VÔ SỞ HỮU

VÔ SỞ HỮU

(Trích dịch từ Chương I của tác phẩm Nghiên cứu về thuyết Tánh Không)

Tác giả: Pháp sư Ấn Thuận

Người dịch: Thích Nhuận Thịnh

Lại nói đến vô sở hữu (ākiñcañña). Liên quan với vô sở hữu, có 2 kinh:

1. Kinh Thiện tinh của Trung bộ nói: “tâm của chúng sanh, hoặc có khuynh hướng theo năm thứ dục của thế gian; hoặc có khuynh hướng bất động mà lìa khỏi sự trói buộc của dục; hoặc có khuynh hướng đến Vô sở hữu xứ mà sự trói buộc của bất động; hoặc có khuynh hướng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ mà lìa sự trói buộc của Vô sở hữu xứ; hoặc có khuynh hướng đến Niết-bàn mà lìa khỏi sự trói buộc của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.1 Năm loại này, là khuynh hướng của tâm con người thế gian; cũng là thứ lớp thăng tiến của người tu hành, xem Niết-bàn là lý tưởng tối cao. Khi tâm có khuynh hướng về bốn loại trước thì không thể xuất ly, cho nên Vô sở hữu xứ mà tâm hướng đến của kinh Thiện tinh chỉ là cảnh giới của định Vô sở hữu xứ, không có ý nghĩa tương đồng với không (śūnya, suñña).

2. Kinh Bất động lợi ích của Trung bộ, kinh Trung A-hàm gọi là kinh Tịnh bất động đạo. Trong kinh chia làm tịnh bất động đạo, tịnh vô sở hữu xứ đạo, tịnh vô tưởng đạo (Trung bộ gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ lợi ích hành đạo), Niết-bàn vô dư, Thánh giải thoát.2 Ba loại tịnh đạo trước, tên gọi và thứ tự đều nhất trí với kinh Thiện tinh. Ba loại tịnh đạo trước, tổng cộng chia làm bảy loại, nay căn cứ theo kinh Trung A-hàm (tham khảo Trung bộ), lập đồ biểu như sau:

Hiện thế dục, vị lai thế dục, hiện thế dục tưởng, vị lai thế dục tưởng – là ma cảnh, mồi của ma – tâm tịnh đắc bất động

Tịnh bất động đạo Hiện thế dục… vị lai thế dục tưởng, tứ đại và những sắc do tứ đại tạo thành – là vô thường, khổ, diệt – tâm tịnh đắc bất động

Hiện thế dục… vị lai thế dục tưởng, sắc đời hiện tại, sắc đời vị lai, sắc tưởng đời hiện tại, sắc tưởng đời vị lai – là vô thường, khổ, diệt – tâm tịnh đắc bất động

Hiện thế dục… lai thế sắc tưởng, bất động tưởng – là vô thường, khổ, diệt – tâm tịnh đắc Vô sở hữu xứ3

Tịnh vô sở hữu xứ đạo Đời này là ngã, ngã sở không – tâm tịnh đắc Vô sở hữu xứ

Ngã là chẳng phải tự, chẳng phải tha – tâm định đắc Vô sở hữu xứ

Tịnh vô tưởng đạo Hiện thế dục … bất động tưởng, Vô sở hữu xứ tưởng – là vô thường, khổ, diệt – tâm tịnh đắc vô tưởng

Ba loại tịnh đạo trước mà kinh Tịnh bất động đạo nói là có tầng lớp (tương đồng với tầng lớp trong kinh Thiện tinh), có quán tưởng theo thứ tự, có tầng lớp của thứ tự siêu việt tức diệt, cho nên được gọi là “thứ lớp vượt qua bộc lưu”.4 Nhưng kinh này có điểm bất đồng với kinh Thiện tinh, từ tịnh bất động đạo trở lên, đều có khả năng giải thoát. Trong đó, dục (kama) là 5 loại dục trong Dục giới; bất động (āṇañja), nói theo cách thông thường, là Tứ thiền. Ở trong ấy, có hai điểm cần thiết phải chú ý: bất động – từ Tứ thiền trở lên, là Vô sở hữu xứ, Vô tưởng xứ - Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vì sao từ Tứ thiền trở lên, cùng với khoảng trung gian giữa Vô sở hữu xứ, Vô tưởng xứ, không có Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ? Đây là điểm thứ nhất. Phi tưởng phi phi tưởng xứ trong Trung bộ, kinh Trung A-hàm gọi là Vô tưởng, Vô tưởng xứ.5 Vô tướng tâm định (animitta-cetosamādhi), kinh Trung A-hàm thường dịch là vô tưởng định. Vô tưởng (vô tướng tâm) định với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô tưởng định, diệt tận định, có mối quan hệ phức tạp. Ba loại định: bất động, vô sở hữu, vô tưởng–vô tướng của kinh này, nói theo thứ tự thì không đúng với những kinh luận được truyền thừa bởi Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), từ diệt tận định khởi, khởi bất động, vô tướng, vô sở hữu – ba tên gọi riêng biệt này có tương đồng không?6 Đây là điểm thứ hai.

Nói đến tịnh vô sở hữu xứ đạo, trong kinh chia làm 3 loại:

1. Trung bộ nói: Vị Thánh đệ tử khởi tư duy như vầy: Dục trong hiện tại, …bất động tưởng, tất cả thứ này được diệt tận không còn sót, đó là tịch tĩnh, thù diệu, chính là Vô sở hữu xứ. Chuyên tâm an trụ như thế, bấy giờ tâm được thanh (tịnh). Trung bộ nói: Vô sở hữu xứ là tịch tĩnh, thù diệu; kinh Trung A-hàm nói: Tất cả các loại tưởng kia là pháp vô thường, là khổ, là diệt. Đây có thể là cách nói thông thường: pháp tu của quán hạ là khổ, thô, (chướng), quán thượng là tĩnh, diệu (ly), chán hạ mà ưa thượng. Chán hạ nên chuyên chú đến vô sở hữu xứ tưởng, thành tựu vô sở hữu xứ định. Nhưng theo lời kinh đã nói ở trên: tu tập vô sở hữu xứ, hoặc đắc vô sở hữu xứ định, hoặc nương nơi huệ mà được giải thoát, có thể thấy rằng đây không chỉ là loại định thuộc thế tục. Căn cứ theo kinh Trung A-hàm nói: “Tất cả các loại tưởng kia là pháp vô thường, là khổ, là diệt” – hoại pháp, khi ở trong ly dục…, bất động tưởng, trí huệ có được do quán vô thường, khổ, diệt, có thể được giải thoát.

2. Vị Thánh đệ tử tư duy như vầy: ngã và những gì thuộc về ngã là không. Chuyên tâm an trụ như thế thì tâm được thanh tịnh, cũng có đắc hai loại là vô sở hữu xứ định, hoặc nương nơi huệ mà đắc giải thoát. Kinh Trung A-hàm nói: “Vị Thánh đệ tử quán xét như vầy: thế gian này là không: không có thần, sở hữu của thần (cựu dịch của ngã và ngã sở hữu); không có thường, không có hằng, không trường tồn, không bất biến dị.”7 Đây là kinh luận của Thuyết nhất thiết hữu bộ, từ sự không có pháp thường, hằng, bất biến dị - vô thường, để giải thích ý nghĩa ngã và ngã sở hữu là không. Tu pháp quán ngã và ngã sở là không, đắc vô sở hữu xứ định, tuy người xưa có nhiều cách giải thích, kỳ thật, không và vô sở hữu là đồng nhất ý nghĩa với nhau.

3. Kinh Bất động lợi ích của Trung bộ nói: “Vị Thánh đệ tử tư duy như vầy: tôi không hiện hữu nơi nào, chẳng phải cho ai, cũng không ở trong bất cứ vật gì. Sở hữu của tôi không hiện hữu nơi nào, không ở trong người nào, cũng không ở tại vật gì.”*

Kinh Trung A-hàm nói: Vị Thánh đệ tử quán xét như vầy: Ta chẳng phải được tạo ra vì cái khác, cũng chẳng phải được tạo ra vì chính mình”,8 ý nghĩa không được rõ ràng lắm. Luận Đại tỳ-bà-sa dẫn kinh này là: “chẳng phải ta có nơi chốn, có thời gian, có thuộc sự vật, cũng không có nơi chốn, thời gian, sự vật thuộc ngã của ta”,9 cùng với điều Trung bộ nói gần giống nhau. Căn cứ theo điều Tỳ-bà-sa nói: Vô luận xứ nào, thời nào, không có vật làm sở hữu của ta; cũng vô luận xứ nào, thời nào, không có vật nào của ta. Từ trong mối tương quan của ngã và ngã sở, thông đạt vô sở hữu, đây cũng là sự tương đồng của không và vô sở hữu. Nương điều này mà đắc tâm thanh tịnh, cũng có đắc hai loại là vô sở hữu xứ định, hoặc nương nơi huệ mà đắc giải thoát.

Thiền định – tứ thiền, bát định, thông thường nói là pháp của thế gian, tợ hồ là định pháp của thế gian, đệ tử của Phật nương vào loại định pháp này tu quán huệ xuất thế gian. Nhưng ý nghĩa thuộc Tảo kỳ của định huệ trong Phật pháp, vị tất là như thế. Như khi bất động, Vô sở hữu xứ, Vô tưởng xứ - Phi tưởng phi phi tưởng xứ được nói đến, kinh trên đều nói như thế này: Vị Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, đây là pháp được Hiền thánh đệ tử tu. Do vì sự dụng tâm khác nhau của người tu tập, mà có đắc định, hoặc nương nơi huệ mà đắc giải thoát khác nhau. Căn cứ theo pháp tắc nhân quả của Phật pháp, tu đắc loại định nào đó, nếu như không thể nương nơi nó mà phát huệ để được giải thoát, thì người đó sau khi mạng chung, sanh nơi cõi trời của định cảnh thuộc loại định ấy. Nói theo cách thông thường, loại định thuộc thế gian là chán hạ mà thích thượng mà tu đắc, nhưng như 3 loại của tịnh vô sở hữu xứ đạo, đều không phải như thế. Loại thứ hai, là quán ngã và ngã sở là không mà tu đắc. Loại thứ ba, quán không có ngã sở hữu mà tu đắc. Đây đều là giải thoát xuất thế - chánh quán ngã và ngã sở hữu là không. Chỉ là trên sự tu tập có một số vấn đề, mới không thể nương nơi huệ mà đắc giải thoát, trở thành vô sở hữu xứ định, sanh lên cõi trời Vô sở hữu xứ. Ngay cả loại thứ nhất, theo kinh Tịnh bất động đạo, cũng là quán tất cả dục, dục tưởng, sắc, sắc tưởng, bất động tưởng ‘là pháp vô thường, là khổ, là diệt’. Vô thường, khổ, (vô ngã và ngã sở), chính là ba cửa chính yếu của con đường giải thoát xuất thế (ba giải thoát môn cũng theo đây mà lập), cho nên loại thứ nhất cũng có dựa trên huệ mà đắc giải thoát. Như vậy, vô sở hữu xứ đạo, đều nương vào quán huệ thuộc xuất thế mà thành định, nhưng vì trên sự tu trì có vấn đề nào đó, nó mới trở thành thế gian định.

Tu quán huệ thuộc xuất thế mà trở thành định thuộc thế gian, vấn đề rốt cuộc là tại đâu? Trong kinh văn chỗ nói về vô tưởng – sau khi tịnh phi tưởng phi phi tưởng đạo, căn cứ Vô tưởng xứ mà giải thích, ý nghĩa là thông với bất động cho đến vô sở hữu xứ đạo. Kinh Tịnh bất động đạo của kinh Trung A-hàm nói:

“Này A-nan! Nếu tỳ-kheo thực hành như vầy: không có ta, không có cái của ta; ta sẽ (tiến đến) sự không tồn tại, cái của ta sẽ (tiến đến) sự không tồn tại, những gì có trước kia liền xả ly hết thảy. Này A-nan! Nếu tỳ-kheo ưa thích cái xả kia, chấp trước cái xả kia, trụ trong cái xả kia, thì này A-nan, tỳ-kheo hành như thế, ắt sẽ không đắc niết-bàn. … Nếu tỳ-kheo có sự chấp thủ, thì vị ấy ắt không đắc niết-bàn.

Này A-nan! Nếu tỳ-kheo thực hành như vầy: không có ta, không có cái của ta; ta sẽ không tồn tại, cái của ta sẽ không tồn tại, những gì có trước kia liền xả ly hết thảy. Này A-nan! Nếu tỳ-kheo không ưa thích cái xả kia, không chấp trước cái xả kia, không trụ trong cái xả kia, thì này A-nan, tỳ-kheo thực hành như thế, ắt đắc niết-bàn. … Nếu tỳ-kheo không có sự chấp thọ, ắt đắc niết-bàn.”*

Lấy Phi tưởng phi phi tưởng xứ mà nói, thì ta và cái của ta sẽ không tồn tại nữa trong tương lai, xả ly hoàn toàn những gì có trước kia (bản hữu) – sự tồn tại trong hiện tại, điều này đã diễn tả niết-bàn hoàn toàn. Nhưng nếu như đối với sự xả đó mà có ưa thích, chấp trước, trụ vào (Trung bộ, bản Nhật dịch là: hỉ, hoan nghênh, chấp trước), thì sẽ không thể đắc niết-bàn. Ưa thích, chấp trước, trụ vào, nói tóm lại là có chấp thọ, thọ là cựu dịch của thủ (upādāna). Cho nên, dù sự tu của người tu hành chính là chánh quán, chỉ cần tâm có sự ưa thích, chấp trước thì không đắc giải thoát. Như người tu mà không có chánh quán, sẽ liền chiêu cảm quả báo thuộc vô sở hữu xứ. Vô sở hữu xứ định và quả báo cõi trời, là ở tại tình hình này mà thành lập.

Vô sở hữu – vô sở hữu xứ đạo, tu vô thường, khổ, vô ngã và ngã sở không, là tên gọi khác của không quán. Vô sở hữu xứ định, là thiền định hóa của không quán.



1 Trung bộ 105: kinh Thiện Tinh. Nam truyền 11 thượng, tr. 331 – 333.

2 Nam truyền 11 thượng, Trung bộ 106: Bất động lợi ích kinh , tr. 340-346. Trung A-hàm, Tịnh bất động đạo kinh (75), T.1, 542b-543b.

3 Trung A-hàm, Tịnh bất động đạo kinh (75), nguyên tác dịch là “ở đây nhập được bất động”. T.1, 542b-542c. Nay y căn cứ theo văn nghĩa trên dưới và Trung bộ

4 Trung bộ 106: kinh Bất động lợi ích. Nam truyền 11 thượng, tr. 345.

5 Đại chánh 1, Trung A-hàm 75: kinh Tịnh bất động đạo, tr. 543a.

6 Đại chánh 2, Tạp 21, tr. 150c. Đại chánh 1, Trung A-hàm 211: Đại Câu-hi-la kinh, 792a. Đại chánh 27, A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 153, 781b.

7 Đại chánh 1, Trung A-hàm 75: Tịnh bất động đạo kinh, tr. 542c.

* Trung bộ 106: kinh Bất động lợi ích. Nam truyền 22 thượng, tr. 343. Pāli: nāhaṃ kvacani kassaci kiñcana-tasmiṃ, na mama kvacani kismiñci kiñcanaṃ natthī’ti.

8 Sđd 7.

9 Đại chánh 27, A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 84, 433b.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét