SỰ KHỞI NGUYÊN VÀ KHAI TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA SƠ KỲ - CHƯƠNG 10

CHƯƠNG 10. PHÁP MÔN BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

Tiết 1. Bộ loại của kinh Bát-nhã

Mục 1. Thứ tự biên tập thành của bộ loại kinh Bát-nhã   

Bát-nhã ba-la-mật (prajñāpāramitā)1 là một trong 6 ba-la-mật – 6 độ. Trong con đường bồ-đề của vị Bồ-tát tu học, bát-nhã ba-la-mật có địa vị chủ đạo, nên bát-nhã ba-la-mật là thứ có mặt khắp trong tất cả kinh Đại thừa, có thể nói là bộ phận chủ yếu mà pháp môn Đại thừa không thể khuyết thiếu được. Trong kinh Đại thừa, có đặc biệt chú trọng bát-nhã ba-la-mật, xem bát-nhã ba-la-mật là trung tâm để biên tập thành Thánh điển; bộ phận Thánh điển này cũng đã được lấy làm tên gọi riêng cho ‘kinh Bát-nhã ba-la-mật’, trở thành một loại lớn trọng yếu trong kinh Đại thừa – Bát-nhã bộ. Bộ loại của kinh Bát-nhã, thật sự là không ít! Những bộ loại Bát-nhã này, được thấy trên mặt Phật giáo sử, là ở trong sự tăng lên không ngừng, từ 2 bộ, 3 bộ, 4 bộ, 8 bộ đến 18 bộ (của Huyền Trang dịch ra đời Đường); về sau vẫn gọi là sự truyền dịch ra kinh Bát-nhã. Nói đại khái, sự biên tập ra của kinh Bát-nhã là từ sự hưng khởi của Phật pháp Đại thừa, dài mãi đến thời đại Phật pháp Đại thừa Bí mật được truyền bá. Đương nhiên, kinh Bát-nhã mà được người ta coi trọng nhất, là kinh thuộc về thời đại Phật pháp Đại thừa, đặc biệt là bộ phận đại biểu cho Phật pháp Đại thừa sơ kỳ (giữa thế kỷ 1 B.C., đến cuối thế kỷ 2 A.D.). Nhằm thuyết minh về kinh Bát-nhã đại biểu cho Đại thừa sơ kỳ, nên trình bày tình hình thứ tự tăng lên nhiều thêm của kinh Bát-nhã trên mặt Phật giáo sử, cũng có thể suy đoán và xác định được kinh Bát-nhã đại biểu cho Đại thừa sơ kỳ.
1) Hai bộ : trên mặt lịch sử của Phật giáo Trung Quốc, sự truyền dịch và truyền thuyết của kinh Bát-nhã, hẳn phải là từ ‘1 bộ’ đến ‘2 bộ’. Nhưng thời điểm truyền dịch qua sớm nhất thì chỉ có 1 bộ, không biết còn có kinh Bát-nhã nào khác, cũng không biết những vấn đề nào phát sanh từ bộ loại của kinh Bát-nhã. Kinh Bát-nhã được tryền dịch qua sớm nhất là kinh Đạo hành bát-nhã, gồm 10 quyển, 39 chương (phẩm), hoặc gọi là kinh Ma-ha bát-nhã ba-la-mật, vào đời Hán Linh đế, niên hiệu Quang Hòa năm thứ 2 (179 A.D.).2 Đến đời Ngụy, niên hiệu Cam Lộ năm thứ 5 (260 A.D.), theo truyền thuyết được biết đã có 2 bộ kinh Bát-nhã, như truyện Chu Sĩ Hành trong quyển 13 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 97a-b) nói:
“Sĩ Hành từng giảng Tiểu phẩm ở Lạc Dương, thỉnh thoảng không được thông suốt. Ông thường than thở rằng kinh này là cốt tủy của Đại thừa mà bản dịch thì không nói được hết cái lý của nó. Ông thề quên mình, đi xa để tìm Đại phẩm. Vào đời Ngụy, niên hiệu Cam Lộ năm thứ 5, ông bèn xuất phát từ Ung Châu, đi về hướng Tây, vượt qua sa mạc Lưu Sa. Khi đã đến nước Vu Điền, ông quả đã chép được bản chính tiếng Phạn, bản Hồ gồm 90 chương (phẩm), hơn 600.000 lời. Ông sai đệ tử là Bất Như Đàn, tiếng nước Tấn gọi là Pháp Nhiêu, gồm 10 người đưa bản Hồ kinh này trở về Lạc Dương… Đưa về đến chùa Thủy Nam, trấn Thương Viên, huyện Trần Lưu. Ở Hà Nam có cư sĩ Trúc Thúc-lan là người hiểu rành rẽ tiếng của nước mình, đã dịch ra (thành) kinh Phóng quang gồm 20 quyển.
Tiểu phẩm mà Chu Sĩ Hành giảng tại Lạc Dương chính là kinh Đạo hành Bát-nhã. Bộ kinh này, người xưa bình luận rằng “từ đầu chí cuối của kinh Đạo hành này rất sâu sắc, các bậc Hiền ngày xưa khi luận về nó thì luôn luôn bị vướng mắc.”3 Sĩ Hành biết có bản đầy đủ hơn của kinh Bát-nhã nên đến Vu Điền để tìm. Cho đến đời Tấn niên hiệu Nguyên Khang năm thứ 5 (295 A.D.), Trúc Thúc-lan dịch ra kinh Phóng quang Bát-nhã,4 tương đương với kinh Đạo hành Bát-nhã, người xưa bèn gọi chúng là Đại phẩm và Tiểu phẩm. Hai bộ này có bộ phận giống nhau, người xưa thì tin rằng Tiểu phẩm được sao chép ra từ Đại phẩm, như Đạo hành kinh tự của Đạo An (312 A.D. – 385 A.D.) nói: “Sau khi Phật nê-viết, có bậc cao sĩ người ngoại quốc sao chép 90 chương làm thành Đạo hành phẩm.”5 Đại tiểu phẩm đối tỉ yếu sao tự của Chi Đạo Lâm (314 A.D. – 366 A.D.) nói: “Các bậc học giả đi trước cùng truyền lại rằng: Sau khi Phật niết-bàn, từ trong Đại phẩm sao chép ra thành Tiểu phẩm.”6 Tên gọi của Đại phẩm và Tiểu phẩm truyền mãi về sau. Trong phần bổn quyển 27 (hoặc 24) của kinh Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật do Cưu-ma-la-thập dịch gọi là Tân đại phẩm kinh; phần bổn của quyển 10 thì gọi là Tân tiểu phẩm kinh.7 Đại phẩm và Tiểu phẩm cũng chính là bản đầy đủ và bản tóm gọn của kinh Bát-nhã.
2. ‘Ba bộ’, ‘Bốn bộ’: Vào thời đại Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) đến Trung Hoa (khoảng 401 A.D. – 415 A.D.), giới Phật giáo Trung Quốc đã được biết có 3 bộ kinh Bát-nhã, như quyển 67 luận Đại trí độ (được dịch ra trong những năm 402 A.D. – 405 A.D.) (T. 25, tr. 529b) nói:
“Số lượng kinh quyển cùng thuộc loại Bát-nhã-ba-la-mật thì có nhiều, có ít, có thượng, trung, hạ - Quang tán, Phóng quang, Đạo hành.”
Kinh Bát-nhã mà luận Trí độ đề cập, có thượng, trung, hạ, cũng chính là Quang tán Bát-nhã, Phóng quang Bát-nhã, Đạo hành Bát-nhã. Luận Trí độ còn đề cập đến: “Số kinh quyển và chương cú của các bộ Bát-nhã ba-la-mật như Tiểu phẩm, Phóng quang, Quang tán, v.v., thì có giới hạn, có số lượng, nhưng ý nghĩa của bát-nhã ba-la-mật thì vô lượng.”8 Nhận xét này so với nhận xét đã dẫn ở trên thì nội dung hoàn toàn phù hợp, chỉ là thứ tự ngược nhau một chút. Tiểu phẩm mà nằm ngoài Quang tán, Phóng quang, chính là kinh Đạo hành. Quang tán của Hán dịch hiện còn 10 quyển, là bản còn thiếu. Nhưng thời xưa có truyền thuyết rằng: “Quang tán có 500 quyển, ở đất này [Trung Quốc] bị mất chỉ còn 10 quyển.”9 Thuyết nói Quang tán gồm 500 quyển có khả năng là truyền thuyết xa xưa của Bát-nhã gồm 100.000 bài tụng. Quyển 100 của luận Đại trí độ (T. 25, tr. 756a) nói:
“Phẩm trung Bát-nhã ba-la-mật này có 22.000 bài kệ; phẩm lớn của Bát-nhã có 100.000 bài kệ. ”
Kinh Bát-nhã có 100.000 bài kệ là phẩm thượng trong 3 phẩm, luận Đại trí độ gọi nó là Quang tán. Luận Đại trí độ là bản chú thích của kinh Bát-nhã, bản kinh mà luận này căn cứ - 22.000 bài kệ, chính là Tân đại phẩm kinh do Cưu-ma-la-thập dịch; cùng với Phóng quang Bát-nhã do Trúc Thúc-lan dịch và Quang tán bị thiếu do Trúc Pháp Hộ dịch đều là phẩm trung trong 3 phẩm. Ba bộ Bát-nhã là ngoài 2 bộ - Đại phẩm, Tiểu phẩm ra còn có 1 bộ khác gồm 100.000 bài kệ. Long Thọ (Nāgārjuna) viết luận Đại trí độ vào đầu thế kỉ 3 A.D., bấy giờ tại Ấn-độ đã có 3 bộ kinh Bát-nhã; nhưng khi truyền thuyết đến Trung Quốc thì đã vào đầu thế kỉ 5 A.D. Nhưng, nếu như chấp nhận thuyết Quang tán có 500 quyển thì thời điểm Trúc Pháp Hộ dịch ra Quang tán (286 A.D.), giới Phật giáo Trung Quốc có khả năng đã nghe nói qua ‘3 bộ Bát-nhã’.
Thuyết ‘4 bộ’ thấy trong Bài tựa của Tiểu phẩm kinh của Tăng Duệ (T. 8, tr. 537a):
“Chánh văn của kinh này có tổng cộng 4 loại, là do Phật thuyết vào những thời điểm khác nhau nhằm thích hợp để giáo hóa nên có chi tiết hay ngắn gọn khác nhau. Loại nhiều thì [nghe] nói có 10.000 bài kệ; loại ít thì có 600 bài kệ. Đại phẩm này chính là Trung phẩm của Thiên Trúc vậy. Tùy nghi mà nói thì cần gì phải so đo chúng là nhiều hay ít!”
Tăng Duệ vốn là đệ tử của Đạo An, về sau trở thành môn nhân của La-thập. La-thập dịch Tân tiểu phẩm kinh, 7 quyển (hiện tại chia làm 10 quyển) vào niên hiệu Hoằng Thỉ năm thứ 10 (408 A.D.). Tăng Duệ viết bài Tựa cho Tiểu phẩm, trong ấy nói rằng kinh Bát-nhã có 4 bộ, chính là ngoài 3 bộ có thêm 1 bộ gồm 600 bài kệ. Quyển 1 của Kim cang Bát-nhã sớ (T. 33, tr. 86b), Cát Tạng nói:
“Có người nói: cần phải lấy Kim cang bổ túc thêm vào 3 bộ trước để thành bộ. Nhưng Kim cang chỉ có khoảng 300 bài kệ, Duệ công nói bộ nhỏ thời có 600 bài kệ nên phải biết rằng không cần dùng Kim cang để bổ túc vào.”
Bấy giờ Kim cang Bát-nhã cũng là do La-thập dịch ra, ngoài 3 bộ ấy thêm vào Kim cang Bát-nhã, hợp thành 4 bộ là điều rất có khả năng, chỉ là số bài kệ ít hơn nhiều.
3. ‘Tám bộ’: Vào niên hiệu Vĩnh Bình nguyên niên (508 A.D.) đời Bắc Ngụy, Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) đến Trung Quốc, đã dịch ra kinh Kim cang Bát-nhã ba-la-mật, 1 quyển và Kim cang Bát-nhã ba-la-mật kinh luận, 3 quyển. Bộ luận này do Thế Thân (Vasubandhu) viết, Lưu-chi lại căn cứ vào bộ luận thích của Thế Thân, viết Kim cang tiên luận, 10 quyển. Kim cang tiên luận nói có ‘8 bộ Bát-nhã’, cũng chính là số bộ loại Bát-nhã mà Bồ-đề-lưu-chi truyền thuyết lại, như quyển 1 của luận này (T. 25, tr. 798a) nói:
“Tám bộ Bát-nhã dùng 10 ý nghĩa giải thích để đối trị 10 thứ. Trong đó, bộ thứ nhất gồm 100.000 bài kệ (là Đại phẩm); bộ thứ hai gồm 25.000 bài kệ (là Phóng quang); bộ thứ ba gồm 18.000 bài kệ (là Quang tán); bộ thứ tư gồm 8000 bài kệ (là Đạo hành); bộ thứ năm gồm 4000 bài kệ (là Tiểu phẩm); bộ thứ sáu gồm 2.500 bài kệ (là Thiên vương vấn); bộ thứ bảy gồm 600 bài kệ (là Văn-thù); bộ thứ tám gồm 300 bài kệ (tức là bộ Kim cang Bát-nhã này).”
Phần chữ nhỏ trong đoạn văn trên của luận là được người sau thêm vào, nhằm suy đoán ‘8 bộ Bát-nhã’ để chủ thích phía dưới. Cho nên liên quan đến ‘8 bộ Bát-nhã’, các truyền thuyết của người đời sau đều gần với nhau, mà xác định chắc chắn đó là những kinh gì, thì như luận Kim cang tiên đã nói trên; những thuyết mà Kim cang Bát-nhã kinh sớ của Trí Giả;10 Kim cang Bát-nhã sớ của Cát Tạng;11 Giải thâm mật kinh sớ của Viên Trắc12 đã nói, thì các thuyết này khác biệt nhau tương đối nhiều. Kỳ thật, số kệ tụng ít nhiều và thứ tự của 7 bộ đầu trong ‘8 bộ Bát-nhã’ đều phù hợp với 7 hội đầu trong 16 hội của kinh Đại Bát-nhã. Bộ thứ tám gồm 300 bài kệ là Năng đoạn Kim cang phần, thứ 9, trong 16 hội. Lấy ‘8 bộ Bát-nhã’ so sánh với 10 hội đầu trong kinh Đại Bát-nhã thì thấy thiếu Na-già-thất-lợi phần, thứ 8 và Lý thú Bát-nhã phần, thứ 10. Lý thú Bát-nhã phần và Bí mật Đại thừa có liên quan nhau; vào đầu thế kỷ 6 A.D., đại khái vẫn chưa thành lập. Na-già-thất-lợi phần và kinh Nhu-thủ Bồ-tát vô thượng thanh tịnh phần vệ bản dịch cũ tương đương nhau, nhưng bản dịch cũ không gọi là ‘kinh Bát-nhã’, người xưa cũng không xem nó thuộc bộ loại của Bát-nhã. Bộ kinh này mà được biên tập vào bộ loại của Bát-nhã, tại Ấn-độ có lẽ là việc về sau.
4. ‘Mười sáu hội’: Vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ 19 (645 A.D.) đời Đường, Huyền Trang từ Ấn-độ trở về nước. Niên hiệu Hiển Khánh năm thứ 5 (660 A.D.), ngài bắt đầu phiên dịch kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa – kinh Đại Bát-nhã, toàn bộ bản Phạn gồm 200.000 bài tụng, chia làm 16 hội, dịch thành 600 quyển, nội dung như sau:
Hội 1
100.000 bài tụng
400 quyển

Dịch mới
Hội 2
25.000 bài tụng
78 quyển

Dịch lại
Hội 3
18.000 bài tụng
59 quyển

Dịch mới
Hội 4
8.000 bài tụng
18 quyển

Dịch mới
Hội 5
4.000 bài tụng
10 quyển

Dịch lại
Hội 6
2.500 bài tụng
8 quyển
Tối Thắng thiên vương phần
Dịch lại
Hội 7
800 bài tụng
2 quyển
Văn-thù-thất-lợi phần
Dịch lại
Hội 8
400 bài tụng
1 quyển
Na-già-thất-lợi phần
Dịch lại
Hội 9
300 bài tụng
1 quyển
Năng đoạn Kim cang phần
Dịch lại
Hội 10
300 bài tụng
1 quyển
Bát-nhã lý thú phần
Dịch mới
Hội 11
2.000 bài tụng
5 quyển
Bố thí ba-la-mật-đa phần
Dịch mới
Hội 12
2.000 bài tụng
5 quyển
Tịnh giới ba-la-mật-đa phần
Dịch mới
Hội 13
400 bài tụng
1 quyển
An nhẫn ba-la-mật-đa phần
Dịch mới
Hội 14
400 bài tụng
1 quyển
Tinh tấn ba-la-mật-đa phần
Dịch mới
Hội 15
800 bài tụng
2 quyển
Tĩnh lự ba-la-mật-đa phần
Dịch mới
Hội 16
2.500 bài tụng
8 quyển
Bát-nhã ba-la-mật-đa phần
Dịch mới
Kinh Đại Bát-nhã gồm 16 hội do Huyền Trang dịch có thể chia thành 3 loại lớn. Năm phần đầu là loại thứ 1: 3 phần đầu tuy chi tiết hay ngắn gọn khác nhau rất lớn, nhưng nội dung đều tương đồng với Đại phẩm mà thuyết xưa đã nói. Phần 4 và phần 5 là loại Tiểu phẩm mà thuyết xưa đã nói. Hai loại này, về đoạn văn và nội dung đều có bộ phần giống nhau, là sự tách ra của cùng một nguyên bản. Năm phần giữa (6-10) là loại thứ 2: đây là 5 bộ kinh khác biệt nhau; từ Huyền Trang trở về trước đã từng dịch ra 4 bộ đầu (6-9), chỉ có Bát-nhã lý thú phần là dịch mới. Bộ Bát-nhã lý thú phần này có liên quan với Bí mật Đại thừa, xưa tuy không có truyền dịch nhưng về sau lại truyền dịch ra không ngừng. Sự biên tập ra của kinh điển có thời đại trước sau, đây là điều đã có thể chứng minh được. Sáu phần sau là loại thứ 3: đây là từ lập trường của pháp môn Bát-nhã, đem 6 ba-la-mật-đa biên tập ra khác nhau.
Bộ loại Bát-nhã theo truyền thuyết ở Trung Quốc là từ (1 bộ) 2 bộ, 3 bộ, 4 bộ, 8 bộ, đến 16 bộ, đã cho thấy sự phát triển không ngừng của kinh Bát-nhã. Nếu như trên phương diện lịch sử dịch kinh tại Trung Quốc để xét, thì đầu tiên là bản ngắn gọn, bản chi tiết, rồi sau là Nhu-thủ Bát-nhã, Kim cang Bát-nhã, Văn-thù Bát-nhã, Thắng thiên vương Bát-nhã, đến đời Đường mới dịch ra Lý thú Bát-nhã, v.v., đã phản ánh thứ tự truyền ra của kinh Bát-nhã tại Ấn-độ.

Mục 2. Các bộ loại Bát-nhã hiện còn

Kinh Bát-nhã truyền bá mà được bảo tồn về sau, chủ yếu là các bản dịch Hoa văn, còn có bản dịch Tạng văn và bộ phận bản Phạn. Ở trong đây trình bày sơ lược thêm, xem như là căn cứ để luận cứu về sự thành lập và phát triển của kinh Bát-nhã Đại thừa sơ kỳ.
1. Hạ phẩm Bát-nhã (căn cứ theo thuyết có 3 bộ, gọi là hạ - trung – thượng của luận Đại trí độ): đây là loại Tiểu phẩm được truyền tại Trung Quốc thời cổ đại. Bản dịch Hoan văn hiện còn, tổng cộng có 7 bộ:
1) Đạo hành Bát-nhã kinh
10 quyển
Hậu Hán, Chi-(lâu-ca)-sấm dịch
2) Đại minh độ kinh
6 quyển
Ngô, Chi Khiêm dịch
3) Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật sao kinh
5 quyển
Tiền Tần, Đàm-ma-bi cùng Trúc Phật Niệm dịch?
4) Tiểu phẩm Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh
10 quyển
Hậu Tần, Cưu-ma-la-thập dịch
5) Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (phần 4)
18 quyển
Đường, Huyền Trang dịch
6) Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (phần 5)
10 quyển
Đường, Huyền Trang dịch
7) Phật thuyết Phật mẫu xuất sanh tam pháp tạng Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh
25 quyển
Tống, Thi Hộ dịch
Trong 7 bộ thuộc loại Hạ phẩm, 1) kinh Đạo hành Bát-nhã được dịch ra vào niên hiệu Quang Hòa năm thứ 2 đời Hán Linh Đế (179 A.D.), là bản kinh Bát-nhã được dịch ra xưa nhất trong Hoa văn. Nhưng ghi chép trong Xuất Tam tạng ký tập, là bản mục lục kinh điển sớm nhất, có tồn tại mâu thuẫn. Ngoài bản gồm 10 quyển do Chi-sấm (Lokarakṣa) dịch ra, lại nói kinh Đạo hành, 1 quyển, do Trúc Sóc-Phật dịch ra vào thời Linh Đế, Đạo An đã viết lời tựa để chú thích nó.1 Đây là viết cho bản 10 quyển của Chi-sấm dịch hoặc cho bản 1 quyển của Trúc Sóc-Phật (hoặc gọi là Trúc Phật-sóc). Nhưng Đạo hành kinh tự của Đạo An, nói: “Bậc cao sĩ người ngoại quốc đã sao chép 90 chương (Đại phẩm) thành phẩm Đạo hành; vào đời Hoàn, Linh, Sóc-Phật mang đến kinh sư, dịch ra Hán văn.” Lại nữa, Đạo hành kinh hậu ký nói: “Vào ngày mồng 8 tháng 10 niên hiệu Quang Hòa năm thứ 2, tại thành Lạc Dương ở Hà Nam, Mạnh Nguyên Sĩ nhận truyền miệng (nguyên tác gọi là ‘trao’) từ Bồ-tát Trúc Sóc-Phật người nước Thiên Trúc, bấy giờ người truyền ngôn – (người) dịch là Bồ-tát Chi-sấm người nước Nguyệt Chi.2 Dường như bản 10 quyển là do hai người kết hợp dịch. Đạo An viết ‘bài tựa để chú thích’ cho kinh Đạo hành bản 1 quyển; phẩm Đạo hành của kinh Đại minh độ do Chi-khiêm dịch hiện còn có phụ thêm phần chú thích, hẳn đây chính là phần chú của Đạo An. Nhưng đây là căn cứ theo kinh Đại minh độ để chú, không khớp với bản 10 quyển của Chi-khiêm dịch. Hiện nay chỉ còn bản 10 quyển, thông thường xem là do Chi-khiêm dịch. Bộ kinh Đạo hành Bát-nhã này, về sau tôi gọi tắt là ‘bản Hán dịch’.
2) Kinh Đại minh độ, Xuất Tam tạng ký tập chép “Kinh Đại minh độ, 4 quyển, hoặc gọi là kinh Đại minh độ vô cực.”3 Dịch giả của bộ kinh này, trong kinh lục có không ít thuyết khác nhau.4 Nhưng dịch âm thiếu, văn tự lại ngắn gọn, có đặc tính phù hợp với bản dịch của Chi-khiêm, gọi tắt là ‘bản Ngô dịch’.
3) Kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật sao, có ghi rằng “Đời Phù Tần, sa-môn Đàm-ma-bi (Dharmapriya) người Thiên Trúc cùng Trúc Phật Niệm dịch.” Quá trình dịch ra kinh này, như Ma-ha Bát-la-nhã ba-la-mật kinh sao tự trong quyển 8 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 52b) nói:
“Đúng vào niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ 18, Tiền bộ vương của nước Xa-sư tên là Di-đệ đến triều. Quốc sư của nước ấy tên tự là Cưu-ma-la-bạt-đề dâng một bộ Đại phẩm tiếng Hồ, 402 điệp [tờ], nói gồm 20.000 thủ-lô [śloka – bài kệ]. Một thủ-lô gồm 32 chữ, là phương pháp đếm kinh của người Hồ. Vua liền sai đếm để kiểm tra thì có tổng cộng 17.260 thủ-lô, mất 27 chữ, tính tổng lại được 552.475 chữ. Sa-môn Đàm-ma-bi người Thiên Trúc cầm bản Phạn, Phật Hộ làm người dịch, đối chiếu kể kiểm tra, Huệ Tấn bút thọ. Bản này so với Phóng quang và Quang tán, chỗ nào giống nhau thì không có thêm bớt. Chỗ nào người dịch của 2 kinh này bị mất thì tùy theo chỗ mất, cân nhắc để sửa lại cho đúng. Nếu ý nghĩa nào khác nhau mà không biết là bản nào đúng thì liền đều ghi ra để giữ lại, luôn luôn làm chú thích ở phía dưới. Tổng cộng gồm 4 quyển, nếu 1 trang hoặc 2 trang khác biệt thì tách riêng ra thành 1 quyển, hợp lại thành 5 quyển.”
Tân tập kinh luận lục trong quyển 2 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 10b) nói:
Ma-ha Bát-la-nhã ba-la-mật đinh sao, 5 quyển,… Vào đời vua Giản Văn Đế nhà Tấn, sa-môn Đàm-ma-bi người Thiên Trúc cầm bản Đại phẩm tiếng Hồ, Trúc Phật Niệm dịch ra.”
Ma-ha Bát-la-nhã ba-la-mật đinh sao, 5 quyển, dịch giả tuy có thuyết khác nhau về Phật Hộ và Trúc Phật Niệm nhưng đều do Đàm-ma-bi cầm bản ‘Đại phẩm tiếng Hồ’. Kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật sao hiện còn, nội dung là Tiểu phẩm, rõ ràng không khớp với thuyết ‘cầm Đại phẩm tiếng Hồ’, cho nên Khai Nguyên Thích giáo lục hoài nghi lời của Đạo An nói, nên nói “hoặc e là mới tìm thấy điều đó mà chưa xét kỹ.”5 Bản Phạn mà Cưu-ma-la-bạt-đề (Kumāra-buddhi) dâng gồm ‘402 điệp’, ‘tổng cộng 17.260 thủ-lô, mất 27 chữ’, Đạo An nói chính xác như vậy, thì không thể sai lầm. Theo Sao tự của Đạo An, đây là bản rút tỉa ra mà không phải là phiên dịch toàn bộ. Đàm-ma-bi, v.v., căn cứ vào bản Phạn Đại phẩm gồm 20.000 bài tụng, đối chiếu với Phóng quangQuang tán. Nếu như đoạn nào tương đồng thì không dịch lại. Nếu 2 kinh có chỗ nào bị mất thì dịch ra thêm. Nếu như văn nghĩa bất đồng mà không thể xác định được thì ‘giữ lại cả hai’ – ngoài bản cựu dịch, còn dịch ra bản mới, lại luôn luôn chú thích thêm. Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh sao hoàn toàn không phải là phiên dịch toàn bộ của Đại phẩm, mà chỉ là ‘kinh sao - rút tỉa kinh’, cũng chính là ‘bản ghi lại khi đối chiếu của từng đoạn từng đoạn, cho nên chỉ có 4 quyển hoặc 5 quyển. Bộ Kinh sao này sớm đã bị mất. Bản hiện còn mà được gọi là Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật sao kinh, nội dung là Tiểu phẩm. Chúng kinh mục lục của Pháp Kinh, v.v., soạn vào đời Tùy, nói: Trúc Pháp Hộ từng dịch ta Tân Đạo hành kinh gồm, 10 quyển, một tên gọi khác là Tân Tiểu phẩm kinh, hoặc 7 quyển.”6 Nghiên cứu về Nguyên thỉ Bát-nhã, theo lời bác sĩ Suzuki,(a) suy đoán Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật sao kinh hiện còn đó là do Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Đông Tấn.”7 Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật sao kinh hiện còn, không chỉ là thuộc loại Tiểu phẩm, vả lại vẫn là bản thị thiếu. Văn tự sử dụng rất nhiểu của ‘bản Hán dịch’, dùng ‘bản Hán dịch’ để đối chiếu, thì thấy ở khoảng giữa phẩm Thanh tịnh thuộc quyển 3 và phẩm Bổn vô thuộc quyển 4 của Sao kinh đã thiếu mất phẩm Thán, phẩm Trì, phẩm Giác, phẩm Chiếu minh, phẩm Bất khả kế, phẩm Thí dụ, phẩm Phân biệt – 7 phẩm. Từ phẩm Thích-đề-hoàn-nhân trở đi lại thiếu mất phẩm Cống cao, phẩm Học, phẩm Thủ hành, phẩm Cường nhược, phẩm Lụy giáo, phẩm Bất khả tận, phẩm Tùy, phẩm Tát-đà-ba-lôn, phẩm Đàm-mô-kiệt, phẩm Chúc lụy – 10 phẩm. Tổng cộng thiếu 17 phẩm, ước chừng khoảng 5 quyển. Cho nên bản Sao kinh 5 quyển hiện còn, có thể suy ra một cách xác định là do Trúc Pháp Hộ dịch. Không biết vì sao, có lẽ là có quan hệ với ‘5 quyển’, cuối cùng đã bị truyền lại sai lầm rằng Kinh sao là do Đàm-ma-bi, v.v., dịch! Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật sao kinh là do Trúc Pháp Hộ dịch, về sau gọi tắt là ‘bản Tần dịch’.
4) Kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật, hoặc gọi là kinh Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật, 10 quyển, do Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch vào niên hiệu Hoằng Thỉ năm thứ 10 đời Diêu Tần (408 A.D.), nay gọi tắt là ‘bản Tần dịch’.
5) Kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa, phần thứ 4 (bắt đầu từ quyển 538 đến quyển 555), gồm 18 quyển.
6) Kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa, phần thứ 5 (bắt đầu từ quyển 556 đến quyển 565), gồm 10 quyển. Đây là kinh Đại Bát-nhã do Đường Huyền trang dịch, tương đồng với Tiểu phẩm; là phần thứ 4 và phần thứ 5 trong 16 phần. Nay gọi tắt là ‘bản Đường dịch phần 4’, ‘bản Đường dịch phần 5’.
7) Kinh Phật thuyết Phật mẫu xuất sanh tam pháp tạng Bát-nhã ba-la-mật-đa, 25 quyển, Thi Hộ (Dānapāla) dịch, ước chừng dịch sau niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 7 đời Tống (982 A.D.), gọi tắt là ‘bản Tống dịch’.
Ngoài 7 bản dịch Hoa văn này ra, bản Tạng dịch thuộc về Kinh Bát-nhã, ‘Tiểu phẩm’, cũng có 2 bộ: 1. Bản 10.000 bài tụng do Thắng Hữu (Jinamitra) dịch: Ḥphags-pa Śes-rab-kyi pha rol-tu phyin-pa khri-pa zhes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo. 2. Bản 8000 bài kệ do Thích-ca-quân (Śākya-sena), Trí Thành Tựu (Jñāna-siddhi), v.v., dịch: Ḥphags-pa Śes-rab-kyi pha rol-tu phyin-pa brgyad-stoṅ-pa zhes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo. Về phương diện bản Phạn, có bản 8000 bài tụng do Ni-bạc-nhĩ [Nepal] truyền: Aṣṭasāhasrikāprajñā-pāramitā, số lượng thật sự là 8.190 bài tụng.8
Nếu như đem 7 bộ của bản dịch Hoa văn, 2 bộ của bản dịch Tạng văn và 1 bộ của Phạn văn mà so sánh sự giống và khác nhau giữa chúng9 thì có thể chia thành 2 loại: bản Đường dịch phần 4, bản Tống dịch của Hoa văn và bản Phạn văn là một loại. Bản Đường dịch phần 4 có 29 phẩm, nếu như nhập thêm vào hay lược bỏ đi  phẩm Thường đề, phẩm Pháp dũng, phẩm Chúc lụy, thì tổng cộng gồm 32 phẩm, phù hợp với bản Tống dịch và bản Phạn văn. Bản Hán dịch, bản Ngô dịch, bản Tấn dịch, bản Tần dịch và bản Đường dịch phần 5, tuy số phẩm về sơ lược có sai biệt, nhưng văn nghĩa thì gần nhau. Từ số lượng bài tụng của 2 bản dịch Tạng văn để nói, thì dường như là dịch ra bất đồng với bản Đường dịch phần 4. Chí Nguyên pháp bảo khám đồng tổng mục lục xem bản 10.000 bài tụng của Tạng dịch là tương đồng với bản Đường dịch phần 4; bản 8.000 bài tụng tương đồng với bản Đường dịch phần 5,10 thì e rằng chưa hẳn chính xác! Bản Đường dịch phần 5 được dịch thành 10 quyển, không thể có 8.000 bài tụng.
2. Trung phẩm Bát-nhã: kinh Bát-nhã thuộc về Trung phẩm có tổng cộng 5 bộ được dịch ra Hoa văn. 1) Kinh Quang tán Bát-nhã ba-la-mật: như Hợp Phóng quang, Quang tán lược giải tự do Đạo An viết thuộc quyển 7 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 48a), nói:
“Về Quang tán, Hộ công cầm bản Hồ, Nhiếp Thừa Viễn bút thọ… [Hận vì kinh] bị mất, đến đất Lương năm 911 thì vừa viên tịch. Khi đến được nước này thì kinh đã bị mất không còn đầy đủ… Gặp gỡ Huệ Thường, Tấn Hành, Huệ Biện, v.v., sắp đi đến Thiên Trúc, trên đường ngang Kinh Châu, chép lại để làm tài liệu. Lần lượt đến châu Ung của nước Tần. Vào ngày 24 tháng 5 niên hiệu Thái Nguyên nguyên niên nhà Tần, mới đưa đến Tương Dương.”
Kinh Quang tán Bát-nhã là do Trúc Pháp Hộ dịch ra vào niên hiệu Thái Khang năm thứ 7 (286 A.D.), nhưng bấy giờ không lưu thông, hình như đã bị mất. Về sau phát hiện tại Lương Châu, mới sao chép “đưa đến Tương Dương, trao cho sa-môn Đạo An.” Không chỉ đã trải qua 91 năm, mà bản hiện còn gồm 10 quyển, 27 phẩm (đã mất 2 phần 3) là bản bị thiếu. Bộ bị thiếu này, nay gọi tắt là ‘bản Quang tán’.
2) Kinh Phóng quang Bát-nhã ba-la-mật: đây là bản Chu Sĩ Hành tìm được ở Vu Điền, dịch thành 20 quyển, 90 phẩm. Quan quá trình truyền dịch, như Phóng quang kinh hậu ký thuộc quyển 7 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 47c) nói:
“Chu Sỹ Hành… đi về hướng Tây đến nước Vu Điền, chép được bản Phạn của chánh phẩm. Bản Hồ có 90 chương, hơn 600.000 từ. Vào niên hiệu Thái Khang năm thứ 3, ông sai đệ tử là Phất Như Đàn, tiếng nước Tấn gọi là Pháp Nhiễu đưa kinh bản Hồ này đến Lạc Dương. Phất Như Đàn ở lại đó 3 năm, sau lại đến Hứa Xương. Hai năm sau, đưa đến chùa Thủy Nam, trấn Thương Viên, huyện Trần Lưu. Vào ngày 15 tháng 5 niên hiệu Nguyên Khang nguyên niên, các bậc Hiền giả cùng tập hợp lại hội nghị để dịch sang tiếng nước Tấn. Bấy giờ, người cầm bản Hồ là sa-môn Vô-xoa-la người nước Vu Điền; ưu-bà-tắc Trúc Thúc Lan khẩu truyền (dịch); Chúc Thái Huyền, Chu Huyền Minh cùng bút thọ… Đến ngày 24 tháng 12 năm ấy thì chép xong… Đến ngày 15 tháng 11 niên hiệu Thái An năm thứ 2, sa-môn Trúc Pháp Tịch đến chùa Thủy Bắc ở trấn Thương Viên để tìm bản kinh này. Khi chép lại thì tìm được 5 bộ còn rất tốt, đều là bản Hồ, ngài với Trúc Thúc Lan lại hiệu đính và chép lại, đến ngày mồng 2 tháng 4 niên hiệu Vĩnh An nguyên niên thì hoàn thành.”
Vào niên hiệu Thái Khang năm thứ 3 (282 A.D.), bản kinh này đã được đưa đến Lạc Dương; niên hiệu Nguyên Khang nguyên niên (291 A.D.) mới dịch ra tại chùa Thủy Nam ở trấn Thương Viên; đến niên hiệu Vĩnh An nguyên niên (304 A.D.) mới hiệu đính thành định bản. Bản Phạn có ‘hơn 600.000 từ’, ước chừng khoảng 19.000 bài tụng, nay gọi tắt là ‘bản Phóng quang’.
3) Kinh Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật: niên hiệu Hoằng Thỉ năm thứ 5 (404 A.D.) đời Dao Tần, Cưu-ma-la-thập dịch tại vường Tiêu dao, nay thành 30 quyển. Thao luận Đại trí độ, bản Phạn gồm có 22.000 bài tụng, nay gọi tắt là ‘bản Đại phẩm’.
4) Kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa, phần thứ 2: bắt đầu từ niên hiệu Hiển Khánh năm thứ 5 đến niên hiệu Long Sóc năm thứ 3 (660 A.D. – 663 A.D.), Huyền Trang dịch xong toàn bộ kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa, chia thành 16 phần, gồm 600 quyển. Trong ấy, phần thứ 2 bắt đầu từ quyển 401 đến quyển 478, gồm 78 quyển, nay gọi tắt là ‘bản Đường dịch phần 2’.
5) Kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa, phần thứ 3: bắt đều từ quyển 479 đến quyển 537, gồm 59 quyển, gọi tắt là ‘bản Đường dịch phần 3’.
Bản dịch Tạng văn thuộc loại Trung phẩm cũng có 2 bộ: 1) Śes-rab-kyi-pha-rol-tu-phyin-pa stoṅ-phrag-ñi-śu-lṅa-pa, theo Chí Nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục, thì bản này tương đồng với bản Đường dịch phần 2.11 2) Ḥphags-pa Śes-rab-kyi-pha-rol-tu-phyin-pa khri-brgyad -stoṅ-pa shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo, theo Chí Nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục, thì bản này tương đồng với bản Đường dịch phần 3.12
Bản Phạn thuộc về Trung phẩm Bát-nhã thì hiện nay còn Pañcaviṃśatisāhasrika-prajñāpāramitā, tức kinh Bát-nhã gồm 25.000 bài tụng, tương đương với bản Đường dịch phần 2.
3. Thượng phẩm Bát-nhã: là phần đầu của kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa do Huyền Trang dịch, được dịch thành 400 quyển, chính là bản 100.000 bài tụng trong truyền thuyết. Theo Trinh Nguyên tân định Thích giáo mục lục, bản Phạn thật sự là 132.600 bài tụng,13 nay gọi tắt là ‘bản Đường dịch phần đầu’. Bát-nhã 100.000 bài tụng được dịch sang Tạng văn có tên là: Śes-rab-kyi-pha-rol-tu-phyin-pa stoṅ-phrag-brgya-pa, theo Chí Nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục, thì bản này tương đồng với bản Đường dịch phần đầu.14 Bát-nhã 100.000 bài tụng (Śatasāhasrikāprajñāpāramitā) mà bản Phạn hiện còn, theo R. Mitra, người hiệu đính và in bản Phạn của Bát-nhã 8.000 bài tụng, thấy rằng bản Phạn chia thành 4 phần: phần 1 gồm 26.960 bài tụng, phần 2 gồm 35.259 bài tụng, phần 2 gồm 24.800 bài tụng, phần 4 gồm 26.650 bài tụng; 4 phần này tổng cộng gồm 113.677 bài tụng.15
4) Kim cang Bát-nhã: đây là bộ kinh Bát-nhã được lưu thông thịnh hành nhất. Có tổng cộng 6 bộ dịch thành Hoa văn: 1) Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần. 2) Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch vào niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 2 (509 A.D.) đời Ngụy. 3) Chân Đế (Paramārtha) dịch vào năm Nhâm Ngọ (562 A.D.) đời Trần. Ba bộ này đều có tên là kinh Kim cang Bát-nhã ba-la-mật, mỗi bộ 1 quyển. 4) Đạt-ma-cấp-đa (Dharmagupta) dịch vào niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 10 (590 A.D.) đời Tùy, gọi là kinh Kim cang năng đoạn Bát-nhã ba-la-mật, 1 quyển. 5) Huyền Trang dịch vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ 22 (648 A.D.) đời Đường, gọi là kinh Năng đoạn Kim cang Bát-nhã ba-la-mật-đa, 1 quyển; biên tập vào kinh Đại Bát-nhã, quyển 577, tức Năng đoạn Kim cang phần, thứ 9. 6) Nghĩa Tịnh dịch tại chùa Tây Minh vào niên hiệu Trường An năm thứ 3 (703 A.D.) đời Đường (thời Võ hậu), gọi là kinh Năng đoạn Kim cang Bát-nhã ba-la-mật-đa, 1 quyển. Ngoài những bản dịch sang tiếng Hoa ra, còn có các bản dịch sang Tạng ngữ. Trong đó, bản dịch trong ấn bản Đức-cách (Derge) phù hợp với bản dịch của Bồ-đề-lưu-chi, đặc biệt là bản của Chân Đế. Nhưng bản dịch được biên tập vào trong ấn bản Bắc Kinh thì lại gần với bản dịch của Đạt-ma-cấp-đa, đặc biệt là bản của Huyền Trang. Kinh này cũng còn bản Phạn. A. Stein đã phát hiện được bản dịch Vu Điền trong động Thiên Phật ở Đôn Hoàng.16 Căn cứ vào bản dịch Hoa văn để luận, thì bản dịch của Bồ-đề-lưu-chi, bản dịch của Chân Đế, bản dịch của Đạt-ma-cấp-đa, bản dịch của Huyền Trang, bản dịch của Nghĩa Tịnh – 5 bộ, đều thuộc về truyền thừa của hệ Du-già, có liên quan với Kim cang kinh luận thích của Vô Trước (Asaṅga), Thế Thân (Vasubandhu).
5. Na-già-thất-lợi Bát-nhã: Na-già-thất-lợi phần, thứ 8, gồm 1 quyển, là quyển 576 của kinh Đại Bát-nhã dịch đời Đường. Trong lịch sử dịch kinh tại Trung Quốc, bộ kinh này được dịch ra rất sớm, như Tân tập tục soạn thất dịch tạp kinh lục trong quyển 4 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 21c) nói:
“Kinh Nho-thủ Bồ-tát vô thượng thanh tịnh phần vệ, 2 quyển (một tên gọi khác là kinh Quyết liễu chư pháp như huyễn hóa tam-muội).”
Mất tên người dịch nhưng “chưa thấy được kinh văn của nó”, lại có kinh Nhu-thủ Bồ-tát, quyển, chú thích: “Nghi rằng kinh này chính là kinh Nhu-thủ Bồ-tát phần vệ.”17 Bộ này chỉ nghe nói tên kinh mà không thấy được kinh văn, Tăng Hựu suy đoán đó chính là kinh Nho-thủ Bồ-tát vô thượng thanh tịnh phần vệ. Chúng kinh mục lục của Pháp Kính, v.v., đời Tùy, nói chỉ có 1 bản, do “sa-môn Thích Tường Công đời Tống dịch ở Nam Hải.”18 Lịch đại Tam bảo kỷ lại chia thành 2 bộ: một bộ là do Nghiêm Phật Điều dịch vào đời Hậu Hán;19 một bộ là “vào đời Tống, không rõ năm, chưa rõ là dịch vào đời vua nào. Quần Lục Trực chú rằng: Sa-môn Thích Tường Công dịch ra ở quận Nam Hải.”20 Thuyết nói có 2 bộ của Lịch đại Tam bảo kỷ nói đương nhiên không đủ để tin; truyền thuyết nói là do Tường Công dịch vào đời Tống cũng chưa hẳn đáng tin. Từ ngôn ngữ dịch của kinh Nhu-thủ Bồ-tát vô thượng thanh tịnh phần vệ để nói, thì tuy tương đối mạch lạc, rõ ràng, nhưng dịch ‘như thị ngã văn’ là ‘văn như thị’, Văn-thù-sư-lợi dịch là ‘Nhu-thủ’, Khẩn-na-la dịch là ‘Chân-đà-la’, vô sanh pháp nhẫn dịch là ‘cái nhẫn của pháp lạc không từ đâu sanh’, v.v., thì có đặc trưng của các dịch phẩm vào đời Tấn (từ La-thập trở về trước), không thể là được dịch vào đời Tống. Có lẽ vì lý do như vậy nên Lịch đại Tam bảo kỷ mới có phỏng đoán là do Nghiêm Phật Điều dịch. Đây là vào đời Đông Tấn, ‘người dịch bị mất tên’ gần với với thời đại của La-thập. Thời cổ đại, bộ kinh này không được xem thuộc về bộ Bát-nhã. Đây là kinh Đại thừa sơ kỳ, tư tưởng gần với Bát-nhã, nhưng hoàn toàn chẳng lấy bát-nhã làm chủ đề. Vào thời đại Bồ-đề-lưu-chi truyền thuyết có ‘8 bộ Bát-nhã’, bộ kinh này vẫn chưa được biên tập vào hệ thống kinh Đại Bát-nhã.
6. Văn-thù Bát-nhã: Bản dịch hoa văn của kinh này có 3: 1) Do Mạn-đà-la tiên (Mandra) dịch vào niên hiệu Thiên Giám năm thứ 5 đời Lương, tên là kinh Văn-thù-sư-lợi sở thuyết ma-ha Bát-nhã ba-la-mật, hoặc gọi là kinh Văn-thù Bát-nhã ba-la-mật, 2 quyển. 2) Do Tăng-già-bà-la (Saṃghavarman) dịch vào đời Lương, tên là kinh Văn-thù-sư-lợi sở thuyết Bát-nhã ba-la-mật, 1 quyển. Tăng-già-bà-la ban đầu tham dự dịch trường của Mạn-đà-la tiên; sau khi Mạn-đa-la tiên viên tịch, lại căn cứ vào bản Phạn của Mạn-đà-la tiên để dịch lại. 3) Kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa (quyển 574-575), phần thứ 7 – Mạn-thù-thất-lợi phần, do Huyền Trang dịch vào đời Đường. Bản của Mạn-đà-la tiên thì “phần kinh văn đầu không có 10 lớp ánh sáng, phần kinh văn sau có nhất hành tam-muội;” bản của Tăng-già-bà-la thì “phần kinh văn đầu có 10 lớp ánh sáng, phần kinh văn sau không có nhất hành tam-muội.”21 Bản dịch của Huyền Trang phù hợp với bản của Mạn-đà-la tiên. Bản dịch của Mạn-đà-la tiên được biên tập thành hội thứ 46 của kinh Đại bảo tích. Bộ kinh này củng có bản dịch Tạng ngữ và bản Phạn. Văn-thù Bát-nhã là lấy bát-nhã ba-la-mật làm chủ đề, trở thành một bộ kinh điển độc lập. Nhưng đặc biệt xem trọng chúng sanh giới, ngã giới, Như lai giới, Phật giới, pháp giới, bất tư nghị giới, đã biểu lộ đặc sắc của Phật pháp Đại thừa hậu kỳ. Nhưng vẫn còn trong quá trình diễn tiến, chưa đạt đến giai đoạn của thuyết Như lai tạng (hoặc Như lai giới), Phật tánh (Phật giới).
7. Thắng thiên vương Bát-nhã: Thiên vương vấn Bát-nhã đã từng được nói đến trong thuyết có ‘8 bộ Bát-nhã’ do Bồ-đề-lưu-chi truyền. Đến niên hiệu Thiên Gia năm thứ 6 (565 A.D.) đời Trần, Nguyệt-bà-thủ-na (Upa-śūnya) mới dịch thành Hoa văn, gọi là kinh Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật. Bản Phạn của bộ kinh này do sa-môn Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra) từ nước Vu Điền mang đến Kiến Nghiệp vào niên hiệu Thái Thanh năm thứ 2 (548 A.D.) đời Lương.22 Toàn bộ kinh này gồm 16 phẩm, chia thành 7 quyển. Thắng thiên vương Bát-nhã tương đương với phần thứ 6 của kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa do Huyền Trang dịch vào đời Đường; bản dịch đời Đường chia thành 8 quyển (bắt đầu từ quyển 566 đến quyển 573), 17 phẩm.23
Kinh Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật có liên quan đến hai bộ kinh, có thể nói là được hình thành do tập hợp từ hai bộ kinh (và một bộ kinh khác), hai bộ này chính là kinh Bảo vân và kinh Vô thượng y. Kinh Bảo vân trước sau có tổng cộng 4 bản dịch: 1) Kinh Bảo vân, 7 quyển, do Mạn-đà-la tiên dịch vào niên hiệu Thiên Giám năm thứ 2 (503 A.D.) đời Lương. 2) Kinh Đại thừa Bảo vân, 7 quyển, do Mạn-đà-la tiên cùng Tăng-già-bà-la dịch vào đời Lương.24 3) Kinh Bảo vũ, 10 quyển, do Đạt-ma-lưu-chi (Dharmaruci) dịch vào đời Đường.25 4) Kinh Phật thuyết Trừ Cái Chướng Bồ-tát sở vấn, 20 quyển, do Thi Hộ, v.v., dịch vào đời Triệu Tống. Bốn bộ này là cùng một nguyên bản mà bản dịch khác nhau, trong kinh nói đến: Bồ-tát Trừ Cái Chướng từ thế giới phương Đông đến, đã nêu ra một trăm lẻ mấy mấy đề, từ “làm sao Bồ-tát có đầy đủ về sự bố thí?”, “làm sao Bồ-tát nhanh chóng thành tựu a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề?” Đối với mỗi vấn đề, Phật đều dùng ‘10 pháp’ để giải đáp, thể tài gần với kinh Hoa nghiêm. Sau cùng, chư thiên tán thán, cúng dường, tường thuật về chuyện của thiên nữ thần núi Già-da tên là Trường Thọ (hoặc gọi là Bất Tử); cuối cùng tán thán, khuyến khích thọ trì. Trong đó, điểm bất đồng là: phần cuối cùng kinh Đại thừa Bảo vân đã bị thiếu đoạn thiên nữ Trường Thọ, trái ngược nhiều với phẩm Bảo tích. Nội dung của phẩm Bảo tích tương đồng với kinh Cổ Bảo tích (hội Phổ Minh Bồ-tát của kinh Đại Bảo tích), đây là lấy kinh Cổ Bảo tích làm phẩm, nhưng thêm vào phần cuối của bộ kinh này. Kinh Bảo vũ, ở sau đoạn Phật phóng quang từ trên đỉnh đầu, có xen vào chuyện của thiên tử Nguyệt Quang. Phật dự ký rằng: “Ngươi sẽ đạt được địa vị a-tì-bạt-trí, tại nước Ma-ha Chi-na ở phương Đông Bắc của châu Thiệm Bộ. Ngươi thật sự là Bồ-tát mà hiện thân nữ, làm Tự tại chủ (vua), trải qua nhiều năm, dùng chánh pháp để cai trị và dạy dỗ.”26 Người dịch kinh này là vào niên hiệu Đại Chu Trường Thọ năm thứ 2 [693 A.D.] của hoàng đế Võ Tắc Thiên; nữ vương được thọ ký vốn là Nam Ấn-độ,27 người dịch gặp lúc nữ chúa xưng đế nên liền biên tập vào trong kinh Bảo vũ, từ Nam Ấn-độ đã chuyển thành Đại Trung Quốc ở Đông Bắc. Nói trở lại về kinh Vô thượng y, 2 quyển, do Chân Đế dịch vào niên hiệu Thiệu Thái năm thứ 3 (557 A.D.), toàn kinh chia thành 7 phẩm: phẩm Hiệu lượng công đức, phẩm Như lai giới, phẩm Bồ-đề, phẩm Như lai công đức, phẩm Như lai sự, phẩm Tán thán, phẩm Chúc lụy. Phẩm thứ nhất – Hiệu lượng công đức vốn là một bộ kinh điển độc lập, so với kinh Vị tằng hữu mất tên người dịch, kinh Thậm hi hữu do Huyền Trang dịch là cùng nguyên bản mà bản dịch khác nhau; nội dung là xưng tán, cúng dường xá-lợi Phật, công đức tạo tháp. Xá-lợi của Phật cũng được gọi là đà-đô của Phật, đà-đô của Như lai. Đà-đô (dhātu) dịch là giới, cho nên xá-lợi của Phật cũng được gọi là Phật giới hoặc Như lai giới. Cũng chính vì lý do như vậy nên từ Như lai giới của xá-lợi Phật, nói đến Như lai giới có cùng ý nghĩa với Như lai tạng. Phẩm Như lai giới của kinh vô thượng y nói thể tánh của Như lai giới (nơi địa vị chúng sanh) cũng được gọi là chúng sanh giới. Phẩm Bồ-đề trình bày việc nương vào Như lai giới tu hành để đắc bồ-đề. Phẩm này nói về các thứ công đức của quả Phật; nương vào công đức của Phật để khởi lên nhiều thứ ứng dụng. Từ phẩm Như lai giới đến phẩm Như lai sự (nghiệp), đã trình bày có thứ tự theo hệ thống đối với thuyết Như lai tạng.
Căn cứ theo kinh Bảo vân và kinh Vô thượng y để so sanh với kinh Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật (16 phẩm) thì thấy tương đồng về nội dung, vì lý do như thế này. 1) Phẩm Thông đạt của kinh Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật: phần dẫn nhập đầu tiên nói về các Bồ-tát ở 10 phương, như Bồ-tát Ly Chướng ở phương Đông, v.v., vân tập đến, tiếp theo trả lời rằng nương vào bát-nhã để tu 10 ba-la-mật. 2) Phẩm Hiện tướng: từ ‘như địa’ đến ‘thường làm Pháp sư, thuyết pháp khéo léo’. 3) Phẩm Pháp giới: đầu tiên trả lời về ‘thông đạt pháp giới’, ‘viễn ly các thứ tướng’, đến ‘biết con đường tà chánh’. Dưới phần ‘viễn ly các thứ tướng’, Thắng thiên vương Bát-nhã có nhiều hơn một đoạn “bấy giờ mọi người đều đạt được lợi ích.” 4) Phẩm Niệm xứ: từ ‘tâm chánh bất loạn’ đến ‘lực oai thần của Như lai’. Bốn phẩm ở trên phù hợp với kinh Bảo vân.28 5) Phẩm Pháp tánh: từ đầu phẩm đến “thực hành bát-nhã ba-la-mật, thông đạt pháp tánh sâu xa như vậy,”29 phù hợp với phẩm Như lai giới của kinh Vô thượng y, như nói:30
“Ở bên trong ấm, giới, nhập của các chúng sanh có cái thể pháp tánh thanh tịnh từ vô thỉ liên tục [đến nay] không bị ô nhiễm. Tất cả tâm thức không thể duyên vào để khởi, các thứ giác quán [tầm tư] khác không thể phân biệt, tư duy bằng tà niệm cũng không thể duyên vào. Pháp này lìa tà niệm, không khởi vô minh, vì vậy không sanh từ 12 duyên, nên gọi là vô tướng; thế nên nó không phải là pháp được làm ra, không có sanh, không có diệt, không có giới hạn, không có tận cùng, tự tướng của nó là thường trụ.”
“Tất cả chúng sanh đều có ấm, giới, nhập, có chủng loại tướng thù thắng, biểu hiện ở trong ngoài, trôi chảy liên tục từ thời vô thỉ, cái pháp như vậy đạt đến chỗ thiện trong sáng, vi diệu. Nơi đây, hoặc là tâm ý thức không thể duyên vào để khởi, giác quán phân biệt không thể duyên vào để khởi, cái tư duy bất chánh không thể duyên vào để khởi. Hoặc tách rời tư duy bất chánh, pháp này không khởi lên vô minh; nếu không khởi vô minh thì là pháp chẳng phải do 12 hữu phần [chi] khởi duyên [duyên khởi[; nếu chẳng do 12 hữu phần khởi duyên thì là pháp vô tướng. Nếu cái vô tướng thì đó là pháp chẳng do làm ra, không có sanh, không có diệt, không có giảm, không có tận cùng, là thường, là hằng, là vắng lặng, là [thường] trụ.”
Đoạn cuối của phẩm Pháp tánh, từ “thông đạt thế đế” đến “tu các hạnh như vậy, đắc a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề,”31 lại là giải đáp vấn đề trong kinh Bảo vân. Tiếp theo, chư thiên tán thán sự cúng dường, đến tán thán sự thọ trì – kết thúc phẩm Pháp tánh, cũng đều phù hợp với kinh Bảo vân. 6) phẩm Bình đẳng, 7) phẩm Hiện tướng, 8) phẩm Vô sở đắc, 9) phẩm Chứng khuyến, 10) phẩm Thuật đức, 11) phẩm Hiện hóa, 12) phẩm Đà-la-ni, 13) phẩm Khuyến thỉnh – 8 phẩm, của kinh Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật là được tập hợp từ một bộ kinh Đại thừa khác. Trong kinh văn đã đề cập đến Xá-lợi-phất, thiên tử Tu-chân-chi, đồng tử Thiện tư duy, Văn-thù-sư-lợi, v.v., trong bản kinh Đại thừa được dịch sang Hoa văn hiện còn, hẳn là có thể so sánh nhận ra được. 14) Phẩm Nhị hành: đây lại là kinh Vô thượng y. Mười nghĩa trong phẩm Bồ-đề của kinh Vô thượng y tương đương với “năm là làm việc, sáu là nhiếp phục các tướng, bảy là nơi thực hành, tám là thường trụ, chín là không chung cùng, mười là không thể dùng tư duy biết được,” và phần lớn phẩm Như lai công đức (đến chỗ 80 tướng hảo thì dừng). 15) Phẩm Tán thán: phần kệ tụng để tán thán thì phù hợp với phẩm Tán thán của kinh Vô thượng y. 16) Phẩm Phó chúc: “có 10 phương pháp để thọ trì tu-đa-la [kinh] này,” phù hợp với phẩm Chúc lụy của kinh Vô thượng y. Từ sự so sánh ở trên, ta thấy kinh Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật là do được biên tập từ kinh Bảo vân, kinh Vô thượng y và một bộ kinh Đại thừa khác mà thành. Nó thuộc về Đại thừa hậu kỳ, đó là điều rõ ràng có thể nhận thấy được!
8. Lý thú Bát-nhã: kinh điển liên quan với Bát-nhã lý thú thì có đến vài bộ, người xưa hoặc cho chúng là cùng bản, hoặc cho chúng là các bản khác nhau.32 Thật ra có thể chia làm 3 loại: loại thứ nhất là: 1) Bát-nhã lý thú phần, thứ 10 của kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa (quyển 578) do Huyền Trang dịch đời Đường. 2) Do Bồ-đề-lưu-chí (Bodhiruci) dịch vào niên hiệu Trường Thọ năm thứ 2 (693 A.D.) đời Đường, gọi là kinh Thật tướng Bát-nhã ba-la-mật, 1 quyển. 3) Do Bất Không (763-771) dịch vào đời Đường, tên kinh Đại lạc kim cang bất không chân thật tam-muội-da, 3 quyển; Trinh Nguyên lục gọi là Lý thú Bát-nhã thích.33 Ba bộ này phần lớn giống nhau, chỉ có phần cuối bản dịch của Huyền Trang có nhiều hơn 3 thứ thần chú; nhưng bản do Bồ-đề-lưu-chí và Bất Không dịch thì mỗi đoạn đều có phụ thêm ‘nghĩa của từ’. Loại thứ hai là: 4) Do Kim Cang Trí (Vajrabodhi) dịch, gọi là kinh Kim cang đảnh du-già lý thú Bát-nhã, 1 quyển. 5) Do Thi Hộ (982 A.D.-?) dịch vào đời Triệu Tống, gọi là kinh Biến chiếu Bát-nhã ba-la-mật, 1 quyển. Hai bộ này về đại thể thì tương đồng với Lý thú phần của kinh Đại Bát-nhã, nhưng đoạn cuối lại nói nhiều về “25 pháp môn bí mật lý thú của bát-nhã-ba-la-mật sâu xa,” cũng chính là 25 thứ chân ngôn. Loại thứ 3 là: 6) Kinh Tối thượng căn bản đại lạc kim cang bất không tam-muội đại giáo vương, 7 quyển, 25 phần, do Pháp Hiền (? – 1001) dịch vào đời Triệu Tống. Từ phần đầu đến đầu phần 14: “chứng đắc viên mãn đại tam-muội kim cang bất không làm căn bản cho pháp môn bát-nhã ba-la-mật-đa của tất cả Như lai” thì dừng,34 về đại thể phù hợp với Lý thú phần của bản dịch đời Đường, nhưng ở mỗi phân đoạn đã thêm vào “nghi pháp đi vào mạn-đà-la.” Từ đây trở về sau đều là các pháp nghi tu trì do Kim Cang Thủ tuyên thuyết. Bát-nhã lý thú phần trong kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa là thuộc về Đại thừa Bí mật. Như nói: “thần chú đại lạc kim cang bất không;” “nghĩa là, thành tựu tối thắng đại tham, v.v., khiến cho đại Bồ-tát thành tựu tối thắng đại lạc; thành tựu tối thắng đại lạc khiến đại Bồ-tát thành tựu tối thắng đại giác của tất cả Như lai.”35 Đây không phải rõ ràng là từ đại tham đắc được đại lạc, từ đại lạc mà thành Phật ư? Ứng dụng ý nghĩa của kinh Bát-nhã để xây dựng thừa Bí mật lấy đại lạc làm căn bản. Căn cứ vào kinh này để thực hiện tu trì trong thật tế thì kinh thuộc loại thứ hai đã đạt đến pháp môn tối thượng căn bản đại lạc kim cang bất không tam-muội của loại thứ ba.
9. Sáu phần ba-la-mật-đa: kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa do Huyền Trang dịch, từ phần 11 đến phần 16, gọi là Bố thí ba-la-mật-đa phần, tịnh giới ba-la-mật-đa phần, an nhẫn ba-la-mật-đa phần, tinh tấn ba-la-mật-đa phần, tĩnh lự ba-la-mật-đa phần, bát-nhã ba-la-mật-đa phần. Sáu ba-la-mật-đa được biên tập thành 6 bộ riêng biệt. Bố thí phần gồm 5 quyển, Tịnh giới phần gồm 5 quyển, An nhẫn phần gồm 1 quyển, Tinh tấn phần gồm 1 quyển, Tĩnh lự phần gồm 2 quyển, Bát-nhã phần gồm 8 quyển: 6 bộ có tổng cộng 22 quyển (bất đầu từ quyển 579 đến quyển 600). Bát-nhã ba-la-mật-đa phần trong 6 phần ấy có bản dịch Tạng văn, cũng có bản Phạn văn.36 Bộ Bát-nhã ba-la-mật-đa phần này, tại Ấn-độ, đã nhận được sự xem trọng. Như luận Bát-nhã đăng do Ba-la-phả-ca-la-mật-đa-la (Prabhākaramitra) dịch ra vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ 6 đời Đường, là bản giải thích luận Trung quán do Thanh Biện (Bhāvaviveka) trước tác. Trong bộ luận này, cuối mỗi phẩm đều dẫn kinh để chứng minh cho nghĩa của luận, dường như mỗi phẩm đều lời Phật thuyết cho Bồ-tát Cực Dũng Mãnh, chính là rút ra từ bộ Bát-nhã ba-la-mật-đa phần này.
10. Bát-nhã tâm kinh: trong kinh Bát-nhã, đây là bài kinh ngắn được truyền tụng rất thịnh hành trong dân gian. Bản dịch ra Hoa văn cũng rất nhiều, hiện này còn 7 bản. 1) Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật đại minh chú kinh, suy đoán là do Cưu-ma-la-thập (401 A.D.) dịch vào đời Dao Tần. 2) Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh do Huyền Trang dịch vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ 23 (644 A.D.) đời Đường. 3) Phổ biến trí tạng Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, do Pháp Nguyệt (Dharmacandra) dịch vào niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 26 (738 A.D.) đời Đường. 4) Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, do Bát-nhã (Prajnā), v.v., dịch vào niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ 6 (790 A.D.) đời Đường. 5) Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, do Trí Huệ Luân (Prajñācakra) dịch vào niên hiệu Đại Trung năm thứ 13 (859 A.D.) đời Đường. 6) Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, do Pháp Thành dịch vào những năm giữa niên hiệu Đại Trung (847 A.D. – 859 A.D.) đời Đường, đây là bản kinh được phát hiện vào thời cận đại từ động đá Đôn Hoàng. 7) Phật thuyết Thánh Phật mẫu Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, do Thi Hộ dịch vào thời Tống Thái Tông (982 A.D. - ?). Ngoài ra cũng có bản dịch Tạng văn và bản Phạn văn; Trung Quốc có truyền song song bản Bát-nhã tâm kinh do Huyền Trang dịch thẳng từ Phạn âm.
Chủ thể của các bản dịch khác nhau của Hoa văn ấy đều gần với nhau. Bản dịch của La-thập và Huyền Trang không có phần tự và lưu thông, nhưng các bản dịch từ thế kỷ 8 A.D. trở đi thì đều có đầy đủ phần tự, chánh văn, lưu thông – 3 phần. Các bản dịch của Bát-nhã, Trí Huệ Luân, Pháp Thành, Thi Hộ đều có phần tự và lưu thông tương đồng nhau; chỉ có phần tự trong bản dịch của Pháp Nguyệt có nhiều hơn một đoạn Bồ-tát Quán Tự Tại thỉnh thuyết kinh này. Người xưa xem bộ kinh này là “kinh rút tỉa ra từ Đại phẩm.”37 Thật ra, bộ kinh này lấy kinh văn của Trung phẩm Bát-nhã làm hạt nhân, rồi kết hợp phụ thêm tín ngưỡng của thế tục. “Này Xá-lợi-phất!... không có trí cũng không có sự đắc” là rút ra từ phẩm Tập ưng của bản Đại phẩm.38 “Bát-nhã ba-la-mật là minh chú lớn, là minh chú vô thượng, là minh chú không có gì sánh bằng” là rút ra từ phẩm Khuyến trì của bản Đại phẩm.39 Lấy kinh văn của Trung phẩm Bát-nhã làm hạt nhân để nêu bật “Bồ-tát Quán Thế Âm,” nói “vượt qua tất cả khổ ách,” “có khả năng trừ tất cả khổ” để nối kết thông suốt với tín ngưỡng về Bồ-tát Quán Thế Âm cứu giúp khổ nạn. ‘Minh chú lớn’, v.v., trong kinh Bát-nhã là tán thán công năng và ứng dụng của bát-nhã, bây giờ thì thành “liền thuyết chú rằng.” Đây là bộ kinh điển thành lập sau Trung phẩm Bát-nhã, thích ứng với thế tục, chuyển hóa bát-nhã để hợp thành một dòng với tín ngưỡng thần bí của thế tục.
11. Các bộ loại khác: những kinh được biên tập vào bộ Bát-nhã còn có vài thứ:
1) Kinh Nhân vương hộ quốc Bát-nhã ba-la-mật, 2 quyển, lưu truyền ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ 5 A.D. Truyền thuyết nói do La-thập dịch, đây là điều đáng nghi.40 Vào niên hiệu Vĩnh Thái nguyên niên (765 A.D.), Bất Không (Amoghavajra) dịch ra kinh Nhân vương hộ quốc Bát-nhã ba-la-mật-đa, 2 quyển, văn nghĩa gần nhau, chỉ là có nhiều hơn bài chú đà-la-ni tiêu tai và hộ quốc.41
2) Kinh Liễu nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa, là bài kinh ngắn, do Thi Hộ (982 A.D. - ?) dịch vào đời Tống. Phần đầu là một phần của Trung phẩm Bát-nhã, Phật bảo Xá-lợi-phất (Śāriputra) rằng: Bồ-tát “phải tu tập bát-nhã ba-la-mật.” Phần sau “cần phải đoạn trừ 10 thứ nghi hoặc,”42 là giải thích quan trọng của học giả Du-già đối với pháp môn Bát-nhã.
3) Kinh Ngũ thập tụng Thánh Bát-nhã ba-la-mật, là bài kinh ngắn, do Thi Hộ (982 A.D. - ?) dịch vào đời Tống, tóm gọn ý nghĩa tổng quát của pháp môn “bát-nhã trình bày chi tiết về ba thừa” của Trung phẩm Bát-nhã.
4) Kinh Khai giác tự tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa, 5 quyển, do Duy Tịnh (1009-1021) dịch. Kinh trên nói đến ‘3 tánh’: “sắc là vô tánh, giả tánh, thật tánh; thọ-tưởng-hành-thức vô tánh, giả tánh, thật tánh.”43 Lại nữa, quyển 1 của kinh này (T. 8, tr. 855b) nói:
“Nếu có người nói rằng: như lời Phật đã dạy, sắc (v.v.,) không có tự tánh, không sanh không diệt, xưa này vắng lặng, tự tánh của nó là niết-bàn. Người nào nói như vậy thì kẻ đó không có sự hòa hợp đối với tất cả pháp, cũng không có lạc dục. Tùy theo lời nói đó, có sự hiểu biết như vậy của kẻ đó, Ta nói rằng kẻ đó là ở ngoài của trong và ngoài, là kẻ dị sanh ngu phu ở trong phần vị tà kiến.”
Theo kinh này nói, nếu như chiếu theo lời của Phật thuyết, cho rằng sắc, v.v., không có tự tánh, không sanh không diệt, thì đó chính là ‘ở ngoài của trong và ngoài, là kẻ dị sanh ngu phu ở trong phần vị tà kiến’. Nhất định phải nói rằng: các pháp như sắc, v.v., là có [tồn tại], mới có thể “có sự đoạn trừ, có sự hiểu biết ở trong sắc kia,” “ở trong sự thực hành đại lạc mà thường tùy chuyển.”44 Quan điểm này không chỉ tùy thuận với Hữu tông, mà còn là dẫn đi vào ‘sự thực hành đại lạc’ của Bí mật thừa.
5) Kinh Phật mẫu tiểu tự Bát-nhã ba-la-mật-đa do Thiên Tức Tai (982 A.D.- ?) dịch vào đời Tống; 6) kinh Quán tưởng Phật mẫu Bát-nhã ba-la-mật-đa Bồ-tát do Thiên Tức Tai dịch; 7) kinh Đế Thích Bát-nhã ba-la-mật-đa do Thi Hộ dịch. Ba bộ này đều là những bộ kinh ngắn, đều có chứa chân ngôn bí mật. Vào thời đại ấy, Phật giáo Ấn-độ đều chịu sự ảnh hưởng của Đại thừa Bí mật.
Trong 11 loại lớn được trình bày ở trên, những loại đại biểu cho pháp Đại thừa sơ kỳ là Hạ phẩm, Trung phẩm, Thượng phẩm và Năng đoạn Kim cang phần. Tác phẩm này sẽ y cứ vào kinh Bát-nhã thuộc Đại thừa sơ kỳ này để nghiên cứu về dòng chính của pháp môn Đại thừa sơ kỳ.






1 Bát-nhã ba-la-mật, dịch mới gọi là bát-nhã ba-la-mật-đa. Dịch nghĩa là ‘trí độ’, ‘minh độ’, ‘huệ độ’, ‘huệ đáo bỉ ngạn’. Ba-la-mật, cựu dịch là ‘độ’, cổ dịch là ‘độ vô cực’.
2 Căn cứ theo Xuất Tam tạng ký tập 2, T. 55, tr. 6b.
3 Đạo hành kinh tự của Đạo An, xin xem Xuất Tam tạng ký tập 7, T. 55, tr. 47b.
4 Về phương diện Lương Châu, vào niên hiệu Thái Khang năm thứ 7 đời nhà Tấn (286 A.D.), Trúc Pháp Hộ cũng dịch ra kinh Quang tán có cùng nguyên bản với kinh Phóng quang.
5 Xuất Tam tạng ký tập 7, T. 55, tr. 47b.
6 Xuất Tam tạng ký tập 8, T. 55, tr. 55b.
7 Xuất Tam tạng ký tập 2, T. 55, tr. 10c.
8 Đại trí độ luận 79, T. 25, tr. 620a.
9 Cát Tạng, Kim cang Bát-nhã sớ 1, T. 33, tr. 86b.
10 Trí Khải [Zhiyi – Trí Di?], Kim cang Bát-nhã kinh sớ, T. 33, tr. 76a.
11 Cát Tạng, Kim cang Bát-nhã sớ 1, T. 33, tr. 86c.
12 Viên Trắc, Giải thâm mật kinh sớ 5, Tục tạng 34, tr. 412a.
1 Xuất Tam tạng ký tập 2, T. 55, tr. 6b.
2 Xuất Tam tạng ký tập 7, T. 55, tr. 47b-c.
3 Xuất Tam tạng ký tập 2, T. 55, tr. 7a.
4 Tham khảo: Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 62-76.
5 Khai Nguyên Thích giáo lục 4, T. 55, tr. 511a.
6 (Đời Tùy) Chúng kinh mục lục 1, T. 55, tr. 119b.
(a) 鈴木 大拙 貞太郎 - Suzuki Daisetsu Teitarō.

7 Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 83-87.

8 Xem: Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 99-100.
9 Các bản này đều không thể hoàn toàn khế hợp nhau, nhưng có thể từ những bất đồng chủ yếu để đối chiếu.
10 Chí Nguyên pháp bảo khám đồng tổng mục lục 1, Súc loát tạng kết, tr. 45.
11 Chí Nguyên pháp bảo khám đồng tổng mục lục 1, Súc loát tạng kết, tr. 45.
12 Như chú thích trên.
13 Trinh Nguyên tân định Thích giáo mục lục 20, T. 55, tr. 910b.
14 Chí Nguyên pháp bảo khám đồng tổng mục lục 1, Súc loát tạng kết, tr. 45.
15 Xem: Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 127-128.
16 Vọng Nguyệt Phật giáo đại tự điển, tr. 1347b-c.
17 Xuất Tam tạng ký tập 4, T. 55, tr. 32a.
18 (Đời Tùy) Chúng kinh mục lục 1, T. 55, tr. 115b.
19 Lịch đại Tam bảo kỷ 4, T. 49, tr. 54a.
20 Lịch đại Tam bảo kỷ 10, T. 49, tr. 93c.
21 Khai Nguyên Thích giáo lục 11, T. 55, tr. 583b-c.
22 Đại Đường nội điển lục 5, T. 55, tr. 274a.
23 Tình hình thực tế của Thiên vương Bát-nhã thì người xưa không rõ ràng nên các thuyết khác nhau rất nhiều. Như Kim cang Bát-nhã sớ (T. 33, tr. 86b-c) của Cát Tạng cho rằng “Đại bản của Thiên vương Bát-nhã không đến [Trung Quốc],” nên nói 3 bộ gồm Tu-chân thiên tử vấn Bát-nhã, v.v., “hoàn toàn là rút ra từ trong ấy.” Nhưng trong Đại phẩm kinh du ý (Tục tạng 38, tr. 7c) lại thêm vào Văn-thù-sư-lợi vấn Bát-nhã, Tư Ích phạm-chí vấn Bát-nhã, tổng cộng thành 5 bộ.
24 Ở đây là căn cứ vào tạng Đại chánh để nói. Nhưng trước Khai Nguyên Thích giáo lục không có ghi chép về 2 người cùng dịch. Từ Lịch đại Tam bảo kỷ về sau lại có kinh Đại thừa Bảo vân, 8 quyển, là do Tu-bồ-đề (Subhūti) dịch vào đời Trần, những đã bị mất.
25 Theo Đại Chu sanh định chúng kinh mục lục 4, T. 55, tr. 396b, nói: “Vào niên hiệu Trường Thọ năm thứ 2 (693 A.D.) đời Đại Chu, ngài Tam tạng Phạm-ma dịch tại chùa Phật Thọ Ký.”
26 Bảo vũ kinh 1, T. 16, tr. 284b.
27 Chuyện Phật thọ ký cho thiên nữ Tịnh Quang rằng đời vị lai sẽ làm vị nữ vương ở Nam Thiên Trúc là rút ra từ quyển 6 kinh Đại phương đẳng Bảo vân (còn có tên là kinh Vô tưởng), T. 12, tr. 1107a-b.
28 Từ quyển 1 đến quyển 6 của kinh Bảo vân, T. 16, tr. 235c, thì dừng.
29 Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật kinh 3, T. 8, tr. 700c-702c.
30 Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật kinh 3, T. 8, tr. 700c. Vô thượng y kinh, q. thượng, T. 16, tr. 469b.
31 Thắng thiên vương Bát-nhã ba-la-mật kinh 3, T. 8, tr. 702c-705b.
32 Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 175-179.
33 Trinh Nguyên tân định Thích giáo lục 15, T. 55, tr. 880a.
34 Tối thượng căn bản đại lạc kim cang bất không tam-muội đại giáo vương kinh 3, T. 8, tr. 797c.
35 Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 578, T. 7, tr. 990b.
36 Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 182-183.
37 (Đời Tùy) Chúng kinh mục lục 2, T. 55, tr. 123b.
38 Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 223a.
39 Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 9, T. 8, tr. 286b.
40 (Đời Tùy) Chúng kinh mục lục 2, T. 55, tr. 126b.
41 Nhân vương hộ quốc Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, q. hạ, T. 8, tr. 843c-844a.
42 Liễu nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, T. 8, tr. 845b-c.
43 Khai giác tự tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 1, T. 8, tr. 854c.
44 Khai giác tự tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 1, T. 8, tr. 855c.