CHƯƠNG 15. SỰ BIÊN TẬP VÀ HOẰNG TRUYỀN CỦA KINH ĐẠI THỪA SƠ KỲ

CHƯƠNG 15. SỰ BIÊN TẬP VÀ HOẰNG TRUYỀN CỦA KINH ĐẠI THỪA SƠ KỲ

Tiết 1. Từ chính trong bản thân kinh Đại thừa đi tìm hiểu

Sự xuất hiện và khai triển (thuộc sơ kỳ) của Phật Pháp Đại thừa, ở trên tuy đã thực hiện nghiên cứu rộng rãi, nhưng vẫn cần phải thử giải đáp về sự hoằng truyền và người biên tập thuộc Đại thừa sơ kỳ để trả lời cho vấn đề mà mở đầu của sách này đã nêu lên. Thể tài của kinh Đại thừa nhân vì đã kế thừa hình thức của bộ loại A-hàm được biên tập hình thành thời kỳ đầu, nên bắt đầu từ “tôi nghe như vầy, một thời, Phật ở tại xứ nọ”, xem đây như là do Phật thuyết. Như Pháp môn Hoa nghiêm, rõ ràng là do hàng Bồ-tát thuyết, nhưng cũng nói là Phật ngồi ở nơi đạo tràng Bồ-đề, Phật ở tại trời Đao-lợi, v.v., để biểu thị là do Phật thuyết; hoặc Bồ-tát thuyết khi Phật đang có mặt, đã được Phật ấn chứng đồng ý. Dù trong nhiều kinh nói đến sự kiện sau khi Phật nhập diệt 500 năm, cũng xem là được Phật ‘huyền ký’ (lời dự báo). Đối với kinh Đại thừa sơ kỳ, người xưa cho rằng nó xuất hiện từ thời đại đức Thích tôn, quan điểm này không được các học giả cận đại chấp nhận. Căn cứ vào sự lý giải tôi có được từ trong Phật Pháp, thì những kinh điển được truyền ra của các Kinh sư Đại thừa, dù là được biên tập nên, cũng quyết không nên xem đó là những sáng tác, ngụy tạo. Bởi vì pháp nghĩa của Đại thừa, trên mặt tín ngưỡng hay trên mặt tu chứng đều có sự kế thừa trong quá trình truyền thuật lại không gián đoạn, chứng kiến cụ thể rồi ghi chép biên tập ra. Trong suy nghĩ của người biên tập ghi chép ra, thì đây là những lời Phật đã từng thuyết, là Phật Pháp được các bậc Hòa thượng, từ các bậc Đại đức truyền lại. Giống như các nhà tiên tri của Thần giáo, tự biết mình đã tiếp nhận được những khải thị, cảm ứng của Thần, rồi đem những lời do chính mình nói, cho đó là do Thần nói. Những hành giả của Đại thừa sơ kỳ có tín nguyện đối với Phật-đà quan siêu việt; đối với Pháp quan sâu xa, không có sai biệt, là sự chứng đắc về trí. Trên cảm giác tín ngưỡng, trong thể nghiệm sự chứng đắc về trí, tất cả đều hồi hướng đến pháp giới, hồi hướng đến Bồ-tát, hồi hướng đến chúng sanh, chính mình hòa tan vào trong pháp giới, bồ-đề, chúng sanh, nên không lưu lại tên tuổi của người biên tập, cũng không nói đến thời gian và địa điểm biên tập ra. Rõ ràng là văn hóa Phật giáo Ấn-độ tồn tại trong thời gian và không gian hiện thực, nhưng người biên tập ra là ai, thời gian và địa điểm nào lại không có bằng chứng thiết thực, rõ ràng. Đây chính là đặc tính của Đại thừa sơ kỳ, cũng là đặc tính của văn hóa tôn giáo phổ biến ở Ấn-độ. Cho nên khi nghiên cứu vấn đề này, không thể còn có cái suy nghi khảo định rõ ràng, chính xác. Tôi cho rằng có thể sử dụng phương pháp gần với thống kê để luận chứng tình hình chung của kinh Phật Đại thừa – thời gian, địa điểm, con người.
Giải đáp vấn đề này, đi tìm hiểu và nghiên cứu từ trong chính bản thân của kinh Đại thừa là phương pháp có thể tin cậy, bởi vì những điều mà các kinh Đại thừa sơ kỳ đã trình bày, hoàn toàn có thể có ít nhiều phản ánh tình hình hoạt động của Phật giáo Đại thừa Ấn-độ, người hoằng truyền và biên tập ra. Nhưng cũng không thể xem trọng quá mức những ghi chép của văn tự, bởi vì đây là những điển tịch của tôn giáo, là thứ đã có bam hàm tín nguyện, truyền thuyết (có được từ Phật giáo, có được từ trong tín ngưỡng bình dân Ấn-độ), thuộc về cảm thụ của tự tâm. Cho nên đối với những lời mà kinh Đại thừa đã nói, tìm hiểu và nghiên cứu tình hình thật tế của hoạt động Đại thừa, có nhiều điều phải hiểu rõ hơn và nhiều điều phải loại bỏ đi. Như kinh Đại thừa có trình bày về các tịnh độ ở phương khác, trừ ngoài cõi của Phật A-súc (Akṣobhya) ra, đều là những tịnh độ không có người nữ. Không có nữ tánh thì cũng sẽ không có cái được gọi là nam tánh, trong tịnh độ không có mối quan hệ quyến thuộc nam và nữ; đồ mặc, thức ăn đều tự nhiên mà có, cũng sẽ không có chức nghiệp và vấn đề sanh hoạt; không có cơ cấu uy quyền quốc gia. Loại tịnh độ, Phật giáo tịnh độ như vậy chỉ có thể là lý tưởng, hi vọng, hoặc xuất phát từ kinh nghiệm nội tâm khi thiền quán của hành giả Đại thừa, không thể xem đó là sự phản ánh tình hình thật tế của Phật giáo Đại thừa Ấn-độ. Trong Phật giáo Đại thừa, biểu hiện là nguyện sanh tịnh độ ở phương khác; người nữ tu hành như thế nào, liền một đời mới trở thành nam tử, hoặc người nữ hiện sanh sự chuyển biến thành người nam (sự chứng về trí của Đại thừa không nhất định phải là như thế). Đây là giới Phật giáo chung đương thời tại Ấn-độ, đối diện với thế gian hiện thực tạp loạn, khổ não, xã hội trọng nam khinh nữ nên khởi lên tư tưởng xuất ly. Như pháp môn Văn-thù, đa số là Bồ-tát thuộc hàng trời thuyết; pháp môn Hoa Nghiêm đa số là thuyết ở trên trời, các Bồ-tát ở phương khác đến vô cùng đông đảo, nên có thêm nhiều Bồ-tát thuộc hàng trời như Dạ-xoa, Long vương, v.v. Nội dung của loại kinh điển này đã có đầy ắp tín ngưỡng và truyền thuyết, cảnh giới nội tâm thiền quán. ‘Bát chúng tụng’ của Tạp A-hàm thuộc Phật giáo Nguyên thỉ, cũng có Phạm thiên, Đế Thích, Dạ-xoa, v.v., thuyết pháp. Kinh Xà-ni-sa của Trường A-hàm, kinh Đại hội, kinh A-trá-nẵng-chi (Āṭānāṭiya-suttaṃ), v.v., đề cập đến quỉ thần, thì càng nhiều quỉ thần đến tham gia pháp hội, đây là ‘thế gian tất-đàn’, là phương tiện nhằm thích ứng với bình dân Ấn-độ. Sự Đại thừa hóa theo tín ngưỡng và truyền thuyết, trời (thần) mà là đại Bồ-tát, hoặc biểu thị cảnh giới cao siêu, sâu xa – siêu việt khỏi Thanh văn, hoặc biểu thị phương tiện thiện xảo của đại Bồ-tát. Đây là lý tưởng và tín ngưỡng của các hành giả Đại thừa lúc bấy giờ, nên không phải là Đại thừa sơ kỳ tại Ấn-độ, không phải là hình tượng của người hoằng truyền và người biên tập. Nhưng phương tiện hóa độ của đại Bồ-tát trong lý tưởng, trong tín ngưỡng đã đột phá Phật giáo Thanh văn, đặc biệt là thái độ nghiêm cẩn của Tăng-già xuất gia, không thể trở thành phương tiện độ sanh. Loại lý luận và tín ngưỡng này, trong thời đại Đại thừa sơ kỳ, không thể có ý nghĩa hiện thực quá nhiều, nhưng không ngừng ảnh hưởng, khiến cho Phật giáo thời vị lai hướng đến một hình thái mới – Đại thừa Mật giáo. Bỏ qua những lý tưởng, tín ngưỡng và truyền thuyết này thì có thể phản ánh tình hình thật tế của Đại thừa sơ kỳ, như nói Bồ-tát hành, Bồ-tát mới phát tâm cần tu học như thế nào, dùng thân phận như thế nào để tu học. Trong kinh Đại thừa sơ kỳ nói đến Bổn sanh của Phật và Bồ-tát rất nhiều, nói đến sự ban đầu phát tâm như thế nào, tu hành như thế nào. Điều này tuy biểu hiện thành quá khứ xa xôi, nhưng là sự thật ở nhân gian, từ quan điểm ‘đạo của các chư Phật đều giống nhau’, hẳn là ít nhiều đã phản ánh tình hình Bồ-tát hành thời kỳ đầu của Đại thừa tại Ấn-độ. Như nói đến tình hình của giới Phật giáo sau khi Phật diệt độ 500 năm, điều này tuy biểu hiện thành sự kiện vị lai, nhưng kỳ thật chính là đã phản ánh tình hình thật tế của giới Phật giáo đương thời – những việc từng phát sanh giữa Thanh văn và Bồ-tát, Bồ-tát với Bồ-tát. Tôi cho rằng, sẽ đủ để phản ánh tình hình thật tế thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa tại Ấn-độ, trình bày sự phân tích rồi so sánh thêm, không chỉ có thể lý giải được tình hình thật tế của Phật giáo Đại thừa, mà còn thấy rõ những đặc tánh bất đồng tồn tại trong nội bộ Phật giáo Đại thừa, tánh đa dạng của Phật giáo Đại thừa sơ kỳ; tổng hợp lại để giải thích tình hình hoạt động tồn tại chân thật vào thời kỳ đầu của Đại thừa ở Ấn-độ.