SỰ KHỞI NGUYÊN VÀ KHAI TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA SƠ KỲ - CHƯƠNG 2

CHƯƠNG 2. SỰ SÙNG KÍNH VỀ DI THỂ, DI VẬT, DI TÍCH CỦA ĐỨC PHẬT

Tiết 1. Sự sùng kính về di thể của Phật-đà

Mục 1. Phật niết-bàn và việc xây tháp thờ xá-lợi

Sự bát-niết-bàn của đức Thích tôn đã dẫn đến phát sanh sự hoài niệm khôn nguôi đối với nội tâm của hàng đệ tử Phật. Trong quá trình ‘Phật pháp’ diễn biến và trở thành ‘Phật pháp Đại thừa’, đây là một loại động lực chủ yếu, có ảnh hưởng rất sâu xa. Sự hoài niệm của hàng đệ tử Phật đối với Phật-đà, là thứ tồn tại trong nội tâm, đem sự tưởng nhớ và ngưỡng mộ của nội tâm biểu hiện ra ngoài, cũng là theo nhiều phương diện, giống như sự sùng kính đối với di thể, di vật, di tích của đức Phật-đà, chính là biểu hiện cụ thể của sự hoài niệm về đức Phật-đà. Đây là sự sùng kính của sự tướng, nhưng hiện tượng được tạo thành do sự sùng kính đức Phật-đà đã dẫn đến sự ảnh hưởng, quả thật là khiến cho Phật giáo tiến vào một cảnh giới cao mới, cũng chính là lĩnh vực hướng đến Đại thừa mà không tự biết.
Phật Thích-ca (Śākya) có tuổi thọ cao đến 80 tuổi, nhập niết-bàn dưới cây sa-la song thọ tại thành phố Câu-thi-na (Kuśinagara), đây là một sự kiện lớn của Phật giáo. Những ghi chép về sự nhập niết-bàn của Phật, như kinh Đại Bát-nê-hoàn, kinh Du hành của Trường A-hàm, Đại niết-bàn thí dụ của Tạp sự, kinh Tăng nhất A-hàm, v.v.1 Những kinh này, tuy không hoàn giống như sự thật của lúc bấy giờ, nhưng lại là truyền thuyết xa xưa nhất. Sự bát-niết-bàn (parinirvāṇa) của Phật là sự giải thoát cứu cánh, viên mãn; có lẽ chỉ có giống hư không không có chấp trước, không có trở ngại, có thể hình dung một cách miễn cưỡng được. Từ sự giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau để nói, thì hẳn phải là đã không có sự đau đớn nào. Nhưng trong tâm tư của hàng đệ tử thông thường, đây là một sự vĩnh biệt! Vì chính mình, vì chúng sanh, nhằm giữ cho Phật pháp tồn tại lâu dài, đó một loại tình cảm tôn giáo thuần khiết, hiện ra mạnh mẽ trong tâm của hàng đệ tử Phật. Phật pháp – ánh sáng của thế gian, làm thế nào mới có thể tồn tại lâu dài? Di thể của Phật, lại nên xử lý như thế nào? Đây là việc lớn cấp bách cần phải giải quyết ngay do sự nhập niết-bàn của Phật phát sanh. Liên quan đến sự làm tồn tại lâu dài Phật pháp, do Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa) phát khởi, đã cử hành đại hội kết tập tại thành Vương Xá (Rājagṛha). Pháp môn tu chứng mà được Phật khai thị ấy, gọi là ‘Pháp’ (Dharma), những khuôn mẫu của Tăng-già được Phật chế định, gọi là ‘Luật’ (Vinaya). Sự kết tập về (Kinh) ‘Pháp’ và ‘Luật’ khiến Phật pháp có thể luôn luôn được lưu truyền về sau. Liên quan đến việc xử lý di thể của đức Phật-đà, như kinh Du hành trong quyển 3 của kinh Trường A-hàm (T. 1, tr. 20a) nói:
“Sau khi Phật diệt độ, phương pháp táng như thế nào? Phật bảo A-nan: Ông cứ mặc nhiên, nên suy nghĩ về những việc cần làm cho chính ông! Tự chính các vị tín đồ trong sáng mong muốn làm việc ấy.”
Xuất gia thì có mục đích của sự xuất gia, phải nỗ lực để thực hiện sự giải thoát; chỉ có tu chứng, mới là sự nghiệp của người xuất gia. Ngay cả việc an táng di thể của đức Phật-đà, đó là việc mà người tại gia sẽ tự biết xử lý. Vào lúc bấy giờ, Pháp thân của Phật (Pháp và Luật) do chúng xuất gia chủ trì kết tập; sắc thân thì trà-tì (jhāpita) – sau khi hỏa táng, do chúng tại gia xây tháp cúng dường. Tang lễ, xây tháp là việc cần vật tư và tiền bạc, điều này đương nhiên là việc mà tín chúng tại gia nên làm.
Di thể của đức Phật-đà, ở sa-la song thọ, đã nhận được sự cúng dường và lễ bái của những người thuộc bộ tộc Mạt-la (Malla) tại thành Câu-thi-na. Đến ngày thứ bảy, di thể được vận chuyển đến chùa Thiên Quan (Makuṭa-bandhana) ở thành phía Đông. Tang lễ lúc ấy rất long trọng, tôn xưng là ‘pháp lễ tang của bậc Luân vương’. Trước hết dùng vải, dạ quấn nhiều lớp quanh thân, đặt vào trong cái quách làm bằng vàng đã đổ dầu, tiếp theo dùng cách quách bằng sắt đậy lại, sau đó chất củi có hương, dùng lửa để hỏa thiêu (trà-tì). Người chủ trì đại lễ trà-tì này là Ma-ha Ca-diếp. Xá-lợi (śarīra) lưu lại sau khi trà-tì thì xây tháp (stūpa) cúng dường. Di thể của đức Phật-đà được sử dụng pháp táng của Luân vương, không chỉ là do vì Phật xuất thân từ vương tộc của Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), nhìn từ những Thánh điển thuộc sơ kỳ, thì thấy nhiều lần dùng Chuyển luân vương (Cakravarti-rāja) để tỉ dụ cho Phật-đà. Luân vương có 32 tướng của bậc đại nhân, Phật cũng có 32 tướng.2 Luân vương dùng 7 thứ báu để bình trị thiên hạ, Phật cũng dùng 7 thứ báu để giáo hóa chúng sanh, 7 thứ báu là 7 bồ-đề phần báu.3 Bánh xe báu của Luân vương, khi di chuyển trong hư không, thì tất cả đều qui thuận, hàng phục; Phật thuyết pháp khiến cho chúng sanh tin phụ, cho nên tôn xưng sự thuyết pháp của Phật là ‘chuyển Pháp luân’.4 Pháp táng của Luân vương là trà-tì và xây tháp long trọng, Phật cũng trì-tì và xây tháp giống như vậy. Chúng ta biết rằng, Luân vương dùng chánh pháp để trị đời, khiến nhân loại có cuộc đạo đức và cuộc sống hòa bình, phồn vinh, là nền chính trị lý tưởng thời cổ đại; Phật pháp hóa độ thế gian cũng giống như Luân vương, lại vượt hơn Luân vương nên được giải thoát toàn vẹn, tôn xưng là ‘Pháp vương’. Thực hiện hoàn mãn lý tưởng là Luân vương và Pháp vương đồng thời, giống như khi Di-lặc (Maitreya) thành Phật,5 chánh trị và giáo pháp đều đạt đến thời đại tối lý tưởng. Phật giáo sơ kỳ, quả thật dùng Phật pháp để giáo hóa thế gian, thực hiện lý tưởng tối cao để Phật (Thích) hóa vương quốc. Khuynh hướng này, cũng gần với tinh thần của Đại thừa.
Những người Mạt-la ở Câu-thi-na, đối với di thể của Phật, họ cúng dường và trà-tì, cho nên những xá-lợi nhỏ do trà-tì còn lại, họ tự biết có quyền lợi sở hữu và cúng dường. Truyền thuyết nói: bên trong thành Câu-thi-na, quốc vương của 8 nước cùng đến, đều yêu cầu nhận được xá-lợi, gần như dẫn đến đấu tranh. Có một vị Bà-la-môn tên Hương Tánh (hoặc gọi là Trực Tánh), ‘Yên’ (Droṇa) bước ra để dàn xếp hòa bình, quyết định phân chia xá-lợi công bằng cho 8 nước, khi trở về nước, họ xây tháp cúng dường. Tên gọi và chủng tộc của 8 nước có ghi chép hoàn toàn rõ ràng, như: 1) kinh Du hành trong Trường A-hàm; 2) kinh Đại Bát-niết-bàn trong Trường bộ; 3) Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự; 4) luật Thập tụng,6 đối chiếu như sau:
4
3
2
1
Lực sĩ
Nước
Ba-bà
Tráng sĩ
Ấp
Ba-ba
Malla
Pāvā
Mạt-la
Nước
Ba-bà
Sát-đế-lợi
Nước
Già-lặc

Ấp
Giá-lạc-ca
Buli
Allakapa
Bạt-li
Nước
Giá-la-phả
Câu-lâu-la
Tụ lạc
La-ma

Xứ
A-la-ma
Koli
Rāmagāma
Câu-lợi
Nước
La-ma-già
Bà-la-môn
Tỳ-nậu

Ấp
Phệ-suất-nô
Brāhmaṇa
Veṭhadīpa
Bà-la-môn
Nước
Tỳ-lưu-đề
Người họ Thích
Nước
Ca-duy-la-bà
Ngườidòng Thích-ca
Thành
Kiếp-tỉ-la
Sakya
Kapilavatthu
Dòng họ Thích
Nước
Ca-duy-la-vệ
Lê-xương
Nước
Tỳ-da-li
Người dòng
Lật-chiếp-tỳ
Tỳ-xá-li
Licchavi
Vaisālī
Li-xa
Nước
Tỳ-xá-li
A-xà-thế
Nước
Ma-dà-đà
Đại thần
Hành Vũ
Nước
Ma-già-đà
Ajātasattu
Magadha
Vua A-xà-thế
Nước
Ma-kiệt-đà
Lực sĩ
Thành
Câu-thi
Tráng sĩ
Khu vực
Câu-thi
Malla
Kusinārā
Mạt-la
Nước
Câu-thi
Ngoài những xá-lợi chia đều cho 8 nước ra, bà-la-môn Hương Tánh đã lấy cái bình dùng để chia xá-lợi, trong bình còn một số xá-lợi, ông trở về nhà để lập một ‘cái tháp thờ bình’. Tây Vực ký nói: Cái tháp thờ bình ở tại nước Chiến Chủ,7 suy đoán là ở vùng giữa sông Hằng và sông Son, thủ phủ của nước đó ngày nay là Ghāgipur.8 Người thuộc bộ tộc Moliya của tụ lạc Tất-bát-la (Pipphalavana) lấy được phần tro còn lại sau khi trà-tì. Căn cứ theo những gì Pháp Hiển và Huyền Trang đã thấy, ‘cái tháp thờ tro’ ở trong khu rừng trên đường đi từ tụ lạc La-la (Rāma) đến Câu-thi-na.9 Như vậy, theo quyển 60 của luật Thập tụng (T. 23, tr. 447a) đã nói:
“Bấy giờ, trong Diêm-phù-đề có 8 tháp thờ xá-lợi, cái tháp thứ 9 thờ bình, cái tháp thứ 10 thờ tro. Sau khi Phật mới bát-niết-bàn thì có 10 tháp, từ đó về sau có vô lượng tháp.”10
Quốc gia mà được chia xá-lợi, tuy địa điểm của Giá-lặc-phả và Tỳ-lưu-đề ở đâu không rõ, nhưng từ các quốc gia khác, có thể suy đoán ra. Lúc bấy giờ những người được chia xá-lợi, cộng với những người lấy được bình và tro, đều là ở tại phương Đông, đều là những dân tộc thuộc quyền cai trị của Vương triều Tỳ-đề-ha (Videha) cổ đại. Từ vùng trung lưu của sông Hằng trở lên, liền với thành Xá-vệ (Śrāvastī) là nơi Phật ở rất lâu, cũng đều không được chia phần. Đối với đức Phật-đà, dân tộc ở phương Đông là nơi mà Ngài có tình cảm thân tộc, nên xá-lợi của bậc Thánh ở phương Đông phải do người phương Đông đến cúng dường và phụng thờ. Cúng dường và phụng thờ tháp xá-lợi, chủ thể của việc cúng dường và phụng thờ là xá-lợi, là di thể của Phật Thích-ca. Mặc dầu tình hình phân chia xá-lợi và xây tháp lúc bấy giờ không thể biết được đủ rõ ràng, nhưng cái tập quán xây tháp cúng dường và phụng thờ, chính xác là phát đạt từ đây. Khi đức Phật-đà còn tại thế, Như lai là người đứng đầu của Tăng-già Phật giáo, do vì sự bát-niết-bàn của Phật, nên dần dần trở thành Phật giáo lấy tháp và chùa (Như lai) làm trung tâm.

Mục 2. Xá-lợi, đà-đô, tháp, chi-đề

‘Xá-lợi’ (śarīra) hoặc gọi là thiết-lợi-la. Huyền ứng âm nghĩa dịch nghĩa là ‘thân cốt’; Huệ uyển âm nghĩa giải thích là ‘thân’; Huệ lâm âm nghĩa dịch là ‘thể’.1 Xá-lợi, thực tế là gọi chúng cho cái di thể của con người sau khi chết. Xá-lợi mà xứng đáng được tôn kính để xây tháp cúng dường, theo kinh nói có 4 hạng người – Như lai, Bích-chi Phật, Thanh văn, Chuyển luân vương.2 Cho nên nhằm phân biệt, phải xưng là ‘xá-lợi của Như lai’, ‘xá-lợi của Phật’, v.v. Thân thể của con người, đến khi đã không còn sức sống, thì gọi là xá-lợi, như kinh Du hành trong quyển 4 của kinh Trường A-hàm (T. 1, tr. 27c) nói:
“Chuẩn bị xong các loại hương hoa và các thứ kỹ nhạc, tức tốc đi đến Song thọ, cúng dường xá-lợi. Xong một ngày rồi, mang xá-lợi của Phật đặt trên một cái giường. Rồi sai những thanh niên dòng họ Mạt-la khiêng 4 góc, cầm phan và lọng, đốt hương, rải hoa, trỗi nhạc cúng dường… Đi đến một nơi cao ráo rồi xà-duy.”
Xá-lợi ở đây là di thể của Phật trước khi chưa xà-duy (trà-tì – jhāpita). Kinh trên lại nói: “Chất các loại hương thơm trên lớp y dày rồi xà-duy. Thâu nhặt xá-lợi, ở nơi ngã tư đường, lập nên tháp miếu cúng dường;” “nay ta nên đi đến đó để cầu phần xá-lợi, rồi chính nơi đất của ta lập tháp cúng dường.”3 XÁ-lợi ở đây là phần xương sau khi trà-tì. Di thể trước khi thiêu, sau khi thiêu đều gọi là xá-lợi. Xá-lợi có toàn thân và phần nhỏ của thân khác nhau: ‘toàn thân xá-lợi’ là thân thể để lại không có trải qua sự hỏa thiêu, mà lưu giữ không cho hư mục. Truyền thuyết nói Phật Thiên Vương là toàn thân xá lợi; các chư Tổ của Thiền tông Trung Quốc (các vị khác cũng có) cũng đều ghi nhận có sắc thân không hư. Xá-lợi của Phật Thích-xa sau khi trà-tì, là ‘xá-lợi phần nhỏ của thân’, phiếm chỉ cho toàn bộ phần xương. Truyền thuyết cổ đại của Trung Quốc nói, xá-lợi của Phật cực kỳ cứng chắc, đập cũng không bị hư bể. Hàng đệ tử của Phật đời sau, sau khi hỏa thiêu cũng có những hạt nhỏ cứng chắc được phát hiện trong đống tro, những hạt nhỏ cứng chắc này, người Trung Quốc cũng gọi đó là ‘hạt xá-lợi’. Xá-lợi của Phật là di thể của Phật, vì vậy móng, tóc, răng của Phật, nếu như tách khỏi thân thể, thì cũng có di thể - có nghĩa là những phần khác còn lại của thân thể, cũng sẽ được gọi là xá-lợi, nhận được sự tôn kính, cúng dường của tín chúng.
‘Đà-đô’ (dhātu), thông thường dịch là ‘giới’, có ý nghĩa tương tợ với xá-lợi. Hàm nghĩa của ‘giới’ rất nhiều, ứng dụng cũng rộng tương đương. Như quyển 71 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 367c) nói:
“Giới có nghĩa là gì? Đáp: Nghĩa của từ ‘chủng tộc’ là nghĩa của ‘giới’, nghĩa của từ ‘cắt’, nghĩa của từ ‘chia’, nghĩa của từ ‘mảnh’, nghĩa của từ ‘tướng khác nhau’, nghĩa của từ ‘không tương tợ’, nghĩa của từ ‘chia đều’ là nghĩa của ‘giới’, nghĩa của ‘nhiều nhân’ là nghĩa của ‘giới’. Những người Thanh luận(a) nói: đi theo dòng nên gọi là giới, nắm giữ nên gọi là giới, lớn mạnh nên gọi là giới.”
Trong Phật pháp, như 6 giới, 18 giới, v.v., là có tố chất bất đồng về đặc tánh, cho nên ‘giới’ có ý nghĩa là tố chất, nhân tố, tự tánh, tánh loại. Xá-lợi của Như lai cũng gọi là đà-đô của Như lai – ‘Như lai giới’, khởi đầu hẳn phải là những phần tố chất mà di thể của Như lai có. Xá-lợi của Như lai và đà-đô của Như lai, thông thường xem như có ý nghĩa giống nhau. Bản chú giải Trường bộ - Sumaṅgalavilāsinī của Nam truyền, xem di thể của Như lai là xá-lợi; trà-tì nên tách rời ra, thứ giống như viên ngọc, như vụn vàng là đà-đô. Xá-lợi và đà-đô, có thể phân biệt như vậy, nên không nhất định phải phân biệt ra, như xá-lợi và đà-đô có thể kết hợp thành một từ ‘xá-lợi đà-đô’; Luật nhiếp cũng nói đến “trộm thiết-lợi-la [śarīra], trộm đà-đô của đức Thế tôn.”4 Lại nữa, như 8 vị vua phân chia xá-lợi, kinh Đại Bát-niết-bàn của Nam truyền cũng gọi là chia xá-lợi. Đà-đô có nghĩa là tánh loại, cũng ứng dụng cho lý tánh phổ biến, như ‘pháp giới’ thường trụ. Như vậy, đà-đô của Như lai – Như lai giới (tathāgata-dhātu), thì tương thông ý nghĩa với Như lai tánh (tathāgatatva); trong quá trình diễn biến và trở thành của ‘Phật pháp’ hướng đến ‘Phật pháp Đại thừa’, danh từ này đã dẫn đến tác dụng quan trọng.
‘Tháp’, là dịch lược của tháp-bà, túy-đổ-ba (stūpa). Ý nghĩa tháp, như Quan Trung sáng lập Giới đàn đồ kinh của Đạo Tuyên (T. 45, tr. 809b) nói:
“Nếu căn cứ theo bản tiếng Phạn, thì nơi chôn cốt của Phật gọi là tháp-bà... Theo như tiếng của Đường thì gọi là: cái ‘phần’ cao hình vuông. Người xưa làm mộ mà không làm ‘phần’, ‘phần’ nghĩa là đắp thêm đất lên trên ấy. Như trong Luật, đức Như lai biết dưới đất có xá-lợi của Phật Ca-diếp nên dùng đất đắp thêm lên trên ấy, đây chính là hình dáng của tháp-bà. ”
Luật Tứ phần và luật Ngũ phần đều nói đến việc dưới đất có tháp cổ của Phật Ca-diếp, Phật và đệ tử dùng đất đắp thêm lên trên mặt đất ấy, hình thành nên cái tháp lớn.5 Cái tháp như vậy, ý nghĩa giống với ‘phần’, có thể là (phần) tháp theo cách thổ táng ở Ấn-độ. Nhưng xá-lợi đà-đô sau khi trà-tì, bắt đầu từ việc 8 vị vua chia xá-lợi, Kinh và Luật đều nói tạo tháp “ở nơi ngã tư đường”. Tháp là một công trình kiến trúc, và không chỉ là đắp đất thành đống, điều này hẳn phải có liên quan đến hình thức táng phần cốt còn lại sau khi hỏa táng ở Ấn-độ. Cổ đại đều đem xá-lợi của Phật đặt vào trong bình hoặc trong cái hồ lô, lại cúng vào bên trong của công trình kiến trúc, đây là việc khác với sự chôn xuống dưới đất. Cái tháp như vậy cũng sẽ khác với cái ‘phần’ (có thể là trên mặt hình thức có điểm giống nhau).
Nói đến việc xây dựng tháp, thì có liên quan đến chi-đề (支提). Chi-đề (支提), hoặc gọi là chế-đa, chế-để, chi-đề (枝提), v.v. Đây là công trình kiến trúc có liên quan đến tôn giáo, những nhà truyền dịch kinh điển thời cổ đại, luôn luôn lẫn lộn không phân biệt với tháp, như kinh A-nậu-di trong quyển 11 của kinh Trường A-hàm (T. 1, tr. 66c) nói:
“Ở Tỳ-xá-li có 4 cái tháp bằng đá: ở phía Đông gọi là tháp Ưu viên, ở phía Nam gọi là tháp Voi, ở phía Tây gọi là tháp Đa tử, ở phía Bắc gọi là tháp Thất tụ.”
Nguyên ngữ của 4 cái tháp này là chi-đề. Lại nữa, như quyển thượng của kinh Đại Bát-niết-bàn (T. 1, tr. 191b) nói: “Phật bảo A-nan rằng: thành Tỳ-xá-li này có chi-đề Ưu-đà-diên, chi-đề Cù-đàm, chi-đề Am-la, chi-đề Đa tử, chi-đề Sa-la, chi-đề Già-ba-la, những chi-đề này rất đáng yêu mến.”6
Vào thời đại của đức Phật-đà, tại Tỳ-xá-li (Vaiśālī) đã có từ lâu nhiều chi-đề như vậy, có thể dùng cho người xuất gia cứ trú, cho nên chi-đề là có liên quan đến công trình kiến trúc của tôn giáo, tính chất không giống với cái tháp. Cho đến khi xây tháp cúng dường xá-lợi của Phật, tháp cũng trở thành công trình kiến trúc mang tính chất tôn giáo, tháp cũng có thể được gọi là chi-đề (Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ đều gọi tháp là chi-đề). Nhưng tháp là nơi cúng dường và phụng thờ xá-lợi đà-đô, cho nên luật Ma-ha Tăng-kỳ nói: “Cái có xá-lợi thì gọi là tháp, cái không có xá-lợi thì gọi là chi-đề.”7 Đây là phân biệt về đại thể, không thể chính xác được! Hẳn phải nên nói thế này: hễ là cái tháp nào được xây dựng thì cũng có thể gọi là chi-đề; nhưng chi-đề lại không nhất định là tháp, như những cái miếu thần thông thường.

Mục 3. Vua A-dục xây dựng chùa tháp quy mô

Thời đại quán đảnh của vua A-dục (Aśoka) cách Phật nhập diệt đã 2 thế kỷ (hoặc có thuyết nói 116 năm; hoặc có thuyết nói 160 năm; hoặc có thuyết nói 218 năm). Phật pháp tương đối phát đạt, được sự tín ngưỡng và hộ trì của vua A-dục, nên đã phát triển càng lớn mạnh hơn. Theo truyền thuyết của phương Bắc: vua A-dục nhận được sự chỉ bảo và dẫn dắt của Ưu-ba-cúc-đa (Upagupta), đã tu tạo 84.000 tháp, như quyển 1 của kinh A-dục vương (T. 50, tr. 135a) nói:
“Bấy giờ vua sanh tâm muốn tạo tháp Phật khắp nơi, nên chuẩn bị 4 thứ binh chủng, đi đến nơi có tháp do vua A-xà-thế xây dựng, có tên là Đầu-lâu-na. Khi đến nơi rồi, vua sai người phá tháp, lấy xá-lợi Phật. Làm thứ tự như vậy cho đến 7 tháp, đều lấy xá-lợi. Vua lại đi qua một thôn, tên là La-ma, ở trong thôn này lại có một cái tháp được xây dựng sớm nhất, vua lại muốn phá nó để lấy xá-lợi… Lúc ấy vua suy nghĩ rằng: cái tháp này được xây sớm nhất, nên vua Rồng bảo vệ hơn gấp bội, ta không được lấy xá-lợi nơi tháp này. Suy nghĩ xong, vua lại trở về nước của mình. Khi ấy vua A-dục làm 84.000 cái hàm báu, phân chia xá-lợi vào trong tất cả những cái hàm này. Vua lại làm 84.000 cái bình và các phan lọng, giao cho Dạ-xoa, lịnh cho họ tất cả mọi nơi thuộc đất liền cho đến vùng biển, nơi nơi đều xây tháp… Sau khi vua A-dục xây xong 84.000 cái tháp, rồi bảo vệ và ủng hộ Phật pháp.1
Những xá-lợi được chứa trong tháp của vua A-dục là lấy được từ trong tháp xá-lợi của 8 vị vua. Nhưng chỉ lấy 7 nơi, xá-lợi của tháp ở tụ lạc La-ma (Rāmagrāma) thì không lấy. Đây là đem xá-lợi tập trung tại 7 nơi trong quá khứ phân tán ra để cúng dường. Xá-lợi đặt trong hàm báu (Nam truyền gọi là ‘bảo khiếp’), sau đó đưa đi các nơi để xây tháp cúng dường. Truyền thuyết này, Nam truyền cũng có như vậy, như quyển 1 của Thiện kiến luật tỳ-bà-sa (T. 24, tr. 681a) nói:
Vua thống lãnh được vua của 84.000 nước, sai các nước lập 84.000 ngôi chùa, xây 84.000 cái tháp.
Tháp, Nhất thiết Thiện kiến luật chú tự gọi là ‘chế-để’.2 Đảo sửĐại sử chỉ nói là xây dựng 84.000 khu vườn – tinh xá.3 Nhưng theo truyền thuyết của phương Nam: vương tử Ma-sẩn-đà (Mahinda) xuất gia, được phái đi đến đảo Tambapaṇṇi – Tích-lan, để truyền bá Phật pháp. Khi Ma-sẩn-đà, v.v., đã đến Tích-lan, bèn phái sa-di Tu-ma-na (Sumana) đến Ấn-độ và lên trời, lấy xá-lợi mang về Tích-lan để lập tháp cúng dường, như quyển 3 của Thiện kiến luật tỳ-ba-sa (T. 24, tr. 690a) nói:
Tu-ma-na… liền lấy ca-sa, mang bát, bay lên hư không, trong khoảng chốc lát đi đến đất của Diêm-phù-lợi… Vua liền nhận lấy bát của vị sa-di, dùng loại hương xoa bôi lên bình bát, rồi liền mở 7 hàm báu, tự mình lấy xá-lợi bỏ đầy bát, ánh sáng trắng giống như chân châu, mang trao cho vị sa-di. Vị sa-di nhận lấy, rồi lại lên cung trời Đế Thích… Vị sa-di hỏi Đế Thích rằng: Đế Thích có 2 xá-lợi, một là xá-lợi răng phải, thì giữ lại ở đây; hai là là xá-lợi xương vai phải, thì trao cho tôi cúng dường, Đế Thích đáp rằng: Lành thay!... liền lấy xá-lợi trao cho Tu-ma-na.
Sự kiện này, Đảo sửĐại sử đều có ghi chép giống như vậy.4 Lúc bấy giờ, Phật giáo Tích-lan cũng có truyền thuyết về việc phân chia và thỉnh xá-lợi, tạo tháp. Những khu vực khác, đương nhiên cũng có thể phát sanh tình hình giống như thế. Biên giới của thời đại vua A-dục, từ những chữ viết và Pháp sắc trên trụ đá được tìm thấy, phân bố đến toàn bộ Ấn-độ (trừ phần cực Nam của Ấn-độ); giáo đoàn các vị Sư được phái đi, trải qua phương Bắc đến thế giới Du-na (Yona), phía Nam đến Tích-lan để xét, thì khu vực thống trị tương đối rộng lớn, khu vực hoằng truyền của Phật pháp càng lớn. Vào thời vua A-dục, việc lập tinh xá, xây tháp xá-lợi, đã trở thành trào lưu của một thời, chí ít là vua A-dục khởi tác dụng làm mẫu, giới Phật giáo phổ biến nên phát triển nhanh chóng.
Truyền thuyết về việc vua A-dục xây tháp, theo A-dục vương truyện, v.v., truyền thuyết, chủ yếu là phân chia và gửi xá-lợi đến các nơi để xây tháp. Bên trong khu vực của vua A-dục, đặc biệt là những nơi có liên quan đến các Thánh tích của Phật, vua xây tháp, dựng các trụ đá, là sự thật đáng tin. Đại Đường Tây Vực ký nói đến: ở nước Thất-la-phiệt-tất-để (Śrāvastī), cách thành lớn 60 dặm về hướng Tây Bắc, có túy-đổ-ba của Phật Ca-diếp-ba (Kāśyapa). Tại nước Kiếp-tỉ-la-phiệt-túy-đổ (Kapilavastu), cách thành 50 dặm về phía Nam có túy-đổ-ba của Phật Ca-la-già-thôn-đà (Krakucchanda). Ở phía trước tháp xá-lợi, dựng trụ đá cao hơn 30 thước, trên ấy khắc tượng sư tử. Cách 30 dặm về hướng Đông Bắc, có túy-đổ-ba của Phật Ca-nặc-ca-mâu-ni (Kanakamuni) (mỗi Phật đều có 3 túy-đổ-ba). Ở phía trước tháp xá-lợi, trụ đá cao hơn 20 thước, trên ấy có khắc tượng sư tử. Như vậy, các tháp này đều là do vua A-dục xây dựng.5 Tháp của 3 vị Phật quá khứ mà Pháp Hiển đã thấy, đại thể tương đồng.6 Trong ấy, cái trụ đá được dựng nơi tháp xá-lợi của Phật Ca-nặc-ca-mâu-ni đã được tìm thấy vào năm 1895. Trên trụ đá ấy có khắc: “Sau khi vua Thiên Ái Hỉ Kiến quán đảnh 20 năm, lại xây thêm tháp thờ Phật Ca-nặc-ca-mâu-ni. Quán đảnh hơn (20) năm, vua đích thân đến cúng dường (và dựng trụ đá).” Trụ đá đã gãy ở giữa, phần trên và dưới nối lại, tổng cộng dài 2 trượng 5 thước, phù hợp với điều mà Huyền Trang đã ghi chép. Ở đây có thể thấy, truyền thuyết nói vua A-dục xây tháp thờ 3 vị Phật quá khứ, chính xác là sự thật. Xây tháp và dựng trụ cho các vị Phật quá khứ, thì việc xây tháp, dựng trụ đá cho Phật Thích-ca càng là việc đương nhiên. Các nơi như vườn Lộc dã (Ṛṣipatana-mṛgadāva), Liệp-phiệt-ni (Lam-tỳ-ni) (Lumbinī), v.v., Tây Vực ký đều nói vua Vô Ưu xây túy-đổ-ba, dựng trụ đá.7 Vườn Lộc Uyển này là nơi chuyển Pháp luân đã phát hiện ra trụ đá vào năm 1904. Lam-tỳ-ni – nơi Phật đản sanh, trụ đá cũng được phát hiện vào năm 1896.8 Tháp tuy đã bị hủy hoại tất cả, nhưng trụ đã vẫn còn, đều phù hợp với điều mà Huyền Trang đã thấy. Cho nên truyền thuyết về việc vua A-dục xây tháp xá-lợi khắp nơi thờ Phật, phải là sự thật đáng tin, chỉ là số lượng không thấy đến 8.4000 cái, 8.4000 nguyên chỉ là từ diễn tả số nhiều mà thôi.
Vào thời vua A-dục đã có tháp của Phật quá khứ, có thể thấy việc xây tháp xá-lợi thờ Phật, sự thật là đã có tồn tại từ lâu, vua A-dục chỉ là người cổ súy cho cuộc vận động xây tháp. Ngày xưa, lý do của việc xây tháp là: Ở nơi ngã tư đường, dựng lên tháp miếu, dựng cờ treo phan, khiến cho những người đi đường đều thấy được tháp Phật, lòng sanh ngưỡng mộ sự giáo hóa của Như lai Pháp vương, sanh được phước lợi, sau khi chết được sanh lên cõi trời.9 Lập tháp nơi ngã tư đường rất có ý vị của việc lập tượng đồng kỷ niệm tại những con đường giao thông quan trọng thời cận đại. Xá-lợi mà 8 vị cua nhận được, hoặc là vương tộc, hoặc là nhân sĩ địa phương lập tháp, đều được công chúng chêm ngưỡng. Nhưng đến thời vua A-dục, ‘84.000 chùa, xây 84.000 tháp’, tháp không nhất định là nằm bên trong chùa, nhưng mối liên kết với tự viện rất khắn khít. Chúng ta đều biết, trước khi phong trào tạo tượng Phật chưa phổ biến, tháp xá-lợi là thứ có địa vị ngang bằng với tượng Phật trong tự viện (bên trong Đại Hùng bảo điện). Phật pháp trong quá trình phát triển, đã hình thành Phật giáo có quy y Phật, Pháp, Tăng – Tam bảo; Tam bảo là đối tượng của tín ngưỡng. Nhưng trong tâm của những người thông thường, ít nhiều có khuynh hướng trọng về đức Như lai. Như 5 căn, xem sự không nghi ngờ đối với đức Như lai và giáo pháp của đức Như lai là tín căn,10 đây là đã đặt nặng về đức Như lai (và giáo pháp của đức Như lai). Kinh Tệ-túc trong quyển 7 của kinh Trường A-hàm (T. 1, tr. 46c) nói:
“Tôi nay tín thọ quy y nơi Ca-diếp. Ca-diếp đáp rằng: Ông chớ quy y ta, ông nên quy y giống như ta quy y nơi bậc Vô thượng tôn… Nay nghe Ca-diếp nói: Như lai đã diệt độ, nay chính là quy y đức Như lai đã diệt độ, và Pháp, Chúng Tăng.”
Bản Hán dịch của kinh Trường A-hàm, đặc biệt chỉ rõ: “đức Thế tôn diệt độ chưa lâu,” “quy y đức Như lai đã diệt độ,”11 đã cho thấy sự quy y khác với trước đó [khi Phật còn tại thế]. Như lai đã diệt độ, đối với người đã thâm nhập Phật pháp thì điều này không thành vấn đề. Nhưng trong tình cảm tôn giáo của những người thông thường, không sao tránh khỏi cảm giác trống vắng. Phật pháp và Thần giáo không giống nhau, Phật không phải là thần, không phải oai linh hiển hách, tồn tại thần bí ở trên trời giống như thần. Phật đã nhập niết-bàn, niết-bàn nhất định không phải là không có, nhưng chỉ là ‘vắng lặng bất động’, không thể tưởng tượng đó là sự tồn tại thần bí, đối với nhân loại vẫn còn khởi tác dụng nào đó. Điều này giống như trong tình cảm thuộc tín ngưỡng tôn giáo thông thường, Pháp và Tăng là thuộc hiện tại, Phật lại là thuộc quá khứ. Cho nên đối với di thể - xá-lợi, của Phật, trở thành đối tượng cụ thể để lễ bái cúng dường, khơi mở ra tín tâm thanh tịnh, có thể nói là thuận theo nhu cầu của tình cảm tôn giáo thông thường nên tự nhiên phát triển ra. Vào thời đại vua A-dục, mang xá-lợi đưa đến các nơi, nhường lại cho Phật giáo nơi mỗi địa phương để họ có di thể - xá-lợi của Phật, có thể cúng dường, lễ bái, trở thành trung tâm tín ngưỡng giống như Phật còn tại thế, có đầy đủ Tam bảo. Quyển 23 của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da (T. 23, tr. 753a) nói:
Sai rửa tay rồi, trao hương hoa cho cả [2 người], dạy họ đi vòng lại theo hướng phải, cúng dường chế-để, ca vịnh tán thán. Cúng dường xong rồi,… đều chí kính rồi, đến phía trước mà ngồi để nghe pháp… Tùy theo ý muốn của họ mà thuyết pháp cho.
Tín chúng vào trong tự viện, thì dạy họ kính Phật – cúng dường chế-để, lễ Tăng, nghe pháp, trở thành những nghi lễ cụ thể để giáo hóa tín chúng, quy kính Tam bảo. Đây là ý nghĩa thực tế của việc tạo lập phổ biến tháp xá-lợi.

Mục 4. Kiến trúc và cúng dường tháp

Kiến trúc của tháp xá-lợi Phật, trong giới Phật giáo, thì không chia khu vực và bộ phái. Trải qua sự chuyển biến và thay đổi trong thời kỳ dài, hình dạng của tháp trở thành muôn màu muôn vẻ. Hình thái của tháp, theo sự truyền lại của Luật bộ, đã có sắc thái của Bộ phái, nhưng vẫn có thể hiểu ra được hình thái nguyên thỉ của nó. Quyển 33 của luật Ma-ha Tăng-kỳ (T. 22, tr. 497c) nói:
“Nền dưới có 4 góc, bao quanh bằng lan can, xây tròn lên 2 tầng, rồi xây vuông như chiếc răng nhô ra 4 góc [?] (thân tháp). Bên trên làm như cái lọng tròn; [bên trên nữa] làm giống dáng bánh xe nhô lên.”  
Tháp Phật theo luật Tăng-kỳ truyền lại, là gồm ‘nền tháp’, ‘thân tháp’, ‘lọng tròn’, ‘tướng bánh xe’ – 4 bộ phận hợp thành. Quyển 18 của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự (T. 24, tr. 291c) nói:
“Phật dạy: có thể dùng gạch xây thành 2 lớp làm nền. Thứ đến đặt thân tháp, ở trên đặt cái [giống như] bát úp, cao hay thấp tùy ý. Bên trên đặt cái đầu bằng phẳng, cao 12 thước, vuông 23 thước, lớn hay nhỏ theo tiêu chuẩn. Bên trong dựng một cây tròn như bánh xe, thứ đến làm hình dáng bánh xe; tướng của bánh xe ấy làm 2 lớp, hoặc 1, 2, 3, 4, cho đến 13. Thứ đến đặt cái bình báu.”
Tháp Phật được Thuyết nhất thiết hữu bộ truyền lại, là ‘nền tháp’, ‘thân tháp’, ‘cái bát úp’, ‘cái đầu bằng phẳng’, ‘cây tròn như bánh xe và hình dáng bánh xe’, ‘bình báu’ – 6 bộ phận hợp thành, yêu cầu phức tạp hơn nhiều so với Đại chúng bộ. Quyển 3 của Thiện kiến luật tỳ-bà-sa (T. 24, tr. 691a) nói:
Trước hết phái xây lên cái nền, với đầu voi, v.v… Hình dáng của tháp như thế nào? Ma-sẩn-đà đáp rằng: Giống như dồn lúa lại thành ụ. Vua đáp: Lành thay! Ở trên nền tháp ấy xây 1 tháp nhỏ.
Đây là truyền thuyết xa xưa của phương Nam, lúc bấy giờ chỉ chia ra 2 bộ phận là ‘nền tháp’ và (thân) ‘tháp’. Cái tháp nhỏ được xây, Nhất thiết Thiện kiến luật chú tựĐại sử đều nói là cao giống như đầu gối của vua, vả lại là dùng gạch tạo thành.1 (Thân) tháp là chủ thể của tháp, giống như dồn lúa lại thành ụ, nó không thể là có hình dáng chóp tròn, mà là hình cái bát úp nửa hình tròn. Theo Tạp sự nói, ở giữa ‘thân tháp’ và ‘cái đầu bằng phẳng’, thêm một ‘cái bát úp’, đó là hình thái của thân tháp tuy đã qua thay đổi (luật Tăng-kỳ là kiến trúc gồm 2 tầng hình tròn), vẫn không quên đi hình dáng bát úp mà xưa đã có. Trên ‘cái bát úp’ có ‘đầu bằng phẳng’ hình vuông và dài, đó là thành cái có tác dụng che cái tháp. (luật Tăng-kỳ gọi là ‘cái lọng hình tròn’). Căn cứ theo ‘thân tháp’ để nói, thì nguyên ủy tương đồng với hình thái của cái ‘phần’ do đắp thêm đất tạo thành. Cái tháp lớn Sāñci hiện còn tồn tại, tháp Manikyala ở Kiền-đà-la (Gandhāra), thân tháp đều làm hình cái bát úy, phù hợp với thuyết xưa của Tích-lan. Từ nền tháp đến cái đầu bằng phẳng, là tháp; từ cây hình tròn trở lên là dấu hiệu, giống như trên mộ của tín đồ Cơ-đốc giáo có thêm cây thập tự giá. Cây tròn thẳng hướng lên trên (sau này có tháp làm 1 trụ, 3 trụ, nhiều trụ bất đồng), bên trong có hình dáng bánh xe. Cái tháp lớn Sāñci có 3 bánh xe, tháp Manikyala có 2 bánh xe. Hình dáng bánh xe ở trên tháp, ban đầu có thể không có nhất định, về sau phương Bắc mới căn cứ vào mức độ cao hay thấp của quả chứng để phân biệt nhiều hay ít, như quyển 18 của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự (T. 24, tr. 291c) nói:
“Nếu làm cái túy-đổ-ba cho Phật, thì nên theo như đã dạy đầy đủ ở trước mà làm. Nếu làm cho Độc giác thì chớ để bình báu. Nếu làm cho La-hán thì làm 4 tầng cái hình dáng bánh xe; làm cho Bất hoàn thì tối đa là 3 tầng; làm cho Nhất lai thì nên 2 tầng; làm cho Dự lưu thì nên 1 tầng. Người thiện thuộc phàm phu thì chỉ làm phần đầu bằng phẳng, không có cái lọng hình tròn.”2
‘Hình bánh xe’ đó hoặc nhiều hoặc ít, là quy chế của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Ở cái đỉnh trên cùng đặt ‘cái bình báu’, luật Tăng-kỳ, v.v., đều không có nói đến. Đại khái thời xưa nhất dùng bình để chia xá-lợi Phật, cho nên dùng bình để làm cái dấu hiệu cho cái tháp xá-lợi của Phật. Kỳ thật, vào thời xưa nhất, tháp không có cái dấu hiệu, cái dấu hiệu chính là một cái trụ đá rất cao được dựng bên cạnh cái tháp. Theo những gì mà Đại Đường Tây Vực ký đã thấy, truyền lại rằng tháp do vua A-dục tạo dựng, đa số bên cạnh các cái tháp đều có trụ đá. Tháp và trụ kết hợp với nhau, giống như ‘đắp cái ụ cao’ (mộ) và (cái mốc) ‘dấu hiệu’ của Trung Quốc.
Luật Ngũ phần nói: tháp có 3 loại: “Tháp lộ ra, tháp có nhà lợp, tháp không có tường.”3 Luật Tứ phần cũng nói ‘tháp lộ trên đất’ và ‘tháp có nhà che’; Tỳ-ni ma-đắc-lặc-già nói 2 loại là ‘thâu-bà’, ‘thâu-bà xá’.4(a) ‘Tháp không có tường’ cp1 thể nói là một loại tháp có nhà che, nhưng không có tường vách mà thôi.5 Tháp, không ngoài 2 loại là ‘tháp lộ’ và ‘tháp có nhà che’: ‘tháp lộ’ là trên tháp không có cái gì để che, ‘tháp có nhà che’ là tháp xá-lợi đặt bên trong cái nhà. Từ mô hình tháp mà đời sau phát triển để xét, thì cũng chỉ có 2 loại này.
1) Loại tháp từ ‘tháp lộ’ mà phát triển thành: ‘cái nền tháp’ cổ truyền cao giống như cái tượng, muốn đi lên thì ắt phải đặt cái tam cấp. Tháp lộ như thế này, trong quá trình phát triển càng cao càng lớn, như tháp Soolay của Miến-điện, tháp Ayuthia của Thái-lan, ở dưới thân tháp mà có hình cái bát úp ấy (cũng có thay đổi ít nhiều), có một tầng của tầng nền tháp, là tăng thêm nhiều số tầng của ‘nền tháp’. Từ phần đầu bẳng phẳng trở lên làm hình chóp tròn. Hình thức tháp của các nước Nam phương Phật giáo như Tích-lan, Miến, Thái là thuộc về loại hình này.
2) Loại tháp từ ‘tháp có nhà che’ mà phát triển thành: phần thân tháp làm hình cái nhà, hình lầu gác (Măng-yết-li [Mangalaor] của Ô-trượng-na [Udyāna] thuộc Bắc phương Phật giáo chính là ý nghĩa của lầu gác như bông lúa), bởi vậy tháp có 3 tầng, 5 tầng, 7 tầng, 9 tầng, 11 tầng, 13 tầng, đặc biệt là ở vùng Bắc Ấn-độ, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v., phát triển rất mạnh. Loại tháp như vậy, có thể nói là đã chịu ảnh hưởng của hình bánh xe (1 đến 13); đương nhiên ở trên mặt vẫn có hình bánh xe. Mà nguyên thân tháp có hình cái bát úp, làm thành hình cái bát úp nhưng đặt giữa thân tháp và hình bánh xe. Loại tháp có nhà che (lầu gác) này, số tầng nhiều thì lại trở thành ‘tháp lộ’.
Xu thế làm tháp như thế, là càng cao, càng lớn, càng nhiều, đến nỗi khiến cho người ta thấy kinh dị. Sự phát triển lên cao và lớn của tháp, là điều có thể lý giải được. Tháp phải xây nới ‘đất cao ráo’, ‘giữa ngã tư đường’, ‘một bên ngã tư đường’, chủ yếu là nhằm khiến cho người ta thấy được, ‘sanh tâm luyến mộ’, khơi mở tín tâm đối với đức Như lai. Thời cổ đại, bên cạnh tháp dựng trụ đá rất cao, cũng chính là nhằm làm phát sanh sự chú ý của mọi người. Nhưng thân tháp cao ngang đầu gối, nếu như xây trên núi, ở xa nhìn thì thấy không được. Nếu như xây tại nơi đất bằng, bị nhà cửa, cây cối che khuất, cũng sẽ không dễ gì phát hiện ra. Tháp làm nơi ‘một bên ngã tư đường’, thì không thích hợp với nơi cư trú của chúng xuất gia, vả lại cũng khó tránh khỏi phiền toái, phức tạp và không thể thanh tịnh. Tháp làm tại một bên (hoặc ở giữa) nơi cư trú của Tăng chúng, thì không thể phát triển lên cao. Tháp đã cao thì thân tháp và nền tháp tự nhiên phải tăng lớn thêm theo tỉ lệ. Tóm lại, tháp phát triển càng cao thì càng lớn. Những tháp cổ mà hiện nay còn, tại địa phương ở phương Bắc, như các tháp Darmarajka, Manikyala, Takti-Bahi, Ali Masjid của Kiền-đà-la, đều là kiến trúc của thời kỳ trước hoặc sau Công nguyên đến thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3, quy mô đều rất lớn. Ở nam phương, trong thế kỷ 1 trước Công nguyên, ở Tích-lan, tháp Vô úy sơn (Abhayagiri) do vua Tỳ-đa-già-ma-ni (Viṭṭagāmaṇi) xây dựng, đường kính của nền tháp ước chừng khoảng 360 thước, đường kính của thân tháp ước chừng khoảng 270 thước. Pháp Hiển nói tháp cao 46 trượng.6 Tháp càng cao càng lớn, trong thế kỷ 2 A.D., tháp lớn do vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka) xây dựng, đời Tấn, Pháp Hiển đã được thấy là: “cao hơn 40 trượng,… tháp ở cõi Diêm-phù-đề, chỉ có cái tháp này là cao hơn hết.”7 Theo Huệ Sanh, đời Bắc Ngụy, được thấy, tháp lúc ấy đã là “tổng cộng 13 cấp,… cao cách mặt đất 700 thước.”8 Đương nhiên đó là tháp rất cao lớn, còn phải tìm hiểu cái tháp lớn của chùa Vĩnh Ninh ở Lạc Dương, được xây vào đầu thế kỷ 6 A.D., như quyển 1 của Lạc Dương già-lam ký (T. 51, tr. 1000a) nói :
Có một ngôi Phù-đồ gồm 9 tầng, dùng gỗ để làm thành, cao 90 trượng. Lại có một ngôi chùa cao 10 trượng ở trên ấy, tổng cộng cao cách đất 1000 trượng. Tháp này cách kinh sư 100 dặm, ở xa đã thấy được nó.
Sự càng cao càng lớn của tháp, trừ những tháp mới được xây dựng ra, đa số là làm thêm tháp mới lên tháp cũ, giống như vua A-dục (Aśoka) xây thêm lên tháp của Phật Ca-nặc-già-mâu-ni (Kanakamuni). Cái tháp lớn Sāñcī hiện còn tồn tại, cũng là do xây thêm lên cái tháp cũ mà thành. Theo truyền thuyết của Tích-lan: tháp Mahiyangaṇa, ban đầu là cái tháp ngọc xanh nhỏ. La-phù (Sarabhū), đệ tử của ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra), đã lấy xương cổ của Phật cho vào trong tháp, rồi xây thêm lên cái tháp đá cao 12 trửu(a), che phía trên. Vương tử Uddhacūlābhaya của vua Thiên Ái Đế-tu Devānaṃpiya-tissa, xây thêm thành cao 30 trửu. Đến đời vua Độ-tha-già-ma-ni (Duṭṭhagāmaṇi) lại làm thành một tháp lớn cao 80 trửu, che lên phái trên:9 đây là trường hợp có thật xây thêm cao thêm. Tháp lớn của vua Ca-nị-sắc-ca cũng là như vậy, như quyển 2 của Đại Đường Tây Vực ký (T. 51, tr. 879c-880a) nói:
“Vua ‘thấy có một đứa bé chăn bò, ở giữa rừng cây, làm một cái túy-đổ-ba nhỏ, cao 3 thước… Xung quanh nơi có cái túy-đổ-ba ấy, xây một cái túy-đổ-ba bằng đá, muốn dùng công lực [vai trò của vị vua], xây che thêm lên cái tháp nhỏ ấy. Tùy theo mức độ của nó, làm rộng ra 3 thước. Như vậy làm cao thêm, quá 400 thước. Cái nền được xây dựng có chu vi một dặm rưỡi. Cái tầng nền có 5 cấp, cao 150 thước, mới che được cái túy-đổ-ba nhỏ đó. Vua nhân đó rất vui mừng, lại làm thêm lên trên ấy 25 tầng hình bánh xe bằng vàng và đồng… Việc xây tháp mới vừa xong, vua thấy một cái tháp nhỏ ở góc phía Đông Nam của tháp lớn, mới lộ ra một nửa. Tâm vua sinh ra sự bất bình, lập tức đập bỏ, cái tháp ấy lại xuất hiện một nửa tại bậc cấp thứ 2 dưới nền đá của túy-đổ-ba. Lại thấy ở nơi cũ lại xuất hiện một cái túy-đổ-ba nhỏ.
Truyền thuyết này, Pháp Hiển, Huệ Sanh, v.v., đều có tường thuật, gần với thần thoại. Nhưng dùng sự thật để suy luận, thì cũng chỉ là làm thêm cái tháp lớn trên cái tháp nhỏ đã có sẵn, nhằm muốn mọi người thấy được cái tháp nhỏ cũ đã có ấy, nên để cái tháp nhỏ lộ ra một ít. Đây là xu thế càng làm càng cao, càng làm càng lớn. Việc xây tháp là đặc sắc của Phật giáo bộ phái Thanh văn, Phật pháp Đại thừa cũng đã kế thừa nó. Nói đến số lượng nhiều ít của tháp, Phật giáo Bắc phương vẫn không giống như Phật giáo Nam phương. Ở Phật giáo Nam phương, không chỉ có rất nhiều tháp, như có 450 tháp phụ cận vùng Mandalay của Miến-điện, mà còn trở thành thế giới tháp. Ở trên nền của tháp vàng lớn Shwemauddu của Pegu, có vài chục tháp nhỏ. Xung quanh tháp Borobudur của Java, có 72 tháp. Hoặc là quần thể tháp, hoặc là bao nhiêu tháp nhỏ để trang nghiêm cho tháp lớn. Tháp không chỉ cao lớn, vả lại còn rất nhiều. Vô số kiến trúc được hình thành do xây dựng tháp xá-lợi, đã đại biểu khuynh hướng hình thức hóa và nghệ thuật hóa của Phật giáo thời bấy giờ.
Tháp xá-lợi cao lớn, nguyên liệu dùng để xây dựng chủ yếu là gạch, đá, gỗ; về hình thức thì tròn, vuông hoặc hình 8 góc [bát giác]. Nền tháp, thân tháp, phần đầu bằng phẳng, hình cái bát úp, cây trụ tròn và tướng bánh xe, bình vàng – kết cấu của tháp, tự bản thân của nó chính là một loại cúng dường trang nghiêm. Lại điêu khắc tinh xảo thêm trên ấy, hội họa muôn hình muôn vẻ.10 Luật Tăng-kỳ nói “dùng vàng dát phủ lên tháp,”11 chính là phương pháp làm giống như tháp vàng lớn, ánh sáng của vàng lấp lánh, trong vẻ trang nghiêm đã tăng thêm khí thế tôn quý. Hàng tín chúng trong ngày thường (hoặc ngày lễ) cúng dường đối với tháp, có hương và tràng hoa; tràng châu, anh lạc, phan, lọng, đèn, đồ ăn, thức uống. Hoặc họ dùng kỹ nhạc ca tụng để cúng dường, đó là ở trong sự thành kính đã có mang thành phần hoan hỉ. Theo luật Tăng-kỳ: ở trung ương là tháp lớn, 4 mặt thì làm cái khám, cái khám là nơi thờ tượng Phật. Ở 4 mặt của tháp, làm các khu vườn, ao nước, 4 mặt làm thêm các chi-đề. Vườn tháp của Đại chúng bộ, không chỉ là xây dựng trang nghiêm, mà còn làm thành khu lâm viên.12 Tháp, trong suy nghĩa của những người thông thường, là nơi tôn kính, nơi trang nghiêm, lại là thứ được nghệ thuật hóa, càng ngày càng gần với phong cách Đại thừa. Nhưng, tháp ở Ấn-độ, dù trước sau là đối tượng tin tưởng và tôn kính thuộc tôn giáo, vẫn không giống như tháp Phật ở Trung Quốc, bộ phận phát triển thành tô điểm cho phong cảnh, ‘tham quan du ngoạn’; hoặc là thần bí hóa làm vật để trấn áp phong thủy (hoặc yêu quái).
Xây tháp thờ cúng xá-lợi, xá-lợi cũng vẫn là phải đặt ở bên trong vật chứa, như quyển 52 của luật Tứ phần (T. 22, tr. 957a) nói:
“Đặt xá-lợi như thế nào? Nên đặt vào trong cái tháp bằng vàng, hoặc là tháp bằng bạc, hoặc tháp bằng chất báu, hoặc là tháp làm bằng nhiều thứ báu, hoặc lấy vải tơ lụa bao lại, hoặc dùng y bát-tứ-đam-lam-bà [pattuṇṇa-paṭṭa] gói lại, hoặc dùng y đầu-đầu-la [dukūla] gói lại.”
Tháp bằng vàng, tháp bằng bạc, v.v., không phải là cái tháp cao lớn, mà là vật chứa để đặt xá-lợi vào, cho nên nói là dùng y (giống với vải) bao lại. Từ xưa đến nay có bình xá-lợi để đặt xá-lợi vào, kỳ thật cũng chính là cái tháp. Bình (tháp) xá-lợi nhỏ nhắn, cũng có thế đặt ở trong phòng (phát triển thành cái tháp có nhà che). Vật chứa để đặt xá-lợi vào, thời cận đại đều làm mô hình tháp lớn, nhưng hình thái của thời cổ đại là không giống nhau. Như vào năm 1898, W. C.Peppe, người Pháp, đã khai quật một ngôi mộ cổ Piprāvā ở phía Nam của Ni-bạc-nhĩ (Nepāla), phát hiện một cái hũ làm bằng đá steatit cao 6 tấc, đường kính 4 tấc. Trong cái hũ có chứa  miếng xương (xá-lợi), trên hũ có khắc dòng chữ “[Đây là] cái khám xá-lợi của Phật-đà Thế tôn, người tộc Thích-ca thờ cúng.”(b) Đây có thể là phần xá-lợi của 8 vị vua, mô hình tháp của tộc Thích-ca (Śākya) thờ cúng (có khả năng là thờ cúng ở trong nhà). Lại nữa, như vào năm 265 A.D. (hoặc năm 282), đã phát hiện tại huyện Mao [] của Trung Quốc cái tháp, truyền thuyết nói là tháp của vua A-dục. Tháp cao 1 thước 4 tấc, đường kính 7 tấc. Từ truyện Bổn sanh khắc trên ấy để nói, thì hẳn phải là tháp xá-lợi được làm trước hoặc sau Công nguyên. Tháp xá-lợi có mô hình nhỏ, hoặc chứa trong cái tháp lớn, hoặc thờ cúng ở trong nhà. Xá-lợi cúng trong nhà, nếu như thuộc xương đầu hoặc răng thì càng nhận được sự tôn trong của tín chúng, hoặc cửa hành pháp hội lớn theo định kỳ để cúng dường. Xương của Phật, răng của Phật ở Na-yết-la-hạt (Nagarahāra), Ấn-độ, là xá-lợi nhận được sự tôn kính cúng dường vô cùng, như Cao Tăng Pháp Hiển truyện (T. 51, tr. 858c) nói:
“…Thành Hề-la [Hiḍḍa hoặc Hila] thuộc địa phận nước Na-kiệt, trong thành có tinh xá thờ xương đỉnh đầu của Phật, toàn bộ tinh xá được dát lớp vàng mỏng và trang trí bằng 7 thứ báu. Vua nước ấy kính trọng xương đỉnh đầu của Phật, lo sợ kẻ khác cướp đoạt, mới chọn tám người thuộc dòng hào kiệt trong nước, mỗi người giữ một cái ấn, niêm phong bằng ấn để bảo vệ. Vào buổi sáng sớm,… lấy xương đầu của Phật ra, đặt trên cái tòa cao bên ngoài tinh xá, đặt xương ấy trên cái dĩa tròn làm bằng 7 thứ báu, dưới cái dĩa ấy là cái chuông úp làm bằng lưu ly, trên ấy đều dùng các hạt châu không tròn để trang trí. Xương có màu vàng trắng, vuông tròn 4 tấc, nhô lên phía trên… Dùng hoa hương cúng dường, cúng dường xong, thứ tự đảnh lễ rồi lui. Đi vào từ của phía Đông, đi ra theo cửa phái Tây… Hằng ngày đều như thế, không chút gì mỏi mệt. Cúng dường xong xuôi, vua bèn đem xương đỉnh đầu cất vào lại trong tinh xá. [Trong tinh xá] có cái tháp tên Giải thoát được làm bằng 7 thứ báu, có khi mở hoặc đóng, cao chừng 5 thước, dùng để chứa xương đỉnh đầu ấy… Trong thành (Na-kiệt) cũng có tháp thờ răng của Phật, sự cúng dường giống như phương pháp cúng xương đỉnh đầu của Phật.”
Xương đỉnh đầu của Phật và răng của Phật đều cất bên trong cái tháp cao chừng 5 tấc. Chúng đã nhận được sự tôn kính của những người trên dưới trong toàn quốc, hằng ngày đều nghênh rước đến trong thành để nhận cúng dường, đây là tình hình của đầu thế kỷ thứ 5 A.D. Đến đầu thế kỷ thứ 6, những người thuộc nhóm Huệ Sanh đã thấy, lại phần lớn là ‘tóc của Phật’.13 Đến thời đại của Huyền Trang, răng của Phật tuy không thấy, chỉ còn lại cái đài cúng răng của Phật, nhưng lại thấy nhiều hơn được so của Phật và răng cửa của Phật, như quyển 2 của Đại Đường Tây Vực ký (T. 51, tr. 879a-b) nói:
“Trong lầu thứ 2 có cái túy-đổ-ba nhỏ làm bằng 7 thứ báu, đặt trong ấy xương đỉnh đầu của đức Như lai, chi vi của xương là 1 thước 2 tấc, lỗ chân tóc thấy rất rõ ràng, sắc của nó màu vàng trắng… Lại có cái túy-đổ-ba nhỏ làm bằng 7 thứ báu dùng để đựng xương sọ của đức Như lai, hình dáng giống như lá sen, có màu sắc giống như màu của xương đỉnh đầu… Lại có cái túy-đổ-ba nhỏ làm bằng 7 thứ báu có chứa con mắt của đức Như lai, mắt to như quả mận, ánh sáng trong suốt, chiếu rõ trong ngoài… Những người đến tham quan và lễ bái nối nhau không dứt.”
Thời đại của Huyền Trang không phải là nghênh rước xá-lợi đi vào trong thành để cúng dường, mà là cúng bên trong chùa. Không những muốn chiêm ngưỡng và lễ bái phải có tiền, lại còn phụ thêm một số tập tục bói toán, đây là xương đỉnh đầu của Phật rất nổi tiếng ở Bắc Ấn-độ. Ở Nam phương, răng Phật của Tích-lan cũng vô cùng nổi tiếng, như Cao Tăng Pháp Hiển truyện (T. 51, tr. 865a-b) nói:
“Lại xây một tinh xá thờ răng của Phật ở trong thành, đầu làm bằng 7 thứ báu… Răng của Phật thì thường 3 tháng mang ra một lần… Vua bèn làm nhiều hình thức khác nhau của 500 thân Bồ-tát từ đời xưa đến đời nay (theo truyện Bổn sanh) hai bên đường đi... Các hình tượng như vậy đều họa vẽ rất trang nghiêm, dáng vẻ giống như người sống. Sau đó mới rước răng Phật ra, đi ở giữa đường. Theo đường đi mà cúng dường, khi lên đến Phật đường của tinh xá Vô Úy, thì người xuất gia và tục gia đều vân tập, đốt hương thắp đèn, làm các pháp sự, ngày đêm không nghỉ. Mãn 90 ngày mới rước xá-lợi trở lại tinh xá trong thành.”
Xương Phật và răng Phật, hoặc là mỗi ngày đều rước ra ngoài, nhận sự cúng dường và lễ bái của mọi người; hoặc là mỗi năm đại pháp hội trong 90 ngày. Sự tôn kính của người xưa đối với xá-lợi Phật đã đến mức độ không thể lặp lại được!
Việc làm tháp thờ xá-lợi, tôn kính cúng dường, là việc không phân Nam hay Bắc, không phân theo Bộ phái. Loại cúng dường trang nghiêm ấy, ở chính nơi đất Ấn-độ, đã từng không chỉ là việc của tín chúng tại gia, mà còn là việc chính trong chúng xuất gia chủ trì và đẩy mạnh. Luật Tứ phần, khi thọ giới xong, nói với người tỳ-kheo mới thọ giới rằng: “Thầy phải khéo thọ giới pháp, cần phải khuyến hóa [tín đồ] làm phước, sửa tháp!”14 Khuyến khích mọi người sửa sang tháp xá-lợi, cuối cùng đã trở thành nhiệm vụ trọng yếu của chúng xuất gia! Thật ra cúng dường Tam bảo – làm phước, cũng không chỉ là việc của tín chúng tại gia, như quyển 4 của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ (T. 23, tr. 642b) nói:
“Bấy giờ các tỳ-kheo đã nghe lời này, thực hành nhiều việc khất thực. Nếu cúng dường rộng rãi và đầy đủ đối với Phật – Pháp – Tăng, thì khi ấy giáo pháp của Phật dần dần được phát triển rộng rãi thêm.”
“Ở trong Tam bảo thực hiện sự cúng dường rộng rãi,” đã bao hàm việc xây dựng hưng thịnh tự viện, tạo lập tháp-bà (đắp, tạo tượng Phật). Những việc làm này có thể làm phát sanh tín tâm của người đời. Khiến cho Phật pháp càng hưng thịnh và lưu hành hơn, cũng chính là dùng việc này để làm phương tiện hoằng dương Phật pháp. Xá-lợi càng ngày càng nhiều, tháp thờ xá-lợi cũng càng nhiều càng lớn, đây hẳn là một lý do trọng yếu vậy!

Mục 5. Quan hệ giữa tháp Phật và Tăng-già

Sự thờ cúng xá-lợi (śarīra) Phật, khởi đầu là việc 8 vị vua chia xá-lợi, xây tháp (stūpa) tại ‘ngã tư đường’. Xây tháp là việc cần phải có nhu cầu về vật tư và kinh phí, cho nên nó là việc của hàng tín chúng tại gia. Nhưng Phật (Buddha) là bậc đứng đầu của Tăng-già (Saṃgha), là người tuyên thuyết về Pháp (Dharma); Tam bảo là toàn thể của Phật giáo, nên xây tháp xá-lợi hoàn toàn chẳng phải là việc làm đối lập, thoát khỏi mối quan hệ với Tăng chúng, mà tất nhiên là phải có quan hệ tương hỗ với nhau. Theo truyền thuyết, vào thời vua A-dục đã đạt đến xây 84.000 chùa lớn, xây 84.000 tháp,1 có trụ xứ của Tăng chúng thì có tháp xá-lợi. Tháp là nơi thờ cúng xá-lợi – di thể của Phật, là cái tồn tại đại biểu cho Phật sau khi Phật niết-bàn. Theo truyền thuyết của phương Bắc, vua A-dục xây tháp là do sự khuyến khích và hướng dẫn của Ưu-ba-cúc-đa (Upagupta). Theo truyền thuyết của phương Nam, việc xây tháp xá-lợi của Tích-lan là do sự hướng dẫn của Ma-sẩn-đà (Mahinda); xá-lợi là do sa-di Tu-ma-na (Sumana) thỉnh về từ Ấn-độ. Vào trước thế kỷ 3 A.D., trong cuộc vận động xây tháp xá-lợi của vua A-dục, thì tháp xá –lợi chắc chắn không phải không có sự liên quan đến Tăng chúng xuất gia. Tháp, số ít là những công trình kiến trúc độc lập, chuyên phục vụ cho sự chiêm ngưỡng và lễ bái của hàng đệ tử Phật, thì không có người ở, bên cạnh đó cũng không có Tăng viện. Nhưng tuyệt đại đa số, tháp Phật của thời đại Bộ phái, đều là có liên quan đến Tăng chúng, nơi có Tăng chúng ở thì có tháp Phật. Cho nên, trong Phật giáo Bộ phái, “Tam bảo có cái thể riêng,” đất tháp Phật và đất Tăng, vật của Phật và vật của Tăng, tuy phân biệt rất chặt chẽ, nhưng tháp Phật và Tăng-già – chúng xuất gia gồm tỳ-kheo (tỳ-kheo-ni), không chỉ quan hệ mật thiết, mà tháp Phật, ngược lại, là tùy thuộc vào Tăng-già. Đây là sự thật lịch sử của thời đại Phật giáo Bộ phái, thử từ 3 điểm để trình bày:
1) Đất tháp và đất Tăng, là hai nơi kết hợp lại với nhau: như quyển 33 của luật Ma-ha Tăng-kỳ (T. 22, tr. 498a) nói:
“Khi xây dựng già-lam của Tăng thì trước hết phải theo qui tắc chọn nơi đất tốt để làm tháp. Tháp không được ở hướng Nam, không được ở hướng Tây, mà phải ở hướng Đông, phải ở hướng Bắc. Đất của Tăng không được xâm lấn vào đất của Phật, đất của Phật không được xâm lấn vào đất của Tăng... Khu vực Tăng cư trú phải làm ở hướng Tây hoặc hướng Nam… Tháp phải xây nơi cao, dễ nhìn thấy.”
Khi hàng tỳ-kheo cần xây khu vực cho Tăng ở, trên phần đất chuẩn bị để xây dựng, thì trước hết phải hoạch định một khoảnh đất tốt để làm tháp, phần còn lại chính là đất của Tăng. Qua yết-ma kiết giới của đại chúng, đất tháp và đất Tăng được phân biệt ra như thế. Kỳ thật đất tháp và đất Tăng nguyên vốn là một chỉnh thể (đất tháp, có thể nói là qua sự đồng ý của đại chúng, phụng hiến lên Phật), cho nên đất nền của tháp và trụ xứ của Tăng chúng, tuy riêng biệt nhau, nhưng lại là liên kết với nhau. Có khu vực Tăng ở thì có tháp, đây là qui định của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika). Khu vực Tăng ở và tháp liên tiếp với nhau, có thể nói là điều mà các Bộ phái ở đại lục Ấn-độ đồng ý, như quyển 27 của luật Di-sa-tắc bộ Hòa-ê Ngũ phần (T. 22, tr. 179a) của Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), nói:
“Tỳ-kheo muốn đến khu vực ở của Tăng,… vào rồi, nên ngồi một bên, nghỉ ngơi một chút. Vị ấy nên hỏi vị tỳ-kheo đã ở lâu nơi đó rằng: Phòng nào là phòng của vị Thượng tọa? Khi biết phòng ấy rồi, phải đi đến lễ bái, hỏi thăm, thưa chuyện [với vị Thượng tọa ấy]. Nếu ngày còn sớm, thì phải lễ tháp, lễ tháp xong, thứ tự lễ các vị Thượng tọa.”
Tỳ-kheo là khách mới đến, cần phải lễ và thưa chuyện với vị Thượng tọa. Nếu như thời gian còn sớm, thì cần phải trước hết lễ tháp, rồi sau đó lễ các vị Thượng tọa. Tháp ở một bên khu vực Tăng ở, đây là điều có thể suy nghĩ biết được. Luật Tứ phần của Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), nói được càng rõ ràng hơn nhiều, như nói:
“Khi vị tỳ-kheo là khách muốn vào bên trong chùa, phải biết có tháp Phật, hay tháp Thanh văn, hay Thượng tọa… Khi mở cửa,… nên đi vòng phía bên phải mà qua. Khi vị ấy đi vào trong chùa,… trước hết vị ấy phải lễ tháp Phật, lại lễ tháp Thanh văn, tùy theo 4 hạng Thượng tọa(a) mà lễ.”2
“Nếu tỳ-kheo-ni biết có già-lam của Tăng tỳ-kheo, không bạch trước mà đi vào cửa, [phạm] ba-dật-đề… Người không phạm, là nếu không biết trước, hoặc không có tỳ-kheo mà vào, hoặc lễ bái tháp Phật, tháp Thanh văn.”3
Ở đây đều đã nói rõ: sau khi đi vào cửa, thì trước hết phải đi qua tháp, sau đó mới đi vào bên trong chùa. Già-lam của Tăng (Saṃghārāma) dường như đã trở thành từ gọi chung cho tự viện, không chỉ là khu vực Tăng ở, mà còn là nơi bên trong cửa có tháp. Ở đây đại khái là tháp ở bên trong của đại viện; rồi đến nơi ở (vihāra) của chúng Tăng – Tăng phường, lại là biệt viện. Tình hình này, Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) cũng hoàn toàn tương đồng, như Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da4 nói:
“Tự cầm lư hương, dẫn Tăng chúng đi ra nhiễu chế-để, rồi trở lại nơi ở… Chỉnh sửa y phục, thư thả khoan dung, miệng tụng già-tha, đi quanh chế-để, rồi vào trong chùa.”
“Khi ở trong chùa, các ông có thỉnh vị bí-sô làm người dẫn đường, chỉ cho biết nơi phòng xá và tháp miếu không?... Nếu người nào dùng vàng thật, mỗi ngày bố thí trăm ngàn lượng, không bằng trong chốc lát đi vào trong chùa, thành tâm lễ tháp một lạy… Đây là hương điện - nơi đức Như lai cư trú… Sau đó đến các phòng khác để báo với họ rằng: đây là phòng của Thượng tọa A-nhã Kiều-trần-như cư trú.”
“Ở trong khu đất này, cùng Tăng-già tạo lập chùa: nơi này dâng lên Phật Thế tôn nên làm hương điện; nơi này làm cổng có lầu, nơi này làm ôn thất [nhà tắm],… nơi này làm nhà khám bệnh.”
‘Hương điện’ là nơi cư trú của Phật, sau khi Phật niết-bàn, thì đó chính là tháp, điện Phật. Khi tín chúng đi vào chùa, thì trước hết phải hướng dẫn họ đi nhiễu tháp Phật (chế-để), rồi sau đó đi vào trong chùa. Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Bí-sô-ni Tỳ-nại-da nói: “Phải dậy sớm đi nhiễu và lễ tháp Phật, rồi vào trong chùa.”5 Tháp và nơi ở của Tăng chúng liên quan với nhau, là điều được Phật giáo Bộ phái ở đại lục Ấn-độ nhất trí.
2) Tháp ở một bên nơi Tăng cư trú (hoặc tại trung ương), Tăng-già và ‘vị Tăng tri sự’ trong Tăng có nghĩa vụ cúng dường và chăm sóc tháp: Đại tỳ-kheo tam thiên oai nghi, nói đến: cần phải biết việc ‘quét trên tháp’ và ‘quét dưới tháp’.6 Vào ngày Bố-tát, tỳ-kheo cũng phải quét tháp cho sạch sẽ. Như quyển 22 luật Thập tụng (T. 23, tr. 160a) nói:
“Có một trú xứ, khi một tỳ-kheo Bố-tát, tỳ-kheo này phải quét tháp, quét nơi Bố-tát.”
Còn nữa, việc của vị Tăng tri sự là mỗi ngày phải đến tháp thắp hương, như quyển 8 của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da (T. 23, tr. 665c) nói:
“Vào một ngày mới, tắt đèn treo trên cây, mở cửa chùa, lau phòng quét sân… đốt hương xông hết nơi túy-đổ-ba.”
Hàng tỳ-kheo, ngoài việc cúng dường, quét dọn, thắp hương, đi nhiễu, lễ bái đối với tháp, cũng có thể dùng tràng hoa cúng dường. Kinh Tỳ-ni-mẫu và Ẩm quang bộ (Kāśyapīya) cho phép hàng tỳ-kheo tự mình làm tràng hoa để cúng dường. Như quyển 5 của kinh Tỳ-ni-mẫu (T. 24, tr. 828b) nói:
“Tràng hoa, chuỗi anh lạc… Nếu tỳ-kheo vì cúng dường Phật, hoặc vì [cúng dường] tháp Phật,… thì không phạm… Ca-diếp chỉ nói rằng: Nếu vì Phật, không phải vì chúng sanh khác, thì được làm, không phạm.”
Nói thông thường, tỳ-kheo thì không thể thực hiện kỹ nhạc, nhưng luật của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ cũng cho phép theo phương tiện, như quyển 8 của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ mục-đắc-ca (T. 24, tr. 446a) nói:
“Vị bí-sô có được phép đánh trống và cử nhạc không? Phật đáp: không thích hợp, chỉ trừ khi mở hội cúng dường.”
Hàng tỳ-kheo có thể tự mình làm tháp, Thuyết nhất thiết hữu bộ nói rất rõ ràng, như nói:7
“Các tỳ-kheo làm tháp mới thờ Phật, nên gánh đất, mang bùn, ngói, gạch, cỏ, v.v.”
“Lại nữa, bí-sô… Hoặc vì thiết-lợi-la [śarīra] mà xây tháp.”
“Vị Tăng thường trụ phải biết nơi cư trú của Tăng có phòng nào còn trống, phải đi tuần nơi cư trú của Tăng: trước hết phải sửa sang tháp, thứ đến phục vụ cho những Tăng bốn phương [mới đến].”
Làm tháp cúng Phật, không chỉ là chủ trương của Thuyết nhất thiết hữu bộ, mà là việc chung của các Bộ phái, đó chính là chuyện Phật và hàng tỳ-kheo làm tháp cho Phật Ca-diếp.8 Chuyện này với sự xem làm tháp là việc của tín chúng tại gia khi Phật niết-bàn dường như mâu thuẫn nhau, nhưng đây là xu hướng phát triển đúng sự thật: trong cuộc vận động xây tháp thờ xá-lợi, tháp và nơi cư trú của Tăng có liên quan với nhau, xây tháp cũng do Tăng chúng phụ trách – tự mình làm việc, hoặc khuyến hóa tín chúng đến xây tháp. Luật Tứ phần bảo tỳ-kheo mới thọ giới rằng: “Cần phải khuyến hóa làm phước, sửa tháp;”9 Thuyết nhất thiết hữu bộ cũng nói: “Bí-sô được phép khuyến hóa [tín chúng] trợ giúp xây tháp.”10 Chúng xuất gia có nhiệt tâm đối với việc tu tạo và cúng dường tháp Phật, là một sự thật có tồn tại. Nơi Phật tháp Bhārhut và Sāñci, đã phát hiện thấy tên người cúng dường trong văn bia, có một số là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ước chừng khoảng 2 phần 3 so với tín chúng tại gia.11 Luật Tứ phần nhiều lần nói: “Hoặc làm việc cho Tăng, hoặc làm việc cho tháp;” “hoặc có việc Tăng, hoặc có việc chùa tháp.”12 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da cũng nhiều lần nói: “Vì làm các việc của Tăng, hoặc làm việc của túy-đổ-ba.”13 Việc của tháp là do vị Tăng tri sự kinh doanh.
3) Bảo vệ tháp và vật của tháp, là trách nhiệm của Tăng chúng xuất gia: quyển 21 của luật Tứ phần (T. 22, tr. 710b-c) nói:
“Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ vì lý do bảo vệ… Không được chứa tài vật trong tháp Phật, trừ vì muốn chắc chắn.”
Tháp xá-lợi Phật là chi-đề mà những người tin kính lễ bái và cúng dường, không phải là nơi để người ở. Chúng xuất gia nên sống trong khu vực cư trú của Tăng, không được phép ngủ trong tháp Phật (ở đây không thể hiểu lầm rằng: tháp là nơi ở của những người tại gia hoặc những người chẳng phải Tăng chẳng phải tục); nhưng nhằm bảo vệ, thì (một hoặc ít người) có thể ở. Điều này giống như Đại Hùng bảo điện của Trung Quốc, cái điện lớn là nơi cúng Phật, nhưng nhằm bảo vệ, cũng có làm một cái liêu cho vị hương đăng ở bên góc của điện Phật. Vật của tháp và vật của Tăng, trong Luật phân biệt rất nghiêm ngặt; đặc biệt là vàng, bạc, trân bảo cúng dường tháp, thì Tăng chúng không được sử dụng. Nhưng tháp xá-lợi hoàn toàn không thể tự quản lý và kinh doanh chính nó, vào thời đại tháp Phật đi vào mối quan hệ giữa tháp và nơi cư trú Tăng với nhau, Tăng chúng nhiệt tâm với việc xây tháp cúng dường, thì trách nhiệm này chính là trách nhiệm của Tăng chúng. Như quyển 33 của luật Ma-ha Tăng-kỳ (T. 22, tr. 498c-499a) nói:
“Nếu khi vật của tháp, vật của Tăng bị gặp nạn thì phải làm thế nào? Phật dạy: Nếu như giặc bên ngoài yếu thì cần tìm sự bảo vệ từ vua… Nếu giặc mạnh, nên âm thầm sai người mà Tăng tin tưởng sang chỗ kẻ cầm đầu bọn giặc thương lượng để được an ổn… Nếu giặc là kẻ có quan điểm tà vạy, không tin Phật pháp, không thể khuyên lơn để quay về chánh kiến, không thể bỏ vật mà đi. Nên sai người đáng tin giấu đi vật của Phật, vật của Tăng… Nếu giặc đến gấp không thể giấu kịp, thì nên dùng vật của Phật trang trí trên tượng Phật; tọa cụ của Tăng thì nên trải ra, bày biện các loại thức ăn, thức uống, khiến giặc thấy được sự việc ấy. Nên sai tỳ-kheo trẻ tuổi lánh mặt đi để quan sát. Khi giặc đến thấy các vật cúng dường, nếu khởi tâm từ, hỏi rằng: Có tỳ-kheo không? Thì đừng sợ, có thể ra ngoài. Bấy giờ, các tỳ-kheo trẻ tuổi nên ra gặp mặt. Nếu giặc đến quá nhanh không thể giấu vật đi được, thì nên nói [cho cả chúng Tăng] rằng tất cả hành đều là vô thường, nói như thế xong, rồi bỏ vật mà đi.”
“Gặp nạn’ là nạn giặc, hoặc là quân cướp giật, hoặc là sự xâm nhập của dân tộc khác. Đến mức mà chính quyền sở tại không thể bảo vệ được an toàn, thì đối với vật của tháp (vật của Phật) và vật của Tăng, thì nên sử dụng biện pháp ứng biến. Trách nhiệm đó thuộc về Tăng-già, có thể thấy vật của tháp là do Tăng-già quản lý. Văn bia viết bằng văn tự Kharoṣṭī (Lư-thần) được phát hiện ở phía Bắc Ấn-độ, nói những việc liên quan đến sự phụng thờ và hiến cúng tháp Phật mà văn bản có thể thấy được, hoặc nói ‘Thuyết nhất thiết hữu bộ nhận lãnh,’ hoặc nói ‘Đại chúng bộ nhận lãnh’. Tháp xá-lợi do Phật giáo Bộ phái tiếp nhận, là sự thật của giới Phật giáo Ấn-độ vào trước sau Công nguyên.14 Quyển 56 của luật Thập tụng (T. 23, tr. 415c) nói:
 “Các khách buôn ở thành Tỳ-xá-li dùng vật của tháp trao đổi để sanh lợi cúng dường tháp. Người này vì cầu lợi nên muốn đến nơi xa, cầm vật này đến thưa với tỳ-kheo rằng: Bạch Trưởng lão! Vật của tháp này, ngài nên bán ra kiếm lời, khiến có lợi để cúng dường tháp. Tỳ-kheo đáp: Phật chưa từng cho phép chúng tôi bán vật của tháp, được lợi để cúng dường tháp. Vị tỳ-kheo đem việc này bạch lên Phật, Phật dạy: Cho phép người trong sạch(b) ở trong nơi chúng Tăng cư trú, hoặc ưu-bà-tắc bán ra thu lợi các vật của tháp để cúng dường tháp. Đây gọi là vật của tháp không hết.”
Tháp xá-lợi, vào sơ kỳ của Phật giáo, là do tín chúng tại gia xây dựng. Tài vật cúng dường tháp, nếu như có dư nhiều, thì do người tại gia gửi [trao đổi] để sanh lời, làm chi phí nhằm sửa sang, cúng dường tháp. Đoạn luật dẫn ở trên, đã nói rõ quá trình tháp xá-lợi do chúng tại gia làm rồi chuyển trở lại cho chúng xuất gia. Vấn đề chủ yếu của cuộc kết tập gồm 700 vị là việc thọ nhận vàng bạc của các tỳ-kheo ở Tỳ-xá-li (Vaiśālī), vào lúc bấy giờ việc ấy bị xem là phi pháp. Trong quá trình phát đạt của Phật giáo, tháp xá-lợi càng ngày càng trang nghiêm, sự cúng dường cũng càng ngày phong phú và nhiều, dù là vàng, bạc, trân bảo, cho đến làm thành tiền nhằm lưu thông tiền tệ, Tăng chúng đều vì tháp, vì Tăng mà tiếp nhận. Việc tiếp nhận vàng bạc, tài vật bán sanh lời, cũng do các tỳ-kheo ở Tỳ-xá-li mở đầu.15 Chế độ này, cuối cùng đã được toàn thể Phật giáo chấp nhận; ở Tích-lan cũng như vậy, là ở trong kho của chùa, số lượng trân bảo nhiều đến nỗi không tính được số lượng của chúng.16 Nhưng Tăng chúng có thể làm tháp, vì Tăng (thậm chí vì chính mình) tiếp nhận vàng bạc, lại không cho phép cầm nắm, mà phải do tịnh nhân hoặc ưu-bà-tắc thay mặt phân biệt (vật của tháp và vật của Tăng không thể lẫn lộn), giữ gìn, thay mặt phụ trách việc sanh lời. Tịnh nhân là ‘gia nhân của chùa’, thời cổ đại, là người thuộc về Tăng-già, giống như Tăng kỳ hộ(c) của thời Bắc Ngụy. Người ưu-bà-tắc đáng tin là người được Tăng chúng chấp nhận, xem như là người tôn kính Tam bảo, tin sâu nhân quả, không dám trộm lấy, lừa dối. Cho nên do tịnh nhân và ưu-bà-tắc kinh doanh, nhưng chẳng phải là sở hữu của tịnh nhân và ưu-bà-tắc, chỉ là xử lý thay, tuân theo chỉ thị của Tăng-già mà làm việc. Phật pháp Đại thừa phát triển ra từ trong Phật giáo Bộ phái, phải từ trong sự phát triển của Phật giáo Bộ phái từ thời vua A-dục trở về sau để lý giải, không nên căn cứ vào các tình huống thuộc tảo kỳ (vật của tháp do người tại gia kinh doanh), và hiểu nhầm rằng tỳ-kheo không được ở trong tháp, để tưởng tượng là ngoài Tăng-già ra, có người chẳng phải tăng chẳng phải tục từ trong tập đoàn quản lý tháp Phật mà ra. Đoạn này, cần xem xét để so sánh với Nghiên cứu về Phật giáo Đại thừa sơ kỳ của Bác sĩ Bình Xuyên Chương.17

Mục 6. Vấn đề phát sanh từ tháp xá-lợi

Hàng đệ tử Phật mang di thể - xá-lợi, đà-đô (śarīra-dhātu) của đức Phật-đà xây tháp cúng dường, thích ứng với yêu cầu của tín chúng nên phổ biến và phát đạt lên. Việc tu sửa và xây dựng rộng rãi tháp xá-lợi, những vẫn đề do đó phát sanh rất nhiều, ở đây chỉ nói đến vài điểm:
1) Mức độ lớn hay nhỏ của công đức cúng dường tháp xá-lợi: kinh Đại Bát-niết-bàn – bài kinh số 16 của Trường bộ nói: cúng dường tháp xá-lợi của Phật thì “sanh nơi thiện thú và thiên giới.”1 Kinh Du hành nói: “sống thì được phước và lợi; chết thì được sanh thiên.”2 Phật giáo Bộ phái, đại để căn cứ vào lời kinh, xác nhận việc xây tháp, cúng dường tháp là có công đức. Vì có công đức nên hàng đệ tử xuất gia, tại gia, đều nhiệt tâm với việc xây tháp, cúng dường. Nhưng đối với việc đạt được quả lớn hay nhỏ, giữa các Bộ phái lại có ý kiến bất đồng, như Dị bộ tông luân luận (T. 49, tr. 16a-17a) nói:
“Chế-đa sơn bộ, Tây sơn trụ bộ, Bắc sơn trụ bộ, ba bộ như vậy có cùng chủ trương… Việc thực cúng dường sung túc cho túy-đổ-ba không đắc được quả lớn.”
“Hóa địa bộ ấy… tông nhánh của họ có chủ trương khác… Việc thực cúng dường sung túc cho túy-đổ-ba đắc được quả nhỏ.”
“Pháp tạng bộ ấy… Việc thực cúng dường sung túc cho túy-đổ-ba đắc được quả rất rộng lớn.”
“Không đắc được quả lớn’, chính là ‘đắc được quả nhỏ’. Nhưng sự khác nhau giữa nhỏ và lớn, là vì sao? Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) cho rằng: “Xây túy-đổ-ba cho xá lợi Phật,… có thể sanh phước Phạm thiên;”3 phước Phạm thiên là phước nghiệp vô cùng rộng lớn, một kiếp sanh lên trời. Nhưng sanh ở (nhân gian) lên trời, đối với giải thoát sanh tử mà nói, thì không khỏi là quá nhỏ. Quyển 31 của luật Tứ phần (T. 22, tr. 785c) thuộc Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) nói:
“Học Bồ-tát đạo, siêng năng cúng dường [xá-lợi] móng tay và tóc, thì chắc chắn thành đạo Vô thượng. Dùng mặt Phật để nhìn khắp thiện hạ, không thấy vị nào không nhập vào niết-bàn giới toàn diện mà bát-niết-bàn.”
Cúng dường di thể của Phật, ‘chắc chắn thành đạo Vô thượng’, đó đúng là ‘quả rộng lớn’ vậy! Nhưng trong kinh Phật bổn hành tập của Pháp tạng bộ, chỉ nói “dùng con mắt Phật để nhìn các chúng sanh ấy, thấy không có một chúng sanh nào ở gần Phật mà đều không chứng được niết-bàn.”4 Lập trường cơ bản của Pháp tạng bộ, hẳn phải là xây tháp cúng dường, (tương lai) đắc quả niết-bàn, quả này so với thuyết sanh lên trời, đương nhiên là rộng lớn hơn. Trong quá trình hưng khởi của Phật pháp Đại thừa, mới diễn biến và trở thành ‘chắc chắn thành đạo Vô thượng’. Đối với việc xây tháp, cúng dường tháp, Pháp tạng bộ là một phái cực lực cổ xúy. Nhưng những bộ phái phổ biến khác (trừ phái Đại không), phần lớn đều nhiệt tâm với việc xây tháp cúng dường, không ngoài mục đích sanh lên trời. Chúng xuất gia cần phải siêng năng cầu giải thoát, nhưng đời hiện tại không nhất định có thể giải thoát; trước khi chưa giải thoát, đi đến cõi nhân gian hay sanh lên trời, không phải chính là hi vọng của người xuất gia ư?
2) Sự thần kỳ và linh ứng của xá-lợi: xây tháp cúng dường xá-lợi, vốn là sự biểu thị của lòng thành kính và hoài niệm đối với Phật. Nhưng dùng hương, hoa, anh lạc, phướn, lọng, đồ ăn thức uống, kỹ nhạc, múa hát – cúng dường to lớn như vậym đã hình thành nên phong trào của một thời, có người cảm thấy khó hiểu và quái lạ nên phải thốt lên: “Đức Thế tôn là bậc đã trừ sạch tham dục, sân nhuế, ngu si, thì còn dùng tháp (trang nghiêm,… ca múa, kỹ nhạc) làm gì?5 Việc tạo xây tháp để cúng dường rộng lớn này, rõ ràng là tương đồng với tôn giáo thế tục, không tránh khỏi mất đi ý nghĩa gốc của việc xây tháp cúng dường. Hành vi tôn giáo như vậy, sẽ chú ý đến xá-lợi, dẫn đến phát sanh tín ngưỡng về sự thần kỳ và linh ứng, như quyển 3 của Thiện kiến luật tỳ-bà-sa (T. 24, tr. 691a-b) nói:
“Xá-lợi liều từ trên đầu voi bay thẳng lên hư không, cao 7 cây đa-la. Hiện ra các thứ thần biến, với 5 màu sắc gồm đen, vàng, v.v., hoặc có khi xuất ra nước, hoặc có khi xuất ra lửa, hoặc có khi xuất ra cả nước và lửa… Vua lấy xá-lợi đặt vào trong tháp, đại địa chấn động bằng 6 loại.”
Khi xá-lợi mới đến tháp xây ở Tích-lan, thì xá-lợi hiện ra nhiều loại thần lực biến hóa.6 Cho đến thời Huyền Trang, vẫn còn nói như thế này: “Cách nước Tăng-già-la hơn 2 vạn dặm về phía Nam. Trong đêm thanh văng, từ xa nhìn thấy ánh sáng của viên bảo châu ở trên túy-đổ-ba thờ răng Phật của nước ấy, rõ ràng như ánh sáng của bó đuốc treo lơ lửng.”7 Những quốc gia thuộc Phật giáo Nam phương, tháp Phật vô cùng hưng thịnh, là không phải không có lý do. Ở Bắc phương, cũng có truyền thuyết về các hiện tượng thần kỳ biến hóa giống như vậy. Trong Đại Đường Tây Vực ký, túy-đổ-ba của Phật mà Huyền Trang đã thấy, có cái thì ‘có lúc đốt đuốc sáng rỡ’; có cái thì ‘hương đặc biệt, âm thanh khác lạ’; có cái thì ‘ánh sáng đặc biệt, màu sắc khác lạ, sáng thay tối đổi’; có cái thì ‘người bị bệnh tật cầu thỉnh thì khỏi bệnh’, hàng đệ tử Phật đều chú ý đến những hiện tượng đã nói trên. Quyển 1 của Cao Tăng truyện (T. 50, tr. 325b-c) nói:
“Di thể xá-lợi có thần diệu vô cùng!... Bèn cùng ăn chay và vào phòng tĩnh tọa. Lấy cái bình bằng đồng để trên cái bàn nhỏ, đốt hương, lễ bái, cầu thỉnh… Chợ nghe trong bình đột nhiên có tiếng khua, (Khương Tăng) Hội tự mình đến xem, quả là có được xá-lợi… ánh sáng 5 màu rực rỡ, chiếu sáng trên miệng bình… (Tôn) Quyền rất bái phục, lập tức xây tháp, bởi việc ấy mới có ngôi chùa Phật đầu tiên, nên đặt hiệu là chùa Kiến Sơ, nhân cái tên ấy nên gọi vùng đất nơi ấy là cái làng của đức Phật-đà.”
Đây là truyền thuyết vào thế kỷ 3 A.D., Khương Tăng Hội thành kính nên cảm ứng được xá-lợi. Vào thời Tùy Văn đế, từng xây 111 tháp xá-lợi, cùng trong một ngày thỉnh và an trí xá-lợi, đều có các điềm lành như phóng quang, v.v.8 Có thể thấy việc xây tháp cúng dường xá-lợi đã hoàn toàn thế tục và tôn giáo hóa.
3) Túy-đổ-ba của xá-lợi Pháp: trào lưu xây tháp xá-lợi, tu rộng rãi sự cúng dường, đối với Phật pháp Đại thừa mà nói, thì đã tiếp cận một bước; nếu như căn cứ theo Phật pháp mà nói, có lẽ là bắt đầu suy thoái về chất. Nhưng xây tháp xá-lợi, cũng vẫn có dẫn đến tác dụng cao lên một tầng. Xá-lợi là di thể của Phật, là thứ để lại của sanh thân [nhục thân] Phật. Phật nhờ sanh thân mà đắc được đại giác ngộ, và do nhờ nó mà giáo hóa rộng rãi chúng sanh. Hoài niệm ân đức của Phật, cho nên vì xá-lợi của sanh thân mà xây tháp, và tu các pháp cúng dường. Nhưng Phật sở dĩ được tôn xưng là Phật, không phải là sắc thân, mà là Pháp thân. Do vì chánh giác, thể ngộ chánh pháp của Phật, cho nên tôn xưng vị đó là Phật, đây mới là đức Phật-đà chân chánh. Sanh thân của Phật, phần thân thể còn lưu lại sau khi hỏa thiêu, gọi là xá-lợi. Pháp thân của Phật, chứng nhập vào giới bát-niết-bàn toàn diện, nên để lại Phật pháp cho thế gian, không phải chính là xá-lợi của Pháp thân ư? Thông thường mọi người vì ‘xá-lợi sanh thân’ xây tháp, mà vì ‘xá-lợi Pháp thân’ xây tháp, đại khái là từ trong những vị Tăng có học vấn phát triển ra. Hai loại xá-lợi này, như kinh Công đức tắm Phật đã nói: “thân cốt xá-lợi,” “Pháp tụng xá-lợi.”9 Pháp – biên chép thành Kinh điển, là vào trước thế kỷ 1 A.D., nhưng biên chép thành đoạn ngắn hoặc một bài kệ 4 câu, đương nhiên phải sớm hơn nhiều. “Các pháp từ duyên khởi, Như lai nói đây là nhân, pháp kia (do nhân duyên) nên diệt tận, là lời Đại Sa-môn thuyết:” đây là bài tụng nổi tiếng nói về pháp Duyên khởi (Pratītya-samutpāda). Xưa kia tỳ-kheo Mã Thắng (Aśvajit) đã nói bài kệ này cho Xá-lợi-phất (Śāriputra), Xá-lợi-phất nghe xong liền chứng ngộ; bài ‘kệ tụng về pháp Duyên khởi’ này đã đại biểu cho nội dung căn bản của Phật pháp. Vì xá-lợi Pháp (thân) xây tháp, là mang tạng Kinh đặt vào bên trong tháp; mà đa số là chép một bài ‘kệ tụng về pháp Duyên khởi’, cất vào trong tháp, nên gọi là ‘xá-lợi bài tụng về Pháp’. Từ sự sùng bái về linh cốt của Phật, rồi đến tôn kính giáo pháp của Phật, không thể không nói là cao hơn một tầng. Nhưng nhận được sự cổ xúy và khích lệ về công đức của việc xây tháp, và xây tháp bất kể lớn hay nhỏ, công đức đều là như nhau,10 đương nhiên càng nhiều càng tốt. Cúng dường tháp xá-lợi Pháp thân, về sau cũng trở thành thuần tín ngưỡng, như quyển 9 của Đại Đường Tây Vực ký (T. 51, tr. 920a) nói:
“Phép tắc của Ấn-độ là lấy bột hương làm bùn, xây cái túy-đổ-ba nhỏ, cao 56 tấc, biên chép kinh văn rồi đặt vào trong ấy, gọi đó là xá-lợi Pháp… (Thắng Quân) trong vòng 30 năm, làm tổng cộng 7 câu-chi (tiếng nhà Đường gọi là ức) túy-đổ-ba xá-lợi Pháp; mỗi khi đủ một câu-chi thì xây một túy-đổ-ba lớn rồi đặt hết vào trong ấy, cúng dường đầy đủ.”
Xây dựng túy-đổ-ba xá-lợi Pháp càng nhiều thì công đức càng lớn. Luận sư Thắng Quân (Jayasena) - vị có thẩm quyền về Duy thức học mà Huyền Trang đã được thân cận, chính là một Đại sư xây rất nhiều túy-đổ-ba xá-lợi Pháp. Việc này có liên quan với sự sùng kính kinh điển, do vì biên chép kinh điển mà phát đạt lên.
4) Tháp xá-lợi và Long vương: truyền thuyết xa xưa nói về việc 8 vị vua chia xá-lợi, là kinh Đại Bát-niết-bàn – bài kinh số 16 của Trường bộ. Bài kinh này vốn không có nói đến Long vương, nhưng phần ghi phụ thêm ở cuối của kinh Đại Bát-niết-bàn (Nam truyền 7, tr. 162-163) nói:
“Xá-lợi của đấng Cụ nhãn [Phật] chia làm 8 hộc, 7 hộc do (người) Diêm-phù-đề cúng dường. Một hộc còn lại của bậc Tối thắng [Phật] do Long vương cúng dường tại làng La-ma.”(a)
Đoạn này, kinh Trường A-hàm, v.v., không có nói, và cũng mâu thuẫn với thuyết 8 vị vua phân chia xá-lợi. Căn cứ theo đoạn phụ lục này, thì ở nhân gian chỉ chia được 7 phần; một phần ở làng La-ma (Rāmagrāma) ấy là của Long vương, đây là sự thay đổi theo truyền thuyết. Liên quan đến chuyện Long vương cúng dường xá-lợi ở làng La-ma, Bắc phương cũng có truyền thuyết, như quyển 1 của A-dục vương truyện (T. 50, tr. 102a) nói:
“Vua lại đến tụ lạc La-ma, là nơi của Hải Long vương, muốn lấy xá-lợi. Long vương liền xuất hiện, mời vua đi vào cung, vua liền xuống thuyền đi vào Long cung. Long vương thưa vua rằng: Mong lưu xá-lợi tại nơi này, cho phép tôi cúng dường, xin chớ lấy đi! Vua thấy Long vương cúng dường cung kính gấp bội ở nhân gian, bèn để lại mà không mang đi.”
A-dục vương kinh, Cao Tăng Pháp Hiển truyện, Đại Đường Tây Vực ký đã nói đều đại để tương đồng.11 Vua A-dục chỉ lấy 7 phần xá-lợi, xá-lợi của thôn Lam-mạc lại không lấy đi. Trong kinh Tạp A-hàm có bài kinh cùng bản mà bản dịch khác nhau, nói: “Vua yêu cầu lấy xá-lợi để cúng dường từ Long vương, Long vương liền đưa cho vua,”12 đó là 8 phần xá-lợi đều bị vua lấy đi. Đây hẳn là nguyên do mà Nam truyền nói nhân gian cúng dường 7 phần chăng! Bên trong truyền thuyết này, tháp xá-lợi và long vương đã có quan hệ, nhưng vẫn là tháp xá-lợi của thôn La-ma, nhưng đã nhận được sự bảo vệ và cúng dường của Long vương mà thôi. Về xá-lợi mà Long vương đã lấy được, có một truyền thuyết khác nói tương tợ, như quyển thượng của kinh Tạp thí dụ (T. 4, tr. 503b), mất tên người dịch, nói:
“Có một Long vương… được một phần xá-lợi của Phật, ngày đêm cúng dường, riêng không hàng phục vua A-dục… (Vua) do đó lập chùa tháp, thỉnh chúng Tăng khắp nơi, luôn luôn không ngừng. Vua muốn tự so công đức của chính mình, liền làm tượng một con rồng bằng vàng, làm một cái tượng của chính vua, đặt lên cái cân có 2 đầu, thì thấy cái cân có một đầu nặng một đầu nhẹ. Vua mới làm công đức nữa, và cân 2 cái tượng, thì thấy tượng rồng nặng, tượng vua nhẹ. Sau đó, [vua tiếp tục làm công đức] rồi cân 2 cái tượng đó nữa, thấy cái đòn cân quân bình nặng nhẹ. Vua lại làm công đức nữa, sau đó thấy tượng vua càng ngày càng nặng, tượng rồng càng ngày càng nhẹ. Vua biết công đức của mình càng ngày càng nhiều, nên khởi binh đi đến trị tội [rồng]. Vua đi chưa được nửa đường, thì thấy Long vương cùng các rồng lớn nhỏ đều cúi đầu nghênh đón, rồi [Long vương] lấy một phần xá-lợi Phật mà mình đã được dâng lên vua A-dục.”
Truyền thuyết này, phần lớn giống với kinh A-dục vương thí dụ (tức A-dục Long điều phục thí dụ - Aśoka-nāga-vinīya-avadāna). Ban đầu, Long ương không chịu dâng xá-lợi (kinh Thí dụ gọi là ‘trân bảo’) mà mình có, vua A-dục làm các công đức lớn, từ sự nặng hay nhẹ giữa tượng của Long vương và vua: biết công đức của vua đã vượt hơn công đức của Long vương, Long vương do đó mới chịu hàng phục, dâng ra một phần xá-lợi đó. Đây là truyền thuyết mới, nói cuối cùng thì vua cũng lấy được xá-lợi từ Long vương. Vẫn còn một truyền thuyết khác, xem kinh (Đại) A-dục vươngThích-ca phổ đã dẫn: bấy giờ vua A-xà-thế (Ajātaśatru) đã được chia xá-lợi Phật và một hàm ria trên miệng Phật, xá-lợi ria của Phật bị Long vương Nan-đầu-hòa [Nandaupananda] lấy đi. Long vương ở dưới núi Tu-di, dâng thủy tinh và lưu ly cúng dường. Vua A-dục muốn lấy được phần này, ‘muốn bắt trói Long vương’. Khi vua A-dục đang ngủ, Long vương bèn mang vương cung chuyển đến Long cung. Vua A-dục thấy được tháp thủy tinh cao lớn, Long vương bảo vua rằng: tương lai Phật pháp diệt mất, Kinh điển và y bát của Phật đều phải cất trong tháp này; vua A-dục cũng không còn muốn lấy phần xá-lợi đó nữa.13 Truyền thuyết này, tháp xá-lợi mà Long vương cúng dường, là ở Long cung chứ không phải nằm trong số xá-lợi mà 8 vị vua đã chia, vua A-dục cũng không lấy được. Vua A-dục, Long, tháp xá-lợi kết hợp với nhau, rất có khả năng là từ việc vua A-dục xây tháp xá-lợi mà ra. Có truyền thuyết tương tợ, Đảo sử của Nam phương đã đề cập đến: vua A-dục được sự ủng hộ của Trời và Rồng, có Long vương Mahākāḷa đã phụng sự 4 vị Phật, tuổi thọ dài 1 kiếp, dâng lên vua cái xích bằng vàng.14 Đảo sử Nhất thiết Thiện kiến luật chú tự còn nói: Long vương vâng theo ý chỉ của vua A-dục, tự mình biến thành đức Phật-đà – dung mạo có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, vô biên ánh sáng rực rỡ.15 Quyển 1 của Thiện kiến luật tỳ-bà-sa (T. 24, tr. 680a) nói:
“Vua làm cái xích bằng vàng, để dành xích ấy cho Hải long vương sắp đến. Vị Hải long vương này có thọ mạng 1 kiếp, từng diện kiến 4 vị Phật quá khứ… Hải long vương vâng mệnh, liền hiện thần lực, tự biến thân mình thành hình tượng đức Như lai, có các thứ công đức vi diệu trang nghiêm, có 32 tướng của bậc đại nhân, 80 vẻ đẹp.”
Thiện kiến luật tỳ-bà-sa là bản Hán dịch của Nhất thiết Thiện kiến kiến luật chú, được dịch ra Hán văn vào cuối thế kỷ 5 A.D. ‘Dùng cái xích bằng vàng để trói Hải long vương’, dường như không phù hợp với văn bản Pāḷi hiện đang còn, nhưng nếu như liên tưởng đến ‘muốn trói lấy Long vương’ của kinh Tạp thí dụ, và tượng rồng bằng vàng của Long điều phục thí dụ, thì đây có khả năng là sự khác nhau của truyền thuyết.
Sự kết hợp của Long vương, tháp xá-lợi, truyền thuyết là thuộc hình thức Thần thoại, đã có thay đổi rất lớn. Xá lợi gồm thân cốt đã đại biểu cho sắc thân của Phật, xá lợi gồm những bài tụng về Pháp đã đại biểu cho Pháp thân (Pháp) của Phật: xá-lợi được cất chứa trong tháp là Pháp (Kinh điển) và Phật. Rồng, trong Phật giáo, luôn luôn có truyền thuyết về việc hàng phục rồng. Rồng là loài hung hãn, Phật Pháp có khả năng hàng phục chúng, làm cho chúng thành nhu hòa. Trong kinh luôn dùng việc ấy để tỉ dụ cho công đức của vị đại A-la-hán: “tâm điều phục thành nhu nhuyến, ma-ha-na-già” (dịch nghĩa là ‘giống như con rồng lớn). Tâm của con người giống như con rồng hung hãn, cố chấp. Nương vào Phật Pháp tu trì, điều phục cho thanh tịnh, cũng sẽ giống như con rồng lớn đã được điều phục (con rồng lớn, cũng là từ dùng để tán thánh các bậc đại A-la-hán). Đem các dữ kiện này liên kết lại với nhau, tâm như rồng, Long cung có tháp xá-lợi, chỉ là chưa được hàng phục, cho nên không chịu dâng lên xá-lợi. Đây chính là: tâm vốn thanh tịnh, có Pháp có Phật, cho là chưa điều phục cho nhu nhuyến, nên không thể thấy Pháp thấy Phật. Nếu như tâm đã được điều phục thành nhu nhuyến thì có thể thấy Phật thấy Pháp, cũng giống như Long vương được điều phục, tự nguyện hiến dâng xá-lợi. Long điều phục thí dụ là rồng đã được điều phục nên dâng lên xá-lợi. ‘Dùng cái xích bằng vàng để trói Long vương’ là rồng đã được hàng phục nên biến hiện ra thân Phật. Đây không phải là ở trong cái thí dụ dễ hiểu biểu thị ra ý nghĩa sâu hơn một tầng ư? Truyền thuyết về Long vương và tháp xá-lợi đã lưu truyền vào luôn trong Phật giáo Phật thừa. Long Thọ (Nāgārjuna) đi vào Long cung, từ nơi Long vương được một hòm kinh;16 Long Thọ đi vào Long cung, đã lấy được một cái tháp:17 không phải đều là thí dụ về tháp xá-lợi và rồng ư?
[Còn nữa]





1 Tường thuật việc phân chia xá-lợi và xây tháp sau khi Phật niết-bàn, còn có kinh Phật bát-nê-hoàn, kinh Bát-nê-hoàn, kinh Đại Bát-niết-bàn do Pháp hiển dịch, quyển 60 của luật Thập tụng.
2 Trường bộ, (30) Tam thập nhị tướng kinh, Nam truyền 8, tr. 183-234. Trung A-hàm kinh 11, Tam thập nhị tướng kinh, T. 1, tr. 493a-494b.
3 Tương ưng bộ, Giác chi tương ưng, Nam truyền 16 thượng, tr. 295-296. Tạp A-hàm kinh 27, T. 2, tr. 194a. Trung A-hàm kinh 11, Thất bảo kinh, T. 1, tr. 493a.
4 Tương ưng bộ, Đế tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 339-343. Tạp A-hàm kinh 15, T. 2, tr. 103c-104a.
5 Trung A-hàm kinh 13, T. 1, tr. 509c-511a.
6 1) Trường A-hàm 4, Du hành kinh, T. 1, tr. 29b-30a. 2) Trường bộ, (16) Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 158-162. 3) Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự 39, T. 24, tr. 401c. 4) Thập tụng luật 60, T. 23, tr. 446b.
7 Đại Đường Tây Vực ký 7, T. 51, tr. 908a.
8 Vọng Nguyệt Phật giáo đại từ điển, tr. 2976c.
9 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 861c. Đại Đường Tây Vực ký 6, T. 51, tr. 903a.
10 Việc phân chia và lấy xá-lợi vào lúc ấy, đời sau có nhiều thuyết khác nhau không nhất trí: có thuyết nói chia tháp thờ tro và tháp thờ than riêng thành 2 tháp, như Phật bát-nê-hoàn kinh, T. 1, tr. 175c; Bát-nê-hoàn kinh, T. 1, tr. 190c. Có thuyết nói nhân gian cúng dường 7 phần, Long vương cúng dường 1 phần, như Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 162-163. Đại Đường Tây Vực ký 6, T. 51, tr. 904c nói: “Liền chia thành 3 phần: 1) chư Thiên, 2) Long chúng, 3) lưu lại nhân gian phần nặng cho 8 nước;” và quyển 3, tr. 884b nói: “Vua Thượng Quân (Uttarasena) của nước Ô-trượng-na (Udyāna) cũng được chia một phần.
1 Nhất thiết kinh âm nghĩa 22, T. 54, tr. 448a; và, q. 27, tr. 483b.
2 Trường bộ, (16) Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 127. Trường A-hàm kinh 3, Du hành kinh, T. 1, tr. 20b.
3 Trường A-hàm kinh 4, Du hành kinh, T. 1, tr. 28b-29b.
(a) Thanh luận giả (聲論者), tức là những nhà Ngữ pháp học, S. Śābdika, E. Grammarian.
4 Căn bản Tát-bà-đa bộ Luật nhiếp 2, T. 24, tr. 535b.
5 Tứ phần luật 52, T. 22, tr. 958b. Di-sa-tắc bộ Hòa-ê Ngũ phần luật 26, T. 22, tr. 172c.
6 Tham khảo: Trường bộ, (16) Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 92.
7 Ma-ha Tăng-kỳ luật 33, T. 22, tr. 498b.
1 Tham khảo: A-dục vương truyện 1, T. 50, tr. 102a.
2 Nhất thiết Thiện kiến luật chú tự, chú 47, Nam truyền 65, tr. 62.
3 Đảo sử, Nam truyền 60, tr. 50. Đại sử, Nam truyền 60, tr. 189.
4 Đảo sử, Nam truyền 60, tr. 98-100. Đại sử, Nam truyền 60, tr. 264.
5 Đại Đường Tây Vực ký 6, T. 51, tr. 900c, 901b.
6 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 861a.
7 Đại Đường Tây Vực ký 7, T. 51, tr. 905b; và, q. 6, tr. 902b.
8 Việc phát hiện những trụ đá ở trên, đều căn cứ theo Mục lục của  A-dục vương khắc văn, Nam truyền 65, tr. 8-9.
9 Trường A-hàm kinh 3, Du hành kinh, T. 1, tr. 20b. Tham khảo: Trường bộ, (16) Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 127.
10 Tương ưng bộ, Căn tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 52-53. Tạp A-hàm kinh 26, T. 2, tr. 184a, nói: “Khởi tín tâm đối với Như lai;” “có được tín tâm trong sạch đối với sự phát bồ-đề tâm của Như lai, đó gọi là tín căn.”
11 Tỳ-tứ vương kinh trong quyển 16 của Trung A-hàm kinh là cùng nguyên bản mà bản dịch khác nhau; Trường bộ, (23) Tệ-túc kinh, không có từ ‘diệt độ’.
1 Nhất thiết Thiện kiến luật chú tự, Nam truyền 65, tr. 109-110. Đại sử, Nam truyền 60, tr. 266.
2 Căn bản Tát-bà-đa bộ luật nhiếp 7, T. 24, tr. 569a.
3 Di-sa-tắc bộ hòa-ê Ngũ phần luật 26, T. 22, tr. 173a.
4 Tứ phần luật 52, T. 22, tr. 956c. Tát-bà-đa bộ Tỳ-ni ma-đắc-lặc-già 6, T. 23, tr. 599a.
(a) Thâu-bà (偷婆), S. stūpa.  Như vậy luật này cũng nói 2 loại là loại chỉ có cái tháp và loại có thêm cái nhà che ở trên tháp (thâu-bà xá)
5 Thập tụng luật 48, T. 23, tr. 351c-352a; q. 56, tr. 415c, đều nói đến ‘tháp’, ‘khám tháp’, ‘trụ tháp’ – 3 loại. Khám tháp là cái tháp ở trong hang đá. Trụ tháp là hình trụ đá, là tháp-bà hóa cái trụ đá. Khi xây được càng nhiều càng cao, thì lại là loại tháp thứ nhất.
6 Sự cao lớn của tháp cổ, xin xem Vọng Nguyệt Phật giáo đại từ điển, tr. 3834a.
7 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 858b.
8 Lạc Dương già-lam ký 5, T. 51, tr. 1021b.
(a) Trửu (肘), S. hasta, P. haṭṭha, là đơn vị đo của Ấn-độ cổ đại, 1 hasta tương đương khoảng 46 cm.
9 Đại sử, Nam truyền 60, tr. 154-155.
10 Thập tụng luật 48, T. 23, tr. 351c, nói: chỉ ‘trừ tượng vẽ hình nam nữ hòa hợp ra’, còn lại các loại khác đều có thể vẽ. 
11 Ma-ha Tăng-kỳ luật 33, T. 22, tr. 498a.
12 Ma-ha Tăng-kỳ luật 33, T. 22, tr. 498a-c.
13 Lạc Dương già-lam ký 5, T. 51, tr. 1021c.
14 Tứ phần luật 35, T. 22, tr. 816a.
1 Thiện kiến luật tỳ-bà-sa 1, T. 24, tr. 681a.
(a) Bốn hạng Thượng tọa gồm: 1) Tăng phòng Thượng tọa, tức vị Thượng tọa giữ gìn 3 giềng mối của Luật. 2) Tăng Thượng tọa, tức vị Thượng tọa trên giới đàn (vị Thượng tọa trao giới cho giới tử), hoặc là vị Thủ tọa trong Tăng đường. 3) Biệt phòng Thượng tọa, tức vị Thủ tọa của các phòng nơi Thiền tăng ở. 4) Trụ gia Thượng tọa, tức vị Thượng tọa lo cơm nước, chiếu mền, v.v… Thích thị yếu lãm 1, T. 54, tr. 261a22-24.
2 Tứ phần luật 49, T. 22, tr. 930c-931b.
3 Tứ phần luật 29, T. 22, tr. 767a.
4 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da 8, T. 23, tr. 666b-c; q. 11, tr. 682a-b; q. 12, tr. 690c.
5 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Bí-sô-ni Tỳ-nại-da 5, T. 23, tr. 929c.
6 Đại tỳ-kheo tam thiên oai nghi, q. hạ, T. 24, tr. 923b.
7 Thập tụng luật 16, T. 23, tr. 110b. Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da an cư sự, T. 23, tr. 1043a. Thập tụng luật 34, T. 23, tr. 249c.
8 Ma-ha Tăng-kỳ luật 33, T. 22, tr. 497b-498c. Di-sa-tắc bộ Hòa-ê Ngũ phần luật 26, T. 22, tr. 172c-173a. Tứ phần luật 52, T. 22, tr. 958b.
9 Tứ phần luật 35, T. 22, tr. 816a.
10 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Mục-đắc-ca 8, T. 24, tr. 445c.
11 Xin xem: Bình Xuyên Chương, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi nghiên cứu, sđd, tr. 624.
12 Tứ phần luật 18, T. 22, tr. 687b; q. 19, tr. 692c.
13 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da 34, T. 23, tr. 815a; và, q. 36, tr. 823b.
14 Xin xem chi tiết tại: Bình Xuyên Chương, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi nghiên cứu, tr. 663-671.
(b) Tịnh nhân, người chưa xuất gia nhưng phục vụ cho chúng Tăng.
15 Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da 22, T. 23, tr. 743a.
16 Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 865a.
(c) Văn phòng tiếp nhận vật cúng dường của người đến chùa.
17 Bình Xuyên Chương, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi nghiên cứu, tr. 661-674.
1 Trường bộ, (16) Đại Bát-niết-bàn kinh, Nam truyền 7, tr. 127.
2 Trường A-hàm kinh 3, Du hành kinh, T. 1, tr. 20b.
3 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 82, T. 27, tr. 425c.
4 Phật bổn hành tập kinh 32, T. 3, tr. 803a-b.
5 Ma-ha Tăng-kỳ luật 33, T. 22, tr. 498a-c.
6 Đảo sử, Nam truyền 60, tr. 100. Đại sử, Nam truyền 60, tr. 266-267. Nhất thiết Thiện kiến luật chú tự, Nam truyền 65, tr. 110.
7 Đại Đường Tây Vực ký 10, T. 51, tr. 928c.
8 Quảng Hoằng minh tập 17, T. 52, tr. 213b-221a. Pháp uyển châu lâm 40, T. 53, tr. 601c-604b.
9 Dục Phật công đức kinh, T. 16, tr. 800a.
10 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 82, T. 27, tr. 426a.
(a) Pāḷi: Aṭṭhadoṇaṃ cakkhumato sarīraṃ, sattadoṇaṃ jambudīpe mahenti. Ekañca doṇaṃ purisavaruttamassa, rāmagāme nāgarājā maheti. Mahāparinibbānasutta, D.2,166.
11 A-dục vương kinh 2, T. 50, tr. 135a. Cao Tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 861b. Đại Đường Tây Vực ký 6, T. 51, tr. 902b-c.
12 Tạp A-hàm kinh 23, T. 2, tr. 165a.
13 Thích-ca phổ 4, T. 50, tr. 76a, đã dẫn A-dục vương kinh.
14 Đảo sử, Nam truyền 60, tr. 42.
15 Đại sử, Nam truyền 60, tr. 181-182. Nhất thiết Thiện kiến luật chú tự, Nam truyền 65, tr. 56-57.
16 Long Thọ Bồ-tát truyện, T. 50, tr. 186a.
17 Pháp uyển châu lâm 38, T. 53, tr. 589a, đã dẫn Tây Vực chí.