LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ẤN-ĐỘ - CHƯƠNG II

Pháp sư Ấn Thuận

(印順 法師)

LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG

PHẬT GIÁO ẤN-ĐỘ

(印度佛教思想史)

Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh    

 dịch và phụ chú


CHƯƠNG II. SỰ KẾT TẬP THÁNH ĐIỂN VÀ PHÂN CHIA BỘ PHÁI

1. Tháp xá-lợi và sự Kết tập
Vào năm thứ 7 triều vua A-xà-thế (Ajātaśatru), đức Thích tôn niết-bàn tại Câu-thi-na (Kuśinagara). Sau khi Phật niết-bàn, giới Phật giáo có hai việc lớn rất cần thiết:
1) Di thể - xá-lợi (śarīra) của đức Thích tôn, dưới sự chủ trì của Đại Ca-diếp (Mahākāśyapa), cử hành lễ trà-tỳ (jhāpita) trang nghiêm. Những mảnh xá-lợi còn lại sau khi trà-tỳ (hỏa thiêu), do 8 vị vua thuộc các nước như Câu-thi-na, Ma-kiệt-đà (Magadha), Thích-ca (Śāk-ya), v.v., mang phần xá-lợi được chia trở về nước mình xây tháp (stūpa), phục vụ cho việc chiêm ngưỡng và lễ kính của hàng đệ tử Phật, đây là việc làm của hàng đệ tử tại gia của Phật. Đến thế kỷ III B.C., vua A-dục (Aśoka) của vương triều Khổng Tước (Maurya) tin Phật. Vua A-dục đã tập hợp một phần xá-lợi của Phật, phân chia và gửi đến những nơi có Phật Pháp lưu hành, (đa số) xây tháp bên cạnh chùa Tăng, làm đối tượng để lễ kính và cúng dường, nhằm thỏa mãn sự kiền thành của hàng đệ tử Phật hoài niệm đối với Phật. Tháp xá-lợi và chùa Tăng của chúng xuất gia có liên quan với nhau, chúng xuất gia cũng dần dần gánh vác việc xây tháp và trách nhiệm quản lý tháp. Tháp xá-lợi là tượng trưng cho đức Phật-đà. Phật Pháp lấy Tam bảo (Ratna-traya) làm nơi quy y, nhưng Phật thì đã quá khứ, để chúng sanh tưởng nhớ nên dùng tháp xá-lợi tượng trưng cho Phật bảo, điều này có thể hiểu được. Nhưng việc dùng hương, hoa, anh lạc, lọng che, ẩm thực, tràng phan, kỹ nhạc hát múa, v.v., cúng dường tháp xá-lợi, Phật giáo bắt đầu có hành vi tế tự (trời thần) giống với tôn giáo thế tục. Khi đức Thích tôn còn tại thế, ngoài việc ăn uống ra, Ngài không nhận những loại cúng dường này; bây giờ Ngài đã nhập niết-bàn, tại sao phải cúng dường thứ như vậy! Chẳng trách có người phải lên tiếng: “Đức Thế tôn đã trừ tham dục, sân nhuế, ngu si thì còn dùng tháp (trang nghiêm… ca múa kỹ nhạc) để làm gì?”1 Đây là việc không hợp Pháp nhưng nhằm thỏa mãn yêu cầu của phổ biến tín chúng, làm phát sanh tín tâm của tín chúng, thông tục phổ cập hóa, xây tháp cúng dường là điều mà giới Phật giáo nhất trí nhau. Vả lại, tháp càng xây thì càng nhiều, càng xây càng cao lớn trang nghiêm; tháp và chùa Tăng có liên quan với nhau, sự trang nghiêm to lớn của chùa tháp có một khí tượng mới riêng, không còn sự chất phát giống như thời đại của đức Thích tôn nữa vậy! Đây là một 'phương tiện khác' mà trong thời đại của đức Thích tôn không có; tháp Phật trang nghiêm to lớn (và việc đi nhiễu và lễ, v.v., các Thánh tích của đức Như lai) là có tác dụng khơi mở đối với quan điểm về đức Phật theo lý tưởng. Sự phát đạt của tháp xá-lợi, đương nhiên sẽ bắt đầu tuyên dương, trọng thị đối với công đức cúng dường tháp xá-lợi Phật, có người lại nói như vầy: “Việc cúng dường thịnh soạn túy-đổ-ba (tháp) sẽ đạt được quả to lớn” - đắc giải thoát, thành Phật đạo.(i)2 Trang nghiêm cúng dường tháp xá-lợi thì cũng có truyền ra những linh cảm thần kỳ của xá-lợi, như quyển 3 của Thiện kiến luật tỳ-bà-sa thuộc Nam truyền (T. 24, tr. 691a-b) nói:
“Xá-lợi liền từ đỉnh đầu voi bay lên hư không, cao bằng 7 cây đa-la, hiện ra các thứ thần biến, 5 sắc đen vàng. Hoặc có khi hiện ra nước, có khi hiện ra lửa, hoặc cả hai cùng hiện ra… Lấy xá-lợi đặt vào trong tháp, đại địa chấn động sáu thứ.”(ii)
Sự cúng dường tháp xá-lợi và thần kỳ của nó là điều mà giới Phật giáo đều nhất trí, đối với sự truyền ra của Phật Pháp Đại thừa là có ý nghĩa trọng đại vậy.3
2) Pháp thân của đức Thích tôn - Pháp (Dharma) do đức Thích tôn đã thuyết, (Giới) Luật (Vinaya) do đức Thích tôn đã qui định, luôn luôn được truyền tụng, thực hành ở trong Tăng-già (Saṃgha) xuất gia, cũng có một phần được truyền tụng trong nhân gian. Bây giờ đức Thích tôn đã nhập diệt, nhằm tránh việc quên sót và mất đi Pháp, Luật, Phật giáo ở địa phương nào thì thực hành theo kiểu địa phương ấy, vì vậy cử hành kết tập (saṃgīti). Lần kết tập này do Đại Ca-diếp phát khởi, tại hang Thất diệp (Saptaparṃa-guhā) thuộc thành Vương Xá (Rājagṛha), thủ đô nước Ma-kiệt-đà, tập hợp một phần các vị A-la-hán (truyền thuyết nói là 500 vị), cùng nhau kết tập, nhằm tránh sự mất sót, sai lầm; đây là việc hợp tình hợp lý, là trách nhiệm mà chúng xuất gia phải gánh vác. Ý nghĩa của ‘kết tập’ là hợp tụng. Tụng ra Pháp và Luật, trải qua sự cùng thẩm định của đại chúng, xác nhận đó là do Phật thuyết, Phật qui định, rồi sau phân loại thêm, biên tập thành thứ tự. Bấy giờ, vị chủ trì kết tập Giới luật là ngài Ưu-ba-li (Upāli); vị chủ trì kết tập Kinh pháp là ngài A-nan (Ānanda). Nội dung của cuộc kết tập đầu tiên ấy, qua sự khảo định là: Pháp, đem Pháp do Phật đã thuyết ấy chia thành các loại gồm uẩn, xứ, duyên khởi, ăn, đế, giới, bồ-đề phần, v.v., gọi đó là 'Tương ưng tu-đa-la' (Saṃyukta-sūtra). Tu-đa-la, dịch nghĩa thành 'kinh', là văn cú ngắn gọn, có tên gọi ấy là do dựa vào thể văn bấy giờ của Ấn-độ. Phật thuyết mà nội dung cùng loại thì tập hợp chung lại (có điểm lộn xộn), như uẩn với uẩn là cùng loại, thì tập hợp thành 'Uẩn tương ưng'. Luật, Giới - Học xứ (Śikṣā-pada) mà đức Thích tôn đã quy định cho hàng đệ tử xuất gia, căn cứ vào nội dung thì chia thành 5 thiên, gọi là 'Ba-la-đề-mộc-xoa' (Prātimokṣa), chính là Giới kinh mà mỗi nửa tháng, nửa tháng, hàng đệ tử xuất gia phải tụng. Về sau, lại biên tập ra Kỳ-dạ (Geya)(ii) và Ký thuyết (Vyākaraṇa)(iii) - Đệ tử ký thuyết, Như lai ký thuyết. Kỳ-dạ, vốn là kệ tụng của thế tục. Từ khi (Pháp và Luật) tu-đa-la được biên tập thành trở về sau, đem 10 kinh biên tập thành một kệ tụng, nhằm thuận tiện cho việc ghi nhớ, gọi đó là Kỳ-dạ. Về phương diện Kinh Pháp, lại trong quá trình tập hợp để lưu truyền, những kệ tụng thông tục thuyết cho người, trời, v.v., được gọi chung là Kỳ-dạ. Kệ tụng được truyền ra trễ hơn một ít mà không có biên tập, như Nghĩa phẩm (Arthavargīya), Ba-la-diên (Pārāyaṇa), v.v. Thứ nào mà nếu biểu đạt Phật Pháp, thì về sau được được gọi riêng là Già-đà (Gāthā). Những kệ tụng do Như lai có cảm hứng mà thuyết thì gọi là 'Vô vấn tự thuyết - không có người hỏi mà do Phật tự thuyết' - Ưu-đà-na (Udāna). Tại phương Bắc, Ưu-đà-na trở thành tên gọi chung của tập kệ tụng, như Pháp cú (Dharma-pada) được gọi là 'Pháp ưu-đà-na'. Thể của những kệ tụng này, hoặc bị hạn chế bởi số chữ, hoặc bị hạn chế bởi âm vận nên trình bày tương đối mơ hồ; kệ tụng có hơi thở văn nghệ, hoặc không tránh khỏi dùng ngôn từ quá đáng, cho nên trong Phật Pháp, Kỳ-dạ là thuộc 'bất liễu nghĩa'. Luật cũng có Kỳ-dạ, đó là qui tắc thường thực hành trong Tăng đoàn, ban đầu được xưng là 'Pháp tùy thuận pháp kệ'. Ký thuyết của Pháp thì có Đệ tử ký thuyết, Như lai ký thuyết. Đối với sự lý sâu xa khó hiểu, Ký thuyết có đặc tánh rõ ràng, xác định, cho nên đối với Kỳ-dạ mà nói, thì Ký thuyết là thuộc 'liễu nghĩa'. Luật cũng có ký thuyết, đó chính là phân biệt giải thích Giới kinh, như 'Ba-la-đề-mộc-xoa phân biệt'. Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Ký thuyết là chung cho cả Pháp và Luật, chính là 3 phần đầu tiên của 9 phần (hoặc 12 phần) giáo (navāṅga-vācana). Ba phần đầu tiên của Pháp là tương đương với Tạp (Tương ưng) A-hàm kinh thuộc bản dịch Hán ngữ và Tương ưng bộ của Pāḷi ngữ thuộc Nam truyền.
Sau cuộc kết tập lần thứ nhất (hoặc gọi là 'cuộc kết tập gồm 500 vị'), Phật Pháp từ các nơi không ngừng được truyền ra, do Kinh sư và Luật sư thẩm tra một cách có phân biệt để bảo tồn. Đến khi Phật nhập diệt được 100 năm, nhằm việc tỳ-kheo có thể nắm giữ vàng bạc hay không, đã dẫn đến phát sanh cuộc tranh luận trọng đại giữa các tỳ-kheo ở Tỳ-xá-ly (Vaiśālī) thuộc phương Đông và các tỳ-kheo thuộc phương Tây, nhân đó có cuộc kết tập lần thứ hai ở Tỳ-xá-ly (cũng gọi là 'cuộc kết tập gồm 700 vị'). Bởi vì số người quá nhiều nên cả hai bên đều tự suy cử đại biểu của mình tham dự, do các đại biểu ấy căn cứ vào Kinh, Luật để cùng thẩm định. Đối với vấn đề dẫn đến tranh luận (hệ phương Tây nói có '10 việc phi pháp), căn cứ vào những ghi chép hiện còn trong tạng Luật, thì phái phương Đông đã thừa nhận là mình không đúng như Pháp, cho nên Tăng-già đã hòa hợp trở lại. Do nhân duyên tập trung đại hội ấy nên đã tiến hành kết tập lần thứ hai đối với Kinh, Luật. Về phương diện Kinh pháp, đã biên tập thành 5 bộ: 1) Tạp A-hàm, Nam truyền gọi là Tương ưng bộ; 2) Trung A-hàm, Nam truyền gọi là Trung bộ; 3) Tăng nhất A-hàm, Nam truyền gọi là Tăng chi bộ; 4) Trường A-hàm, Nam truyền gọi là Trường bộ; 5) Tạp tạng, Nam truyền gọi là Tiểu bộ, bộ phận này, mỗi bộ phái đều có thêm bớt rất lớn. Hiện tại ở Tích-lan - Cát Tường Lăng-già (Śrīlaṅkā), Tiểu bộ của Nam truyền có tổng cộng 15 loại: Tiểu tụng, Pháp cú, Tự thuyết, Như thị ngữ, Kinh tập, Thiên cung sự, Ngạ quỉ sự, Trưởng lão kệ, Trưởng lão Ni kệ, Bổn sanh, Nghĩa thích, Vô ngại giải đạo, Thí dụ, Phật chủng tánh, Sở hành tạng. Pháp cú Kinh tập là tương đối xưa; bộ phận còn lại, có nhiều loại được biên tập thành rất trễ. Về phương diện Giới luật, phân biệt Ba-la-đề-mộc-xoa, phân biệt được càng chi tiết hơn nhiều. Kệ tụng, ngoài phần có sẵn từ xưa, đã bổ sung thêm Ngũ bách kết tập, Thất bách kết tập, Tịnh pháp; lại bổ sung thêm một bộ phận nữa. Bộ phận này, Thượng tọa bộ (Sthavira) gọi là Bổn mẫu - Ma-đắc-lặc-già (Māṭṛkā) (của Luật); luật của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) thì gọi là Tạp phẩm, chính là 'Pháp tùy thuận pháp kệ'.(iv) Những loại kiền-độ (khandha) mà Thượng tọa bộ đã biên tập thành, hoặc gọi là pháp (dharma), hoặc gọi là sự (vastu), đều là căn cứ vào Ma-đắc-lặc-già để biên soạn mà thành. Kinh pháp và Giới luật đã trình bày ở trên, do mỗi bộ phái truyền bá riêng nên nội dung đều có thêm bớt. Đại khái, chủ yếu là khi bộ phái thành lập, đối với Kinh pháp và Giới luật, đều có qua sự cùng kết tập của bộ phái mình (có loại không chỉ kết tập một lần). Nhưng loại chủ yếu của Kinh, Luật được biên tập thành thì được toàn thể Phật giáo công nhận, có thể suy đoán đó là hoàn cảnh trước khi phân chia thành bộ phái.
Bấy giờ, Kinh, Luật được biên tập hoàn thành ấy luôn luôn được tụng thuộc lòng để truyền khẩu cho nhau, còn chưa có sự ghi chép.4 (Hệ Thượng tọa bộ) Xích đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) thuộc Nam truyền ở Tích-lan, nói: sau khi kết thúc cuộc kết tập gồm 700 vị, 10.000 ác tỳ-kheo thuộc Bạt-kỳ (Vajjiputta), v.v., bị hàng Thượng tọa đuổi đi ấy đã tập hợp lại để kết tập, gọi là Đại hợp tụng - Đại kết tập, rồi trở thành Đại chúng bộ.5 Nhưng theo bộ luật của Đại chúng bộ - luật Ma-ha Tăng-kỳ của bản dịch Hán, thì trong cuộc kết tập gồm 700 vị ấy, đã thừa nhận việc tỳ-kheo cầm nắm vàng bạc là phi pháp.6 Nếu tỳ-kheo Bạt-kì thuộc phương Đông phủ nhận tánh hợp pháp của cuộc kết tập gồm 700 vị ấy, tự mình kết tập rồi trở thành Đại chúng bộ, thì tại sao luật Ma-ha Tăng-kỳ lại đồng ý việc tỳ-kheo cầm nắm vàng bạc là phi pháp? Cho nên, truyền thuyết của Xích đồng diệp bộ là không đủ để tin tưởng vậy! Bởi vì đại biểu là do cả hai phương Đông và Tây suy cử ra, cử hành giải quyết sự luận tranh, theo Luật là có tánh hạn chế, thì tỳ-kheo phương Đông bấy giờ không thể có dị nghị thêm nữa. Vả lại, hội nghị được cử hành tại Tỳ-xá-ly, mà Bạt-kỳ là dân tộc chiếm đa số của Tỳ-xá-ly. Đuổi đi 10.000 tỳ-kheo Bạt-kỳ đang có mặt là đuổi khỏi Tăng đoàn, có phải là đuổi khỏi nước chăng? Hàng Thượng tọa đến từ phương Tây, có lực lượng nào để có thể làm được việc này? Ở đây, chẳng qua là hàng Thượng tọa của phương Tây căm ghét tận xương tủy đối với việc tỳ-kheo Bạt-kỳ cho phép cầm nắm vàng bạc (hoặc 10 sự) nên có truyền thuyết này mà thôi. Một truyền thuyết khác của phương Bắc là: sau khi cuộc kết tập lần thứ nhất kết thúc, 10.000 tỳ-kheo ở bên ngoài đã không đồng ý với việc kết tập của số ít tỳ-kheo ấy nên tiến hành kết tập riêng, gọi là 'cuộc kết tập bên ngoài', chính là thành lập nên Đại chúng bộ.7 Mang thời đại thành lập nên Đại chúng bộ đặt sớm hơn, biểu thị là đa số, đây cũng không đủ để tin tưởng. Theo luật Ma-ha Tăng-kỳ nói: qua hội nghị kết tập gồm 700 vị, cùng nhau luận định của các đại biểu phương Đông và Tây, Tăng-già vẫn hòa hợp trở lại. Trước khi phân chia thành bộ phái, Phật giáo hòa hợp thành một vị, thông thường gọi đó là Phật giáo Nguyên thỉ.
Từ Phật giáo Nguyên thỉ rồi diễn tiến đến Phật giáo Bộ phái, đầu tiên là phân hóa thành hai bộ căn bản gồm Đại chúng bộ (Mahā-sāṃghika) và Thượng tọa bộ (Sthavira). Sự tranh luận của cuộc kết tập gồm 700 vị ấy tuy do hội nghị của đại biểu hai bên nên được giải quyết hòa bình nhưng chỉ là tạm thời. Phật giáo của tỳ-kheo phương Đông, có trung tâm ở Tỳ-xá-ly (Vaiśālī), đang trong thời kỳ phát triển, về quan điểm đã có khoảng cách càng ngày càng lớn với hàng tỳ-kheo phương Tây, cuối cùng đã tách khỏi phương Tây, trên sự thật là đã trở thành hai bộ. Từ tên gọi Đại chúng và Thượng tọa để luận, thì sự phân hóa đầu tiên Phật Pháp, trên mặt pháp nghĩa tuy cũng không thể tránh việc còn có ý khiến khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề Giới luật. Chế độ Tăng-già (Saṃgha) do đức Thích tôn qui định, trên nguyên tắc là “tôn kính Thượng tọa nhưng xem trọng đại chúng.” Đối với vị Thượng tọa trưởng lão có học, có đức, có tu chứng thì nhận được sự tôn kính tương xứng; nhưng khi xử lý công việc của Tăng-già, cử hành hội nghị - yết-ma (karman), mọi người đều có địa vị bình đẳng, căn cứ theo ý kiến của đại chúng để quyết định. Phật giáo của hệ phương Tây dần dần hình thành nên quyền uy của hàng Thượng tọa, cho nên có truyền thuyết '5 sư truyền thừa cho nhau';(i) tư tưởng hơi bảo thủ, đối với những điều luật chế là “điều khinh hay trọng đều giữ như nhau.” Hệ phương Đông có đa số là tỳ-kheo thanh niên, số người đông mà tư tưởng tự do hơn nhiều, đối với những quy định của Luật thì trọng về căn bản. Như dẫn đến phát sanh tranh luận của cuộc kết tập gồm 700 vị ấy, chủ yếu là việc tỳ-kheo nắm giữ vàng bạc, mà theo lời truyền của hệ Thượng tọa bộ, có 10 việc phi pháp. Như luật Ngũ phần nói: “(1) muối và gừng trộn lại để cách đêm, được phép; (2) hai lần dùng ngón tay lấy thức ăn, được phép; (3) ngồi trở lại để ăn, được phép; (4) đi đến bên trong tụ lạc ăn, được phép; (5) tô, dầu, mật, thạch mật hòa chung với lạc, được phép; 6) uống rượu xà-lâu-già, được phép; (7) làm tọa cụ lớn nhỏ tùy ý, được phép; (8) học theo thói quen của những người đi trước, được phép; (9) cầu thính [đồng ý với yết-ma phi pháp], được phép; (10) nhận và cất giữ vàng, bạc, tiền, được phép.”(ii)1 Từ 'tịnh' (kappa) là thích hợp, phù hợp với Giới nên có thể làm như vậy. Hệ phương Tây chủ trương “điều khinh hay trọng đều giữ như nhau,” vô cùng xem trọng đối với những chi tiết nhỏ nhặt của việc ăn uống, v.v., yêu cầu phải thọ trì giống như những Giới trọng. Hệ phương Đông chủ trương tôn trọng những điều luật căn bản, “không câu nệ những việc nhỏ nhặt.” Tánh nhất quán của sự xem trọng đại chúng nhưng tôn kính Thượng tọa ấy, cuối cùng đã chia cắt rồi trở thành hai bộ. Sự phân hóa của bộ phái, tuy nói ban đầu phân thành Đại chúng và Thượng tọa, nghiêng về vấn đề giới luật, nhưng về phương diện tư tưởng đương nhiên cũng có điều thêm bớt. Dù cho phân chia lần đầu hay những lần phân chia nữa về sau, thì cũng cần phải xem trọng sự khác biệt căn bản về tư tưởng, không thể dùng những quan điểm khác nhau của bộ phái thuộc truyền thuyết do đời sau nói mà tưởng tượng đó là tình hình của lần phân chia đầu tiên, tư tưởng của mỗi một bộ phái đều có sự phát triển và thay đổi.
Phật Pháp từ phân hóa thành hai bộ, về sau lại phân hóa nhiều lần nữa, truyền thuyết nói phân chia thành 18 bộ. Thật ra, sự phân hóa đến cành nhánh, thì số bộ phái không dừng ở 18 bộ. Sự phân hóa nhanh chóng không ngừng của các bộ phái ấy có mối quan hệ nhất định với việc tin Phật và hộ Pháp của vua A-dục (Aśoka). Sau khi vương triều Thi-tu-na-già (Śaiśunāga) của Ma-kiệt-đà (Magadha) sụp đổ, vương triều Nan-đà (Nanda) do vua Nan-đà (Mahāpadma-nanda) khai sáng có thế lực tương đối cường thịnh. Vào năm 327 B.C., vua Á-lịch-sơn-đại (Alexander) của Mã-kỳ-đốn (Ma-cedonis) sau khi đã tấn công chiếm Ba-tư (Pārasya), A-phú-hãn-tư-thản (Afghanistan), Tỉ-lộ-chi-tư-thản (Ba-luchistan), tiến tới xâm lăng đến Tây Bắc Ấn-độ, áp sát Trung Ấn-độ. Vì Á-lịch-sơn-đại trở về nước, từ trần vào năm 323 B.C., nên Trung Ấn-độ thoát được kiếp nạn lớn. Sự xâm lăng của Á-lịch-sơn-đại đã truyền vào văn hóa nghệ thuật của Hi-lạp (Hellas), cũng dẫn đến khởi lên cuộc vận động chống ngoại xâm của nhân dân Ấn-độ. Nổi tiếng là Chiên-đà-la-cấp-đa (Candragupta), bị vua Ma-kiệt-đà bắt đi đày đến Bàng-già-phổ (Panj-āb) thuộc Bắc Ấn-độ. Sau khi Á-lịch-sơn-đại trở về nước thì Chiên-đà-la-cấp-đa đã liên lạc số ít các nhóm vũ trang, bắt đầu đánh đuổi quân đội Hi-lạp còn đóng lại tại Tây Bắc Ấn-độ. Về sau đã lật đổ vương triều Nan-đà, sáng lập vương triều Khổng Tước (Maurya). Khi vương triều này cực thịnh, trừ Nam Ấn-độ lấy sông Ba-na (Penner) làm biên giới ra, đã chiếm hữu toàn bộ Ấn-độ; A-phú-hãn và Tỉ-lộ-chi-tư-thản cũng thuộc trong ấy, trở thành thời đại đại thống nhất của Ấn-độ cổ. Lại truyền đến vua A-dục, lên ngôi vào khoảng năm 271 B.C. Vua A-dục tranh ngôi với anh mình, nhằm củng cố chính quyền nên không thể tránh khỏi tàn bạo với đối thủ chính trị, do đó ông được gọi là 'Chiên-đà-la A-dục'. Khi tại vị đến năm thứ 9, ông đã chinh phục Yết-lăng-già (Kaliṅga).2 Vì nhìn thấy sự thật thảm khốc do quân dân tử vong nên vua A-dục đã từ bỏ chinh phục xâm lược, mà thay đổi thành chính sách kết thân với các nước lân cận để lấy hòa bình an ổn. Về đối nội, ông cũng lấy Pháp - việc thiện đạo đức để giáo hóa dân chúng, từ những 'Pháp sắc' khắc trên đá [ma nhai摩崖] còn lưu giữ được, có thể nhận thấy ông thi hành một mảng chánh trị nhân đạo. Do đó, ông còn được tôn xưng là Pháp A-dục. Việc vua A-dục cải đổi hành vi ấy có liên quan đến sự tín ngưỡng Phật Pháp. Đối với những tôn giáo phổ biến khác, có thể ông đều dành cho sự tôn trọng, nhưng đối với Phật Pháp, ông tín ngưỡng sâu sắc nhất. Như 1) vua A-dục lấy xá-lợi (śarīra) Phật phân chia và gửi đi các nơi để xây tháp (stūpa), khiến nhân dân có cơ hội chiêm ngưỡng và lễ bái xá-lợi Phật; phong trào xây tháp (ban đầu mô hình nhỏ, nhiều lần xây thêm nên trở thành tháp lớn) từ đây hưng thịnh lên.
2) Truyền thuyết của phương Bắc nói: Dưới sự hướng dẫn của Ưu-ba-cúc-đa (Upagupta), vua A-dục đã đi nhiễu và lễ Thánh tích của đức Thích tôn và Phật quá khứ. Nam truyền tuy không đề cập đến việc này nhưng đó đích xác là sự thật. Tại nơi chiêm bái, vua A-dục đều xây dựng trụ đá lớn cao 4 đến 5 trượng, kiến trúc điêu khắc tinh xảo, đẹp đẽ, và khắc bài minh ký ghi thời gian vào năm X X, vua A-dục đã đến đi nhiễu và lễ bái nơi này. Vườn Lam-tỳ-ni (Lumbinī) nơi Phật đản sanh, Lộc dã uyển (Ṛṣipatana-mṛgadāva) nơi Phật chuyển Pháp luân, bây giờ vẫn còn trụ đá sót lại.
3) Truyền thuyết của phương Nam nói: Vua A-dục phái những vị Đại đức nổi tiếng, chia ra đi đến những vùng biên cương xa xôi để hoằng tuyên Phật Pháp. Ngoài Ấn-độ ra, có Du-na thế giới (Yonaloka), phía Tây Bắc Ấn độ, là khu vực bị người Hi-lạp khống chế; Kim địa (Suvaṇṇa-bhūmi), là Miến-điện (Burma); đảo Lăng-già (Laṅkā-dīpa), là Tích-lan. Từ đó, Phật giáo phát triển rồi trở thành Phật giáo quốc tế.
4) Vua A-dục từng sống trong Tăng, đây là người đệ tử tại gia, thọ bát quan trai giới (1 ngày 1 đ êm, hoặc kéo dài thời gian hơn) nên sống trong Tăng viện. Con trai của ông là Ma-hi-đà (Mahinda), con gái là Tăng-già-mật-đa (Saṅghamitta) đều đã xuất gia, về sau đến Tích-lan hoằng Pháp. Vua A-dục tin Phật nên đã dẫn đến sự đại phát triển của Phật giáo. Văn hóa dân tộc được phân hóa theo địa phương nên ngôn ngữ, phong tục đều không thể tương đồng; sự giáo hóa thích ứng của Phật Pháp cũng sẽ có ít nhiều sai khác, trở thành nhân tố phân hóa càng nhiều bộ phái.
Vào thời đại vua A-dục, bộ phái đã có rồi, như Nam truyền nói: Mục-kiền-liên tử Đế-tu (Moggaliputta tis-sa) nói: “Phật phân biệt thuyết vậy,”(iii)3 có thể thấy Ngài cũng là người Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavā-din) tách ra từ Thượng tọa bộ (tự xưng là Thượng tọa bộ). Đương thời, có Ma-ha-đề-bà (Mahādeva) - Đại Thiên, là vị Thượng tọa được chia đi giáo hóa ở Ma-hê-sa-mạn-đà-la (Mahisakamaṇḍala, nay là Maisur) thuộc Nam Ấn-độ. Do sự hoằng hóa của Đại Thiên, về sau tách ra thành Chế-đa sơn bộ (Caityaśaila), v.v., Đại Thiên là người thuộc Đại chúng bộ. Mạt-xiển-đề (Ma-jjhantika, Madhyāntika) được chia đi giáo hóa đến Kế-tân (Kaśmīra), Kiền-đà-la (Gandhāra),(iv) thuộc Bắc Ấn-độ, chính là Kế-tân mà Hán thư đã nói; Mạt-xiển-đề là người thuộc Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāsti-vādin) (tách ra từ Thượng tọa bộ). Vào thời đại vua A-dục, Phật Pháp đã từ hai bộ căn bản, lại phân hóa thành ba hệ lớn. Quyển 2 của Thiện kiến luật tỳ-bà-sa  (T. 24, tr. 682a) nói:
“Mục-kiền-liên tử Đế-tu làm Hòa thượng, Ma-ha-đề-bà làm A-xà-lê, trao cho 10 giới. Đại đức Mạt-xiển-đề làm A-xà-lê, trao cho giới Cụ túc. Bấy giờ Ma-hi-đà đủ 20 tuổi, liền thọ giới Cụ túc.”(v)
Luật Thiện kiến là tên gọi của bộ Luật Nam truyền. Con của vua A-dục là Ma-hi-đà xuất gia, thọ giới. Từ trong sự thật này, có thể hiểu được rằng: thủ đô của vương triều Khổng Tước ở tại thành Hoa thị (Pāṭali-putra), chỉ cách 'một con nước (sông Hằng)' với Tỳ-xá-ly - thành phố có vị trí quan trọng chiến lược của Đại chúng bộ. Bấy giờ, khu vực trung tâm của vương triều là khu vực giáo hóa của Đại chúng bộ. Ma-ha-đề-bà nhận được sự tôn trọng của vua A-dục, là điều có thể hiểu được. Trước khi vua A-dục lên ngôi, ông được bổ nhiệm đến Ưu-thiền-ni (Ujjayainī), đây là khu vực trọng yếu mà từ đó Thượng tọa (hệ Phân biệt thuyết) bộ phát triển về hướng Tây Nam. Ở đây, vua A-dục đã cưới Đề-tỳ (Devī) của nước Ty-địa-tả (Vedisa), sanh hạ anh em Ma-hi-đà và Tăng-già-mật-đa; Đề-tỳ luôn luôn cư ngụ tại Ưu-thiền-ni. Vua A-dục nhân vì vợ con là người Ưu-thiền-ni; nhân trấn thủ Ưu-thiền-ni nên có được sự ủng hộ của lực lượng địa phương ấy mà có được ngôi vua: quan hệ của Phật giáo - Phân biệt thuyết bộ với nơi này có lẽ càng mật thiết hơn nhiều, đây là lý do Ma-hi-đà xuất gia mà do Mục-kiền-liên tử Đế-tu làm Hòa thượng chăng! Ban đầu, Ma-hi-đề thọ 10 giới Sa-di, y theo Luật chế, phải thọ giới từ hai vị thầy, cho nên nhờ Mục-kiền-liên tử Đế-tu làm Hòa thượng, Ma-ha-đề-bà làm A-xà-lê. Khi Ma-hi-đà đủ 20 tuổi, cần thọ giới (Tỳ-kheo) Cụ túc, phải có ba vị thầy - Hòa thượng và hai vị A-xà-lê. Trong tâm của vua A-dục, Thuyết nhất thiết hữu bộ dường như không thân thiết bằng Đại chúng bộ và Phân biệt thuyết bộ, nhưng vẫn tôn trọng như nhau, đã thỉnh Mạt-xiển-đề làm A-xà-lê. Ma-hi-đà thọ giới từ ba vị thầy ấy nên biết được có sự tồn tại của bộ phái; vua A-dục tôn kính tất cả, cho thấy kỳ vọng rất lớn ở sự bình đẳng và hòa hợp của ba bộ, và cùng nỗ lực vì Phật Pháp vậy! Cho nên vào thời vua A-dục, hàng Đại đức chia ra đi giáo hóa các nơi, có thể có nhiều Phân biệt thuyết bộ, nhưng chắc chắn Đại Thiên và Mạt-xiển-đề không phải là thuộc hệ thống của Mục-kiền-liên tử Đế-tu. Ma-hi-đà được phái đi giáo hóa đến đảo Lăng-già, trở thành Xích đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya), nay gọi là Phật giáo Nam truyền. Phái này có truyền thuyết '5 sư truyền thừa cho nhau', xem Mục-kiền-liên tử Đế-tu là chánh thống, các bộ phái còn lại không phải chánh thống [thuyết (bộ) khác], đó chỉ là ý thức tôn sùng tông phái mình mà thôi! Rõ ràng tinh thần ‘vô tranh’ của đức Thích tôn đã bị lãng quên mất rồi! Nam truyền nói rằng vào thời vua A-dục còn có cuộc kết tập lần thứ ba, các bộ phái khác thì hoàn toàn không nói đến. Truyền thuyết nói bấy giờ Đế-tu lý luận và xác quyết về nghĩa chân chánh, sáng tác thành Luận sự; thật ra những bộ phái mà Luận sự đả phá, bấy giờ đa số còn chưa thành lập vậy!
Tên gọi của 18 bộ, trong những ghi chép bất đồng, cũng có thêm bớt chút ít; nhưng quá trình phân hóa bộ phái, thật sự có thể nói là nhiều thuyết khác nhau rất rối ren, không nhất trí được. Nếu khảo sát thêm, điều chủ yếu là: 3 thuyết - do Đại chúng bộ truyền lại, do Thượng tọa bộ truyền lại, do Chánh lượng bộ (Saṃ-matīya) truyền lại, rút ra từ Dị bộ tinh thích của Thanh Biện (Bhavya); thuyết do Thuyết nhất thiết hữu bộ truyền lại, thấy trong Dị bộ tông luân luận, v.v.; thuyết do Xích đồng diệp bộ truyền lại, thấy trong Đảo sử, v.v. Thuyết do Thuyết nhất thiết hữu bộ truyền lại thì gần với thuyết do Thượng tọa bộ truyền lại. Nam Hải ký quy nội pháp truyện của Nghĩa Tịnh nói: “Dòng phái của các bộ sanh khởi khác nhau, được các nước phía Tây kế thừa, nhưng về đại cương thì chỉ có 4 bộ.”4 Theo truyền thuyết về 4 phái lớn thời kỳ cuối, tôi cảm thấy rằng: sự nhiều lần phân phái của Đại chúng bộ, với ba hệ Thượng tọa bộ (Thượng tọa, Thuyết nhất thiết hữu, Chánh lượng) đã nói ở trên, là gần gũi mà hợp lý; ngược lại, sự nhiều lần phân phái của Thượng tọa bộ, lại càng hợp lý với điều do Đại chúng bộ truyền lại. Đây vì là người ngoài cuộc nên sẽ tường thuật được khách quan hơn nhiều đối với sự truyền thừa và phân hóa của một hệ thống khác. Đối với sự phân hóa của cùng một hệ thống đều cảm thấy mình là chánh thống, gom những phái anh em của cùng một hệ rồi cho rằng họ tách ra từ phái của mình. Ý thức chủ quan 'tự tôn tông của mình' này khiến cho truyền thuyết rơi vào rối loạn. Căn cứ vào nguyên tắc này để chỉnh lý sơ lược thêm, quá trình phân hóa bộ phái như thế này: ban đầu do vấn đề Giới luật, chia thành 2 bộ, gồm Đại chúng và Thượng tọa. Trong Thượng tọa bộ lại phân hóa thành 2 bộ: (Thượng tọa) Phân biệt thuyết bộ, Thượng tọa (hệ Thuyết nhất thiết hữu sau khi tách khỏi Phân biệt thuyết bộ); với Đại chúng hợp thành 3 bộ. Thượng tọa (hệ Thuyết nhất thiết hữu) lại chia thành Thuyết nhất thiết hữu bộ và Độc tử bộ (Vātsīputrīya). Luận Đại tỳ-bà-sa được biên tập hoàn thành vào thế kỷ II A.D., nói: Độc tử bộ “có 6 hoặc 7 quan điểm bất đồng với bộ này (Thuyết nhất thiết hữu bộ), các quan điểm còn lại thì phần lớn tương tợ,”5 có thể suy ra thấy rằng hai bộ này là tách ra trong cùng một hệ. Như vậy, 4 bộ lớn được hình thành. Chánh lượng bộ tách ra từ Độc tử bộ, hoằng truyền rất hưng thịnh, nắm lấy địa vị dòng chính ở trong hệ Độc tử. 'Về đại cương thì chỉ có 4 bộ' mà Nghĩa Tịnh đã nói, chính là lấy 4 bộ phái lớn gồm Đại chúng, Thượng tọa, Thuyết nhất thiết hữu, Chánh lượng làm chính yếu. Sự phân hóa của Phật Pháp từ 2 bộ, 3 bộ rồi thành 4 bộ lớn, như sau:
Vào thời vua A-dục, Mục-kiền-liên tử Đế-tu tự xưng là “người thuộc Phân biệt thuyết,” tức Phân biệt thuyết bộ; Mạt-xiển-đề là người thuộc Thuyết nhất thiết hữu bộ; Đại Thiên là người thuộc Đại chúng bộ. Đại Thiên du hóa đến phương Nam, (4) phái Án-đạt-la (Andhaka) - Đông sơn bộ (Pūrvaśaila), Tây sơn bộ (Aparaśaila), Vương sơn bộ (Rājagiriya), Nghĩa thành bộ (Siddh-ārthika) mà sau này Luận sự có nói đến ấy đều là từ đây phân hóa ra. Ở đây có thể nhận thấy rằng vào thời vua A-dục, Phật giáo đã có 3 bộ lớn tồn tại rõ ràng; Đại chúng bộ sớm đã nhiều lần phân hóa. Cho nên sự phân hóa đầu tiên của bộ phái (thành 2 bộ), suy đoán là vào trước sau năm 300 B.C. Sự phân hóa bộ phái giai đoạn thứ hai bắt đầu vào khoảng trước sau năm 270 B.C. Giai đoạn này, như Phân biệt thuyết bộ, Thuyết nhất thiết hữu bộ đều căn cứ vào sự bất đồng về Pháp nghĩa mà (phân hóa) đặt tên. Như vậy, Nhất thuyết bộ (Eka-vyāvahārika), Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravādin), Đa văn bộ (Bahuśrutīya), Thuyết giả bộ (Prajñapti-vādin) thuộc lần tách ra đầu tiên khỏi Đại chúng bộ cũng y cứ vào Pháp nghĩa để đặt tên; chính như Kê-dận bộ (Kuk-kuṭika), thật ra cũng là y vào thuyết “tất cả các hành đều là tàn tro” nên có tên gọi ấy.(vi) Sự phân hóa giai đoạn thứ ba vào khoảng cuối thế kỷ III đến thế kỷ II B.C. Bộ phái phân hóa thuộc giai đoạn này đều căn cứ vào tên người, tên vùng đất, tên núi, tên chùa để đặt tên. Chẳng hạn như Chế-đa sơn bộ, Đông sơn bộ, Tây sơn bộ, v.v., tách ra từ hệ Đại chúng bộ. Độc tử bộ tách ra từ hệ Thuyết nhất thiết hữu, Độc tử bộ lại tách thành 4 bộ: Chánh lượng bộ, Pháp thượng bộ (Dharmottarīya), Hiền trụ bộ (Bhadrayānīya), Mật lâm sơn bộ (aṇḍāgā-rika). Phân biệt thuyết bộ tách ra thành 4 bộ: Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), Ẩm quang bộ (Kāśyapīya), Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), Xích đồng diệp bộ (Tāmraśāṭī-ya). Những bộ phái này đều là dùng tên người, tên vùng đất làm tên bộ. Xích đồng diệp tức là đảo Tích-lan, nên Xích đồng diệp bộ liền được gọi là Phật giáo thuộc Nam truyền. Giai đoạn phân hóa lần thứ tư vào khoảng thế kỷ I B.C.: từ Thuyết nhất thiết hữu bộ tách ra thành Thuyết chuyển bộ (Saṃkrāntika), cũng gọi là Thuyết kinh bộ (Sutrāntika), nhưng đây là Thuyết chuyển, khác với Kinh bộ thuộc thế kỷ III A.D. Hệ Đại chúng lại tách ra thành Thuyết đại không bộ (Mahā-suññatāvādin). Hai bộ này lại dùng Pháp nghĩa làm tên, đã tiếp cận thời kỳ Phật Pháp Đại thừa. Thử dựa vào 4 giai đoạn này, trình bày gốc ngọn, trước sau của sự phân hóa thành bộ phái như sau:6
 {Biểu đồ}
Vào lúc kết tập gồm 700 vị, Phật thuyết, Đệ tử thuyết, Chư thiên thuyết được truyền tụng ấy, nếu như được công nhận là chánh xác thì đều đã kết tập. Đến thời kỳ phân hóa thành bộ phái, lại có bộ loại mới được biên tập ra, đây là ngoài 9 phần giáo đã có sẵn, còn có Nhân duyên (Nidāna), Thí dụ (Avadāna), Luận nghị (Upad-eśa), trở thành 'giáo pháp gồm 12 phần' (dvādaśāṅga-vacana), cựu dịch là 12 bộ kinh. Nhân duyên và Thí dụ là kể về sự tích; Luận nghị là thảo luận về ý nghĩa của Pháp. Sự tích thuộc truyền thuyết, là có thể thông tục hóa, khi thuyết Pháp được trích dẫn làm chứng cứ, cho nên đối với Phật giáo thời tương lai mà nói, sự ảnh hưởng của nó chắc chắn không giới hạn trong việc nghiên cứu ý nghĩa của Pháp, có lẽ còn lớn hơn nhiều. Nói đến sự tích, thì lấy sự tích của đức Thích tôn làm chủ. Tánh chất của nó gần với Nhân duyên và Thí dụ, trên mặt sự thật thì sớm đã có rồi, nhưng vào thời kỳ này tổng hợp càng rộng rãi hơn để biên tập thành. Bổn sanh (Jātaka) ở trong 9 phần giáo cũng là sự tích, cần phải trình bày luôn cả thể.
1) Bổn sanh: lấy sự thật ngay bây giờ làm nhân duyên để nói đến một sự việc trong quá khứ, rồi sau cùng kết luận rằng: vào lúc ấy, người đó chính là Ta (đức Thích tôn), hoặc là một vị đệ tử Phật nào đó. Thể tài như vậy được gọi là Bổn sanh. Bổn sanh đã có trong kinh A-hàm rồi, nhưng vào thời kỳ này nó được truyền ra càng nhiều hơn. Bắc phương nói rộng đến '500 truyện Bổn sanh'; Bổn sanh trong Tiểu bộ của Nam truyền có tổng cộng 547 truyện, đều là những chuyện thuộc đời quá khứ của đức Thích tôn, cũng chính là sự tích tu Bồ-tát hành. Thân phận trong đời quá khứ của đức Thích tôn mà Bổn sanh đã nói, là vua, quan, bình dân, tôn giáo sư (có khi là ngoại đạo), cũng có thể là thiên thần (quỷ), hoặc là bàng sanh - loài thú, loài chim, loài cá. Loại truyện Bổn sanh này khởi lên tác dụng có tánh quyết định đối với chủ trương Bồ-tát không chỉ là người mà cũng có thể là trời, hoặc là súc sanh cao đẳng và quỷ vương của Phật Pháp Đại thừa thuộc vị lai.
2) Thí dụ: Ý nghĩa của Thí dụ là sự tích rực rỡ, nên người xưa dịch thành Xuất diệu hoặc Nhật xuất. Thí dụ của Tiểu bộ thuộc Nam truyền chia thành 4 bộ: 'Phật thí dụ', khen ngợi sự trang nghiêm của quốc độ chư Phật; thuyết 10 ba-la-mật-đa, chính là những việc làm to lớn của Bồ-tát. 'Bích-chi Phật thí dụ'. 'Trưởng lão thí dụ' cũng là 547 người, 'Trưởng lão Ni thí dụ' gồm 40 người, đây là đệ tử Thanh Văn , tự mình kể về việc trong đời quá khứ đã diện kiến Phật, bố thí, tu hành như thế nào, trong nhiều đời trước đã thọ phước báo nhân thiên, đời này mới được giải thoát rốt ráo. Thí dụ của Thuyết nhất thiết hữu bộ được biên tập vào trong Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự. Đầu tiên trình bày việc thực hành cái nhân rộng lớn trong những đời đã qua của đức Như lai, trước là văn trường hàng rồi sau nói kệ tụng; bộ phận kệ tụng này tương đương với 'Phật thí dụ' của Nam truyền. (Ở khoảng giữa bị gián đoạn bởi những vụ việc khác), thứ đến nói về Như lai và 500 đệ tử, đi đến bên ao Vô Nhiệt (Anavatapta). Các đại đệ tử như Đại Ca-diếp (Mahā-kāśyapa), v.v., tự trình bày những việc làm của mình thời quá khứ, tổng cộng 35 người, có thể nói đây là bản nguyên thỉ của Trưởng lão thí dụ trong Tiểu bộ thuộc Nam truyền.
3) Nhân duyên: Nhân duyên vốn là ở chung trong sự thuyết Pháp, chế Giới của đức Như lai, trong ấy trình bày việc đức Như lai vì người nào, vì việc gì mà thuyết. Nhân duyên mà được truyền ra sau này, chủ yếu là sự tích của đức Thích tôn. Hoặc là nhân duyên thành lập Tăng, như luật Xích đồng diệp bộ (luật Thiện kiến), luật Ngũ phần của Hóa địa bộ, luật Tứ phần của Pháp tạng bộ, luật Ma-ha-tăng-kỳ của Đại chúng bộ, luật Thập tụng của Thuyết nhất thiết hữu bộ, kinh Phật A-tỳ-đàm của Chánh lượng bộ. Nhằm thành lập tổ chức Tăng-già nên chế định chế độ thọ giới, đều bắt đầu nói từ việc đức Thích tôn thành Phật, hoặc bắt đầu nói từ việc đức Thích tôn đản sanh, hoặc bắt đầu nói từ việc đời trước được thọ ký làm Phật, nói đến việc sau khi thành Phật độ cho 5 vị tỳ-kheo, nói một mạch đến việc thuyết Pháp ở thành Vương Xá, sự xuất gia của Xá-lợi-phất (Śāriputra) và Mục-kiền-liên (Mahāmaudgalyā-yana), lại nói đến việc chế lập ra chế độ thọ giới Cụ túc. Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da phá Tăng sự bắt đầu nói từ việc đức Phật đản sanh, nói một mạch đến việc đức Thích tôn trở về quê hương - Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), độ những người dòng họ Thích xuất gia, gồm Đề-bà-đạt-đa (Devadatta), v.v., sau đó nói đến sự phá Tăng của Đề-bà-đạt-đa, cho nên đây là nhân duyên phá Tăng. Ở trước phần nói về Bổn sanh, luật Xích đồng diệp bộ đầu tiên nói 'nhân duyên xa xưa', 'nhân duyên xa', 'nhân duyên gần' của đức Thích tôn, cũng là bắt đầu nói từ việc trong đời quá khứ, nói đến sự thành lập Kỳ viên (Jetavana), tại Kỳ viên thuyết Bổn sanh, đây là nói về nhân duyên của Bổn sanh. Về truyện ký của đức Thích tôn, mỗi bộ đều nói chi tiết hay giản lược, thêm bớt rất lớn, chủ yếu là phụ thêm vào trong tạng Tỳ-ni (Vinaya), rồi sau mới thành bộ riêng độc lập. Quyển 60 của kinh Phật bổn hành tập thuộc Pháp tạng (Đàm-mô-đức) bộ (T. 3, tr. 932a) nói:
“Kinh này nên đặt tên là gì? Trả lời: Ma-ha-tăng-kỳ sư gọi là Đại sự, Tát-bà-đa (Thuyết nhất thiết hữu) sư gọi kinh này là Đại trang nghiêm, Ca-diếp-di (Ẩm quang) sư gọi là Phật vãng nhân duyên, Đàm-mô-đức sư gọi là Thích-ca-mâu-ni Phật bổn hành, Ni-sa-tắc (Hóa địa) sư gọi là Tỳ-ni tạng căn bản.”
Truyện ký về đức Phật, tùy theo bộ phái mà có danh mục khác nhau, Ni-[di]-sa-tắc bộ gọi là Tỳ-ni tạng căn bản, chính là ý nghĩa của nhân duyên thành lập Tăng. Đại chúng bộ gọi là Đại sự, hiện nay còn bản Phạn Đại sự, là bản của Thuyết xuất thế bộ tách ra từ Đại chúng bộ, mở đầu cũng nói đến Tỳ-ni.(vii) Kinh Phương quảng đại trang nghiêm của bản dịch Hán là truyện Phật của Thuyết nhất thiết hữu bộ, nhưng ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của Đại thừa. Kinh Tu hành bổn khởi, kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, v.v., truyện Phật thuộc bản dịch Hán, thật sự có rất nhiều! Ba loại ở trên, hoặc được dịch là sự tích đức Thích tôn, hoặc là sự tích trong những đời xa xưa, có liên quan đến phẩm đức của Phật và Bồ-tát hành. Như Đại sự đã đã nói đến Phật hiện đang ở thế giới phương khác, '10 địa' của Bồ-tát. Nhưng trong bộ phái, hoặc nói 4 ba-la-mật-đa, hoặc nói 6 ba-la-mật-đa, hoặc nói 10 ba-la-mật-đa, đều là quy nạp từ trong những việc làm to lớn của đức Thích tôn ở đời quá khứ mà có.7 Sau khi đức Thích tôn niết-bàn, không còn được thấy lại Phật nữa, nên dẫn đến phát sanh “hoài niệm của hàng đệ tử Phật về sự vĩnh hằng của Phật.” Sự tín kính và hoài niệm của hàng đệ tử Phật đối với Phật, trên mặt sự tướng, phát triển thành sự sùng kính đối với di thể, di tích của Phật, như xây tháp xá-lợi, v.v., cúng dường trang nghiêm, khiến giới Phật giáo thêm mới mẻ rực rỡ. Trên mặt ý thức, từ trong kính ngưỡng và tin tưởng chân thành đã truyền ra những việc làm to lớn - Thí dụ và Bổn sanh trong đời quá khứ của đức Thích tôn; Nhân duyên ra đời, thành Phật, thuyết Pháp. Công đức của Phật là hi hữu, việc làm của Bồ-tát là đại bi, đó là những truyền thuyết chung của Phật giáo Bộ phái; đối với đức Phật - đức Thích tôn hiện thực ở nhân gian này, thì đã có một số thành phần tưởng tượng. Xem trọng đức Phật thuộc nhân gian, như Tát-bà-đa Tỳ-ni tỳ-bà-sa nói: “Hễ là thuộc Bổn sanh, Nhân duyên thì đều không thể y cứ. Những điều trong ấy nói đều chẳng phải là Tu-đa-la, chẳng phải là Tỳ-ni nên không thể (xem là quyết) định nghĩa.”8 Nhưng bộ phái mà trọng về tín ngưỡng, trọng về lý tưởng thì dựa vào đó để luận bàn công đức của Phật, các việc làm to lớn của Bồ-tát. Đây là nhân tố quan trọng của việc phân hóa thành bộ phái; cũng là vấn đề mấu chốt để từ trọng tín ngưỡng và trọng lý tưởng phát triển rồi truyền ra Phật Pháp Đại thừa.
Lại nói về Luận nghị: Luận nghị có liên quan với ý nghĩa của Pháp, vấn đáp đối luận giữa bên này bên kia. Nghĩa gốc của Luận nghị là chung cho cả vấn đáp giữa Phật và đệ tử, đệ tử và đệ tử. Về sau, như quyển 25 của luận Du-già sư địa (T. 30, tr. 419a) nói:
“Luận nghị là gì? Tất cả Ma-đát-lý-ca, A-tỳ-đạt-ma đều là nghiên cứu tạng Tố-đát-lãm sâu xa, nêu cao tông yếu của tất cả Khế Kinh, vì vậy gọi là Luận nghị.”(viii)
Ma-đát-lý-ca (māṭṛkā), cựu dịch là Ma-đắc-lặc-già; A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma), hoặc dịch ngắn gọn là A-tỳ-đàm. Hai loại luận thư lớn này là do hàng đệ tử Phật nghiên cứu, giải thích về Tố-đát-lãm - Tu-đa-la, đều được gọi là Luận nghị. Ma-đát-lý-ca là ý nghĩa của 'Bổn mẫu', chung cho cả Pháp và Luật, mà điều được đề cập ở đây, là Bổn mẫu của Pháp. Đối với Tu-đa-la - Khế Kinh, nêu ra từng (đề mục) rồi giải thích từng vấn đề, xác định rõ ràng tông yếu của Khế Kinh, gọi đó là Ma-đát-lý-ca. Như Ma-đát-lý-ca thuộc Nhiếp sự phần (từ quyển 85-98) của luận Du-già sư địa là Bổn mẫu của bộ phận kinh Tạp A-hàm (Tu-đa-la). Lại nữa, như Nhiếp quyết trạch phần (từ quyển 79-80) của luận Du-già đã nêu lên 16 sự của Bồ-tát, rồi giải thích cho mỗi một sự, là Bổn mẫu của kinh Bảo tích thuộc Đại thừa. Đây là 'Thích Kinh Luận - Luận giải thích Kinh', nhưng về xác định rõ ràng tông yếu của Kinh thì khác với việc căn cứ theo văn để giải thích nghĩa. A-tỳ-đạt-ma, được phát triển từ trong Phật giáo Bộ phái, kết hợp với cả Kinh, Luật thì được gọi là ba Tạng; A-tỳ-đạt-ma nhận được sự xem trọng của giới Phật giáo, là điều có thể suy nghĩ mà biết được. Đối tượng mà A-tỳ-đạt-ma nghiên cứu cũng là Khế Kinh được kết tập ấy, nhưng không phải là giải thích từng lời Kinh văn, mà là chỉnh lý, tìm hiểu, thẩm định, nên Phật Pháp trở thành rõ ràng, chính xác mà có hệ thống, có mạch lạc. Ý nghĩa của Kinh thì sâu xa, rộng lớn cho nên giới Tăng lữ có học phong tập hợp lại để cùng nhau nghiên cứu (vấn đáp), có “bàn luận về A-tỳ-đạt-ma, bàn luận về Luận Tỳ-đà-la.”(ix)9 Khởi đầu, A-tỳ-đạt-ma lấy việc tu trì làm chủ đích, như 5 căn, 5 lực, v.v. Đây là điểm thù thắng của Phật Pháp, vì vậy gọi là A-tỳ-đạt-ma, có các ý nghĩa như Tăng thượng pháp, Hiện quán pháp (tức Đối pháp), Giác liễu pháp, v.v. Tỳ-đà-la (Vedalla) là vấn đáp về ý nghĩa của Pháp [giáo lý], như uẩn và thủ uẩn, huệ và thức, 5 căn và ý căn, chết và diệt tận định, v.v. Trọng về vấn đáp phân biệt, sau khi người nghe hiểu rõ rồi, hỉ duyệt rồi tán thán thêm; hỏi tiếp tục từng mục từng mục như vậy, cũng sẽ hoan hỉ tán thán nhiều lần. Tỳ-đà-la của Nam truyền, trong các bộ phái khác, chính là Phương quảng (Vaipulya): trình bày rộng rãi những pháp sâu xa, có tác dụng làm chi tiết rõ ràng chỗ tế nhị và sâu sắc của nghĩa lý, phá khắp hết những sự vô tri. Về sau, Phương quảng đã trở thành từ gọi chung cho pháp Đại thừa. Luận A-tỳ-đàm và luận Tỳ-đà-la, về sau đã hợp lại làm một, rồi phát triển thành Luận điển A-tỳ-đạt-ma, là đặc hữu của Thượng tọa bộ. Trước khi Phật Pháp Đại thừa hưng khởi, luận A-tỳ-đạt-ma thuộc thời kỳ sớm nhất, hiện còn 7 bộ thuộc Nam truyền: 1) Pháp tập luận; 2) Phân biệt luận; 3) Giới luận; 4) Nhân thi thiết luận; 5) Song luận; 6) Phát thú luận; 7) Luận sự.(x) Truyền thuyết nói 6 bộ luận gồm Pháp tập, v.v., là do Phật thuyết. Truyền thuyết nói Luận sự là do trong khi luận về nghĩa, Mục-kiền-liên tử Đế-tu nhằm đả phá các tông khác mà sáng tác, có thể nói đó là một tập phê bình các bộ phái khác. Nhưng nội dung của Luận sự, đa số là do người đời sau thêm vào. Thuyết nhất thiết hữu bộ cũng có 7 bộ luận: 1) Pháp uẩn túc luận; 2) Tập dị môn túc luận; 3) Thi thiết túc luận; 4) Phẩm loại túc luận; 5) Giới thân túc luận; 6) Thức thân túc luận; 7) Phát trí luận, cựu dịch tên Bát kiền-độ luận.(xi) Trừ Thi thiết (túc) luận ra, còn lại đều do Đường Huyền Trang dịch sang Hán văn.
Luận Phát trí do Ca-chiên-diên-ni tử (Kātyāyanīputra) sáng tác, là bộ căn bản của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Ca-chiên-diên-ni tử là người phương Đông (từ khúc cong sông Hằng về phía Đông), sáng tác luận này tại Chí-na-bộc-để (Cīna-bhukti); thời gian sáng tác vào khoảng trước sau năm 150 B.C. Toàn bộ luận Phát trí chia thành 8 uẩn: Tạp uẩn, Kết uẩn, Trí uẩn, Nghiệp uẩn, Căn uẩn, Đại chủng uẩn, Định uẩn, Kiến uẩn. Trên mặt thời gian, các bộ luận như Phẩm loại túc luận do Thế Hữu (Vasumitra) sáng tác, Giới thân túc luận do Phú-lâu-na (Pūrṇa) sáng tác, Thức thân túc luận do Đề-bà-thiết-ma (Deva-śarman) sáng tác đều chịu ảnh hưởng của luận Phát trí, thời đại sáng tác các luận này phải trễ hơn một ít so với luận Phát trí. Thuyết nhất thiết hữu bộ dùng luận Phát trí làm chủ, dùng 6 bộ luận làm hỗ trợ, cho nên nói “1 thân 6 chân.” Ngoài ra, còn có luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm do Đàm-ma-da-xá (Dharma-yaśas) và Đàm-ma-quật-đa (Dharmagupta) dịch vào đời Diêu Tần (姚秦). Luận Đại trí độ nói: “Do Xá-lợi-phất giải thích lời Phật dạy nên sáng tác A-tỳ-đàm, về sau được Độc-tử đạo nhân, v.v., đọc tụng, cho đến ngày nay thì được gọi là Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm.”10 Toàn bộ luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm chia thành 4 phần: Vấn phần, Phi vấn phần, Nhiếp tương ưng phần, Tự phần, nó phù hợp với Luận tạng mà luật Tứ phần của Pháp tạng bộ đã nói.11 Kinh Tỳ-ni mẫu, tương truyền là của Tuyết sơn bộ (Haimavata), cũng nói: “Hữu vấn phân biệt, Vô vấn phân biệt, Tương nhiếp, Tương ưng, Xứ sở sanh, 5 loại này được gọi là tạng A-tỳ-đàm.”12 Có thể nhận thấy bộ luận này là thuộc hệ Độc tử bộ, được hệ Phân biệt thuyết ở đại lục Ấn-độ - Pháp tạng bộ, v.v., đọc tụng và học tập. Tụng bản của các bộ phái đều có một số thêm bớt, bản dịch Hán là bản thuộc hệ Phân biệt thuyết.
Từ nội dung của luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm, tham khảo giải thích của luận Đại tỳ-bà-sa,13 có thể nhìn thấy được chủ đề của A-tỳ-đạt-ma nghiên cứu, và phương pháp nghiên cứu, cũng có thể từ đây hiểu rõ được mối quan hệ giữa Luận thư của Nam truyền và Luận thư của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Bốn phần hoặc năm phần trong Luận là chủ đề của A-tỳ-đạt-ma thời kỳ đầu nghiên cứu: (1) tự tướng (svalakṣaṇa), (2) cộng tướng (sāmānyalakṣaṇa), (3) nhiếp (saṃgraha), (4) tương ưng (samprayukta), (5) nhân duyên (nidāna) - đây là những luận đề căn bản của A-tỳ-đạt-ma.
(1) Tự tướng là: đối với những điều Phật đã thuyết, tất cả pháp như mắt, tai, v.v., định, huệ, v.v., xác định đặc tánh bất đồng của chúng đối với những thứ khác; cũng sẽ xác định thể tánh của nó, đó gọi là tự tánh (sva-bhāva).
(2) Cộng tướng là: như thiện và bất thiện, tánh thiện là chung cho tất cả pháp thiện, bất thiện là chung cho tất cả pháp bất thiện; hễ điều gì chung cho một phần hay chung cho tất cả pháp thì được gọi là cộng tướng, là tánh chất chung của pháp.
(3) Nhiếp là: Phật tùy theo thế tục mà thuyết Pháp, có nhiều điều là tên gọi khác mà nội dung thì tương đồng, đem chúng tổng hợp lại thành một pháp. Thay sự phức tạp thành đơn giản như thế để thông hiểu được dễ dàng.
(4) Tương ưng là: nội tâm là tổng hợp hoạt động của tâm và tâm sở. Tâm và tâm sở, tâm sở và tâm sở, có một số là nhất định cùng khởi tác dụng, có một số vì tánh chất tương phản nên không thể cùng khởi. Tâm và tâm sở đồng thời khởi lên nên cùng duyên vào một cảnh, đó gọi là tương ưng. Qua sự phân biệt như thế, dễ dàng có được sự nhận thức rõ ràng và chính xác hoạt động phức tạp của nội tâm.
(5) Nhân duyên là luận đề quan trọng của Phật Pháp. Tình trạng của nhân duyên thì không nhất trí, như hạt giống và mầm; mức nước, độ ẩm và mầm, cùng là nhân duyên nhưng mỗi thứ có ý nghĩa riêng. Người xưa căn cứ vào Kinh văn rồi thực hiện việc phân biệt thành nhiều thứ.
Nhiếp, tương ưng và nhân duyên chính là Nhiếp tương ưng phần, Tự phần của luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm. Vấn phần là dùng cộng tướng để vấn đáp phân biệt đối với từng pháp (tự tướng); phần không có phân biệt cộng tướng là 'phi vấn phần'. Qua sự nghiên cứu như thế, có thể hiểu được rõ ràng đầy đủ ý nghĩa của Pháp mà đức Phật đã thuyết. Trong quá trình nghiên cứu A-tỳ-đạt-ma, lại tiến hành công tác biên tập tùy theo từng loại. Sử dụng một luận đề nào đó làm chủ, đem những lời liên quan mà Kinh đã nói tổng hợp lại, trong luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm, thì có các phẩm Nghiệp, phẩm Nhân, phẩm Trí, phẩm Đạo, phẩm Phiền não, phẩm Xúc, phẩm Kết, phẩm Tâm, phẩm Định được biên tập như thế. Như phẩm Nghiệp, từ 2 thứ nghiệp đến 40 thứ nghiệp, lời Kinh có liên quan đến nghiệp, tổng hợp lại rồi giải thích thêm cho mỗi vấn đề. Phương pháp biên tập theo một số loại này, có thể nói đó là sưu tập tư liệu. Theo luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm, sự biên tập theo loại này được gọi là thi thiết (prajñapti), như nói: “nay sẽ tập giả kết chánh môn;”(xii) “nay sẽ tập giả xúc chánh môn;” “nay sẽ tập giả tâm chánh môn:”14 'giả' là cách dịch khác của 'thi thiết - thành lập nên'. Lại nữa, như nói “nay sẽ tập các đạo môn;” “nay sẽ tập các bất thiện (phiền não) pháp môn;”15 có khi biên tập trực tiếp một mạch thì ngay cả câu “nay sẽ tập X X môn” cũng lược bỏ đi. Căn cứ vào sự có cùng tánh chất của các phẩm Kết, phẩm Xúc, phẩm Tâm, thì những phẩm này đều phải được gọi là giả - thi thiết. Như phẩm Nhân là vô cùng gần gũi với luận Nhân thi thiết trong 6 bộ luận của Nam truyền. Luận Thi thiết trong Lục túc luận, do Pháp Hộ (Dharmapāla) dịch ra Hán văn vào đời Triệu Tống, 7 quyển, nội dung gồm: Thế gian thi thiết, Nhân thi thiết, Nghiệp thi thiết. Đây là bộ luận lớn mà truyền thuyết nói có tổng cộng 8 phẩm, bản dịch đời Tống không đủ. A-dục vương truyện nói: “Tạng Ma-đắc-lặc-già ấy, đó là 4 niệm xứ,… nguyện trí tam-muội, tăng nhất định pháp (biên tập theo loại của định), 108 phiền não, các ký gồm thế luận ký, kết sử ký, nghiệp ký, định, huệ, v.v.”(xiii)16 'Ký' là cách dịch khác của thi thiết. Theo văn dẫn ở trên đã nói, có thể nhận thấy có thế gian thi thiết, nhân thi thiết, nghiệp thi thiết, kết sử thi thiết, định thi thiết, huệ thi thiết, v.v. Đây là căn cứ theo loại để biên tập, chọn ra vấn đề trọng yếu, làm thành hạng mục để nghiên cứu. Tên phẩm của các bộ Luận đời sau phần lớn đều do đây mà có.17
Nguồn gốc và sự phát triển văn hiến Tỳ-đàm (毘曇的文獻源流) của Lữ Trừng18 đã căn cứ vào Giải thâm mật kinh sớ (quyển 2) và Nhân vương kinh sớ (quyển 1) của Viên Trắc [圓測], trích dẫn Bộ chấp luận ký của Chân Đế (Paramārtha), nên nói rằng “Phật thuyết 9 phần Tỳ-đàm,” là nguồn gốc của tất cả A-tỳ-đàm. Chín phần là: “Phân biệt thuyết giới, Phân biệt thuyết thế gian, Phân biệt thuyết nhân duyên, Phân biệt thuyết giới, Phân biệt thuyết đồng tùy đắc, Phân biệt thuyết danh vị cú (danh cú văn), Phân biệt thuyết tập định, Phân biệt thuyết tập nghiệp, Phân biệt thuyết chư ấm (uẩn).”(xiv) ‘Phân biệt thuyết’ chính là thi thiết. Văn đó giải thích ‘danh vị cú’, là dịch nhầm của ‘huệ’; ‘đồng tùy đắc’ là tích tụ chủng tử tập khí, tương đương với tùy miên (phiền não); ‘thế gian’ là ‘Hiền Thánh’, ‘chư ấm’ là Khế Kinh, giải thích như thế thì không tránh khỏi quá khiên cưỡng vậy! Rõ ràng '9 phần Tỳ-đàm' là do Phật thuyết, là nguồn gốc của Tỳ-đàm, vậy sao phải có ‘đồng tùy đắc - đắc cùng lúc’? Đây là thuật ngữ đặc hữu của Chánh lượng bộ chăng! Các dịch phẩm của Chân Đế có nhiều nơi trích dẫn thuyết của Chánh lượng bộ, duyên cớ bởi vì Chân Đế là người Ưu-thiền-ni, vùng này là khu vực giáo hóa của Chánh lượng bộ. Có thể suy luận để xác định rằng '9 phần Tỳ-đàm' mà Chân Đế truyền ấy là do Chánh lượng bộ truyền. '9 phần Tỳ-đàm' của Chánh lượng bộ đã có bộ phận được truyền đến Trung Quốc, chính là kinh Phật thuyết A-tỳ-đàm do Chân Đế dịch, truyền thuyết nói kinh này có cả thảy 9 quyển, hiện nay chỉ còn 2 quyển. Kinh văn, đầu đầu tiên nói “nếu người nào thấy tướng của 12 nhân duyên sanh thì chính là thấy pháp; nếu thấy được pháp thì người đó liền thấy Phật.”(xv) Trình bày chi tiết về nhân duyên, đại để tương đồng với kinh Phật thuyết Đạo can,(xvi) đây chính là ‘Phân biệt thuyết nhân duyên’. Kinh văn nói “thứ đến luận về Luật tướng”, là thiết lập thứ tự của việc thọ Giới pháp - Phân biệt thuyết giới. Còn có luận Lập thế a-tỳ-đàm do Chân Đế dịch, mở đầu nói: “Như đức Phật Bà-già-bà [Thế tôn] và A-la-hán đã nói,”(xvii) có thể nhận thấy đây không chỉ là do Phật thuyết, mà đã qua sự bổ sung của hàng đệ tử Phật. Nội dung của nó tương đồng với kinh Thế ký của kinh Trường A-hàm, là sự thiết lập nên ba cõi thế gian, thế không phải chính là Phân biệt thế gian chăng (so với 9 quyển trong kinh Phật thuyết A-tỳ-đàm, chắc hẳn giản lược rất nhiều)? '9 phần Tỳ-đàm' mà Chân Đế truyền ấy là do Chánh lượng bộ đã nói. Chánh lượng bộ là bộ phái tách ra nữa từ Độc tử bộ, đã cách xa nguồn gốc Phật Pháp nhiều rồi vậy! Thật ra, '9 phần Tỳ-đàm' đúng là do Phật thuyết như đời xưa đã truyền, như luật Ma-ha-tăng-kỳ19 nói:
1) “9 bộ Tu-đa-la được gọi là A-tỳ-đàm.”
2) “A-tỳ-đàm là 9 bộ Kinh.”
3) “A-tỳ-đàm là 9 bộ Tu-đa-la.”
Chín bộ Kinh (Tu-đa-la) dịch chính xác là '9 phần giáo'. 9 phần giáo của Phật thuyết là Tu-đa-la, Kỳ-dạ,… Vị tằng hữu kinh. 9 phần giáo là hi hữu, sâu sắc, được xưng tán là A-tỳ-đạt-ma, cùng được tôn xưng với A-tỳ-tỳ-nại-da. 'A-tỳ-đàm có 9 phần' đã có truyền thuyết lâu xa từ thời xưa, Chánh lượng bộ sanh ra sau này đã cho rằng 'A-tỳ-đàm luận' có 9 phần, ở đây mới y cứ vào chủ trương của chính mình, giải thích thành '9 phần A-tỳ-đàm luận'. Vào thế kỷ VI A.D., Chân Đế đã mang truyền thuyết này đến Trung Quốc, lại nhận được sự thưởng thức của các học giả danh tiếng, tôn nó là nguồn gốc của Tỳ-đàm, cũng có thể nói đó là điều bất ngờ vậy!
Sự phân hóa của tư tưởng bộ phái, chủ yếu là: 1) Ảnh hưởng của văn hóa địa phương: Đại chúng bộ (Mahā-sāṃghika) ở phương Đông, lấy vùng Tỳ-xá-ly (Vaiśālī), Ương-già (Aṅga) làm căn cứ địa; Thượng tọa bộ (Stha-vira) ở phương Tây, lấy Câu-thiểm-di (Kauśāmbī), Ma-thâu-la (Mathurā) làm trung tâm, đã hình thành nên hai phái Đông-Tây. Đại chúng bộ truyền bá về phương Đông rồi đi vào phương Nam, là qua Ô-đồ (Uḍra), Ca-lăng-già (Kaliṅga) rồi đến được An-đạt-la (Andhra), tức nay là lưu vực sông Godāvarī và sông Krishnā (tư tưởng Đại thừa chủ yếu đều do từ vùng này truyền ra). Trong Thượng tọa bộ phương Tây có những vị từ Câu-thiểm-di, v.v., đi về Nam, qua Ưu-thiền-ni (Ujjayainī) mà đến được A-bàn-đề (Avanti), rồi trở thành (Thượng tọa) Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavādin). Vào thời vua A-dục (Aśoka), trong Phân biệt thuyết bộ đã có những vị chia ra đi giáo hóa đến đảo Lăng-già (Laṅkādīpa), rồi trở thành Xích đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya). Những vị còn ở lại Ấn-độ đã tiếp xúc với khu vực giáo hóa của hệ Đại chúng bộ phương Nam, cho nên lại phân hóa ra thành Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), Ẩm quang bộ (Kāśyapīya), tư tưởng đều tiếp cận với Đại chúng bộ. Như Dị bộ tông luân luận nói: Pháp tạng bộ “phần lớn các nghĩa khác đều giống với quan điểm [chấp] của Đại chúng bộ.”(i)1 Ba bộ gồm Hóa địa bộ, v.v., về sau cũng di chuyển giáo hóa đến phương Bắc. Những vị từ Ma-thâu-la rồi phát triển về phương Bắc, đến được khu vực Kiền-đà-la (Gandhāra), Kế-tân (Kaśmīra), là Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin). Từ Câu-thiểm-di, Ma-thâu-la rồi phát triển về Đông Tây là Chánh lượng bộ (Saṃ-matīya) của hệ Độc tử (Vātsīputrīya). Địa phương khác nhau, dân tộc cũng khác nhau. Từ thời vua A-dục về sau, dân tộc An-đạt-la phương Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, vào năm 28 A.D., vương triều Ma-kiệt-đà (Magadha) thuộc Trung Ấn-độ cuối cùng đã diệt vong. Ở phương Bắc, có người Hi-lạp xưng là Du-na (Yavana), người Ba-tư xưng là Ba-la-bà (Pahlava), và còn có người Tắc-ca (Saka) đã từng đợt từng đợt xâm nhập Tây Bắc, đe dọa Trung Ấn-độ. Dân tộc ngoại lai tuy cũng dần dần tin tưởng và chấp nhận Phật Pháp nhưng trong thời loạn lạc, không tránh khỏi việc “Phá hoại Tăng phường tháp chùa, giết các Đạo nhân (tỳ-kheo),” cho nên bị gọi là “3 ác vương.”2 Trong ấy, truyền thuyết nói rằng tộc Tắc-ca chính là tộc còn lại của dòng họ Thích-ca (Śākya), cho nên vô cùng tín ngưỡng Phật Pháp. Phật giáo thuộc khu vực Ô-trượng-na (Udyāna) có ảnh hưởng sâu xa đối với vị lai. Trong quá trình phân hóa Phật Pháp, vào năm 184 B.C., vương triều Khổng Tước (Maurya) bị quyền thần Phất-sa-mật-đa-la (Puṣyamitra) soán ngôi và tiêu diệt, đổi thành vương triều Huân-già (Śuṅga). Bấy giờ, tại vùng Bàng-giá-phổ (Panjāb), quân đội vua Di-lan-đà (Milin-da) của Hi-lạp xâm nhập từ phương Nam thẳng đến Trung Ấn-độ, may nhờ được Phất-sa-mật-đa-la đẩy lùi đội quân Hi-lạp, cũng nhân đó mà ông ta soán ngôi rồi tự lập làm vua. Phất-sa-mật-đa-la khôi phục lại địa vị trên mặt chính trị của Bà-la-môn giáo, cử hành lễ tế ngựa; bất mãn với tinh thần hòa bình của Phật giáo, và sự trang nghiêm của chùa tháp, nên đã chấp nhận cuộc vận động bài trừ Phật giáo. Từ Trung Ấn-độ đến phương Bắc, hủy hoại chùa tháp, bức hại chúng Tăng, như A-dục vương truyện, kinh Xá-lợi-phất vấn, v.v., đã tường thuật. Trải qua lần 'Pháp nạn' này, Phật Pháp ở Trung Ấn-độ bị suy vi, trọng tâm của Phật Pháp di chuyển đến phương Nam và phương Bắc. Phật Pháp của phương Nam và phương Bắc đã trưởng thành trong thời rối loạn; tư tưởng 'mạt Pháp' của Phật Pháp vì nghiêng nặng về Phật giáo thuộc tín ngưỡng nên do đó hưng thịnh lên. Vì khu vực phân hóa và dân tộc khác nhau nên ngôn ngữ mà các bộ phái sử dụng cũng sẽ không nhất trí. Truyền thuyết nói rằng Thuyết nhất thiết hữu bộ sử dụng Nhã ngữ (Phạn văn), Đại chúng bộ dùng Tục ngữ, Chánh lượng bộ sử dụng Tạp ngữ, Thượng tọa (Phân biệt thuyết) bộ sử dụng Quỷ ngữ (văn Pāḷi).(ii)3 Dân tộc và ngữ văn khác nhau của những khu vực biên giới xa xôi là có quan hệ nhất định với sự hỗn loạn tư tưởng của Phật giáo Bộ phái.
2) Sự khác nhau về chú trọng tư tưởng: thế gian là tương đối, tư tưởng, sở thích con người thì không thể nhất trí. Khi đức Phật còn tại thế, có những vị đa văn [học nhiều], những vị trì Luật, những vị thực hành đầu-đà, v.v., hàng tỳ-kheo đã có sắc thái cùng loại với nhau thì tụ hợp lại,4 Pháp nghĩa và tu tập, qua sự lần lượt truyền thọ cho nhau, sự sai biệt giữa bên này bên kia sẽ bộc lộ ra, điều này có thể nói là nguyên nhân chủ yếu của việc phân hóa bộ phái, nhiều lối tư tưởng. Như “Pháp tạng bộ tự nhận mình noi theo (kế thừa) ngài Thái-thục thị (Mục-kiền-liên) sư;”(iii) Kinh lượng bộ (Sutrāntika) “tự nói rằng mình tôn ngài Khánh Hỉ (A-nan) làm thầy,”(iv)5 đã cho thấy rõ ý nghĩa này. Về thái độ và tư tưởng khác nhau đối với Phật Pháp, như Đại chúng bộ thì trọng Pháp, Thượng tọa bộ trọng Luật. Hệ Phân biệt thuyết trong Thượng tọa bộ đã đặc biệt tôn trọng Luật chế. Như luật Tứ phần của bản dịch Hán thuộc Pháp tạng bộ, luật Ngũ phần thuộc Hóa địa bộ, kinh Giải thoát giới thuộc Ẩm quang bộ, Thiện kiến luật tỳ-bà-sa thuộc Xích đồng diệp bộ. Mỗi bộ phái đều có riêng bộ Luật của tông mình, có thể suy nghĩ thấy được sự tôn trọng Giới luật của họ. Đây là sự khác nhau giữ trọng Pháp và trọng Luật. Đối với Kinh Pháp, có những bộ trọng về phân biệt [phân tích chi tiết], như Xích đồng diệp bộ có 7 bộ luận gồm Pháp tụ, v.v., Thuyết nhất thiết hữu bộ cũng có 7 bộ luận gồm 6 chân, 1 thân (luận Phát trí). Cả hai học phái lớn Nam-Bắc đều đặc biệt chú trọng về A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma), đối với tự tướng, cộng tướng, nhiếp, tương ưng, nhân duyên của tất cả pháp (Thuyết nhất thiết hữu bộ còn lập thêm thành tựu, bất thành tựu), không chán việc phân biệt thẩm tra tường tận chúng, giúp chúng ta hiểu được rõ ràng, chính xác, tinh vi. Đại chúng bộ là phái trọng về việc nối kết và làm cho thông suốt, có luận Côn-lặc, “so sánh rộng rãi các sự, phân loại theo tướng;” có môn luận “tùy tướng môn, đối trị môn, v.v.”6 Trọng về nối kết quy nạp nên cũng sẽ ngắn gọn hơn nhiều. Truyền thuyết nói Đại chúng bộ có Luận nhưng không có một bộ nào được truyền dịch sang Hán văn, đây là học phong trọng Kinh mà xem nhẹ Luận. Ở trên là sự khác nhau giữ trọng về phân biệt, trọng về nối kết thông suốt. Nói đại khái: hệ Thượng tọa là tôn trọng cái cổ xưa, xem Thánh điển được biên tập vào thời kỳ sớm nhất ấy là chuẩn mực, rồi tiến hành phân biệt thẩm tra. Người thuộc hệ Đại chúng bộ và một phần Phân biệt thuyết thì biên tập những điều đã được nghe còn lại, đưa vào những tri thức mới, như Bộ chấp dị luận sớ của Chân Đế (Paramārtha) nói: Hóa địa bộ “sử dụng ngôn ngữ tốt đẹp của bốn bộ Vệ-đà để trang nghiêm kinh Phật;”(v) ngoài Tam tạng, Pháp tạng bộ còn có “4) Chú tạng, 5) Bồ-tát tạng;” trong hệ Đại chúng bộ còn “có Đại thừa nghĩa,”7 đây là sự khác nhau giữa tôn trọng cái cổ xưa và dung hòa những tri thức mới. Đối với lời Kinh nói, thì tất cả bộ phái như Đại chúng bộ và Kinh bộ, v.v., đều căn cứ vào lời Kinh làm chuẩn. Đức Như lai thuyết Pháp tùy theo căn cơ nhưng đều là rốt ráo, vì vậy Đại chúng bộ, v.v., nói: “Những lời đức Thế tôn đã thuyết, không có lời nào mà không đúng nghĩa 'như'.”(vi)8 Nhưng có bộ trọng về nghĩa lý, như Thuyết nhất thiết hữu bộ tự xưng là “Ứng lý luận giả;” Xích đồng diệp bộ tự xưng là “Phân biệt luận giả.” Những lời Phật dạy, có lời thuộc liễu nghĩa, có lời thuộc bất liễu nghĩa, cần phải nghiên cứu nghĩa chân thật của các pháp, không thể dùng phương tiện tùy nghi với thế tục để nói đó là rốt ráo. Những lời Phật dạy, có lời thuộc liễu nghĩa, có lời thuộc bất liễu nghĩa, như 4 bộ A-hàm được kết tập ấy, cũng có sự khác nhau về lập trường và mục đích, 4 bộ chú thích của Giác Âm (Buddhaghoṣa) sáng tác được gọi là:
Chú Trường bộ: Sumaṅgalavilāsinī (Cát tường duyệt ý)
Chú Trung bộ: Papañcasūdanī (Phá bỏ do dự)
Chú Tương ưng bộ: Sāratthapakāsinī (Hiển dương chân nghĩa)
Chú Tăng chi bộ: Manorathapūraṇī  (Thỏa mãn mong cầu)
Tên gọi của 4 bộ chú thích này đã biểu thị sự khác nhau về lập trường và mục đích của 4 bộ (A-hàm) mà thời xưa đã truyền lại. Bốn thứ tất-đàn (siddhānta) mà Long Thọ (Nāgārjuna) đã nói, chính là căn cứ vào cách đánh giá [phán thuyết] này để làm chuẩn mực đánh giá và quy nạp toàn bộ Phật Pháp.9 Như 'thế gian tất-đàn' là 'cát tường duyệt ý'; 'đối trị tất-đàn' là 'phá bỏ do dự'; 'các các vị nhân (sanh thiện) tất-đàn' là 'thỏa mãn mong cầu'; 'đệ nhất nghĩa tất-đàn' là 'hiển dương chân nghĩa'. Thuyết nhất thiết hữu bộ cũng có truyền thuật gần với bốn lập trường và mục đích lớn của Phật Pháp hóa độ thế gian này. Như Tát-bà-đa Tỳ-ni tỳ-bà-sa nói: “Tùy thời thuyết Pháp cho chư thiên và người thế gian, biên tập thành Tăng nhất, là khuyến hóa mọi người học tập. Thuyết nghĩa lý sâu xa cho chúng sanh lợi căn, gọi là Trung A-hàm, là do người học vấn học tập. Thuyết các thứ theo thiền pháp, gọi là Tạp A-hàm, là do người tọa thiền học tập. Phá trừ các thứ ngoại đạo, là Trường A-hàm.”10 Học phong của hệ Thượng tọa bộ (trừ một phần những bộ đã có tiếp cận với Đại chúng bộ) và hệ Đại chúng chính là sự khác nhau giữa 'thực hành theo Giáo' và 'thực hành theo Lý', trọng Kinh và trọng Luận. Sự chú trọng khác nhau về Phật Pháp hẳn phải là nguyên nhân chủ yếu của sự rối ren của nhiều chủ trương khác nhau giữa các bộ phái.
Bộ phái phân hóa nên dẫn đến phát sanh các lối khác nhau của niềm tin và lý giải, trước hết bắt đầu trình bày từ Phật (Buddha), Bồ-tát (Bodhisattva): Phật và hàng đệ tử cùng xưng là A-la-hán (Arhat), nhưng trí huệ và phẩm chất của đức Phật vượt quá mọi A-la-hán, trên nguyên tắc thì được chung giới Phật giáo công nhận. Truyền thuyết nói có 5 sự của Đại Thiên (Mahādeva) thuộc Đại chúng bộ, rằng: “Bị kẻ khác dụ, vô tri, do dự, nhờ người khác mà được nhập, đạo do âm thanh nên khởi,”11 đã dẫn đến phát sanh tranh luận của giới Phật giáo.(vii) 'Đạo do âm thanh nên khởi' là nói âm thanh có thể làm phát khởi Thánh đạo, âm thanh có thể làm phương tiện để tu đạo. Bốn sự đầu đều là nói A-la-hán không phải viên mãn, biểu lộ rõ sự rốt ráo của Phật; thời đại cách đức Thích tôn đã xa, đối với khoảng cách giữa Phật và A-la-hán, mọi người cũng thấy càng ngày càng xa. Truyện ký về đức Thích tôn đã có thêm vào một số thần thoại, nhưng theo lập trường của Thượng tọa bộ, Phật là bậc hiện thực ở nhân gian, giống với mọi người, phải ăn uống, mặc áo, ngủ nghỉ, vệ sanh, bị bệnh cũng phải uống thuốc. Thân xác thịt [sanh thân] của Phật là thuộc hữu lậu, nguyên nhân đức Phật thành Phật vì là pháp thân công đức vô lậu của Phật. Hệ Đại chúng bộ có khuynh hướng về đức Phật-đà thuộc lý tưởng, xem thân Phật là thuộc vô lậu, là thuộc xuất thế gian, như luật Ma-ha-tăng-kỳ nói: “Đức Thế tôn tuy không cần, nhưng vì chúng sanh, xin Ngài nhận thuốc này.”12 Đây là nói: thân Phật thuộc vô lậu nên sẽ không sanh bệnh, đương nhiên cũng sẽ không cần uống thuốc. Cho nên nói Phật có bệnh cần phải uống thuốc, đó là phương tiện, làm gương cho người đời sau, nếu tỳ-kheo có bệnh thì cần phải uống thuốc. Thuyết Đại không (Mahāsuññatāvadin) của hệ Đại chúng cho rằng: đức Phật thị hiện thân tướng, kỳ thật là Ngài ở trên trời Đâu-suất (Tuṣita), cho nên cũng không có thuyết Pháp, người thuyết Pháp ấy là sự biến hóa của Phật.(viii)13 Dị bộ tông luân luận cũng nói: Đại chúng bộ, v.v., chủ trương “Trong mọi thời, đức Phật không thuyết danh, v.v., vì Ngài luôn luôn ở trong định. Nhưng các hữu tình cho rằng Ngài thuyết danh, v.v., nên vui mừng hớn hở,”(ix)14 đây cũng là quan điểm cho rằng đức Phật không thuyết Pháp. Phái An-đạt-la và Bắc đạo bộ (Uttrāpathaka) nói càng kỳ lạ hơn: chất đại tiểu tiện của Phật thơm hơn so với loại hương thơm tuyệt diệu ở thế gian.(x)15 Từ quan niệm Phật là bậc ra khỏi nhân gian nên thân Phật là vô lậu, diễn tiến đến quan niệm đức Phật ở nhân gian chỉ là hóa thân, về đức Phật chân thật, như Dị bộ tông luân luận (T. 49, tr. 15b-c) nói:
“Chư Phật Thế tôn đều là những bậc xuất thế, tất cả đức Như lai đều không có pháp hữu lậu.”(xi)
“Thật sự sắc thân của Như lai không có giới hạn, oai lực của Như lai cũng không có giới hạn, lượng tuổi thọ của chư Phật cũng không có giới hạn.”(xii)
“Trong một sát-na, tâm biết rõ tất cả pháp; trong một sát-na, tâm tương ưng với bát-nhã nên nhận biết tất cả pháp.”(xiii)
Không nơi đâu mà không có Phật, không việc gì mà Ngài không làm được, không điều gì mà Ngài không biết, mà thọ mạng của Ngài là vĩnh viễn không có giới hạn [biên tế]. Luận Đại trí độ đã nói: “Đức Phật có hai loại thân: một, thân pháp tánh; hai, thân do cha mẹ sanh,”16 thật tế không ngoài quan điểm về thân Phật của hệ Đại chúng. Đồng thời, Đại chúng bộ cho rằng: ngoài đức Thích tôn thuộc cõi này, ở thế giới mười phương cũng có đức Phật xuất hiện nơi đời; thế giới vô lượng, chúng sanh vô lượng, thì sao có thể nói chỉ có cõi này mới có Phật? Trong Kinh nói không có hai đức Phật cùng thời xuất hiện nơi đời, đó là phỏng theo thế giới (tam thiên đại thiên thế giới) mà một vị Phật giáo hóa để nói. Mahāvastu (Đại sự) của Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravādin) và Nhập Đại thừa luận hiện nay còn đều có nói đến danh hiệu của Phật ở thế giới khác do hệ Đại chúng bộ truyền lại.17 Sự lý tưởng hóa, thập phương hóa về đức Phật-đà, thật sự là do “sự bát-niết-bàn của đức Thích tôn đã làm khởi lên hoài niệm vô cùng trong tâm của hàng đệ tử Phật.” Thương nhớ hoài niệm, càng ngày càng lý tưởng hóa dần, diễn biến thành thế giới mười phương hiện tại đang có Phật, ít nhiều có thể an ủi tâm tình ngưỡng vọng về đức Phật-đà. Như vậy, trên mặt tư tưởng, nó vô cùng bất đồng với hệ Thượng tọa tôn trọng cổ xưa, kiên định niềm tin đức Phật ở nhân gian vậy! Sự cao vời vĩ đại về trí huệ và phẩm đức của đức Thích tôn là do từ khi chưa thành Phật trở về trước, Ngài đã trường kỳ làm lợi ích cho chúng sanh, không phải “đạt được lợi ích cho mình,” cầu giải thoát cho mình giống như A-la-hán. Được tôn xưng là sự tu hành trong những đời quá khứ của Bồ-tát, lưu truyền rộng rãi, gọi đó là Bổn sanh (Jātaka), đây là bộ phận mà các bộ phái đều có (cũng có thêm bớt). Bồ-tát trong Bổn sanh là người tại gia, xuất gia; có bà-la-môn, vua, quan, ngoại đạo; cũng có thiên (thần), quỷ, súc sanh. Như Lục nha bạch tượng bổn sanh [Truyện bổn sanh Voi trắng sáu ngà], Tiểu điểu cứu hỏa bổn sanh [Truyện bổn sanh Chim nhỏ cứu lửa], loại tinh thần vĩ đại ấy đều là hi hữu khó có được trong loài người; voi và chim thuộc ác thú mà có thể có đức hạnh vĩ đại như thế ư? Thượng tọa bộ cho rằng chúng có thể làm được; hệ Đại chúng bộ cho là không thể làm được, vậy phải giải thích Bổn sanh đó như thế nào? Trong Đại chúng bộ, học phái Án-đạt-la và Bắc đạo bộ cho rằng: đức Thích tôn đã tu hành dài lâu, đến khi được gặp Phật Ca-diếp (Kāśyapa) thì nhập quyết định.(xiv)18 Nhập 'quyết định' (niyāma), Cưu-ma-la-thập (Kumāra-jīva) dịch thành nhập chánh vị, ý nghĩa tương đương với 'chánh tánh ly sanh'. Đây là nói: bấy giờ, đức Thích tôn (đời trước) đã chứng nhập đế lý nên trở thành bậc Thánh; cho nên (bậc Thánh) Bồ-tát có thể “tùy theo nguyện mà sanh qua cõi ác thú,”(xv)19 đó là do nguyện lực chứ không phải do nghiệp lực. Đây chính là điều mà Đại chúng bộ, v.v., đã nói: “Vì Bồ-tát muốn làm lợi ích cho hữu tình nên nguyện sanh vào ác thú, có thể đi đến đó tùy ý.”(xvi)20 Như vậy, sự tu hành của Bồ-tát có thể chia thành hai giai đoạn: khi mới tu là địa vị phàm phu, từ nhập quyết định trở lên là địa vị Thánh. Vị Bồ-tát đi vào địa vị Thánh rồi thì tương đương với vị Bồ-tát không còn thoái chuyển - a-tỳ-bạt-trí (avaivartika) của Phật Pháp Đại thừa. Điểm này lại vô cùng bất đồng với quan điểm vị Bồ-tát khi chưa thành Phật thì thuộc “loại dị sanh hữu lậu” mà Thượng tọa bộ đã nói. Tóm lại, đức Phật và Bồ-tát của hệ Đại chúng bộ là thuộc lý tưởng, tín ngưỡng; của hệ Thượng tọa bộ là bình dị chất phác. Đối với việc thỏa mãn tình cảm tôn giáo thông thường để nói, thì điều mà Đại chúng bộ đã nói được tiếp nhận dễ dàng hơn; đây là một nhân tố quan trọng dẫn dắt hướng đến Phật Pháp Đại thừa.
Đức Phật và Bồ-tát là căn cứ vào truyện ký về đức Thích tôn (Nhân duyên) và truyền thuyết (Bổn sanh), v.v., rồi phát triển; nghĩa lý Phật Pháp là căn cứ ‘4 bộ A-hàm’ Tạp bộ mà phát triển. Luận đến Pháp nghĩa (Giáo lý), nói đại khái là: hệ Đại chúng bộ chú trọng tư duy và khảo sát về lý tánh, hệ Thượng tọa bộ chú trọng về nghiên cứu sự tướng. Trong kinh A-hàm, pháp vô vi (asaṃskṛta) là chỉ cho niết bàn (nirvāṇa) chấm dứt phiền não, khổ; niết-bàn là dựa vào sự thẩm định [quyết trạch] của trí huệ mà đạt thành, cho nên gọi là trạch diệt (pratisaṃkhyānirodha). Xích đồng diệp bộ chỉ lập trạch diệt vô vi, đã đại biểu cho Pháp nghĩa thuộc thời kỳ đầu. Vô vi là cái bất sanh bất diệt, có ý nghĩa vĩnh hằng bất biến, theo đó, Thuyết nhất thiết hữu bộ lập nên 3 thứ vô vi:(xvii) trạch diệt, phi trạch diệt (apratisaṃkhyā-nirodha), và hư không (ākāśa).(xviii)21 Nếu như nhân duyên không đầy đủ thì sẽ không thể sanh khởi trở lại, không phải do sự thẩm tra của trí huệ mà đắc được 'diệt' (không khởi), gọi là phi trạch diệt. Hư không vô vi là không gian tuyệt đối dung chứa tất cả sắc pháp, không gây trở ngại lẫn nhau với sắc pháp. Trong hệ Đại chúng bộ và hệ Phân biệt thuyết có tiếp cận với Đại chúng bộ (lưu hành tại Ấn-độ) thì có thể có nhiều pháp vô vi! Như Dị bộ tông luân luận (T. 49, tr. 15c) nói:
“Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê-dận bộ,… 4 bộ này cùng chủ trương:… pháp vô vi có 9 loại: 1) trạch diệt, 2) phi trạch diệt, 3) hư không, 4) không vô biên xứ, 5) thức vô biên xứ, 6) vô sở hữu xứ, 7) phi tưởng phi phi tưởng xứ, 8) chi tánh của duyên khởi, 9) chi tánh của Thánh đạo.”(xix)
Ba vô vi đầu trong 9 thứ vô vi ấy là tương đồng với Thuyết nhất thiết hữu bộ. Bốn thứ vô vi gồm không vô biên xứ (ākāśānañcāyatana), v.v., là cái thể của định khế hợp với 4 định vô sắc. Duyên khởi chi tánh (pratī-tyasamupādāṅgikatva), Kinh nói duyên khởi gồm 12 chi là: “Nếu Phật xuất hiện nơi đời hay không xuất hiện nơi đời thì duyên khởi như vậy là pháp trụ, pháp giới,”(xx) cho nên xưa nay vốn như thế, là quy luật khuôn mẫu tất nhiên của sanh tử lưu chuyển. Thánh đạo chi tánh (Āryamārgaṅgikatva), trong Kinh tôn xưng chánh đạo gồm 8 chi phần là “con đường của bậc Tiên nhân xưa, là lối đi của bậc Tiên nhân xưa,”(xxi) đây là Phật với Phật đều cùng một con đường, là con đường chung phải đi để giải thoát sanh tử. Hai loại này đều được gọi là vô vi, đều là lý tánh vĩnh hằng bất biết. Hóa địa bộ thuộc hệ Phân biệt thuyết cũng lập nên 9 thứ vô vi: “1) trạch diệt, 2) phi trạch diệt, 3) hư không, 4) bất động, 5) chân như của pháp thiện, 6) chân như của pháp bất thiện, 7) chân như của pháp vô ký, 8) chân như của chi đạo, 9) chân như của duyên khởi.”(xxii)22 Ba vô vi đầu tiên tương đồng với Đại chúng bộ… ở trên. Bất động (acala), thông thường chỉ cho đệ tứ thiền không còn bị loạn động bởi ba thứ tai họa; có thể Hóa địa bộ là theo nghĩa rộng, chung với 4 thứ định vô sắc gồm không vô biên xứ, v.v., đều phỏng theo cái thể của định để nói. Chân như (tathatā) là như vậy như vậy nên không biến đổi; pháp thiện (kuśala), bất thiện (akuśala), vô ký (avyakṛta) được gọi là chân như, đã giải thích tánh thiện, bất thiện, vô ký (trung dung) đều có nguyên tắc nhất định, chắc chắn không biến đổi, có thể nói đó là nguyên tắc vững chắc của đạo đức và phi đạo đức. Luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm cũng lập 9 thứ vô vi: ngoài 4 xứ gồm trạch (trí duyên tận), phi trạch (phi trí duyên tận), duyên (duyên khởi), không vô biên xứ, v.v., còn lập riêng quyết định và pháp trụ.23 'Quyết định' (tức 'chánh tánh ly sanh') là vô vi, tương đồng với (4) phái Án-đạt-đa trong hệ Đại chúng bộ.(xxiii)24 Pháp trụ, có thể là đế lý được ngộ nhập bởi pháp trụ trí. Truyền thuyết nói Độc tử bộ tụng và học tập luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm,25 nhưng bản dịch hiện còn trong Hán văn không có đề cập đến cái ngã không thể diễn tả (bất khả thuyết ngã - anabhilāpya-pudgala), cũng không lập a-tu-la (asura) làm cõi thú thứ sáu, nên nó không thể là tụng bản của hệ Độc tử. Tổ chức của luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm phần lớn tương đồng với 'Luận tạng' mà luật Tứ phần của Pháp tạng bộ, luận Tỳ-ni mẫu của Tuyết sơn bộ (Haimavata) đã nói,26 bản hiện còn chắc hẳn phải thuộc về hệ Thượng tọa Phân biệt thuyết ở Ấn-độ. Ngoài ra, 4 bộ Án-đạt-la và Bắc đạo bộ nói rằng diệt định là vô vi.(xxiv)27 Bắc đạo bộ nói: tự tánh của sắc, v.v., được gọi là chân như, là vô vi.(xxv)28 Đông sơn trụ bộ (Pūrvaśaila) – 1 trong 4 bộ Án-đạt-la, lập Tứ đế là vô vi;(xxvi) quả sa-môn(xxvii) và 'đắc'(xxviii) là vô vi.29 Hệ Đại chúng và hệ Phân biệt thuyết (lưu hành tại Ấn-độ) đã lập nên nhiều thứ vô vi, đều là từ quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về lý tánh vĩnh hằng bất biến mà ra; có khuynh hướng tìm hiểu và nghiên cứu lý tánh theo hình nhi thượng [siêu hình], đó là điều rõ ràng không có gì nghi ngờ. Khuynh hướng này, khi luận đến Phật-đà quan theo lý tưởng thì chính là đức Phật-đà thuộc tuyệt đối bất nhị. Phật là bậc siêu việt thường tình, Tùy tướng tụng của Đông sơn trụ bộ nói được rất rõ ràng, như quyển 2 của Nhập trung luận (Hán tạng giáo lý viện sang bổn, tr. 31) dẫn bài tụng nói:
“Nếu bậc Đạo sư của thế gian không thuận theo thế gian mà chuyển [Pháp luân], thì Phật và pháp tánh của Phật, ai cũng không thể nhận biết.
Tuy cho rằng uẩn, xứ, giới cùng thuộc một thể tánh, nhưng nói có ba giới, đó là thuận theo thế gian mà chuyển.
Tánh của các pháp vốn không có tên gọi, dùng tên gọi ‘bất tư nghì’ để nói cho các hữu tình, đó là thuận theo thế gian mà chuyển.
Do nhập vào pháp tánh của Phật, nên sự ‘vô’ cũng là không có, nhưng Phật nói đến sự ‘vô’, đó là thuận theo thế gian mà chuyển.
Không thấy cái gì có nghĩa hay vô nghĩa, nhưng nói rằng [có cái] tôn quý trong các pháp, nói có diệt và thắng nghĩa, đó là thuận theo thế gian mà chuyển.
Không có sự diệt, cũng không có sự sanh, và pháp giới là bình đẳng, nhưng nói có kiếp thiêu [hỏa tai], đó là thuận theo thế gian mà chuyển.
Tuy rằng ở trong ba thời gian [tam thế], tánh hữu tình là không thể có được, nhưng nói có hữu tình giới, đó là thuận theo thế gian mà chuyển.”(xxix)
Trong chứng đắc đúng như sự thật của Như lai - bổn tánh của Phật, tất cả đều là pháp tánh lìa ngôn ngữ một cách đồng nhất, không có ngã và pháp, hữu và vô như quan điểm của thế tục, ngay cả Phật, diệt, thắng nghĩa cũng đều là không thể diễn tả.(xxx) Vì chúng sanh - hữu tình nên thuyết thế này, thuyết thế kia nhưng đều 'thuận theo thế gian mà chuyển', là phương tiện để thuận theo thế gian. Từ pháp tánh lìa ngôn ngữ mà đức Như lai tự chứng để nói, thì pháp tánh là thứ siêu việt tên gọi, lời nói. Hệ Đại chúng bộ đã phát triển đến đây, không có bất đồng quá nhiều với Phật Pháp Đại thừa.
Trọng về nghiên cứu sự tướng là A-tỳ-đạt-ma (Abhi-dharma) - Luận của hệ Thượng tọa bộ. Nội dung tìm hiểu là:
1) Tự tướng (sva-lakṣaṇa): những lời Phật dạy mà bình thường chúng ta hiểu rõ được ấy đều là những thể phức hợp; chính như 'một niệm tâm' cũng có nhân tố tâm lý phức tạp. Cho nên, từ sự phức hợp rồi đi tìm hiểu (phân tích) đến đơn vị 'nhỏ đến mức không có gì bên trong nó nữa', khác với những cái khác mà có tự thể, 'không mất tự tướng [đặc trưng riêng]' thì lập thành một pháp.
2) Cộng tướng (sāmānya-lakṣaṇa): tánh chất chung phổ biến mà tất cả pháp đều có, hoặc chung cho tất cả pháp, hoặc chung cho hữu vi (saṃskṛta), hoặc chung cho sắc pháp, v.v., tánh chất chung phổ biến ấy được gọi là cộng tướng. Xích đồng diệp bộ gọi cộng tướng là Luận mẫu, Thuyết nhất thiết hữu bộ gọi là Luận môn (phân biệt).
3) Nhiếp (saṃgraha): những lời Phật dạy, có khi cùng tên gọi nhưng hàm nghĩa khác nhau, cũng có khi tên gọi khác nhau nhưng nội dung thì đồng nhất, cho nên dùng 'tự tánh nhiếp tự tánh',(xxxi) hễ cùng một thể tánh thì chính là một pháp, như luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm nói: “trạch, trùng trạch, cứu cánh trạch, trạch pháp, tư duy, giác, liễu đạt (tự tướng, tha tướng, cộng tướng), tư, trì, biện, tiến biện, huệ, trí, kiến, giải thoát, phương tiện, thuật, ngọn lửa, ánh sáng, chiếu sáng, bó đuốc, huệ căn, huệ lực, trạch pháp, chánh giác, bất bạc, những từ này được gọi là huệ căn.”(xxxii)30 Như vậy, tên gọi tuy khác nhưng cùng một thật thể, chính là biến phức tạp thành đơn giản.
4) Tương ưng (samprayukta): đây là tâm lý phức tạp mà cùng khởi với tâm. Bởi vì tánh chất của nhân tố tâm lý là không đồng nhất nhưng có thể cùng lúc duyên vào cảnh để khởi, đó là tương ưng; không thể cùng lúc duyên vào cảnh để khởi, đó là bất tương ưng. Mỗi một tâm và tâm sở pháp từ phân biệt 'tự tướng' mà có, qua sự nghiên cứu về tương ưng hay bất tương ưng, thì có sự hiểu biết chính xác rõ ràng đối với nội tâm.
5) Nhân duyên (nidāna): tất cả pháp hữu vi đều nhờ vào nhân duyên để sanh khởi, đây là định luật của Phật Pháp. Tìm hiểu cái nhân duyên mà đức Phật đã thuyết ấy, vì ý nghĩa của nó rất nhiều nên lập thành nhiều thứ nhân duyên. Như luận Phát thú của Xích đồng diệp bộ lập thành 24 duyên; luận Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm lập thành 10 nhân 10 duyên (10 loại nhân duyên); luận Phát trí của Thuyết nhất thiết hữu bộ lập thành 6 nhân, 4 duyên.
Trải qua sự nghiên cứu tự tướng, v.v., nên lời Phật dạy (kinh A-hàm) đến đây mới được mạch lạc phân minh, hiểu rõ dễ dàng (nghiên cứu không ngừng nên trở thành Nghĩa học(xxxiii) phức tạp, chặt chẽ, là việc về sau). Trong quá trình nghiên cứu, trải qua 'tự tướng', 'nhiếp' rồi thành lập từng pháp từng pháp (75 pháp, 100 pháp được nói phổ biến ấy chính là hình thành như vậy), phân loại thêm nữa, như luận Nhiếp A-tỳ-đạt-ma nghĩa của Xích đồng diệp bộ nói: “Thuyết Đối pháp (A-tỳ-đạt-ma) nghĩa này, về thắng nghĩa thì có 4 loại: tâm và tâm sở, sắc, niết-bàn - nhiếp tất cả.”(xxxiv)31 Luận Nhiếp nghĩa quy nạp tất cả pháp thành 4 loại: niết-bàn là pháp vô vi; pháp hữu vi là 3 loại gồm tâm (citta), tâm sở (caitta), sắc (rūpa). Bốn loại này đều thuộc thắng nghĩa (paramārtha), cũng chính là thật hữu. Luận Phát trí của Thuyết nhất thiết hữu bộ nhận thấy có nhiều pháp hữu vi, không thể quy nạp vào hết trong tâm, tâm sở, sắc, vì vậy lập thành tâm bất tương ưng hành (cittaviprayukta-saṃskara).32 (Túc) Luận A-tỳ-đạt-ma phẩm loại do Thế Hữu (Vasumitra) sáng tác đã lập nên phẩm Biện ngũ sự, dùng sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành, vô vi là 5 loại,33 nhằm quy nạp tất cả pháp,(xxxv) có thể nói đó là 'mấu chốt đã nắm thì chi tiết cũng rõ', cho tới Luận sư đời sau cũng sử dụng.34
Những nghĩa [quan điểm] khác nhau của các bộ phái rất nhiều, ở đây trình bày tóm lược 3 điều quan trọng nhất.
1) Tam thế hữu và hiện tại hữu: đức Phật dạy “các hành đều vô thường,”(xxxvi) tất cả pháp hữu vi đều là sanh rồi lại diệt. Trong hiện tượng sanh diệt ấy có 3 thì gian gồm vị lai, hiện tại, quá khứ, có nhờ vào quan hệ nhân duyên nên sanh ra quả. Nhưng qua sự nghiên cứu để thâm nhập, khi nghiên cứu đến đơn vị nhỏ nhất của mỗi một pháp, nhận thấy sự sanh diệt ấy trong thời gian cực ngắn - sát-na (kṣaṇa), thì phân thành hai hệ lớn, [1] tồn tại trong cả 3 thời và [2] tồn tại chỉ trong hiện tại.(xxxvii) Tồn tại trong cả 3 thời là chủ trương của Thuyết nhất thiết hữu bộ, Độc tử bộ (5 bộ cả gốc và chi nhánh) trong Thượng tọa bộ, và Thuyết chuyển bộ (Saṃkrāntika) tách ra từ Thuyết nhất thiết hữu bộ. Tồn tại trong cả 3 thời có nghĩa là gì? Thật thể của mỗi một pháp thì không có tăng hay giảm (đây là nghĩa cổ của “pháp giới bất tăng bất giảm”), như quyển 76 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 395c-396a) nói:
“Trong cả 3 thì gian, tánh nhân tánh quả của các pháp đều tùy theo sự tương ứng của chúng mà được thiết lập theo trật tự. Thật thể thì luôn luôn tồn tại, không có tăng, không có giảm, nhưng căn cứ vào tác dụng thì nói chúng có hoặc nói chúng không có.”
Thể tánh của mỗi một pháp hữu vi là có thật: có trong vị lai, có trong hiện tại, có trong quá khứ, nên không thể nói rằng “từ không có mà có, có rồi trở lại không có.”(xxxviii) Căn cứ vào tác dụng của các pháp mới có thể nói là có hay nói là không có.(xxxix) Đây là nói rằng tất cả pháp đều không tăng không giảm, xưa nay vốn như thế: trước khi không có sanh khởi thì đã có [tồn tại] như vậy nên gọi là 'có trong thời vị lai'. Nhờ nhân duyên mà hiện khởi, cái thể của pháp vẫn là như thế nên gọi là 'có trong thời hiện tại'. Khi tác dụng đã thành quá khứ rồi thì cái thể của pháp vẫn tồn tại như thế nên gọi là 'có trong thời quá khứ'. Sự sanh diệt, hữu vô là phỏng theo tác dụng để nói, tự thể là tự tánh hằng trụ, như như không đổi. Sanh (jāti) và diệt - vô thường (anityatā) là 'pháp bất tương ưng hành'. Nhờ duyên nên 'sanh' và cùng khởi với pháp, không dừng trú trong từng sát-na, cùng đi với pháp và 'diệt'; pháp đi cùng với sanh, diệt nên khởi (tướng sanh diệt) tác dụng, cho nên nói pháp sanh, pháp diệt. Thật ra cái thể của pháp thì không có sanh diệt, cũng sẽ không có nhân quả để trình bày được, như luận Đại tỳ-bà-sa nói: “Tôi nói rằng các nhân lấy tác dụng làm quả chứ chẳng phải là lấy cái thật thể làm quả; lại nữa, tôi nói các pháp lấy tác dụng làm nhân chứ chẳng phải lấy cái thật thể làm nhân. Thật thể của các pháp là thường hằng nên không có chuyển biến, vì nó chẳng phải là nhân quả.”35 Đây là thuyết 'pháp tánh hằng trụ', 'có thật trong 3 thì gian'(xl) nổi tiếng. Theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, thường và hằng là khác nhau. Cái thể của pháp là như như không đổi nhưng lưu chuyển trong ba thời gian, là hằng hữu; pháp vô vi bất sanh bất diệt nên đó là thường. Tư tưởng này có ý nghĩa rằng cái thể của pháp thì bất biến nhưng tác dụng thì thay đổi, cho nên Thuyết chuyển bộ tách ra từ Thuyết nhất thiết hữu bộ, nói: “có uẩn thuộc giới hạn của căn, có uẩn thuộc một vị.”(xli)36 Điểm này có thể chính là điều mà luận Đại tỳ-bà-sa nói: “Có người chấp rằng uẩn có hai loại: 1) uẩn thuộc căn bản, 2) uẩn thuộc tác dụng; uẩn trước là thường, uẩn sau thì chẳng phải là thường.”37 Uẩn thuộc một vị chính là uẩn thuộc căn bản, là thường hằng nên không có thay đổi, uẩn thuộc giới hạn của căn chính là uẩn thuộc tác dụng, tác dụng được sanh khởi từ căn bản, chẳng phải là thường. Đây chính là cái thể của pháp và tác dụng của pháp thuộc Thuyết nhất thiết hữu bộ, sai biệt chỉ là cái thể của pháp là thường, là hằng mà thôi; nhưng trong những giải thích phổ biến, thường và hằng không có gì khác nhau. Quan điểm của những phái ngọn Hóa địa bộ cũng nói: “thật có quá khứ, vị lai.”(xlii)38 Bốn bộ Án-đạt-la nói: “tất cả pháp [đều có] tự tánh quyết định;”(xliii) “tất cả pháp có [tồn tại], 3 thời gian đều trụ nơi vị trí của nó,”(xliv)39 cũng gần với thuyết 'tồn tại trong cả 3 thì gian'. Đối lập với thuyết 'tồn tại trong cả 3 thì gian' là thuyết 'tồn tại trong hiện tại', như Đại chúng bộ, v.v., nói: “quá khứ, vị lai đều không có cái thể có thật;”(xlv) Hóa địa bộ nói: “quá khứ, vị lai đều không có; trong hiện tại, vô vi là có [tồn tại].”(xlvi)40 Tất cả pháp hữu vi sanh diệt vô thường, nhân quả nối tiếp, đều là có trong hiện tại. Cái đã là quá khứ nhưng ảnh hưởng đến hiện tại, cho nên nói rằng pháp quá khứ là 'từng có'. Cái vẫn chưa sanh khởi nhưng có thể sanh khởi trong vị lai, vì vậy nói pháp vị lai là 'sẽ có'. Cái từng có nhưng ảnh hưởng đến hiện tại hoặc vị lai, vị lai mà công năng của nó có thể sanh khởi được trong vị lai, thật ra đều là có trong hiện tại; tất cả đều nhờ vào hiện tại để thiết lập, quá khứ và vị lai là tên gọi giả mà không có pháp thật. Ở đây là nói: thật tướng của nhân sanh, vũ trụ đều ở ngay trong sát-na hiện tại. Luận Đại tỳ-bà-sa có một truyền thuyết đáng chú ý: “Có thuyết rằng: quá khứ, vị lai không có cái thể tánh thật, hiện tại tuy có nhưng mà là vô vi.”41 Đây là thuyết có trong thì hiện tại, phải thuộc về hệ Đại chúng, hệ Phân biệt thuyết. Nói có trong thì hiện tại nhưng mà là vô vi, dường như vô cùng đặc thù vậy! Bắc đạo phái tách ra từ Đại chúng bộ, nói: tự tánh (svabhāva) của pháp (hữu vi) gồm sắc, v.v., là chân như, vô vi.(xlvii)42 Đây đúng là 'có thật trong thì hiện tại nhưng mà là vô vi'; vô vi là tự tánh của hữu vi, như như chẳng đổi, dựa vào tự tánh để khởi tác dụng, có sanh có diệt mới là hữu vi. Điều này có cùng ý nghĩa với chủ trương ‘uẩn căn bản là thường’ của Thuyết chuyển bộ, điểm khác nhau là có cả trong 3 thì gian và có trong thì hiện tại mà thôi. Có cả trong 3 thì gian và có trong thì hiện tại, đối lập tranh luận gay gắt, nhưng khi nghiên cứu đến tự tánh của mỗi một pháp thì đã xuất hiện khuynh hướng chung là thường, là hằng; đối với Phật Pháp Đại thừa mà nói, cũng có thể nói đó là khác đường nhưng cùng quy về một nơi vậy!
2) Thấy Đế trong một niệm và thấy Đế theo thứ tự, đó là vấn đề trọng yếu liên quan đến sự chứng ngộ. Hàng đệ tử Phật y theo Pháp tu hành, dùng bát-nhã – huệ (prajñā) để thấy Đế. Văn cú diễn tả sự thể nhập và thấy Đế lý, trong Kinh Luật cũng có trình bày khác nhau, như Đại phẩm của Xích đồng diệp luật (Nam truyền 3, tr. 21) nói:
“Nhờ viễn trần ly cấu nên Cụ thọ Kiều-trần-như sanh ra pháp nhãn, thấy rằng: tất cả tập pháp đều là diệt pháp.”(xlviii)43
A-nhã-kiều-trần-như (Ājñātakauṇḍinya) là vị ngộ nhập đầu tiên nhất trong 5 vị tỳ-kheo. Thấy Khổ tập đều là diệt pháp, rõ ràng là thể nhập và thấy được Khổ tập và Khổ diệt của duyên khởi (pratītya-samutpāda). Bởi vì sự thiết lập Tứ đế là: cần phải biết Khổ, cần phải đoạn Tập, cần phải chứng Diệt, cần phải tu Đạo;(xlix) trong sự tu hành mà chánh kiến là thứ dẫn đường ấy,(l) biết Khổ, cắt đứt Tập nên chứng được Diệt, đó gọi là 'thấy Diệt thì đắc Đạo' hoặc ' thấy Đế trong một niệm'. Nhưng trong kinh A-hàm, biết đúng như sự thật về Khổ (hoặc nói phân biệt về 5 uẩn, v.v.), biết đúng như sự thật về Tập, biết đúng như sự thật về Diệt, biết đúng như sự thật về Đạo, nhiều nơi trong Kinh đều nói như thế. Như kinh Chuyển Pháp luân, sau phần biết Khổ, cắt đứt Tập, chứng Diệt, tu Đạo, đều nói: “Khi có chánh tư duy thì sanh ra con mắt, trí, minh, giác:”(li)44 đây là sanh ra trí biết về mỗi Đế trong Tứ đế, đó chính là ngộ nhập riêng từng thứ. Trong quá trình bộ phái phân hóa, Thuyết nhất thiết hữu bộ lập nên thuyết trong 15 tâm thì thấy Đạo;(lii) hệ Độc tử lập nên thuyết trong 12 tâm thì thấy Đế(liii) (Kinh bộ phát sanh sau này là tách ra từ Thuyết nhất thiết hữu bộ, lập nên thuyết trong 8 tâm thì thấy Đế): đây đều là thấy Đế theo thứ tự,(liv) vả lại, đó là (trước hết) thấy Khổ nên đắc Đạo. Đại chúng bộ và hệ Phân biệt thuyết lập nên thuyết 'thấy Đế trong một niệm', 'thấy Diệt thì đắc Đạo'.(lv) Luận Tứ đế do Chân Đế (Paramārtha) dịch vào đời Lương là thuộc về Thuyết giả bộ (Chân Đế dịch thành Phân biệt bộ) của hệ Đại chúng, như quyển 1 của luận này (T. 32, tr. 378a, 379a) nói:
“Nếu thấy được sự vắng lặng lìa sanh diệt (Diệt đế) của pháp vô vi thì thành tựu cùng lúc nghĩa của Tứ (đế).”
“Tôi nói cùng lúc thấy được Tứ đế: cùng lúc lìa (Khổ), cùng lúc trừ (Tập), cùng lúc đắc (Diệt), cùng lúc tu (Đạo).”
Luận Đại tỳ-bà-sa nói: Pháp tạng bộ “dùng vô tướng tam-ma-địa, khởi tác ý tịch tĩnh về niết-bàn, đi vào chánh tánh ly sanh,”45 cũng là thấy Diệt thì đắc Đạo. Hóa địa bộ nói: “Cùng một lúc nhận thấy rõ ràng [hiện quán] Tứ Thánh đế, khi thấy được Khổ đế thì thấy được các Đế còn lại.”(lvi)46 Đây là thấy ngay Tứ đế, nhưng sau khi thấy ngay ấy, 'thấy được Khổ đế thì thấy được các Đế còn lại'. Có thể nói, đây là phái chiết trung của hai quan điểm thấy Khổ thì đắc Đạo theo thứ tự và cùng lúc thấy Diệt thì đắc Đạo. Tu hành như thế nào mới thấy Đế lý, không phải từ trong luận lý mà đắc được, mà là người tu hành dùng kinh nghiệm tu tập của chính mình dạy cho người khác, dần dần đã hình thành nên thứ tự tu hành khác nhau. Đối với hai phái này, tôi cho rằng đều có thể thực hành theo được. Bậc A-la-hán (Arhat) trong Phật Pháp có hai hạng là huệ giải thoát (prajñā-vimukta) và câu giải thoát (ubhayatobhāgavi-mukta). Bậc có huệ giải thoát là dùng trí biết pháp trụ (dharma-sthititājñāna) để biết nhân quả sanh diệt của duyên khởi nên chứng được. Bậc có câu giải thoát thì đi sâu vào được thiền định, thấy niết-bàn của pháp (dṛṣṭadharma-nirvāṇa), cũng chính là dùng trí biết niết-bàn (nirvāṇa-jñāna) để chứng được. Bậc A-la-hán như vậy, ban đầu thấy Đế lý, cũng sẽ có hai loại này: dùng trí biết pháp trụ để thấy Đạo, phù hợp với thấy Tứ đế theo thứ tự để đắc Đạo; dùng trí biết niết-bàn để chứng Sơ quả, phù hợp với trong một niệm thấy Diệt nên thì Đạo. Căn tánh của người tu học khác nhau, sự tu chứng thấy được Đế cũng nhân tiếp nhận từ vị Thầy mình nên hình thành thứ tự tu học khác nhau. Về thứ tự tu huệ của bộ phái vẫn còn thấy được rõ ràng trong các Luận thư của Thuyết nhất thiết hữu bộ và Xích đồng diệp bộ. Trong thứ tự tu chứng cơ bản đều có tổ chức mạch lạc thêm, dường như chặt chẽ tỉ mỉ nhưng đối với người tu hành chân chánh, ngược lại e rằng bị quá nhiều rắc rối, không thể có loại tu chứng đơn giản đi vào trực tiếp như thời đại của đức Thích tôn vậy!
3) Bổ-đặc-già-la (pudgala) và nhất tâm: Bổ-đặc-già-la, dịch nghĩa là 'sác thủ thú', là chúng sanh - hữu tình (sattva) thuộc 1 đời, lại 1 đời nữa. Hoạt động của cá thể chúng sanh là sự tồn tại hiện thực. Phật Pháp nói (sanh diệt) vô thường, vô ngã, thì giải thích như thế nào về chuỗi sự thật như sự ghi nhớ, tạo nghiệp thọ báo, sanh tử trôi dạt, từ sanh tử đắc giải thoát? Bộ phái có chủ trương 'có trong cả 3 thì gian', có thể nói đó là căn cứ vào tổng hòa hoạt động của uẩn, giới, xứ - thân và tâm để giải thích; bộ phái có chủ trương 'có trong hiện tại' là căn cứ 'một tâm' để giải thích. Bộ phái căn cứ vào uẩn, giới, xứ để lập nên bổ-đặc-già-la thì có:
a) Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng: “Hữu tình chỉ dựa vào sự chấp thọ nối tiếp nhau về hiện hữu mà giả lập nên. Họ nói rằng tất cả các hành đều diệt trong từng sát-na, nhất định không có pháp nhỏ nào có thể từ đời trước mà chuyển sanh vào đời sau, chỉ có bổ-đặc-già-la theo thế tục thì nói là có di chuyển.”(lvii)47 Thân và tâm duy trì trong đời hiện tại, có nắm giữ, biết thọ dụng, diệt trong sát-na rồi lại tiếp tục sanh. Pháp là thứ diệt trong sát-na, không có di chuyển, nhưng trong chấp thọ sự hòa hợp tương tục làm tự thể của hữu tình này, nói có 'cái ngã giả danh', có khả năng di chuyển - từ đời trước đến đời sau. Cái ngã giả danh thì không có tự tánh, vì vậy Phật nói là 'vô ngã'.
b) Độc tử bộ, v.v., nói: “bằng đế nghĩa và thắng nghĩa có thể đắc được bổ-đặc-già-la;”(lviii) “bổ-đặc-già-la chẳng phái chính là uẩn hay lìa uẩn, dựa vào uẩn, xứ, giới - giả thiết lập nên tên gọi [bổ-đặc-già-la]”(lvix)48 Độc tử bộ, v.v., cũng là bộ có chủ trương 'có trong cả 3 thì gian'; bổ-đặc-già-la cũng dựa vào uẩn, giới, xứ để giả thiết lập, nhưng lập riêng thành 'cái ngã không thể diễn tả'. Độc tử bộ cho rằng: sự hữu do hòa hợp mà có thì không lìa sự hữu do là pháp thật mà có, không phải là không có gì cả. Giống như nhờ củi mà có lửa, lửa không thể rời củi được, nhưng lửa hoàn toàn không phải chính là củi. Nhờ vào pháp thật hòa hợp nên có ngã, vì vậy có thể nói là cái ngã biết, cái ngã thấy, cái ngã đi từ đời trước đến đời sau.(lx) Hai phái này, người xưa gọi họ là 'nhà chủ trương cái giả không có cái thể', 'nhà chủ trương cái giả có cái thể'.
c) Thuyết chuyển bộ tách ra từ Hữu bộ, nói: “Nói rằng các uẩn có di chuyển từ đời trước đến đời sau,… có uẩn thuộc về giới hạn của căn, có uẩn thuộc về một vị,… chủ trương có bổ-đặc-già-la theo thắng nghĩa.”(lxi)49 Ở trên đã từng đề cập đến: uẩn thuộc một vị là chủ trương pháp tánh hằng trụ và uẩn thuộc về giới hạn của căn là tác dụng sai biệt của Hữu bộ. Hữu bộ nói 'hằng trụ', Thuyết chuyển bộ nói là 'thường trụ'. Cái thể thì thường nhưng cái dụng thì vô thường, tổng hợp lại lập thành bổ-đặc-già-la theo thắng nghĩa. Có một cái tánh 'thường', lại còn có tánh chuyển biến.(lxii) Ba nhà này đều là nói 'có thật trong cả 3 thì gian', pháp tánh hằng (thường) trụ; hai nhà sau, có thể nghiên cứu so sánh với 'cái ngã chân thường' của Đại thừa.
Lại nói về thuyết 'có trong hiện tại', y vào tâm để lập nên ngã, a) như luận Thành thật nói: “Lại nữa, vì vô ngã nên tùy theo tâm khởi lên nghiệp; bởi tâm là đồng nhất nên nó khởi lên được các thứ nghiệp, lại tự thọ quả báo. Tâm chết và tâm sanh, tâm bị trói buộc và tâm được giải thoát. Nó còn có cái dụng khác, tâm ghi nhớ được, vì thế biết rằng tâm là đồng nhất. Lại nữa, bởi tâm là đồng nhất nên tích lũy [tu tập - 修集] được, nếu nó diệt trong từng niệm [sát-na] thì không có lực tập hợp. Lại nữa, Phật Pháp là vô ngã, bởi tâm là đồng nhất nên có chúng sanh tướng;” “pháp của tâm biết được tự thể của nó, như cây đèn tự soi chiếu nó, cũng chiếu soi vật khác.”50 Từ thí dụ cây đèn tự chiếu soi nó, cũng chiếu soi vật khác, có thể biết rằng đây là nghĩa [chủ trương] căn bản của Đại chúng bộ (tông phái ngọn của họ, hoặc nói là 'tâm và tâm sở pháp không có chuyển biến). Nhất tâm luận, không phải là sanh diệt trong từng sát-na mà là chuyển biến trong từng sát-na. Dùng cái tâm đồng nhất để giải thích chúng sanh đồng nhất, giải thích sự ghi nhớ, tạo nghiệp, thọ quả báo. Loại quan điểm này, khi giải thích về sự ghi nhớ, có 'Tiền hậu nhất giác luận giả': “Họ nói như vầy: cái biết thực hiện hành động trước, sau đó cái biết ấy ghi nhớ, tướng dụng tuy khác nhưng tánh của nó là đồng nhất nên nó ghi nhớ được những thứ mà đã thực hiện như thế.”51 Khi giải thích về tạp nhiễm và thanh tịnh, có 'Nhất tâm tương tục luận giả': “Có người chấp rằng chỉ có một tâm… có tâm có tùy miên, có tâm không có tùy miên nhưng tánh của nó thì không khác. Khi Thánh đạo hiện tiền, trái ngược với phiền não nhưng không trái với tâm tánh. Nhằm đối trị phiền não chứ không phải là đối trị tâm, như việc giặt áo, lau kính, luyện kim, v.v., trái ngược với cáu bẩn, v.v., chứ không trái với cái áo, v.v.”52 Điểm này tương đồng với 'Tâm tánh bổn tịnh luận giả': “Bổn tánh của tâm là thanh tịnh, vì bị khách trần phiền não làm nhiễm ô nên tướng của nó không thanh tịnh;” “tâm bị nhiễm ô hay không bị nhiễm ô thì cái thể của nó cũng không khác nhau.”53 Tánh của tâm vốn thanh tịnh là thuyết của Đại chúng bộ và hệ Phân biệt thuyết bộ. 'Tánh của nó không khác' và 'thể của nó không khác' của tâm đồng nhất nhưng không phải là thường trụ. Theo luận Thành thật nói: “Tôi không cho rằng tâm diệt trong từng niệm nên chủ trương như vậy, bởi vì tâm tương tục nên nói là có nhiễm ô,”54 chính xác là quan điểm của “Nhất tâm tương tục luận”. Nhưng nói 'thức' mà có đặc sắc, thì có người chủ trương 'ý giới là thường luận': “Họ nói như vầy: 6 thức tuy sanh diệt nhưng ý giới là thường, như vậy nó ghi nhớ được những việc nó đã làm, vì những việc do 6 thức làm thì ý giới ghi nhớ được.”55 Ý giới (mano-dhātu) là sở y để 6 thức giới sanh khởi, cho nên 'ý giới là thường', nhờ ý thường trụ nên 6 thức có khởi lên sanh diệt, cũng là ở bên trong 6 thức thông thường khởi lên và diệt đi không ngừng ấy có riêng cái tâm thường trụ bất biến. Đây cũng là nhằm giải thích cho khả năng ghi nhớ, không rõ đó là ý kiến của bộ phái nào!
b) Xích đồng diệp bộ lập nên hữu phần thức:56 hữu phần thức là cái thức khi tử, khi sanh; trong một đời, nó cũng là cái ý thức tiềm ẩn khi 6 thức không khởi tác dụng: tác dụng của tất cả tâm thức đều y vào hữu phần thức để khởi; tác dụng dừng nghỉ thì hồi phục lại trạng thái bình thường tĩnh lặng, thì đó chính là hữu phần thức.(lxiii) Hoạt động tâm thức của chúng sanh phát khởi từ hữu phần thức rồi quay về hữu phần thức, không ngừng tuần hoàn như vậy, cho nên người xưa gọi nó là '9 tâm luân'.(lxiv) Hai thuyết này đều là từ 6 thức thông thường ấy rồi tìm đến sâu bên trong tâm thức. Thuyết tâm thức của bộ phái thời kỳ sớm nhất đều nhằm giải thích sự ghi nhớ, tạo nghiệp thọ báo, từ trói buộc đến giải thoát, thông tục xem nó như là tác dụng của tự ngã. 'Tâm tánh vốn trong sạch', 'ý giới là thường' có quan hệ sâu sắc và mật thiết với tâm chân thường của Đại thừa.
Lại bàn về Tăng-già (Saṃgha), đức Thích tôn ‘y vào Pháp để quản lý Tăng,’ đưa những đệ tử xuất gia vào tổ chức; ở trong cuộc sống tập thể có kỷ luật nên yên tâm tu học, nhiếp phục và giáo hóa tín chúng. Sau khi đức Thích tôn nhập diệt, Phật Pháp nhờ vào sự tự mình thực hành và giáo hóa người khác của Tăng-già mà ngày càng phát triển lên. 'Tỳ-ni là sự chân thật trong thế giới', có khi mang tính thích ứng với địa phương nên Phật Pháp chia ra giáo hóa ở các địa phương rồi bộ phái được thành lập, Tỳ-ni - Luật mà Tăng-già y cứ cũng có một số thay đổi để thích ứng. Hệ Đại chúng bộ là trọng về Pháp, đối với những quy định của Luật, họ không câu nệ tiểu tiết. Như Khôi sơn trụ bộ - Kê-dận bộ (Kukkuṭika) là bộ phái tách ra từ Đại chúng bộ, theo Tam luận huyền nghĩa (T. 45, tr. 9a) nói:
“Khôi sơn trụ bộ… dẫn bài kệ trong Kinh rằng: tùy nghi che thân, tùy nghi ăn uống, tùy nghi trú ở, chóng đoạn phiền não…(lxv) Ý của Phật chỉ khiến nhanh chóng đoạn trừ phiền não, bộ này rất tinh tấn, hơn những người (phái) khác.”
Kê-dận bộ cho rằng tất cả việc y phục, ăn uống, chỗ ở đều có thể tùy nghi, không cần tử thủ quy định của Luật. Lấy trú xứ của Tăng-già để nói, thì quy định của Luật là phải kết giới, giới (sīmā) là xác lập khu vực nhất định, tỳ-kheo ở bên trong giới đó, làm việc theo quy định của Luật. Kê-dận bộ cho rằng kết giới cũng được, không kết giới cũng được. Nếu không kết giới thì tất cả quy chế của Tăng-già ấy đều không cách nào thi hành được, người phạm tội nên cần phải sám hối thì cũng không cách nào sám hối đúng như luật sám hối để được xuất tội: điều này giống như phủ định toàn bộ đối với những quy định của Tăng-già. Tỳ-kheo của phái này hoàn toàn không phải là làm xằng làm bậy, mà ngược lại tu hành tinh tấn, chuyên cầu đoạn trừ phiền não để đắc giải thoát. Điều này có lẽ là do bất mãn việc bảo thủ giữ khuôn phép cũ, hình thức hóa quá đáng của phổ biến những người trì Luật; cũng có lẽ là do hoài niệm về đời sống tu hành buổi ban đầu mới được mở mang của Phật Pháp, thời kỳ vẫn chưa thiết lập ra các quy chế. Do đó, họ xem nhẹ đặc tánh những điều Phật đã quy định ở nhân gian, sa vào việc tu trì của chủ nghĩa cá nhân. Kê-dận bộ là bộ phái tách khỏi Đại chúng bộ vào thời kỳ sớm nhất, việc này có thể là do tình hình siêng năng tu định huệ, trải qua thời kỳ biến chuyển lâu dài; Tam luận huyền nghĩa là dựa vào những điều mà Bộ chấp dị luận sớ của Chân Đế đã nói. Luật chế của Đại chúng bộ là tùy nghi, học phái Án-đạt-la và Phương quảng bộ (Vetulyāvada) phát triển ở phương Nam, nói: nhằm thương xót, cúng dường Phật, nếu như nam nữ đồng ý thì có thể hành dâm,(lxvi)57 đây là đã phá hoại đặc tánh của người xuất gia mà Phật đã quy định. Bắc đạo bộ nói: có A-la-hán tại gia.(lxvii)58 Người tại gia thì có thể tu đắc quả A-la-hán, nhưng khi đắc quả A-la-hán rồi vẫn sinh sống cùng vợ con, lao tâm vào việc điền sản sự nghiệp, đây là tiền lệ chưa từng có trong quy định của Luật. Có A-la-hán tại gia và được kẻ khác đồng ý thì có thể hành dâm, đối với chuẩn mực người xuất gia mà đức Thích tôn đã quy định, dường như hết sạch không còn gì nữa. Hệ Đại chúng bộ có khuynh hướng trọng về Pháp mà tùy nghi về những quy định của Luật, khiến cho Phật Pháp mang một bộ mặt mới mẻ hẳn!




1 Ma-ha-tăng-kỳ luật 33, T. 22, tr. 498a-c.


(i) Theo bản Tib. tương đương, Pháp tạng bộ không có chi tiết này, Cf.: Sbh, p. 1193. Nhưng Sbhn. lại cho rằng đây là thuyết của Thuyết nhất thiết hữu bộ, Cf.: “།འཕགས་པ་ཐམས་ཅད་ཡོད་པར་སྨྲ་བའི་སྡེ་པ་རྣམ་པ་བདུན་ལས་གཞི་ཐམས་ཅད་ཡོད་པར་སྨྲ་བའི་སྡེ་པ་རྣམས་ནི་།མཆོད་རྟེན་ལ་མཆོད་པ་ནི་འབྲས་བུ་ཆེའོ།” Sbhn, pp. 1168-1169. “Những bộ thuộc Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ - bộ phái thuộc 7 bộ [tách ra từ] Thánh Thuyết nhất thiết hữu bộ, chủ trương:… cúng dường chế-đa (caitya-pūjā) là có quả lớn.ˮ


2 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 17a.


(ii) Cf.: Sannipatite ca pana tasmiṃ mahājanakāye dasabalassa dhātu hatthikumbhato sattatālappamāṇaṃ vehāsaṃ abbhuggantvā yamakapāṭihāriyaṃ dassesi. Tehi tehi dhātuppadesehi channaṃ vaṇṇānaṃ udakadhārā ca aggikkhandhā ca pavattanti,… Saha dhātupatiṭṭhāpanena mahābhūmicālo ahosi.ˮ Vpa.1.189-190. “Và lại nữa, khi chúng hội đã tập hợp, xá-lợi [dhātu] có 10 lực ấy từ chiếc bình đặt trên lưng voi sau khi bay lên hư không với độ cao so bằng 7 cây tāla, đồng thời thể hiện các thứ thần biến. Xá-lợi thể hiện như thế như thế, tại vị trí đó, nó được che bởi chiếc lọng nhiều màu sắc, có các dòng nước tuôn ra, có khi có các đốm lửa tuôn ra,… Cùng với lúc xá-lợi được đặt vào là sự chấn động của đại địa.ˮ


3 Xin xem: Ấn Thuận: Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, Chương 2, tr. 43-102.


(ii) Geya, là ca khúc, diễn xướng.


(iii) Vyākaraṇa, có nghĩa là phân biệt, sự giải thích, sự rõ ràng, chi tiết; cũng có nghĩa là những lời thọ ký, vấn đáp, văn phạm.


(iv) Pháp tùy thuận pháp kệ -法隨順法偈. Pháp tùy thuận pháp, Skt. 'dharmasya anudharmo' PrMoSū(Mā). Cuối quyển 40 của luật Ma-ha Tăng-kỳ nói: “Tu-đa-la của hai bộ [tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni] và học 500 giới được đức Thế tôn phân biệt nói, gồm: phần Tự của Giới, 8 ba-la-di… 7 chỉ tránh pháp, pháp tùy thuận pháp kệ ở sau cùng,…” 《摩訶僧祇律》卷40:「二部修多羅及學五百戒,世尊分別說戒序、八波羅夷、七止諍法,法隨順法偈在後」(T22, no. 1425, p. 548a23-27). Bài kệ tùy thuận pháp đó là bài kệ ở cuối phần Minh tạp tụng bạt-cừ [varga - phẩm] pháp. Như vậy, 'pháp tùy thuận pháp - dharmasya anudharmo' là những pháp được chế định thêm trên cơ sở của pháp - từ 8 ba-la-di đến 7 chỉ tránh pháp - nội dung chính của Giới bổn, mà theo bộ luật Ma-ha Tăng-kỳ, tùy thuận pháp ấy gồm 14 phẩm, Cf.: 《摩訶僧祇律》卷33:「塔法并塔事、塔龕及塔園、塔池及枝提、伎樂供養具、收撿香花難。十四跋渠竟。」(T22, no. 1425, p. 499a10-12) “Phương pháp xây tháp và thờ tháp, cách bài trí tháp và khu vườn xung quanh tháp, ao của tháp và chi-đề, các thứ cúng dường gồm kĩ nhạc…, những khó khăn khi thu nhặt hương và hoa. Đã trình bày xong 14 bạt-cừ.”


4 Tình hình kết tập Kinh Luật, xin xem: Ấn Thuận, Nguyên thỉ Phật giáo Thánh điển chi tập thành.


5 Đảo sử, Nam truyền 60, tr. 34.


6 Ma-ha Tăng-kỳ luật 33, T. 22, tr. 493c.


7 Đại Đường Tây Vực ký 9, T. 51, tr. 923a.


(i) Theo quyển 6 của A-dục vương truyện, T50, no. 2042, p. 126, b2-10, nói: Đức Phật Thích-ca phó Pháp tạng cho ngài Ca-diếp (Kaśyapa), ngài Ca-diếp truyền cho ngài A-nan (Ānanda), ngài A-nan truyền cho ngài Thương-na-hòa-tu (Śāṇavāsin), ngài Thương-na-hòa-tu truyền cho ngài Ưu-ba-cúc-đa (Upagupta), ngài Ưu-ba-cúc-đa truyền cho ngài Đề-đa-ca (Dhītika). Theo quyển 10 của A-dục vương kinh, T50, no. 2043, p. 169, c10-19, nói: ngài A-nan truyền cho ngài Mạt-điền-địa (Madhyantika), ngài Mạt-điền-địa truyền cho ngài Thương-na-hòa-tu. Vậy A-dục vương truyện đã bỏ sót ngài Mạt-điền-địa. Theo Đảo sử (Dīpavaṃsa), có một hệ truyền thừa khác là: Ngài Upāli được truyền thừa trực tiếp từ đức Thế tôn, ngài Upāli truyền cho ngài Dāsaka, ngài Dāsaka truyền cho ngài Soṇaka, ngài Soṇaka truyền cho ngài Siggava, ngài Siggava truyền cho ngài Moggaliputta Tissa - nhân vật cùng thời vua A-dục trị vì.


(ii) Mười sự phi pháp này, các văn bản Luật ghi chép có điểm khác nhau. Theo Tứ phần luật: 1) được hai lần dùng ngón tay bới thức ăn [tức ăn no rồi, đã xả oai nghi, lại ăn nữa]; 2) được ở trong tụ lạc [đã ăn no rồi, lại thọ nhận thức ăn trong thôn xóm]; 3) được ở trong chùa [ở trong cùng chùa mà yết-ma biệt chúng]; 4) được về sau cho phép [ở trong giới nội mà yết-ma biệt chúng, sau rồi cho phép gửi dục]; 5) được thường pháp [hành động theo thói quen, nếu không trái với Pháp và Luật]; 6) được hòa [ăn no rồi, đã xả oai nghi nhưng lấy tô khúc sống, tô mật và thạch mật hòa chung để ăn]; 7) được cất giữ muối [cất giữ muối để sử dụng khi ăn]; 8) được uống rượu xà-lâu-la [rượu ủ trái cây]; 9) được cất giữ tọa cụ không bị cắt; 10) được nhận vàng bạc. Cf.: Tứ phần luật 54, T. 22, tr. 968c19-23; Tứ phần luật hành sự sao tư trì ký 3, T. 40, tr. 367b29-c10. Thập tụng luật cũng liệt kê 10 sự: 1) diêm tịnh: tích trữ muối, được phép; 2) nhị chỉ tịnh: ăn xong đứng dậy khỏi tòa, không thọ pháp tàn thực, dùng hai ngón tay bới thức ăn, được phép; 3) cận tụ lạc tịnh: ở gần tụ lạc nhận được thức ăn, không thọ pháp tàn thực, được phép; 4) Hòa hợp tịnh: ăn xong dậy khỏi chỗ ngồi, không thọ pháp tàn thực, dùng sữa, lạc, tô hòa chung mà ăn, được phép; 5) như thị tịnh: sống trong cùng nội giới mà làm yết-ma riêng, xong đi vào trong Tăng nói họ đã làm yết-ma trong trú xứ này rồi, được phép; 6) chứng tri tịnh: các tỳ-kheo Tỳ-xá-li ở các trú xứ khác nhau tiến hành yết-ma không đúng như pháp, rồi đi vào trong Tăng nói: 'Chúng tôi đã làm yết-ma ở các nơi khác rồi, chư Tăng biết cho', được phép; 7) bần trú xứ tịnh: các tỳ-kheo Tỳ-xá-li nói: 'Chúng ta sống nơi nghèo hèn, làm rượu uống', được phép; 8) thực hành pháp, được phép; 9)  không cần may thêm viền ni-sư-đàn, được phép; 10) nắm giữ vàng bạc, vật quí, được phép. Cf.: Thập tụng luật, T. 23, tr. 451b21-452a27. Luật Nam truyền tường thuật: Cf.: “ime, bhante, vesālikā vajjiputtakā bhikkhū vesāliyaṃ dasa vatthūni dīpenti – kappati siṅgiloṇakappo, kappati dvaṅgulakappo, kappati gāmantarakappo, kappati āvāsakappo, kappati anumatikappo, kappati āciṇṇakappo, kappati amathita-kappo, kappati jaḷogiṃ pātuṃ, kappati adasakaṃ nisīdanaṃ, kappati jātarūparajatanti.” Vpc.2.301. 1) được phép chứa muối trong đồ đựng bằng sừng; 2) được phép ăn khi bóng mặt trời đã qua 2 lóng tay; 3) được phép ăn xong, đã hồi hướng, lại đi vào làng, không làm pháp tàn thực, vẫn được ăn thêm; 4) được phép ở cùng trú xứ nhưng bố-tát riêng; 5) được phép yết-ma riêng rồi, khi các tỳ-kheo đến hỏi thì thừa nhận; 6) Được phép làm theo thói quen của Hòa thượng, A-xà-lê của mình; 7) được phép ăn xong, đã hồi hướng, không làm pháp tàn thực nhưng uống loại sữa chẳng phải sữa, chẳng phải lạc; 8) được phép uống rượu làm bằng nước ép và chưa thành rượu; 9) được phép dùng tọa cụ không may viền; 10) được phép nhận vàng bạc.


1 Di-sa-tắc bộ hòa-hê Ngũ phần luật 30, T. 22, tr. 192a-b.


2 Tham khảo: Chu Tường Quang, Ấn-độ thông sử, tr. 61-75.


(iii) Cf.: Athaññe bhikkhū pakkosāpetvā pucchi – ‘‘kiṃvādī, bhante, sammāsambuddho’’ ti? ‘‘Vibhajjavādī, mahārājā’’ ti. Evaṃ vutte rājā theraṃ pucchi – ‘‘vibhajjavādī, bhante, sammāsambuddho’’ ti? ‘‘Āma, mahārājā’’ ti. Vpa.1.160. “Sau khi cho mời các vị tỳ-kheo khác, [vua] hỏi: thưa các Đại đức, bậc Đẳng Chánh giác là [thuộc] thuyết gì? Phân biệt thuyết, thưa đại vương. Khi được nghe như vậy, nhà vua hỏi Trưởng lão [Moggaliputtatissa] rằng: thưa Đại đức, bậc Đẳng Chánh giác là thuộc Phân biệt thuyết chăng? Đúng vậy, thưa đại vương.”


3 Thiện kiến luật tỳ-bà-sa 2, T. 24, tr. 684b.


(iv) Cf.: [3] Theraṃ kasmīragandhāraṃ, majjhantikamapesayi; Apesayī mahādevattheraṃ mahisamaṇḍalaṃ…[29] Gantvā mahā-devatthero, desaṃ mahisamaṇḍalaṃ; Suttantaṃ devadūtaṃ so, kathesi janamajjhago. Mhv, pp. 68-70. “Trưởng lão Majjhantika được phái đến Kasmīra và Gandhāra. Trưởng lão Mahādeva được phái đến Mahisamaṇḍala. Sau khi đến địa phương Mahi-samaṇḍala, trưởng lão Mahādeva đã thuyết cho dân chúng Kinh [nói về] thông điệp của chư thiên.ˮ


(v) Cf.: Saṅgho rañño vacanaṃ sampaṭicchitvā kumāraṃ mogga-liputtatissattherena upajjhāyena mahādevattherena ca ācariyena pabbājesi. Majjhantikattherena ācariyena upasampādesi. Tadā kira kumāro paripuṇṇavīsativassova hoti. So tasmiṃyeva upasam-padasīmamaṇḍale saha paṭisambhidāhi arahattaṃ pāpuṇi. Vpa.1.151. “Sau khi Tăng chúng chấp nhận lời của nhà vua,  thanh niên [Mahinda] được xuất gia với trưởng lão Moggali-puttatissa làm Giới sư, và trưởng lão Mahādeva làm A-xà-lê. Trưởng lão Majjhantika trao cho giới Cụ túc. Khi ấy, thanh niên [Mahinda] đã tròn 20 tuổi. Và tại đạo tràng thọ Cụ túc ấy, ngài đã đắc vô ngại giải và A-la-hán. [204] Tadā vīsativasso so, mahindo rājanandano; Saṅghamittā rājadhītā, aṭṭhārasasamā tadā. [205] Tadaheva ahu tassa, pabbajjā upasampadā; Pabbajjā sikkhā-dānañca, tassā ca tadahu ahu. [206] Upajjhāyo kumārassa, ahu moggalisavhayo; Pabbājesi mahādevatthero majjhantiko pana. [207] Kammavācaṃ akā tasmiṃ, so ’ pasampadamaṇḍale; Arahat-taṃ mahindo so, patto sapaṭisambhidaṃ. Mhv, p. 35. “Vào lúc Mahinda – niềm hoan hỉ của nhà vua, được 20 tuổi; vào lúc Saṅghamittā – con gái nhà vua, được 18 tuổi. Cùng một ngày, Mahinda xuất gia và được thọ giới Cụ túc; và cùng một ngày, Saṅghamittā cũng xuất gia và được trao Học xứ. Giới sư của thanh niên [Mahinda] là vị có tên gọi là Moggali[putta Tissa], Xuất gia sư là trưởng lão Mahādeva, và trưởng lão Majjhantika là Yết-ma sư. Mahinda thọ Cụ túc ở đạo tràng ấy, rồi ngài đắc A-la-hán và vô ngại giải.ˮ


4 Nam Hải ký quy nội pháp truyện 1, T. 54, tr. 205a.


5 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 2, T. 27, tr. 8b.


(vi) Cf.: “sabbe saṅkhārā anodhiṃ katvā kukkuḷā” Kv, p. 210. “Sau khi tất cả các hành thực hiện thành vô cùng thì chúng là tro tàn.ˮ Idāni kukkuḷakathā nāma hoti. Tattha yesaṃ ‘‘sabbaṃ, bhikkh-ave, ādittaṃ sabbe saṅkhārā dukkhā’’ tiādīni suttāni ayoniso gahetvā ‘‘nippariyāyeneva sabbe saṅkhārā kukkuḷā vītaccitaṅgāra-sammissā chārikanirayasadisā’’ ti laddhi, seyyathāpi etarahi gokulikānaṃ” Abh.Pa.59. “Nay, thuyết tên là tàn tro. Ở đây, có những người chủ trương rằng những Kinh nói: ‘Tất cả, này các tỳ-kheo, đều bị thiêu cháy; tất cả các hành đều là khổ’, v.v., đều không đúng như lý; ý kiến của họ là ‘Bởi không có sự sai biệt nên tất cả các hành đều là tàn tro, là sự trộn lẫn của đống tro tàn được tập hợp lại sau khi tách rời’, nay chính là chủ trương của những người Gokulika.ˮ


6 Sự phân hóa bộ phái, xin xem: Ấn Thuận, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, chương 6, tr. 315-353.


(vii) Cf.: āryamahāsāṃghikānāṃ lokottaravādināṃ madhyadeśik-ānāṃ pāṭhena vinayapiṭakasya mahāvastuye ādi // Mva, vol. 1, p. 2. “Ở đây, mở đầu Đại sự của Tạng Luật, được đọc tụng bởi Thánh Đại chúng bộ và Thuyết xuất thế bộ ở trung tâm [Ấn-độ].”


7 Xin xem: Ấn Thuận: Nguyên thỉ Phật giáo Thánh điển chi tập thành, Chương 8, tr. 558-568, 592-616. Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, Chương 3, tr. 109-174.


8 Tát-bà-đa Tỳ-ni tỳ-bà-sa 1, T. 23, tr. 509b.


(viii) Cf.: “upadeśāḥ katame | sarvamātṛkā abhidharmaḥ sūtrāntan-iṣkarṣaḥ | sūtrāntavyākhyānamupadeśa ityucyate |” Śbh_Sh, p. 139. “Những Upadeśa là gì? Tất cả Bổn mẫu, A-tỳ-đạt-ma, là tinh túy của Kinh. Nó được gọi là Upadeśa giải thích Kinh.”།གཏན་ལ་ཕབ་པར་བསྟན་པའི་སྡེ་རྣམས་གང་ཞེ་ན། མདོ་སྡེ་དྲན་པར་བྱེད་ཅིང་། མདོ་སྡེ་རྣམ་པར་འཆད་པར་བྱེད་པ་མ་མོ་ལྟ་བུའི་ཆོས་མངོན་པ་ཐམས་ཅད་ནི་གཏན་ལ་ཕབ་པར་བསྟན་པའི་སྡེ་ཞེས་བྱའོ།།” Ycbh-T, vol. 73, p. 136. “Những Upadeśa là gì? Chúng là ức niệm của Kinh,  tất cả A-tỳ-đạt-ma của Bổn mẫu làm giải thích cho Kinh được gọi là Upadeśa


(ix) Cf.: …abhidhammakathaṃ vedallakathaṃ kathentā... AN. 3.106 “…thuyết về luận A-tỳ-đạt-ma, thuyết về luận Phương quảng…” Vedalla, dịch nghĩa là trí giải, hữu minh, Phương quảng - một trong 9 phần giáo.


9 Tăng chi bộ, phẩm 5 pháp, Nam truyền 19, tr. 147.


(x) Theo thứ tự, Pāḷi: Dhammasaṅgaṇī, Vibhaṅga, Dhātukathā, Puggalapaññatti, Yamaka, Paṭṭhāna, Kathāvatthu.


(xi) 1)『法蘊足論』; 2)『集異門足論』; 3)『施設足論』; 4)『品類足論』; 5)『界身足論』; 6)『識身足論』; 7)『發智論』-『八犍度論』


10 Đại trí độ luận 1, T. 25, tr. 70a.


11 Tứ phần luật 54, T. 22, tr. 968b.


12 Tỳ-ni mẫu kinh 3, T. 24, tr. 818a.


13 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 23, T. 27, tr. 116a.


(xii) 'Nay sẽ tập giả kết chánh môn', tức là tập hợp (saṃgīti) tất cả những thứ kết (bandhana hoặc saṃyojana) - tức các phiền não làm chúng sanh phải thọ khổ và luân hồi sanh tử, để lập nên danh mục chính, hoặc chương chính, phẩm (paryāya) chính Kết…


14 Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm luận 26, T. 28, tr. 690b; q. 27, tr. 694c, 697b.


15 Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm luận 15, T. 28, tr. 625a; q. 18, tr. 646a.


(xiii) Cf.: མ་མོ་ལྟ་བུ་ནི་ཤེས་བྱའི་མཚན་ཉིད་རབ་ཏུ་གསལ་བར་བྱེད་པ་ཡིན་ཏེ། འདི་ལྟར་དྲན་པ་ཉེ་བར་གཞག་པ་བཞི་དང་། ཡང་དག་པར་སྤོང་བ་བཞི་དང་། རྫུ་འཕྲུལ་གྱི་རྐང་པ་བཞི་དང་། དབང་པོ་དང་། སྟོབས་ལྔ་དང་། བྱང་ཆུབ་ཀྱི་ཡན་ལག་བདུན་དང་། འཕགས་པའི་ལམ་ཡན་ལག་བརྒྱད་དང་། སོ་སོ་ཡང་དག་པར་རིག་པ་བཞི་དང་། དགེ་སྦྱོང་གི་འབྲས་བུ་བཞི་དང་། ཆོས་ཀྱི་ཚིག་བཞི་དང་། ཉོན་མོངས་པ་མེད་པ་དང་། སྨོན་ནས་ཤེས་པ་དང་། རབ་ཀྱི་མཐར་ཕྱིན་པ་དང་། སྟོང་པ་ཉིད་སྟོང་པ་ཉིད་དང་། མཚན་མ་མེད་པ་ཉིད་མཚན་མ་མེད་པ་དང་། འདྲིས་པ་བསྒོམ་པའི་བསམ་གཏན་དང་། མངོན་པར་རྟོགས་པའི་མཐའ་ལས་བྱུང་བ་དང་། ཀུན་རྫོབ་ཤེས་པ་དང་། ཞི་གནས་དང་། ལྷག་མཐོང་དང་། ཆོས་ཀྱི་རྣམ་གྲངས་ཀྱི་ཕུང་པོ་ཡང་དག་པར་བསྡུས་པ་དང་བརྟགས་པ་སྟེ། འདི་དག་ནི་མ་མོ་ལྟ་བུ་ཞེས་བྱའོ།” Vs-T, vol. 11, p. 763. “Chẳng hạn, Mātṛkā là làm hiển thị rõ ràng đặc tướng [đối tượng] được nhận biết (jñeyalakṣaṇa). Đó là 4 đối tượng để thiết lập niệm [catvāri smṛtyupasthāna – 4 thứ làm đối tượng để niệm tiếp cận], 4 sự đoạn trừ chân chánh [caturṇāṃ samyak-prahāṇānām], 4 loại thần túc [caturṇāṃ ṛddhi-pādānām], căn [indriya], 5 lực [pañc-āṃ balānām], 7 chi phần của bồ-đề [saptānāṃ bodhy-aṅgānām], con đường Thánh gồm 8 chi phần [āryāṣṭāṅga-mārga], 4 loại trí [giải] vô ngại [catasraḥ pratisaṃvidaḥ], 4 quả sa-môn, 4 pháp cú, vô phiền não, trí [có từ] nguyện [praṇidhi-jñāna], tối cứu cánh, tánh không của tánh không, vô tướng của vô tướng, tu tập thiền thường xuyên, phát sanh từ đắc hiện quán, trí thế tục, chỉ, quán, tập hợp hoàn toàn và phân tích tổ hợp các pháp số. Những thứ này được gọi là Mātṛkā.ˮ


16 A-dục vương truyện 4, T. 50, tr. 113c.


17 Sự biên tập và hoàn thành của Luận thư, xin xem: Ấn Thuận, Thuyết nhất thiết hữu bộ vi chủ đích Luận thư dữ Luận sư chi nghiên cứu, Chương 1, tr. 23-40; Chương 2, tr. 66-90; Chương 4, tr. 136-171.


18 Lữ Trừng (呂澂), Ấn-độ Phật học tư tưởng khái luận, Thiên Hoa thư cục bản, tr. 350-354.


(xiv) Câu-xá luận sớ cũng dẫn, Cf.:《俱舍論疏》卷1「佛阿毘達磨藏。有九分。九分者。一法陰。二分別惑。三分別世。四分別因。五成立界。六名聚。七到得。八業相。九定相」(T41, no. 1822, p. 492b13-15) “Tạng A-tỳ-đạt-ma của Phật gồm 9 phần. 9 phần là: 1) Pháp ấm; 2) Phân biệt hoặc; 3) Phân biệt thế; 4) Phân biệt nhân; 5) Thành lập giới; 6) Danh tụ; 7) Đáo đắc; 8) Nghiệp tướng; 9) Định tướng.”


(xv) Phật A-tỳ-đàm kinh xuất gia tướng phẩm《佛阿毘曇經出家相品》卷1:「若見十二因緣生相,即是見法。若能見法,其則見佛。」(T24, no. 1482, p. 958a14-16)


(xvi) Cf.: “yo bhikṣavaḥ pratītyasamutpādaṃ paśyati, sa dharmaṃ paśyati | yo dharmaṃ paśyati, sa buddhaṃ paśyati iti.” Sst, p. 100. “།དགེ་སློང་དག་སུས་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་མཐོང་བ་དེས་ཆོས་མཐོང་ངོ་།།སུས་ཆོས་མཐོང་བ་དེས་སངས་རྒྱས་མཐོང་ངོ་” Sst-T, p. 315. “Này các tỳ-kheo! Người nào thấy được duyên khởi thì người ấy thấy pháp. Người nào thấy pháp thì người ấy thấy được Phật…”


(xvii) Phật thuyết Lập thế a-tỳ-đàm luận《佛說立世阿毘曇論》卷1:「如佛婆伽婆,及阿羅漢說。」(T32, no. 1644, p. 173a21)


19 Ma-ha-tăng-kỳ luật, T. 22, 1) q. 14, tr. 340c; 2) q. 34, tr. 501c; 3) q. 39, tr. 536b.


(i) Cf.: །ལྷག་མ་རྣམས་ནི་དགེ་འདུན་ཕལ་ཆེན་སྡེའི་ལུགས་དག་ཡིན་ནོ། Sbh, pp. 1139-1140. “Các [quan điểm] còn lại đều là những quan điểm của Đại chúng bộ.”


1 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 17a, b.


2 A-dục vương truyện 6, T. 50, tr. 126c.


(ii) Trong Sbhn không thấy chi tiết này.


3 Điều Phục Thiên (調伏天), Dị bộ thứ đệ tụng luận.


4 Tạp A-hàm kinh 16, T. 2, tr. 115a-b. Tương ưng bộ, (14) Giới tương ưng, Nam truyền 13, tr. 228-230.


(iii) Cf.: “།ལོ་བརྒྱ་པ་དེ་ཉིད་ལ་གནས་པའི་ཚེ། སྡེ་པ་ས་སྟོན་པའི་སྡེ་ལས་དེ་དག་ལས་སློབ་དཔོན་མཽད་གལ་ཡིན་པར་སྟོན་པས། ཆོས་སྲུང་སྡེ་ཞེས་བྱ་བ་སྡེ་པ་གཞན་རྣམ་པར་གཞག་གོ།” Sbh, p. 1128. “Cùng thời gian, vào 100 năm đó, bởi từ những người trong bộ Hóa địa bộ nói rằng Quỹ phạm sư [của họ] là Mục-kiền-liên, rồi thành lập bộ khác tên Pháp tạng bộ [Dharmagupta].


(iv) Cf.: “།ཡང་ལོ་བཞི་བརྒྱ་ལ་གནས་པའི་ཚེ། སྡེ་པ་ཐམས་ཅད་ཡོད་པར་སྨྲ་བའི་སྡེ་ལས། །དེ་དག་སློབ་དཔོན་ཆོས་མཆོག་ཡིན་པར་སྟོན་པས་ལ་ལར་མདོ་སྡེ་སྨྲ་བའི་སྡེ་ཞེས་བྱ་བ་སྟེ། འཕོ་བར་སྨྲ་བའི་སྡེ་ཞེས་བྱ་བ་སྡེ་པ་གཞན་རྣམ་པར་གཞག་གོ།Sbh, p. 1129. “Cũng vào lúc 400 năm, do có những người từ bộ Thuyết Nhất thiết hữu bộ nói rằng Quỹ phạm sư của họ là Đệ Nhất Pháp (Dharma-uttara, Pháp Thượng) nên họ thành lập bộ riêng tên Kinh thuyết bộ [Sūtravādin], rồi thành lập bộ khác tên Chuyển bộ [Saṃkrāntivādin].”


5 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 15b.


6 Đại trí độ luận 1, T. 25, tr. 59b.


(v) Tức dùng Sanskrit để sao lục kinh Phật.


7 Tam luận huyền nghĩa, T. 45, tr. 9c, 9a.


(vi) Cf.: །ཐམས་ཅད་དོན་ཅི་ལྟ་བ་བཞིན་ཉིད་དུ་གསུངས་པ་ཉིད་དོ།” Sbh, p. 1129. “Thấy tất cả nghĩa [của lời Phật thuyết] đều là nói đúng với chân như.”


8 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 15b.


9 Đại trí độ luận 1, T. 25, tr. 59b.


10 Tát-bà-đa Tỳ-ni tỳ-bà-sa 1, T. 23, tr. 503c-504a.


11 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 15a.


(vii) Cf.: “།འདི་སྐད་ཅེས་གྲག་སངས་རྒྱས་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཡོངས་སུ་མྱ་ངན་ལས་འདས་ཤིང་རྒྱལ་བའི་ཉི་མ་ནུབ་ནས་ལོ་བརྒྱ་ལོན་ཏེ། དུས་ཅུང་ཟད་ཅིག་འདས་ནས་ཤིང་སྐྱ་ནར་གྱི་བུ་མེ་ཏོག་གི་གྲོང་བར་གྱི་རྟེན་མ་རྒྱལ་པོ་མྱ་ངན་མེད་གདུགས་གཅིག་པའི་ས་སྐྱོང་ཞིང་རྒྱལ་སྲིད་མཛད་པའི་དགེ་འདུན་ཕལ་ཆེན་པ་གྱེས་པ་བྱུང་སྟེ། འདི་ལྟ་སྟེ། གཞན་གྱིས་ཉེ་བར་བསྒྲུབ་པ་དང་། མི་ཤེས་པ་དང་། སོམ་ཉི་དང་། གཞན་གྱིས་རྣམ་པར་སྤྱོད་པ་དང་། ལམ་སྒྲ་འབྱིན་པ་དང་བཅས་པ་འདི་ནི། སངས་རྒྱས་ཀྱི་བསྟན་པ་དང་བཅས་པ་འདི་ནི་སངས་རྒྱས་ཀྱི་བསྟན་པ་ཡིན་ནོ་ཞེས་གནས་ལྔ་རྗེས་སུ་བརྗོད་ཅིང་རྗེས་སུ་སྒྲོགས་པར་གནས་བརྟན་ཀླུ་དང་། ཤར་ཕྱོགས་པ་དང་། མོང་དུ་ཐོས་པ་བྱུང་བར་གྱུར་ཏོ། །གནས་ལྔ་པོ་དེ་དག་པར་རྗེས་སུ་བརྗོད་ཅིང་རྗེས་སུ་བསྒྲགས་ནས་ཀྱང་དགེ་འདུན་ཕལ་ཆེན་པོའི་སྡེ་དང་། གནས་བརྟན་པའི་སྡེ་ཞེས་བྱ་བ་སྡེ་པ་གཉིས་རྣམ་པར་གཞག་གོ།” Sbh, p. 1127. “Được nghe kể lại rằng: Sau khi đức Phật Thế tôn niết-bàn toàn diện, mặt trời của bậc Chiến thắng đã về phía Tây [lặn mất] qua 100 năm. Trải một thời gian ngắn sau đó, tại thành phố Kusuma của Pātalīputra, vua Aśoka là vị quốc vương có một lọng che đang cai trị vương quốc, đại Tăng-già phát sanh sự chia rẽ. Sự kiện ấy như sau: hàng Thượng tọa là [chúng] Long (Nāga), chúng phương Đông (Prācya), chúng Đa văn (Bahuśrutīya) cùng nhau tổ chức hội nghị thảo luận về 5 điểm, gồm: (1) sự thành tựu [upasaṃhāra, phát khởi, hoàn thành] nhờ kẻ khác, (2) vô tri [ajñāna], (3) nghi ngờ [saṃśaya], (4) thực hành [tu tập, vicarita] nhờ kẻ khác, (5) đạo tương ưng với sự xả ly âm thanh: đây là tương ưng [khế hợp] với lời Phật, đây là lời của Phật. Từ hội nghị thảo luận về 5 điểm ấy, [đại Tăng-già] đã thành lập nên hai bộ, đó là Đại chúng bộ [Mahāsāṃghika] và Thượng tọa bộ [Sthavira].ˮ...དེ་ལྟར་བཞུགས་པ་ན་བདུད་སྡིག་ཏོ་ཅན་བཟང་པོ་ཐམས་ཅད་ཀྱི་མི་མཐུན་པའི་ཕྱོགས་སུ་གྱུར་པ། དགེ་སློང་གི་ཆ་བྱད་འཛིན་པས་རྫུ་འཕྲུལ་སྣ་ཚོགས་བསྟན་ནས། གཞི་ལྔས་དགེ་འདུན་གྱི་དབྱེན་ཆེན་པོ་བསྐྱེད་དེ། གནས་བརྟན་ཀླུ་ཞེས་བྱ་བ་དང་། ཡིད་བརྟན་པ་ཞེས་བྱ་བ་མང་དུ་ཐོས་པ་དག་གི་གཞི་ལྔ་བསྔགས་པར་བྱེད། རྗེས་སུ། སྟོན་པར་བྱེད་ཅིང་དེ་གཞན་ལ་ལན་གདབ་པ་དང་། མི་ཤེས་པ་དང་། ཡིད་གཉིས་དང་། ཡོངས་སུ་བརྟགས་པ་དང་། བདག་ཉིད་གསོ་བར་བྱེད་པ་ནི་ལམ་ཡིན་ཏེ། འདི་ནི་སངས་རྒྱས་ཀྱི་བསྟན་པ་ཡིན་ནོ་ཞེས་ཟེར་རོ། །དེ་ནས་སྡེ་པ་གཉིས་སུ་ཆད་ནས་གནས་ཏེ། གནས་བརྟན་པ་དང་། དགེ་འདུན་ཕལ་ཆེན་སྡེ་ཞེས་བྱའོ། །དེ་ལྟར་ལོ་དྲུག་ཅུ་རྩ་གསུམ་གྱི་བར་དུ་དགེ་འདུན་བྱེ་ནས་འཁྲུག་ལོང་གིས་གནས་སོ།” Nbh, pp. 1148-1149. “…Vào lúc [những vị ấy] còn trụ thế, có ác ma Bhadra [ác ma và đệ tử là Bhadra ?] đối nghịch lại tất cả họ. Nó khoác y của tỳ-kheo, thể hiện các thứ thần thông, từ đó làm phát sanh sự chia rẽ lớn của Tăng-già do 5 điểm [mà nó đưa ra]. Có Thượng tọa tên Long, và chúng tên Kiên Ý [Sthira-mati], chúng tên Đa Văn cùng tổ chức thảo luận về 5 điểm ấy. Năm điểm đó là: (1) sự tuyên thuyết là lặp lại lời từ người khác, (2) vô tri, (3) hai ý [do dự], (4) nghiên cứu thấu suốt, (5) chính mình trị liệu là đạo. Nó nói đây là lời dạy của Phật. Vì vậy, cuối cùng [Tăng-già] bị chia rẽ thành hai bộ, tên là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Từ đó, tình trạng mâu thuẫn trong Tăng-già kéo dài đến 63 năm.ˮ།དེ་ལ་འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པར་སྨྲ་བའི་སྡེ་པ་རྣམས་ནི་འདི་སྐད་ཅེས་ཟེར་ཏེ།།དགྲ་བཅོམ་པ་རྣམས་ལ་ཡང་སོམ་ཉི་དང་མི་ཤེས་པ་ཡོད་དེ་བསྟན་དགོས་སོ། །འབྲས་བུ་ལ་གཞན་གྱིས་བརྡ་སྤྲད་དགོས་སོ། །སྡུག་བསྔལ་སྨོས་ཤིང་སྡུག་བསྔལ་ཚིག་ཏུ་བརྗོད་པས་ལམ་སྐྱེ་བར་འགྱུར་རོ། Sbhn, p. 1167. “Ở đây, những người của Thuyết xuất thế bộ nói rằng… Các vị A-la-hán vẫn còn có (1) nghi ngờ, (2) bất tri nên (3) cần được dạy dỗ, (4) cần phải được chỉ dẫn của người khác để đạt quả, (5) bằng cách nói ra từ ‘khổ’ về tình trạng khổ thì mới phát sanh đạo.ˮ


12 Ma-ha-tăng-kỳ luật 31, T. 22, tr. 481a.


(viii) Cf.: “‘bhagavā tusitabhavane nibbatto tattheva vasati, na ma-nussalokaṃ āgacchati, nimmitarūpamattakaṃ panettha dassetī ’’ ti yesaṃ laddhi, seyyathāpi etarahi vetullakānaṃyeva.” Abh.Pa, 3.172. “Nay chính những người phái Vetulla chủ trương như sau: ‘Sau khi [đạt được] niết-bàn tại cung trời Đâu-suất, đức Thế tôn vẫn cư ngụ ở đó, Ngài không đi đến thế giới loài người, Ngài lại xuất hiện ở cõi này chỉ bằng sắc [thân do] biến hóa.’”


13 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 337-341.


(ix) Cf.: “།མིང་ཅེས་ཀྱང་མི་གསུང་སྟེ། རྟག་ཏུ་མཉམ་པར་གཞག་པ་ཉིད་ཀྱི་ཕྱིར་རོ། །འོན་ཀྱང་སེམས་ཅན་གྱི་ཚོགས་རྣམས་ལ་མིང་དང་ངེས་པའི་ཚིག་གིས་ཡང་དག་པར་གསུང་ངོ་།” Sbh, pp. 1129-1130. “[Phật] cũng không thuyết về danh, vì Ngài luôn luôn [ở trong] trạng thái định. Dù vậy, toàn thể các chúng sanh [nhận thấy Ngài] thuyết chân chánh về danh và ngôn từ.”


14 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 15c.


(x) Cf.: Idāni gandhajātakathā nāma hoti. Tattha yesaṃ buddhe bhagavati ayoniso pemavasena ‘‘bhagavato uccārapassāvo aññe gandhajāte ativiya adhigaṇhāti, natthi tato ca sugandhataraṃ gandhajāta’’ nti laddhi, seyyathāpi ekaccānaṃ andhakānañceva uttarāpathakānañca;… Abh.Pa.3.174. “Nay là thuyết tên ‘thuyết Hương đã sanh’. Ở đây, bởi bị chi phối sự yêu kính một cách bất như lý về đức Phật Thế tôn nên có một số người chủ trương rằng ‘đại tiểu tiện của đức Thế tôn phát sanh hương thơm tột bực siêu việt hơn những hương khác, vì vậy không có hương nào phát sanh mà thơm hơn hương ấy,’ như một số người thuộc phái Andhaka và phái Uttarāpathaka đã chủ trương;…ˮ


15 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 343-344.


(xi) Cf.: “དེ་དག་སངས་རྒྱས་བཅོམ་ལྡན་འདས་འཇིག་རྟེན་ཐམས་ཅད་ལས་འདས་པའི་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་ཆོས་མི་མངའོ།” Sbh, p. 1129. “Các đức Phật Thế tôn đều là những bậc siêu xuất tất cả thế gian; Như lai không có pháp thế gian.”།དེ་ལ་ཐ་སྙད་གཅིག་པ་རྣམས་ཀྱི་དམ་ཚིག་གི་རྩ་བ་ནི་སངས་རྒྱས་བཅོམ་ལྡན་འདས་རྣམས་ནི་འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པ་སྟེ། དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་ལ་འཇིག་རྟེན་གྱི་ཆོས་ནི་མི་མངའོ།” Nbh, p. 1149. “Ở đây, chủ trương chung căn bản của những người thuộc Nhất thuyết bộ (Ekavyavahārika) là: chư Phật Thế tôn là những bậc xuất thế gian. Ở trong Như lai, không có pháp thuộc thế gian.” །དེ་ལ་འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པར་སྨྲ་བའི་སྡེ་པ་རྣམས་ནི་འདི་སྐད་ཅེས་ཟེར་ཏེ། ཐུབ་པ་ནི་འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པ། རྫས་ཡོད་པ།” Sbhn, p. 1167. “Ở đây, những người thuộc Thuyết xuất thế bộ nói rằng: đấng Mâu-ni là bậc xuất thế gian, Ngài không có [pháp thuộc] vật chất [dravya].”


(xii) Cf.: “།དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་ཉིད་ལ་གཟུགས་ཀྱི་མཐའ་མི་མངའོ། །སངས་རྒྱས་བཅོམ་ལྡན་འདས་རྣམས་ཀྱི་མཐུ་མཐའ་ཡས་པའོ། །སྐུ་ཚེ་དཔག་ཏུ་མེད་པའོ།” Sbh, p. 1129. “Không có sự giới hạn của sắc trong thể tánh đức Như lai. Lực của các đức Phật Thế tôn là vô hạn. Tuổi thọ của các đức Phật Như lai là không thể tính đếm được.”།དེ་ལ་ཐ་སྙད་གཅིག་པ་རྣམས་།དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་ལ་གནས་དེར་གཟུགས་ཉེ་བར་ལེན་པ་ནི་མི་མངའོ།” Nbh, p. 1149. “Ở đây, những người thuộc Nhất thuyết bộ (Ekavyavahārika)… ở trong cõi ấy, không thể nắm bắt được sắc [thân] của Như lai.”སྐུ་དང་ཚེ་དང་མཐའ་ཡས་པ།” Sbhn, p. 1167. “Thân và tuổi thọ [của Như lai] là vô hạn.”


(xiii) Cf.: “།སེམས་གཅིག་གིས་ཆོས་ཐམས་ཅད་རྣམ་པར་མཁྱེན་ཏོ། །སེམས་ཀྱི་སྐད་ཅིག་གཅིག་དང་མཚུངས་པར་ལྡན་པའི་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཆོས་ཐམས་ཅད་ཡོངས་སུ་མཁྱེན་ཏོ།” Sbh, p. 1130. “[Đức Như lai] Biết rõ tất cả pháp bằng một tâm. Trong một sát-na của tâm có tương ưng với trí huệ nên biết hoàn toàn tất cả pháp.”།དེ་ལ་འཇིག་རྟེན་ལས་འདས་པར་སྨྲ་བའི་སྡེ་པ་རྣམས་ནི་འདི་སྐད་ཅེས་ཟེར་ཏེ།སྐད་ཅིག་སྐད་ཅིག་ལ་ཐམས་ཅད་མཁྱེན་པ།” Sbhn, p. 1167. “Ở đây, những người thuộc Thuyết xuất thế bộ đã nói rằng… biết rõ tất cả trong từng sát-na, sát-na.”


16 Đại trí độ luận 9, T. 25, tr. 121c-122a.


17 Mahāvastu, vol. 1, pp. 121-123. Nhập Đại thừa luận, q. hạ, T. 32, tr. 46a.


(xiv) Cf.: “Tattha yesaṃ ghaṭikārasutte jotipālassa pabbajjaṃ sandhāya ‘bodhisatto kassapabhagavato pāvacane okkantaniyāmo caritabrahmacariyo’ ti laddhi, seyyathāpi etarahi andhakānaṃ.” Abh.Pa.3.78. “Ở đây, liên quan đến sự xuất gia của Jotipāla trong kinh Người thợ gốm (M.2.45-Ghaṭikārasutta), những người thuộc phái Andhaka bây giờ chủ trương rằng: ‘Bồ-tát [Thích-ca] đã nhập vào quyết định và thực hành Phạm hành nhờ lời dạy của đức Thế tôn Ca-diếp (Kassapa).”


18 Luận sự, Nam truyền 57, tr. 366-371.


(xv) Cf.: Bodhisatto issariyakāmakārikāhetu nirayaṃ gacchati, sañjīvaṃ gacchati, kālasuttaṃ gacchati, tāpanaṃ gacchati, mahā-tāpanaṃ gacchati, saṅghātakaṃ gacchati, roruvaṃ gacchati… pe… avīciṃ gacchatīti?” Kv.624. “Vị Bồ-tát có cái nhân muốn thực hiện một cách tự tại đi đến địa ngục, đi đến địa ngục Sañjīva, địa ngục Kālasutta, đi đến địa ngục Tāpana, đại địa ngục Tāpana, đi đến địa ngục Saṅghātaka, đi đến địa ngục Roruva, cho đến, đi đến địa ngục Avīci [Vô gián] chăng?ˮ “Idāni issariyakāma-kārikākathā nāma hoti. Chaddantajātakādīni sandhāya ‘‘bodhisatto issariyakāmakārikāhetu vinipātaṃ gacchati, gabbhaseyyaṃ okka-mati, dukkarakārikaṃ akāsi, aparantapaṃ akāsi, aññaṃ satthāraṃ uddisī’’ ti yesaṃ laddhi, seyyathāpi andhakānaṃ...” Abh.Pa.3.199. “Nay là thuyết tên ‘thuyết muốn thực hiện một cách tự tại.’ Liên quan đến truyện Bổn sanh Con voi trắng 6 ngà, v.v., có một số người, chẳng hạn như những người thuộc phái Andhaka, chủ trương rằng ‘Vị Bồ-tát có cái nhân muốn thực hiện một cách tự tại đi đến ác xứ [đọa xứ], đi vào nằm trong bào thai, làm được những việc khó làm, không làm khổ kẻ khác, chỉ bảo cho những vị thầy khác’…


19 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 435-437.


(xvi) Cf.: “།བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམས་བཞེད་ན་སེམས་ཅན་ཡོངས་སུ་སྨིན་པར་བྱ་བའི་ཕྱིར་ངན་སོང་རྣམས་སུ་སྐྱེ་བར་མཛད་དོ།” Sbh, p. 1130. “Vì các vị Bồ-tát thực hiện sự thành thục hoàn toàn cho chúng sanh, nên theo ý muốn sanh vào các ác thú.”བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམས་ལ་འདོད་པའི་འདུ་ཤེས་ནི་མི་འབྱུང་ངོ་། །ངན་འགྲོ་རྣམས་སུ་བདག་ཉིད་ཀྱི་འདོད་པས་སྐྱེ་བ་བླངས་ཏེ་སེམས་ཅན་ཡོངས་སུ་སྨིན་པར་བྱེད་དོ།” Nbh, p. 1149. “Bên trong các vị Bồ-tát không khởi lên dục tưởng. Các vị Bồ-tát chấp nhận khởi lên mong muốn chính mình sanh vào các ác thú nhằm làm thành thục cho chúng sanh.”


20 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 15c.


(xvii) Cf.: “།འདུས་མ་བྱས་ཀྱི་དངོས་པོ་དག་གསུམ་མོ།” Sbh, p. 1133. “Sự hữu thuộc vô vi thì có 3 loại.” །འདུས་མ་བྱས་ནི་རྣམ་པ་གསུམ་མོ།” Sbhn, p. 1169. “Vô vi gồm có 3 loại.”


(xviii) Pratisaṃkhyānirodha: sự tịch diệt nhờ đạt đến tư duy, khảo sát. Cf.: “katamat trividham asaṃskṛtam? ākāśaṃ dvau nirodhau ca; katamau dvau? pratisaṅkhyānirodhaḥ, apratisaṅkhyānirodhaś ceti… tatrākāśam anāvṛttiḥ. anāvaraṇasvabhāvam ākāśam, yatra rūpasya gatiḥ. pratisaṅkhyānirodho yo visaṃyogaḥ, yaḥ sāsravair dharmair visaṃyogaḥ sa pratisaṅkhyānirodhaḥ… utpādātyanta-vighno ’nyo nirodho ’pratisaṅkhyayā. anāgatānāṃ dharmāṇām ut-pādasyātyantaṃ vighnabhūto visaṃyogād yo ’nyo nirodhaḥ so ’pratisaṅkhyānirodhaḥ. na hy asau pratisaṅkhyayā labhyate. kiṃ tarhi? pratyayavaikalyāt.” Akbh, pp. 19-22. “Ba thứ vô vi là những gì? Hư không và hai thứ tịch diệt. Hai thứ tịch diệt là những gì? Trạch diệt và phi trạch diệt… Ở đây, hư không là cái không có chướng ngại. Hư không có bản chất không có chướng ngại, sắc đi bên trong nó. Sự trạch diệt ấy là sự lìa trói buộc, cái nào lìa sự trói buộc bởi pháp hữu lậu thì cái đó là trạch diệt… Do sự thẩm tra mà sự tịch diệt khác gây trở ngại vĩnh viễn không cho sanh khởi. Nhờ lìa trói buộc, sự tịch diệt khác nào là yếu tố gây trở ngại vĩnh viễn sự sanh khởi các pháp trong thời vị lai thì nó là phi trạch diệt. Vì cái này không đạt được bằng sự thẩm tra. Tại sao? Vì thiếu mất duyên.”


21 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 16a.


(xix) Cf.: “།དེ་ལ་དགེ་འདུན་ཕལ་ཆེན་པོའི་སྡེ་ཞེས་བྱ་བ་ཐ་སྙད་གཅིག་པའི་སྡེ་དང་། འཇིག་རྟེན་འདས་སྨྲའི་སྡེ་དང་། བྱ་གག་རིས་ཀྱི་སྡེ་ཞེས་བྱ་བ་རྣམས་ཀྱི་གཞིའི་གཞུང་དག་ཡོད་དེ།།སོ་སོར་བརྟགས་པའི་འགོག་པ་དང་། ནམ་མཁའ་དང་། ནམ་མཁའ་མཐའ་ཡས་སྐྱེ་མཆེད་དང་། རྣམ་ཤེས་མཐའ་ཡས་སྐྱེ་མཆེད་དང་། ཅི་ཡང་མེད་པའི་སྐྱེ་མཆེད་དང་། འདུ་ཤེས་མེད་འདུ་ཤེས་མེད་མིན་སྐྱེ་མཆེད་དང་། རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་རྣམས་དང་། གློ་བུར་དུ་འོངས་པའི་ཉེ་བའི་ཉོན་མོངས་པས། སེམས་རང་བཞིན་གྱིས་འོད་གསལ་བ་ནི་འདུས་མ་བྱས་ཀྱི་དངོས་པོ་དགུའོ།” Sbh, pp. 1129-1131. “Ở đây, những chủ trương của các bộ gồm: được gọi là Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê-dận bộ,… 1) Trạch diệt (pratisaṃkhyā-nirodha), 2) hư không (ākāśa), 3) không vô biên xứ (ākāśā-nanty-āyatana), 4) thức vô biên xứ (vijñānānantyāyatana), 5) vô sở hữu xứ (akiṃcanyāyatana), 6) phi tưởng phi phi tưởng xứ (naiva-saṃjñānāsaṃjñayatana), 7) các chi duyên khởi, 8) tùy phiền não khởi lên đột ngột, 9) sự chói sáng [thanh tịnh] bởi tự tánh của tâm là 9 sự hữu thuộc vô vi.”


(xx) Cf.: “utpādād vā tathāgatānām anutpādād vā sthitā eveyaṃ dharmatā dharmasthitaye dhātuḥ |… iti yātra dharmatā dharma-sthititā dharmaniyāmatā dharmayathātathā avitathatā ananyathā bhūtaṃ satyatā tattvatā yāthātathā aviparītatā aviparyastatā idaṃ-pratyayatā pratītyasamutpādānulomatā ayam ucyate pratītya-samutpādaḥ |” NidSa 14.5-6 “Vì sự xuất hiện hay không xuất hiện của Như lai thì sự trụ này chính là pháp tánh, là sự trụ của pháp, là giới ấy… Ở đây, nó là pháp tánh, là sự trụ của pháp, là tánh xác định của pháp, là tánh như thật của pháp, là tánh chẳng hư vọng, là tánh chẳng biến đổi, là tánh chân thật, là tánh chân đế, là tánh như như, là tánh như thật, là tánh chẳng sai lầm, là tánh chẳng điên đảo, là tánh y vào duyên này, là tánh tùy thuận duyên khởi. Đây được gọi là duyên khởi.”


(xxi) Cf.: “Katamo ca so, bhikkhave, purāṇamaggo purāṇañjaso pubbakehi sammāsambuddhehi anuyāto? Ayameva ariyo aṭṭhaṅg-iko maggo, seyyathidaṃ – sammādiṭṭhi…pe… sammāsamādhi...” S.2.107. “Và nữa, này các tỳ-kheo, thế nào là con đường cổ xưa, con đường thẳng cổ xưa, mà các bậc Đẳng Chánh giác trước đây đã đi theo? Đây chính là con đường Thánh gồm 8 chi phần, đó là: chánh kiến, cho đến, chánh định.” Kinh Tạp A-hàm:《雜阿含經》卷12:「今我如是,得古仙人道、古仙人逕、古仙人跡,古仙人去處,我得隨去,謂八聖道,(T02, no. 99, pp. 80c27-81a7). “Nay Ta cũng như vậy, đắc con đường của các bậc Tiên nhân xưa, con đường mòn của các bậc Tiên nhân xưa, dấu vết của các bậc Tiên nhân xưa, nơi đến của các bậc Tiên nhân xưa, Ta đi theo được, đó là con đường Thánh gồm 8 chi phần…”དྲང་སྲོང་སྔ་མ་རྣམས་ཀྱིས་བགྲོད་ཅིང་རྗེས་སུ་བགྲོད་པའི་ལམ་སྔ་མ་བདག་གིས་རྙེད་དོ་སྙམ་སྟེ།” Ycbh-T, vol. 74, p. 1359. “Ta đã tìm thấy được con đường cổ xưa mà các tiên nhân (Ṛṣi) xưa đã khai mở để đi theo.”


(xxii) Cf.: །འདུས་མ་བྱས་ཀྱི་དངོས་པོ་དགུ་སྟེ། སོ་སོར་བརྟགས་པ་མ་ཡིན་པའི་འགོག་པ་དང་། ནམ་མཁའ་དང་། མི་གཡོ་བ་དང་། དགེ་བའི་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་དེ་བཞིན་ཉིད་དང་། མི་དགེ་བའི་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་དེ་བཞིན་ཉིད་དང་། ལུང་དུ་མི་སྟོན་པའི་ཆོས་རྣམས་ཀྱི་དེ་བཞིན་ཉིད་དང་། ལམ་གྱི་དེ་བཞིན་ཉིད་དང་། རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བའི་དེ་བཞིན་ཉིད་དོ།” Sbh, pp. 1138-1139. “9 sự hữu thuộc vô vi, gồm: 1)  trạch diệt, 2) phi trạch diệt vô vi, 3) hư không, 4) bất động, 5) chân như của các pháp thiện, 6) chân như của các pháp bất thiện, 7) chân như của các pháp thuộc vô ký, 8) chân như của đạo, 9) chân như của duyên khởi.”།འདུས་མ་བྱས་ཀྱི་དངོས་པོ་ནི་དགུ་སྟེ། མི་གཡོ་བ་དང་ལྡན་པ་གསུམ་དང་། དགེ་བ་དང་མི་དགེ་བ་དང་ལུང་དུ་མ་བསྟན་པ་གཉིས་དང་། རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་པར་འབྱུང་བ་དང་། ལམ་རྣམས་ཏེ་རྟག་ཏུ་གནས་པ་ཡིན་ནོ།” Sbhn, p. 1169. “Sự hữu thuộc vô vi gồm 9 thứ: bất động và 3 thứ tương ưng với nó, thiện, bất thiện, và 2 thứ vô ký, duyên khởi, đạo, và những thứ thường trụ.”


22 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 17a.


23 Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm luận 1, T. 28, tr. 526c.


(xxiii) Cf.: “Yasmā pana tasmiṃ uppajjitvā niruddhepi puggalo aniyato nāma na hoti, tasmā ‘‘ so niyāmo niccaṭṭhena asaṅkhato ’’ ti yesaṃ laddhi, seyyathāpi andhakānaṃ” Abh.Pa.3.89. “Lại nữa, bởi bổ-đặc-già-la sau khi sanh thì diệt ở nơi đó nên không thể gọi là bất quyết định, vì vậy có một số người, chẳng hạn như những người Andhaka, chủ trương ‘bổ-đặc-già-la mà quyết định ấy, bởi ý nghĩa thường trụ, nên là thuộc vô vi.’ˮ


24 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 1.


25 Đại trí độ luận 2, T. 25, tr. 70a.


26 Tứ phần luật 54, T. 22, tr. 968b. Tỳ-ni mẫu kinh 3, T. 24, tr. 818a.


(xxiv) Cf.: “Tattha nirodhasamāpattīti catunnaṃ khandhānaṃ app-avatti. Yasmā pana sā kariyamānā kariyati, samāpajjiyamānā sam-āpajjiyati, tasmā nipphannāti vuccati. Saṅkhatāsaṅkhatalakkhaṇ-ānaṃ pana abhāvena na vattabbā ‘‘saṅkhatāti vā asaṅkhatā’’ ti vā. Tattha yesaṃ ‘‘yasmā saṅkhatā na hoti, tasmā asaṅkhatā’’ ti laddhi, seyyathāpi andhakānañceva uttarāpathakānañca” Abh.Pa. 3.92. “Ở đây, người đạt được diệt đẳng chí thì không chuyển [không tồn tại] bốn uẩn. Vì vậy, việc cần làm thì người ấy đã làm xong, đẳng chí cần đạt đến thì người ấy đã đạt đến đẳng chí ấy, cho nên được gọi là hoàn thành. Lại nữa, bởi không tồn tại của các tướng hữu vi và vô vi nên không được gọi là ‘hữu vi hay vô vi’. Ở đây, có một số người, chẳng hạn như những người Andhaka, ngay cả, người thuộc Uttarāpathaka, chủ trương rằng ‘bởi không phải hữu vi nên là vô vi.’ˮ


27 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 14-16.


(xxv) Cf.: “Tattha yesaṃ ‘‘rūpādīnaṃ sabbadhammānaṃ rūpādis-abhāvatāsaṅkhātā tathatā nāma atthi, sā ca saṅkhatesu rūpādīsu apariyāpannattā asaṅkhatā’’ ti laddhi, seyyathāpi ekaccānaṃ uttar-āpathakānaṃ” Abh.Pa.3.182. “Ở đây, có một số người, chẳng hạn như những người Uttarāpathaka, chủ trương rằng ‘tất cả các pháp gồm sắc, v.v., thì tánh chất của sắc, v.v., là vô vi nên được gọi là chân như, và chân như ấy không hệ thuộc [bao hàm] trong các sắc, v.v. thuộc hữu vi, nên nó là vô vi.’”


28 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 372-374.


(xxvi) Cf.: “Tattha yesaṃ ‘‘cattārimāni, bhikkhave, tathāni avitath-ānī’’ ti suttaṃ nissāya ‘‘cattāri saccāni niccāni asaṅkhatānī’’ ti laddhi, seyyathāpi pubbaseliyānaṃ” Abh.Pa.3.91. Ở đây, có một số người, chẳng hạn như những người Pubbaseliya, do y cứ vào lời Kinh ‘có 4 thứ, này các tỳ-kheo, là như, không lìa khỏi như ’ nên chủ trương rằng ‘Tứ đế là thường hằng, là vô vi.’


(xxvii) Cf.: “Yesaṃ pana tathā aggahetvā ‘‘kilesapahānañceva phal-uppatti ca sāmaññaphalaṃ, tasmā asaṅkhata’’ nti laddhi, seyyath-āpi pubbaseliyānaṃ” Abh.Pa.3.181. “Lại nữa, có một số người, chẳng hạn là như những người Pubbaseliya, chấp trước [chủ trương] như thế này ‘đoạn trừ phiền não và sanh ra quả nên có quả sa-môn, vì vậy [quả sa-môn] là vô vi.’ˮ


(xxviii) Cf.: “Tattha ‘‘ yaṃ yaṃ paṭilabbhati, tassa tassa paṭilābho patti nāma. Sā ca asaṅkhatā ’’ ti yesaṃ laddhi, seyyathāpi pubba-seliyānaññeva” Abh.Pa.3.181. “Ở đây, có một số người, chẳng hạn như Pubbaseliya và những người khác, chủ trương rằng ‘cái gì được đắc thì do đắc cái ấy nên gọi là đắc. Và, sự đắc ấy là vô vi.”


29 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 8-11, 368-372.


(xxix) Cf.: །ཇི་སྐད་དུ་ཤར་གྱི་རི་བོའི་སྡེ་དང་མཐུན་པའི་ཚིགས་སུ་བཅད་པ་དག་ལས། གལ་ཏེ་འཇིག་རྟེན་རྣམ་འདྲེན་རྣམས། །འཇིག་རྟེན་མཐུན་པར་མི་འཇུག་ན། །སངས་རྒྱས་ཆོས་ཉིད་གང་ཡིན་དང་། །སངས་རྒྱས་སུས་ཀྱང་ཤེས་མི་འགྱུར། །ཕུང་པོ་དག་དང་ཁམས་རྣམས་དང་། །སྐྱེ་མཆེད་རང་བཞིན་གཅིག་བཞེད་ལ། ། ཁམས་གསུམ་པོ་དག་སྟོན་མཛད་པ། །འདི་ནི་འཇིག་རྟེན་མཐུན་འཇུག་ཡིན། །མིང་མེད་པ་ཡི་ཆོས་ཀྱི་རྣམས། ། བསམ་དུ་མེད་པའི་མིང་དག་གིས། །སེམས་ཅན་རྣམས་ལ་ཡོངས་བརྗོད་པ། །འདི་ནི་འཇིག་རྟེན་མཐུན་འཇུག་ཡིན། །དངོས་མེད་ཉེ་བར་སྟོན་མཛད་ཅིང་། །སངས་རྒྱས་རང་བཞིན་ལ་བཞུགས་པས། །དངོས་མེད་འགའ་ཡང་འདིར་མེད་པ། །འདི་ནི་འཇིག་རྟེན་མཐུན་འཇུག་ཡིན། །དོན་དང་དོན་མེད་མི་གཟིགས་ལ། །འགོག་པ་དང་ནི་དམ་པའི་དོན། །སྨྲ་བ་རྣམས་ཀྱི་མཆོག་གསུངས་པ། །འདི་ནི་འཇིག་རྟེན་མཐུན་འཇུག་ཡིན། །ཞིག་པ་མེད་ཅིང་སྐྱེ་མེད་ལ། །ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་དང་མཉམ་གྱུར་ཀྱང་། །བསྲེག་པའི་བསྐལ་པ་བརྗོད་མཛད་པ། །འདི་ནི་འཇིག་རྟེན་མཐུན་འཇུག་ཡིན། །དུས་གསུམ་དག་ཏུ་སེམས་ཅན་གྱི། །རང་བཞིན་དམིགས་པ་མ་ཡིན་ལ། ། སེམས་ཅན་ཁམས་ཀྱང་སྟོན་མཛད་པ། །འདི་ནི་འཇིག་རྟེན་མཐུན་འཇུག་ཡིན།།” Mabh, pp. 702-703. “Như trong những bài kệ Tùy thuận của Đông Sơn bộ nói rằng: Nếu các bậc Đạo sư của thế gian không thực hiện sự tùy thuận thế gian thì sẽ không có ai biết được pháp tánh của Phật và Phật. Các uẩn và các giới, và xứ được thừa nhận là đồng nhất tự tánh nhưng thuyết thành 3 giới [dhātu], đây là thực hiện sự tùy thuận thế gian. Tánh các pháp thì không có tên, nhưng dùng các tên thuộc không thể suy lường để diễn đạt trọn vẹn cho các chúng sanh, đây là thực hiện sự tùy thuận thế gian. Thuyết chi tiết về cái không phải thật vật, nhưng bởi an trú vào tự tánh Phật nên sự thuyết về cái không phải thật vật này cũng không có, đây là thực hiện sự tùy thuận thế gian. Ở trong sự không thấy [khác nhau] giữa có nghĩa và vô nghĩa, bậc thuyết pháp Tối tôn nói các sự diệt, thắng nghĩa,…, đây là thực hiện sự tùy thuận thế gian. Trong sự không phá hủy cũng không sanh thành, và pháp giới cũng đồng đẳng, nhưng diễn tả có kiếp thiêu, đây là thực hiện sự tùy thuận thế gian. Ở trong cả 3 thời gian, đối với tự tánh của chúng sanh không phải là sở duyên nhưng cũng nói có chúng sanh giới, đây là thực hiện sự tùy thuận thế gian.”


(xxx) Cf.: bhagavānāha - tatkiṃ manyase subhūte nanu mayā sarvadharmāḥ śūnyā ityākhyātāḥ? subhūtirāha - śūnyā eva bhagavan sarvadharmāstathāgatenākhyātāḥ / bhagavānāha - ye ca subhūte śūnyāḥ, akṣayā api te / yā ca śūnyatā, aprameyatāpi sā / tasmāttarhi subhūte eṣāṃ dharmāṇāmarthato viśeṣo vā nānākar-aṇaṃ vā nopalabhyate / abhilāpā ete subhūte tathāgatenākhyātāḥ abhilapitāḥ - aprameyamiti vā, asaṃkhyeyamiti vā, akṣayamiti vā, śūnyamiti vā, ānimittamiti vā, apraṇihitamiti vā, anabhisaṃskāra iti vā, anutpāda iti vā, ajātiriti vā abhāva iti vā, virāga iti vā, nirodha iti vā, nirvāṇamiti vā / deśanābhinirhāra-nirdeśa eṣa subhūte tathāgatenārhatā samyaksaṃbuddhenākhyātaḥ //…  bha-gavānāha - evametatsubhūte, evam etat / sarvadharmā api subhūte anabhilāpyāḥ / tatkasya hetoḥ? yā ca subhūte sarvadharmāṇāṃ śūnyatā, na sā śakyā abhilapitum /” Asp, p. 173. “Đức Thế tôn hỏi: Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ thế nào, có phải Ta từng tuyên thuyết tất cả pháp đều là không chăng? Tu-bồ-đề trả lời: bạch đức Thế tôn, chính đức Như lai đã tuyên thuyết tất cả pháp đều là không. Đức Thế tôn bảo: này Tu-bồ-đề, tất cả pháp ấy chính là không, không cũng chính là vô tận. Và, tánh không cũng chính là vô lượng, vì vậy, này Tu-bồ-đề, nghĩa của các pháp này sai khác nhau, hoặc là vô hành tướng, hoặc không thể nắm bắt. Này Tu-bồ-đề! Những tên gọi ấy được Như lai diễn tả bằng những tên gọi như vô lượng, vô số, vô tận, không, vô tướng, vô nguyện, vô hành, vô khởi, vô sanh, vô hữu, ly dục, tịch diệt, niết-bàn. Này Tu-bồ-đề! Những tên gọi ấy được Như lai – bậc A-la-hán Chánh đẳng giác tuyên thuyết, khai thị, diễn giảng… Đức Thế tôn bảo: này Tu-bồ-đề! Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp cũng không thể diễn tả được. Vì sao vậy? Này Tu-bồ-đề! Không thể diễn tả được cái tánh không của tất cả pháp.”


(xxxi) Tức là những pháp nào có cùng tánh chất thì quy nạp chung lại, kết hợp với nhau.


(xxxii) Cf.: A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận《阿毘達磨法蘊足論》卷10:「云何慧根?謂依出家遠離所生善法,所起於法簡擇、極簡擇、最極簡擇、解了、等了、近了、機黠、通達、審察、聰叡、覺明慧行、毘鉢舍那,是名慧根。」(T26, no. 1537, p. 49 9c11-15) “Huệ căn là gì? Thiện pháp được sanh ra nhờ sự xuất gia và viễn ly, khởi lên sự giản trạch, cực giản trạch, tối cực giản trạch, giải liễu, đẳng liễu, cận liễu, lanh lợi, thông đạt, thẩm sát, thông duệ, thực hành bằng nhận thức, bằng hiểu rõ, bằng huệ, tỳ-bát-xá-na [vipaśyanā] đối với pháp, những từ này được gọi là huệ căn.” “Katamaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye paññā pajānanā vicayo pavicayo dhammavicayo sallakkhaṇā upalakkhaṇā paccupalakkhaṇā paṇḍiccaṃ kosallaṃ nepuññaṃ vebhabyā cintā upaparikkhā bhūrī medhā pariṇāyikā vipassanā sampajaññaṃ patodo paññā paññindriyaṃ paññābalaṃ paññāsatthaṃ paññāpāsādo paññāāloko paññāobhāso paññāpajjoto paññāratanaṃ amoho dhammavicayo sammādiṭṭhi – idaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti.” Abh.Dh.12. “Vào lúc huệ căn có mặt thì như thế nào? Vào lúc có huệ, có hiểu biết, thẩm tra, khảo sát, thẩm tra pháp, quán sát, biện biệt, tinh xét, thông minh, thiện xảo, có kỹ năng, sáng suốt, tư duy, nghiên cứu, huệ, trí huệ, sự quán chiếu, quán, chánh tri, huệ như cây gậy [phòng hộ], huệ căn, huệ lực, huệ như thanh gươm, huệ như lầu cao [nhìn xuống thấy rõ vật nên dưới], huệ như ánh mặt trời, huệ như ánh sáng, huệ như ngọn đèn sáng, huệ như vật báu, không có si, thẩm định pháp, chánh kiến - đây là huệ căn khi có mặt.”


30 Xá-lợi-phất a-tỳ-đàm luận 5, T. 28, tr. 560c-561a.


(xxxiii) Nghĩa học 義學: trường phái học vấn chuyên nghiên cứu nghĩa lý thâm thúy trong Kinh Luận.


(xxxiv) Cf.: Tattha vuttābhidhammatthā, catudhā paramatthato. Cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ, nibbānamiti sabbathā.” Aas, p. 2. “Ở đây, được gọi là ý nghĩa của Abhidhamma, là thắng nghĩa gồm 4 loại: quy nạp tất cả thành tâm, tâm sở, sắc, niết-bàn.”


31 Nhiếp A-tỳ-đạt-ma nghĩa luận, Nam truyền 65, tr. 1.


32 A-tỳ-đạt-ma Phát trí luận 1, T. 26, tr. 920c, 921c.


33 A-tỳ-đạt-ma Phẩm loại túc luận 1, T. 26, tr. 692b.


(xxxv) Cf.: sarva ime dharmāḥ pañca bhavanti - rūpam, cittam, cai-tasikāḥ, cittaviprayuktāḥ saṃskārāḥ, asaṃskṛtaṃ ca| Akbh, p. 180. “Tất cả pháp này có 5 thứ: sắc, tâm, các tâm sở, các tâm chẳng tương ưng với các hành, và vô vi.”


34 Việc tìm hiểu A-tỳ-đạt-ma ở trên, xin xem: Ấn Thuận, Thuyết nhất thiết hữu bộ vi chủ đích Luận thư dữ Luận sư chi nghiên cứu, Chương 2, tr. 64-90.


(xxxvi) Định cú: Sabbe saṅkhārā aniccā, sabbe dhammā anattā S.3.134. “Tất cả các hành đều vô thường, tất cả các pháp đều vô ngã.”


(xxxvii) Cf.: “tasmād asty eva atītānāgatam iti vaibhāṣikāḥ| avaśyaṃ ca kila etat sarvāstavādena satā ’bhyupagantavyam| yasmāt tad-astivādāt sarvāstivādā iṣṭāḥ, ye hi sarvam asti iti vadanti atītam an-āgataṃ pratyutpannaṃ ca, te sarvāstivādāḥ| ye tu ke cid asti yat pratyutpannam adattaphalaṃ ca atītaṃ karma, kiñcin na asti yad-dattaphalam, atītam anāgataṃ ca iti vibhajya vadanti, te vibhajya-vādinaḥ|” Akbh, p. 633. “Vì vậy, chính như những người Tỳ-bà-sa nói rằng có quá khứ và vị lai. Và chắc chắn, người nào đã nói như vậy thì phải thừa nhận họ thuộc Nhất thiết hữu bộ. Bởi vì nói ‘có’ ấy là những người cho mình là những người Nhất thiết hữu bộ, do họ nói rằng tất cả đều có [hữu, tồn tại], quá khứ, vị lai, và hiện tại, nên họ là những người Nhất thiết hữu bộ. Nhưng những người nào nói một cách phân biệt rằng nghiệp quá khứ mà không cho quả trong hiện tại thì nó không có cho quả trong quá khứ và vị lai, thì họ là những người Phân biệt thuyết bộ.ˮ


(xxxviii) Cf.: “yady abhūtvā bhavati iti na iṣyate bhūtvā ca punar na bhavati iti |” Akbh, p. 637. “Không nên nói rằng không có [không tồn tại] mà nay có [tồn tại], đã có nay lại không có.”


(xxxix) Cf.: “adhvānaḥ kāritreṇa vyavasthitāḥ||26|| yadā sa dharmaḥ kāritraṃ na karoti tadā anāgataḥ| yadā karoti tadā pratyutpannaḥ |
yadā kṛtvā niruddhastadā atīta iti| parigatam etat sarvam|
” Akbh, p. 635. Sự kiến lập theo thời gian bằng tác dụng. Khi nào tác dụng của pháp nào không thực hiện thì khi đó là vị lai. Khi nào tác dụng ấy thực hiện thì khi đó là hiện tại. Khi nào tác dụng ấy sau khi thực hiện rồi diệt mất thì khi đó là quá khứ. Tác dụng này có mặt trong tất cả.”


35 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 21, T. 27, tr. 105c.


(xl) dharmasvabhāvaḥ sataḥ - 法性恆住, sarvakālāstitā - 三世實有


(xli) Cf.: གཞིའི་མཐའ་ལས་བྱུང་བའི་ཕུང་པོ་རྣམས་ཡོད་དོ། །ཕུང་པོ་རོ་གཅིག་པ་རྣམས་ཡོད་དོ།” Sbh, p. 1140. “Có các uẩn sanh khởi từ biên tế [giới hạn] của căn bản [bản thể, sự vật - mūla, vastu]; có các uẩn là cùng một vị.།རྩ་བའི་ལྟུང་བ་དང་བཅས་པའི་ཕུང་པོ་ནི་ཡོད་དོ།” Nbh, p. 1154. “Có uẩn tương ưng với sự rơi vào căn bản [mūla].”


36 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 17b.


37 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 11, T. 27, tr. 55b.


(xlii) Cf.: འདས་པ་དང་མ་འོངས་པ་ཡོད་དོ།” Sbh, p. 1139. “Có quá khứ và vị lai.” Quan điểm này cũng được Thuyết nhất thiết hữu bộ chủ trương, ngài Thế Thân đã phê bình rằng: “tasmān na evaṃ sarvāstivādaḥ śāsane sādhur bhavati yad atītānāgataṃ dravyato’sti iti vadati| evaṃ tu sādhur bhavati - yathā sūtre sarvam asti ity uktaṃ tathā vadati|” Akbh, p. 643. “Vì vậy, trong giáo thuyết của Nhất thiết hữu bộ là không chánh xác, giáo thuyết ấy nói rằng sự thể tồn tại trong quá khứ và vị lai. Nhưng là chánh xác nếu nói rằng – trong Kinh đã nói tất cả [pháp] tồn tại như thế nào thì nói theo như thế ấy.ˮ


38 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 17a.


(xliii) Cf.: “Tattha yasmā rūpādayo rūpādisabhāvena niyatā na taṃ sabhāvaṃ vijahanti, tasmā sabbadhammā niyatāti yesaṃ laddhi, seyyathāpi andhakānañceva ekaccānañca uttarāpathakānaṃ” Abh.Pa,3.194. “Ở đây, những người thuộc phái Andhaka và một số người thuộc phái Uttarāpathaka chủ trương rằng bởi vì sắc, v.v., được quyết định [cố định] bằng tự tánh của sắc, v.v., nó không tách rời tự tánh, nên tất cả pháp đều là quyết định.”


(xliv) Cf.: “Tattha yesaṃ ‘sabbepi atītādibhedā dhammā rūpādi-vasena atthi, atītaṃ anāgatapaccuppannavasena, anāgatapaccuppa-nnāni vā atītādivasena natthi; tasmā sabbamevidaṃ evaṃ atthi evaṃ natthī’ ti laddhi, seyyathāpi etarahi vuttappabhedānaṃ andhakānaṃ.” Abh.Pa,3.54. “Ở đây, hiện nay những người thuộc phái Andhaka đã nói sự phân loại rằng ‘tất cả các pháp được phân loại thành quá khứ, v.v., như sự tồn tại của sắc, v.v., quá khứ tồn tại nhờ vị lai và hiện tại, vị lai hoặc hiện tại không tồn tại nhờ quá khứ, v.v.; vì vậy tất cả pháp này tồn tại như vậy, không tồn tại như vậy.’”


39 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 413-415; 57, tr. 212-217.


(xlv) Cf.: “།འདས་པ་དང་། མ་འོངས་པ་མེད་དོ།” Sbh, p. 1132. “Không có quá khứ và vị lai.”།འདས་པ་དང་། མ་འོངས་པ་ནི་ཡོད་དོ།” Nbh, p. 1152. “Quá khứ và vị lai là có.”


(xlvi) Cf.: །དེ་ལ་ས་སྟོན་གྱི་སྡེ་པ་རྣམས་ཀྱི་གཞིའི་གཞུང་ལུགས་དག་ནི་འདས་པ་དང་། མ་འོངས་པ་མེད་དོ། །ད་ལྟར་བྱུང་བ་དང་འདུས་མ་བྱས་ཡོད་དོ།” Sbh, p. 1137. “Ở đây, những chủ trương căn bản của những người thuộc Hóa địa bộ là không có quá khứ, vị lai; và vô vi có trong hiện tại.”


40 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 16a, c.


41 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 13, T. 27, tr. 65b.


(xlvii) Abh.Pa,3.182. Xin xem lại phụ chú (xxv)


42 Luận sự, Nam truyền 58, tr. 372.


(xlviii) Cf.: Imasmiñca pana veyyākaraṇasmiṃ bhaññamāne āyas-mato koṇḍaññassa virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi ‘‘yaṃ kiñci samudayadhammaṃ sabbaṃ taṃ nirodhadhamma’’ nti.” Vpm.1.12. “Và rồi, vào lúc được thuyết cho lời giải thích ấy xong, tôn giả Koṇḍañña đã lìa cáu bẩn, hết nhiễm ô, phát sanh Pháp nhãn thấy rằng ‘những cái nào là pháp do được tập hợp lại rồi khởi lên thì tất cả cái đó đều là pháp tịch diệt.’”


43 Di-sa-tắc bộ hòa-hê Ngũ phần luật 15, T. 22, tr. 104c.


(xlix) “Taṃ kho panidaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññeyya’nti me… Taṃ kho panidaṃ dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ pahāt-abba’nti me… Taṃ kho panidaṃ dukkhanirodhaṃ ariyasaccaṃ sacchikātabba’nti me… Taṃ kho panidaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ bhāvetabba’nti me…” S.5.423. “Này các tỳ-kheo! Lại nữa, này các tỳ-kheo! Thánh đế về khổ này, các người cần được biết rõ… Này các tỳ-kheo! Lại nữa, Thánh đế về sự tập hợp rồi khởi lên của khổ này, các người cần phải từ bỏ… Lại nữa, này các tỳ-kheo! Thánh đế về sự tịch diệt khổ này, các người cần phải chứng đắc… Lại nữa, này các tỳ-kheo! Thánh đế về con đường đạt được sự tịch diệt khổ này, các người cần phải tu tập…”


(l) Cf.: Katamā ca, bhikkhave, sammādiṭṭhi? Yaṃ kho, bhikkhave, dukkhe ñāṇaṃ, dukkhasamudaye ñāṇaṃ, dukkhanirodhe ñāṇaṃ, dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya ñāṇaṃ, ayaṃ vuccati, bhikkh-ave, sammādiṭṭhi. D.2.312. “Và này các tỳ-kheo! Chánh kiến là gì? Này các tỳ-kheo! Biết sự Khổ, biết sự Tập khởi của khổ, biết sự Diệt của khổ, biết dấu vết Con đường đi đến sự diệt của khổ, này các tỳ-kheo, đây gọi là chánh kiến.”


(li) Cf.: Taṃ kho panidaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññāta’ nti, bhikkhave, tathāgatānaṃ pubbe ananussutesu dhammesu cakkh-uṃ udapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi. S.5.425. “Lại nữa, sau khi biết rõ Khổ Thánh đế này rồi, này các tỳ-kheo, đối với những pháp trước đây chưa được nghe, Như lai sanh ra mắt, sanh ra trí, sanh ra huệ, sanh ra minh, sanh ra ánh sáng.”


44 Tạp A-hàm kinh 15, T. 2, tr. 103c. Tương ưng bộ, (56) Đế tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 341-342.


(lii) Cf.: “duḥkhadharmajñānakṣāntimārabhya yāvat mārge’nvaya-jñānakṣāntir ete pañcadaśa kṣaṇā darśanamārgaḥ |” Akbh, p. 730. “Sau khi đạt được khổ pháp trí nhẫn cho đến đạo loại trí nhẫn gồm 15 sát-na thì kiến đạo.” །ཡང་དག་པ་ཉིད་སྐྱོན་མེད་པར་ཞུགས་པས་སེམས་བསྐྱེད་པ་བཅོ་ལྔ་ལ་རྒྱུན་དུ་ཞུགས་པ་ཞེས་བརྗོད་པར་བྱའོ། །བཅུ་དྲུག་པ་ལ་རྒྱུན་དུ་ཞུགས་པའོ།” Sbh, p. 1134. “Vị sơ phát tâm bằng cách hướng đến chánh tánh ly sanh, trong [sát-na] thứ 15, thì được gọi là ‘Hướng vào dòng – Dự lưu hướng’; trong [sát-na] thứ 16 thì vào dòng – Dự lưu quả.”།སྐད་ཅིག་མ་བཅོ་ལྔས་ནི་རྒྱུན་དུ་ཞུགས་པའི་འབྲས་བུ་ལ་ཞུགས་པ་ཡིན་ནོ།  Nbh, p. 1152. “Vào sát-na thứ 15 là hướng vào quả của Hướng vào dòng.”


(liii) Cf.: “ཆོས་ཀྱི་མཆོག་རྣམས་ལ་ཡང་དག་པར་ཞུགས་ནས་ཀུན་དུ་སྦྱོར་བ་མཐོང་བས་སྤང་བར་བྱ་བ་རྣམས་སྤངས་པས་སེམས་སྐྱེད་པ་བཅུ་གཉིས་པ་ནི་འཇུག་པ་ཡིན་ནོ། །བཅུ་གསུམ་པ་ནི་འབྲས་བུ་ལ་གནས་པ་ཡིན་ནོ།” Sbh, p. 1137. “Ở trong các đệ nhất pháp, nhờ hướng đến chánh tánh, gia hành là sự đoạn do thấy [Đạo], phát sanh tâm viễn ly trong 12 [sát-na] là đi vào, trong [sát-na] 13 thì trụ vào quả.”།མཐོང་བའི་ལམ་ནི་སེམས་ཀྱི་སྐད་ཅིག་བཅུ་གཉིས་སོ།” Sbhn, p. 1171. “Kiến đạo là 12 sát-na của tâm.”


(liv) Cf: Tạp A-hàm kinh《雜阿含經》卷16:「佛告阿難:「譬如四隥梯昇於殿堂。若有說言不由初隥,而登第二、第三、第四隥昇殿堂者,無有是處。如是,阿難!若於苦聖諦未無間等,而欲苦集聖諦、苦滅聖諦、苦滅道跡聖諦無間等者,此不應說。所以者何?若於苦聖諦未無間等,而於苦集聖諦、苦滅聖諦、苦滅道跡聖諦無間等者,無有是處。如是,阿難!於苦聖諦無間等已,然後次第苦集聖諦、苦滅聖諦、苦滅道跡聖諦無間等者,斯有是處。」」(T02, no. 99, p. 113b3-17) “Phật bảo A-nan: Ví như ngôi điện phải qua 4 bậc thang. Nếu có người nào bảo rằng không cần bước lên từ bậc đầu tiên mà lên được bậc thứ 2, thứ 3, thứ 4 để vào ngôi điện thì việc ấy không thể xảy ra. Cũng như vậy, này A-nan, nếu người nào chưa thấy rõ ràng [hiện quán] về Khổ thánh đế mà muốn thấy rõ ràng về Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ diệt đạo tích thánh đế thì việc này không nên nói là đúng. Tại sao như vậy? Vì nếu người nào chưa thấy rõ ràng [hiện quán] về Khổ thánh đế mà thấy rõ ràng về Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ diệt đạo tích thánh đế thì việc này không có xảy ra… Như vậy, này A-nan, người nào đã thấy rõ ràng về Khổ thánh đế rồi, sau đó thứ tự thấy rõ ràng được Khổ tập thành đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ diệt đạo tích thánh đế, thì việc này có xảy ra.” ‘‘Seyyathāpi, bhikkhave, yo evaṃ vadeyya – ‘ahaṃ kūṭāgārassa heṭṭhimaṃ gharaṃ akaritvā uparimaṃ gharaṃ āropessāmī’ti – netaṃ ṭhānaṃ vijjati; evameva kho, bhikkhave, yo evaṃ vadeyya – ‘ahaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ yathābhūtaṃ anabhisamec-ca…pe… dukkhanirodhagāminiṃ paṭi-padaṃ ariyasaccaṃ yathābhūtaṃ anabhisamecca sammā dukkha-ssantaṃ karissāmī’ti – netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘‘Yo ca kho, bhikkhave, evaṃ vadeyya – ‘ahaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ yathā-bhūtaṃ abhisamecca…pe… dukkhanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ ariyasaccaṃ yathābhūtaṃ abhisamecca sammā dukkhassantaṃ karissāmī’ti – ṭhānametaṃ vijjati. S.5.452. “Ví như, này các tỳ-kheo, có người nói như vầy ‘tôi không cần làm phần thấp nhất [nền móng] của ngôi nhà có nóc nhọn, mà tôi chỉ cần làm tầng cao nhất của ngôi nhà, thì việc này không có [xảy ra]. Cũng vậy, này các tỳ-kheo, người nào nói rằng ‘Tôi không cần thấy rõ ràng [hiện quán] đúng đắn về Khổ thánh đế, cho đến, không cần thấy rõ ràng đúng đắn về Khổ diệt đạo tích thánh đế mà làm chấm dứt [tịch chỉ] hoàn toàn Khổ’ thì việc này không có xả ra. Và, này các tỳ-kheo, người nào nói rằng ‘Tôi thấy rõ ràng [hiện quán] đúng đắn về Khổ thánh đế, cho đến, thấy rõ ràng đúng đắn về Khổ diệt đạo tích thánh đế mà làm chấm dứt [tịch chỉ] hoàn toàn Khổ’ thì việc này có xả ra.” བདེན་པ་ཤེས་པ་བཞི་ལས་བདེན་པ་ཤེས་པ་དང་པོ་ནི་བདེན་པ་རྣམས་རིམ་གྱིས་མངོན་པར་རྟོགས་པར་བྱ་བ་ལ་རྩིག་རྨང་ལྟ་བུའོ། །གཉིས་པ་ནི་རྩིག་པ་ལྟ་བུའོ། །གསུམ་པ་ནི་བླ་གབ་ལྟ་བུའོ། བཞི་པ་ནི་བླ་གབ་ཕྱུར་པོ་ལྟ་བུའོ། །བཞི་པོ་དེ་དག་ནི་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཁང་བཟངས་ཆེན་པོའི་སྟེང་དུ་འགྲོ་བ་ལ་ཐེམ་སྐས་ཀྱི་ཐེམ་པ་བཞི་ལྟ་བུ་ཡང་ཡིན་ནོ། རྣམ་པར་གྲོལ་བའི་མྱ་ངན་ལས་འདས་པའི་སྐས་རྣམས་ཀྱི་སྐས་ཀྱི་ཐེམ་པ་ནི་ཤེས་པ་དེ་དག་ཉིད་ཡིན་པར་རིག་པར་བྱའོ།ˮ Ycbh-T, vol. 74, p. 1444. “Ở trong 4 trí [biết về 4] Đế, trí biết Đế thứ nhất là đầu tiên trong thấy rõ ràng các Đế theo thứ tự, nó giống như nền móng của bức tường. Thứ 2 là giống như bức tường. Thứ 3 là giống như mái nhà. Thứ 4 là giống như đỉnh nhọn của nhà. Bốn loại ấy cũng giống như 4 bậc thang của cái cầu thang để đi lên ngôi nhà lớn trí huệ. Cần phải biết rằng các bậc thang thuộc chiếc thang của niết-bàn giải thoát hoàn toàn là các trí ấy.” “darśanābhisamayaṃ tu prati sūtre satyānāṃ krameṇābhisamaya utko lakṣyate| na haiva gṛhapate satyānām ekābhisamayo ’nupūrvābhisamayaḥ iti vistareṇa sadṛṣṭ-āntāni trīṇi sūtrāṇi|” Akbh, p. 728. “Nhưng sự thấy và chứng của [Tứ] đế, được thấy rõ ràng trong kinh nói là chứng đắc theo thứ tự. Có 3 kinh nêu rộng rãi các thí dụ khác nhau [để giải thích lời Phật dạy]: ‘Này cư sỹ! Không có sự chứng đắc trong cùng một lúc về các Đế, mà là chứng đắc theo thứ tự.’” A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận《阿毘曇毘婆沙論》卷282 使揵度〉:「復次何故作論者。答曰。或有說。一時見諦。非次第見。為止如是說者意亦明見諦有次第故。若當一時見諦非次第者。則違佛經。如經說給孤獨居士。往詣佛所。作如是問。世尊為一時見諦。為次第見耶。佛答言。居士次第見諦。如登梯法。」(T28, no. 1546, p. 205, c22-27) “Hỏi: Lại nữa, vì lý do gì làm ra luận này? Đáp: Hoặc có chủ trương rằng: thấy được [Tứ] Đế trong cùng một lúc, chứ chẳng phải là theo thứ tự, nhằm ngăn chặn [bác bỏ] chủ trương đó và cũng nhằm chứng minh là sự thấy được Đế có theo thứ tự. Nếu [chủ trương] vào cùng một lúc thấy được Đế mà chẳng phải là có thứ tự thì trái với kinh của Phật. Như kinh tường thuật rằng, cư sỹ Cấp Cô Độc đi đến nơi Phật đang ngự, rồi hỏi như thế này: ‘Bạch đức Thế tôn! Thấy được Đế trong cùng một lúc hay là thấy theo thứ tự?’ Đức Phật đáp rằng: ‘Này cư sỹ! Thấy được Đế theo thứ tự, giống như phương pháp đi lên một cái thang.’” །འཕགས་པའི་བདེན་པ་བཞི་ནི་རིམ་གྱིས་རྟོགས་པར་འགྱུར་རོ།” Nbh, p. 1152. “Bốn Thánh đế được chứng đắc [nhận biết] theo thứ tự.”།འདི་ལྟར་འཕགས་པའི་བདེན་པ་བཞི་ལས་རིམ་གྱིས་བརྟགས་ནས་མངོན་པར་རྟོགས་པར་འགྱུར་ཏེ། Nbh, p. 1159. “Như vậy, 4 Thánh đế sẽ nhận biết rõ ràng nhờ phân biệt theo thứ tự.”


(lv) Cf.: “ye tarhi nikāyāntarīyāḥ satyānām ekābhisamayaṃ varṇa-yanti| [Yaśomitra giải thích] Nikāyāntarīyā āryadharmaguptapra-bhṛtayaḥ.” Akbh, p. 726. “Nhưng mà ở trong các Nikāya [các bộ phái] khác nhau nói rằng sự chứng đắc các Đế trong cùng một lúc. [Yasomitra giải thích] Các bộ phái khác là Thánh  Pháp tạng [Pháp hộ], v.v.


45 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 185, T. 27, tr. 927c.


(lvi) Cf.: དེ་ལ་ས་སྟོན་གྱི་སྡེ་པ་རྣམས་ཀྱི་གཞིའི་གཞུང་ལུགས་དག་ནི།འཕགས་པའི་བདེན་པ་བཞི་མངོན་པར་རྟོགས་པ་ཡིན་ནོ། །སྡུག་བསྔལ་མ་མཐོང་བས་བདེན་པ་རྣམས་མ་མཐོང་ངོ་། །མཐོང་བ་ནི་མཐོང་བ་དག་ཡིན་ནོ།” Sbh, pp. 1137-1138. “Ở đây, những chủ trương căn bản của những người Hóa địa bộ là… Tứ Thánh đế là thấy được rõ ràng. Bởi không thấy được Khổ nên không thấy các Đế còn lại, thấy được Khổ thì thấy các Đế còn lại.”།སྡུག་བསྔལ་མཐོང་བས་བདེན་པ་བཞི་ཆར་མཐོང་བར་འགྱུར་རོ།” Nbh, p. 1153. “Bởi thấy được Khổ nên sẽ thấy cùng lúc cả 4 Đế.” །བདེན་པ་ཅིག་ཅར་མཐོང་ངོ་།” Sbhn, p. 1169. “Đế được thấy cùng một lúc.”


46 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 16c.


(lvii) Cf.: །སེམས་ཅན་དུ་གདགས་པ་རྣམས་ལ་ཟིན་པའི་རྒྱུད་ཡིན་པར་བརྗོད་པར་བྱའོ། །འདུ་བྱེད་ཐམས་ཅད་ནི་སྐད་ཅིག་མ་དག་གོ། །འཇིག་རྟེན་འདི་ནས་འཇིག་རྟེན་ཕ་རོལ་དུ་ཆོས་གང་ཡང་འཕོ་བ་མེད་ཀྱང་གང་ཟག་འཕོ་ཞེས་བརྡར་བརྗོད་པར་བྱའོ། Sbh, p. 1136. “Tên gọi chúng sanh được lập nên là từ sự kéo dài chấp thủ vào các giả tưởng về chúng sanh, tất cả hành là các khoảng sát-na, không có bất cứ pháp nào di chuyển từ thế giới này đến thế giới khác [từ đời này đến đời sau], nhưng bổ-đặc-già-la được nói theo thế tục là có di chuyển.”


47 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 16c.


(lviii) Cf.: Puggalo upalabbhati saccikaṭṭhaparamatthenāti hi ayaṃ sakavādīpucchā. Tāya ‘‘ye atthi puggaloti evaṃladdhikā puggala-vādino, te evaṃ pucchitabbā’’ ti dīpeti. Ke pana puggalavādinoti? Sāsane vajjiputtakā ceva samitiyā ca bahiddhā ca bahū añña-titthiyā. Abh.Pa,3.9. “Điều này được phái Sakavādin [Thera-vādin] hỏi: Puggala được nắm bắt bằng nghĩa chân thật và nghĩa thù thắng không? Phái Sakavādin nêu rõ 'Những người Puggala-vādin chủ trương rằng có puggala, họ phải được cật vấn về điều ấy'. Nhưng Puggalavādin là những ai? Trong giáo pháp, họ là những người phái Vajjiputtaka, Samitiya; những người bên ngoài và nhiều ngoại đạo khác.


(lvix) Cf.: “།དེ་ལ་གནས་མ་བུའི་སྡེ་རྣམས་ཀྱི་གཞིའི་གཞུང་ལུགས་དག་ནི་ཕུང་པོ་རྣམས་གང་ཟག་མ་ཡིན་ནོ། །ཕུང་པོ་རྣམས་ལས་གུད་ན་ཡང་མེད་དོ། །ཕུང་པོ་དང་། ཁམས་དང་། སྐྱེ་མཆེད་ལ་བརྟེན་ཏེ་གདགས་སོ། Sbh, p. 1137. “Những chủ trương căn bản của Độc tử bộ và các phái trực thuộc là các uẩn không phải là bổ-đặc-già-la, cũng không phải rời khỏi các uẩn mà có bổ-đặc-già-la. Tên gọi của nó do y vào uẩn, xứ và giới mà giả lập nên.” །ཡང་གནས་མའི་བུའི་དམ་ཚིག་ནི་།གང་ཟག་ནི་ཕུང་པོ་ལྔ་ཉེ་བར་བླངས་ནས་འཕོ་བར་འགྱུར་རོ།།གང་ཟག་ནི་ཉེ་བར་བླངས་པའི་ཕུང་པོ་ཉིད་དང་། གཅིག་པའམ་གཅིག་པ་མ་ཡིན་པར་བརྗོད་པར་མི་བྱའོ། Nbh, p. 1155. “Chủ trương của Độc tử bộ là… Bổ-đặc-già-la sẽ di chuyển nhờ 5 thủ uẩn… Bổ-đặc-già-la là thủ uẩn, chúng là một [đồng nhất] hay không phải là một đều không thể diễn tả [khẳng định] được.”།འཕགས་པ་ཀུན་གྱིས་བཀུར་བའི་སྡེ་པས་སྒྲོགས་རིགས་ཀྱི་སྡེ་དང་། སྲུང་བ་པའི་སྡེ་དང་། གནས་མའི་བུའི་སྡེ་འདི་གསུམ་ཡང་ལྟ་བ་མཐུན་ཏེ། གང་ཟག་ནི་ཕུང་པོ་རྣམས་ཀྱང་མ་ཡིན་ལ། །ཕུང་པོ་རྣམས་ལས་ཐར་པ་ཐ་དད་པ་ཡང་མ་ཡིན་ནོ།” Sbhn, p. 1171. “Trong Thánh Chúng kính [Chánh lượng] bộ, 3 bộ gồm Kê-dận bộ, Thủ hộ bộ, Độc tử bộ cũng đồng quan điểm. Bổ-đặc-già-la cũng không phải là các uẩn, cũng không phải lìa các uẩn.”


48 Luận sự, Nam truyền 57, tr. 1. Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 16c.


(lx) Cf.: “Naiva hi dravyato ’sti, nāpi prajñaptitaḥ| kiṃ tarhi? Adhy-ātmikānupāttān varttamānān skandhānupādāya pudgalaḥ prajña-pyate| … Yathendhanam upādāyāgniḥ|… Na hi vinendhanenā-gniḥ prajñapyate, na cānya indhanād agniḥ śakyate prajñapay-itum, nāpy ananyaḥ |” Ak.P, pp. 461-462. “Nó [bổ-đặc-già-la] chẳng phải có thực, cũng chẳng phải có giả. Vậy thì nó là gì? Do dựa vào các uẩn được nắm giữ của bản thân và đang hiện hữu mà giả nói có bổ-đặc-già-la… Giống như dựa vào chất đốt mà giả nói là lửa… Không có chất đốt thì không giả nói là lửa được, không thể nói cái lửa giả nói ấy khác với chất đốt, cũng chẳng phải là không khác.”


(lxi) Cf.: “།དེ་ལ་འཕོ་བར་སྨྲ་བའི་སྡེ་རྣམས་ཀྱི་གཞིའི་གཞུང་ལུགས་ནི་འཇིག་རྟེན་འདི་ནས་འཇིག་རྟེན་ཕ་རོལ་དུ་ཕུང་པོ་འཕོའོ་ཞེས་ཟེར་རོ།།གཞིའི་མཐའ་ལས་བྱུང་བའི་ཕུང་པོ་རྣམས་ཡོད་དོ། །ཕུང་པོ་རོ་གཅིག་པ་རྣམས་ཡོད་དོ། །དོན་དམ་པར་གང་ཟག་ཡོད་དོ།” Sbh, p. 1140. “Ở đây, chủ trương căn bản của những người Thuyết chuyển bộ [Sakrānti-vādin] là: họ nói rằng uẩn di chuyển từ thế giới này đến thế giới khác… Có các uẩn phát sanh từ biên tế [giới hạn] căn bản. Các uẩn có cùng một vị uẩn. Có bổ-đặc-già-la theo thắng nghĩa.”།ཡང་ཐམས་ཅད་ཡོད་པར་སྨྲ་བ་རྣམས་ཀྱི་བྱེ་བྲག་སློབ་དཔོན་བླ་མའི་གཞུང་སྟོན་པར་བྱེད་པའི་འཕོ་བར་སྨྲ་བ་རྣམས་ཀྱི་རྩ་བའི་དམ་ཚིག་ནི་ཕུང་པོ་ལྔ་ནི་འཇིག་རྟེན་འདི་ནས་འཇིག་རྟེན་ཕ་རོལ་དུ་འཕོ་བའོ།།རྩ་བའི་ལྟུང་བ་དང་བཅས་པའི་ཕུང་པོ་ནི་ཡོད་དོ། གང་ཟག་ནི་དོན་དམ་པར་མི་དམིགས་སོ། །ཀུན་ཀྱང་མི་རྟག་གོ་ཞེས་བྱ་བ་དེ་དག་ནི་འཕོ་བའི་དམ་ཚིག་ཡིན་ཏེ།” Nbh, pp. 1154-1155. “Lại nữa, chủ trương căn bản của những người Thuyết chuyển bộ thuộc giáo thuyết trung tâm của A-xà-lê [Pháp] Thượng – vị tách ra từ Nhất thiết hữu bộ, rằng: 5 uẩn di chuyển từ đời này đến đời khác… Sự đọa thuộc căn bản [mūla-āpatti] cùng đi với uẩn là có. Bổ-đặc-già-la không phải là sự thể trong thắng nghĩa. Tất cả pháp đều vô thường. Những chủ trương ấy là của Thuyết chuyển bộ.”རྣམ་པར་ཕྱེ་སྟེ་སྨྲ་བའི་སྡེ་པ་རྣམས་ནི་གང་ཟག་ནི་དོན་དམ་པར་ཡོད་དོ།” Sbhn, p. 1170. “Những người Thuyết phân biệt bộ cho rằng có bổ-đặc-già-la theo thắng nghĩa.


49 Dị bộ tông luân luận, T. 49, tr. 17b.


(lxii) Cf.: “svabhāvaḥ sarvadā cāsti bhāvo nityaśca neṣyate| na ca svabhāvād bhāvo’nyo vyaktamīśvaraceṣṭitam.” Akbh, p. 637. “Tự tánh được xem là thường hằng nhưng thể thì không thường hằng; và thể không khác với tự tánh: rõ ràng đó là quy tắc của đấng Tự tại [ý chỉ sự ngoan cố hoặc phi lý, vô tội vạ].”


50 Thành thật luận 5, T. 32, tr. 278c, 279a.


51 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 11, T. 27, tr. 55b.


52 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 22, T. 27, tr. 110b.


53 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 27, T. 27, tr. 140b-c.


54 Thành thật luận 3, T. 32, tr. 258b.


55 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 11, T. 27, tr. 55b.


56 Thanh tịnh đạo luận, Nam truyền 64, tr. 42.


(lxiii) Skt.: bhavaṅgavijñana, Cf.: “Paṭisandhiviññāṇe pana niruddhe taṃ taṃ paṭisandhiviññāṇamanubandhamānaṃ tassa tasseva kammassa vipākabhūtaṃ tasmiññeva ārammaṇe tādisameva bhav-aṅgaviññāṇaṃ nāma pavattati,...” Vsm.2.85. “Lại nữa, trong khi kết sanh thức (paṭi-sandhi-viññāṇa) diệt, mỗi mỗi tùy kết của kết sanh thức, dị thục đã sanh của mỗi nghiệp của nó, khi ấy làm sở duyên, chuyển biến thành chính cái được gọi là hữu phần thức…” “Avicchedappavattihetubhāvena bhavassa aṅgabhāvo bhavaṅga-kiccaṃ.” Aas, p. 126. “Bằng trạng thái nhân chuyển biến không ngừng, trạng thái từng phần của sự hữu [tồn tại] là tác dụng của hữu phần.” །དེ་ཉིད་བཙུན་པ་གོས་དམར་སྡེ་པ་རྣམས་ནི་སྲིད་པའི་ཡན་ལག་གི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་འཇོག་པར་བྱེད་དོ། །གཞན་དག་ནི་རྩ་བའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ཞེས་ཟེར་རོ།” Ks, p. 374. “Như các Đại đức của Xích đồng diệp bộ chủ trương cái được gọi là hữu phần thức. Những người khác thì nói đó là căn bản thức.”


(lxiv) Thành Duy thức luận thuật ký《成唯識論述記》卷4:「唯無性釋有九心輪。此是阿賴耶識。九心者。一有分。二能引發。三見。四等尋求。五等觀徹。六安立。七勢用。八反緣。九有分心。」(T43, no. 1830, p. 354a29-b2) “Chỉ có bản giải thích của Vô Tánh nói có 9 tâm luân. Đây là thức a-lại-da. Chín tâm ấy là: (1) hữu phần, (2) năng dẫn phát, (3) kiến, (4) đẳng tầm cầu, (5) đẳng quán triệt, (6) an lập, (7) thế dụng, (8) phản duyên, (9) hữu phần tâm.” །འཕགས་པ་གནས་བརྟན་པ་རྣམས་ཀྱི་ལུང་ལས་ཀྱང་། སྲིད་པའི་ཡན་ལག་ལྟ་བ་དང་། །ཤེས་པ་དང་ནི་གཏོང་བ་དང་། །གཡོ་བ་དང་ནི་རྟོགས་པ་དང་། །བདུན་པ་འཇུག་པར་བྱེད་པ་ཡིན། །ཞེས་འབྱུང་ངོ་།Mys, p. 11. “Trong A-hàm của những người Thánh Thượng tọa bộ cũng đề cập: (1) hữu phần [bhavāṅga], (2) thấy [darśana], (3) biết [jñāna], (4) phát động [parityāga], (5) chuyển vận [avikampana], (6) biết rõ [prativedha], (7) 7 thứ xác định [praveśana].”།འཕགས་པ་གནས་བརྟན་པ་རྣམས་ཀྱི་ལུང་ལས་ནི་སྲིད་པའི་ཡན་ལག་གི་སྒྲར་གསུངས་ཏེ། སྲིད་པའི་རྒྱུ་ཡིན་པའི་ཕྱིར་རོ། །རྣམ་པར་ཕྱེ་སྟེ་སྨྲ་བའི་ལུང་ལས་ཀྱང་དེ་སྐད་དུ་འབྱུང་ངོ་། །ལྟ་བ་ལ་སོགས་པ་དྲུག་ནི་མིག་ལ་སོགས་པའི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ནས། ཡིད་ལ་སོགས་པའི་བར་དུ་ཅི་རིགས་སུ་སྦྱར་རོ། ། གང་ཞིག་ཀུན་གཞི་རྣམ་པར་ཤེས་པ་ལ་ཞེ་སྡང་བ་ནི་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་ཆ་བདུན་དང་ལྡན་པའི་ཕྲེང་བ་ལྟ་བར་བྱེད་པ་ནས་དངོས་པོ་ཡོངས་སུ་གཅོད་པའི་བར་རོ་ཞེས་སྨྲ་བ་དེའི་ལན་རིགས་པ་ཐིགས་པའི་ནང་དུ་བལྟ་བར་བྱའོ།” Msu, pp. 527-528. “Trong A-hàm của những người thuộc Thánh Thượng tọa bộ đã nói đến từ ‘hữu phần’. Vì là cái nhân của hữu. Trong A-hàm của Phân biệt thuyết bộ cũng có nói như thế. Vì 6 thứ gồm kiến, v.v., là thức của mắt, v.v., nên phải có sự kết nối giữa các thứ gồm ý, v.v. Vì sự sân trong thức a-lại-da ấy là chuỗi dấu hiệu tương ưng với 7 thành phần của thức nên phải thấy trong câu trả lời hợp lý của họ rằng sự hữu bị cắt đứt hoàn toàn.” Thanh tịnh đạo luận, Cf. Vsm.2.85-87: (1) bhavaṅga [hữu phần], (2) āvajjana [chuyển hướng], (3) dasanna [thấy], (4) sampaṭi-cchana [lãnh thọ, thừa nhận], (5) santīraṇa [thẩm tra], (6) voṭṭha-bbana [xác định], (7) javana [tốc hành], (8) tadārammaṇa [cái đó là sở duyên], (9) bhavaṅga [hữu phần].


(lxv) Cf.: “།རིགས་ཀྱི་བུ་ཆོས་བཅུ་དང་ལྡན་ན་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་ཁྱིམ་གྱི་གནས་ནས་མངོན་པར་བྱུང་བ་རྣམས་ཡིན་ནོ། །བཅུ་གང་ཞེ་ན། འདི་ལྟ་སྟེ། ཉེ་བར་ལེན་པ་མེད་པ་རྣམས་ཡིན། འདུ་འཛི་མེད་པར་སྤྱོད་པ་རྣམས་ཡིན། ཡུལ་ལ་རྒྱབ་ཀྱིས་ཕྱོགས་པ་རྣམས་ཡིན། ཡུལ་ལ་སྲེད་པ་དང་བྲལ་བ་རྣམས་ཡིན། ཡུལ་གྱི་ཉེས་པས་མི་ཚུགས་པ་རྣམས་ཡིན༑ དེ་བཞིན་གཤེགས་པས་ཚུལ་ཁྲིམས་བཅས་པ་ལ་རིམ་གྲོ་བྱེད་ཅིང་བརྩོན་པ་དང་༑ ཤིན་ཏུ་བསླབས་པ་རྣམས་ཡིན། གོས་དང་། བསོད་སྙོམས་དང་། མལ་ཆ་ངན་ངོན་དང་། ནད་ཀྱི་རྐྱེན་རྩི་དང་། ཡོ་བྱད་ངན་ངོན་དག་གིས་ཆོག་པ་རྣམས་ཡིན། ལྷུང་བཟེད་དང་། ཆོས་གོས་དང་། ཡོ་བྱད་སོགས་པ་དང་བྲལ་བ་རྣམས་ཡིན། རྟག་པར་འཇིགས་པའི་ཡིད་དང་ལྡན་ཞིང་ཡུལ་རྣམས་ལས་སྐྱོབ་རྣམས་ཡིན། དབེན་པ་ལ་དགའ་ཞིང་རྟག་ཏུ་སྒོམ་པ་ལ་བརྩོན་པ་རྣམས་ཡིན་ནོ།” Rm, pp. 248-249. “Này thiện nam tử! Nếu những vị Bồ-tát có được 10 pháp thì những vị ấy sẽ lìa khỏi sự trú ở ngôi nhà [xuất gia]. Mười pháp đó là những gì? Đó là: 1) những vị ấy không có sự chấp trước; 2) không có hành động phóng dật; 3) có sự quay lưng với cảnh; 4) có sự viễn ly về sự tham đối với cảnh; 5) không an trú bằng sự si về cảnh; 6) tinh tấn tôn trọng giữ gìn và học tập hết sức về giới được chế định bởi Như lai; 7) thỏa mãn [biết đủ] bằng sự giản đơn với những thứ cần dùng như: y phục, khất thực, ngọa cụ giản đơn, thuốc trị bệnh; 8) từ bỏ sự tích chứa những thứ cần dùng như bình bát, pháp y; 9) luôn luôn có ý sợ hãi nhằm bảo vệ khỏi các thứ cảnh; 10) luôn luôn tinh tấn tu tập một cách hoan hỉ về sự tịch tĩnh.”


(lxvi) Cf.: Tattha kāruññena vā ekena adhippāyena ekādhippāyo, saṃsāre vā ekato bhavissāmāti itthiyā saddhiṃ buddhapūjādīni katvā paṇidhivasena eko adhippāyo assāti ekādhippāyo. Evarūpo dvinnampi janānaṃ ekādhippāyo methuno dhammo paṭisevita-bboti yesaṃ laddhi, seyyathāpi andhakānañceva vetullakānañca.Abh.Pa,3.199. “Ở đây, một số người, chẳng hạn như những người Andhaka và chính những người Vetullaka, chủ trương rằng: ‘Cùng một ý muốn bằng sự thương xót hay cùng một ý muốn, hoặc trong luân hồi chúng ta cùng nhau, với phụ nữ cùng thực hiện sự cúng dường Phật, cùng một ý muốn bằng [tự] nguyện, tức là cùng một ý muốn. Như vậy, nhục thể của cả hai người mà có cùng ý muốn thì được phép hành pháp dâm dục.’”


57 Luận sự, Nam truyền 57, tr. 433.


(lxvii) Cf.: “Tattha yesaṃ yasakulaputtādīnaṃ gihibyañjane ṭhitā-naṃ arahattappattiṃ disvā ‘‘gihi assa arahā’’ ti laddhi, seyyathā-pi etarahi uttarāpathakānaṃ” Abh.Pa,3.73. “Ở đây, do thấy Yasa – người con của gia đình hiền thiện, v.v., sống đời tại gia mà đắc quả A-la-hán nên một người, chẳng hạn nay là những người Uttarāpathaka chủ trương rằng ‘Có A-la-hán tại gia.’”


58 Luận sự, Nam truyền 57, tr. 342-344.