VÔ TƯỚNG

VÔ TƯỚNG

(Trích dịch từ Chương I của tác phẩm Nghiên cứu về thuyết Tánh Không)

Tác giả: Pháp sư Ấn Thuận

Người dịch: Thích Nhuận Thịnh

Vô tướng (animitta), trong giải thoát đạo, có nhiều tên gọi, như vô tướng tâm giải thoát (animitta-cetovimutti), vô tướng tâm tam-muội (animitta-cetosamādhi), vô tướng giải thoát (animitta-vimokkha), vô tướng tam-muội (animitta-samādhi), vô tướng đẳng chí (animitta-samāpatti), vô tướng trụ (animitta-vihāra). Ứng dụng của những thuật ngữ này, trong thời Sơ kỳ của Phật giáo, so với không (śūnya, suñña) và vô sở hữu (ākiṃcanya, ākiñcañña), phải nhiều hơn một chút. Đương nhiên, nếu như lấy sự vô ngã và ngã sở là không, thì kinh văn nói về cái không đó, vẫn nhiều hơn so với vô tướng. Vô tướng định, dựa vào sự dụng tâm khác nhau của người tu hành, nên có sâu cạn không nhất định; cùng với Phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññā-nāsāññāyatana), diệt tận định (nirodha-samāpatti), vô tưởng định (asañña-samāpatti), đã trở thành định luận, đều có quan hệ, cho nên sự so sánh nội dung là rất phức tạp. A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa nói:

“Từ vô tướng, được giải thích theo nhiều nghĩa: hoặc là đối với không tam-ma-địa mà nói là vô tướng, cũng vậy, hoặc đối với địa vị kiến đạo, hoặc đối với bất động tâm giải thoát, hoặc đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc tức là đối với vô tướng tam-ma-địa mà nói là vô tướng.”*

Luận Bà-sa cho rằng, “vô tướng” – đây là một tên gọi , có 5 ý nghĩa khác nhau, nhưng từ kinh văn mà nói, cũng không hẳn là chỉ có 5 nghĩa được nói đó.

Vô tướng tâm tam-muội là trí quả và trí công đức. Trình bày vấn đề này, trong phẩm Đệ tử ký thuyết của kinh Tạp A-hàm, tổng cộng có 4 kinh (căn cứ theo số thứ tự được sắp xếp trong tạng Đại chánh, là các kinh 556-559, kỳ thật nên chia làm 6 kinh), đều có liên quan với ngài A-nan (Ānanda). Có một vị tỳ-kheo, đã tu đắc vô tướng tâm tam-muội, nhưng không biết là mình đã đắc quả gì, công đức gì. Bấy giờ, vị ấy “Đi theo tôn giả A-nan, nếu như có người khác hỏi ý nghĩa này, nhờ đó mà được nghe. Tỳ-kheo ấy liền theo tôn giả A-nan, trải qua suốt 6 năm, không có người nào hỏi ý nghĩa này”, cuối cùng, vị ấy tự mình nêu ra câu hỏi thỉnh vấn.1 Trong suốt 6 năm không có người nào hỏi, chứng tỏ vô tướng tâm tam-muội, ban đầu, có rất ít người bàn luận đến. Trong kinh Tạp A-hàm nói đến: vô tướng tâm tam-muội, là Phật vì chúng tỳ-kheo-ni mà thuyết; các tỳ-kheo-ni lại hỏi ngài A-nan, ngài A-nan vì các tỳ-kheo-ni mà giải thích. Điều này chứng tỏ, chủ yếu là: “Đại sư và đệ tử, cùng một câu, cùng ý vị, cùng nghĩa lý”;2 chỉ là vì đức Như lai đã từng nói đến, để khẳng định địa vị của vô tướng tâm tam-muội trong Phật pháp. Tập 9, kinh 37 của Tăng chi bộ trong Tạng Pāli, cũng nói đến trí quả và trí công đức, thật tế, đó là sự kết hợp hai kinh 557 và 559 của kinh Tạp A-hàm.3 Tóm lại, vô tướng tâm tam-muội là kinh do sự tu đắc của đệ tử Phật mà truyền ra, mỗi ngày ánh sáng càng thêm rực rỡ.

Vô tướng tâm tam-muội, theo lời của trưởng giả Chất-đa (Citra), là tam muội của sự “không niệm (tác ý) đối với tất cả tướng” mà tu thành.4 Tác ý (manasikāra), hoặc dịch là tư duy, niệm, ức niệm. Vô tướng tâm tam-muội của sự không tác ý tất cả tướng, có sâu cạn. Kết quả rốt ráo của vô tướng, như thiên Kỳ-dạ của kinh Tạp A-hàm nói:

“Tu tập nơi vô tướng, diệt kiết sử kiêu mạn, đạt được hiện quán mạn, rốt ráo tận khổ biên.”*

Bài kệ này là của ngài A-nan nói cho Bà-kỳ-xá (Vaṅgīsa), Tương ưng bộ cũng giống như vậy.5 Luận Du-già giải thích rằng: “Do vì đoạn này, gọi là vô học”.6 Vô tướng tâm tam-muội của trí quả và trí công đức, luận Tỳ-bà-sa cho rằng nó là tên khác của không tam-ma-địa.7 Luận Du-già sư địa giải thích đối với vô tướng tâm tam-ma-địa, như quyển 12 nói:

“Sao gọi là vô tướng tâm tam-ma-địa? Tức là đối với sự diệt của các thủ uẩn kia, tư duy tĩnh lặng, tâm trụ vào một duyên. Như kinh nói: vô tướng tâm tam-ma-địa không xuống thấp không lên cao. … Lại do hai nhân duyên mà nhập vô tướng định: 1. Vì không tư duy tất cả tướng; 2. Vì chánh tư duy về vô tướng giới. Do không tư duy về tất cả tướng, đối với các tướng kia không chán bỏ, không phá hủy, chỉ không tác ý tư duy thêm, nên gọi là không xuống thấp. Do chánh tư duy về vô tướng giới, đối với vô tướng kia không cố chấp, nên gọi là không lên cao.”

Vô tướng tâm tam-muội không thấp không cao đó, chính là điều mà kinh nói, không vọt lên không chìm xuống, tam-muội của trí quả và trí công đức. Điều mà luận Du-già nói và điều luận Tỳ-bà-sa nói, là tên gọi khác của không tam-ma-địa, sự nhận thức bất đồng.

Căn cứ theo lời mà kinh văn nói, vô tướng tâm tam-muội, hoặc tại vô lượng tâm giải thoát trở xuống, đó là ‘thoát khỏi tất cả tướng’, tâm ‘không bị trói buộc theo tướng được nhận thức’.8 Hoặc nương theo Tứ thiền mà nói là vô tướng tâm tam-muội, nếu như không cầu tiến thêm nữa, cùng với mọi người qua lại nơi hỗn tạp, cười nói bỡn cợt, thì cái định đó sẽ bị thoái lui và mất, có thể sẽ hoàn tục.9 Cho nên, tam-muội thông với hữu lậu; vô tướng tâm tam-muội của trí quả và trí công đức, cũng chính là vô tướng tâm giải thoát, chỉ là (Sở quả đến Tứ quả) của vô lậu.

Định, có hai loại là định có tưởng (hữu tưởng) và định không có tưởng (vô tưởng), như kinh Tạp A-hàm nói:

“Tôn giả A-nan bảo tỳ-kheo Ca-ma rằng: Nếu một vị tỳ-kheo ly dục, ly các pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có ly sanh hỉ lạc, có đủ và an trụ Sơ thiền; như vậy… có đủ và an trụ Vô sở hữu nhập xứ: như vậy tỳ-kheo có tưởng, có pháp nhưng không giác tri. … Tỳ-kheo không ức niệm tất cả tưởng, tự thân tác chứng, có đủ và an trụ vô tưởng tâm tam-muội, đó gọi là tỳ-kheo vô tưởng, mà không giác tri đối với pháp mình có.”*

Từ Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana) trở xuống là Sơ thiền đến Vô sở hữu xứ định, là có tưởng mà không giác tri; vô tưởng tâm định là không có tưởng mà không có giác tri. Đoạn trong Tăng chi bộ và đoạn này tương đương, cũng nói là từ Vô sở hữu xứ trở xuống là có tưởng mà không giác tri; tiếp theo nói đến tam-muội không vọt lên không chìm xuống (không xuống thấp, không lên cao).10 Ở đây có thể thấy rằng, từ Vô sở hữu xứ trở lên chính là vô tướng tâm tam-muội của vô tưởng. Kinh Tĩnh lự của Tăng chi bộ, trước hết nói tổng quan rằng: “Nương nơi Sơ tĩnh lự mà diệt tận các lậu, nương nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ mà diệt tận các lậu”, rồi sau đó phân tích cụ thể. Nhưng trong phần phân tích cụ thể, nói từ Sơ tĩnh lự đến Vô sở hữu xứ định, ‘như vậy đẳng chí có tưởng’. Ở đây là nói, từ Vô sở hữu xứ định trở xuống là định có tưởng, cùng với lời trong kinh Tạp A-hàm tương đồng. Phần kinh văn ở sau không có nói là nương nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ mà diệt tận các lậu, chỉ nói Phi tưởng phi phi tưởng xứ và Tưởng thọ diệt đẳng chí (saññavedayitanirodhasamāpatti) là thiện xảo;11 Phi tưởng phi phi tưởng xứ và Tưởng thọ diệt định không phải là định không có tưởng mà cùng với vô tướng tâm tam-muội tương đương sao?

Vô tướng tâm tam-muội còn được giải thích là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, như A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa nói:

“Đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ cho là tên gọi vô tướng, như nói: Ta khởi nhiều gia hành, dùng nhiều nỗ lực nên đắc vô tướng tâm định, không nên ưa thích và đắm chìm ở trong ấy. Người nói điều này không khởi hữu đảnh vị định, chỉ khởi tịnh định. Hỏi: Vì sao Phi tưởng phi phi tưởng xứ được gọi là vô tướng vậy? Đáp: Bởi vì nó không có nhận thức rõ ràng về tướng của tưởng, cũng không nhận thức rõ ràng về tướng của vô tưởng, chỉ có sự mê mờ nên không nhận thức rõ về cái tưởng nhỏ nhiệm đang hiện hành, như nghi ngờ mà thay đổi, nên gọi là vô tướng.”*

Kinh nói về vô tướng định, mà được giải thích là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, là kinh Tịnh bất động đạo của Trung A-hàm. Kinh trên nói: dục tưởng, sắc tưởng, bất động tưởng, vô sở hữu xứ tưởng, “tất cả tưởng đó là pháp vô thường, là khổ, là diệt. Bấy giờ vị ấy đắc vô tưởng. Vị ấy thực hành như vậy, học như vậy, tu tập như vậy mà phát triển, liền ở ngay đó mà tâm được thanh tịnh. … Hoặc ở ngay đó mà nhập vào vô tưởng, hoặc dùng huệ để giải thoát”. Người đã đắc vô tưởng định này mà nếu có chấp thọ (thủ) – ham thích, đắm trước, trụ, liền thọ quả báo của (phi) hữu tưởng và Vô tưởng xứ.12 Vì đã đắc vô tướng tâm định mà có sự tham đắm, cho nên là vô tưởng mà lại có sự không nhận thức rõ ràng các tưởng vi tế đang hiện hành, nhân đó nên gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Nếu tâm không tham đắm, thì đó là vô tướng tâm giải thoát vậy.

Tưởng thọ diệt định, hoặc gọi là diệt (tận) định, hoặc gọi là tăng thượng tưởng diệt trí định (abhisaññanirodha-sampajāna-samāpatti). Nó cùng với vô tướng tâm tam-muội tương đương, như trong Tương ưng Mục-kiền-liên của Tương ưng bộ, từ Sơ thiền nói đến Tứ thiền, từ Không vô biên xứ đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ; ở định thứ tám trở lên, gọi là vô tướng tâm định.13 Nhưng Tương ưng Xá-lợi-phất, cũng từ Sơ thiền nói đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, rồi sau đó nói là Tưởng thọ diệt định.14 Có thể thấy địa vị của vô tướng tâm tam-muội với Tưởng thọ diệt định là tương đương. Lại nữa, trong khoảng năm mà Phật nhập Niết-bàn, Phật bị bệnh tại thành Tỳ-xá-ly (Vesālī), Ngài nhập vào Vô tướng tam-muội để khống chế cơn đau trong ruột, như kinh Du hành trong Trường A-hàm nói:

“Ta nay già rồi, tuổi đã tám mươi. … tự lực tinh tấn, nhẫn chịu được cơn đau của (bệnh) này, không nghĩ đến tất cả tưởng, khi nhập vào Vô tưởng định, thân Ta an ổn, không có đau đớn.”*

Trong Tạp sự cũng nói như vậy: “Dùng Vô tướng tam-muội, quán xét nỗi đau về thân của Ngài, khiến nó được chấm dứt”. Kinh Đại Bát-Niết-bàn trong Trường bộ lại nói: “Này A-nan! Như lai không nhớ nghĩ hết thảy tướng, khi nhập vào Nhất thiết thọ diệt tướng tâm tam-muội và an trụ trong đó, thân thể của Như lai được khỏe lại.”15 Trường bộ nói không nhớ nghĩa hết thảy tướng, lại nói “nhập vào Nhất thiết thọ diệt tướng tâm tam-muội”, hiển nhiên là Vô tướng tâm tam-muội còn có ý nghĩa của tưởng thọ diệt. Tưởng thọ diệt định là từ trong Vô tướng tâm định mà phân hóa ra, đương nhiên đã được giới Phật giáo công nhận từ lâu, nhưng mà từ Phi tưởng phi phi tưởng xứ trở lên, lập nên một loại nữa là Diệt tận định, như các kinh Tản nhị (kinh Bẫy mồi) (25), kinh Thánh cầu (26), Tâm tài dụ tiểu kinh (tiểu kinh Ví dụ lõi cây) (30), Ngưu giác dụ tiểu kinh (tiểu kinh Ví dụ sừng bò) (31), Thuần kinh (kinh Con chim cáy) (66), Thiện sỹ kinh (kinh Chân nhân) (113) trong Trung bộ, nhưng ở trong Trung A-hàm chỉ có kinh Lạp sư kinh (kinh Người thợ săn) (178) tương đương với kinh Tản nhị, tại Phi tưởng phi phi tưởng xứ trở lên lập thêm Tưởng tri diệt, còn lại đều không có, có thể thấy trong kinh giáo được truyền tụng giữa các bộ phái, Tưởng thọ diệt định vẫn còn trong trạng thái bất xác định. Diệt tận định và vô tưởng – Vô tưởng tâm định, Trung A-hàm chia rõ làm hai loại định khác nhau là nhập định và xuất định,16 nhưng Trung bộ lại không có chia như vậy. Tưởng thọ diệt định ở trong giới Phật giáo có nhiều tranh luận. Như Ô-đà-di (Udāyin) phản đối lời của Xá-lợi-phất (Śāriputra): “Nếu như đối với hiện pháp mà không đắc trí cứu cánh, thì sau khi thân hoại mạng chung, vượt qua trời Đoàn thực, sanh nơi cõi trời Ý sanh khác, ở đó xuất nhập Tưởng tri diệt định, ắt có sự này xảy ra.”17 Trong các bộ phái, hoặc cho rằng Tưởng thọ diệt định là hữu vi; hoặc cho là vô vi, hoặc cho là chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi. Hay họ cho là người đắc Tưởng thọ diệt là hữu tình không có tưởng; hoặc cho là chẳng phải hữu tình không có tưởng, hoặc cho Tưởng thọ diệt của thế gian là hữu tình không có tưởng, tưởng thọ diệt của xuất thế gian là hàng Thánh giả. Kinh Đại thừa cho rằng: Nếu Bồ-tát không có đủ hạnh nguyện từ bi mà nhập Diệt định thì sẽ chứng quả nhỏ; nếu như có đủ hạnh nguyện từ bi thì liền nhập vào định thâm sâu của pháp tánh như như. Các quan điểm khác nhau rối ren như thế này, đủ để nói lên rằng, Diệt tận định có liên quan đến Vô tướng tâm định, điều này trong giới Phật giáo là vô cùng mập mờ.

Y cứ vào Vô tướng tâm tam-muội, diễn giải ra thành Phi tưởng phi phi tưởng xứ định (và nơi chốn thọ nhận quả báo), ngoài Diệt tận định ra, có cho hữu tình không có tưởng (asaññasatta), Vô tưởng định. Vô tướng tâm tam-muội là không tác ý mọi tướng, cũng chính là không khởi hết thảy tưởng. Kinh Đại duyên của Trường bộ lập nên bảy loại thức trụ và hai xứ, hai xứ là nơi của hữu tình không có tưởng và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.18 Vô tưởng định và Diệt tận định tương tợ nhau, nên từ sự khác nhau khi khởi định mà phân biệt thêm.19 Bảy thức trụ và hai xứ, tổng hợp lại gọi là chín nơi cư trú của hữu tình.20 Căn cứ theo kinh Ba-lê của Trường bộ nói: Theo thuyết về sự khởi nguyên của thế giới trong truyền thuyết, thì thuyết ‘vô nhân luận’ mà trong ấy nói, là từ hữu tình vô tưởng sau khi chết rồi sanh xuống đây, cho nên mới có thuyết vô nhân.21 Vô tưởng định và hữu tình không có tưởng, có thể là ngoại đạo có kinh nghiệm tu tập và truyền thuyết tương tợ như vô tưởng, Phật pháp có lẽ vì cần có sự giải thích, mới từ trong Vô tưởng định và Diệt tận định chia ra, chỗ cư trú là trời Quảng quả thuộc Tứ thiền. Đây là sự thành lập có lẽ trễ một chút.

Kinh Tạp A-hàm (Tu-đa-la) nói:

“Này các tỳ-kheo! Tham tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng, tham giác, nhuế giác, hại giác, và vô lượng loại bất thiện, làm sao diệt trừ được rốt ráo? Hãy buộc tâm nơi bốn niệm xứ, trụ nơi Vô tướng tam-muội, tu tập, tu tập càng nhiều, các pháp ác bất thiện theo đây mà bị diệt trừ, hết vĩnh viễn không còn thừa sót”. “Vị Thánh đệ tử đa văn tư duy như vầy: Có thể nào ở thế gian có một pháp gì đáng chấp thủ mà không có tội lỗi không? Sau khi tư duy như vậy, vị ấy đều không thấy một pháp nào đáng chấp thủ mà không có tội lỗi. … Biết như thế rồi, đối với các thế gian thời không có chấp thủ; người không có chấp thủ thì tự giác ngộ Niết-bàn.”*

Điều mà Tương ưng uẩn của Tương ưng bộ nói, cùng với đoạn trên đại để tương đồng.22 Theo kinh này nói: Nương vào ba loại tưởng mà có ba loại giác (giác – cách dịch mới là tầm tư) bất thiện, dẫn đến phát sanh nhiều loại pháp bất thiện khác, người tu tập nhiều về Vô tướng tam-muội, có thể vĩnh viễn diệt trừ không còn sót lại các loại bất thiện đó. Vô tướng tam-muội nương theo Tứ niệm xứ mà tu. Tứ niệm xứ là: quán thân này là không thanh tịnh, quán các loại thọ đều là khổ, quán tâm mình là vô thường, quán các pháp là vô ngã, đó là đạo nhất thừa của sự giải thoát. Y cứ vào đây mà tu Vô tướng tam-muội, không chấp thủ mọi tướng, không chấp thủ pháp là có, cũng không chấp thủ pháp là vô, thật sự có thể tu đến không còn chấp thủ bất cứ pháp gì, thì liền tự chứng Niết-bàn vậy. Trong kinh thường nói: Nương theo Tứ niệm xứ, tu tập bảy giác chi mà được giải thoát. Tu tập mỗi một giác chi đều phải “nương vào sự viễn ly, nương vào sự ly dục, nương vào sự tịch diệt, mà hướng đến sự xả (xả tức là không chấp trước mọi thứ)”.* Vô tướng tam-muội là không chấp thủ hết thảy tướng, có thể nói đó chính là tu tập “nương vào sự tịch diệt, mà hướng đến sự xả” vậy.

Tam-muội của sự không chấp thủ mọi pháp, cùng với con ngựa chưa được huấn luyện – loại thiền ương ngạnh (cương lương thiền - khaluṅka-jhāna) mà Phật dạy cho Săn-đà-ca-chiên-diên (Sandha-kātyāyana-gotra), nhất định phải có mối quan hệ ở mức độ nào đó, như trong Như lai ký thuyết của Tạp A-hàm nói:

“Như vậy, này Săn-đà! Vị tỳ-kheo tu thiền như vậy (không nghĩ đến năm triền cái, an trú nơi sự biết như thật về xuất ly), không y cứ nơi đất mà tu thiền, không y cứ nơi nước, lửa, gió, không, thức, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng mà tu thiền; không y cứ vào đời này, đời khác, không phải mặt trời (không phải) mặt trăng, không phải thấy, nghe, cảm nhận, hiểu biết, không đắc, không cầu, không đi theo giác (tầm), không đi theo quán (tư) mà tu thiền. Này Săn-đà! Vị tỳ-kheo tu thiền như vậy, thì các thiên chủ như Y-thấp-ba-la, Bà-xà-bà-đề, cung kính chắp tay, cúi đầu làm lễ mà nói kệ rằng: Nam-mô Đại sỹ phu, nam-mô bậc Thượng sỹ! Bởi tôi chẳng thể biết, nương đâu mà thiền định?”. “Phật bảo Bạt-ca-lợi: Vị tỳ-kheo đối với địa tưởng mà điều phục địa tưởng, đối với nước, gió,… nếu giác, nếu quán, thì thảy đều hàng phục được các tưởng kia. Này Bạt-ca-lợi! Vị tỳ-kheo tu thiền như vậy, không y cứ nơi đất, nước, lửa, gió, cho đến không y cứ nơi giác, quán mà tu thiền.”*

Đối với đất, v.v. mà có thể điều phục tưởng về đất, v.v., không y cứ nơi đất, v.v. mà tu, đó là vô tướng thiền. Biệt dịch Tạp A-hàm mở mộng nghĩa thành: “(Mọi pháp) thảy đều hư ngụy, không có pháp nào là thật, chỉ vì giả đặt, do nhân duyên hòa hợp nên có nhiều tên, quán nó là trống rỗng, không thấy có (bất cứ thứ gì là) pháp cho đến chẳng phải pháp.”23 ‘Không thấy có pháp cho đến chẳng phải pháp’, cùng với lời Phật dạy trong kinh Giáo giới Ca-chiên-diên là ‘không khởi quan niệm về có, quan niệm về không’ phù hợp nhau; cũng cùng với thuyết ‘ly quan niệm về có, quan niệm về không, không thấy bất một pháp nào có thể chấp trước mà không có tội lỗi’ phù hợp nhau.24 Không nương tựa vào đâu mà tu thiền, thấy rằng ở trong chương 11 pháp của Tăng chi bộ25 đã diễn ra thành 10 kinh tương tợ nhau. Kinh văn được truyền tụng bởi các bộ phái đã có không ít sự thêm bớt, đại để là nhằm phù hợp với giáo nghĩa của tong phái mình.26 Nhưng từ mặt tương đồng giữa Tạp A-hàm và Tăng chi bộ mà nói, thì ở đây là không nương tựa vào mọi tưởng mà tu tập vô tướng thiền.

A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận nói:

“Này Đại Mục-kiền-liên! Phạm thiên Để-sa không nói đến hạng vô tướng trụ thứ sáu phải không?... Nếu có Bí-sô không tư duy thêm nữa đối với hết thảy tướng, thì chứng đầy đủ và an trụ nơi Vô tướng tâm tam-ma-địa, đó gọi là vô hạng tướng trụ thứ sáu.”*

Trong luận dẫn chứng nhiều kinh văn (đều là kinh Tăng nhất A-hàm của Hữu bộ): Phạm thiên Để-sa (Tissa) nói với Đại Mục-kiền-liên rằng: Một bộ phận trong chúng Phạm thiên, có thể biết ai là câu giải thoát,… ai là tín thắng giải. Mục-kiền-liên đã trình bày lại với đức Như lai điều này, đức Như lai bảo rằng: “Tất cả Thánh giả, tổng cộng có bảy hạng người”. Phạm thiên Để-sa trình bày từ câu giải thoát đến tín thắng giải, chỉ mới nói có 5 hạng, không có nói hạng thứ sáu là hạng vô tướng trụ. Vị đạt được vô tướng trụ (an trụ nơi vô tướng) là vị đã chứng đắc đầy đủ và an trụ nơi Vô tướng tâm tam-ma-địa, đây là điều mà Phạm thiên không thể biết được; điều này với sự không biết của các thiên chủ về loại thiền ương ngạnh là y cứ nơi nào mà tu thiền giống nhau. Hạng thứ sáu là vô tướng trụ mà Phật nói, luận Đại tỳ-bà-sa giải thích rằng: “Tất cả Thánh giả, tổng cộng có bảy hạng người”, Đề-sa đã nói đến năm hạng, cho nên hạng vô tướng trụ chính là người hành theo pháp và hành theo tín. Hành theo pháp (tùy pháp hành) và hành theo tín (tùy tín hành) là người đạt đến địa vị kiến đạo. Địa vị kiến đạo có 15 tâm, là tốc tật đạo, là vi tế đạo, không thể thiết lập, trình bày, cho nên hành theo pháp và hành theo tín, tổng hợp gọi là hạng vô tướng trụ.27 Kinh văn mà Tỳ-ba-sa dẫn chứng, thấy trong Tăng chi bộ, nhưng có khác nhau chút ít. Phạm thiên Để-sa đã nói 6 hạng người – câu giải thoát… tùy hành pháp, không nói đến hạng thứ bảy là Vô tướng trụ bổ-đặc-già-la (sattama-animitta-vihārin-puggala),28 hạng thứ bảy cuối cùng là người vô tướng trụ, là chuyên chỉ cho người đã hành theo tín. Người hành theo tín làm gì mà đặc biệt được gọi là người vô tướng trụ?

Liên quan đến hạng người vô tướng trụ thứ sáu mà kinh nói, luận Đại tỳ-bà-sa nói đến: “Có người không hiểu rõ ý nghĩa đó được kinh ấy nói, liền chấp do duyên Diệt đế mà nhập vào chánh tánh ly sanh, vì kiến đạo gọi là vô tướng trụ, và vì chỉ có ở trong Diệt đế mới không thấy có các tướng.”29 Đây là kiến giải của Pháp tạng bộ (Dhammaguttika), như luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa nói:

“Có quan điểm rằng: Chỉ có vô tướng tam-ma-địa mới có thể nhập vào chánh tánh ly sanh, như Đạt-ma-cấp-đa bộ đã nói. Họ cho là vô tướng tam-ma-địa ở trong Niết-bàn, khởi tác ý tịch tĩnh, rồi nhập vào chánh tánh ly sanh.”*

Nhập vào chánh tánh ly sanh (samyaktva-niyāma) chính là kiến đạo. Căn cứ theo văn rõ ràng ở trong kinh, người hành theo tín, v.v. sở dĩ được gọi là hạnh vô tướng trụ, đó là vì ‘không tư duy thêm nữa đối với hết thảy tướng, thì có đầy đủ và an trụ nơi Vô tướng tâm tam-ma-địa’, chứ không phải là như điều mà luận Đại tỳ-bà-sa đã nói. Thấy được Tứ đế là đắc đạo hay thấy được Diệt đế là đắc đạo, là hai hệ thống (hai luồng tư tưởng) lớn của bộ phái Phật giáo. Căn cứ theo hạng thứ sáu được gọi là vô tướng trụ mà nói, trong quá trình tu tập Thánh đạo, biết Khổ, đoạn Tập mà chứng Diệt đế, gọi là Thánh giả, có lẽ thuyết thấy Diệt đế thì đắc đạo càng phù hợp hơn với nghĩa của kinh vậy!

Vô tướng tâm tam-muội có sâu cạn: cạn thì còn có thể bị thối đọa; sâu thì có thể thấy Diệt đế và đắc đạo, thành bậc Thánh giả; tối cao nhất, đương nhiên là không còn tất cả phiền não, là bất động tâm giải thoát của bậc A-la-hán vậy.



* A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa 104, T.27, tr. 541b.

1 Tạp A-hàm 20, T.2, tr.146b.

2 Tạp A-hàm 20, T.2, tr.146a.

3 Tăng chi bộ, chương 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr.125-126.

4 Tạp A-hàm 21, T.2, tr.149c. Tương ưng bộ, Chất-đa tương ưng (41), Nam truyền 15, tr.451.

* Tạp A-hàm 45, T. 2, tr. 331b.

5 Tương ưng bộ, Bà-kì-sa trưởng lão tương ưng (8), Nam truyền 12, tr.325.

6 Du-già sư địa luận 17, T.30, tr. 372b-c.

7 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 104, T.27, tr.541b-c.

8 Tăng chi bộ, chương 6 pháp, Nam truyền 20, tr.20-21. A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 15, T.26, tr.431a.

9 Tăng chi bộ, chương 6 pháp, Nam truyền 20, tr.156-157. Trung A-hàm, Chi-ly-di-lê kinh (82), T.1, tr.559a.

* Tạp A-hàm 21, T.2, tr.146c.

10 Tăng chi bộ, chương 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr.127.

11 Tăng chi bộ, chương 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr.112-124.

* A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 105, T.27, tr.542a.

12 Trung A-hàm, Tịnh bất động đạo kinh (75), T.1, tr.543a. Trung bộ, Bất động lợi ích kinh (106), ‘vô tưởng’ chép là ‘Phi tưởng phi phi tưởng xứ’.

13 Tương ưng bộ, Mục-kiền-liên tương ưng (40), Nam truyền 15, tr.405-414.

14 Tương ưng bộ, Xá-lợi-phất tương ưng (28), Nam truyền 14, tr.380-385.

* Trường A-hàm, kinh Du hành, T.1, tr.15b.

15 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự 36, T.24, tr.387b. Trường bộ, Đại Bát-niết-bàn kinh (16), Nam truyền 7, tr.68.

16 Trung A-hàm, Pháp lạc tỳ-kheo-ni kinh (210), T.1, tr.789a. Xem thêm: Đại Câu-hi-la kinh, T.1, tr.791c-792a.

17 Trung A-hàm, Thành tựu giới kinh (22), T.1, tr.449c. Tăng chi bộ, chương 5 pháp, Nam truyền 19, tr.268-269.

18 Trường bộ, Đại duyên kinh (15), Nam truyền 7, tr.22-24. Trường A-hàm, Đại duyên phương tiện kinh (13), T.1, tr.62b. Trung A-hàm, Đại nhân kinh (97), T.1, tr. 582a.

19 Trung A-hàm, Pháp lạc tỳ-kheo-ni kinh (210), T.1, tr.789a. Xem thêm: Đại Câu-hi-la kinh (211), T.1, tr.792a.

20 Trường bộ, Đẳng tụng kinh (33), Nam truyền 8, tr.343-344. Trường A-hàm, Chúng tập kinh (9), T.1, tr.52b-c. Tăng chi bộ, chương 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr.77-78. Tăng nhất A-hàm, Cửu chúng sanh cư phẩm, T.2, tr.764c-765a.

21 Trường bộ, Ba-lê kinh (24), Nam truyền 8, tr.43. Trường A-hàm, A-nậu-di kinh (15), T.1, 69c.

* Tạp A-hàm 10, T.2, tr.72a-b.

22 Tương ưng bộ, Tương ưng uẩn (22), Nam truyền 14, tr.150.

* Tạp A-hàm 29, T.2, tr.208c4-5, và nhiều nơi khác.

* Tạp A-hàm 33, T.2, tr. 236a-b.

23 Biệt dịch Tạp A-hàm kinh 8, T.2, tr.431a.

24 Tạp A-hàm 12, T.2, 85c. Xem thêm quyển 10, T.2, tr.72b.

25 Tăng chi bộ, chương 11 pháp, Nam truyền 22 hạ, tr.291.

26 Sơ kỳ đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, tr.278-284.

* A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 40, T.27, tr.209b.

27 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 40, T.27, tr.209c. Xem thêm quyển 104, T.27, tr.541c.

28 Tăng chi bộ, chương 7 pháp, Nam truyền 20, tr.326-328.

29 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 40, T.27, tr.209b.

* A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 185, T.27, tr.927c.

Trung luận và kinh A-hàm

(Trích dịch từ Chương IV của tác phẩm Nghiên cứu về thuyết Tánh Không)

Tác giả: Pháp sư Ấn Thuận

Người dịch: Thích Nhuận Thịnh

Luận thư, có “luận giải thích kinh - thích kinh luận” và “luận tông chỉ của kinh - tông kinh luận”. Luận giải thích kinh, là căn cứ theo thứ tự của kinh văn mà giải thích. Có lý do vì: đức Như lai tùy theo căn cơ mà thuyết pháp, kinh được tập hợp lại không nhất định là thuyết trong một hội, nên không ngại đã nói rồi lại nói lặp, cũng không ngại hoặc cạn hoặc sâu. Có lý do vì: đức Như lai là bậc có nhất thiết trí, thuyết pháp không thể bị lặp lại, nên đặt trọng thứ tự trước sau. Luận Đại trí độ và luận Thập trụ tỳ-bà-sa là luận giải thích kinh mà thuộc vào một loại hình ở trước, có phong cách của kinh sư (đọc lại) ở phương nam; cùng với các luận giải thích kinh của các luận sư (đọc lại), như các luận giải thích kinh của Vô trước (Asaṇga), thể tài khác nhau. Luận tông chỉ của kinh, là căn cứ theo một kinh hoặc nhiều kinh là nghiên cứu suy luận về nghĩa lý của pháp, có truyền thống A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma), đều là suy tư sâu sắc, quán xét miên mật, xét đoán pháp nghĩ, tợ hồ không như thế thì không thể. Trung luận là luận giải thích tông chỉ của kinh, nhưng đặt trọng nơi phân tích nghĩa lý sâu xa. Kỳ thật, luận thư còn có một loại “luận về sự thực hành pháp quán”, lấy sự thực hành pháp quán (chỉ quán) làm chủ đích. 27 phẩm của Trung luận, mỗi phẩm đều gọi là “quán”, nên người xưa gọi Trung luậnTrung quán. Như trong Vật bất thiên luận, Tăng Triệu nói: “Trung quán nói: nhìn phương hướng mà biết người kia đi, người đi không đến phương đó.”1 Trung luận là luận giải thích tông chỉ của kinh, dùng sự thực hành pháp quán làm tông chỉ, mà không phải là chú trọng sự tư biện. Sở học của Long thọ (Nāgārjuna), xuyên suốt bắc - nam, Đại – Tiểu, nhưng biểu hiện ra lập trường độc đáo. Hiện tại nghiên cứu nghĩa Không (śūnya, śūnyatā) của Long thọ, dùng Trung quán làm chủ, đây là điều chung của các học giả Trung quán hậu kỳ; dùng luận Đại trí độ, v.v. làm hỗ trợ, trình bày vấn đề còn không rõ ràng trong Trung luận.

Trung luận, nêu lên tôn chỉ, thuyết minh ý nghĩa (khai tông minh nghĩa), là “không sanh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không nhất cũng không dị, không đến cũng không đi: người thuyết nhân duyên này, mà nó (nhân duyên) là thiện và diệt trừ mọi hí luận”.2

Luận đề chủ yếu của Trung luận, là nhân duyên, (tân dịch là duyên khởi - pratītya-samutpāda), duyên khởi gồm tám sự phủ định; duyên khởi gồm tám sự phủ định, chính là Trung đạo (madhyamā-pratipad). Hàm nghĩa của duyên khởi gồm tám sự phủ định, có thể nói cùng với kinh Bát-nhã tương đồng; mà dùng duyên khởi làm luận đề, lấy tám sự phủ định để xiển minh, lại không phải là kinh Bát-nhã. Tôi cho là: “Trung luận là bản giải thích của kinh A-hàm; là giải thích tư tưởng căn bản của kinh A-hàm, phân tích ý căn bản có trong kinh A-hàm.” “Chính xác, Trung luận là dùng lập trường của học giả Đại thừa, xác nhận duyên khởi – không – trung đạo là nghĩa sâu xa căn bản của Phật pháp. … chọn lấy và phát huy nghĩa duyên khởi sâu kín của A-hàm, đem chánh kiến về Phật pháp, khẳng định và dựng lập nên sự vững chắc của duyên khởi trung đạo.”3 Lý giải này, tôi từng dẫn chứng nhiều lần, nhưng có một số người cảm thấy rằng Trung luận là căn cứ kinh Bát-nhã mà tạo. Điều này cũng khó trách! Luận sư Ấn độ của Thuận Trung luận, Bát-nhã đăng luận, v.v., đã nói như vậy. Tôi cũng không nói rằng, Trung luận và kinh Bát-nhã không có liên quan, mà là nói: Long thọ vốn thâm ngộ pháp môn Bát-nhã, không như một số học giả Đại thừa, cho rằng Đại thừa có riêng một nguồn gốc pháp riêng, mà tôi khẳng định là Phật pháp cùng một nguồn gốc. Nhưng thông thường, những học giả Thanh văn đặt nặng sự phân biệt sự tướng, đã làm mất đi nghĩa sâu xa của lời Phật thuyết. Cho nên chính những lời được nói trong kinh A-hàm, phát sanh sự chấp trước khác nhau của các bộ phái, tiến hành phá bỏ từng cái, mà làm hiện rõ nghĩa sâu xa của kinh A-hàm, cũng chính là tông với nghĩa sâu xa của Bát-nhã. Từ những luận chứng ở trước đã nói qua, bây giờ lại trình bày như sau:4

1. Bài tụng quy kỉnh của Trung luận thuyết minh về duyên khởi qua tám phủ định. Duyên khởi là điểm đặc sắc của Phật pháp khác với ngoại đạo, duyên khởi là trung đạo ly cả hai bên. Bàn về duyên khởi mà gọi là “trung” (luận), là A-hàm chứ không phải là Bát-nhã. Trong trung đạo, trung đạo là không phải thường không phải đoạn, như kinh Tạp A-hàm nói: “(cho rằng) tự mình làm, tự mình biết (cảm thọ), đó là rơi vào thường kiến; (cho rằng) người khác làm, người khác biết (cảm thọ), đó là rơi vào đoạn kiến. Ta thuyết nghĩa, thuyết pháp, ly hai cả hai bên này, ở nơi trung đạo mà thuyết pháp, đó là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi,…”5 Trung đạo là không phải một không phải khác, như kinh Tạp A-hàm nói: “Nếu thấy ai nói mạng tức là thân, thì điều đó người Phạm hạnh kia không có; nếu lại thấy có người nói mạng khác thân khác, thì điều đó người Phạm hạnh không có. Đối với (cái chấp) hai bên này, tâm không theo bên nào, chỉ hướng đến trung đạo, bậc Hiền thánh xuất thế có chánh kiến như thật không điên đảo rằng: duyên sanh nên có lão tử, …duyên vô minh nên có hành.”6 Trung đạo là không đến không đi, như kinh Tạp A-hàm nói: “lúc nhãn (thức) sanh không từ đâu đến, lúc diệt không đi về đâu. …trừ pháp tục đế, pháp tục đế là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi.”7 Trung đạo không sanh không diệt, kinh A-hàm gọi là vô vi – chỉ cho niết-bàn.8 Niết-bàn là sự chấm dứt, tịch diệt của khổ, trong kinh A-hàm, là y cứ vào “cái này không nên cái kia không” của duyên khởi mà triển khai. Dùng tám sự phủ định để giải thích về thuyết duyên khởi là trung đạo, có nguồn gốc sâu xa từ kinh Tạp A-hàm thuyết, thì làm sao hoài nghi được!

2. Trung luận dùng lời Phật thuyết để dẫn chứng, phần lớn đều từ kinh A-hàm. (1) Phẩm Quán bản tế nói: “Bậc Đại thánh đã nói, không thể đắc bản tế”, xuất xứ từ kinh Tạp A-hàm nói: sanh tử từ vô thỉ, … luân hồi lâu xa, không biết được bờ mé của khổ.” Kinh nói “sanh tử từ vô thỉ”, Long thọ trích dẫn và quy vào không nghĩa “vì sao do hí luận, nên có sanh, lão, tử”.9 (2) Phẩm Quán hành, nói: “Như trong kinh Phật nói, hư cuống, vọng, chấp tướng”. Bởi các hành là hữu vi, do vì mê lầm nên chấp trước mà thành, vì niết-bàn là không mê lầm nên Long thọ giải thích rằng: “Phật nói đến điều này, muốn biểu thị nghĩa Không”.10 (3) Phẩm Quán hữu vô, nói: “Phật diệt chấp hữu - vô, vì dạy Ca-chiên-diên, lời được nói trong kinh, lìa hữu cũng lìa vô”. Điều này, kinh Tạp A-hàm nói: “Thế gian có hai điều y cứ, hoặc hữu, hoặc vô. … Vì y trên chánh tri kiến mà biết như thật về sự tập khởi của thế gian, thì không cho rằng thế gian này là vô (ly vô); vì y trên chánh tri kiến mà biết như thật về sự hoại diệt của thế gian, thì không cho rằng thế gian là có (ly hữu) – đó gọi là lìa hai bên, y trên trung đạo mà nói.”11 Duyên khởi trung đạo là lìa hai bên hữu và vô, là giáo chứng trọng yếu của Trung luận. (4) Phẩm Quán Tứ đế nói: “Thế tôn biết pháp này, tướng sâu xa vi diệu, kẻ ngu chẳng thể hiểu, cho nên không muốn nói.” Điều này, kinh Tăng nhất A-hàm nói: “Nay Ta có pháp sâu xa, khó hiểu khó rõ, khó có thể biết được, … Giả sử ta thuyết diệu pháp này cho người khác, thì người ấy không thể tin hiểu, cũng không thể thực hành. … Nay Ta nên im lặng, không cần phải nói pháp!”12 Trong các bộ Quảng luật, trước khi Phạm thiên thỉnh thuyết pháp, cũng có chép “không muốn thuyết pháp”. (5) Phẩm Quán Tứ đế nói: “Vì vậy trong kinh nói: nếu thấy pháp nhân duyên, thì có thể thấy Phật, thấy Khổ, Tập, Diệt, Đạo”, như là kinh Đạo can13 đã nói. Thấy duyên khởi tức thấy pháp (Tứ đế), như kinh Tượng tích dụ14 trong Trung A-hàm đã nói. (6) Phẩm Quán Niết-bàn nói: “Như trong kinh, Phật nói: đoạn hữu, đoạn phi hữu”. Điều này, trong kinh Tạp A-hàm nói: “(Sáu nhập xứ) sau khi đã đoạn tận, ly dục, tịch diệt, an tĩnh, chìm mất, cũng không nên nói là có, cũng không nên nói là vô. … ly các hư ngụy (hí luận), đắc bát-niết-bàn, đây chính là lời Phật dạy.”15

3. Trung luận có tổng cộng 27 phẩm. Thanh Mục thích cho rằng: 25 phẩm trước, “dùng Ma-ha-diễn để nói đạo đệ nhất nghĩa”, 2 phẩm sau “nói đến phương pháp để Thanh văn nhập vào đạo đệ nhất nghĩa.16 Luận Vô úy cũng nói như thế. Nhưng căn cứ theo đoạn đã nói ở trên, văn dùng để chứng minh cho tám phủ định của duyên khởi trung đạo, phần lớn là dẫn lời trong kinh A-hàm, nên tôi không thể đồng ý với sự phân chia như thế. Đối tượng được quán xét và bàn luận của Trung luận không có thuật ngữ của Đại thừa, như bồ-đề tâm, sáu ba-la-mật, mười địa, trang nghiêm Phật độ…, mà là pháp nghĩa của A-hàm và A-tỳ-đạt-ma. Trung luận là y cứ theo thứ tự của Tứ đế, chỉ là dùng sự quán xét xủa hành giả Đại thừa, khơi mở nghĩa lý sâu xa của kinh A-hàm, cùng với nghĩa tướng sâu xa của Đại thừa khế hợp mà thôi. Ở đây không ngại phân tích sơ lược: (1) phẩm Quán (nhân) duyên, quán sự tập khởi của duyên khởi là không phải sanh từ đâu; phẩm Quán khứ lai, quán sự diệt tận của duyên khởi là không phải đi về đâu. Hai phẩm này, quán sự không sanh (không diệt), (không đến) không đi của duyên khởi, là tổng quán đầu đuôi của tám phủ định; các phẩm về sau là biệt quán. (2) Phẩm Quán lục tình, phẩm Quán ngũ ấm, phẩm Quán lục chủng (giới), tức là quán sáu xứ, năm ấm, sáu giới, luận cứu trung đạo thế gian – khổ. (3) Phẩm Quán sự nhiễm và kẻ bị nhiễm, là quán về pháp phiền não; phẩm Quán tam tướng, quán hữu vi – ba tướng do phiền não tạo ra. Phẩm Quán sự làm và kẻ làm, phẩm Quán bổn trụ, phẩm Quán nhiên khả nhiên, chứng minh người làm và kẻ thọ nhận đều bất khả đắc. Cùng với hai phẩm ở trước kết hợp, chính là luận cứu về nghĩa sâu kín của sự do phiền não mà chiêu cảm sanh tử, kẻ làm cũng tức là kẻ thọ quả. (4) Phẩm
Quán bổn tế, chứng minh sự tìm về bản tế của sinh tử là không thể đạt được; phẩm Quán sự khổ, chứng minh sự khổ không phải là do chính mình, kẻ khác, hoặc cả hai, hay không có nguyên nhân mà có, mà chính là y trên duyên sanh. Phẩm Quán các hành, chứng minh tính không của các hành. Phẩm Quán sự hòa hiệp, chứng minh sự vô tính của ba hòa hợp sinh ra xúc. Phẩm Quán hữu vô, chứng minh pháp duyên khởi là chẳng phải có, chẳng phải không. Phẩm Quán sự trói buộc và cởi mở, từ sanh tử lưu chuyển mà nói đế sự hoàn diệt, từ sự trói buộc của sanh tử mà nói đến sự giải thoát. Phẩm Quán về nghiệp, lại nói đến điểm cốt yếu tạo nên sự nối tiếp của sanh tử. Từ phẩm Quán Quán sự nhiễm và kẻ bị nhiễm về sau, tổng thảy có 12 phẩm, luận cứu về trung đạo của sự tập khởi thế gian. (5) Phẩm Quán pháp, chứng minh về hiện quán của sự biết pháp và nhập pháp. (6) Phẩm Quán thời, phẩm Quán nhân quả, phẩm Quán thành hoại, chứng minh ba đời, nhân quả và sự được mất, là có quan hệ đến luận đề trọng yếu của sự tu chứng. (7) Phẩm Quán Như lai, giải thích về bậc giác ngộ khai sáng chánh pháp. (8) Phẩm Quán điên đảo, chứng minh sự vô tánh của ba độc, nhiễm tịnh, bốn điên đảo. Phẩm Quán tứ đế, chứng minh sở ngộ về lý chân thật. Phẩm Quán Niết-bàn, quán về nghĩa chân thật của Niết-bàn là vô vi, vô thọ. Từ phẩm Quán về pháp đến đây, luận cứu về trung đạo của sự tịch diệt tập khởi thế gian. (9) Phẩm Quán mười hai nhân duyên, chánh quán về duyên khởi. Phẩm Quán tà kiến, viễn ly tà kiến. Hai phẩm này, luận cứu về trung đạo của con đường tịch diệt của thế gian.

Mối quan hệ của Trung luận và kinh A-hàm là có thể thấy chính xác và rõ ràng. Nhưng A-hàm nói về không, không có rõ ràng như giống như Trung luận, không nói rõ là tất cả pháp là không. Nói đến các loại không, nói tất cả pháp là không, là kinh Bát-nhã của Đại thừa Sơ kỳ. Kinh Bát-nhã nói không, chủ yếu là nghĩa sâu kín của Phật pháp, là sự ngộ nhập của các bậc Bất thối Bồ-tát, cũng là chung của các bậc Thanh văn Thánh giả. Phương tiện thuyết pháp của kinh A-hàm và kinh Bát-nhã có khác nhau, nhưng bởi đều lấy sự không tịch, không còn hí luận làm mục tiêu hướng đến, cũng chính là lý tưởng cùng cực của người học Phật, nên không thể nói là có khác nhau. Thời đại của Long thọ, Phật pháp nhân vì không ngừng phát triển mà đã phân hóa thành nhiều bộ phái, giữa các bộ phái có những quan điểm khác nhau rất rối ren, không thể nhất quyết cái nào là đúng. Trung luận nói: “Nếu ai cho có ngã, các pháp tướng khác nhau, thì phải biết người đó, không được vị Phật pháp”, “kẻ trí cạn nhìn pháp, cho có hoặc không tướng, nên không thể thấy được, pháp an ổn tịch diệt.”17 Các bộ phái Thanh văn, hoặc cho là có ngã, có pháp, hoặc cho là ngã không nhưng pháp có; hoặc cho rằng tất cả các pháp là có, hoặc cho là bộ phận có nhưng bộ phận không. Những quan điểm rối ren khác nhau này, cùng với ý nghĩa của kinh A-hàm đã có khoảng cách rất lớn. Cho nên Trung luận dẫn dụng lời trong kinh A-hàm, nhằm phân tích, đả phá vọng chấp của các bộ phái (và ngoại đạo), nêu bật ý nghĩa như thật của Phật pháp. Như phẩm Quán pháp (phẩm 18), thì pháp (dharma) là đối tượng giác ngộ và chứng nhập của hàng Thánh giả.18 Phẩm Quán pháp, từ sự quán vô ngã và ngã sở mà khế nhập vào sự tịch diệt, chính là ý nghĩa của kinh A-hàm. Cuối phẩm này nói: “chẳng một cũng chẳng khác, chẳng thường cũng chẳng đoạn, đây là vị cam lộ, giáo hóa của Thế tôn. Nếu Phật không ra đời, hay Phật pháp diệt tận, trí của Bích-chi Phật, từ viễn ly mà sanh.”19 Bài kệ trên là tổng kết pháp Thanh văn, bài kệ dưới là nói đến vị Bích-chi Phật xuất ly vào thời không có vị Phật nào ra đời; Thánh giả của hàng Nhị thừa đều là như thế mà ngộ nhập pháp tánh. Cho nên, hoặc cho rằng 25 phẩm đầu là thuyết minh về đệ nhất nghĩa của Đại thừa, 2 phẩm sau là thuyết minh về đệ nhất nghĩa của Thanh văn, là điều mà tôi không thể tán đồng. Lại như phẩm Quán tứ đế (phẩm 24) nói: “Bởi vì có nghĩa Không, tất cả pháp được thành. Nếu không có nghĩa Không, thì tất cả không thành.”20 y cứ trên Không mà tất cả pháp được thành lập, pháp xuất thế là Tứ đế - Pháp, Tứ quả - Tăng, Phật, cũng chính là Tam bảo; pháp thế gian là tội phước, nghiệp báo của sanh tử. Tóm lại, y cứ trên những điều mà kinh A-hàm nói, đả phá các nghĩa khác, nêu bật chân nghĩa của Phật thuyết, chắc chắn là lập trường của Trung luận. Đương nhiên ở đây không nói Trung luận không liên quan đến Đại thừa, mà là nói: lập trường tất cả pháp là không mà Trung luận xiển minh, là nghĩa như thật của Phật pháp, thông với cả Nhị thừa; như muốn luận cứu về Đại thừa, thì đây chính là nghĩa như thật của Đại thừa, căn cứ trên đây mà mở rộng sự thực hành và chứng ngộ của Đại thừa. Cho nên, Long thọ vốn đã có cái nhìn sâu sắc về Đại thừa, phân tích nghĩa lý của kinh A-hàm (và luận thư A-tỳ-đạt-ma), mà đã liên kết A-hàm với các kinh Đại thừa như Bát-nhã, v.v. Nếu như Phật pháp mà quả thật có từ “thông giáo”, thì có thể nói Trung luận là “thông luận” Phật pháp điển hình vậy!



1 Triệu luận, T.45, 151a.

2 Trung luận, T.30, q.1, 1b.

3 Trung quán kim luận, Diệu vân tập, Trung quán kim luận, 18, 24.

4 Tham khảo sđd 3, tr. 18-23. Trung quán luận tụng giảng ký, Diệu vân tập, Trung quán luận tụng giảng ký, tr. 43-46.

5 Tạp A-hàm, T.2, q.12, tr.85c.

6 Tạp A-hàm, T.2, q.12, tr. 84c.

7 Tạp A-hàm, T.2, q.13, tr.92c.

8 Tạp A-hàm, T.2, q.12, tr.83c.

9 Trung luận, T.30, q.2, tr.16a-b. Tạp A-hàm, T.2, q.10, tr.69b.

10 Trung luận, T.30, q.2, tr.17a.

11 Trung luận, T.30, q.3, tr.20b. Tạp A-hàm, T.2, q.12, tr.85c.

12 Trung luận, T.30, q.4, tr.33a. Tăng nhất A-hàm, T.2, q.10, tr.593a-b.

13 Trung luận, T.30, q.4, tr.34c. Phật thuyết Đạo can kinh, T.16, tr.816c.

14 Trung A-hàm, Tượng tích dụ kinh, T.1, q.30, tr. 467a.

15 Trung luận, T.30, q.4, tr.35b. Tạp A-hàm, T.2, q.9, tr.60a.

16 Trung luận, T.30, q.4, tr.36b.

17 Trung luận, T.30, q.2, tr.15c; và q.1, tr.8a.

18 Phẩm Quán pháp của Trung luận, cùng với bản Hán dịch: Bát-nhã đăng luậnĐại thừa Trung quán thích luận, tên phẩm giống nhau, mà bản lưu truyền tại Tây tạng, bản chú giải của Nguyệt xứng gọi là phẩm Quán ngã, Vô úy luận, v.v. gọi là phẩm Quán ngã và pháp, ý nghĩa xưa của “pháp”, có một số người đã quên mất.

19 Trung luận, T.30, q.3, tr.24a.

20 Trung luận, T.30, q.4, tr.33a.