CHƯƠNG 15. SỰ BIÊN TẬP VÀ HOẰNG TRUYỀN CỦA KINH ĐẠI THỪA SƠ KỲ

Tiết 2. Người nắm giữ và hoằng truyền Đại thừa sơ kỳ

Mục 1. Bồ-tát xuất gia và Bồ-tát tại gia

Người tu học Phật Pháp, từ Phật giáo nguyên thỉ về sau, có 7 chúng đệ tử, có sự khác biệt giữa xuất gia và tại gia, đối với sự tin tưởng, hiểu biết và tu hành Phật Pháp thì không có bất đồng quá lớn. Nhưng sự chuyên tinh tu tập để chứng ngộ của người xuất gia, so với người tại gia còn nhiều công việc bận rộn, thì cần phải có phương tiện nhiều hơn. Đức Thích tôn là người xuất gia, hành đệ tử có rất nhiều người ‘theo Phật xuất gia’, Tăng xuất gia cũng trở thành chủ thể nắm giữ và duy trì Phật Pháp, hoằng truyền Phật Pháp, nên cũng sẽ có phân biệt giữa tín chúng và Tăng chúng. Sự thật này kéo dài mãi về sau. Trong thời đại đức Thích tôn, như trưởng giả Chất-đa (Citra) là người có khả năng thuyết pháp cho cả người xuất gia và tại gia, trong Tương ưng bộ biên tập thành Chất-đa tương ưng, gồm 10 kinh.1 Có thể thấy rằng chúng đệ tử tại gia mà có trí tuệ thì có thể thuyết pháp cho chúng xuất gia, đây là việc đã có từ xưa, nhưng sau khi Phật nhập diệt, Phật giáo do người xuất gia làm chủ đã được phát triển mạnh mẽ lên, những đệ tử tại gia như là trưởng giả Chất-đa cũng ít thấy dần. Sự hưng khởi của Phật Pháp Đại thừa, có thể nói là đã khôi phục địa vị Phật giáo nguyên thỉ của người tại gia, dù là Bồ-tát thuộc hàng trời, Bồ-tát thuộc hàng quỉ, súc sanh, Bồ-tát tại gia thuộc nhân gian, so với thời đại đức Thích tôn, dường như còn hưng thịnh hơn một ít. Thời đại Phật Pháp Đại thừa tại Ấn-độ, người bắt đầu gánh vác trách nhiệm hoằng truyền Đại thừa, trên mặt ghi chép Sử truyện, dường như vẫn không nhiều. Như vào đầu thế kỷ 5 A.D., tại Ấn-độ, Pháp Hiển đã thấy ở thành Hoa Thị (Pāṭaliputra) “có một người bà-la-môn theo Đại thừa tên là La-ốc-tư-bà-mê… Cả nước chiêm ngưỡng, nhờ người này hoằng truyền và tuyên dương Phật Pháp nên ngoại đạo không thể bức hiếp Tăng chúng nữa… Thầy của vị bà-la-môn này cũng có tên là Văn-thù-sư-lợi, được các hàng đại đức sa-môn và các tỳ-kheo Đại thừa trong nước đều tôn trọng, kính ngưỡng, cũng sống ở Tăng già-lam này.”2 La-ốc-tư-bà-mê (Rādha-svārmīn) là tại gia bà-la-môn nhưng hoằng truyền pháp Đại thừa; Trí Mãnh là người đồng thời đi về hướng Tây với Pháp Hiển cũng đã gặp được vị ‘đại trí bà-la-môn’ này.3 Thầy của La-ốc-tư-bà-mê – Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī), sống trong chùa Tăng, là người xuất gia. Đường Huyền Trang đi khắp Ấn-độ (629-643), cũng gặp được hai vị Bồ-tát tại gia: trong khu rừng nước Trạch-ca (Takka), gặp vị bà-la-môn lớn tuổi “thông thạo các bộ luận như Trung (luận), Bách (luận), Quảng Bách luận, giỏi giang các sách khác như Vệ-đà, v.v.” Huyền Trang theo vị ấy “học Kinh, Bách luận, Quảng Bách luận.” Một vị khác là: Luận sư Thắng Quân (Jayasena), “sống trong núi Trượng Lâm, nuôi dưỡng và dạy dỗ đệ tử, thường giảng kinh Phật, kẻ đạo người tục đều quy ngưỡng theo học luôn quá vài trăm người.” Huyền Trang đã theo Thắng Quân học những Kinh-Luận của hệ Du-già trong 2 năm.4 Những người tại gia nhưng hoằng truyền Phật Pháp, vài vị này có sự thật lịch sử đáng tin tưởng, nhưng đều không quá nhiều. Về tình hình của Đại thừa sơ kỳ, ở đây thử phân biệt ra để trình bày.
Kinh A-di-đà tam-da-tam Phật tát-lâu Phật đàn quá độ nhân đạo: khi Phật A-di-đà (Amita) phát tâm cầu đạo bồ-đề, Ngài là vua Đàm-ma-ca (Dharmākara) xuất gia làm sa-môn; “hàng tối thượng đệ nhất” vãng sanh tịnh độ A-di-đà là hàng Bồ-tát “bỏ nhà, bỏ vợ con, đoạn ái dục để làm sa-môn,” hạng trung và thấp nhất mà vãng sanh là người tại gia.5 Hàng xuất gia không nhất định phải vãng sanh tịnh độ A-di-đà, nhưng hạng người tối thượng đệ nhất vãng sanh tịnh độ Di-đà, lại là xuất gia để tu Bồ-tát đạo.
Kinh A-súc Phật quốc: khi Phật A-súc mới phát tâm, ngài là vị tỳ-kheo được gọi là Bồ-tát A-súc (Akṣobhya). Bồ-tát A-súc phát nguyện: “Đời đời mà không luôn luôn làm sa-môn, đời đời mà không luôn luôn mặc y bổ nạp, đời đời làm sa-môn mà không đủ 3 pháp y, cho đến thành tối chánh giác thì tôi là kẻ dối lừa chư Phật Thế tôn.”6 Đây là Bồ-tát lập nguyện đời đời xuất gia, cho nên tịnh độ của Phật A-súc có “có chư vị Bồ-tát ma-ha-tát bỏ râu tóc (xuất gia) nơi Phật A-súc.” Bản dịch khác nói: “trong cõi của đức Phật ấy có các chúng chư Bồ-tát, ít người tại gia, nhiều người xuất gia.”7 Tịnh độ của Phật A-súc đặt nặng về xuất gia Bồ-tát, so với việc coi trọng xuất gia Bồ-tát của tịnh độ Di-đà, lại tiến thêm một tầng!
Kinh Bát-nhã ba-la-mật: người thuyết pháp của Bát-nhã nguyên thỉ là Tu-bồ-đề - “người tối đệ nhất trong những người đạt tam-muội vô tránh;” thuyết bát-nhã ba-la-mật cho hành Bồ-tát, là “tam-muội không chấp thọ các pháp:”8 điều này đã cho thấy rằng Bát-nhã nguyên thỉ là từ trong định huệ của tỳ-kheo a-lan-nhã, chuyên tinh tu hành mà ra. Bát-nhã bản trung nói về 10 địa vị của Bồ-tát: “trong 4 địa vị cần phải chấp hành không được bỏ 10 pháp, 10 pháp đó là những gì? Một, không bỏ việc sống ở nơi a-lan-nhã; hai, thiểu dục; ba, tri túc; bốn, không bỏ công đức đầu-đà; năm, không bỏ giới; sáu, từ bỏ các dục xấu xa; bảy, xa lánh tâm thế gian; tám, bỏ tất cả sở hữu; chín, tâm không sa đọa; mười, không tiếc bất cứ vật gì… Trụ trong địa vị thứ năm thì phải xa lìa 12 pháp, 12 pháp đó là những gì? Một, xa lìa sự thân cận với người bạch y; hai, xa lìa tỳ-kheo-ni; ba, xa lìa tiếc lẫn nhà người khác; bốn, xa lìa nơi nói lời vô ích…”9 Bồ-tát ở địa vị thứ tư và thứ năm là trọng về xuất gia.
Kinh Hoa nghiêm: phẩm Tịnh hạnh bắt đầu từ những việc làm của Bồ-tát tại gia rồi nói đến những việc làm của Bồ-tát xuất gia. Nói mở rộng về những việc làm của người xuất gia, nhiều nơi “cần phẩn nguyện chúng sanh”, so với những việc làm của người tại gia, thì nhiều hơn gấp 10 lần trở lên, đây là trọng về những việc làm của người xuất gia.10 Địa vị thứ tư và thứ năm của phẩm Thập địa đề cập đến việc sau khi được nghe Pháp từ Phật, “lại xuất gia tu đạo trong các Phật Pháp ấy,”11 thì tương đồng với những điều mà Trung phẩm Bát-nhã đã nói. Theo kinh Hoa nghiêm nói: Bồ-tát ở 10 địa vị phần nhiều làm vua cõi Diêm-phù-đề… vua trời Ma-hê-thủ-la, phần nhiều biểu hiện bằng thân người tại gia thuộc quốc vương, thiên vương. Nhưng ở sơ địa, kinh nói: “vị Bồ-tát này nếu muốn bỏ nhà, tu hành siêng săng tinh tấn trong Phật Pháp, thì có thể liền bỏ nhà, vợ con, 5 thứ dục, y theo lời dạy của đức Như lai để xuất gia học đạo. Khi đã xuất gia rồi, tu hành siêng năng tinh tấn, ở trong khoảng một niệm đắc 100 tam-muội, được gặp 100 vị Phật…” Ở địa thứ hai cũng nói như vậy, chỗ khác nhau là “đắc được 1000 tam-muội, được gặp 1000 vị Phật, v.v.”12 Từ địa thứ ba trở xuống, nói ngắn gọn là: “nếu tu hành siêng năng tinh tấn, trong khoảng một niệm đắc được trăm nghìn tam-muội, v.v.”13 Bồ-tát ở mười địa là đại Bồ-tát, là “thị hiện một cách tự tại;” phần nhiều làm quốc vương, thiên vương, nhưng vẫn biểu thị tánh ưu việt của việc xuất gia tu đạo. Bài tụng về sơ địa nói: “người trụ trong sơ địa này, làm vua có công đức lớn, dùng Pháp để chuyển hóa chúng sanh, có tâm từ không gây tổn hại. Thống lãnh đất Diêm-phù, làm việc giáo hóa tốt đẹp không gì sánh bằng, đều khiến chúng sanh trụ trong đại xả, thành tựu trí huệ Phật. Muốn cầu đạo tối thắng, phải bỏ địa vị quốc vương, thì mới có thể ở trong Phật giáo, tu tập dũng mãnh siêng năng, thời được 100 tam-muội,… giáo hóa chúng sanh ở 100 cõi, đi vào 100 pháp môn.”14 Ở tại thế gian thì làm lợi ích cứu giúp chúng sanh, công đức của vị vua cai trị theo chánh pháp rất lớn, nhưng trong sự chứng trí huệ, công đức của tam-muội, thần thông, v.v., thì công đức của việc xuất gia vẫn lớn hơn.
Kinh Mật tích Kim Cang lực sĩ: Mật tích Kim Cang lực sĩ (Vajrapāṇi) nói về ‘3 cái mật’ của Bồ-tát và Phật. Nhưng những lời Phật thuyết trong cung Mật tích lại là nghiệp báo của thiện ác, duyên khởi vô ngã, bỏ nhà theo đạo, trở thành người không phóng dật, biết đúng như thật về hữu và vô và 4 pháp ấn.15 Căn cứ vào giáo pháp nguyên thỉ để khi thị đạo Bồ-tát, “bỏ nhà theo đạo,” y theo lối cũ là việc chính của người tu hành. Ở phần cuối thì nói: “có hai vị tỳ-kheo làm Pháp sư, vị thứ nhất tên Trí Tịch, vị thứ hai tên Trì Chí Thành,” hộ trì chánh pháp của Phật, chính là đời trước của Phật và Kim Cang lực sĩ.16
Kinh Văn-thù-sư-lợi Phật độ nghiêm tịnh: kinh nói rằng: “việc đầu tiên là phải noi theo Như lai A-súc khi ngài còn những việc làm căn bản của đạo Bồ-tát ở những đời trước, chí nguyện xuất gia, vui thích với những việc làm của sa-môn, sanh ra ở đời nào cũng không trái với lời nguyện của mình!”17 Đây là trọng về những việc làm của người xuất gia, lấy đại nguyện của Bồ-tát A-súc làm gương mẫu.
Kinh Phú-lâu-na: trong những vấn đề mà Phú-lâu-na nêu ra, có: “Làm thế nào để xuất gia được an lạc, nhàn tĩnh tu ‘không’ trí?” Phật đáp rằng: “Bồ-tát ma-ha-tát lìa 5 thứ dục, luôn ham thích sự xuất gia, tâm tùy thuận sự xuất gia, hướng đến sự xuất gia. Vì không tham 5 thứ dục nên sau khi xuất gia lìa các thứ náo loạn, sống nơi núi rừng xa xôi, không làm mất đi pháp thiện. Bồ-tát thành tựu pháp thứ nhì này thì có thể đầy đủ tất cả công đức.”18 Tỳ-kheo Pháp sư Na-la-diên (Nārāyaṇa) hoằng pháp (đời trước của Di-lặc); trưởng giả tử Ma-ha Nại-ma-đà nghe pháp và xuất gia theo Na-la-diên chính là đời trước của Bồ-tát Kiều-việt-đâu.19 Vương tử Đà-ma thi-lợi xuất gia làm tỳ-kheo; sau khi chết chuyển sanh làm vương tử Đắc Niệm, xuất gia làm tỳ-kheo; lại chuyển sanh làm trưởng giả tử Da-xá, xuất gia làm tỳ-kheo; lại chuyển thân thành đạo sư của vương tử, xuất gia làm tỳ-kheo, sau đó đời đời đều xuất gia.20 Sau khi Phật diệt độ, hoằng truyền Phật Pháp, đều là tỳ-kheo pháp sư.
Kinh Pháp kính: từ các việc làm tại gia của Bồ-tát nói đến các việc làm xuất gia. Do sự bất lý tưởng của cuộc sống tại gia nên phát sanh cảm giác nhàm chán rồi hướng đến việc xuất gia, trong kinh có tường thuật rất sâu sắc.21 Có 500 lý gia (cư sĩ) phát đại tâm, bỏ nhà vì đạo.22
Kinh Huyễn sĩ nhân hiền: Huyễn sĩ được thọ ký, “theo Phật cầu xuất gia,” Phật sai Di-lặc (Maitreya) cạo tóc, và thuyết ý nghĩa chân thật của sự xuất gia cho vị ấy.23
Kinh Tu-lại: Tu-lại là một vị Bồ-tát tại gia, hướng dẫn chúng sanh học Phật đạo. Cuối cùng, quốc vương phát nguyện làm “người giữ vườn và cung cấp (làm ‘tịnh nhân’) cho Phật và Tỳ-kheo tăng;” “500 trưởng giả, cư sĩ, 500 phạm-chí, 500 tiểu thần đang ngồi, nghe vua thệ nguyện như tiếng rống sư tử, nên đều phát vô thượng chánh chân đạo ý, tất cả đều từ bỏ dục, bằng niềm tin của mình, bỏ nhà vì đạo, muốn làm sa-môn;” Tu-lại cũng đã hiện tướng xuất gia.24
Kinh Tu-ma-đề Bồ-tát: Tu-ma-đề là con gái của trưởng giả Úc-dà, 8 tuổi. Tu-ma-đề nói “pháp không có nam hay nữ,” dùng lời đúng như thật “bèn thành nam tử, tóc liền rụng, thân mặc ca-sa, liền thành sa-di.”25
Kinh A-xà-thế vương nữ A-thuật-đạt Bồ-tát: công chúa A-thuật-đạt (không ưu sầu), 12 tuổi, vấn nạn các đại đệ tử Thanh văn, thuyết pháp sâu xa. Sau đó đến trước Phật, “người nữ biến thành thân hình nam tử, lại niện Tỳ-kheo tăng,”26 tương đồng với kinh Tu-ma-đề.
Kinh Di-viết ma-ni bảo: Phật y theo nghĩa sâu xa của Đại thừa, thuyết pháp chân thật của sa-môn, và đã điều phục một cách xảo diệu tỳ-kheo tăng thượng mạn. “Bấy giờ, 1.200.000 người và chư thiên, quỉ thần, loài rồng đều đắc Tu-đà-hoàn đạo, 1300 (1200?) tỳ-kheo đều đắc A-la-hán đạo.”27 Đây là kinh điển xiển dương cả Bồ-tát đạo lẫn Thanh văn đạo.
Kinh Hiền kiếp tam-muội: kinh nói về “tam-muội biết rõ gốc của các pháp.” Trưởng giả tử Diệu Tịnh Quảng Tâm gặp Phật, nghe được pháp tam-muội nên “không tham sự nghiệp của người cư sĩ, xuất gia làm sa-môn,” là bổn sanh của Như lai Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm.28 Luân vương Trạch Minh (Phổ Quảng Ý) sau khi nghe được tam-muội này cũng “bỏ nước xả thành, không tham bốn phương, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp ca-sa, làm bậc sa-môn.” Tu học “tam-muội biết rõ gốc của các pháp” là tam-muội chung cho cả tại gia và xuất gia, nhưng “Phật hiểu rõ loại định tam-muội này, như Ta vốn học pháp tam-muội này nên không thể sống đời tại gia.” “Gặp 60 cai [na-do-tha – 600 triệu] chư Phật chánh giác, đều nghe được tam-muội này từ các vị Phật ấy, nên đều từ bỏ [gia đình] xuất gia làm sa-môn, đắc được hoàn toàn định này.”29 Người hoằng truyền tam-muội này, trừ Như lai ra, như pháp sư Vô Lượng Đức Biện Tràng Anh Biến Âm (đời trước của Như lai Đại Mục), pháp sư Vô Hạn Lượng Bảo Âm (đời trước của Phật A-di-đà) đều là tỳ-kheo pháp sư thuộc hàng xuất gia.30
Kinh Bảo Kế Bồ-tát: tỳ-kheo Cực Diệu Tinh Tấn nhẫn thọ các thứ hủy nhục lâu dài, cuối cùng đã cảm hóa thái tử Nghiệp Thủ. Tỳ-kheo Cực Diệu Tinh Tấn là đời trước của đức Thích tôn.31
Kinh Bảo Võng: Phật thuyết chư Phật trong 6 phương cho đồng tử Bảo Võng, “ức số Phạm thiên và đồng tử,… vào đời mạt pháp chúng con sẽ làm tỳ-kheo, ý chí mạnh mẽ không e sợ, sẽ dùng kinh này, ở tại quận quốc, vức quách, huyện ấp, tuyên thuyết kinh này.”32
Kinh Văn-thù sư-lợi hiện bảo tạng: Văn-thù-sư-lợi giáo hóa hàng đệ tử của Ni-kiền tử Tát-già, cùng đại chúng đi đến Kỳ Viên để yết kiến Phật. Ni-kiền tử Tát-già đến, “bấy giờ, 12.000 người và Ni-kiền tử cùng bỏ đi, số người còn lại đều thần thông, đức Thế tôn đều cạo bỏ râu tóc cho họ làm tỳ-kheo… 12.000 người này đều sẽ được Như lai Di-lặc cạo bỏ râu tóc làm sa-môn… Ni-kiền tử Tát-già sẽ làm đệ tử của Như lai Di-lặc, có trí huệ tối tôn giống như vị đệ tử đệ nhất Xá-lợi-phất của Ta.”33 Sự giáo hóa của Văn-thù sư-lợi khiến cho ngoại đạo hoặc chậm hoặc sớm cũng sẽ đều hướng đến xuất gia.
Kinh Trì thế: vương tử Vô Lượng Ý và Vô Lượng Lực cúng dường Phật và Tỳ-kheo tăng, sau đó “cùng xuất gia trong Phật Pháp… Phật Pháp trong thời gian cuối của 1.000 năm, hai người ấy do nhân duyên này nên lại được xuất gia, học vấn quảng bác, trí huệ của họ rộng như biển.”34 “Bồ-tát Bảo Quang… đến trọn cuộc đời thường tu Phạm hạnh… trong 500 đời thường sanh ở nhân gian, xuất gia học đạo.”35 Bồ-tát Vô Lượng Ý “mới 16 tuổi, xuất gia học đạo;” gặp được 20 ức vị Phật, đều “thường biết được đời trước của mình, đồng chơn xuất gia, tu hành Phạm hạnh, thường đắc niệm lực.”36 Kinh Trì thế phó chúc cho 500 vị Bồ-tát gồm Bạt-đà-la (Hiền Hộ), và Bồ-tát Di-lặc, sau khi Phật diệt độ 500 năm, trong thời ác thế, hộ trì, truyền bá, nhưng những duyên sự quá khứ, tu học và hoằng truyền được nói đó, đều là Bồ-tát xuất gia.
Kinh Phạm-chí nữ Thủ Ý: nữ Thủ Ý “sau khi thọ chung sẽ chuyển nữ thân; đến 84 ức kiếp không trở lại đường ác. Cúng dường 60.000 chư Phật Thế tôn, xuất gia vì đạo, đặt ý chí nơi hạnh sa-môn.”37
Kinh Minh tâm: Phạm-chí Tịnh Trụ, “Phật liền chấp nhận cho làm sa-môn, râu tóc liền rụng, pháp y ở trên thân.”38
Kinh Ma nghịch: Văn-thù căn cứ theo sự tự chứng về thắng nghĩa nên nói: “Ta không hành thiện đối với các pháp, cũng lại không hành phi biện đối với các pháp,” mà dùng “phụng hành cấm giới chưa từng khiếm khuyết, rỉ chảy,” “thường ở nơi nhàn tĩnh nên tâm được yên lặng,” “tu 4 hiền thánh chỉ túc tri tiết” làm thiện.39 Nếu như không tuân theo lời dạy của ma thì đắc được 12 sự, có thể “đắc được kinh điển, đạt đến đạo lớn của Phật.” Trong 12 sự ấy, có “đời đời sanh ra luôn giữ đạo tâm, thường được xuất gia mà làm sa-môn, nhàn tĩnh không lo sợ,”40 cũng là xem trọng sự thực hành của Bồ-tát xuất gia.
Kinh Hải Long Vương: trong vấn đáp về 49 sự của Bồ-tát, có “nghe rồi có thể phụng hành,” “đầy đủ đức của người xuất gia,” “ly cư (xuất gia) tùy thuận giới,” “từ bỏ gánh nặng,” “thường ở dưới gốc cây,” “vui thích ở nơi thanh vắng,” “mà ở một mình an vui,” “lìa các thứ dua nịnh,” “đầy đủ trí huệ của người xuất gia” – 9 sự, đều là sự thực hành của Bồ-tát xuất gia.41 Vua Vô Tận Phước đã nghe được tam-muội bảo sự từ Phật, “xuất gia vì đạo nên làm sa-môn. Các người con cũng vậy, đều làm sa-môn. Bấy giờ người trong nước thấy vua bỏ nước nên 60.000 người đều làm sa-môn. Vua Vô Tận Phước là đời trước của Bồ-tát Hải Long Vương.42
Kinh Huệ ấn tam-muội: Luân vương Huệ Thượng nghe pháp từ Phật, được “tam-muội hi vọng,” nên “lập tức bỏ nước, cạo bỏ râu tóc, rồi đi vào núi sâu, thọ trì và thực hành chánh giới.” Đến sau khi Phật nhập niết-bàn, “thuyết tam-muội (huệ) ấn cho mọi người:” đây là đời trước của Phật A-di-đà. “Bấy giờ, 1.000 người con (của Luân vương) thành Phật trong (hiền) kiếp. Nay đại chúng tụ hội trước mặt Ta, thời đều bỏ nhà, thảy làm tỳ-kheo.” Kinh nói Bồ-tát hộ pháp trong thời vị lai, mà người truyền thụ pháp môn là lấy Bồ-tát xuất gia làm chủ.43
Kinh Chư pháp vô hành: tỳ-kheo pháp sư Tịnh Oai Nghi là người thực hành Đại thừa; tỳ khoe Hữu Oai Nghi, gần với hành giả Thanh văn.44 Tỳ-kheo Bồ-tát Hỉ Căn là người trọng về thật tướng vô sở đắc; Thắng Ý - “tỳ-kheo pháp sư thực hành Bồ-tát đạo,” là người trọng về cấm giới, hành đầu-đà, thiền định.45 Hai chuyện bổn sanh này nói về sự bất đồng giữa Bồ-tát với Thanh văn, giữa Bồ-tát với Bồ-tát, đã phản ánh tình hình thật tế của giới Phật giáo. Người hoằng truyền pháp Đại thừa đều là tỳ-kheo pháp sư Bồ-tát.
Kinh Hoa thủ: trong kinh nói rất nhiều về duyên sự trong quá khứ và đương thời. Như Luân vương Văn Lực theo Phật nghe pháp, đem tất cả sở hữu cúng dường lên Phật và Tăng, “đã phụng hành bố thì xong, bèn xuất gia vì đạo,” vô số người đều xuất gia theo. Luân vương Văn Lực là đời trước của Bồ-tát Đông Phương Pháp Luân.46 Hai vị vương tử Vô Ưu và Ly Ưu phát tâm, luận về “tâm bồ-đề chân thật,” “xuất gia tu đạo theo Phật An Vương.”47 Thái tử Diệu Đức từ bỏ 5 thứ dục, xuất gia theo Phật An Vương, vô lượng vô số người và vua Kiện Đức cũng phát tâm xuất gia, đây là bổn sanh của đức Thích tôn và Bồ-tát Kiên Ý.48 Cư sĩ Kiên Chúng (người giữ tạng Pháp sau khi Phật diệt độ) theo pháp sư Thanh Minh cầu pháp. Sau khi chết, gặp đức Phật Đại Kiên, “xuất gia trong pháp của Phật Đại Kiên.” Sau đó lại gặp được Phật Tu-di Kiên, “xuất gia trong Phật Pháp:” cư sĩ Kiên Chúng là đời trước của Phật Đĩnh Quang.49 Vương tử Đắc Niệm phát tâm xuất gia, khắc phục sự dụ dỗ và phá hoại của Ma vương, rồi “xuất gia trong pháp của Phật Đức Vương Minh.” Bấy giờ, phụ vương cũng xuất gia, chính là đời trước của đức Thích tôn. Ma vương nhận được sự ảnh hưởng của vương tử Đức Niệm nên cũng chân thành xuất gia để tránh khỏi khổ báo của địa ngục.50 Cư sĩ Tuyển Trạch xuất gia, tu hành Phạm hạnh.51 Đồng tử Tuyển Trạch xuất gia, luận về pháp “xuất gia chân thật.”52 Vương tử Pháp Hành chỉ cho vua thấy sự trị quốc không thanh tịnh. Vương tử xuất gia, vua và phu nhân, v.v., cũng xuất gia trong pháp. Vương tử Pháp Hành là đời trước của đức Thích tôn.53
Ở trên, những người hoằng truyền đều là xuất gia. Trong kinh tuy cũng nói: trưởng giả tử Lợi Ý theo tỳ-kheo pháp sư Diệu Trí nghe pháp, phát đại bồ-đề tâm; vương tử Lạc Pháp cầu pháp; người hành khất tên Tuyển Trạch theo Phật phát tâm; trưởng giả Lạc Thiện theo tỳ-kheo pháp sư Vi-tu-la nghe pháp và cúng dường,54 đều không xuất gia nhưng Lợi Ý, Tuyển Trạch, Lạc Thiện đều nghe pháp từ nơi Phật và tỳ-kheo Bồ-tát.
Kinh Phật thăng Đao-lợi thiên vị mẫu thuyết pháp: thiên tử Nguyệt Thị “sanh nơi trời Đâu-suất của Bồ-tát Di-lặc… Khi Bồ-tát Di-lặc thành tựu chánh giác,… bỏ gia đình, ly gia vì đạo, làm bậc sa-môn, lãnh thọ Kinh pháp, trọn cả cuộc đời thường trì chánh pháp. Sau khi Phật diệt độ, bàn dùng pháp này cứu giúp quần sanh.”55
Kinh Đại thọ Khẩn-na-la vương sở vấn: trong 80 loại tâm cao quý [bảo tâm] của tam-muội bảo trụ cần phải tu tập, có thường xuất gia bảo tâm, thánh chủng thiểu dục tri túc bảo tâm, trang nghiêm nhất thiết đầu-đà công đức bảo tâm, độc xử bảo tâm.56 Trong giới ba-la-mật, nói đến “điều phục xuất gia được gọi là giới;” “kiên cố muốn tu hành được gọi là giới;” “kiên định thiểu dục và tri túc được gọi là giới;” “thích tu đầu-đà được gọi là giới.”57 Trong 32 Bồ-tát khí cũng có “khí xuất gia là lìa sự trói buộc và chướng ngại,” “khí nơi a-lan-nhã là nơi ít sự vụ và không có não loạn.”58 Những điều này đều đã biểu thị tính quan trọng của sự xuất gia. Còn có chuyện bổn sanh của vua Đại thọ khẩn-na-la; vua chuyển luân Ni-nê-đà-la cúng dường Như lai Bảo Tụ và Bồ-tát tăng, phát đạo tâm chân chánh vô thượng. “Từ bỏ vương vị,… cạo bỏ râu tóc, xuất gia bằng niềm tin trong Pháp của đức Phật ấy… Đều có khả năng thọ trì từ đầu chí cuối các pháp do vị Phật ấy thuyết.” Trong 1000 người con, trừ vương tử nhỏ nhất, còn lại cũng đều thứ tự xuất gia.59
Kinh Duy-ma-cật sở thuyết: vương tử Nguyệt Cái xuất gia theo Phật Dược Sư, tu Bồ-tát hành, là đời trước của đức Thích tôn.60
Kinh Ban-chu tam-muội: trong thời quá khứ, “trưởng giả tử Tu-đạt sau khi nghe được tam-muội (ban-chu) này thì rất hoan hỉ, liền tụng lại và ghi nhớ rất thuần thục, được làm sa-môn.”61 Thời quá khứ “ở Diêm-phù-đề có vị tỳ-kheo cao minh nên là Trân Bảo, bấy giờ tỳ-kheo ấy thuyết tam-muội này cho 4 bộ đệ tử - tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Thái tử Phạm-ma-đạt… phát ý cầu Phật đạo nên cùng đi với 1000 người, ở nơi vị tỳ-kheo này cạo tóc làm sa-môn, liền cầu học tam-muội ấy từ vị tỳ-kheo này,… chính mình học, lại dạy người khác học.”62 Thời quá khứ “có vị tỳ-kheo tên Hòa Luân, sau khi đức Phật ấy bát-niết-bàn, vị tỳ-kheo này hành trì tam-muội này.”63
Kinh A-xà-thế vương: chuyện bổn sanh của Văn-thù và đức Thích tôn: tỳ-kheo pháp sư Huệ Vương đã hướng dẫn đứa bé tên Ly Cấu Vương cúng Phật, phát tâm. Về sau, đứa bé với “cha mẹ và 500 người cùng phát tâm a-nậu-đa-la-tam-da-tam-bồ, thảy đều làm sa-môn nơi Phật A-ba-la-kỳ-đà-đà.”64
Các kinh Đại thừa đã dẫn ở trên, hoặc là những kinh do luận của Long Thọ từng trích dẫn, hoặc là được Trúc Pháp Hộ từng dịch ra vào đời Tây Tấn, đều là Thánh điển của Đại thừa sơ kỳ. Trong số gần 30 bộ kinh này, cũng có nói rộng về việc Bồ-tát hộ trì vào đời mạt pháp, nhưng trong những chuyện bổn sanh của Phật và Bồ-tát, trong những Bồ-tát hành được đề cập đến, thì Bồ-tát xuất gia là pháp sư hoằng truyền Phật Pháp. Đương nhiên, trong kinh Đại thừa sơ kỳ cũng có xem trọng Bồ-tát tại gia, những Bồ-tát tại gia mà hoằng truyền giáo pháp, như:
Kinh Phật mẫu xuất sanh tam pháp tạng bát-nhã-ba-la-mật-đa: “Bồ-tát tại gia được gọi là chánh sĩ, cũng được gọi là đại trượng phu, cũng được gọi là khả ái sĩ phu, cũng được gọi là tối thượng sĩ phu, cũng được gọi là thiện tướng sĩ phu, cũng được gọi là sĩ phu trung tiên, cũng được gọi là cát tường sĩ phu, cũng được gọi là hoa sen nhiều màu sắc trong hàng sĩ phu, cũng được gọi là đóa sen trắng trong hàng sĩ phu, cũng được gọi là bậc sĩ phu có chánh tri, cũng được gọi là con rồng trong loài người, cũng được gọi là bậc sư tử trong loài người, cũng được gọi là người điều khiển xe! Bồ-tát tuy còn tại gia nhưng có khả năng thành tựu nhiều thứ công đức, luôn ưa thích làm việc lợi lạc cho tất cả chúng sanh.”65 Đặc biệt kinh dành nhiều lời tán thán đối với vị Bồ-tát tại gia lên địa vị không còn thoái chuyển; phần thứ 4 và phần thứ 5 của kinh Đại Bát-nhã được dịch vào đời Đường cũng có những lời tán thán tương tự.66 Đây là Hạ phẩm Bát-nhã - bản dịch từ thế kỷ thứ 7 AD. về sau, nhưng các bản dịch vào đời Hán, Ngô, Tấn và bản dịch của Cưu-ma-la-thập, Trung phẩm và Thượng phẩm Bát-nhã tuy có nói tại gia mà đắc được địa vị không còn thoái chuyển nhưng lại thiếu đoạn tán thán này, có thể thấy nó là đoạn được người đời sau thêm vào.
Kinh Pháp kính: từ Bồ-tát hành của tại gia, chán bỏ tại gia rồi nói đến Bồ-tát hành của xuất gia, cuối cùng nói: “Thậm lý gia (trưởng giả Uất-già) thưa ngài A-nan rằng: Con không xem sự tham luyến thân thể là an vui mà muốn khiến cho chúng sanh được an vui nên con sống tại gia. Lại nữa, đức Như lai tự biết rõ rằng con vì chúng sanh ấy nên sống tại gia mà thọ (giới) kiên cố. Bấy  giờ Chúng-hựu (đức Thế tôn)… bảo A-nan rằng: Do đó trong Hiền kiếp có rất nhiều người bỏ gia đình để thành tựu khai sĩ [xuất gia]… Trong 1000 người khai sĩ bỏ gia đình tu đạo thì không người nào có thể có cái đức ấy, nhưng người lý gia [trưởng giả] này có cái đức ấy.”67 trưởng giả Uất-già sống tại gia nhưng tu giới xuất gia, công đức so với Bồ-tát xuất gia thì lại lớn hơn! Ở đây không phải nói chung cho Bồ-tát tại gia thông thường, mà là Bồ-tát tại gia tu giới xuất gia (lìa dâm dục). Không xuất gia nhưng sống như người xuất gia, đây là người đáng được tán thán. Biểu hiện thân người tại gia nhưng phương tiện để nhiếp hóa chúng sanh, so với Bồ-tát xuất gia, phải rộng lớn hơn nhiều. Kinh Tỳ-bà-lăng-kỳ của kinh Trung A-hàm nói: người thợ gốm tên Nan-đề-ba-la sống tại gia nhưng rất thích đời sống xuất gia nên được Phật khen ngợi. Vị ấy thúc giục người bạn tốt của mình là đồng tử Ưu-đa-la đến yết kiến đức Phật, rồi xuất gia, Ưu-đa-la chính là đời trước của đức Thích tôn.68 Ở đây có thể thấy, người tại gia nhưng thực hành đời sống xuất gia thì luôn luôn được khen ngợi. Trưởng giả Uất-già sống tại gia nhưng thực hành đời sống xuất gia nên xứng đáng được khen ngợi, nhưng theo toàn kinh để nói, thì vẫn là đề cao Bồ-tát xuất gia.
Kinh Tu-lại: Chi-khiêm dịch lần đầu vào đời Ngô.69 Bản kinh Tu-lại hiện đang còn là bản do Bạch Diên dịch vào đời Tào Ngụy và bản do Chi Thí Lôn dịch vào đời Tiền Lương; bản do Bồ-đề-lưu-chí dịch vào đời Đường được biên tập thành Thiện Thuận Bồ-tát hội thứ 27 của kinh Đại Bảo tích. Tu-lại là một người nghèo của nước Xá-vệ, người ta gọi ông là ‘Tu-lại nghèo’, cuộc sống mà ông trải qua giống như người xuất gia. Hằng ngày ông đều đến yết kiến Phật 3 lần, “mỗi khi ông đến yết kiến Phật thì thường có vô số trăm người cùng đi theo với ông.” Tu-lại nghiêm trì 5 giới, trải qua đời sống rất nghèo khổ nhưng không xem đó là nghèo, ngược lại, vua Ba-tư-nặc bị xem là người nghèo thiếu nhất. Phật thọ ký cho Tu-lại, trong pháp hội có rất nhiều người xuất gia, Tu-lại cũng xuất gia làm sa-môn.70 Tu-lại là Bồ-tát tại gia, đã dẫn dắt mọi người đến yết kiến Phật, trên mặt hoằng truyền Phật Pháp, vẫn ở địa vị đi theo tán thán giúp đỡ, quay về Phật giáo thuộc xuất gia.
Ngoài Bồ-tát ở phương khác, Bồ-tát thuộc hàng trời, Bồ-tát thuộc quỉ, súc sanh như Dạ-xoa, v.v., những kinh đển lấy ‘Bồ-tát thuộc người’ tại gia làm chủ thể cũng không ít. Như kinh Trưởng giả tử Chế, kinh Tu-ma-đề trưởng giả, kinh Tư-ha-muội, kinh Bồ-tát sanh địa: Phật thuyết pháp cho hành đệ tử tại gia, sau khi nghe pháp, họ phát đại tâm, Phật thọ ký cho họ.71 Đây là theo Phật để tu học, không có dấu tích hoằng truyền Phật Pháp. Như kinh Phạm-chí nữ Thủ Ý, kinh Huyễn sĩ Nhân Hiền, kinh A-xà-thế vương nữ A-thuật-đạt Bồ-tát, kinh Long thí nữ, kinh Tu-ma-đề Bồ-tát, cuối cùng đều theo Phật xuất gia, cũng chính là quay về Phật giáo thuộc xuất gia.72 Kinh Đại tịnh pháp môn, dâm nữ Thượng Quang Kim Thủ và trưởng giả tử Úy Gian nhân sự giáo hóa của ngài Văn-thù nên được ngộ nhập, Phật thọ ký cho họ,73 cũng không có ý nghĩa hoằng truyền Phật Pháp. Có ý nghĩa hoằng pháp, như Bồ-tát chuyển thân nữ nạn vấn ngài Tu-bồ-đề (đến khất thực) của kinh Thuận quyền phương tiện, là một vị đại Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa. Phật nói: “(Bồ-tát) chuyển nữ thân này biến khỏi thế giới Diệu Lạc của Phật A-súc để đến sanh nơi cõi này là muốn khai hóa tất cả chúng sanh nên thuận theo phương tiện quyền xảo hiện làm thân người nữ.”74 Kinh có chuyện tương đồng với kinh Thuận quyền phương tiện này là kinh Duy-ma-cật. “Ở cõi nước tên Diệu Hỉ có đức Phật hiệu là Vô Động (A-súc), Duy-ma-cật biến khỏi nước đó để đến sanh nơi cõi này.”75 Duy-ma-cật hiện thân trưởng giả, dùng phương tiện để giáo hóa, cũng quở trách và nạn vấn 10 vị đại để tử Thanh văn. Kinh Ly Cấu Thí nữ: con gái của vua Ba-tư-nặc tên là Ly Cấu Thí, đã quở trách và nạn vấn 8 vị đại đệ tử Thanh văn đi đến khất thực và 8 vị đại Bồ-tát, khiến họ yên lặng không trả lời được. Sau đó cùng với đại chúng đến yết kiến Phật, và hỏi sự các việc làm của Bồ-tát. Vốn dĩ sự phát tâm của cô Ly Cấu Thí còn sớm hơn nhiều so với Văn-thù-sư-lợi.76 Kinh Vô Cấu Hiền nữ: người nữ này khi còn ở trong thai mẹ đã biết chấp tay nghe kinh, chim, thú, côn trùng cũng đều ở trong thai ấy nghe kinh. Sau khi được sanh ra, người nữ này sanh trong hoa sen, vị này là “đến từ nơi Phật Bãi-lâu-diên Pháp Tập ở phương Đông Nam;” Phật khen vị ấy “khi còn ở trong bào thai, ngươi đã dẫn dắt chúng sanh.”77 Người nữ Ly Cấu Hiền, người nữ Ly Cấu Thí, Bồ-tát chuyển làm thân nữ, trưởng giả Duy-ma-cật là chuyện có ý nghĩa dùng thân Bồ-tát tại gia để giáo hóa chúng sanh, hoằng truyền Phật Pháp, nhưng đều là những đại Bồ-tát nương vào lời nguyện để sanh trở lại.
Chuyện nói về Bồ-tát tại gia nhưng có ý nghĩa hoằng truyền Phật Pháp, như trong kinh Ban-chu tam-muội, Bồ-tát Bạt-đà-hòa (Bhadrapāla, dịch nghĩa là Hiền Hộ) là vị đứng đầu trong 8 vị Bồ-tát, hoằng truyền và hành trì tam-muội ban-chu. Tam-muội ban-chu – tam-muội niệm Phật để quán sắc thân của Phật, là tam-muội được Phật thuyết cho Hiền Hộ. Phật nói: “Các vị gồm Bạt-đà-hòa, v.v. (8 người) là thầy trong 500 vị Bồ-tát, thường hành trì trong chánh pháp, hội họp theo giáo pháp, không ai không hoan hỉ.”78 “Bồ-tát Bạt-đà-hòa… Bồ-tát Hòa Luân Điều cùng bạch Phật rằng: Sau khi Phật bát-nê-hoàn, trong thời loạn lạc, chúng con sẽ cùng hộ trì kinh này, khiến cho Phật đạo tồn tại lâu dài. Nếu có người nào chưa được nghe kinh này thì chúng con sẽ cùng truyền dạy cho họ. Bản kinh sâu xa này ở thế gian có ít người tin tưởng, chúng con sẽ làm cho họ đều thọ trì nó.”79 Việc tám vị đại Bồ-tát gồm Hiền Hộ, v.v., thọ trì, hoằng truyền tam-muội ban-chu, có kinh văn làm chứng rõ ràng. Ngoài kinh Ban-chu tam-muội ra, nói đến 8 vị đại Bồ-tát, còn có kinh Hiền kiếp tam-muội, kinh A-xà-thế vương nữ A-thuật-đạt Bồ-tát, kinh Bát cát tường thần chú.80 Kinh Bát cát tường thần chú nói: “Nếu có bệnh tật nguy cấp thì nên kêu tên của 8 người chúng tôi, sẽ lập tức được thoát khỏi bệnh. Khi thọ mạng sắp kết thúc, 8 người chúng tôi sẽ liền bay đến đưa trở lại,”81 8 vị đại Bồ-tát ở trong truyền thuyết đã trở thành pháp thân đại sĩ. Trong quá trình khai triển của Phật Pháp Đại thừa, 8 vị đại Bồ-tát gồm Hiền Hộ, v.v., đã trở thành ’16 vị chánh sĩ gồm Hiền Hộ, v.v.,”82 như kinh Trì Tâm Phạm thiên sở vấn, kinh Bồ-tát Anh Lạc, kinh Hoa thủ, kinh Bảo vũ, kinh Quán sát chư pháp hành, kinh Đại phương quảng Như lai bí mật tạng, hội Vô Lượng Thọ Như lai, hội Tịnh tín đồng nữ, hội Hiền Hộ trưởng giả của kinh Đại Bảo tích đã nói đến. Từ 8 vị Bồ-tát rồi thành 16 vị Bồ-tát, đã cho thấy thứ tự trước sau của kinh điển được biên tập ra, Bồ-tát tại gia càng ngày dần tăng nhiều thêm. Tám vị Bồ-tát gồm Hiền Hộ, v.v., theo kinh Ban-chu tam-muội, đều là những người ở 6 thành lớn của Trung Ấn-độ.83 Trong kinh Đại thừa, truyền thuyết rất thịnh hành, luôn nói Bồ-tát Hiền Hộ, v.v., hộ trì Phật Pháp; thuyết nói 8 người ban đầu, hẳn có ít nhiều phần sự thật (không nhất định là 8 vị, 8 và 16 đều là những số cố định của Phật giáo) vậy!
Truyện cầu pháp của kinh Bát-nhã và kinh Hoa nghiêm đều có bóng dáng của Bồ-tát tại gia trì pháp và hoằng pháp. Trong kinh Bát-nhã, Tát-đà-ba-luân (Sadāpraru-dita) bây giờ là Bồ-tát ở phương khác thuộc cõi Phật Đại Lôi Âm. Từ trước, Tát-đà-ba-luân dùng thân tại gia, chuyên cần cầu Phật Pháp. Bấy giờ, vị thuyết pháp cho Tát-đà-ba-luân là Bồ-tát Đàm-mô-kiệt (Pháp Dũng). Đàm-mô-kiệt (Dharmodgata) là vị chủ của thành Chúng Hương (Gandhavatī), ở nơi đài cao, cúng dường bát-nhã ba-la-mật của “quyển kinh bằng vàng;” lại thuyết bát-nhã ba-la-mật cho đại chúng.84 Hạ phẩm Bát-nhã đã nói đến công đức của việc biên chép quyển kinh và cúng dường quyển kinh; ‘quyển kinh bằng vàng” của Bồ-tát Đàm-mô-kiệt, thực hiện cúng dường nhiều thứ, có thể thấy được phong trào và không khí biên chép quyển kinh và cúng dường rất là hưng thịnh! Ở đây, mặc dù truyền thuyết nói là chuyện quá khứ, nhưng hẳn đã phản ánh thời kỳ cuối của Trung phẩm Bát-nhã, pháp môn Bát-nhã được hoằng truyền ở phương Bắc (thành Chúng Hương chính là Kiền-đà-la), có sự thật của pháp sư Bồ-tát tại gia. Phẩm Nhập pháp giới của kinh Hoa nghiêm tường thuật lại lịch trình đồng tử Thiện Tài (Sudhana) đi về phương Nam cầu pháp. Đầu tiên tham phỏng 3 vị tỳ-kheo, đã đại biểu cho Tam bảo. Phẩm Nhập pháp giới đã chịu ảnh hưởng chuyện Bổn sanh của Bồ-tát, là Đại thừa hóa chuyện Bổn sanh của Bồ-tát. Chuyện Bổn sanh của đức Thích tôn theo truyền thuyết nói, khi ngài tu Bồ-tát đạo, đa số là thân tại gia. Còn nữa, phương tiện thiện xảo của đại Bồ-tát, ở nhân gia, là dùng thân phận khác nhau, chức nghiệp khác nhau, giáo hóa khắp tất cả tầng lớp để họ đi theo Phật Pháp. Thiện tri thức của phẩm Nhập pháp giới đều là phương tiện giáo hóa của pháp thân đại sĩ, đã có đầy đủ thành phần lý tưởng. Đa số là sự dẫn dắt của Bồ-tát tại gia, không thể phù hợp với thực tế. Nhưng lý tưởng này sẽ ít nhiều phản ánh Phật giáo theo hiện thực, chí ít, sự hoằng truyền Phật Pháp của Bồ-tát tại gia (hoàn toàn không nhất thiết đều là tại gia) là việc từng có thật ở Nam Ấn-độ. Hai truyền thuyết lớn về việc cầu pháp của Bát-nhã Hoa nghiêm, ước chừng được biên tập thành vào trước sau năm 150 AD.
Ở trên đã kiểm tra chi tiết các kinh Đại thừa sơ kỳ, có thể nói một cách khẳng định rằng: những người hoằng truyền của Đại thừa sơ kỳ, đa số là tỳ-kheo, cũng có số ít là người tại gia. Bây giờ phải nghiên cứu thêm một bước nữa, là những ‘pháp sư’ liên hệ cả tại gia và xuất gia. Quyển 4 của kinh Đạo hành Bát-nhã ba-la-mật (T. 8, tr. 443c) nói:
 “Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào làm pháp sư thuyết pháp vào ngày mồng 8, ngày 14, ngày 15 của tháng sẽ đắc công đức không thể tính kể được!”
Pháp sư thuyết pháp là kẻ thiện nam, người thiện nữ. Trong kinh Phóng quang Bát-nhã, tương đương với đoạn này, cũng nói: “Kẻ thiện nam, người thiện nữ nào làm pháp sư, nếu thuyết bát-nhã ba-la-mật vào ngày 14, ngày 15 của tháng,… công đức đạt được không thể tính kể.”85 Phẩm Pháp sư của kinh Pháp hoa cũng nói: “Nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào thọ trì, đọc, tụng, giải thích, biên chép, cúng dường các thứ cho trọn kinh Pháp hoa, thậm chí chỉ một câu [của kinh Pháp hoa].”86 Kẻ thiện nam, người thiện nữ, thông thường được giải thích đó là người thiện tín tại gia, cho nên ‘pháp sư’ hoằng truyền Đại thừa hoặc có người cho rằng người tại gia nhiều; hoặc có người cho rằng Đại thừa xuất xứ từ người tại gia. Nhưng Bát-nhã nguyên thỉ xuất xứ từ ‘loại tam-muội không [chấp] thị các pháp’(a) của hạnh a-lan-nhã.87 Kinh A-súc Phật quốc nói Bồ-tát A-súc lập nguyện “đời đời làm sa-môn;” đã đề cập đến ‘pháp sư tỳ-kheo’ thuyết pháp.88 Kinh A-di-đà nói người vãng sanh tối đệ nhất trong những người vãng sanh là sa-môn.89 Kinh A-xà-thế vương, do Chi Khiêm dịch, nói đến “tỳ-kheo thấu suốt kinh;” bản dịch khác là kinh Văn-thù-chi-lợi phổ triệu tam-muội, nói: “có một tỳ-kheo làm pháp sư,”90 theo những Đại thừa sơ kỳ mà được dịch ra hơi sớm để xét, việc nói người hoằng truyền là hàng tại gia nhiều hơn, hoặc xuất xứ từ người tại gia, là điều khó tưởng tượng được. Từ ‘pháp sư’ là dịch sang Hán, nguyên ngữ là dharma-bhāṇaka. Từ bhāṇaka, trong Luật điển dịch âm là ‘bối’, ‘bối-nặc’, là một hạng tỳ-kheo. Ở trên từng nói đến: bối-nặc là từ có liên quan với âm thanh, khi truyền đến Trung Quốc, đã phân hóa thành ‘chuyển đọc’ của đọc tụng kinh điển, ‘Phạm-bối’ của ca tán Tam bảo, ‘xướng đạo’ của tuyên thuyết Phật Pháp. Đọc tụng, ca tụng, (xướng đạo) thuyết pháp đều là bối-nặc. Kinh Di-lan vương vấn thuộc Nam truyền, nói trong Phật Pháp có nhiều hạng tỳ-kheo khác nhau, như “Sư thuyết pháp,… người tụng Bổn sanh, người tụng Trường bộ, người tụng Trung bộ, người tụng Tương ưng bộ, người tụng Tăng chi bộ, người tụng Tiểu bộ.”91 ‘Người tụng’ chính là bhāṇaka (bối-nặc). Bối-nặc cũng có thể thuyết pháp, như luật Tứ phần cho phép “dùng âm thanh ca vịnh để thuyết pháp.”92 Nhưng sự thuyết pháp của bối-nặc thì khác với ‘sư thuyết pháp’ (dharma-kathika) đơn thuần, như pháp sư giảng kinh ở Trung Quốc khác với ‘giảng theo thế tục’ vừa hát vừa nói. Trong hàng tỳ-kheo của Phật giáo Bộ phái có một hạng bối-nặc đọc tụng, ca tụng hoặc thuyết pháp (có hay không cho phép dùng âm ca vịnh để thuyết pháp). Tỳ-kheo bối-nặc, trong pháp Đại thừa, chính là pháp sư – người bối-nặc về pháp, pháp sư là từ tỳ-kheo bối-nặc diễn tiến mà có. Kinh Bát-nhã nói “kẻ thiện nam, người thiện nữ nào làm pháp sư,” đây là sự thông tục hóa của kinh Bát-nhã. Bát-nhã nguyên thỉ là ‘tam-muội không [chấp] thọ các pháp’ thuộc sự chứng của trí, người thông thường thì khó tin tưởng, thọ trì và thực hành được. Như phẩm đầu của Hạ phẩm Bát-nhã chủ yếu là Bát-nhã nguyên thỉ. Phẩm Thích Đề-hoàn nhân thứ 2 khuyến khích đại chúng phát tâm bồ-đề, tu học bát-nhã. Nhưng thính chúng thông thường biết được “điều nào được Tu-bồ-đề tuyên thuyết, đàm luận thì điều đó khó thể hiểu được;”(b) “Tu-bồ-đề muốn khiến cho dễ hiểu được nghĩa này, nhưng lại chuyển thành sâu sắc, vi diệu.(c)93 Do đó từ phẩm Tháp thứ 3 đến phẩm Tá trợ thứ 6 đã đề xuất phương tiện nông cạn, dễ dàng để có thể học được: một mặt, nói công đức hiện đời, công đức đời sau của Bát-nhã để dẫn dụ, khuyến khích phát lòng tín ngưỡng và tìm cầu của người nghe. Mặt khác, dùng nghe, thọ trì, đọc, tụng, giải thích, biên chép, cúng dường, (đem quyển kinh) cho người khác, ghi nhớ chính xác, thực hành đúng theo lời kinh nói làm phương tiện tu học Bát-nhã, cũng chính là phương tiện văn, tư (ghi nhớ, suy nghĩ), tu tập. Bấy giờ, có việc biên chép, lưu hành kinh điển nên có việc chép kinh, cúng dường kinh điển, đem kinh điển bố thí cho người khác; mà nghe, thọ trì, đọc, tụng, giải thích, ghi nhớ chính xác, thực hành đúng theo lời kinh nói, là phương tiện đã có sẵn từ kinh A-hàm trở đi. Ghi nhớ chính xác, thực hành đúng theo lời kinh nói là điều mà người mới học không dễ gì tu học được, cho nên sự giáo hóa theo thông tục của pháp môn Bát-nhã, ngoài nghe ra, còn xem trọng sự thọ trì, đọc, tụng, giải thích (thuyết cho người khác), biên chép, cúng dường. Kinh Pháp hoa, chịu ảnh hưởng của pháp môn Bát-nhã, cũng nói thọ trì, đọc, tụng, v.v., được gọi là “có 5 hạng (hoặc nói là 6 hạng) pháp sư.” Cho nên sự thọ trì và hoằng truyền pháp môn Bát-nhã có hai tầng sâu và cạn: tầng cạn chú trọng về sự nghe – thọ trì, đọc, tụng, giải thích, biên chép, cúng dường, bố thí cho kẻ khác, chủ yếu là những kẻ nam tử, người thiện nữ thông thường. Tầng sâu chú trọng về tư, tu – tư duy, tu tập, tương ứng, an trụ, đi vào, phần lớn trong kinh gọi người đó là Bồ-tát. Kẻ thiện nam, người thiện nữ là người thông thường nhưng dẫn dắt khiến kẻ khác hướng đến Bồ-tát đạo. Sự nhiếp hóa của pháp môn Bát-nhã là dùng âm thanh vi diệu để đọc tụng, mời đại chúng lắng nghe (Trung Quốc gọi là chuyển độc); hoặc dùng diệu âm để thuyết pháp (Trung Quốc gọi là xướng đạo); hoặc biên chép quyển kinh, cúng dường. Người tán tụng, thuyết pháp, biên chép được gọi là pháp sư – người bối-nặc pháp. Bối-nặc vốn là một hạng tỳ-kheo, cho nên pháp sư mà thông với cả tại gia và xuất gia, hẳn phải là từ tỳ-kheo pháp sư rồi diễn tiến đến tại gia. Khi pháp môn Bát-nhã mới được truyền bá, trừ số ít người có sự nhẫn và ngộ nhập sâu xa ra, trong giáo đoàn Bộ phái có sẵn, dầu tương đối đồng tình, cũng không dễ dàng lập tức thay đổi, cho nên khi Đại thừa mới hưng khởi, tỳ-kheo Bồ-tát là số ít, trong Tăng đoàn không có lực lượng nên luôn luôn bị hắt hủi, đây là điều được kinh Đại thừa tường thuật rõ ràng. Bát-nhã quá sâu xa, mà trong giáo đoàn có sẵn lại không dễ gì khai triển được, cho nên những hành giả Bát-nhã, vào 6 ngày trai, triển khai giáo hóa một cách bình thường theo thông tục để nhiếp hóa kẻ thiện nam, người thiện nữ. Đối với việc đọc, tụng, giải thích – pháp sư nhiếp hóa tín chúng thông thường, do tỳ-kheo Bồ-tát vẫn còn ít nên tín tâm chân thành, lý giải rõ ràng, triệt để nên những kẻ thiện nam, người thiện nữ có âm thanh hay sẽ ra hỗ trợ rồi trở thành pháp sư.94 Trong chúng tại gia cũng có khả năng là có pháp sư kiệt xuất, ưu việt. Những kẻ thiện nam, người tín nữ tin tưởng và thực hành pháp môn Bát-nhã nhiều hơn nên đã ảnh hưởng đến giáo đoàn có sẵn, chờ đợi đến lúc tỳ-kheo Bồ-tát, tỳ-kheo pháp sư Bồ-tát có nhiều hơn; những kẻ thiện nam, người thiện nữ ấy cuối cùng lại trở thành tín chúng của Phật giáo Đại thừa (Bồ-tát tại gia như Bà-thái-tư-bà-mê, Thắng Quân, cuối cùng vẫn là số rất ít).
Pháp môn Bát-nhã xem kẻ thiện nam, người thiện nữ là pháp sư, đó là nhiếp hóa theo thông thường, không thể nói pháp môn Bát-nhã là xem trọng về người tại gia. Khi kinh nói thọ trì, đọc, tụng, giải thích, biên chép, cúng dường, thì nói đến kẻ thiện nam, người thiện nữ, nhưng sâu hơn một tầng, là nói đến Bồ-tát a-tỳ-bạt-trí (không còn thoái chuyển), rõ ràng có Bồ-tát xuất gia. Kinh nói về tướng a-tỳ-bạt-trí, đa số có thể thông với cả tại gia và xuất gia, nhưng nói đến “Bồ-tát (không còn thoái chuyển) tại gia” có tâm tư chán ghét dâm dục rất sâu sắc;95 đây là có khuynh hướng về xuất gia, giống với kinh Pháp kính, phẩm Tịnh hành. Ác ma nói Bồ-tát “có công đức đầu-đà.”96 Ác ma “thấy Bồ-tát có sự thực hành viễn ly” nên tán thán vị ấy, đối với “vị Bồ-tát này từ nơi viễn ly đi đến chỗ tụ lạc, thấy các tỳ-kheo khác cầu Phật đạo, tâm tánh nhu hòa, bèn sanh lòng khinh mạn:(d)97 đây là minh chứng người cầu Bồ-tát đạo, có tỳ-kheo sống nơi a-lan-nhã và tỳ-kheo sống (gần) tụ lạc. Khi luận về Bồ-tát a-tỳ-bạt-trí, đã phân biệt Bồ-tát tại gia không còn thoái chuyển là những người chán ghét tình dục (tương đồng với trưởng giả Uất-già), và nói rõ ràng đến tỳ-kheo Bồ-tát sống nơi a-lan-nhã và sống nơi tụ lạc, đã cho thấy Bồ-tát tinh cần tu trì, là xem hàng xuất gia trọng hơn. Lấy việc thọ trì, đọc, tụng, giải thích, biên chép làm phương tiện nhiếp hóa người thiện nam, kẻ thiện nữ, những điều được pháp môn Bát-nhã khởi xướng, đa số được pháp môn Đại thừa sử dụng. Như kinh A-súc Phật quốc thì trọng về Bồ-tát xuất gia. Sau cùng nói: “nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào phúng tụng đức hiệu và kinh pháp của Phật A-súc, nghe rồi liền ghi nhớ phúng tụng, nguyện sanh cõi của Phật A-súc;” và nói đến nơi để học hỏi, biên chép. “Có người nào thọ trì đức hiệu và kinh pháp này, hoặc sẽ ghi nhớ phúng tụng, lại xuất gia học đạo thì lìa được tội.”98 Từ tại gia thọ trì, phúng tụng đến xuất gia tu đạo là quá trình tu học. Lại nữa, kinh A-xà-thế vương nói: “Nếu kẻ nam, người nữ,… có phúng tụng, đọc phẩm A-xà-thế của kinh ấy, hoặc cung (kính), hoặc (vâng) làm theo, hoặc phúng tụng, thuyết cho mọi (người).”99 Kinh Độn-chân-đà-la sở vấn Như lai tam-muội nói: “Không bằng kẻ nam, người nữ phụng hành các việc làm của Bồ-tát, rồi một ngày đêm 3 lần phúng tụng, đọc, nếu nói cho người khác các việc làm trong pháp ấy thì đức cao hơn người kia.”100 Kinh Duy-ma-cật nói: “Kẻ hiền nam, hiền nữ thọ trì pháp tinh yếu của môn không thể nghĩ lường được tuyên thuyết này, hay thọ trì, thuyết [cho người khác] thì được phước nhiều hơn người kia.” “Nếu kẻ nam hiền nhân (nữ hiền nhân) nào ghi nhớ được các kinh này thì nên khiến họ có được các kinh này, dùng niệm lực hộ trì cho họ, hoặc khiến họ ghi nhớ, thọ trì các kinh như thế, chỉ bảo lại cho bạn bè, giải thích rộng rãi, rõ ràng.”101 Kinh Thủ-lăng-nghiêm tam-muội nói: “Nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào cầu Phật đạo,… nghe được tam-muội thủ-lăng-nghiêm này thì liền có thể tin tưởng, thọ trì, tâm không còn thoái lui, không kinh, không sợ, phước vượt hơn người kia… Huống gì nghe rồi thọ trì, đọc, tụng, tu hành đúng như lời kinh nói, giải thích cho người khác.”102 Một vài bộ kinh được truyền dịch vào thời kỳ sớm nhất, đối với việc phát tâm, nghe, thọ trì, đọc, tụng, v.v., đều đã đề cập đến kẻ thiện nam, người thiện nữ. Phương thức nhiếp hóa tín chúng theo thông tục này dường như lưu truyền mãi về sau. Việc tụng kinh của Phật giáo Trung Quốc hiện đại – tụng cho tín chúng, dạy cho tín chúng tự tụng, cũng vẫn là diễn tiến của phương pháp này mà có vậy!





1 Tương ưng bộ, Chất-đa tương ưng, Nam truyền 15, tr. 427-462.
2 Cao tăng Pháp Hiển truyện, T. 51, tr. 862b.
3 Xuất Tam tạng ký tập 15, T. 55, tr. 113c.
4 Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện 2, T. 50, tr. 232a; và, q. 4, tr. 244a.
5 A-di-đà tam-da-tam Phật tát-lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh, q. thượng, T. 12, tr. 300c; và, q. hạ, tr. 309c-311a.
6 A-súc Phật quốc kinh, q. thượng, T. 11, tr. 751c-752b.
7 A-súc Phật quốc kinh, q. hạ, T. 11, tr. 758a-b. Đại Bảo tích kinh 20, Bất Động Như lai hội, T. 11, tr. 107b.
8 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 538a-b.
9 Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 6, T. 8, tr. 257a.
10 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 14, T. 10, tr. 70a-72a.
11 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 36, T. 10, tr. 190b, 192b.
12 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 34, T. 10, tr. 183c; và, q. 35, tr. 186c.
13 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 35, T. 10, tr. 188c-189a.
14 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 34, T. 10, tr. 184c.
15 Đại Bảo tích kinh 13, Mật Tích Kim Cang lực sĩ hội, T. 11, tr. 71c-73a.
16 Đại Bảo tích kinh 14, Mật Tích Kim Cang lực sĩ hội, T. 11, tr. 79b-c.
17 Văn-thù-sư-lợi Phật độ nghiêm tịnh kinh, q. thượng, T. 11, tr. 893b-c. Đại Bảo tích kinh 59, Văn-thù-sư-lợi thọ ký hội, T. 11, tr. 341b-c.
18 Đại Bảo tích kinh 77, Phú-lâu-na hội, T. 11, tr. 434c; và, q. 78, tr. 445a-b.
19 Đại Bảo tích kinh 77, Phú-lâu-na hội, T. 11, tr. 437c-439b.
20 Đại Bảo tích kinh 78, Phú-lâu-na hội, T. 11, tr. 445c-448a.
21 Pháp kính kinh, T. 12, tr. 17b. Uất-già-la-việt vấn Bồ-tát hành kinh, T. 12, tr. 25a-b. Đại Bảo tích kinh 82, Uất-già trưởng giả hội, T. 11, tr. 474a-b.
22 Pháp kính kinh, T. 12, tr. 22a-b.
23 Huyễn sĩ Nhân Hiền kinh, T. 12, tr. 37a.
24 Tu-lại kinh, T. 12, tr. 56c. Bản dịch khác: Tu-lại kinh, T. 12, tr. 63b.
25 Tu-ma-đề Bồ-tát kinh, T. 12, tr. 78a.
26 A-xà-thế vương nữ A-thuật-đạt Bồ-tát kinh, T. 12, tr. 89b.
27 Di-viết ma-ni bảo kinh, T. 12, tr. 194a.
28 Hiền kiếp tam-muội kinh 1, T. 14, tr. 7b-c.
29 Hiền kiếp tam-muội kinh 8, T. 14, tr. 63c-64a.
30 Hiền kiếp tam-muội kinh 1, T. 14, tr. 7b, 10b.
31 Đại Bảo tích kinh 118, Bảo Kế Bồ-tát hội, T. 11, tr. 670b-671a.
32 Bảo võng kinh, T. 14, tr. 82b.
33 Văn-thù-sư-lợi hiện bảo tạng kinh, q. hạ, T. 14, tr. 464a-b.
34 Trì thế kinh 2, T. 14, tr. 651c.
35 Trì thế kinh 4, T. 14, tr. 663c.
36 Trì thế kinh 4, T. 14, tr. 664c.
37 Phạm-chí nữ Thủ Ý kinh, T. 14, tr. 940b.
38 Tâm minh kinh, T. 14, tr. 942c-943a.
39 Ma nghịch kinh, T. 15, tr. 113c-114a.
40 Ma nghịch kinh, T. 15, tr. 116b.
41 Hải long vương kinh 1, T. 15, tr. 132c.
42 Hải long vương kinh 2, T. 15, tr. 140c-141a.
43 Huệ ấn tam-muội kinh, T. 15, tr. 463c-464b. Đại thừa trí ấn kinh 3, T. 15, tr. 481a-482a. Như lai trí ấn kinh, T. 15, tr. 471a-b.
44 Chư pháp vô hành kinh, q. thượng, T. 15, tr. 752c-753a.
45 Chư pháp vô hành kinh, q. hạ, T. 15, tr. 759a-b.
46 Hoa thủ kinh 2, T. 16, tr. 135b-c.
47 Hoa thủ kinh 3, T. 16, tr. 140b-141a.
48 Hoa thủ kinh 6, T. 16, tr. 170a-171b.
49 Hoa thủ kinh 6, T. 16, tr. 174a-175a.
50 Hoa thủ kinh 7, T. 16, tr. 176b-180b.
51 Hoa thủ kinh 8, T. 16, tr. 187b-c.
52 Hoa thủ kinh 9, T. 16, tr. 194c-196a.
53 Hoa thủ kinh 9, T. 16, tr. 197a-198b.
54 Hoa thủ kinh 7, T. 16, tr. 181c, 183a-b, 184c-186b; và, q. 9, tr. 199a-200a.
55 Phật thăng Đao-lợi thiên vị mẫu thuyết pháp kinh, q. trung, T. 17, tr. 794c.
56 Đại thọ Khẩn-na-la vương sở vấn kinh 2, T. 15, tr. 373a.
57 Đại thọ Khẩn-na-la vương sở vấn kinh 2, T. 15, tr. 376b-c.
58 Đại thọ Khẩn-na-la vương sở vấn kinh 4, T. 15, tr. 385c.
59 Đại thọ Khẩn-na-la vương sở vấn kinh 3, T. 15, tr. 383b-c.
60 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. hạ, T. 14, tr. 556c-557a.
61 Ban-chu tam-muội kinh, q. trung, T. 13, tr. 913c.
62 Ban-chu tam-muội kinh, q. hạ, T. 13, tr. 918a.
63 Ban-chu tam-muội kinh, q. hạ, T. 13, tr. 918c.
64 A-xà-thế vương kinh, q. thượng, T. 15, tr. 394a-b.
65 Phật mẫu xuất sanh tam pháp tạng bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 16, T. 8, tr. 642c.
66 Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 549 (phần 4), T. 7, tr. 827c; và, q. 562 (phần 5), tr. 902a.
67 Pháp kính kinh, T. 12, tr. 22b. Uất-ca-la-việt vấn Bồ-tát hành kinh, T. 12, tr. 30b-c. Đại Bảo tích kinh 82, Uất-già trưởng giả hội, T. 11, tr. 479c-480a.
68 Trung A-hàm kinh 12, Tỳ-bà-lăng-kỳ kinh, T. 1, tr. 499b-500a.
69 Xuất Tam tạng ký tập 2, T. 55, tr. 6c.
70 Tu-lại kinh, T. 12, tr. 52b-56c. Đại Bảo tích kinh 95, Thiện Thuận Bồ-tát hội, thiếu đoạn nói việc Tu-lại xuất gia, không khớp với bản dịch xưa.
71 Trưởng giả tử Chế kinh, T. 14, tr. 800c-801c. Tu-ma-đề trưởng giả kinh, T. 14, tr. 805b-808a. Tu-ha-muội kinh, T. 14, tr. 809c trở đi. Bồ-tát sanh địa kinh, T. 14, tr. 814a-c.
72 Phạm-chí nữ Thủ Ý kinh, T. 14, tr. 939b trở đi. Huyễn sĩ Nhân Hiền kinh, T. 12, tr. 31a trở đi. A-xà-thế vương nữ A-thuật-đạt Bồ-tát kinh, T. 12, tr. 83c-89b. Long Thí nữ kinh, T. 14, tr. 909c-910a. Tu-ma-đề Bồ-tát kinh, T. 12, tr. 76b-78c.
73 Đại tịnh pháp môn kinh, T. 17, tr. 817a trở đi.
74 Tu quyền phương tiện kinh, q. hạ, T. 14, tr. 930a.
75 Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. hạ, T. 14, tr. 555b.
76 Ly Cấu Thí nữ kinh, T. 12, tr. 89b trở đi.
77 Vô Cấu Hiền nữ kinh, T. 14, tr. 913b-914b.
78 Ban-chu tam-muội kinh, q. trung, T. 13, tr. 912b.
79 Ban-chu tam-muội kinh, q. hạ, T. 13, tr. 911a. Đại phương đẳng Đại tập kinh Hiền Hộ phần, q. 3, T. 13, tr. 884b-c.
80 Hiền kiếp tam-muội kinh 1, T. 14, tr. 1b. A-xà-thế vương nữ A-thuật-đạt Bồ-tát kinh, T. 12, tr. 84a. Bát cát tường thần chú kinh, T. 14, tr. 73a.
81 Bát cát tường thần chú kinh, T. 14, tr. 73a.
82 Trì Tâm Phạm thiên sở vấn kinh 1, T. 15, tr. 1a.
83 Ban-chu tam-muội kinh, q. thượng, T. 13, tr. 903a.
84 Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh 27, T. 8, tr. 416a-421b
85 Phóng quang bát-nhã ba-la-mật kinh 9, T. 8, tr. 67b.
86 Trong Diệu pháp liên hoa kinh có văn cú tương tợ rất nhiều, ở trên là dẫn từ q. 4, T. 9, tr. 30c.
(a) Skt: “sarvadharmāparigṛhīto nāma samādhi.” ASP, p. 5.
87 Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 537c-538b.
88 A-súc Phật quốc kinh, q. thượng, T. 11, tr. 752b; và, q. hạ, tr. 761b.
89 A-di-đà tam-da-tam Phật tát-lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh, q. hạ, T. 12, tr. 309c.
90 A-xà-thế vương kinh, q. thượng, T. 15, tr. 394a. Văn-thù-chi-lợi phổ triệu tam-muội kinh, q. thượng, T. 15, tr. 412b.
91 Di-lan vương vấn kinh, Nam truyền 59 hạ, tr. 203.
92 Tứ phần luật 35, T. 22, tr. 817a.
(b) Tham khảo: “atha khalu tatra parṣadi keṣāṃciddevaputrāṇāmetad-abhūt - yāni tāni yakṣāṇāṃ yakṣabhāṣitāni yakṣarutāni yakṣapadāni yakṣamantritāni yakṣapravyāhṛtāni, tāni vijñāyante jalpyamānāni / na punaridaṃ vijñāyate yatsubhūtiḥ sthaviro bhāṣate pravyāharati deśayatyupadiśati / atha khalvāyuṣmān subhūtirbuddhānubhāvena teṣāṃ devaputrāṇāmimamevaṃrūpaṃ cetasaiva cetaḥparivitarkam-ājñāya tān devaputrānāmantrayate sma - na vijñāyate na vijñāyate idaṃ devaputrāḥ / tathā hi nātra kiṃcitsūcyate, nātra kiṃcit śrūyate //” ASP, p. 19.
(c)Tham khảo: “dūrāddūrataramāryasubhūtiḥ praviśati, sūkṣmāt-sūkṣmataram / gambhīrādgambhīrataramāryasubhūtiḥ praviśati deśayati bhāṣata iti.” ASP, p. 19.
93 Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật kinh 1, T. 8, tr. 540b, c.
94 Dùng âm thanh chuyển đọc (cũng có thể tự mình chuyển đọc), xướng đạo để làm Phật sự, ở Trung Quốc giữa thời từ nhà Tấn đến Tống cũng có tiến hành vào 6 ngày trai. Như Cao Tăng truyện 13, T. 50, tr. 414a, 417c nói: “Hoặc đúng ngày thọ 8 quan [trai giới] trong một ngày đêm, sau lúc nửa đêm thì 4 chúng còn đang say giấc, con rắn ngủ còn đang kéo tới. (Trí) Tông bèn lên tòa tụng một lần, tiếng vang của Phạm âm cao vút tầng mây.” “Đạo nghiệp của Huệ Viễn thanh khiết huy hoàng, đạo phong và tài năng phát huy rực rỡ! Mỗi khi đến ngày trai tập hợp [làm lễ], Ngài vẫn đích thân lên tòa cao, cúi mình làm người đứng đầu (xướng) đạo.
95 Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật kinh 6, T. 8, tr. 565a. Đạo hành bát-nhã ba-la-mật kinh 6, T. 8, tr. 455b.
96 Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật kinh 7, T. 8, tr. 570b.
(d) Tham khảo: “sa tato vivekātpunareva araṇyādgrāmāntamavatīrya tadanyān bodhisattvān mahāsattvān peśalān bhikṣūn sabrahma-cāriṇaḥ kalyāṇadharmaṇo 'saṃkīrṇān śrāvakapratyekabuddha-pratisaṃyuktairmanasikāraiḥ pariśuddhakāyavāṅmanaḥkarmāntān jīvānavamaṃsyate /.” ASP, p. 195.
97 Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật kinh 7, T. 8, tr. 570c-571a.
98 A-súc Phật quốc kinh, q. hạ, T. 11, tr. 763a-763c.
99 A-xà-thế vương kinh, q. hạ, T. 15, tr. 405b. Văn-thù-chi-lợi phổ triệu tam-muội kinh, q. hạ, T. 15, tr. 427a.
100 Độn-chân-đà-la sở vấn Như lai tam-muội kinh, q. hạ, T. 15, tr. 366b. Đại thọ Khẩn-na-la vương sở vấn kinh 4, T. 15, tr. 387c-388a.
101 Duy-ma-cật kinh, q. hạ, T. 14, tr. 535c, 536c. Duy-ma-cật sở thuyết kinh, q. hạ, T. 14, tr. 556a, 557b.
102 Thủ-lăng-nghiêm tam-muội kinh, q. hạ, T. 15, tr. 645b.