SỰ KHỞI NGUYÊN VÀ KHAI TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA SƠ KỲ - CHƯƠNG 10

CHƯƠNG 10. PHÁP MÔN BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

Tiết 2. Nguyên thỉ Bát-nhã

Mục 1. Luận định về Bát-nhã nguyên thỉ

Trong những trình bày ở mục trên, có thể thấy rằng 2 bộ được truyền xưa nhất – Tiểu phẩm và Đại phẩm, 3 bộ - Thượng phẩm, Trung phẩm, Hạ phẩm tương đương với 5 phần của kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa do Huyền Trang dịch, chiếm 94 trong 100 phần của toàn kinh, thật sự là bộ phận chủ yếu của kinh Bát-nhã. Năm phần đầu (cũng chính là 3 bộ hoặc 2 bộ theo cổ truyền) của kinh Đại Bát-nhã, từ 100.000 bài tụng đến 4.000 bài tụng, chi tiết hay ngắn gọn về văn tự có khoảng cách tương đối xa, nhưng trên mặt nội dung, các bộ ấy lại có một bộ phận chung nhau. Bộ phận nhất trí chung ấy, trong quá trình biên tập ra kinh Bát-nhã, suy đoán là bộ phận nguyên thỉ của kinh Bát-nhã, đều nhận được sự xem trọng! Giữa 2 bộ, 3 bộ, 5 phần ấy, rốt cục những bộ nào có bộ phận chung? Bây giờ căn cứ vào bản Phóng quang của Trung phẩm Bát-nhã, bản Hán dịch của Hạ phẩm Bát-nhã, so sánh như sau:

Căn cứ theo bản Phóng quang của Trung phẩm Bát-nhã để nói, thì toàn kinh có thể chia thành 3 bộ phận: phần đầu, phần giữa, phần cuối. ‘Bộ phận trung gian’ là từ phẩm Hành, thứ 9 đến phẩm Vô tận, thứ 68, gồm 60 phẩm, chiếm 2 phần 3 của toàn kinh. Bộ phận này tương đương (chi tiết hay ngắn gọn khác nhau) với 26 phẩm đầu của bản Hán dịch, chỉ khi luận đến Đại thừa, Trung phẩm Bát-nhã mới nhiều hơn phẩm Vấn Ma-ha-diễn, phẩm Đà-lân-ni, phẩm Trị địa – 3 phẩm. Một bộ phận này là bộ phận mà Trung phẩm Bát-nhã và Hạ phẩm Bát-nhã có thể tương đồng nhau. Phần đầu từ phẩm Phóng quang, thứ 1 đến phẩm Thiệt tướng, thứ 8, gồm 8 phẩm, là những phẩm mà Hạ phẩm Bát-nhã không có. Phần cuối của Trung phẩm Bát-nhã, từ phẩm Lục độ tương nhiếp, thứ 69, đến phẩm Chư pháp diệu hóa, thứ 87, gồm 19 phẩm, là bộ phận chủ yếu của phần cuối, cũng là những phẩm mà Hạ phẩm Bát-nhã không có. Ngược lại, Hạ phẩm Bát-nhã có phẩm Tùy, thứ 27, Trung phẩm Bát-nhã cũng không có phẩm này. Ba phẩm cuối của Trung phẩm Bát-nhã là nêu lên câu chuyện về Tát-đà-ba-luận (Sadāprarudita) cầu học Bát-nhã, làm tấm gương khuyến khích cầu học Bát-nhã. Bộ phận khuyến học và chúc lụy lưu thông cuối cùng, phù hợp với 3 phẩm cuối của bản Hán dịch, nhưng không phải là bộ phận chủ thể của pháp môn Bát-nhã. Trong khi so sánh hai bản kinh này, thấy rằng phần chung của 2 bản có thể xem là bộ phận cơ bản của kinh Bát-nhã, là ‘bộ phận trung gian’.
Kinh Bát-nhã có Thượng phẩm, Trung phẩm, Hạ phẩm. Theo kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa được dịch vào đời Đường, thì Trung phẩm lại có 2 bản, Hạ phẩm cũng chia thành 2 bản, rốt cục mối quan hệ giữa chúng là như thế nào? Quyển 1 của Phật mẫu Bát-nhã ba-la-mật-đa viên tập yếu nghĩa luận thích (T. 25, tr. 902b) nói:
Giờ đây chỉ nói đến bản có 8000 bài tụng là vì những người nghe có cái ý lạc tối thắng kia cần được nghe, vì vậy số bài tụng ngắn gọn… Chẳng phải ý nghĩa trong pháp bát-nhã ba-la-mật-đa có sự sai biệt, chỉ vì căn tánh có phẩm chất yếu ớt, phẩm chất trung bình, phẩm chất cao nên tùy theo sự muốn tiếp thọ của họ nên đức Thế tôn vì lý do đó mà nói tóm lược (8.000 bài tụng) bát-nhã ba-la-mật-đa này.
Thượng phẩm, Trung phẩm và Hạ phẩm của kinh Bát-nhã có sự tăng thêm hoặc giảm bớt về số kệ tụng, đó đều là do đức Thế tôn nhằm thích ứng với căn tánh của thính chúng. Như vậy, Thượng phẩm, Trung phẩm, Hạ phẩm, 5 phần đầu của kinh Đại Bát-nhã đều là do Phật tùy theo căn cơ mà tuyên thuyết khác nhau. Tại Trung Quốc, như Viên Trắc,  trong bài Tựa cho phần thứ 2 của kinh Đại Bát-nhã, nói: “Sự nghi ngờ mà nhiều thì phải dạy dỗ từ chi tiết, mới ngộ thì càng phải dốc lòng học hỏi. Cho nên chỉ lần nữa núi Linh Thứu, gõ cửa trở lại nơi bậc Long tượng.”1 Lời tựa cho phần thứ 4, nói: “E rằng cái tình ngựa đồng hoang chưa dứt, nên cuộc hội đàm nơi Linh Thứu lại mở.2 Các từ ‘lần nữa’, ‘trở lại’, ‘lại’ đều biểu thị việc nói đi nói lại. Thượng phẩm, Trung phẩm, Hạ phẩm, 5 phần đầu của kinh Đại Bát-nhã đều là do Phật nói đi nói lại, đây là giải thích phổ biến thời xưa.
Ở Trung Quốc thời xưa có một truyền thuyết rằng, Hạ phẩm (xưa gọi là Tiểu phẩm) là từ Trung phẩm (xưa gọi là Đại phẩm) rút tỉa (tiết lục) ra, như Lời tựa cho kinh Đạo hành của Đạo An trong quyển 7 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 47b), nói:
“Sau khi Phật nhập niết-bàn, bậc cao sĩ người ngoại quốc đã sao chép 90 chương (của Đại phẩm) thành phẩm Đạo hành… Nhưng kinh đã được rút tỉa để hợp thành một bản có tôn chỉ riêng,… [Đạo hành] từ đầu chí cuối có lẽ còn có ý nghĩa sâu kín. Các bậc Hiền ngày xưa khi bàn luận về nó thì luôn luôn gặp sự trở ngại… Giả sử không có Phóng quang (Đại phẩm) thì do đâu mà hiểu được kinh này!”
Bài tựa cho Đại-Tiểu phẩm đối tỉ yếu sao do Chi Đạo Lâm viết, cũng nói: “Được nghe rằng người rút tỉa ra để thành Tiểu phẩm là đạo sĩ… Từng được nghe các bậc học giả đi trước cùng truyền lại rằng: Sau khi Phật nhập niết-bàn, Tiểu phẩm được rút tỉa ra từ trong Đại phẩm.”3 ‘Cao sĩ’, ‘đạo sĩ’ đều chỉ cho tỳ-kheo xuất gia. Tiểu phẩm không phải do Phật nói lặp lại, mà là người sau rút tỉa ra từ trong Đại phẩm. Khi rút tỉa có thay đổi ít nhiều nên tự nó trở thành một bộ mới, nên Đạo An cũng nói thẳng đó là “do bậc cao minh ngoại quốc biên soạn.”4 Truyền thuyết nói Tiểu phẩm được rút tỉa ra từ trong Đại phẩm, có khả năng là kết quả của việc so sánh hai bản mà được. Bản Hán dịch ‘từ đầu chí cuối còn có ý nghĩa sâu kín’ là vì đoạn mở đầu và tiếp theo của kinh văn có nhiều chỗ không rõ ràng, nhưng Đại phẩm lại không có chuyện đầu đuôi hay những đoạn không rõ ràng này, vì thế Đạo An nói: ‘Giả sử không có Phóng quang (Đại phẩm) thì do đâu mà hiểu được kinh này!’ Đạo An là người coi trọng Đại phẩm. Chi Đạo Lâm đã so sánh Đại phẩm và Tiểu phẩm, phát hiện ra nhiều chỗ bất đồng, như Bài tựa cho Đại-Tiểu phẩm đối tỉ yếu sao trong quyển 8 của Xuất Tam tạng ký tập (T. 55, tr. 56a-b) nói:
“Hoặc có đoạn Tiểu phẩm có nhưng Đại phẩm thì không chép; hoặc có đoạn Đại phẩm đầy đủ thì Tiểu phẩm lại thiếu.”
“Qui cách trích dẫn của Tiểu phẩm đôi khi có nhiều khác biệt: hoặc cùng một việc nhưng đảo ngược từ ngữ mà không trái với tôn chỉ; hoặc lấy đoạn quan trọng ở đầu, bỏ đoạn sau cùng của nó; hoặc thuận theo thứ tự của sự việc nhưng đảo ngược đầu đuôi; hoặc rút tỉa chỗ sâu xa cần thiết được phân tán trong các phẩm.”
Chi Đạo Lâm thì chủ trương ‘giáo pháp chẳng phải chỉ có một đường, xử lý vật thì không phải một phương pháp cố định’, Đại phẩm và Tiểu phẩm đều có tính thích ứng độc đáo của chúng. Nhưng mà tiểu phẩm rốt cục vẫn là căn cứ vào Đại phẩm để rút tỉa ra, cho nên nói: “Các bậc hiểu rộng đi trước đã rút tỉa ra kinh này, lấy bản Hồ làm gốc; Tiểu phẩm tuy là bản được rút tỉa ra nhưng vẫn lấy Đại [phẩm] làm tông. Nghiên cứu bản Hồ thì có thể sáng tỏ nghĩa lý, lấy bản Đại [phẩm] làm chứng thì có thể kiểm tra được bản Tiểu [phẩm].”5 Cũng chính vì thế, ông đã phê bình những học giả Trung Quốc đối với việc “chưa thấy Đại phẩm mà muốn dựa vào Tiểu phẩm, đem ý của mình giải thích ý nghĩa của nó.” Đây là kết luận tất nhiên giống với Đạo An, phải căn cứ vào Đại phẩm để giải thích thông suốt Tiểu phẩm, mới có thể khẳng định là từ Đại phẩm rút tỉa ra thành Tiểu phẩm.
Một bộ phận học giả Nhật Bản cận đại đã kế thừa truyền thuyết từ Đại phẩm rút tỉa ra thành Tiểu phẩm, làm nghiên cứu chi tiết và hợp lý hơn, mở rộng và bổ sung thêm để bàn về 5 phần đầu của kinh Đại Bát-nhã, như Khái quát kinh Đại Bát-nhã của Watanabe Kaikyoku (渡邊海旭), Các vấn đề của kinh Bát-nhã của Hikata Ryūshō (干潟龍祥), Liên quan về nguyên hình của kinh Bát-nhã của Shiomi Tetsudō (鹽見徹堂) đều cho rằng đầu tiên là rút tỉa ra phẩm đầu của Tiểu phẩm, thứ đến rút tỉa ra các phẩm còn lại. Ngoài ra, họ nghiên cứu ra rằng ở trong kinh điển, bộ phận từ phẩm Tam giả đến phẩm Vô sanh tương đương với phẩm đầu của Tiểu phẩm.6 Đại khái họ kế thừa truyền thuyết từ Đại phẩm rút tỉa ra thành Tiểu phẩm, đối với các lý do pháp số giản lược, đầu đuôi không rõ ràng của Tiểu phẩm, vì sao chép để lưu truyền không thuận lợi nên rút tỉa ra thành Tiểu phẩm, v.v., nhìn chung là gần với lời của Chi Đạo Lâm đã nói.
Những nghiên cứu cận đại mà có thể được phổ biến các học giả công nhận, đó là thuyết cho rằng phải có Tiểu phẩm trước rồi sau đó mới phát triển rộng thêm thành Đại phẩm. Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh giải đềPhật giáo kinh điển khái thuyết của học giả Nhật Bản là Shiio Benkyō (椎尾辨匡) cho rằng do từ phần thứ 4 của kinh Đại Bát-nhã – Tiểu phẩm, dần dần mở rộng thêm thành Đại phẩm. Từ phần thứ 6 trở về sau, thì phần Kim cang Bát-nhã và Đại phẩm có đồng thời, có muộn nhất là phần Bát-nhã lý thú. Quan ư Bát-nhã kinh chi nguyên hình của học giả Nhật Bản là Suzuki Tadamune (鈴木忠宗) cũng cho rằng có Tiểu phẩm trước, đồng thời suy đoán nó gần với phần thứ 5 của bản dịch đời Đường.7 Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu của Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), căn cứ vào sự so sánh rộng rãi, rồi suy đoán Tiểu phẩm là trước nhất. Đồng thời, khảo xét và xác định hệ thống phát triển của kinh Bát-nhã là:8


Trong 2 bộ, 3 bộ, 5 phần, suy đoán là: từ Nguyên thỉ Bát-nhã rồi đến Đạo hành Bát-nhã – Hạ phẩm; từ Đạo hành Bát-nhã rồi đến Phóng quang Bát-nhã – Trung phẩm; lại từ Phóng quang Bát-nhã rồi phát triển thành Bát-nhã hội đầu tiên – Thượng phẩm. Quá trình phát triển này của kinh Bát-nhã, tôi hoàn toàn đồng ý với luận định rõ ràng và chính xác này.
Từ trong Hạ phẩm suy cứu ra Nguyên thỉ Bát-nhã, đối với sự lý giải về tính chất đặc trưng, xu hướng phát triển của pháp môn Bát-nhã là vô cùng cần thiết! Shiio Benkyō (椎尾辨匡) cho rằng “phẩm Tu-bồ-đề là xưa nhất,” Shiomi Tetsudō (鹽見徹堂) cũng nói: trước hết rút tỉa ra phẩm đầu của Tiểu phẩm; xem bộ phận này của Đại phẩm là đứng đầu kinh điển.9 Kajiyoshi Kōun (梶芳光運) liệt kê ra các bản, lấy một bộ phận của kinh Đạo hành, phẩm Đạo hành (và các bản tương đương với nó) – bắt đầu từ ‘Phật ở tại La-duyệt-kỳ’ đến đoạn Phật khen ngợi Tu-bồ-đề: “Bồ-tát học tập như vậy là học bát-nhã ba la mật” thì dừng, làm “kinh Bát-nhã nguyên thỉ.”10 Những điều trình bày tuy có thêm bớt chút ít, nhưng từ phẩm Đạo hành (hoặc phần Đại phẩm tương đương với nó) để suy tìm Bát-nhã nguyên thỉ, vẫn có thể nói đó là nhận thức nhất trí. Về sau, lấy bản dịch đời Tần (Tiểu phẩm) làm đại biểu, tham khảo các bản kinh khác, rồi trình bày thêm. Sử dụng bản dịch của Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva), lấy văn tự của nó so sánh để làm thông suốt hơn.

Mục 2. Pháp môn Bát-nhã nguyên thỉ

Nói đến pháp môn Bát-nhã nguyên thỉ, đương nhiên phải từ kinh Bát-nhã hiện đang còn – từ trong Hạ phẩm Bát-nhã chọn lọc ra. Nhưng sự biên tập thành bản kinh của Phật Pháp, quyết không nên tưởng tượng đó là những ‘sáng tác’ thông thường. Phật Pháp thì có pháp môn trước, trải qua lần lượt truyền thọ, rồi sau mới biên tập ra; sự truyền thọ của pháp môn so với sự biên tập ra của kinh điển thì đã tồn tại sớm hơn. Dùng Bát-nhã nguyên thỉ để trình bày, thì đây là sự thể ngộ sâu xa và triệt để - ngộ nhập vô sanh về bát-nhã. Đây là sự dạy dỗ nhằm khai thị để ngộ nhập, người mới học không dễ dàng tin tưởng, hiểu biết và hành trì được. Trong sự truyền thọ lần lượt nơi hàng thiểu số đệ tử Phật lợi căn, trong tư tưởng Bồ-tát lưu hành đương thời, pháp môn bát-nhã ba-la-mật, sẽ không bị thoái chuyển nữa (không lui lại Nhị thừa) được xác nhận là của Bồ-tát. Sự truyền thọ của pháp môn thì không giới hạn nơi một người; trải qua truyền thọ và hành trì thuộc nhiều phương diện, cho đến khi biên tập ra, bấy giờ chắc chắn có thể đã có sự tường thuật bất đồng mà phần lớn giống nhau chỉ khác nhau chút ít, người biên tập đã đem chúng tổng hợp lại thành một bộ. Sau khi biên tập ra, có điều gì thắc mắc thì biên tập thêm vào một số giải thích; những pháp nghĩa nào có liên quan cũng sẽ được bổ sung thêm vào: các đoạn văn cũng sẽ dần dần tăng nhiều thêm lên. Sự tổng hợp, giải thích những điều nghi ngờ, bổ sung thêm như vậy, trên mặt nối tiếp văn tự, đều có thể lưu lại nhiều vết tích,1 lại trải qua nhiều lần nhuận sức văn tự mới trở thành một bộ kinh hoàn chỉnh. Bát-nhã nguyên thỉ thì như vậy, Hạ phẩm Bát-nhã, Trung phẩm Bát-nhã, Thượng phẩm Bát-nhã cũng như vậy; ở đây cũng có thể nói là tình hình phổ biến của sự biên tập thành kinh điển. Đối với Bát-nhã nguyên thỉ, tôi cũng là từ quan điểm như vậy để nghiên cứu phẩm đầu tiên của Hạ phẩm Bát-nhã. Bây giờ căn cứ vào bản dịch đời Tần, thử phân đoạn một cách ngắn gọn, liệt kê ra, phân thành cao thấp để sắp xếp, nhằm thuận tiện nhìn ra hình thức ban đầu của Bát-nhã nguyên thỉ một cách rõ ràng.
(I) Dẫn nhập. [1]
Phật bảo Tu-bồ-đề: hãy thuyết sự cần phải thành tựu bát-nhã ba-la-mật cho các vị Bồ-tát. [2]
Tu-bồ-đề trả lời Xá-lợi-phất: khi các đệ tử Phật dám nói ra điều gì, mà điều đó không trái với pháp tướng thì đều là nhờ lực của Phật. [3]
(II) Tu-bồ-đề bạch Phật: Con không thấy, không đắc được Bồ-tát, không thấy, không đắc được bát-nhã ba-la-mật, thì phải dạy bát-nhã ba-la-mật gì cho Bồ-tát? Nếu người nào nghe được lời này mà không kinh, không sợ, thì đó gọi là dạy bát-nhã ba-la-mật cho Bồ-tát. [1]
Khi Bồ-tát thực hành bát-nhã, cần phải học như thế này: không suy nghĩ đây là tâm Bồ-tát, vì tâm này chẳng phải là tâm, đặc tính của tâm vốn trong sạch, không bị hoại, không có phân biệt. Nếu người nào nghe được lời này mà không kinh, không sợ, thì phải biết rằng đó là vị Bồ-tát không rời bát-nhã ba-la-mật. [2]
(Người nào muốn học về địa vị của Thanh Văn, Bích-chi Phật, Bồ-tát, thì cần phải học bát-nhã ba-la-mật; trong bát-nhã ba-la-mật đã nói rộng rãi về những pháp mà vị Bồ-tát cần phải học.)2
(III) Tu-bồ-đề bạch Phật: Con không đắc được, không thấy Bồ-tát thì phải dạy bát-nhã ba-la-mật gì cho Bồ-tát? Con không đắc được sự đến đi của pháp Bồ-tát, nên đối với việc dùng lời nói đây là Bồ-tát, thì con cảm thấy e ngại! Chữ ‘bồ-tát’ không có sự nhất định, không có trú xứ, vì từ này không có thật. Nếu ai nghe được lời này mà không kinh, không sợ, thì phải biết rằng đó là vị Bồ-tát trụ ở địa vị bất thoái chuyển, trụ vào nơi không có chỗ trụ. [1]
Khi Bồ-tát thực hành bát-nhã, không được trụ trong sắc.3 Nếu trụ nơi sắc thì bị đi theo sắc là thứ được tạo ra; nếu thực hành theo pháp được tạo ra thời không thể thọ nhận bát-nhã, học tập bát-nhã, đầy đủ bát-nhã ba-la-mật, không thể thành tựu tát-bà-nhã [sarvajñatā – nhất thiết trí]. Sắc không có thọ và tưởng, không có thọ thì chẳng phải sắc; bát-nhã cũng không có thọ. Thực hành như vậy được gọi là tam-muội không có thọ của các pháp, tất cả Thanh Văn, Bích-chi Phật không thể phá hoại tam-muội này được. Tam-muội này không thể dùng tướng để đắc được,… Do đắc được thật tướng của các pháp nên được giải thoát; khi đã được giải thoát rồi, thì ở trong các pháp, cho đến niết-bàn, cũng không có thủ, không có xả. Đó gọi là bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát, không lãnh thọ lấy sắc, v.v. Khi chưa đủ 10 thứ lực, bốn thứ vô sở úy, 18 thứ pháp bất cộng của Phật, thì không bát-niết-bàn giữa chừng. [2]
Khi Bồ-tát thực hành bát-nhã, cần phải tư duy như thế này: nếu pháp là không thể nắm bắt thì là bát-nhã ba-la-mật chăng? Tư duy như vậy mà không kinh, không sợ, thì phải biết rằng vị Bồ-tát này không rời bát-nhã ba-la-mật. [3]
Tu-bồ-đề đáp Xá-lợi-phất: Pháp này đều lìa tự tánh, cũng lìa tánh tướng. Học như vậy thì có thể thành tựu tát-bà-nhã. Vì tất cả pháp đề không có sanh, không có thành tựu, nên người nào thực hành như vậy thời gần với tát-bà-nhã. [4]
(IV) Tu-bồ-đề bảo Xá-lợi-phất: Nếu Bồ-tát thực hành theo cái hành của sắc, thực hành theo cái sanh của sắc, thực hành theo cái diệt của sắc, thực hành theo cái hoại của sắc, thực hành theo cái không của sắc, [thấy] ta thực hiện sự thực hành này: đây là có tướng thực hành, là Bồ-tát chưa khéo biết về phương tiện. Nếu không thực hành theo sắc, cho đến không thực hành theo cái không của sắc, thì đó gọi là thực hành bát-nhã ba-la-mật. Không nghĩ về sự thực hành, không nghĩ về sự không thực hành, thực hành mà không thực hành, chẳng phải thực hành chẳng phải không thực hành, đó gọi là hành bát-nhã ba-la-mật. Vì tất cả pháp không có thọ nên gọi là thứ tam-muội không có thọ về các pháp của Bồ-tát, tất cả Thanh Văn, Bích-chi Phật đều không thể phá hoại được. Thực hành tam-muội này thì nhanh chóng đắc được a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. [1]
Bồ-tát thực hành tam-muội này mà không nghĩ, không phân biệt đây là tam-muội, sẽ nhập vào, đang nhập vào, đã nhập vào, thì vị Bồ-tát này sẽ nhận được lời thọ ký đắc tam-bồ-đề từ chư Phật. Tam-muội này không thể chỉ cho thấy được, vì tánh của tam-muội này là vô sở hữu. [2].
Phật khen ngợi Tu-bồ-đề: Ta nói ngươi là người đệ nhất trong những người đạt được tam-muội vô tránh, thật đúng như lời Ta đã nói! Bồ-tát cần phải học tập như vậy, đó gọi là học bát-nhã ba-la-mật. [3]
 Phật đáp Xá-lợi-phất: Bồ-tát học tập như vậy, mà thật sự không có học gì nơi pháp, không giống như kẻ phàm phu đã chấp trước. Bồ-tát học tập như vậy, cũng không học tập tát-bà-nhã, cũng gọi là học tát-bà-nhã, thành tựu tát-bà-nhã.
Phật đáp Tu-bồ-đề: Bồ-tát học tập a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề thì giống như người huyễn học tập. [1]
Bồ-tát là ác tri thức; Bồ-tát là thiện tri thức. [2]
Bồ-tát [3]
Ma-ha-tát [4]4
(V) Tu-bồ-đề bạch Phật: Con không đắc được Bồ-tát trong thời quá khứ, vị lai, hiện tại. Vì sắc là vô biên nên cần phải biết Bồ-tát cũng vô biên. Tất cả nơi chốn, thời gian, chủng loại, Bồ-tát đều không thể nắm bắt, thì sẽ dạy bát-nhã ba-la-mật gì cho Bồ-tát? [1]
Bồ-tát ấy chỉ có tên gọi. Giống như chính con trọn chẳng sanh, tánh của tất cả pháp cũng như vậy. Ở trong đây những thứ gì là sắc để không chấp trước, không sanh ra! Sắc là thứ mà Bồ-tát không thể nắm bắt, cái không thể nắm bắt cũng không thể nắm bắt. Tất cả nơi chốn, thời gian, chủng loại, Bồ-tát đều không thể nắm bắt, thì sẽ dạy pháp gì để đi vào bát-nhã ba-la-mật? [2]
Bồ-tát ấy chỉ có tên gọi. Giống như chính con trọn chẳng sanh, tánh của pháp cũng như vậy. Ở trong đây những thứ gì là sắc để không chấp trước, không sanh ra! Tánh của các pháp là như vậy, tánh này cũng không sanh, cái không sanh ấy cũng không sanh, nay con sẽ phải dạy cái pháp không sanh để đi vào bát-nhã ba-la-mật chăng? Lìa cái pháp không sanh ấy, thì vị Bồ-tát mà không thể nắm bắt ấy thực hành a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Nếu người nào nghe được lời này mà không kinh, không sợ, thì phải biết đó là vị Bồ-tát thực hành bát-nhã ba-la-mật. [3]
Khi Bồ-tát thực hành bát nhã, thực hiện sự quán các pháp, liền không thọ sắc. Vì sao vậy? Sắc không có sanh, không có diệt tức là chẳng phải sắc, không có sanh, không có diệt, không phải là hai, không phải là khác. Nếu nói là sắc, tức là không có hai pháp. [4]
(VI) Tu-bồ-đề đáp Xá-lợi-phất: Tôi không muốn Bồ-tát có điều khó thực hành. (Sanh ra cái tưởng dễ, cái tưởng vui, cái tưởng về cha mẹ, cái tưởng về con cái, cái tưởng về ngã sở đối với chúng sanh thì có thể lợi ích vô lượng a-tăng-kỳ chúng sanh). Như đối với tôi, tất cả nơi chốn, thời gian, chủng loại đều không thể nắm bắt, nên sanh ra cái tưởng như vậy đối với pháp trong và ngoài. Nếu Bồ-tát sử dụng cái tâm như vậy để thực hành thì cũng gọi là điều khó thực hành. [1]
Bồ-tát thật sự không có sanh. Bồ-tát không có sanh, pháp của Bồ-tát cũng không có sanh; tát-bà-nhã không có sanh, pháp tát-bà-nhã cũng không có sanh; không phu không có sanh, pháp phàm phu cũng không có sanh. Tôi không muốn khiến cho pháp không có sanh mà có sở đắc, vì pháp không có sanh thì không thể nắm bắt được. [2]
Các pháp đều không có sanh, cái được gọi là không có sanh và sự nói một cách thích thú đó cũng không có sanh. [3]
Xá-lợi-phất khen ngợi Tu-bồ-đề: Ngài là người đứng đầu trong những người thuyết pháp! Vì tùy theo điều được hỏi, ngài đều có thể trả lời. Tu-bồ-đề nói: Tôi có thể trả lời tùy theo câu hỏi đều là nhờ lực của bát-nhã ba-la-mật. Nếu Bồ-tát nghe được lời nói này, mà không nghi ngờ, không phân vân, thì phải biết rằng đó là Bồ-tát thực hành sự thực hành này, không rời cái suy nghĩ này. [4]
Vì chúng sanh không có tự tánh, vì chúng sanh là lìa, vì chúng sanh là không thể nắm bắt, nên phải biết rằng cái suy nghĩ này cũng không có tự tánh, là lìa, là không thể nắm bắt. Tôi muốn khiến cho Bồ-tát dùng cái suy nghĩ này để thực hành bát-nhã ba-la-mật. [5]
Theo sự phân đoạn về phẩm đầu tiên của Hạ phẩm Bát-nhã này thì không khó để nhận ra hình thức ban đầu của kinh Bát-nhã. Bát-nhã là pháp môn tu chứng để thể ngộ, không phải là trình bày hoặc giải thích về nghĩa lý, đây là một sự nhận thức cần thiết đối với bát-nhã! Từ (I) phần mở đầu của kinh – phần mở đầu chung, để xét, thì bản dịch đời Tần, v.v., về đại thể phù hợp với Trung phẩm, chỉ khác nhau về chi tiết hay giải lược mà thôi. Nhưng bản dịch đời Hán và bản dịch đời Ngô thuộc về những bản dịch cổ, lại đặc biệt đề cập đến “nhằm thời gian Thuyết Giới vào ngày thứ 15 của [mỗi nửa] tháng.”5 Đây là bản dịch xưa nhất, được xem trọng. Giới Phật giáo thời cổ đại, vào đêm Thuyết Giới bố-tát, đại chúng tập hợp lại để ‘bàn luận về Pháp’. Như Mãn nguyệt đại kinh, Mãn nguyệt tiểu kinh của Trung bộ đều nói như thế này:6
Bấy giờ, vào ngày bố-tát đêm trăng tròn ngày thứ 15, đức Thế Tôn được chúng tỳ-kheo vây quanh, cùng ngồi nơi chỗ đất trống.
Phật Pháp là lấy sự tu chứng làm chủ. Việc ở trong đại chúng tập trung để hỏi đáp lẫn nhau này, truyền thọ về sau, cũng phát triển mạnh mẽ lên. Theo phần mở đầu của kinh Bát-nhã, vào lúc Thuyết Giới ngày thứ 15, đại chúng tập trung. Đức Thế Tôn bảo ngài Tu-bồ-đề (Subhūti) thuyết bát-nhã ba-la-mật mà Bồ-tát cần phải tu học thành tựu. Tu-bồ-đề tuyên thuyết; dễ dàng khởi lên nghi vấn, do Xá-lợi-phất (Śāriputra) đặt câu hỏi trước nhất, Tu-bồ-đề trả lời. Đây là truyền thuyết xưa nói Tu-bồ-đề thuyết Bát-nhã, phù hợp với tình hình ‘bàn luận về Pháp’ thời xưa. Vì xem trọng ý nghĩa này nên ở giữa đoạn (IV) và (V), Phật thuyết cho Xá-lợi-phất và thuyết Tu-bồ-đề - đoạn kinh văn dài, thì không khớp với việc Phật sai Tu-bồ-đề thuyết pháp ở đoạn mở đầu. Vả lại, những lời mà Tu-bồ-đề thuyết là thuộc khơi mở, phản vấn, tu chứng; còn phần do Phật thuyết lại là giải thích, nhân tên gọi để định nghĩa. Cho nên, đem bỏ ra đoạn kinh dài của Phật thuyết, thì thể văn và nội dung còn lại đều có thể nói là nhất trí với nhau, đây chính là bộ phận Bát-nhã nguyên thỉ.
Tu-bồ-đề được khen ngợi là: Người đệ nhất trong những người đạt được tam-muội vô tránh.” Vô tránh (araṇya), chính là a-lan-nhã. Từ mặt dấu vết để nói, thì đây là sự thực hành a-lan-nhã ở nơi vắng vẻ thuộc thời kỳ đầu, chứ không phải là sự thực hành luật nghi của việc sống gần tụ lạc (sống với tụ lạc). Từ mặt thực chất để nói, thì thực hành vô tránh là sự tịch diệt xa rời mọi hí luận, xa rời mọi tranh chấp. Kinh Câu-lâu-sấu vô tránh trong quyển 43 của kinh Trung A-hàm (T. 1, tr. 703c) nói:
Tu-bồ-đề tộc tánh tử dùng đạo vô tránh rồi sau biết pháp đúng như pháp.
“Biết pháp đúng như sự chân thật của nó, Tu-bồ-đề nói nói kệ, sự thực hành này đúng cái ‘không’ chân thật, xả bỏ [sự tranh chấp] để trụ trong sự an tĩnh.”7
Sự thực hành vô tránh, kinh nói là sự thực hành chân chánh trung đạo “không có khổ, không có phiền, không có nóng bức, không có lo rầu,” là sự thực hành chân chánh “chân thật không hư dối, tương ưng với nghĩa [phù hợp với mục đích giải thoát]. Trong lời “tùy theo phong tục và luật pháp của các quốc gia, chứ khẳng định là đúng, chứ khẳng định là sai” đã giải thích tánh bất định của ngôn ngữ tùy phong tục địa phương, không nên cố chấp rồi khởi tranh luận.8 Trong kinh Bát-nhã, bát-nhã mà Tu-bồ-đề thuyết, là “không thấy có Bồ-tát, không đắc được Bồ-tát, cũng không thấy có, không đắc được bát-nhã ba-la-mật.”9 “Cái tên Bồ-tát không có sự nhất định, không có trụ xứ, vì sao vậy? Vì tên này không có thật.”10 “Bồ-tát ấy chỉ có tên gọi.”11 Điều này với tánh bất định của tên gọi ‘sự thực hành vô tránh’, rõ ràng là có liên quan. Quyển 5 của Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập (T. 70, tr. 459b-c) nói:
“Ngài Chân Đế nói: Bộ phái này chủ trương rằng pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều là những tên gọi giả, cho nên họ nói tất cả pháp đều không có cái thể chân thật; cùng là một tên gọi, tên gọi tức là [dùng để] nói, nên gọi là Nhất thuyết bộ.”
Những chủ trương [tông nghĩa] liên quan đến Nhất thuyết bộ (Ekavyāvahārika), Cát Tạng, Pháp Tạng, Khuy Cơ đều sử dụng truyền thuyết của Chân Đế (Paramārtha). Tên gọi và ý nghĩa của Nhất thuyết bộ, có người cho rằng không phải được giải thích như vậy. Chủ trương của Nhất thuyết bộ không có tài liệu để chứng minh nhiều, nhưng vào thời đại của Chân Đế ở thế kỷ 6 A.D., Nhất thuyết bộ của Ấn-độ không có chủ trương như vậy. “Các pháp đều chỉ có tên gọi mà không có thật thể” phù hợp với Bát-nhã nguyên thỉ. Lời này được xem là lời dạy bát-nhã ba-la-mật cho Bồ-tát, khả năng là có liên quan đến Nhất thuyết bộ.
Ở đoạn (III) và (IV) trong phẩm mở đầu của Hạ phẩm Bát-nhã đã nói đến hai loại tam-muội giống nhau phần lớn mà khác nhau chút ít, như quyển 1 của kinh Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật (T. 8, tr. 537c, 538a) nói:
“Bồ-tát cần học tập và thực hành bát-nhã ba-la-mật như vậy, đó gọi là tam-muội không có thọ các pháp của Bồ-tát, [tam-muội này] rộng lớn, vô lượng, không có hạn định, tất cả Thanh Văn, Bích-chi Phật không thể phá hoại được.”
“Đó được gọi là thực hành bát-nhã ba-la-mật, vì sao vậy? Vì không có thọ mọi pháp, đó gọi là tam-muội không có thọ các pháp của Bồ-tát, [tam-muội này] rộng lớn, vô lượng, không có hạn định, tất cả Thanh Văn, Bích-chi Phật không thể phá hoại được.”
Từ dịch của hai loại tam-muội trong bản dịch đời Tần với bản dịch đời Tống, bản dịch đời Hán tương đồng. Bản Đường dịch phần 4 phân biệt thành “thứ định không có nhiếp thọ đối với mọi pháp” và “thứ định không có thủ chấp đối với mọi pháp.” Trong bản Phạn, quả thật là có khác nhau giữa sarvadharmāparigṛhīta-samādhi và sarvadharmānupādāna-samādhi, nhưng ý nghĩa của ‘nhiếp thọ’ và ‘thủ chấp’ (cách dịch xưa cũng gọi là ‘thọ’) là gần nhau. Đoạn (III) của kinh văn nói: Nếu trụ nơi sắc thì bị đi theo sắc là thứ được tạo ra… Nếu thực hành theo pháp được tạo ra thời không thể (nhiếp) thọ bát-nhã ba-la-mật… Nếu như sắc không có thọ thì chẳng phải sắc… được gọi là tam-muội không có (nhiếp) thọ của các pháp của Bồ-tát.” Ở đây là lấy sự không trụ nơi mọi pháp, không nhiếp thọ mọi pháp để gọi là ‘tam-muội không có thọ các pháp’. Đoạn (IV) nói:Nếu thực hành theo cái hành của sắc…, tướng thực hành… Bồ-tát không thực hành theo sắc, không thực hành theo cái sanh của sắc, không thực hành theo cái diệt của sắc, không thực hành theo cái hoại của sắc, không thực hành theo cái không của sắc. Tiến thêm một bước, nói: Không nghĩ (ta) thực hành bát-nhã ba-la-mật, không nghĩ về sự không thực hành, không nghĩ thực hành mà không thực hành, cũng không nghĩ chẳng phải thực hành chẳng phải không thực hành... Nên gọi là thứ tam-muội không có thọ (chấp thủ).” Ở đây là lấy sự không thủ trước tướng của mọi pháp để lập nên tên gọi. Hai loại tam-muội này thật ra là sự truyền tụng bất đồng của cùng một lời dạy, do người biên tập kinh đã tập hợp lại cùng một lần, và xem đây đều chính là bát-nhã ba-la-mật. ‘Không trụ nơi (5 uẩn gồm) sắc, (v.v.), ‘không làm sự thực hành’, ‘không thủ trước’, ‘không nhiếp thọ’ đều là kế thừa Phật Pháp nguyên thỉ, là những thuật ngữ sẵn có của Phật Pháp.12 Nhưng ‘tam-muội không có thọ các pháp’ như thế được giải thích là khi Bồ-tát đã tu tập tương ưng với nó rồi thì sẽ không bị thoái chuyển để rơi vào Nhị thừa, cho nên đây là thứ bát-nhã ba-la-mật ‘không cùng chung với Nhị thừa’, chỉ riêng Bồ-tát có. Ở đây muốn nói đến: một, bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát chính là ‘tam-muội không có thọ các pháp’, nhưng chính pháp môn Bát-nhã sau khi được phát triển mạnh mẽ, cực lực suy tôn bát-nhã, nhưng đã không đề cập trở lại ‘tam-muội không có thọ’ này! Từ những kinh Đại thừa đã nhận ra được rằng, những kinh điển dùng tên tam-muội để đặt làm tên kinh, dùng tam-muội làm chủ đề là rất nhiều. Trong bộ phận những kinh mang tên tam-muội của Đại thừa, suy tôn sự thực hành a-lan-nhã, thậm chí nói nếu không thực hành a-lan-nhã thì không thể thành Phật. Mối quan hệ giữa tam-muội của Đại thừa và sự thực hành a-lan-nhã rất sâu đậm. Pháp môn Bát-nhã cũng từ trong sự thực hành a-lan-nhã mà ra, cho nên truyền thuyết nói là Tu-bồ-đề (người đệ nhất có tam-muội vô tránh) thuyết bát-nhã. Cho đến khi Đại thừa thịnh hành, tam-muội của Đại thừa tương truyền đều được hàng Bồ-tát tu tập truyền ra. Hai, ‘tam-muội không có thọ’ – bát-nhã ba-la-mật, là sự thực hành của Bồ-tát, không cùng chung với Nhị thừa. Nhưng người tuyên thuyết bát-nhã là vị đệ tử Thanh Văn Tu-bồ-đề. Chính Tu-bồ-đề nói: “Khi người đệ tử Phật dám nói điều gì thì đó đều là nhờ lực của Phật. Vì sao vậy? Vì Pháp được Phật thuyết, ở trong những người học có người có khả năng chứng được tướng của Pháp. Sau khi chứng, họ có nói ra lời gì, thì những lời đó đều không trái nghịch với pháp tướng, đó là nhờ lực của pháp tướng mà họ chứng được.”13 Theo lời Tu-bồ-đề nói, để tử Phật nhờ Pháp do Phật thuyết mà tu học, những người này có khả năng chứng đắc được ‘tướng của Pháp’, sau khi chứng rồi thì luôn luôn không trái nghịch với ‘tướng của Pháp’. Cho nên nói ‘vì đều là nhờ lực của Phật’, ‘vì nhờ lực tướng của Pháp’. Lực của Phật, luận Đại trí độ giải thích rằng: “Chúng ta (lời đệ tử tự xưng) tuy có con mắt trí tuệ, nhưng nếu không gặp được Phật Pháp thì không thấy được gì… Phật cũng như vậy, nếu không dùng ngọn đèn trí tuệ soi rọi cho chúng tôi thì chúng ta không thấy được gì.”14 Cái thuyết ‘lực của Phật’ của Bát-nhã nguyên thỉ khác với sự gia của tha lực thông thường; Tu-bồ-đề là người tự chứng rồi sau đó mới tùy thuận ‘tướng của Pháp’ để thuyết. Trong phần nói về ‘tam-muội không có thọ’ ở đoạn (III), còn nêu ra sự chứng nhập của phạm-chí Tiên-ni (Śreṇika Parivrājaka) để làm ví dụ. Bát-nhã ba-la-mật mà chỉ riêng Bồ-tát có, dường như có phần chung với đệ tử Thanh Văn, Ở dưới tiết [3] nhỏ ở đoạn (II) cũng đã thêm vào một đoạn khuyến khích cả ba thừa cùng học bát-nhã. Rốt cục Bát-nhã ba-la-mật ‘chỉ dạy cho Bồ-tát’, hay còn là ‘giáo pháp chung cho cả ba thừa’, đã trở thành một vấn đề tinh tế trên mặt học tập giáo pháp.
Phật bảo Tu-bồ-đề thuyết bát-nhã ba-la-mật cho Bồ-tát, Tu-bồ-đề không có vấn đáp nào với hàng Bồ-tát, mà chỉ là trình bày đối với Phật. Lời mà Tu-bồ-đề nói, ở trong Thánh điển trở thành một cung cách riêng biệt. Tu-bồ-đề hoàn toàn không nói Bồ-tát cần phải tu bát-nhã như thế nào, ngược lại dùng câu nghi vấn phủ định, nhằm biểu đạt bát-nhã cần phải học, cần phải thành tựu. Như nói: “Con không thấy có Bồ-tát, không đắc được Bồ-tát, cũng không thấy, không đắc được bát-nhã ba-la-mật, thì phải dạy bát-nhã ba-la-mật gì? (II) Nếu pháp là không thể nắm bắt thì là bát-nhã ba-la-mật chăng?” (III] “Như vậy tất cả nơi chốn, tất cả thời gian, tất cả chủng loại, Bồ-tát đều không thể nắm bắt, thì sẽ dạy bát-nhã ba-la-mật gì cho Bồ-tát?” “Thì sẽ dạy pháp gì để đi vào bát-nhã ba-la-mật? Nay con sẽ phải dạy cái pháp không sanh để đi vào bát-nhã ba-la-mật chăng? (V) Bồ-tát và bát-nhã đều chỉ có tên gọi, không có pháp thật, nên không có người (Bồ-tát) thọ giáo, cũng không có cái pháp (bát-nhã) được dạy. Điều này dường như nói ngược với lời Phật, mà kỳ thật là ai đã liễu đạt như vậy mà ‘không kinh, không sợ, không thoái lui’ thì đó chính là bát-nhã ba-la-mật mà Bồ-tát cần phải tu học cho thành tựu. Phát minh ra sự hỏi đáp như vậy, người xưa gọi là ‘dùng sự ngăn che để làm sáng tỏ’. Lại nữa, như ‘tam-muội không có thọ các pháp’ được trình bày đó, là không được trụ nơi sắc” (III); “không đi theo sắc”, v.v., “không nghĩ [ta] thực hành” mà không thực hành, v.v. (IV). Không trụ vào mọi thứ, không nghĩ đến mọi thứ (cũng không nghĩ đây là tâm Bồ-tát) (II) thì phù hợp với ‘thiền chân thật’ – không nương tựa vào mọi thứ để tu thiền, mà Phật đã dạy cho Sân-đà Ca-chiên-diên (Sandhakātyāyana-gotra).15 Trong đoạn thứ (V), dùng ‘cái ngã’ làm ví dụ, rồi nói tánh (tự tánh) của tất cả pháp cũng như vậy. Tánh của pháp không sanh, cái không sanh cũng không sanh, đây là không thọ (thủ) ‘cái pháp không có hai’ gồm cái không sanh không diệt, không có hai không có khác của tất cả pháp. ‘Không có sanh’, ‘pháp không hai’ là cái tuyệt đối, là cái siêu việt sai biệt, sanh diệt. Ở đoạn thứ (VI), nhân vì nghi ngờ của Xá-lợi-phất nên nêu bật sự không thể thủ, không thể nắm bắt, thì không có cái gì để gọi là khó thực hành hay dễ thực hành; Bồ-tát, Tát-bà-nhã (Phật), phàm phu đều là không có sanh; tất cả đều không có sanh, chính là nói nguyên văn cái từ không có sanh ấy cũng không có sanh. Cuối cùng, dùng ‘không có tánh’, ‘lìa’, ‘không thể nắm bắt’ để nói sự bình đẳng giữa Bồ-tát và chúng sanh; Bồ-tát cần phải thực hành bát-nhã ba-la-mật như vậy. Ở trong phẩm mở đầu, đem đoạn kinh văn dài Phật thuyết cho Xá-lợi-phất và Phật thuyết cho Tu-bồ-đề bỏ ra, thì lộ ra rõ cái đặc trưng nhất quán của Bát-nhã nguyên thỉ.  Từ Bồ-tát và bát-nhã, khai thị cái không thể dạy được, không thể vào được; không được trụ, không được nghĩ để dẫn vào sự ngộ sâu sắc về sự ‘không có sanh’.
Pháp môn Bát-nhã là kế thừa Phật giáo nguyên thỉ nhưng có sự phát triển. Trên phương diện ‘sự phân hóa thành bộ phái Phật giáo và Đại thừa’, nói đến phái chủ trương ‘thứ tự thấy được chân lý – thứ đệ kiến Đế’, là đi vào dần dần [tiệm nhập], trước hết thấy Khổ đế - vô thường, khổ, không, vô ngã. Phái chủ trương ‘thấy được chân lý chỉ trong một niệm – nhất niệm kiến Đế’ là đi vào lập tức [đốn nhập], thấy ngay được Diệt đế - tịch diệt, vô tướng. Phật giáo Bộ phái tuy có chia thành hai phái đi vào dần dần và đi vào lập tức, nhưng vào cái lúc trước khi thấy được Đạo, luôn luôn trước hết phải lấy vô thường, khổ, vô ngã (hoặc thêm ‘bất tịnh’) làm pháp môn quán, khởi lên tâm chán bỏ, xa lìa rồi hướng về sự diệt. Chán bỏ sanh tử, hướng đến tịch diệt, cái tâm tình chán bỏ rất nồng hậu. Như trong đoạn thứ (IV) của phẩm mở đầu nói Bồ-tát không thực hành theo sắc, không thực hành theo sự sanh của sắc, sự diệt của sắc, không thực hành theo sự hoại của sắc, cái không của sắc: pháp môn Bát-nhã là pháp môn không quán về sanh diệt, vô thường và không. Kinh nói: “Vì sắc không hoại mà quán sự vô thường của sắc…; người không quán như vậy thì được gọi là thực hành bát-nhã ba-la-mật tương tợ.16 Không hoại có nghĩa là không biến đổi, pháp môn Bát-nhã là từ sự như như không biến đổi – không sanh không diệt của sắc, v.v., để quán vô thường.17 Đây là pháp có nguồn gốc sâu xa từ Phật giáo nguyên thỉ, tiếp cận với ‘thấy chân lý trong một niệm tâm – nhất tâm kiến đế’, nhưng là do thiểu số người ngộ được sâu sắc, quán trực tiếp tất cả pháp là không thể nắm bắt, không sanh diệt để ngộ nhập.
Phẩm mở đầu của bản dịch đời Tần có 3 nơi nói đến từ ‘tướng của pháp’, như nói:18
“Chứng được tướng của các pháp. Sau khi chứng, có nói điều gì cũng đều không trái nghịch với tướng của pháp là do lực tướng của pháp.”
“Vì đắc được tướng thật của các pháp.”
“Tướng của các pháp là như vậy.”
Các từ tướng của pháp, tướng thật của pháp mà Cưu-ma-la-thập đã dịch, bản dịch đời Đường và bản dịch đời Tống đều gọi là tánh của các pháp, tánh thật của các pháp; bản dịch đời Ngô gọi là ý của pháp có nguyên ngữ là dharmatā.19Vì đắc được tướng thật của các pháp”, bản dịch đời Đường gọi là “vì lấy cái tánh chân thật của pháp làm định lượng;”20 pháp môn Bát-nhã là lấy ‘tánh của pháp – pháp tánh’ làm tiêu chuẩn. Tánh của tất cả pháp là như thế, nên không cần phải đi từ sự sanh diệt mà thế tục đã thấy để thực hành, mà trực tiếp đi từ pháp tánh – không sanh không diệt, không có hai không có khác, không có thủ không có trước mà đi vào lập tức. Đây là thiểu số những người có trí sâu sắc lợi căn có khả năng đi vào, được xem là bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát, không cùng chung với Nhị thừa, nhân vì sự lưu hành của tư tưởng Bồ-tát nên nó dần dần được phát triển mạnh mẽ lên.





1 Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 401, T. 7, tr. 1a.
2 Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 538, T. 7, tr. 763a.
3 Xuất Tam tạng ký tập 8, T. 55, tr. 55b.
4 Xuất Tam tạng ký tập 8, T. 55, tr. 39c.
5 Xuất Tam tạng ký tập 8, T. 55, tr. 56b.
6 Xem: Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 248-253 đã trình bày.
7 Xem: Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 249-252.
8 Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 660.
9 Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, đã dẫn, tr. 253.
10 Kajiyoshi Kōun (梶芳光運), Nguyên thỉ Bát-nhã kinh chi nghiên cứu, tr. 559-592., đã nêu ra bộ phận của kinh Bát-nhã nguyên thỉ là một phần trong quyển 1 của kinh Đạo hành Bát-nhã, T. 8, tr. 425c-427a.
1 Đạo An nói Tiểu phẩm từ đầu đến cuối có những điều sâu kín chính là vì lẽ đó.
2 Văn đoạn này với đoạn trước và sau không được liên tiếp với nhau, tôi suy đoán đó là phần được bổ sung thêm.
3 Hạ phẩm Bát-nhã đều căn cứ 5 uẩn để nói. ‘Sắc’ như vậy, ‘thọ, tưởng, hành, thức’ cũng như vậy. Ở đây lấy ‘sắc’ làm đại biểu cho 5 uẩn, văn ở sau cũng đều là như vậy.
4 Thể tài của một đoạn dài Phật trả lời Tu-bồ-đề này khác với đoạn trước và sau. Phần Ma-ha-tát, trình bày rộng về Đại thừa, thông thường đều xem là có về sau.
5 Đạo hành Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 425c. Đại minh độ kinh 1, T. 8, tr. 478b, văn khác nhau nhưng ý nghĩa thì tương đồng.
6 Trung bộ, (109) Mãn nguyệt đại kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 370. Trung bộ, (110) Mãn nguyệt tiểu kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 378.
7 Trung bộ, (139) Vô tránh phân biệt kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 332, là cùng một kinh điển, nói đến Tu-bồ-đề nhưng thiếu phần kệ tụng.
8 Trung A-hàm kinh 43, Câu-lâu-sấu vô tránh kinh, T. 1, tr. 703a.
9 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 537b.
10 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 537c.
11 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 539b. Nhưng trong bản dịch đời Tống, T. 8, tr. 591a; bản dịch đời Đường phần thứ 5, v.v., T. 7, tr. 869a, Bồ-tát và bát-nhã đều chỉ có tên gọi.
12 Như Tạp A-hàm kinh 2, T. 2, tr. 9a, 11a, v.v., đã nói.
13 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 537b.
14 Đại trí độ luận 41, T. 25, tr. 357c.
15 Tạp A-hàm kinh 33, T. 2, tr. 235c-236a.
16 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 3, T. 8, tr. 546c.
17 Phù hợp với ý nghĩa của Duy-ma-cật sở thuyết kinh nói: “không sanh không diệt là vô thường,” và “vì sắc không hoại nên quán sắc là vô thường.
18 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 537b-c, 539a.
19 Từ ‘pháp tướng’ mà Cưu-ma-la-thập đã dịch, tân dịch gọi là ‘pháp tánh’. Nhưng khác với từ ‘pháp tánh’ hoặc ‘pháp tự tánh’ (dharma-svabhāva), hoặc là ‘pháp giới’ (dharma-dhātu) mà La-thập đã dịch. Danh từ dịch khác nhau nên đừng nhầm nó cùng một nghĩa.
20 Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 538 (phần thứ 4), T. 7, tr. 764c; và, q. 556 (phần thứ 5), T. 7, tr. 866c.