 kinh, cứ 10 kinh thì thành 1 kệ.
(c) 8 chúng gồm: Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Cư sĩ, Sa-môn, Tứ thiên vương, Tam thâp tam thiên, Dạ-ma thiên, Phạm thiên.
2 A-tỳ-đạt-ma Thuận chánh lý luận 44, T. 29, tr. 595a.
3 Trường A-hàm kinh 1, Đại bổn kinh, T. 1, tr. 10c.
4 Tăng chi bộ, phẩm 4 pháp, Nam truyền 18, tr. 293-297.
1 Trường bộ, (19) Đại Điển-tôn kinh, Nam truyền 7, tr. 244-268.
2 Trường bộ, (26) Chuyển luân Thánh vương sư tử hống kinh, Nam truyền 8, tr. 74-80.
3 Trường bộ, (5) Cứu-la-đàn-đầu kinh, Nam truyền 6, tr. 197-209.
4 Trường bộ, (3) A-ma-trú kinh, Nam truyền 6, tr. 137-139, 142-144.
5 Trung bộ, (83) Đại thiên nại lâm kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 100-108.
6 Đại Bát-niết-bàn kinh 15, T. 12, tr. 451c-452a.
7 Tương ưng bộ, Phạm thiên tương ưng, Nam truyền 12, tr. 263-266.
8 Trung bộ, (50) Ma ha trách kinh, Nam truyền 10, tr. 74-81.
9 Thành thật luận 1, T. 32, tr. 245a.
10 A-tỳ-đạt-ma Thuận Chánh lý luận 44, T. 29, tr. 595a.
11 Trường bộ, (19) Đại Điển-tôn kinh, Nam truyền 7, tr. 268.
12 Trường bộ, (7) Đại Thiện kiến vương kinh, Nam truyền 7, tr. 201.
13 Trung bộ, (81) Đào sư kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 72.
14 Tương ưng bộ, Uẩn tương ưng, Nam truyền 14, tr. 226.
15 Trung A-hàm kinh 14, T. 1, tr. 515a.
16 Trung A-hàm kinh 11, T. 1, tr. 495c.
17 Trung A-hàm kinh 39, T. 1, tr. 678a.
18 Trung A-hàm kinh 40, T. 1, tr. 684a.
19 Trung A-hàm kinh 2, T. 1, tr. 429b.
20 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 126, T. 27, tr. 660a.
21 Đại trí độ luận 33, T. 25, tr. 307b.
22 Thí dụ, Phật thí dụ, Nam truyền 26, tr. 1-10.
23 Thí dụ, Bích-chi Phật thí dụ, Nam truyền 26, tr. 12-27.
24 Thí dụ, Trưởng lão thí dụ, Nam truyền 26, tr. 28 – Nam truyền 27, tr. 354.
25 Thí dụ, Trưởng lão Ni thí dụ, Nam truyền 27, tr. 357-514.
26 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 12-15, T. 24, tr. 56b-73c.
27 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 15, T. 24, tr. 73c-75c.
28 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 16, T. 24, tr. 76a-b.
29 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 16, T. 24, tr. 76c-78a.
30 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 16-18, T. 24, tr. 78a-94a.
31 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 18, T. 24, tr. 94a-97a.
32 Tiểu bộ, Kinh tập, Bỉ ngạn đạo phẩm, Nam truyền 24, tr. 370-386.
33 Tiểu bộ, Kinh tập, Đại phẩm, Nam truyền 24, tr. 258-263.
34 Phận bổn hành tập kinh 60, T. 3, tr. 932a.
(a) Thiện lai thọ cụ và tam quy thọ cụ là 2 trong 10 nhân duyên mà một người trở thành tỳ-kheo, đắc giới cụ túc. Thiện lai thọ cụ là chỉ cho 5 vị tỳ-kheo đầu tiên; tam qui thọ cụ là những người qui y Tam bảo và phát nguyện xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thọ giới cụ túc.
35 Đồng diệp luật, Đại phẩm, Nam truyền 3, tr. 1-99.
36 Di-sa-tắc bộ hòa hê Ngũ phần luật 15-16, T. 22, tr. 101a-111b.
37 Tứ phần luật 31-33, T. 22, tr. 779a-799c.
38 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da phá Tăng sự 1-10, T. 24, tr. 99a-147b.
39 Bổn sanh, Nhân duyên, Nam truyền 28, tr. 1-203.
1 Samaṅgalavilāsinī (I.P.15) 
2 Vô tri và do dự, trong 5 sự, trình bày sự không chấm dứt hoàn toàn phiền não của hàng Thánh giả Thanh văn, tức biểu thị sự siêu việt và hơn hết của đức Phật.

SỰ KHỞI NGUYÊN VÀ KHAI TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA SƠ KỲ - CHƯƠNG 2 [TT]

CHƯƠNG 2. SỰ SÙNG KÍNH VỀ DI THỂ, DI VẬT, DI TÍCH CỦA ĐỨC PHẬT

[Tiếp theo]

Tiết 2. Sự sùng kính về di vật và di tích của Phật-đà

Mục 1. Sự sùng kính về di vật

Sau khi Phật niết-bàn, không chỉ di thể của Phật – xá-lợi (śarīra), nhận được sự tôn kính cúng dường của hàng đệ tử Phật, mà di vật của Phật và các địa điểm có quan hệ đặc thù với Phật – Thánh tích, cũng nhận được sự tôn kính cúng dường, đã biểu thị nỗi hoài niệm vô cùng đối với Phật. Di vật là những dụng cụ Phật dùng thường ngày, có thể nói đó là ‘vật di truyền còn lại’ của Phật. Di tích của Phật, gồm các Thánh địa như Bồ-đề đạo tràng, v.v., cũng trở thành đạo tràng để thăm viếng, lễ bái, cúng dường. Truyện Bổn sanh về việc vua Ca-lăng-nga cúng dường cây Bồ-đề đã nói đến 3 loại chi-đề (cetiya): sārīrika là xá-lợi; pāribhogika là những dụng cụ dùng thường ngày; uddesika là các vật kỉ niệm thuộc công trình tương đương với Thánh tích.1 Ba loại này chính là 3 loại chi-đề mà hàng đệ tử Phật nhằm tôn kính kỉ niệm về Phật mà có.
Phật niết-bàn rồi, những dụng cụ dùng hằng ngày của Phật được mọi người tôn kính cúng dường nên lưu truyền ở nhiều nơi. Theo truyền thuyết của giới Phật giáo Tích-lan, tình hình phân tán của di vật được chép thêm vào cuối kinh Phật chủng tánh:2
Gandhāra (Kiền-đà-la), Kaliṅga (Ca-lăng-già)
Răng Phật
Kusa (Câu-sa)
Bát, gậy, y phục, nội y của Phật
Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ)
Đồ trải
Pāṭaliputra (Hoa thị thành)
Chén uống nước, thắt lưng
Campā (Chiêm-bà)
Y tắm
Kośalā (Câu-tát-la)
Bạch hào
Brahmā (Phạm thiên)
Ca-sa
Avanti (Ca-bàn-đề)
Tọa cụ, đồ trải
Mithilā (Di-hi-la)
Đá lấy lửa
Videha (Tỳ-đề-ha)
Vải lọc nước
Indaraṭṭha (Ấn-độ-la-trá)
Dao, ống đựng kim
Aparanta (A-ba-lan-đa)
Các vật khác
Răng Phật và bạch hào ở trong đây là di thể của Phật. Bát, gậy, y được kể đến ấy, ở tại Kusa, tức là Quí-sương (Kuṣāṇa) – khu vực cai quản của Vương triều Đại Nguyệt thị. Liên quan đến di vật của Phật, Đại Đường Tây Vực ký cũng có nói đến:3
Phược-hạt [Bokhara]
Vại nước tắm, chổi quét của Phật
Kiền-đà-la
Bát của Phật
Na-yết-la-hạt
Tích trượng, tăng-già-lê của Phật
Y, bát, tích trượng của Phật, Pháp Hiển truyện cũng nói phù hợp như vậy.4 Kiền-đà-la và Na-yết-la-hạt (Nagarahāra) đều là địa phương do Vương triều Quí-sương cai trị, cho nên nó nhất trí với truyền thuyết của Tích-lan. Ở đây có thể thấy những nơi có di vật của Phật, đa số là những nơi có sự thật để căn cứ. Nhờ truyền thuyết của Tích-lan nên biết được Kusa, có thể thấy sự thành lập của kinh Phật chủng tánh là rất trễ. Pháp Hiển truyện nói: ở Kiệt-xoa có cái bình dùng để khạc nhổ của Phật.5 Trí Mãnh, người cùng thời với Pháp Hiển, cũng “thấy văn khắc trên cái bình dùng để khạc nhổ bằng đá của Phật tại nước Kỳ-sa.”6 Kiệt-sa chính là Kỳ-sa, phỏng chừng là vùng phụ cận của hang Wakhan. Đây là di vật do hàng Tăng lữ Trung Quốc đi đến phương Tây thấy được. Di vật của Phật tản mác ở các nơi, nhận được sự cung kính, tình hình đại để là như thế.
Trong những di vật của Phật, bát của Phật đã nhận được sự tôn kính và phụng thờ long trọng nhất. Pháp Hiển truyện nói: “[Bát] có thể chứa chừng 2 đấu. Làm bằng nhiều màu mà màu đen thì nhiều nhất, có 4 cạnh rõ ràng. [Bát] dày khoảng 2 phân, óng ánh, bóng sáng.”7 Lời của Trí Mãnh truyền lại trong Cao Tăng truyện, rằng: “Thấy bát của Phật bóng sáng, màu tím sẫm, 4 cạnh đều như vậy.”8 Bát của Phật màu xanh đen mà có đính thêm màu tím. ‘Bốn cạnh rõ ràng’, ‘4 cạnh đều như vậy’ được nói đó, là theo truyền thuyết, sau khi Phật thành đạo, lúc nhận sự cúng dường lần đầu tiên, bốn Thiên vương, mỗi vị đều dâng lên một cái bát bằng đá. Phật đem 4 cái bát ấy hợp lại thành 1 cái bát, ở mép bên trên của cái bát, Ngài vẫn để lại 4 lớp vết tích rõ ràng. Bốn Thiên vương dâng bát, là một truyền thuyết xa xưa mà giới Phật giáo cùng có chung. Căn cứ theo Pháp Hiển truyện nói: “Bát của Phật vốn ở tại Tỳ-xá-ly, nay thì ở tại Kiền-đà-vệ.”9 Bát của Phật từ Tỳ-xá-ly (Vaiśālī) ở phương Đông truyền đến Kiền-đà-vệ (tức Kiền-đà-la) ở phương Bắc, là sự việc thuộc thời đại của vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka) của Vương triều Quí-sương, vào thế kỷ 2 A.D.10 Vào đầu thế kỷ 5 A.D., khi Pháp Hiển đi Ấn-độ, bát của Phật đang ở tại phương Bắc. Nhưng theo truyền thuyết xưa nay, thì bát của Phật ở tại nơi nào thì rất không nhất trí. Hoặc có thuyết nói bát của Phật ở Phất-lâu-sa, tức là đô thành Bố-lộ-sa-bố-la (Puruṣapura) của Kiền-đà-la.11 Hoặc có thuyết nói bát ở tại Kế-tân,12 Kế-tân là từ gọi chung cho toàn vùng Kiền-đà-la. Hoặc có thuyết nói bát Phật ở tại Đại Nguyệt thị,13 chính là nước thuộc vương triều Quí-sương. Do đó, tuy các thuyết nói khác nhau, nhưng kỳ thật là cùng một khu vực. Duy chỉ có thuyết Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) đội cái bát của Phật trên đầu mình tại Sa-lặc,14 là truyền thuyết không khớp với các thuyết khác. Ở đây có khả năng tại Ấn-độ đã có sẵn cái thuyết khác này, như quyển hạ của kinh Đức Hộ trưởng giả (T. 14, tr. 849b) nói:
“Bát của Ta sẽ đến nước Sa-lặc, từ đó lần lượt đi đến nước Đại Tùy.”
Phật Pháp từ Đông Nam rồi đến Bắc Ấn-độ, có khả năng do đó phát xuất ra, tuyên đoán bát của Phật cũng sẽ đi ngang qua Tây Vực đến Trung Quốc. Lời tuyên đoán bát của Phật di chuyển đến Trung Quốc này, cũng thấy trong Pháp Hiển truyện (T. 51, tr. 865c) nói:
“Tại nước (Sư Tử) này, Pháp Hiển nghe đạo nhân người Thiên Trúc ở trên tòa cao tụng kinh rằng: bát của Phật xưa ở tại nước Tỳ-xá-ly, nay ở tại Kiền-đà-vệ. Hết vài trăm năm sẽ trở lại nước Nguyệt Thị ở phía Tây. Vài trăm năm nữa sẽ sẽ đến nước Vu-điền. Trụ ở đó vài trăm năm, sẽ đến nước Khuất-tì. Vài trăm năm sau sẽ lại đến đất Hán.”
Đây là các truyền thuyết giống nhau phần lớn mà khác chút ít. Trong ấy, từ Tỳ-xá-ly đến Kiền-đà-la, là sự thật. Đến nước Sa-lặc, hoặc nói đi đến Vu-điền, Trung Quốc, là một lời tuyên đoán không thành sự thật. Vào cuối thế kỷ 5 A.D., vua Mị-tư-hạt-la-câu-la (Mihirakula) xâm nhập Bắc Ấn-độ, bát của Phật đã bị phá vỡ, bát bị vỡ lại truyền vào Ba-thứ-tư,15 về sau thì đã mất tung tích. Từ lời tuyên đoán về bát của Phật, có thể thấy bát của Phật nhận được sự tôn trọng của giới Phật giáo.

Mục 2. Sự sùng kính và đi nhiễu, lễ di tích

Lúc Phật còn tại thế, mỗi năm sau khi an cư xong, hàng tỳ-kheo ở các nới đều đến yết kiến Phật. Phật niết-bàn rồi thì không còn Phật để yết kiến, đây là điều mà hàng đệ tự Phật cảm thấy rất buồn đau, không còn nơi nương tựa. Vì lí do này, kinh Du hành trong quyển 4 của kinh Trường A-hàm, nói đến việc đi nhiễu và lễ bái Thánh tích của Phật, như (T. 1, tr. 26a) nói:
Phật bảo A-nan: Con chớ buồn đau! Các con thuộc nhà dòng dõi thường có 4 điều tưởng nhớ, 4 điều ấy là những gì? Một là, tưởng nhớ đến nơi Phật sanh, hoan hỉ muốn thấy, ghi nhớ không quên, sanh tâm luyến mộ. Hai là, tưởng nhớ đến nơi Phật mới đắc đạo, hoan hỉ muốn thấy, ghi nhớ không quên, sanh tâm luyến mộ. Ba là, tưởng nhớ đến nơi Phật chuyển Pháp luân, hoan hỉ muốn thấy, ghi nhớ không quên, sanh tâm luyến mộ. Bốn là, tưởng nhớ nơi Phật bát-nê-hoàn, hoan hỉ muốn thấy, ghi nhớ không quên, sanh tâm luyến mộ. Này A-nan! Sau khi Ta bát-nê-hoàn, các nam nữ thuộc nhà dòng dõi tưởng nhớ công đức lúc Phật sanh như vậy, thần lực lúc Phật đắc đạo như vậy, sự hóa độ mọi người lúc chuyển Pháp luân như vậy, pháp của Phật để lại khi đến lúc diệt độ như vậy. Sau khi những người đi đến các nơi ấy, thăm viếng lễ kính các chùa tháp rồi, chết đều sanh thiên, trừ những người đã đắc đạo.
Bốn nơi thăm viếng và lễ bái, sanh ra từ sự tưởng nhớ Phật – buộc chặt sự tưởng nhớ công đức, pháp để lại của Phật. Suy nghĩ và mong muốn gặp Phật nên phát sanh việc thăm viếng và lễ bái 4 Thánh địa lớn – nơi sanh, nơi thành Phật, nơi chuyển Pháp luân, nơi nhập niết-bàn, của Phật. Chính mình đi đến những Thánh địa này, ghi nhớ các thứ công đức của Phật khi còn tại thế, thì giống như gặp Phật. Kinh Đại bát-niết-bàn của Trường bộ cũng nói như vậy; còn nói “tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di có tín tâm” – 4 chúng đệ tử đều đi thăm viếng và lễ bái.1 Bốn Thánh địa lớn có chùa tháp (đúng phải là chi-đề - caitya), Đại Đường Tây Vực ký cũng nói 4 nơi này đều có túy-đổ-ba (stūpa), vua A-dục (Aśoka) từng thân lâm đến thăm viếng và lễ bái, có thể thấy việc thăm viếng và lễ bái Thánh địa, sớm đã trở thành một phong trào. Nhưng vua A-dục xây chùa tháp khắp nơi, lại đích thân đến thăm viếng và lễ bái, đủ khiến cho phong trào thăm viếng và lễ bái Thánh địa hưng thịnh lên vô cùng.
Không biết bắt đầu từ lúc nào, giới Phật giáo đã có thuyết 8 Thánh địa lớn. Tổng hợp thành 8 Thánh địa lớn, có khả năng là không quá sớm, nhưng truyền thuyết khác nhau, cũng là sớm đã có rồi. Kinh Bát đại linh tháp danh hiệu được dịch vào đời Triệu Tống (T. 32, tr. 773a) nói:
“Thứ nhất, vườn Long-di-nhĩ ở thành Tỳ-la là nơi Phật sanh. Thứ hai, dưới cây bồ-đề bên sông Ni-liên thuộc nước Ma-dà-đà là nới Phật chứng đạo quả. Thứ ba, thành Ba-la-nại thuộc nước Ca-thi là nơi chuyển Pháp luân. Thứ tư, vườn Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ là nới hiện đại thần thông. Thứ năm, thành Khúc Nữ [Kanyākubja] (thuộc nước Tang-ca-thi) là nơi [Phật] từ trời Đao-lợi giáng hạ. Thứ sáu, thành Vương Xá là nơi nhằm phân biệt với Thanh văn nên Phật hóa độ. Thứ bảy, linh tháp ở thành Quảng Nghiêm là nơi ghi nhớ lượng tuổi thọ. Thứ tám, giữa cây song thọ lớn trong rừng Sa-la thuộc thành Câu-thi-na là nơi nhập niết-bàn. Có 8 linh tháp lớn như vậy.”2
Trong 8 Thánh địa lớn, một, hai, ba, tám – 4 nơi, chính là 4 Thánh địa lớn đã nói ở trên. Thứ tư, Phật ở tại thành Xá-vệ (Śrāvastī), trong 7 ngày hiện đại thần thông, hàng phục 6 sư ngoại đạo. Thứ năm, Phật ở tại trời Đao-lợi (Tuṣita), thuyết pháp cho mẹ. Sau 3 tháng, Phật từ trời Đao-lợi hạ giáng xuống Tang-ca-thi (Sāṃkāśya). Pháp Hiển và Huyền Trang đều đã từng thấy được di tích ở nơi đó; nhưng Huyền Trang ghi là nước Kiếp-tỉ-tha (Kapitha). Thứ bảy, thành Quảng Nghiêm, tức Tỳ-xá-ly (Vaiśālī), Phật ở bên tháp Già-ba-la (Cāpāla caitya) xả tuổi thọ, tuyên bố 3 tháng sau nhập niết-bàn. Thứ sáu, Phật ở tại ‘thành Vương Xá (Rājagṛha) nhằm phân biệt với Thanh văn nên Phật hóa độ,’ rất có khả năng là nơi mà sau khi Phật thành đạo, độ 3 Ca-diếp, rồi cùng 1000 tỳ-kheo đến thành Vương Xá, vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) nghênh đón Phật. Bấy giờ, tuổi Phật còn trẻ mà Uất-tỳ-la Ca-diếp (Uruvilvā Kāśyapa) thì lớn tuổi, cho nên những người thông thường không biết rốt cục ai là thầy, ai là đệ tử. Phật sai Ưu-tỳ-la Ca-diếp hiện thần thông, và tự tuyên bố vì sao bỏ thờ lửa để quy y và tin đức Phật, vì vậy mọi người biệt được vị ấy là đệ tử (Thanh văn tức là hàng đệ tử Thanh văn nghe giáo pháp). Về tình hình thuyết pháp hóa độ, xin xem kinh Tần-tỳ-sa-la vương nghênh Phật.3 Bốn nơi tăng thêm đó đều có thành phần của thần thông và lời dự báo. Đây đều là chuyện thịnh hành thuộc truyền thuyết của giới Phật giáo, đặc biệt là câu chuyện về hiện ra thần thông lớn và từ trời đi xuống. Tám Thánh địa lớn này đều là những nơi chủ yếu mà hàng đệ tử Phật chiêm bái.
Bốn Thánh địa lớn, tám Thánh địa lớn chỉ là những nơi quan trọng nhất trong những di tích của đức Phật-đà. Phật du hóa nơi hai bên bờ sông Hằng (Gaṅgā), đến nơi lưu truyền Thánh tích của Phật. Từ những gì mà Pháp Hiển truyện, Đại Đường Tây Vực ký đã thấy, đặc biệt là khu vực Già-da (Gayā), thành Vương Xá, thành Hoa Thị (Pāṭaliputra), Tỳ-xá-ly thuộc phương Đông Nam; khu vực thành Xá-vệ, thành Ca-tỳ-la (Kapilavastu) thuộc phương Tây Bắc, đến những nơi này là đầy Thánh tích. Đến chiêm bái được những nơi này, thì phảng phất như gặp được đức Phật-đà lúc còn tại thế, mà đã có đầy sự luyến mộ trong lòng thì càng kích thích phát khởi tình cảm sùng kính. Đối với sự duy trì và phát triển của Phật giáo, là có tác dụng quan trọng! Khi Phật giáo phát triển đến phía Bắc của Thiên Trúc, cũng đã có lưu truyền ra sự tích Phật du hóa ở phương Bắc, quyển 9 của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự (T. 24, tr. 40a-41c) đã nói đến:
[Phật] đến tụ lạc Tích Tập điều phục dược-xoa Giác Lực,
[Phật] đến tụ lạc Nê-đức-lặc-ca điều phục dược-xoa Pháp Lực,
[Phật] đến bên sông Tín Độ điều phục người đóng thuyền và dược-xoa Lộc-điệp,
[Phật] đến nơi ở tiên nhân điều phục tiên nhân Trượng Quán, đến vương cung của rồng Vô Đạo Can điều phục vua rồng Vô Đạo Can,
[Phật] đến tụ lạc Túc Lô điều phục tiên nhân và dược-xoa Bất Phát Tác,
[Phật] đến tụ lạc Kiền-đà điều phục dược-xoa nữ, đến thành Thao Cốc Lâu Các giáo hóa mẹ của vua Thắng Quân,
[Phật] đến thành Nãi (Cập?)-lý-dật-đa điều phục người thợ gốm,
[Phật] đến thành Lục-sa điều phục dược-xoa Bộ-đa,
[Phật] đến thành Hộ Tích điều phục người chăn bò và Long vương Tô-già,
[Phật] đến thành Tăng Hỉ giáo hóa vua Thiên Hữu, điều phục 7 người chiên-trà-lê và dược-xoa giữ ao,
Bên thành Tăng Hỉ có lưu lại hình hàng phục rồng, điều phục 2 dược-xoa nữ,
[Phật] đến thành Quân Để điều phục dược-xoa nữ Quân Để.
Phật giáo lưu hành đến phương Nam, Tích-lan cũng lưu truyền ra câu chuyện Phật đã 3 lần đến đó để du hóa, như Chương 1 của Đại Sử nói:
Phật thành đạo được 9 tháng, Phật đi đến nơi nay là tháp Kim-ma-hề-ương-già-na (Mahiyanganaya) giáo hóa dược-xoa.
Sau khi thành đạo 5 năm, Phật đến đảo Rồng giáo hóa rồng bụng lớn và rồng bụng nhỏ.
Sau khi thành đạo 8 năm, Phật đi đến Ca-lê-da, lên đỉnh Tu-ma-na, có lưu lại dấu vết.
Truyền thuyết của phương Nam và phương Bắc, với những Thánh tích thuộc hai bên bờ sông Hằng có tính chất bất đồng. Nếu như Phật đến phía Bắc của Thiên Trúc, là cùng với dược-xoa Kim cang thủ (Vajrapāṇi) nương không trung mà đi.4 Phật đi Tích-lan cũng là nương thần thông để đến. Điều này tuy khác với sự thật, nhưng trong tín ngưỡng của hàng đệ tử Phật, không có phân biệt nhiều; giống như hình ảnh, v.v., của Phật nhận được sự sùng kính như vậy của những người chiêm bái.

Mục 3. Cúng dường và Pháp hội

Di vật, di tích, di thể của Phật nhận được sự tôn kính và cúng dường giống nhau của 4 chúng Phật giáo. Phong trào cúng dường di thể, di vật, di tích cũng áp dụng thích hợp cho hàng đệ tử lớn của Phật, và hàng đại sư đời sau. Như ở thành Tỳ-xá-li (Vaiśālī) có túy-đổ-ba – tháp (stūpa) bán thân của ngài A-nan (Ānanda);1 ở Phạm-diễn-na (Bāmiyān) có bát bằng sắt và ca-sa của Thương-nặc-ca-phược-sa (Śāṇaka-vāsa).2 Hàng đệ tử lớn và các đại sư đời sau cũng lưu lại không ít di tích, nhận được sự kính lễ của người đời sau. Những nơi này đều trở thành đối tượng để hàng đệ tử Phật tại Ấn-độ và ngoài Ấn-độ một lòng hướng đến chiêm bái lễ lạy. Trong 3 loại này, răng của Phật thuộc di thể, bát của Phật thuộc di vật, cây bồ-đề ở Bồ-đề đạo tràng thuộc di tích nhận được sự tôn kính nhất của tín chúng. Khi bát của Phật ở tại Kiền-đà-la (Gandhāra), thì “xây Phù-đồ cao 30 trượng, 7 tầng, bát ở tầng thứ 2, nhiều vòng bằng vàng bao quanh cái bát.”3 Pháp Hiển truyện cũng nói: “xây cái tháp nơi này… Vào lúc sắp đến giờ ngọ, thì chúng Tăng mang bát ra, cùng với người bạch y cúng dường, sau đó đúng giờ ngọ mới thọ thực. Đến chiều tối, khi đốt hương cũng lại làm như vậy.”4 Vào thời ngài Huyền Trang thì bát Phật đã mất, chỉ còn lưu lại có ‘cái nền cũ’, không còn thấy sự sôi nổi của lòng thành kính cúng dường nữa. Cây bồ-đề, nơi Phật thành đạo, tượng trưng cho sự thành đạo của Phật, cho nên nhận được sự tôn kính vô cùng. A-dục vương truyện nói: vua A-dục “nơi tháp bồ-đề, tâm của vua rất kính trọng, vì sao vậy? Vì Phật thành tựu chánh giác tại nơi này.”5 Cây bồ-đề tượng trưng cho đạo Phật, nên truyền thuyết nói hễ kẻ nào muốn làm Phật giáo suy tàn thì phải chặt đứt cây bồ-đề, mà người nào chân thành tin tưởng Phật pháp thì phải tận hết sức mình để bảo vệ nó, khiến cây bồ-đề không ngừng lớn thêm.6 Phật pháp truyền vào Tích-lan, cũng đã chiết một nhánh cây bồ-đề đến Tích-lan. Bấy giờ tình hình nghênh thỉnh và lo việc trồng trọt, trong truyền thuyết nói là đã đạt đến mức rầm rộ chưa từng có, về sau lại chiết nhánh trồng khắp các vùng của Tích-lan.7 Vào đời Tấn, theo điều Pháp Hiển đã thấy, cây bồ-đề ở một bên điện Phật của chùa Vô Úy Sơn (Abhayagiri-vihāra), “cao chừng 20 trượng.”8 Cây bồ-đề - cây tất-bát-la (pippala) là loại thực vậy thích nghi với khí hậu nhiệt đới nên khi Phật giáo truyền đến phương Bắc, không có truyền thuyết về chiết trồng cây bồ-đề.
Ngoài việc sùng kính và cúng dường di thể, di vật, di tích, xây tháp hoặc chi-đề ra, còn cúng dường hương, hoa, phan, lọng, đèn, nhạc. Sự hoài niệm, ngưỡng mộ đối với Phật, một mặt, từ sự tôn kính của người địa phương, phát triển thành đệ tử ở các nơi đến chiêm bái; một mặt, răng của Phật, bát của Phật, cây bồ-đề, v.v., từ nhận sự cúng dường và lễ bái của mọi người hằng ngày, phát triển thành tổ chức ngày hội cúng dường định kỳ. Như quyển 8 của Đại Đường Tây Vực ký (T. 51, tr. 915c) nói:
“Mỗi khi đến ngày Như lai nhập niết-bàn,… vua của các nước, những người ở các phương có pháp luật và phong tục khác nhau, số đông đến ngàn vạn, không kêu gọi mà tự tập trung đến (nơi cây bồ-đề). Họ dùng nước thơm, sữ thơm để tưới, để rửa. Rồi họ tấu âm nhạc, bày hương hoa, đèn đuốc đến ngày sau, chen nhau để cúng dường.”
Cây bồ-đề nơi Bồ-đề đạo tràng, mỗi năm một ngày, hình thành đại hội niết-bàn của Phật. Lại như răng của Phật ở Tích-lan, mỗi năm cử hành đại hội trong 3 tháng.9 Xá-lợi xương và thịt của Phật ở Tăng già-lam Ma-ha Bồ-đề (Mahābodhi-saṃghārāma), “mỗi năm đến ngày trăng tròn đại thần biến của Như lai, mang ra cho mọi người chiêm bái.” Trăng tròn đại thần biến: là ngày 30 tháng 12 của Ấn-độ, ở đây là ngày 15 tháng giêng.10 Sự sùng kính cúng dường theo định kỳ đã hình thành nên ngày lễ - đại hội kỷ niệm, của Phật giáo. Luật Ma-ha Tăng-kỳ nhiều lần nói đến đại hội, như quyển 33 (T. 22, tr. 494a) nói:
“Nếu tổ chức đại hội ngày đản sanh, đại hội ngày thành tựu bồ-đề, đại hội ngày chuyển Pháp luân của Phật, đại hội 5 năm, thì thực hiện các thứ kỹ nhạc để cúng dường Phật.”
Đại hội cúng dường có một ngày lễ nhất định, cũng có liên quan quan trọng đến sự thật lịch sử của Phật. Gặp một ngày nào đó, các tự viện thông thường đương nhiên cũng có thể cử hành, nhưng tại những nơi có liên quan đến lịch sử của đức Phật, như đại hội ngày Phật đản sanh và Lam-tỳ-ni (Lumbinī), đại hội ngày thành tựu Bồ-đề và Bồ-đề đạo tràng, chuyển Pháp luân và Ba-la-nại (Vārāṇasī), thời xưa đã có pháp hội cúng dường long trọng. Luật Tăng-kỳ nhiều lần nói đến đại hội, nói đến “đại hội A-nan, đại hội La-hầu-la,”11 nhưng không có hội Niết-bàn, ý nghĩa này đáng được khảo xét! Luật Tăng-kỳ nói ‘đại hội 5 năm’, Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) cũng có nói, còn có đại hội 6 năm và đại hội 2 tháng, như12 nói:
1. “Hoặc có hội bát-xà-bà-sắt (hội 5 năm), hoặc có hội sa-bà-bà-sắt (hội 6 năm), hoặc hội 2 tháng, hoặc hội vào nhà.”
2. “Phật cho phép ta tổ chức hội bát-xà-vu-sắt được chăng! [Cư sỹ bèn đem] việc này bạch Phật, Phật bảo: Cho phép tổ chức hội bát-xà-vu-sắt. Phật cho phép ta tổ chức hội 6 năm được chăng! [Cư sỹ bèn đem] việc này bạch Phật, Phật bảo: Cho phép tổ chức. Phật cho phép ta tổ chức hội từ ngày 16 tháng giêng đến 15 tháng 2 được chăng! [Cư sỹ bèn đem] việc này bạch Phật, Phật bảo: Cho phép tổ chức.”
3. “Khi đức Thế tôn còn là vị Bồ-tát, trải qua bao nhiêu năm mới cắt búi tóc? Phật trả lời: 5 năm. Con nay muốn tổ chức đại hội 5 năm [được chăng?] Phật bảo: Được phép tổ chức. Bạch đức Thế tôn! Bồ-tát trong bao nhiêu năm mới cột lại búi tóc? Phật trả lời: 6 năm. Rồi bạch như trước. Bạch đức Thế tôn! Con nay muốn làm tượng đức Thế tôn bằng thiệm bộ, tổ chức đại hội Phật-đà [được chăng!] Phật bảo: Cho phép làm.”
So sánh 3 đoạn luật này, bát-xà-bà (hoặc gọi là ‘vu’)-sắt-trá (pañcavārṣikamaha) là đại hội 5 năm. Sa-bà-bà (hoặc gọi là ‘vu’)-sắt-trá (ṣaḍvārṣikamaha) là đại hội 6 năm. Hội từ ngày 16 tháng giêng đến 15 tháng 2, có thể suy ra thấy đó là ‘hội 2 tháng’; có khả năng là hội tháng thần biến, so với Tây Vực ký nói thì trễ hơn 1 tháng, hoặc là khác nhau là do người dịch đổi cách tính lịch của Ấn-độ thành lịch của Hán. ‘Hội vào nhà’ là lễ của dân gian khi bắt đầu sống ở nhà mới. Đại hội 5 năm vốn là đại hội Vô già mà thế tục đã có sẵn, 5 năm cử hành một lần; Phật giáo kết hợp với 5 năm mới cắt búi tóc của đức Thích tôn lúc sanh tiền, biến thành đại hội Búi tóc của Phật giáo, đây cũng là điều mà luật Tăng-kỳ đã nói đến. Hội này với đại hội thần biến giống nhau, đều là pháp hội do Phật giáo nhằm thích ứng với tục lệ dân gian mà hình thành. Đại hội ngày đản sanh của Phật, đại hội ngày thành tựu Bồ-đề, đại hội ngày chuyển Pháp luân, (đại hội ngày Niết-bàn), cho đến hội tháng thần biến, đại hội 5 năm, đều là vì Phật, ‘nhớ mãi không quên, sanh lòng luyến mộ’ đối với Phật mà biểu hiện ra.

Tiết 3. Cảnh giới mới của Phật giáo

Mục 1. Phật địa vi diệu trang nghiêm

Phật pháp tiến vào thời đại Bộ phái, Kinh pháp (Dharma), Giới luật (Vinaya) được truyền tụng vẫn là do kết tập thời kỳ đầu truyền lại, nên chỉ là tăng giảm ít nhiều khác nhau; A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma) thuộc về phân tích, biện luận chặt chẽ, mà các vấn đề để phân tích cũng vẫn là căn cứ vào giáo pháp đã có sẵn. Sự tồn tại dài lâu của Kinh và Luật, đại biểu cho Phật Pháp đã có sẵn. Nhưng từ tình hướng thông thường của Phật giáo để nói, thì đã diễn tiến đến giai đoạn mới, cũng chính là đã có sự thay đổi quan trọng so với Phật giáo thuộc thời kỳ đức Thích tôn còn tại thế (và nhập niết-bàn chưa lâu). Sự giáo hóa của Phật Pháp là hoạt động thực tế nơi xã hội hiện thực, chứ không chỉ là sự chứng nghiệm thuộc nội tâm của người tu trì. Nếu như từ quan điểm này để nói, thì Phật giáo của thời đại Bộ phái, dù là hoạt động thực tế thuộc lãnh vực tôn giáo, hay ý thức tôn giáo của người tin Phật thờ Phật, không thể không thừa nhận là đã tiến vào cảnh giới mới.
Đức Thích tôn lần đầu tiên thuyết pháp đã nêu rõ trung đạo ‘bất khổ bất lạc’, làm thành tiêu chuẩn sanh hoạt của Phật Pháp.1 Nhưng trên sự thật, Phật và hàng đệ tử, phương thức sanh hoạt của người xuất gia, y, ăn uống, ở, v.v., sanh hoạt đều quá đơn sơ đạm bạc, một lòng vì đạo. Lấy chính đức Thích tôn để nói, thì từ khi xuất gia, khổ hạnh, thành Phật dưới cội bồ-đề, chuyển Pháp luân, đều sống nơi núi rừng vắng vẻ. Cho đến khi nhập niết-bàn, cũng vẫn là giữa cây song thọ trong rừng Sa-la. Chúng xuất gia do Phật hóa độ, khởi đầu là sống dưới gốc cây; nơi đất trống; đồ mặc là y phấn tảo (tìm được trong các bãi rác), như luật Ngũ phần2 nói:
“Từ nay, các tỳ-kheo muốn mặc y của người tại gia, thì được phép nhận, nhưng người ít muốn biết đủ thì mặc y phấn tảo, được Ta khen ngợi.”
“[Phật] bảo các tỳ-kheo: Từ nay cho phép các tỳ-kheo nhận phòng ốc do người tại gia hiến cúng… Trưởng giả biết Phật đã cho phép,… liền vào ngày kia làm 60 căn phòng.”
Cuộc sống của hàng tỳ-kheo, từa mặc y phấn tảo rồi tiếp nhận y (bằng vải thô, vải quí) do tín chúng bố thí  - ‘y của người tại gia’ hoặc gọi là ‘y của người cư sĩ’. Từ sống dưới gốc cây, trong hang động, giữa nghĩa địa, v.v., tiến tới sống ở trong phòng Tăng do người cư sĩ xây dựng. Đoạn luật thứ 2, các bộ luật đều đại để tương đồng. Phật và chúng tỳ-kheo nhận sự bố thí tinh xá (vihāra), có khả năng đầu tiên là Kỳ thọ Cấp cô độc viên (Jetavanānāthapiṇḍadasy-ārāma), nên trưởng giả Cấp cô độc (Anāthapiṇḍada) nhận được sự xưng tụng cao độ của Phật giáo. Đến khi tuổi Phật đã cao, chúng Tăng hoặc sống trong tinh xá, sanh hoạt cũng phong phú lên, đây là ý nghĩa thực tế của việc Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) phản đối xu thế này, tuyên bố ‘5 pháp là đạo’. Mặc dù như vậy, y, bát, ăn, ở của hàng tỳ-kheo vẫn tương đối đặm bạc. Duy chỉ có lý giải theo tình hình thật sự của nền kinh tế xã hội đương thời, những quy định chặc chẽ của Ba-la-đề-mộc-xa (Prātimokṣa) đối với y bát, chỗ ở, mới có thể lý giải chính xác được. Sự thực hành trung đạo của đức Thích tôn, nhằm khuyến khích mọi người vui vẻ làm việc thiện, mà không phải là nhằm phô trương sự khổ hạnh, cho nên lúc Phật tại thế cũng đã tiếp nhận sự bố thí vui vẻ của các trưởng giả rất giàu có – các kiến trúc to lớn như Kỳ viên, Đông viên (Pubbārāma), v.v…
Sau khi Phật niết-bàn, kiến trúc của Phật giáo nhanh chóng phát triển và thành tựu.
1) Phật giáo đã được bắt đầu phát triển, hàng xuất gia càng nhiều thêm, đủ trở thành những công trình chùa Tăng to lớn tráng lệ. Ngoài tinh xá Trúc Lâm (Veṇuvana), Kỳ viên, còn có các chùa như chùa Kê viên (Kurkuṭārāma) của thành Hoa Thị (Pāṭaliputra), chùa Đại Lâm (Mahāvana-saṃghārāma), chùa Mật Lâm (Tamasā-vana) của khu vực Kế-tân, đều là các chùa lớn nổi tiếng. Kỳ-hoàn mà Pháp Hiển truyện (T. 51, tr. 860b-861a) đã ghi là:
Cửa ra vào của tinh xá nằm hướng đông, hai bên cửa có 2 trụ đá: trên trụ bên trái có hình bánh xe, trên trụ bên phải có hình con bò. Bên trái và phải của tinh xá có ao nước chảy trong lành, rừng cây còn tốt tươi, các loài hoa nhiều màu sắc, đẹp đẽ đáng xem… Tinh xá Kỳ-hoàn vốn có 7 tầng, vua và nhân dân các nước chen nhau cúng dường… Trung ương của tinh xá, Phật ở đây lâu nhất. Nơi Phật thuyết pháp hóa độ mọi người, nơi kinh hành, chỗ ngồi cũng xây tháp hết thảy, đều có tên gọi… Chung quanh tinh xá Kỳ-hoàn có 18 già-lam của Tăng.
Kỳ Viên lớn 80 khoảnh [533,36 héc-ta]. Luật Ngũ phần nói: kiến trúc đương thời của trưởng giả Cấp cô độc có nơi kinh hành, giảng đường, phòng tắm, nhà ăn, nhà bếp, phòng rửa và các phòng khác.3 Trải qua sự xây thêm của người đời sau, và tháp của các đệ tử lớn,4 trở thành ngôi chùa lớn rất hưng thịnh của Phật giáo.
2) Nhằm luyến mộ tưởng nhớ Phật, tôn kính di thể, di vật và di tích của phật, đa số là xây tháp cúng dường. Trong sự phát triển của Phật giáo, tháp Phật và Tăng viện kết hợp với nhau. Tuy vật của tháp và vật của Tăng phân biệt rất chặt chẽ, nhưng sự kết hợp của tháp Phật và Tăng viện, Tam bảo đầy đủ, trở thành một chỉnh thể, chịu sự quản lý của Tăng-già. Sự cao lớn của tháp, rộng lớn vĩ đại của Tăng viện, lại thêm có Thánh tích phụ cận rất nhiều, nên những đạo tràng lớn có tiếng đều nối liền với tháp viện phụ cận; ‘chùa và tháp trông nhau’, đã hình thành khu Thánh địa của Phật giáo. Quyển 8 của Đại Đường Tây Vực ký (T. 51, tr. 915b) tường thuật lại khu vực Bồ-đề đạo tràng rằng:
“Từ phía trước của núi Chánh Giác đi về hướng Tây Nam 145 dặm thì đến cây bồ-đề. Tường xung quanh xây bằng gạch nung, cao lớn kiên cố… Cửa chính hướng Đông, đối diện với sông Ni-liên-thiền. Cửa Nam tiếp giáp với ao (rồng?) hoa lớn. Phía Tây là nơi hiểm yếu, kiên cố. Cửa Bắc thông với già-lam lớn. Dãy đất bên trong bức tường có các Thánh tích gần nhau, hoặc túy-đổ-ba, hoặc lại là tinh xá, đều do các quân vương, đại thần, hào tộc của các nước, kính thừa lời di giáo, xây để ghi nhớ.”
Căn cứ vào văn bản hiện còn để có thể khảo sát thấy rằng, bắt đầu vào thế kỷ 3 A.D., còn có xây dựng các hang đá. Như hang đá Tỳ-đề-xá (Vediśā), hang đá Na-tư-ca (Nāsik). Hang đá A-chiết-đạt (Ajanta) mà cả thế giới đều biết, cũng từ thế kỷ 2 A.D., bắt đầu xây dựng. Khu vực Phật giáo tổng hợp các kiến trúc tráng lệ to lớn với Thánh tích và vườn rừng, trở thành trung tâm để tín chúng sùng kính cúng dường. Những Thánh địa này, so với dân gian thông thường, thật sự có cảm giác thanh tịnh siêu việt trần thế!
Phật và hàng đệ tử xuất gia có đời sống quá thiểu dục tri túc. Sự nhận bố thí là mỗi ngày khất thực một lần, và các rất ít vật dụng hằng ngày như 3 y, bát, tọa cụ, v.v. Xuất gia là xả bỏ tất cả tài sản mà mình có để đi xuất gia. Sa-di (Śrāmaṇeraka) thuộc hàng xuất gia nên cũng không được dùng hương, tràng hoa để trang điểm cho thân mình, không được ca múa và xem nghe, không được cầm nắm vàng bạc, vật quí. Vào thời đại Phật giáo Bộ phái, luật sanh hoạt của hàng đệ tử xuất gia nhìn chung vẫn quá đơn giản như thế. Nhưng đối với Phật – di thể, di vật và di tích, không chỉ xây tháp cao lớn, còn dùng hương, tràng hoa, anh lạc, phan lọng, kĩ nhạc – âm nhạc, nhảy múa, hí kịch, cũng dùng vàng, nạc, đồ quí cúng dường. Lúc Phật tại thế không tiếp nhận những thứ ấy, mà sau khi Ngài niết-bàn, vì sao ngược lại mang những thể ấy để cúng dường? Quyển 33 của luật Ma-ha Tăng-kỳ (T. 22, tr. 498c) nói:
“Hoặc khi Như Lai còn tại thế hay sau khi nê-hoàn, tất cả hoa, hương, kỹ nhạc, các thứ y phục, đồ ăn thức uống, hết thảy đều được cúng dường. Nhằm làm lợi ích cho thế gian, khiến tất cả chúng sanh đạt được an lạc dài lâu.”
Theo luật Tăng-kỳ, hoa, hương, kỹ nhạc, vào lúc Như Lai còn tại thế cũng được nhận, nhưng chứng cứ về điều này không thể đáng tin. Chấp nhận sự cúng dường của những tín chúng thông thường như vậy nhằm lợi ích cho chúng sanh, phát sanh tín tâm, tăng trường công đức bố thí, cũng có thể nói là một trong những lý do. Nhưng tôi cho rằng, đây là sử dụng phương thức tế tổ tông, tế thiên thần của dân gian, dùng để cúng dường tháp Phật. Phật-đà quan của Phật giáo Bộ phái là 2 phái thuộc hiện thực và thuộc lý tưởng. Nhưng sự cúng dường tháp Phật (di thể, di vật, di tích) như vậy lại là điểm chung của giới Phật giáo. Chí ít, Phật-đà quan của xã hội phổ thông, dùng hương, hoa, kỹ nhạc, v.v., cúng dường, ít nhiều đã có điểm ý thức về thần (không phân biệt thần hay Phật). Lại nữa, sự cúng dường cho tháp Phật, tiếp nhận sự cúng dường và trang sức bằng vàng, bạc, trân bảo, Phật giáo (tháp và Tăng viện) cũng sung túc lên. Pháp Hiển truyện nói: “Sáu nước ở vùng núi cao phía Đông, những báu vật có giá trị cao mà các vua có đều phần lớn cúng dường, người dùng thì ít.” Ở nước Sư tử (Siṃhala), “tinh xá thờ răng của Phật đều làm bằng 7 thứ báu… Trong kho tàng của chúng Tăng phần lớn có trân bảo.”5 Đại Đường Tây Vực ký cũng nói: ở nước Ca-tất-thí (Kapiśā), “già-lam này có nhiều kho trân bảo,” “trong ấy phần lớn chứa các thứ tạp bảo.”6 Phật giáo so với thời Phật còn tại thế, khác nhau như thế đó! Cuộc sống vốn có nơi lâm viên, tiếp cận tự nhiên, có tính u huyền đẹp đẽ của sự hài hòa vắng lặng. Do sự phát triển của tháp Phật và Tăng viện, nên dung hợp lẫn nhau với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, đồ họa, kỹ nhạc – âm nhạc, múa hát, v.v. Trong hoàn cảnh thành kính, nghiêm túc, đã biểu lộ ra không khí tôn quí của sự tráng lệ đường hoàng. Khu vực Phật giáo ‘vi diệu trang nghiêm’ biểu hiện ra cảnh giới mới, không có gì nghi ngờ, Phật giáo đã tiến vào một giai đoạn mới.

Mục 2. Sự tăng trưởng về ý thức Tôn giáo mới

Phật Pháp là Tôn giáo. Phật và hàng đệ tử, trong sự tu chứng định và tuệ, đã dẫn đến phát khởi năng lực siêu việt thông thường, chính là ‘pháp vượt quá người thường’ – thần thông. Nội dung cứu cánh của thần thông, tuy không tự mình chứng nghiệm, nhưng tôi tin tưởng là có thật. Nhưng, Phật lấy sự thuyết pháp, dạy dỗ để giáo hóa chúng sanh, nói chung, là không dùng thần thông. ‘Vì hàng bạch y nên hiện thần thông’, là việc bị hạn chế nghiêm ngặt. Nếu như có ‘pháp vượt quá người thường’ mà lừa dối mê hoặc quần chúng, lại là đã pháp trọng giới – đại vọng ngữ, của Tăng đoàn, phải bị trục xuất khởi Tăng đoàn, mất đi tư cách người xuất gia. Quả thật có thần thông nhưng không dùng thần thông độ chúng sanh (trừ nhân duyên thù thắng). Trên cơ sở của đức hạnh nhân sanh, việc tu chứng định và huệ để đạt cảnh giới giải thoát của thân tâm mình; thoát khỏi niềm tin và hành động sai lầm của Thần giáo, là chỗ tối trác việt của Phật pháp vậy! Đương nhiên, trong tín chúng thông thường có tập quán về ý thức Thần giáo, đối với Phật còn có ý niệm thần kỳ, hẳn là thực tế khó tránh được.
Trong lập trường về đức Phật-đà thuộc nhân gian hiện thực, Phật nhập niết-bàn là đã không còn tiếp tục tồn tại ở thế gian này. Niết-bàn, không thể nói không có, cũng không thể nói là có. Niết-bàn không phải là thứ mà ngôn từ và tư tưởng có thể biết và suy luận được, chỉ có thể nói đó là sự vĩnh viễn diệt trừ mọi thứ khổ giả dối ở thế gian, nhưng không được tưởng tượng đó là sự tồn tại thần bí như thế nào đó (tồn tại chính là ‘có’). Cho nên Phật niết-bàn rồi, không xuất hiện trở lại nơi thế gian thuộc sanh tử, cũng sẽ không hiện thần thông nữa. Quan điểm về đức Phật-đà tuy có 2 hái, nhưng Phật giáo Bộ phái mà hoạt động thực tế ở nhân gian, sự sùng kính đối với di thể, di vật, di tích của đức Phật, không có sai biệt quá nhiều. Đức Phật tuy đã niết-bàn nhưng đối với di thể, di vật, di tích của đức Phật đều đã lưu truyền ra các sự tích thần kỳ. Các tháp xây để thờ di thể - xá lợi (śarīra) của Phật có các hiện tượng linh nghiệm dị thường như phóng ra ánh sáng, đất chấn động, v.v., ở Tiết 1 của chương này đã đề cập đến rồi. Bát (pātra) của Phật – một trong những di vật, chỉ là đồ dùng để ăn mà Phật đã sử dụng, nhưng cũng có sự thần diệu dị thường, như Pháp Hiển truyện (T. 51, tr. 858c) nói:
“Người nghèo dùng một ít hoa đặt vào thì bát liền đầy; có người đại phú muốn dùng nhiều hoa cúng dường, dù đổ vào đủ trăm ngàn đấu nhưng cuối cùng vẫn không thể đầy.”
Cao Tăng truyện cũng nói đến:1
“[Ngài La-]Thập đi vào nước Sa-lặc, đội bát của Phật trên đầu. Tâm thầm nghĩ rằng bát này rất lớn, vì sao lại nhẹ như vậy? Tức thì, bát trở nên nặng không thể đỡ được, bèn la lên rồi để bát xuống.”
“(Trí) Mãnh dùng hương và hoa cúng dường, đội bát lên đầu rồi phát nguyện: nếu bát này có ứng nghiệm thì có thể nhẹ có thể nặng. Rồi bát trở thành nặng, sức không chịu nổi. Và khi hạ bát xuống thì lại không cảm thấy nặng.”
Lúc bấy giờ, có truyền thuyết bát Phật nặng hay nhẹ là do người đó mà khác nhau, cho nên những người cúng dường đội lên đầu. Sự nhẹ hay nặng không nhất định của bát Phật, giống như xá-lợi trong chùa vua A-dục, sắc thái là do người đó nên thấy được khác nhau. Cây bồ-đề, thuộc di tích, càng thần kỳ hơn, như quyển 8 của Đại Đường Tây Vực ký (T. 51, tr. 915c) nói:
“Khi vua Vô Ưu mới lên ngôi, tin theo tà đạo, phá hủy di tích của Phật, phát động binh đao, đích thân chinh phạt, cỏ cây hoa lá bị chặt bỏ ngổn ngang. Lần nọ, vua hành quân về phía Tây vài mươi bộ rồi chất cây thành đống, sai người bà-la-môn chuyên lo về lửa đốt để tế trời. Khi ngọn lửa chưa tắt, chợt sanh ra 2 cây, trong ngọn lửa dữ, cành lá xanh tươi, vì vậy gọi đó là tro của cây bồ-đề. Vua nhìn thấy điều ký lạ ấy nên hối hận, dùng hương, sữa tưới lên các gốc còn lại. Vào lúc trời sắp sang, cây sống lại như cũ.”
“Cạnh nơi đó, vua Thiết-thưởng-ca tin theo ngoại đạo, ghét bỏ Phật Pháp, phá già-lam Tăng, chặt cây bồ-đề. [Vua sai người đào gốc cây bồ-đề,] đào đến mạch nước, nhưng không hết được rễ, bèn sai lấy lửa để đốt, dùng nước mía đổ vào, muốn nó cháy rụi, diệt hết mầm mống. Sau vài tháng, vua Bổ-lặc-nô-phạt-ma của nước Ma-yết-đà… dùng sữa vắt của vài ngàn con bò để tưới, trải qua một đêm, cây sống lại, cao hơn một trượng.”
Vì sao cây bồ-đề không bị chết, trái lại có thể từ trong lửa sanh trưởng lên! Lại nửa, vào thời vua A-dục (Aśoka), cây bồ-đề đã được chiết ra một nhánh, trồng ở Tích-lan. Đảo sử, Đại sử2 đều có ghi chép chi tiết, nay trích dẫn quyển 3 của Thiện kiến luật tỳ-bà-sa (T. 24, tr. 692b-693b), để thấy đại khái về sự thần kỳ của cây bồ-đề:
“Bấy giờ một cành tự nhiên từ gốc tách ra, rơi vào trong cái chậu bằng vàng… Lúc ấy, cây bồ-đề bay lên hư không, dừng lại 7 ngày… Sau 7 ngày, cây lại phóng ánh sáng… Trên tán lá của cây bồ-đề kết thành quả, thân cây bằng anh lạc, từ hư không hạ xuống vào trong chậu bằng vàng… Ở (nước Sư Tử) trồng trong vườn của nhà vua, khi mới đặt cây xuống, cây liền bay lên hư không, cao 80 trửu, liền xuất hiện ánh sang 6 màu, chiếu sáng khắp cả nước Sư Tử, lên đến Phạm thiên… Lúc mặt trời lặn, cây từ hư không, giống như sao chổi hạ xuống đất, đất đều chấn động mạnh mẽ.”
Sự thần biến phát sanh bởi cây bồ đề được chiết trồng, nghe nói là di sắc của đức Phật khi Ngài còn tại thế.3 Bát, cây bồ-đề của Phật có sự thần kỳ như vậy, dù cho rốt cục có bao nhiêu phần sự thật, nhưng chính là truyền thuyết về tín ngưỡng phổ biến của giới Phật giáo. Hiện tượng thần kỳ theo truyền thuyết, dù cho các học giả Phật giáo giải thích như thế nào, thì trong tâm của mọi người thông thường, tất nhiên sẽ sản sanh cảm giác và tín ngưỡng về sự thần kỳ đối với bát và cây bồ-đề - vật thể. Vả lại, đây cũng không chỉ là xá-lợi, bát, cây bồ-đề, di vật và di tích mà có truyền thuyết và tín ngưỡng về sự thần kỳ, ở trong truyện ký của người xưa đúng là vẫn có không ít vậy!
Đại Đường Tây Vực ký là báo cáo những điều Huyền Trang được thấy được nghe tại Ấn-độ vào thế kỷ 7 A.D. Sự thần kỳ liên quan đến di thể, di vật, di tích của Phật, Ngài đã thuật lại không ít; dân gian đối với những vật thể cụ thể này, những tín ngưỡng linh cảm phát sanh cũng không ít. Nhiều nhất, hoặc là uống nước, hoặc là tắm rửa, hoặc là nhiễu tháp, hoặc là cầu nguyện, hoặc là dùng hương và dầu xoa lên tượng Phật, truyền thuyết nói tật bệnh ‘phần lớn đều trừ khỏi’, được kể 10 đoạn trở lên. Thành Hoa Thị (Pāṭaliputra) và thành Già-da (Gayā) đều có “nước Thánh,” “nếu có người nào uống hoặc rửa, tội cáu đều bị tiêu diệt.”4 Nước Thánh có khả năng tiêu trừ nghiệp chướng, so với ‘nước phước’5 của thế tục, có gì bất đồng? Những vật thể này có các hiện tượng không nhất định, căn cứ vào đây nên dẫn đến phát sinh các việc chiêm bốc, cũng lưu hành trong Phật giáo, như Đại Đường Tây Vực ký nói:
Thành Hề-la (Hiḍḍa) có xương đảnh đầu của Phật: “Muốn biết tướng tốt hay xấu, dùng bột hương trộn với bùn để ấn lên xương đảnh đầu ấy, thì cảm ứng tùy theo phước của người ấy, lễ nghi rất trang trọng.”6
Tảng đá lớn Long tuyền ở Ô-trượng-na (Udyāna): “Bàn chân Như lai in dấu nơi ấy, tùy theo phướng lực của người ấy mà đo có dài ngắn khác nhau.”7
Trụ đá lớn ở Ba-la-nại-tư (Vārāṇasī): “Người ân cần cầu thỉnh thì thấy ảnh các hình tượng, các tướng lành hay dữ, có khi thấy được.”8
Nơi Phật kinh hành ở Bồ-đề đạo tràng: “Nền Thánh tích này cho thấy mạng sống dài ngắn của con người. Người đó trước hết phải phát nguyện chí thành, sau đó mới đo đạc, tùy theo tuổi thọ dài ngắn, số lượng sẽ có tăng hay giảm.”9
Ba đoạn dẫn đầu là bói tướng, từ tướng mà biết là tốt hay xấu, cũng chính là từ chiêm bốc mà biết là phước hay là họa. Đoạn cuối là chiêm bốc sự dài hay ngắn của tuổi thọ. Trị bệnh, tiêu trừ tội nghiệp, biết họa phước và thọ mạng dài ngắn, đây không phải là tôn giáo giải thoát, cũng không phải là tôn giáo tu phước để sanh lên cõi trời, mà là tôn giáo mong cầu phước lạc đời hiện tại. Phước lạc đời hiện tại là điều mà mọi người mong cầu, nhưng không nhờ vào các việc làm đúng đắn để cầu được, mà muốn từ nước, đất, chiêm bốc linh nghiệm, kỳ lạ để đạt thành, rõ ràng đã dung hợp với vu thuật cấp thấp. Việc này, trong Phật Pháp, là một điều mới, giống như ý thức mới của Thần giáo. Loại giống như ý thức mới của Thần giáo này là từ sự sùng kính di thể, di vật, di tích của đức Phật-đà mà có. Vào thời đại Phật giáo Bộ phái, vẫn chưa rõ nó đã lan tràn như thế nào, nhưng đích xác là đã ngày càng lớn mạnh dần.
Nhớ tưởng, kính trọng đức Thế tôn biểu hiện thành sự sùng kính và cúng dường di thể, di vật, di tích. Khơi mở tín tâm, tu và tích góp công đức bố thí là pháp môn sanh lên cõi trời. Hình thức Phật giáo phổ cập xã hội này, thúc đẩy sự phát triển phi thường của Phật giáo, là cống hiến quan trọng và to lớn đối với Phật giáo vậy! Nhưng các khu vực Phật giáo trang nghiêm vi diệu, các việc làm thuộc linh cảm chiêm bốc, cũng lớn mạnh bên trong Phật giáo, đã hình thành cảnh giới mới của Phật giáo. Hình thức Phật giáo thuộc tín ngưỡng, phước đức, thông tục hóa này, đối với sự hưng khởi của Phật Pháp Đại thừa, đã có sự ảnh hưởng sâu sắc.





1 Bổn sanh, Nam truyền 34, tr. 154-172.

2 Phật chủng tánh kinh, Nam truyền 41, tr. 361-362.

3 Đại Đường Tây Vực ký 1, T. 51, tr. 872c; và q. 2, tr. 879a-c.

4 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 858b-859a.

5 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 857c.

6 Xuất Tam tạng ký tập 15, T. 55, tr. 113b.

7 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 858b-c.

8 Cao Tăng truyện 3, T. 50, tr. 343b.

9 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 865c.

10 Vua của nước phương Đông mất bát của Phật, xem Phật diệt độ hậu quan liệm táng tống kinh, T. 12, tr. 1114c. Vua nước Nguyệt Thị chinh phạt Trung Thiên Trúc, lấy được bát của Phật, xem Mã Minh Bồ-tát truyện, T. 50, tr. 183c; Phó pháp tạng nhân duyên truyện 5, T. 50, tr. 315b.

11 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 858c. Đại Đường Tây Vực ký 2, T. 51, tr. 879b.

12 Cao Tăng truyện 3, T. 50, tr. 343b, 338c.

13 Thủy kinh chú dẫn lời của Trúc Pháp Duy nói.

14 Cao Tăng truyện 2, T. 50, tr. 330b.

15 Liên hoa diện kinh, q. hạ, T. 12, tr. 1075c-1076a. Đại Đường Tây Vực ký 2, T. 51, tr. 879c; và q. 11, tr. 938a.

1 Trường bộ, (16) Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 125.

2 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 38, T. 14, tr. 399a, phần phụ chú của Nghĩa Tịnh tức là 8 Thánh địa lớn.

3 Trung A-hàm kinh 11, Tần-tỳ-sa-la vương ngênh Phật kinh, T. 1, tr.497b-498c.

4 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 9, T. 14, tr. 40a.

1 Đại Đường Tây Vực ký 7, T. 51, tr. 909a.

2 Đại Đường Tây Vực ký 1, T. 51, tr. 873b.

3 Thủy kinh chú dẫn lời của Trúc Pháp Duy.

4 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 858b.

5 A-dục vương truyện 2, T. 50, tr. 104c. A-dục vương kinh 3, T. 50, tr. 139a-b.

6 Đại Đường Tây Vực ký 8, T. 51, tr. 915c.

7 Như Đại sử, Nam truyền 60, tr. 269-279, v.v., đã chép.

8 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 865a.

9 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 865b.

10 Đại Đường Tây Vực ký 8, T. 51, tr. 918b.

11 Ma-ha Tăng-kỳ luật 28, T. 22, tr. 454b; và q. 40, tr. 546c.

12 1) Thập tụng luật 5, T. 23, tr. 33c. 2) Thập tụng luật 48, T. 23, tr. 352b. 3) Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Ni-đà-na 5, T. 24, tr. 435a.

1 Tương ưng bộ, Đế tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 339-340. Trung A-hàm kinh 56, Ma-la kinh, T. 1, tr. 777c.

2 Di-sa-tắc bộ hòa-ê Ngũ phần luật 20, T. 22, tr. 134b; và q. 25, tr. 166b-c.

3 Di-sa-tắc bộ hòa-ê Ngũ phần luật 25, T. 22, tr. 167b.

4 A-dục vương kinh 2, T. 50, tr. 138a-139a.

5 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 857c, 865a.

6 Đại Đường Tây Vực ký 1, T. 51, tr. 874a.

1 Cao Tăng truyện 2, T. 50, tr. 330b; và q. 3, tr. 343b.

2 Đảo sử, Nam truyền 60, tr. 109-111. Đại sử, Nam truyền 60, tr. 269-280.

3 Thiện kiến luật tỳ-bà-sa 3, T. 24, tr. 691c-692a.

4 Đại Đường Tây Vực ký 8, T. 51, tr. 912a.

5 Đại Đường Tây Vực ký 4, T. 51, tr. 891b.

6 Đại Đường Tây Vực ký 2, T. 51, tr. 879b.

7 Đại Đường Tây Vực ký 3, T. 51, tr. 882c.

8 Đại Đường Tây Vực ký 7, T. 51, tr. 905b.


9 Đại Đường Tây Vực ký 8, T. 51, tr. 916b-c.