KHÔNG VÀ TÂM GIẢI THOÁT

KHÔNG VÀ TÂM GIẢI THOÁT

(Trích dịch từ Chương I của tác phẩm Nghiên cứu về thuyết Tánh Không)

Tác giả: Pháp sư Ấn Thuận

Người dịch: Thích Nhuận Thịnh

Trong sự tu tập định và tuệ, phương tiện có bất nhất, tùy sự quán tưởng bất đồng, tu tập thành tựu, hình thành nhiều loại định pháp; đây không phải đặt nặng đối với định, mà là theo định mà đặt tên. Trong loại tập của giới Phật giáo, học phong khác nhau (vốn là lời Phật dạy, trải qua sự phát triển của chúng đệ tử, trở thành A-tỳ-đạt-ma), nhiều phương diện truyền ra định pháp, hoặc trải qua biện luận, sau đó thành định luận. Nội dung mà các bậc tu chứng truyền lại, không chỉ tên gọi khác nhau, mà dù sử dụng tên gọi tương đồng, thì hàm nghĩa của nó cũng có cạn có sâu. Bởi vì những tên gọi này, tuyệt đại đa số đều là danh xưng cố định của thế tục, chữ “không” cũng không ngoại lệ; tùy theo tập tục mà lập danh, lại thêm trình độ của người truyền bá khác nhau, ý nghĩa cũng sẽ khó mà thống nhất. Đây là điều tất yếu phải chú ý khi lý giải các định pháp.

Định pháp có liên quan mật thiết với không, chủ yếu là 4 loại tâm tam-muội (citta-samādhi), Tương ưng bộ gọi là tâm giải thoát (ceto-vimutti). Kinh Tạp A-hàm nói:

“Trưởng giả Chất-đa-la hỏi Tôn giả Na-dà-đạt-đa rằng: Ba tam muội này có phải là do đức Thế tôn nói không? Hay là do Tôn giả tự ý nói? Tôn giả Na-dà-đạt-đa trả lời: Đây là lời của đức Thế tôn.”*

Theo lời vấn đáp của Tôn giả Na-dà-đạt-đa (Nāgadatta) và Trưởng giả Chất-đa-la (Citra), có thể thấy, các định pháp được truyền bá lúc bấy giờ, có một số là do Phật thuyết, có một số là do các đệ tử trong khi truyền thọ đã tự lập nên định pháp mới. Bốn loại tâm tam-muội (hoặc tâm giải thoát), bấy giờ lại cũng có người đạt đến trình độ hiểu biết đó, cho nên mới có sự vấn đáp này. Kinh Tương ưng bộ, tương đương với đoạn này, người vấn đáp là Ngưu-đạt-đa (Godatta) và Trưởng giả Chất-đa (Citta).1 Lại có Hữu minh đại kinh được biên tập vào Trung bộ, là Xá-lợi-phất vì Đại Câu-hi-la mà nói.2 Căn cứ Tương ưng bộ, thì 4 loại tâm giải thoát là: vô lượng tâm giải thoát (appamāṇa-cetovimutti), vô sở hữu tâm giải thoát (ākiñcaññā-cetovimutti), không tâm giải thoát (suññatā-cetovimutti), vô tướng tâm giải thoát (animitta-cetovimutti). Vấn đề là, bốn loại tâm giải thoát này, rốt cục là văn khác nghĩa khác hay văn khác mà nghĩa đồng? Căn cứ theo kiến giải của Trưởng giả Chất-đa, có thể từ hai phương diện mà nói: 1. Tên gọi khác nhau, ý nghĩa cũng sẽ khác nhau. Khác nhau là, vô lượng tâm giải thoát, là từ, bi, hỉ, xả - 4 vô lượng (catasso-appama-ññāya) định; vô sở hữu tâm giải thoát, là vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana) định của 4 tầng thiền ở cõi Vô sắc; không tâm giải thoát, là tư duy ngã và ngã sở là không; vô tướng tâm giải thoát, là không tác ý về tất cả tướng, đắc vô tướng tâm tam-muội (animitta-cetosamādhi). 2. Tên gọi tuy khác nhau mà ý nghĩa có thể nói là đồng nhất. Đây là nói, tham, sân, si (đại biểu cho tất cả phiền não) là nhân (pamāṇa-karaṇa ) của lượng, trong vô lượng tâm giải thoát mà vị tỳ-kheo lậu tận đắc được, bất động tâm giải thoát (akuppā-cetovimutti) là tối đệ nhất; bất động tâm giải thoát là không có tham, không có sân, không có si, không có tham, sân, si tức là siêu việt mọi hạn lượng, là sự giải thoát rốt ráo (bất động A-la-hán) của vị tỳ-kheo lậu tận. Ý nghĩa tương đồng, tham, sân, si là chướng ngại (papañca), không còn tham, sân, si tức là siêu việt mọi sở hữu,3 bất động tâm giải thoát là tối thượng trong vô sở hữu tâm giải thoát. Tham, sân, si là nhân của tướng (nimittakaraṇa), không còn tham, sân, si là siêu việt mọi tướng, bất động tâm giải thoát là tối thượng trong vô tướng tâm giải thoát. Trong kinh nói đến vô lượng, vô sở hữu, vô tướng, nhưng lại không có nói đến không tâm giải thoát, nguyên nhân ở đây là vì bất động tâm giải thoát là không còn tham, sân, si, chính là tên khác của không tâm giải thoát. Từ mặt văn khác mà nghĩa đồng mà nói, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát, đạt đến chỗ rốt ráo, cùng với không tâm giải thoát – bất động tâm giải thoát, là ngang nhau. Căn cứ trên phương tiện quán tưởng khác nhau, có danh mục gồm 4 tâm giải thoát, mà từ sự không còn tất cả phiền não để nói, thì đây là mục tiêu giống nhau, như muôn dòng đều về biển, đều là vị mặn giống nhau.

Bốn loại tâm tam-muội của kinh Tạp A-hàm, từ mặt tên gọi khác nhau thì ý nghĩa cũng khác nhau mà nói, thì cùng với điều mà Tương ưng bộ nói là nhất trí với nhau. Nhưng từ mặt tên gọi khác nhau nhưng ý nghĩa giống nhau mà nói, thì văn cú của kinh Tạp A-hàm và Tương ưng bộ có thêm bớt chút ít. Như kinh Tạp A-hàm nói:

“Thế nào là pháp chỉ có một nghĩa mà có nhiều vị (vị là cựu dịch của danh)? Đáp rằng: Thưa Tôn giả! Đó là tham có lượng, (nhuế, si là có lượng), nếu là vô tránh thì là đệ nhất vô lượng. Nghĩa là, tham là có tướng, nhuế, si là có tướng, vô tránh là (đệ nhất) vô tướng. Tham là sở hữu, nhuế, si là sở hữu, vô tránh là (đệ nhất) vô sở hữu. Lại nữa, vô tránh ấy, là không có tham, không có nhuế, si; không ấy là thường trụ chẳng biến đổi, không ấy chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Đó gọi là pháp có một nghĩa mà có nhiều vị.”*

Bất động tâm giải thoát của Tương ưng bộ, kinh Tạp A-hàm gọi là vô tránh (araṇa), nên là nói lược của vô tránh trụ hoặc vô tránh tam-muội.4 Tránh có 3 loại, phiền não cũng gọi là tránh – phiền não tránh, cho nên vô tránh là không có tất cả phiền não, cùng với bất động tâm giải thoát của không tất cả phiền não tương đương. Tương ưng bộ nói, tối đệ nhất trong ba loại tâm giải thoát như vô lượng, v.v., là không tham, không sân, không si, không nói thêm không tâm giải thoát, đó là vì lấy bất động tâm giải thoát làm không tâm giải thoát vậy. Kinh Tạp A-hàm nói rằng, trong ba loại gồm vô lượng, v.v., thì vô tránh là tối đệ nhất, sau đó lại giải thích vô tránh là: “không có tham, không có nhuế, không có si; không ấy là thường trụ chẳng biến đổi, không ấy chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở.” Giải thích về vô tránh cũng chính là giải thích về không tâm tam-muội. Vô tránh và không là có mối quan hệ, như phần cuối của kinh Câu-lâu-sấu Vô tránh thuộc kinh Trung A-hàm nói: “Này Tộc tánh tử Tu-bồ-đề, bởi do đạo vô tránh, sau đó biết được pháp đúng như pháp. Biết pháp như chân thật, tu-bồ-đề nói kệ, hành chân thật không này, bỏ đây, trụ tịch tịnh.”5 Tóm lại, tối thượng trong 4 loại tâm giải thoát, là bất động tâm giải thoát của không có tham, nhuế, si, hoặc trụ nơi vô tránh, cũng là tâm giải thoát (hoặc tâm tam-muội) mà được rốt ráo, không ngoài sự hoàn thành rốt ráo của không. Vô lượng, vô sở hữu, vô tướng, vô tránh, bất động, từ sự không còn phiền não nên được thanh tịnh mà nói, đều có thể xem là tên gọi khác của không.

Vô tránh – a-lan-nhã, vốn là trú xứ của người tu hành. Do ở nơi trú xứ yên tĩnh, không có phiền lụy, tượng trưng cho trạng thái của thiền định và trí tuệ, mà gọi là trụ nơi vô tránh, vô tránh tam-muội. Đây cùng với không, vốn dùng để diễn tả sự trống vắng của trú xứ, không có sự phiền lụy của người và vật, cũng chính là dùng tượng trưng cho thiền định và trí tuệ, nên có các danh mục như không trụ, không tam muội, v.v., tình cảnh là hoàn toàn giống nhau.



* Đại chánh 2, Tạp 21, tr. 149c.

1 Tương ưng bộ, Chất đa tương ưng (41), Nam truyền 15, tr.450-452. Xem thêm chú thích 4.

2 Trung bộ, Hữu minh đại kinh (43) và Trung A-hàm, Đại Câu-hi-la kinh (211) tương đương, nhưng Trung A-hàm không có phần vấn đáp này.

3 Du-già sư địa luận 87, nói: Phải biết rằng, trong đây là nghĩa cực thô bỉ, vì vậy nên nghĩa là sở hữu. T.30, tr.792a.

* Đại chánh 2, Tạp 21, tr. 150a.

4 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 105, nói: Này đại đức Cù-đạt-đa! Phải biết rằng tham dục, sân nhuế, ngu si là tướng, mà có tâm giải thoát bất động là tối thắng vô tướng. T. 27, 542a. Luận này nói Cù-đạt-đa, tức là Ngưu-đạt-đa, và Tương ưng bộ tương đồng; ngược lại, không khớp với Tạp A-hàm.

5 Trung A-hàm, Câu-lâu-sấu vô tránh kinh (169), T.1, tr.730c. Trung bộ, Vô tránh phân biệt kinh (139), nhưng nói: “Thiện nam tử Tu-bồ-đề thực hành vô tránh đạo. Nam truyền 11 hạ, tr.332.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét