Thắng giải quán và chân thật quán

Tất cả định pháp như bốn loại thiền, tám loại định, chín thứ đệ định, v.v., nguyên gốc chỉ là bốn loại thiền (cattāri-jhānāni), ngoài ra là do quán tưởng mà thành lập nên. Tính trọng yếu của bốn loại thiền ở trong Phật pháp thì văn ở trên đã dẫn kinh để chứng minh. Từ bôn tên gọi khác nhau của bốn loại thiền đã được kinh văn nói đến, cũng có thể hiểu được tính ưu việt của bốn loại thiền này, như luận Du-già sư địa(I) nói:
“Các tên gọi khác nhau của các tĩnh lự là: hoặc gọi là tăng thượng tâm, nghĩa là do tâm thanh tịnh làm tăng lên lực cho sự tư duy chân chánh; hoặc gọi là lạc trụ, nghĩa là ở trong ấy thọ nhận được sự rất an lạc, vì sao vậy? Vì nương vào các tĩnh lự nên lãnh thọ được sự hỉ lạc, an lạc, xả lạc, thâm tâm đều vui vẻ. Lại nữa, người đắc được định thì ở trong các tĩnh lự, luôn luôn xuất nhập, lãnh thọ được sự trụ trong an lạc đối với hiện pháp. … Hoặc lại gọi là một phần của niết-bàn, cũng được gọi là sai biệt của niết-bàn. Do vì đoạn được một phần của phiền não, vì chẳng phải quyết định [tột cùng của niết-bàn], nên gọi là một phần của niết-bàn; vì chẳng phải là niết-bàn rốt ráo nên gọi là sai biệt của niết-bàn.”
Chúng tỳ-kheo y theo bốn loại thiền nên được tận trừ các lậu, đắc giải thoát, là điều thường được thấy trong kinh. Như kinh nói có 5 loại trụ an ổn (pañca-phāsurihārā), cũng chính là bốn loại thiền và sự trừ sạch các lậu.1 Ở trên đã nói đến kinh Thiện tinh và kinh Bất động lợi ích (Hán dịch tên là Tịnh bất động đạo kinh), đều dùng bất động (āṇañja), vô sở hữu (ākiñcañña), vô tướng (animitta) làm thứ lớp. Tầng thiền thứ tư gọi là bất động, ở giữa bất động và vô sở hữu, vì sao không có không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana), thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana) vậy? Vốn dĩ, bất động, vô sở hữu, vô tướng, là tam-muội của sự quán như thật, mà không vô biên xứ và thức vô biên xứ đều là tam-muội của loại quán giả tưởng của thế tục.
Phân biệt về hai loại quán tưởng này, như luận Đại tỳ-bà-sa nói: “Có 3 loại tác ý, đó là tác ý về tự tướng, tác ý về cộng tướng, tác ý về thắng giải. … Tác ý về thắng giải là, như quán bất tịnh, trì ức niệm [giữ hơi thở], (bốn) vô lượng, (tám) giải thoát, (tám) thắng xứ, (mười) biến xứ, v.v.”2 Luận Du-già sư địa nói: “Tác ý về thắng giải nghĩa là người tu về tĩnh lự, tùy theo điều mong muốn, mà tăng thêm sự tác ý đối với các sự tướng. Tác ý về chân thật nghĩa là lấy tự tướng, cộng tướng và chân như tướng, tư duy đúng như lý mà tác ý về các pháp.”3 Theo đây có thể biết rằng: tác ý về tự tướng (svalakṣaṇa-manaskāra), tác ý về cộng tướng (sāmānya-lakṣaṇa-manaskāra), tác ý về chân như (tathatā-manaskāra) là tác ý về sự lý chân thật của tất cả pháp; tác ý về thắng giải (adhimokṣa-manaskāra) là giả tưởng quán, ở trong sự mà có tăng trưởng lợi ích. Như quán bất tịnh (asubha-bhāvanā), tưởng đến đờm xanh hoặc mủ nhừ, quán tự thân cho đến khi thân thành tử thi, đờm xanh hoặc mủ nhừ, đây là cùng với sự thật không phù hợp nhau. Là cảnh trong định do sự tưởng tượng khoa trương mà thành, cho nên nói là ‘tăng ích’. Tám loại giải thoát (aṣṭau-vimokṣāḥ ), tám loại thắng xứ (aṣṭāv-abhibhv-āyatanāni), mười loại biến xứ (daśa-kṛtsnāyatanāni) ở trong Phật pháp đều là tác ý về thắng giải. Mối quan hệ lẫn nhau của chúng, so sánh như sau:
Giải thoát, biến xứ (niệm bất tịnh ở trong ấy), thắng xứ, ba loại định pháp này tương thông với nhau nhưng lại có chỗ bất đồng; đều xuất phát từ sự quán tưởng về sắc, ở trong quá trình truyền bá thì bất đồng, phát triển thành ba loại định pháp bất đồng. Cổ nhân đem ba loại này, tập hợp chung lại, giải thích làm thứ lớp sâu cạn.4 Bốn thắng xứ đầu tiên của thắng xứ, cùng với hai loại giải thoát đầu tiên của giải thoát tương đương nhau, đều là quán bất tịnh. Bốn thắng xứ sau của thắng xứ, cùng với ‘tịnh giải thoát thân tác chứng’ của giải thoát thứ ba tương đương nhau, đều là tịnh quán (subha-bhāvanā); tám biến xứ đầu của biến xứ cũng là tịnh quán. Xanh, vàng, đỏ, trắng là những sắc được tạo ra [sở tạo sắc]; sắc được tạo ra nương nhờ vào bốn đại năng tạo – đất, nước, lửa, gió, cho nên có bốn biến xứ đầu tiên. Ba giải thoát đầu tiên, tám biến xứ đầu, tám thắng xứ, đều là dựa vào thiền định của sắc giới, duyên vào sắc dục giới làm cảnh, đều là giả tưởng quán của thắng giải. Trong mười biến xứ, từ đất, nước, lửa, gió (và dựa vào bốn đại mà có màu sanh, vàng, đỏ, trắng) biến xứ trở lên, có (hư) không biến xứ (ākāsa-kasiṇa), thức biến xứ (viññāṇakasiṇa), đây không phải là đất, nước, lửa, gió, hư không, thức – sáu giới (chadhātuya) ư? Sáu giới là giải thích đặc chất của tự thể mà chúng sanh có và nhân tố cấu thành của tự thể của chúng sanh. Bốn đại là sắc pháp, thân thể gồm máu, thịt, v.v.; hư không là những khe hở như lỗ mũi, yết hầu, lỗ chân lông, v.v., có thể thấy, có thể xúc chạm được, là có tính hạn chế; thức là tác dụng tâm lý của tự thân. Tự thể của chúng sanh chỉ là sự tổng hòa của sáu giới này; nếu như cái nào không có thức giới, thì đó chính là khí thế giới ở bên ngoài. Những người tu hành thời cổ đại, quán sự bất tịnh của sắc pháp (đối trị tham dục), tiến tới quán sự thanh tịnh của sắc pháp, chính là ba giải thoát đầu tiên, tám biến xứ đầu tiên, tám thắng xứ. Hoặc khi đã siêu việt được sắc tướng, thì quán tướng của hư không, hiểu rõ rằng nó bàng bạc khắp mọi xứ, nếu như không thể nhờ nó mà phát sanh ra huệ để đắc được giải thoát, thì sanh tại hư không vô biên xứ. Hoặc tiến thêm một bước quán về tướng của thức, giả tưởng là nó bàng bạc khắp mọi xứ (tâm bao trùm thái hư, tâm rộng khắp mười phương của người đời sau nói, đều do cảnh định này mà ra), mà không tể giải thoát, nên sanh tại thức vô biên xứ. Hai cõi trời (và định) đầu tiên của vô sắc giới (arūpa-dhātu) là dựa vào cảnh định do tu pháp này đắc được mà ra.
Tứ thiền gọi là bất động (āneñja, ānejja, āṇañja). Trong kinh Đại không của Trung A-hàm thì nội không (adhyātma-śūnyatā), ngoại không (bahirdhā-śūnyatā), nội ngoại không (adhyātma-bahirdhā-śūnyatā) và bất động đều có liệt kê. Nội không, ngoại không, nội ngoại không là từ trong sự tương quan của căn, cảnh và thức, mà không có năm thứ dục; bất động là quán sự vô thường, vô ngã của năm ấm, để lìa ngã mạn bên trong. Tu tập thành tựu bất động chính là thành tựu không trụ (suññatāvihāra). Nếu như chấp trước vào không mà không được giải thoát, thì gọi tứ thiền là bất động. Kinh Thiện tinh, kinh Bất động lợi ích, v.v., nói: bất động, vô sở hữu, vô tướng là thứ tự, quán như thật về đế lý. Nếu như chấp trước nên không được giải thoát, thì sanh tại (tứ thiền), vô sở hữu xứ, vô tưởng xứ - phi tưởng phi phi tưởng xứ (tiến thêm lập nên diệt thọ tưởng định). Tại khoảng giữa của tứ thiền và vô sở hữu xứ, vốn không có không vô biên xứ, thức vô biên xứ. Do ở trong mười biến xứ ấy nên tu đắc, dựa vào sáu giới mà lần lượt tấn tu, nên ở trong khoảng giữa của tứ thiền và vô sở hữu xứ, kết hợp không vô biên xứ, thức vô biên xứ nên thành tứ thiền, tứ vô sắc định – tám đảng chí; lại thêm vào diệt thọ tưởng định, trở thành chín thứ đệ đẳng chí (định). Tổng thảy liệt kê như sau:


Con đường giải thoát của Phật pháp là dựa vào tứ thiền, phát ra huệ chân thật, ly dục để được giải thoát. Huệ chân thật dựa vào sự quán như thật: “vì vô thường cho nên khổ, vì vô thường khổ nên không có ngã;’ ‘không có ngã, không có ngã sở’ – không, là chánh quán về sự bất nhị một cách nhất quán. Có thể lìa hết thảy phiền não, lìa tất cả tướng, thì khế nhập vào được sự tịch diệt siêu việt. Căn cứ vào gia hành của sự quán huệ bất đồng, nên gọi là không, gọi là vô sở hữu, gọi là vô tướng. Như tương ưng với chỉ quán thì có thành tựu loại huệ chân thật, thì dựa vào quán và huệ ấy mà lập nên tên gọi, gọi là không (tánh) tâm tam-muội (suññatā-cetosamādhi), vô sở hữu tâm tam-muội (ākiñcaññāceto-samādhi), vô tướng tâm tam-muội (animitta-cetosamādhi). Tâm tam-muội, hoặc gọi là tâm giải thoát (cetovimutti). Tuy nhân vì gia hành bất đồng mà lập nên ba tên gọi nàu, nhưng không có đối với hết thảy phiền não, là nhất trí. Kỳ thật, gia hành cũng có chỗ cùng chung với nhau, như Đại không kinh nói: “Không tác ý đến hết thảy tướng, thành tựu sự trụ trong nội không.”5 Kinh Bất động lợi ích nói: “Không có đối với ngã và ngã sở là vô sở hữu xứ đạo thứ nhì.”6 Không và vô tướng, vô sở hữu và không, chẳng phải là tương thông với nhau rõ ràng ư? Cho nên có thể đắc được huệ chân thật của giải thoát, thì tuy có tên gọi bất đồng, rốt cục đều chẳng qua là tên gọi khác của không huệ mà thôi.
Thắng giải và giả tưởng quán là không thể đắc được giải thoát rốt ráo, nhưng cũng có tác dụng đối trị phiền não, đoạn trừ (một phần) phiền não, tăng cường tâm lực, cho nên đức Thích tôn ứng dụng nhiều phương tiện để dẫn dắt hàng đệ tử. Trong giả tưởng quán, chủ yếu là quán bất tịnh, như tưởng về đờm dãi, tưởng về máu mủ, tưởng về xương cốt, v.v. Loại phiền não mạnh mẽ mà làm chướng ngại cho hàng đệ tử xuất gia là dâm dục ái, nhằm đối trị tham dâm, Phật đã khai thị pháp môn quán bất tịnh. Bất tịnh, cùng với vô thường, khổ, vô ngã có tương quan và phù hợp nhau, trở thành tứ niệm xứ (carrāro sati-paṭṭhānā). Trong tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh là phải tu tập đầu tiên. Giả tưởng quán bất tịnh đã dẫn khởi lên tác dụng phụ, do vì cảm giác nhàm chán quá thâm thiết, có một số tỳ-kheo đã tự sát, hoặc tự nguyện bảo người khác giết mình, đây là điều mà Kinh, Luật ghi chép nhất trí với nhau.7 Để cải thiện sự tu tập quán bất tịnh, một mặt, Phật lại khai thị pháp môn niệm hơi thở vào ra; một mặt, do quán bất tịnh mà chuyển sang quán tịnh. Như loại giải thoát thứ ba của tám loại giải thoát, bốn thắng xứ sau của tám loại thắng xứ, đều là duyên vào sắc pháp, thành tựu thắng giải về giả tưởng.
Có liên quan đến quán bất tịnh và quán tịnh, có thể đề cập đến một vài đoạn kinh văn.
1. Tạp A-hàm(II) nói:
 “Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo rằng: có quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu nhập xứ giới, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới, hữu diệt giới.”(a)
“Quang giới ấy là, bởi vì giới này làm cho nhật biết được sự tối tăm [ám]. Tịnh giới ấy là, bởi vì nó làm cho nhận biết được sự bất tịnh.(b)8
Trong kinh lập nên bảy loại giới (dhātu), từ hư không vô biên xứ trở về trước, có quang giới (ābhā-dhātu), tịnh giới (subha-dhātu). Thứ tự của quang giới và tịnh giới, và nhị thiền gọi là Quang thiên, tầng thiền thứ ba gọi là Tịnh thiên là phù hợp với nhau. Tên gọi của thiền thiên là có liên quan với điều này. Căn cứ theo sự thành tựu của tu quán để nói, thì ánh sáng [quang] là quán tướng ánh sáng hiện tiền trong tâm, nếu như thắng giải nên có thể thấy được dòng ánh sáng của xương trắng, thì có thể do bất tịnh mà chuyển thành quán tịnh, quán đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, tráng, v.v., ánh sáng và tịnh, đều dựa vào thắng giải quán để thành tựu. Nội dung của quán tịnh, như đất, v.v, trong sạch, là tướng quốc độ trong sạch; màu xanh, v.v., trong sạch là thông với tướng sắc trong sạch của khí thế giới hoặc chúng sanh. Thắng giải về tướng tịnh, ở trong định, thấy rõ ràng thân, đất, trong sạch, dần dần dẫn đến phát sanh thuyết đất thanh tịnh, thân tanh tịnh trong lý tưởng.
2. Kinh Thiên trong Trung A-hàm(III) nói:
“Ta vì muốn đạt được tri kiến cực kỳ trong sáng ấy, nên liền sống một mình nơi xa vắng, tâm không có phóng dật, tinh cần tu hành,… tức khắc đắc được ánh sáng, liền thấy được hình sắc; và cùng với các vị thiên ấy đồng tụ hội, cùng chào hỏi nhau, luận bàn cùng nhau, đối đáp với nhau; cũng biết được các vị tiên ấy có dòng họ như thế, tên như thế, sanh ra như thế; cũng biết được các vị tiên ấy ăn như thế, thọ khổ, vui như thế; cũng biết các vị thiên ấy trường thọ như thế, sống lâu như thế, mạng tận như thế; cũng biết các vị thiên ấy tạo nghiệp như thế nhứ rồi, chết ở nơi đây, sanh ở nơi kia; cũng biết các vị thiên ấy (thuộc) ở trong các cõi trời khác nhau ấy; cũng biết ở trên cõi trời ấy, Ta đã từng sanh trong (cõi ấy), hay chưa từng sanh trong cõi ấy.”
Kinh này, tạng Pāli biên tập vào phẩm tám pháp trong Tăng cho bộ (thành lập có thể chậm hơn một chút), tiếp theo sau là các bài kinh nói về thắng xứ và giải thoát.9 Đắc được tri kiến thù thắng, là một trong bốn mục đích lớn của tu tập thiền định.
Quá trình tu hành tinh tấn theo kinh này nói, tổng cộng có 8 tầng thứ. Đầu tiên là thắng giải về tướng ánh sáng, nếu như thành tựu tướng sáng, thì có thể ở trong ánh sáng ấy thấy được tướng sắc rõ ràng, tướng sắc là tướng sắc của trời (thanh tịnh). Tướng ánh sáng hiện tiền, thì thấy rõ ràng tướng sắc trong sáng của chư thiên, và thành tựu sự quán tịnh về giải thoát và thắng xứ tương đương. Tiến thêm bước nữa, cùng với chư thiên hội họp lại, vấn đáp lẫn nhau. Cảnh định như thế, khiến chúng ta liên tưởng đến đức Phật A-di-đà (Amitābhabuddha) hiện ra trước mặt trong kinh Ban-chu tam-muội (Pratyutpanna-buddha-sammukhāvasthita-samādhi-sūtra) nói, Phật và người tu hành vấn đáp nhau (không chỉ thấy được tướng sắc, lại còn nghe được âm thanh). Vô trước (Asaṅga) tu theo pháp của Di-lặc (Maitreya), sanh lên trời Đâu-suất (Tuṣita), gặp Bồ-tát Di-lặc, thọ học luận Du-già sư địa.
Sự tu hành thành tựu theo Mật tông, là Bổn tôn hiện tiền, cũng có thể có được sự khai thị. Nguyên tắc là giống nhau, chỉ là người tu hành tín ngưỡng vào đối tượng khác nhau mà thôi.10 Theo kinh Ban-chu tam-muội nói: Phật mà thấy được, đó chẳng phải là chân thật, mà là định tâm của chính mình hiện ra.11 Nhiếp Đại thừa luận bổn nói: “Các Sư Du-già đối với một sự vật, đều có nhiều thắng giải bất đồng, hình thành nên các quan điểm, cho nên biết rằng sự chấp thủ ấy duy chỉ có bởi thức.”12 Giả tưởng quán của thắng giải, có muôn màu muôn vẻ, trong sự diễn tiến của Phật giáo, sự thần giáo hóa nhanh chóng, cũng đã góp phần phát huy cao độ cho tư tưởng duy tâm.
3. Kinh Hữu thắng thiên của Trung A-hàm, Trung bộ gọi là kinh A-na-luật.13 Kinh Hữu thắng thiên nói: “Có ba loại trời: Quang thiên, Tịnh quang thiên, Biến tịnh quang thiên.”14 Ba cõi trời này, ‘nhân vì tâm của con người có hơn [thắng], có bằng [như] (như là chẳng bằng; thắng – như, tức là trội hơn và yếu kém), nên sự tu tập liền có tinh, có thô; nhân vì tu có tinh, có thô nên sự chứng đắc (đến cõi trời) có hơn, có bằng.’ Không chỉ có sai biệt, mà người trời của một cõi trời cũng có thắng diệu hơn và không bằng các người khác. Cho nên có sai biệt là do nguyên nhân ở trong sự tu hành có tinh, có thô bất đồng. Lấy Quang thiên để nói, nhân vì trong ‘ý cởi mở, quán tưởng về ánh sáng, thành tựu du (thành tựu du là cách dịch khác của an trụ đầy đủ), tâm quán tưởng về ánh sáng cực thịnh.’ Nhưng do ở trong sự tưởng về ánh sáng của thắng giải, có lớn, có nhỏ, cho nên ‘Quang thiên kia tập hợp tại một nơi, tuy thân có khác nhau mà ánh sáng thì không khác nhau.’ Như mỗi ‘khi mỗi người đi tản ra, thì thân của các người ấy đã khác nhau, mà ánh sáng cũng khác nhau.’ Sự sai biệt của Tịnh quang thiên là nhân vì trong ‘ý cởi mở, thành tựu du trải khắp Tịnh quang thiên,’ nếu như không tu tập thêm nữa, sanh trong Tịnh quang thiên, sẽ ‘không đắc được tịch tĩnh tột cùng, cũng không sống được hết tuổi thọ,’ nếu như ‘luôn luôn tu, luôn luôn tập’ thì khi sanh trong cõi trời sẽ có thể ‘đắc được tịch tĩnh cùng tột, cũng được sống trọn tuổi thọ.’ Ở Biến tịnh quang thiên, dù cùng sanh tại một nơi, cũng là có sai biệt, đó là tuy ‘tâm cởi mở, thành tựu du trải khắp Biến tịnh quang thiên’ như nhau, nếu như ‘không đình chỉ thụy miên cực độ, không khéo chấm dứt điều hối (điều, là các dịch xưa của trạo cử),’ thì ‘sau khi sanh vào cõi (trời) ấy, ánh sáng không được tịnh tột cùng,’ nếu như ‘đình chỉ thụy miên cực độ, khéo chấm dứt điều hối,’ thì ‘sau khi sanh vào cõi (trời) ấy, ánh sáng được tịnh tột cùng.’ Ba loại trời của kinh Hữu thắng thiên, kinh A-na-luật nói có 4 loại: Thiểu quang thiên (Parittābha-deva), Vô lượng quang thiên (Appamāṇābha-deva), Tạp nhiễm quang thiên (Saṅkiliṭṭhābhā-deva), Thanh tịnh quang thiên (Parisuddhabhā-deva). Thiểu quang thiên và Vô lượng quang thiên, cùng với hai loại Quang thiên của kinh Hữu thắng thiên, tương đương. Tạp nhiễm quang thiên và Thanh tịnh quang thiên, cùng với hai loại ‘ánh sáng không được tịnh tột cùng’ và ‘ánh sáng được tịnh tột cùng’ của Thanh tịnh quang thiên trong kinh Hữu thắng thiên, tương đương. Ba loại trời hoặc bốn loại trời đều không ngoài quang và tịnh, cùng với quang giới, tịnh giới của 7 giới, tương đương. Kỳ thật, thanh tịnh (sắc tướng) là không thể rời ánh sáng.15
Thành tựu Tứ thiền mà không giải thoát được, hoặc được quả báo của Tứ thiền thiên. Tên gọi của các chư thiên ở Tứ thiền cũng là dần dần được lập nên. ‘Thiên, Ma, Phạm’ mà thường thấy trong kinh, thì: từ Ma (māra) trở xuống có nhiều trời, nếu vượt qua được cõi Ma, thì gọi là Phạm thiên (Brahmā), điều này thích hợp với Ấn-độ giáo. Trong Phật giáo, cõi Dục lấy Thiên ma (Tha hóa tự tại thiên) làm tối cao, nếu như vượt qua được cõi Ma, thì cũng chính là Thiền thiên mà ly khỏi cõi Dục, cho nên Sơ thiền thiên được gọi là Phạm thiên. Hàng đệ tử Phật tu thắng giải quán, dựa vào tướng ánh sáng để hiện khởi, cho nên duyên vào sắc pháp để tu thắng giải, không ngoài tướng ánh sáng và tướng sắc thanh tịnh. Tu pháp này nên cảm lấy quả báo, cũng chính là Quang thiên và Tịnh thiên, làm tên gọi của Nhị thiền thiên và Tam thiền thiên. Do vì tướng ánh sáng, v.v, có trội hơn, có yếu hơn, cho nên lại chia mỗi một thiền thiên làm ba cõi trời (hoặc hai cõi trời). Nhưng ở trong Thánh điển thuộc sơ kỳ, tên gọi của Tứ thiền thiên là Phạm thiên, hoặc Phạm chúng thiên (Brahmakayika); Quang âm thiên (Ābhāsvāra); Biến tịnh thiên (Subhakiṇhā); Quảng quả thiên (Vehapphala). Tầng thiền thứ tư chỉ là Quảng quả thiên, tên gọi này có thể là thời sơ kỳ dùng nó làm nơi tối cao, định tối cao, hoặc nhờ huệ để được giải thoát, tầng thiền thứ tư ắt hẳn là quả rộng lớn! Sự phát đạt của pháp quán giả tưởng và quán chân thật của Phật giáo, đối với sự đặt để của chư thiên ở hai giới trên, là có mối quan hệ trực tiếp.


(I) Du-già sư địa luận 11, T. 30, tr. 331a.
1 Tăng chi bộ, phẩm 5 pháp, Nam truyền 19, tr. 165.
2 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 11, T. 27, tr. 53a.
3 Du-già sư địa luận 11, T. 30, tr. 332c.
4 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 85, T. 27, tr. 442b.
5 Trung bộ, (122) Đại không kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 129. Trung A-hàm, (191) Đại không kinh, T. 1, tr. 738b, nói: ‘Vượt qua tất cả sắc tưởng, đi trong nội không.’
6 Trung bộ, (106) Bất động lợi ích kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 343. Trung A-hàm, (75) Tịnh bất động đạo kinh, T. 1, tr. 542c.
7 Tạp A-hàm 29, T. 2, tr. 207b-208a. Tương ưng bộ, (54) Nhập xuất tức tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 193-196. Giới tự sát của bốn ba-la-di trong các bộ Quảng luật đều có chép nguyên nhân này.
(II) Tạp A-hàm 17, T. 2, tr. 116c.
(a) Pāli: “Ābhādhātu, subhadhātu, ākāsānañcāyatanadhātu, viññāṇa-ñcāyatana-dhātu, ākiñcaññāyatanadhātu, nevasaññānāsaññāyatana-dhātu, saññāvedayitanirodhadhātu.” S. 14. 11. Sattimā.
(b) Pāli: “Yāyaṃ, bhikkhu, ābhādhātu – ayaṃ dhātu andhakāraṃ paṭicca paññāyati. Yāyaṃ, bhikkhu, subhadhātu – ayaṃ dhātu asubhaṃ paṭicca paññāyati.” S. 14. 11. Sattimā.
8 Tương ưng bộ, (14) Giới tương ưng, Nam truyền 13, tr. 222-223.
(III) Trung A-hàm, (73) Thiên kinh, T. 1, tr. 540b-c.
9 Tăng chi bộ, phẩm 8 pháp, Nam truyền 21, tr. 241-245.
10 Xin xem tác phẩm của tôi: Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển, tr. 847-848.
11 Ban-chu tam-muội kinh, quyển thượng, T. 13, tr. 905c-906a.
12 Nhiếp Đại thừa luận bổn, quyển thượng, T. 31, tr. 137b.
13 Trung A-hàm, (79) Hữu thắng thiên kinh, T. 1, tr. 549b-550c. Trung bộ, (127) A-na-luật kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 179-190.
14 Thuyết nói về ba cõi trời, lại thấy trong: Trung A-hàm, (78) Phạm thiên thỉnh Phật kinh, T. 1, tr. 548a.
15 Tu tập về quang minh tưởng [quán tưởng về ánh sáng] được ứng dụng rất rộng rãi, như khi ngủ cũng có quán tưởng về ánh sáng, hoặc giải thích ánh sáng là ‘pháp quang minh’ [pháp dùng ánh sáng để tu tập].