QUAN NIỆM VỀ A LA HÁN CỦA THƯỢNG TỌA BỘ

QUAN NIỆM VỀ A LA HÁN CỦA THƯỢNG TỌA BỘ

  

1. Sự hình thành và tư tưởng chính của Thượng tọa bộ

Thượng toạ bộ (S: sthaviravāda; P: theravāda), trường phái thuộc Trưởng lão bộ (s: sthaviravāda), xuất phát từ Phân biệt bộ (s: vibhajyavādin), do Mục-kiền-liên Tử-đế-tu (p: moggaliputta tissa) thành lập. Phái này được Ma-hi-đà đưa về Tích Lan năm 250 trước Công nguyên và được các sư tại Ðại Tự (mahāvihāra) tu tập. Về giới luật cũng có nhiều bất đồng trong nội bộ phái Thượng toạ bộ. Ngày nay Thượng toạ bộ được lưu hành tại các nước Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Campuchia và Lào.

Thượng toạ bộ là trường phái Tiểu thừa duy nhất còn lưu lại đến ngày nay, tự xem là dạng Phật giáo nguyên thuỷ nhất. Thượng toạ bộ cho rằng các kinh điển viết bằng văn hệ Pā-li của mình là ngữ thuyết của chính đức Phật (Tam tạng). Giáo pháp của Thượng toạ bộ chủ yếu gồm Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Mười hai nhân duyên và thuyết Vô ngã. Thượng toạ bộ nhấn mạnh khả năng từng người tự giải thoát bằng cách kiên trì giữ giới luật và sống một cuộc đời phạm hạnh. Hình ảnh cao quí của Thượng toạ bộ là A-la-hán. Giáo pháp của Thượng toạ bộ có khuynh hướng phân tích, trong đó A-tì-đạt-ma (s: abhidharma) đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra bộ Thanh tịnh đạo (p: visuddhi-magga) và Di-lan-đà vấn đạo kinh (p: milindapañha) cũng rất được phổ biến. Luận sư xuất sắc của Thượng toạ bộ là Phật Âm (p: buddhagosa), Hộ Pháp (p: dhammapāla), A-na-luật (anuruddha) và Phật-đà Ðạt-đa (buddhadatta).

2. A la hán là gì?

A-la-hán (阿羅漢; S: arhat; P: arahat, arahant; T: dgra com pa), dịch nghĩa là Sát Tặc (殺賊), là diệt hết bọn giặc phiền não, ô nhiễm; Ứng Cúng (應供), là người đáng được cúng dường; Bất Sinh (不生) hoặc Vô Sinh (無生), là người đã đạt Niết-bàn, đoạn diệt sinh tử.

A-la-hán là danh từ chỉ một Thánh nhân, người đã đạt cấp “vô học” của Thánh đạo (s: āryamārga; p: ariyamagga), không bị ô nhiễm (s: āśrava; p: āsava) và phiền não (s: kleśa; p: kilesa) chi phối. Thánh quả A-la-hán có khi được gọi là Hữu dư niết-bàn (s: sopadhiśeṣanirvāṇa; p: savupadisesanibbāna).

A-la-hán là hiện thân của sự Giác ngộ trong thời Phật giáo nguyên thuỷ. Khác với hình ảnh của Bồ Tát, hiện thân của Phật giáo Ðại thừa của thời hậu thế với mục đích Giải thoát mọi chúng sinh, A-la-hán tu tập nhằm giải thoát riêng mình. A-la-hán là các vị đã giải thoát 10 trói buộc thế gian như: ngã kiến, nghi ngờ, chấp đắm giới luật, tham, sân hận, sắc tham, vô sắc tham, kiêu mạn, hồi hộp không yên (trạo), vô minh. A-la-hán được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”.[1]

a. A la hán theo kinh Nikāya

Một vị được gọi là A la hán, theo kinh Nikāya, là những vị đã đạt được niết-bàn sau khi đã đoạn tận tham – sân – si:

‘-"A-la-hán, A-la-hán", này Hiền giả Sàriputta, được gọi là như vậy. Này Hiền giả, thế nào là A-la-hán?

-Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là A-la-hán.

- Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến chứng đắc A-la-hán ấy?

-Này Hiền giả, có con đường, có đạo lộ đưa đến chứng đắc A-la-hán ấy.

- Này Hiền giả, con đường ấy là gì, đạo lộ ấy là gì đưa đến chứng đắc A-la-hán ấy?

- Này Hiền giả, đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định... Này Hiền giả, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến chứng đắc A-la-hán ấy.

- Này Hiền giả, hiền thiện là con đường, hiền thiện là đạo lộ đưa đến chứng đắc A-la-hán. Thật là vừa đủ, này Hiền giả, để không phóng dật.’[2]

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Ðịa đại là của ta" - không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri địa đại.

Vị ấy thắng tri thủy đại... hỏa đại... phong đại... sanh vật... chư Thiên... Sanh chủ... Phạm thiên... Quang âm thiên... Biến tịnh thiên... Quảng quả thiên... Abhibhù (Thắng Giả)... Không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ... sở kiến... sở văn... sở tư niệm... sở tri... đồng nhất... sai biệt... tất cả... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri Niết-bàn"”.[3]

Như vậy, một vị A la hán là vị sau khi đạt được niết-bàn nhờ đoạn tận tham – sân – si nhưng vị ấy không thấy là mình đạt niết-bàn, bởi lẽ, vị ấy đã trừ sạch quan niệm dù là vi tế về ngã và ngã sở. Nhờ sự hiểu biết về bản chất của các pháp một cách chính xác nên các vị ấy đã đạt được xả ly hoàn toàn về các bất thiện pháp, một điều mà kẻ phàm phu không thể làm được. Chắc chắn vị A la hán hoàn toàn tự do sử dụng những từ và những chỉ danh như “Ta” và “của ta”. Sự giải thoát ràng buộc của các khái niệm không ngụ ý nghiêm cấm dùng đến chúng. Nhưng vị A la hán phô diễn chúng chỉ như là những phương tiện vì mục đích giao tiếp. Vị ấy không bị chúng đánh lừa nữa; vị ấy không còn nắm giữ chúng làm động cơ cho những giả định. Vị ấy hiểu chúng như là những thành ngữ chế định, không phải là những từ mô tả các loại thực tính.Vị ấy có thể nói “Đây là y của ta”, nhưng vị ấy ý thức rằng cái “của ta” chỉ phát sanh qua cách dùng chế định và không phải là sự biểu thị cho một sở hữu chủ đích thực. Trong những ý nghĩ của vị ấy chỉ có “y này được khoác trên thân này”. Vị ấy có thể nói “Ta đang đi vào làng”, nhưng vị ấy biết rằng không có người đi, chỉ là sự diễn hành của các uẩn được bao gồm trong hành động đi.

b. A la hán theo quan điểm Thượng tọa bộ

Có thể nói, A la hán là một quả vị vô cùng quan trọng trong toàn bộ ý nghĩa tu tập Phật pháp, đặc biệt là trong hệ phái Nam truyền. Dù rằng, một số học giả có ý nghi ngờ về sự thực hư của năm sự mà ngài Đại thiên đã đề ra, tuy nhiên, trong các luận thư Abhidhamma của Thượng tọa bộ, đặc điểm cũng như sự tu chứng của một vị A la hán được đem ra bàn luận rất kĩ lưỡng, chứng tỏ, năm việc của Đại thiên là hoàn toàn có thật. Có thể nói, bộ Kathāvatthu (bộ ngữ tông hoặc nhân chế định) của Thượng tọa bộ đã trình bày những quan điểm ấy cụ thể và tương đối đầy đủ. Bộ này đưa ra những khẳng định qua những câu trả lời cho những nghi vấn của các bộ phái khác.

i. Vấn đề hoại lìa quả vị A-la-hán (Panihānikathā)

Như ba hạng thánh quả thấp hơn không thoái hóa, vị A la hán cũng không bị thoái hóa quả vị mình đã đạt được. Chính A la hán là người đã trừ nhiều nhất các cấu nhiễm, đã tu thành đạt nhất và đã thấy biết rõ nhất các chân lý. Không những đây là những vị đã trừ bỏ mọi cấu nhiễm mà ngài còn hủy diệt đến tận gốc rễ của chúng và không cho chúng tái sanh nữa.

Trong kinh đã nói rõ: “Những ai đoạn tận tham, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những ai đoạn tận sân, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những ai đoạn tận si, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những vị ấy là những vị khéo đến ở đời”.[4]

Từ những dẫn chứng trên, họ chứng minh rằng vị A la hán sẽ không thối thất quả vị của mình.

ii. Vấn đề ô nhiễm của bậc A-la-hán (Parupahārakathā)

Trong năm sự của Đại thiên nêu ra thì sự đầu tiên là vị A la hán vẫn còn xuất bất tịnh trong khi ngủ vì bị ma dẫn dụ. Thượng tọa bộ đã bác bỏ quan điểm này, bởi vì làm thế nào mà quan điểm ấy có thể hữu lý được đối với bậc A-la-hán, người đã xa lìa ái dục, sân hận, si mê, đã làm xong những việc cần làm, đặt gánh nặng xuống, người chiến thắng, tối thượng, hoàn toàn cắt đứt mọi ràng buộc trong các hữu, giải thoát tri kiến, đã lấp cống, nhổ cừ lên rồi, bậc không còn then chốt, đắc chứng thành đạo, hạ cờ ngã mạn, làm xong phận sự, chấm dứt mọi ràng buộc, đã thấu rõ Khổ đế, tuyệt trừ Tập đế, chứng ngộ Diệt đế và trau dồi thuần thục Ðạo đế đã thấu rõ các pháp đáng thấu rõ, tuyệt trừ các pháp đáng tuyệt trừ, chứng ngộ các pháp đáng chứng ngộ, trau dồi các pháp đáng trau dồi, nhận thức các pháp đáng được nhận thức.

Việc xuất tinh bất tịnh khác với việc thải các chất lỏng khác của thân, như nước miếng, nước mắt, nước tiểu…, còn việc xuất bất tịnh phải lien quan đến ái dục – điều mà bất k người tu nào cũng cần phải đoạn tận, huống hồ là A la hán.

Họ dẫn chứng: “Này Chư T kheo, những vị T kheo nào dù còn là phàm phu, nhưng đầy đủ giới đức, chánh niệm, và giác tỉnh thì tinh dịch không xuất ra ngay cả trong lúc ngủ. Cho đến các vị du sĩ ngoại đạo, tâm đã xa lìa ái dục cũng không có sự xuất tinh? Do đó, cho rằng A-la-hán vẫn còn xuất tinh là một chuyện ảo tưởng và không tự nhiên”.[5]

Do đó, điều thứ nhất của Đại thiên đã mâu thuẫn với lời đức Phật đã dạy trong Luật tạng.

iii. Vấn đề tri kiến của bậc A-la-hán (Annānakathā)

Đây là phần bác bỏ về điều thứ hai của Đại thiên. Họ khẳng định A la hán không có vô tri. Nếu có vô tri thì cũng có vô minh, mà vô minh, khâu đầu tiên của chuỗi duyên sinh, là một thác lũ, một ức chế…, đó là đối tượng mà tất cả A la hán phải đoạn tận. Nếu vậy thì A-la-hán vẫn còn sự bất toàn về tri kiến và do tri kiến bất toàn ấy, vị này sẽ sát sanh, trộm cắp, vọng ngôn, lưỡng thiệt, nói lời, phù phiếm, ác khẩu, ăn cướp cả xóm hay một nhà, chặn đón nơi đường vắng, tìm kiếm vợ người khác, giết hại dân quê hay dân thị thành và phải chấp nhận rằng phàm phu vẫn có tri kiến bất toàn và làm những điều đó.

Nếu vẫn cho rằng bậc A-la-hán, người đã đoạn trừ Aí dục, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, hôn trầm, phóng dật, vô tàm, vô úy, người đã nhổ chúng tận gốc như cây Tala đứt ngọn, không có khả năng sanh khởi trong tương lai, người đã thuần thục trong pháp ly tham cùng những yếu tố giác ngộ đưa đến giải thoát, thành tựu trong sự đoạn tận tham ái, sân hận, si mê ... và những phẩm hạnh cần thiết của một bậc A-la-hán. Phải chăng người như vậy mà vẫn còn bất toàn về tri kiến?

Họ dẫn chứng: “Và này các Tỷ-kheo, như thế nào đối với người biết, đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt? Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là hành... Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người biết, như vậy đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt”.[6]

Và kinh khác: “Với người biết, với người thấy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố các lậu hoặc được đoạn tận, không phải với người không biết, với người không thấy. Và do biết gì, do thấy gì, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận? Do biết, do thấy: "Ðây là Khổ", này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận. Do biết, do thấy: "Ðây là Khổ tập"... "Ðây là Khổ diệt"... Do biết, do thấy: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", các lậu hoặc được đoạn tận”.[7]

Như vậy, họ khẳng định A la hán tri kiến trọn vẹn về các pháp và tất nhiên, điều thứ hai của Đại thiên hoàn toàn bị bác bỏ.

iv. Vấn đề hoài nghi của bậc A-la-hán (Kankhākathā)

Hoài nghi ở đây là hoài nghi về bốn Thánh quả, nếu vậy thì A la hán sẽ gặp chướng ngại trong hành trình tiến tới đạo quả. Nếu đã như vậy thì sao gọi là A la hán được? Khi vấn đề trên đã bị bác bỏ thì vấn đề này không khó để phủ định.

v. Vấn đề siêu phàm của bậc A-la-hán (Paravitāranākathā)

Có người cho rằng A la hán được chỉ dẫn bởi người khác nhưng như thế cũng có nghĩa rằng A la hán được siêu phàm do nhờ người khác, cũng bị dẫn dắt bởi kẻ khác, tức là tin nơi kẻ khác, bị điều kiện hóa (duyên sinh) bởi kẻ khác, phụ phụ thuộc vào kẻ khác; vị ấy không biết, không thấy, bị lạc lối và mất nhận thức, điều này trái với định tính của vị A la hán.

Họ dẫn chứng: “Này Dhotaka, không ai trên đời này do còn hoài nghi sẽ dẫn dắt Như lai đến giải thoát. Chính trong sự chứng ngộ Giáo pháp cao thượng của một bậc Toàn giác, với Tuệ tối thượng, Như lai vượt khỏi Bộc lưu”.[8]

vi. Vấn đề phát âm trong lúc nhập thiền (Vacibhedakathā)

Sự cảm thấy khổ liền phát ra lời cảm thán này không xảy ra mọi lúc mọi nơi, với mọi người, trong mọi định. Nếu người biết khổ đau thốt lên: “ôi khổ đau”, thì người biết nguồn gốc của khổ phải thốt: “ôi nguồn gốc”, người biết sự đoạn diệt thốt: “ôi đoạn diệt”, người biết đạo thốt: “ôi đạo”. Thực tế không như vậy. Thêm nữa, lĩnh vực của trí là chân lý, trong khi lĩnh vực của tai là âm thanh, hai lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau. Mặt khác, đức Phật đã nói rằng, nơi người an trú trong sơ thiền, lời lẽ đã chấm dứt và như thế điều ấy cũng tương tự trong các tầng thiền cao hơn.

Đoạn kinh sau cũng đủ phủ nhận điều của Đại thiên: “Nhưng này Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự đoạn diệt các hành là tuần tự: khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được đoạn diệt; khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được đoạn diệt; khi chứng Thức vô biên xứ, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt”.[9]

vii. Vấn đề thành đạt tuệ bằng tiếng "Khổ" (Dukkhāhārakathā)

Đây là điểm bác bỏ vấn đề của Đại thiên. Cảm thọ khổ đau không phải là chi phần của đạo và không ở trong đạo. Nếu đau khổ là chi phần của đạo thì bất cứ ai biết than: “ôi khổ đau” đều là người biết tu đạo. Thế thì, khi thốt lên: “ôi khổ đau” thì những kẻ phàm phu vô trí, những kẻ phạm năm tội ngủ nghịch đều tu đạo hết sao? Vì những kẻ ấy cũng biết kêu lên tiếng “khổ”. Do đó, điều của Đại thiên là vô lí.

viii. Vấn đề cư sĩ và A-la-hán (Gahissa arahātikathā)

Theo phái Uttarāpattakas cho rằng cư sĩ cũng có thể là bậc A la hán, vì thấy Yasa - con trai người đại phú, và người khác chứng được quả A-la-hán trong khi vẫn sống đời sống gia đình, nên họ cho rằng một người cư sĩ vẫn có thể là một vị A-la-hán. Nhưng theo Thượng tọa bộ thì điều này không thể xảy ra. Họ giải thích rằng, nếu cho rằng người cư sĩ có thể là bậc A-la-hán. Nhưng với quan niệm này, đã có bao hàm một bậc A-la-hán vẫn còn có triền (những dây trói buộc) của người cư sĩ. Ngài cho rằng: "Những triền này không còn hiện hữu đối với bậc A-la-hán nữa". Như vậy, làm thế nào một người cư sĩ có thể trở thành bậc A-la-hán được? Ðối với vị A-la-hán, những triền đã được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm thành như cây Tala đứt ngọn, không có khả năng sanh khởi trong tương lai. Nếu có thể nói như vậy đối với một người cư sĩ không? Và thừa nhận không bao giờ có một người cư sĩ (như thế) không có triền phược, sống đời sống cuối cùng, mà còn có tất cả sầu bi. Lại nữa, trong sự xác nhận ấy đã bao hàm một bậc A-la-hán vẫn còn liên hệ với người khác phái, vẫn còn chịu đựng những đau khổ trong đời sống, vẫn còn làm cho dục phát sanh, vẫn còn con cái, vẫn tìm thú vui, vẫn trang phục với vải nhung và vải nhuyễn, vẫn dùng loại vải Kāsi, vẫn dùng dầu thơm và các loại dầu thoa xức (cho mượt tóc), vẫn nhận vàng bạc, vẫn nhận trừu, gà, heo, voi, dê, bò, ngựa, la, chim đa đa, chim cun cút, gà đuôi cong, chim trĩ, quấn khăn choàng trắng với những tấm lụa dài, vẫn có thể là người chủ trọn đời - Dĩ nhiên điều này bị từ chối.

Họ viện dẫn kinh rằng: “Thưa tôn giả Cồ Ðàm, có người cư sĩ nào chưa tuyệt trừ phiền não, với sự tử biệt sẽ chấm dứt mọi đau khổ"? Và Ðức Thế tôn đáp: "Không, này Vacchagatta, không hề có như vậy”.[10]

ix. Vấn đề tục sinh (Upapattikathā)

Theo Thượng tọa bộ, người ta không thể đạt quả vị A la hán cũng như ba quả vị thấp hơn khi tái sinh. Sự bất định của tâm người tái sinh ngăn cản việc đạt được Thánh vị vào lúc ấy. Không thể kể đến một vị A-la-hán nào - ngay cả những vị đại Ðệ tử - thành A-la-hán lúc vừa mới tục sinh, như Sariputta, hay Moggallāna, Kassapa, Kaccāyana, Kotthika hay Panthakā. Khảo sát tâm tục sinh của chúng ta: Nó được sanh khởi vì sự tái sanh là dục vọng, một tâm như vậy là hiệp thế, cảnh của lậu, ... cảnh phiền não. Có thể tâm này chứng quả A-la-hán không? Có phải một loại tâm được gọi là nhân xuất luân hồi, chứng ngộ, chứng đắc, giải thoát khỏi lậu hoặc ... và phiền não? Có phải tâm này đã đoạn tận Ái dục, Sân hận, si mê và phóng dật? Có phải tâm này là Thánh đạo, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần ... Thất giác chi? Có thể nào tâm này thấu rõ Khổ đế, đoạn tận tập đế, chứng ngộ Diệt đế, và thành đạt Ðạo đế? Tất cả những điều này, dĩ nhiên Ngài phải từ khước.

x. Vấn đề A-la-hán và cảnh lậu (Anāsavakathā)

Phái Uttarāpathakaḥ, cho rằng tất cả các pháp tùy thuộc vào một vị A-la-hán, người đã đoạn tận các lậu hoặc (Asavas) đều thoát khỏi những lậu hoặc. Nhưng theo Thượng tọa bộ thì mọi pháp của A la hán đều không phải không có những bất định Tất cả pháp phi cảnh lậu là 4 đạo, 4 quả, Niết bàn và 37 phẩm trợ đạo; nhưng những pháp này không phải là tất cả những pháp của vị A-la-hán (cả trong đời sống hằng ngày). Chẳng hạn như 5 Thức của vị A-la-hán (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) không thể gọi là pháp phi cảnh lậu. Vì vậy, quan điểm của trên không chấp nhận được. Lại nữa, thân của vị này vẫn còn bị ràng buộc, bị cắt đứt, bị hủy hoại, bị phân chia bởi quạ, diều hâu và kên kên. Có phải những điều này được gọi là "phi cảnh lậu" không? Chất độc và khí giới có thể vào thân của vị A-la-hán và lửa hay dao kiếm có thể phá hoại thân ấy. Có phải những điều này được gọi là "phi cảnh lậu" không? Thân của vị này có thề bị giam cầm, bị bắt làm tù nhân, có thể bị cột bằng giây, bằng còng, có thể bị bắt nhốt trong một ngôi làng, tỉnh, thành phố hay quận ly, có thể bị cầm tù, hay bị quản thúc. Có phải những điều này được gọi là "phi cảnh lậu" không? Hơn nữa, nếu một vị A-la-hán bố thí y phục đến cho một người phàm phu, có phải y phục đó "phi cảnh lậu" trở thành cảnh lậu không? Ngài có thể chấp nhận điều này trong những danh từ chung chung, nhưng có phải Ngài chấp nhận những pháp phi cảnh lậu cũng có thể trở thành cảnh lậu không? Nếu đồng ý, thì giống như y phục, những pháp khác thuộc về phẩm hạnh cao thượng của vị A-la-hán như: Ðạo, quả trước là phi cảnh lậu rồi sau trở thành cảnh lậu. Tương tự, áp dụng cách lý luận như thế cho sự bố thí vật thực, sàng tọa và thuốc men. Hoặc ngược lại, nếu một người phàm phu dâng y hay. Những vật cần thiết khác đến vị A-la-hán, có phải những vật ấy trước là cảnh lậu, bằng cách này mà trở thành phi cảnh lậu? Có phải những pháp trước là cảnh lậu rồi sau trở thành phi cảnh lậu như: ái, sân, si ... phóng dật (như những ràng buộc và đặc tính của người phàm phu).

Như vậy, xác thân của A la hán không phải không có những bất tịnh sắc thể và không thể được liệt vào bất cứ loại nào của những pháp thuần tinh thần (hay phi sắc) và không có những bất tịnh.

xi. Vấn đề thánh quả (Samannāgatakathā)

Theo một số phái thì sau khi đắc quả A la hán thì vị này vẫn tiếp tục dùng hoặc lưu giữ những quả vị thấp hơn mà mình đã đạt được trước đó.

Có hai loại chứng đạt: Sự chứng đạt trong thời hiện tại và sự chứng đạt trong thời kế tiếp về sau. Nhưng một vài phái như Uttarāpathakas cho rằng còn có một sự chứng đạt khác từ quá khứ là một sự chứng đạt trường cửu (Pattidhammo) trong cõi sắc giới và vô sắc giới.

Phái Theravadins cho rằng không có một sự chứng đạt như thế, mà chỉ có trường hợp khi muốn chứng các tầng thánh cao thì phải vượt qua các tầng thánh thấp đã chứng đạt được. Nếu cho rằng bậc A la hán vẫn còn giữ lại với 4 quả, bậc Bất lai với 3 quả, bậc Nhất lai với hai quả, và như vậy, thì cũng phải chấp nhận rằng bậc A-la-hán tùng hiệp với bốn xúc, 4 tưởng, 4 tư, 4 tâm,4 tín, 4 cần, 4 niệm, 4 tuệ; bậc bất lai, thì tùng hiệp với 3 xúc, ..., 3 tuệ, bậc Nhất lai tùng hiệp với 2 xúc ... 2 tuệ.

Lại nữa, nếu một bậc A-la-hán tùng hiệp với quả thứ nhất, quả thứ nhì và quả thứ ba thì bậc này cũng phải có đặc tính thực sự của bậc Dự lưu (đoạn thứ ba kiết sử), bậc Nhất lai (làm yếu thêm hai kiết sử) và bậc Bất lai (đoạn trừ 5 hạ phần kiết sử). Do đó, vị này được xem như có một và tất cả (4 bậc) trong cùng một lúc. Ðiều này là một sự vô lý.

xii. Vấn đề A-la-hán và sự tích trữ phước báu (Atthi arahato puññūpacayotikathā)

Có quan điểm cho rằng A la hán vẫn còn tích trữ phước báu, pháiAndhakas, cho rằng một vị A-la-hán vẫn có thể bố thí tài vật đến chư tăng, đảnh lễ bảo tháp và làm những hành động thiện khác, nên bậc này vẫn còn tích trữ phước báu.

Nếu cho rằng bậc A-la-hán vẫn còn tích trữ phước báu thì cũng phải cộng nhận rằng những bậc này cũng có thể tích trữ tội lỗi. Tương tự, cũng phải công nhận rằng bậc A-la-hán vẫn còn tạo nghiệp thiện và nghiệp đưa đến bất động nghiệp (cõi vô sắc), bậc này vẫn tạo nghiệp tái sanh vào cõi này hay cõi khác, tự báo thân (sanh mạng) này hay khác, thành bậc trưởng giả, thành người có nhiều hậu thuẫn, thành bậc triệu phú, thành người thừa kế, thành người có nhiều tài sản ở cõi Chư thiên hay nhân loại... Hơn nữa, cũng phải thừa nhận rằng với nghiệp của bậc này, bậc A-la-hán chất chứa nghiệp hoặc để gánh nặng xuống, đoạn tận (nghiệp) hay chấp thủ nghiệp, làm nghiệp phân tán hay tập trung nghiệp. Nếu bậc A-la-hán không tùy thuộc những điều này thì bậc này đặt gánh nặng xuống, đã làm phân tán, đã làm tiêu tan đi và như thế, thì luận điểm trên không thể chấp nhận được.

xiii. Vấn đề A-la-hán và sự chết bất đắc k tử (Natthi arahato akālanaccūtikathā)

Quan niệm của phái RājagirikasSiddhatthikas, họ cho rằng một vị A-la-hán phải thọ lãnh những dị thục quả từ tất cả nghiệp trước khi chứng quả, do đó không thể chết bất đắc k tử được.

Theo Thượng tọa bộ, bất cứ một người nào đoạt mạng sống của một vị A-la-hán, có phải người này giết bậc A-la-hán lúc còn sống hay khi đã chết? Nếu giết lúc còn sống (vị A-la-hán chết bất đắc k tử) thì không thể nào duy trì luận điểm trên. Nếu giết khi đã chết, thì không có người sát nhân và như thế sự chấp nhận trên của điểm trên là sai lầm. Lại nữa, chấp nhận rằng, thuốc độc vũ khí, hay lửa có thể vào thân của vị A-la-hán. Nếu vậy, thật rõ ràng là vị A-la-hán có thể chết bất đắc k tử. Nhưng nếu từ chối, thế thì không có người nào sát nhân.

xiv. Sự giải thoát của bậc A-la-hán có hoàn hảo không?

Phái Mahāsanghikas có quan niệm này về phương diện vô minh triền và hoài nghi triền, cho rằng dầu là một vị A-la-hán cũng không biết được Tuệ của chư Phật.

Nhưng nếu cho rằng như vậy thì bao hàm rằng chứng ngộ A-la-hán không cần đoạn tận Thân kiến, Hoài Nghi, Giới cấm thủ, Ái, sân, si, Phóng dật? Hay bao hàm rằng bậc A-la-hán vẫn còn ái, sân, si, ngã mạn ... Có phải sự thật về bậc này thì ngược lại? Do đó, làm thế nào có thể nói rằng vẫn còn triền mà bậc A-la-hán chưa đoạn tận được?

3. Kết luận

Qua mười việc phi pháp và năm sự của Đại thiên, chúng ta thấy rõ rằng, Thượng tọa bộ muốn bác bỏ tính chính thống và đúng đắn của Đại chúng bộ thông qua giới luật. Vì giới luật chính là đại biểu cho hàng Tăng bảo của Phật giáo nên một khi bất kì ai không tuân thủ giới luật của Phật cũng đồng nghĩa là phạm hạnh của vị ấy đã bị hao tổn, cũng có nghĩa là vị ấy vẫn còn hữu lậu. Việc bác bỏ này cũng chính là đánh vào phẩm hạnh của một vị tu hạnh Đại thừa.

Ngược lại, các nhà Đại thừa lại nhắm vào giáo lý hay nói khác hơn là nhắm vào quả vị lý tưởng cao tột mà các nhà Thượng tọa bộ hướng đến- quả vị A la hán.

Một câu hỏi chúng ta có thể đặt ra rằng, những người tham gia trong các cuộc tranh luận này đã chứng quả A la hán hay Phật chưa? Hay đó chỉ dựa vào quan điểm cá nhân được suy luận trong quá trình học hỏi kinh điển?

Nếu câu hỏi này được trả lời bằng sự khẳng định là “không” thì hẳn nhiên sự tranh luận trên không có giá trị về mặt tu hành. Vì rằng, trong kinh đức Phật không khuyến khích tranh luận những gì mà bản thân chưa chứng đắc- điều đó chỉ dẫn đến hí luận mà thôi. Tuy nhiên, ai cũng có quyền nêu lên quan điểm của mình, chúng ta chỉ nên ghi nhận mà không bác bỏ.

Như trong kinh Sa môn quả, đức Phật không so sánh các quả vị mà chỉ nêu ra các giai đoạn tu tập cho một hành giả từ thấp đến cao. Có thể nói, đây là điểm mà chúng ta mặc nhiên thừa nhận và thực hành theo thì kết quả hẳn nhiên là chúng ta có thể kiểm chứng được. Biết như thật về Tứ diệu đế, biết như thật "đây là khổ", biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ", biết như thật "đây là khổ diệt", biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt", biết như thật "đây là những lậu hoặc", biết như thật "đây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật "đây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật "đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị T kheo ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu.

Vì biết như thật như vậy nên vị ấy tự biết rằng mình đã đạt được kết quả tối hậu của người tu hành cần hướng đến là vô sanh. Đây chính là quả Sa-môn tối cao. Phật khẳng định qua lời kết luận với vua Ajātasattu rằng: “Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước. Này Đại vương, không có một quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn nào vi diệu và thù thắng hơn quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn này”.[11]

THƯ MỤC THAM KHẢO

  

1. Abhidhammapiṭaka, Kathāvatthu (Bộ ngữ tông), Tâm An - Minh Tuệ dịch, Ban trị sự THPG Tp.HCM xuất bản, 1987.

2. André Bareau, Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.

3. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tiểu bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2000.

4. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trung bộ, tập 2, kinh Ba minh Vacchagota, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.

5. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trung bộ, tập I, kinh Pháp môn căn bản, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.

6. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trường bộ, kinh Sa môn quả, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.

7. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tương ưng bộ, tập 2, phẩm Mười lực, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2000.

8. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tương ưng bộ, Tương ưng Jambukhādaka, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2001.

9. Dhammagiri Pāli ganthamālā, Dīghanikāyo, Vipassana research Institute Preface, Indian, 2001.

10. Edward Conze, Tư tưởng Phật giáo Ấn đ, Hạnh Viên dịch, NXB Phương Đông, Sài gòn, 2007.

11. Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT. Giới Nghiêm dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.

12. Thích Tâm Minh, Khảo cứu về Văn học Pāli, NXB Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2006.

13. 大正新脩大藏經, 49 No. 2031, 異部宗輪論


[1] “Khīā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyā”ti pajānāti. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trường bộ, kinh Sa môn quả, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, trang 155.

[2] ‘‘‘Arahattaṃ, arahatta’nti, āvuso sāriputta, vuccati. Katamaṃ nu kho, āvuso, arahatta’’nti? ‘‘Yo kho, āvuso, rāgakkhayo dosakkhayo mohakkhayo – idaṃ vuccati arahatta’’nti. ‘‘Atthi panāvuso, maggo atthi paṭipadā etassa arahattassa sacchikiriyāyā’’ti? ‘‘Atthi kho, āvuso, maggo atthi paṭipadā etassa arahattassa sacchikiriyāyā’’ti. ‘‘Katamo panāvuso, maggo katamā paṭipadā etassa arahattassa sacchikiriyāyā’’ti? ‘‘Ayameva kho, āvuso, ariyo aṭṭhaṅgiko maggo etassa arahattassa sacchikiriyāya, seyyathidaṃ – sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammāājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi. Ayaṃ kho āvuso, maggo, ayaṃ paṭipadā etassa arahattassa sacchikiriyāyā’’ti. ‘‘Bhaddako, āvuso, maggo bhaddikā paṭipadā etassa arahattassa sacchikiriyāya. Alañca panāvuso sāriputta, appamādāyā’’ti. Dutiyaṃ. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tương ưng bộ, Tương ưng Jambukhādaka, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, trang 404-405.

[3] ‘‘Yopi so, bhikkhave, bhikkhu arahaṃ khīāsavo vusitavā katakaraṇīyo ohitabhāro anuppattasadattho parikkhīṇabhavasaṃyojano sammadaññā vimutto, sopi pathaviṃ pathavito abhijānāti; pathaviṃ pathavito abhiññāya pathaviṃ na maññati, pathaviyā na maññati, pathavito na maññati, pathaviṃ meti na maññati, pathaviṃ nābhinandati. Taṃ kissa hetu? ‘Pariññātaṃ tassā’ti vadāmi.

‘‘Āpaṃ…pe… tejaṃ… vāyaṃ… bhūte… deve… pajāpatiṃ… brahmaṃ… ābhassare… subhakiṇhe… vehapphale… abhibhuṃ… ākāsānañcāyatanaṃ… viññāṇañcāyatanaṃ… ākiñcaññāyatanaṃ… nevasaññānāsaññāyatanaṃ… diṭṭhaṃ… sutaṃ… mutaṃ… viññātaṃ… ekattaṃ… nānattaṃ… sabbaṃ… nibbānaṃ nibbānato abhijānāti; nibbānaṃ nibbānato abhiññāya nibbānaṃ na maññati, nibbānasmiṃ na maññati, nibbānato na maññati, nibbānaṃ meti na maññati, nibbānaṃ nābhinandati. Taṃ kissa hetu? ‘Pariññātaṃ tassā’ti vadāmi.Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trung bộ, tập I, kinh Pháp môn căn bản, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005

[4] Yesaṃ kho, āvuso, rāgo pahīno ucchinnamūlo tālāvatthukato anabhāvaṅkato āyatiṃ anuppādadhammo, doso pahīno ucchinnamūlo tālāvatthukato anabhāvaṅkato āyatiṃ anuppādadhammo, moho pahīno ucchinnamūlotālāvatthukato anabhāvaṅkato āyatiṃ anuppādadhammo, te loke sugatā’’ti. Sđd 3, trang 406.

[5] ‘‘Yo pana bhikkhu nimantito sabhatto samāno purebhattaṃ vā pacchābhattaṃ vā kulesu cārittaṃ āpajjeyya, pācittiya’’nti. Vinayapiṭake, Pācittiyakaṇḍaṃ, i. 295.

[6] “tatra kho…pe… ye hi keci, bhikkhave, samaṇā vā brāhmaṇā vā jarāmaraṇaṃ na parijānanti, jarāmaraṇasamudayaṃ na parijānanti, jarāmaraṇanirodhaṃ na parijānanti, jarāmaraṇanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ na parijānanti, jātiṃ na parijānanti…pe… bhavaṃ… upādānaṃ… taṇhaṃ… vedanaṃ… phassaṃ… saḷāyatanaṃ… nāmarūpaṃ… viññāṇaṃ… saṅkhāre… saṅkhārasamudayaṃ… saṅkhāranirodhaṃ… saṅkhāranirodhagāminiṃ paṭipadaṃ na parijānanti”. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tương ưng bộ, tập 2, phẩm Mười lực, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2000, trang 58.

[7] ‘‘Jānatohaṃ, bhikkhave, passato āsavānaṃ khayaṃ vadāmi, no ajānato apassato. Kiñca, bhikkhave, jānato passato āsavānaṃ khayo hoti? ‘Idaṃ dukkha’nti, bhikkhave, jānato passato āsavānaṃ khayo hoti, ‘ayaṃ dukkhasamudayo’ti jānato passato āsavānaṃ khayo hoti, ‘ayaṃ dukkhanirodho’ti jānato passato āsavānaṃ khayo hoti, ‘ayaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadā’ti jānato passato āsavānaṃ khayo hoti. Evaṃ kho, bhikkhave, jānato evaṃ passato āsavānaṃ khayo hoti”. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tương ưng bộ, tập 5, phẩm Koṭigāma, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2000, trang 631.

[8] Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tiểu bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2000.

[9] ‘‘Sādhu sādhu, bhikkhu! Tisso imā, bhikkhu, vedanā vuttā mayā. Sukhā vedanā, dukkhā vedanā, adukkhamasukhā vedanā – imā tisso vedanā vuttā mayā. Vuttaṃ kho panetaṃ, bhikkhu, mayā – ‘yaṃ kiñci vedayitaṃ, taṃ dukkhasmi’nti. Taṃ kho panetaṃ, bhikkhu, mayā saṅkhārānaṃyeva aniccataṃ sandhāya bhāsitaṃ – ‘yaṃ kiñci vedayitaṃ taṃ dukkhasmi’nti. Taṃ kho panetaṃ, bhikkhu, mayā saṅkhārānaṃyeva khayadhammataṃ…pe… vayadhammataṃ…pe… virāgadhammataṃ …pe… nirodhadhammataṃ…pe… vipariṇāmadhammataṃ sandhāya bhāsitaṃ – ‘yaṃ kiñci vedayitaṃ taṃ dukkhasmi’nti. Atha kho pana, bhikkhu, mayā anupubbasaṅkhārānaṃ nirodho akkhāto. Paṭhamaṃ jhānaṃ samāpannassa vācā niruddhā hoti. Dutiyaṃ jhānaṃsamāpannassa vitakkavicārā niruddhā honti. Tatiyaṃ jhānaṃ samāpannassa pīti niruddhā hoti. Catutthaṃ jhānaṃ samāpannassa assāsapassāsā niruddhā honti. Ākāsānañcāyatanaṃ samāpannassa rūpasaññā niruddhā hoti. Viññāṇañcāyatanaṃ samāpannassa ākāsānañcāyatanasaññā niruddhā hoti. Ākiñcaññāyatanaṃ samāpannassa viññāṇañcāyatanasaññā niruddhā hoti”. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tương ưng bộ, tập 4, phẩm Sống một mình, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, trang 350-351.

[10] “Evaṃ vutte, vacchagotto paribbājako bhagavantaṃ etadavoca – ‘‘atthi nu kho, bho gotama, koci gihī gihisaṃyojanaṃ appahāya kāyassa bhedā dukkhassantakaro’’ti? ‘‘Natthi kho, vaccha, koci gihī gihisaṃyojanaṃ appahāya kāyassa bhedā dukkhassantakaro’’ti”. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trung bộ, tập 2, kinh Ba minh Vacchagota, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, trang 310.

[11] “Idaṃ kho, Mahārāja, sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ purimehi sandiṭṭhikehi sāmaññphalehi abhikkantatañca paṇītatarañca. Imasmā ca pana, Mahārāja, sandiṭṭhikā sāmaññaphalā aññaṃ sandiṭṭhikaṃ sāmaññphalaṃ uttari- taram vā paṇītataraṃ vā natthī”. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trường bộ, kinh Sa môn quả, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét