CHƯƠNG 3. SỰ LƯU TRUYỀN VỀ BỔN SANH, THÍ DỤ, NHÂN DUYÊN

 


CHƯƠNG 3. SỰ LƯU TRUYỀN VỀ BỔN SANH, THÍ DỤ, NHÂN DUYÊN (TT)

Tiết 2. Sự hình thành đạo Bồ-tát

Mục 1. Ý nghĩa của Bồ-tát

Sự thành lập của đạo Bồ-tát, không có gì nghi ngờ, là do y cứ vào sự tu hành trong đời quá khứ của đức Thích tôn, rút ra từ truyền thuyết như Bổn sanh (Jātaka), v.v. Nhưng rốt cục trong tình huống nào mà thành lập nên danh từ Bồ-tát (Bodhisattva)? Tên gọi Bồ-tát lại được thành lập vào thời đại nào? Đây đều là những điều đáng được nghiên cứu.
Trong quá khứ, Bồ-tát là danh từ đã có trong Tam tạng của Thanh văn, nên tưởng là do đức Thích tôn nói. Nhưng qua sự nghiên cứu thời cận đại, thì danh từ ‘Bồ-tát’ này rõ ràng là có sau này. Tương ưng bộ của Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya), nơi nói đến 7 vị Phật thuộc quá khứ, do quán duyên khởi nên khi thành Phật, đều nói rằng: “Đức Thế tôn, bậc Ứng Chánh đẳng giác, khi còn là vị Bồ-tát chư thành tựu chánh giác,”1 đã nói đến Bồ-tát. Tương đương với kinh này, kinh Tạp A-hàm, chỉ nói: “khi Phật chưa thành tựu chánh giác,” thiếu mất từ ‘Bồ-tát’.2 Lại nữa, như kinh Trường Thọ vương bổn khởi, kinh Thiên, kinh Niệm, kinh La-ma của kinh Trung A-hàm, đều chỉ nói “khi Ta chưa giác (đắc) Vô thượng chánh chân (hoặc gọi là ‘tận’) đạo (hoặc gọi là ‘giác’),3Trung bộ, v.v., lại đều thêm vào từ ‘Bồ-tát’.4 Kinh Đại bổn của kinh Trường A-hàm trong Hán dịch, nói đến giai đoạn trước tri Tỳ-bà-thi (Vipaśyin) thành Phật, gọi là Bồ-tát,5 phù hợp với Trường bộ. Kinh Trường A-hàm thuộc Hán dịch, là tụng bản của Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), Pháp tạng bộ và Đồng diệp bộ cùng tách ra từ Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavādin). Kinh Tạp A-hàm và kinh Trung A-hàm thuộc Hán dịch là tụng bản của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin). Có thể thấy nguyên văn của A-hàm vốn không có danh từ ‘Bồ-tát’; bản của Thuyết nhất thiết hữu bộ vẫn bảo tồn nguyên hình của nó, mà các tụng bản của các phái thuộc Phân biệt thuyết bộ (còn có kinh Tăng nhất A-hàm thuộc về phái ngọn của Đại chúng bộ) đều đã lấy ‘Bồ-tát’ thuộc truyền thuyết đương thời thêm vào kinh A-hàm. Khi chưa thành Phật trở về trước, như việc đản sanh, xuất gia, v.v., của đức Thích tôn, những truyện Phật thông thường đều tôn xưng những sự kiện đó là ‘sự đản sanh của Bồ-tát, ‘sự xuất gia của Bồ-tát’. Nhưng ngày nay phát hiện thấy tháp Phật tên Bhārhut, trong những điêu khắc trên lan can, có các bức tranh mô tả đức Thích tôn giáng xuống từ trời Đâu-suất (Tuṣita), vào thai mẹ; và sau khi xuất gia, tự mình cắt bỏ búi tóc, tiếp nhận sự cúng dường của vị trời tầng thứ 33 (Trāyastriṃśa). Văn bia nói ‘đức Thế tôn vào thai mẹ,’ ‘búi tóc của đức Thế tôn’. Phần điêu khắc này của tháp Bhārhut là tác phẩm được tạo ở thế kỷ 2 B.C.; vào thế kỷ 2 B.C., đối với đức Thích tôn trước khi Ngài thành Phật, không có tôn xưng Ngài là Bồ-tát, chính là phù hợp với điều mà kinh Tạp A-hàm, v.v., đã nói.6
Trong truyền thuyết có chuyện đức Di-lặc (Maitreya) được đức Thích-ca (Śākya) thọ ký làm Phật, thông thường đều tôn xưng Ngài là Bồ-tát. Trong Kinh, Luật, chuyện đức Di-lặc thành Phật, phỏng chừng có tư tưởng đồng thời với Phật quá khứ. Thuyết bổn kinh của kinh Trung A-hàm, đầu tiên nói đến bổn khởi của A-na-luật-đà (Aniruddha). Tiếp theo nói: vào đời vị lai, khi con người thọ 80.000 tuổi, tại thế giới này, “giàu có, vui vẻ rất lớn, có nhiều nhân dân, thôn ấp gần nhau.” Lúc ấy, có vua làm bậc Chuyển luân tên là Loa (Śaṅkha); Phật Di-lặc xuất hiện nơi đời, độ khắp chúng sanh. Bấy giờ, tôn giả A-di-đá (Ajita) phát nguyện làm vua Chuyển luân, tôn giả Di-lặc phát nguyện thành Phật.7 Trung bộ của Nam truyền, không có phần tương đương với Thuyết bổn kinh. Nhưng trong kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống của Trường bộ, nói trong đời vị lai khi con người thọ 80.000 tuổi, có Sương-già (Loa) làm vua Chuyển luân, Di-lặc thành Phật,8 nội dung chính tương đồng với Thuyết bổn kinh. Kinh Chuyển luân Thánh vương tu hành của kinh Trường A-hàm9 thì nói nhất trí với Trường bộ. Di-lặc thành Phật, là Thí dụ (Bổn mạt), vốn chỉ thuyết minh việc vị lai có Phật xuất hiện nơi cõi đời, với việc thọ ký làm Phật thông thường, thể văn bất đồng. Thuyết bổn kinh đã thêm vào lời phát nguyện của A-di-đát và Di-lặc, và lời ghi nhận của đức Phật, khiến cho nó gần với thể lệ của việc thọ ký làm Phật, nhưng cũng không hoàn toàn tương đồng. Chuyện Di-lặc thành Phật được biên tập vào kinh A-hàm, là tương đương với Thí dụ cổ xưa nhất, nhưng không có nói đến từ ‘Bồ-tát’. Đức Thế tôn được thọ ký làm Phật, truyền thuyết nói là vào thời Phật Nhiên Đăng (Dīpaṃkara). Bấy giờ, đức Thích tôn là một vị thanh niên bà-la-môn, tên gọi do truyền thuyết nên khác nhau: hoặc gọi là Di-khước (Vân, Vân Lôi – Megha),10 hoặc gọi là Thiện Huệ (Sumati),11 hoặc gọi là Vô Cấu Quang).12 Vị thanh niên này dung ‘5 đóa hoa cúng Phật’, ‘rải tóc che bùn’, cầu thành Phật đạo, được Phật Nhiên Đăng trao cho lời ghi nhận riêng thành Phật trong đời vị lai. Truyền thuyết này, có ý nghĩa đặc thù là nhờ lời thọ ký của Phật thì nhất định sẽ thành Phật, cho nên được nhiều loại kinh Đại thừa trích dẫn. Đây là truyền thuyết được các bộ phái đều công nhận, nhưng không có biên tập vào kinh A-hàm; cũng chỉ có luật Tứ phần của Pháp tạng bộ mới biên tập vào Luật bộ.13 Luật Tứ phần khi nói đến Bồ-tát Di-khước, cũng nói đến Bồ-tát Định Quang (trước khi thành Phật), Bồ-tát Di-lặc. Nhưng đây là Bổn sanh có sau, không thể chứng minh ‘Bồ-tát’ nhân chuyện này mà có tên như vậy.
Luận điển do hệ Thượng tọa bộ (Sthavira) truyền thừa đều đã nói đến Bồ-tát, như quyển 18 của bộ luận căn bản – luận A-tỳ-đạt-ma Phát trí (T. 26, tr. 1018a) của Thuyết nhất thiết hữu bộ (hệ Luận sư), nói:
“Ngang mức độ nào thì gọi là Bồ-tát? Đáp: Người nào đạt đến mức độ có khả năng tạo tác tướng tăng trưởng của nghiệp dị thục. Đắc được cái gì thì gọi là Bồ-tát? Đáp: Đắc được tướng của nghiệp dị thục.”
Quyển 8 của luận Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm (T. 28, tr. 585a-b) nói:
“Sao gọi là người Bồ-tát? Nếu người thành tựu được 32 tướng, không nghe từ kẻ khác, không nhận lời dạy của kẻ khác, không thỉnh cầu kẻ khác nói, không nghe kẻ khác thuyết pháp, tự mình tư duy, tự mình giác ngộ, tự mình nhìn thấy, thấy biết không còn trở ngại đối với tất cả pháp; sẽ được tự tại về sức lực của chính mình, tự tại về tôn quí hơn hết, sẽ được tri kiến Vô thượng chánh giác, sẽ thành tựu 10 lực, 4 điều không sợ của Như lai, thành tựu đại bi, chuyển vận bánh xe chánh Pháp: đây gọi là người Bồ-tát.”
Luận Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm thuộc về Phân biệt thuyết bộ của nội địa Ấn-độ, ‘người Bồ-tát’ là rút ra từ phẩm Nhân của luận ấy. Luận sự của Nam truyền (Phân biệt thuyết bộ ở Tích-lan), cũng nói đến Bồ-tát.14 Luận thư thuộc hệ Thượng tọa bộ đều có đề cập đến Bồ-tát, mà đối với địa vị của Bồ-tát, nói đến sự thành tựu (32 tướng) như nhau. Theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, đó là giai đoạn tu hành viên mãn qua 3 đại a-tăng-kỳ kiếp, 100 kiếp tu tướng hảo. Bồ-tát của hệ Thượng tọa bộ, địa vị là tương đối cao. Theo những gì đã thấy trong luận điển, sự thành lập của tên gọi Bồ-tát không thể trễ hơn thế kỷ 2 B.C.
Phật Pháp tiến vào thời đại Bộ phái, những hiện tượng xuất hiện trong quá trình quá triển cần được chú ý:
1) Phật pháp, chú trọng về thuyết Tứ đế trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên. Tứ đế là cương yếu của Phật Pháp: Khổ và Tập là sự thật nhân quả của sanh tử khổ bách; Diệt là sự chấm dứt Khổ và Tập; Đạo là con đường diệt trừ nguyên nhân của Khổ. Trong Tứ đế, Phật Pháp chỉ là sự giải thoát cái khổ của sanh tử để quay về sự tịch diệt của niết-bàn. Hàng đệ tử Phật, trong quá trình tu hành Phật Pháp, lấy sự giải thoát sanh tử, chứng nhập niết-bàn làm lý tưởng tối cao. Hoặc nói Thanh văn thừa tu pháp Tứ đế,15 thì đó cũng chỉ là trình bày sự thật phổ biến này.
2) Trong việc tôn kính và phụng thờ di thể, di vật, di tích của đức Phật-đà, sự tối cao và vĩ đại của đức Phật được tuyên dương mạnh mẽ lên. Sự sai biệt giữa Phật và hàng đệ tử cũng được phát giác sâu sắc ra dần. Tôi phát hiện trong kinh A-hàm, Phật xem việc cầu thành ‘Bồ-đề vô thượng’ – A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề (Anuttara-samyak-saṃbodhi), là mục đích; so với hàng đệ tử Thanh văn xem niết-bàn là lý tưởng, dường như có một số bất đồng. Vốn là, khi hàng đệ tử Thanh văn chứng quả, kinh trên cũng nói: “đắc quả Tu-đà-hoàn thì không đọa vào pháp ác thú, nhất định hướng thẳng đến tam-bồ-đề (saṃbodhi - chánh giác).”16 Nhất định hướng đến tam-bồ-đề, không phải chính là mục tiêu của hàng đệ tử Thanh văn chăng? Như Phật chuyển Pháp luân ở Ba-la-nại (Vārāṇasī): Pháp luân là bồ-đề trong tâm của Phật, hiện rõ ra ở trong tâm hàng đệ tử, từ nơi này đến nơi kia, nên tỉ dụ là chuyển bánh xe Pháp. Chánh Pháp mà Phật và hàng đệ tử chứng được là không có sai biệt. Nhưng trong giới Phật giáo, thông thường xem “uẩn trước diệt, không sanh lại sau nữa,” chứng nhập niết-bàn là mục đích; bồ-đề, dường như chỉ là giống như là công cụ để đạt thành lý tưởng. Trong tình hình phổ biến lý tưởng này, đã hình thành sự sai biệt như thế này: Phật xem thành tựu Bồ-đề vô thượng là mục đích, hàng đệ tử Thanh văn xem chứng nhập niết-bàn là mục đích.
3) Trong quá trình phân hóa thành Bộ phái, chuyện trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn, hoặc Bổn sanh, hoặc Thí dụ, bắt đầu truyền bá ra càng nhiều càng rộng, được giới Phật giáo đương thời đều công nhận. Phật tu hành trong đời sống quá khứ, không giống với hàng Thanh văn. Trong đời sống quá khứ, đức Thích tôn đã trôi lăn trong sanh tử vô lượng vô số, nên tôn xưng Ngài là Thanh văn (Śrāvaka), Bích-chi Phật (Pratyeka-buddha) đều không thích đáng. Sự tu hành to lớn như thế này, qua nhiều đời nhiều kiếp, ắt không thể không có tên gọi. Phật là lấy sự thành tựu Bồ-đề vô thượng làm lý tưởng, cho nên tôn xưng là Bồ-tát (Bodhisattva), chính là người dũng mãnh cầu thành Bồ-đề (vô thượng). Tên gọi này, phỏng chừng là được thành lập vào trước hoặc sau năm 200 B.C. Do vì giải thích bất nhất nên đã dẫn đến phát sanh sự phản ứng của các Luận sư thuộc Thượng tọa bộ, nên đã hình thành suy luận xem “thành tựu tướng của nghiệp dị thục” là bồ-đề. Ý kiến của các phái thuộc Thượng tọa bộ thì tương đồng với nhau, nên thời kỳ hình thành của nó không quá trễ. Đến văn bia trên tháp Bhārhut vẫn viết “đức Thế tôn vào thai mẹ,” “đức Thế tôn cắt búi tóc,” mà không dung tên gọi Bồ-tát, chỉ là sử dụng theo cách dùng từ của kinh A-hàm về sau, không đủ để chứng minh trong giới Phật giáo đương thời vẫn không có danh từ Bồ-tát.
Bồ-tát là nói tắt của bồ-đề tát-đỏa, là từ ghép của bồ-đề và tát-đỏa. Bồ-tát do từ ghép bồ-đề và tát-đỏa mà thành, ý nghĩa của nó là gì? Trong quá trình phát triển của Phật giáo, do vì diễn biến của tư tưởng Bồ-tát, nên định nghĩa của từ Bồ-tát cũng có giải thích bất đồng. Bồ-đề (bodhi), dịch nghĩa là ‘giác’, nhưng trong đây hẳn phải là ‘Bồ-đề vô thượng’. Như ‘phát tâm bồ-đề’ mà thường nói đó, chính là ‘phát tâm a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề’. Bồ-đề là nói gọn Bồ-đề của Phật, Bồ-đề vô thượng, ngoài ra ám chỉ cho sự giác ngộ, thì không có phân biệt với bồ-đề của hàng Thanh văn. Ý nghĩa của Bồ-(đề)-tát-(đỏa), trong tác phẩm Nghiên cứu về Phật giáo Đại thừa sơ kỳ, đã dẫn lời mà trong tác phẩm của tác giả Har Dayal đã nói – 7 ý nghĩa của Bồ-tát; và do Tây tạng truyền, Bồ-tát là người dũng mãnh cầu bồ-đề.17 Nay căn cứ vào những gì Phật giáo truyền lại để nói: thì tát-đỏa (sattva) là thuật ngữ quen thuật của Phật giáo, dịch nghĩa là ‘hữu tình’ – sinh mạng có tình thức hoặc có tình cảm. Bồ-tát là hữu tình cầu Bồ-đề (vô thượng), đây là nghĩa được đa số học giả đồng ý. Theo Bồ-tát mà Bổn sanh và Thí dụ thời cổ đại truyền lại, cũng chỉ là hữu tình cầu Bồ-đề vô thượng. Nhưng tát-đỏa mà cầu bồ-đề, thì ý nghĩa nội hàm của tát-đỏa lại còn biểu thị thái độ của hữu tình đối với Bồ-đề (vô thượng). Kinh Tiểu phẩm Bát-nhã thuộc kinh Đại thừa sơ kỳ, giải thích ‘ma-ha (đại) tát-đỏa’ là “chúng hữu tình lớn làm bậc đứng đầu,” tát-đỏa vẫn còn là ý nghĩa của hữu tình. Kinh Đại phẩm Bát-nhã lại dùng “có định tâm không bị thoái chuyển và hủy hoại dụ như kim cương cứng chắc,” “có tâm siêu vượt, có tâm to lớn,” “có tâm quyết định không bị lay động,” “có tâm làm lợi lạc chân chánh,” “yêu thích pháp, vui với pháp, mừng với pháp, hoan hỉ với pháp” – 5 nghĩa, để giải thích về ý nghĩa của “chúng hữu tình lớn làm bậc đứng đầu.”18 Năm nghĩa được nêu ra đó, không phải là riêng lẻ, mà chính là đặc tính của hữu tình. Hữu tình mà trôi lăn trong sanh tử, biểu hiện tình cảm và ý thức về lực của mạng sống, là kiên cường, mạnh mẽ. Là tình nên yêu, vui, mừng, hoan hỉ đối với mạng sống. Có truyền thuyết rằng, sau khi thành Phật không lâu, đức Thích tôn do vì  cảm nhận được sự “yêu a-lại-da, vui với a-lại-da, mừng với a-lại-da, hoan hỉ với a-lại-da,” không dễ gì giải thoát của hữu tình, nên có ý muốn nhập niết-bàn.19 Nhưng suy nghĩ này: nếu thay đổi phương hướng, đối với con người, chính là “tâm lợi lạc chân chánh;” đối với chánh Pháp – Bồ-đề vô thượng, chính là tâm “yêu thích pháp, vui với pháp, mừng với pháp, hoan hỉ với pháp.” Bồ-tát chỉ là đem cái loại kiên định cố hữu ấy, cái đặc tính tình cảm và suy nghĩ ái đắm ấy, áp dụng cầu Bồ-đề vô thượng, nhân đó, Bồ tát trong quá trình trôi lăn trong dòng sanh tử, vì Bồ-đề vô thượng, nên kiên cường như vậy, yêu thích như vậy, tinh tấn như vậy! Trong 7 nghĩa của Bồ-tát mà Har Dayal đã nêu, nghĩa thứ 6, tát-đỏa nghĩa là ‘phụ vào’; nghĩa thứ 7 là ‘lực’; truyền thuyết của Tây Tạng nói nó có nghĩa là ‘tâm dũng mãnh’, đều phù hợp với điều mà kinh Bát-nhã đã nói. Cho nên, tát-đỏa là hữu tình yêu thích Bồ-đề vô thượng, tinh tấn mong cầu. Nếu nói rộng hơn thì bồ-đề là giác, tát-đỏa là hữu tình (danh từ), thì mất đi đặc tính trong vô số lần sanh tử đã siêng năng cầu bồ-đề mà Bồ-tát có được.

Mục 2. Giai vị tu hành của Bồ-tát

Trước khi thành Phật, nhằm cầu được Bồ-đề vô thượng, tu lâu dài các hạnh to lớn, gọi là Bồ-tát. Bồ-tát đã tu hành lâu xa trong những đời sống quá khứ, công đức lần lượt tăng lên, đây là chuyện đương nhiên. Đối với sự tu hành vô lượng trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn mà Bổn sanh1 đã truyền lại, người xưa đã dần dần phân biệt trước và sau, mà giai vị tu hành của bồ tát cũng theo đó rõ rang dần ra, đây là nguồn gốc của thuyết giai vị tu hành của Bồ-tát Đại thừa.
Kinh Phật bổn hành tập thuộc Pháp tạng bộ (Dharma-guptaka), nói Bồ-tát có “4 thứ thực hành có tính vi diệu.” Đại sự thuộc Thuyết xuất thế bộ (Lokottara-vādin), cũng nói “4 thứ hành.” Pháp tạng bộ tách ra từ Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavādin), Thuyết xuất thế bộ tách ra từ Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), hệ thống Bộ phái khác nhau, mà chủ trương thì gần nhau. Có thể là: khu vực giáo hóa của Thuyết xuất thế bộ ở tại Phạm-diễn-na (Bāmiyān),2 nay là vùng thượng lưu sông Ghorband và sông Indu, vùng thung lũng Phạm-diễn-na;3 Pháp tạng bộ thịnh hành ở Kế-tân (Kaśmīra), vì khu vực giáo hóa gần nhau nên có chung truyền thuyết. ‘Bốn thứ hành’ là:4
Kinh Phật bổn hành tập
Đại sự
Tự tánh hành
Tự tánh hành (prakṛti-caryā)
Nguyện tánh hành
Nguyện hành (praṇidhāna-caryā)
Thuận tánh hành
Thuận hành (anuloma-caryā)
Chuyển tánh hành
Bất thối hành (anivartana-caryā)
Theo kinh Phật bổn hành tập, 1) Tự tánh hành: trước lúc chưa phát nguyện thành phật, “bổn tánh đã có, hiền lương chất trực, nghe lời cha mẹ, tin kính sa-môn và bà-la-môn, biết rõ việc nhà, tôn ti thân sơ, biết rồi cung kính, làm việc không bỏ. Đầy đủ 10 thiện rồi, lại thực hành rộng lớn các nghiệp thiện khác,” đây là chủng tánh Bồ-tát. Tuy chưa phát tâm, cũng không nhất định gặp Phật, nhưng đã thành tựu tánh cách trọng đạo đức, trọng tôn giáo, lại siêng năng làm nhiều sự nghiệp từ thiện. Đây là chủng tánh Bồ-tát đã sanh và thành tựu, cũng có thể là do tích tập căn lành, thành tựu pháp khí Bồ-tát như vậy. 2) Nguyện tánh hành: là phát nguyện mong cầu Bồ-đề vô thượng. 3) Thuận tánh hành: là giai đoạn thuận theo nguyện của chính mình, tu thành tựu 6 ba-la-mật. 4) Chuyển tánh hành: theo Đại sự là ‘thực hành không thoái lui’, chính là giai đoạn cúng dường Phật Nhiên Đăng (Dīpaṃkara), nhờ Phật thọ ký. Kinh Phật bổn hành tập nói: “như Ta cúng dường Thế tôn Nhiên Đăng, nhờ Nhân duyên đó, đọc tụng nên biết được.” Đây là nói, việc cúng dường Phật Nhiên Đăng, được Phật thọ ký, đọc tụng Phật Nhiên Đăng thọ ký ‘Nhân duyên’, thì có thể hiểu rõ. Phật Nhiên Đăng thọ ký, chính là địa vị không còn thoái lui. Cho nên ý nghĩa mà kinh Phật bổn hành tậpĐại sự đã nói là tương đồng nhau; ‘chuyển tánh hành’ mà kinh Phật bổn hành tập nói, hẳn phải là sai sót của ‘bất thối chuyển tánh’. Bốn tánh hành phân biệt ra rõ ràng địa vị thực hành của Bồ-tát – chủng tánh vị, phát tâm vị, tùy thuận tu hành vị, bất thối chuyển vị. Ba địa vị sau phù hợp với điều mà kinh Tiểu phẩm Bát-nhã đã nói.
Sự tu hành trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn, hoặc nhờ vào thời gian và số kiếp tu hành, đức Như lai mà Ngài gặp được, phân biệt giai vị tiến tu của Bồ-tát đạo. Nhưng ý kiến của các Bộ phái là những chủ trương khác nhau rất rối ren.
1) Kinh Phật bổn hành tập của Pháp tạng bộ, bắt đầu từ “đích thân gặp được 30 ức đức Phật, đều cùng một hiệu, hiệu Thích-ca Như lai,” đến “Thiện Tư Như lai” thì dừng,5 hẳn phải là địa vị ‘tự tánh hành’. Từ “Thị Hối Tràng Như lai,… vừa mới phát đạo tâm,”6 là địa vị ‘nguyện tánh hành’. “Ta nhớ lại vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp xưa,” có Đế Thích Như lai; Phật và Phật kế thừa nhau như vậy, đến Thắng Thượng Như lai, “thân Ta thảy đều cúng dường kế thừa sự nghiệp,”7 là địa vị ‘thuận tánh hành’. Gặp Phật Nhiên Đăng thọ ký; lại “trải qua a-tăng-kỳ kiếp, sẽ được làm Phật,”8 là địa vị ‘bất thối chuyển tánh’. Từ Phật Nhiên Đăng trở đi, từ Phật Nhất Thiết Thắng đến Phật Ca-diếp, tổng cộng có 14 vị Phật.9
2) Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) nói, từ khi phát tâm trở về sau, là trải qua 3 đại a-tăng-kỳ kiếp, lại qua trăm đại kiếp sẽ thành Phật, như quyển 177-178 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 891b-892c) nói:
“Thời quá khứ xa xôi, khi con người thọ 100 tuổi, có đức Phật hiệu là Thích-ca mâu-ni xuất hiện ở đời… Bấy giờ có người thợ gốm tên là Quảng Sí,… tôi nguyện đời vị lai sẽ được làm Phật… Sau khi phát nguyện này, cho đến khi gặp và hầu Bảo Kế Như lai, đó gọi là mãn a-tăng-xí-da [asaṃkhya] kiếp đầu tiên. Từ đó trở đi, cho đến gặp và hầu Nhiên Đăng Như lai, đó gọi là mãn a-tăng-xí-da kiếp thứ nhì. Lại từ đó về sau, cho đến gặp và hầu Thắng Quán (tức Tỳ-bà-thi) Như lai, đó gọi là mãn a-tăng-xí-da kiếp thứ ba. Từ đó về sau lại trải qua 91 kiếp, tu các nghiệp có đặc tính thù thắng, đến khi gặp và hầu Phật Ca-diếp-ba, mới được viên mãn.”
“Trong a-tăng-xí-da kiếp thứ nhất, gặp và hầu 75.000 vị Phật, vị đầu tiên tên Thích-ca mâu-ni, vị cuối cùng tên Bảo Kế. Trong a-tăng-xí-da kiếp thứ nhì, gặp và hầu 76.000 vị Phật, vị đầu tiên tên Bảo Kế, vị cuối cùng tên Nhiên Đăng. Trong a-tăng-xí-da kiếp thứ ba, gặp và hầu 77.000 vị Phật, vị đầu tiên tức là Nhiên Đăng, vị cuối cùng tên Thắng Quán. Ở trong 91 kiếp tu nghiệp của tướng dị thục, gặp và hầu 6 vị Phật, vị đầu tiên tức là Thắng Quán, vị sau cùng tên Ca-diếp-ba. Cần phải biết đây là căn cứ vào lời của Bồ-tát Thích-ca nói.”
Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự chép các vị Phật mà Ngài đã gặp và hầu trong 3 a-tăng-xí-da kiếp theo truyền thuyết, có một số bất đồng với lời của các Luận sư nói. Phần văn xuôi và kệ tụng của Dược sự, cũng có thêm bớt chút ít, như Phật Bảo Kế (giống với lời Luận sư) của phần văn xuôi, thì phần kệ tụng gọi là Phật Đế Thích Tràng.10 Ở đây có thể thấy, đối với truyền thuyết về Bồ-tát hành, ý kiến rối ren rất nhiều! Theo Thuyết nhất thiết hữu bộ truyền, từ Phật Nhiên Đăng trở về sau, lại trải qua 1 a-tăng-kỳ kiếp, thì phù hợp với lời kinh Phật bổn hành tập đã nói.
3) Theo Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) truyền, như kinh Phật chủng tánh nói: từ khi được Phật Nhiên Đăng thọ ký, đến Phật Ca-diếp, đã trải qua “4 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp.” Trước khi được thọ ký, không có lưu lại truyền thuyết nào. Bắt đầu từ Phật Nhiên Đăng, gặp và hầu 24 vị Phật, mới viên mãn thành Phật.11
4) Đại sự của Thuyết xuất thế bộ, nói: thời kỳ ‘tự tánh hành’, đức Thích tôn đã gặp Phật Aparājitadhvaja trong quá khứ. Thời kỳ ‘nguyện hành’, gặp Phật Thích-ca mâu-ni (Śākyamuni) quá khứ nên phát tâm, phù hợp với thuyết của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Thời kỳ ‘thuận hành’, gặp Phật Samitāvin. Thời kỳ ‘bất thối hành’, gặp Phật Nhiên Đăng nên được thọ ký.12
Theo 4 thuyết ở trên, có thể thấy đối với những kiếp đã trải qua, những vị Phật đã gặp và hầu của đức Thích tôn trong đời sống quá khứ, giữa các Bộ phái có truyền thuyết không hoàn toàn nhất trí. Tu hành qua 3 đại a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật, là truyền thuyết của Thuyết nhất thiết hữu bộ (có thể là tương đồng với Đại chúng bộ), là thuyết được các Luận sư đời sau thuộc Bắc phương sử dụng phổ biến, kỳ thật hoàn toàn không nhất định đúng như thế. Cho nên luận Đại trí độ nói như thế này: “Phật nói, Ta trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp làm các công đức là vì muốn độ chúng sanh. Vì sao nói 3 a-tăng-kỳ kiếp? Vì 3 a-tăng-kỳ kiếp là có số lượng, có giới hạn.”13 Vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, kinh Phật bổn hành tập cũng có thuyết này,14 nên đây không nhất định là thuyết do người Đại thừa sáng tạo. Lại nữa, Nhiếp Đại thừa luận thích, được dịch vào đời Lương, nói: “Có 5 hạng người tu hành viên mãn torng 3 a-tăng-kỳ kiếp; hoặc 7 a-tăng-kỳ kiếp; hoặc 33 a-tăng-kỳ kiếp.”15 Hai thuyết sau riêng chỉ có trong bản được dịch vào đời nhà Lương. Luận này nói 7 a-tăng-kỳ kiếp là “chủ trương riêng của các bộ phái khác,” “chủ trương của bộ phái khác,”16 chắc hẳn cũng là thuyết khác nhau của các bộ phái.
Giai vị tu hành của Bồ-tát, Đại thừa thành lập có nhiều địa vị [giai đoạn] thực hành. Trong Phật giáo Bộ phái cũng có thuyết Thập địa. Như kinh Tu hành bổn khởi nói: “Tích tụ vô hạn phước đức, nhiều kiếp siêng năng chịu đựng khổ nhọc, trải qua thực hành 10 địa, ở vào địa vị nhất sanh bổ xứ.”17 Kinh Thái tử Thụy Ứng bổn khởi (có khả năng thuộc Hóa địa bộ) nói: “Tu tập đạo đức, học theo ý Phật, trải qua thực hành 10 địa, ở vào địa vị nhất sanh bổ xứ.”18 Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả nói: “công hành đầy đủ, lên khỏi địa vị Thập địa, ở vào địa vị nhất sanh bổ xứ.”19 Những truyền thuyết này, không rõ thuộc bộ phái nào, đều đã nói đến Thập địa. Kinh Phật bổn hạnh tập, trong đoạn nói về ‘108 pháp minh môn, cũng nói: “trí từ địa thứ nhất đến địa thứ 10.”20 Thuyết Thập địa dường như được các bộ phái sử dụng, mặc dù nội dung không nhất định tương đồng. Đại sự, hiện đang còn của Thuyết xuất thế bộ, có thuyết Thập địa rõ ràng, 10 địa là:21
1.
Nan đăng địa (Durārohā)
2.
Kết hợp địa (Baddhamānā)
3.
Hoa trang nghiêm địa (Puṣpamaṇḍita)
4.
Minh huy địa (Rucirā)
5.
Ứng tâm địa (Cittaviatarā) 
6.
Diệu tướng cụ túc địa (Rūpavatī)
7.
Nan thắng địa (Durjayā)
8.
Sanh đản nhân duyên địa (Janmanideśa)
9.
Vương tử vị địa (Yauvarājytā)
10.
Quán đảnh địa (Abhiṣeka)
Thuyết Thập địa của Đại sự: Sơ địa là giai đoạn phàm phu mà tự giác phát tâm. Địa thứ 7 là Bất thối chuyển địa. Địa thứ 8 là Sanh đản nhân duyên, thứ 9 là Vương tử, thứ 10 là Quán đảnh, đây là lấy việc vị Luân vương dung chánh pháp cai trị nhân dân ở thế gian để ví dụ cho việc Phật dung pháp xuất thế để giáo hóa thế gian. Luân vương đản sanh, qua giai đoạn vương tử, cũng chính là đại vị thái tử, rồi sau đó được quán đảnh. Quán đảnh là nghi thức lên ngôi của quốc vương ở Ấn-độ, quán đảnh xong thì trở thành (quốc) Luân vương. Sanh đản nhân duyên của Thập địa là nhân duyên thành Phật đã viên mãn, nhất định phải đản sanh. Địa vị Vương tử là từ trời Đâu-suất giáng xuống, ra khỏi bào thai, cho đến ngồi dưới cây bồ-đề. Địa vị Quán đảnh chính là thành Phật. Thuyết Thập địa này, so với thuyết Thập trụ (địa) gồm Phát tâm, v.v., của Đại thừa, và thuyết Thập địa gồm Hoan hỉ, v.v., đều có chỗ giống nhau, đặc biệt là thuyết Thập trụ. Trụ thứ 7 là Bất thối, trụ thứ 8 là Đồng chân, trụ thứ 9 là Pháp vương tử, trụ thứ 10 là Quán đảnh – 4 trụ này, so với 4 địa sau cùng (thứ 7 – 10) của Đại sự, dù là tên gọi hay ý nghĩa, đều vô cùng gần nhau. Trụ thứ nhất là Phát tâm cũng tương đương với địa thứ nhất là Nan đăng. Thuyết Thập địa của Đại sự và thuyết Thập trụ của Đại thừa có mối quan hệ rất mật thiết. Thập địa gồm Hoan hỉ, v.v., tuy tên gọi bất đồng, nhưng địa thứ 5 là Nan thắng (Sudurjayā), thì gần gũi với địa thứ 7 là Nan thắng (Durjayā); địa thứ 10 là Pháp vân địa, kinh nói 10 phương chư Phật phóng quang quán đảnh cho Bồ-tát,22 cũng bảo tồn nghĩa cổ quán đảnh ở sau cùng. Thuyết Thập địa của Bộ phái, giữa bộ này và bộ kia chủ trương không nhất định phù hợp với nhau, nhưng căn cứ theo thuyết Thập địa của Đại sự, thì cũng đủ để nhận ra mối quan hệ của nó với địa vị [giai đoạn] thực hành của Bồ-tát Đại thừa.

Mục 3. Bồ-tát hành – ba-la-mật-đa

Sự tu hành trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn, tuy phân loại của các Bộ phái không nhất trí, nhưng đều gọi là ba-la-mật-đa, hoặc dịch gọn là ‘ba-la-mật’. Ba-la-mật-đa (pāramitā), dịch nghĩa là ‘độ’ [vượt qua], ‘đáo bỉ ngạn’ [qua đến bờ kia]. Luận Đại trí độ nói: “Hoàn thành công việc, cũng gọi là ‘đáo bỉ ngạn.’” Phần phụ chú nói: “Theo tục lệ của người Thiên Trúc, hễ hoàn thành xong việc gì, đều nói là ‘đáo bỉ ngạn.’”1 Trong tập quán sử dụng ngôn ngữ, ba-la-mật-đa có ý nghĩa là ‘rốt ráo’, ‘hoàn thành’. Như kinh Bất đoạn trong Trung bộ, xưng tán ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra) là người có khả năng đạt được tự tại, đạt được rốt ráo đối với giới, định, tuệ, giải thoát;”2 đạt được rốt ráo chính là dịch nghĩa của pāramīpatta. Cho nên, ba-la-mật-đa là từ có thể dùng chỉ cho quả vị. Đây là con đường thật tiễn mà do tu hành được thành tựu, từ nơi này đến nơi kia, cũng được gọi là ba-la-mật-đa, là ‘do cái nhân mà có được cái tên của quả’. Đây là từ gọi chung cho khả năng đạt đến sự rốt ráo, trở thành sự thực hành của Bồ-tát.
Sự thực hành ba-la-mật-đa của Bồ-tát, về phương diện phân loại, ý kiến của các Bộ phái cũng là bất nhất, như quyển 178 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 892a-b) nói:
“Như nói Bồ-tát trải qua 3 a-tăng-xí-da kiếp tu được viên mãn 4 ba-la-mật, gồm thí ba-la-mật-đa, giới ba-la-mật-đa, tinh tấn ba-la-mật-đa, bát-nhã ba-la-mật-đa… Sư ngoại quốc nói: có 6 ba-la-mật-đa, gồm 4 thứ ở trước, thêm nhẫn, tĩnh lự. Các Luận sư ở nước Ca-thấp-di-la nói: 2 ba-la-mật-đa sau thì đã được bao hàm trong 4 thứ trước… Lại có thuyết 6 ba-la-mật-đa khác, đó là 4 thứ trước, cọng thêm văn [học hỏi] và nhẫn.”
Luận sư ở Ca-thấp-di-la (Kaśmīra) là Tỳ-bà-sa sư (Vibhāṣā) của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), lập nên 4 ba-la mật-đa – thí, giới, tinh tấn, bát-nhã. ‘Sư ngoại quốc’, xét trên mặt tên gọi, là các sư ngoại quốc ở ngoài Ca-thấp-di-la. Nhưng theo những gì thấy được trong luận Đại tỳ-bà-sa, trên mặt tư tưởng, sư ngoại quốc và ‘sư ở phương Tây’, ‘sư ở Kiền-đà-la (Gandhāra), đại để gần nhau.3 Cho nên sư ngoại quốc là từ chỉ chung cho Phật giáo thuộc khu vực Kế-tân cổ đại. Sư ngoại quốc lập nên 6 ba-la-mật-đa – thí, giới, nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát-nhã. Trong Bộ phái, kinh Phật bổn hành tập của Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) lưu hành ở Kế-tân, phẩm Đa Phật của Đại sự thuộc Xuất thế bộ (Lokottaravādin) ở Phạm-diễn-na (Bāmiyān), kinh Tu hành bổn khởi không rõ thuộc Bộ phái nào, đều nói đến 6 ba-la-mật-đa.4 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da Tạp sự nói: “Tu hành viên mãn 6 ba-la-mật,”5 do là Luật sư của Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ nói. Phẩm Tự của kinh Tăng nhất A-hàm nói: “Bậc tôn quý của loài người đã thuyết 6 độ vô cực,”6 truyền thuyết nói đây là thuyết của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika). Sáu ba-la-mật-đa là thuyết được thông dung trong đa số các Bộ phái, cho nên Phật pháp Đại thừa hưng khởi, cũng lập nên 6 ba-la-mật-đa. Thuyết 6 ba-la-mật-đa của một bộ phái khác, là: thí, giới, văn, nhẫn, tinh tấn, bát-nhã. Sự thực hành ba-la-mật-đa của Bồ-tát, thì không lập nên thiền (tĩnh lự) ba-la-mật-đa, tương đồng với Luận sư ở Ca-thấp-di-la, đây là điều cần được chú ý.
Theo Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) truyền: Giác Âm (Buddhaghoṣa) đã dẫn bài tụng Phật chủng tánh, lập nên 10 ba-la-mật-đa: thí, giới, xuất ly, trí huệ, tinh tấn, nhẫn, chân đế, quyết định, từ, xả.7 Nhưng trong Thí dụ của Tiểu bộ, Phật thí dụ và phần tương đương với nó, là từ bài tụng 69 – 72, dường như không có nói đến trí huệ. ‘Sự giác ngộ vô thượng’ ở trong kinh văn, là quả chứng viên mãn về ba-la-mật-đa, không thuộc sự thực hành nhân. Trong bài tụng nói: “thực hành chân đế gia trì, đầy đủ chân đế ba-la-mật.”8 Gia trì (adhiṭṭhāna) tức là ‘chân đế quyết định’ – cách dịch khác của ‘quyết định’. Theo văn này, thì gia trì (quyết định) có thể lìa chân đế để đứng riêng được hay không! Sở hành tạng chia thành 3 đoạn – thí, giới, xuất ly, v.v., trong đoạn xuất ly đã đề cập đến xuất ly, quyết định, chân thật, từ bi, xả - 7 ba-la-mật. Nhưng trong phần bài tụng tóm tắt [Nhiếp tụng], lại đề cập đến nhẫn ba-la-mật, nên không phù hợp với 10 ba-la-mật.9 Nghĩa xưa nhất của Đồng diệp bộ, rốt cục lập nên bao nhiêu ba-la-mật-đa, dường như hoàn toàn không có kết luận rõ ràng. Nhân đó lien hệ đến bài tụng đầu của Phật thí dụ nói: “đầy đủ 30 ba-la-mật-đa.”10 ‘Ba mươi’, không biết có nghĩa là gì! Có lẽ là ban đầu nói 30 ba-la-mật-đa, sau đó lại thành lập nên 10 ba-la-mật-đa. Thuyết ‘30 ba-la-mật-đa’ do người đời sau tổng hợp, rồi đặt ở phần trước nhất của Phật thí dụ chăng! Ba-la-mật-đa do Đồng diệp bộ truyền, có ‘chân đế gia trì’, đây là điều có liên quan đến ‘lời chân thật [chân ngữ]’. Hoặc có trí, hoặc không có trí, giống như vậy, đều không có thiền định, thì phù hợp với Luận sư ở Ca- thấp-di-la.
Chuyện trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn – nội dung của Bổn sanh và Thí dụ, tuyển chọn phân loại thêm, được gọi là ba-la-mật-đa, có hoặc 4, hoặc 6, hoặc 8, hoặc 10. Tên và số lượng của ba-la-mật-đa, tuy có bất đồng, nhưng đều là rút ra từ Bổn sanh hoặc Thí dụ trong truyền thuyết. Dựa vào những gì được đức Thích tôn thực hành rồi khái quát hóa, trở thành ba-la-mật-đa mà tất cả Bồ-tát đều thực hành chung. Thuyết do Đồng diệp bộ truyền (8 ba-la-mật), vốn không có bát-nhã ba-la-mật-đa, đây là điểm rất có ý nghĩa. Bởi vì bát-nhã là thứ thuộc sự chứng ngộ, nếu như Bồ-tát mà có trí huệ thì vị ấy sẽ phải đã chứng nhập vào thực tế. Cho nên bồ-đề vô thượng là cái quả chứng được, chứ không phải là ba-la-mật thuộc thực hành. Nhưng Phật giáo tại khu vực Kế-tân, thông thường đều công nhận bát-nhã là ba-la-mật-đa. Những sự thực hành của đức Thích tôn trong đời sống quá khứ, đều là bát-nhã ba-la-mật-đa chăng? Luận Đại tỳ-bà-sa nói: “Bồ-tát tên Cù-tần-đà, tinh chuyên cầu đạt bồ-đề, thông minh trí huệ đệ nhất, lý luận vô địch, người đời đều khen ngợi, kính ngưỡng.”11 Cù-tần-đà (Govinda) là Đại Điển-tôn trong kinh Trường A-hàm.12 Nhưng Căn Hữu luật Dược sự lại nói khác: “Xưa có vị đại thần tên là Dược Vật, do khẩu nghiệp luôn nói những lời chân thật, nên khi cùng hùng biện với Phạm-chí Ngưu Xuất, được đầy đủ bát-nhã ba-la-mật.”13 Chuyện mà luật Căn Hữu đã nói, là chuyện của Đại Dược.14 Hai chuyện này đều chỉ là sự thông minh của thế tục, khác với bát-nhã do thể ngộ có được. Trừ hệ chủ trương 6 ba-la-mật-đa ra, giới Phật giáo đa số không lập nên thiền ba-la-mật-đa. Kinh Lục độ tập do Khương Tăng-hội dịch, đã nêu ra Thiền độ vô cực, gồm 9 chương. ‘Đắc pháp thiền,’ ‘tỳ-kheo đắc thiền.’ ‘Bồ-tát đắc thiền’ – 3 chương, đều là giải thích, không có Bổn sanh hoặc Thí dụ. Thái tử đắc thiền – 3 chương, Phật đắc thiền, đều là chuyện trong đời sống sau cùng của đức Thích tôn. Chuyện Bổn sanh của Bồ-tát Thường Bi là trích dẫn kinh Bát-nhã, giải thích thành Bổn sanh của đức Thích tôn, cũng không phù hợp với lời kinh nói.Ý nghĩa này, Thiền độ vô cực – 9 chương, chỉ có chuyện Bổn sanh của Phạm-chí Na-lại, có thể nói đó là những việc làm trong đời sống quá khứ. Trong Bổn sanh và Bổn sự của đức Thích tôn, đương nhiên có tu thiền, nhưng thiền định mang phong cách ẩn dật hành thiện cho riêng mình, không thể biểu hiện tinh thần cầu đạo vô thượng của Bồ-tát. Cho nên Bồ-tát theo truyền thuyết của Phật giáo Bộ phái là không trọng thiền định. Theo quan điểm của các học giả Thanh văn, Bồ-tát là người “không tu thiền định, không đoạn phiền não.”15 Kinh Tiểu phẩm Bát-nhã cũng nói: Bồ-tát không nhập vào thiền định sâu,16 bởi vì khi nhập vào thiền định sâu thì có khả năng bị thoái lui trở thành quả của Thanh văn. Bồ-tát thuộc (Nguyên thỉ) theo Phật giáo Bộ phái truyền, hoặc không trọng bát-nhã, hoặc không trọng thiền định. Tông Thiên Thai gọi đó là ‘vị Bồ-tát tuân theo 6 độ,” là tên gọi rất thích đáng! Bồ-tát theo truyền thuyết vào thời đại ấy, đích xác là từ những sự thật trong thật tiễn để tu Bồ-tát hành!
Ba-la-mật-đa, được lưu truyền phổ biến nhất, là 6 ba-la-mật-đa. Khi Phật pháp Đại thừa hưng khởi, có kinh Lục ba-la-mật,17 hầu như là giáo điển có cùng tính chất với kinh Lục độ tập. Từ trong Bổn sanh và Thí dụ về đức Thích tôn, tuyển chọn một số chuyện, căn cứ theo 6 ba-la-mật nên biên tập thành 6 loại, làm thành mô phạm cho hành giả Bồ-tát thật hành 6 ba-la-mật-đa – Bồ-tát đạo, là một trong các kinh Đại thừa sớm nhất.

Mục 4. Thân phận của Bồ-tát

Trong đời sống quá khứ, đức Thế tôn còn ở trong sự xoay vần của sanh tử. Trải qua thời gian lâu xa, tu hành đời này sang đời khác, rốt cục bấy giờ Ngài dùng than phận gì để tu Bồ-tát đạo? Theo Phật giáo Bắc phương, trong Bổn sanh và Bổn sự của đức Thích tôn không có lưu lại sự biên tập hoàn chỉnh. Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) thuộc Nam truyền đã tổng kết được 547 chuyện Bổn sanh của đức Thích tôn. Căn cứ vào Bổn sanh để phân biệt nhân vật chính của mỗi chuyện Bổn sanh – thân phận đời trước của đức Thích tôn, thì có thể biết rõ thân phận khác nhau của người tu Bồ-tát đạo. Trong Lời tựa của Đại thừa Phật giáo thành lập luận, có phụ thêm bảng thống kê về thân phận khác nhau của Bồ-tát trong Bổn sanh, nay trích dẫn tóm lượt như sau:1
Thiên thần: Đại Phạm thiên (4 truyện), Đế Thích (20 truyện), thần cây (21 truyện), thần sống trên cây thương khô (1 truyện), thần sống trên cây niṃba (1 truyện), thần sống trên cây lựu (1 truyện), thần sống trên cây dạng ống (1 truyện), thần biển (3 truyện), vị thần sống nơi hư không (1 truyện), thiên vương (3 truyện), thiên tử (6 truyện), thiên thần (6 truyện), Kinnara (loài khẩn-na-la, 1 truyện).
Tôn giáo sư: người tu khổ hạnh (60 truyện), người theo phái du hành (4 truyện), người theo phái tà mạng (1 truyện), người xuất gia (2 truyện), vị thầy lãnh đạo giáo đoàn (13 truyện), vị thầy (18 truyện), đệ tử (2 truyện), vị thầy Bà-la-môn (2 truyện), người bà-la-môn (17 truyện), vị thầy cúng (15 truyện), bậc Hiền giả (26 truyện).
Vua quan: vua (57 truyện), Narinda (1 truyện), vương tử (18 truyện), cháu vua (1 truyện), vua Tắc-ca-thọ (1 truyện), đại thần (27 truyện), quan tư pháp (1).
Bình dân: trưởng giả (23 truyện), người giàu có (2 truyện), người có gia sản (2 truyện), địa chủ (1 truyện), thương nhân (4 truyện), người chủ đội thương gia (7 truyện), người buôn lúa (2 truyện), người chọn ngựa (1 truyện), người làm tóc (1 truyện), người thợ giỏi (1 truyện), người thợ gốm (1 truyện), người thợ rèn (1 truyện), nông dân (2 truyện), người đẽo đá (1 truyện), thầy thuốc (1 truyện), người huấn luyện voi (1 truyện), con của người hầu (1 truyện), ca sỹ (1 truyện), người đánh trống (1 truyện), người thổi vỏ ốc (1 truyện), người già (1 truyện), người thẩm giá trị của 1 vật nào đó (1 truyện), chiên-đà-la (5 truyện), kẻ trộm (2 truyện), người thầy lừa dối (1 truyện), đứa con do người phụ nữa trong đội thương nhân sanh (1 truyện), đứa con do người bà-la-môn và dạ-xoa sanh ra (1 truyện), đệ tử (1 truyện).
Bàng sanh: vua vượn (8 truyện), vượn (2 truyện), nai (9 truyện), sư tử (10 truyện), kuraṅgamṛga (2 truyện), voi chúa (3 truyện), voi (1 truyện), chó sói (2 truyện), long tượng (7 truyện), voi (1 truyện), ngựa (2 truyện), tuấn mã (2 truyện), bò (4 truyện), trâu (1 truyện), chó (1 truyện), thỏ (1 truyện), heo (1 truyện), mūsika (2 truyện), chim (6 truyện), ngỗng trắng (6 truyện), suka (6 truyện), chim gáy (6 truyện), vaṭṭaka (4 truyện), lāpa (1 truyện), gijjha (4 truyện), chim khổng tước (3 truyện), ngỗng đỏ (2 truyện), tittira (2 truyện), kāka (2 truyện), suva (2 truyện), kim súy điểu (2 truyện), ngỗng vàng (2 truyện), chim trắng (1 truyện), chim có sừng (1 truyện), chim nước (1 truyện), rukkhakoṭṭhasakuṇa (1 truyện), kuṇāla (1 truyện), godha (3 truyện), con ếch xanh (1 truyện), cá (3 truyện).
Từ những nhân vật chính của Bổn sanh mà ta đã thấy ở bảng thống kê trên, có thể hiểu rõ được đặc tính của nền văn minh Ấn-độ đương thời. Tôn giáo sư chiếm một phần thứ yếu trong 3 phần, bậc tu khổ hạnh tổng cộng gồm 60 người, đây là sự phản ánh về giới tôn giáo của Ấn-độ. Bà-la-môn thì không nhiều. Ngoài nhân loại ra, thiên thần (thần cây, v.v., là thuộc về cõi quỉ) trong tín ngưỡng dân gian, vẫn còn giữ lại nét sống động của truyền thuyết cổ đại. Nếu như dựa vào sự thuật lại của hình thức văn tự để bàn, thì tu Bồ-tát đạo, có thể là người, có thể là quỉ thần, cũng có thể là cầm thú. Hạng người (chúng xuất gia cũng ở trong đó) do vì sùng kính vô hạn đối với đức Thích tôn, đã tìm hiểu và phát hiện ra các việc làm to lớn của đức Thích tôn trong đời sống quá khứ, nên sản sinh ra Bổn sanh và Thí dụ (người, thiên thần, chim, thú) như vậy, trở thành phổ cập Phật giáo thông tục bình thường. Tăng-già Phật giáo theo truyền thống, đã truyền thừa Kinh, Luật theo hình thức xưa nhất của nó, và nghiên cứu A-tý-đạt-ma. Nếu như quán triệt phương châm “Lời mà các truyền thuyết nói, có thể đúng hoặc không đúng,”2 thì từ ngụ ý của Bổn sanh để xiển minh các việc làm to lớn của Bồ-tát, khai triển về niềm tin Đại thừa Phật pháp, sẽ càng bình dị hơn. Nhưng trong truyền thuyết của Phật giáo thông thường, hàng Thí dụ sư mà hoằng hóa theo thông tục, cũng trích dẫn các câu chuyện Bổn sanh để làm đề tài giáo hóa. Tăng đoàn mất đi lực lượng chỉ đạo và giải thích, đã chịu ảnh hưởng của sự thông tục hóa phổ biến ấy, nên ngược lại, xem chúng là sự thật để rồi tiếp thu những truyền thuyết này (chim, thú, v.v.). Đối với tư tưởng Bồ-tát Đại thừa hưng khởi vào đời sau, có sự ảnh hưởng rất sâu sắc. Như 'thiện tri thức' mà ta thấy trong phẩm Nhập Pháp giới của kinh Hoa nghiêm, thì có:
Bồ-tát (6 vị).
Đại thiên (1 vị), địa thần (1 vị); Dạ [-ma] thiên (8 vị), viên mãn thiên (1 vị).
Tỳ-kheo (5 vị), tỳ-kheo-ni (1 vị), tiên nhân (1 vị), ngoại đạo (1 vị), bà-la-môn (2 vị), vua (2 vị), thầy thuốc (1 vị), người lái thuyền (1 vị), trưởng giả (11 vị), ưu-bà-di (4 vị), đồng tử (4 vị), đồng nữ (3 vị), phụ nữ (2 vị).
Bồ-tát là thiên (thần) chiếm thành phần rất lớn. Không có Bồ-tát là bàng sanh, rốt cục là do sự tiến bộ của thời đại.
Bồ-tát trong Bổn sanh, Thí dụ, luôn luôn xuất hiện vào thời đại không có Phật pháp, cho nên không nhất định phải có hình thức tin Phật. Ngoại đạo, tiên nhân cũng có thể là Bồ-tát, đây là điều mà Bổn sanh đã cho thấy rõ ràng. Bồ-tát thì khó được, vĩ đại, luôn luôn là cá nhân, nên phong cách Bồ-tát ít nhiều có mang khuynh hướng cá nhân, tự do, không có truyền thống đặc tính quá chú trọng cuộc sống tập thể của Phật giáo truyền thống. Như vậy, đối với Phật pháp Đại thừa, đều sẽ cho nó mức độ ảnh hưởng nhất định.

Mục 5. Bồ-tát bình dị và lý tưởng

Lòng tôn sùng và kính ngưỡng sự vĩ đại của đức Thích tôn đã dẫn đến phát sanh tư tưởng về các việc làm to lớn trong đời sống quá khứ của đức Thích tôn, theo đó, hình thức Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên đã từ trong giới Phật giáo lưu truyền ra. Đây là truyền thuyết của Phật giáo (tại gia và xuất gia) thông thường, nhưng đã nhanh chóng nhận được sự thừa nhận phổ biến trong các Bộ phái. Lần lượt truyền lại cho nhau, tuy không biết là nói ở đâu, nói cho ai, nhưng đều thừa nhận là do Phật thuyết. Những việc làm trong đời sống quá khứ này của đức Thích tôn được các Bộ phái tiếp thu và công nhận thì không thể chỉ là truyền thuyết. Những người luận về pháp (Dharmakathika), những nhà A-tỳ-đạt-ma (Abhidharmika) đương nhiên phải nghiên cứu thêm, thâu nạp vào hệ thống pháp nghĩa của tông mình. Do vậy xác định hạng mục tu hành - ba-la-mật-đa của Bồ-tát có bao nhiêu loại; từ khi phát nguyện đến thành Phật, trải qua thời gian bao lâu, bao nhiêu giai vị. Và điều tối quan trọng, Bồ-tát là dị sanh (pṛthagjana) - phàm phu, cũng còn có Thánh giả. Trong Bộ phái, có quan điểm khác nhau giữa hai phái, như Dị bộ tông luân luận (T. 49, tr. 16a-c) nói:
“Thuyết nhất thiết hữu bộ có cùng quan điểm với tông phái gốc của mình: …Phải khẳng định rằng Bồ-tát vẫn là dị sanh. Khi chưa đoạn các kết, nếu chưa nhập vào chánh tánh ly sanh, ở địa vị dị sanh thì chưa được gọi là siêu việt.”
“Tuyết sơn bộ ấy có cùng quan điểm với tông phái gốc của mình: nghĩa là, các Bồ-tát vẫn còn là dị sanh.”
Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), Tuyết sơn bộ (Haimavata), còn có Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya) cho rằng Bồ-tát cho đến khi ngồi dưới cây bồ-đề, vẫn là dị sanh. Vì sao là dị sanh? Ở trong Bổn sanh của Bồ-tát, nói Ngài hoặc làm thần cây, v.v., thuộc cõi quỉ, hoặc làm chim, thú, v.v., thuộc cõi bàng sanh, nhưng Thánh giả thì sẽ không sanh trong các cõi xấu này. Vả lại, Bồ-tát Thích-ca trong hiện thực từng có cưới vợ, sanh con. Sau khi xuất gia, Ngài tu học theo ngoại đạo, tu khổ hạnh trường kỳ hết 6 năm. Dưới cây bồ-đề, Ngài còn khởi tham, nhuế-si - 3 loại tầm bất thiện, có thể thấy Ngài không có đoạn phiền não, không phải là hình thức Thánh giả. Cho nên Bồ-tát nhất định là dị sanh, cho đến khi một niệm nhanh chóng chứng đắc Bồ-đề vô thượng, mới trở thành bậc Đại Thánh Phật-đà. Đây là quan niệm về Bồ-tát của hệ Thượng tọa bộ (Sthavira).
Về phương diện Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), như kiến giải của phái An-đạt-la (Andhraka) mà Luận sự đã tường thuật,1 nói:
“Nhờ lời dạy của Phật Ca-diếp, Bồ-tát đã nhập vào quyết định.”
“Bồ-tát nhân vì có khả năng hành động theo ý muốn một cách tự tại nên đi vào đọa xứ, vào thai mẹ, theo các vị thầy khác tu tập các khổ hạnh khó hành của họ.”
Phái An-đạt-la là tên gọi chung của Vương Sơn (Rājagiriya), Nghĩa Thành (Siddhattha), Đông Sơn Trụ (Pūrvaśaila), Tây Sơn Trụ (Aparaśaila) – 4 bộ, là những bộ phái tách ra từ Đại chúng bộ thuộc Nam Ấn-độ. Bốn phái này đều cho rằng: vào đời quá khứ, đức Thích tôn nghe được lời dạy của Phật Ca-diếp (Kāśyapa) mà nhập vào ‘quyết định’ (nyāma). Luận sự phê bình và bác bỏ quan điểm về việc Bồ-tát nghe Phật Ca-diếp thuyết pháp nên được chứng nhập; nhập ‘quyết định’ chính là chứng nhập ‘ly sanh’, nếu như lúc ấy đã nhập vào quyết định thì bấy giờ đức Thích tôn hẳn phải là bậc Thánh giả rồi! Phái An-đạt-la cho rằng Bồ-tát thì có khi trường hợp là Thánh giả, cho nên nói: “Bồ-tát nhân vì có khả năng hành động theo ý muốn một cách tự tại… các khổ hạnh của họ.” Đi vào đọa xứ là trong quỉ thần, bàng sanh thuộc cõi xấu. Từ các vị thầy khác tu các khổ hạnh khó thực hành, chính là sự thực hành của Bồ-tát Thích-ca. Sự đi vào cõi xấu, vào thai mẹ, theo ngoại đạo tu hành của Bồ-tát, không phải là do sự sai sử của phiền não hay hoặc nghiệp, mà là ‘hành động theo ý muốn một cách tự tại’ của Bồ-tát – tùy theo ý nguyện và mong muốn của chính mình mà thực hành. Điểm này phù hợp với thuyết của Đại chúng bộ, v.v., mà Dị bộ tông luân luận đã tường thuật, như luận này (T. 49, tr. 15c) nói:
“[1] Tất cả Bồ-tát khi đi vào thai mẹ đều không chấp thọ yết-lặc-lam [kalala], át-bộ-đàm [arbuda], bế-thi [peśī], kiện-nam [ghana] làm tự thể. [2] Tất cả Bồ-tát khi vào thai mẹ đều làm hình tượng voi trắng. [3] Tất cả Bồ-tát khi ra khỏi thai mẹ đều sanh từ hông bên phải. [4] Tất cả Bồ-tát đều không khởi lên cái tưởng mang tánh dục, cái tưởng mang tánh nhuế, cái tưởng mang tánh hại. Bồ-tát vì muốn làm lợi ích cho hữu tình,… tùy ý thường qua lại.”
Bốn đặc điểm trên là của Bồ-tát có thân cuối cùng. Tất cả Bồ-tát có thân sau cùng mặc dầu đi vào thai mẹ nhưng không lấy tinh cha huyết mẹ, v.v., làm tự thể. Từ hông bên phải sanh ra là nói rõ sự thanh tịnh của thân Bồ-tát. Bồ-tát sẽ không khởi lên 3 thứ tưởng xấu. Theo ngoại đạo để tu học, tu khổ hạnh, đều không phải là do vô tri, tà kiến, mà là tự nguyện thực hành như vậy. Sự sanh ra trong cõi quỉ thần hoặc cõi bàng sanh của Bồ-tát, đó là do nguyện lực – ‘hành động theo ý muốn một cách tự tại’ mà sanh, không phải là bị nghiệp lực dắt dẫn. Từ 2 quan niệm khác nhau về Bồ-tát ở trên, thì hệ Thượng tọa bộ xem Bồ-tát Thích-ca hiện thật làm gốc để luận đến sự nghiệp của Bồ-tát trong truyền thuyết. Hệ Đại chúng bộ thì lấy Bồ-tát thuộc quỉ thần (thiên) và bàng sanh trong Bổn sanh và Thí dụ làm chủ, rồi suy luận đó là do tùy nguyện lực mà sanh, điều này đã sung mãn đặc tính của lý tưởng thuộc thần bí.
Đại đức Pháp Cứu (Bhadanta-Dharmatrāta) là người ‘trì kinh thí dụ’ của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Bài tựa của kinh Xuất diệu tôn xưng vị ấy là “Bồ-tát Pháp Cứu.”2 Kế thừa học phong của Pháp Cứu là tác giả của Tôn Bà-tu-mật Bồ-tát sở tập luận – Bồ-tát Bà-tu-mật (Vasumitra). So với luận Phát trí thì Pháp Cứu hầu như trễ hơn nhiều, ước chừng vào giữa nhưng thế kỷ 1 B.C. - 2 A.D.3 Pháp Cứu là người thuộc ‘trì kinh thí dụ’, là một trong 4 đại sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ, đối với quan niệm về Bồ-tát, lại có kiến giải gần với hệ Đại chúng bộ, như quyển 8 của Tôn Bà-tu-mật Bồ-tát sở tập luận (T. 28, tr. 779c) nói:
“Tôn Đàm-ma-đa-la (Pháp Cứu) nói như thế này: (Vị Bồ-tát đọa vào ác đạo), đây là lời phỉ bang. Bồ-tát theo phương tiện, không đọa vào cõi ác. Từ khi Bồ-tát phát ý trở về sau, cầu ngồi nơi đạo tràng, từ đó về sau, không đi vào nê-lê, không đi vào súc sanh, ngạ quỉ, không hạ sanh vào trong nơi bần cùng đi chân trần. Vì sao vậy? Trí tuệ có do tu hành thì không thể bị tiêu hoại. Lại nữa, Bồ-tát phát ý thì đạt được 3 pháp không thoái lui: dũng mãnh, ưa thích bố thí, trí huệ, cho nên sự ích lợi theo đó tăng lên, vì vậy cần phải biết rằng Bồ-tát không đọa vào pháp ác.”
Theo ý kiến của Pháp Cứu, Bồ-tát từ khi phát tâm trở về sau sẽ không đọa vào 3 cõi ác, nên nếu như nói Bồ-tát đọa vào 3 cõi ác thì đó là sự phỉ báng đối với Bồ-tát. Vì sao không thể đọa vào cõi ác? Đây là do vì ‘trí huệ (bát-nhã) của Bồ-tát không thể bị tiêu hoại.’ Chính như lời mà kinh Tạp A-hàm đã nói: “Giả sử ở thế gian có người có chánh kiến tăng thượng thì tuy sanh trở lại trăm nghìn lần, trọn không đọa vào cõi ác.”4 Trong Bổn sanh, hoặc nói Bồ-tát là quỉ thần, hoặc nói là chim thú, đây không phải là do đọa vào, mà là “phương tiện của Bồ-tát,” thị hiện phương tiện khi Bồ-tát nhập vào địa vị Thánh trở về sau. Điều này so với phái An-đạt-la nêu “chuyện Bổn sanh về voi trắng 6 ngà,” nói đó là Bồ-tát ‘thực hành theo ý muốn một cách tự tại’, là cùng một ý nghĩa. Luận Đại trí độ cũng nêu ra “chuyện Bổn sanh về voi trắng 6 ngà” (và chuyện Bổn sanh về chim, vượn, voi) nói: “Cần phải biết rằng con voi này chẳng phải là hành báo của súc sanh, trong pháp A-la-hán đều không có tâm này, cần phải biết đây là Pháp thân Bồ-tát.”5 Sự thị hiện bằng phương tiện của Pháp thân Bồ-tát, sanh vào cõi ác, là có nguồn gốc sâu xa từ hệ Đại chúng bộ và ‘Trì kinh thí dụ sư’ của phương Bắc. Pháp Cứu vô cùng xem trọng tác dụng của bát-nhã, như nói: Bồ-tát “vì muốn tu nhiều bát-la-nhã nên tâm không muốn nhập trong diệt tận định… Thuyết này là nói Bồ-tát khi chưa nhập vào địa vị Thánh.”6  Bồ-tát, trong địa vị phàm phu, trọng bát-nhã nên không trọng định sâu (đợi cho đến khi công đức thành tựu, định huệ đều bình đẳng – địa thứ 7, thì tiến vào địa vị Thánh không còn thoái chuyển), là minh chứng cho việc Bồ-tát tu hành 6 ba-la-mật-đa nên lấy bát-nhã làm người dẫn đường. Đây mới có khả năng trôi lăn lâu dài trong sanh tử qua 3 đại a-tăng-kỳ kiếp, hoặc vô lượng vô số kiếp, tu Phật đạo, độ chúng sanh.  Nếu như căn cứ vào quan điểm của các Luận sư Thượng tọa bộ, trọng thị nghiệp lực mà không trọng sự vượt trội của bát-nhã và nguyện lực, bấy giờ luôn luôn ưu tư về sự đọa lạc, thì vị ấy có khả năng trải qua nhiều kiếp tu tập Bồ-tát đạo vậy!



1 Tương ưng bộ, Duyên khởi tương ưng, Nam truyền 13, tr. 6-15.
2 Tạp A-hàm kinh 15, T. 2, tr. 101a-b.
3 Trung A-hàm kinh 17, Trường Thọ vương bổn khởi kinh, T. 1, tr. 536c; q. 18, Thiên kinh, tr. 539b; q. 25, Niệm kinh, tr. 589a; q. 56, La-ma kinh, tr. 776a.
4 Trung bộ, (128) Tùy phiền não kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 200. Tăng chi bộ, Phẩm 8 pháp, Nam truyền 21, tr. 241. Trung bộ, (19) Song khảo kinh, Nam truyền 9, tr. 206. Trung bộ, (26) Thánh cầu kinh, Nam truyền 9, tr. 294.
5 Trường A-hàm kinh 1, Đại bổn kinh, T. 1, tr. 3c.
6 Can Tích Long Tường [Hikata Ryūshō], Bổn sanh kinh loại tư tưởng sử chi nghiên cứu, tr. 66-67.
7 Trung A-hàm kinh 13, Thuyết bổn kinh, T. 1, tr. 509c-510c.
8 Trường bộ, (26) Chuyển luân Thánh vương sư tử hống kinh, Nam truyền 8, tr. 92-94.
9 Trường A-hàm kinh 6, Chuyển luân Thánh vương tu hành kinh, T. 1, tr. 41c-42b.
10 Tứ phần luật 31, T. 22, tr. 784a-785c. Tăng nhất A-hàm kinh 11, T. 2, tr. 597b-599c. Phật bổn hành tập kinh 3, T. 3, tr. 665a-666b.
11 Quá khứ hiện tại nhân quả kinh 1, T. 3, tr. 620c.
12 Tu hành bổn khởi kinh, T. 3, tr. 461c.
13 Tứ phần luật 31, T. 22, tr. 779b-786c.
14 Luận sự, Nam truyền 57, tr. 363-371.
15 Diệu pháp liên hoa kinh 1, T. 9, tr. 3c.
16 Tạp A-hàm kinh 30, T. 2, tr. 215c. Tương ưng bộ, Dự lưu tương ưng, Nam truyền 16 hạ, tr. 245.
17 Bình Xuyên Chương, Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi nghiên cứu, tr. 181-182.
18 Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh 411, T. 7, tr. 60a-61a.
19 Thành Duy thức luận 3, T. 31, tr. 15a, dẫn kinh. Lời của kinh này vốn rút ra từ Luật bộ, biên tập vào Tăng nhất A-hàm.
1 Thất vạn thất thiên Bổn sanh chư kinh [77.000 kinh Bổn sanh], xin xem: Phó Pháp tạng nhân duyên truyện 2, T. 50, tr. 304c.
2 Đại Đường Tây Vực ký 1, T. 51, tr. 873b.
3 Vọng Nguyệt Phật giáo đại từ điển, tr. 4674.
4 Phật bổn hành tập kinh 1, T. 3, tr. 656c. Đại sự - Mahāvastu, V01.I., pp.1.46-63. 
5 Phật bổn hành tập kinh 1, T. 3, tr. 655c-656b.
6 Phật bổn hành tập kinh 1, T. 3, tr. 656b.
7 Phật bổn hành tập kinh 1-2, T. 3, tr. 657a-659b.
8 Phật bổn hành tập kinh 4, T. 3, tr. 668b.
9 Phật bổn hành tập kinh 4, T. 3, tr. 669a-672a.
10 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 15, T. 24, tr. 73b, 74a-75a.
11 Phật chủng tánh kinh, Nam truyền 41, tr. 219 trở đi.
12 Đại sự - Mahāvastu,Vo1.I., pp.1.46-63.
13 Đại trí độ luận 4, T. 25, tr. 92b.
14 Phật bổn hành tập kinh 1, T. 3, tr. 657a.
15 Nhiếp Đại thừa luận thích 11, T. 31, tr. 229b.
16 Nhiếp Đại thừa luận thích 11, T. 31, tr. 230a-c.
17 Tu hành bổn khởi kinh, q. thượng, T. 3, tr. 463a.
18 Thái tử Thụy Ứng bổn khởi kinh, q. thượng, T. 3, tr. 473b.
19 Quá khứ hiện tại nhân quả kinh 1, T. 3, tr. 623a.
20 Phật bổn hành tập kinh 6, T. 3, tr. 682b.
21 Đại sự - Mahāvastu, Vol.I., pp.76. 
22 Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh 27, T. 9, tr. 572b.
1 Đại trí độ luận 12, T. 25, tr. 145b.
2 Trung bộ, (111) Bất đoạn kinh, Nam truyền 11 hạ, tr. 7.
3 Xin xem tác phẩm của tôi: Thuyết nhất thiết hữu bộ vi chủ đích Luận thư dữ Luận sư chi nghiên cứu, tr. 305-307.
4 Phật bổn hành tập kinh 1, T. 3, tr. 656c. Mahāvastu (Đại sự) . P, 26. Tu hành bổn khởi kinh, q. thượng, T. 3, tr. 463a.
5 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da Dược sự 15, T. 24, tr. 75c.
6 Tăng nhất A-hàm kinh 1, T. 2, tr. 550a.
7 Bổn sanh, Nhân duyên vật ngữ, Nam truyền 28, tr. 35-50, 95-97.
8 Thí dụ, Phật thí dụ, Nam truyền 26, tr. 10.
9 Sở hành tạng, Nam truyền 41, tr. 363 trở đi.
10 Thí dụ, Phật thí dụ, Nam truyền 26, tr. 1.
11 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 178, T. 27, tr. 892b.
12 Trường A-hàm kinh 5, Điển-tôn kinh, T. 1, tr. 31b-34a. Trường bộ, (7) Đại Điển-tôn kinh, giống nhau.
13 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da Dược sự 15, T. 24, tr. 75c.
14 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da Tạp sự 27, 28, đã nói
15 Phật thuyết quán Di-lặc Bồ-tát thượng sanh Đâu-suất-đà thiên kinh, T. 14, tr. 418c.
16 Tiểu phẩm Bát-nhã ba-la-mật kinh 7, T. 8, tr. 568c.
17 Phật thuyết A-di-đà tam-da-tam Phật tát-lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh, q. hạ, T. 12, tr. 309c. Di-viết ma-ni bảo kinh, T. 12, tr. 189c.
1 Yamada Ryūjō(山田龍城), Đại thừa Phật giáo thành lập luận tự thuyết, tr. 159-160.
2 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 183, T. 27, tr. 916b.
1 Luận sự, Nam truyền 57, tr. 366-371, và Nam truyền 58, tr. 435-437.
2 Xuất diệu kinh 1, T. 4, tr. 609b.
3 Xin xem tác phẩm của tôi: Thuyết nhất thiết hữu bộ vi chủ đích Luận thư dữ Luận sư chi nghiên cứu, tr. 265-268.
4 Tạp A-hàm kinh 28, T. 2, tr. 204c.
5 Đại trí độ luận 12, T. 25, tr. 146c.
6 A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa luận 153, T. 27, tr. 780a.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét