Tìm hiểu về tư tưởng thi ca của Huyền Quang



TÌM HIỂU VỀ TƯ TƯỞNG THI CA CỦA HUYỀN QUANG

A.  DẪN NHẬP

Trong lịch sử Thiền tông Việt nam, thiền phái Trúc Lâm là Thiền phái cột mốc, đánh dấu sự độc lập về tư tưởng Thiền tông của Việt Nam, đó là Thiền tông đã được ‘Việt Nam hóa’. Ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm đều là những vị có những án văn chương viết về Thiền tông Phật giáo trác tuyệt, thể hiện sự dùng ngôn ngữ để làm phương tiện đưa đạo giác ngộ đến quần chúng. Nếu như Tổ thứ nhất và thứ hai của dòng Thiền này đã để lại một số tác phẩm nghị luận về Thiền và con đường tu tập, thì Tam tổ Huyền Quang là vị có tài đặc biệt và chuyên về thi thiền.
Tìm lại lịch sử của Huyền Quang, chúng ta không thấy nhiều tư liệu viết về những đoạn đối đáp giữa Ngài với Sơ tổ, nên khó xác định được Ngài ngộ đạo trong trường hợp nào, và đường lối thiền của Ngài có gì đặc biệt khác với hai vị Tổ kia. Nhưng với những thi ca còn lại, cũng cho phép chúng ta hiểu được một phần nào về tư tưởng của Ngài. Do đó, để tìm hiểu về những khía cạnh khác nhau về cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang, người viết chọn đề tài: “Tìm hiểu về tư tưởng thi ca của Huyền Quang.”
Trong số khoảng 23 bài thơ còn lại của Huyền Quang, thì có một bài thuộc thể cổ phong, một bài phú, còn lại làm theo thể Đường luật. Nhưng như tên của đề tài, và giới hạn của số trang, người viết chỉ tìm hiểu về ‘tư tưởng’ của Huyền Quang qua những bài thơ, chứ không đi sâu về hình thức nghệ thuật và tính thẩm mỹ của thơ, mặc dù chính hai mặt ấy làm nên giá trị của thi ca. Bởi lẽ thi ca của Huyền Quang mang đậm tính Thiền, lấy Thiền làm nội dung chủ đạo của toàn bộ các tác phẩm, do đó, chính khía cạnh tư tưởng đã làm nổi bật và tăng thêm giá trị của thơ, tạo nên nét độc lập của riêng Huyền Quang.
Để thực hiện đề tài này, người viết chọn phương pháp phân tích nội dung, nhằm làm sáng tỏ tư tưởng của tác giả của nó. Phân tích nội dung đòi hỏi người phân tích phải đặt mình vào trong bối cảnh sáng tác và hệ tư tưởng mà tác giả đang theo đuổi hay vận dụng. Muốn làm được điều này, lẽ cố nhiên là chúng ta phải nắm được cuộc đời của tác giả, đồng thời phải nắm bắt được hệ tư tưởng thiền Trúc lâm. Chính ‘văn là người’ nên chúng ta phải tiếp cận từ các phương diện khác nhau về đời sống thường nhật và cả đời sống tâm linh của Huyền Quang, thì mới hi vọng là hiểu được khái quát về phần nào toàn bộ tư tưởng của Ngài.


B.  NỘI DUNG

1.    Sơ lược về cuộc đời tổ Huyền Quang

Thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334), tục danh là Lý Đạo Tái, sanh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ là Huệ Tổ dòng dõi quan liêu, nhưng đến đời ông thì không thích công danh, chỉ ưa ngao du sơn thủy. Tuy có công dẹp giặc Chiêm Thành, mà ông không nhận chức quan. Thân mẫu họ Lê là người hiền đức.
            Niên hiệu Bảo Phù thứ 2 (1274), đời vua Trần Thánh Tông, Sư thi đỗ Tiến sĩ (Trạng nguyên), lúc ấy được hai mươi mốt tuổi. Cha mẹ tuy đã định hôn cho Sư, nhưng chưa cưới. Sau khi thi đậu, nhà vua gả Công chúa cho, Sư vẫn từ chối.
Sư được bổ làm quan ở Hàn lâm viện và phụng mạng tiếp đón sứ Trung Hoa. Văn chương ngôn ngữ của Sư vượt hơn sứ Trung Hoa, khiến họ phải nể phục.
Một hôm, Sư theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phụng Nhãn nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, Sư chợt tỉnh ngộ. Sư mấy phen dâng biểu xin từ chức để xuất gia tu hành. Chính nhà vua rất mến trọng Phật giáo, nên sau cùng mới cho. Đến niên hiệu Hưng Long thứ 13 (1305), Sư xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm Thị giả Điều Ngự, được pháp hiệu là Huyền Quang.
Niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309), Sư theo hầu Pháp Loa y theo lời phó chúc của Điều Ngự. Sư vâng lệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Do Sư đa văn bác học, tinh thâm đạo lý, nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người.
Sư thường phụng chiếu đi giảng kinh dạy các nơi và tuyển Chư phẩm Kinh, Công văn v.v… Những khoa giáo trong nhà thiền mỗi mỗi đều phải qua tay Sư cả.
Ngày rằm tháng giêng năm Quí Sửu (1313) vua Anh Tông mời về kinh ở chùa Báo Ân giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, Sư dâng chiếu xin về quê thăm viếng cha mẹ. Nhân đây, lập ngôi chùa phía tây nhà Sư để hiệu là chùa Đại Bi.
Năm Đại Khánh thứ tư (1317), Sư được Pháp Loa truyền y của Điều Ngự và tâm kệ.
Năm 1330, khi Tổ Pháp Loa tịch, Thiền sư Huyền Quang kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, bấy giờ Ngài đã bảy mươi bảy tuổi. Tuy nhận trọng trách lãnh đạo Giáo hội, song vì già yếu nên Ngài ủy thác mọi việc cho Quốc sư An Tâm, trở về trụ trì ở Côn Sơn.
Sư trụ trì ở Thanh Mai Sơn sáu năm. Kế sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng. Đến ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334) Sư viên tịch tại Côn Sơn, thọ tám mươi tuổi.
Vua Trần Minh Tông phong thụy là Trúc Lâm ThiỀn Sư ĐỆ Tam ĐẠi, đặc phong TỪ Pháp HuyỀn Quang Tôn GiẢ.
Những tác phẩm của Sư:
- Ngọc tiên tập
- Chư phẩm kinh
- Công văn tập
- Phổ Tuệ Ngữ Lục[1]
            Như vậy, qua phần sơ lược tiểu sử của ngài, chúng ta thấy ngài đã có sẵn túc duyên với Phật pháp đã từ lâu. Chính ý thức được sự không bền vững của vinh hoa phú quí, cái mỏng manh của đời sống của con người mà ngài đã xuất gia. Ngài thông suốt tinh thần của cả giáo và thiền tông, do đó có thể dùng kinh để soi rõ tâm tánh và giáo hóa đồ chúng, dùng thiền để làm phương tiện đi đến mục tiêu ngộ được chân tâm.

2.    Tìm hiểu tư tưởng thi ca của Huyền Quang

1.1.           Chủ thể của thơ Huyền Quang

1.1.1.     Huyền Quang với tinh thần Nho sĩ

Nói đến chủ thể của thơ Huyền Quang là chúng ta đề cập đến quyền tác giả của các thi phẩm ấy. Lẽ cố nhiên là những thi phẩm ấy là của chính tác giả ấy, nhưng cuộc đời của tác giả là sự phản ánh sinh động qua thi phẩm của chính tác giả, do vậy muốn tiếp cận tinh thần thi ca của tác giả thì trước hết tìm hiểu về chủ thể đã tạo nên chúng. Nói về Huyền Quang thì chúng ta có thể từ hai khía cạnh để tiếp cận với Ngài, đó là qua vị thế của một danh sĩ và tư thái của một thiền sư ngộ đạo.
Với vị thế của một danh sĩ thì Ngài là người thông suốt những tri thức có thể được tiếp cận lúc bấy giờ, đó là nội dung giáo dục mang đậm chất Nho học. Có thể khẳng định như vậy là vì thời Trần, tinh thần Nho học vẫn được khuyến khích phát triển song song với Phật giáo, và Nho học là cái học nhằm để ‘an bang tế thế’, tất nhiên là bên cạnh đó vẫn có cảnh giới tinh thần riêng, đặc trưng của Nho gia.
Huyền Quang từng là một Trạng nguyên thì hẳn Ngài phải là người thông suốt cả tinh hoa của Tứ thư, Ngũ kinh, v.v., và một tài năng không thể thiếu, đó là văn chương. Chính văn chương của Ngài đã giúp Ngài thành công trên đường công danh, và hơn thế nữa, đã để lại cho đời những án thơ trác tuyệt. Có thể nói, chỉ từ khía cạnh này cũng đủ thấy Ngài có một vị trí riêng trong nền thi ca nước nhà.
Vì không thích chốn quan trường mà có thị hiếu ngao du sơn thủy đã huân đúc cho Ngài một tinh thần thanh bạch, không vướng bận bởi công danh, quyền tước. Thậm chí, dù có được trở thành một người thuộc hàng thân quyến của vua chúa nhưng Ngài đã từ chối. Có thể nói, ngay từ lúc chưa tiếp cận Phật giáo, thì Huyền Quang cũng đã hình thành riêng một lối sống theo lý tưởng của riêng mình, đó cũng được xem như là sự giải thoát và tự do.
Giải thoát chính là thoát khỏi được sự đoanh vây của danh lợi, sự cạnh tranh khốc liệt và đôi khi bỉ ổi của chốn quan trường, cũng như giải thoát khỏi sự ràng buộc và ưu phiền từ gia đình, vợ con, tôi tớ, v.v. Nói như thế không phải là Huyền Quang chối bỏ trách vụ của một công dân nước Việt, chứng cứ là Ngài vẫn sẵn sàng làm quan ở Hàn lâm viện rồi tiếp sứ giả đến từ Trung Hoa. Còn tự do của Ngài chính là quyền được sống thực với chính mình, chính sự giải thoát như đã nói trên đã đưa đến tự do cho riêng Ngài. Làm người ai cũng thích tự do, nhưng ít ai dám từ bỏ quyền lợi để đạt đến tự do, mà Huyền Quang là một trong những số ít đó.
Cuộc sống của một con người thông tục thì quanh quẩn trong hai từ lợi dưỡng và ái tình. Chính lợi dưỡng đưa con người đến chỗ đấu tranh sinh tồn, kẻ thắng thì kiêu ngạo, kẻ thua thì hận thù tím tâm can, nhất là chốn quan trường thì sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn nữa, đúng như Nguyễn Công Trứ đã nói: “Ra trường danh lợi vinh liền nhục. Vào cuộc trần ai khóc trước cười” (Con đường làm quan).[2] Chính thế nên đối với tinh thần Nho gia là phải biết đủ, biết dừng lại đúng lúc thì mới có được sự giải thoát, cũng theo Nguyễn Công Trứ đã nói: “Biết đủ tức là đủ; đợi đủ biết bao giờ đủ. Biết nhàn tức là nhàn; đợi nhàn biết bao giờ nhàn” (Chữ Nhàn).[3]
Và ái tình làm cho con người trở nên ích kỷ, hèn mọn trong lối sống, ràng buộc trong tinh thần. Huyền Quang ngay từ thời trẻ đã thoát được sự ràng buộc ấy, làm một con người dám sống như chính mình, dám từ bỏ để được sống với chính con người thật của mình, âu đó cũng là bước tiền đề để đi đến tự do trong bối cảnh của xã hội cuồng say trong danh lợi và ái luyến.
Như vậy, Huyền Quang trước khi xuất gia là một Huyền Quang của một Nho sĩ chân chánh. Đó là một con người dám xem nhẹ công danh để được sống thật với chính mình. Chỉ cần từ một khía cạnh này thôi, thì chúng ta cũng đủ thấy được sự đáng trân trọng về tinh thần đạo đức của con người Huyền Quang. Chính xuất phát từ một con người như thế, được dung dưỡng trong bầu không khí của sự phóng xuất khỏi danh lợi, nên khi được tiếp cận với Phật giáo, Ngài đã nhanh chóng hòa nhập và đi đến được mục tiêu cao viễn của Phật giáo nói chung và Thiền tông Việt Nam nói riêng.

1.1.2.     Tư thái của bậc xuất trần

Tư thái của bậc xuất trần theo Phật giáo đó là người không còn bị vướng bận bởi các đối tượng ngoại cảnh, về tướng chung cũng như tướng riêng của mọi pháp. Trong tâm thức cũng không còn chứa chấp mọi tâm hành bất hảo có tiềm lực đưa đến các tư duy cũng như hành động bất thiện. Với Thiền tông thì phải ‘minh tâm kiến tánh’, thấy được ‘bản lai diện mục’, làm chủ sanh tử của mình.
Ngay trong lần đầu tiên khi nghe được Phật pháp qua lời giảng của Pháp Loa, Huyền Quang đã có bộc phát sự cảm khái qua lời tự than: “Làm quan được lên đảo Bồng, đắc đạo thì đến Phổ Đà, đảo trên nhân gian là bậc tiên, cảnh giới tây thiên là cõi Phật. Sự giàu sang phú quí như lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên mến luyến!”[4]
Đây là lợi tự cảm của một người mới lần đầu tiếp xúc với tư tưởng Phật giáo, dù có đôi chút ngộ nhận là ‘đắc đạo thì đến Phổ Đà’ nhưng cũng đã cho thấy được túc duyên đã sẵn có trong tâm của Huyền Quang rất nùng hậu. Vì nghe được giáo lý thâm viễn của Phật giáo nên Ngài đã nhận thấy ngay tính chất không bền chặt của vinh hoa phú quí, dù trước đó thái độ này đã được Ngài hun đúc với cung cách của một Nho sĩ chân chánh. Từ đó Huyền Quang quyết chí xuất gia, làm đệ tử của Thiền sư Bảo Phác và theo hầu Trúc Lâm Đại đầu đà. Và trước lúc viên tịch, Sơ tổ Trúc lâm đã căn dặn Huyền Quang phụ tá cho công cuộc hoằng pháp của Pháp Loa. Trước lúc Pháp Loa thị tịch cũng đã giao trách nhiệm kế thừa Tổ nghiệp cho Ngài. Qua đó chúng ta thấy rằng, Huyền Quang đã trực nhập được lý thiền rất sâu xa, xứng đáng được giao trọng trách kế thừa Thiền phái Trúc lâm, điều này hẳn đã qua sự kiểm chứng của Trúc lâm Đại đầu đà và Pháp Loa rồi, rất tiếc là chúng ta không có được tài liệu nào ghi chép lời vấn đáp nào của Sơ tổ Trúc lâm với Huyền Quang, cũng như lời Ngài dạy cho các đệ tử và bài kệ thị tịch nào. Dẫu vậy, qua các bài thơ còn sót lại của Ngài, chúng ta cũng còn có cơ hội để hiểu về tinh thần cũng như mức độ nhận thức lý thiền của Ngài.
Ngoài khả năng về Thiền học, Huyền Quang còn là một người thông thạo kinh điển và với thực tài về ngôn ngữ văn chương Hán học, Ngài đã đảm nhiệm công việc biên soạn sách giáo khoa Phật học và thảo công văn cho các nghi lễ Phật giáo, ngôn từ và văn phạm đã đạt đến độ chuẩn xác cao, như lợi nhận xét của Sơ tổ Trúc lâm sau khi xem sách Thích Khoa giáo do Ngài soạn: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa.”[5]
Như vậy, Huyền Quang với biệt tài về văn chương, một tâm hồn thi sĩ và một người ngộ Thiền đã có những áng thi ca tuyệt tác, thể hiện đậm chất thiền và tâm hồn siêu xuất mọi trói buộc của ngoại duyên.
Một tác phẩm văn chương là một sản phẩm tinh thần của tác giả tạo ra nó, do đó, nó phản ánh tâm trạng, suy nghĩ, tư tưởng của tác giả. Trong một hoàn cảnh cụ thể hay tâm trạng hiện hành của tác giả nên tác phẩm họ tạo ra hẳn nhiên là sự phản ánh sinh động cho những tư tưởng đó của chính họ. Mà những tư tưởng hay những điều tác giả đang suy nghiệm đó cũng chính là điều đang hiện hữu trong tâm thức của tác giả đó, nên có thể khẳng định tư tưởng và sản phẩm của chính tư tưởng đó cũng là bản thân chính tác giả. Có những thi sĩ dùng ngôn ngữ thi từ để diễn tả trực tiếp về chính con người hay tư tưởng của mình, bên cạnh đó, một số thi sĩ thì không đề cập đến ‘cái tôi’ như là chủ thể hiện diện trực tiếp trong thi phẩm, mà thông qua diễn tả những đối tượng khách quan nhằm gián tiếp bày tỏ tâm trạng của chính mình; hoặc có những tác giả chỉ thuần diễn tả vẻ đẹp hay hiện trạng của một cảnh quan mà không có ‘cái tình’ của mình ở trong đó. Tuy vậy, dù có nói đến cái ‘tôi’ hay không, thì chủ thể - tác giả - ‘tôi’ vẫn là đóng vai trò làm chủ - kẻ tạo tác ra các thi phẩm ấy.
Huyền Quang là một thiền sư, đồng thời cũng là một thi sĩ, vậy nên tư tưởng thi ca của Ngài cũng mang đậm dấu ấn của tư tưởng thiền – tư tưởng giác ngộ. Với những bài thơ còn sót lại của Ngài, chúng ta thấy đa số những bài thơ ấy đều diễn tả cảnh thiên nhiên nhưng lại mạng đậm tính trữ tình, hay nói khác hơn là thông qua những bài thơ ấy, Ngài đã gián tiếp trải bày tâm trạng của mình. Do vậy, ‘cái tôi’ chủ thể không biểu lộ trực tiếp nhiều, mà qua kết cấu của thi từ, cọng với sự trực nhận sâu sắc về nội dung của những bài thơ, người đọc mới nhận ra những tâm sự của tác giả.
Con người là một hữu thể trong thiên nhiên và vũ trụ nhưng con người là một hữu thể đặc biệt. Bởi lẽ con người có khả năng nhận thức và biểu cảm ở mức độ cao mà các sinh vật khác không thể có được. Tuy vậy, con người cũng chỉ quá nhỏ bé so với cái vĩ đại và vô cùng của vũ trụ vẫn hằng vận động mãi mãi theo qui luật của riêng nó, do đó sự sanh diệt của con người cũng chỉ là nằm trong sự vận động chung ấy.
Con người có cảm xúc và có thể biểu hiện nó theo hình thức cụ thể và khả dĩ nhất. Đứng trước sự biến động của thiên nhiên, nằm trong vòng vận hóa của xã hội, lẽ tất nhiên con người hẳn phải có những nhận định, cảm xúc, bên cạnh đó, quan hệ giữa người với người – mối quan hệ có tình cảm. Tình cảm của con người không nằm ngoài các tình chất hờn, giận, yêu, ghét, v.v. Khi được thương yêu người ta thấy hạnh phúc, khi bị ghét bỏ con người cảm thấy đau khổ, đó là một quy luật tất yếu. Nhưng phải chăng không ai có thể thoát các qui luật thông tục ấy? Câu trả lời là không phải vậy, con người hoàn toàn có khả năng thoát ra khỏi sự chi phối của hạnh phúc và khổ đau. Điều ấy chỉ diễn ra khi nào? Khi con người hoàn toàn khống chế được cảm xúc theo bản năng của mình, nghĩa là thoát khỏi sự chi phối của các thứ tình cảm yêu, ghét, v.v. – nguyên nhân đưa đến đau khổ. Dù rằng hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn có được, nhưng hạnh phúc không phải là thứ tồn tại vĩnh viễn, bởi nó tùy thuộc vào cảm xúc của chủ thể của nó, mà chủ thể của tình cảm là con người lại luôn luôn thay đổi theo tùy hoàn cảnh, thời gian và đối tượng.
Khi có cảm xúc, con người có thể biểu hiện nó ra bằng cách này hay cách khác, đối với thi sĩ, thơ là công cụ thể hiện cảm xúc và là sản phẩm trực tiếp của của thi sĩ. Thế nên qua những ngôn từ, kết cấu và nội dung của bài thơ, người đọc sẽ có được cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về chủ thể của các bài thơ đó. Đối với những người thông tục, dù những thi ca họ làm ra có đạt đến độ toàn vẹn của thẩm mỹ, đỉnh cao của độ lột tả tâm trạng, tình cảm, thì chúng vẫn không thoát ra vòng kiềm tỏa của những thứ tình cảm phổ biến của con người, đó là thương, ghét, sầu, hận, v.v.
Huyền Quang là một thiền sư nên những thi phẩm của Ngài dù được xuất phát từ những rung cảm của tâm hồn nhưng nó không có vẻ gì là những sản phẩm được làm ra từ những thứ tình cảm thông tục, mà là những xúc cảm không hề bị chỉ phối bởi những thứ ấy. Đây là đặc điểm chung của những thi phẩm được làm ra bởi những thi nhân là vốn là thiền sư. Do đó, dù được biểu hiện gián tiếp qua thi từ thì ‘cái tôi trữ tình’ của thơ Huyền Quang là một chủ thể đã thoát ra khỏi những tình cảm thông thường, mà là những cung bậc cảm xúc không bị chi phối và nhốm màu bi thống của kiếp nhân sinh. Nhưng điều ấy không có nghĩa là con người trong thơ Huyền Quang chỉ là con người siêu tưởng, hay là con người đặc biệt vượt quá khả năng ‘trở thành’ của con người, mà nó vẫn là con người hiện thực giữa trần gian đầy bi lụy nhưng con người ấy không bi lụy. Con người ấy vẫn ‘dành mắt’ để quan sát hiện thực xã hội mà sự tồn tại của nó cũng song hành với vô cùng những cuộc tranh chấp, hãm hại, v.v., lẫn nhau để thỏa mãn dục vọng và khát vọng sinh tồn.
Thế nên, dù vẫn là một con người đang tồn tại trong xã hội nhưng đó là con người siêu thoát, thể hiện tính thuần khiết của tâm hồn, mà khi đọc thơ của Ngài, người đọc cảm thấy sự thanh thoát, nhẹ nhàng, con người vẫn là con người trước đây, nhưng sau khi cảm nhận được tư tưởng trong thơ, người ta hẳn sẽ hòa nhập vào cảnh giới siêu tục như chính tác giả của chúng vậy!

1.3.1.     Hoa cúc

Mỗi người có một thị hiếu riêng biệt không ai giống ai, cùng đứng trước một đối tượng nhưng mỗi người cảm nhận mỗi khác, điều khác biệt ấy có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Điểm khác biệt cơ bản có thể dễ nhận thấy, đó là tùy theo tâm hồn với những cung bậc cảm xúc khác nhau mà con người khác nhau có thể yêu thích hay ghét bỏ khi cùng đối diện với cùng một đối tượng. Người này thích tụ tập vui chơi cùng bạn bè, thích hòa mình trong những cuộc vui bất tận; có những người thích không gian an tĩnh, hòa hợp với thiên nhiên; có người thích hoa, có người thích cảnh vật chung chung, dẫu vậy, tuy cùng thích một đối tượng nhưng cũng không ai cảm nhận và yêu thích cùng một kiểu giống nhau.
Với hoa cúc, nó cũng được các bậc ‘tao nhân mặc khách’ ưa chuộng, không những chỉ vì vẻ đẹp thanh tao, mà chính cái cốt cách chịu đựng của nó, như Vi Ứng Vật đã ca ngợi:
霜露悴百草,
時菊獨妍華。
物性有如此,
寒暑其奈何
(《效陶彭澤》韋應物 )
Sương lộ làm rơi hết trăm loài hoa
Bấy giờ chỉ còn mình hoa cúc thắm tươi
Tánh chất của sự vật là như thế
(Dù) lạnh nóng, nó vẫn chịu đựng…
(Hiệu Đào Bành Trạch, Vi Ứng Vật)[6]
Hoa cúc nở vào mùa thu, trong khi những loài hoa khác đều nở vào mùa xuân hay hạ, đến thu thì chúng đã rơi rụng tất cả, chỉ còn hoa cúc vẫn nở và khoe sắc, mặc cho thời tiết có khắc nghiệt. Vì thế nên các bậc ẩn sĩ thời xưa của Trung Quốc hay Việt Nam ta cũng đều ưa thích trồng cúc quanh nhà mình, nhằm vui với ‘cảnh điền viên’ sau khi từ bỏ mọi công danh. Ở Trung quốc, hình tượng hoa cúc xuất hiện nhiều trong thi ca, hầu hết nó xuất hiện trong tư thế như là người bạn tri kỉ chia xẻ những tâm sự của tác giả, như Đào Uyên Minh đã tâm sự:
問君何能爾,
心遠地自偏。
采菊東籬下,
悠然見南山
《飲酒之五》陶潛
Hỏi: Sao anh có thể làm được như vậy
(Đáp) (Vì) Tâm cao xa thì đất [đời sống] cũng tự cao xa
Hoa cúc đẹp ở dậu phía đông
Thảnh thơi ngắm núi nam…
(Ẩm tửu 5, Đào Tiềm)[7]
Đối với thi nhân, hoa cúc dường như cũng cảm được tâm trạng, nỗi ưu hoài của con người nên đôi khi không khoe sắc thắm, mà không nở để như chia sớt nỗi đau của con người, như Đỗ Phủ đã diễn tả:
重陽獨酌杯中酒,
抱病起登江上臺。
竹葉於人既無分,
菊花從此不須開
(九日五首》杜甫)
Tiết trùng dương, một mình ta uống rượu
Vẫn còn bệnh (nhưng) dậy trèo lên cái đài trên sông
Lá trúc đối với người đã không có liên quan gì
Hoa cúc theo đó (cũng) không nở hoa
(Cửu nhật, ngũ thủ, Đỗ Phủ)[8]
Hoa cúc không chỉ chia sớt nỗi buồn của kẻ cô độc hay cô đơn, mà nó còn là đối tượng cho những người tao nhã mời bạn bè cùng thưởng ngoạn trong những lúc vui sum vầy, như lời của Mạnh Hạo Nhiên:
待到重陽日,
還來就菊花
(《過故人莊》孟浩然 )
Hẹn đến ngày trùng dương
Trở lại (vui với) hoa cúc vừa nở
(Quá cố nhân trang, Mạnh Hạo Nhiên)[9]
Ở Việt Nam, các thi nhân thời xưa cũng có sở thích hoa cúc và xem nó như người bạn để giãi bày tâm sự, và lấy việc trồng và chăm sóc hoa làm thú tiêu khiển trong những ngày được tạm nghỉ những công việc triều chính, chẳng hạn như Trương Hán Siêu có 4 bài vịnh về hoa cúc, trong ấy bài 1 có nói về thú vui này của ông:
雨餘開圃移根種,
霜後巡籬摘蕊收。
莫道幽山閒懶散,
一年忙處是深秋。
(菊花百詠其一張漢超)
Mưa tạnh ra vườn tỉa gốc trồng,
Sương gieo, quanh giậu lượm từng bông.
Chớ rằng nhàn ẩn nên lười nhác,
Bận rộn khi ngày sắp tới đông.
(Vịnh hoa cúc, bài 1, Trương Hán Siêu)[10]
Trong những lúc ở ẩn, không phải là chỉ hưởng thụ bằng cách ngủ nghỉ, mà lấy việc trồng hoa cúc làm công việc chính. Sau khi hoa nở thì hái từng bông vào chưng hoặc ủ trà uống. Đó là thú vui tao nhã, dẫu vậy, thú vui hoa cúc cũng tốn rất nhiều công phu, từ việc xới đất, trồng, chăm sóc và hái hoa, nên ở ẩn nhưng vẫn bận rộn với thú vui ấy. Trương Hán Siêu không chỉ trồng hoa cúc nhằm làm đẹp cho khu vườn, bờ dậu hay chưng nó vào bình cho đẹp không gian phòng ốc, mà xa hơn và thâm thiết hơn, đó là ông xem nó như là người bạn tri kỷ, chia sớt nỗi quạnh hiu của tuổi già:
一秋多雨又多風,
豈意秋花尚滿叢。
應是天工憐冷落,
故留寒蕊伴衰翁。
(菊花百詠其二張漢超)
Trời thu lắm gió lại nhiều mưa,
Khóm trĩu hoa thu thật chẳng ngờ.
Tạo hoá, phải chăng thường quanh vẳng,
Dành bông hoa lạnh bạn già nua.
(Vịnh hoa cúc, bài 2, Trương Hán Siêu)[11]
Chính do yêu hoa cúc như vậy, cho nên khi đi làm quan ở nơi xa, mỗi khi nhớ về quê cũ, điều ông nhớ nhất vẫn là hoa cúc:
重陽時節今朝是,
故國黃花開未開。
(菊花百詠其三張漢超)
Sớm nay vừa tiết trùng dương,
Chẳng hay quê cũ hoa vàng nở chưa?
(Vịnh hoa cúc, bài 3, Trương Hán Siêu)[12]
Hình tượng hoa cúc không chỉ hiện hữu trong thi ca, mà nó còn được đề cập đến trong thiền ngữ, như trong Chỉ nguyệt lục có dẫn:
“Tam huyền và tam yếu khó mà hiểu rõ được, (nếu) nắm được ý, quên được lời thì dễ gần đạo; một cú mà rõ ràng được muôn sự ấy, thì ngày mồng chín nhằm tiết Trùng dương hoa cúc lại nở tươi.”[13]
Nếu như Phật hoàng Trần Nhân tôn có niềm yêu thích đối với mùa xuân và hoa mai, bằng chứng là Ngài có nhiều bài thơ về chủ đề này, thì Huyền Quang, qua những bài thơ hiện tồn, ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, hoa cúc là một loài hoa mà Ngài dành cho chúng nhiều tình cảm đặc biệt, và Ngài có một loạt sáu bài thơ lấy hoa cúc làm đối tượng cảm xúc. Và hoa cúc cũng là phương tiện để qua đó, gián tiếp hiện bày ‘sở đắc’ của Ngài đối với vấn đề cần đề cập. Ở đây chúng ta sẽ điểm qua một vài bài để thấy điều đó.
Mỗi người đều có sở thích riêng, nên đối tượng của sở thích ấy cũng khác biệt, đó là sự tự do của cá nhân. Có người yêu mai, có người yêu lan, riêng Huyền Quang thì chỉ độc thích hoa cúc:
松聲蔣詡先生徑,
梅景西湖處士家。
義氣不同難苟合,
故圓隨處吐黃花。
菊花其一
Ngõ nhà Tưởng Hủ thông reo
Tây hồ mai thắm dập dìu hương đưa.
Mỗi người một thú riêng ưa,
Tình ta vẫn cúc vườn xưa nở vàng
(Hoa cúc, bài 1)[14]
‘Nghĩa khí’ được hiểu như tính cách của một cá nhân nào đó, nó còn chỉ cho sở thích riêng, như ông Tường Hủ thích tùng, hay xử sĩ Tây hồ thì thích mai. Tường Hủ thì trồng thông làm hai lối để dành riêng cho hai người bạn tri kỷ của mình nhưng qua đó cũng cho thấy tính cách phân biện ‘thân sơ’ của ông này. Xử sĩ Tây hồ thì bỏ chức quan, chọn lối sống khắp chốn ‘hải hồ’ và có niềm yêu thích đặc biệt với hoa mai. Cả hai người ấy đều có những nỗi niềm riêng. Huyền Quang cho rằng vì sở thích và tính khí khác nhau nên khó mà hợp với nhau, nhưng hoa cúc thì dù ở đâu, dù cho người trồng ra ai, nhằm mục đích gì, thì nó vẫn ‘tùy xứ’ trổ ra những bông hoa vàng đúng thời tiết. Có lẽ ở đây Ngài nhắm đến tính cách bình đẳng của không chỉ hoa cúc mà còn là của muôn sự muôn vật, đó là cái nhìn mà chỉ có những người có trí tuệ sắc sảo, hay những người thâm nhập giáo điển của Phật giáo mới có được.
Mọi sự vật tồn tại theo quy luật của riêng nó, mọi diễn biến của nó cũng chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh từ thời tiết, con người hay các sự vật khác. Đó là mối liên quan cọng tồn của vạn pháp, tuy vậy, thiên nhiên vận hành, thực vật vẫn sinh sôi nảy nở theo sự vận hành ấy, thế nhưng con người luôn bắt buộc thiên nhiên phải phục vụ cho riêng mình, cho mục đích cá nhân của mình, đó là lối suy nghĩ và hành động trái với qui luật tự nhiên. Mùa hạ sen nở rộ, mùa thu cúc trổ vàng, chúng không nở vì người yêu thích chúng hay không nở vì có người ghét chúng, đơn giản là trong những điều kiện cho sự sinh trưởng được đầy đủ và thời tiết phù hợp thì chúng trổ hoa.
Đối với Huyền Quang thì hoa cúc có những điểm còn đẹp đẽ hơn hoa mai, bởi vì trong những lúc ở trong khung cảnh vắng vẻ, lòng người đã cạn những ham muốn trần tục, khô héo đối với cảnh trần gian đầy tục lụy, thì chỉ có hoa cúc đáng trở thành người bạn tri kỷ thật sự.
大江無夢浣枯腸,
百詠梅花讓好粧。
老去愁秋吟未穩,
詩瓢實為菊花忙。
菊花其二
Không mong lấy nước sông lớn làm ướt lòng đã khô.
Trăm điều ngâm vịnh về hoa mai vẫn còn chưa hay bằng
Tuổi già buồn bởi thu mà ngâm nga chưa trọn
Túi thơ thật vì hoa cúc mà rộn ràng
(Hoa cúc, bài 2)[15]
Con người đến lúc tuổi già thì cơ thể đã mỏi mệt, tinh thần cũng suy giảm theo, bao nhiêu ước vọng theo kiểu tuổi trẻ đã không còn, công danh sự nghiệp cũng đã làm cho con người thấy ghê sợ, từ đó tâm hồn cũng đã khô cạn những ham muốn tầm thường. Cái tâm hồn ấy, nước muôn sông cũng không thể làm cho nó được tươi nhuận trở lại, bởi lẽ với tuổi đời bao nhiêu năm ấy cũng đủ khiến người ta nhận ra bản chất thật sự của công danh, v.v., là phù phiếm rồi.
Mỗi người có một sở thích và sở trường riêng, ngay cả tài năng về thi ca cũng vậy. Đối với Huyền Quang, vì yêu hoa cúc nhiều hơn nên sự ngâm vịnh về hoa mai không làm Ngài hứng thú nhiều. Dẫu rằng đã tuổi già, sự đời đã từng trải nhưng khi mùa thu đến vẫn mang lại cho người ta một nỗi sầu mang mác khó tả, những tưởng lòng đã cạn xúc cảm, nhưng khi hoa cúc nở lại làm cho lòng người như tươi nhuận, thi hứng bỗng bột phát nên khiến cho lòng rộn ràng hẳn lên.
Từ khi thôi chức quan, xuất gia theo Phật, Huyền Quang đã tiếp nhận được yếu chỉ của Thiền tông, do đó Ngài ở tại Yên Tử chuyên tâm tọa thiền. Việc tọa thiền là nhắm đến sự nhận thức được bản tánh của mình vốn không sanh không diệt, nhưng muốn đạt được điều ấy thì cần nhiều điều kiện. Trước hết là cần có một môi trường an tĩnh, không có sự khuấy nhiễu của thế sự, thứ nữa là thực tập tinh chuyên, ý niệm về ngã, ngã sở đều phá vỡ. Một khi không còn thấy có cái ‘ta’ thì cũng sẽ không còn thấy đối tượng của ta nữa, mà đối tượng, hoàn cảnh không còn thì thời gian cũng không tồn tại, chỉ còn sự vắng lặng trong tâm, chan hòa với thiên nhiên, không còn bị chi phối bởi hoàn cảnh xã hội, con người ấy đã phóng xuất mình ra khỏi trần lao:
忘身忘世已都忘,
坐久蕭然一榻涼。
歲晚山中無歷日,
菊花開處即重陽。
菊花其三
Sự đời quên cả chẳng lôi thôi
Chiếc chõng quanh năm bó gối ngồi
Ngày tháng chẳng còn sờ đến lịch
Thấy hoa cúc nở đoán thu rồi.
(Hoa cúc, bài 3)[16]
Mới thoạt đầu đọc qua bài thơ, ai cũng có thể cho rằng đây là thể hiện sự yếm thế của tác giả, bỏ quên chúng sanh, bỏ quên đời để trốn vào rừng sâu nhằm hưởng nhàn. Tuy nhiên, nếu nhìn lại tình hình đất nước, chúng ta hoàn toàn có thể thấy được sự hợp lý trong hành động của tác giả. Bởi lẽ, đất nước ta vào lúc ấy đã tương đối yên bình sau cuộc chống giặc Nguyên lần thứ 3, với bổn phận là con dân nước việt, đem tài năng của mình ra thi thố trong chốn quan trường để giúp sức cho bộ máy nhà nước phong kiến đã mấy mươi năm, thì xem như nhiệm vụ của Huyền Quang đã trọn vẹn. Vào lúc tuổi đã cao, nhu cầu hàm dưỡng tinh thần là rất cần thiết, do đó việc lánh vào chốn u tịch để tu hành có thể xem như là hành động phải lẽ, nên hoàn toàn không có ý niệm yếm thế trong tư tưởng của Huyền Quang.
Một sơn Tăng đã rũ bỏ những tranh đua và vướng bận của thế tục, một mình ẩn cư nơi núi rừng hoang vắng, dẫu thời gian không ngừng trôi qua, cảnh vật có đổi dời, song không thể làm cản trở gì cho người đang đắm mình trong nguồn an lạc của đạo giải thoát. Thế nên dù cho mùa thu đã đến, báo hiệu sắp đến mùa đông là cuối một năm, nhưng điều ấy cũng đâu có nghĩa lý gì, thì cũng không cần phải sắp lịch để ‘ngồi đếm thời gian.’ Như vậy, Huyền Quang trong lúc này là người ‘riêng một cõi’, đã siêu quá thời-không, bất chợt nhìn thấy hoa cúc nở mới hay rằng mùa thu đã đến.
Song hoa cúc cũng như bao loài hoa khác đều nở đúng vào một thời điểm nhất định trong năm, khi yếu tố thời tiết, dinh dưỡng, v.v., đã hội đủ, nhưng như thế không có nghĩa điều ấy là tầm thường. Có những người thấy hoa nở thì biết là hoa nở, thế thôi, nhưng đó là cái biết bàng quang, không cảm xúc nên không những hoa mà mọi thứ cảnh vật dẫu đẹp cũng sẽ hóa ra tầm thường. Đối với Huyền Quang, sự kiện hoa cúc nở ấy là một sự huyền nhiệm của đất trời ban tặng, con người phải biết quí trọng nó bằng tâm hồn thanh tao:
年年和露向秋開,
月淡風光愜寸懷。
堪笑不明花妙處,
滿頭隨到插歸來。
菊花其四
Năm năm nở đúng tiết thu qua
Gió dịu trăng thanh ý mặn mà
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về mái tóc giắt đầy hoa.
(Hoa cúc, bài 4)[17]
 Trong một khung cảnh có trăng, có hoa, có khí mát mẻ của mùa thu, đối với một người có tâm hồn dễ xúc cảm, thì đấy là khung cảnh thật ý vị, cảm xúc dễ dâng tràn. Nhưng khung cảnh ấy không phải đơn giản mà có được, nó là cả một quá trình vận hành của vũ trụ, mà để thưởng thức nó cũng không phải là ai cũng có cơ hội. Huyền Quang chê trách người đã có cơ hội ấy nhưng không biết thưởng thức vẻ đẹp tinh túy của hoa, mà chỉ hái chúng cài lên đầu nhằm làm trò vui cho kẻ khác.  
Những bài thơ trên là sự đánh dấu phút giây tao ngộ bất ngờ giữa người và cảnh, người ở chốn rừng hoang gặp hoa sống giữa thiên nhiên. Trong một khung cảnh khác, người ngồi tĩnh tọa trên lầu, dưới sân cúc nở, không gian trầm lắng, lúc ấy tâm và cảnh, người và hoa trở thành một, cái ‘một’ siêu việt thời gian và không gian:
花在中庭人在樓,
焚香獨坐似忘憂。
主人與物渾無競,
花向群方出一頭。
菊花其五 
Hoa ở giữa sân người trên lầu
Đốt hương ngồi lặng dứt lo âu
Chủ cùng muôn vật không chi khác
Hoa bỗng nở tung một đoá hường
(Hoa cúc, bài 5)[18]
Không gian với khói trầm lan tỏa, mọi thứ chìm trong yên lặng, người ngồi một mình không còn có một điều gì khiến phải bận lòng, bao nỗi sầu lo cho bản thân hay thế cuộc đều được rũ bỏ, chỉ còn lại người với hoa ‘vô cạnh’. Hoa tỏa về muôn hướng, dâng vẻ đẹp cho bất k người nào nhìn thấy nó, đó là sự vô phân biệt. Hoa không có phân biệt, với tâm bình đẳng dâng hết cả sắc hương, người cũng không phân biệt, quên hết mọi thứ, chỉ còn lại trực giác vô phân biệt, nên người và hoa trở thành dung nhiếp, hoa ở trong người và người ở trong hoa, là bất nhị. Hẳn nhiên là chỉ với những người có thiền định sâu mới có thể cảm nhận được khoảng trầm lặng ấy.
Huyền Quang cũng như một số nhà thơ yêu hoa cúc khác, đã nhận thấy tính chất bền bỉ của là cúc bám vào thân, mà hoa của nó cũng rất lâu tàn, dẫu khi héo úa, nó cũng vẫn còn lại trên thân mà không rơi rụng, cho nên nó tượng tôn xưng là ‘thọ hoa’. Đó là phẩm chất đặc biệt của hoa cúc mà các loài hoa khác, dù có sặc sỡ, thơm tho hơn nhưng không có được. Huyền Quang ca tụng hoa cúc cũng vì tính chất đặc biệt này:
春來黃白各芳菲
愛艷憐香亦似時
遍界繁華全墜地
後彫顏色屬東籬。
菊花其六
Hoa trắng, hoa vàng, cúc đón xuân,
Thương hương đắm sắc dạ bàn hoàn
Muôn hoa rực rỡ đều tàn cả
Riêng cúc chưa phai với sắc hương
(Hoa cúc, bài 6)[19]
Mùa xuân đến, muôn hoa đua sắc thắm, xanh có, vàng có, đỏ có, nhưng hoa nào torng số ấy cũng không còn tươi qua quá mùa xuân, có khi vài ngày chúng đã rơi rụng. Hương và sắc của hoa, khi phai tàn, dẫu để lại cho mọi người vẻ tiếc nuối, nhưng không gì có thể níu kéo, vì đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Khi các loài hoa khác đã rơi rụng hết, hoặc sang mùa khác thì chúng không nở nữa, chỉ còn lại hoa cúc lồng lộng trong trời mưa gió dâng hương sắc cho đời, một mình một cõi riêng.

1.3.2.     Hoa mai

Hình ảnh hoa mai nở rộ vào mùa xuân là một hình ảnh quen thuộc. Nó tô điểm và làm nên vẻ đẹp đặc trưng cho mùa xuân. Hoa mai cũng là đối tượng của thi ca – đối tượng của niềm xúc cảm. Trong nền văn học nước nhà đã có không ít những bài thơ lấy hoa mai làm đối tượng, điển hình nhất là bài Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác, đời nhà Lý:
春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。
(告疾示眾)
Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai
Có bệnh bảo mọi người[20]
Lý Duyên khởi của Phật giáo thể hiện trong bài thơ này thật rõ nét. Thiên nhiên vận hành theo chu k và vạn vật của theo đó mà chuyển biến. Mùa xuân được chọn làm điển hình về thời gian, và hoa mai là đặc trưng cho không gian của thời gian ấy. Hoa nở hay rụng là tùy thời tiết, sự đời thì luôn diễn biến theo những thay đổi của con người. Tất cả sự kiện, rồi vinh hoa phú quí, v.v., rồi cũng sẽ theo vô thường mà chuyển hóa, thái độ cố chấp luôn mang đến đau khổ. Cuộc đời người quá ngắn ngủi, thoáng chốc đã bạc đầu mà không ai hay, cứ mãi chạy đuổi theo danh lợi. Có mấy ai chợt tỉnh ngộ để thoát ra dòng xoáy ấy. Tất cả đều vô thường biến đổi, danh-lợi, được-mất rồi sẽ như áng mây bay qua bầu trời rồi tan biến. Tuy vậy, chúng sanh hữu tình ẫn còn bản tâm không có sanh diệt ẩn tang trong thân tứ đại vô thường này.
Với bài thơ trên, hoa mai không chỉ giới hạn trong thi ca, trong những đối tượng mà người đời thích thú mỗi khi xuân đến, mà nó còn thuộc vào lĩnh vực thiền quán, đó là hình ảnh cành mai còn lại sau mùa xuân – hình ảnh bất diệt của tinh thần con người.
Vào thời Tự Đức, Cao Bá Quát cũng đã có một bài bất tuyệt về hình tượng hoa mai, đó là bài Tài mai (Trồng mai):
施將梅籽擲山間 
一握清姿寄碧巒 
寄此來時春色好 
與人共作畫圖看
(栽梅)
Đầu non nắm hạt mai gieo, 
Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi. 
Nữa mai xuân điểm bầu trời, 
Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung.
Trồng mai[21]
Hoa mai có thể được trồng trong vườn nhà qua bàn tay của con người, nhưng nó cũng mọc trong từ nhiên, đó là nơi núi non hiểm trở, hay nơi vực đá cao vút. Khi xuân đến hoa mai nở rộ, đó là bức tranh tuyệt tác của tạo hóa ban cho con người.
Hoa mai không chỉ có mặt trong thi ca thông tục, mà nó còn xuất hiện trong chốn Thiền gia, ở Việt nam, tiêu biểu là bài của Thiền sư Mãn Giác đã nói trên, tại Trung Quốc, Thiền sư Tử Bá còn dùng nó làm đối tượng tiêu biểu nhằm khuyến khích cho đồ chúng tinh tấn tu học:
“Nếu chẳng một phen lạnh thấu xương, mai vàng há dễ tỏa mùi thơm.”[22]
Mùa đông dù tán khốc với cái lạnh buốt, những trận phong ba mang theo cái lạnh ấy làm cho cây cối nghiêng ngả, hoặc chết, nhưng nhiều cây khác vẫn sống, trong đó có hoa mai. Dường như cái lạnh ấy như là chất liệu cần thiết để hoa mai hàm dưỡng tố chất bền bỉ và chịu đựng của mình, thế rồi xuân sang, khi khí trời dần ấm áp, nó bắt đầu trổ hoa, khoe sắc vàng trong những cơn gió se lạnh hay dưới những cơn mưa xuân lất phất, làm nên vẻ diệu k cho mùa xuân, dâng cho đời bức tranh tuyệt mỹ để thưởng thức trong những ngày đầu năm mới.
Người tu hành cũng vậy, mục tiêu chính là đạt được sự giác ngộ viên mãn. Nhưng muốn đạt được cái đích ấy, thì phải trải qua quá trình tu học cam go, chịu đủ thứ khổ nhục, v.v., cho đến khi nhân duyên chín mùi, trong phút giây ngắn ngủi, chợt trực nhận được thực tướng của vạn pháp, thấu rõ bản tâm của chính mình. Sau khi giác ngộ, đem tuệ giác ấy đi hoằng hóa độ sanh, làm lợi ích cho chúng sanh đang trôi lăn trong chuỗi dài sanh tử bất tận, như hoa mai kia, phải trải qua cái buột lạnh của mùa đông, để khi xuân sang dâng sắc hương cho con người thưởng thức.
Trong một thời gian khác, ngài Tử Bá còn nói:
“Trên sắc của hoa mai có mang thêm năm mới; trong tiếng trúc vi vu có chứa năm cũ.”[23]
Đối với Huyền Quang, dù yêu hoa cúc bậc nhất, nhưng khi xuân đến, trước vẻ đẹp của hoa mai và trong một tâm trạng đặc biệt, Ngài cũng có xúc cảm dâng tràn:
欲向蒼蒼問所從 
凜然孤峙雪山中。 
折來不為遮青眼 
願借春思慰病翁。
(梅花)
Toan tới trời xanh hỏi đến đâu? 
Ngọn non trơ trọi tuyết phau phau. 
Bẻ về không phải vì che mắt, 
Muốn mượn xuân này đỡ lão đau.
Hoa mai[24]
Đứng trước vẻ vòi vọi của bầu trời, tác giả tự hỏi là trời xanh kia cao đến đâu? Trời đã cao, mà đỉnh núi tuyết cũng cao, trơ trọi trên đỉnh núi trong không gian vô cùng ấy cũng có những nhành mai đang khoe sắc vàng.
Có những kẻ đi tìm tự do cho riêng mình, hay vì trốn đời nên tìm cách lánh tìm nơi núi sâu rừng thẳm, không dám nhìn trực diện vào cuộc đời, vì nó có quá nhiều cạm bẫy, quá nhiều sự bẩn thỉu, ganh đua, chết chóc. Nhưng Huyền Quang không đi vào rừng núi u tịch để tìm chút thanh nhàn thông tục, mà để hàm dưỡng cho tâm mình thêm trong sáng. Do đó, Ngài bèn bẻ một nhành mai mang về, không phải dùng nhành mai đó để ‘già thanh nhãn’, che con mắt hồn nhiên, yêu đời, hi vọng, bởi với cái nhìn của người học Phật, vạn pháp là ‘chẳng dơ chẳng sạch’ nên không cần phải vì các cảnh ấy mà tự làm mất đi niềm hi vọng của cuộc đời mình. Thế nên phải để con mắt ‘xanh’ nhìn thấu vào bản chất của cuộc đời đó chứ! Chỉ riêng câu ‘chiếc lai bất vị già thanh nhãn’ cũng đủ cho thấy cái tinh thần không bao giờ yếm thế của Huyền Quang, cũng như bất k người học Phật nào khác.
Như Thiền sư Tử Bá đã nói, ‘trên sắc của hoa mai có mang thêm năm mới,’ hay nói khác hơn là tinh hoa tốt đẹp nhất của mùa xuân đã nằm sẵn trên những cánh mai vàng. Huyền Quang cũng thế, bẻ nhành hoa mai đem về, mượn cái ‘xuân tư – ý xuân’ đẹp đẽ của nó để an ủi trong khoảng thời gian ốm đau của mình. Khi con người ốm đau, lại ở một mình nên cảm giác trống vắng thật rộng lớn. Huyền Quang không cô đơn như những người bị thiếu đi tình cảm, Ngài chỉ ‘cô độc’, chấp nhận cô độc để tìm kiếm những gì tốt đẹp hơn cho lẽ sống, cô độc để chan hòa vào vũ trụ, nên ‘ý xuân’ hay ý của vũ trụ? Chỉ có cái tinh túy của vũ trụ ấy mới đủ rộng mở tấm lòng vĩ đại chia sớt nỗi buồn vui khi ốm đau của Huyền Quang vậy.

1.3.3.     Thế sự

Nói đến chuyện đời thì không bao giờ nói hết, bởi mỗi ngày, xã hội vận hành, con người vận hành, tâm lý vận hành, không có gì dừng lại. Mỗi một sự kiện mà tai nghe mắt thấy, đối với người có cái nhìn sắc bén, có thể nhìn thấu cội nguồn bản chất của nó, nên không bi lụy, chán đời; còn những kẻ không hiểu thì sanh ra thoái chí, cho đến tạo thêm các điều ác, làm cho cuộc đời vốn dĩ nhiều ô trọc càng thêm điêu đứng hơn nữa.
Huyền Quang, với nhãn quan của người học đạo, trước hoàn cảnh của mình, hay trước sự kiện diễn ra trước mắt, Ngài cũng có những xúc cảm nhất định, và xúc cảm ấy không chỉ dừng lại ở sự rung động do tấm lòng thương đơn thuần, mà còn là sự sẻ chia cho những con người bất hạnh.
刳血書成欲寄音, 
孤飛寒雁塞雲深。 
幾家愁對今霄月, 
兩處茫然一種心。
(哀俘虜)
Chích máu thành thơ mượn gửi lời 
Lẻ loi nhạn lạnh, ải mù khơi 
Đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ? 
Xa cách, nhưng lòng chỉ một thôi.
Thương tên giặc bị bắt[25]
Đây là những lời thơ da diết, diễn tả tâm trạng của kẻ được xem là giặc bị bắt. Trên quãng đường dài tưởng như vô tận bị trói dẫn đi, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân đã làm cho tên giặc đau khổ đến cùng cực. Không có bút viết, đành chích máu viết vài dòng nhắn gửi về quê nhà, chỉ mong người nhà nhận được tin để khỏi bận lòng cho kẻ sa cơ. Nhìn lên trời cao, chỉ thấy cánh nhạn lẻ loi đang bay gấp gáp tìm nơi ấm áp, nhìn trước mặt, chỉ thấy cảnh quan ải mù khơi không bóng người, cảm giác lẻ loi ấy thật khó lấp đầy. Thân phận là một tên giặc thì ai cho mình gửi thư về nhà, mà dẫu có được phép thì trên quãng đường quạnh quẽ - con đường dẫn đến cái chết được định trước ấy, không bóng người đưa thư, chỉ có những kẻ đang giải mình đi thì lấy ai để truyền thư? Hình ảnh bóng nhạn lẻ loi trong gió lạnh trên trời cao, cũng chính là hình ảnh và tâm trạng của kẻ đang bị giải đi dưới mặt đất, chỉ khác chăng, là cánh nhạn dù cô đơn nhưng được tự do tung cánh trên bầu trời xanh, còn kẻ dưới đất cũng cô đơn nhưng không được tự do.
Kẻ ấy, trong đêm dừng chân, nhìn ánh trăng vằng vặc, nó như xoáy vào tận tim gan của kẻ lỡ bước. Người dưới ánh trăng có thể trước đây đã đầy những mối sầu vương, chỉ còn biết mượn ánh trăng kia để chia sớt nỗi sầu. Nhưng đêm nay, cũng ánh trăng ấy, mà người đang nhìn ngắm không còn ở trong tư thế của một người tự do, một người đang sầu khổ bởi những giấc mộng lành dở dang, kẻ ấy đang bị kìm kẹp bởi sợ dây xích nặng nề tội lỗi, không còn sầu bởi nỗi sầu bình thường, thơ mộng khác, đó là nỗi sầu nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người mình yêu, rồi mai đây, sẽ không còn đi trọn cuộc đời để có những đêm dài bất tận say sưa dưới ánh trăng kia nữa. Nỗi sầu ấy có mấy ai biết? Dưới ánh trăng này có còn ai khác đang sầu với cùng hoàn cảnh của ta chăng? Dù biết cơ hội cho ngày trở lại quê cũ không còn nữa, nhưng tấm lòng chung thỉ với quê hương, với người thân, sẽ không bao giờ phai nhạt, vẫn mãi mãi một lòng.
Hẳn phải là một người có lòng yêu thương đồng loại rất thuần hậu như Huyền Quang mới thấu hiểu tâm sự của một kẻ sa cơ thất thế như vậy.
Kiếp người thật quá ngắn ngủi, vinh hoa phú quí cũng không thể bền chặt, nhưng từ xưa đến nay, có biết bao kẻ vì danh lợi phú quí mà cam nhận lao vào vòng xoáy ấy. Huyền Quang không những thương cho những kẻ bị tù tội bằng gông cùm, song sắt, mà còn thương cho những kẻ đang tìm cách lao vào vòng xoáy danh lợi, điều này được thể hiện qua bài thơ tặng cho những kẻ sĩ hậu lai:
富貴浮雲遲未到, 
光陰流水急相催。 
何如小隱林泉下, 
一榻松風茶一杯。
(贈仕途子弟)
Giàu sang đến chậm như mây nổi, 
Năm tháng trôi vèo tựa nước sa. 
Rừng suối chi bằng về ẩn quách, 
Gió thông một sập, chén đầy trà.
Tặng những con em trên đường sĩ hoạn[26] 
Phú quí vinh hoa không phải là thứ ai cũng có sẵn từ lúc sinh ra, do đó khi đủ trưởng thành, ai cũng phải tìm kiếm, lao động, học hành vất vả để mong một ngày nào đó mình sẽ vinh hiển, nên nó đến chậm. Nhưng bản chất thật của nó là không tồn tại cố hữu lâu dài cho một ai nào đó. Có người được giàu sang, tài sản đầy nhà, nhưng một trận thiên tai, cướp bóc, bệnh tật với thân mình, thì tài sản ấy cũng bị mất hết, thế nên nó như là ‘phù vân’ vậy. Mây gặp gió thì tan, người giàu sang khi gặp nạn thì tài sản cũng mất. Không phải ai cũng hiểu được bản chất của chúng, nên họ dành tâm huyết của cả đời để tìm, đâu hay rằng thời gian trôi qua rất nhanh, tuổi đời thì ngắn ngủi, nhanh chóng như dòng nước trôi xuống cái thác dốc.
Nếu ai hiểu rằng thời gian không đứng đợi, tài sản không chắc chắn, thì chi bằng trở về bên bờ suối, cất am tranh nhỏ để hàm dưỡng tinh thần. Trong rừng thông đầy gió, lấy thông làm giường, sớm sớm bên tách trà nồng, đời sống như thế chẳng phải đã ‘thật sang’ rồi sao? Cần gì phải lao tâm khổ trí, chưa giàu sang thì đã khổ nhiều, có rồi phải lo giữ gìn thì càng khổ về tinh thần càng gấp bội hơn. Chưa nói là nhiều người vì danh vì lợi mà phải chịu lao ngục. Khi ấy, tài sản cũng mất, danh dự không còn, thật tủi hổ xiết bao! Thế nên Huyền Quang khuyên những người đang học hành ngày đêm để mong có tên trên bảng vàng, vinh hiển trở về, là hãy học để biết cái đạo của Hiền Thánh, chứ đừng học để chạy theo danh lợi. Được vậy thì mới sống đúng với cái hoài bão mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người.
Vì sao Huyền Quang có những lời khuyên chân tình như vậy? Bởi sau nhiều năm qua lại trong chốn quan trường, Ngài đã thấu hiểu được toàn bộ bản chất của nó, mà không riêng gì chốn cửa quan, mà khắp cùng mọi ngóc ngách của xã hội, đâu đâu cũng có thể có những cảnh cướp bóc, chém giết, hãm hại, nên nơi nào cũng là ‘hồng trần’:
雨過溪山淨,
楓林一夢涼。
反光塵世介,
開眼醉茫茫。
(午睡)
Sau mưa núi lặng khe trong,
Êm đềm một giấc rừng phong lặng tờ.
Ngoảnh nhìn thế giới bụi mờ,
Mở to đôi mắt mà ngờ như say.
Giấc ngủ trưa[27]
Khi được xuất gia, công danh được rũ bỏ, thoát ly những cảnh oái ăm của cuộc đời, chấp nhận sự thiếu thốn vật chất để lánh vào rừng tu tập, có những lúc mệt nhọc sau buổi công phu, trong không khí mát mẻ của buổi ban trưa, Huyền Quang chợp mắt nghỉ ngơi. Bên am có suối, có những ngọn phong lắc lay nhẹ nhàng, thật không khí lý tưởng cho giấc ngủ ban ngày. Có lẽ khi còn làm quan, Ngài cũng từng có những giấc ngủ trưa, nhưng những giấc ngủ ấy không trọn vẹn, vì ngủ nhưng còn suy tư về cuộc đời, sự nghiệp hay những chuyện hằng ngày mà một vị quan có trách nhiệm phải làm.
Giờ đây, khi mọi chức tước đã vức bỏ lại sau lưng, hiện thực chỉ còn một mình với đất trời, giấc ngủ ấy thật nhẹ nhàng, không mộng mị, không trăn trở. Đó là một cảm giác nhẹ nhàng, như được giải phóng sau chuỗi đường dài phải gánh những gánh năng. Thế nên, sau khi thức dậy, ‘phản quang’ lại ‘thế giới bụi bặm’ thì cảm thấy giật mình, giật mình bởi trong hoàn cảnh yên tỉnh thì tâm mình mới đủ tỉnh táo để nhận thức và xét lại mọi thứ. Mở to đôi mắt trông lại cái xã hội mà mình mới từ bỏ thì thấy ‘chếnh choáng’, không bởi vì rượu làm say, mà bởi cái ‘chất độc’ xã hội làm cho con người như say. Đó là cảm giác choáng ngợp về cuộc đời nhân sanh có quá nhiều độc tố vậy.

1.3.4.     Trạng thái tĩnh tại

Cuộc sống của quan chức phong kiến cố nhiên là giàu sang, đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng không được tự do thoải mái như người đã xuất gia. Danh lợi không màng, chức tước không ham, bao nhiêu ganh đua với đời giờ đây đã xả bỏ hết, chỉ sống cùng năm tháng bằng sự ‘vô cầu’ của mình. Thế nên, Huyền Quang cảm giác như mình là kẻ ‘vô dụng’ hay ‘vụng dại’, vô dụng dưới con mắt của người phàm tục, nhưng với người tu, ‘vô dụng’ là không cần phải tán tâm động niệm với bất k hoàn cảnh nào, nên tâm được thanh tĩnh, như băng như tuyết. Do vậy, dù chỉ sống trong núi rừng nhưng cái khí tiết của bậc xuất trần vẫn không hề suy giảm, như lời trần tình của Huyền Quang:
庵逼青霄冷,
門開雲上層。
已竿龍洞日,
猶尺虎溪冰。
抱拙無餘策,
扶衰有瘦藤。
竹林多宿鳥,
過半伴閒僧。
(安子山庵居 )
Am sát trời xanh lạnh,
Cửa mở trên tầng mây.
Động Rồng trời sáng bạch,
Khe Hổ lớp băng dầy.
Vụng dại mưu nào có,
Già nua gậy một cây.
Rừng tre chim chóc lắm,
Quá nửa bạn cùng thầy
Ở am núi Yên Tử[28]
Ở một mình nên chỉ có chim chóc làm bạn với Ngài, chốn rừng sâu núi hiểm khó có ai qua lại, nhưng đó là cơ hội tốt để tĩnh tọa, nghiên tầm kinh điển:
半間石室和雲住,
一領毳衣經歲寒。
僧在禪床經在案,
爐殘榾柮入三竿。
(石室)
Nửa gian nhà đá, bạn cùng mây,
Tấm áo lông thô, lạnh tháng ngày.
Sư khểnh giường thiền, kinh trước án.
Lò tàn, than lụi, sáng nào hay
Nhà đá[29]
Bài thơ này nói lên tinh thần thiểu dục tri túc của nhà Phật, thể hiện bằng nếp sống giản đơn, nửa gian thạch thất tạm trú qua nắng mưa với mây quanh năm che phủ ở trên tạo thành một không gian huyền ảo đượm chất thơ. Trong thất ấy, lão sơn Tăng sống rất thanh bần, chỉ với một tấm áo lông thô trải mấy mùa lạnh giá. Làm người xuất gia chân chánh, tuy ‘thân bần’ nhưng ‘đạo bất bần’ nên chỉ cần chiếc giường để tọa thiền, với trên án vài quyển kinh, như thế đã là quá đủ. Cảnh vật im lìm, nhà sư đang đắm mình trong pháp vị nhiệm màu, thì dù trong lò đã hết củi, tro đã tàn, mặt trời đã lên ‘ba cây sào’ nhưng nhà sư vẫn không cần bận tâm. Đó là tinh thần giải thoát thật sự.
Lão sơn Tăng chấp nhận sống thanh bần, không lo lắng gì cả, ngay như chút lửa sưởi ấm cũng không đặt nặng, bởi lẽ trong Ngài đã có đủ tất cả:
祖父田園任自鋤,
千青盤屈繞吾盧。
木犀窗外千鳩寂,
一枕清風晝夢餘。
(晝眠)
Vườn tược cha ông mặc sức cày,
Quanh nhà xanh nượp mấy ngàn cây.
Ngoài song, cành quê chim cưu vắng,
Gió mát, triền miên giấc ngủ ngày
Ngủ ngày
Điền viên của tổ phụ’ không gì khác hơn là chính tâm địa của mình vậy! Chỉ cần có pháp Phật áp dụng vào việc canh tác thì sẽ cho mùa bội thu. Con người sống trong xã hội vốn dĩ phải làm việc để tạo ra của cải vật chất làm phương tiện sống; còn người xuất gia thì ‘tam thường bất túc’ nên không cần phải làm việc vất vả, lao tâm khổ trí mưu sinh, chỉ cần nắm rau rừng, nước dưới suối là đủ cho cuộc sống rồi. Ngoài kia có tiếng chim ca, gió mát từng đợt dìu dịu, đã đưa sơn Tăng vào giấc ngủ tiêu sái…
Tuy ẩn cư như vậy, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài đứa trẻ ở xóm dưới núi lên chơi và hỏi về văn chương chữ nghĩa, Thiền sư vui vẻ trả lời, dẫu tay vẫn đưa từng cành củi vào lò:
煨餘榾柮色焚香,
口答山童問短章。
手把吹商和采蘀,
徒教人笑老僧忙。
(地爐即事)
Trẻ xóm núi hỏi sách chương,
Liền tay, chẳng thắp thêm hương...củi tàn
Bếp lò, ống thổi, no mang
Mặc ai cười lão sư gàn đa đoan
Trước bếp lò tức cảnh[30]
Đối với người đời, một người ‘bỏ phố lên rừng’, bỏ áo quan mặc áo vá thì đó là việc làm ‘càn gở’, bởi vì ai cũng thích cuộc sống đầy đủ, giàu sang, mấy ai dám chấp nhận vứt bỏ địa vị cao sang để sống thanh bần như vậy? Mà kẻ chưa làm quan thì không biết cái khổ của người làm quan; kẻ chưa dám bỏ tất cả để vào rừng sâu tu tập thì sao có thể hiểu được sự an lạc của người tu hành? Do thế sự chê bai của kẻ bàng quan không đáng để Huyền Quang phải chú ý vậy!
Chính nhờ bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, bỏ hoàn toàn quá khứ vinh quang và phiền muộn, lánh vào rừng sâu mà tâm Huyền Quang được thanh tĩnh, điều kiện thăng tiến tâm linh sẽ vô cùng thuận lợi:
秋風午夜拂簷椏,
山宇蕭然枕綠蘿。
已矣成禪心一片,
蛩聲唧唧為誰多。
(山宇 )
Gió thu khuya khoắt thoảng hiên ngoài,
Quạch quê nhà non lấp ruổi gai.
Thôi đã theo thiền lòng lặng tắt,
Nỉ non tiếng dễ vẫn vì ai
Nhà trong núi[31]
Đây có thể nói là bài thơ nói lên được kết quả tu tập thiền định của Huyền Quang, đó là đạt được trạng thái ‘tâm nhất phiến’. Tâm đã trở thành một khối, phiền não thô trọng không thể nào có điều kiện hiện khởi nữa. Thời điểm thuận lợi đđạt cảnh giới ấy là lúc ‘ngọ dạ’ tức là lúc nửa đêm. Lúc giao thời giữa ngày cũ và ngày mới là thời điểm yên tĩnh nhất, với người đời thì đó là lúc người ta có thể ngủ say, nhưng đó lại là thời khắc mà tâm thiền sư được thành một khối, người – tâm – vũ trụ là một. Tâm thành một khối thì không còn khởi phiền não chứ không phải là tâm bị ‘câm lặng’, trở thành vô tri vô giác như thanh củi khô, mà nó vẫn còn ‘cái biết’ luôn hiện hữu trong mọi thời điểm. Dù cái biết luôn hiện hữu nhưng do vì tâm chưa được tu tập nên luôn phóng ra nắm bắt các hình ảnh của ngoại cảnh, giờ đây tâm đã ‘phản quang’, cái biết có điều kiện phát huy tánh chất của nó, nên tiếng nỉ non của loài dế được thiền sư lắng nghe rất rõ. Chúng nỉ non vì ai? Không vì ai cả, và cũng không ai biết câu trả lời, mà thiền sư đơn giản chỉ nhận biết, thế thôi!
Chính như thế nên Trúc lâm đại đầu đà mới giao trách nhiệm phò tá cho Pháp Loa trong công cuộc hoằng pháp, và Pháp Loa cũng trao lai đèn tuệ giác của Tổ cho Huyền Quang. Tuy nhận được ‘tâm ấn’, kế tục làm Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm nhưng Huyền Quang không lấy đó làm vui, mà càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình, thấy mình đức mỏng mà được giao trọng trách quá lớn. Có những lúc Ngài muốn từ bỏ để về núi ẩn tu, đó không phải là thái độ trách nhiệm, mà là tinh thần luôn biết xét lại chính bản thân mình, xem mình đã hoàn thành được ý nguyện của Thầy Tổ chưa:
德薄常慚繼祖燈,
空教寒拾起冤憎。
爭如逐伴歸山去,
疊嶂重山萬萬層。
(因事題究蘭寺) 
Đức mỏng, thẹn thùng đèn Tổ nối,
Luống cho Hàn, Thập nổi hờn căm.
Chi bằng theo bạn về non quách,
Núi dựng non che vạn vạn tầng
Nhân có việc đề ở chùa Cứu Lan[32]
            Hàn Sơn và Thập Đắc là hai vị Thiền sư ngộ đạo nhưng người ngoài nhìn vào vẫn tưởng là hai người nay ‘điên’. Họ dám vứt bỏ cả cái ‘trọng vọng’ của người đời mà lánh vào rừng sâu. Huyền Quang tự nhủ mình đức mỏng tài hèn mà lại được trao cho Tổ nghiệp, lãnh nhiệm lãnh đạo giáo đoàn của hệ phái Trúc Lâm, thì so với hai vị ấy, bỗng thấy tự thẹn, cho nên Ngài muốn từ bỏ vị trí ấy để về núi ẩn cư.

1.3.5.     Cảnh thiên nhiên

Sau khi xuất gia, Huyền Quang cũng đã có nhiều thì gian hơn để du ngoạn một số nơi để thỏa chí bình sanh của mình. Trong những cuộc vân du ấy, có những cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, gợi lên cho thi nhân Huyền Quang biết bao xúc cảm. Lúc rỗi rảnh, một mình cùng chiếc thuyền con xuôi mái theo dòng sông, gió mát, còn người thì thống khoái:
小艇乘風泛渺汒,
山青水綠又秋光。
數聲漁笛蘆花外,
月落波心江滿霜。
 (泛舟)
Cưỡi thuyền lướt gió sóng mênh mông,
Non nước trời thu một sắc trong.
Tiếng sáo thuyền câu ngoài bến sậy,
Trăng rơi đáy nước móc đầy sông…
Chèo thuyền[33]
Thuyền nhẹ bon bon lướt sóng, cảnh về đêm thật yên tĩnh, trời mùa thu không mây làm cho núi xanh, nước trong xanh và trời thu như kết thành một bức tranh thủy mặc rạng rỡ mà không chóa lóa trước mắt khách hải hồ. Trong khung cảnh yên ả ấy, bỗng văng vẳng xa xa tiếng sáo phát ra từ chiếc thuyền của người câu cá ban đêm, làm cho không khí như đầm ấm, hữu tình hẳn lên. Khách như miên man tưởng chừng quên hết nhọc mệt, quên hết ưu buồn, đến khuya nhìn ra ngoài thuyền, bỗng thấy bàng bạc khắp mặt sông là ánh trăng tỏ rạng, khi ấy sương móc cũng rơi đầy mặt sông, khung cảnh thật huyền ảo, khiến người khách như ngất ngây.  
Một lần khác, Huyền Quang cũng đi chơi thuyền trên sông, nhưng có lẽ là buổi chiều tà, khi nước thủy triều đang lên:
一葉扁舟湖海客,
撐出葦行風搣搣。
微茫四顧晚潮生,
江水連天一鷗白。
 (舟中)
Dấu khách giang hồ thuyền một lá,
Hàng lau lách gió chèo thong thả.
Bốn bề trông quạnh ngọn triều lên,
Nước biếc liền trời âu trắng xoá
Trong thuyền[34]
Một chiếc thuyền con con, khách hải hồ ở trong chiếc thuyền ấy, hai bên bờ sông là lau lách. Người khách vô ưu đang thong thả từng mái chèo, nhìn xung quanh thấy nước thủy triều đang lên. Nước trong, trời quang đãng nên thấy nước và trời như liền một mối trắng xóa. Đó là trạng thái của người mà tâm tư đã được phóng xả hoàn toàn, nhìn thấy cảnh sắc như thế thì không khỏi xúc cảm dâng tràn.

1.3.6.     Cảnh chùa

Các cảnh chùa là một trong những đối tượng được Huyền Quang dành nhiều tình cảm, nên đã có nhiều bài thơ về những ngôi chùa mà Ngài đã đi qua.
潢水亭邊野草多,
空山雨霽夕陽斜。
因過輦路投禪室,
擁梵敲鐘揀落花。
(題潢水寺)
Bên đình Đạm Thuỷ cỏ đua tươi,
Mưa tạnh non quang, bóng ngả dài.
Tiện lối xe vua vào vãng Phật,
Thỉnh chuông, giúp sãi nhặt hoa
Đề chùa Đạm Thuỷ[35]
            Bài thơ miêu tả về chùa Đạm Thủy ở kinh đô Thăng Long lúc bấy giờ. Bên chùa có cỏ cây tốt tươi, thể hiện phong thái thanh bình của ngôi chùa. Ngôi chùa ở gần núi, sau cơn mưa, nắng chiếu làm bóng núi như ngả dài. Đặc biệt ngôi chùa ở một vị trí rất thuận lợi cho giao thông, nên lúc rảnh rỗi vua đi ngang qua cũng vào lễ Phật. Một hình ảnh rất đẹp, làm cảm hứng chủ đạo cho toàn bài thơ, đó là hình ảnh nhà vua tự mình thỉnh chung lễ Phật, rồi ra sân cùng sãi nhặt những cánh hoa rơi trước sân chùa. Hình ảnh này thể hiện tầm lòng thuần hậu sùng tín của vua với Phật, và mối quan hệ giữa bậc vương giả với người con của bậc Pháp vương, không phân cách giữa vua và tôi, mà thay vào đó là hình thức không gia cấp giữa người với người. Có lẽ vị vua được tả trong bài thơ này là vua Trần Anh tông chăng? Dù là vua nào đi nữa thì qua đây cũng cho thấy tinh thần bình đẳng của Phật giáo đã lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân ta lúc ấy.
            Một đêm thu, đứng dưới bóng trăng trong chùa Diên Hựu (chùa Một cột), một bài thơ tức cảnh tuyệt diệu đã được Huyền Quang cảm nên:
上方秋夜一鐘闌,
月色如波楓樹丹。
鴟吻倒眠方鏡冷,
塔光雙峙玉尖寒。
萬緣不擾城遮俗,
半點無憂眼放寬。
參透是非平等相,
魔宮佛國好生觀。
(延祐寺)
Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn,
Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lan.
In ngược hình chim, gương nước lạnh,
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiêu hàn.
Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục,
Một mảy nào lo: rộng nhãn quan.
Thấu hiểu thị phi đều thế cả,
Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn
Chùa Diên Hựu[36]
            Bốn câu đầu của bài thơ là tả vể cảnh chùa Diên Hựu trong đêm trăng thu, bóng chùa in dưới mặt nước hồ thu rất rõ rệt. Đứng trước khung cảnh ấy, tác giả như quên hết sự đời – đó là nội dung của bốn câu sau.
            Khi không còn vướng bận trần duyên tức là ở trong ‘tục’ mà đã viễn ly ‘tục’ rồi vậy. Người đời luôn bận bịu với cái ăn, cái mặc nên cả ngày liền đêm suy tính phương kế sanh nhai, nên dù có nghĩ bao nhiêu thì cũng không thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn ấy. Thế nên chỉ có những người không còn vướng ‘bụi trần’, muôn duyên cắt đứt, một mảy may lo âu cũng không còn thì mới có khả năng phóng tầm mắt nhìn quá giới hạn nhỏ bé của cuộc trần tục được. Tuy vậy, muôn duyên muôn sự vốn bản chất của nó không có thuộc tính dơ hay sạch, có chăng chỉ do con người tự đặt ra để phân biệt nhằm một mục đích nào đó. Vật vẫn là vật, nó không tồn tại vì ai, mà cũng không tạo ra đau khổ cho ai. Con người thông tục luôn dùng tâm phân biệt, con mắt hiềm nghi để ‘xử người tiếp vật’ nên họ luôn có sự phân biệt có ta, có người, có bạn, có thù, tạo nên vô vàn cặp phạm trù đối lập. Từ đó, họ vui, buồn, hỉ, nộ, v.v., với sự vật đã bị chính mình phân biệt ra. Ấy là ‘tấn trò đời’ đó vậy! Chỉ có những người sống bằng tuệ giác, tâm không còn phân biệt tự và tha thì mới có cái nhìn bình đẳng về mọi sự, mọi vật, thị hay phi, bản chất của nó là không thật có, bởi do tâm bỉ ngã mà có. Thị và phi đã không có thật, thì ma hay Phật, chẳng qua là một thái độ phân biệt mà ra. Mà một khi đã thấy có ‘ma’ thì Phật cũng không phải Phật thật, vì Phật ấy do tâm phân biệt tạo thành. Do vậy, chỉ với bằng tâm bình đẳng thì Phật đã hiện hữu ngay trong chính tâm mình, bởi lúc ấy mình là Phật – sự giác ngộ tuyệt đối bình đẳng.
            Dù là một bài thơ tức cảnh nhưng đã thể hiện sự giác ngộ của Huyền Quang, đó là sự nhận chân được tính ‘bất nhị’ của vạn pháp đó vậy!
Thời gian là khái niệm không chỉ cho một thực thể cụ thể nào, chỉ biết vạn vật luôn thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Khi nhìn thấy sự thay đổi ấy, người ta liền có quan niệm về thời gian. Thời gian là có thể là điểm đánh dấu của sự thay đổi từ trạng thái, hình dạng này sang trạng thái, hình dạng khác. Dù là từ sự đẹp đẽ sang úa tàn, hay lạnh lẽo sang ấm áp, thì cũng là nói lên tính tuân hoàn của vạn vật; nhưng thời gian không tuần hoàn, nó đánh dấu hay cuốn phăng mọi thứ theo dòng lịch sử?
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, là mùa mà vạn vật sinh sôi nảy nở, nên cảnh mùa xuân là cảnh đẹp của sự thịnh vượng, chan hòa và hoan hỉ. Với những cô gái trẻ, mùa xuân là thời điểm đánh dấu họ bước sang tuổi mới, với sự mong chờ tìm kiếm đấng trung nhân cho đời mình. Họ thêu chiếc khăn mới để dành tặng cho người mình yêu thương lúc gặp gỡ. Khi trao khăn tức ngầm ý là trao tình yêu. Đó là văn hóa cổ truyền của Việt Nam, Trung Quốc… Bài thơ sau đây không biết là Huyền Quang làm lúc xuất gia hay chưa, nếu chúng ta chỉ nhìn bằng con mắt thông tục, thì nó là bài thơ tả cảnh người con gái đang độ tuổi 16, ngồi thuê chiếc khăn gấm; nhưng bằng con mắt thiền quán, thì chúng ta sẽ khám phá được tinh thần thiền thật sâu sắc của nó:
二八佳人刺繡持,
紫荊花下轉黃鸝。
可憐無限傷春意,
盡在停針不語時。
(春日即事)
Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều,
Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,
Là khi không nói, chợt dừng thêu
Tức cảnh ngày xuân[37]
Hai câu đầu là tả về người con gái yêu kiều đang thêu và cảnh có hoa đẹp, có chim hót; hai câu sâu là tả về tâm trạng. Nhưng chỗ khó hiểu của bài thơ chính là câu cuối, tại sao khi thêu xong (‘tận’ trong bản Hán), dừng kim và không nói lời gì? Khi người con gái thuê xong chiếc khăn, dừng kim và tự vấn lòng rằng: chiếc khăn này sẽ vào tay ai? Đó là giây phút đẹp nhất của mùa xuân đất trời, hay là ý xuân của người thiếu nữ?
荒草殘煙野思多,
南樓北館夕陽斜。
春無主惜詩無料,
愁絕東風幾樹花。
(次寶慶寺壁間題
Chan chứa màu quê khói nhạt đồng
Lầu Nam quán Bắc ánh dương lồng
Tiếc xuân không chủ, thơ không hứng
Hoa chỉ thêm sầu nhớ gió đông
Hoạ bài thơ đề trên vách chùa Bảo Khánh [38]
Bài thơ này tả cảnh đìu hiu của cảnh chiều xuân, cây cỏ vẫn còn hoang tàn, xa xa kia trong cánh đồng có những làn khói tả, khung cảnh ấy làm cho Huyền Quang có nhiều suy nghĩ, ưu tư. Bóng chiều nghiêng chiếu qua các lầu và quán, nơi dừng chân cho những khách lữ hành, làm tô thêm vẻ tịch liêu cho toàn cục cảnh quan đang trải ra trước mắt của thi nhân.
Thi nhân tiếc mùa xuân không có chủ, không có chủ nên dù mùa xuân mang đến bao tươi đẹp, bỗng chốc phút giao sang mùa khác, thì cảnh xuân trước chỉ còn đìu hiu, tàn tạ. Thi nhân đứng đó, nhưng thi hứng không có nên cũng không thể cất lời thành thơ. Hoa cũng sắp tàn, sẽ rơi rụng trong chốc lát, và kết thúc một đời hoa. Hoa như tiếc những cơn gió đông đùa bỡn trong những ngày hoa chớm nở để cung hiến cho mọi người trong những ngày đầu xuân.
Đây là thái độ tiếc nuối, tiếc cho một sự kiện đã vô thường quá nhanh chóng.
            Nếu như bài thơ làm vào mùa xuân có vẻ ‘lãng mạn’ hoặc tiếc nuối, thì bài thơ thu lại mang vẻ thâm trầm, chín chắn, thể hiện mối ưu tư của một người về hiện thực của cuộc sống đời – đạo.
夜氣分涼入畫屏,
蕭蕭庭樹報秋聲。
竹堂忘適香初燼,
一一叢枝網月明。
(早秋)
Gió mành tỏa mát hơi đêm,
Hàng cây hiu hắt bên thềm thu sang.
Mái tranh, quên bẳng nhang tàn,
Cành giăng giăng đón trăng vàng sáng trong.
Buổi đầu thu
Bài thơ được làm trong khung cảnh đêm thu chớm sang, gió mát thoang thoảng, những hàng cây lay lắt cành. Trong khi ấy, có người đang ưu tư trong ngôi nhà trúc, tâm chuyên nhất đến nỗi quên hẳn hương đã tàn trên án. Và ngoài kia ánh trăng vằng vặc đang lên, chiếu qua những cành cây. Toàn bài thơ nói về tâm trạng của Huyền Quang lúc thu sang. Có lẽ bài thơ này được làm sau khi xuất gia không bao lâu, bởi vì nó cho thấy tác giả còn nặng lòng suy nghĩ về nhiều sự việc mà mình đang gặp phải. Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ đơn giản rằng, thi nhân đang đứng thưởng thức cảnh thu sang, chìm đắm trong cảnh ấy nên quên đi mọi thứ khác.


C. KẾT LUẬN

Qua những bài thơ được phân tích ở trên, chúng ta đã thấy tư tưởng thi ca của Huyền Quang được đặt trên nền tảng của giáo lý Phật giáo, đó là lý Duyên khởi, vô thường, vô ngã…, bên cạnh đó là đức từ bi, thương cho những số phận không may, đặc biệt là thể hiện rõ nhất sự thâm ngộ được lý Thiền tông, với tâm đã được ‘nhất phiến’.  Thi ca của Huyền Quang không chỉ giới hạn ở mức độ miêu tả và biểu lộ cảm xúc, mà vì nó có tính giải thoát của Phật giáo trong đó. Bởi một người ngộ lý Thiền thì làm bất cứ việc gì, nói bất cứ câu gì thì chúng đều hàm chứa tính giải thoát xuất phát từ đời sống tâm linh của chủ thể của chúng. Chính tinh thần thiền đó đã làm sợi dây liên lạc và xâu các thi phẩm của Huyền Quang trở thành một khối thống nhất. Dẫu rằng, có những bài thơ làm trong lúc trong lòng không được thoải mái bởi một hoàn cảnh nào đó mà tác giả gặp phải, nhưng nó không tỏ thái độ yếm thế tiêu cực của tác giả.
            Có lẽ tinh thần cảm xúc của thi nhân cũng chính là sự phản ánh thực tế sự diễn biến của tự nhiên, xã hội và ngay chính tâm trạng của tác giả đó. Thế nên, trong thi ca của Huyền Quang chúng ta thấy có cả sở thích yêu hoa cúc của tác giả, cả thế sự, cách nhìn và quan niệm về cuộc đời. Đồng thời, qua một số bài thơ ấy chúng ta cũng thấy được cả một hiện thực xã hội mà tác giả đang sống và mục kích. Đó là chúng ta chỉ nhìn Huyền Quang như là một người quan tâm đến đời sống chung quanh thông thường. Còn tinh thần giải thoát tâm linh thì sao?
            Về tinh thần tu tập, thì qua thi ca của Huyền Quang, chúng ta thấy chúng có giá trị rất lớn. Làm người xuất gia thì mục đích chính là tu tập để được giải thoát, thứ đến là hóa độ chúng sanh. Muốn thực hiện được mục đích thứ nhất thì trước hết phải tự tạo cho mình môi trường tu tập phù hợp, đó là lánh vào rừng sâu, mạnh dạn dẹp bỏ tất cả công danh phú quí, dù cho ai khen chê thì cũng không bận lòng, chỉ một bề hướng đến sự hàm dưỡng tâm mình cho được thanh tịnh, thứ nữa là phải tu tập thiền định. Qua những bài thơ làm trong lúc ẩn cư tu tập trên núi, chúng ta cũng thấy được phương pháp tu tập của Huyền Quang, hay có thể nói rộng hơn là đường lối thực tập của Thiền phái Trúc lâm, đó là Thiền – Giáo song hành. Hằng ngày vẫn tọa thiền để đưa tâm đến chỗ ‘nhất phiến’, đồng thời cũng dùng kinh giáo để làm tiêu chí thẩm định lại bước tiến tâm linh của mình, và dùng kinh điển soi sáng cho những nghi vấn mà chắc chắn phải có trong quá trình tu tập.
            Tóm lại, qua việc tìm hiểu thơ Huyền Quang, chúng ta thấy được tinh thần thi ca của Ngài, đó là sự kết hợp tả cảnh – tả lòng và qua đó chuyển tải tinh thần tu tập vậy. Đó là những kinh nghiệm quí báu cho những ai đang và sẽ bước đi theo con đường giải thoát của đức Thế tôn, cũng như thấy được tinh thần Thiền tông sống động của Phật giáo Việt Nam thời xưa vậy.

           

THƯ MỤC THAM KHẢO

  
-       Cao Bá Quát toàn tập, NXB Văn Học, Hà Nội, 2004, tập 1.
-       Dương Quảng Hàm, Văn học Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2010.
-       Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thơ văn Lý-Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, 1978, 1988, 3 tập.
-       Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học, Hà Nội, 2011.
-       Nguyễn Thị Bích Hải, Thi pháp thơ Đường, NXB. Thuận Hóa, Huế, 2006.
-       Thích Thanh Từ, Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, NXB Tổng Hợp T.P.HCM., 2008
-       指月錄, X83, no. 1578.
-       紫柏尊者全集, X73, no. 1452.




[1] Tham khảo: Thích Thanh Từ, Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, NXB Tổng Hợp T.P.HCM., 2008, tr. 532-536.
[2] Dẫn theo: Dương Quảng Hàm, Văn học Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2010, tr. 182.
[3] Nguyên Hán: 知足便足待足何時足. 知閒便閒待閒何時閒. Sđd 2, tr. 187-188.
[4] Sđd 1, cùng trang.
[5] Dẫn theo: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học, Hà Nội, 2011, tr. 335.
[6] Người viết dịch.
[7] Đã dẫn 6.
[8] Đã dẫn 6.
[9] Đã dẫn 6.
[10] Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thơ văn Lý-Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1988, tập 2, tr. 731, 732.
[11] Sđd 9, cùng trang.
[12] Sđd 9, cùng trang.
[13] 《指月錄》卷14:「三玄三要事難分。得意忘言道易親。一句明明該萬象。重陽九日菊花新。」(CBETA, X83, no. 1578, p. 554, a7-9)
[14] Sđd 9, tr. 700, 702.
[15] Đã dẫn 6.
[16] Sđd 9.
[17] Sđd 9.
[18] Sđd 9.
[19] Sđd 9.
[20] Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thơ văn Lý-Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, tập 1, tr. 298-299.
[21] Cao Bá Quát toàn tập, NXB Văn Học, Hà Nội, 2004, tập 1, tr. 720.
[22] 《紫柏尊者全集》卷1:「不是一番寒徹骨。怎得梅花撲鼻香」(CBETA, X73, no. 1452, p. 149, b7-8)
[23] 《紫柏尊者全集》卷7:「梅花色上添新歲。爆竹聲中減舊年。」(CBETA, X73, no. 1452, p. 205, c11-12 )
[24] Sđd 9, tr. 690.
[25] Sđd 9,
[26] Sđd 9.
[27] Sđd 9.
[28] Sđd 9.
[29] Sđd 9.
[30] Sđd 9.
[31] Sd9d 9.
[32] Sđd 9.
[33] Sđd 9.
[34] Sđd 9.
[35] Sđd 9.
[36] Sđd 9.
[37] Sđd 9.
[38] Sđd 9.