CHƯƠNG 4. KHUYNH HƯỚNG ĐỐI LẬP GIỮA LUẬT CHẾ VÀ GIÁO NỘI

CHƯƠNG 4. KHUYNH HƯỚNG ĐỐI LẬP GIỮA LUẬT CHẾ VÀ GIÁO NỘI

Tiết 1. Luật chế nhằm y pháp nhiếp Tăng

Mục 1. Nguyên tắc và lý tưởng của Tăng chế

Sự sùng kính di thể, di vật, di tích của đức Thích tôn, sự lưu truyền Bổn sanh, Thí dụ, Nhân duyên, những điều này đủ để thành nhân tố hưng khởi Phật Pháp Đại thừa, là hoạt động bên trong Phật Pháp – Phật giáo Nguyên thỉ và Phật giáo Bộ phái. Phật giáo thuộc Nguyên thỉ, thuộc Bộ phái – nội dung vốn có của Phật Pháp, vấn đề cố hữu của nội bộ, đối với sự hưng khởi của Phật Pháp Đại thừa, đương nhiên có mối quan hệ mật thiết và trọng yếu giữa chúng, cần phải dành cho nó sự chú ý cẩn thận! Ở đây, trước hết bắt đầu từ (một bộ phận) Luật đại biểu cho Phật giáo Nguyên thỉ để trình bày.
Sự thành tựu Chánh giác, chuyển Pháp luân của đức Thích tôn chỉ là sự chứng đắc và khai thị về Pháp, Pháp là toàn bộ Phật Pháp. Đức Thích tôn là người xuất gia, thuyết pháp giáo hóa mọi người, nên có ‘người theo Phật xuất gia’. Khi có nhiều người theo Phật xuất gia thì không thể không có tổ chức, vì vậy ‘căn cứ và Pháp để quản lý Tăng’ nên có chế độ Tăng-già (Saṃgha). ‘Căn cứ và Pháp để quản lý Tăng’ là nói tổ hợp toàn bộ chế độ của Tăng chúng, là căn cứ vào Pháp; căn cứ vào Pháp nên chế độ được thành lập, nhằm có sự trợ giúp cho việc tu chứng Pháp, có sự trợ giúp cho việc tăng trưởng rộng lớn Phật Pháp. Tăng-già và chế độ Tăng-già như vậy, không chỉ là có liên quan đến sự tu chứng của thân tâm, mà còn có liên quan đến đại chúng, sự tồn tại của tổ chức tôn giáo ở nhân gian. Nói đến chế độ quản lý Tăng, thì nội dung không đồng nhất, mà chủ yếu là chế độ của đoàn thể. 1) Có nhiều người xuất gia tu hành có những hành vi mất đạo đức, hoặc truy cầu đời sống kinh tế quá mức, điều này không chỉ làm chướng ngại sự tu chứng về Pháp của cá nhân, mà cũng làm chướng ngại sự hòa hợp thanh tịnh của Tăng-già, nên chế lập Học xứ (Śikṣāpada, cựu dịch là Giới). Học xứ gồm từng điều khoản một, tập hợp lại thành Ba-la-đề-mộc-xoa (Prātimokṣa), là những điều mà người xuất gia phải giữ gìn không được vi phạm. 2) Nhằm mở rộng Phật Pháp ở nhân gian nên thành lập sự thọ pháp Cụ túc (Upasaṃpanna-dharma), pháp Bố-tát (Poṣadha-dharma), pháp An cư (Vārṣika-dharma ), pháp Tự tứ (Pravāraṇā-dharma), pháp Y ca-thi-na (Kaṭhina-dharma), v.v., là chế riêng của Tăng-già. 3) Khi đã thành lập tự viện, đã có nhiều người xuất gia thì có nhiều sự việc của Tăng, có pháp xử lý các việc tranh chấp trong Tăng-già. 4) Cùng thuộc về người xuất gia trong Phật Pháp, yêu cầu sự phù hợp và thống nhất thuộc phương diện hành vi (các pháp oai nghi), như các qui chế về việc đi, đứng, ngồi, nằm, mặc y, đi trên đường, khất thực, thọ dụng ăn uống, v.v. Tất cả qui chế này, do vì Tăng-già xuất gia ngày dần mở rộng, càng ngày càng nhiều, cũng càng tăng thêm tánh quan trọng của nó. Những pháp chế này được gọi là Luật, đạt đến địa vị ngang hàng tương đối với Pháp. Phạm ngữ là Vinaya, dịch âm là Tỳ-ni hoặc Tỳ-nại-da, dịch nghĩa là Luật hoặc Điều phục. Thường thấy được trong kinh sự tương đối giữa Pháp và Luật, như ‘Pháp Luật’; ‘Pháp Tỳ-nại-da’; ‘Pháp này Tỳ-ni này, phi Pháp phi Tỳ-ni,’ v.v. Pháp và Luật, ban đầu là 2 mặt của cùng một nội dung. Pháp – tu chứng về Thánh đạo, nhất định là lìa tội ác, lìa sự trói buộc để điều phục thân và tâm (Tỳ-ni nhằm đoạn phiền não là ý nghĩa gốc của Tỳ-ni), cho nên còn gọi là Tỳ-ni. Vì vậy tôi từng tỉ dụ là: Pháp giống như sự hiển lộ ra của ánh sáng, Tỳ-ni giống như sự tiêu trừ bóng tối, hai thứ vốn không tách rời. Cho đến khi Tăng-già ngày càng phát triển, dù là hoạt động thân và tâm của cá nhân, hoặc mình và người khác cùng chung sống thuộc Tăng-già, nếu như không hòa hợp vui vẻ, không thanh tịnh, thì không tương ưng với Pháp nên có trở ngại cho sự tu chứng. Nếu như lấy pháp chế để chế ngự thân và tâm, tiêu trừ nhân tố của sự không hòa hợp vui vẻ, không thanh tịnh, thì tự mình có thể ‘tùy theo Pháp, hành theo Pháp’ để hướng đến chánh pháp. Cho nên những quy chế của Tăng-già này đã có tánh chất quan trọng ngang hàng với Pháp. Người xưa nói rằng Tỳ-ni có 5 nghĩa: “Tỳ-ni có 5 nghĩa: 1) sám hối; 2) tùy thuận; 3) diệt; 4) đoạn; 5) xả.”1 Sám hối là đã phạm những lỗi hoặc nhẹ hay nặng, thì sám hối theo đúng như pháp, là căn cứ vào học xứ của Ba-la-đề-mộc-xoa để nói. Tùy thuận là tuân theo quy chế của Tăng-già – thọ giới, an cư, v.v., căn cứ vào Pháp mà làm. Hai loại này còn được gọi là ‘phạm Tỳ-ni’. Diệt là đối với các việc tranh chấp thuộc Tăng-già, căn cứ vào Pháp xử lý để diệt trừ, chính là 7 Tỳ-ni gồm hiện tiền Tỳ-ni, v.v. Đoạn là đối trị và tiêu diệt đối với phiền não, còn được gọi là ‘đoạn phiền não Tỳ-ni’. Xả là đối trị ‘bỏ không được làm nữa’ và ‘bỏ [kiến] chấp’ của tội Tăng tàn. Theo lời người xưa để xét, thì Tỳ-ni là nhằm điều phục sự sai trái của tư tưởng hoặc hành vi, điều phục sự không tuân theo quy chế Tăng-già hoặc sự đấu tranh giữa mình với người khác. Tỳ-ni là căn cứ vào Pháp mà các quy chế được đưa ra, cuối cùng hình thành phần trọng yếu ngang hàng với Pháp.
Sự phân hóa giữa Pháp và Luật đã bắt đầu vào thời đại đức Thích tôn còn tại thế. Vì phân hóa nên Pháp và Luật ngang hàng, rõ ràng đã có đặc tính bất đồng: Pháp là thuộc giáo thuyết, Luật là thuộc chế lập; Pháp trọng về sự tu chứng của cá nhân, Luật trọng về sự hòa hợp, an lạc, thanh tịnh; Pháp trọng về đức tánh nội tâm, Luật trọng về khuôn mẫu của thân và lời nói; Pháp là thuộc về luật của chính mình, thuộc chuyển hóa đạo đức; Luật là thuộc về luật của kẻ khác, phương pháp xử lý. Từ sự tu hành giải thoát để nói, thì Luật là không nhất định phải có; như sự tu chứng của đức Thích tôn chỉ là Pháp mà thôi. Nhưng từ sự tồn tại lâu dài của Phật Pháp ở nhân gian để nói, thì Luật là có tánh tất yếu đặc thù của nó. Luật Tăng-kỳ, luật Đồng diệp, luật Ngũ phần, luật Tứ phần, v.v., đều có truyền thuyết giống nhau:2 đức Thích tôn bảo Xá-lợi-phất (Śāriputra): Phạm hạnh của Tỳ-bà-thi (Vipaśyin), Thi-khí (Śikhi), Tỳ-xá-phù (Viśvabhū) – 3 vị Phật quá khứ, không tồn tại lâu dài; Phạm hạnh của Câu-lưu-tôn (Krakucchanda), Câu-na-hàm-mâu-ni (Kanakamuni), Ca-diếp (Kāśyapa) – 3 vị Phật quá khứ, tồn tại lâu dài. Nguyên nhân vì: chuyên tâm vào sự yểm ly, chuyên tâm vào sự chứng đắc, không có thuyết pháp cho đệ tử rộng rãi, không chế lập học xứ cho đệ tử, không thành lập Ba-la-đề-mộc-xoa; như vậy, Phật và các đại đệ tử nhập niết-bàn rồi, vì hàng đệ tử thuộc các tộc họ khác nhau, nên Phạm hạnh sẽ rã diệt nhanh chóng, không thể tồn tại lâu dài. Ngược lại, nếu như thuyết rộng rãi kinh pháp cho hàng đệ tử, chế lập học xứ cho hàng đệ tử, thành lập việc thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa; vì vậy su khi Phật và các đại đệ tử đã nhập niết-bàn rồi, hàng đệ tử thuộc các dòng họ khác nhau, Phạm hạnh vẫn có thể tồn tại lâu dài, đây là truyền thuyết về nhân duyên chế giới. ‘Chánh Pháp tồn tại lâu dài’ hoặc ‘Phạm hạnh tồn tại lâu dài’ là lý tưởng cao nhất của việc thuyết pháp độ sanh của đức Thích tôn. Phải thực hiện lý tưởng vĩ đại này mà chẳng chế lập học xứ, chẳng thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa thì không thể được. Trong Luật nói: “Có 12 sự lợi ích nên chư Phật Như lai chế giới cho hàng đệ tử, thành lập việc thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa.”3 Nội dung của 10 lợi ích này, các bộ Luật có sự thêm bớt chút ít nhưng đều lấy ‘Chánh Pháp tồn tại lâu dài’ hoặc ‘Phạm hạnh tồn tại lâu dài’ làm lý tưởng tối cao, nay trình bày lại sơ lược. Mười thứ nghĩa lợi có thể quy nạp thành 6 mục: 1) Nghĩa hòa hợp: luật Tăng-kỳ và luật Thập tụng lập 2 cú ‘nhiếp Tăng’ và ‘cực nhiếp Tăng’; luật Tứ phần, v.v., kết hợp thành 1 cú. Hòa hợp Tăng-già, trở thành chủ lực của việc đoàn kết hòa hợp của Tăng-già chính là Học xứ và thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa. Chính như sự hòa hợp của quốc gia, cái trở thành nơi mà vạn ức dân chúng hướng tâm lực đến là Hiến pháp và Pháp luật được công bố. 2) Nghĩa an lạc: luật Tăng-kỳ lập lập nên cú ‘Tăng an lạc’; luật Tứ phần, v.v., lập riêng ‘hỉ’ và ‘lạc’ thành 2 cú; luật Ngũ phần thiếu. Đại chúng căn cứ vào Học xứ để sống, thì có thể làm cho đại chúng hỉ lạc. Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự nói: “Khiến người khác hoan hỉ, yêu thương kính trọng, cùng giúp đỡ lẫn nhau, hòa hợp giữ gìn, không có các sai trái, tranh chấp, một long cùng làm việc, như sự kết hợp của nước và sữa.”4 Điều này đã đủ giải thích rằng, hòa hợp mới có thể an lạc, an lạc mới có thể hòa hợp; mà ở đây đều là căn cứ vào Học xứ và thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa rồi sau mới đạt thành. 3) Nghĩa thanh tịnh: trong Tăng-già hòa hợp, nếu như có người không biết tàm quý nên vi phạm, thì dùng uy lực của Tăng-già, căn cứ vào điều khoản mà Học xứ đã quy định mà áp dụng để phân xử, khiến người ấy bày tỏ lỗi lầm để thanh tịnh trở lại. Người có tàm quí thì tinh tấn hướng về đạo, ở trong đại chúng, cũng có thể tu hành để an lạc thân tâm. Tăng-già giống như cái lò rèn lớn, sắt phế liệu cũng tốt, quặng sắt cũng tốt, đều tôi luyện để thành tinh thép hoàn toàn thuần tịnh. Điều này giống như tổ chức tốt các thành viên của một đoàn thể, kỷ cương nghiêm túc. 4) Nghĩa ngoại hóa: Tăng đoàn hòa hợp vui vẻ và thanh tịnh như vậy, tự nhiên có khả năng làm cho mọi người phát sanh tín tâm, tín tâm tăng trưởng thì Phật Pháp có thể càng phổ cập đến xã hội. 5) Nghĩa nội chứng: ở trong Tăng-già hòa hợp vui vẻ và thanh tịnh như vậy, hàng tỳ-kheo càng có thể tu hành tinh tấn, đắc được sự lìa khỏi phiền não để chứng Thánh giải thoát. 6) Nghĩa lý tưởng cao nhất: đức Như lai ‘căn cứ vào Pháp để quản lý Tăng’, lấy ‘Chánh Pháp tồn tại lâu dài’ hoặc ‘Phạm hạnh tồn tại lâu dài’ làm lý tưởng. Chỉ có Tăng đoàn hòa hợp vui vẻ và thanh tịnh mới có thể giáo hóa mọi người để tín ngưỡng được phổ biến, chứng đắc bên trong để Hiền Thánh không bị đoạn dứt. Lý tưởng lớn ‘Chánh Pháp tồn tại lâu dài’ mới có thể thực hiện ở nhân gian. Nguyện đại bi cứu đời của đức Thích tôn, căn cứ theo Phật giáo Nguyên thỉ để nói, thì Phật Pháp không thể cậy nhờ vào sự tu chứng cá nhân của Phật và hàng đệ tử, mà chỉ có nhờ vào Tăng-già hòa hợp vui vẻ và thanh tịnh. Đây là ý nghĩa sở tại của việc chế luật, giá trị sở tại của Tỳ-nại-da, đã hiện ra rõ bi nguyện to lớn và trí huệ to lớn của đức Phật!

Mục 2. Sự biên tập và dị nghị về Luật điển

Khi đức Thích tôn còn tại thế, Pháp và Tỳ-nại-da đã trải qua sự phân hóa; trong cuộc kết tập, thì kết tập thành 2 bộ là Pháp (Kinh) và Tỳ-nại-da (Luật). Kết tập (saṃgīti) là qua sự cùng thẩm định của đại chúng hòa hợp, xác định là do Phật thuyết, là do Phật chế; đem văn cú nhất định biên tập thành thứ tự bộ loại để thuận tiện truyền tụng. Vì sao phải kết tập? Từ khi đức Thích tôn niết-bàn về sau, người xuất gia thuộc các địa phương khác nhau, các dòng họ khác nhau, đối với Pháp nghĩa và Luật chế rộng lớn làm sao mới có thể giữ gìn cho thống nhất, là một việc lớn trước mắt của hàng đệ tử xuất gia. Chính điều này nên cần phải kết tập, thì Pháp và Luật mới có một chuẩn mực nhất định. Truyền thuyết nói đại hội kết tập lần thứ nhất được cử hành tại thành Vương Xá (Rājagṛha), hẳn phải là điều hợp lý đáng tin tưởng. Bấy giờ, do vị Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa) cao niên lãnh đạo; Luật do ngài Ưu-ba-li (Upāli) chủ trì việc tập hợp tụng ra, Pháp do ngài A-nan (Ānanda) chủ trì tập hợp tụng ra, trở thành cuộc kết tập đầu tiên mà giới Phật giáo đã công nhận.
Luật do ngài Ưu-ba-li kết tập chủ yếu là Ba-la-đề-mộc-xoa được gọi là Giới kinh. Khi đệ tử xuất gia đã có làm gì không hợp pháp, đức Thích tôn mới chế lập Học xứ (kết giới), có văn cú nhất định; hàng đệ tử truyền tụng và ghi nhớ, khi đã tái phạm thì phải chịu sự phân xử. Đây là sự chế lập dần dần, vào những năm Phật đã cao tuổi, có truyền thuyết nói có ‘hơn 150 giới’, như quyển 46 của luận A-tỳ-đạt-ma Đại tỳ-bà-sa (T. 27, tr. 238a) nói:
“[Có bí-sô con của dòng họ] Phật-lật-thị [Vṛji] đã xuất gia trong Phật Pháp vào lúc đức Như lai còn tại thế, lúc ấy Phật đã chế hơn 150 học xứ,… thuyết Biệt giải thoát kinh.”
Kinh văn nói chế hơn 150 giới là rút ra từ phẩm 3 pháp của kinh Tăng chi bộ.1 Luận Du-già sư địa cũng nói: “Căn cứ 5 phạm tụ và phương pháp trừ 5 phạm tụ để thuyết hơn 150 học xứ.”2 Hơn 150 học xứ là căn cứ vào mức nhẹ hay nặng của điều bị phạm mà theo thứ tự để chia thành 5 bộ, chính là ba-la-di (pārājikā), Tăng-già bà-thi-sa (saṃghāvaśeṣā), ba-dật-đề (pāyattika), ba-la-đề-đề-xá-ni (pratideśanīya), chúng học (saṃbahula-śaikṣa). Trong ba-dật-đề đã có bao hàm ni-tát-kỳ ba-dật-đề (naiḥsargikā-pāyattika) và ba-dật-đề - 2 loại. Đây là cách tổ chức nguyên thỉ của Giới kinh. Khi Ưu-ba-li kết tập, hẳn phải có điều được bổ sung, khảo đính, có thể là 191 giới, tức 4 ba-la-di, 13 Tăng-già bà-thi-sa, 30 ni-tát-kỳ ba-dật-đề, 92 ba-dật-đề, 4 ba-la-đề-đề-xá-ni, 50 pháp chúng học. Đến khi Phật nhập diệt được 100 năm (1 thế kỷ sau), vào lúc cử hành cuộc kết tập lần thứ 2 tại thành Tỳ-xá-li (Vaiśālī), thì 2 pháp bất định (aniyata) – điều khoản bổ sung cho 3 bộ trước; 7 pháp diệt tránh (adhikaraṇaśamatha) – biện pháp để Tăng-già xử lý các việc tranh chấp, hẳn đã được phụ thêm vào Giới kinh, nên trở thành 252 giới (hoặc tổng hợp rồi giảm bớt 2 giới).3 Đây là chỗ trọng điểm của cuộc kết tập nguyên thỉ vậy! Văn cú của học xứ thì ngắn gọn, được tôn xưng là Kinh (Tu-đa-la - Sūtra). Ngoài ra, trong Luật điển của cuộc kết tập nguyên thỉ còn có phần kệ tụng được gọi là ‘các bài kệ tùy thuận Pháp’, không trái ngược với Giới pháp. Lúc kết tập, những quy chế có trong Tăng đoàn như các chế độ thọ giới, an cư, bố-tát, v.v.; các quy định về y, ăn uống, sống, v.v.; các biện pháp phân xử những người phạm tội, đều là luật bất thành văn, mà thường ngày thực hành trong nội bộ Tăng đoàn. Đối với những điều này, người xưa tùy theo sự loại mà lập thành hạng mục rõ ràng, đem sự việc thuộc mỗi mục (bao quát định nghĩa của tên gọi các việc thuộc Tăng), biên tập thành kệ tụng (đây là Kỳ-dạ của Luật). Những ‘bài kệ tùy thuận Pháp’ này là nằm bên ngoài Giới kinh, cương mục của tất cả chế độ Tăng-già được gọi là Ma-đắc-lặc-già (Māṭrkā), có nghĩa là ‘mẫu - mẹ’, ‘mẫu đề’. Căn cứ vào tiêu mục này để giải thích sơ lược, trở thành nguồn gốc của những phần được gọi là Kiền-độ (Khandhaka), Sự (Vastu), Pháp (Dharma) ở trong quảng Luật.4
Thời kỳ từ cuộc kết tập lần thứ 2 (trong vòng 1 thế kỷ sau Phật nhập diệt) đến thời kỳ phân hóa thành bộ phái, Ba-la-đề-mộc-xoa kinh đã có sự ‘phân biệt’ (gọi là Kinh phân biệt, hoặc Ba-la-đề-mộc-xoa phân biệt, hoặc Tỳ-ni phân biệt): đối với giới gồm từng điều từng điều, phân biệt nhân duyên chế giới, phân biệt văn cú của Giới kinh, phân biệt phạm hay không phạm. Phần chủ yếu của nó được Quảng luật của các bộ phái đều công nhận. Bấy giờ, ‘những bài kệ tùy thuận Pháp’ đã có phân loại và biên tập theo bộ phận. Về sau các bộ phái trọng Luật lại phân loại và biên tập, chỉnh biên thêm bước nữa, trở thành các loại Kiền-độ (hoặc gọi là Pháp, hoặc gọi là Sự).
Kết tập Luật là việc tất yếu, nhưng lúc kết tập nguyên thỉ, hang tỳ-kheo trình bày lại những ý kiến khác nhau. Trên đại hội, ngài A-nan truyền đạt lại lời di mệnh của đức Thích tôn: “Có thể bỏ những giới nhỏ nhặt,”5 đã dẫn đến phát sanh sự quở trách của Ma-ha Ca-diếp, Ưu-ba-li, v.v. Theo truyền thuyết của luật Thập tụng, v.v., không phải nói bỏ là bỏ, mà là “Nếu Tăng một lòng hòa hợp bàn bạc thì bỏ đi những giới nhỏ nhặt.”6 Giới nhỏ nhặt, chủ yếu là những chi tiết nhỏ liên quan đến  như y phục, ăn uống, sống, thuốc men, v.v. Những qui chế này có liên quan đến đời sống văn hóa và kinh tế của xã hội đương thời. Nếu như thời gian và địa điểm đã thay đổi thì đời sống văn hóa và kinh tế cũng sẽ thay đổi theo, vì vậy do Tăng chúng cùng chung bàn bạc, quyết định xả bỏ những điều không phù hợp (cũng phải tăng thêm những qui chế mới); thật sự là sự chọn lựa rất sang suốt của đức Thế tôn. Nhưng với những vị trưởng lão xem trọng cả những giới nhỏ nhặt như Ưu-ba-li, v.v., ngược lại xem việc này là sự phá hoại Giới pháp, nên cho chúng chẳng phải là làm xấu. Kết quả, Đại Ca-diếp ra lệnh ngừng thảo luận rồi quyết định rằng: “Nếu như điều nào không do Phật chế thì không được chế bừa; nếu điều nào Phật đã chế thì không được vi phạm. Nếu điều gì Phật đã dạy thì phải kính cẩn học theo!”7 Từ đó, qui chế của Tăng được xem như “đặt nó vào bốn biển thì nó đều là tiêu chuẩn, áp dụng nó đến muôn đời thì nó đáng được thực hành theo,” là pháp ‘thường’ vĩnh hằng bất biến. Nhưng trên thực tế thì không thể không có sự biến động, đại để tăng thêm một số qui định để có thể thông thoáng hơn, chẳng qua không nói là ‘Phật thuyết’ thì không được. Khi bộ phái đã phân hóa, Luật chế cũng khác nhau ít nhiều, mỗi bộ đều xem [bộ Luật mà bộ phái mình áp dụng] là do Phật chế, khiến mọi người không biết theo đâu mới đúng. Hệ trọng Luật do ngài Ưu-ba-li đại biểu đã phát triển thành Thượng tọa bộ (Sthavira), đối với Giới luật là ‘nặng hay nhẹ đều giữ bình đẳng’. Xem trọng Luật chế là đúng, nhưng trước thế nào sau làm theo y như vậy thì khó thích ứng, đối với Luật chế thì chưa chắc có lợi! Ngoài ra, hệ trọng Pháp phát triển thành Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika), khởi đầu tuy tiếp nhận Luật chế đã được kết tập, nhưng thái độ rất là thông thoáng, như quyển 32 của luật Ma-ha Tăng-kỳ (T. 22, tr. 492a) nói: “Đối với 5 pháp tịnh, nếu đúng như Pháp, đúng như Luật thì hoan hỉ tuân theo; nếu không đúng như Pháp, không đúng như Luật thì nên bác bỏ. Năm pháp đó là những gì? 1) chế hạn tịnh; 2) phương pháp tịnh; 3) giới hành tịnh; 4) trưởng lão tịnh; 5) phong tục tịnh.”
‘Tịnh’ là không có lỗi lầm nên có thể thọ trì. Năm loại tịnh mà Đại chúng bộ truyền, ý nghĩa không hoàn toàn rõ rang. Nhưng giới hành tịnh và trưởng lão tịnh là một vị nào đó có sự thanh tịnh về giới hạnh, một vị trưởng lão nào đó, họ từng trì như vậy, mọi người cũng có thể trì theo như vậy. Ở đây ít nhiều lấy hành vi của hang đệ tử Phật làm tiêu chuẩn, nên không nhất định là rút ra từ Phật chế. Phương pháp tịnh là quốc độ tịnh, rõ rang là nhân nơi địa phương mà chế ra để thích nghi. Kê-dận-bộ (Kukkuṭika) – tách ra từ Đại chúng bộ: “Tùy nghi che than, tùy nghi ăn uống, tùy nghi nơi ở, chóng đoạn phiền não.”8 Đem tất cả chế độ y, ăn, ở, v.v., đều tùy nghi tất cả, không trọng những giới nhỏ nhặt mà đạt đến tinh thần ‘căn cứ vào Pháp để quản lý Tăng’ nhẹ nhàng. Những người thuộc Phật giáo Đại thừa sơ kỳ không ra ngoài sự kế thừa học phong này nhưng đạt đến đỉnh điểm, cho nên những người cực đoan của Phật giáo Đại thừa sơ kỳ không tránh khỏi bị hiềm nghi là chê bai và phá hủy Giới pháp vậy!






1 Tỳ-ni mẫu kinh 7, T. 24, tr. 842a.
2 Ma-ha Tăng-kỳ luật 1, T. 22, tr. 227b. Đồng diệp luật, Kinh phân biệt, Nam truyền 1, tr. 11-14. Di-sa-tắc bộ Hòa-ê Ngũ phần luật 1, T. 22, tr. 1b-c. Tứ phần luật 1, T. 22, tr. 569a-c.
3 Ma-ha Tăng-kỳ luật 1, T. 22, tr. 228c. Đồng diệp luật, Kinh phân biệt, Nam truyền 1, tr. 32. Di-sa-tắc bộ Hòa-ê Ngũ phần luật 1, T. 22, tr. 3b-c. Tứ phần luật 1, T. 22, tr. 570c. Thập tụng luật 1, T. 23, tr. 1c. Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da 1, T. 23, tr. 629b.
4 Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự 35, T. 24, tr. 384a.
1 Tăng chi bộ, phẩm 3 pháp, Nam truyền 17, tr. 377, 379-384.
2 Du-già sư địa luận 85, T. 30, tr. 772c.
3 Xin xem tác phẩm của tôi: Nguyên thỉ Phật giáo Thánh điển chi tập thành, tr. 144-149, 177-179.
4 Xin xem tác phẩm của tôi: Nguyên thỉ Phật giáo Thánh điển chi tập thành, tr. 287-292.
5 Ma-ha Tăng-kỳ luật 32, T. 22, tr. 492c. Đồng diệp luật, Tiểu phẩm, Nam truyền 4, tr. 430-431. Di-sa-tắc bộ Hòa-ê Ngũ phần luật 30, T. 22, tr. 191b. Tứ phần luật 54, T. 22, tr. 967b. Thập tụng luật 60, T. 23, tr. 449b. Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự 39, T. 24, tr. 405b.
6 Thập tụng luật 60, T. 23, tr. 449b. Tỳ-ni mẫu kinh 4, T. 24, tr. 818b.
7 Di-sa-tắc bộ Hòa-ê Ngũ phần luật 30, T. 22, tr. 191c. Các bộ luật của hệ Thượng tọa cũng tương đồng như vậy.
8 Tam luận huyền nghĩa, T. 45, tr. 9a.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét