LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ TRUYỀN THỪA TƯ TƯỞNG CỦA PHÁI DGE-LUGS-PA

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ TRUYỀN THỪA TƯ TƯỞNG CỦA PHÁI DGE-LUGS-PA

  

A. DẪN NHẬP

Đức Phật Sakyamuni giáng sanh tại Ấn độ trong hoàn cảnh nền triết học Vệ đà phát triển tương đối cao, do đó, việc thiết lập một giáo pháp dựa trên nền tảng trí huệ sâu xa nhằm đưa tới kết quả giải thoát thực tiễn, không thể hoàn toàn loại bỏ những ý nghĩa ngôn ngữ sẵn có mà phải tiếp thu nó và xây dựng cái mới trên căn bản ấy. Vì vậy, sự phóng khoáng trong việc sẵn sàng tiếp thu tư tưởng mới của người khác nhằm quảng bá tư tưởng của mình, đã làm cho Phật giáo nhanh chóng lan truyền và được sự tiếp nhận của dân bản địa là nét đặc trưng và có ý nghĩa quan trọng trong việc tồn tại của Phật giáo tại địa phương mà nó truyền đến.

Tây tạng, một quốc gia lân cận Ấn độ nhưng phải đến thế kỉ thì Phật giáo mới manh nha phát triển, bởi lẽ, đây và quốc gia có địa hình hiểm trở nên ít có điều kiện giao lưu với các nước lân cận, một phần, cơ cấu xã hội vẫn chưa được tổ chức thống nhất vì có nhiều bộ lạc sống rải rác. Tuy nhiên, một khi nó đã phát triển thì đạt được tốc độ nhanh đáng kinh ngạc nhờ vào sự tiếp biến giữa Phật giáo và tôn giáo bản địa – Bonpo, đã sản sinh ra hình thức đặc sắc của Phật giáo Tây tạng mà chúng ta được biết với tên Lạt-ma giáo. Đó là sự hòa hợp giữa Hiển giáo – Mật giáo từ Ấn độ và các pháp tu huyền bí của Bonpo giáo.

Sự tín ngưỡng Phật Di đà, bồ tát Quán thế âm và Văn thù… cũng chính là một điều kiện góp phần vào sự tạo nên nét đặc trưng trên.

Người Tây tạng có quan niệm về sống và chết rất chuẩn mực và xem đây là vấn đề quan trọng nhất của đời người. Vì thế, các pháp tu của họ dù là gì cũng hướng đến mục tiêu này, và không có quốc gia Phật giáo nào có sự hiểu biết về sự chết một cách sâu sắc bằng Tây tạng.

Truyền thống hoạt Phật, với sự tái sanh của hai hệ phái Đạt-lai Lạt-ma và Ban-thiền Lạt-ma đã giúp cho những gì là tinh túy nhất của Phật giáo Tây tạng vẫn được lưu giữ trọn vẹn cho đến ngày nay, và nhờ thế nó đã có mặt và phát triển tại nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, sự tiếp biến của Phật giáo Tây tạng nêu trên, nó tự thân đã dẫn đến sự phồn tạp đã gây nên sự hiểu lầm đáng tiếc cho những ai muốn bước vào lĩnh vực tâm linh huyền diệu ấy.

Tìm hiểu Phật giáo Tây tạng tức là tìm hiểu những tinh túy ấy, và đó chính là mục đích của người viết khi thực hiện thiên tiểu luận này.

B. NỘI DUNG

1. Tổng quan về Phật giáo Tây tạng

1.1. Lịch sử du nhập và phát triển

Dân tộc Tây Tạng đến đời Tùy-Đường (581-907) mới được biết đến với tên Trung hạ, cũng tức là nước Thổ phồn. Căn cứ một số sách viết về Tây Tạng thì vào đời Đông Tấn (317-420), vua của Tây Tạng bấy giờ là Thothori Nyan-tsan, đã có một xuất hiện một chiếc rương báu chứa một số kinh và pháp khí nhưng bấy giờ không ai biết là vật gì. Vào thời Sơ Đường (thế kỉ thứ 7), vua Tây tạng là Sronghtsan Gampo – đời vua thứ 33 của các vua Tây Tạng, vì nhận thấy sự phát triển về chính trị, văn hóa cũng như luật pháp của Tây tạng còn nhiều bất cập và không thể phổ cập các chính sách đến toàn thể dân chúng bởi Tây tạng lúc ấy chưa có chữ viết, bèn sai vị đại thần tên là Thomisambhota cùng một vài người khác đến Ấn Độ học Phạm văn. Chính vị đại thần này sau khi học Phạm văn mới nghiên cứu sáng chế ra mẫu tự Tạng văn.

Chính vua này đã cưới công chúa nhà Đường tên là Văn Thành, một người vốn tín ngưỡng Phật giáo thâm sâu, đã mang theo một số kinh tượng Phật giáo đến Tây Tạng. Trước đó hai năm, vua cũng đã cưới Công chúa của Nepan là Brikuti làm vợ, vị này cũng thâm tín Phật giáo. Vua đã được hai người vợ cảm hóa nên không những bản thân tín ngưỡng Phật giáo mà còn khuyến khích rộng rãi trong hoàng triều cũng như toàn dân tin theo. Bấy giờ cũng có một số vị Tăng ở Ấn độ và Trung hoa Tây tạng truyền giáo. Thời kì vua Sronghtsan Gampo tại vị, không những Phật giáo được phát triển mà văn hóa Tây tạng cũng được phát triển theo nhờ sự tiếp thu nền văn minh từ Ấn độ và Trung quốc…

Trước khi Phật giáo du nhập vào Tây tạng, tại đây đã có một tôn giáo chuyên sùng bái vật thần là Bonpo giáo. Giáo phái này chuyên luyện phù và đọc chú để sai khiến quỷ thần, tiên đoán họa phước…, hình thức của nó có vẻ tương tự Mật giáo của đạo Phật. Vì Đại thừa Phật giáo có chủ trương tiếp thu tôn giáo bản địa để truyền bá tư tưởng của tôn giáo mình nên khi Phật giáo truyền vào Tây tạng thì hình thức này cũng đã được thực hiện. Trải qua nhiều thời kì Phật giáo có du nhập tư tưởng Bonpo giáo hình thành nên một hình thức mới mà chúng ta biết là Lamaism.[1]

Đến đời vua Ti-song De-tsan tức vị, vua cũng thâm tín Phật pháp và mời Đại sư Sāntarakṣita đến Tây tạng. Nhưng khi Đại sư đến Tây tạng thì gặp nhiều trở ngại do những huyễn thuật mà đạo Bonpo gây ra, Ngài bèn nhờ vua sai người sang Nalanda thỉnh Ngài Padmasaṃbhava đến Tây tạng hoằng pháp, ngoài ra, còn có một số vị Cao Tăng khác cũng sang. Vua lập chùa Bsam-yas, thỉnh Ngài Sāntarakṣita làm đệ nhất trụ trì và thống suất Tăng chúng trong toàn Tây tạng, vua tôn xưng Ngài là Lama. Lama có nghĩa là Sư trưởng hay Trưởng lão. Ngài Padmasaṃbhava đến Tây tạng không bao lâu thì về lại Ấn độ và Ngài chuyên hoằng tư tưởng Trung quán kiêm Mật thừa, lại điều hòa với Bonpo giáo nên hình thức của Phật giáo Tây tạng là sự dung hợp của Mật thừa Phật giáo và Bonpo giáo. Bấy giờ Tây tạng đã có Tăng chúng thông thạo Phạn ngữ nhiều, vua thỉnh Ngài Sāntarakṣita làm chủ dịch trường cùng với những vị Tăng này dịch các kinh Phạn ngữ sang Tạng ngữ. Sau vua Ti-song De-tsan ba đời là vua Ralpachan cũng thâm tín Phật giáo và lúc đó cũng có các vị Sư từ Trung hoa, Vu điền, Ba tư… đến nên vua cũng thỉnh dịch kinh Phạn, Hán sang Tạng ngữ.

Như vậy, Phật pháp tại Tây Tạng được hoằng dương rộng rãi vào các đời vua Srong-Tsen-Gampo (569-650), Thi-Sron-Detsan (755-797), Thi-de-tsen-po (798-814), Khri-ral-pa-can (814-836). Phật giáo bị hủy diệt vào đời vua Lãng Đạt Mã nhưng hết đời vua này (841) thì Phật giáo được phục hưng trở lại. Thuở ấy, các tín đồ Phật giáo chạy theo tà ngụy không giữ chánh tín và đã lạm truyền giáo pháp luôn mấy trăm năm, khiến người học đạo không biết đâu là chánh đâu là tà. Về sau, có vua Nga Nhật (thuộc miền tây của Tây Tạng) đi xuất gia lấy pháp hiệu là Trí Quang. Bấy giờ, hầu mong làm sáng tỏ yếu chỉ Phật pháp và truyền thừa chánh pháp, nên đại đức Trí Quang đã gởi du tăng Tây Tạng sang Ấn Độ và các nước Phật giáo lân cận để tầm sư học đạo với các bậc tôn đức thuộc những tông phái Hiển-Mật, cùng cung thỉnh các vị cao tăng vào Tây Tạng hoằng pháp. Cuối cùng, do sự cung thỉnh tôn giả Atīśa từ Ấn Độ vào Tây Tạng truyền bá Phật pháp mà đại đức Trí Quang cũng như những người sang Ấn Độ cầu pháp đã chịu hy sinh tánh mạng.

Đến thế kỷ XIV, đại sư Tsong-kha-pa lại xiển dương giáo pháp của phái Dge-lugs rộng rãi, sáng lập phái Tân Ca Đương hay Hoàng giáo, định lập hệ Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma, vốn được truyền thừa mãi cho đến ngày nay. [2]

2. Lịch sử hình thành và truyền thừa tư tưởng của Phái Dge-lugs-pa

2.1. Tiểu sử Ngài Tsong-kha-pa

Đại sư Tsong-kha-pa (1357-1419), nhà cải cách lừng danh của Phật giáo tại đây. Sư sáng lập tông phái Dge-lugs-pa, với một trong những giáo pháp quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng. Sư sinh ra trong lúc các Tạng kinh tại Tây Tạng đã soạn xong nhưng Sư chủ trương soát xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành quả của mình trong hai tác phẩm chính: Bồ-đđạo thứ đệ (t: lamrim chenmo) và Chân ngôn đạo thứ đệ (t: ngagrim chenmo). Sư là người xây dựng nhiều tháp quan trọng tại Tây Tạng như Drepung, Sera và Ganden.

Sư sinh tại Amdo, Ðông Bắc Tây Tạng và lúc còn nhỏ, Sư đã đi vào con đường tu học. Năm ba tuổi, Sư thụ giới Cư sĩ với Cát-mã-ba (t: karmapa) thứ 4, La-bồi Ða-kiệt (t: rolpe dorje; 1340-1383). Sư học với nhiều vị đạo sư khác nhau và nghe nhiều khai thị của hai tông phái Tát-ca (t: sakyapa) và Cam-đan (t: kadampa). Khả năng luận giảng xuất sắc của Tông-khách-ba biểu lộ trong 18 tác phẩm và các tác phẩm này đã trở thành kinh sách giáo khoa cho các thế hệ sau. Sư cho rằng, một tỉ-khưu cần phải nghiên cứu năm ngành học (Ngũ minh) và muốn thế, vị này cần biết lắng nghe các lời khai thị, biết tự mình suy xét phân biệt và biết thực hiện chúng thông qua thiền định. Trong năm ngành đó thì về triết học, Sư khuyên học Trung quán và ngành Nhân minh (s: hetuvidyā), về thiền định nên nghiên giáo pháp của kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa và A-tì-đạt-ma (s: Abhidharma), về một đời sống chân chính nên dựa vào Luật tạng (s, p: vinaya). Sau khi cơ duyên hóa độ chúng sanh đã viên mãn và phó chúc pháp duyên cho các đại đệ tử xong, Đại Sư an tường thị tịch, thọ sáu mươi ba tuổi, với ba mươi ba hạ lạp.[3]

2.2. Phái Dge-lugs-pa

2.2.1. Sự hình thành và lập trường tư tưởng

Phái Dge-lugs-pa được thành lập vào cuối đời nhà Nguyên (Trung hoa), do Ngài Tsong-kha-pa làm khai tổ. Dge-lugs dịch âm là “thiện hạnh”, nghĩa là tuân thủ giới luật một cách nghiêm cẩn; cũng gọi là phái Ganden vì Ngài ở và thuyết pháp tại đây; cũng gọi là phái Bkah-gdams mới, vì Ngài Tsong-kha-pa đã tiếp thu tư tưởng của ngài Atīśa để lại. Ngài tsong-kha-pa đã kế thừa hầu như tất cả những truyền thống hiển cũng như mật của các vị trước để thành lập một phái mới nhưng trong đó, vẫn lấy tư tưởng của Atīśa làm chủ đạo và khai triển rộng thêm. Ngài Atīśa lấy tư tưởng Trung quán của Candakīrti, ngài Tsong-kha-pa cũng lấy Trung quán làm tông cho phái mình. Ngài Atīśa chia thứ lớp thành Phật của một Pudgala[4] làm Tam sĩ đạo, ngài Tsong-kha-pa cũng vậy. Tác phẩm quan trọng nhất làm lập trường căn bản cho phái này là Bồ đđạo thứ đệ luận.[5] Các vị truyền thừa của phái này cũng đều dựa vào đây mà giảng giải thêm nên nó trở thành nguồn mạch chính của mọi thuyết giáo của những vị thuộc phái này. Do đó, khi tìm hiểu lập trường tư tưởng của phái này thì chỉ cần tìm hiểu tư tưởng của quyển luận này.

Bồ đđạo thứ đệ luận, về đại cương chia làm 4 phần: 1. Cơ sở tu đạo; 2. Pháp hạ sĩ đạo; 3. Pháp trung sĩ đạo; 4. Pháp thượng sĩ đạo.

Cơ sở tu đạo là những pháp nền tảng mà ba hạng thượng-trung-hạ đều phải tu, tức là phải y chỉ nơi thiện tri thức làm căn bản. Tất cả nguồn gốc của sự an lạc diệu thiện phải nhờ nơi sự chỉ bày của thiện tri thức, nên học đạo trước hết phải cung kính tột độ và phụng sự cho vị thiện tri thức mình y chỉ. Thứ nữa, phải biết rằng thân người khó được nhưng nó cũng hàm chứa nhiều nhân khổ nên ngày đêm sáu thời phải luôn tư duy về vấn đề này để sanh niệm xả ly.

Pháp hạ sĩ đạo là những pháp môn tu để lìa ba ác đạo, sanh vào cõi lành nhân thiên. Người hành pháp này có bốn giai đoạn là: tư duy thân người là vô thường, tư duy tam ác đạo là khổ, quy y tam bảo, thâm tín nghiệp quả.

Pháp trung sĩ đạo có bốn giai đoạn: tư duy khổ đế, tư duy tập đế, tư duy thập nhị nhân duyên, tư duy về con đường giải thoát sanh tử (giới-định-tuệ).

Pháp thượng sĩ đạo có hai giai đoạn: phát đại bồ đề tâm, tu bồ tát hạnh. Trong pháp này, trong tác phẩm còn giảng chi tiết về lục độ và pháp tu chỉ quán.

Quyển luận này chú trọng giảng giải ba vấn đề quan yếu mà tam sĩ đạo cần phải có, đó là tâm xuất ly, tâm bồ đề và thanh tịnh kiến.

Tâm xuất ly tức là tâm yểm ly ba cõi và cầu đạt niết bàn, cũng gọi là tâm cầu giải thoát. Người học đạo nếu không có tâm xuất ly chân chánh thì tất cả những công đức tạo được cũng chỉ là cái nhân sanh về cõi lành nhân thiên mà thôi, không thể thành cái nhân chân chánh giải thoát được. Nếu có tâm xuất ly chân chánh dẫn đầu thì làm công đức dù lớn hay nhỏ cũng đều trở thành tư lương để giải thoát sanh tử. Thứ lớp của việc tu học là trước hết phải tư duy thân người khó được, mạng sống vô thường để dứt trừ tâm tham đắm ngũ dục thế gian; thứ nữa là cần phải tin sâu nghiệp quả là chắc thật, sanh tử là khổ và nếu không có tâm xuất ly chân chánh thì phải lưu chuyển trong ba cõi. Nếu biết quán xét ba cõi không an, giống như nhà bị lửa đốt rất đáng sợ hãi nên nhất tâm cầu sự an vui của niết bàn và phát tâm xuất ly chân chánh. Theo Tsong-kha-pa, chỉ có thể tu giới-định-huệ mới có thể đạt được niết bàn. Không có tâm xuất ly thì không thể phát bồ đề tâm được, do đó, khởi tâm xuất ly là bước đầu tiên quan trọng của tác phẩm Bồ đđạo thứ đệ này.

Bồ đề tâm chính là xét thấy tất cả chúng sanh trong tam giới đang chìm đắm trong biển khổ sanh tử không có ngày được ra, vì muốn độ chúng nên cầu chứng vô thượng bồ đề. Người học Phật nếu không phát tâm bồ đề rộng lớn thì làm công đức gì sẽ hoặc đọa vào tam giới hoặc rơi vào tiểu thừa, đều không phải là chánh nhân để thành vô thượng bồ đề. Ngược lại, người đã phát tâm đại bồ đề thì dù không làm công đức gì to lớn cũng được gọi là bồ tát, làm bất kì việc thiện gì cũng là tư lương để thành Phật. Phương pháp tu của bước này, trước hết là lấy phát tâm xuất ly làm cơ sở, thứ đến là tư duy tất cả hữu tình bị phiền não vô minh trói buộc, chìm đắm trong biển khổ sanh tử nên phát tâm đại bi thâm sâu. Vì phát tâm như thế nên hi sinh tất cả an lạc cá nhân mình và cấp tốc lợi tha, cầu đại bồ đề.

Thanh tịnh kiến cũng gọi là trung đạo chánh kiến, lìa biên kiến. Tất cả các pháp đều do nhân duyên mà sinh khởi và tồn tại, vốn không có một tự thể độc lập. Chúng sanh vì vọng kiến chấp chặt từ vô thỉ đến nay nên đối với pháp không có thật tánh lại cho là có, nên gọi là hữu kiến, thường kiến… Tất cả pháp tuy vô tự tánh nhưng lại được thiết lập trên một qui luật nhân duyên nhất định, chúng sẽ sanh, tồn tại hay hoại diệt, như ảnh trong gương không có thật thể, nhưng vì kính sáng nên mọi cảnh đều hiện rõ trong nó. Trung đạo chánh kiến tức là lìa khỏi nhị biên. Nếu không có được chánh kiến này thì dù có tâm xuất ly và đại bồ đề tâm thì không thể nương vào đâu để tu, cũng không thể tận đoạn phiền não. Muốn tu pháp này thì trước hết phải dùng tứ lý hoặc thất tướng để quán xét và phá ngã chấp, thứ đến dùng tứ lý để phá pháp chấp.

2.2.2. Phương pháp tu tập

Mục trên đã trình bày cơ sở lập trường tư tưởng của phái này, đó là phần lý thuyết, tiếp theo là phương pháp tu tập. Bồ đđạo đăng luận cũng đưa ra những phương pháp tu tập, tuy nhiên, đây là phần tu tập về Hiển giáo, Mật giáo được trình bày trong tác phẩm Chân ngôn đạo thứ đệ.

Về Hiển giáo, hành giả phải nghiêm trì giới luật của ba thừa (Tiểu Thừa, Bồ Tát Thừa, Mật Thừa) thanh tịnh. Đối với người xuất gia, phải thọ giới theo thứ lớp từ thấp lên cao: Giới Sa Di, giới T Kheo, giới Bồ Tát (theo Du già sư địa luận chứ không phải là kinh Phạm võng như Trung quốc, giới của bộ luận này có ba phẩm, gọi là tam tụ tịnh giới, tức là nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới), giới Kim Cang. , kế nữa là tu lục độ, đó là thiên về lợi tha, về tu tâm pháp, có thể tóm tắt trong ba pháp sau:

Trước hết là tu bồ đề tâm pháp, pháp tu này có nhiều loại, luận này viện dẫn những pháp tứ nhân, tứ duyên, tứ lực… được trình bày trong Du già sư địa luận,[6] chỉ những người đã trồng thiện căn đại thừa mới có thể do thấy Phật, nghe pháp, thấy chúng sanh khổ mà phát tâm bồ đđược. Luận này dẫn pháp tu bồ đề tâm trong Bồ đđạo đăng luận của ngài Atīśa nhưng chia làm hai loại. Thứ nhất, lấy bảy lớp nhân quả của ngài Dharmakīrti truyền lại để tu bồ đề tâm. Đó là: 1. Tri mẫu, nghĩa là tư duy rằng tất cả hữu tình đều là cha mẹ của mình; 2. Niệm ân, nghĩ rằng tất cả hữu tình đã có ân với ta; 3. Báo ân, nghĩa là luôn tâm niệm rằng ta phải báo ân tất cả hữu tình; 4. Duyệt ý từ, nghĩa là thương tất cả chúng sanh như long của bà mẹ thương con đỏ; 5. Đại bi, nghĩa là tư duy rằng tất cả hữu tình đang đau khổ, ta phải làm gì để họ được giải thoát?; 6. Tăng thượng ý lạc, luôn phát tâm thay chúng sanh chịu tất cả khổ não; 7. Bồ đề tâm, hằng muốn độ tất cả chúng sanh và thành tựu Phật quả.

Thứ đến là pháp tu chỉ (S: śamatha; P: samatha; T: zhi gnas) để trừ hôn trầm. Người tu chỉ thường gặp hai chướng ngại là trạo cử (auddhatya) và hôn trầm (styāna). Trạo cử là khi tu chỉ, tâm vin theo pháp trần nên sanh tán động, do đó mà vô minh và vọng niệm không ngừng phát sanh rất khó đạt định. Người tu định (s, p: samādhi) rất dễ rơi vào hôn trầm, tâm như ngủ mà lầm tưởng là đang ở trong định nên sanh tham đắm trạng thái này khó mà tỉnh sát được, khi chìm trong trạng thái này gọi là “tâm trầm một-沈沒心 līnaṃ cittam”. Có người cho hôn trầm trong bát đại tùy phiền não[7] là tâm trầm một nên nói rằng khi tu định thì chỉ cần không có hôn trầm thì không có tâm trầm một, vì thế nên rơi vào trầm một mà không tự biết. Luận này dẫn kinh Giải thâm mật rằng: “nếu do hôn trầm và bởi thụy miên, hoặc do trầm một…”[8] để chứng minh rằng hôn trầm và trầm một tính chất bất đồng. Hôn trầm là đại tùy phiền não nên tánh của nó là bất thiện hoặc vô ký, đều là nhiễm ô. Dù trong khi tu định không có tâm này nhưng duyên vào các cảnh trong định rồi sanh lầm chấp đắm vào, không thể biện biệt rõ ràng thì vẫn rơi vào trầm một. Luận này phân tích rất chi tiết sự sai biệt của hai tâm này nhằm giúp người tu định khỏi bị lầm lẫn để vượt qua những trạng thái này khi gặp phải và đã dẫn Du già sư địa luận để chứng minh.

Muốn tu chỉ, trước hết phải hội đủ sáu điều kiện về ngoại giới cũng như nội tâm: 1. Trụ tùy thuận xứ, nghĩa là phải ở nơi có năm điều kiện thuận lợi là nơi dễ có được lương thực…, nơi hiền thiện không có mãnh thú hay kẻ hay gây rối sinh sống, nơi đất lành không gây bệnh tật, nơi có bạn lành đủ chánh kiến và nghiêm thủ giới luật, nơi thiện diệu tướng là nơi ban ngày ít người qua lại và ban đêm thì không có tiếng ồn ào của chim chóc…; 2. Thiểu dục, không tham các điều kiện y phục hay thức ăn; 3. Tri túc, dù được cúng dường nhiều hay ít cũng phải biết đủ; 4. Trừ các tạp vụ, tức là không mua bán hay các ác nghiệp…; 5. Giữ giới thanh tịnh; 6. Trừ các tầm tứ về tham dục vì biết các pháp vốn vô thường, vô ngã…

Sau khi hội đủ sáu điều kiện trên, về thân, hành giả ngồi kiết già hay bán già, mắt không mở quá rộng hay nhắm nghiền, chú ý vào sống mũi, thân thì không ngửa ra sau hay quá cúi về phía trước, thân thẳng, vai giữ thăng bằng, đầu không được ngẩng cao hay cúi thấp hoặc nhìn một bên, răng và môi thì để tự nhiên, lưỡi để sát răng, hơi thở ra vào không được phát ra tiếng, không nhanh cũng không chậm. Về tâm, tùy theo tập khí thô hay tế mà chọn pháp tu phù hợp theo sự hướng dẫn của vị y chỉ sư.

Cuối cùng là quyết trạch tu không quán. Tu quán là phương pháp dẫn đến thánh huệ, đối trị phiền não nên nó quan trọng nhất trong tiến trình đạt giác ngộ. Phương pháp chính xác là trước hết phải có được chánh kiến về vô ngã, sau đó mới khởi sự tu chánh quán, khi tu chánh quán đạt được khinh an tức là quán thành công.

Theo ngài Tsong-kha-pa thì chỉ-quán phải song tu để tạo nên trạng thái quân bình mới có đủ sáng suốt minh liễu nghĩa chân thật của các pháp. Nếu chuyên tu quán mà trong ấy không duy trì tu chỉ thì trạng thái chỉ đạt được trước đó sẽ mất dần, khi ấy, quán cũng không thể thành tựu. Ngược lại, tu chỉ mà không tu quán thì tất nhiên hoàn toàn không thể tu không quán được.

Quan điểm về tánh không của ngài Tsong-kha-pa là “chân - không, tục - hữu” (trong chân đế thì không nhưng tục đế thì có). Khi nghe trong kinh Bát nhã hay luận Trung quán đều có nói rằng “tất cả pháp đều vô tự tánh” nên những người học Trung quán phần nhiều bị rơi vào chấp không, vì không hiểu thế tục đế nên dễ dàng rơi vào đoạn kiến mà chẳng hay. Luận này nói rõ rằng, Trung quán tông tuy phá tự tánh của tất cả các pháp nhưng có thiết lập duyên khởi tự tánh – thế tục đế. Thiết lập thế tục đế phải hội đủ ba yếu tố sau: 1. Danh ngôn thức, tức là khi lục thức đối cảnh, chỉ tùy theo cảnh mà nhận biết chứ không suy cầu là nó có tự tánh hay không. Các pháp này có là theo thế tục đế vì nó là đối tượng nhận biết của lục thức; 2. Danh ngôn lượng, nghĩa là khi thức tiếp xúc cảnh thì đặt cho nó một tên chính xác về nó, tuy nhiên, đây chỉ là phương tiện nhằm không làm chướng ngại khi trao đổi với tha nhân, tức là khi nói cái bàn khi người khác sẽ hình dung ra ngay cái bàn…; 3. Quán chân thật lượng, tuy là với các pháp, ta đều dùng danh ngôn áp đặt lên nó, nhưng phải quán xét các pháp đó là không thật hữu. Hữu tình do bị vô minh tập khí nên khi thấy bất kì vật gì cũng liền chấp là có thật tánh, nhưng người tu phải từ danh ngôn thức mà tỉnh xét cái chân thật là sự không tự tánh của vạn pháp.[9]

Về Mật giáo, lấy bộ Chân ngôn đạo thứ đệ (Gnags-rim chen-po) làm căn bản, đại biểu cho cách nhìn và tư tưởng hệ của ngài Tsong-kha-pa với Phật giáo một cách hoàn chỉnh nhất. Bồ đđạo thứ đệ luận là thứ lớp tu hành Hiển giáo, Chân ngôn đạo thứ đệ là thứ lớp tu hành Mật giáo, chia làm 5 phẩm. Phẩm 1, thanh tịnh bồ đề tâm, nội dung phẩm này cùng tương đồng với Hiển giáo. Phẩm 2, nói về bốn loại quán đảnh, nội dung này khế hợp với bốn bộ Mật điển. Phẩm 3, thủ hộ luật nghi và tam muội da (samaya), với luật nghi là bồ tát cộng giới, như 18 giới trọng, 46 giới khinh trong Bồ tát địa luận và Tập bồ tát học xứ đã nói, tam muội da chính là Mật thừa bất cộng giới, căn cứ theo các loại kinh điển Mật giáo thì có nhiều thuyết khác nhau. Phẩm 5, thứ lớp làm sanh khởi thành thục căn khí. Phẩm 5, thứ lớp để thành viên mãn của tất địa (s. siddhi, t. grub-pa) giải thoát, chủ yếu áp dụng thời luân, mật tập… trong Vô thượng Du già làm y chỉ tu tập.

Sau khi thực hành thuần thục những phương pháp tu tiền hành (tức là qui y, thụ giới, phát bồ đề tâm,… như đã nêu trên), kế hành giả bắt đầu học những phương pháp tu của Chánh Hành, như là Phương tiện đạoGiải thoát đạo. Trong phương tiện đạo hành giả phải thực hành tu quán, tức là quán sát bổn xứ giới, tức là quán ngũ uẩn, kế quán sát bổn tôn để thành tựu Phật mạng, và Sau đó hành giả quán sát Đàn tràng. Đàn tràng chỉ là là một cảnh giới hay môi trường dùng để quán, và từ đó nghiệm rộng ra để thành tựu Phật độ. Phương pháp thứ hai trong Chánh hành là Giải thoát đạo. Trong phương pháp tu Giải thoát đạo, thì hành giả phải tu phương pháp Đại thủ ấn. Trong đại thủ ấn và 6 pháp của ngài Naropa.

2.2.3. Lịch sử truyền thừa

Đệ tử của ngài Tsong-kha-pa đa số đều là những vị quán thông ba tạng giáo điển, hành suốt ba môn học vô lậu, chuyên tu đạo của ba thừa, y theo thứ lớp sanh khởi viên mãn. Trong số đó, những vị đa văn xuất sắc nhất và thành tựu sự nghiệp hoằng dương Phật pháp tột bậc nhất là Đạt Mã Nhân Cần, Khắc Chủ Kiệt, Trát Ba Kiên Tham, Ráng Dương Kiếp Kiết, Ráng Khâm Kiếp Kiết (Đại Từ Pháp Vương), La Truy Tăng Cách (Huệ Sư Tử), Căn Đôn Chủ Ba, v.v... Đạt Mã Nhân Cần và Khắc Chủ Kiệt kế tiếp trụ trì chùa Cách Đăng, thừa thọ ngôi pháp vị của Đại Sư, định đặt nền tảng căn bản cho phái Hoàng Giáo, nên có công lớn lao đối với sự hoằng truyền giáo nghĩa của Đại Sư (Hoàng Giáo). Người sau xưng tụng Đại Sư, Đạt Mã Nhân Cần, Khắc Chủ Kiệt là "Sư Đồ Tam Tôn (ba vị thầy trò)". Phái này truyền thừa theo hai dòng song song cho đến ngày nay là Đạt-lai Lạt-ma và Ban-thiền Lạt-ma

Người Tây Tạng vốn không xử dụng danh từ Đạt Lai, mà chỉ dùng vào lúc ngoại giao. Bình thường dân Tây Tạng tôn xưng Đạt Lai Lạt Ma là: 1/ Gia Mục Cung Lâm Bảo Gia (Sky-ads-mgon-po-c,e), nghĩa là Cứu Hộ Tôn Giả; 2/ Cái Ngõa Lâm Bảo Gia (Rgyal-ba-rin-po-c,e), nghĩa là Đắc Thắng Tôn Giả; 3/ Đạt Mục Tiền Kham Ba (T'ams-Cad-mk'yeu-pa), nghĩa là bậc Nhất Thiết Trí. Tương truyền, những vị Đạt Lai Lạt Ma vốn là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm.

Vào năm 1650, vua Mông Cổ Cố Thỉ Hản (Gu-sri-khan) thuộc bộ lạc Hòa Thác Đặc giao trọn quyền về mặt Chánh Trị và Tôn Giáo của xứ Tây Tạng cho vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ V (A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố). Từ đó cho đến hiện tại, các vị Đạt Lai Lạt Ma chuyển sanh không những là vị giáo chủ của Hoàng giáo, mà còn là vị lãnh tụ tinh thần tối cao của toàn thể nước Tây Tạng về các mặt chánh trị cũng như tôn giáo. Những nhân viên cận vệ của Đạt Lai Lạt Ma là Bố Cách (Sbugs, nghĩa là Đại Nội).

Dưới đây là pháp danh của mười bốn vị Đạt Lai Lạt Ma.

1/ Căn Đôn Chủ Ba, (1391-1475, Dge-vdun-grub-ba (Gedun Drunb), dịch là Tăng Thành) đại đệ tử của đại sư Tông Khách Ba, sanh quán tại vùng Hiệp Đa Đạt Thác ở Hậu Tạng. 2/ Căn Đôn Gia Mục Thố (1475-1543, Dge-gdun-rya-mtsho (Gedun Gyatso), dịch là Tăng Hải) sanh quán tại vùng Đạt Na Sai Mễ ở Hậu Tạng. 3/ Tỏa Lãng Gia Mục Thố (1543-1588, Bsod-nams-rgya-mtsho (Sonam Gyatso), dịch là Phước Hải) sanh quán tại vùng Trạch Hát Khang Tắc Cống ở Đối Lũng. 4/ Vinh Đơn Gia Mục Thố (1588-1616, Yon-tam-rgya-mtsho (Yonten Gyatso), dịch là Công Đức Hải) sanh quán tại vùng Thổ Mặc Đặc Bộ ở nội Mông Cổ. 5/ A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố (1617-1682, Nagdban blo-bzan rgya mtsho (Ngawang Lobsang Gyatso), dịch là Thiện Huệ Hải) sanh quán tại vùng Tần Ngõa Đạt Tắc ở Qunh Kiết. 6/ Thương Ương Gia Mục Thố (1683-1706, Tshans-dbyans-rgya mtsho (Tsanyang Gyatso), dịch là Phạm Âm Hải) sanh quán tại vùng Vực Tùng ở Môn Địa. 7/ Cách Tang Gia Mục Thố (1708-1758, Skal-bzan-rgya-mtsho (Kelsang Gyatso), dịch là Hiền Kiếp Hải) sanh quán tại vùng Lý Đường ở Tứ Xuyên. 8/ Khương Bạch Gia Mục Thố (1758-1805, Hjam-dpal-rgya-mtsho (Jampal Gyatso), dịch là Diệu Kiết Hải) sanh quán tại vùng Thác Gia Lạp Nhật Cương ở Tạng Đống. 9/ Long Đa Gia Mục Thố (1806-1816, Lun-rtogs-rgya-mtsho (Lungtog Gyatso), dịch là Giáo Chứng Hải) sanh quán tại vùng Đan Khước Khoa ở Đa Khang. 10/ Sở Xưng Gia Mục Thố (1816-1837, Tshul-khrim-rgya-mtsho (Tsultrim Gyatso), dịch là Giới Hải) sanh quán tại vùng Lý Đường ở Tứ Xuyên. 11/ Khải Châu Gia Mục Thố (1838-1855, Mkhas-sgrub-rgya-mtsho (Khedrup Gyatso), dịch là Thiện Thành Hải) sanh quán tại vùng Mộc Nha Tháp ở Đa Khang. 12/ Xưng Lặc Gia Mục Thố (1856-1875, Sprin-las-rgya-mtsho (Trinlay Gyatso), dịch là Sự Nghiệp Hải) sanh quán tại vùng Hát Chương Tế ở Nương Bố. 13/ Thổ Đan Gia Mục Thố (1876-1933, Thubbstan-rgya-mtsho (Thubten Gyatso), dịch là Phật Giáo Hải) sanh quán tại vùng Đạt Bố Lang Đôn. 14/ Lạp Mộc Đăng Châu Gia Mục Thố (1935- ; Nag-dban blo bzan bstan hdsin rgya mtsho (Tenzin Gyatso), dịch là Trì Giáo Hải) sanh quán tại vùng Hoàng Trung K Gia Xuyên ở Thanh Hải.

Ban Thiền vốn là phiên âm của tiếng Tàu, mà nguyên âm là Pan-dita, cũng là hợp âm của tiếng Phạn và Tây Tạng; tiếng Phạn gọi là Ban ĐĐạt (3); tiếng Tây Tạng gọi là Thiền Bảo (4); kết hợp lại thì thành nghĩa Đại Phạm Ngữ Học Sư, hay nghĩa Bác Học Quảng Đại, nên dịch là Đại Phật Học Sư; danh xưng Ban Thiền không phải mới được gọi sau này; thật ra danh từ nầy từ xưa đã có mà điển hình là vị Ban Thiền Thích Ca Sư Lợi.

Vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ năm được triều Thanh phong tặng danh hiệu là Ban Thiền Ngạch Nhĩ Đức Ni; Ngạch Nhĩ Đức Ni (Ertini hay Erdeni) là tiếng Mãn Châu, nghĩa là Trân Bảo hoặc Như Ý Bảo Châu, vì Ngài là vị Đại Bảo Sư hoặc Đại Như Ý Bảo Sư. Người Tây Tạng tin tưởng rằng Ban Thiền Lạt Ma là hóa thân của Phật A Di Đà; các vị Ban Thiền Lạt Ma vốn có mối quan hệ thầy trò với các vị Đại Lai Lạt Ma. Tuy có quyền thế, nhưng những vị Ban Thiền Lạt Ma chuyển sanh chỉ làm cố vấn cho chính quyền địa phương, mà không có toàn quyền như những vị Đạt Lai Lạt Ma chuyển sanh.

Hệ của Ban Thiền Lạt Ma có mười vị như sau:

1/ Khắc Chủ Kiệt (1385-1438, hay Khải Chu (Mkhas-grub-rje)), đại đệ tử của đại sư Tông Khách Ba, sanh quán tại vùng Lạp Đa Đóa Hùng ở Hậu Tạng. 2/ Toản Lãng Tiếp Ngang (1439-1504, Bsod nams phyogs-glan) sanh quán tại vùng Ân Tát ở Hậu Tạng. 3/ Ân Sư Ba (1505-1556, Dben-sa-pa) sanh quán tại vùng Ân Tát ở Hậu Tạng. 4/ La Tang Khước Tiếp (1567-1662, Blo-bjan chos-kyi, rgyal-mtshan) sanh quán tại vùng Lan Chu Giáp ở Tạng Đống. 5/ La Tang Ích Tây (1663-1737, Blo-bzan Ye-ses) sanh quán tại vùng Thác Gia Trúc Luân ở Hậu Tạng. 6/ Ban Hựu Ích Hy (1738-1779, Dpal-ldan ye-ses) sanh quán tại vùng Thác Tây Mục. 7/ Đăng Tất Ni Mã (1781-1852, Blo-bjan bstan pahi ni-ma) sanh quán tại vùng Tát Nam Mộc Kiết Hùng ở Hậu Tạng. 8/ Đăng Tất Vượng Tu (1854-1882, Chos kyi grags-pa bstan-pahi dban-phyug) sanh quán tại vùng Thác Gia ở Hậu Tạng. 9/ La Tang Khước Kinh (1883-1935, Blo-bzan thub-bstan chos-kyini ma) sanh quán tại vùng Đạt Bố Hoài Ba. 10/ Cung Bảo Từ Đan (1938-1989, Blo- bzan phrin-las lhun-grub) sanh quán tại vùng Tuần Hóa ở Thanh Hải.

Trừ Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma ra, Hô Tất Lặc Hãn (Tulku-lama) của Lạt Ma Hoàng giáo có Triết Bố Tôn Đơn Ba (chấp chưởng ở ngoại Mông Cổ), Chương Gia (chấp chưởng ở nội Mông Cổ).[10]

C. KẾT LUẬN

Vì mỗi cá nhân là một hữu thể có lý tính nhưng lại khác nhau về tố chất sinh lý và tâm lý, do đó, đức Phật đã truyền dạy rất nhiều pháp môn nhằm đáp ứng phù hợp cho từng cá nhân. Nhưng dù đó là phương pháp nào cũng nhằm dẫn dắt con người đến hạnh phúc an vui. Và tất nhiên, cá nhân tồn tại là trong không gian và thời gian cụ thể nên Phật giáo cũng hướng đến cá nhân này, với những phương pháp cụ thể nhằm hoàn thiện khả năng hoà nhập của cá nhân với xã hội.

Giáo lý mà đức Phật tuyên thuyết, như quan điểm của các nhà Phật học Đại thừa, gồm Hiển giáo và Mật giáo, với ngài Tsong-kha-pa, qua các mục trên đã trình bày, một hành giả tu tập phải kiêm tu cả Hiển và Mật. Dù một người tại gia hay xuất gia đều phải lấy việc tuân thủ giới luật mình tình nguyện lãnh thọ làm nền tảng đều tiên. Một phần, nó là cương giới giữ gìn tịnh hạnh cho người tu, mặt khác, nó là sự tiêu biểu cho đạo giải thoát và tính đặc trưng của đạo Phật. Chính vì tầm quan trọng như vậy nên Hiển giáo đóng vai trò cực kì trọng yếu cho sự tồn vong của Phật pháp. Ngài Tsong-kha-pa đã nhận chân vấn đề này, qua những điển hình là sự tệ hại của Tăng sĩ Phật giáo không giữ giới trong thời đại của ngài.

Thêm nữa, Tây tạng – với nhân duyên đặc biệt của mình đã tiếp thu hầu như trọn vẹn các trường phái Trung quán chính thống từ Ấn độ. Sự kết hợp của tư tưởng Trung quán (tư tưởng) và Mật tông (thực hành) đã thiết lập một cách bền vững cho sự minh triết của Phật giáo Tây tạng. Ngài Tsong-kha-pa, với sự thông tuệ về cả hai thừa trên đã tạo nên xu hướng phát triển đặc biệt cho tông phái mình cũng như cho Phật giáo Tây tạng.

Phái Dge-lugs, một phái đặt nền tảng trong nền tư tưởng của ngài Tsong-kha-pa, mà sự tồn tại của nó chính là minh chứng rõ ràng và xác thực nhất cho sự đúng đắn của tư tưởng ấy.

THƯ MỤC THAM KHẢO

  

- Tenzin Gyatso, Mật tông Tây tạng, Thích Nhuận Châu dịch, NXB Phương Đông, Sài Gòn, 2009.

- 張曼濤主編, 西藏佛教教義論集, 第一刪, 大乘文化出版社印行,臺灣, 1990.

- http://daophatngaynay.com/tacgia/thichhangdat.htm

- http://guanglun.com/

- T30n1579.

- T31n1586

- X21n0369

- Pháp sư Thánh Nghiêm, Lịch sử Phật giáo Tây tạng, Thích Tâm Trí dịch, NXB Phương Đông, Sài Gòn, 2006.


[1] Tham chiếu: 張曼濤主編, 西藏佛教教義論集, 第一刪, 大乘文化出版社印行,臺灣, 1990, 35.

[2] Xem: http://daophatngaynay.com/tacgia/thichhangdat.htm

[3] Sđd 3, tr 667.

[4] Đây là khái niệm vốn thuộc Độc tử bộ (Vātsīputrīya), Bổ-đặc-già-la ( ; s: pudgala; p: puggala), không giống cũng không khác với Ngũ uẩn. Con người đó là kẻ đi tái sinh, là kẻ chịu tất cả các nghiệp báo, thậm chí là kẻ tiếp tục hiện diện trong Niết-bàn. Trong thời đại bấy giờ Ðộc Tử bộ là một trong những bộ phái lớn, nhưng quan điểm của bộ phái này bị các tông phái chống đối vì họ cho rằng »Bổ-đặc-già-la« của Ðộc tử chẳng qua chỉ là biến dạng của một tự Ngã (s: ātman), là quan niệm mà đã bị đức Phật phủ nhận.

[5] Các đoạn trích dẫn của quyển luận sử dụng trong bài viết này được download từ: http://www.guanglun.com/ 宗喀巴大师造, 菩提道次第广论, 法尊法师译, 太虚大师参定译文.

[6]當知菩薩最初發心由四種緣四因四力。云何… T30n1579_p481a03-04.

[7] 掉舉 Auddhatya; 惛沈 Styāna; 不信 Āśraddhya; 懈怠 Kauśīdya; 放逸 Pramāda; 失念 Muṣṭa-smṛṭati; 散亂 Vikṣepa; 不正知 Asamprajanya. T31n1586_p60b29-c01.

[8] 若由惛沉及以睡眠, 或由沉沒, 或由愛味三摩鉢底, 諸隨煩惱之所染汙,…X21n0369_p343a24-b01.

[9] Điểm này cũng như là ba tánh trong Duy thức tông

[10] http://daophatngaynay.com/viet/pgtg/nguoi/028-tongkhachba-6.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét